Du lịch Quảng Ninh hậu Covid- Sức hút từ hàng loạt sản phẩm mới lạ

Bằng sự tăng trưởng vững vàng qua các mùa dịch và sức hấp dẫn, tươi mới giai đoạn hậu Covid-19, du lịch Quảng Ninh đang từng bước hồi sinh và không ngừng khẳng định vị thế.

Bí quyết của điểm đến du lịch số 1 phía Bắc

Du lịch Quảng Ninh hậu COVID-19 - Sức hút từ hàng loạt sản phẩm mới lạ ảnh 1
Bản sao của Premier Village Halong Resort

Covid -19 đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để đánh giá “sức khỏe” và sự năng động, khả năng thích ứng của các điểm đến. Trong khi nhiều địa phương lao đao và gần như “đóng băng” vì dịch bệnh, Quảng Ninh vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định trong 2 năm qua. Thậm chí năm 2020, có thời điểm vào mùa hè, lượng khách còn cao hơn năm 2019. Chín tháng đầu năm 2021, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt khoảng 2,584 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch đạt 5.045 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu quý 4 đón 2 triệu lượt khách du lịch, đạt tổng doanh thu từ 4.000 đến 4.500 tỷ đồng.

Với chiến lược thiết lập điểm đến an toàn, kích cầu du lịch bài bản, chính sách ưu đãi hấp dẫn, các tour du lịch khép kín cùng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, Quảng Ninh trở thành tâm điểm thu hút du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại phía Bắc. Tại hội thảo “Du lịch Quảng Ninh giai đoạn bình thường mới: Cơ hội và Thách thức” do Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức ngày 30.10 vừa qua, ông Phạm Ngọc Thuỷ – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định: “Năm 2020, chỉ cần dịch được kiểm soát tương đối, lập tức ngành du lịch Quảng Ninh mở ra để doanh nghiệp phục hồi. Và trong năm 2021, những lúc nào có thể tận dụng được là chúng tôi tận dụng. Tỉnh Quảng Ninh đi đầu trong những tỉnh thực hiện biện pháp cứng rắn nhưng cũng rất sớm trong việc mở cửa”.

Sức hút từ những sản phẩm du lịch đẳng cấp và thức thời

Phát huy nền tảng của một điểm du lịch nổi tiếng, trong những năm gần đây, Quảng Ninh liên tục tăng cường nội lực và nâng cao vị thế điểm đến. Cùng với việc tích cực tháo gỡ các điểm tắc nghẽn, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu về phát triển hạ tầng, tạo “mạch máu” lưu thông cho sự phát triển du lịch – kinh tế – xã hội và sở hữu nhiều công trình, sản phẩm du lịch đẳng cấp, mới lạ, tiêu chuẩn quốc tế.

Bảo Hải Linh Thông Tự 

Với sự vào cuộc quyết liệt của các tập đoàn kinh tế hàng đầu cả nước đặc biệt như Sun Group, Quảng Ninh đã có một hệ sinh thái hoàn chỉnh gồm hạ tầng giao thông – du lịch nghỉ dưỡng- vui chơi giải trí – bất động sản cao cấp với sân bay quốc tế, cảng tàu khách quốc tế, cao tốc hiện đại, những khu nghỉ dưỡng 5 sao, công viên quy mô châu lục,… mà khó địa phương nào có được.

Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động du lịch, tập đoàn này vẫn liên tiếp cho ra đời và nâng cấp các sản phẩm mới tại Quảng Ninh như khai trương khu nghỉ dưỡng khoáng nóng chuẩn Nhật Yoko Onsen Quang Hanh, quần thể tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự tại núi Ba Đèo, ra mắt thực đơn và nhà hàng mới tại khu nghỉ dưỡng Premier Village Halong Bay Resort, triển khai thêm sản phẩm giải trí dành cho trẻ em và phủ xanh công viên Sun World Halong Complex… Các sản phẩm du lịch mới đã nhận được phản hồi tích cực từ du khách cả nước, góp phần tạo lực hút đáng kể để Quảng Ninh phục hồi hậu Covid. Tới đây, Sun Group cho biết sẽ tiếp tục đầu tư và đồng hành cùng tỉnh cho giai đoạn bình thường mới.

Ông Phạm Ngọc Thuỷ – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh chia sẻ: “Tôi rất kỳ vọng vào những sản phẩm mới của tập đoàn Sun Group. Điều này sẽ tạo động lực rất lớn cho sự phát triển du lịch Quảng Ninh, đóng góp vào những hoạt động du lịch được trải rộng khắp cả vùng như chúng ta mong muốn”.

Yoko Onsen Quang Hanh 

Bên cạnh Sun Group, nhiều tập đoàn và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành lớn cũng tích cực tung ra các sản phẩm bắt kịp thời cuộc, tạo đòn bẩy để du lịch Quảng Ninh phát triển trong bối cảnh mới. Ông Phùng Hữu Hoàng – Đại diện Saigontourist, Phó Chủ tịch CLB MICE Vietnam cho biết hãng đang triển khai các sản phẩm đón đầu xu thế như du lịch luồng xanh, dịch vụ du lịch thải độc – detox tour tại các điểm đến Legacy Yên Tử, Yoko Onsen Quang Hanh, Premier Village Halong Bay Resort… dành cho các đối tượng khách hàng có thu nhập cao, muốn cải thiện sức khỏe và tìm đến những dịch vụ cao cấp.

Hiện Quảng Ninh cũng chủ trương đẩy mạnh du lịch an toàn, liên kết du lịch an toàn với các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh và phát triển các tour du lịch “khép kín”. Tỉnh cũng đồng thời triển khai đồng bộ các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch với chuỗi 50 sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch, nhiều chương trình khuyến mãi và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh một điểm đến du lịch an toàn – thân thiện – hấp dẫn.

Sức mạnh từ các lợi thế riêng có và sự đồng lòng, quyết liệt từ chính quyền tới các doanh nghiệp du lịch hứa hẹn sẽ mang đến cho Quảng Ninh những dấu ấn mới trong giai đoạn tới, không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho mùa thu đông 2021 mà còn khẳng định vị thế điểm đến hàng đầu miền Bắc.

Bế mạc “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021”: Trao giải cho những tác phẩm và nghệ sĩ xứng đáng

VHO- Đúng như lời chia sẻ của Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông: “Sẽ không có sự phân biệt giữa đoàn nghệ thuật công lập hay xã hội hóa, Trung ương hay địa phương, cũng không có sự phân biệt về tuổi tác làm nghề…”, kết quả giải thưởng của Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đã được trao cho những vở diễn hay nhất, những nghệ sĩ tài năng nhất.

Sáng  17.11, tại Nhà hát Tháng Tám, Thành phố Hải Phòng đã diễn ra Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2021 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức. Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ Trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan nhận định: Thêm một lần nữa, chúng ta thấy được sức sáng tạo, luôn bám sát những vấn đề của cuộc sống đương đại đúng như thế mạnh của loại hình Kịch nói, tạo nên liều vắc – xin tinh thần trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Tôi rất mừng khi ở Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng cả về nghệ thuật và hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên và thiết kế mỹ thuật, âm nhạc đã được quan tâm, đầu tư có chất lượng cao, tôi nhất trí với đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật đã nêu ra tại Liên hoan lần này.

PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu Bế mạc liên hoan
PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL trao Huy chương Vàng cho các vở diễn

Với sự tham gia của 14 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, 20 vở diễn dự thi, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đã khép lại trong niềm hân hoan xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của các nghệ sĩ và người làm nghề. Liên hoan với nhiều thể loại, đề tài, từ lịch sử đến hiện đại, từ thời chiến đến thời bình, từ nông thôn đến thành thị đã được các nghệ sĩ dự thi đã thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, truyền đi những thông điệp đậm tính nhân văn.

Liên hoan năm này diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều tiềm ẩn, nguy cơ dịch bùng phát, do đó ban tổ chức yêu cầu đoàn tham dự liên hoan thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid của Chính phủ và Thành phố Hải Phòng. Và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo tinh thần 5K, như: đại biểu và khách khi vào xem phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn, Nhà hát chỉ đón tối đa 50% lượng khách vào xem, khán giả ngồi cách ghế…

Trong thời gian tổ chức Liên hoan, qua những hình tượng trên sân khấu, cảm nhận sâu sắc lòng yêu nghề từ các diễn viên. Họ đã biết gạt những vấn đề mưu sinh hàng ngày để đến với liên hoan bằng tất cả sự đam mê. Những nghệ sĩ của kịch nói trong liên hoan lần này, phần lớn vừa có năng khiếu bẩm sinh, lại được đào tạo  bài bản, có sự đam mê với nghề, được rèn luyện qua thực tiễn nên những sáng tạo của họ luôn chân thực.

NSƯT Lê Chức, thành viên Hội đồng nghệ thuật Liên hoan trao giải tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ xuất sắc nhất
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam  trao Huy chương Bạc cho các vở diễn.
Phó GĐ Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng Phạm Thị Thu Trang trao Huy chương Đồng cho các vở diễn

Đánh giá tổng kết Liên hoan, NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, chia sẻ: Một Hội đồng nghệ thuật có uy tín đã được thành lập, chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng nghệ thuật của Liên hoan. Việc tổ chức trình diễn đã được các đơn vị đầu tư thỏa đáng vào các khâu chính như: Kịch bản, đạo diễn, diễn viên và các bộ phật kỹ thuật vv… Do vậy người làm sân khấu có được những điều kiện tốt nhất để bộc lộ tài năng sáng tạo, người xem được thưởng thức một cách đồng bộ cái đẹp cái hay, cái hấp dẫn của vở diễn. Người xem còn bắt gặp những hình tượng nhân vật của quá khứ lịch sử, những sự kiện và con người đương thời với nhiều tính cách dữ dội, mãnh liệt, được trải nghiệm những khoảnh khắc thăng hoa của diễn xuất.

Phó Cục trưởng Cục NTBD, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Trần Hướng Dương  lên trao giấy chứng nhận cho Hội đồng Nghệ thuật

Với cái nhìn tổng quan về tổng thể Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 có thể thấy được sân khấu đang có nhiều thay đổi, đang có nhiều cái mới về nội dung và hình thức. Đề tài được phản ánh trong Liên hoan rất phong phú, mới và có giá trị dự báo. Khán giả của Liên hoan đã được xem Đường chân trời của Kịch Hải Phòng nói về người phụ nữ trong xã hội hôm nay, xã hội hiện đại với những trăn trở kiếm tìm hạnh phúc. Cũng nói về chiến tranh nhưng Thiên định của Hải Dương phản ánh sự sám hối của người lính đối phương trước sự tàn bạo đến phi lý của người Mỹ đối với người dân Việt Nam. Hố đen của Nhà hát kịch Quân đội đề cập đến xã hội thời hậu chiến con người dễ bị lôi cuốn, bị hút vào những lối sống tiêu cực giống như vũ trụ bị hút vào hố đen. Thiên mệnh (Nhà hát kịch Việt Nam) là một vở diễn tốt cả về hình thức và nội dung là một lý giải mới về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ với những người em của mình sẵn sàng làm tất cả cho cho cơ nghiệp nhà Trần. Vở Điều còn lại của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là vở về đề tài chiến tranh nhưng với nhiều tình huống cho phép khám phá đời sống nội tâm của nhân vật. Một vở kịch đạt tới sự thanh lọc về cảm xúc bi kịch. Với 2 vở Ngược chiều gió và Ao làng của  Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến Liên hoan sự trẻ trung trong cách nhìn cuộc sống hiện đại, phản ứng của Ngược chiều gió không chấp nhận lối sống giả dối thì Cái ao làng lại đặt gia vấn đề lấp hay không lấp cái ao mà dưới lòng ao chứa nhiều rác rưởi.  Nhà hát Kịch Hà Nội đến với Liên hoan bằng tiếng nói ẩn dụ với thủ pháp giả định Làng song sinh có chủ đề rất triết lý. Mảng kịch lịch sử có một số tìm tòi thú vị như Làm vua (Sân khấu Lệ Ngọc) được thể hiện rất gần với phong cách kịch cổ điển châu Âu qua độc thoại của nhân vật vua và hoàng hậu.

Trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc lần này, bên cạnh những thành công về công tác đạo diễn như Lê Quý Dương trong Làm vua, NSND Lê Hùng trong Con đò của mẹ,  Thiên Định,  NSƯT Đỗ Kỷ đạo diễn vở Thiên Mệnh … còn có một số tác phẩm được các đạo diễn trẻ thể hiện rất thành công như  NSƯT Kiều Minh Hiếu trong vở Điều còn lại, NSND Trung Hiếu trong vở Làng song sinh có tìm tòi và xử lý khá hấp dẫn. ….

Vở Làng song sinh của Nhà hát Kịch Hà Nội được trao Huy chương Vàng
Vở Làm vua của Công ty TNHH NT Sân khấu Lệ Ngọc được trrao Huy chương Vàng

Từ góc nhìn đạo diễn đã thấy sự kế thừa những tinh hoa của thế hệ tiền bối, thế hệ đi trước. Những cái mới thường xuất hiện từ các đạo diễn trẻ, tác giả trẻ được đào tạo bài bản từ ngôi trường nghệ thuật. Một trong những yếu tố làm lên thành công về mặt nghệ thuật trình diễn trong liên hoan lần này là nghệ thuật đạo diễn. Hội đồng nhận thấy có hai dòng chủ lưu của công tác đạo diễn là: Đạo diễn theo phong cách tạo hình, hoành tráng với khuynh hướng đập vào thị giác (cách dàn dựng của đạo diễn sân khấu như NSND Lê Hùng, NSND Trung Hiếu, Lê Quý Dương, NSND Trần Ngọc Giàu … và một dòng khác theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng khắc họa nội tâm như NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Sĩ Tiến…

Nhân tố nổi bật thành công tại Liên hoan này chính là sân khấu kịch nói đã có một đội ngũ diễn viên trẻ, giàu nhiệt huyết, trong sáng tạo các hình tượng nhân vật.  28 nghệ sĩ được trao HCV lần này như: NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Bùi Phương Nga, Minh Hải, Tô Tuấn Dũng, Việt Hoa (Nhà hát Kịch Việt Nam), Nguyệt Hằng, Thanh Bình, Bá Anh (Nhà hát Tuổi Trẻ), Tiến Lộc, Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội), NSƯT Lê Thị Mai Phương, Lê Khả Sinh, Trần Thị Thường (Nhà hát Kịch Quân đội), NSƯT Thanh Hiền, NSƯT Hoàng Tùng (Hội Sân khấu Hà Nội), NSND Lệ Ngọc, Văn Hải, Anh Tuấn (Công ty TNHH NT Sân khấu Lệ Ngọc), Đào Thanh Mai, Nguyễn Đăng Hoà (Nhà hát Công an nhân dân), NSƯT Trọng Huỳnh (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn)…  không chỉ có kỹ năng chuẩn chỉ mà còn thể hiện được tài năng thực sự của chính mình.

Liên hoan đã kết thúc để lại trong lòng khán giả một dư âm lạc quan, tin tưởng vào hoạt động của giới sân khấu một cách tích cực hiệu quả trong thời gian và không gian chúng ta vừa kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch Việt Nam. Thành công của Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 cho thấy lòng yêu sân khấu của những người làm sân khấu vẫn còn cháy bỏng, vẫn yêu thánh đường của mình đó là sàn diễn.

THUÝ HIỀN, Ảnh : LÊ THUỶ (Báo Điện tử Văn hóa)

Vở Hồng Hà nữ sĩ: Đậm chất Chèo cổ, trữ tình và sâu lắng

VHO- Đêm diễn tổng duyệt vở Hồng Hà nữ sĩ vừa qua tuy chỉ có sự tham gia của các đại biểu và một số khán giả yêu Chèo Hà Nội, thế nhưng tất cả đều đã bị chinh phục bởi sự mẫu mực từ kịch bản, cách dàn dựng cho đến diễn xuất đỉnh cao của các nghệ sĩ đến từ “cánh chim đầu đàn” Nhà hát Chèo Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự và tặng hoa động viên ê kíp sáng tạo vở và các nghệ sĩ.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa động viên các nghệ sĩ sau đêm tổng duyệt

Hồng Hà nữ sĩ đánh dấu sự trở lại của tác giả Trần Đình Ngôn (Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT), cây đại thụ của làng Chèo đã thêm một lần khẳng định tài năng uyên bác qua sự chuẩn chỉ trong cấu trúc kịch bản, văn phong ngôn ngữ và đặc biệt là các làn điệu Chèo cổ được khai thác và tỏa sáng trên sân khấu. Vở diễn được NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nữ Tiến sĩ hiếm hoi của làng Chèo dàn dựng. Là thành viên của Hội đồng tổng duyệt chương trình, PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định: “Tôi rất vui vì lâu lắm mới được xem một vở đậm chất Chèo như Hồng Hà nữ sĩ. Ê kíp sáng tạo đã chắt chiu tư liệu lịch sử để sáng tạo ra một tác phẩm nói về nhân vật lịch sử Đoàn Thị Điểm. Ca ngợi một bậc tiền nhân với những áng thơ bất hủ càng tăng thêm chất trữ tình, trong sáng cho vở diễn”.

Tác giả Trần Đình Ngôn chia sẻ: “Tôi chọn xây dựng hình tượng Đoàn Thị Điểm vì bà khác với nhiều nữ sĩ khác trong lịch sử, ở bà nổi trội lên đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Về tài văn thơ cũng như tài đối đáp thông minh của bà đã có nhiều người viết, nhưng bà còn là một phụ nữ yêu nước và có tầm nhìn của một chính trị gia, đồng thời lại rất xinh đẹp, đức hạnh và hiếu nghĩa. Cha mất sớm, bà cùng anh trai phụng dưỡng mẹ già. Rồi anh trai cũng mất để lại chị dâu cùng con nhỏ. Bà về làng dạy học, bốc thuốc, thay anh nuôi mẹ cùng các cháu và chị dâu bệnh tật. Đến năm 37 tuổi, bà mới nhận lấy Tiến sĩ Nguyễn Kiều, một người nổi tiếng hay chữ và thanh liêm. Bà chưa muốn đến với cuộc hôn nhân muộn màng nhưng mẹ già và cả nhà giục giã, đồng thời cũng vì tình thương những đứa trẻ, con riêng của chồng mất mẹ. Nổi bật lên ở nữ sĩ đó là sự cảm thông với số phận của người phụ nữ mà hy sinh quên cả bản thân mình”.

Bản thân nhân vật Đoàn Thị Điểm không có quá nhiều những biến cố tạo kịch tính để đẩy lên thành cao trào cho sân khấu, nhưng tác giả và đạo diễn đã tìm ra một chìa khóa riêng, khai thác chất trữ tình, chất văn chương và xây dựng lên một hình mẫu phụ nữ lý tưởng, tỏa sáng nét đẹp từ những ứng xử nhân văn, đầy tình người của nữ sĩ. Cốt truyện có phần đơn giản nhưng điều làm người xem thích thú là được khoan khoái, thư giãn để trở về những làn điệu Chèo cổ mượt mà, trữ tình, sâu lắng. Bên cạnh đó, những mảng miếng hài cũng được đan cài khéo léo để tăng sức hấp dẫn cho vở qua những màn đối thơ, màn ăn hỏi hụt…

Một cảnh trong vở diễn

Tham gia biểu diễn có nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam, từ những “cây đa cây đề” như NSƯT Kim Liên (vai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), NSƯT Phú Kiên (Chánh sứ Nguyễn Kiều) cho tới những diễn viên trẻ mới làm nghề… Sự tinh tế, chuẩn chỉ của các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, kết hợp với sự tươi mới, nắm vững cơ bản của lớp diễn viên trẻ cho thấy công tác bồi dưỡng lớp diễn viên trẻ kế cận đã được Nhà hát Chèo Việt Nam quan tâm, phát triển đúng hướng.

Có thể nói, thời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm liệu có mấy ai đủ dũng cảm để từ chối làm cung phi của Chúa, vậy mà bà đã vượt lên những ràng buộc của thể chế quân vương bảo thủ để có tầm suy nghĩ như một chính trị gia, thậm chí còn đưa ra 10 điều luận bàn về việc xây dựng đất nước, mơ về một quốc gia thịnh trị với vua sáng tôi hiền… Câu chuyện cách nay 300 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự khi tái hiện trên sân khấu Chèo những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thấm đẫm tình người và đức hy sinh quên mình cho gia đình nói riêng và cộng đồng nói chung. Điều đó thật có ý nghĩa trong giai đoạn cả nước đang cùng chung tay vượt qua những khó khăn, cam go bởi dịch bệnh.

 Chèo đang đứng trước thách thức đổi mới để tồn tại

Để nâng cao chất lượng tác phẩm, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã mời một số chuyên gia ở từng thể loại sân khấu góp ý để các tác phẩm hoàn thiện tốt hơn trong mỗi đợt tổng duyệt chương trình.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các chương trình văn hóa, giải trí ngập tràn trên Internet, trên sóng truyền hình khiến cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng bị lấn át và có nguy cơ mai một nếu không có định hướng phát triển phù hợp. Để Chèo đến gần hơn với công chúng, được khán thính giả yêu thích, việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật Chèo là cả một vấn đề nan giải. Với những cố gắng, nỗ lực, làng Chèo Việt Nam mong muốn và hy vọng sẽ làm cho công chúng ngày càng biết đến và yêu Chèo nhiều hơn. Những vở diễn mẫu mực như “Hồng Hà nữ sĩ” thể hiện khuynh hướng nghệ thuật đúng đắn, đó là: Làm Chèo không thể cứ mãi vay mượn mà phải thật sự chuẩn chỉ đậm chất Chèo.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG)

Nguồn: LƯƠNG NHI – Báo Điện tử Văn hóa