Bí ẩn về rừng cây “nhảy múa” khi hoàng hôn buông xuống

Khi hoàng hôn buông xuống đảo, nước biển rút đi là lúc hàng đước lộ diện với dáng vẻ xiêu vẹo tựa như đang nhảy múa trong buổi chiều tà.

Đất nước vạn đảo Indonesia không chỉ nổi tiếng với thiên đường Bali xinh đẹp, nơi đây còn sở hữu nhiều hòn đảo hoang sơ nhưng thú vị. Một trong số đó là đảo Samba nằm trong quần đảo Nusa Tenggara chỉ cách Bali chừng một giờ bay.

Hòn đảo xa xôi này gây ấn tượng với du khách nhờ bãi biển Walakiri phủ đầy cát trắng, làn nước trong mát êm đềm.

Nhưng đây không phải lý do chính khiến khách du lịch đổ xô tới thiên đường nhiệt đới này. Điểm hấp dẫn khác phải kể tới đó là hàng chục cây đước độc đáo nằm dọc bãi biển Walakiri. Đáng nói ở chỗ, hàng đước có hình dáng đặc biệt, xiêu vẹo và kỳ lạ như thể đang nhảy múa trong nước.

Bí ẩn về rừng cây nhảy múa khi hoàng hôn buông xuống - 2
Vẻ đẹp nên thơ này chỉ có thể bắt gặp ở bãi biển Walakiri trên đảo Samba

Mỗi ngày, khi hoàng hôn buông xuống cũng là thời điểm nước biển rút đi, để lộ diện bộ rễ của những cây đước lùn. Đó cũng là lúc “điều kỳ diệu” xuất hiện. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư từ khắp nơi trên thế giới đến với bãi biển Walakiri với hi vọng chụp được bức hình hoàn hảo về khu rừng ngập mặn này. Xem qua tác phẩm của họ, bạn có thể hiểu lý do tại sao.

Bí ẩn về rừng cây nhảy múa khi hoàng hôn buông xuống - 3
Thân cây uốn lượn và xiêu vẹo như thể đang nhảy múa

Sở dĩ gọi là “rừng cây nhảy múa” bởi chúng đều có hình dáng đặc biệt, uốn lượn nhẹ nhàng còn phía dưới là sóng biển dập dềnh. Được biết, hàng cây độc đáo này chỉ xuất hiện ở đảo Samba, hiếm khi có nơi nào khác tại Indonesia. Bởi vậy, sức hút của chúng càng mãnh liệt hơn.

Theo lời khuyên của người dân địa phương, du khách nên tới đây vào ngày không mưa, trời ít mây. Đó là lúc dễ bắt gặp những khoảnh khắc ưng ý nhất.

Các nhà thực vật học giải thích, những loài cây mọc ở rừng ngập mặn hoặc xung quanh được bao phủ bởi môi trường nước thường có hình dáng kỳ lạ không theo bất cứ quy tắc nào.

Huy Hoàng/DANTRI.VN

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập “Harry Potter” lớn nhất thế giới

VTV- Mới đây, bộ sưu tập “Harry Potter” của Tracey Nicol-Lewis đã chính thức được ghi danh vào Kỷ lục Guinness cho bộ sưu tập kỷ vật Harry Potter lớn nhất thế giới.

Mới đây, người phụ nữ 47 tuổi, Tracey Nicol-Lewis đến từ Mid Glamorgan (Anh) đã được Kỷ lục Guinness công nhận sở hữu bộ sưu tập “Harry Potter” lớn nhất và bộ sưu tập kỷ vật về “Thế giới Phù thủy” lớn nhất thế giới. Bộ sưu tập khổng lồ của cô có đến 6.300 các sản phẩm liên quan đến “Harry Potter” và các tác phẩm đình đám khác của J.K. Rowling.

Nicol-Lewis chia sẻ rằng cô đã phải dành riêng 3 căn phòng chỉ để trưng bày bộ sưu tập của mình. Trong đó có 47 cây đũa phép, sách phiên bản đặc biệt, bộ LEGO, các tác phẩm nghệ thuật và ít nhất 127 mô hình nhân vật, món đồ lớn nhất mà cô sở hữu chính là một cuốn sách bìa cứng “Harry Potter và Đứa trẻ bị nguyền rủa” cao 1,5m.

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập “Harry Potter” lớn nhất thế giới khiến fan “phát thèm” - Ảnh 2.
Bộ sưu tập của Nicol-Lewis – bao gồm bộ sưu tập 47 cây đũa phép, sách phiên bản đặc biệt, bộ LEGO, tác phẩm nghệ thuật và ít nhất 127 nhân vật hành động,… (Ảnh: SWNS)

Nicol-Lewis bày tỏ: “Chính bản thân tôi cũng không ngờ rằng mình lại có nhiều kỷ vật đến thế”. Cô kể lại món đồ đầu tiên cô sưu tập là một con ếch sô cô la, cô đã mua nó khi xem “Harry Potter và Hòn đá phù thủy” vào năm 2002. Đến năm 2006, thì bộ sưu tập ấy đã lên đến 100 món.

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập “Harry Potter” lớn nhất thế giới khiến fan “phát thèm” - Ảnh 3.
Tracey Nicol-Lewis – người có bộ sưu tập kỷ vật “Harry Potter” lớn nhất thế giới (Ảnh: SWNS)

Tuy nhiên, ngoài tình yêu dành “thế giới phù thủy” của J.K. Rowling, bộ sưu tập này con mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cô về người chồng đã mất. Nicol-Lewis chia sẻ rằng, chính những món đồ này đã giúp cô vượt qua nỗi đau mất đi người chồng đầu tiên của mình – Simon. “Trước khi qua đời, anh ấy đã đặt trước bộ truyện “Harry Potter và Chiếc cốc lửa” cho tôi, tôi nhận được chúng khoảng vài tuần sau khi anh ấy ra đi. Và đó cũng là món quà cuối cùng tôi nhận được từ anh” – Nicol -Lewis kể lại.

Ngoài việc sưu tập các kỷ vật của “Harry Potter”, Nicol-Lewis còn thích cosplay “Harry Potter” và thậm chí khi kết hôn với người chồng thứ hai, Martin, vào năm ngoái, họ còn tổ chức đám cưới theo chủ đề “Harry Potter”.

Cô mặc một chiếc váy màu đỏ- vàng của nhà Gryffindor và được trang trí bằng các biểu tượng Bảo bối Tử thần. Đôi giày của cô cũng được vẽ với hình ảnh của gia tinh Dobby.

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập “Harry Potter” lớn nhất thế giới khiến fan “phát thèm” - Ảnh 4.
Nicol-Lewis sở hữu đến 6.300 mặt hàng “Harry Potter” và các sản phẩm liên quan trong “thế giới phù thủy” của JK Rowling (Ảnh: SWNS)

Mặc dù Martin không phải là một người hâm mộ “Harry Potter” như Nicol-Lewis, nhưng anh vẫn luôn ủng hộ cô. Anh cũng chính là người đề nghị cô thử giành Kỷ lục Guinness Thế giới cho bộ sưu tập của mình. Cuối cùng, chiến thắng đã đến với họ như một điều bất ngờ. Nicol -Lewis bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được biết mình đã sở hữu bộ sưu tập “Harry potter lớn nhất thế giới. Với tôi đây là nơi tôi cảm thấy hạnh phúc. Mọi thứ trong bộ sưu tập đều thật tuyệt vời. Chúng là những kỷ niệm gắn bó cùng với tôi, khiến tôi nhớ lại từng điều nhỏ nhất của những thước phim, cuốn sách,…”.

VTV.VN

“Táo quân” sẽ trở lại đón Tết Nhâm Dần

VHO- Tại thời điểm này có thể khẳng định: Chương trình Gặp nhau cuối năm- Táo quân 2022 một “món ăn tinh thần” không thể thiếu với khán giả trên cả nước sẽ lên sóng vào đêm 30 Tết. Đây được coi là chương trình truyền hình được chờ đợi trong năm.

Chúng tôi đã có cuộc nóii chuyện với đạo diễn Khải Anh liên quan đến sự trở lại của Táo quân. Đạo diễn Khải Anh cho biết: “Năm nay  là một năm đầy biến động của đời sống xã hội. Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, kéo theo đó là những đợt giãn cách xã hội kéo dài và vô vàn những điều ngổn ngang. Vì lẽ đó, xét về mặt chất liệu để dựng Táo quân – Gặp nhau cuối năm 2022 thì tương đối dồi dào nhưng để từ những mất mát và đau thương mà vẫn bật lên được tiếng cười lại không hề dễ”

Cũng theo đạo diễn Khải Anh, anh và ê-kíp đã có nhiều cuộc trao đổi, làm việc về kịch bản. Mục đích là phải giữ được thương hiệu của chương trình đã tạo nên dấu ấn trong khán giả gần 20 năm qua nhưng vẫn phải có cái mới, cái lạ, cái sáng tạo để thu hút người xem. Theo đó, bên cạnh những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc của chương trình sẽ có sự tham gia của những nhân tố mới, gương mặt trẻ. Đây chính là sự tiếp nối, là lực lượng kế cận để “nuôi chương trình” dài hơi. “Chúng tôi mong rằng chương trình  sẽ có những miếng hài mới lạ cho người xem”- đạo diễn Khải Anh nhấn mạnh.

Những gương mặt quen thuôc của “Gặp nhau cuối năm”

Ngay sau thông tin chương trình Táo quân sẽ trở lại trong dịp Tết năm nay, nhiều khán giả quan tâm việc NSND Công Lý có tham gia chương trình hay không? Nếu vì lý do sức khỏe, NSND Công Lý không tham gia được thì ai sẽ đảm nhiệm vai cô Đẩu? Liệu người này có đủ khả năng “gánh” vai đã gắn liền với tên tuổi NSND Công Lý?

Về điều này, phía VFC chưa có câu trả lời chính thức nên việc NSND Công Lý có, hay không tham gia chương trình vẫn là một  ẩn số. Trong khi khán giả hâm mộ vẫn kỳ vọng NSND Công Lý sẽ trở lại cùng chương trình trong vai Cô Đẩu.

HIện tại, chương trình Gặp nhau cuối năm đang bước vào giai đoạn chuẩn bị, tập luyện để  ghi hình diễn ra vào cuối tháng 12. Một vài nghệ sĩ thông qua các kênh riêng của mình đã ngầm xác nhận tham gia chương trình và đang đua nước rút để “học thoại”, tập luyện. Cũng như các năm trước, việc tập luyện chương trình Gặp nhau cuối năm thường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ trong ngày. Tập đêm là chuyện cơm bữa, có buồi tập kéo dài đến 2 giờ sáng. Mệt nhưng với các nghệ sĩ được “sống cùng chương trình Gặp nhau cuối năm” và đem chương trình này đến khán giả dịp Tết đến xuân về thật sự  là hạnh phúc.

Bên cạnh dàn Táo cũ và mới, một gương mặt khá cũ của Gặp nhau cuối năm là NTK Đức Hùng tiếp tục đồng hành với chương trình năm nay. Ở vai trò nhà thiết kế, anh đã mang tới cho các Táo những bộ trang phục đầy màu sắc, cầu kỳ từng chi tiết. Công việc chuẩn bị đã được anh và các đồng nghiệp làm từ nhiều tháng trước. Càng tới gần những ngày ghi hình, lượng công việc ê-kíp phải xử lý càng lớn. Tuy nhiên, NTK Đức Hùng luôn thể hiện sự vui vẻ khi được làm công việc này.

LÊ THÚY HẰNG (Báo Điện tử Văn hóa)

Phim Bông sen Vàng và Bạc Việt Nam lần đầu ra mắt khán giả Trung Đông

VHO- Diễn ra từ ngày 30.12.2021- 5.1.2022, Tuần phim Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai sẽ giới thiệu 7 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam trong 5 năm trở lại đây.

Theo đại diện Ban tổ chức, Tuần phim Việt Nam là một điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Quốc gia Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai. Trong sự kiện điện ảnh lớn đầu tiên của Việt Nam được tổ chức tại khu vực Trung Đông, Bộ VHTTDL phối hợp cùng Netflix và các đơn vị phát hành phim như Galaxy, BHD, Studio68… giới thiệu tới khán giả những bộ phim Việt không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn đa dạng về thể loại. Các phim được trình chiếu bao gồm: Bố già, Hai Phượng, Cha cõng con, Mắt biếc, Cuộc đời của Yến, Cô Ba Sài Gòn và Hoa vàng trên cỏ xanh.

Trong số này, Mắt biếc và Bố già là hai bộ phim vừa đoạt giải Bông sen Vàng và Bông sen Bạc trong hạng mục Phim Điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam 2021Cuộc đời của Yến và Cha cõng con từng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế như Liên hoan phim công chiếu Thế giới lần thứ 9 tại Philippines Liên hoan phim Quốc tế Arizona 2017, Liên hoan phim châu Á Barcelona 2019… Đặc biệt năm ngoái, Cha cõng con còn từng được trình chiếu tại Trung tâm Văn hóa Thế giới Vua Abdulaziz của Ả-rập Xê-út. Hai Phượng có sự tham gia của ngôi sao quốc tế Ngô Thanh Vân và nhận giải Phim Hành động xuất sắc tại Liên hoan phim châu Á New York 2019. Các phim còn lại đều là những bộ phim từng đại diện cho Việt Nam tham gia sơ tuyển trong hạng mục Phim quốc tế tại các kỳ Oscar, cũng như nằm trong danh sách các phim đứng đầu phòng vé tại Việt Nam.

Bố già sẽ mở màn cho Tuần phim Việt đầu tiên tại khu vực Trung Đông

Tổng đại diện Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa chia sẻ, tại Tuần phim lần này, Ban tổ chức mang theo 7 bộ phim với nhiều chủ đề phản ánh hơi thở thời đại và hướng tới nhiều đối tượng khán giả khác nhau. “Việt Nam không còn là một đất nước được biết đến bởi chiến tranh. Chúng tôi muốn lan tỏa hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, đang phát triển năng động, luôn chú trọng giữ gìn bản sắc dân tộc và đề cao những giá trị nhân văn tốt đẹp của nhân loại”, bà Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh.

Các phim tham dự Tuần phim Việt Nam sẽ được trình chiếu với phụ đề Tiếng Anh và Tiếng Ả-rập với mong muốn có thể đưa điện ảnh Việt Nam tiếp cận cả khán giả Trung Đông và quốc tế. Ban tổ chức Tuần phim cũng sắp xếp để người xem có thể thưởng thức các phim Việt theo hai hình thức là trong khán phòng và tại sân khấu lớn ngoài trời.

Triển lãm thế giới EXPO là một trong 3 sự kiện lớn nhất toàn cầu (chỉ sau World Cup và Olympics). Tính đến giữa tháng 12.2021, EXPO 2020 Dubai đã đón hơn 6,3 triệu khách tham quan. Có tới 10.461 sự kiện được tổ chức chỉ riêng trong hai tháng 10 và 11. Điểm thu hút lớn của EXPO chính là các sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao đặc sắc, trong đó có cả sự xuất hiện của các ngôi sao quốc tế như nữ ca sỹ Alicia Keys, Dàn Hợp xướng Thế giới (với đại diện của 142 quốc gia), siêu sao bóng đá Lionel Messi…

Bên cạnh Tuần phim, Ngày Quốc gia Việt Nam còn bao gồm nhiều hoạt động hấp dẫn khác như lễ diễu hành, chương trình thời trang nghệ thuật lớn mang tên “Dòng chảy bất tận”, trình chiếu video về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ trên mái vòm quảng trường Al Wasl, triển lãm tranh Xèo Chu…

BẢO AN (Báo Điện tử Văn hóa)

“Bố già” tiếp tục nhận cúp giải thưởng Ngôi Sao Xanh

VHO – Giải thưởng Ngôi Sao Xanh vừa tổ chức Gala trao giải vào tối qua 19.12, tại Nhà hát M.PLEX Studios & Theatre, TP.HCM. Giải thưởng năm nay được trao cho 27 hạng mục. Ê kíp phim Bố già được vinh danh 3 giải ở hạng mục Điện ảnh.

Sau chuỗi ngày bình chọn gay cấn, Gala trao giải Ngôi Sao Xanh lần thứ 8 – năm 2021 chính thức công bố những gương mặt đạo diễn, diễn viên, ê kíp làm phim cùng các tác phẩm xuất sắc ở lĩnh vực phim Điện ảnh, Truyền hình, Web drama và phim ngắn trên nền tảng TikTok.
Theo đó, giải Nam/nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trao cho Tiến Hoàng (vai Khoa trong phim Võ sinh đại chiến) và Kaity Nguyễn (vai Lý Linh phim Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả).

MC – Nam diễn viên Trấn Thành đồng thời nhận cúp cho các hạng mục: Nam diễn viên được yêu thích nhất (vai Ba Sang trong Bố già), Đạo diễn phim xuất sắc nhất (đề cử cùng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) và Phim điện ảnh hay nhất (Bố già). Liên tiếp nhận những chiếc cúp danh giá cho các giải thuộc hạng mục Điện ảnh. Trấn Thành chia sẻ: “Không thể tin trong một đêm nhận được nhiều giải thưởng như vậy, rất cảm ơn Ban tổ chức Ngôi Sao Xanh đã trao cho đoàn làm phim Bố già rất nhiều vinh dự và hạnh phúc thế này. Cảm ơn Hội đồng Nghệ thuật, các cô chú anh chị trong nghề đã yêu thương và dành giải thưởng này cho Trấn Thành và ê kíp”.

Là một gương mặt từng tranh tài ở Ngôi Sao Xanh năm ngoái nhưng chưa may mắn có giải, Hồ Bích Trâm trở lại tranh tài trong giải thưởng năm nay với giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất (Hạng mục Web drama). Nỗ lực được đền đáp khi vai Dương do cô đảm nhận trong phim Về nhà ăn Tết đã chạm tay đến cúp Ngôi Sao Xanh ở hạng mục này; đồng thời bộ phim cũng chiến thắng giải Web drama được yêu thích nhất. Còn với giải Nam diễn viên xuất sắc nhất, cúp được trao cho nam diễn viên hài Minh Dự.

Thạch Kim Long và Việt Hương nhận giải Nam/nữ diễn viên xuất sắc nhất hạng mục Phim truyền hình

Ở hạng mục Phim truyền hình, kết quả chung cuộc giải Nam/nữ diễn viên xuất sắc nhất lần lượt thuộc về Thạch Kim Long và Việt Hương. Nữ danh hài bày tỏ: “Việt Hương rất bất ngờ và hồi hộp khi nhận giải thưởng này trong suốt hành trình cả năm vừa qua. Cảm ơn khán giả đã yêu mến Việt Hương và yêu mến phim truyền hình để Việt Hương có thể nhận được giải thưởng ngày hôm nay”.

Phim nước ngoài Cuộc đua tình ái được trao giải Ngôi Sao Xanh

Giải thưởng Ngôi Sao Xanh còn vinh danh những nghệ sĩ, bộ phim nước ngoài được khán giả yêu mến. Cụ thể hạng mục Phim truyền hình nước ngoài được yêu thích nhất thuộc về Cuộc đua tình ái (phim Ấn Độ); giải Nam/nữ diễn viên nước ngoài được yêu thích nhất cũng gọi tên hai diễn viên chính trong phim là Rrahul Sudhir và Helly Shah. Vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên các nghệ sĩ không thể tham dự sự kiện và đã gửi lời cảm ơn, chúc tốt đẹp đến Ngôi Sao Xanh.
Là một trong những hạng mục rất được quan tâm khi lần đầu góp mặt trong danh sách trao thưởng, Phim ngắn trên nền tảng TikTok được yêu thích nhất (do khán giả bình chọn) thuộc về tác phẩm Cái nồi cũ – tác giả Trần Tuấn Đạt. Đồng thời BTC Ngôi Sao Xanh quyết định mở thêm 1 giải thưởng cho hạng mục này là Phim ngắn trên nền tảng TikTok hay nhất (do Hội đồng Nghệ Thuật bình chọn) với tác phẩm thắng giải là Outside the door – tác giả Nguyễn Thị Bích Huyền. Theo Ban tổ chức, một số sản phẩm trong đề cử năm nay được đầu tư chỉn chu, mang đến thông điệp tích cực và truyền cảm hứng sâu sắc cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Vì thế việc trao thêm 1 giải cho hạng mục này nhằm góp phần tạo thêm động lực cũng như đảm bảo tính khách quan cho giải thưởng.

T.TRANG (Báo Điện tử Văn hóa)

Hội thảo: Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay

VHO- Ngày 15.12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay.

Hội thảo: Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay có sự tham dự của 180 đại biểu

Hội thảo diễn ra với sự tham gia của 180 đại biểu, gồm đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và thành phố Hà Nội, các tác giả có tham luận, thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, đại biểu Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và những nhà khoa học thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn khẳng định chủ đề Hội thảo mang tính thực tiễn cao, có ý nghĩa thời sự, nền tảng lý luận cơ bản, phù hợp để nghiên cứu lâu dài. Hội thảo góp phần cụ thể hóa các nội dung quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông

Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cũng nhấn mạnh văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, tinh tế; là động lực to lớn để xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, phát triển toàn diện con người Việt Nam. Đồng hành cùng lịch sử hào hùng, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã có nhiều thành tựu sáng tạo, bồi đắp phẩm giá, lương tri của dân tộc.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn phát biểu tại Hội thảo

Trong đời sống hiện nay, văn học, nghệ thuật tiếp tục dòng mạch chính của chủ nghĩa nhân văn yêu nước; đội ngũ văn nghệ sĩ đã hòa mình vào thực tiễn sinh động, chủ động đổi mới tư duy; tích cực giữ gìn và phát huy các yếu tố tích cực, lành mạnh. Tuy nhiên, ở khía cạnh phê bình và tự phê bình, cần nghiêm túc thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, bất cập, hạn chế, như: Số lượng tác phẩm nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng; chưa khám phá được chiều sâu cuộc sống, bối cảnh hiện thực của công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước; còn tô đậm mảng tối, chưa chú ý đến vấn đề lớn lao của đất nước, trách nhiệm công dân; chiều theo thị hiếu dễ dãi, chức năng giải trí mà hạ thấp chức năng giáo dục, thẩm mỹ; một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang thờ ơ với giá trị văn học, nghệ thuật truyền thống dân tộc, quay lưng với sáng tạo của văn nghệ sĩ. Hội thảo cần lý giải vai trò, trách nhiệm, tìm ra giải pháp cho văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trước những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay; để cống hiến cho đất nước, nhân dân những tác phẩm xứng tầm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng, phát triển kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo, văn học, nghệ thuật sáng tạo…đang là xu hướng lớn, thời cơ lớn. Những thay đổi này ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc đối với quá trình sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Phát triển kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo, văn học, nghệ thuật sáng tạo…đang là xu hướng lớn, thời cơ lớn

Đánh giá về sự phát triển của văn học, nghệ thuật trong thời điểm hiện tại, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định, nhiều điều kiện, tiền đề để các ngành văn hóa, văn học, nghệ thuật phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có, những phương tiện quan trọng trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, ảnh hưởng nhiều mặt, nhiều chiều đến tư tưởng, thẩm mỹ, đạo đức, lối sống của xã hội.

Hội thảo có năm nội dung chính bao quát gần như toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính trị và văn hóa, văn học, nghệ thuật của đất nước. Một là, văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và hội nhập quốc tế. Hai là, văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ba là, văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Bốn là, văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài. Năm là, văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trong số hơn 90 tham luận đóng góp cho Hội thảo, chủ đề phòng chống đại dịch Covid-19 có tới 20 bài; biên giới, hải đảo có 20 bài; xây dựng, phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật chiếm ưu thế với 40 bài; giao lưu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài có 15 bài; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch có năm bài. Điều đó thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng của đội ngũ các nhà khoa học; nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước. Về cơ bản, các tham luận có nhiều cách tiếp cận, lý giải vấn đề, xuất phát từ thực tiễn trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác nhau nhưng đều tập trung làm rõ chủ đề Hội thảo. Các tham luận tập trung phân tích, đánh giá thực trạng, đưa ra những dự báo có cơ sở khoa học và thực tiễn về xu hướng vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà thời gian tới; đề xuất, tham vấn những giải pháp cụ thể, mang tính khả thi để văn học, nghệ thuật phát huy tốt hơn hiệu quả xã hội, đóng góp cho mục tiêu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Kết quả Hội thảo dự kiến đã góp phần bổ sung luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để đánh giá vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trong sự nghiệp phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ có báo cáo cụ thể, tham mưu cho Đảng, Nhà nước đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Hội thảo cũng góp phần cung cấp những tài liệu khoa học tham khảo quan trọng cho các nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ, cập nhật tri thức và thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong lĩnh vực này; là cơ sở để lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật tham khảo, ứng dụng trong thực tiễn.

Bài, ảnh: VŨ MỪNG (Báo Điện tử Văn hóa)

Google Doodle tôn vinh phở Việt Nam trên công cụ tìm kiếm 20 quốc gia

TTXVN- Doodle hình ảnh của bát phở cách điệu sẽ xuất hiện trên trang chủ của Google ở 20 quốc gia bao gồm Việt Nam, Anh, Mỹ, Canada, Israel, Áo…

Sáng 12.12, khi truy cập trang chủ Google hoặc mở trình duyệt Chrome, người dùng Việt sẽ thấy hình ảnh Doodle cách điệu với hình ảnh của bát phở ở trung tâm cùng nhiều chi tiết đăc trưng khác của Việt Nam cũng như món phở.

Doodle phở sẽ xuất hiện trên trang chủ của Google ở 20 quốc gia bao gồm Việt Nam, Anh, Mỹ, Canada, Israel, Áo…

Doodle phở với hình ảnh động mô tả cách món phở được chuẩn bị, với bánh phở trước tiên, thêm những lát thịt bò, hành tươi cùng rau thơm với nước dùng nóng hổi mời thực khách, cùng những nguyên liệu không thể thiếu như bánh quẩy, giấm ớt đặc trưng của phở Hà Nội, hay giá đỗ rau thơm của phở miền Nam được bày biện bắt mắt.

Đại diện Google cho biết, đây không chỉ là tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc đến với công chúng Việt Nam và quốc tế, mà còn là một trong những hoạt động quảng bá và hỗ trợ thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch cho các doanh nghiệp kinh doanh phở.

Trước đó Google cũng đã tôn vinh ẩm thực Việt bằng Doodle bánh mì vào năm 2020

Phở được coi là một trong những món ăn đặc trưng nhất của người Việt Nam. Người Việt có thể ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn cả phở tối. Mon ăn đơn giản những hội tụ nhiều đặc trưng của ẩm thực Việt cũng rất được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Có thể thấy phở là một đại diện cho ẩm thực Việt Nam.

Ngày 12.12.20218 cũng được chọn là ngày chính thức tôn vinh món phở Việt Nam, nhằm tôn vinh kho tàng ẩm thực được yêu mến và sự hòa quyện văn hóa Việt Nam mà nó đại diện.

Theo chia sẻ của Google, hình tượng trưng của ngày hôm nay do nghệ sĩ khách mời Lucia Phạm ở Hà Nội minh họa, tôn vinh phở món ăn dân tộc của Việt Nam được phục vụ như một món ăn thơm ngon với nước dùng mặn, bánh phở mềm, rau thơm và thịt thái mỏng.

Điều làm nên sự khác biệt của phở là một quá trình nấu ăn có công tâm để đạt được nhiều lớp hương vị và nước dùng trong. Từ các nguyên liệu như gừng rang, hạt thì là, hoa hồi và quế cho nước kho ninh nhừ, nước dùng làm nền cho hương thơm và vị của mọi khẩu vị.

Nguồn gốc chính xác của nó không được biết rõ, nhưng hầu hết các nhà sử học cho rằng phở ra đời ở tỉnh Nam Định vào khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Một số người tin rằng phở xuất phát từ món nhục phấn, một món ăn từ gạo có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng rất khác với phở. Những nghệ nhân Việt đã tự chế biến một món ăn từ gạo, thịt bò và các nguyên liệu khác như hành hoa cộng với cách phối hợp gia vị đặc trưng của người Việt để có được món phở như ngày nay.

TTXVN

Du lịch Quảng Ninh hậu Covid- Sức hút từ hàng loạt sản phẩm mới lạ

Bằng sự tăng trưởng vững vàng qua các mùa dịch và sức hấp dẫn, tươi mới giai đoạn hậu Covid-19, du lịch Quảng Ninh đang từng bước hồi sinh và không ngừng khẳng định vị thế.

Bí quyết của điểm đến du lịch số 1 phía Bắc

Du lịch Quảng Ninh hậu COVID-19 - Sức hút từ hàng loạt sản phẩm mới lạ ảnh 1
Bản sao của Premier Village Halong Resort

Covid -19 đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để đánh giá “sức khỏe” và sự năng động, khả năng thích ứng của các điểm đến. Trong khi nhiều địa phương lao đao và gần như “đóng băng” vì dịch bệnh, Quảng Ninh vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định trong 2 năm qua. Thậm chí năm 2020, có thời điểm vào mùa hè, lượng khách còn cao hơn năm 2019. Chín tháng đầu năm 2021, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt khoảng 2,584 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch đạt 5.045 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu quý 4 đón 2 triệu lượt khách du lịch, đạt tổng doanh thu từ 4.000 đến 4.500 tỷ đồng.

Với chiến lược thiết lập điểm đến an toàn, kích cầu du lịch bài bản, chính sách ưu đãi hấp dẫn, các tour du lịch khép kín cùng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, Quảng Ninh trở thành tâm điểm thu hút du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại phía Bắc. Tại hội thảo “Du lịch Quảng Ninh giai đoạn bình thường mới: Cơ hội và Thách thức” do Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức ngày 30.10 vừa qua, ông Phạm Ngọc Thuỷ – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định: “Năm 2020, chỉ cần dịch được kiểm soát tương đối, lập tức ngành du lịch Quảng Ninh mở ra để doanh nghiệp phục hồi. Và trong năm 2021, những lúc nào có thể tận dụng được là chúng tôi tận dụng. Tỉnh Quảng Ninh đi đầu trong những tỉnh thực hiện biện pháp cứng rắn nhưng cũng rất sớm trong việc mở cửa”.

Sức hút từ những sản phẩm du lịch đẳng cấp và thức thời

Phát huy nền tảng của một điểm du lịch nổi tiếng, trong những năm gần đây, Quảng Ninh liên tục tăng cường nội lực và nâng cao vị thế điểm đến. Cùng với việc tích cực tháo gỡ các điểm tắc nghẽn, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu về phát triển hạ tầng, tạo “mạch máu” lưu thông cho sự phát triển du lịch – kinh tế – xã hội và sở hữu nhiều công trình, sản phẩm du lịch đẳng cấp, mới lạ, tiêu chuẩn quốc tế.

Bảo Hải Linh Thông Tự 

Với sự vào cuộc quyết liệt của các tập đoàn kinh tế hàng đầu cả nước đặc biệt như Sun Group, Quảng Ninh đã có một hệ sinh thái hoàn chỉnh gồm hạ tầng giao thông – du lịch nghỉ dưỡng- vui chơi giải trí – bất động sản cao cấp với sân bay quốc tế, cảng tàu khách quốc tế, cao tốc hiện đại, những khu nghỉ dưỡng 5 sao, công viên quy mô châu lục,… mà khó địa phương nào có được.

Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động du lịch, tập đoàn này vẫn liên tiếp cho ra đời và nâng cấp các sản phẩm mới tại Quảng Ninh như khai trương khu nghỉ dưỡng khoáng nóng chuẩn Nhật Yoko Onsen Quang Hanh, quần thể tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự tại núi Ba Đèo, ra mắt thực đơn và nhà hàng mới tại khu nghỉ dưỡng Premier Village Halong Bay Resort, triển khai thêm sản phẩm giải trí dành cho trẻ em và phủ xanh công viên Sun World Halong Complex… Các sản phẩm du lịch mới đã nhận được phản hồi tích cực từ du khách cả nước, góp phần tạo lực hút đáng kể để Quảng Ninh phục hồi hậu Covid. Tới đây, Sun Group cho biết sẽ tiếp tục đầu tư và đồng hành cùng tỉnh cho giai đoạn bình thường mới.

Ông Phạm Ngọc Thuỷ – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh chia sẻ: “Tôi rất kỳ vọng vào những sản phẩm mới của tập đoàn Sun Group. Điều này sẽ tạo động lực rất lớn cho sự phát triển du lịch Quảng Ninh, đóng góp vào những hoạt động du lịch được trải rộng khắp cả vùng như chúng ta mong muốn”.

Yoko Onsen Quang Hanh 

Bên cạnh Sun Group, nhiều tập đoàn và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành lớn cũng tích cực tung ra các sản phẩm bắt kịp thời cuộc, tạo đòn bẩy để du lịch Quảng Ninh phát triển trong bối cảnh mới. Ông Phùng Hữu Hoàng – Đại diện Saigontourist, Phó Chủ tịch CLB MICE Vietnam cho biết hãng đang triển khai các sản phẩm đón đầu xu thế như du lịch luồng xanh, dịch vụ du lịch thải độc – detox tour tại các điểm đến Legacy Yên Tử, Yoko Onsen Quang Hanh, Premier Village Halong Bay Resort… dành cho các đối tượng khách hàng có thu nhập cao, muốn cải thiện sức khỏe và tìm đến những dịch vụ cao cấp.

Hiện Quảng Ninh cũng chủ trương đẩy mạnh du lịch an toàn, liên kết du lịch an toàn với các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh và phát triển các tour du lịch “khép kín”. Tỉnh cũng đồng thời triển khai đồng bộ các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch với chuỗi 50 sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch, nhiều chương trình khuyến mãi và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh một điểm đến du lịch an toàn – thân thiện – hấp dẫn.

Sức mạnh từ các lợi thế riêng có và sự đồng lòng, quyết liệt từ chính quyền tới các doanh nghiệp du lịch hứa hẹn sẽ mang đến cho Quảng Ninh những dấu ấn mới trong giai đoạn tới, không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho mùa thu đông 2021 mà còn khẳng định vị thế điểm đến hàng đầu miền Bắc.

Bế mạc “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021”: Trao giải cho những tác phẩm và nghệ sĩ xứng đáng

VHO- Đúng như lời chia sẻ của Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông: “Sẽ không có sự phân biệt giữa đoàn nghệ thuật công lập hay xã hội hóa, Trung ương hay địa phương, cũng không có sự phân biệt về tuổi tác làm nghề…”, kết quả giải thưởng của Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đã được trao cho những vở diễn hay nhất, những nghệ sĩ tài năng nhất.

Sáng  17.11, tại Nhà hát Tháng Tám, Thành phố Hải Phòng đã diễn ra Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2021 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức. Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ Trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan nhận định: Thêm một lần nữa, chúng ta thấy được sức sáng tạo, luôn bám sát những vấn đề của cuộc sống đương đại đúng như thế mạnh của loại hình Kịch nói, tạo nên liều vắc – xin tinh thần trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Tôi rất mừng khi ở Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng cả về nghệ thuật và hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên và thiết kế mỹ thuật, âm nhạc đã được quan tâm, đầu tư có chất lượng cao, tôi nhất trí với đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật đã nêu ra tại Liên hoan lần này.

PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu Bế mạc liên hoan
PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL trao Huy chương Vàng cho các vở diễn

Với sự tham gia của 14 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, 20 vở diễn dự thi, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đã khép lại trong niềm hân hoan xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của các nghệ sĩ và người làm nghề. Liên hoan với nhiều thể loại, đề tài, từ lịch sử đến hiện đại, từ thời chiến đến thời bình, từ nông thôn đến thành thị đã được các nghệ sĩ dự thi đã thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, truyền đi những thông điệp đậm tính nhân văn.

Liên hoan năm này diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều tiềm ẩn, nguy cơ dịch bùng phát, do đó ban tổ chức yêu cầu đoàn tham dự liên hoan thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid của Chính phủ và Thành phố Hải Phòng. Và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo tinh thần 5K, như: đại biểu và khách khi vào xem phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn, Nhà hát chỉ đón tối đa 50% lượng khách vào xem, khán giả ngồi cách ghế…

Trong thời gian tổ chức Liên hoan, qua những hình tượng trên sân khấu, cảm nhận sâu sắc lòng yêu nghề từ các diễn viên. Họ đã biết gạt những vấn đề mưu sinh hàng ngày để đến với liên hoan bằng tất cả sự đam mê. Những nghệ sĩ của kịch nói trong liên hoan lần này, phần lớn vừa có năng khiếu bẩm sinh, lại được đào tạo  bài bản, có sự đam mê với nghề, được rèn luyện qua thực tiễn nên những sáng tạo của họ luôn chân thực.

NSƯT Lê Chức, thành viên Hội đồng nghệ thuật Liên hoan trao giải tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ xuất sắc nhất
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam  trao Huy chương Bạc cho các vở diễn.
Phó GĐ Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng Phạm Thị Thu Trang trao Huy chương Đồng cho các vở diễn

Đánh giá tổng kết Liên hoan, NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, chia sẻ: Một Hội đồng nghệ thuật có uy tín đã được thành lập, chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng nghệ thuật của Liên hoan. Việc tổ chức trình diễn đã được các đơn vị đầu tư thỏa đáng vào các khâu chính như: Kịch bản, đạo diễn, diễn viên và các bộ phật kỹ thuật vv… Do vậy người làm sân khấu có được những điều kiện tốt nhất để bộc lộ tài năng sáng tạo, người xem được thưởng thức một cách đồng bộ cái đẹp cái hay, cái hấp dẫn của vở diễn. Người xem còn bắt gặp những hình tượng nhân vật của quá khứ lịch sử, những sự kiện và con người đương thời với nhiều tính cách dữ dội, mãnh liệt, được trải nghiệm những khoảnh khắc thăng hoa của diễn xuất.

Phó Cục trưởng Cục NTBD, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Trần Hướng Dương  lên trao giấy chứng nhận cho Hội đồng Nghệ thuật

Với cái nhìn tổng quan về tổng thể Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 có thể thấy được sân khấu đang có nhiều thay đổi, đang có nhiều cái mới về nội dung và hình thức. Đề tài được phản ánh trong Liên hoan rất phong phú, mới và có giá trị dự báo. Khán giả của Liên hoan đã được xem Đường chân trời của Kịch Hải Phòng nói về người phụ nữ trong xã hội hôm nay, xã hội hiện đại với những trăn trở kiếm tìm hạnh phúc. Cũng nói về chiến tranh nhưng Thiên định của Hải Dương phản ánh sự sám hối của người lính đối phương trước sự tàn bạo đến phi lý của người Mỹ đối với người dân Việt Nam. Hố đen của Nhà hát kịch Quân đội đề cập đến xã hội thời hậu chiến con người dễ bị lôi cuốn, bị hút vào những lối sống tiêu cực giống như vũ trụ bị hút vào hố đen. Thiên mệnh (Nhà hát kịch Việt Nam) là một vở diễn tốt cả về hình thức và nội dung là một lý giải mới về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ với những người em của mình sẵn sàng làm tất cả cho cho cơ nghiệp nhà Trần. Vở Điều còn lại của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là vở về đề tài chiến tranh nhưng với nhiều tình huống cho phép khám phá đời sống nội tâm của nhân vật. Một vở kịch đạt tới sự thanh lọc về cảm xúc bi kịch. Với 2 vở Ngược chiều gió và Ao làng của  Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến Liên hoan sự trẻ trung trong cách nhìn cuộc sống hiện đại, phản ứng của Ngược chiều gió không chấp nhận lối sống giả dối thì Cái ao làng lại đặt gia vấn đề lấp hay không lấp cái ao mà dưới lòng ao chứa nhiều rác rưởi.  Nhà hát Kịch Hà Nội đến với Liên hoan bằng tiếng nói ẩn dụ với thủ pháp giả định Làng song sinh có chủ đề rất triết lý. Mảng kịch lịch sử có một số tìm tòi thú vị như Làm vua (Sân khấu Lệ Ngọc) được thể hiện rất gần với phong cách kịch cổ điển châu Âu qua độc thoại của nhân vật vua và hoàng hậu.

Trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc lần này, bên cạnh những thành công về công tác đạo diễn như Lê Quý Dương trong Làm vua, NSND Lê Hùng trong Con đò của mẹ,  Thiên Định,  NSƯT Đỗ Kỷ đạo diễn vở Thiên Mệnh … còn có một số tác phẩm được các đạo diễn trẻ thể hiện rất thành công như  NSƯT Kiều Minh Hiếu trong vở Điều còn lại, NSND Trung Hiếu trong vở Làng song sinh có tìm tòi và xử lý khá hấp dẫn. ….

Vở Làng song sinh của Nhà hát Kịch Hà Nội được trao Huy chương Vàng
Vở Làm vua của Công ty TNHH NT Sân khấu Lệ Ngọc được trrao Huy chương Vàng

Từ góc nhìn đạo diễn đã thấy sự kế thừa những tinh hoa của thế hệ tiền bối, thế hệ đi trước. Những cái mới thường xuất hiện từ các đạo diễn trẻ, tác giả trẻ được đào tạo bài bản từ ngôi trường nghệ thuật. Một trong những yếu tố làm lên thành công về mặt nghệ thuật trình diễn trong liên hoan lần này là nghệ thuật đạo diễn. Hội đồng nhận thấy có hai dòng chủ lưu của công tác đạo diễn là: Đạo diễn theo phong cách tạo hình, hoành tráng với khuynh hướng đập vào thị giác (cách dàn dựng của đạo diễn sân khấu như NSND Lê Hùng, NSND Trung Hiếu, Lê Quý Dương, NSND Trần Ngọc Giàu … và một dòng khác theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng khắc họa nội tâm như NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Sĩ Tiến…

Nhân tố nổi bật thành công tại Liên hoan này chính là sân khấu kịch nói đã có một đội ngũ diễn viên trẻ, giàu nhiệt huyết, trong sáng tạo các hình tượng nhân vật.  28 nghệ sĩ được trao HCV lần này như: NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Bùi Phương Nga, Minh Hải, Tô Tuấn Dũng, Việt Hoa (Nhà hát Kịch Việt Nam), Nguyệt Hằng, Thanh Bình, Bá Anh (Nhà hát Tuổi Trẻ), Tiến Lộc, Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội), NSƯT Lê Thị Mai Phương, Lê Khả Sinh, Trần Thị Thường (Nhà hát Kịch Quân đội), NSƯT Thanh Hiền, NSƯT Hoàng Tùng (Hội Sân khấu Hà Nội), NSND Lệ Ngọc, Văn Hải, Anh Tuấn (Công ty TNHH NT Sân khấu Lệ Ngọc), Đào Thanh Mai, Nguyễn Đăng Hoà (Nhà hát Công an nhân dân), NSƯT Trọng Huỳnh (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn)…  không chỉ có kỹ năng chuẩn chỉ mà còn thể hiện được tài năng thực sự của chính mình.

Liên hoan đã kết thúc để lại trong lòng khán giả một dư âm lạc quan, tin tưởng vào hoạt động của giới sân khấu một cách tích cực hiệu quả trong thời gian và không gian chúng ta vừa kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch Việt Nam. Thành công của Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 cho thấy lòng yêu sân khấu của những người làm sân khấu vẫn còn cháy bỏng, vẫn yêu thánh đường của mình đó là sàn diễn.

THUÝ HIỀN, Ảnh : LÊ THUỶ (Báo Điện tử Văn hóa)

Vở Hồng Hà nữ sĩ: Đậm chất Chèo cổ, trữ tình và sâu lắng

VHO- Đêm diễn tổng duyệt vở Hồng Hà nữ sĩ vừa qua tuy chỉ có sự tham gia của các đại biểu và một số khán giả yêu Chèo Hà Nội, thế nhưng tất cả đều đã bị chinh phục bởi sự mẫu mực từ kịch bản, cách dàn dựng cho đến diễn xuất đỉnh cao của các nghệ sĩ đến từ “cánh chim đầu đàn” Nhà hát Chèo Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự và tặng hoa động viên ê kíp sáng tạo vở và các nghệ sĩ.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa động viên các nghệ sĩ sau đêm tổng duyệt

Hồng Hà nữ sĩ đánh dấu sự trở lại của tác giả Trần Đình Ngôn (Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT), cây đại thụ của làng Chèo đã thêm một lần khẳng định tài năng uyên bác qua sự chuẩn chỉ trong cấu trúc kịch bản, văn phong ngôn ngữ và đặc biệt là các làn điệu Chèo cổ được khai thác và tỏa sáng trên sân khấu. Vở diễn được NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nữ Tiến sĩ hiếm hoi của làng Chèo dàn dựng. Là thành viên của Hội đồng tổng duyệt chương trình, PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định: “Tôi rất vui vì lâu lắm mới được xem một vở đậm chất Chèo như Hồng Hà nữ sĩ. Ê kíp sáng tạo đã chắt chiu tư liệu lịch sử để sáng tạo ra một tác phẩm nói về nhân vật lịch sử Đoàn Thị Điểm. Ca ngợi một bậc tiền nhân với những áng thơ bất hủ càng tăng thêm chất trữ tình, trong sáng cho vở diễn”.

Tác giả Trần Đình Ngôn chia sẻ: “Tôi chọn xây dựng hình tượng Đoàn Thị Điểm vì bà khác với nhiều nữ sĩ khác trong lịch sử, ở bà nổi trội lên đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Về tài văn thơ cũng như tài đối đáp thông minh của bà đã có nhiều người viết, nhưng bà còn là một phụ nữ yêu nước và có tầm nhìn của một chính trị gia, đồng thời lại rất xinh đẹp, đức hạnh và hiếu nghĩa. Cha mất sớm, bà cùng anh trai phụng dưỡng mẹ già. Rồi anh trai cũng mất để lại chị dâu cùng con nhỏ. Bà về làng dạy học, bốc thuốc, thay anh nuôi mẹ cùng các cháu và chị dâu bệnh tật. Đến năm 37 tuổi, bà mới nhận lấy Tiến sĩ Nguyễn Kiều, một người nổi tiếng hay chữ và thanh liêm. Bà chưa muốn đến với cuộc hôn nhân muộn màng nhưng mẹ già và cả nhà giục giã, đồng thời cũng vì tình thương những đứa trẻ, con riêng của chồng mất mẹ. Nổi bật lên ở nữ sĩ đó là sự cảm thông với số phận của người phụ nữ mà hy sinh quên cả bản thân mình”.

Bản thân nhân vật Đoàn Thị Điểm không có quá nhiều những biến cố tạo kịch tính để đẩy lên thành cao trào cho sân khấu, nhưng tác giả và đạo diễn đã tìm ra một chìa khóa riêng, khai thác chất trữ tình, chất văn chương và xây dựng lên một hình mẫu phụ nữ lý tưởng, tỏa sáng nét đẹp từ những ứng xử nhân văn, đầy tình người của nữ sĩ. Cốt truyện có phần đơn giản nhưng điều làm người xem thích thú là được khoan khoái, thư giãn để trở về những làn điệu Chèo cổ mượt mà, trữ tình, sâu lắng. Bên cạnh đó, những mảng miếng hài cũng được đan cài khéo léo để tăng sức hấp dẫn cho vở qua những màn đối thơ, màn ăn hỏi hụt…

Một cảnh trong vở diễn

Tham gia biểu diễn có nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam, từ những “cây đa cây đề” như NSƯT Kim Liên (vai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), NSƯT Phú Kiên (Chánh sứ Nguyễn Kiều) cho tới những diễn viên trẻ mới làm nghề… Sự tinh tế, chuẩn chỉ của các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, kết hợp với sự tươi mới, nắm vững cơ bản của lớp diễn viên trẻ cho thấy công tác bồi dưỡng lớp diễn viên trẻ kế cận đã được Nhà hát Chèo Việt Nam quan tâm, phát triển đúng hướng.

Có thể nói, thời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm liệu có mấy ai đủ dũng cảm để từ chối làm cung phi của Chúa, vậy mà bà đã vượt lên những ràng buộc của thể chế quân vương bảo thủ để có tầm suy nghĩ như một chính trị gia, thậm chí còn đưa ra 10 điều luận bàn về việc xây dựng đất nước, mơ về một quốc gia thịnh trị với vua sáng tôi hiền… Câu chuyện cách nay 300 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự khi tái hiện trên sân khấu Chèo những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thấm đẫm tình người và đức hy sinh quên mình cho gia đình nói riêng và cộng đồng nói chung. Điều đó thật có ý nghĩa trong giai đoạn cả nước đang cùng chung tay vượt qua những khó khăn, cam go bởi dịch bệnh.

 Chèo đang đứng trước thách thức đổi mới để tồn tại

Để nâng cao chất lượng tác phẩm, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã mời một số chuyên gia ở từng thể loại sân khấu góp ý để các tác phẩm hoàn thiện tốt hơn trong mỗi đợt tổng duyệt chương trình.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các chương trình văn hóa, giải trí ngập tràn trên Internet, trên sóng truyền hình khiến cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng bị lấn át và có nguy cơ mai một nếu không có định hướng phát triển phù hợp. Để Chèo đến gần hơn với công chúng, được khán thính giả yêu thích, việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật Chèo là cả một vấn đề nan giải. Với những cố gắng, nỗ lực, làng Chèo Việt Nam mong muốn và hy vọng sẽ làm cho công chúng ngày càng biết đến và yêu Chèo nhiều hơn. Những vở diễn mẫu mực như “Hồng Hà nữ sĩ” thể hiện khuynh hướng nghệ thuật đúng đắn, đó là: Làm Chèo không thể cứ mãi vay mượn mà phải thật sự chuẩn chỉ đậm chất Chèo.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG)

Nguồn: LƯƠNG NHI – Báo Điện tử Văn hóa