VHO- Nhà hát Tuồng Việt Nam là đơn vị đầu tiên được lựa chọn để triển khai biểu diễn hình thức Nhà hát truyền hình trong Kế hoạch tổ chức các chương trình nghệ thuật cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch của Bộ VHTTDL. Theo kế hoạch, Nhà hát đã ghi hình hai tác phẩm Trung thần, Võ Tam Tư trảm Cáo và hiện đang tập vở Triệu Đình Long cứu chúa…
Nghệ thuật Tuồng được “lên sóng” cũng là lúc những nghệ sĩ Tuồng không còn thất nghiệp sau chuỗi ngày dịch bệnh kéo dài và khán giả sẽ có cơ hội để thưởng thức những tác phẩm xuất sắc nhất của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Cách 2 thế kỷ vẫn tươi mới tính thời sự
Tác phẩm Trung thần vừa phát sóng trên VTV1 đã mang tới cho khán giả xem đài những góc nhìn mới mẻ về một vở tuồng lịch sử. Dù không có những tràng pháo tay kéo dài, không được chứng kiến những giọt nước mắt rơi trước số phận của từng nhân vật, nhưng cặp vợ chồng nghệ sĩ thể hiện vai chính: Mạnh Linh (Tả quân Lê Văn Duyệt) và NSƯT Lộc Huyền (vợ Lê Văn Duyệt) vô cùng xúc động khi nhận được rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn của đồng nghiệp và khán giả gửi tới để nói về cảm xúc của họ đối với vở diễn. NSƯT Lộc Huyền chia sẻ: “Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của diễn viên Tuồng truyền thống, khi suốt thời gian không được biểu diễn, không có thu nhập. Vừa khó khăn về kinh tế, chúng tôi vừa day dứt nỗi nhớ nghề, bởi với Tuồng thì phải “văn ôn võ luyện” hàng ngày mới có thể giữ được phong độ. Xin cảm ơn lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã kịp thời triển khai nhà hát truyền hình và biểu diễn online giúp cho nghệ sĩ chúng tôi có công ăn việc làm”.
Lộc Huyền cho biết, rất nhiều khán giả đã phản hồi tích cực sau khi xem Trung thần, dẫu là đề tài lịch sử tưởng chừng khô khan nhưng ê kíp sáng tạo đã thổi luồng sinh khí mới mẻ, hấp dẫn vào vở diễn. Trung thần ca ngợi công lao to lớn, tấm lòng “trung quân ái quốc” hết lòng vì dân vì nước và bản lĩnh khẳng khái, cương trực, dám nghĩ dám làm của Tả tướng quân Lê Văn Duyệt, người có công trong việc mở mang bờ cõi phương Nam và xây dựng Sài Gòn – Gia Định khi xưa và TP.HCM ngày nay. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, khi đưa kịch mục vào kế hoạch của Bộ, Nhà hát đã chú trọng giới thiệu với khán giả những tác phẩm về đề tài lịch sử, ca ngợi các nhân vật chính nghĩa, anh hùng dân tộc. Những tác phẩm này sẽ có giá trị hơn khi được diễn vào đúng thời điểm cả nước đang đồng lòng chống đại dịch Covid-19. Chọn Trung thần biểu diễn đầu tiên là vì các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam đều mong muốn mang tới món ăn tinh thần ý nghĩa để phục vụ khán giả nhất là người dân TP.HCM nhằm đề cao tinh thần đoàn kết “chống dịch như chống giặc”.
Rất nhiều đồng nghiệp và người xem đã viết bài trên mạng xã hội chia sẻ cảm xúc sau khi xem vở diễn. Khán giả Triệu Vũ Đình viết: “Trung thần là một vở tuồng lịch sử mang nhiều ý nghĩa và bài học cho hậu thế về trị quốc an dân, về cách dùng người và trọng dụng nhân tài. Giữa những ngày khó khăn này, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã không quản ngày đêm dàn dựng luyện tập để cống hiến cho khán giả một tác phẩm sân khấu thật nhiều ý nghĩa, có giá trị sâu sắc. Dùng chính nghệ thuật Tuồng, một “đặc sản” văn hoá dân tộc phục vụ khán giả, góp phần động viên tinh thần cả nước tham gia chống dịch, thật đáng trân trọng!”.
Cảnh trong vở Võ Tam Tư trảm Cáo
Cơ hội xem Tuồng cổ “xịn”
Bên cạnh việc “đưa lên tivi” vở mới được dàn dựng với nhiều thử nghiệm của nữ đạo diễn tài năng ở Trung thần, Nhà hát Tuồng Việt Nam còn lựa chọn giới thiệu tiếp hai vở Tuồng cổ mẫu mực là Võ Tam Tư trảm cáo và Triệu Đình Long cứu chúa. Võ Tam Tư trảm cáo được phục dựng từ tích Tuồng cổ Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô, kể về một con cáo sau ngàn năm tu luyện đã trở thành người, xuống trần gian kết duyên cùng Võ Tam Tư, rồi quên mất lời dạy của Sư mẫu nên phải trở lại kiếp cáo. Những khán giả yêu nghệ thuật Tuồng cổ đều ít nhất đã một lần được xem trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hoá cáo thì nay sẽ có cơ hội để được thưởng thức vở diễn đầy đủ. Ba nhân vật chính do các nghệ sĩ tài năng thể hiện: Xuân Tùng (Võ Tam Tư), NSƯT Lệ Quyên (Hồ Nguyệt Cô), NSƯT Trần Long (Tiết Giao). Đặc biệt, vở Triệu Đình Long cứu chúa sẽ do lực lượng diễn viên trẻ của Nhà hát trình diễn. Dẫu còn rất trẻ nhưng họ đã thể hiện một cách chuẩn chỉ những vai diễn trong Tuồng cổ và cũng thể hiện được khả năng gánh vác kế tiếp các thế hệ nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
“Tiếp cận với Nhà hát Truyền hình và làm nghệ thuật online là những hình thức rất mới đối với chúng tôi. Nhưng rõ ràng ở thời điểm này, khi khán giả chưa sẵn sàng tới rạp hát để xem trực tiếp, cùng với đó là để đáp ứng nhu cầu của nhiều khán giả yêu thích nghệ thuật truyền thống, thì đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để kéo họ đến với Tuồng”, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.
TTXVN- Chỉ tính riêng tại khu vực Bắc Mỹ, “bom tấn” “Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings” kể về siêu anh hùng hàng đầu châu Á đã thu về tổng cộng 196,5 triệu USD kể từ khi ra rạp.
Exhibitor Relations – công ty chuyên nghiên cứu và thu thập dữ liệu trong ngành giải trí, cho biết “bom tấn” “Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings” (tạm dịch là “Thượng Khí và Huyền thoại thập nhẫn”) của nhà sản xuất Marvel tiếp tục thống trị các phòng vé khu vực Bắc Mỹ trong tuần thứ tư liên tiếp, khi thu về 13,2 triệu USD.
Chỉ trong 3 ngày cuối tuần qua, doanh thu từ các phòng vé đã giúp bộ phim của đạo diễn Dustin Daniel Cretton bỏ xa đối thủ xếp gần nhất là “tân binh” “Dear Evan Hansen.”
Chỉ tính riêng tại khu vực Bắc Mỹ, “bom tấn” kể về siêu anh hùng hàng đầu châu Á đã thu về tổng cộng 196,5 triệu USD kể từ khi ra rạp cho đến nay.
Phần phim thứ 25, thuộc kỷ nguyên thứ 4 trong Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), hiện là phim có doanh thu cao nhất Bắc Mỹ trong giai đoạn đại dịch Covid-19, vượt qua cả doanh thu 183,3 triệu USD của phần phim “Black Widow” (Góa phụ Đen) cũng do Marvel phát hành.
Tại 44 thị trường nước ngoài cuối tuần qua, bộ phim ăn khách này đã thu về 14 triệu USD, nâng tổng doanh thu quốc tế lên 166,9 triệu USD và tổng doanh thu toàn cầu lên 363,4 triệu USD.
Phim có sự góp mặt của nam diễn viên Canada gốc Hoa Lưu Tư Mộ (Simu Liu) trong vai Shang-Chi, người phải đối mặt với quá khứ ngỡ đã quên khi bị lôi kéo vào mạng lưới của tổ chức bí ẩn Ten Rings (Hội Thập nhẫn).
Shang-Chi là bậc thầy Kung Fu, tinh thông võ thuật. Sức mạnh của Shang-Chi có được từ hàng nghìn giờ khổ luyện thuở nhỏ để trở thành sát thủ, kế thừa di sản của cha (do tài tử Lương Triều Vỹ thủ vai) trong Ten Rings.
Tuy nhiên, Shang-Chi không muốn thực hiện sứ mệnh này, nên tìm cách thoát ra khỏi tổ chức để có thể sống một cuộc sống bình thường ở San Francisco cùng bạn bè.
Dẫu vậy, siêu anh hùng võ thuật lại bị chính tổ chức này cùng những kẻ thù bí hiểm truy đuổi. Từ đó, nhiều sự kiện bất ngờ đã xảy đến với nhân vật này.
Đứng ở vị trí thứ hai trong các phim ăn khách nhất Bắc Mỹ là “Dear Evan Hansen” (Evan Hansen và bức thư tuyệt mệnh dối trá) của đạo diễn Stephen Chbosky. Bộ phim ca nhạc tuổi teen được chuyển thể từ vở nhạc kịch Broadway ăn khách cùng tên đã thu về 7,5 triệu USD.
Nội dung phim xoay quanh Evan Hansen (do Ben Platt thủ vai), một học sinh cuối cấp 3, nhút nhát, luôn chật vật trong giao tiếp với mọi người.
Theo chỉ dẫn của bác sỹ tâm lý, Evan phải tự viết thư cho chính mình mỗi ngày như một cách để trị liệu chứng rối loạn lo âu. Bất ngờ, một trong những lá thư tuyệt vọng nhất của Evan đã rơi vào tay nam sinh ngỗ ngược và nghiện ngập Connor Murphy (do Colton Ryan thủ vai).
Theo sau đó là cái chết gây sốc toàn trường của Connor. Những hiểu lầm về lá thư đã khiến mọi người lầm tưởng cả hai là bạn thân còn Evan chìm dần vào những lời nói dối, mở ra một câu chuyện vừa đáng giận lại vừa đáng thương.
Trong phim còn có sự góp mặt của dàn diễn viên gạo cội Hollywood như Amy Adams, Julianne Moore, Danny Pino…
Bộ phim hài khoa học viễn tưởng “Free Guy” “(Giải cứu “guy”) của Disney và 20th Century Studios đứng ở vị trí thứ 3 với doanh thu phòng vé Bắc Mỹ đạt 4,1 triệu USD. Phim do tài tử điện ảnh Ryan Reynolds thủ vai nhân viên giao dịch ngân hàng.
Một ngày anh nhận ra mình cũng là nhân vật trong một trò chơi điện tử và tìm cách để kiểm soát số phận cũng như giải cứu thế giới xen lẫn giữa ảo và thực.
Trong khi đó, với doanh thu phòng vé 2,5 triệu USD trong 3 ngày cuối tuần qua, bộ phim kinh dị “Candyman” (Sát nhân trong gương) của đạo diễn Nia DaCosta tiếp tục đứng ở vị trí thứ 4.
“Candyman” là phần tiếp theo trong serie phim kinh điển cùng tên năm 1992 do Bernard Rose viết kịch bản và chuyển thể từ truyện ngắn “The Forbidden” của Clive Barker.
Kế đến là bộ phim phiêu lưu “Cry Macho” của đạo diễn Clint Eastwood với doanh thu 2,1 triệu USD. Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên ra mắt năm 1975 của tác giả N.Richard Nash.
“Cry Macho” xoay quanh câu chuyện của một tay nài ngựa hết thời, lên kế hoạch kiếm 50.000 USD bằng cách bắt cóc một cậu bé đang sống cùng mẹ ở Mexico, sau đó giao cậu cho cha cậu – chủ cũ của gã – ở Texas, Mỹ.
Dưới đây là các phim còn lại trong top 10 phim ăn khách tại Bắc Mỹ cuối tuần qua:
VHO- Nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động của toàn ngành và đề xuất giải pháp trong thời gian tới, sáng 22.9, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL đã tổ chức Diễn đàn Tác động của đại dịch Covid-19- Hành động quyết liệt của Ngành VHTTDL. Đồng chủ trì có các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương. Tại diễn đàn, các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ đã cùng trao đổi những kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình hiệu quả để vượt qua những thách thức do đại dịch.
Lựa chọn đúng, trúng những mô hình hiệu quả
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, nhìn lại 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, với quyết tâm hành động, khát vọng cống hiến, toàn ngành đã nỗ lực tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo để thích ứng với tác động của đại dịch.
“Tuy nhiên, so với yêu cầu thì còn nhiều công việc cần tính toán, sắp xếp và hệ thống, định lượng lại nhằm đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của năm 2021- năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, bên cạnh việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, trong năm 2021, toàn ngành tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách, khu trú lại các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành gắn với phát triển sự nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đã tăng cường hơn nữa công tác phối hợp các địa phương nhằm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ, chức năng quản lý Nhà nước. Với chủ đề Tác động của đại dịch Covid-19 và hành động của ngành VHTTDL, diễn đàn là nơi để những ý kiến, trao đổi thẳng thắn về những vấn đề đang tác động đến hoạt động của ngành được đặt ra, như một cách tiếp cận để xây dựng chính sách, tìm giải pháp để toàn ngành cùng nhau thích ứng, vượt qua đại dịch.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thông qua diễn đàn để khẳng định, bằng văn hóa, từ văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa Việt Nam, vượt qua và chiến thắng đại dịch Covid-19
“Một diễn đàn không tham vọng có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhưng qua đó để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đạt được; nghiên cứu và lựa chọn đúng, trúng các mô hình có tác dụng lan tỏa để nhân rộng. Qua những khó khăn trong đại dịch,chúng ta cũng thấy được những bài học kinh nghiệm để tháo gỡ khó khăn, với tinh thần quyết liệt nhất….”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Lãnh đạo Bộ cũng nhấn mạnh, thông qua diễn đàn, mục đích sâu xa và lớn hơn là khẳng định rằng, bằng văn hóa, từ văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa Việt Nam, vượt qua và chiến thắng đại dịch Covid-19. “Khi đại dịch tác động, khó khăn dồn dập nhất thì những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt lại phát huy cao độ nhất. Người làm văn hóa, thực hành văn hóa nghĩ gì về vấn đề này? Chúng ta từng nói rằng người làm văn hóa cần nhen lên ngọn lửa hồng để tiếp tục cống hiến. Thông điệp này toàn ngành mong muốn chuyển tải để tiếp tục cùng nhau đồng lòng, đồng sức vượt khó…”, Bộ trưởng phát biểu
Đối thoại, tìm giải pháp
Mở đầu diễn đàn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ những giải pháp về đổi mới các hình thức truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch phù hợp với tình hình dịch bệnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề, chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ những giải pháp vượt khó vì đại dịch
Ông Khánh cho biết, trong bối cảnh u tối của du lịch toàn cầu, trong gần 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn song hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì, chuyển sang hình thức trực tuyến: Các chiến dịch quảng bá thông qua trang web vietnam.travel và các trang mạng xã hội, với bộ sản phẩm “Stay at home with Viet Nam”, chuyên mục “Why not Vietnam”… nhằm kết nối và nhắc nhở Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn, làm nổi bật thương hiệu “Vietnam – Timeless Charm”. Một điểm sáng trong công tác xúc tiến, quảng bá trong bối cảnh tác động đại dịch là việc chuyển hướng thị trường nhanh chóng, kịp thời. Khi du lịch quốc tế bị đóng băng, chúng ta đã đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Nổi bật là 2 chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Kích cầu du lịch nội địa đã góp phần giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với toàn ngành, góp phần để du lịch Việt Nam sẽ có thể trụ vững trên đôi chân của mình.
Chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi trong bối cảnh mới, theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch là một điểm nhấn trọng tâm. Theo đó, cần chú trọng truyền thông, quảng bá du lịch trên mạng xã hội và một số nền tảng trực tuyến. Tổng cục Du lịch xây dựng hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch… Xây dựng Bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn, tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; Hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp du lịch quảng bá dịch vụ, kết nối và cập nhật thông tin phục vụ du khách.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Covid-19 đã tạo nên nhiều thách thức cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong hai năm qua
Đối thoại với lãnh đạo Bộ về vấn đề phát triển du lịch số trong thời gian tới, theo ông Khánh, đây là nội dung cấp bách, thiết yếu trong phát triển du lịch, nhằm xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh. Tuy nhiên, để triển khai nội dung này, cần một nguồn lực lớn về cơ sở vật chất, con người, nền tảng công nghệ…. Thông qua ứng dụng số nhằm tạo cơ sở dữ liệu của ngành, tạo nền tảng để các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, khách du lịch… tương tác, xúc tiến quảng bá, bán các sản phẩm du lịch. Hiện ngành Du lịch đang tích cực thúc đẩy hướng phát triển này, với Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 21021-2025 đang được khẩn trương hoàn thiện.
Trực tiếp mang đến những liều “vắc xin tinh thần” cho người dân, các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã chuyển đổi mạnh mẽ trong thời gian ngắn vừa qua. Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ, Covid-19 đã tạo nên nhiều thách thức cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ không thể ra mắt những tác phẩm nghệ thuật theo cách thức truyền thống. Không chỉ là tình trạng đóng cửa, tạm dừng hoạt động của các nhà hát, rạp, Trung tâm Văn hóa – nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng…, đại dịch khiến các chương trình biểu diễn, liên hoan, sự kiện văn hóa – nghệ thuật… bị tạm dừng, hoặc hủy bỏ; một lực lượng lớn nghệ sĩ, diễn viên phải khó khăn để duy trì cuộc sống.
Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp tháo gỡ đã từng bước được triển khai, tháo gỡ các nút thắt trong chính sách, những vấn đề còn bất cập trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, công tác định hướng, phát triển sự nghiệp nghệ thuật. Chính sách đặc thù dành cho nghệ sĩ; gói hỗ trợ cho lực lượng đạo diễn, hoạ sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đang giữ ngạch viên chức hạng IV; tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nghệ sĩ, diễn viên tại các đơn vị nghệ thuật… là những chính sách mang tới nguồn động viên tinh thần to lớn cho lực lượng sáng tạo nghệ thuật. Nhiều chương trình nghệ thuật ý nghĩa vẫn ra mắt trong bối cảnh đại dịch như Những ngôi sao bất tử, Những mùa thu lịch sử, Giai điệu Việt…; chuỗi chương trình nghệ thuật online Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch thực hiện trên các kênh sóng truyền hình và nền tảng công nghệ số, mạng xã hội đã kịp thời truyền tải những thông điệp có ý nghĩa gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân cả nước.
Phó Cục trưởng Lê Minh Tuấn cho biết, thời gian tới, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ tăng cường định hướng đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong sáng tác, biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị nghệ thuật truyền thống để có thể sáng tác, dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu nhằm giới thiệu đến công chúng trên các nền tảng trực tuyến như youtube, mạng xã hội.
Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền chia sẻ những giải pháp trong lĩnh vực di sản văn hóa
Ở lĩnh vực di sản văn hóa, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền nêu, ảnh hưởng của dịch bệnh đã hạn chế sự tiếp cận của bảo tàng, di tích đối với khách tham quan trong gần 2 năm qua. Nhiều bảo tàng, di tích tự chủ không có nguồn thu. Một số bảo tàng được phép mở cửa gián đoạn, tuy nhiên số lượng khách giảm 85-90%. Khối bảo tàng ngoài công lập tại các tỉnh, thành phố phải thực hiện Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16/CT-TTg về cách ly xã hội đều phải đóng cửa không đón khách tham quan, đối với những bảo tàng ngoài công lập ở các tỉnh, thành phố không phải thực hiện giãn cách xã hội cũng cơ bản đóng cửa vì không có khách du lịch được phép vào địa phương.
Trong bối cảnh khó khăn này, ngành di sản văn hóa đã có những hành động ứng phó cụ thể, đáng chú ý là giải pháp ứng dụng công nghệ phát huy giá trị di sản được đồng loạt thực hiện tại các bảo tàng, di tích như Bảo tàng Hồ Chí Minh với các trưng bày Người đi tìm hình của nước, Những tấm gương bình dị mà cao quý; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với chương trình tham quan thực tế ảo 3D; Bảo tàng Lịch sử quốc gia với ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia…
Bà Lê Thị Thu Hiền cho biết, trong thời gian tới, các Bảo tàng, di tích tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa trên hình thức trực tuyến và hoạt động quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường hoạt động giáo dục trải nghiệm, miễn phí tham quan… Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác chuyển đổi số, số hóa thông tin tư liệu về hiện vật, nội dung trưng bày của bảo tàng, di tích làm cơ sở triển khai các hoạt động trưng bày, giới thiệu, giáo dục, truyền thông trên không gian số trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục TDTT
Lĩnh vực thể thao cũng đứng trước những thách thức nặng nề khi các hoạt động TDTT trong cả nước bị ngưng trệ, hàng loạt các sự kiện, giải đấu thể thao trong nước và quốc tế phải thay đổi kế hoạch, lùi thời gian tổ chức hoặc hủy hoàn toàn… Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục TDTT cho biết, Tổng cục TDTT đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch trong lĩnh vực TDTT. Vệc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đạt được nhiều kết quả tích cực. “Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu tập luyện TDTT của quần chúng nhân dân tăng nhanh; các mô hình, phương pháp tập luyện TDTT đa dạng, phong phú hơn; phương thức tổ chức các sự kiện thể thao thay đổi để phù hợp với tình hình dịch bệnh; các hội nghị, hội thảo quốc tế về lĩnh vực TDTT được tổ chức theo hình thực trực tuyến với quy mô và cấp độ khác nhau, cho thấy tiềm năng của hệ thống CNTT đang được khai thác triệt để. Tuy nhiên, đi liền với đó, thể chế cũng cần có sự thay đổi để đáp ứng trước quá trình chuyển đổi số cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19”, bà Yến phát biểu.
Sẽ vượt qua, dù Covid- 19 tác động nặng nề đến đâu
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong 9 tháng vừa qua, toàn ngành VHTTDL đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh khó khăn đan xen những thuận lợi. Trong thời gian tới, những khó khăn này sẽ vẫn chưa chấm dứt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo Bộ trưởng, năm 2021, tình hình dịch bệnh đã tác động sâu sắc, nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đời sống. Trong đó, ngành VHTTDL có nhiều lĩnh vực chịu “tổn thương” sâu sắc. Có thời điểm, toàn ngành phải đối mặt với “4 không”: Không tổ chức chương trình nghệ thuật; Không có các sự kiện thể thao lớn; Không có thị trường du lịch và du lịch quốc tế; Không có các hoạt động nghệ thuật tầm quy mô. Cơ sở vật chất để ngành chuyển hướng cũng chưa đồng bộ. Bộ trưởng chỉ rõ: “Chúng ta rất muốn chuyển đổi số nhưng còn khó khăn về con người, công nghệ, nguồn lực còn phân bổ rải rác, nhỏ lẻ”. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển hướng vẫn đang mang tính cũ, theo đợt, ở góc độ nào đó có dáng dấp của phong trào, trong khi ở góc độ quản lý nhà nước thì đòi hỏi tính chuyên sâu, chuyên nghiệp.
Bộ trưởng trăn trở, những tồn tại lâu năm của ngành cũng không thể ngày một, ngày hai có thể tháo gỡ. Giữa mong muốn, kỳ vọng và sự đáp ứng thực tế còn có nhiều khoảng cách. Bên cạnh những địa phương, Cục, Vụ làm tốt thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa quyết tâm, chưa quyết liệt, còn tình trạng thụ động, vì vậy không tạo ra động lực của sự phát triển.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, giữa những khó khăn, toàn ngành cùng nhau nhìn lại, tiếp cận theo hướng tích cực, quyết liệt hơn để tháo gỡ trong thời gian tới. Theo đó, với quyết tâm cao độ, toàn ngành đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cho năm 2021 và 5 năm tới với chất lượng, tính khả thi cao. “Khi dịch bệnh bùng phát, ngành Văn hóa đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền phát huy, đẩy mạnh giá trị văn hóa tốt đẹp con người Việt Nam. Nhìn lại những giai đoạn khó khăn vừa qua, tinh thần lá lành đùm lá rách, đạo lý uống nước nhớ nguồn, cả cộng đồng kết thành sức mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được lan tỏa mạnh mẽ. Cùng với đó, chuyển hướng trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao cũng góp phần cùng Đảng, Nhà nước trong phòng chống dịch bệnh. Các chương trình nghệ thuật online, nhà hát truyền hình không chỉ giúp thỏa mãn đam mê của các nghệ sĩ mà còn như một liều “vắc xin tinh thần”, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân vượt qua đại dịch”, Bộ trưởng khẳng định. Bằng những việc làm cụ thể, Bộ VHTTDL đã thể hiện sự đồng hành, gắn kết với thực tiễn bằng những chính sách sát thực, không xa rời. Bộ trưởng yêu cầu, hãy tiếp tục nhân lên những liều “vắc xin tinh thần” để tạo động lực vượt qua nhiều thử thách.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương chia sẻ về những giải pháp tổ chức hoạt động văn hóa cơ sở trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, các hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành vẫn chưa thể trở lại hoạt động bình thường như trước kia. Chính vì vậy, toàn ngành tập cần xác định chuyển hướng, tập trung vào một số vấn đề như: tham mưu xây dựng thể chế, trong đó phải chủ động rà soát các Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến lĩnh vực của Bộ, ngành…để đề xuất, báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Nhấn mạnh đây là khâu quan trọng, đột phá của ngành, Bộ trưởng cho biết, trong năm tới, ngành sẽ tập trung trình Quốc hội dự án Luật điện ảnh (sửa đổi), báo cáo cấp có thẩm quyền Luật về Phòng chống bạo lực gia đình. Tiếp đến là Luật về Di sản, Quảng cáo…
Bộ trưởng cũng cho biết, Ban Bí thư đã đồng ý chủ trương, giao Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ để tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đây là cơ hội mở ra cho ngành một lợi thế mới, đáp ứng được nguyên vọng của giới văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, thực hành văn hóa. Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành phải tích cực chuẩn bị để Hội nghị được diễn ra đúng kế hoạch, đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu cần sớm trình Chính phủ ban hành chương trình Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới, Chiến lược thể thao Việt Nam trong 10 năm tới, Chiến lược Phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030… “Đây là những nhiệm vụ không đơn giản, phải có chiều sâu và nhận thức điểm mới, quan trọng” , Bộ trưởng lưu ý.
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của Hà Nội về phương án tổ chức các hoạt động văn hóa trong điều kiện bình thường mới
Trong lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng yêu cầu cần bám sát chức năng nhiệm vụ để sớm phục hồi ngành trước tác động của dịch bệnh. Trước mắt, Tổng cục du lịch phải sớm trình các cấp thẩm quyền thông qua Quy hoạch Du lịch Việt Nam. Cùng với đó là rà soát, thẩm định nâng cấp làm mới các sản phẩm du lịch với chỉ tiêu một tỉnh có một sản phẩm du lịch độc đáo. Đồng thời, vận hành trang web về ngành để khi các địa phương số hóa điểm đến đưa lên không gian mạng, Tổng cục làm nhiệm vụ điều hành hệ thống.
Về lĩnh vực Văn hóa, Bộ trưởng cho rằng cần phải chọn việc, chọn điểm dựa trên tinh thần của Nghị quyết XIII của Đảng về Văn hóa. Trong đó, chú trọng việc duy trì, cải tiến và thích ứng nhanh với chuyển đổi số của bảo tàng, cùng với du lịch xây dựng tour, tuyến đến các bảo tàng để phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa lịch sử của đất nước. Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn tiếp tục xây dựng các chương trình đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân, phát huy giá trị của các loại hình độc đáo của Việt Nam, chú trọng xây dựng hiệu quả các chương trình, mô hình trực tuyến.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phối hợp với các đoàn thể chính trị, người dân trong xây dựng và phát huy nhân tố văn hóa gia đình, làng, xã… Về định hướng phát triển văn hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, đây là hướng đi cần tập trung trong thời gian tới.
Nhấn mạnh toàn ngành cần nhìn nhận thẳng thắn, suy ngẫm nhiều hơn, cảm nhận được sự hi sinh của lực lượng tuyến đầu trong suốt thời gian qua để tự soi mình, cống hiến nhiều hơn nữa, Bộ trưởng kỳ vọng: “Lực lượng đông đảo người làm trong lĩnh vực VHTTDL sẽ cùng chuyển hóa được những mong muốn, ý chí, nguyện vọng, yêu cầu của Đảng, Nhà nước đối với ngành để có tư duy, cách tiếp cận mới, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tin tưởng rằng, dù Covid- 19 có tác động nặng nề đến đâu, chúng ta vẫn sẽ vượt qua. Đó cũng là thông điệp mà diễn đàn mong muốn lan tỏa ra toàn xã hội”.
Nguồn: PHƯƠNG ANH, ảnh: TRẦN HUẤN (Báo Điện tử Văn hóa)
VHO-Ngày 21.9, Công ty TNI King Coffee cho biết, Bộ VHTTDL đã chọn đơn vị này đại diện cho ngành cà phê Việt Nam trình diễn văn hóa cà phê robusta Việt Nam tại Triển lãm Thế giới – World Expo 2020 Dubai.
Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) cũng ủy quyền cho TNI King Coffee kết nối, tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham dự World Expo 2020 Dubai để tìm cơ hội hợp tác kinh doanh, giao lưu văn hóa, mở rộng thị trường với các bạn hàng quốc tế và khu vực Trung Đông trong khuôn khổ của các sự kiện của triển lãm văn hoá du lịch lần này tại Dubai.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA) được chọn đăng cai World Expo lần thứ 54 tại Dubai. Sau khi bị trì hoãn một năm do đại dịch Covid-19, UEA quyết tâm tổ chức World Expo 2020 Dubai vào tháng 10 tới đây và kéo dài đến tháng 3.2022, với sự tham gia của khoảng 200 quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Là thương hiệu cà phê Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia trên thế giới, TNI King Coffee sẽ giới thiệu đến bạn bè thế giới những câu chuyện ấn tượng về dòng chảy lịch sử cà phê như: Ba làn sóng cà phê Việt Nam; văn hóa cà phê Việt Nam trong văn hóa linh thiêng của Tây Nguyên; khẳng định cà phê là báu vật với những dấu ấn tích cực trong sự phát triển của nhân loại. Thông qua đó, thế giới sẽ hiểu hơn về giá trị hạt cà phê robusta của Việt Nam, quốc gia số một thế giới về sản lượng và chất lượng cà phê robusta.
Bà Diệp Thảo, CEO của TNI King Coffee chia sẻ, TNI King Coffee sẽ nỗ lực quảng bá đến thế giới những giá trị đặc sắc nhất của cà phê Việt Nam. Khu vực triển lãm cà phê của TNI King Coffee sẽ tái hiện lịch sử thăng trầm và sống động của cà phê Việt Nam, văn hóa thết đãi cà phê của người Ê đê, cà phê phin và những sản phẩm tinh túy của TNI King Coffee, câu chuyện tái khởi nghiệp và mang thương hiệu Việt chinh phục thế giới. Bà Thảo nhấn mạnh, World Expo 2020 Dubai là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong tất cả các ngành học hỏi và vươn mình lớn mạnh, tiếp cận cùng lúc với khoảng 200 quốc gia tại một địa điểm, với nhiều cơ hội mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư…
Quảng bá văn hóa cà phê robusta Việt Nam đến khoảng 25 triệu lượt khách tham quan tại World Expo 2020 Dubai
Expo 2020 Dubai đặt mục tiêu sẽ đón 25 triệu lượt khách tham quan, trong đó 70% lượng khách quốc tế – kỷ lục cao nhất trong các kỳ World Expo. Chính phủ UAE cũng cam kết sẽ tạo nên một kỳ World Expo lớn nhất trong lịch sử World Expo cả về quy mô và sức ảnh hưởng, với chủ đề “Kết nối trí tuệ, kiến tạo tương lai” hướng đến các giải pháp bền vững cho vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác giữa các nền văn hóa, các quốc gia và khu vực.
Nhà Triển lãm Việt Nam tại World Expo 2020 Dubai có chủ đề “Việt Nam – Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai” hướng đến các mục tiêu thu hút khoảng 2-3 triệu lượt khách tham quan; buảng bá về một đất nước có nền chính trị ổn định, quốc gia năng động trong phát triển kinh tế, giàu tiềm năng hợp tác trong tương lai, thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế… Quảng bá thương hiệu quốc gia với giá trị văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, ẩm thực hấp dẫn, các sản phẩm văn hoá, thương mại, nông nghiệp đa dạng… đang mở cửa thu hút nhà đầu tư.
TTXVN- Bức tranh kích thước 50x30cm mang tên Study for ‘Worn Out’ là tác phẩm đầu tay của Van Gogh, khi ông bắt đầu sự nghiệp hội họa vào năm 1882.
Bảo tàng Van Gogh ở thành phố Amsterdam (Hà Lan) ngày 16.9 đã giới thiệu một tác phẩm đặc biệt của họa sỹ thiên tài Vincent Van Gogh.
Bức tranh kích thước 50x30cm mang tên Study for ‘Worn Out’ là tác phẩm đầu tay của Van Gogh, khi ông bắt đầu sự nghiệp hội họa vào năm 1882.
Tác phẩm vẽ hình ảnh một ông lão trong dáng vẻ một người lao động lớn tuổi bị kiệt sức, mặc áo gilê, quần tây và đi ủng, ngồi trên chiếc ghế gỗ với hai tay ôm đầu đầy mệt mỏi.
Van Gogh vẽ bức tranh này bằng bút chì trên nền giấy, ký tên “Vincent”. Đây là một hiện vật quý, được lưu giữ trong bộ sưu tập nghệ thuật đã tồn tại từ hơn 100 năm của một gia tộc Hà Lan. Bức tranh này chưa từng được trưng bày công khai trước công chúng.
Ông Teio Meedendorp, nhà nghiên cứu nghệ thuật cấp cao tại Bảo tàng Van Gogh cho biết: “Bức tranh nằm trong một bộ sưu tập tư nhân của một gia tộc người Hà Lan và đã được lưu giữ tại đây rất lâu. Đây là lần đầu tiên công chúng thế giới có thể nhìn thấy tác phẩm này.”
Không lâu sau khi bức tranh Study for ‘Worn Out’ ra đời, Van Gogh cũng đã sáng tác một tác phẩm tương tự với tiêu đề “Worn Out.”
Bức tranh này hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Van Gogh. Ngoài ra, tại Bảo tàng Van Gogh còn có một tấm thạch bản với chủ đề tương tự có tên là “At Eternity’s Gate.”
Theo kế hoạch, bức Study for ‘Worn Out’ sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Van Gogh cho đến ngày 2.1.2022, trước khi trả lại chủ sở hữu.
VHO- Ngày 7.9 vừa qua, kiệt tác mới của Sun Group tại thủ đô – Capella Hanoi vinh dự được The Luxe List 2021 của tạp chí du lịch danh tiếng DestinAsian xướng danh là một trong những “Khách sạn mới tốt nhất châu Á – Thái Bình Dương”.
Ra mắt tháng 4.2021, khi ngành du lịch đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, chỉ sau ba tháng đi vào vận hành, khách sạn Capella Hanoi đã lập tức khẳng định được đẳng cấp của mình, khi trở thành “Khách sạn mới tốt nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương” trong danh sách The Luxe List- bảng xếp hạng thường niên đầy danh giá của tạp chí DestinAsian.
The Luxe List ra đời năm 2004, là danh sách được tuyển chọn bởi các phóng viên, biên tập viên lưu động của tạp chí du lịch nổi tiếng khắp châu Á DestinAsian. Họ bí mật ghé thăm từng khách sạn để đánh giá dựa trên các tiêu chí về thiết kế, dịch vụ, vị trí… để đưa ra những nhận định khách quan và sát sao nhất. Đó chính là lý do The Luxe List được xem như một kênh thông tin cực kỳ uy tín dành cho các tín đồ du lịch trên toàn thế giới.
Việc Capella Hanoi được vinh dự có mặt trong danh sách này là một điều bất ngờ hết sức thú vị cho kiệt tác tiếp theo do ông hoàng resort Bill Bensley thiết kế và cũng là công trình khách sạn sang trọng, đẳng cấp bậc nhất trong bộ sưu tập hotel, resort của chủ đầu tư Sun Group. Đây cũng là khách sạn đầu tiên do thương hiệu khách sạn danh tiếng toàn cầu của Singapore – Capella Hotels & Resorts vận hành tại Việt Nam.
Tọa lạc tại số 11 Lê Phụng Hiểu, trên cung đường đẹp bậc nhất của thủ đô Hà Nội, khách sạn boutique đầu tiên của Sun Group mang trong mình kiến trúc độc đáo Art Nouveau và Art Deco, tái hiện lại một lữ quán xa hoa dành cho những nghệ sĩ, nhà soạn nhạc nổi tiếng trong thời kỳ hoàng kim của nhạc Opera những năm 1920.
Bước chân vào sảnh thang máy khách sạn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 4 bức tượng lớn được Bill Bensley đặt tên là Carotids. Đây được xem là một trong những nét kiến trúc không thể thiếu của thiết kế nhà hát vào thời kỳ hoàng kim.
Tại Diva’s Lounge, nơi du khách đắm mình trong những ly cocktail được pha chế tinh xảo, câu chuyện về những nữ diva Opera vang danh thế giới trong thập niên 20 sẽ được kể một cách đầy tinh tế, qua từng chi tiết thiết kế, qua những bản nhạc kinh điển và cả hương vị của những món ăn nhẹ đặc trưng.
Còn khi đi dọc hành lang đến nhà hàng trứ danh Backstage, du khách sẽ được hóa thân vào đời sống của giới nghệ sĩ, khi được chào đón bởi ánh đèn flash nháy sáng liên tục từ bức tranh mô phỏng các tay săn ảnh đang săn lùng những nhân vật nổi tiếng.
Nhà hàng Backstage được xem là niềm tự hào của Capella Hanoi bởi kiến trúc ấn tượng như đưa thực khách quay ngược thời gian, trải nghiệm không gian nghệ thuật những ngày xa xưa ở sau cánh gà sân khấu với những bộ đạo cụ, phục trang biểu diễn sặc sỡ cùng gam màu nhung đỏ ấn tượng.
Tại đây, dưới bàn tay tài hoa của các đầu bếp nổi tiếng, thực đơn độc đáo bao gồm các món ăn đặc sản miền Bắc, các món thuần chay được chế biến tinh tế, cầu kỳ từ nguyên liệu địa phương tươi ngon sẽ mang đến cho thực khách những cảm nhận trọn vẹn về nền ẩm thực tinh tế, giàu bản sắc của đất Tràng An.
Mang vẻ đẹp của phong cách trang trí hoàng gia Việt Nam, Auriga Spa kết hợp hoàn hảo giữa những hoa văn tự nhiên vùng nhiệt đới và các gam màu lộng lẫy, đậm chất vương giả. Auriga Spa cũng vừa lọt vào danh sách đề cử của giải thưởng AHEAD Awards 2021 cho Spa có thiết kế đẹp nhất châu Á.
Capella Hanoi chỉ sở hữu 47 phòng nghỉ và phòng suite. Nhưng mỗi căn phòng là một kiệt tác riêng có gắn với tên tuổi một nghệ sĩ lừng danh hay một huyền thoại trong quá khứ. Không có sự lặp lại giữa bất kỳ phòng nghỉ nào ở đây, bởi thế nên, từ các món đồ nội thất được tạo tác riêng, những bức chân dung nghệ sĩ được vẽ bởi danh họa Kate Spencer, cho đến không gian thiết kế đều thể hiện rõ cá tính, đam mê và cả những câu chuyện đời có đủ buồn vui, hài hước lẫn bi kịch của các nghệ sỹ.
Thiết kế đầy ấn tượng của Capella Hanoi đã kịp khiến giới truyền thông thế giới ấn tượng và không khỏi ngưỡng mộ. Gần đây nhất, tạp chí TIME (Mỹ) đã nhắc đến Capella Hanoi như một trong những điểm đến tuyệt vời nhất trên thế giới năm 2021.
Một vinh dự lớn nữa của Capella Hanoi là thương hiệu quản lý Capella Hotels and Resorts cũng vừa được bình chọn là “Thương hiệu khách sạn tốt thứ 2 trên thế giới” hai năm liên tiếp bởi Giải thưởng Travel + Leisure 2021 – World’s Best Awards. Được biết, 4 năm tới, thương hiệu khách sạn siêu sang của Singapore cũng đang trên đà mở rộng nhanh chóng với các dự án đã được lên kế hoạch tại Sydney, Maldives, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Trung Đông.
Với tiện nghi hiện đại cùng dịch vụ cá nhân hóa tận tâm từ Capella Hotels & Resorts, Capella Hanoi là cái tên đảm bảo cho những trải nghiệm đẳng cấp, tinh tế bậc nhất. “Khách sạn mới tốt nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương” xứng đáng là điểm nhấn nghệ thuật đầy thanh lịch giữa lòng thủ đô sôi động, là điểm hẹn xa xỉ cho lữ khách trên hành trình khám phá thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
TTXVN – Để đến với sân khấu Broadway, toàn bộ diễn viên, nhạc công, nhân viên hậu trường và khán giả đều phải là những người đã được tiêm đủ liều vaccine Covid-19 và khán giả buộc phải đeo khẩu trang.
Sau 18 tháng buộc phải đóng cửa do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sân khấu nhạc kịch Broadway danh tiếng ở thành phố New York (Mỹ) đã sáng đèn trở lại trong ngày 14.9.
Trong đêm mở màn, khán giả có thể lựa chọn để đến với thế giới của 3 vở nhạc kịch kinh điển “Hamilton,” “The Lion King” và “Wicked.” Đây vốn là những tác phẩm đình đám nhất của Broadway.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mỗi vở nhạc kịch này thu về hơn 1 triệu USD/tuần từ việc bán vé.
Broadway là một trong những địa điểm biểu diễn đầu tiên quyết định đóng cửa sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ vào giữa tháng 3.2020, song là địa điểm biểu diễn cuối cùng được mở lại tại Mỹ trong “trạng thái bình thường mới.”
Ban quản lý Broadway đã mất nhiều tháng để nâng cấp hệ thống lọc không khí và tìm ra biện pháp để đảm bảo giãn cách xã hội tại sân khấu nhạc kịch vốn nổi tiếng là lấy đi nhiều mồ hôi và nước mắt của những người từng đến nơi này.
Nhằm tuân thủ biện pháp đề phòng dịch bệnh, toàn bộ diễn viên, nhạc công, nhân viên hậu trường và khán giả đều phải là những người đã được tiêm đủ liều vaccine Covid-19. Các buổi diễn đều không giới hạn số lượng khán giả nhưng khán giả bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Chỉ riêng trong tháng Chín này, sân khấu Broadway sẽ có 16 show diễn, phần lớn trong số này là những vở nhạc kịch và kịch nói nổi tiếng. Để đánh dấu sự trở lại của sân khấu Broadway, nhiều hoạt động quảng bá đã được triển khai như chương trình bán vé giảm giá, một tập phát sóng đặc biệt trên truyền hình cũng như một tuần biểu diễn ngoài trời ở Quảng trường Thời đại tại New York để quảng bá cho 18 vở nhạc kịch và 5 vở kịch sẽ được biểu diễn trong những tuần tới.
Mặc dù vậy, sự trở lại của sân khấu Broadway được cho là sẽ vấp phải những khó khăn nhất định khi Mỹ vẫn đang hạn chế du khách nước ngoài nhập cảnh. Trong năm 2019, du khách quốc tế chiếm tới 1/5 tổng số vé bán ra của sân khấu Broadway.
VTV – Bộ phim mang tựa đề “Happening” (tiếng Pháp là “L’événement”) của nữ đạo diễn Audrey Diwan, với đề tài về nạn phá thai bất hợp pháp vào những năm 60 của thế kỷ trước, đã giành giải Sư tử Vàng tại LHP Venice 2021.
Bộ phim truyền hình về phá thai những năm 1960 của Audrey Diwan ”Happening” (L’Evenement) đã giành được giải thưởng cao nhất Sư tử vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 78, trong khi danh hiệu á quân thuộc về bộ phim bán tự truyện ”The Hand of God” của Paolo Sorrentino.
Bộ phim của Diwan kể về một sinh viên đại học người Pháp phát hiện mình có thai ngoài ý muốn. Bộ phim đã được lựa chọn, nhận sự nhất trí ca từ ban giám khảo uy tín bao gồm Bong Joon Ho và Chloe Zhao – cả hai đều từng đoạt giải Oscar.
LHP quốc tế Venice năm nay là sự tụ hội của rất nhiều phim có sức nặng, bao gồm các bộ phim như “The Power of the Dog” của Jane Campion, ”Parallel Mothers” của Pedro Almodovar, ”The Lost Daughter” của Maggie Gyllenhaal và ”The Hand of God”. 21 bộ phim cạnh tranh cho giải thưởng Sư tử vàng, điều này hứa hẹn về triển vọng cho mùa giải Oscar tới đây sẽ rất tưng bừng.
Chia sẻ khi giành giải Sư tử vàng Venice lần thứ 78, đạo diễn Audrey Diwan nói: “Tôi đã làm bộ phim này với sự tức giận. Tôi cũng đã làm bộ phim với sự mong muốn. Tôi đã làm điều đó bằng ruột gan, trái tim và khối óc của mình. Tôi muốn Happening trở thành một trải nghiệm”.
Diwan là người phụ nữ thứ 6 giành giải Sư tử vàng trong lịch sử của LHP Venice. Những người phụ nữ trước cô gồm Chloe Zhao (phim Nomadland), Margarethe Von Trotta (phim Marianne Juliane), Agnes Varda (phim Vagabond), Mira Nair (phim Monsoon Wedding) và Sofia Coppola (phim Somewhere).
VHO- Nhận định về những khuynh hướng đương đại trong du lịch và những xu hướng mới sau dịch Covid-19, nhiều chuyên gia du lịch, travel blogger và CEO du lịch cho rằng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch bền vững, du lịch một mình… sẽ lên ngôi.
Những loại hình du lịch này sẽ thu hút du khách vì luôn hướng đến sự bền vững trong tương lai, hoà mình với thiên nhiên, tạo ra sự gắn kết giữa người dân và du khách.
Du lịch một mình và giữ gìn bản sắc
Trưởng Bộ môn Quản trị Du lịch & Khách sạn, Đại học FPT TP.HCM Hồ Trung Chánh cho rằng khuynh hướng khách du lịch một mình sẽ vẫn phổ biến trên thế giới sau đại dịch. Xu hướng này thu hút những khách đi tự do 1 mình, đi tour ghép 1 mình…, thích khám phá, thích phiêu lưu, có đời sống nội tâm phong phú và thích sự trải nghiệm trong cô độc. Nếu đi du lịch cùng gia đình, bạn bè thì có thể đứng trên Vạn lý trường thành của Trung Quốc, dưới chân tháp Effel của Paris (Pháp), đứng bên cạnh Nữ hoàng tự do ở Mỹ hay một nơi vô cùng nổi tiếng nào đó, bạn vẫn nói về những chuyện con cái, gia đình… Còn người đi du lịch một mình, lại có nhiều thời gian để tiếp cận với bên ngoài, tìm kiếm tương tác xã hội, kinh nghiệm và bài học cho bản thân, kiểm soát việc sử dụng tiền bạc, thời gian và nhất là sự tự do, tính độc lập.
Travel blogger Nguyễn Thuỳ Trang, người đã bỏ ra 600 ngày đi vòng quanh Đông Nam Á cho biết các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch nông nghiệp, homestay… sẽ thu hút du khách trong thời gian tới vì luôn hướng đến sự bền vững trong tương lai, hoà mình với thiên nhiên, tạo ra sự gắn kết giữa người dân và du khách qua những trải nghiệm của khách tại các bản làng. Khách du lịch sẽ được ở cùng người dân bản địa, cùng tìm hiểu bản sắc văn hoá, xã hội của cộng đồng dân cư địa phương, trải nghiệm cuộc sống, lao động ở địa phương, quan tâm đến môi trường.… Không những thế, du lịch cộng đồng cũng sẽ giúp quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, blogger này cho rằng: “Vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy du lịch cộng đồng, mang lại nguồn thu cho người dân, cải thiện kinh tế địa phương, tạo mối quan hệ đặc biệt giữa địa phương và du khách, kéo khách quốc tế đến Việt Nam sau khi du lịch quốc tế được phép mở cửa trở lại”.
Thiên Nguyễn, một Travel blogger rất nổi tiếng trên Instagram, Blog, Tiktok… thì lại quan tâm đến phát triển du lịch bền vững và việc cân bằng giữa thiên nhiên và con người. Nhất là lúc này, khi thế giới đang vật lộn và con người đang vô cùng mong manh trước dịch bệnh, việc giữ gìn môi trường lại càng cần thiết. Thiên Nguyễn trăn trở về những phận người nhỏ bé ở Sa Pa (Lào Cai), về cảnh những em bé, những cụ già ngủ đêm trên đường phố chỉ để mong bán được hàng cho khách du lịch. Hoặc những thay đổi đến xót xa ở Sa Pa khi cảnh quan khác xa trước đây, lúc còn là thị trấn, Sa Pa đẹp mơ màng trong sương trắng. Blogger này cho rằng, những “lời khen” kiểu: “Có một châu Âu thu nhỏ giữa lòng Sa Pa” hay “Tiểu Paris giữa lòng Đà Lạt”… vô tình đã làm mất đi bản sắc văn hoá, nét đặc trưng của những vùng đất nổi tiếng của Việt Nam. Trong khi, rất nhiều người nghe câu: “Sa Pa- nơi gặp gỡ đất trời” hay “Đà Lạt- thành phố tình yêu” vẫn tràn đầy nhớ nhung và cảm xúc. “Một thời gian dài chúng ta quá chạy theo vấn đề kinh tế mà quên mất việc phải gìn giữ cảnh quan, bản sắc và nếu không ngay từ bây giờ, giữa khoảng lặng dịch bệnh này nhìn lại, kịp thời thay đổi thì có lẽ về lâu dài, nhiều nơi sẽ không còn trải nghiệm và khai thác du lịch được nữa”, Thiên Nguyễn nêu quan điểm.
Trở về với sự bình yên và tĩnh lặng
Nói về việc phát triển du lịch sinh thái như một xu hướng trong và sau đại dịch Covid-19, ông Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng, dù để lại những hậu quả vô cùng khủng khiếp trên toàn thế giới, nhưng dịch Covid-19 cũng cho chúng ta nhiều bài học. Với ngành Du lịch là tránh bị phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường khách nào vì người khổng lồ nào cũng bước đi bằng 2 chân; phải có quỹ dự phòng khủng hoảng; chủ động linh hoạt để thích ứng; biến khó khăn thành cơ hội; liên kết, hợp tác, phối hợp để phát triển, tập trung vào con người. Sự hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng để quản trị khủng hoảng và phục hồi nhưng doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng lòng tin với các bên liên quan.
Trong rất nhiều loại hình du lịch và nhiều thế mạnh của du lịch nước ta, du lịch sinh thái chắc chắn sẽ là một xu hướng trong và sau đại dịch được lựa chọn nhiều. Vì sao? Vì loại hình du lịch này ẩn chứa nhiều yếu tố độc và lạ; đáp ứng xu hướng nhỏ là đẹp, nhu cầu về sức khoẻ, khách trả nhiều tiền nhưng ít bận tâm; đáp ứng xu hướng phát triển từ nâu sang xanh; xu hướng dịch chuyển cũng thay đổi từ đông sang ít và biệt lập, từ nhanh sang chậm và xu hướng trải nghiệm từ nông sang sâu…
Việt Nam được xếp hạng là quốc gia giàu đa dạng sinh học thứ 16 trên thế giới, có hàng trăm khu vực đa dạng sinh học trọng điểm; có hệ sinh thái đa dạng sinh học quan trọng nhất thế giới cả về hệ sinh thái biển và trên cạn, đặc biệt là sinh thái rừng và rừng ngập mặn. Việt Nam còn là quốc gia giàu nhất về đa dạng sinh học nông nghiệp. Những sản phẩm du lịch sinh thái đang được các doanh nghiệp, địa phương khai thác nhiều nhất hiện nay là du lịch mạo hiểm, sức khoẻ, thiền, xe đạp, giáo dục trải nghiệm, tâm linh, chụp ảnh, cộng đồng, sinh thái nhân văn…
“Trong cuộc sống của người dân và trong hành trình du lịch của du khách luôn để lại dấu ấn văn hoá. Thực tế đã tạo môi trường mới, là sự trở về với những gì bình yên và tĩnh lặng nhất; hoà hợp với thiên nhiên và con người, cùng với nền văn hoá của họ. Đó chính là môi trường sinh thái văn hoá ở mỗi vùng miền khác nhau và cũng là sức hút đối với du khách sau đại dịch”, ông Phạm Hồng Long nói.
VTV – Với độ cao vượt qua cả những cánh rừng, “con đường đi bộ trên cây” dài nhất thế giới hứa hẹn sẽ tạo cho du khách những trải nghiệm khó quên.
(Ảnh: Travel + Leisure)
Ngày 11.7 vừa qua, một con đường mòn trên cao tại Thụy Sĩ với tên gọi Senda dil Dragun đã chính thức mở cửa đón chào du khách tới tham quan trải nghiệm. Với chiều dài lên tới 1,5km ở độ cao vượt qua các tán rừng, đây là con đường đặc biệt nối liền hai ngôi làng Laax Dorf và Laax Murschetg, được mệnh danh là đường đi bộ “trên cây” dài nhất thế giới.
(Ảnh: Travel + Leisure)
Từ khi mở cửa cho đến nay, Senda dil Dragun đã đón chào hơn 45.000 du khách tới tham quan và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như đi bộ xuyên rừng ở một độ cao ấn tượng, tìm hiểu về các loài sinh vật có mặt trong khu rừng dưới chân hay thả mình vào đường trượt xoắn ốc trong tòa tháp tại Murschetg.
(Ảnh: Travel + Leisure)
Từ ngày 11.10 năm nay, du khách tới đây còn được trải nghiệm thêm công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để tìm kiếm thông tin về đời sống động thực vật, địa chất và con người khu vực này ngay trong khi dạo bước trên Senda dil Dragun. Bên cạnh đó, một kế hoạch biến Senda dil Dragun thành nơi tổ chức các lễ hội, buổi trình diễn âm nhạc cũng đang được cân nhắc thực hiện.