Văn Nghệ Thị trường phim Việt: Yếu tố ngoại đem lại gì?

6332Mike-Tyson-với-tạo-hình-nông-dân-chính-hiệu,-đi-chợ-nổi-bán...-chôm-chôm-trong-Những-cô-gái-và-găng-tơ

VH- Thời gian gần đây, xu hướng mời diễn viên ngoại tham gia vào các phim chiếu rạp ở Việt Nam được nhiều nhà sản xuất và đạo diễn triển khai. Đây được ví như một nỗ lực nhằm gia tăng những yếu tố bất ngờ để “câu kéo” khán giả đến rạp. Bên cạnh đó, là xu hướng làm lại những bộ phim ăn khách của nước ngoài, mà điển hình là phim Hàn Quốc

Xu hướng

Bộ phim mới nhất của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (nghệ danh Dũng “khùng”) vừa ra rạp nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả. Chọn điểm rơi tránh mùa phim Tết, cũng tránh dịp 8.3, Tháng năm rực rỡ mang tới một câu chuyện trẻ trung, sinh động về một thời thanh xuân đáng nhớ. Phim còn làm say lòng khán giả bởi dàn diễn viên xinh đẹp như Thanh Hằng, Hồng Ánh, Khổng Tú Quỳnh, Mỹ Duyên, Jun Vũ…

Bộ phim được remake (làm lại) từ “Sunny” – tác phẩm gốc của điện ảnh Hàn Quốc, ra mắt năm 2011. Tuy nhiên, Dũng “khùng” đã Việt hóa nhiều, để người xem thấy có vẻ gần gũi.

Nguyễn Quang Dũng, sau hai bộ phim thất bại gần đây đã vượt lên chính mình, đồng thời ít nhiều lấy lại được phong độ trong Tháng năm rực rỡ. Việc đan xen giữa quá khứ và hiện tại chưa bao giờ là một câu đố dễ tìm lời giải cho các nhà làm phim, nhưng Tháng năm rực rỡ đã làm tốt khâu này.

Phim lấy bối cảnh Đà Lạt những năm 1970. Nguyễn Quang Dũng cho rằng, anh không chỉ có ý định tái hiện một Đà Lạt mộng mơ, mà còn vô cùng rực rỡ, với câu chuyện sôi động. Bên cạnh đó, phim cũng tái hiện lại đời sống của những ca khúc đình đám một thời như: Kim ơi (sáng tác: Y Vũ), Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên), Yêu (Văn Phụng), Tôi muốn (Lê Hựu Hà)… Trong phim, các ca khúc này đã được nhạc sĩ Đức Trí chọn lựa và phối lại hấp dẫn, để mỗi ca khúc sẽ có một câu chuyện riêng để dẫn dắt, để kể, chứ không làm nhiệm vụ “nhạc minh họa”.

Một bộ phim khác có yếu tố ngoại, ra rạp ngày 16.3, đó là Những cô gái và găng tơ với sự tham gia của võ sĩ quyền Anh Mike Tyson. Những hé lộ ban đầu từ êkip làm phim cho thấy Mike Tyson gây bất ngờ với tạo hình rặt chất Nam Bộ. Từ khi giải nghệ (2006) đến nay, ông hoàng một thời của làng boxing tham gia hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có điện ảnh. Việc nhà sản xuất Trần Bảo Sơn mời Mike Tyson đóng phim ở Việt Nam cho thấy những cố gắng để thu hút khán giả qua yếu tố “lạ”.

Theo tiết lộ của nhà sản xuất Trần Bảo Sơn, hình ảnh Mike Tyson đội nón lá, mặc áo bà ba và bán trái cây trên chợ nổi sẽ xuất hiện trong một phân đoạn kịch tính của Những cô gái và găng tơ. Ngoài rũ bỏ hình tượng võ sĩ quyền anh lầm lì để hóa thân thành nhân vật mang tính cách quyết liệt, nhưng có nhiều câu thoại dễ thương, Mike Tyson còn bày tỏ sự hào hứng khi lần hiếm hoi được khoác lên mình bộ trang phục bình dị, gần gũi với nhiều người dân Việt. Bên cạnh đó, bộ phim có sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao nổi tiếng châu Á như: Trương Quân Ninh, Trần Ý Hàm, Tiết Khải Kỳ, Vương Thủy Lâm…

Tất nhiên, Trần Bảo Sơn không phải là người đầu tiên “liên tài” để mời các diễn viên nước ngoài qua Việt Nam đóng phim. Trước đó, phim ảnh Việt cũng đã chứng kiến nhiều diễn viên ngoại góp mặt. Có lẽ mọi việc bắt nguồn từ trường hợp của Can Ðình Ðình trong Hà Nội – Hà Nội (2007). Tiếp đó là các diễn viên Cha Ye Ryeon, Hong So Hee trong Mười (2007)… “Đình đám” nhất phải kể đến Roger Yuan, đạo diễn hành động nổi tiếng Hollywood và là diễn viên của hàng loạt phim bom tấn như: Shanghai noon, Lethal Weapon 4, Batman Begins, Black Dynamite… Anh cũng đã trở thành đối thủ của Dustin Nguyễn trong Lửa Phật – bộ phim hành động giả tưởng đầu tiên của Việt Nam. Các phim Quyên, Truy sát, Tình xuyên biên giới cũng có sự tham gia diễn xuất của những diễn viên ngoại quốc.

Yếu tố ngoại đem lại gì?

Tìm kiếm yếu tố mới lạ cho điện ảnh Việt trong thời buổi thị trường phim chiếu rạp đang ăn khách hiện nay là việc làm cần thiết. Mời diễn viên ngoại tham gia, mời các đoàn phim đến Việt Nam quay phim, hay “remake” những bộ phim ăn khách trên thế giới là những xu hướng cần triển khai một cách sáng tạo.

Còn nhớ, cách đây ít lâu, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 (diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11-2017), BTC Liên hoan phim đã quyết định đưa phim “làm lại” vào hạng mục tranh giải chính thức đối với cá nhân (trừ giải kịch bản và phim). Trong khi điện ảnh Việt bấy lâu nay bị chê vì kịch bản vừa thiếu vừa yếu, lại ít sáng tạo thì việc mua bản quyền Việt hóa các bộ phim ăn khách (nhất là phim Hàn Quốc) không hẳn là một điểm trừ. Bởi lẽ, nếu cứ luẩn quẩn với những kịch bản trong nước, khán giả sẽ không mặn mà. Không hấp dẫn được khán giả trong nước, để khán giả mua vé xem các bom tấn nước ngoài, thì việc tìm kiếm yếu tố nước ngoài để hợp tác, là một hướng đi.

Sự hội nhập, đồng thời một số dự án điện ảnh lớn đến Việt Nam chọn bối cảnh như Kong: Đảo đầu lâu chẳng hạn, đã đưa “bản đồ điện ảnh Việt” lên một vị thế mới. Vì thế, các ngôi sao nước ngoài cũng cảm thấy thú vị khi được đến Việt Nam đóng phim. Nhìn sang lĩnh vực âm nhạc cũng thấy không ít các huyền thoại âm nhạc, hoặc những ban nhạc nổi tiếng có những show diễn tại Việt Nam.

Không phủ nhận những đóng góp của họ, trước hết về mặt xuất hiện để “có cớ” truyền thông rầm rộ, kéo khán giả quan tâm, chờ đón và kéo đến rạp. Với một số diễn viên, diễn xuất chuyên nghiệp, thể hiện xuất sắc của họ đương nhiên là “miễn bàn”. Điều này nhiều khi vô tình cũng gây nên sự so sánh với dàn diễn viên ở trong bộ phim đó. Ngược lại, không ít lần khán giả phải thất vọng vì sự lóng ngóng, chệch choạc của những người nổi tiếng nhưng chưa một lần diễn trước ống kính máy quay. Còn một trường hợp nữa, khác với những gì “đồn thổi” trong chương trình PR, sự xuất hiện của họ quá ít, hầu như không đóng góp gì cho nội dung của phim mà đúng chất “khách mời”, có cũng được mà không cũng xong.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, xu hướng mời diễn viên ngoại tham gia còn giúp các nhàsản xuất dễ tìm kiếm được cơ hội bán phim ra nước ngoài. Bởi, nếu phát hành phim được ở nước ngoài, không chỉ có thêm doanh thu mà danh tiếng đạo diễn, nhà sản xuất cũng được biết tới, cơ hội cho những dự án mới cũng được mở ra. Tuy vậy, “sử dụng yếu tố ngoại trong phim nội còn cần cả bản lĩnh và sự chắc tay, giỏi nghề. Nếu không thì chỉ làm cho người hâm mộ quay lưng và phim Việt càng mất thị phần mà thôi. 

(Nguồn: Minh Anh – Báo Điện tử Văn hóa)