Nhà hát Chèo Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

VHO- Sáng 26.10, Nhà hát Chèo Việt Nam trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (1951-1921) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí Thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự và chúc mừng các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát.

Hơn nửa thế kỷ “giữ lửa” cho nghệ thuật chèo

Với nhiệm vụ giữ gìn, kế thừa, phát huy và phát triển nghệ thuật sân khấu chèo của dân tộc, trong suốt quá trình 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Chèo Việt Nam (tiền thân là tổ Chèo trong Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương) luôn bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.

Các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1951 đến nay luôn xứng vai trò “anh cả” trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy sáng tạo chuẩn mực về nghệ thuật chèo

Các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1951 đến nay luôn xứng vai trò “anh cả” trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy sáng tạo chuẩn mực về nghệ thuật chèo; kế thừa các giá trị của nghệ thuật dân gian truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa của các loại hình sân khấu khác, lấy ánh sáng khoa học làm nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật sân khấu chèo. Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu gắn liền với nghệ thuật chèo như: Đạo diễn, NSND Trần Bảng, Phạm Như Khôi; GS Hà Văn Cầu; NGND, Nhạc sĩ Hoàng Kiều; Đạo diễn, NSND Chu Văn Thức; NSƯT, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh; Nhạc sĩ Vũ Đình Quân; Đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ; Đạo diễn, NSƯT Hà Quốc Minh; Đạo diễn, TS. NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu chúc mừng các thế hệ  cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát

Với những cống hiến hết mình để gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo, trong 70 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã nhận được nhiều huân, huy chương do Nhà nước và Chính phủ trao tặng. Các thế hệ nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu NSND, NSƯT gồm 20 NSND, 61 NSƯT.

Thời gian qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi chương trình Online Giữ lửa đam mê của Nhà hát đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, giành được tình cảm yêu thương trân quý của khán giả. Nhà hát Chèo dùng máy móc công nghệ lưu lại tất cả những chương trình biểu diễn. Online Giữ lửa đam mê minishow trên trang fanpage của Nhà hát để cho khán giả tâm huyết với nghệ thuật chèo theo dõi. Đây là hướng mà nhà hát tiếp cận nhiều với khán giả. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập, Nhà hát đã chọn được 7 vở chèo truyền thống, và đã lên lịch dàn dựng, ghi hình 7 vở, thu âm lại những làn điệu truyền thống cho các thế hệ sau với các trích đoạn.

Phát huy truyền thống 70 năm

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: “Kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển, cũng chính là dịp để các thế hệ cán bộ quản lý, viên chức, người lao động của Nhà hát Chèo Việt Nam, cùng tất cả những người yêu mến Nhà hát, yêu mến nghệ thuật chèo cùng nhau ôn lại, trân trọng những thành tựu đã đạt được, để rồi chung tay góp sức đưa Nhà hát tiếp tục phát triển trên chặng đường mới”.

Tập thể cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, để kế tục xứng đáng truyền thống và thực hiện tốt sứ mệnh của Nhà hát, đáp ứng sự phát triển chung của Ngành và hiện thực hóa niềm tin, sự kỳ vọng của xã hội, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Nhà hát cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động, năng động, phát huy trí tuệ, tài năng của tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ, viên chức, người lao động trong việc xây dựng, phát triển Nhà hát nhanh và bền vững trong tình hình mới; Quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bồi dưỡng kỹ năng biểu diễn cho lớp diễn viên kế cận.

TS. NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ ngày càng cao của nhân dân, Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong muốn Nhà hát tăng cường tổ chức dàn dựng các chương trình vở diễn mới, khôi phục, nâng cao các vở diễn cũ có nội dung và chất lượng nghệ thuật tốt, khai thác các chương trình ca hát dân gian, đầu tư xây dựng các chương trình, vở diễn biểu diễn sân khấu nhỏ, sân khấu lớn Kim Mã để phục vụ và giới thiệu nghệ thuật Chèo với khán giả trong nước và Quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà hát cần chủ động trong việc thu hút các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú ở trong và ngoài nước đến biểu diễn, giảng dạy, nghiên cứu tại Nhà hát; có cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh các các nghệ sĩ, nhà quản lý tâm huyết, tài năng, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp của Nhà hát.

Đồng thời, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng tin tưởng trong thời gian tới Nhà hát sẽ tiếp tục duy trì tốt công tác biểu diễn phục vụ chính trị, phục vụ nhân dân, quan tâm tới khán giả là học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng…đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Thay mặt cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát, TS. NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan hứa sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của nghề tổ, của Nhà hát góp phần giữ vững sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật chèo nói chung và Nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng

Chúc mừng các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì, Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ: Tập thể Nhà hát Chèo Việt Nam và từng cá nhân mỗi nghệ sĩ đã cùng chung tay gánh vác và cố gắng để giữ gìn nghề, phát huy truyền thống 70 năm tự hào thông qua những tác phẩm nghệ thuật chèo hấp dẫn, đặc sắc thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới và gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại là điều đáng ghi nhận và trân trọng.

Nguồn: Bài, ảnh: VŨ MỪNG (Báo Điện tử Văn hóa)

Đến hiện đại từ truyền thống tìm “đất sống” cho Chèo

VHO- Giữ vững định hướng bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo truyền thống; duy trì lịch diễn định kỳ; xây dựng không gian trưng bày; năng động trong khai thác điểm biểu diễn tại các địa phương; phát huy tối đa nội lực của đội ngũ sáng tạo nghệ thuật trong đơn vị… là những chủ trương đúng đắn, giúp cho hoạt động biểu diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam luôn ổn định trong bối cảnh sân khấu truyền thống ngày càng gặp nhiều khó khăn.

2021 là mốc đánh dấu tròn 70 năm xây dựng và phát triển của “anh cả” ngành Chèo. Với nhiệm vụ giữ gìn, kế thừa, phát huy và phát triển nghệ thuật sân khấu Chèo của dân tộc, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

70 năm “giữ lửa” cho nghệ thuật Chèo truyền thống

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn khốc liệt nhất, tại Chiến khu Việt Bắc, Nhà hát Chèo Việt Nam (tiền thân là tổ Chèo trong Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương) được thành lập. Các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát từ năm 1951 đến nay luôn xứng đáng với vai trò “cánh chim đầu đàn” trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy sáng tạo chuẩn mực về nghệ thuật Chèo; kế thừa các giá trị của nghệ thuật dân gian truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa của các loại hình sân khấu khác, lấy ánh sáng khoa học làm nền tảng cho sự phát triển… Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như: Đạo diễn, NSND Trần Bảng; Phạm Như Khôi; GS Hà Văn Cầu; NGND, nhạc sĩ Hoàng Kiều; Đạo diễn, NSND Chu Văn Thức; NSƯT, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh; Nhạc sĩ Vũ Đình Quân; Đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ; Đạo diễn, NSƯT Hà Quốc Minh; TS, đạo diễn, NSND, Nguyễn Thị Bích Ngoan…

Nắm bắt bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn, các đồng chí lãnh đạo qua từng thời kỳ của Nhà hát Chèo Việt Nam đã và đang đồng hành cùng tập thể cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát triển khai các hoạt động chuyên môn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thực hiện các kế hoạch biểu diễn phục vụ chính trị tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Bên cạnh các hoạt động biểu diễn phục vụ đồng bào trong nước, nhiều năm qua, Nhà hát đã triển khai thực hiện và tham gia các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế nhằm quảng bá môn nghệ thuật thuần Việt nhất đến với khán giả nước ngoài tại nhiều quốc gia như: Bungari, Hungari, Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ, Đức, Nhật, Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp; Quatar; Hàn Quốc; Mỹ…

Trong 70 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã nhận được nhiều Huân, Huy chương cao quý do Nhà nước và Chính phủ trao tặng, như: Huân chương chống Pháp hạng Hai (1954); Huân chương Lao động hạng Hai (1957); Huân chương Lao động hạng Ba (1960, 1963); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Hai (1973); Huân chương Độc lập hạng Ba (1991); Huân chương Độc lập hạng Nhì (2001); Huân chương Lao động hạng Ba (2011); Đơn vị xuất sắc nhận Cờ thi đua của Chính phủ (2014); Huân chương Lao động hạng Nhì (2016, 2021); Đơn vị xuất sắc nhận Cờ thi đua của Chính phủ (2020)… Ngoài ra, còn các danh hiệu cao quý được Nhà nước phong tặng cho nhiều cá nhân và tập thể; các giải thưởng tại những kỳ Liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

_00A1152Nỗ lực đổi mới nhưng không đánh mất bản sắc

Ngoài các vở diễn Chèo cổ thường xuyên được triển khai luyện tập, nâng cao và nhiều vở diễn được dàn dựng mới để phục vụ nhân dân, tham gia các kỳ hội diễn, Nhà hát còn tiến hành khai thác các công trình bộ gõ và múa hát dân gian của NSƯT Đỗ Tùng, NSƯT Bùi Văn Ro để áp dụng vào công tác chuyên môn, nâng cao trình độ cho đội ngũ diễn viên, nhạc công của Nhà hát. Bên cạnh định hướng gìn giữ và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống, công tác nghiên cứu khoa học cũng được các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát quan tâm, thực hiện với nhiều đề tài được đánh giá cao. Có thể kể đến như: Nghệ thuật Đạo diễn Chèo (Chủ nhiệm: GS, NSND Trần Bảng, 2001); Lịch sử Chèo đến Thế kỷ XX (Chủ nhiệm: GS Hà Văn Cầu, 2001); Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật trên sân khấu Chèo truyền thống (Chủ nhiệm: ThS Trần Minh Phượng, 2001); Mỹ thuật Chèo truyền thống (Chủ nhiệm: NSND Dân Quốc, 2001); Mỹ thuật Chèo hiện đại một chặng đường phát triển (Chủ nhiệm: NGND Dân Quốc); Nhân vật Chèo dưới góc nhìn văn hóa (Chủ nhiệm: ThS Trần Minh Phượng, 2005); Nghệ thuật Chèo dưới góc nhìn thể loại (Chủ nhiệm: NSND Hoàng Kiều, 2005); Dàn nhạc trong sự phát triển của âm nhạc Chèo (Chủ nhiệm: NSƯT Trần Vinh, 2005); Tiếp thu bản sắc dân tộc trong Chèo cổ để xây dựng Chèo đề tài hiện đại (Chủ nhiệm: ThS Trần Minh Phượng, 2011); Những khuynh hướng nghệ thuật trong sân khấu Chèo hiện đại (Chủ nhiệm: TS Trần Đình Ngôn, 2014); Kế thừa và biến đổi nghệ thuật biểu diễn Chèo cổ với đề tài hiện đại (Chủ nhiệm: ThS Nguyễn Thị Bích Ngoan, 2016)…

Một nhiệm vụ quan trọng khác luôn được Nhà hát quan tâm, đầu tư, đó là công tác đào tạo. Kể từ ngày thành lập cho đến nay, Nhà hát đã phối hợp cùng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội triển khai 7 khóa học: Khóa 1 (1960-1964), khóa 2 (1965-1968), khóa 3 (1973-1977), khóa 4 (1979-1983), khóa 5 (1988-1992), khóa 6 (2005-2010) và khóa 7 (2014-2017).

Cũng như nhiều đơn vị nghệ thuật khác, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn được Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn quan tâm về chế độ chính sách cho cán bộ, nghệ sĩ. Đứng trước thực trạng giao thoa văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của Internet, nghệ thuật truyền thống bắt đầu thực hiện lộ trình xã hội hóa. Nhà hát thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống, mặt khác, cần phát huy, phát triển nghệ thuật Chèo bắt nhịp phục vụ đời sống hiện tại, có thêm doanh thu, nâng cao đời sống của các nghệ sĩ. Đây cũng là thách thức lớn đối với cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát hiện nay.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các chương trình biểu diễn nghệ thuật Chèo trực tuyến (chủ yếu qua nền tảng Facebook) đã nhận được sự đồng cảm và sẻ chia từ khán giả. Đặc biệt, chuỗi chương trình online Giữ lửa đam mê của Nhà hát đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả và đồng nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập, Nhà hát đã chọn được 7 vở Chèo truyền thống và đã lên lịch dàn dựng, ghi hình 7 vở, thu âm lại những làn điệu truyền thống cho các thế hệ sau với các trích đoạn.

Mặc dù đời sống của người nghệ sĩ Chèo hôm nay vẫn còn vô vàn khó khăn, nhưng tập thể Nhà hát Chèo Việt Nam và từng cá nhân mỗi nghệ sĩ đều chung tay gánh vác, cố gắng để giữ gìn nghề Tổ, phát huy truyền thống 70 năm tự hào thông qua những tác phẩm hấp dẫn, đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới và gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại là điều đáng ghi nhận và trân trọng.

NSND NGUYỄN THỊ BÍCH NGOAN

Phim “Halloween Kills” đạt doanh thu kỷ lục trong tuần công chiếu

TTXVN- Phim kinh dị “Halloween Kills” của hãng Universal đã vượt mặt phim khoa học viễn tưởng “A Quiet Place Part II,” đạt doanh thu công chiếu mở màn kỷ lục 50,4 triệu USD.

Khi dịp lễ Halloween đang đến gần, các bộ phim kinh dị luôn tạo sức hút lớn tại các phòng vé Bắc Mỹ. Đứng đầu danh sách này là “Halloween Kills” của hãng Universal với doanh thu công chiếu mở màn kỷ lục 50,4 triệu USD.

Ngày 17.10, Exhibitor Relations – công ty chuyên nghiên cứu và thu thập dữ liệu trong ngành giải trí – công bố số liệu trên, đồng thời nêu rõ đây là mức doanh thu cao nhất trong tuần công chiếu đầu tiên của một bộ phim kinh dị ở giai đoạn đại dịch Covid-19, vượt qua cả phim khoa học viễn tưởng “A Quiet Place Part II” (Vùng đất câm lặng phần 2) của đạo diễn John Krasinski, từng “bỏ túi” 47,5 triệu USD.

Cho dù được trình chiếu đồng thời trên dịch vụ phát trực tuyến Peacock, nhưng tác phẩm điện ảnh kinh dị này vẫn gặt hái thành công vang dội tại các phòng vé Bắc Mỹ cuối tuần. Như vậy, đây là bộ phim có hiệu suất phát hành kép tốt nhất từ trước đến nay.

“Halloween Kills” tiếp tục quy tụ sự tham dự của nữ diễn viên Mỹ gạo cội Jamie Lee Curtis trong vai Laurie Strode, cùng đạo diễn, nhà biên kịch kiêm diễn viên đồng hương Nick Castle trong vai kẻ sát nhân quái dị Michael Myers.

Cốt truyện xoay quanh những diễn biến nối tiếp của “Halloween” năm 2018, khi gia đình Laurie Strode thoát khỏi Michael Myers nhưng cuối cùng tên này đã được cứu sống và một lần nữa gây những sóng gió kinh hoàng.

Xếp ở vị trí thứ hai với doanh thu phòng vé Bắc Mỹ 24,3 triệu USD là “No Time to Die” (tạm dịch “Chưa phải lúc chết”) của đạo diễn Cary Joji Fukunaga.

“Bom tấn” mới nhất về điệp viên James Bond đã rớt hạng khỏi ngôi quán quân của tuần trước đó. Bộ phim hành động này đánh dấu lần thứ 5 và cũng là lần cuối cùng tài tử nổi tiếng Daniel Craig (53 tuổi) thủ vai James Bond với mật danh 007.

Trong phần phim mới nhất, điệp viên 007 đã rời quân ngũ và tận hưởng cuộc sống yên bình ở Jamaica. Tuy nhiên, chuỗi ngày thảnh thơi nhanh chóng chấm dứt khi đồng nghiệp cũ Felix Leiter tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhờ anh giúp giải cứu một nhà khoa học bị bắt cóc.

Nhiệm vụ này nguy hiểm hơn nhiều so với dự kiến khi James Bond phải lần theo dấu vết một nhân vật phản diện bí ẩn được trang bị công nghệ mới nguy hiểm.

Bộ phim hành động của Sony “Venom: Let There Be Carnage” (“Venom: Đối mặt tử thù”) đứng ở vị trí thứ ba khi “bỏ túi” 16,5 triệu USD. Diễn viên Tom Hardy đóng vai phóng viên điều tra Eddie Brock đồng thời là vật chủ của quái vật ngoài hành tinh Venom – giúp mang lại cho anh siêu năng lực.

Ở phần phim này, Brock phải đối diện kẻ thù mới là tên giết người hàng loạt Cletus Kasady (do Woody Harrelson thủ vai).

Vị trí thứ 4 thuộc về bộ phim hoạt hình “The Addams Family 2” của United Artists, với doanh thu 7,2 triệu USD. Đứng thứ 5 là phim chính kịch lịch sử “The Last Duel” của đạo diễn Ridley Scott với doanh thu công chiếu mở màn 4,8 triệu USD.

Dưới đây là các phim còn lại trong top 10 phim ăn khách tại Bắc Mỹ cuối tuần qua:

“Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings” (3,5 triệu USD)

“Free Guy” (680.000 USD)

“Lamb” (543.000 USD)

“Candyman” (460.000 USD)

“Dear Evan Hansen” (410.000 USD)

Nguồn: TTXVN

Cận cảnh quy trình làm ra thứ quà đến cùng mùa thu

VHO- Nói đến văn hóa ẩm thực Hà Nội, những người am hiểu chắc chắn sẽ nói đến cốm như một điều rất tự nhiên. Cốm là của riêng Hà Nội, là một món ăn vặt rất “độc” được lưu giữ bao đời nay rồi. “Hà Nội mùa thu, hoa sữa phơi hương, xanh màu cốm mới…”

Hà Nội mùa thu là hình ảnh những gánh cốm nhịp nhàng trên vai các bà, các mẹ len vào từng ngõ nhỏ, là hương vị dân dã như tĩnh lại giữa lòng thành phố nhộn nhịp. Những hạt cốm xanh mỏng manh nhưng thơm ngọt, lắng đọng những tinh túy của đất, của trời, của hương nắng và gió, để rồi khiến mỗi thực khách khi thưởng thức đều thấy quyến luyến nhớ thương. Bên cạnh thương hiệu cốm làng Vòng, cốm Mễ Trì cũng rất nổi tiếng và được người dân Hà Nội ưa chuộng. Đến tận nơi, nhìn tận mắt mới thấy để có được những hạt cốm thơm dẻo, người làm cốm phải rất công phu và tỉ mỉ như thế nào bởi quy trình làm cốm phải qua rất nhiều công đoạn, chứa đựng biết bao sự trân trọng và vất vả của người làm ra chúng.

Khi cây lúa hoe hoe vàng, chỉ mười ngày nữa là gặt rộ cũng là lúc các bà, các mẹ chọn ngắt từng bông dài, hạt mẩy về chế biến.

Muốn cốm ngon thì phải cắt lúa đúng lúc, nếu để lúa già thì hạt cốm không được xanh, cứng và gãy nát còn nếu lúa non thì hạt cốm lại bết vào vỏ trấu, mềm nhão nên mất ngon.

Thường lúa gặt hôm nào đem tuốt hạt, rang và giã luôn hôm đó. Người làm cốm khéo léo đãi nếp trong bể nước để chọn hạt mảy, căng bóng.

Rang lúa sao cho hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu là công đoạn khó nhất trong nghề làm cốm. Ngọn lửa rang cốm cũng cần một sự chăm chút. Khi mới rang cốm, lửa phải để to đều, nhưng khi gạo bắt đầu tái trắng thì để bớt lửa đi. Cốm rang cần được đảo liên tục cho nóng đều, bởi chỉ cần quá lửa chút là hạt cốm sẽ gãy.

Thông thường một mẻ cốm rang thủ công mất khoảng hơn một giờ đồng hồ.

Canh tác hơn 7 mẫu lúa nếp, gia đình ông Đặng Văn Mạnh – bà Nguyễn Thị Lạng là một trong những hộ gia đình có sản lượng cốm thành phẩm lớn nhất làng Mễ Trì. Mỗi mùa cốm thu cơ sở sản xuất của gia đình cung cấp hàng tấn cốm thành phẩm cho thị trường Hà Nội.

Ông Mạnh chia sẻ: “Cốm rang xong khi còn nóng là đem giã ngay trên bằng loại cối riêng, nhịp chày nhè nhẹ, nhịp nhàng, đều đều và khoan thai thì cốm mới mịn và dẻo”.

Cốm giã xong thì đến công đoạn sàng sẩy và cho vào trong các thúng con đã rải sẵn lá sen để mang đi bán ở các phố.

Cốm làng Vòng đúng kiểu được gói trong hai lớp lá. Hạt cốm được gói trực tiếp bằng lá ráy để giữ cho cốm không bị khô và để được lâu hơn. Lớp lá sen được bao bọc bên ngoài như để nhấn nhá hương sen thơm mát, phảng phất tạo sự ngon miệng cho người dùng.

Nhờ có lá sen, rơm nếp mà cốm vẫn còn chỗ đứng trong lòng những người yêu Hà Nội. Đó là những gì giản dị, mộc mạc, chân chất nhất của một sản phẩm sinh ra từ đồng ruộng, từ đời sống nông nghiệp của người Việt. Bây giờ trên thị trường bạt ngàn những sản phẩm cốm được đóng gói vuông vức trong hộp giấy, cuốn đủ các thể loại dây xanh đỏ tím vàng để trang trí, thoạt nhìn qua thôi đã thấy mất hẳn đi sự tinh tế, nét duyên dáng của một món quà cổ truyền.

Sự gói gém cốm đã kỹ càng, chỉn chu thì sự thưởng thức cốm cũng cầu kỳ không kém cạnh. Cốm không phải là món ăn cho no, nên không ai mua nhiều. Chỉ một gói nho nhỏ, ngồi nhâm nhi thưởng thức bên chén trà xanh, hàn huyên cùng bạn bè, hay ngắm phố phường thì có lẽ không còn gì thú vị bằng. Thêm nữa, đây là thứ quà không dành cho người “sống gấp” hay kẻ “ăn thùng uống vại”. Ăn cốm tươi đúng kiểu là phải nhẹ nhàng dùng 5 đầu ngón tay nhón một ít rồi bỏ vào miệng rồi từ từ thưởng thức để cảm nhận cái dẻo dẻo, thơm thơm khi nhai và vị ngọt lan dần trong khoang miệng, lắng đọng nơi cuống họng, như thể ta đang đi trong làn nắng vàng sóng sánh, hóng gió thu. Cứ như vậy, từng chút từng chút một để nhâm nhi thưởng thức hương vị thanh tao của món đặc sản Hà Nội.

Nguồn: Bài, ảnh: VŨ MỪNG – Báo Điện tử Văn hóa

Chiêm ngưỡng nét kiến trúc đẹp thơ mộng bên biển ngọc Nam Phú Quốc

Biển xanh, cát trắng, nắng vàng đã không còn là điều duy nhất khiến du khách bị “bỏ bùa mê” khi tới Phú Quốc nữa. Vẻ đẹp lãng mạn đầy chất nghệ thuật của những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng ở phía Nam đảo mà Sun Group kiến tạođã và đang mang tới cho Phú Quốc một hấp lực mới khó cưỡng. 

Kiến trúc – hấp lực của những điểm đến nổi tiếng

Nhắc đến du lịch, người ta thường liên hệ ngay tới những khung cảnh thiên nhiên trác tuyệt như bãi biển cát trắng nước trong veo, hay những đỉnh núi trập trùng xanh mướt. Nhưng thực tế cho thấy, các điểm đến sở hữu những công trình ấn tượng mới là thỏi nam châm hút khách hàng đầu.

Không khó để liệt kê những địa danh du lịchgắn với các công trình kiến trúc nổi tiếng như Ai Cập với kim tự tháp, Hy Lạp với những đền thờ các vị thần, Rome với đầu trường La Mã hayTrung Quốc với Vạn lý trường thành… Bên cạnh đó, các thành phố du lịch hàng đầu hiện nay như Paris, London, Barcelona hay Amsterdam cũng đều là những “bảo tàng kiến trúc” của nhân loại.

Ngay cả khi may mắn được ban tặng vẻ đẹp thiên nhiên lộng lẫy, các điểm đến như Santorini (Hy Lạp) hay Bagan (Myanmar) có lẽ cũng sẽ mất đi phần nào sự màu nhiệm, nếu thiếu đi nét kiến trúc Cycladic ấn tượng hay những tàn tích của triều đại Pagan. Và có lẽ đất nước Campuchia cũng không thể có được một “tài nguyên du lịch” khổng lồ nếu không có quần thể đền thờ Angkor Wat.

Không chỉ các công trình kiến trúc cổ điển, lâu đời mới đem đến sự thăng hoa cho du lịch. Nhiều điểm đến trên thế giới bỗng vụt sáng cả về du lịch lẫn đầu tư,nhờ sự xuất hiện của các công trình kiến trúc. Có thể kể đến Bilbao – thành phố lớn nhất xứ Basque được đánh thức bởi Bảo tàng Guggenheim –  mộtcông trình kiến trúc tiên phong, thánh địa của nghệ thuật đương đại thế giới. Hay như White City của Tel Aviv, nhờ sở hữu nét kiến trúc Bauhaus đặc trưng mà đã trở thành điểm đến nổi tiếng, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Và có lẽ sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua Dubai khi bàn về sự song hành của kiến trúc và du lịch. Chỉ trong vòng 20 năm, từ một thành phố không mấy tiếng tăm sống dựa vào dầu mỏ, Dubai đã “lột xác” thành “vương quốc du lịch” giàu có số một thế giới, nhờ vào các công trình kỳ vỹ, đẳng cấp, khác biệt đến mức được ví như “đến từ hành tinh khác”. Đến nay, dầu mỏ chỉ chiếm 5% tổng thu nhập của Dubai, 95% còn lại đến từ du lịch và bất động sản.

Rõ ràng, kiến trúc đóng vai trò không nhỏ tạo ra hấp lực cũng như thúc đẩy sự pháttriển của các điểm đến. Và đó cũng là lý do tại sao Nam Phú Quốc thời gian gần đây, với những công trình kiến trúc độc đáo do tập đoàn Sun Group kiến tạo, đang trở thành một “hiện tượng” du lịch và nhận được nhiều sự quan tâm của cả du khách lẫn các nhà đầu tư.

Những “biểu tượng” mới của du lịch Phú Quốc

Không khó để tìm thấy những bãi biển thiên nhiên trong xanh, hoang sơ,thậm chí, những Bãi Sao, Bãi Kem của Nam đảo đều đã lọt top những bãi biển đẹp nhất thế giới. Nhưng sự sống động và sức sống của Nam đảo lại chỉ được thực sự đánh thức, khi có sự xuất hiện của những công trình kiến trúc ghi đậm dấu ấn khác biệt.

Ở bờ Tây Nam đảo, nơi có địa thế giậtcấp theo sườn đồi cùng chiều cao 35m lý tưởng trên mực nước biển, một “thị trấn Địa Trung Hải” đẹp như mơ đã được Tập đoàn Sun Group kiến tạo, để du khách không ngừng trầm trồ.

Tâm điểm của nơi đây là khu Central Village với tháp đồng hồ cao 75m, sở hữu kiến trúc mô phỏng nguyên bản tháp chuông nổi tiếng trên quảng trường San Marco, Venice, Italia, đặt giữa những khối nhà phân cấp đủ màu sắc, những ô cửa sổ thơ mộng hướng ra mặt biển lấp lánh cùng cung đường dạo ôm theo vách đá.

Hồn cốt và vẻ đẹp cổ kính của “thị trấn Địa Trung Hải” này được tái hiện tinh tế qua những lớp sơn giả cổ cầu kỳ. Biển số nhà làm bằng gốm, hệ thống ống thoát nước bên hiên nhà, các hoa văn trên cộtđiện, phào, chỉ trên cửa sổ, và cả lan can sắt dẫn lối trong nội khu, những chi tiết nhỏ được tái hiện sống động, như mang cả “linh hồn” Địa Trung Hải về bên biển Ngọc.

Ngay cạnh “thị trấn Địa Trung Hải”, công trình ga đi cáp treo Hòn Thơm cũng là một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, tái hiệnvẻ đẹp choáng ngợp của những đấu trường La Mã cổ đại.

Bên Bãi Kem, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay,kiệt tác nghỉ dưỡng mang hình dáng một ngôi trường đại học giả tưởng của Bill Bensley và Sun Group, lại đem đến góc nhìn độc đáo về kiến trúc Pháp.

Toàn bộ khu nghỉ dưỡng được thiết kế và sắp đặt theo từng phân khoa trong một ngôi trường mang phong cách kiến trúc Pháp lãng mạn, kết hợp với những chỉ dấu văn hoá bản địa như bức tượng chú chó Phú Quốc hay dãy nhà mô phỏng kiến trúc của phố cổ Hội An, đem đến sự thân quen mà vẫn lạ lẫm, ấn tượng.

Dấu ấn nghệ thuật kiến trúc đặc sắc tại Nam Đảo vẫn tiếp tục được nối dài với kiến trúc “siêu khối” mang âm hưởng Địa Trung Hải tại khu đô thị Sun Grand City New An Thới; kiến trúc mô phỏng làng chài ven biển của New World Phu Quoc Resort; và sắp tới là “Ngôi làng nhiệt đới” Sun Tropical Village với những căn biệt thự mangphong cách Tropical – Indochine, tiên phong cho xu hướng wellness second home tại đảo Ngọc.

Chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc độc đáo này, dễ thấy một chiến lược rõ ràng của Sun Group khi đầu tư vào “hệ sinh thái” của tập đoàn này tại Nam đảo. Tương tự như Dubai, hay gần gũi hơn là Maldives hay Singapore, tinh hoa kiến trúc thế giới kết hợp với thiên nhiên tuyệt tác sẽkhông chỉ đổi thay diện mạo, tạo nên sự khác biệt cho Nam đảo, mà còn mang đến những cơ hội phát triển bền vững cho Phú Quốc, cả về du lịch lẫn đầu tư. Một tương lai sôi động, phồn thịnh bền vững của thành phố đáng sống Phú Quốc đang được xây nền móng ngay từ chính những tinh hoa kiến trúc đang được tạo dựng hôm nay.

H.H

Nở rộ các dịch vụ ăn theo phim Squid Game

VTV.VN- Nhiều dịch vụ ăn theo phim Squid Game đang gây sốt ở các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Philippines.

Squid Game (Trò chơi con mực) là một bộ phim của Hàn Quốc đang gây ra cơn sốt tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bộ phim nói về cuộc chiến sinh tử của hàng trăm người chơi.

Những nhân vật trong phim sẽ chơi các trò quen thuộc thời thơ ấu đối với nhiều người tại Hàn Quốc, tuy nhiên, nếu không vượt qua được, người chơi sẽ phải trả bằng sinh mạng của mình. Nếu sống sót đến cuối cùng, người chơi sẽ nhận được 45,6 tỷ Won (tương đương hơn 870 tỷ đồng Việt Nam).

Các dịch vụ ăn theo phim Squid Game đang gây sốt ở các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Philippines. Thử thách tách kẹo đường Dalgona đã được một quán cafe tại Singapore đưa ra với các thực khách. Bất cứ ai đến quán cafe đều muốn thử trải nghiệm này và ghi lại rồi đăng tải lên mạng xã hội để chia sẻ với bạn bè.

Tại Hàn Quốc, những người bán kẹo đường cảm thấy rất thích thú khi trò chơi của trẻ nhỏ này bỗng trở thành cơn sốt.

“Những ngày gần đây, mỗi ngày tôi có tới 200 – 300 khách mua hàng. Hồi trước thì ngày nào nhiều nhất cũng chỉ có 100 khách. Vì họ là người lớn, đâu có thời gian nhớ lại trò chơi trẻ con” – anh An Yong-Hui, một người bán kẹo tại Hàn Quốc, chia sẻ.

Còn tại Philippines, nhiều thanh niên rất hứng thú với trò đèn xanh, đèn đỏ với bức tượng cao 3 m được đặt tại trung tâm mua sắm. Mỗi khi bức tượng khổng lồ vang lên câu hát rồi quay đầu lại, khi âm thanh kết thúc, người chơi phải đứng im, không được cử động. Dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới ngành dịch vụ, tuy nhiên, việc những dịch vụ ăn theo phim được nhiều người đón nhận cho thấy cuộc sống bình thường mới đang dần thành hiện thực.

Đáng chú ý, bộ phim có một vài hạt sạn trong khâu sản xuất, trong đó đã gây ra sự cố về lộ số điện thoại thật trên phim.

Số điện thoại để đăng ký tham gia trò chơi trên phim lại vô tình là số điện thoại thật của một người đàn ông 40 tuổi ở Hàn Quốc. Sau khi bộ phim được công chiếu, người này đã phải nhận tới 4 nghìn cuộc điện thoại mỗi ngày, do những người tò mò thử gọi vào số xuất hiện trong phim.

Vụ việc thu hút cả các chính trị gia của quốc gia này. Đã có ứng cử viên tranh cử Tổng thống Hàn Quốc ngỏ ý muốn mua lại số điện thoại này với giá 100 triệu Won (tương đương hơn 1,9 tỷ đồng Việt Nam). Trong khi đó, nhà phát hành và sản xuất phim có thể đối mặt án phạt lên đến 50 triệu Won (khoảng gần 1 tỷ đồng tiền Việt).

Nguồn: VTV.VN

Thức dậy thôi, những người làm nghệ thuật!

VHO- Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói từ ngày 20 – 27.10 tới. Nhìn lại chặng đường một thế kỷ phát triển của kịch Việt với bao thăng trầm, có những thời kỳ phát triển và đạt thành tựu rực rỡ, với hàng loạt gương mặt tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ lừng danh, chắc hẳn giới nghề không khỏi có nhiều trăn trở và nuối tiếc… 

Sự trì trệ, lạc hậu, không theo kịp bước phát triển của thời đại đang là thách thức lớn, đòi hỏi kịch Việt phải có sự thay đổi, lột xác mạnh mẽ.

Sức hút của kịch nói ngày càng giảm sút

Nhân dịp này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng các đơn vị Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ… đã cùng chung tay dàn dựng vở Chén thuốc độc của cố tác giả Vũ Đình Long – vở diễn đầu tiên có kịch bản do người Việt viết, đánh dấu sự ra đời chính thức của kịch nói. Từ đó đến nay, sân khấu kịch đã khẳng định là một trong những ngành nghệ thuật tiên phong khi có nhiều ưu thế phản ánh trực diện hiện thực cuộc sống. Có những giai đoạn mà người xem rồng rắn xếp hàng trước cửa rạp, thậm chí mua cả vé chợ đen để được thưởng thức những Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt, Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Đợi đến mùa xuân, Bệnh sĩ, Cuộc đời tôi… Có những vở mỗi ngày phải diễn tới 4-5 suất để áp ứng yêu cầu của khán giả, khi mà người ta xem kịch như một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Nghĩ về sân khấu kịch của một thời vàng son, chúng ta có thể kể ra hàng loạt những tên tuổi “đình đám” như: Tác giả Lưu Quang Vũ, Xuân Trình; Đạo diễn Thế Lữ, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng, NSƯT Đoàn Anh Thắng… Còn ngày hôm nay, kịch nói đang thiếu những dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng khiến những vở kịch cứ nối tiếp ra đời với mô típ và cách dàn dựng na ná nhau, mờ nhạt, không cho người xem cái cảm giác phải nóng bừng lên, phải hoà mình vào những tình tiết, phải sống với hoàn cảnh và số phận của từng nhân vật trên sân khấu.

Vì sao sân khấu kịch nói ngày hôm nay không còn sức hấp dẫn như những giai đoạn phát triển huy hoàng trước đây? Khác với những thể loại nghệ thuật khác, công chúng của kịch nói đòi hỏi tác phẩm phải bám sát được hơi thở của xã hội đương đại với những mới mẻ, sinh động và lôi cuốn. Nhưng trên thực tế, những vở diễn như vậy còn quá hiếm hoi, trong khi các phương tiện nghe nhìn công nghệ cao và nhiều loại hình giải trí hấp dẫn ồ ạt xuất hiện làm cho sức hút nghệ thuật truyền thống nói chung, của kịch nói nói riêng ngày càng giảm sút. PGS.TS Phạm Duy Khuê còn cho rằng: “Không chỉ thiếu kịp thời nắm bắt trình độ nhận thức và xu thế giải trí của công chúng trẻ, mà một bộ phận những người làm sân khấu kịch vẫn bằng lòng một cách tự mãn, sáo mòn và quẩn quanh với lối tư duy trong quá khứ, thậm chí, họ còn rất đắc ý về số lượng tác phẩm đã và đang sản xuất ra của mình, mà không biết rằng hiện thực và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng đang thay đổi và sân khấu cũng cần phải thay đổi để phù hợp”.

Trong khi đời sống đang tồn tại nhiều điều nhức nhối như vấn nạn tham ô, tham nhũng, cảnh gia đình máu mủ tương tàn vì tranh giành đất đai, nhà cửa; cảnh vợ chồng xô xát, con cái hư hỏng hỗn hào… Ở chiều hướng tích cực, xã hội cũng đang đầy ắp những câu chuyện hay, hình ảnh đẹp, cảm động về sự chia sẻ, nghĩa đồng bào, những tấm gương hy sinh vì cộng đồng… Hiện thực ngồn ngộn tư liệu sống ngoài kia chính là nguồn cảm hứng vô tận cho sân khấu kịch nhưng lại không được đề cập hoặc có nhưng không chuyển tải được rõ nét, chân thực. Rõ ràng chúng ta đang thiếu những nhà biên kịch tài năng, những “phù thủy” sân khấu. Từ ngày nhà biên kịch Lưu Quang Vũ mất đi, đã qua cả một chặng đường dài 30 năm có lẻ với bao trông ngóng mòn mỏi, chúng ta vẫn chưa tìm thấy một gương mặt xuất sắc để thay thế?!

Vở “Tái sinh” do NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng đã giành HCV cho vở diễn và Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan nghệ thuật về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” Ảnh: N.L

Vì sao cứ mãi “ăn mày dĩ vãng”?

NSƯT Bùi Như Lai, đạo diễn được giao dàn dựng tác phẩm Chén thuốc độc thổ lộ: “Tôi có cảm giác lực lượng tác giả sân khấu hôm nay viết kịch bản vì nhu cầu cá nhân của họ chứ không phải để phục vụ công chúng. Đó là lý do mà nhiều nhà hát đã phải dựng lại những kịch bản cũ. Chúng ta đang thiếu một thế hệ tác giả kế cận có thể viết được những kịch bản mang tính thời đại và có giá trị lâu dài như các tác giả trước đây. Hằng năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đều tổ chức các trại sáng tác, tuy nhiên, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là một vài cái tên quen thuộc tham gia, có khi kịch bản đã được viết từ rất lâu, họ mang ra xào xáo và đặt lại tên theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Vậy thử hỏi làm sao có được những kịch bản nóng bỏng tính thời sự?”.

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực, người được trao giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020 nhận định: “Tôi cho rằng sân khấu kịch trở nên lạc hậu, tụt dốc chính là do nhận thức về sáng tạo của người nghệ sĩ. Với nghệ thuật thì dấu ấn sáng tạo cá nhân là vô cùng quan trọng, thì đây chính là cái mà chúng ta đang thiếu. Chưa kể rằng, từ tác giả cho tới người quản lý các đơn vị nghệ thuật cũng đang tự tạo ra ranh giới và tự kiểm duyệt cho mình bằng cách né tránh những đề tài thời sự được cho là “nhạy cảm”. Hãy làm nghệ thuật với cái tâm sáng và đừng tự bào mòn đi cái tôi của chính mình. Vì sao sân khấu kịch giậm chân tại chỗ và ngày càng mất đi khán giả? Tôi thực sự tin khán giả vẫn còn yêu sân khấu. Vấn đề là sản phẩm của chúng ta thế nào và chúng ta có hiểu được khán giả đang muốn gì?”.

Có thể thấy, sân khấu kịch nói đang đứng trước đòi hỏi phải có sự vận động, đổi mới từ tư duy của người sáng tạo cho tới cơ sở vật chất, nhà hát. Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai cho biết, anh đã từng đi thực tế tìm hiểu sân khấu của nhiều quốc gia và thấy rằng việc chú trọng đầu tư cho các nhà hát của họ là rất lớn. Đạo diễn dẫn ra ví dụ khi tới tìm hiểu sân khấu Nhật Bản, họ đầu tư kinh phí xây dựng một nhà hát lên tới trên 200 triệu đô la, không chỉ để biểu diễn nghệ thuật mà còn là một quần thể văn hoá, kiến trúc với rất nhiều tính năng hiện đại. Được nhìn ngắm một công trình kiến trúc hoành tráng dành cho nghệ thuật biểu diễn, chắc hẳn không chỉ NSƯT Như Lai mà tất cả những người làm nghệ thuật sân khấu Việt Nam cũng đều chạnh lòng, ao ước.

Sân khấu kịch nói hôm nay, đặc biệt ở khu vực phía Bắc đang mang diện mạo nửa bao cấp, nửa thị trường. Cơ sở vật chất thiếu thốn, đầu tư kinh phí quá eo hẹp, nhiều vở diễn ra đời được một thời gian ngắn ngủi để rồi “cất kho”, và quan trọng hơn cả là không có kịch bản hay thì đạo diễn dẫu có tài năng cũng khó có thể vùng vẫy và phát huy sáng tạo. Tất cả như đang trong cảnh chợ chiều hiu hắt!

Dịp kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu kịch Việt Nam cũng là lúc những người làm nghệ thuật cần thức dậy sau một giấc ngủ dài, nghiêm túc hoạch định con đường đi mới với những xu hướng mới cho sân khấu kịch nói. Muốn tồn tại, phát triển thì kịch Việt phải vận động, phải đổi mới để nâng cao chất lượng về mọi mặt. Dẫu biết để thay đổi không phải là chuyện một sớm, một chiều, nhưng không vì thế mà những người quản lý nghệ thuật cũng như giới nghệ sĩ cứ mãi làm nghề theo kiểu được chăng hay chớ, buông xuôi…

 Nguồn: THÚY HIỀN – Báo Điện tử Văn hóa

Khai trương Nhà triển lãm Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai: Đưa màu sắc Việt Nam hòa cùng gam màu rực rỡ của thế giới

Ngày 01.10, trong Khu tổ hợp EXPO 2020 Dubai tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả- Rập Thống nhất (UAE), Lễ khai trương Nhà triển lãm Việt Nam đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng và ấn tượng.

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), Tổng Đại diện Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai Nguyễn Phương Hòa. Nhiều khách mời quốc tế như ông Omar Shehaded, Tổng Phụ trách các nước tham dự EXPO 2020 Dubai, ông Graham Cooke, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Giải thưởng Du lịch Thế giới, các Đại sứ và Tổng đại diện các nước thành viên ASEAN tại EXPO 2020 Dubai… cùng đông đảo bà con kiều bào ta đang sinh sống, học tập và làm việc tại UAE đã tham dự Lễ khai trương.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông (giữa, hàng trên) cùng các đại biểu cắt băng khai trương Nhà Triển lãm Việt Nam

Đây là lần thứ 7 Việt Nam tham dự các kỳ Triển lãm Thế giới EXPO dưới sự chủ trì của Bộ VHTTDL. Phát biểu tại Lễ khai trương, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Đại dịch Covid-19 sẽ là một trong những sự kiện không thể quên trong lịch sử đương đại, gây ra những ảnh hưởng chưa từng có tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai thể hiện cam kết vững chắc và những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia; phát huy sức mạnh của giá trị văn hóa và sự sáng tạo của con người Việt Nam; đưa màu sắc Việt Nam hòa cùng những gam màu rực rỡ của thế giới”.

Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết sự hiện diện của Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai thể hiện cam kết vững chắc và những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia

Chúc mừng nước chủ nhà UAE và Ban tổ chức EXPO 2020 Dubai, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói: “Các bạn đã làm được điều kỳ diệu mà tất cả chúng tôi đều mong chờ bất chấp muôn vàn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây nên”.

Thứ trưởng cũng khẳng định: “Việt Nam là một đất nước hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư quốc tế trên các lĩnh vực với nền văn hóa đa dạng giàu bản sắc, có thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện, nghệ thuật truyền thống độc đáo, nền ẩm thực phong phú… Đẩy mạnh đối ngoại đa phương, Việt Nam đã phát huy vai trò chủ động là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong các hoạt động giao lưu tại EXPO 2020 Dubai như: tham gia Ngày ASEAN, đại diện cho châu Á trong tour trực tuyến ảo của Tổ chức các nước nói tiếng Pháp (OIF)…”

Cục trưởng Cục HTQT, Tổng Đại diện Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai Nguyễn Phương Hòa phát biểu chào mừng tại Lễ khai trương Nhà Triển lãm Việt Nam

Trên bình diện hợp tác song phương, việc Việt Nam tham gia EXPO 2020 Dubai cũng cho thấy những bước tiến tốt đẹp trong quan hệ giữa Việt Nam và UAE, đồng thời là lời chúc mừng mà Việt Nam muốn gửi tới nước chủ nhà nhân dịp 50 năm ngày lập quốc.

Cảm ơn các đại biểu và khách tham quan tại Nhà Triển lãm Việt Nam tại Lễ khai trương- những người luôn dành cho Việt Nam những tình cảm nồng ấm, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Hơn  bao giờ hết, tình bạn, sự đoàn kết và sẻ chia ngày càng mạnh mẽ, giúp chúng ta biến những điều không thể thành có thể”.

Ông Omar Shehaded đại diện Ban tổ chức EXPO 2020 Dubai chúc mừng Việt Nam

Đại diện Ban tổ chức EXPO 2020 Dubai, ông Omar Shehaded cảm ơn sự tin tưởng mà Việt Nam đã dành cho nước chủ nhà bất chấp những thách thức từ đại dịch. “Việc Việt Nam tham gia EXPO 2020 là một bằng chứng sinh động của sự đoàn kết và chỉ có kết nối với nhau chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn”, ông Omar Shehaded nói.

Đại biểu quốc tế và đông đảo bà con kiều bào ta đang sinh sống, học tập và làm việc tại UAE đã tham dự Lễ khai trương

Có diện tích rộng hơn 850m2, Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai nằm ở khu chủ đề “Cơ hội” và mang thông điệp “Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai”. Căn nhà gây ấn tượng với phần mặt tiền treo 800 chiếc nón lá Hội An truyền thống gắn đèn nhiều màu sắc và phiên bản thu nhỏ của 18 tác phẩm nghệ thuật do các nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo dành riêng cho tòa nhà Quốc hội Việt Nam “Kết nối tinh hoa xưa – giá trị ngày nay”. Thông qua các khu trưng bày theo nhiều chủ đề khác nhau tại cả 2 tầng Nhà Triển lãm, những người tổ chức mong muốn có thể giới thiệu tới bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam “giàu bản sắc văn hóa và đang nổi lên như một cơ hội cho hợp tác trong khu vực và thế giới”- đúng như những gì Ban tổ chức EXPO 2020 miêu tả về Việt Nam.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và đại biểu nước ngoài tại Nhà Triển lãm Việt Nam

So với các kỳ triển lãm trước, một điểm mới tại Nhà Triển lãm Việt Nam năm nay là bên cạnh việc tiếp tục quảng bá và tôn vinh các tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc, những tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng được giới thiệu đậm nét. Khách tham quan có thể trải nghiệm du lịch Việt Nam thông qua kính 3D và màn hình cảm ứng hay tìm hiểu về các thành tựu công nghệ “Make in Việt Nam” như dòng vệ tinh Dragon, giày thể thao làm từ bã cà phê, sản phẩm làm từ công nghệ in phun 3D nguyên khối đầu tiên trên thế giới, robot trí tuệ nhân tạo…

Nhà Triển lãm Việt Nam với nhiều điểm nhấn, đậm màu sắc văn hóa đã thu hút đông đảo khách tham quan

Một điểm nhấn khác là Nhà Triển lãm Việt Nam sẽ chủ động đẩy mạnh các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư thương mại và quảng bá du lịch như hội thảo, các cuộc gặp gỡ B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), B2C (doanh nghiệp với khách hàng)… Đoàn Việt Nam cũng sẽ tích cực tham gia các sự kiện giao lưu quốc tế tại EXPO 2020 Dubai như: Ngày ASEAN (13.12.2021), Tuần lễ Pháp ngữ (3.2022) đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành quốc gia châu Á duy nhất tham gia chương trình tour thực tế ảo do Tổ chức các nước nói tiếng Pháp (Francophonie) chủ trì…

Bà Nguyễn Phương Hòa, Tổng Đại diện Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai (thứ 3 từ phải sang) cùng các đại biểu quốc tế

Tuy nhiên, sự kiện được mong chờ nhất chính là Ngày Quốc gia Việt Nam (30.12.2021) khi Việt Nam thực sự trở thành tâm điểm với một loạt các hoạt động phong phú như lễ thượng cờ Việt Nam, lễ diễu hành, trình chiếu cờ đỏ sao vàng tại Al Wasl – một trong những quảng trường mái vòm lớn nhất thế giới, chương trình biểu diễn nghệ thuật thời trang tại sân khấu lớn ngoài trời, Tuần phim Việt Nam, chương trình xúc tiến du lịch – đầu tư thương mại…

Theo bà Nguyễn Phương Hòa, Tổng đại diện Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai, với chủ đề “Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai”, Nhà Triển lãm Việt Nam là sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là nơi hội tụ của truyền thống và hiện đại, đem tới những hy vọng và cơ hội cho sự phát triển bền vững và mở rộng hợp tác.

Khách tham quan tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Nhà Triển lãm Việt Nam kể lại câu chuyện về một quốc gia phi thường với nền văn hóa dạng, phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, người dân chăm chỉ và thân thiện. Đây cũng chính là những con người đã chinh phục cả thế giới nhờ lòng quả cảm và tinh thần luôn sẵn sàng chiến đấu vì hòa bình và một cuộc sống tốt đẹp hơn. Giờ đây, thế hệ trẻ của họ lại khiến thế giới phải sửng sốt trước sự sáng tạo và đam mê làm chủ công nghệ của mình.

“Hãy trải nghiệm năng lượng và nhịp sống mạnh mẽ một đất nước Việt Nam năng động đồng thời tìm hiểu về một số thương hiệu tốt nhất và những điểm đến đẹp nhất của đất nước chúng tôi”, bà Nguyễn Phương Hòa gửi thông điệp ý nghĩa và thân thiện này tới đại biểu và khách tham quan Nhà Triển lãm Việt Nam.

Nguồn: BẢO AN, ảnh Cục HTQT (từ Dubai)

Nghệ thuật chuyển đổi số: Biến tình thế thành xu thế

VHO- Tại diễn đàn Tác động của đại dịch Covid-19: Hành động quyết liệt của ngành VHTTDL mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận sự chuyển hướng của nghệ thuật biểu diễn đã phát huy sức mạnh của “vắc xin tinh thần” xoa dịu nỗi đau, cổ vũ nhân dân vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để các đơn vị nghệ thuật chuyển hướng vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa có thể kiếm được tiền trên các nền tảng mạng.

Một cuộc chuyển mình mạnh mẽ

Hai năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nhà hát đóng cửa, sân khấu tắt đèn, nghệ sĩ không được biểu diễn, khán giả không được thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên… bị cắt giảm lương, cuộc sống khó khăn. Trước bối cảnh này, một cuộc chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã diễn ra. Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, các nhà hát, sân khấu online xuất hiện như một cách tháo gỡ khó khăn, để dòng chảy nghệ thuật vẫn bền bỉ nối dài.

Tuy nhiên, nghệ thuật chuyển đổi số mới chỉ là “phép thử” trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi, về lâu dài, làm thế nào để các nhà hát, đơn vị nghệ thuật có thể kiếm được tiền trên các nền tảng mạng xã hội? Câu trả lời không hề đơn giản. Bài toán đặt ra là trong khi các Youtuber nổi tiếng có thể kiếm tiền dễ dàng thì đây lại là khó khăn đối với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là những đơn vị nghệ thuật truyền thống. Những địa chỉ, trang mạng xã hội tuy đã được các đơn vị xây dựng song chưa phát huy hiệu quả, ít người truy cập, quan tâm.

Nghệ thuật biểu diễn làm thế nào để biến “tình thế” thành “xu thế”? Bình luận về thực tế này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, có lẽ chưa bao giờ, hoặc lâu lắm rồi chúng ta mới chứng kiến cảnh đời sống nghệ thuật đóng băng như hiện nay. Đối với cuộc chuyển đổi số trong nghệ thuật, theo ông Bùi Hoài Sơn, chúng ta chưa sẵn sàng cho quá trình này. Trong tư duy, nghệ sĩ và khán giả Việt Nam luôn nghĩ để thưởng thức nghệ thuật cần phải trực tiếp thì mới cảm nhận hết được những giá trị tinh túy. Mặt khác, chúng ta chưa có những chương trình nghệ thuật phù hợp với công nghệ kỹ thuật số, chưa có phương tiện để thực hiện biểu diễn nghệ thuật trên môi trường số; khán giả cũng chưa hoàn toàn quen với việc thưởng thức nghệ thuật trên môi trường này.

Chứng kiến sự thay đổi trong cách thức tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thông qua nền tảng công nghệ số như Facebook, Youtube để đưa những liều “vắc xin tinh thần” cổ vũ nhân dân vượt qua đại dịch, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nhà hát online là một giải pháp tình thế hiện nay. Tuy nhiên, “không phải cứ đưa các chương trình nghệ thuật lên mạng là đã có nhà hát online. Vì để có nhà hát online, các chương trình phải thiết kế lại cho phù hợp với công nghệ số cả ở nội dung, thời lượng, cách chuyển tải đến khán giả… Hy vọng, sau những thử nghiệm đầu tiên, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm để xây dựng các mô hình nhà hát online đúng nghĩa, phù hợp với xu thế thế giới và làm giàu có, đa dạng hơn thị trường nghệ thuật ở Việt Nam”, ông Sơn nhấn mạnh.

Quan trọng nhất là thương hiệu

Theo ông Lê Minh Tuấn, định hướng tới đây đối với các đơn vị nghệ thuật là sẽ xây dựng các kênh thu phí. Hiện tại hầu như đơn vị nghệ thuật nào cũng có kênh online, fanpage, nhưng vẫn chưa thu hút được sự theo dõi và tương tác chưa cao. Có nhiều lý do, thứ nhất là sự thiếu hấp dẫn của các kênh online, fanpage này. Thứ hai, khán giả thực sự vẫn chưa quen với việc tương tác và hưởng thụ nghệ thuật trên mạng. Thứ ba là do sự cạnh tranh của các chương trình gameshow, giải trí khác khiến cho việc lên mạng xem kịch, biểu diễn nghệ thuật bị xao lãng ít nhiều.

Phân tích thực trạng này, PGS Bùi Hoài Sơn gợi mở, cần tận dụng sức ảnh hưởng từ những ngôi sao trên thị trường giải trí nhằm tạo sức hút đối với các chương trình. Đơn cử, chương trình nghệ thuật online Cháy lên do Bộ VHTTDL vừa thực hiện đã thu hút đông đảo người xem, trong đó có lượng tương tác không nhỏ khi link được dẫn về kênh Facebook cá nhân của NSƯT Xuân Bắc. “Trong các Nhà hát, đơn vị nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ có nhiều nghệ sĩ, ngôi sao nổi tiếng đang làm việc. Đây là lợi thế, tuy nhiên, nghĩ xa hơn, các đơn vị nghệ thuật cần chuẩn bị kỹ hơn nhằm nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu riêng cho các chương trình, bớt phụ thuộc vào các nghệ sĩ. Ngược lại, khi chương trình có nội dung tốt, hấp dẫn, có thương hiệu riêng, chúng ta sẽ huy động được các nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ ở trong khu vực nhà nước mà còn cả các nghệ sĩ tự do, thậm chí là các ngôi sao quốc tế”, theo ông Bùi Hoài Sơn.

Trong số các giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế qua các chương trình nghệ thuật online, các chuyên gia nhấn mạnh, thương hiệu là yếu tố quan trọng. “Một clip của Sơn Tùng MTP vừa ra đã thu hút hàng triệu lượt người theo dõi. Xa hơn, ở nước ngoài, chỉ cần một dòng tweet của cầu thủ Ronaldo hay Messi có thể kiếm về hàng chục ngàn đô la. Nói thế để chúng ta thấy rằng, thương hiệu là vô cùng quan trọng với nghệ sĩ, và nhiệm vụ của mỗi nghệ sĩ, chương trình, hay đơn vị nghệ thuật là xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình. Khi có được thương hiệu, chúng ta có thể có khả năng kiếm tiền trên môi trường mạng như rất nhiều các ví dụ đã có hiện nay”, ông Sơn phân tích.

Để tạo thương hiệu cho chương trình, hay nói cách khác là để biến giải pháp tình thế trở thành xu thế, các chuyên gia văn hóa lưu ý, cần phải có một tư duy khác, cách làm khác. Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cũng cần thay đổi để phù hợp với xu thế này. Cần có tư duy mới tổ chức biểu diễn trên mạng, huy động nguồn lực, phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu trên môi trường số. Làm được như thế, chúng ta sẽ có những chương trình phù hợp với bối cảnh mới, công nghệ mới và khán giả mới.

Dù đại dịch Covid-19 còn kéo dài hay được kiểm soát thì việc đưa các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn lên môi trường kỹ thuật số để tiếp cận khán giả vẫn được xác định là con đường tất yếu. Tuy nhiên, “chúng ta cần có những giải pháp mang tính chiến lược hơn cho bối cảnh mới. Sự lạc hậu, nếu diễn ra, sẽ tác động tai hại đến sự phát triển nghệ thuật của đất nước và ngược lại, nếu chuẩn bị tốt, chúng ta sẽ giúp nghệ thuật cất cánh, tạo điều kiện để nghệ thuật không chỉ giúp người dân giải trí, mà quan trọng hơn còn để bồi đắp đời sống tinh thần cao đẹp cho nhân dân…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

 Nguồn: PHƯƠNG ANH – Báo Điện tử Văn hóa

Không đón khách, Sa Pa vẫn chuyển mình tươi mới

VHO- Không ngừng mới lạ, không ngừng hấp dẫn như chưa từng có đại dịch đi qua, Sa Pa hôm nay dẫu vắng bóng du khách vẫn đẹp “đốn tim” dù là “du lịch qua màn ảnh nhỏ”.

Sa Pa đang vào mùa săn mây “đặc sản” hàng năm. Không chỉ có mây chảy thành dòng trên những đỉnh núi cao, ngay cả trung tâm thị xã cũng mơ màng một màu huyền ảo.

Ngắm Sa Pa đẹp lịm tim dù vắng bóng du khách

Thật thú vị biết bao nếu giờ này được khoác tay nhau bước trên những con đường quanh co ngả màu thời gian, giữa màn mây trắng bảng lảng, đắm mình trong cuộc sống bình yên và quên đi hết lo âu những ngày qua.

Ruộng bậc thang

Đến hẹn lại lên, những triền núi đã chuyển từ xanh rì sang óng vàng như mật. Mùa thu Sa Pa chẳng ngại Covid-19 hay du lịch đóng băng, vẫn bừng lên cảnh tượng quyến rũ nao lòng. Nếu may mắn có mặt ở Sa Pa những ngày này, phần thưởng cho bạn sẽ là một mình tận hưởng không gian bát ngát hiếm có trước nay.

Tàu hỏa leo núi Mường Hoa

Khác với cảnh tượng đông vui tấp nập thường thấy, ga tàu hỏa leo núi Mường Hoa tại trung tâm thị xã vắng lặng trong nắng mai, nhưng không vì thế mà bớt đi vẻ đẹp cổ tích vốn có. Các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng vẫn được thực hiện đều đặn dù không đón khách, để sẵn sàng cho ngày trở lại.

Hoa hồng Sa Pa

Trong khi đó, thung lũng hoa hồng đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam tại Sun World Fansipan Legend tiếp tục được khu du lịch làm mới và nâng cấp. Hơn 120.000 gốc hồng với hơn 150 loài hoa hồng, từ hồng cổ Sa Pa, hồng Việt Nam tới hồng nhập ngoại, làm nên một thảm hoa đẹp thần tiên, trải dài tư Ga đi cáp treo Fansipan tới dọc tuyến tàu hỏa leo núi Mường Hoa.

Đồi hoa tím “làm mưa làm gió” Facebook năm ngoái vẫn không ngừng “biến hình” đẹp hơn, mênh mông hơn. Trong những ngày ngừng đón khách cùng cả nước chống dịch, bằng “phép màu” của nỗi nhớ mong và tình yêu dành cho du khách, những người làm cảnh quan của khu du lịch đã hô biến đồi hoa mã tiền thảo lên rộng gấp đôi năm 2019, với những chùm hoa to hơn, dày hơn, cao hơn hẳn mùa thu năm ngoái.

Bất chấp đại dịch, Sa Pa vẫn chuyển mình tươi mới. Những mầm sống cựa mình vươn lên căng tràn xanh mướt từ trong đá, trong mây. Những người làm du lịch giữ vững tinh thần lạc quan và ấp ủ nỗi nhớ mong du khách, mong những ngày tháng bận rộn, tấp nập người đến người đi vào trong công việc miệt mài, sáng tạo mỗi ngày, để Sa Pa chưa bao giờ ngừng đẹp, chưa bao giờ ngừng hấp dẫn.

Thiên đường hoa muôn sắc màu và những tiểu cảnh kỳ công vẫn âm thầm được tạo tác giữa những dãy núi điệp trùng của Fansipan chờ ngày đón khách. Cùng với những thảm hoa lạ được tâm huyết ươm trồng trên đỉnh Fansipan như hoa đuôi công, thanh anh, đỗ quyên, xác pháo,… khu du lịch Sun World Fansipan Legend cho biết đã có kế hoạch làm nhà kính để phát triển và gây giống những loài hoa đẹp và lạ trồng trên quy mô lớn, với ước mong “biến đá thành hoa”, phủ muôn sắc màu lên đỉnh Fansipan để Sa Pa trở thành xứ sở của các loài hoa đẹp.

Hotel de la Coupole

Khách sạn Hotel de la Coupole, MGallery những ngày ngừng đón khách vẫn đẹp diễm lệ. Đằng sau sự yên tĩnh bên ngoài, “cuộc sống” bên trong kiệt tác nghỉ dưỡng không ngừng hối hả. Các công tác trùng tu, sửa chữa nâng cấp, làm mới cảnh quan được thực hiện để khách sạn luôn trong trạng thái đạt chuẩn 5 sao quốc tế và sẵn sàng phục vụ khách trở lại bất cứ lúc nào. Trong khi đó, các chương trình khuyến mại, quy định an toàn AllSafe hay các chương trình đào tạo về dịch vụ, quản lý,… cũng được triển khai cho ngày trở lại mới lạ hơn, chất lượng hơn.

Sẽ sớm thôi thành quả cùng nhau chống dịch được đền đáp bằng một chuyến đi Sa Pa “vui hết nấc”, bằng khung cảnh đẹp mê hồn mà ai cũng nhớ mong. Và những nụ cười sẽ rạng ngời ở “thành phố trên mây”, trên môi du khách và trên gương mặt của những người đang mỗi ngày lao động hăng say, giữ cho Sa Pa luôn là điểm đến không bao giờ cũ.

H.H

Ảnh: Dương Quốc Hiếu, Tô Bá Hiếu, Quyền Anh Tuấn