Xã hội hóa sân khấu Chèo – có nên chăng?
Những năm gần đây, “xã hội hoá” đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc trong nhiều lĩnh vực. Thoạt đầu là “xã hội hoá giáo dục”,“xã hội hoá y tế”, sau đó là “xã hội hoá thể thao”, rồi “xã hội hoá văn học nghệ thuật”. Không thể phủ nhận một thực tế là xu hướng xã hội hoá đang ngày càng phổ biến, nhất là khi Nhà nước có nhiều thay đổi trong cơ chế quản lý. Chủ trương xã hội hoá một số lĩnh vực đã và đang đem lại những chuyển biến tích cực, nhưng cũng bộc lộ không ít khía cạnh bất hợp lý. Có một số ngành nghề mà đặc thù của nó không thích hợp với mô hình xã hội hoá, hoặc chỉ thích hợp xã hội hoá từng phần. Trường hợp cụ thể mà chúng tôi đề cập ở đây là việc xã hội hoá các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong đó có nghệ thuật Chèo.
Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, “xã hội hóa” có nghĩa là huy động sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện của toàn xã hội đối với một lĩnh vực, ngành nghề nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít địa phương, ban ngành đã nhận thức và thực hiện xã hội hoá theo kiểu “đẩy đối tượng ra ngoài xã hội, phó mặc cho xã hội chăm lo”, nhằm tháo bớt gánh nặng của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó. Điều này có thể xuất phát từ hạn chế về nhận thức, nhưng cũng có thể xuất phát từ động cơ rũ bỏ trách nhiệm. Nói một cách nghiêm trọng thì đó chính là kiểu “đem con bỏ chợ”, “sống chết mặc bay”. Cứ theo cách nghĩ, cách làm ấy thì “xã hội hoá” chỉ đơn thuần là “tư nhân hoá, thị trường hoá”. Sai lầm này đã dẫn đến nhiều hậu quả tai hại.
Tuy nhiên, ngay cả khi hiểu đúng về xã hội hoá mà trong quá trình thực hiện không có sự cân nhắc thận trọng, không có kế hoạch triển khai từng bước phù hợp với tình hình thực tế, cũng sẽ đẩy đối tượng xã hội hoá đứng trước nhiều rủi ro. Riêng đối với sân khấu Chèo, nếu thực hiện xã hội hoá vào thời điểm này, bên cạnh một số lợi ích sẽ xuất hiện không ít những nguy cơ đe doạ sự tồn vong.
Nguy cơ thứ nhất là thiếu hụt nguồn đầu tư. Có thể dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp ngoài nhà nước kinh doanh trên lĩnh vực văn hoá lâu nay chỉ chú trọng đầu tư vào những hoạt động đem lại lợi ích kinh tế, với xu hướng ngả theo thị hiếu của công chúng, theo mốt thời thượng. Người ta có thể bỏ tiền ra sản xuất phim, băng đĩa nhạc, tổ chức biểu diễn ca nhạc nhẹ hoặc hài kịch…chứ có mấy ai rót vốn cho hoạt động biểu diễn Chèo, Tuồng…hiện đang bị giảm sút trầm trọng lượng khán giả hâm mộ, tức là giảm sút khả năng doanh thu. Cũng có một vài cá nhân, tổ chức đầu tư vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống nhưng chỉ bó hẹp trong mảng du lịch, chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Chỉ có một số rất ít những Mạnh Thường Quân đầu tư vào lĩnh vực này hoàn toàn xuất phát từ ý nguyện bảo tồn những giá trị truyền thống mà họ trân trọng, không đặt mục tiêu lợi nhuận. Như vậy, nếu bị đẩy ra môi trường kinh tế, không có nhiều hy vọng nghệ thuật Chèo sẽ thu hút được nguồn đầu tư tài chính, nhân lực và chất xám để có thể tồn tại và phát triển. Làm sao Chèo có thể cạnh tranh với các sân khấu ca nhạc, thời trang… được trang bị những phương tiện hiện đại, có mặt nhiều nghệ sĩ ngôi sao, được lăng-xê, tiếp thị một cách quy mô, bài bản như chúng ta thường thấy.
Nguy cơ thứ hai là sựu thiếu hụt nguồn lực con người. Hiện nay, khi Nhà nước còn duy trì chính sách ưu tiên đãi ngộ đối với các nghệ sĩ Chèo thì mức sống trung bình của họ cũng đã tụt hậu khá xa so với các đồng nghiệp ở các bộ môn nghệ thuật mang tính hiện đại. Chỉ một số ít nghệ sĩ tên tuổi có mức thu nhập khá hơn, nhưng cũng chẳng thấm tháp gì so với các ngôi sao ca nhạc hay điện ảnh. Khi thực hiện xã hội hoá, do cách thức trả thù lao của các đoàn tư nhân, các nghệ sĩ danh tiếng rất dễ có xu hướng rời bỏ đơn vị mình để đầu quân tại những nơi đãi ngộ cao hơn, trong khi đa số các nghệ sĩ khác vẫn đành phải chấp nhận mức thu nhập khiêm tốn. Tình trạng thiếu hụt các nghệ sĩ tài năng sẽ đồng loạt xảy ra ở nhiều đoàn nghệ thuật do không đủ tiềm lực kinh tế để thu hút nhân tài bằng cách trả lương cao. Bên cạnh đó, những nghệ sĩ không phải ngôi sao sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, bất an, thậm chí dẫn đến bỏ nghề để sinh nhai bằng cách khác. Ngoài ra, việc xoá bỏ những chế độ ưu đãi của Nhà nước còn làm trầm trọng thêm tình trạng giảm sút đầu vào của sân khấu Chèo. Thử hỏi, đứng trước một tương lai bấp bênh như vậy, liệu các thanh thiếu niên có năng khiếu nghệ thuật có đến với Chèo hay không ? Như vậy, sân khấu Chèo sẽ phải chịu tổn thất không nhỏ về lực lượng.
Nguy cơ thứ ba là giảm sút hơn nữa về khán giả. Nhìn vào thực tế, lực lượng khán giả “ruột” của Chèo vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, với mặt bằng thu nhập tương đối thấp. Giá vé xem nghệ thuật cho đối tượng khán giả này không thể ở mức cao như ở thành thị. Trong khi đó, các đoàn Chèo đã xã hội hoá lại không thể hạ thấp giá vé bởi vì doanh thu lúc nàylà yếu tố sống còn. Khi giá bán nông sản còn thấp như hiện nay thì việc bỏ ra vài chục ngàn đồng cho một tấm vé xem Chèo sẽ không phải là một lựa chọn lý tưởng. Vẫn biết bà con ta còn yêu, còn nặng lòng với Chèo lắm, nhưng lực bất tòng tâm, việc bỏ tiền ra để “nuôi” Chèo dường như nằm ngoài tầm tay của họ. Còn ở thành thị, nếu các đoàn Chèo không có một giá vé ở mức ưu đãi thì cũng khó đứng vững được trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về khán giả. Ngay ở những nước có mức sống bình quân cao hơn nước ta, chính quyền của họ cũng đang cố gắng hỗ trợ các đoàn nghệ thuật dân tộc để có thể hạ giá vé xuống thấp hơn nữa, thậm chí biểu diễn miễn phí, coi đó là một biện pháp giành lại khán giả. Còn ở nước ta, các đoàn Chèo sẽ xoay sở ra sao khi phải coi tiền bán vé là nguồn thu chính yếu ?
Nguy cơ thứ tư là sự xuống cấp về chất lượng nghệ thuật, sự chệch hướng dẫn tới đánh mất bản sắc truyền thống. Xã hội hoá có cái lợi là tạo điều kiện để “trăm hoa đua nở”, nhưng cũng có mặt trái là làm nảy sinh tình trạng hỗn loạn về đường lối nghệ thuật, hỗn loạn về thước đo giá trị. Trong hoàn cảnh “mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy khen chê”, liệu chúng ta có dám chắc rằng nghệ thuật Chèo sẽ không bị “cải tiến, cách tân” theo kiểu “gieo vừng ra ngô” như những năm 80 của thế kỷ XX? Cần nhắc lại rằng, chúng ta vừa mới đưa Chèo trở lại hướng đi đúng đắn từ hơn mười năm gần đây. Thành công này có được là nhờ vào sự định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhờ sự nỗ lực hết mình của các nghệ sĩ Chèo chân chính. Mặc dù vậy, cái giá phải trả cho bài học “cách tân” là không nhỏ, và hậu quả vẫn còn dai dẳng đến tận hôm nay. Chắc chắn sau khi xã hội hoá, ai nắm hầu bao của các đoàn Chèo thì người đó sẽ có quyền áp đặt phương hướng hoạt động. Nhà nước sẽ chỉ còn quản lý hoạt động biểu diễn thông qua công cụ pháp lý duy nhất là hệ thống kiểm duyệt. Như vậy, cứ “an toàn”, “sạch sẽ”, không phạm luật là sẽ được cấp phép, còn có bảo tồn, có phát triển hay không thì mặc. Các ông chủ, bà chủ mới của các đoàn nghệ thuật sẽ chỉ chú trọng việc xây dựng các tiết mục ăn khách để thu hồi vốn nhanh mà không quan tâm gì đến việc đầu tư cho nghiên cứu lý luận, cho những sáng tạo thể nghiệm… Nhớ lại những bài học trong quá khứ, chúng ta không nên mất cảnh giác trước nguy cơ phai nhạt bản sắc dân tộc nói chung và phong cách độc đáo của Chèo nói riêng . Khác với các bộ môn nghệ thuật mang tính hiện đại, đây là vấn đề nhạy cảm, có tầm quan trọng sống còn đối với Chèo.
Còn một số mặt trái khác của việc xã hội hoá sân khấu Chèo như nguy cơ thương mại hoá nghệ thuật, nguy cơ đánh mất vai trò quản lý, định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, nguy cơ sa sút về tài năng và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nghệ sĩ….Tuy nhiên, bốn vấn đề nói trên là những khía cạnh đáng quan tâm hơn cả, vì chúng là những hệ quả xấu nhất, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nghệ thuật Chèo.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tính đúng đắn của chủ trương xã hội hoá, bởi vì xã hội hoá là xu hướng tất yếu theo quy luật khách quan. Điểm mấu chốt ở đây là xã hội hoá thế nào, vào thời điểm nào và với đối tượng nào thì thích hợp. Nếu cứ xã hội hóa một cách ồ ạt, thiếu cân nhắc thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Hẳn chúng ta đều biết những gánh hát tư nhân chuyên đi lưu diễn khắp các vùng miền, rất thịnh hành vào thời kỳđất nước mới thống nhất. Có thể gọi họ là các đoàn chuyên nghiệp nếu xét trên phương thức tồn tại và hoạt động, nhưng khó có thể thừa nhận đẳng cấp chuyên nghiệp của họ về chất lượng nghệ thuật. Cả nhóm nay đây mai đó trên một chiếc xe nhỏ vừa chở người vừa chở đồ, nơi ăn nghỉ và địa điểm biểu diễn đều tạm bợ, chương trình biểu diễn thì pha tạp cả kịch hát, tấu hài, ca nhạc nhẹ, xiếc, đôi khi có cả mãi võ, bán thuốc rong…. Xã hội hoá kiểu ấy thì nguy lắm ! Không khéo vì quá nhiệt tình với “xã hội hoá” mà chúng ta vô hình trung đã đẩy các đoàn Chèo chuyên nghiệp đi đến chỗ “phường gánh hóa”. Không loại trừ khả năng sẽ có chính quyền địa phương này hay địa phương khác “vận dụng” chủ trương xã hội hoá để giải thể một số đoàn Chèo để “đỡ phải nuôi”. Những đoàn còn lại cũng phải vật lộn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt – “kịch trường như chiến trường”. Sẽ có không ít đoàn đi tới chỗ tan rã hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, sống dở chết dở. Chắc hẳn không ai mong muốn việc xã hội hoá lại có những hệ luỵ như vậy.
Xuất phát từ cách nhìn nhận vấn đề như trên, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất với các cơ quan quản lý văn hoá một số kiến nghị về cách thức thực hiện xã hội hoá:
1. Quán triệt lại một cách sâu rộng về định nghĩa “xã hội hoá”, tránh những cách hiểu, cách làm ấu trĩ, phiến diện còn đang khá phổ biến.
2. Giữ vững vai trò chủ đạo, mang tính định hướng của nhà nước trong quá trình xã hội hoá. Về điểm này, nên tham khảo kinh nghiệm từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh khi thực hiện cổ phần hoá.
3. Nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về điều kiện thực hiện xã hội hoá đối với từng lĩnh vực, từng ngành nghề, từng địa phương cụ thể, từ đó hoạch định phương án thích hợp cho từng đối tượng, từng giai đoạn.
4. Triển khai thực hiện xã hội hoá sân khấu theo trình tự từng phần, từng bước một cách bài bản, có hệ thống, trên cơ sở nghiên cứu kỹ đối tượng. Có biện pháp điều chỉnh kịp thời, nhạy bén trước những biến động của thực tế, tránh thực hiện một cách nóng vội, tránh triển khai xã hội hoá đại trà theo kiểu “phong trào”.
5. Cần lường trước những hệ quả ngoài ý muốn của việc xã hội hóa và chủ động chuẩn bị phương án khắc phục, giảm thiểu tác hại của những tiêu cực nảy sinh.
6. Riêng đối với sân khấu Chèo chuyên nghiệp, thực hiện xã hội hoá trong một tương lai gần là chưa thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh sẵn có. Nếu vội vàng xã hội hoá nghệ thuật Chèo ngay vào thời điểm này, e rằng lợi bất cập hại.
Với tâm huyết của người nghệ sĩ gắn bó cả cuộc đời với nghệ thuật Chèo truyền thống, hy vọng rằng những ý kiến của chúng tôi sẽ góp thêm một cách nhìn để cơ quan quản lý nhà nước tham khảo, cân nhắc khi hoạch định phương hướng xã hội hoá sân khấu. Chúng ta cùng tin tưởng rằng, các cơ quan chức năng sẽ chỉ đạo thành công việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, để chủ trương này thực sự đem lại động lực phát triển tích cực cho nghệ thuật sân khấu nói riêng và cho nền văn hóa nước nhà nói chung.