VH- Một thời gian dài, cải lương được coi là thánh đường của nghệ sĩ, là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả từ thành thị đến nông thôn. Các nhà hát sáng đèn liên tục, đấy cũng là nơi tôn vinh nhiều tên tuổi thầy tuồng, các nghệ sĩ đờn, ca… Trải qua 100 năm hình thành và phát triển, sự chững lại và có nguy cơ bị “diệt vong” của sân khấu cải lương hôm nay khiến không ít người làm nghề chạnh lòng.

Ứng xử với tinh hoa cải lương…
Nhìn từ góc độ các vai diễn đề tài lịch sử, sân khấu cải lương có nhiều vở diễn đi vào lòng người: Tiếng trống Mê Linh; Thái hậu Dương Vân Nga; Trần Thủ Độ; Phật hoàng Trần Nhân Tông; Hai Bà Trưng; Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… Những vai diễn của nhiều nghệ sĩ đã được gắn liền với từng nhân vật được khán giả nhớ mặt, thuộc tên. Đó là những hào quang của quá khứ sân khấu cải lương thời hưng thịnh. Đó cũng như bộ giáo trình lịch sử sống động cho nhiều đối tượng. Ngày nay, sân khấu cải lương không đủ sức cạnh tranh với hàng loạt loại hình văn hóa phương Tây, giải trí đa dạng trên truyền hình. Những vai diễn, vở diễn mới ấn tượng với khán giả gần như thưa vắng và không có sức tồn tại.
Nhìn nhận từ thực tế, sân khấu cải lương hôm nay đang thiếu hẳn những vở diễn hay mới về đề tài lịch sử. Các tác giả trẻ ngày càng “lười” khai thác đề tài lịch sử trong kịch bản của mình. Trong khi đó, trên các chương trình gameshow truyền hình, các thí sinh trẻ dùng các trích đoạn kinh điển của sân khấu cải lương để thi thố. Nhưng không phải ai trong số họ cũng am hiểu nhân vật, tìm hiểu kĩ lịch sử của nhân vật. Diễn như một cái máy hoặc bắt chước các nghệ sĩ đi trước mà không có được thần thái và cái hồn của nhân vật…
Điều này những người làm trong nghề đều cảm nhận được. Thầy Lê Xuân Hiểu – nguyên Phó khoa Kịch hát dân tộc cho rằng: Người nghệ sĩ muốn ca hay thì phải “ca như nói, nói như ca”, không được sửa tiếng, giả thanh.
Bây giờ nghệ sĩ trẻ chủ yếu khoe giọng, sửa tiếng, dùng giả thanh, không chú ý nội dung lời ca.Việc rèn luyện vũ đạo cũng tốn nhiều công phu với nhiều kỹ thuật rất khó. Tiếc là đa phần nghệ sĩ trẻ ngày nay ít chịu rèn luyện công phu nên gặp khó khăn khi vào vai cổ. Một số em thì thiên về ngoại bộ, hình thức nên biến vũ đạo thành múa may lung tung, không đúng quy củ, không thể hiện tâm trạng nhân vật…
Với kinh nghiệm của một người làm nghề lâu năm, đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng: Bài học đầu tiên khi diễn tuồng lịch sử là phải học từ trang phục, cử chỉ nét mặt, bàn tay, đi đứng, chào hỏi. Người nghệ sĩ phải hiểu đúng phân đoạn, xử lý nhân vật đoan trang, hay lẳng lơ, không để phục trang vướng víu… Đặc biệt là người diễn phải hiểu được nguồn cội, nguồn cội của âm nhạc cải lương, không được lai căng, đặc biệt là hạn chế cao nhất ngoại hình và cung cách giống Tàu…
Nhìn vào sự thật, phải khẳng định rằng cải lương đang hấp hối. Cải lương không “chết” vì già mà do bệnh. Nguyên nhân cơ bản vẫn là cơn lốc văn hóa nghệ thuật thế giới ùa vào Việt Nam. Và từ vài chục năm nay, sân khấu cải lương đã không có cải cách. Trong cải cách là đổi mới nhưng đồng thời phải tận dụng phát huy giá trị cũ. Nguyện vọng của những người trẻ chúng tôi là cần một cuộc “đại cách mạng” với sự tham gia của tất cả các nghệ sĩ, người làm nghề với tinh hoa nghệ thuật cải lương, để cải lương được sống dậy và trường tồn…(Đạo diễn – NSƯT Triệu Trung Kiên) |
Thích ứng để phát triển
Khác với các loại hình sân khấu khác, cải lương là sự tiếp nhận cái mới, luôn luôn thay đổi. Ngoài những giá trị truyền thống tinh hoa. Cải lương phát triển nhờ vào sự biến đổi. Điều này NSƯT Trần Minh Ngọc nhấn mạnh: Cải lương dễ dung nạp cái mới. Nó là sân khấu không định hình, luôn thay đổi tiếp biến cái mới, làm phong phú cho cải lương. Cải lương hôm nay đang ở thời suy trào nhưng nó vẫn tiếp tục vận động.
Dưới con mắt của người trẻ đang làm nghề, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho rằng: Nhìn vào sự thật, phải khẳng định rằng cải lương đang hấp hối. Cải lương không “chết” vì già mà do bệnh. Nguyên nhân cơ bản vẫn là cơn lốc văn hóa nghệ thuật thế giới ùa vào Việt Nam. Và từ vài chục năm nay, sân khấu cải lương đã không có cải cách. Trong cải cách là đổi mới nhưng đồng thời phải tận dụng phát huy giá trị cũ. Nguyện vọng của những người trẻ chúng tôi là cần một cuộc “đại cách mạng” với sự tham gia của tất cả các nghệ sĩ, người làm nghề với tinh hoa nghệ thuật cải lương, để cải lương được sống dậy và trường tồn…
Với những vấn đề đặt ra của sân khấu cải lương hôm nay, Khoa kịch hát dân tộc, Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Những tinh hoa sân khấu cải lương thể hiện qua các vai diễn về đề tài lịch sử, cùng sự tham gia đông đảo các thầy, cô từng giảng dạy, các đạo diễn giỏi nghề… của sân khấu cải lương như: NGND Hà Quang Văn; NSND Lê Tiến Thọ; Đạo diễn-NSƯT Lê Chức; thầy Lê Xuân Hiểu, NSƯT Ca Lê Hồng, Hồng Dung, NSƯT Trần Minh Ngọc… |
Nêu lên một thực trạng đáng buồn ở ngay nơi cải lương từng được mến mộ nhất nhưng ông Minh Mẫn, Trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp thở dài: “Chúng tôi tự hào đã từng đem quân “chinh chiến” Bắc-Trung-Nam. Có những suất diễn cải lương cả 10.000 khán giả. Sau này cải lương suy chỉ còn bán được vài trăm vé. Nhưng từ 2010, chúng tôi không còn bán được vé nào ngay trên đất của cải lương. Đi lưu diễn theo kinh phí tài trợ. Thật sự đáng buồn, diễn đến đêm thứ 3,4 thì diễn viên nhiều hơn khán giả. Mỗi lần thấy khán giả bỏ về khi mới diễn được vài ba màn, tôi hỏi, tại sao lại về sớm. Họ hồn nhiên trả lời vở hay, diễn viên trẻ đẹp nhưng phải về coi tập tiếp theo của phim truyền hình… Diễn vở cải lương lịch sử xưa còn có người xem chứ tuồng xã hội khán giả không thích”…
MAI LINH