Khi các nhà hát nghệ thuật truyền thống “đỏ mắt” tìm diễn viên trẻ

5 năm trở lại đây, các nhà hát nghệ thuật truyền thống (Tuồng, Chèo, Cải lương) đều trong tình trạng không tuyển được diễn viên trẻ, lý do hoặc không có chỉ tiêu tuyển dụng, hoặc không có người dự tuyển.
Bởi ngay khi tuyển đầu vào ở các trường nghệ thuật, ngành nghệ thuật Tuồng đã không có thí sinh dự thi; nghệ thuật Cải lương và Chèo thì cũng ít khi tuyển đủ chỉ tiêu. Thực trạng này khiến cho các nhà hát chỉ vài năm nữa sẽ không có đội ngũ kế cận.

Trường không có sinh viên, nhà hát “đói” diễn viên

Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là nơi đào tạo nghệ sĩ tương lai cho đất nước, nhưng nhiều năm qua bộ môn Tuồng không có sinh viên, bộ môn Cải lương và Chèo cũng luôn trong tình trạng èo uột vì thiếu sinh viên.


Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống rất kén khán giả.

Tuồng có thể nói là môn khó nhất trong các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Là loại hình nghệ thuật bác học, tuồng không chỉ khó đào tạo mà cũng rất khó tiếp cận công chúng vì khó xem nên rất kén khán giả. Đã thế, trong khi cải lương và chèo đã được đào tạo hệ đại học, còn tuồng cho đến nay vẫn chỉ có hệ trung cấp. Do ra trường chỉ có bằng trung cấp nên hệ số lương của các nghệ sĩ tuồng thấp nhất trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống, vì thế càng khó tuyển sinh.

NSND Phạm Ngọc Tuấn (Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam) cho biết: “Nhà hát có rất nhiều NSND, NSƯT cho nên lực lượng giảng dạy có trình độ rất cao. Tuy nhiên, do bằng cấp của các NSND, NSƯT của Nhà hát Tuồng Việt Nam chỉ là trung cấp nên lương rất thấp. “Nghệ sĩ cả đời phấn đấu, cống hiến mới được phong NSND, NSƯT, nhưng lương thấp thế thì ai người ta vào”, ông Tuấn cảm thán.

Trụ sở Nhà hát Tuồng Việt Nam là rạp Hồng Hà nằm ở vị trí đất vàng, số 51 Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhưng cũng chẳng thể giúp tăng thu nhập cho các nghệ sĩ. Trong câu chuyện với chúng tôi, Giám đốc Phạm Ngọc Tuấn cho biết, lâu nay nhà hát chỉ bán vé được cho khách du lịch nước ngoài, nhưng cũng rất ít; còn khán giả Việt Nam thì chẳng ai bỏ tiền mua vé xem tuồng. Nhà hát chỉ thu được tiền từ các loại hình biểu diễn vào dịp lễ hội đầu xuân năm mới, người ta mời diễn viên tuồng về để diễn hầu thánh; còn lại thu nhập của anh chị em nghệ sĩ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước cấp. Không có thêm nguồn thu ngoài ngân sách nên thu nhập của các nghệ sĩ rất thấp bởi bằng cấp của anh chị em chỉ trung cấp. Vì vậy rất khó tuyển diễn viên trẻ.

“Nhân lực không có làm sao mà giữ, mà bảo tồn được nghề. Cho nên muốn thay đổi phải thay đổi từ chính sách đào tạo, chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ tuồng nói riêng và nghệ sĩ sân khấu truyền thống nói chung thì nó mới có thể thay đổi được, mới thu hút được tài năng, mới có được người làm nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật thì phải có con người, con người mới là quyết định quan trọng”, Giám đốc Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội 5 năm qua cũng không tuyển thêm được bất cứ một nghệ sĩ nào, còn Nhà hát Chèo Việt Nam thì chỉ tuyển được một thời gian ngắn là diễn viên lại bỏ vì thu nhập thấp.

Người ta vẫn thường nói “Thầy già con hát trẻ” nhưng “con hát” trẻ nhất tại các nhà hát cũng đều đã ngoài… 30 tuổi trở lên. NSƯT Mẫn Đức Kiên (Nhà hát Chèo Việt Nam) lo lắng vì chỉ vài năm nữa, Nhà hát sẽ không còn diễn viên trẻ. “Gọi là nghệ sĩ trẻ nhưng hiện đều đã ngoài 30, mà biểu diễn nghệ thuật, diễn viên chỉ hơi già một tí lên sân khấu nhìn đã thấy chối. Bây giờ không có chế độ cho người trẻ thì làm gì còn ai đến với nghệ thuật chèo nữa. Ai là người gìn giữ? Một quốc gia có tồn tại được hay không là do nền văn hóa. Bây giờ cứ mai một dần đi thì không hiểu mai sau còn gì để giữ. Nghĩ cũng cực, lương thấp, không có thời gian đi làm ngoài; trong khi người ta diễn show ở ngoài bằng cả tháng lương, tội gì vào nhà hát. Những người làm hợp đồng có đôi ba triệu thì người ta không biết có đủ tiền thuê nhà không”, NSƯT Mẫn Đức Kiên than thở.

NSND Triệu Trung Kiên (Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) thống thiết: “Tình hình chung của các nhà hát đều thiếu nguồn nhân lực trẻ. Các bạn trẻ học xong phổ thông phải tìm nghề gì để đảm bảo tương lai, có yêu đến mấy mà nghe nói nghệ thuật khó khăn thì làm sao mà muốn theo nên không thi vào nữa. Nếu tình hình cứ như thế này thì trong những năm tới đây sẽ không còn nguồn nhân lực trẻ nữa. Cả Nhà hát Cải lương Việt Nam chỉ còn một vài diễn viên trẻ nhưng sau 5-10 năm nữa thì sẽ rất khó nếu như không có hành động ngay bây giờ. Bằng mọi cách phải cho người trẻ thấy đi theo con đường này vẫn sống được. Bằng mọi cách để làm cho nghề sân khấu trong khó khăn vẫn phải rực rỡ, và phải có cách nào đó để phục hưng nghệ thuật truyền thống”.

Theo ông Kiên, gần đây có một xu hướng rất hay là đưa chất liệu âm nhạc dân tộc vào tác phẩm mới đã tạo ra sức hút. Ví dụ gần đây nhất là bài “Thị Mầu” của Hòa Midu, hay Hoàng Thùy Linh hoàn toàn đưa chất liệu dân tộc vào tác phẩm và thành công. Giới trẻ không hoàn toàn xa rời giá trị dân tộc mà họ làm giá trị dân tộc ấy như thế nào; nghệ thuật dân tộc cũng cần phải tiếp cận với thực tại.

“Chúng ta một mặt vẫn bảo tồn nhưng bên cạnh đó cũng phải cải cách; cần phải có xu hướng nghệ thuật truyền thống phù hợp với giới trẻ, giới trẻ phải thích, và phải hòa vào với giới trẻ. Đây cũng là cuộc thử thách với giá trị truyền thống. Giá trị nào cần lưu giữ bất biến thì phải giữ nguyên bản, còn giá trị nào cần phải hòa vào thì phải làm cho nó tươi mới. Chỉ khi đấy, các cháu, các em mới thích, mới vào nhà hát, thì lúc đấy mới có thế hệ tiếp nối. Hiện tại nếu chúng ta cứ giữ những quan điểm bảo thủ của mình thì rất khó phát triển”, ông Kiên nói.

Cần một chính sách dài hơi cho nghệ thuật truyền thống

Đề cập tới tình trạng thiếu diễn viên trẻ tại các nhà hát nghệ thuật truyền thống; rồi hai trung tâm đào tạo diễn viên nghệ thuật truyền thống là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cũng không thể tuyển được diễn viên kịch hát dân tộc, NSND Giang Mạnh Hà (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) cho biết, cả chục năm nay, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã lên tiếng trong nhiều hội nghị, hội thảo về thực trạng của sân khấu truyền thống kịch hát dân tộc. Ngành nghề nào cũng từ yếu tố con người. Có nhân tài mới tạo được công trình, sản phẩm cho xã hội, nhưng bây giờ không đào tạo được thì dần dần nghệ sĩ tài năng lớn tuổi rồi nghỉ hưu, nghệ thuật truyền thống sẽ bị thất truyền.


Nghệ thuật chèo cũng dần thưa vắng khán giả.

Ông Hà cho rằng, thực tế không thiếu các hạt giống tài năng nghệ thuật. Các em vẫn sẵn sàng thi tuyển vào các trung tâm và các trường sân khấu điện ảnh, các trường múa và nhạc viện. Nhưng vấn đề là khi các em học xong ra trường thì sẽ được gì cho cuộc sống, cho tương lai, sự nghiệp. Vào môi trường làm nghề để sáng tạo nghệ thuật mà không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu nên các em không thi vào nữa. Thực trạng khủng hoảng diễn ra từ rất nhiều năm, vì thế cơ quan quản lý nhà nước và ngành giáo dục đào tạo phải có giải pháp. Vấn đề có làm quyết tâm, quyết liệt với một tầm nhìn chiến lược hay không, như phải có lộ trình đến năm nào là phải đào tạo ra được bao nhiêu nhạc công, nghệ sĩ diễn viên của các trường nghệ thuật.

Nói về mức lương của nghệ sĩ, ông Hà so sánh, trong khi một nhân viên bảo vệ ở doanh nghiệp đã lĩnh lương 6-8 triệu đồng/ tháng, thì các diễn viên trẻ mất tới 4-5 năm học đại học sân khấu điện ảnh mà đi làm lương chưa được 3 triệu đồng/tháng, lại không có nhà ở tập thể. Bên thể thao còn có khu huấn luyện cho vận động viên ở không mất tiền, còn ở nhà hát lại không có chỗ để nghệ sĩ ở, anh em nghệ sĩ lại phải bỏ tiền ra thuê ở ngoài.

“Nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trẻ mới ra trường vào nhà hát không đảm bảo cuộc sống, người ta bỏ nghề, cho nên các nhà hát không tuyển dụng được. Lao động nghệ thuật là phải khổ luyện rèn giũa, tập luyện vất vả, nhưng thu nhập không tương xứng với sức lao động thì rõ ràng người ta phải đi làm ngành khác nghề khác. Thực trạng đó mọi người biết cả nhưng cứ để thế, rồi cứ buông trôi như thế, rồi lại kêu lên là nghệ thuật truyền thống thui chột về tài năng không có ai kế cận. Dần dần triệt tiêu các đơn vị nghệ thuật. Anh em nghệ sĩ vẫn còn tình yêu, vẫn đam mê, vẫn muốn sáng tạo, cống hiến cho công chúng, nhưng phải có chính sách chiêu hiền đãi sĩ, phải có chính sách trọng dụng, sử dụng và trân trọng nhân tài sẽ giữ được người tài. Chứ nếu tính nghệ sĩ tài năng cũng như lao động cơ bắp thì điều đó rất khó, không ai đi theo nữa”, NSND Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.

Nguồn: Báo An Ninh Thế Giới Online – Trần Mỹ Hiền

top border