65 năm Nhà hát Chèo Việt Nam

Nhà hát Chèo Việt Nam được khởi đầu từ sự ra đời của Tổ Chèo trong Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, được thành lập năm 1951 tại Chiến khu Việt Bắc, trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Tổ Chèo đã được nâng cấp trở thành Đoàn Chèo Trung ương. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Đoàn đã phát triển thành Nhà hát Chèo Trung ương rồi đổi tên là Nhà hát Chèo Việt Nam.

65 năm, qua từng bước trưởng thành và phát triển, Nhà hát Chèo Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu về mọi mặt, từ việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội đến nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn vốn Chèo cổ, chỉnh lý nâng cao các tác phẩm tiêu biểu của Chèo cổ, đến việc đào tạo các thế hệ nghệ sĩ cho ngành Chèo và nghiên cứu thử nghiệm phát triển Chèo trong thời đại mới.

– Vào thập kỷ 50, 60 thế kỷ XX, Đoàn Chèo Trung ương đã phối hợp với Ban Nghiên cứu Chèo Trung ương tập hợp các nghệ nhân Chèo tứ chiếng để sưu tầm toàn bộ các vở Chèo cổ tiêu biểu và nhiều vở Chèo Cải lương. Sưu tầm và phổ biến trên 150 làn điệu Chèo cổ có các bản ký âm trên giấy, ghi âm trên đĩa hát băng từ và xuất bản thành sách làm vốn liếng nghề tổ cho tất cả các đơn vị Chèo chuyên nghiệp và sân khấu Chèo không chuyên vận dụng vào tất cả các vở Chèo trên nửa thế kỷ qua. Các vở Chèo cổ tiêu biểu được chỉnh lý, cải biên trở thành các tác phẩm kinh điển của nghệ thuật chèo như Quan âm Thị Kính, Xúy Vân, Lưu Bình – Dương Lễ, Từ Thức, Trương Viên, Tôn Mạnh – Tôn Trọng, Chu Mãi Thần v.v… Đồng thời trau chuốt cho một số trích đoạn trở thành những viên ngọc quý sáng tỏa những giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật, giới thiệu với công chúng khán giả trong và ngoài nước liên tục trên 60 năm qua và đủ sức sống lâu dài còn mãi tới mai sau.

– Với sự truyền nghề tận tình của các nghệ nhân Chèo lỗi lạc, Đoàn Chèo Trung ương đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nên một thế hệ nghệ sĩ xuất sắc tiếp thu được hầu hết các bài bản, ngón nghề truyền thống từ làn điệu cho đến các vai mẫu trong Chèo cổ, rồi các thế hệ trước lại truyền cho các thế hệ sau. Cho đến nay có thể kể đến 8 thế hệ nghệ sĩ Chèo trong đó có rất nhiều nghệ sĩ đạt được cả 6 chữ vàng Thanh, Sắc, Thục, Tinh, Khí, Thần, đã biểu diễn thành công xuất sắc nhiều vai diễn mới, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

– 65 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn chú trọng nghiên cứu chuyên sâu về Chèo truyền thống, tìm ra những nguyên tắc cơ bản, những yếu tố mang đặc trưng ngôn ngữ của Chèo. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ Nhà hát và cộng tác viên đã kế tiếp nhau hoàn thành được các Hội đồng thẩm định của Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đánh giá cao, xếp vào hạng xuất sắc. Hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học này đã được xuất bản thành sách, trở thành những cuốn cẩm nang quý giá cho các nghệ sĩ Chèo và thành nguồn tư liệu tham khảo rất quý cho các nhà nghiên cứu phê bình sân khấu, các giảng viên và sinh viên chuyên ngành, hoặc thay cho giáo trình giảng dạy ở bậc đại học và trên đại học. Trong đó có những cuốn sách mà tác giả đã được chọn để Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.

65 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã luôn luôn coi trọng và tiến hành nhiều công trình thực nghiệm để tìm hướng đi đúng nhất cho nghệ thuật Chèo trong thời đại mới. Sự thành công và những mặt hạn chế có mức độ khác nhau ở các công trình dựng vở thực nghiệm. Nhưng tất cả đã giúp cho các nghệ sĩ và cán bộ nghệ thuật, chỉ đạo nghệ thuật của Nhà hát dần dần đúc kết được, rút ra được những luận điểm khoa học tiếp cận dần với chân lý khách quan để xác định phương hướng kế thừa và phát triển Chèo đúng nhất. Những bài học kinh nghiệm, những thành công của Nhà hát trong việc thử nghiệm Chèo hiện đại đã có ảnh hưởng sâu rộng lan tỏa tới hầu hết các Nhà hát Chèo, Đoàn Chèo chuyên nghiệp trong cả nước.

Bằng những tác phẩm xuất sắc cùng những hoạt động tích cực trong biểu diễn nghệ thuật, đào tạo nghệ sĩ, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân, 65 năm qua Nhà hát Chèo Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, giới thiệu tinh hoa sân khấu dân tộc với bè bạn 5 châu. Những thành tựu nghệ thuật và những thành tích xuất sắc trong hoạt động biểu diễn phục vụ công cuộc cách mạng từ kháng chiến chống Pháp đến nay của Nhà hát đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý và tôn vinh nhiều nghệ sĩ có tài năng xuất chúng, có cống hiến cho sự nghiệp chung.

Nhà hát đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, và nhiều năm được nhận cờ thi đua của Bộ, cùng nhiều Bằng khen của Chính phủ, của Bộ. Nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Một số tác gia, đạo diễn, nhạc sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Nhiều vở diễn của Nhà hát được tặng thưởng HCV, HCB trong các đợt Hội diễn, Liên hoan, cuộc thi Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Nhiều cá nhân cán bộ, nghệ sĩ được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương kháng chiến, Huân chương Lao động và các kỷ niệm chương, huy chương khác. Rất nhiều nghệ sĩ giành được HCV, HCB trong các đợt Liên hoan, Hội diễn mà hiện chưa thể thống kê được.

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà hát 65 năm qua, các cán bộ nghệ sĩ, diễn viên, công nhân viên chức của Nhà hát đang cố gắng khắc phục mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch giao cho, thực hiện tốt chức năng của một Nhà hát nghệ thuật quốc gia.

Trong sự tiếp biến văn hóa do hội nhập quốc tế, đồng thời chịu tác động của cơ chế thị trường, việc bảo tồn và phát triển Chèo mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc là hết sức khó khăn. Nhà hát Chèo Việt Nam đã kiên trì thừa kế và phát huy những nguyên tắc cơ bản của chèo truyền thống, quyết tâm xây dựng những vở diễn thực sự là Chèo, không lai tạp, không biến dạng, và góp phần củng cố niềm tin vững chắc và sự tồn tại của chèo truyền thống.

ThS .Thanh Ngoan

 

Nhà hát lớn Hà Nội rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Người xem “vào cuộc” cùng người diễn (02/9/2016)

“Ăn no rồi lại nằm khoèo

Nghe giục trống Chèo bế bụng đi xem

Chẳng thèm ăn chả ăn nem

Thèm ăn cơm tẻ thèm xem hát Chèo”.

Sau câu ca dao chẳng biết có tự bao giờ về chèo của NSND Lê Khanh là hơn 120 phút thăng hoa của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội chật kín người xem cùng với sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và các Thứ trưởng Lê Khánh Hải, Vương Duy Biên, Đặng Thị Bích Liên.

Xứng tầm một thương hiệu chèo “xịn”imgl7954
Những tràng pháo tay vang dội cả khán phòng biểu diễn của Nhà hát Lớn đã chứng tỏ những tình cảm nồng nàn của người dân Thủ đô khi đến với chương trình “Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực” của Nhà hát Chèo Việt Nam.
Khán giả cũng như “lên đồng” với nghệ thuật chèo với biết bao cung bậc cảm xúc. Lúc đồng cảm với sự khao khát nồng nàn của Thị Màu, lúc bị cuốn đi cùng câu hát tình tứ “Đào liễu có một mình. Em đi đâu hỡi cô nàng ơi, Đào liễu có một mình” bằng sự dí dỏm, trẻ trung và trữ tình của những chàng trai, cô gái làng Chèo. Khi lại rộn rã, giòn tan trước trò diễn cực vui của trích đoạn Thị Màu – Nô – Phú Ông trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”. Rồi lại bị hút hồn theo nữ NSƯT Kim Liên với những phút “lên đồng” thăng hoa qua Giá Ông Hoàng Mười – Cô bé Đông Cuông. Toàn bộ phần sau của chương trình được dành để tôn vinh nghệ thuật âm nhạc chèo truyền thống và các nhạc công được tha hồ tung tẩy với đàn tranh, đàn nguyệt, trống đế, tiêu…

imgl8652
NSƯT Vân Quyền không giấu nổi cảm xúc vui mừng của người truyền dạy cho một số trò là diễn viên đảm đương các vai chính trong các trích đoạn của chương trình lần này. Chị chia sẻ: “Lớp nghệ sĩ, nhạc công biểu diễn ngày hôm nay trên sân khấu đã chứng tỏ được bản lĩnh vững vàng cũng như thương hiệu của Nhà hát Chèo Việt Nam. Tuy còn trẻ nên kỹ năng chưa đạt tới sự chỉn chu, điêu luyện nhưng các em đã vô cùng sáng tạo cho vai diễn của mình, phả được hơi thở của cuộc sống hôm nay vào các nhân vật chèo truyền thống đời hơn, sống động hơn. Phần Năm cung Chèo cũng đã có nhiều phá cách sáng tạo dựa trên những nhân vật, những nét nhạc của truyền thống nhưng được dàn dựng, phối khí mới cũng rất ấn tượng”.
Một chương trình chèo được đánh giá là “xịn” bởi cách dàn dựng và diễn xuất có chất lượng đã thực sự ghi điểm cho sân khấu truyền thống ở đêm diễn thứ 3 trong chủ trương đưa nghệ thuật truyền thống vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn.

Ai bảo khán giả quay lưng lại với Chèo?

Chứng kiến cảnh người con trai cõng ông bố già 86 tuổi mang tên Ngô Hiếu bị gãy cổ xương đùi không đi được, sải bước tiến vào Nhà hát để xem mới thấy hết được sự say Chèo của một bộ phận khán giả, đặc biệt là khán giả có tuổi. Cụ ông Ngô Hiếu cho biết: “Trước kia tôi đã từng đi Bê và công tác ở Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Con gái tôi làm ở Báo Hà Nội mới mời bố mẹ một đôi vé để vào xem. Tôi không ngờ nghệ thuật Chèo giờ phát triển đến như vậy. Các nghệ sĩ, nhạc công hôm nay đã thực sự nâng cấp cho nghệ thuật Chèo phù hợp với hơi thở cuộc sống hiện đại từ cách dàn dựng cho tới trang phục biểu diễn và họ diễn cũng rất tuyệt vời”.

img_4764 img_4771-copy

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và lãnh đạo Bộ tặng hoa các nghệ sĩ sau đêm diễn

Bác Nguyễn Thanh Hà (83 tuổi), chồng đã 84 tuổi nhà ở tận Dịch Vọng, Hà Nội đã bắt taxi đi tới Nhà hát Lớn để được xem Chèo. Bác Hà nói: “Tôi mê Chèo từ khi chưa lấy chồng. Vì vậy nếu có cơ hội để xem Chèo tôi sẽ không bỏ qua. Ngày hôm nay trên sân khấu của Nhà hát Lớn vẫn là các trích đoạn mà tôi đã từng xem nhưng cảm xúc rất mới và tuyệt vời bởi các nghệ sĩ diễn rất giỏi, sân khấu cũng rất đẹp. Các cháu múa mềm lắm, hát cũng rất ngọt. Thưởng thức Chèo trong không gian ở Nhà hát Lớn khiến người xem có cảm giác sang trọng hơn, chất lượng hơn”.
Vẫn biết khán giả đến với Chèo, mê Chèo thường là lớp người đã có tuổi thế nhưng vẫn có những gương mặt thanh niên, sinh viên hiện diện trong khán phòng. Cô sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội Đào Mai Hương rất chăm chú xem cùng mẹ. “Em thường xem các chương trình ca nhạc nhẹ, em cũng đã được nghe hát Chèo ở phố cổ. Thi thoảng được nghe hát Chèo cũng cảm thấy rất thú vị. Vậy là thêm một điểm diễn Chèo truyền thống để người xem có thể lựa chọn. Biểu diễn Chèo ở Nhà hát Lớn trong không gian lịch sự, theo em rất phù hợp với đối tượng khán giả quốc tế. Em nhất định sẽ giới thiệu cho các bạn nước ngoài của em”.

imgl8389

Nghệ sĩ giao lưu với khán giả

imgl8487      imgl8762   imgl8036Các tiết mục trong đêm diễn

Nhà hát Lớn, “bà đỡ” cho những tác phẩm nghệ thuật chất lượng

Xin được chiếc vé mời hiếm hoi trong chương trình, Ngọc Anh – sinh viên lớp diễn viên Chèo do Nhà hát Chèo Việt Nam phối hợp với trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội đào tạo vô cùng phấn khởi. “Nhìn các anh chị nghệ sĩ của Nhà hát Chèo diễn được khán giả yêu quý, trân trọng bằng những tràng pháo tay không ngớt, em thấy mình có thêm động lực để gắn bó với con đường diễn viên Chèo mà mình đang dấn thân”.
Trong cả ba chương trình diễn trong đợt đầu ra quân của kế hoạch công diễn các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn đều thấy có vợ chồng họa sĩ, NSND Doãn Châu. Mang một chút băn khoăn hỏi ông về việc đưa Chèo vốn thường diễn các chiếu Chèo sân đình vào một sân khấu sang trọng với kiến trúc của phương Tây như Nhà hát Lớn liệu có độ chênh.
Họa sĩ, NSND Doãn Châu nói một cách hình ảnh: “Hãy tưởng tượng xem Chèo ở Nhà hát Lớn giống như việc các ông đồ viết thư pháp trên giấy. Những chữ “tâm”, chữ “phúc” được viết bằng chữ Nho, chữ Hán trên giấy rất mộc mạc nhưng nếu được lồng kính, để trang trọng sẽ có một giá trị rất khác. Cũng là món khoai lang dân dã của người dân bình thường nhưng khi được bóc vỏ và đặt lên những đĩa bát sang trọng lại trở thành một món ăn đặc biệt đối với người thưởng thức. Theo tôi, sân khấu to hay nhỏ đều có những cái hay riêng và với Chèo, một loại hình nghệ thuật độc đáo như Chèo thì vẫn phát huy được giá trị”.
Ba đêm diễn kín chỗ, người xem ngồi từ đầu cho đến khi kết thúc chứng tỏ khán giả không thờ ơ với những chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, nhất là khi nó được biểu diễn ở “thánh đường” sang trọng như Nhà hát Lớn Hà Nội. Đó chính là những tín hiệu vui, rất vui tạo thêm quyết tâm cho những người đang trên con đường kéo khán giả trở lại với nghệ thuật, với sàn diễn sang trọng bậc nhất của Việt Nam.

Thúy Hiền

Ảnh: Trần Huấn

 

Chương trình biểu diễn và giao lưu nghệ thuật của Nhà hát Chèo Việt Nam và Phillips Exeter Academy

Tối 10.3, tại Nhà hát Chèo Kim Mã đã diễn ra Chương trình biểu diễn và giao lưu nghệ thuật của Nhà hát Chèo Việt Nam và Phillips Exeter Academy. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ, các nhà hát của VN đã tới dự.

Phát biểu tại chương trình, ông Terry J.White, Tham tán Thông tin – Văn hoá Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nhận định chương trình biểu diễn và giao lưu nghệ thuật là một hoạt động tiêu biểu đầu tiên nằm trong chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra trong năm 2015 nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Những chương trình văn hoá nghệ thuật được tổ chức đã thể hiện rõ nhất mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Các học sinh của Phillips Exeter Academy đã vượt nửa vòng Trái đất để tham dự chương trình giao lưu với nghệ sĩ của Nhà hát Chèo VN cho thấy nhu cầu mong muốn được giao lưu, hiểu biết nền văn hoá nghệ thuật của nhân dân hai nước, mong muốn thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị.

giao-luu-2

Ông Terry J.White, Tham tán Thông tin – Văn hoá Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Ở phần một, Nhà hát Chèo Việt Nam đã gửi tới những bản nhạc chèo truyền thống, những nhạc cụ truyền thống được các nhạc sĩtrình tấu, phát triển và phối hợp nhuần nhuyễn, cùng với các nhân vật tiêu biểu của nghệ thuật chèo truyền thống như Thị Màu trong Quan Âm Thị Kính, Suý Vân trong Tự sự Suý Vân… Ở phần hai, Dàn nhạc giao hưởng Phillips Exeter Academy đã trình diễn các sáng tác của các nhà soạn nhạc Mỹ và châu Âu như John Philip Sousa, Mozart, Arcangelo Corellin, Schuller…

Đặc biệt là nghệ sĩ hai nước đã cùng nhau biểu diễn trong hai tiết mục Hề mồi thắt lưng xanh và Đường trường duyên phận. Chỉ trong vài tiếng trước giờ biểu diễn, nghệ sĩ hai nước đã cùng nhau giao lưu, tập luyện, kết quả là nghệ sĩ của bạn đã chơi được làn điệu chèo của VN bằng nhạc cụ của mình trong hai tiết mục Hề mồi thắt lưng xanh và Đường trường duyên phận.

img_7046  giao-luu-3

Các nghệ sĩ chèo VN và học sinh của Phillips Exeter Academy Hoa Kỳ

Chia sẻ những cảm xúc của mình, ông Rohan Smith, Giám đốc Dàn nhạc hợp xướng Phillips Exeter Academy cho biết: “Chúng tôi vô cùng vinh dự khi được sang tham gia chương trình này và càng thú vị hơn khi giao lưu và biểu diễn cùng nghệ sĩ VN mới biết là nghệ thuật chèo của VN đã có từ rất lâu đời tới cả nghìn năm, chúng tôi thật hạnh phúc khi được cùng biểu diễn với một nền âm nhạc nghệ thuật truyền thống lâu đời của các bạn Việt Nam. Nghệ thuật Chèo Việt Nam đậm chất nhân văn và vô cùng cuốn hút, đó là lý do các nghệ sĩ trẻ của Hoa Kỳ đã vô cùng hào hứng khi cùng hát và chơi nhạc cùng nghệ sĩ Việt Nam. Có thể ví nghệ thuật chèo của Việt Nam như một dạng opera của phương Đông. Sự giao thoa của hai dòng nhạc cổ điển phương Tây và Chèo Việt Nam đã mang tới một hình ảnh đẹp cho sự hợp tác, học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn hoá”.