Lúng liếng duyên “đào” Hà Thảo

Hà Thảo bước chân vào lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 15 tuổi, khi Nhà hát về làng Then (xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) quê cô tuyển học viên. Hà Thảo bắt đầu cuộc sống xa nhà từ đó.
Ở thời buổi kịch hát dân tộc đang trên đà xuống dốc, tìm được một giọng ca hay, có nhan sắc, lại sẵn sàng chịu khổ, chịu khó theo nghề là điều không dễ dàng. Các thầy cô rất ưng ý khi đã chọn được một gương mặt trẻ có giọng ca vàng như Hà Thảo.

Có lẽ, do Hà Thảo sinh ra và lớn lên ở ngôi làng có truyền thống văn nghệ, người trong làng hầu như ai cũng thích và cũng biết hát dân ca. Chính môi trường này đã nuôi dưỡng giọng hát của Hà Thảo. Hơn 10 năm học tập và công tác, Hà Thảo trở thành gương mặt nổi bật của Nhà hát Chèo Việt Nam.


Nghệ sĩ Hà Thảo hóa thân vai ni cô Đàm Vân trong vở chèo “Ni cô Đàm Vân”.

Học lớp diễn viên chèo, Thảo được chọn đóng những vai nữ chín. Ví như, trong “Quan Âm Thị Kính”, cô được chọn đóng Thị Kính. Học toàn tích cổ, nhưng vai đầu tiên của Thảo trên sân khấu lại là vai hồn ma trong vở “Giếng thơi trong lòng phố” (tác giả Chu Thơm, đạo diễn Lê Hùng) chỉ xuất hiện vài phút trên sân khấu mà được trao Huy chương Bạc trong Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc về đề tài hiện đại (năm 2011). Đến khi được giao vai ni cô Đàm Vân trong vở diễn cùng tên thì Thảo tỏa sáng.

Lúc này, tuy còn trẻ, chưa dạn dĩ với sàn diễn, song Hà Thảo đã vào vai Đàm Vân-người phụ nữ hiền lành, đồng thời là nữ chiến sĩ cách mạng một cách tự tin. Vở “Ni cô Đàm Vân” của nhà viết kịch Học Phi, đạo diễn Vũ Ngọc Minh được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của sân khấu cách mạng Việt Nam. Đàm Vân là một nhân vật khó của sân khấu, đòi hỏi diễn viên nói chung phải có nội lực mạnh mẽ, riêng kịch hát yêu cầu phải có giọng ca tốt.

Thành tích lớn nhất của Hà Thảo là đoạt Huy chương Vàng cho vai Sen trong vở “Đường trường duyên phận” của cố tác giả Trần Đình Văn, đạo diễn Đoàn Đình Vinh. Năm 2013, khi dựng vở này để tham dự Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc, lãnh đạo Nhà hát không đặt nhiều hy vọng. Thế nhưng, khi lên “sàn đấu”, thế cờ lại đảo chiều, “Đường trường duyên phận” tuy đơn giản mà lại hay, đoạt huy chương bạc; đào chính, kép chính đều đẹp cả về giọng ca lẫn nhan sắc, diễn xuất như thật.

Từ lúc học, với vẻ hiền lành mà Hà Thảo được “đóng đinh” với những vai nữ chín nhu mì, đôn hậu. Vai diễn mà Thảo thích nhất là nàng Thiệt Thê trong vở diễn cùng tên của Nhà hát Chèo Việt Nam. Vở diễn do đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng cùng ê kíp làm mới từ vở chèo cổ kinh điển “Chu Mãi Thần”.

Nàng Thiệt Thê xinh đẹp, hát hay, múa giỏi nhưng vì không chịu nổi cảnh sống bần hàn đã bỏ chồng ra đi mong tìm cuộc sống khác. Gặp anh Tuần ty từ Huế ra, Thiệt Thê cũng tham giàu mà đi theo để rồi phải chứng kiến cơn ghen có một không hai của người vợ cả.

Thiệt Thê thuộc loại vai nữ pha, bản tính tốt song không cam chịu khổ cực mà ham vui, ham cuộc sống giàu sang và cố mọi cách để đạt được điều ấy. Đã có nhiều diễn viên xuất sắc khi vào vai này, song Thiệt Thê của Hà Thảo có một nét riêng, ấy là cái sự nông nổi, mong manh, vừa đáng giận, vừa đáng thương khiến người xem rơi nước mắt hơn là ghét.

Hà Thảo tâm sự, cô yêu nghề này, dù nhiều lúc vất vả do phải đi lưu diễn các tỉnh, xuất phát lúc đầu giờ chiều, kết thúc buổi diễn về đến nhà là nửa đêm. Diễn ngoài trời, nhiều hôm mưa ướt hết người vẫn không được nghỉ, đến nỗi hôm sau ốm luôn… Lớp học của Hà Thảo ngày ấy có 20 diễn viên, giờ chỉ còn lại hơn 10 người làm nghề. Hà Thảo chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ hát chèo, mà muốn khám phá diễn xuất của mình trong đa dạng các nhân vật trên sân khấu nghệ thuật chèo.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân- Bài và ảnh: HÀ AN

top border