Bỏ tiền tỉ để lan tỏa nghệ thuật cải lương

VHO- Là ca sĩ theo dòng nhạc nhẹ nhưng TK Trina (sinh 1992) lại bén duyên với cải lương. Không chỉ ca diễn tốt cô còn được tổ nghiệp gieo duyên viết tuồng. Trong vòng một năm qua TK Trina đã có 5 tác phẩm trình làng qua kênh YouTube của mình. Mới đây nhất, trích đoạn phim cải lương Mộc Lan Truyện ra mắt giới chuyên môn qua màn ảnh rộng tại rạp chiếu phim vào tối 8.5. Theo kế hoạch, vở phát hành trọn tuồng từ ngày 16.

Trong phim cải lương Mộc Lan Truyện, TK Trina vào vai chính là một nữ tướng với tính cách mạnh mẽ, là người con hiếu thảo, yêu nước, cô đã thay cha tòng quân và mang về chiến thắng vinh quang… Tác phẩm do chính TK Trina viết kịch bản đồng thời là nhà sản xuất. Cô cho biết, kịch bản xây dựng tính cách nhân vật gần gũi với giới trẻ, đồng thời với cách dàn dựng theo dạng phim cải lương với mong muốn mang đến cho khán giả mộ điệu một làn gió đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc. Cùng với nữ chính, vai nam chính do nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải đảm nhiệm. Kép Hoàng Hải trong vai Lý Lượng, là người có khí phách hiên ngang của đấng trượng phu, tận trung với nước và luôn đứng về lẽ phải.

Nghệ sĩ Chí Linh trong vai Hoa Hồ trung quân ái quốc, sẵn sàng hy sinh cho nước cho dân nhưng kiên định với chuyện nữ nhi không can quốc sự mà phải chuyên việc nhà. NSƯT Vân Hà trong vai Hoa phu nhân hiền đức, vẫn luôn cam chịu hy sinh cho chồng phò tá giang san, là mẫu người phụ nữ thời xưa. Ngân Tuấn trong vai Lý Sùng, nguyên soái của Tùy quốc hiên ngang can đảm, thà chết chứ không khuất phục trước quân thù. Tô Châu trong vai vua nước Tùy, vị vua anh minh, nhân đức và biết quý trọng nhân tài. Nghệ sĩ Chí Bảo trong vai Thiền Vu, là nguyên soái của Hung Nô hung hăng, tham chiến, luôn nghĩ mình tài giỏi nhưng lại bị thua bởi tài của một nữ nhi… Sau bao năm đứng trên sân khấu, Chí Bảo vẫn thể hiện phong độ của một kép độc mà khó ai thay thế. Các nghệ sĩ Chí Cường, Sơn Minh, Trọng Hiếu diễn cũng khá tròn vai.

Với tác phẩm này, ca sĩ TK Trina đã bỏ ra tâm huyết lớn và quy tụ được nhiều nghệ sĩ gạo cội của cải lương hồ quảng, với ê kíp gần 100 người bao gồm diễn viên, nhạc sĩ, âm thanh, ánh sáng, tổ quay phim, phục trang, tổ đạo cụ, thiết kế sân khấu, cảnh trí, nhóm võ thuật,… Được biết, kinh phí đầu tư cho phim cải lương là gần 1 tỉ đồng, được quay hình liên tục 4 ngày tại Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu. Các nghệ sĩ chia sẻ, mặc dù với thời tiết mùa này nắng chói chang 40 độ nhưng ê kíp rất quyết tâm, các cảnh quay phần lớn thực hiện ngoài trời, ai cũng hào hứng tham gia với mong muốn có được tác phẩm chất lượng nhất phục vụ giới mộ điệu. Với cách dàn dựng mới mẻ, bối cảnh phù hợp, phim cải lương Mộc Lan Truyện đã thể hiện được tinh thần vở diễn, đồng thời còn quảng bá nét đẹp văn hóa, phong cảnh vùng đất nơi đây.

Mộc Lan Truyện do nghệ sĩ Chí Linh đạo diễn. Là nghệ sĩ gạo cội trong nghề, anh đã dàn dựng nhiều tác phẩm, hỗ trợ các nghệ sĩ đoạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan cải lương và các vở diễn bán vé. Chia sẻ với phóng viên, nghệ sĩ Chí Linh đánh giá cao năng lực và nhiệt huyết của TK Trina dành cho nghệ thuật cải lương. “TK Trina đam mê nghệ thuật từ truyền thống gia đình, nhận thấy được tình yêu tha thiết với cải lương, dù là một ca sĩ nhạc nhẹ nên tôi và các anh chị nghệ sĩ đã cố gắng hết sức hỗ trợ, nâng đỡ để em có bước phát triển thêm. Với những thành tích bước đầu qua các tác phẩm của mình, cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của một nghệ sĩ trẻ, tôi tin rằng sắp tới đây, Trina sẽ phát triển và chính quy hơn trên con đường nghệ thuật của mình”, nghệ sĩ Chí Linh cho biết và đánh giá rằng, Trina chưa có nhiều kinh nghiệm trong ca diễn, vì thế cần có người kế bên dìu dắt để đi đúng hướng…

Bàn thêm về việc phát triển cải lương theo chiều hướng phát hành qua rạp, nghệ sĩ Chí Linh cho rằng điều này sẽ gặp nhiều khó khăn, vì khán giả của cải lương chủ yếu tuổi trung niên, cần thêm nhiều người trẻ làm nghề, yêu nghệ thuật truyền thống hơn nữa, đồng thời sân khấu cũng cần thêm thời gian để phát triển khán giả trẻ nhiều hơn. Chia sẻ về việc chuyển hướng nghệ thuật lần này, TK Trina cho biết, gia đình có truyền thống cải lương nhưng do không theo nghề được, vì thế em luôn nỗ lực làm cải lương để truyền lửa cho giới trẻ. Trong một năm qua, nữ nghệ sĩ đã ra mắt được 5 tác phẩm, gồm 1 tuồng ngắn và 4 trích đoạn sử Việt là An Tư truyền sử ký, Truyền thuyết Cổ Loa thành, Thiên tình sử Huyền Trân – Khắc Chung và Trương Chi – Mỵ Nương truyện, đã phát trên kênh YouTube TK Trina Official. Theo kế hoạch, phim cải lương Mộc Lan Truyện sẽ phát hành từ ngày 16.6 tới đây. “Trina hy vọng sẽ đem đến cho những người yêu cải lương và người chưa thân thiết với bộ môn này sẽ cảm thấy gần gũi hơn, qua đó quảng bá và truyền lửa bộ môn nghệ thuật dân tộc đến với các bạn trẻ”, Trina bày tỏ.

Sau phần ra mắt trích đoạn, giới chuyên môn đánh giá Mộc Lan Truyện vẫn chưa mãn nhãn người xem khi những màn võ thuật chưa được nhuần nhuyễn, nữ chính vẫn còn non kinh nghiệm trong những phân đoạn cần nhiều tâm lý, vở chưa có nhiều bài vọng cổ thể đa dạng cung bậc mà tương tự như một liên khúc hồ quảng nhiều hơn. Tuy nhiên, màu sắc vở diễn tươi mới cùng với nhịp phim nhanh, nên dự đoán phù hợp với thị hiếu khán giả trẻ.

 THÙY TRANG

Sân khấu đang lảng tránh đề tài hiện đại

VHO- Những vấn đề thời sự, những câu chuyện “nóng bỏng” ở ngoài đời hay cuộc sống hiện thực muôn màu chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng khi được đưa lên sân khấu. Thế nhưng trên thực tế, sân khấu Thủ đô đang khủng hoảng thiếu những vở diễn như thế…

Và câu hỏi đang cần được giải đáp là: Vì sao một Thủ đô văn minh, hiện đại với vô vàn vấn đề “nhức nhối” lại bị những người làm sân khấu lảng tránh khai thác, đề cập? Lý giải cho câu hỏi này, tại Hội thảo Sân khấu Thủ đô với đề tài hiện đại, tác giả Giang Phong trăn trở: “Có một điều rõ ràng rằng, các nhà biên kịch sân khấu làm ra gạo tám xoan đem đi bán, nhưng người mua lại chỉ thích gạo si, thành ra gạo tám ế không ai mua. Trở lại người mua, ở đây là nhà hát, họ cũng phải nuôi quân, và để có tiền trả lương, họ sẽ dựng những vở về ông hoàng, bà chúa để thu hút được người xem, bán được vé, có tiền mời gương mặt nổi tiếng cộng tác… ta không thể trách được họ. Giải quyết vấn đề này phải là những cơ quan có thẩm quyền, chứ trông chờ vào đạo diễn, diễn viên, tác giả thì… nói như cụ Vũ Trọng Phụng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu bày tỏ: “Chúng tôi luôn mong muốn đi thẳng vàtrực diện vào những vấn đề nóng nhất của xãhội hiện đại; những đềtài khai thác tâm lý, trăn trởvàkhát khao, ước mơvà hoài bão cũng nhưnhững toan tính, khổđau của con người trong guồng quay hối hảcủa cuộc sống. Tuy vậy, việc tiếp cận vàthểhiện những chủđềấy phải chân thực mà không trần trụi, hiện thực cần được chắp thêm đôi cánh của sựlãng mạn, của niềm lạc quan vàkhát vọng”. Theo ông Hiếu, đểtìm được một kịch bản chất lượng và đáp ứng được các yêu cầu trên là điều rất khó!

TS Trần Trí Trắc lý giải căn nguyên của thực trạng này: “Theo tôi, nhiều nghệ sĩ chúng ta còn chưa hiểu thấu đáo về sự chuyển hóa lớn của đất nước khi đi từ chiến tranh sang hòa bình, từ cách mạng dân tộc dân chủ sang định hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế… Có nghĩa là, văn nghệ sĩ chưa có vốn sống thực tế về đề tài hiện đại, chưa nhận thức được đầy đủ về những giá trị cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam hôm nay trên trường quốc tế…

“Những tên tuổi gắn liền với Kịch Hà Nội như tác giả Lưu Quang Vũ, cố nhà văn Xuân Trình, Anh Biên, Xuân Đức, Triệu Huấn… ra đi và để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy với tất cả giới sân khấu. Trong khi đó, văn đàn thiếu vắng thế hệ kế cận xuất sắc và nổi bật, phần lớn do định hướng và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hiện nay không ưu tiên nghiệp viết. Hơn thế, sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin khiến một bộ phận không nhỏ người Việt trẻ mất đi văn hoá đọc, điều đó tác động rất lớn đến chất lượng và chiều sâu của các kịch bản”, những chia sẻ của NSND Trung Hiếu cho thấy sân khấu Thủ đô đang thiếu “người tài” và đó là vấn đề cốt lõi.

Là một tác giả sân khấu đang có những kịch bản được dư luận chú ý bởi khai thác tốt về đề tài hiện đại, tác giả Minh Nguyệt cho rằng, quan trọng nhất là tìm ra được giải pháp để khuyến khích các tác giả có động lực xông pha vào những “vùng cấm”, dũng cảm phê phán và đấu tranh xóa bỏ cái xấu; xây dựng được những điều tốt đẹp, giúp nhân dân nhận diện được vấn đề chính diện – phản diện, từ đó, bày tỏ thái độ đúng đắn trước các vấn đề xã hội. Điều này rất cần sự quan tâm nhiệt tình, trách nhiệm hơn nữa của các nhà quản lý văn hóa.

TS Trần Thị Minh Thu, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu nghệ thuật, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN nhận định: “Trong công tác quản lý thiếu định hướng mang tính chiến lược lâu dài cho các đơn vị lựa chọn đề tài hiện đại để dàn dựng theo dạng “đặt hàng”. Theo TS Trần Thị Minh Thu, để khắc phục thực trạng “thiên lệch đề tài quá khứ, lảng tránh đề tài hiện đại” trong sân khấu, đặc biệt là với kịch hát, các cấp quản lý cần đầu tư đào tạo, bồi dưỡng và mở trại sáng tác cho các tác giả viết chuyên đề tài hiện đại; tăng cường đầu tư công tác thử nghiệm, sáng tạo mới; tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo ở các đoàn, nhà hát về cách thức mở rộng thị trường công nghiệp nghệ thuật biểu diễn, nhằm tăng thêm nguồn thu bằng nhiều nguồn để góp phần đưa sân khấu phát triển đúng hướng…

Ai cũng biết, muốn có một tác phẩm sân khấu hay, trước tiên phải có kịch bản tốt, vì vậy, vai trò của tác giả kịch bản là vô cùng quan trọng trong mắt xích sáng tạo. Rõ ràng, nhiều tác giả đã không lăn lộn vào đời sống, không lý giải được mâu thuẫn của cuộc sống hiện đại, không đọc được nỗi đau và nói lên ý chí của con người hôm nay. Đội ngũ tác giả viết sân khấu không hề nhỏ, số kịch bản ở các trại sáng tác và các cuộc thi cũng không ít, vậy tại sao các đơn vị nghệ thuật sân khấu vẫn kêu thiếu? Thiết nghĩ, bản thân giới nghề, đặc biệt là tác giả cần phải nghiêm túc đánh giá và chủ động thay đổi tư duy từ cách tiếp cận khán giả cho tới việc định hướng xây dựng tác phẩm nghệ thuật.

THUÝ HIỀN (Baovanhoa.vn)

Phim hoạt hình Việt: “Miền đất hứa” rục rịch trỗi dậy

VHO- Nếu như từ lâu, phim hoạt hình đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới, thì ở Việt Nam, dòng phim này vẫn đang dò dẫm tìm đường, loay hoay định vị thương hiệu. Tại phòng vé, các “siêu phẩm” hoạt hình ngoại gần như “một mình một ngựa” trong khi sản phẩm trong nước chỉ có thể tiếp cận khán giả qua truyền hình hoặc nền tảng mạng xã hội. Hoạt hình Việt chỉ bắt đầu gây chú ý trong một vài năm gần đây.

“Bắt bệnh” để kê đơn

Việt Nam có tỷ lệ dân sốtrẻ đáng mơ ước cho những nhà làm phim hoạt hình bởi giới trẻ luôn là nguồn khán giả giá trị. Tuy nhiên, dù được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng thị trường hoạt hình Việt lại không có chỗđứng ngay trên sân nhà. Thực tế chứng minh, vô sốtác phẩm hoạt hình ngoại như Kẻ cắp mặt trăngPokemonBí kíp luyện rồngNữ hoàng băng giá… đều có doanh sốngất ngưởng tại Việt Nam. Mới đây nhất, Minions: Sự trỗi dậy của Gru nhanh chóng chiếm lĩnh top 1 phòng vé Việt ngày đầu ra rạp và chỉ sau 10 ngày chiếu chính thức đã cán mốc 100 tỉ và trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từ trước đến nay, áp đảo cả các phim hành động và siêu anh hùng có kinh phí lớn. Rõ ràng, “cuộc chơi” trong lĩnh vực này hoàn toàn thuộc về đối thủ ngoại quốc.

Có thể thấy, hoạt hình Việt dường như vẫn “mắc kẹt” trong tư duy, cách làm, cách xử lý nội dung không hề có sự đột phá. Kịch bản theo lối mòn, hình ảnh thiếu tính sáng tạo, nhân vật loanh quanh với những truyền thuyết, cổ tích, truyện cười… đã quá quen thuộc. Nhân vật cũng thiếu sự đa dạng về tính cách, cá tính, nội dung đơn điệu, quá nhiều lời thoại, ít khơi gợi cảm xúc của người xem. Và dường như các nhà làm phim quá xem trọng mục tiêu giáo dục nên coi nhẹ tính giải trí, dẫn đến hoạt hình Việt mới chỉ dừng lại ở mức độ làm sao cho dễ hiểu mà thiếu sự sâu sắc, lôi cuốn, hấp dẫn. Đầu ra cho thể loại này hiện nay khá hẹp, gần như chỉ có chuyển tải qua kênh truyền hình hay YouTube, vì thế tộc độ lan tỏa và quảng bá vẫn còn nhiều hạn chế.

Kinh phí đầu tư cũng là điều khiến các nhà đài, xưởng phim hoạt hình “đau đầu”, bởi chi phí của nhiều tác phẩm hoạt hình thế giới có thể lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm triệu USD, không hề thua kém sốtiền đầu tư cho thể loại “bom tấn” hành động. Ở Việt Nam, con sốđầu tư cũng không phải là ít, trong khi đầu ra lại rất bấp bênh. Bên cạnh chi phí đầu tư cao, đòi hỏi công nghệ, kỹ xảo tiên tiến thì một khó khăn lớn mà nhà sản xuất phim hoạt hình phải đối mặt là nguồn nhân lực cực kỳ khan hiếm. Hiện Việt Nam chưa có trường lớp hoặc khóa đào tạo chuyên ngành về biên kịch hoạt hình. Chính vì vậy, nguồn nhân lực này chủ yếu là từ phương thức truyền nghề. Điều đáng buồn hơn, nhà sản xuất nội địa luôn bị hãng ngoại quốc hớt tay các biên kịch tài năng bởi chính sách đãi ngộ của họ quá hấp dẫn.

Hy vọng sẽ bứt phá

Để có bước đi dài hơi, phim hoạt hình Việt cần phải thay đổi mạnh mẽ. Việc đầu tư cho nguồn nhân lực đang là yêu cầu vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược. Chúng ta cần sự “lột xác” để có những kịch bản hay, nội dung sâu sắc, mang hơi thở cuộc sống và thời đại. Bên cạnh đó, cũng rất cần đến vai trò “bà đỡ” của Nhà nước và các cơ quan liên quan, hỗ trợ từ chính sách đào tạo đến tài chính, bảo hộ để phim đủ điều kiện tiếp cận rộng rãi khán giả trong và ngoài nước.

Trên thực tế, thời gian gần đây, hoạt hình trong nước đã có nhiều tiến bộ. Các họa viên bắt đầu định hình được cách làm, có sự tìm tòi để cho ra đời những tác phẩm chất lượng. Có thể thấy, tại LHP Việt Nam 2021 và giải Cánh Diều 2021, các tác phẩm tham dự đã có chất lượng đồng đều hơn. Cũng trong năm 2021, kênh của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam trên trang YouTube có gần 200 triệu lượt theo dõi mới. Càng bất ngờ hơn, sê-ri Wolfoo – sản phẩm của ê kíp sáng tạo người Việt – được dịch ra 10 thứ tiếng đã thu hút tới hơn 2 tỉ người xem. Cuối tháng 5 vừa qua, nữ đạo diễn Mai Vũ với phim hoạt hình ngắn Giấc mơ gỏi cuốn (Spring roll dream) đã gây chú ý khi vượt qua 1.500 đối thủ, trở thành một trong 16 phim ngắn được chiếu và tranh giải trực tiếp tại La Cinef – hạng mục dành cho tác phẩm đến từ các trường đào tạo về phim ảnh. Trong tháng 7 này, ba phim hoạt hình ngắn gồm Giấc mơ gỏi cuốnU linh tích ký: Bột thần kỳTàn thể: Tiền truyện sẽ cùng được chiếu và đưa ra thảo luận trong sự kiện Giấc mơ hoạt họa do Công ty Xine House tổ chức. Đây được coi là cơ hội tốt để các nhà làm phim trẻ nói riêng hoặc người yêu phim, yêu hoạt hình nói chung giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết với những đạo diễn tài năng, có kinh nghiệm. Các hoạt động này cho thấy đã có rất nhiều nỗlực để góp phần bù lấp lỗ hổng kịch bản đang được tiến hành, tạo dựng tiền đề quan trọng cho chiến lược lâu dài để sản xuất phim hoạt hình.

“Vạn sự khởi đầu nan”, hoạt hình Việt muốn bứt phá phải hội đủ yếu tố, quan trọng nhất là đột phá về tư duy sáng tạo, đáp ứng được thị hiếu và sự quan tâm của khán giả, có như vậy mới có thể định vị được thương hiệu để bước ra thế giới.

 BÁ TRƯỜNG (Báo Điện tử Văn Hóa)

“Minions: Sự trỗi dậy của Gru” lập kỷ lục doanh thu

VHO- Minions: Sự trỗi dậy của Gru đang thiết lập nhiều kỷ lục ấn tượng tại phòng vé Việt Nam. Bộ phim đã chiếm lĩnh Top 1 phòng vé Việt trong 5 ngày đầu ra rạp và vẫn tiếp tục giữ vững vị trí xuất sắc này ở cuối tuần thứ 2. Và chỉ sau 10 ngày chiếu chính thức, bom tấn Minions đã cán mốc 100 tỉ doanh thu và trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.

Bộ phim hoạt hình cán mốc 100 tỷ nhanh nhất

Cơn sốt Minions không hề giảm nhiệt tại các phòng vé trên toàn thế giới khi đã gặt hái gần 400 triệu đô la. Cuối tuần vừa rồi,  bộ phim khởi chiếu Pháp đã thu về tới 7,1 triệu đô, trở thành doanh thu mở màn cuối tuần lớn nhất của đất nước này năm 2022.

Đạo diễn đứng sau những phần phim “tỷ đô”

Hai phần gần đây nhất của Despicable Me do Kyle Balda và Pierre Coffin đạo diễn đều có doanh thu vượt ngưỡng 1 tỷ đô. Tiếp tục trở lại với vai trò “tổng chỉ huy của Minions: Sự trỗi dậy của Gru, Kyle Balda tiếp tục cho thấy sự “mát tay” khi giúp phim “làm mưa, làm gió” tại phòng vé ở nhiều thị trường trên thế giới. Balda bày tỏ: “Với Minions: Sự trỗi dậy của Gru , chúng tôi sẽ tiến thêm một bước để kể cho khán giả về lần đầu mà các Minion gặp gỡ Gru, cũng như hé lộ về quãng đời khi ác nhân bá đạo này mới chỉ là một cậu nhóc 12 tuổi ấp ủ tham vọng trở thành bá chủ thế giới. Chúng ta sẽ được thấy các Minion đã ủng hộ Gru cùng những mơ ước của gã như thế nào. Thoạt đầu, Gru có phần dè chừng các Minion. Đội quân nhí nhố này vì thế còn rất nhiều việc phải làm để nhận được sự tin tưởng từ phía cậu chủ nhỏ.”

Về việc lựa chọn bối cảnh thập niên 70, Balda cho biết đây là giai đoạn gắn bó mật thiết với quá trình lớn lên của anh, từ TV, âm nhạc kiểu tóc đến quần ống loe, những thứ rực rỡ sắc màu, ánh đèn disco,… Thậm chí khi ấy Balda cũng trạc tuổi Gru trong phim!

Nhóm nhà sản xuất lừng lẫy

Hậu thuẫn cho Kyle Balda lần này còn có bộ ba nhà sản xuất lừng lẫy và quen thuộc Chris Meledandri (CEO của Illumination), Janet Healy (nhà sản xuất của loạt phim Despicable Me) và Chris Renaud (đạo diễn 2 phần đầu của Despicable Me).

Cùng nhau, tất cả làm nên một ê-kíp sáng tạo. Ngay cả nữ diễn viên Tajari P. Henson cũng đánh giá cao về phần phim lần này: “Sau khi được làm việc với Illumination, tôi đã hiểu được tại sao các phim của họ lại thành công tới như vậy. Kyle, Chris và toàn bộ nhóm làm phim tại đây đều cực kỳ sáng tạo và bắt tay nhau tạo thành một cỗ máy hoạt động trơn tru. Họ đã tính toán kỹ lưỡng những gì sẽ xuất hiện trong một phân cảnh nào đó và cân nhắc điều gì sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ nhất trong lòng khán giả.”

Ngoài ra, Chris Meledandri tin rằng âm nhạc là một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt trong nghệ thuật kể chuyện của Minions: Sự trỗi dậy của Gru lần này. Ông nói: “Tôi ti phim ảnh là sự kết hợp của lời thoại, diễn xuất và âm nhạc. Nếu có thể kết hợp thành công 3 thứ đó, bạn sẽ tạo ra một trải nghiệm cực kỳ độc đáo dành tặng cho khán giả thưởng thức bộ phim.” Vì lẽ đó, ê-kip tin tưởng giao khâu nhạc phim cho nhà sản xuất âm nhạc từng giành giải thưởng Grammy 2022 cho Nhà sản xuất của năm, Jack Antonoff.

 Dàn diễn viên lồng tiếng hàng đầu Hollywood

Nhắc đến thành công vang dội của Minions: Sự trỗi dậy của Gru, không thể không nhắc đến dàn diễn viên lồng tiếng “toàn sao”. Trước hết là Steve Carell (trong vai Gru nhí) và Pierre Coffin (trong vai các Minions).

Đây là lần thứ 5 mà nam diễn viên Steve Carell lồng tiếng cho Gru. Về lý do khiến cho nhân vật của mình lại chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả ở đủ mọi độ tuổi, Carell lý giải: “Tôi cho rằng mọi người rất hứng thú theo dõi những đặc điểm khiến cho một nhân vật phản diện trở nên nổi bật. Những nhận thức của trẻ em về một ác nhân có thể sẽ rất khác biệt so với quan điểm của một người trưởng thành. Trong những phần phim này, tuy là một gã siêu xấu xa, ở Gru vẫn có điều gì đó vô cùng ngọt ngào. Thật tuyệt khi được vào vai một siêu ác nhân nhưng lại có một trái tim giàu lòng trắc ẩn”.

Ngoài ra như thường lệ, Pierre Coffin đã thổi linh hồn vào bộ ba Minions Bob – Stuart – Kevin và cả thành viên mới Otto. Mỗi Minion đều có một tính cách, giọng điệu riêng biệt.

Tiếp đến là Wild Knuckles – cựu thủ lĩnh của băng Vicious 6 do chủ nhân giải thưởng Oscar Alan Arkin đảm nhận. Alan Arkin chia sẻ: “Điều khiến tôi háo hức với vai diễn này là cơ hội được tái hợp với Steve Carell. Đây là lần thứ 4 chúng tôi cùng nhau tham gia trong một bộ phim, và là lần thứ 3 tôi thủ vai thầy dạy của cậu ấy”.

Vicious 6 còn có dàn nhân vật ác nhân toàn những cái tên độc đáo gồm Belle Bottom (do sao nữ từng được đề cử Oscar Taraji P. Henson lồng tiếng), Jean-Clawed (do tượng đài dòng phim hành động Jean-Claude Van Damme lồng tiếng), Svengance (nam diễn viên – vận động viên võ thuật người Thụy Điển Dolph Lundgren lồng tiếng), Stronghold (do nam diễn viên Danny Trejo từng tham gia PredatorsOnce Upon a Time in Mexico,… lồng tiếng), và Nun-Chuck (do nữ diễn viên Lucy Lawless của series ăn khách Warrior Princess đảm nhận lồng tiếng).

Phim còn gây bất ngờ lớn với khán giả bằng sự góp mặt của siêu sao Dương Tử Quỳnh trong vai Master Chow (Dì Châu) – một võ sư kung fu đã giải nghệ và đang làm chủ  phòng khám đông y tại khu Chinatown của San Francisco. Dương Tử Quỳnh cho hay: “Đối với tôi, sẽ dễ dàng hơn để thủ vai một nhân vật nào đó bằng cách thực hiện các cảnh quay hành động hơn là sử dụng giọng nói. Vì thế, tôi đã phải đi đi lại lại trong phòng thu khá nhiều.”

QUỲNH CHI (Báo Điện tử Văn Hóa)

Kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia

VHO- Sáng nay 24.6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm trọng thể 55 năm (24.6.1967 – 24.6.2022) thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Men Sam An và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm

Buổi lễ có sự tham dự của Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022 Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng, Chủ tịch hội Hữu nghị Campuchia – Việt Nam Men Sam An; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng đại diện lãnh đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; một số tổ chức, đoàn thể có quan hệ hợp tác, gắn bó với Campuchia; các mẹ Việt Nam anh hùng; cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện; những người đang và đã từng làm nhiệm vụ, học tập, làm việc tại Campuchia và Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia và chào mừng Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã trao đổi Thư mừng.

Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư mừng đến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư đến Quốc vương Norodom Sihamoni; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư đến Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi thư đến Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chhum và Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin.

Về phía Campuchia, Quốc vương Norodom Sihamoni cũng đã gửi thư mừng tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chhum và Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin gửi thư tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu

Phát biểu chào mừng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ôn lại truyền thống hữu nghị tốt đẹp và hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước. Dù trải qua nhiều thử thách và thăng trầm của lịch sử, nhân dân hai nước luôn đoàn kết, kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dành cho nhau sự ủng hộ vô cùng quý báu. Đặc biệt, Việt Nam đã sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia góp phần giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, mang lại hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp. Nhìn lại thời kỳ lịch sử đã qua, chúng ta càng ý thức hơn về tầm quan trọng của chiến thắng ngày 7.1.1979 và ghi nhớ sâu sắc công lao của quân đội và nhân dân 2 nước, đặc biệt là của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, các cựu cán bộ, chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam đã từng tham gia phục vụ, chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Campuchia.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu

Trong chặng đường phát triển sau này, quan hệ hai nước tiếp tục được gìn giữ, phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của Cộng đồng ASEAN cũng như ở khu vực và trên thế giới. Đây chính là tài sản vô giá mà lãnh đạo và nhân dân hai bên cần tiếp tục giữ gìn và vun đắp.

Quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức, kể cả khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Các hoạt động ngoại giao nhân dân của mặt trận, nhóm nghệ sĩ hữu nghị, hội hữu nghị, các tổ chức đoàn thể, quần chúng của hai nước, nhất là ở các tỉnh biên giới, giúp cho người dân và thế hệ trẻ hai nước hiểu biết nhiều hơn về truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại buổi lễ

Hợp tác thương mại, đầu tư giữa 2 nước phát triển nhanh chóng và đạt được kết quả đáng khích lệ, kim ngạch xuất khẩu hai chiều năm 2021 đạt 9,54 tỉ USD, tăng 79,1% so với 2020. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, đạt 5,54 tỉ USD, tăng 18,7% so với năm 2021. Đến nay Việt Nam đã có 188 dự án đầu tư ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỉ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và nằm trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Du lịch tiếp tục là lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng. Ngay sau khi haio nước mở cửa du lịch trở lại, số lượng khách Việt Nam sang Campuchia trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 46.000 lượt, đứng đầu trong số các nước có khách quốc tế đến Campuchia đông nhất.

Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng không ngừng được tăng cường, ngày càng thực chất, hiệu quả, là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai bên cam kết không cho bất kỳ một thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh của nước kia. Hoạt động biên giới cắm mốc giữa hai nước tiếp tục được thực hiện nhằm xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Chính phủ hai nước cũng tạo điều kiện thuận lợi để kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau phù hợp với pháp luật mỗi nước…

Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Men Sam An phát biểu

Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ nhất là ở các địa phương giáp biên giới. Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sĩ tình nguyện sang khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân Campuchia. Hai nước cũng luôn quan tâm, hỗ trợ nhau trong công tác ứng phó với dịch Covid-19.

Trên các diễn đàn quốc tế, hai nước cũng dành cho nhau sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, góp phần nâng cao vị trí, uy tín của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện mà Vương quốc Campuchia dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương Norodom Sihamoni, sự lãnh đạo tài tình của Thượng viện, Quốc hội và Chính phủ Campuchia do Thủ tướng Samdech Techo Hunsen đứng đầu đã đạt được những thành tựu vững chắc, ổn định. Campuchia đã làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và mở cửa thứ 2 thế giới, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, đạt nhiều kết quả tích cực.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia

Là nước láng giềng gần gũi của Campuchia, Việt Nam vui mừng chứng kiến những thành tựu đó và tin tưởng rằng với truyền thống kiên cường, cần cù và sáng tạo, nhân dân Campuchia anh em sẽ tiếp tục giành được những thành tựu mới to lớn hơn nữa, xây dựng thành công đất nước Campuchia hòa bình, ổn định, độc lập tự chủ và phát triển thịnh vượng, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái một lần nữa khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là ủng hộ một nước Campuchia độc lập, hoà bình, trung lập và phát triển. Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn hết sức coi trọng và dành ưu tiên cao cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác lâu dài với Campuchia. Đây cũng là mong muốn của lãnh đạo cấp cao hai nước, như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia năm 2017: “Cho dù tình hình thế giới có những đổi thay, song trước sau như một Việt Nam luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình cùng Campuchia vun đắp mối quan hệ Việt Nam- Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Men Sam An bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với bài phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và cho biết: Trong 55 năm qua, chúng ta luôn luôn là những người bạn thân thiết, người láng giềng tốt, chân thành. Chúng ta cùng nhau xây dựng một mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác bền chặt và luôn đồng cam, cộng khổ như những người anh em, đồng đội, láng giềng và giành nhiều thành công to lớn trong tất cả các lĩnh vực.

“Trước đây, chúng ta luôn sát cánh bên nhau trong sự nghiệp giải phóng, giành độc lập dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước. Ngày nay, hai nước đã bước sang trang sử mới và giành được hoà bình, tiến bộ xã hội trong tất cả các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, thương mại và du lịch. Nhân dân hai nước qua lại, giao lưu, trao đổi hàng hoá, đặc biệt khu vực giáp biên ngày càng sôi động, thân thiết hơn, nhờ việc chúng ta miễn thị thực và kết nối giao thông. Những yếu tố này đã góp phần ổn định, tạo nền tảng thuận lợi cho việc gìn giữ hoà bình, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói giảm nghèo…”, Phó Thủ tướng Men Sam An nói.

Trong buổi lễ, đại diện cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, du học sinh Campuchia tại Việt Nam và thanh niên Việt Nam cũng đã phát biểu và khẳng định, bằng công sức nhỏ bé của mỗi người sẽ làm hết mình để góp phần nâng cao sự hiểu biết và vun đắp tình đoàn hết, hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc.

NGUYỄN ANH; ảnh: XUÂN TRẦN (Báo Điện tử Văn Hóa)

Hà Nội lọt Top 25 điểm đến hàng đầu thế giới dành cho người yêu ẩm thực

VHO- Từ những nhà hàng Michelin đến những nhà hàng mới nổi, đồ ăn ở những điểm đến được bình chọn ngon đến mức luôn thôi thúc khách du lịch quay trở lại. Danh sách 25 địa điểm du lịch tốt nhất thế giới dành cho những người đam mê ẩm thực do độc giả Tripadvisor bình chọn nhằm chọn ra các điểm đến mang lại trải nghiệm toàn diện tốt nhất cho khách du lịch.

Hà Nội đứng thứ 22 trong danh sách này và là một trong bốn đại diện châu Á lọt vào danh sách cùng với Bangkok (thứ 9), Singapore (thứ 10) và Hồng Kông (thứ 10) trong Giải thưởng Travellers Choice Awards năm 2022 của Tripadvisor. Danh sách dựa trên chất lượng và số lượng đánh giá nhận được từ ngày 1.1.2020 đến ngày 31.10.2021.

Theo thực khách trên khắp thế giới, Thủ đô duyên dáng của Việt Nam đã trường tồn nghìn năm, bên cạnh việc bảo tồn các di tích như phố cổ, các tượng đài và kiến trúc thời Pháp, Hà Nội vẫn đang từng ngày phát triể̀n hiện đại hơn. Thành phố đã không còn giữ tên cũ Thăng Long nhưng nó chưa bao giờ quên quá khứ của mình với những địa điểm nổi tiếng như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà tù Hỏa Lò. Những hồ nước, công viên, con đường rợp bóng mát và hơn 600 ngôi đền, chùa càng làm tăng thêm sức hấp dẫn cho thành phố này, nơi có thể dễ dàng khám phá bằng taxi.

Hà Nội có nhiều món ăn phổ biến nhất của Việt Nam như: phở, bún chả, bánh mì, cà phê trứng… Một chiếc bánh mì ở đây thường chứa đầy thịt lợn nướng, thịt viên hoặc thịt nguội, dưa chuột, ngò, cà rốt ngâm chua, pate gan và sốt mayonnaise. Món cơm tấm được làm với thịt heo nướng, da heo, trứng và nước mắm….

Rome (Ý) đứng đầu danh sách điểm đến dành cho người yêu ẩm thực thế giới

Đứng đầu danh sách này, Rome (Ý) được mô tả không phải được xây dựng trong một ngày và du khách cũng không thể tham quan Rome chỉ trong một ngày. Thành phố này giống như các gian triển lãm của một bảo tàng ngoài trời khổng lồ, một tác phẩm sắp xếp các quảng trường ngoài đời thực, các khu chợ ngoài trời và những di tích lịch sử đáng kinh ngạc.

Du khách có thể tung một đồng xu vào Đài phun nước Trevi để hẹn ngày trở lại, chiêm ngưỡng Đấu trường La Mã và Điện Pantheon hay nếm thử một ly cà phê espresso hoặc gelato hoàn hảo trước khi dành một buổi chiều mua sắm tại Campo de’Fiori hoặc Via Veneto. Ngoài ra, du khách còn được khuyên thưởng thức một số bữa ăn đáng nhớ nhất trong cuộc đời của bạn, từ mì ống tươi đến atiso chiên mọng nước hay món đuôi bò hầm mềm.

London (Vương quốc Anh) đứng ở vị trí thứ 2

London (Vương quốc Anh) đứng ở vị trí thứ 2 với phong cách ấn tượng của Shoreditch đến không gian náo nhiệt của Camden và đường Portobello sang trọng. London là điểm đến hội tụ bao điều thú vị như một thế giới thu nhỏ. Thành phố sôi động này mang lại những trải nghiệm khác nhau mỗi ngày. Khám phá những di tích hoàng gia hay đánh dấu các địa danh trong danh sách chuyến đi của bạn, ăn và uống trong các nhà hàng độc quyền được gắn sao Michelin, thưởng thức một ly trong quán rượu truyền thống hoặc lạc xuống những con phố rải sỏi quanh co và xem những gì bạn tình cờ gặp – khi nói đến London, khả năng này là vô tận.

Paris (Pháp) ở vị trí thứ 3 là nơi được cho là tuyệt vời để nhâm nhi món bánh chocolat

Paris (Pháp) ở vị trí thứ 3 là nơi được cho là tuyệt vời để nhâm nhi món bánh chocolat tại một quán cà phê vỉa hè, thư giãn sau một ngày đi dạo dọc sông Seine và chiêm ngưỡng các công trình biểu tượng như: Tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn… một trải nghiệm Paris hoàn hảo kết hợp sự thư thái và sôi động với đủ thời gian để thưởng thức cả một bữa ăn tinh tế và các cuộc triển lãm tại Louvre. Đánh thức tinh thần của bạn tại Notre Dame, săn hàng hiệu tại Marché aux Puces de Montreuil hoặc tìm những món ngon tại Marché Biologique Raspail, sau đó kết thúc bằng một buổi trình diễn mạo hiểm tại Moulin Rouge.

Các địa điểm tiếp theo trong danh sách là: Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (4); Barcelona, Tây Ban Nha (5); Madrid, Tây Ban Nha (6); Sao Paulo, Brazil (7); Thành phố New York, Mỹ (8); Bangkok, Thái Lan (9); Singapore (10); Florence, Ý (11); Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (12); Lisbon, Bồ Đào Nha (13); Valencia, Tây Ban Nha (14); Naples, Ý (15); Cairo, Ai Cập (16); Bordeaux, Pháp (17); Cartagena, Colombia (18); Lyon, Pháp (19); New Orleans, Louisiana (20); Thành phố Mexico, Mexico (21); Hà Nội, Việt Nam (22); Charleston, Nam Carolina (23); Marrakech, Ma Rốc (24); Hồng Kông, Trung Quốc (25).

Nguồn: ANH VŨ (Báo điện tử Văn hóa)

Tiết lộ về bức tượng mất đầu trong bảo tàng Louvre

Tượng thần chiến thắng Samothrace dù thiếu phần đầu vẫn là một kiệt tác đá cẩm thạch thu hút sự chú ý đặc biệt của khách tham quan khi tới thăm bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp.

Bảo tàng Louvre bên bờ sông Seine ở Paris, Pháp là một trong những viện bảo tàng nổi tiếng và thu hút du khách nhất thế giới. Louvre là điểm tham quan thu phí được viếng thăm nhiều nhất Paris. Nơi đây trưng bày những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của lịch sử nghệ thuật ví như tượng thần Vệ Nữ, bức tranh Mona Lisa, bức tranh nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân, các hiện vật giá trị về những nền văn minh cổ như phiến đá ghi bộ luật Hammurabi, tấm bia Mesha…. Tại bảo tàng nổi tiếng này, tượng thần chiến thắng Samothrace cũng là một trong những kiệt tác nghệ thuật thu hút lượng người xem đông đảo.

Tượng thần chiến thắng Samothrace là một trong những tác phẩm điêu khắc cổ nổi tiếng nhất hiện nay nhưng nhiều người có thể không biết về lịch sử của nó – bao gồm nguồn gốc cổ xưa và ảnh hưởng sâu rộng của nó đến nghệ thuật hiện đại và đương đại.

Theo Louvre, bức tượng này có thể được người dân Rhodes, một hòn đảo của Hy Lạp chế tác vào đầu thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Bức tượng được sáng tạo trong thời kỳ Hy Lạp hóa. Phong trào nghệ thuật khi đó đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc diễn tả biểu cảm của các chủ thể thần thoại đang chuyển động, đó là lý do bức tượng này có đôi cánh tuyệt đẹp.

Tiết lộ về bức tượng mất đầu trong bảo tàng Louvre - 1
Tượng thần chiến thắng Samothrace đặt tại bảo tàng Louvre ở Pháp. (Ảnh: Shutterstock)

Tác phẩm điêu khắc tượng thần chiến thắng Samothrace cao khoảng 5,5 m mô tả Nike, nữ thần chiến thắng của Hy Lạp. Bức tượng “mặc” bộ đồ xếp nếp bị ướt và bị gió thổi bộ đồ bám chặt vào cơ thể cô. Bức tượng có đôi cánh tuyệt đẹp đứng trước mũi một con tàu. Vì thế các nhà sử học kết luận rằng bức tượng được tạo ra để kỷ niệm một trận thủy chiến thành công trên biển.

Tượng thần chiến thắng Samothrace là một trong nhiều tác phẩm đá cẩm thạch trang trí cho Thánh địa của các vị thần vĩ đại, một khu phức hợp đền cổ trên đảo Samothrace, Hy Lạp. Ngôi đền bên bờ biển này được dành riêng cho tôn giáo mang tên Bí ẩn, hay còn gọi là Mẹ vĩ đại.

Với sự phổ biến của các trận hải chiến trong thời kỳ này và sự gần gũi với các tuyến đường hàng hải được sử dụng rộng rãi trên biển Aegea, ngôi đền có một số di tích lấy cảm hứng từ biển. Chúng bao gồm những cột đá chuyên dụng đặc biệt, những con tàu đặc biệt quan trọng và tượng thần chiến thắng Samothrace – được đặt trong một hốc đá (có thể là một hang động) nhìn ra nhà hát của ngôi đền.

Tiết lộ về bức tượng mất đầu trong bảo tàng Louvre - 2
Bức tượng mất đầu thu hút đông đảo khách tham quan (Ảnh: Shutterstock)

Nhà ngoại giao kiêm nhà khảo cổ nghiệp dư người Pháp Charles Champoiseau đã khai quật được bức tượng tuyệt đẹp này vào tháng 4 năm 1863. Trong khi tập hợp 23 khối đá để tạo nên con tàu, ông đã gửi bức tượng thần chiến thắng trở lại Paris gồm ba mảnh với phần đế, thân, chân và cánh trái. Sau khi tới bảo tàng Louvre, bức tượng được lắp ráp lại trong phòng cổ vật cổ điển Carytid. Bảo tàng đã thêm vào cho bức tượng một cánh thạch cao nhưng không tái tạo phần đầu bị biến mất hoặc cánh tay.

Gần 90 năm sau khi Champoiseau tìm thấy tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp này, các nhà khảo cổ học từ Austria đã phát hiện ra những mảnh khác của bức tượng bao gồm cả bàn tay phải của Nike. Thật không may, không có cách nào có thể gắn lại bàn tay vào tác phẩm điêu khắc, vì bức tượng không có phần cánh tay. Tuy nhiên, việc khai quật được bàn tay của bức tượng là cực kỳ quan trọng, vì bàn tay này đã bác bỏ giả thuyết ban đầu rằng bức tượng sẽ có bàn tay đang nắm lấy một vật thể.

Bảo tàng Louvre giải thích: “Có ý kiến cho rằng bức tượng có thể đã cầm một chiếc kèn, một vòng hoa hoặc một dải lụa trên tay phải của mình. Tuy nhiên, bàn tay được tìm thấy ở Samothrace năm 1950 có lòng bàn tay mở và hai ngón tay xòe ra, cho thấy rằng bức tượng không cầm bất cứ thứ gì và chỉ đơn thuần đang giơ tay lên để chào hỏi”.

Ngày nay, phần bàn tay bị rời ra khỏi bức tượng được trưng bày ở trên cùng của cầu thang Daru của bảo tàng Louvre, nơi tượng thần chiến thắng Samothrace có cánh đã được trưng bày từ năm 1883.

Giống như các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp khác, tượng thần chiến thắng Samothrace được ngưỡng mộ vì nó là một bức tượng hoàn mĩ, mô tả chân thực về chuyển động. Để gợi ý một cơ thể đang chuyển động, nghệ sĩ điêu khắc đã định vị Nike ở tư thế không đối xứng, tư thế này ngụ ý chuyển động thông qua việc sử dụng phân bổ trọng lượng thực tế và cơ thể hình chữ S. Các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác thể hiện cách tiếp cận cổ điển này để truyền tải vẻ đẹp của cơ thể con người là The Walking Man của Rodin và David của Michelangelo.

Một yếu tố khác giúp bức tượng như đang chuyển động là lớp vải phủ khắp cơ thể của nhân vật. Khi Nike tiến về phía trước, chiếc áo có vẻ trong mờ xoắn quanh eo và quấn quanh chân cô. Theo bảo tàng Louvre: ” bức tượng mang tính trình diễn đỉnh cao và rất sống động khi kết hợp vẻ hoàn hảo của nữ thần, sải cánh rộng và sức sống của một cơ thể đang tiến về phía trước”.

Ngày nay, tượng thần chiến thắng Samothrace luôn là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất trên thế giới. Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên tại Louvre vào thế kỷ 19, nó đã truyền cảm hứng cho vô số nghệ sĩ ví như nghệ sĩ theo chủ nghĩa siêu thực Salvador Dalí, nhà tương lai học Umberto Boccioni. Mặc dù đã có một số tác phẩm hiện đại nắm bắt được tinh thần của tượng thần chiến thắng nhưng chắc chắn không có tác phẩm nào có thể khiến người xem mê mẩn như khi chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp của tượng thần chiến thắng Samothrace nguyên bản.

Nguồn: DANTRI.VN

‘The Power of the Dog’ thắng lớn tại Lễ trao giải Quả cầu Vàng 2022

Tác phẩm về miền viễn Tây “The Power of the Dog” đã xuất sắc giành giải “Phim chính kịch hay nhất” – một trong những giải quan trọng nhất trong khuôn khổ giải thưởng Quả cầu Vàng.

Tối 9.1 (theo giờ Mỹ), Lễ trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 79 đã được tổ chức tại Los Angeles (Mỹ) mà không có khán giả, báo chí hay nghệ sỹ tham dự.

Ban tổ chức cập nhật kết quả trên website chính thức và các nền tảng mạng xã hội.

Tác phẩm về miền viễn Tây “The Power of the Dog” đã xuất sắc giành giải Phim chính kịch hay nhất – một trong những giải quan trọng nhất trong khuôn khổ giải thưởng Quả cầu Vàng.

Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thomas Savage, với nhân vật chính là Phil Burbank (Benedict Cumberbatch), một cao bồi sống ở miền Tây nước Mỹ. Anh luôn tỏ ra gia trưởng nhưng thực chất để che giấu bí mật của bản thân.

Ngoài giải cho phim, nữ đạo diễn Jane Campion được xướng tên cho giải Đạo diễn xuất sắc nhất, trong khi diễn viên trẻ người Australia Kodi Smit-McPhee giành giải Quả cầu Vàng đầu tiên trong sự nghiệp ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất mảng điện ảnh chính kịch. Trong phim, nhân vật do anh thủ vai dần nảy sinh mối quan hệ đồng tính Burbank.

Nam diễn viên Will Smith chiến thắng hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại điện ảnh chính kịch với màn hóa thân thành bố của chị em tay vợt nhà Williams trong phim tiểu sử “King Richard.”

Trong khi đó, minh tinh Nicole Kidman có Quả cầu Vàng thứ tư với giải Nữ chính xuất sắc nhất thể loại điện ảnh chính kịch cho vai diễn trong phim “Being the Ricardos.”

“Thiên nga Australia” vào vai ngôi sao truyền hình Lucille Ball trong giai đoạn cuộc hôn nhân của bà sắp tan vỡ.

Bom tấn “West Side Story” của đạo diễn Steven Spielberg giành được giải Phim điện ảnh nhạc – hài kịch xuất sắc nhất.

Tác phẩm lấy cảm hứng từ vở nhạc kịch và bộ phim kinh điển cùng tên ra đời giữa thế kỷ 20. Kịch bản lấy bối cảnh New York cuối thập niên 1950, xoay quanh vụ tranh chấp địa bàn giữa các băng đảng thanh niên da trắng và dân nhập cư Puerto Rico.

Ngoài giải cho phim, Rachel Zegler thắng giải Nữ diễn viên chính hạng mục điện ảnh nhạc/ hài kịch với vai diễn đầu tay – cô gái nhập cư Maria Vasquez. Tác phẩm này cũng mang về giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho diễn viên Ariana Debose.

Ở lĩnh vực truyền hình, loạt phim “Sucession” của HBO vượt series phim đình đám của Hàn Quốc “Squid Game” và thắng hạng mục Series chính kịch xuất sắc nhất.

Loạt phim xoay quanh bốn người con trong một gia đình giàu có, tiếp quản tập đoàn của cha sau khi ông qua đời.

Trong khi đó, “Squid Game” giúp diễn viên Hàn Quốc O Yeong Su gây bất ngờ khi thắng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất thể loại truyền hình.

Nam diễn viên 77 tuổi thủ vai người chơi lớn tuổi số 001 và cũng là trùm phản diện trong Squid Game. Diễn viên O Yeong Su tên thật là O Se Kang, sinh năm 1944 tại Gyeonggi. Ông bắt đầu đóng phim từ năm 1967, đến nay đã góp mặt trong hơn 200 tác phẩm.

Vai diễn trong “Pose” đã mang về chiến thắng ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình chính kịch cho nữ diễn viên Michaela Jaé Rodriguez. Cạnh tranh với cô ở hạng mục này là những cái tên quen thuộc như Jennifer Aniston, hay Elisabeth Moss.

Trong khi đó, giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình chính kịchthuộc về tài tử Jeremy Strong trong loạt phim “Succession.”

Tại lễ trao giải Quả cầu Vàng năm nay, giải cống hiến Thành tựu trọn đời đã được ban tổ chức trao tặng cho “nữ hoàng truyền thông” Oprah Winfrey.

Lễ trao giải Quả cầu Vàng 2022 diễn ở khách sạn Beverly Hiltonra trong bối cảnh sự kiện truyền thống lớn nhất của “kinh đô điện ảnh” Hollywood (Mỹ) đang hứng chịu làn sóng tẩy chay của chính những người trong ngành, liên quan những cáo buộc vi phạm đạo đức.

Cụ thể, Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Hollywood (HFPA) – đơn vị tổ chức giải – bị cáo buộc phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, bắt nạt những người yếu thế và tham nhũng, dẫn tới đỉnh điểm là việc mạng lưới truyền hình NBC – đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng lễ trao giải thưởng Quả cầu Vàng hồi năm ngoái đã tuyên bố không phát sóng sự kiện này trong năm 2022.

Giải thưởng Quả cầu Vàng do HFPA sáng lập và trao giải lần đầu tiên vào năm 1944. Ban giám khảo gồm khoảng 100 thành viên là nhà báo ở 55 quốc gia.

HFPA là tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 1943 và có trụ sở ở Los Angeles, Mỹ. Đây là một hiệp hội những nhà báo có định hướng phát triển thị trường phim ảnh Hollywood trong và ngoài nước Mỹ.

Khác với giải Oscar của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) chỉ dành cho điện ảnh, hay giải Emmy chỉ dành cho truyền hình, lễ trao giải Quả cầu Vàng là cơ hội hiếm hoi để các ngôi sao của cả màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ cùng đứng chung sân khấu. Những chiến thắng tại Quả cầu Vàng được cho là sẽ tạo lợi thế trong “cuộc chạy đua” Oscar thường niên.

TTXVN

Tuyến đường sắt bất chấp trọng lực, đi trên độ dốc 110% như thẳng đứng

Đây là tuyến đường sắt leo núi dốc nhất trên thế giới, được ví như một kiệt tác kỹ thuật của Thụy Sĩ.

Stoos Bahn là tuyến đường sắt leo núi dốc nhất thế giới hiện nay (đường sắt cáp kéo). Giới chuyên môn nhận định, đây là một kiệt tác kỹ thuật của Thụy Sĩ.

Các kỹ sư tham gia thiết kế đoàn tàu trông như khoa học viễn tưởng, đưa hành khách từ dưới chân thung lũng lên đoạn đường có độ dốc 110% gần như dựng đứng để tới ngôi làng Stoos xinh đẹp và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nổi tiếng ở đây.

mit-der-standseilbahnTrong khi đó, với người dân làng Stoos, chuyến tàu là cứu cánh thực sự. Do mùa đông tại đây tuyết rơi dày phủ kín các con đường. Không còn lối đi lại khiến làng bị mất kết nối với các ngôi làng khác trong nhiều khu vực còn lại ở Thụy Sĩ. Bởi vậy, đây là cách duy nhất để ra vào.

Được biết, tuyến tàu Stoos Bahn nằm ở độ cao 1.300 m so với mực nước biển, với tổng chi phí xây dựng lên tới hơn 52 triệu USD.

Chính thức hoạt động từ giữa tháng 12.2017, tuyến tàu hiện đại này được đánh giá là một trong những thắng lợi lớn của thiết kế và công nghệ, được đích thân Tổng thống Thụy Sĩ, ông Doris Leuthard trực tiếp khởi động.

Tàu gồm 4 toa xe, có thể chở tối đa 34 hành khách đi từ Schwyz đến Stoos, gần hồ Lucerne, ở miền Trung Thụy Sĩ. Khi leo cao 743 m trên đoạn đường hơn 1.700 m, tàu đi với tốc độ 10m/s. Hiện Stoos Bahn đã phá vỡ kỷ lục về tuyến đường sắt dốc nhất thế giới. Trước đó là tuyến Gelmerbah, có độ dốc là 106%, chạy đến hồ Gelmersee ở Bern, Thụy Sĩ.

Anh Marcel Elmer, kỹ thuật viên của tuyến tàu, đảm nhận nhiệm vụ vận hành từ phòng điều khiển, đảm bảo tuyến tàu chạy đúng giờ dù bất kể thời tiết thế nào chăng nữa.

“Đây là một tuyến đường sắt rất khác thường không chỉ ở Thụy Sĩ hay châu Âu mà thậm chí trên cả thế giới. Chúng tôi đón những vị khách từ rất xa tới chỉ vì muốn trải nghiệm chuyến tàu đặc biệt này”, anh Marcel chia sẻ.

Tuyến đường sắt bất chấp trọng lực, đi trên độ dốc 110% như thẳng đứng – 3Nhờ áp dụng công nghệ đặc biệt khiến hành khách trong khoang không bị té ngã khi tàu leo dốc (Ảnh cắt từ clip).
Cũng theo kỹ thuật viên này, nếu tàu sử dụng loại cabin truyền thống, hành khách sẽ té trượt khỏi ghế khi đi trên đường dốc như thẳng đứng. Tuy nhiên, tàu đã trang bị một số giải pháp kỹ thuật thông minh.

Cụ thể, các toa kết nối với một cặp xi lanh thủy lực giúp chúng xoay đồng bộ khi con tàu leo dốc. Nhờ cách này, hành khách trong khoang vẫn giữ được thăng bằng dù đi trên đường thẳng hay dốc thẳng đứng.

Nguồn: Quốc Việt/DANTRI.VN

Thái Lan mở cửa trở lại vịnh Maya sau 3 năm đóng cửa

Sau hơn 3 năm đóng cửa, Thái Lan đã mở cửa trở lại vịnh Maya – một điểm du lịch nổi tiếng ở nước này.

Vào năm 2018, nhà chức trách Thái Lan đã đóng cửa toàn bộ vịnh Maya với lý do hệ thống san hô và các bãi biển tại đây đã bị tổn hại do hoạt động của khách du lịch. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, khách du lịch đã được phép quay trở lại.

Theo nhà chức trách du lịch Thái Lan, sau một thời gian đóng cửa để hồi phục cảnh quan, hệ thống sinh thái ở đây đã khôi phục trở lại, với sự xuất hiện của cá mập, rặng san hô và nước cũng đã trong xanh hơn.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho vịnh Maya, nhà chức trách Thái Lan sẽ chỉ cho phép 375 du khách tới đây/lượt. Hoạt động bơi lội hoàn toàn bị cấm. Thuyền bè tới vịnh chỉ được phép neo đậu ở vị trí quy định phía sau vịnh để tránh làm tổn hại cho rặng san hô.

Vịnh Maya nổi tiếng với những bãi cát trắng được bao bọc xung quanh là những mỏm đá cao, nằm trên đảo Phi Phi Leh thuộc biển Andaman. Đây là nơi tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio từng tới quay phim “bãi biển”. Để tiếp cận vịnh này chỉ có thể dùng thuyền di chuyển từ các địa điểm gần đó như đảo Phuket, Phi Phi hoặc đảo chính Krabi.

VOV.VN