Tạo điều kiện để nghệ thuật biểu diễn phát triển và hội nhập quốc tế

Chiều 29/12, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2018. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn trong năm 2017, ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn cho biết, năm qua, hoạt động biểu diễn trên toàn quốc đã đi vào nền nếp, nội dung, chất lượng nghệ thuật từng bước được nâng cao, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Gia Linh

Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật; chỉ đạo 12 nhà hát thuộc Bộ và các đơn vị nghệ thuật địa phương tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; chỉ đạo xây dựng kịch bản và tổ chức thực hiện tốt các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là chuỗi các chương trình nghệ thuật phục vụ các hoạt động trong Năm APEC được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao. 

Cụ thể, trong năm 2017, về hoạt động cấp phép, Cục NTBD đã thẩm định hồ sơ, trình Lãnh đạo Bộ ký, ban hành 04 giấy phép cho phép tổ chức 04 cuộc thi người đẹp trong nước và quốc tế. Cục đã cấp tổng số 664 giấy phép, trong đó 303 giấy phép cho các đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật Trung ương đi biểu diễn trên địa bàn toàn quốc; 287 giấy phép cho 515 lượt nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật; 49 đoàn nghệ thuật nước ngoài (897 nghệ sĩ) vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật; cho 25 đoàn nghệ thuật trong nước (285 nghệ sĩ) ra nước ngoài biểu diễn. Cục NTBD đã thẩm định hồ sơ và cấp 22 giấy phép cho phép 23 thí sinh đã đạt danh hiệu chính trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu tham dự các cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Đồng thời cấp 54 giấy phép phê duyệt nội dung chương trình bản ghi âm, ghi hình, ca múa nhạc, sân khấu và phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975 và do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị, tiêu biểu như chương trình tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng bí thư Trường Chinh, chương trình tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng bí thư Lê Duẩn, chương trình phục vụ APEC 2017… Cục NTBD thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai có hiệu quả công tác tổ chức phát triển sự nghiệp, gồm: thực hiện “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 – 2020”; tổ chức “Tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”; chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội; chỉ đạo, tổ chức thành công các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc như “Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017”, cuộc thi tài năng trẻ diễn viên kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc…

Trong năm 2017, các đơn vị nghệ thuật Trung ương đã tổ chức thành công hơn 3.732 buổi biểu diễn, phục vụ hơn 7 triệu lượt người xem; Các đơn vị nghệ thuật tại địa phương đã tỏ chức 7.027 buổi biểu diễn, trong đó có hơn 1.623 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, phục vụ gần 6,7 triệu lượt người xem.

Tuy nhiên, ngành NTBD vẫn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng sáng tạo. Các Đoàn nghệ thuật địa phương gặp khó trong công tác tuyển chọn diễn viên trẻ, có trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Nguồn ngân sách dành cho nghệ thuật biểu diễn và chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ, diễn viên còn hạn chế. Trong khi đó, cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích xã hội hóa đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa, nghệ thuật chưa gắn với lợi ích của doanh nghiệp nên chưa tạo được sức hút về đâu tư từ xã hội.

Trong năm 2018, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chặt chẽ các hoạt động quản lý, cấp phép nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu theo quy định; thực hiện các hoạt động phát triển sự nghiệp, công việc quan trọng là phối hợp với Vụ Pháp chế và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về Nghệ thuật biểu diễn để thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5/12/2012 và Nghị định 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 đáp ứng yêu cầu phát triển, ông Tuấn cho biết.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, ngành NTBD đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Để vượt qua những khó khăn đó và tiếp tục phát triển, đối với các đơn vị nghệ thuật, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần nâng cao tinh thần tự chủ, người lãnh đạo cần phải năng động, linh hoạt và đổi mới hơn nữa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và đổi mới cách làm truyền thông với các sự kiện để tăng cường xã hội hóa lĩnh vực NTBD. 

Đối với việc đặt hàng tác phẩm, Bộ VHTTDL và Cục NTBD sẽ hết sức tạo điều kiện cho các nhà hát, đơn vị. Tuy nhiên, các đơn vị cần nâng tầm chất lượng tác phẩm, từ đó tạo ra các tác phẩm chất lượng cao, mang tính định hướng cho từng loại hình nghệ thuật.

Riêng với Cục NTBD, Thứ trưởng nhấn mạnh, Cục cần tập trung xây dựng Nghị định mới giải quyết các bức xúc của dư luận trên tinh thần chặt chẽ về quản lý, nhưng vẫn tạo điều kiện tốt cho NTBD phát triển và sẵn sàng cho hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, trong việc tổ chức các sự kiện trong năm 2018, Thứ trưởng đề nghị Cục đổi mới tư duy thực hiện để truyền tải thông điệp mạnh hơn tới xã hội./.

(Nguồn: Gia Linh – Báo Điện tử Bộ VHTTDL)

Điện ảnh Việt Nam năm 2017: Có gì để nhớ?

Một năm của điện ảnh Việt Nam có khá nhiều câu chuyện, sự kiện đã đi qua, trước mắt là một năm 2018 nhiều thử thách cũng là cơ hội.

Khi điện ảnh Việt vừa phải giải được bài toán doanh thu, đáp ứng nhu cầu công chúng luôn đòi hỏi cao, vừa phải tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sâu sắc, có tiếng vang không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế…

Những cái tên trẻ của thời phim thị trường

LHP Việt Nam lần thứ 20 chứng kiến sự vắng bóng của phim Nhà nước và sự lên ngôi của dòng phim giải trí, thương mại. Số lượng phim Việt tăng dần qua mấy năm gần đây và năm 2017 lên tới gần 60 phim. Tuy nhiên, hầu hết là phim thị trường và cũng không tạo được kỷ lục doanh thu, ngoại trừ một “Em chưa 18” bùng nổ, tạo nên “cơn sốt kinh hoàng” với doanh thu 169 tỉ đồng. Và chính sự thành công phòng vé đã đem lại giải Bông sen Vàng cho phim và giải cá nhân cho nữ diễn viên chính Kaiti Nguyễn.

Cũng trong năm 2017 đánh dấu sự xuất hiện của một loạt cái tên đạo diễn trẻ hứa hẹn đem lại sinh khí mới cho điện ảnh Việt như Lê Thanh Sơn (Em chưa 18), Vũ Ngọc Phượng (“12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”), Hồng Ánh (“Đảo của dân ngụ cư”), Lý Minh Thắng (“Sài Gòn anh yêu em”)… hay đạo diễn Việt kiều về nước làm phim Derek Nguyễn với “Cô hầu gái”, tiếp nối cách làm phim thị trường khá bài bản của các đạo diễn Việt kiều trước đó (Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn, Hàm Trần).

Không nghi ngờ gì nữa, phim Việt đang hướng nhiều tới khán giả và để hy vọng thắng doanh thu, các đề tài kinh dị – hài – hành động được ưa chuộng. Vào dịp cuối năm, một dạng đề tài mới về siêu anh hùng và viễn tưởng được đạo diễn Việt kiều Victor Vũ tung ra, “Lôi báo” có thể chưa thỏa mãn những ai kỳ vọng ở Victor Vũ nhưng đó vẫn là một phim chỉn chu, chuyên nghiệp.

Một tín hiệu tích cực là các nhà làm phim tư nhân đã chú ý nhiều tới sự công phá thị trường quốc tế. Phim “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy” được phát hành tại một số thành phố Mỹ, còn “Giấc mơ Mỹ” được phát hành tại Mỹ và Canada, với các thành phố tập trung đông người Việt, dù tất cả mới chỉ là những bước đi ban đầu nhưng rất đáng khích lệ.

Sự cô đơn của dòng phim nghệ thuật

Phim nghệ thuật hay còn gọi là phim tác giả mang đậm dấu ấn cá nhân, sáng tạo. Một số đạo diễn trẻ có một vài dự án được các quỹ điện ảnh tài trợ, một vài cái tên đạo diễn có tên thì đang âm thầm ấp ủ cho các dự án phim mới.

Trong khi đó, nữ diễn viên Hồng Ánh thể hiện năng lực đạo diễn qua phim dài đầu tay “Đảo của dân ngụ cư”. Một phim ẩn chứa nhiều ý tứ của tác giả, từ sự hòa hợp cho đến giải quyết xung đột của những con người trong một quán thịt dê, một xã hội thu nhỏ hay nhìn rộng ra một không gian rộng lớn khác. Tiếc là phim làm chưa tới nên cảm giác vẫn loay hoay trước một cánh cổng không khóa. Trong khi, “Cha cõng con” của Lương Đình Dũng khai thác tính nhân văn trong mối quan hệ gia đình với một kịch bản có tứ hay nhưng lại bị sự áp đặt bởi đạo diễn. Dù cả hai phim này đều đoạt giải tại một số Liên hoan phim quốc tế khác nhau nhưng quả thực nó vẫn chưa làm người xem trong nước “tâm phục, khẩu phục”.

Làm phim nghệ thuật đòi hỏi doanh thu cao trong thời đại ngày nay gần như là không tưởng. Nhưng một nền điện ảnh không thể chỉ sống bằng những “Em chưa 18” hay “Cô hầu gái” mà nhất thiết phải có những tác phẩm nghệ thuật ở đẳng cấp cao, thuần Việt để chinh chiến phương xa làm vinh danh cho hai chữ Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Sự hỗ trợ của Quỹ tài năng điện ảnh Việt là hết sức cần thiết nhưng tiếc thay dự án này bao năm trời vẫn không thực hiện được. Và trong bối cảnh đó, các khóa học điện ảnh mang tên “Gặp gỡ mùa thu” diễn ra hằng năm tại Đà Nẵng là sáng kiến của đạo diễn Phan Đăng Di, mời được nhiều “thầy ngoại” có tiếng sang truyền dạy cho các đạo diễn trẻ Việt là khá hiệu quả.

Cổ phần hóa và phim Việt trong “thập diện mai phục”

Câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là đề tài tốn bao giấy mực của báo chí và gây xôn xao trong dư luận trong năm 2017. Không thể định giá thương hiệu một hãng phim có bề dày lịch sử oai hùng bằng 0, dù thực tế những năm gần đây làm ăn thua lỗ.

Không thể để “mảnh đất vàng” của Nhà nước rơi vào tay những ông chủ tư nhân không biết gì về đặc thù công việc của nghệ sĩ, chỉ nhăm nhăm thu lại vốn nhanh nhất. Nhưng bản thân các nghệ sĩ quen làm việc trong cơ chế Nhà nước cũng phải thực sự thay máu, đổi mới triệt để, bước ra khỏi “vũng lầy” an toàn để dấn thân.

Cuộc chiến giữa phim Việt và phim ngoại đang gay go hơn bao giờ hết khi các rạp phim lớn đều nằm trong tay tư nhân. Và phim Việt chiếu rạp nhiều khi bị o ép, chiếu vào giờ không thuận tiện, đến khi kêu mãi may ra mới được cho chiếu giờ vàng. Dĩ nhiên, với tiềm lực tài chính còn khiêm tốn so với các phim “bom tấn” Hollywood, phim Việt khó có cơ hội cạnh tranh vì nhiều lẽ.

Phim Việt cần một chính sách bảo hộ từ Nhà nước, hay cho một cơ chế ưu đãi đặc thù, áp dụng hạn ngạch nhập phim, hạn ngạch chiếu phim nội địa, ưu đãi thuế…

Năm 2018 chờ đợi sự bứt phá thực sự của điện ảnh Việt…

Theo Việt Văn
Lao Động

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2017

Sáng 28/12, tại Trường Cao đẳng Du lịch (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2017.

Ngày Hội hiến máu tình nguyện năm 2017 do Bộ VHTTDL phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức nhằm hưởng ứng thông điệp của Ngày Quốc tế Người hiến máu năm 2017: “Hiến máu cứu người – Xin hiến thường xuyên”, phát huy tinh thần đoàn kết, đạo lý cao đẹp: “Thương người như thể thương thân”.

Bí thư Đoàn thanh niên Bộ VHTTDL Tô Linh Hương tặng bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện

Việc tổ chức lễ phát động Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2017 nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ về giá trị nhân văn cao cả và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Qua đó hiểu và tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, góp phần cứu chữa những bệnh nhân đang cần máu.

Theo một lãnh đạo của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, mỗi năm nước ta cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu điều trị. Máu cần cho điều trị hàng ngày, cho cấp cứu, cho dự phòng các thảm họa, tai nạn cần truyền máu với số lượng lớn. Hiện tại mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu máu cho điều trị.

Đông đảo tình nguyện viên, đoàn viên thanh niên đã đến tham dự Ngày hội hiến máu

Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của mỗi người. Hiến máu không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo, phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian, sức lực nhưng vô cùng cần thiết cho xã hội.

Tại ngày hội này, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ VHTTDL Tô Linh Hương cho biết, Ngày hội đã thu hút 160 tình nguyện viên và 1.500 đoàn viên thanh niên và học sinh của các đơn vị trực thuộc Bộ. Chỉ trong một buổi sáng, số đơn vị máu thu được từ các tình nguyện viên là 350 (đơn vị máu). Dự kiến đến hết ngày 28/12, số đơn vị máu được hiến sẽ đạt trên 500 (đơn vị máu).

(Nguồn: Thế Công – Báo Điện tử Bộ VHTTDL)

24 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia

Dân trí – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2089/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 6, năm 2017. Có 24 hiện vật, nhóm hiện vật được xếp vào danh mục đợt này.

Cụ thể, các hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm:

1. Dao găm chuôi hình rắn ngậm chân voi (Niên đại: 2000 – 2500 năm cách ngày nay, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An).

2. Muôi có cán hình tượng voi (Niên đại: 2000 – 2500 năm cách ngày nay, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An).

3. Đàn đá Lộc Hòa (Niên đại: Khoảng gần 3000 năm cách ngày nay, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước).

4. Bộ khuôn đúc Nhơn Thành (Niên đại: Thế kỷ I – VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Cần Thơ).

5. Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn (Niên đại: Thế kỷ VII – VIII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An).

6. Phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên (Niên đại: Thế kỷ VI – VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai).

7. Tượng Thần Vishnu Gò Thành (Niên đại: Thế kỷ VI – VIII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang).

8. Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn Tháp Mẫm (Niên đại: Giữa thế kỷ XIII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định).

9. Bộ tượng 10 linh thú Chùa Phật Tích (Niên đại: Thế kỷ XI, hiện lưu giữ tại Chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

10. Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu – Luy Lâu (Niên đại: Thế kỷ XVIII, hiện thờ tại Chùa Dâu, Chùa Phi Tướng, xã Thanh Khương; Chùa Dàn, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

11. Cột đá chạm rồng chùa Dạm (Niên đại: Thế kỷ XI, hiện lưu giữ tại Chùa Dạm, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

12. Bia “Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi” hay “Bia lăng vua Lê Hiến Tông” (Niên đại: Cuối thế kỷ XV, hiện lưu giữ tại Di tích lịch sử Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa).

13. Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ (Niên đại: Thế kỷ XIX- đầu XX, hiện lưu giữ tại Di tích Động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).

14. Bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” (Niên đại: Năm 1607, niên hiệu Hoằng Định thứ 8, hiện lưu giữ tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn – Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

15. Bia hộp đá Đồi Cốc thời Mạc (Niên đại: Năm 1549, hiện lưu giữ tại Đền thờ Trạng nguyên Giáp Hải, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).

16. Hai cánh cửa chạm rồng Chùa Keo (Niên đại: Thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

17. Long sàng trước Nghi môn ngoại và trước Bái đường Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (Niên đại: Thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

18. Mộc bản Chùa Bổ Đà (Niên đại: Giữa Thế kỷ XVIII – XIX – đầu XX, hiện lưu giữ tại Chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

19. Ngọc tỷ Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh (Niên đại: Năm 1847, niên hiệu Thiệu Trị thứ 7, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

20. Bình phong sơn mài “Thiếu nữ và phong cảnh” (Niên đại: Năm 1939, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

21. Tranh “Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc” (Niên đại: Năm 1980, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

22. Tranh sơn mài “Gióng” (Niên đại: Năm 1990, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

23. Tranh “Thanh niên thành đồng” (Niên đại: 1967 – 1978, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh).

24. Tàu vận tải quân sự số hiệu HQ671 (Niên đại: Kháng chiến chống Mỹ, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hải quân).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật.

(Nguồn: Nguyễn Hằng – Báo Điện tử Dân trí)

Xu hướng du lịch “độc hành”

VH-  Du lịch một mình và đi là để trải nghiệm chứ không phải để hưởng thụ, đang là xu hướng du lịch của thời gian tới.

Trang BookYogaRetreats vừa thực hiện một cuộc khảo sát trên 300 người về xu hướng du lịch trong năm tới và kết quả là Solo travel – du lịch một mình – đang hot nhất hiện nay.

Có đến 51% số người tham gia khảo sát khẳng định rằng, chuyến du lịch sắp tới họ sẽ đi một mình. Trong đó, có tới 80% du khách Đức, 69% du khách Anh, 67% du khách Canada cho biết họ sẵn sàng độc hành trong hành trình khám phá thế giới tiếp theo của mình.

Xu hướng du lịch độc hành đã tăng tới 64% trong năm 2016. Những người đam mê xê dịch, có điều kiện về kinh tế cũng như vốn hiểu biết phong phú luôn muốn chủ động trong hành trình của mình. Họ được tự do trong lựa chọn điểm đến, được khám khá những nền văn hóa khác nhau theo một thời gian tùy thích, gặp gỡ nhiều bạn mới… giúp những người du lịch đơn độc không phải buồn chán. Vì vậy, phân khúc du khách này được dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm 2018.

Những địa điểm để du lịch một mình thích hợp nhất hiện nay, theo điều tra của Lifehack là thiên đường nhiệt đới Bali, Vương quốc Bhutan, hay “Vùng đất lớn” kỳ diệu Alaska, Costa Rica…

Ngoài ra, số lượng các du khách nữ độc hành đang có xu hướng gia tăng, kéo theo đó là sự gia tăng tới 230% các công ty lữ hành dành riêng cho những người ưa dịch chuyển.

Ở Australia, một cuộc khảo sát trên 5.000 phụ nữ do trang lastminute.com.au thực hiện cho kết quả, 46% trong số đó từng đi du lịch một mình, và phân nửa nói rằng những chuyến du lịch một mình rất phiêu lưu và bổ ích. Trong khi đó, khoảng một phần tư số người được hỏi lại e ngại không dám thử và số còn lại thì cho rằng du lịch một mình rất cô đơn.

Theo kết quả khảo sát của website du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor, phụ nữ Đông Nam Á đang có xu hướng thích du lịch một mình hoặc lựa chọn những chuyến đi chỉ toàn phụ nữ. Một nghiên cứu trước đó đã chỉ ra, không chỉ gia tăng về số lượng, các chị em thường có xu hướng chuẩn bị cho chuyến đi kỹ càng hơn và đặt các dịch vụ sớm hơn nam giới. Ví dụ, phụ nữ thường đặt vé máy bay sớm hơn nam giới tới 48h và tiết kiệm được nhiều chi phí du lịch hơn cánh mày râu.

Cuộc khảo sát được thực hiện trên 600 phụ nữ đến từ Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, kết quả cho thấy một phần ba trong số họ (chiếm 36%) quyết định sẽ chỉ đi du lịch giải trí một mình. Với 43% người được hỏi trả lời đang có kế hoạch ít nhất hai chuyến du lịch một mình trong năm nay.

Kết quả cũng cho thấy bốn trong số năm phụ nữ, chiếm 80%, ở Đông Nam Á cho rằng họ có đủ khả năng để làm bất cứ điều gì họ muốn mà không cần phải lo lắng về người khác. Và đó cũng chính là lý do khiến họ thoải mái đi du lịch mà không cần có người thân hay bạn bè.

Trong số những phụ nữ đã từng có những chuyến đi du lịch một mình, thì ba trong số bốn người được hỏi (chiếm 75%) cho biết ba thay đổi đầu tiên của bản thân mà họ nhận được từ chuyến đi là: Kinh nghiệm từ những chuyến đi đã thay đổi bản thân họ, giúp họ có cảm giác tự tin hơn về bản thân và có ý thức hơn với môi trường xung quanh mình.

Đồng hành với xu hướng này, những người du lịch độc hành không mặn mà với các đại lý du lịch, công ty lữ hành. Họ muốn là người thiết kế toàn bộ hành trình và trải nghiệm những điều không lường trước được trong chuyến đi, chỉ có 6,25% du khách cho hay, họ sẽ đặt tour từ các đại lý du lịch.

Nếu so với số người đi du lịch để vui chơi tiệc tùng thì quả là những con số áp đảo. Bởi chỉ có 4% cho biết, họ đi du lịch để tìm những chỗ vui chơi, tiệc tùng buổi đêm. Số người du lịch để đi thăm người thân, bạn bè chỉ chiếm có 10%.

Nếu như có nhiều người vừa du lịch, vừa làm việc, thì khảo sát này cho thấy một xu hướng ngược lại. Bởi 75% người tham gia trả lời rằng, họ muốn được nghỉ ngơi hoàn toàn khỏi công việc trong chuyến du lịch của mình.

(Nguồn: Chi Mai – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2018: Giai điệu của sắc màu

VH- Tối qua (21.12), tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2018 do Bộ VHTTDL tổ chức đã đưa khán giả trải nghiệm không gian của mùa xuân mới qua những giai điệu đầy sắc màu của âm nhạc.

Nguyên uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH,GD,TN,TN&NĐ của QH Hoàng Thị Hoa tặng hoa các nghệ sĩ sau đêm diễn

Đến dự chương trình có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin Phạm Quang Nghị; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cùng các Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng của Bộ VHTTDL qua nhiều thời kỳ; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; lãnh đạo các đơn vị trong Bộ…

Đa dạng về loại hình nghệ thuật nhưng khi đứng chung trên một sân khấu với sự kết nối bằng sợi dây kết dính mang âm hưởng mùa xuân, Chào năm mới 2018 thực sự là bữa tiệc nghệ thuật dành cho những người yêu nghệ thuật. Mở đầu bằng hòa tấu dàn nhạc chèo và hát: Hát mùa mừng xuân do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo VN biểu diễn, chương trình đưa người xem đi qua những không gian cảm xúc của âm nhạc qua tiếng hát của các nghệ sĩ Lê Anh Dũng, NSND Thái Bảo, Tân Nhàn, Phúc Tiệp…

Nếu như tiết mục múa Nấm báo mưa phát triển từ âm nhạc dân tộc Thái khiến người xem ngỡ ngàng với vẻ đẹp của nghệ thuật múa vừa hiện đại, vừa truyền thống thì Ballet Tiên nữ của biên đạo Pokin đưa khán giả bước sang một không gian sang trọng với những bước nhảy ballet tinh tế.

Cũng với không gian âm nhạc sang trọng ấy nhưng tiết mục hòa tấu của dàn nhạc giao hưởng kết hợp với dàn nhạc dân tộc với các tác phẩm Danube waves, El condor Pasa, Symphony No.40 G minor khiến người xem thú vị về một sự kết hợp Đông- Tây hài hòa , nhuần nhị, tạo nên dư vị lạ, sôi động đấy mà lắng đọng.

Sự thích thú của khán giả cũng dành cho nghệ sĩ nhí Phạm Minh Tuấn với tiết mục độc tấu đàn bầu Vì miền Nam (âm nhạc Huy Thục). Phạm Minh Tuấn là học sinh lớp 7, mới theo học đàn bầu 2 năm tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nhưng đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Hội thi Tài năng học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2017. Đáp lại tiếng vỗ tay không dứt của khán giả sau tiết mục, Phạm Minh Tuấn chia sẻ: “ Một lần đi xem múa rối, thấy các nghệ sĩ chơi đàn hay quá, cháu quyết định theo đuổi học đàn bầu”.

Trên chuyến tàu âm nhạc thưởng ngoạn mùa xuân, tiết mục khiến cả khán phòng thót tim chính là xiếc Thăng bằng trên thang do nghệ sĩ Phạm Việt Cường (Liên đoàn Xiếc VN) biểu diễn. Dõi theo từng cử động nhỏ của người nghệ sĩ trong những động tác khó không có bảo hiểm, người xem thêm một lần cảm nhận để có được tiết mục ấn tượng phục vụ người xem các nghệ sĩ xiếc đã phải khổ luyện cực nhọc, đối mặt với hiểm nguy từng giây, từng phút.

Điều bất ngờ của chương trình chính là sự xuất hiện của ca sĩ Tùng Dương trong ca khúc Em nghĩ gì khi mùa xuân đến của nhạc sĩ Trần Hoàn. Đây là ca khúc đóng đinh với tên tuổi của ca sĩ Lê Anh Dũng nhưng qua tiếng hát ma mị của Tùng Dương, người nghe như lạc vào một không gian xuân sôi động hơn, sắc màu hơn.

Một mùa xuân mới đang đến, khán giả trôi theo giai điệu nhạc để trải nghiệm. Tất cả như mới bắt đầu. 

K.Minh; ảnh: Trần Huấn

Sự nổi loạn 3 sẽ “đốt cháy” các rạp chiếu với những bản hit

VH- Cuối tháng 12 năm nay, bộ phim âm nhạc đình đám Sự nổi loạn hoàn hảo 3 (Tựa gốc: Pitch Perfect 3) sẽ trở lại và ngân vang như một nốt nhạc cuối cùng để kết thúc năm 2017 thành công rực rỡ của hãng phim danh tiếng Universal.

Đây cũng là phần cuối cùng của hiện tượng phim âm nhạc trên toàn cầu, khi các cô nàng xinh đẹp của nhóm Bellas rời khỏi mái trường và bước chân ra ngoài cuộc sống với nhiều khó khăn và ước mơ dang dở. Một lần nữa, âm nhạc lại chính là chất keo gắn kết tình bạn của các cô gái để họ có thể cùng nhau tỏa sáng một lần cuối cùng trên sân khấu, lấy lại sự tự tin và tìm lại niềm cảm hứng trong công việc mà họ đang theo đuổi.

Không chỉ nhận được lời ngợi khen từ các nhà chuyên môn, Sự nổi loạn hoàn hảo 3 còn khắc sâu trong tâm trí người hâm mộ với hình ảnh những cô nàng trẻ trung, chân thành, và trên hết là tài năng và niềm đam mê cháy bỏng trong âm nhạc. Hãy cùng điểm qua những dấu ấn âm nhạc ấn tượng mà series phim đình đám này đã để lại trong hành trình điện ảnh 6 năm qua.

Ở phần đầu tiên được ra mắt ra mắt vào năm 2012, những ca khúc trong bộ phim đã xuất sắc đạt được kỷ lục “Album nhạc phim bán chạy nhất năm” với hơn 800.000 bản. Nổi bật trong album này là ca khúc Cups (When I’m Gone) của nữ chính Anna Kendrick. Bài hát đã nhanh chóng tạo nên một trào lưu “cover” lan rộng trên toàn thế giới với rất nhiều phiên bản thú vị.

Cups (When I’m Gone) sau đó còn được đề cử “Giải thưởng âm nhạc Thế giới” cho ca khúc xuất sắc nhất, lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Tính tới thời điểm hiện tại, MV này đã có đến gần 400 triệu lượt xem chỉ tính riêng trên trang Youtube cá nhân của Anna Kendrick – con số mà đến cả những ca sĩ thực thụ cũng phải ao ước.

Tiếp nối thành công vang dội của “người tiền nhiệm”, Pitch Perfect 2 trở lại với loạt ca khúc bắt tai, đốn gục trái tim của hàng triệu tín đồ điện ảnh và âm nhạc trên toàn thế giới. Với sự lên ngôi của ca khúc Flashlight thể hiện bởi nữ ca sĩ tài năng và xinh đẹp Jessie J., thương hiệu Pitch Perfect lại một lần nữa bùng nổ các bảng xếp hạng trên toàn cầu. Flashlight lọt top 68 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100, chễm chệ ở vị trí Á quân trên bảng xếp hạng âm nhạc tại Úc và thống lĩnh vị trí hàng đầu ở các nước Đông Nam Á như Malaysia và Philippine…

Với mức độ lan rộng nhanh đến chóng mặt, Flashlight đã trở thành một trong những bản nhạc phim nổi tiếng nhất đương thời, sánh ngang hàng với các ca khúc nổi tiếng như My Heart Will Go On (Titanic), A Thousand Years (Twilight), Love Me Like You Do (Fifty Shades Of Grey) hay See You Again (Fast & Furious 7).

Nếu như Step Up nổi tiếng với các màn nhảy đấu giữa các đội nhóm, thì Pitch Perfect lại ghi điểm với những màn đấu âm nhạc ấn tượng. Với những ca khúc quen thuộc, được biến tấu sáng tạo, kết hợp cùng nhóm bè và sự hòa âm phối khí chuẩn mực, màn hát đấu thực sự đã trở thành “món ăn đặc sản” mà bất kỳ người hâm mộ nào của loạt phim âm nhạc này cũng đều mong ngóng được thưởng thức.

Để thực hiện màn Riff Off, nhà sản xuất đã không ngại đầu tư một số tiền lớn để chi trả cho phần bản quyền của các ca khúc xuất hiện trong phim. Các nhóm khi tham gia sẽ phải hát theo chủ đề đã được đưa ra từ trước. Nhóm nào hát sai hoặc không phối hợp ăn ý sẽ bị loại. Đây chính là sân chơi của các cô nàng Bellas khi tài năng và sự hòa quyện giữa các thành viên luôn là thứ vũ khí khiến mọi đối thủ phải dè chừng.

Trong cả 2 phần phim, ngoài chất lượng âm nhạc đỉnh cao thì phần dàn dựng sân khấu biểu diễn vẫn luôn là một trong những yếu tố tiên quyết góp phần tạo nên thành công của bộ phim. Với quy mô học đường, , các màn biểu diễn ở phần 1 diễn ra ở lớp học, phòng tập, đường phố hay hội trường với phục trang lịch sự và vũ đạo sôi nổi cùng giai điệu bắt tai đúng với độ tuổi của các cô nàng Bellas. Đến phần 2, bộ phim tiếp nối khi nhóm đã trở nên nổi tiếng và có được cơ hội trình diễn trên các sân khấu lớn. Với phần này, nhà sản xuất cũng đã mạnh dạn đầu tư kỹ lưỡng về phục trang, vũ điệu,  sân khấu hoành tráng với dàn đèn LED khủng cùng những chi tiết âm thanh, ánh sáng cực kỳ đẹp mắt tạo điểm nhấn cho toàn bộ phim. 

Giới mộ điệu đánh giá Pitch Perfect 2 như một sự kết hợp giữa âm nhạc của High School Musical và các màn biểu diễn đỉnh cao của Step Up với bài hát và vũ đạo được trau chuốt, sân khấu hoành tráng và quy mô lớn hơn ở từng phần. Kết thúc phần 2, khán giả không khỏi choáng ngợp với buổi diễn chung kết được tổ chức như một đại nhạc hội ngoài trời. Cùng hàng ngàn đèn pin chiếu sáng như bầu trời đêm đầy sao rực rỡ, ca khúc Flashlight được vang lên trong sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả.

Siêu phẩm Sự nổi loạn hoàn hảo 3 sẽ khép lại hành trình 6 năm trên màn ảnh rộng của hiện tượng phim âm nhạc toàn cầu. Các diễn viên gắn bó với loạt phim như Anna Kendrick, Rebel WIlson, Hailee Steinfeld, Brittany Snow, Anna Camp và Elizabeth Banks một lần nữa sẽ trở lại để cùng tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu.

 (Nguồn: Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam

VH- Sáng 17.12 tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam và chương trình nghệ thuật với chủ đề “60 năm đồng hành cùng dân tộc”.

Tới dự lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, hội văn học, nghệ thuật cả nước và đông đảo hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong suốt 60 năm, các nhạc sĩ đã luôn đồng hành cùng dân tộc, thật sự hóa thân vào cuộc sống chiến đấu, lao động, bảo vệ Tổ quốc, từ đó sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc bất hủ, thấm đậm tâm hồn dân tộc, rung động lòng người, những bài ca đi cùng năm tháng, sống mãi với thời gian. Ðảng, Chính phủ và nhân dân mong muốn, tin tưởng vào đội ngũ những người làm công tác âm nhạc, bằng tài năng, trí tuệ và tâm huyết của mình hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị về nội dung nghệ thuật, góp phần xây dựng và hun đúc nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam mới.

Tại Lễ kỷ niệm, các thế hệ nhạc sĩ đã cùng nhau ôn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Từ 50 nhạc sĩ ngày đầu thành lập ngày 30.12.1957, những nhạc sĩ – nghệ sĩ tên tuổi như Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình Phúc, Tạ Phước, Lương Ngọc Trác… đã mở ra con đường sáng tạo cho âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam. 60 năm qua, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh với dòng nhạc chính, dòng nhạc chủ lưu là âm nhạc bắt nguồn từ mạch nguồn dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa yêu nước cách mạng, ngợi ca cuộc sống sáng tạo của nhân dân, ca ngợi tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước… Đến nay đã có 22 nhạc sĩ là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 120 nhạc sĩ đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

(Nguồn: Thanh Ngọc – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Tuần phim Hàn Quốc tại Quảng Nam

Tiếp nối hoạt động rạp chiếu bóng lưu động được tiến hành từ năm 2013, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam đã tổ chức Tuần phim Hàn Quốc 2017 với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam và Ủy ban Phát triển Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) trong 7 ngày từ 11 đến 17 tháng 12 năm 2017 tại TPTam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện “Ngày Hàn Quốc tại Quảng Nam” kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc.

Thành phố Tam Kỳ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Nam. Tam Kỳ đồng thời cũng hội đủ nét văn hóa độc đáo của văn hóa xứ  Quảng, và là  một  thành  phố năng động nằm trong vùng kinh tế động lực miền Trung – Việt Nam. Hiện nay trên địa bàn thành phố Tam Kỳ nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung có khoảng hơn 20 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động, đồng thời tỉnh Quảng Nam cũng đã xúc tiến nhiều dự án hợp tác với phía Hàn Quốc trong thời gian qua. Trong bối cảnh này, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc mong muốn tăng cường hiểu biết hơn nữa của người dân Quảng Nam về văn hóa Hàn Quốc, đồng thời thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước trên nền tảng tương đồng văn hóa.

Tuần phim Hàn Quốc lần này hy vọng sẽ chạm đến trái tim của người dân xứ Quảng thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Tuần phim sẽ giới thiệu tới khán giả Quảng Nam những tác phẩm  điện ảnh xoay quanh chủ đề tình cảm gia đình nhẹ nhàng, phong phú về chất liệu song lại vô cùng xúc động, giàu tính nhân văn, được giới chuyên môn đánh giá cao, đồng thời đã gặt hái được thành công ở thị trường trong và ngoài nước. 5 tác phẩm được trình chiếu gồm phim Hy vọng, tác phẩm đạt giải Phim xuất sắc nhất của Giải thưởng Điện ảnh Rồng xanh lần thứ 34, giải thưởng điện ảnh uy tín nhất của Hàn Quốc, phim Giấc mơ ngày trọng đại, bộ phim hoạt hình đánh dấu bước tiến vượt bậc của Hàn Quốc trong công nghệ làm phim hoạt hình, phim Bắt cóc cún cưng, tác phẩm được Bộ VHTTDL Hàn Quốc lựa chọn là Phim tiêu biểu dành cho thanh thiếu niên năm 2014, ngoài ra các phim Tình yêu của tôi, cô dâu của tôi và Cô vợ lắm chiêu cũng đều là các tác phẩm điện ảnh được yêu thích tại Hàn Quốc.

Bà  Kim  Hejin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc cho biết: “ Tôi hy vọng Tuần phim sẽ là một làn gió tươi mới, làm phong phú hơn đời sống văn hóa, giúp người dân Quảng Nam hiểu thêm những nét tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc đồng thời góp phần vào thành công chung của sự kiện Ngày Hàn Quốc tại Quảng Nam nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước”.

Áo yếm: “Di sản trang phục” của Việt Nam

VH- Hình ảnh những cô gái thướt tha trong tà áo dài duyên dáng từ lâu đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển lịch sử trang phục dân tộc, Việt Nam không chỉ có áo dài mà còn có áo yếm – thứ trang phục không thể thiếu của người con gái xưa và được là một di sản trang phục của người phụ nữ VN.

Những hiện vật khảo cổ từ thời Đông Sơn, như tượng người trên cán dao găm, trên chuôi kiếm ngắn hay những hình khắc trên tang trống đồng… phản ánh cách phục sức của người phụ nữ thời đó đã mặc yếm. Như vậy cách đây hàng ngàn năm, từ thời Hùng Vương, chiếc yếm đã trải qua bao thăng trầm lịch sử của đất nước mà vẫn hiện hữu cho tới ngày nay trên trang phục của các pho tượng, phù điêu, chạm khắc nơi đình chùa…Từ tầng lớp quý tộc vương phi hay thị nữ trong cung đình đến người dân lao động và trên sân khấu chèo truyền thống, trong trò chơi ngày hội dân gian hay những canh hát quan họ của liền anh liền chị vùng Kinh Bắc…

Kết cấu của yếm thật đơn giản, số lượng vải không nhiều, chỉ là một vuông, mỗi chiều khoảng 40cm (xưa kia dệt thủ công, khổ vải chỉ rộng khoảng 30, 40cm), đặt chéo trước ngực đủ để che kín phần ngực và bụng người mặc. Một góc vải được khoét tròn là nơi cổ yếm, có hai dải hai bên góc cổ để buộc ra sau gáy; hai dải ở hai góc cạnh sườn người mặc, buộc phía sau lưng. Áo yếm nói nôm na là cái yếm là một thứ trang phục nội y không thể thiếu của người phụ nữ Việt xưa. Nó là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, được dùng để che ngực. Không chỉ vào chốn cung đình với các mệnh phụ công nương, cái yếm còn ra ruộng đồng “dầm mưa dãi nắng” với người nông dân và cùng với chiếc áo tứ thân, cái yếm theo chị em đến với hội đình đám, góp phần tạo nên bộ “quốc phục” của quý bà thời xưa.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc yếm được ra đời là để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, một cô gái đẹp là phải có cái lưng được thắt đáy nhỏ nhắn như cái lưng ong. Người Việt xưa cho rằng những cô gái với cái lưng ong không chỉ mang một dáng hình đẹp mà còn có đầy đủ tất cả những đức hạnh của một người vợ, người mẹ. Yếm là một phần trong tổng thể bộ trang phục của người phụ nữ Việt. Yếm đi với áo cánh, tôn vẻ đẹp của cổ cao ba ngấn, bờ vai tròn lẳn; yếm trắng với áo dài tứ thân, màu nâu non tạo sự nền nã của các chị tiểu thương, hay các cô thôn nữ… Yếm đỏ, yếm đào trong bộ áo mớ ba mớ bảy của các cô gái trảy hội ngày xuân, tôn lên sự rực rỡ nhưng hài hòa và đồng thời cũng là một điểm nhấn cực mạnh của thị giác. Mảng màu của chiếc yếm, ở nơi ngực ấy, đã là một nét độc đáo, ý nhị đầy biểu cảm…

Về hình thức của chiếc yếm rất đơn giản và cũng rất giản dị, dễ cắt may, dễ mặc, tiện dụng trong đời sống. Nhưng nó lại mang nhiều ý nghĩa về giá trị tinh thần và là một phần biểu trưng của tình yêu, tình người. Yếm đã đi vào thơ ca với vẻ đẹp lãng mạn, dưới con mắt của đấng “mày râu”, yếu tố thị giác rất gợi cảm của chiếc yếm: “Đàn bà yếm thắm, hở lườn mới xinh…”.

Theo định nghĩa thực dụng thông thường về yếm: Là đồ lót bên trong, có tác dụng che ngực, che bụng. Nhưng cái phần nhỏ trong trang phục để che ngực ấy lại là một nét trong văn hóa mặc. Người xưa coi yếm là cái gì đó còn mang tính thiêng liêng, không ai bán yếm may sẵn, người con gái thường tự cắt may lấy, khi giặt, phơi cũng phải kín đáo tránh lộ liễu. Yếm đào là một phần trang phục không thể thiếu của người con gái thời xưa. Khi bước vào tuổi dậy thì, các cô gái bắt đầu chú ý đến bản thân và biết làm đẹp cho mình. Đó cũng là khi họ e ấp mặc chiếc yếm đào với vẻ kín đáo, đằm thắm và dịu dàng.

Hình ảnh thiếu nữ Hà Nội xưa đã uyển chuyển đi vào trong thơ ca, hội họa, mà đặc trưng nhất là những bức tranh “Tố nữ” của các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống với hình ảnh các thiếu nữ mang vẻ đẹp thanh thoát, kín đáo phô ra đường nét rất đài các, tinh tế nơi phồn hoa đô thị. Có ý kiến đã từng nhận định rằng, ngay trong những bộ quần áo cần lao giản dị, người Tràng An vẫn đượm vẻ phong lưu… bởi lẽ vẻ đẹp thanh lịch của người con gái đất kinh kì được tỏa ra từ phong thái điềm tĩnh, đoan trang, nhàn hạ.

Trên thực tế thì các mẫu trang phục châu Âu cũng có những kiểu yếm và áo ngực mới lạ, phụ nữ mặc phía trên phần thân chỉ bằng một mảng vải che ngực. Nếu để so sánh những mẫu áo của châu Âu như vậy thì áo yếm của ta vẫn rất kín đáo và mức độ gợi cảm cũng không hề thua kém. Đó là lý do các nhà thiết kế của ta đã mạnh dạn đưa áo yếm trở thành trang phục bên ngoài với nhiều cách tân, cách điệu. Giới trẻ tiếp nhận thời trang áo yếm truyền thống rất nhanh và áo yếm được sử dụng ở mọi chỗ như những cuộc đi chơi, dạo phố, dã ngoại. Sự xuất hiện của áo yếm cách điệu trong các cuộc trình diễn thời trang hay các tiết mục múa, biểu diễn trên sân khấu. Rõ ràng sự hiện diện của áo yếm trong xã hội hiện đại là một hình ảnh vừa kín đáo để bảo vệ thuần phong mỹ tục nhưng cũng tăng thêm vẻ đẹp mềm mại, quyến rũ của người phụ nữ VN.

(Nguồn: Họa sĩ Đoàn Thị Tình)