Bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2023: Gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật sân khấu truyền thống

VHO- Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức đã bế mạc tối 17.5 tại Nhà hát Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Dự lễ bế mạc có Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi, PGS.TS Tạ Quang Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi Đầu Thanh Tùng; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL NSND Vương Duy Biên; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly cùng đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hoá…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi phát biểu bế mạc 

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi nhấn mạnh: Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2023 diễn ra từ ngày 6 -16. trên mảnh đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt đã khép lại với dư âm tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ, diễn viên tham dự và công chúng yêu nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sĩ, diễn viên dự thi đã thể hiện, phô diễn tài năng nghệ thuật, đem đến cho khán giả yêu nghệ thuật truyền thống nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm không chỉ về nghệ thuật sân khấu truyền thống, mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam. Đây là cuộc thi hết sức quan trọng, một mặt phát hiện những tài năng mới để kịp thời bồi dưỡng, đào tạo; mặt khác là dịp các nhà hát, đoàn nghệ thuật đánh giá lại lực lượng diễn viên, trên cơ sở đó xây dựng những vở diễn có chất lượng cao trong thời gian tới. Đồng thời, là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, nhìn nhận sức sống của sân khấu truyền thống trong Nhân dân, kịp thời có những giải pháp tích cực để bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, các Nhà hát Chèo, Tuồng và Dân ca kịch giao lưu, học hỏi và giới thiệu các giá trị nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và phong phú của đơn vị mình tới các đơn vị bạn nói riêng và khán giả Thanh Hóa cũng như cả nước nói chung.

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam và Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao giải cho Người hướng dẫn xuất sắc

Bên cạnh những thành công của các phần thi, trích đoạn được đầu tư công phu cả về kịch bản, dàn dựng, kỹ thuật nhuần nhuyễn điêu luyện của các nghệ sĩ, diễn viên trong ca, diễn… thì vẫn còn một số trích đoạn, phần thi chưa được đầu tư, quan tâm một cách nghiêm túc dù là lý do chủ quan hay khách quan. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đề nghị trong các cuộc thi tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sĩ, diễn viên dự thi lần này cần tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này. Tăng cường hơn nữa cho việc truyền dạy những kỹ thuật ca, các động tác vũ đạo đặc trưng cơ bản của từng vai diễn cho các diễn viên trẻ. Đảm bảo giữ được những tính cách, tinh hoa của nghệ thuật truyền thống. Muốn đạt được những kết quả như trên, cần mời các nghệ nhân, chuyên gia về dàn dựng cho các diễn viên, đồng thời khẩn trương mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho các diễn viên, nhằm bảo tồn các giá trị cổ của sân khấu ca kich truyền thống.

Đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL và Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hoá tặng hoa Hội đồng giám khảo

Thông qua Cuộc thi, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng đề nghị Cục nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới cần tích cực nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng trẻ của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà. Khẩn trương mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho các diễn viên nhằm bảo tồn các giá trị cổ của sân khấu kịch truyền thống; xây dựng đề án, đặt hàng các vở diễn cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật truyền thống trong cả nước; tiếp tục hoàn thiện các quy chế cuộc thi, phương thức tổ chức để các cuộc thi được tổ chức ngày một tốt hơn, tìm ra được những tài năng cho nghệ thuật truyền thống hơn nữa.

Tại lễ bế mạc, Hội đồng giám khảo đã trao giải cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc – 2023, diễn ra từ ngày 11-16.5, thu hút 14 đơn vị nghệ thuật Chèo công lập tham gia với 63 trích đoạn từ Chèo cổ truyền, đến Chèo hiện đại qua sự thể hiện của 73 diễn viên dự thi. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, tín hiệu mừng nhất trong Cuộc thi này là chất lượng nghệ thuật của 14 đơn vị khá đồng đều, mỗi diễn viên dự thi đều nỗ lực “thổ tận can tràng” để thể hiện tốt nhất phần thi của mình. Những vai mẫu trong các trích đoạn Chèo cổ truyền như Thị Mầu, Suý Vân, Châu Long, Lưu Bình, Trần Phương, Cả sứt, Thị Phương, Tuần Ty, Đào Huế, Thầy đồ Trương Viên. Mụ Quán, Lão say có nội dung khuyến giáo đạo đức là những bài học chở nặng triết lý nhân sinh, những tấm gương sáng về tình bạn về lòng chung thuỷ, đạo đức gia đình luôn đề cao chữ hiếu, khao khát tự do, lên án, đả kích để rồi phê phán thói hư tật xấu bằng tiếng cười trào lộng, thâm sâu trong ngôn ngữ nghệ thuật Chèo.

Trên sân khấu Nhà hát Lam Sơn, khán giả, bạn nghề đã có những thời khắc “mãn nhĩ” với nhiều giọng Chèo đằm thắm, trữ tình da diết như Đào liễu, Sa lệch chênh, Quân tử vu dịch, Tò vò, Tình thư hà vị, Kể bốn mùa, Ngâm sổng, Hát cách… của mô hình nhân vật nữ chín, thư sinh hay lẳng lơ tính cách, mê đắm như Cấm giá, Bình thảo của nữ lệch Thị Mầu, phẫn uất xót xa như Dậm chân, Thiếp bỏ cho chàng của Đào Huế, Lới lơ, gà rừng của Súy Vânkhôi hài, vui vẻ trong giai điệu Bà chúa con cua, hát sắp… mang đậm dấu ấn, sắc thái riêng của từng đơn vị nghệ thuật Chèo, vùng Chèo trong cả nước…, được “mãn nhãn” với những khuôn diễn, bộ múa khá thuần thục, khắc hoạ Tinh, Khí, Thần của nhân vật Chèo. Hay, những nhân vật trong các trích đoạn Chèo hiện đại như cụ Hường (trích đoạn Một tin buồn), Hiếu (trích đoạn Người mẹ một mắt, Vợ chồng thuyền chài), Nhị Độ Mai – Chèo Nguyễn Đình Nghị, Tùng (Tùng lò gạch), Cả Hân (Đường trường duyên phận, Người ngựa, ngựa người) cùng nhiều nhân vật Chèo khai thác đề tài lịch sử như Hình bộ thượng thư và đặc biệt, nhân vật Hề già – vở Chèo Lý Nhân Tông kế nghiệp – một “hiện tượng” xuất sắc của sự kế thừa truyền thống một cách sáng tạo, có học đã lần lượt xuất hiện tươi nguyên trên sân khấu, thể hiện kỹ năng cảm thụ cũng như trình độ, khả năng sáng tạo, chuyển hoá, kế thừa mô hình nhân vật.

Nhìn chung, theo Hội đồng giám khảo, phần lớn phần dự thi được dàn dựng công phu, diễn viên thăng hoa trên sân khấu với nghề để bộc lộ hết được tài năng của mình, tạo nên điểm nhấn nghệ thuật đầy ấn tượng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá Chèo. Điều đó làm cho loại hình nghệ thuật Chèo luôn xuôi chèo mát mái trong dòng chảy văn hoá dân tộc là điều rất cần trong các tác phẩm nghệ thuật sân khấu Chèo hiện nay. Bên cạnh những ghi nhận về chất lượng của nhiều chương trình và trích đoạn thì Hội đồng giám khảo cũng cho rằng vẫn có một số vai diễn dự thi của các đơn vị còn trùng lặp quá nhiều. Trích đoạn chưa thực sự chuyển tải được vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương thời, nội dung cũ mòn, vẫn có một số đơn vị chưa có sự chọn lựa cẩn trọng, nội dung trích đoạn dự thi chưa chú trọng việc xây dựng hình tượng nhân vật Chèo.

Các diễn viên nhận giải Nhất và giải Nhì tại cuộc thi

Kết quả cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc – 2023, BTC đã trao 1 giải Xuất sắc cho NS Thu Phong – người hướng dẫn ca diễn với trích đoạn Thị Mầu lên chùa (do diễn viên Trịnh Thị Thanh Huyền của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thể hiện); 1 giải Xuất sắc NSND Hàn Hải – người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao với trích đoạn Chí Phèo – Thị Nở (do 2 diễn viên Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Thị Lưu của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa thể hiện). Cùng với đó, 17 nghệ sĩ được trao giải Nhất là: Lại Xuân Chường (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nguyễn Thị Lưu (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa), Vũ Thị Sợi (Nhà hát Chèo Ninh Bình), Đỗ Thị Phương (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định), Trịnh Thị Thanh Huyền (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội), Nguyễn Thị Phương Anh (Nhà hát Chèo Hưng Yên), NSƯT Bùi Phương Mây (Nhà hát Chèo Hà Nội), Lê Trọng Khởi (Nhà hát Chèo Thái Bình), Nguyễn Đình Hạnh (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc), NSƯT Nguyễn Anh Tuấn (Nhà hát Chèo Bắc Giang), Trần Thị Thùy Trang (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nhữ Đình Lục (Nhà hát Chèo Quân đội), Nguyễn Thị Thu Hường (Nhà hát Chèo Thái Bình), Trần Thị Ngát (Nhà hát Chèo Việt Nam), Phùng Thế Quỳnh (Nhà hát Chèo Quân đội), Trịnh Tuyết Anh (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa), Tạ Văn Sếp (Nhà hát Chèo Hải Dương) và 14 nghệ sĩ được trao giải Nhì của Cuộc thi.

NGUYỄN LINH

“Sau cánh cổng làng”: Dựng chèo đề tài hiện đại để đến gần hơn với khán giả

VHO – Đoàn Nghệ thuật Thể nghiệm Nhà hát Chèo Việt Nam vừa ra mắt vở Sau cánh cổng làng đã tạo nhiều bất ngờ đối với khán giả và cả những người làm chèo.  Nhà hát đã mạnh dạn khi dựng một kịch bản được khai thác phỏng tác theo tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma ra đời năm 1990 của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Đây được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc viết về chủ đề nông thôn, đề cập tới việc đấu tranh với những hủ tục lạc hậu, đặc biệt là nạn bạo lực gia đình ở nông thôn hiện nay.

Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, đạo diễn, NSƯT Lê Tuấn Cường chia sẻ: Bên cạnh việc gìn giữ mực thước của chèo truyền thống, sân khấu chèo hiện đang thiếu những vở diễn hay về đề tài nông thôn, hiện thực thời đại, hiện thực cuộc sống được phản ánh. Chính vì vậy mà Bộ VHTTDL đã đặt hàng tác phẩm này với Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng,  bởi những mẫu hình, tính cách nhân vật trong tác phẩm đề cập vẫn không hề cũ, vẫn đang rất nóng tính thời sự.

Sau cánh cổng làng mang tính thời sự của nông thôn Việt Nam

Nhà hát đã mạnh dạn giao nhiệm vụ cho đạo diễn trẻ, NSƯT Vũ Bá Dũng và ê kíp sáng tạo giải mã Mảnh đất lắm người nhiều ma từ góc nhìn của những người làm sân khấu chèo truyền thống, đó là giảm bớt những tình tiết quá rối rắm và cả những tầng ý nghĩa của tác phẩm văn học, tập trung xoáy sâu vào mâu thuẫn của hai gia đình, cách nghĩ, cách tư duy cổ hủ, đố kị, của những cá nhân trong hai dòng họ ở một vùng quê nông thôn. Vở chèo đã bám sát được chủ đề tư tưởng của tác phẩm nguyên gốc.  Đó là phản ánh chân thực bức tranh xã hội ở một làng quê với nạn kéo bè kết cánh, bè phái trong bộ máy chính quyền xã, sự xuống cấp của một số đảng viên giữ vai trò quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo xã, sự tranh giành quyền lực giữa các dòng họ cho đến những rắc rối về từng gia đình, từng thân phận con người “quanh luỹ tre làng”. Tuy vậy, bên cạnh những thế lực đen tối vẫn có những người đảng viên tốt  như ông Chỉnh, hay những người trẻ như Tùng, Đào. Họ là những người dám tranh đấu thẳng thắn vượt lên định kiến của dòng tộc, muốn xóa bỏ những bóng đen hắc ám trong chi bộ Đảng, muốn làm trong sạch đội ngũ để xây dựng quê hương vững mạnh – những con người của thế hệ mới, cách tư duy mới như một tia hy vọng, một lối thoát cho bế tắc này. Tình yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước của đôi bạn trẻ đã tạo nên sức mạnh để hoá giải mọi thù hằn, mâu thuẫn truyền kiếp giữa hai dòng họ.

Những cảnh diễn rất trữ tình, ngọt ngào bởi các làn điệu chèo

Đề cập tới những con người của thời đại mới cần phải có tư duy đổi mới. Muốn xã hội phát triển đi lên, mỗi con người cần phải tự nhìn lại bản thân. Đạo diễn đã khéo léo khi xử lý để câu chuyện không đi vào bế tắc. Đó là nhân vật bà Son (vợ ông Hàm) chết giả. Và vì cái việc tưởng rằng bà Son chết ấy mà các nhân vật trong vở ngộ ra, mọi thù hằn, mâu thuẫn, cách nghĩ cũ truyền kiếp giữa hai dòng họ được hoá giải, mối tình giữa Tùng (họ Vũ Đình) và Đào (con gái ông Hàm – họ Trịnh Bá) được thừa nhận. Câu chuyện được khai thông, vấn đề bế tắc được những con người mang tư tưởng mới đấu tranh, giải quyết thỏa đáng, hợp lý.

Từng là cô đào nổi tiếng của Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Thanh Hoài chia sẻ: “Tôi rất mừng vì Nhà hát đã mạnh dạn giao cho một đạo diễn trẻ dàn dựng tác phẩm. Đạo diễn, ê kíp sáng tạo và đặc biệt là dàn nghệ sĩ của đoàn thử nghiệm  đã mang tới một vở chèo về đề tài hiện đại hay, hấp dẫn và đặc biệt là một vở chèo hiện đại nhưng không hề dễ dãi theo kiểu “gieo vừng ra ngô” mà mang tới một vở chèo đậm chất chèo nhuần nhụy. Có rất nhiều những làn điệu chèo hay của nghệ thuật chèo truyền thống được đưa vào rất phù hợp với từng tình tiết cũng như diễn tả tâm trạng của các nhân vật trên sân khấu như các đoạn tự sự của cặp nam nữ Tùng và Đào với các làn điệu giao duyên, đường trường chim thước, con nhện giăng mùng, đào liễu, vãn canh…”. NSND Thanh Hoài đặc biệt khen ngợi các diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam đã diễn tả rất tốt các nhân vật của xã hội hiện đại bằng cách diễn rất chèo. Bên cạnh đó đạo diễn đã cài vào những lớp dân làng như dàn đế trong chèo, làm cho xen giữa những xung đột cao trào là sự mềm mại hài hước.  Đây là một điều rất khó đối với đề tài hiện đại, nhưng ở vở diễn Sau cánh cổng làng đã đưa nét đặc trưng của sân khấu chèo vào đây.

Vấn nạn bạo lực gia đình được đề cập trong vở chèo khá rõ nét

 Thủ pháp dàn dựng của đạo diễn đã kế thừa và biến đổi từ nghệ thuật chèo truyền thống được gợi mở thỏa sức cho diễn viên thăng hoa, sáng tạo, bộc lộ tài năng và không bị gò ép theo lối diễn của sân khấu kịch, các lớp trò như: “Gọi hồn, đào mộ” các lớp diễn vợ chồng ông Hàm đã được khai thác triệt để cách diễn sáng tạo, lối sử dụng làn điệu trong nghệ thuật chèo truyền thống. Qua điệu (hát xuôi, hát ngược) nghệ sĩ TNSKT Thục Hiền trong vai bà Son đã khoe được tài năng của mình với sự thăng hoa trong lối diễn của nghệ thuật chèo truyền thống. Trang trí sân khấu gợi mở, tả ý, dành không gian cho diễn viên thỏa sức sáng tạo.  Điều thú vị là soi vào những nhân vật trên sân khấu, chắc hẳn người xem sẽ thấy ở đâu đó có bóng dáng của họ vẫn hiển hiện ở trong cuộc sống nông thôn hiện đại và cả trong từng gia đình. Đó là hình ảnh của ông Hàm (nghệ sĩ Duy Toàn thể hiện), một mẫu đàn ông gia trưởng, phong kiến, trong gia đình ông, chỉ có đàn ông được ngồi trên nhà ăn cơm, còn con gái phải ngồi dưới bếp. Luôn miệng chửi bới, đánh đập vợ vô cớ. Và đối nghịch với ông Hàm là hình ảnh bà Son (nghệ sĩ Thục Hiền thể hiện), người đàn bà đẹp nhưng đầy cam chịu, cứ luẩn quẩn với cái việc mình có lỗi với chồng nên phải làm việc và bị đối xử như con ở trong nhà bao nhiêu năm chung sống vợ chồng. Đối lập với cặp vợ chồng ông Hàm, bà Son là tình yêu của Tùng (nghệ sĩ Hà Văn Cường thể hiện) và Đào (Nghệ sĩ Trần Ngát thể hiện) mang tới một làn gió mới, đại diện cho lớp người trẻ đã làm thay đổi nếp nghĩ xưa cũ để xây dựng nông thôn mới phát triển.

Các nhân vật dân làng ở vai trò dàn đế trong chèo tạo được hiệu quả tốt cho vở

Cái được khi dựng lại một tiểu thuyết cách đây hơn 30 năm nhưng giá trị tư tưởng và những mẫu hình nhân vật được xây dựng trong vở chèo Sau cánh cổng làng đã không hề cũ đối với thời điểm hiện tại. Nhìn vào sự dốt nát, nạn kết bè phái đàn áp người tốt hay những quan niệm trong hôn nhân sai lệch đã mang lại nhiều cảm xúc và suy tư đối với người xem về cuộc đời và tình người. Làm thế nào để gạt bỏ thù hận, sống nhân ái hơn, làm thế nào để tẩy rửa những thói xấu, tập tục ở đất quê lề thói, làm thế nào để xã hội thanh lọc được những kẻ xấu nhường chỗ cho những tu duy tốt, cho những người tốt biết vị tha, tô đẹp thêm những nét đẹp của làng quê Việt Nam theo dòng chảy văn hóa lâu đời. Những câu hỏi nhức nhối ấy là điều đọng lại trong lòng mỗi khán giả khi rời khỏi nhà hát trở về.

Với Sau cánh cổng làng, Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm Nhà hát Chèo Việt Nam đã làm tốt chức năng của mình khi xây dựng một vở chèo đề tài hiện đại nhưng luôn kế thừa và biến đối  vẫn giữ được những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống, đặc biệt là lực lượng nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong đó có những nghệ sĩ mới ra trường nhưng cũng đã nắm chắc nghề, khắc hoạ thành công các nhân vật của đời sống hiện đại mà vẫn thể hiện các làn điệu, câu hát truyền thống rất ngọt, đi vào lòng bạn nghề, lòng khán giả.

THÚY HIỀN; ảnh: LÊ LAN (Báo Điện tử Văn hóa)

Bế mạc Liên hoan Chèo toàn quốc 2022: Tôn vinh những giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống

VHO – Sau 16 ngày diễn ra sôi nổi, ấn tượng tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL Hà Nam và các đơn vị liên quan tổ chức đã kết thúc bằng lễ bế mạc và trao giải diễn ra tối nay 28.10 tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam. Dự lễ bế mạc có Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ bế mạc Liên hoan

Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 khẳng định, trong suốt thời gian diễn ra liên hoan, gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên của 16 đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp đã phô diễn tài năng của mình qua 27 vở diễn phong phú ở nhiều đề tài lịch sử, dã sử, chiến tranh cách mạng, hiện đại, những buổi diễn thu hút khán giả đến chật kín khán phòng của Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Qua đó khẳng định, Chèo luôn là loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát mang đậm tính dân tộc với sự kết hợp nhuần nhuyễn của các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch, có sức hấp dẫn và đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao Huy chương Vàng cho các đơn vị có vở diễn xuất sắc tại Liên hoan

Cũng theo Thứ trưởng, tại Liên hoan lần này, có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ. Sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật Chèo. Thứ trưởng ghi nhận, biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao đã có sự quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn cho các vở diễn của mình; biểu dương các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên đã khắc phục mọi khó khăn sau đại dịch Covid-19 để đem đến Liên hoan những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Lại Xuân Môn và  Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thuỷ trao giải cho các thành phần sáng tạo xuất sắc của Liên hoan

Liên hoan là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các Hội nghề nghiệp chuyên ngành hoạch định những chiến lược phát triển sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật sân khấu Chèo nói riêng. “Thông qua Liên hoan lần này, tôi đề nghị lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần chú trọng hơn nữa, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để xây dựng nên những vở diễn đạt chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật đáp ứng sự trông đợi của bạn nghề và khán giả”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam, Phó Ban chỉ đạo Liên hoan Nguyễn Anh Chức trao Huy chương Bạc cho các đơn vị có vở diễn xuất sắc 

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, liên hoan lần này đã có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ, đạt chất lượng cao; đặc biệt đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ trong các thành phần sáng tạo. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 1 giải xuất sắc, 6 Huy chương  Vàng, 6 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng cho các vở diễn xuất sắc. Trong đó, vở diễn xuất sắc được trao cho vở Đất liền và biển cả Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa. 6 Huy chương Vàng được trao cho các vở Linh từ Quốc mẫu của Nhà hát Chèo Hà Nội; Vang bóng một thời (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân) của Đoàn Chèo Hải Phòng; Khóc giữa trời xanh của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; Nguyễn Đình Nghị của  Nhà hát Chèo Hưng Yên; Mật chỉ giữa hoàng cung  của Nhà hát Chèo Quân đội; Thiên duyên huyền tích của Nhà hát Chèo Thái Bình.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly và Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam Mai Thành Chung trao Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ 
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Nam Lê Thị Thanh Hà và Phó Chủ tịch các Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, NSND Quốc Chiêm trao Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ 

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho thành phần sáng tạo gồm tác giả nhà viết kịch, TS. Nguyễn Đăng Chương với vở Đất liền và biển cả của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa; đạo diễn, NSƯT Hoài Thu vở Linh từ Quốc mẫu của Nhà hát Chèo Hà Nội; nhạc sĩ Vũ Thiềng vở Đất liền và biển cả của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa; biên đạo múa Hoài Anh trong vở Vang bóng một thời của Đoàn Chèo Hải Phòng.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu với các nghệ sĩ

Trao đổi với Văn Hoá, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly, thành viên Ban chỉ đạo Liên hoan chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, với một bộ phận không nhỏ công chúng chưa mặn mà với nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có sân khấu Chèo, thì những cuộc thi như thế này luôn là một cầu nối hiệu quả, gắn kết giữa những người làm nghệ thuật với khán giả yêu thích sân khấu Chèo. Dù cuộc sống và nghệ thuật truyền thống có khó khăn, nhọc nhằn nhưng khi lên sân khấu, các nghệ sĩ, diễn viên đã tạm quên đi những vất vả để say sưa với vai diễn, cống hiến hết mình cho khán giả.

Tiết mục biểu diễn chào mừng tại lễ bế mạc Liên hoan của các nghệ sĩ đến từ các đơn vị và Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Hà Nam

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: “Ban tổ chức đánh giá cao vai trò của Hội đồng nghệ thuật tại Liên hoan lần này. Với bề dày kinh nghiệm cũng như uy tín và tâm huyết với nghề, tin chắc rằng Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn được những vở diễn xứng đáng, những nghệ sĩ tài năng xuất nhất tại Liên hoan để trao giải. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, chúng tôi luôn chú trọng đề cao giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc như loại hình nghệ thuật chèo”. Quyền Cục trưởng cho rằng, Liên hoan là dịp để cơ quan quản lý nhà nước có được một bức tranh toàn cảnh của nghệ thuật chèo truyền thống, đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của đội ngũ những người làm nghệ thuật Chèo, đồng thời cũng tìm những giải pháp và chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật gìn giữ và phát triển tốt

THUÝ HIỀN; ảnh: MINH HIẾU (Báo Điện tử Văn hóa)

Liên hoan Chèo toàn quốc 2022: Đề cao tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc

VHO – Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 do Cục Nghệ thuật biểu din (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam tổ chức sẽ diễn ra từ 12 đến 28.10 tại Nhà văn hoá Trung tâm tỉnh Hà Nam, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. 16 đơn vị nghệ thuật Chèo trên cả nước sẽ tham gia liên hoan lần này với 27 vở diễn. 

“Chỉ cần nhìn vào số lượng các các đoàn đăng ký đã thấy phần nào sự hào hứng của làng chèo phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống” Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly đã chia sẻ với Văn Hoá về những tín hiệu vui và kỳ vọng của Ban tổ chức trước thềm Liên hoan lần này.

116113Quyền-Cục-trưởng-Cục-Nghệ-thuật-biểu-diễn,-NSƯT-Trần-Ly-Ly
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly

P.V: Có thể thấy Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đã đạt ngay những con số về kỷ lục đơn vị nghệ thuật tham gia, kỷ lục về số ngày tổ chức biểu diễn, xin bà chia sẻ vì sao liên hoan lần này lại làng Chèo lại có sự hưởng ứng mạnh mẽ như vậy?

.Quyền Cục trưởng Cục NTBD, NSƯT Trần Ly Ly: Trên thực tế, chúng tôi đã phải hạn chế bớt số lượng các tác phẩm đăng ký ở một số đơn vị vì có một số nhà hát có 2 đoàn nghệ thuật nhưng lại muốn đi tới 3 vở diễn. Quy chế tổ chức Liên hoan đã quy định mỗi đơn vị tham gia 1 vở diễn, trường hợp đơn vị nghệ thuật công lập có nhiều đoàn, số lượng vở diễn có thể tham gia tương ứng với số đoàn. Cần phải có sự cân đối để cho các đơn vị, các nhà hát khác đi thi. Trong thời gian qua, nghệ thuật biểu diễn là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong đó có nghệ thuật Chèo, nhưng những người làm nghệ thuật đã không chịu ngồi yên, vẫn âm thầm tập luyện và xây dựng những tác phẩm có giá trị. Đây là một trong những lý do tạo số lượng kỷ lục về số lượng đơn vị và số vở diễn đăng ký tham gia liên hoan lần này.

Cảnh trong vở Thiên duyên huyền tích của Nhà hát Chèo Thái Bình 

Mặt khác, Cục Nghệ thuật biểu diễn không chỉ gửi thông báo sớm về tổ chức Liên hoan mà còn sát sao đôn đốc, thường xuyên liên lạc và động viên các đoàn nghệ thuật tham gia. Chúng tôi rất vui mừng khi không chỉ các nhà hát có hai đoàn nghệ thuật đều đăng ký tối đa số vở tham gia là 2 vở , trong đó có cả những nhà hát ở các địa phương như: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Nhà hát Chèo Hải Dương, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định, Nhà hát Chèo Hưng Yên, Nhà hát Chèo Bắc Giang, Nhà hát  Chèo Thái Bình, Nhà hát Chèo Hà Nội… Có đầy đủ các đại diện của các chiếng Chèo nổi tiếng tham gia vì vậy Liên hoan sẽ là một cuộc biểu dương lực lượng của ngành Chèo. Vì vậy tôi tin sẽ có một mùa diễn nghệ thuật  Chèo vô cùng hấp dẫn, đặc sắc.

Thiếu kịch bản hay để dàn dựng luôn là bài toán khó đối với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là những kịch bản hay về đề tài hiện đại. Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 có gặp phải vấn đề này không, thưa bà?

.Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 không hạn chế về đề tài. Quy chế tổ chức đã quy định rất rõ không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài. Trường hợp kịch bản sáng tác trước năm 2005 sau khi đã chỉnh lý cho phù hợp với hiện tại phải có sự đồng ý của tác giả hoặc người đại diện hợp pháp. Quy chế chấm, xét giải liên hoan cũng đã nêu rõ không có ranh giới về đề tài, một trong những tiêu chí để xét giải thưởng đối với vở diễn đó là đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn, mang tính dự báo, có tác động tích cực tới đời sống xã hội, nhận thức của khán giả yêu nghệ thuật và mọi tầng lớp nhân dân. Dẫu là tác phẩm khai thác đề tài lịch sử, dân gian, dã sử hay hiện đại thì mấu chốt vẫn phải mang tới những thông điệp tích cực, có ý nghĩa đối với đời sống xã hội hôm nay.

.Những năm gần đây, việc thử nghiệm, làm mới Chèo của một số đơn vị cũng đã tạo ra những tranh luận khen-chê. Và không ít vở diễn được gọi là “kịch cắm hát Chèo” vẫn xuất hiện, liệu Liên hoan lần này có xuất hiện những vở diễn theo xu hướng như vậy?

.Ngay Quy chế tổ chức và Quy chế chấm, xét giải Liên hoan, Ban tổ chức đã quy định rất cụ thể. Song song với chủ đề tư tưởng nội dung thì các vở diễn phải bám sát được yêu cầu về nghệ thuật và hình thức thể hiện. Hội đồng nghệ thuật sẽ không chấm điểm, xét giải đối với các vở diễn phá vỡ nguyên tắc, đặc trưng của loại hình nghệ thuật Chèo. Tác phẩm đạt tính thẩm mỹ cao về hình tượng nghệ thuật và giá trị nhân văn, khắc hoạ rõ nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật Chèo. Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đều là những nhà chuyên môn có uy tín trong ngành, tầm ảnh hưởng về phẩm chất và tài năng cùng những đóng góp cho sự nghiệp phát triển của ngành nghệ thuật biểu diễn của xã hội là điều mà chúng tôi cân nhắc rất kỹ lưỡng khi mời.

Chương trình của Nhà hát Chèo Việt Nam

Lần này, bên cạnh những nhà lý luận phê bình, tác giả, nghệ sĩ nổi tiếng thì còn có những người trẻ, chưa từng tham gia xét giải. Chúng tôi muốn có nhân tố mới để mở rộng sự nhìn nhận của giám khảo hơn. Tất nhiên, hội đồng nghệ thuật đều thống nhất sáng tạo của các thành phần tham gia vở diễn phải có tính thống nhất, tạo nên vở diễn hoàn chỉnh và đồng nhất phong cách. Chắc chắn sẽ không trao giải cho những vở diễn theo xu hướng “kịch cắm chèo” hay những vở diễn cách tân sai lệch với đặc trưng của loại hình nghệ thuật chèo. Tôi tin vào sự thẩm định của Hội đồng nghệ thuật ở các đơn vị nghệ thuật cũng như của các Sở VHTTDL, Sở VH-TT…  Hơn thế, đã tới một cuộc thi nghệ thuật của ngành Chèo, bản thân các đơn vị nghệ thuật sẽ phải ý thức về trách nhiệm để làm Chèo cho ra Chèo.

.Đến Liên hoan lần này, nhiều đơn vị nghệ thuật chèo mang theo nhiều trăn trở khi một số địa phương sát nhập đơn vị nghệ thuật Chèo với các đơn vị ở các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác thành Trung tâm biểu diễn đa thể loại. Dường như điều này đã khiến nhiều đơn vị đã không giữ được những ưu thế đặc sắc đại diện cho từng chiếng Chèo nữa. Bà có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

-Đây là một cái rất khó khi một số địa phương đã tự điều chỉnh, sát nhập các đơn vị nghệ thuật vào chung một nhà hát hay trung tâm. Điều này dẫn tới thực tế là nhiều vở Chèo có sự tham gia của cả diễn viên kịch, ca, múa, nhạc, cải lương diễn chung với diễn viên Chèo. Ở đây vai trò tham mưu quản lý nhà nước ở địa phương cũng như của từng nhà hát, đơn vị nghệ thuật là vô cùng quan trọng, nếu không sân khấu ở nhiều địa phương sẽ dần rơi vào sự nghiệp dư hóa, đánh mất đi những nét đặc sắc, tiêu biểu của từng loại hình sân khấu truyền thống đặc trưng cho vùng, miền. Cục Nghệ thuật biểu diễn đều đặn tổ chức các liên hoan nghệ thuật trong đó có Liên hoan Chèo toàn quốc, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc để thông qua đó có những đánh giá tổng thể về chất lượng cũng như sự phát triển của từng loại hình.

“Một trong những tiêu chí để xét giải thưởng đối với vở diễn đó là đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn, mang tính dự báo, có tác động tích cực tới đời sống xã hội, nhận thức của khán giả yêu nghệ thuật và mọi tầng lớp nhân dân. Dẫu là tác phẩm khai thác đề tài lịch sử, dân gian, dã sử hay hiện đại thì mấu chốt vẫn phải mang tới những thông điệp tích cực, có ý nghĩa đối với đời sống xã hội hôm nay”.

Chúng tôi rất chia sẻ với những lo toan, trăn trở của các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống. Hiện nay theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang và đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhận thấy hiện có rất nhiều vướng mắc, bất cập về chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đó là: Hợp đồng lao động đối với diễn viên; Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn; Thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn; Bồi dưỡng, ưu đãi đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp lưu động và tuổi nghỉ hưu, tuổi hưởng lương hưu… Chúng tôi đã tham mưu gửi lên Bộ tờ trình xin kiến nghị để xây dựng Nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ. Đây là bước cơ bản giúp cho ngành tiếp tục phát huy được giá trị nghệ thuật, tạo động lực sáng tạo cho những người làm nghệ thuật biểu diễn.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng mặc dù nghệ thuật Chèo truyền thống đang gặp vô vàn những khó khăn nhưng sự hiện diện của hơn 1.000 nghệ sĩ tham dự Liên hoan đã cho thấy nghệ sĩ Chèo đã và đang cùng nhau vượt khó khăn để đến với  hội Chèo cho bằng anh, bằng chị, xứng với tổ nghề, xứng với truyền thống.

Khán giả Hà Nam sẵn sàng chờ đón xem Chèo

Để Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 tại Hà Nam diễn ra thành công tốt đẹp, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền giáo dục niềm tự hào về văn hoá dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trong đó có thế hệ trẻ, Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam đã gửi công văn tới một số các đơn vị trong địa bàn tỉnh đề nghị quan tâm, tạo điều kiện cử cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân đến tham dự, xem và cổ vũ cho Liên hoan. Đặc biệt Sở VHTTDL tỉnh cũng đã gửi công văn tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam đề nghị huy động giáo viên, học sinh tham gia các hoạt động ngoại khoá, xem và cổ vũ cho Liên Chèo toàn quốc năm 2022 tại Hà Nam. Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam Ngô Thanh Tuân khẳng định, mỗi buổi diễn sẽ có tầm khoảng 600 khán giả tới xem, mỗi buổi diễn dự thi, ngành Giáo dục sẽ có cố định là 300 giáo viên, học sinh tới xem.

Nguồn: THÚY HIỀN (Báo Điện tử Văn hóa)

Về Thái Bình để được nghe chèo “xịn”

VHO – Những khán giả có mặt trong đêm diễn ra mắt vở Thiên duyên huyền tích của Nhà hát Chèo Thái Bình đều có chung một cảm giác hài lòng, thư thái khi được xem một vở chèo đúng chất chèo truyền thống. Với vở diễn này, Nhà hát Chèo Thái Bình vẫn giữ được phong cách chèo truyền thống của Thái Bình, một thương hiệu chèo tiêu biểu trong làng chèo cả nước.

Thiên duyên huyền tích do cố tác giả Hoàng Luyện, tác giả đã đoạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật viết kịch bản cải lương, chuyển thể chèo: Lê Thế Song, đạo diễn; Lê Thanh Tùng. Chử Đồng Tử là một nhân vật truyền thuyết, thần thoại và là một vị thánh nổi tiếng, sống ở thế kỷ thứ IV-III TCN (vào khoảng năm 300 TCN, thời Hùng Duệ Vương). Về sau, ông thường được liệt vào một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam.

Thiên duyên huyền tích  khai thác về Huyền tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung là một mối tình thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người; một câu chuyện thấm đẫm chất thơ và chứa đựng những chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh, đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.

 Là một tác giả có nghề của sân khấu kịch hát truyền thống nên Lê Thế Song đã khéo léo chuyển từ kịch bản cải lương của cố tác giả Hoàng Luyện, cũng là bố vợ của ông sang kịch bản của sân khấu chèo truyền thống một cách hợp lý. Nhà hát Chèo Thái Bình đã lựa chọn một ê kíp sáng tạo không chỉ tác giả mà cả ê kíp dàn dựng đều là những “gạo cội” gắn bó với kịch hát truyền thống, đặc biệt là chèo: Đạo diễn Lê Thanh Tùng, biên đạo múa – NSƯT Lê Khánh Toàn, hoạ sĩ – NSƯT Doãn Bằng… Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát Chèo Thái Bình đã cùng ê kíp sáng tạo dành nhiều thời gian để chuyển hướng tư tưởng kịch bản, khai thác đậm chất trữ tình, lãng mạn vào sân khấu chèo truyền thống.

Ngay những lúc cao trào của các mối xung đột thì vở diễn vẫn mang đậm chất nhân văn, tình người

Nét nổi bật trong chủ đề tư tưởng của vở đó là khắc hoạ đậm nét tính nhân văn, thể hiện khát khao tình yêu đôi lứa không phân biệt sang hèn, cùng cố gắng vượt qua mọi khó khăn để giúp người dân vươn lên trong cuộc sống. Tấm lòng nhân hậu của Tiên  Dung – Chử Đồng Tử đã chiến thắng mọi thế lực trở thành biểu tượng của niềm tin. Vùng Chử Xá nhờ có Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã trở thành nơi giao thương buôn bán thịnh vượng, người dân no đủ. Chử đồng tử cứu chữa cho những người dân khỏi bệnh trừng trị những kẻ ác. Khi Vua Hùng Vương vị kẻ xấu dèm pha cho rằng Chử Đồng Tử và Tiên Dung có ý tạo phản nên xuất binh đánh.Nhưng khi quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung và chồng chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Họ nhổ gậy thần và nón khỏi mặt đất,  hoá thành đôi hạc trắng bay lên trời.

Vì sao chèo Thái Bình lại mạnh dạn dựng một kịch bản cũ là Cây gậy thần đã ra đời cách đây hàng chục năm để dự thi Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 sắp tới? Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình, NSND Vũ Ngọc Cải chia sẻ: “Tại thời điểm hiện nay tìm được một kịch bản phù hợp với nghệ thuật chèo truyền thống không có nhiều. Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát cũng đã thẩm định nhiều kịch bản được viết mới nhưng thấy không đáp ứng được yêu cầu của chèo Thái Bình. Để tham gia một cuộc liên hoan mang tính quốc gia, chúng tôi phải tìm cho mình một kịch bản thật sự phát huy được thế mạnh của nhà hát.Thiên duyên huyền tích khai thác đề tài dân gian tạo nhiều đất diễn cho nghệ thuật chèo và có thể giúp cho ê kíp sáng tạo, nghệ sĩ biểu diễn phát huy được đầy đủ các đặc trưng của nghệ thuật chèo tuyền thống”.

Làm mới một kịch bản cũ bằng một hình thức sân khấu mới là điều đáng ghi nhận

Quả thực khi xem Thiên duyên huyền tích, khán giả có một cảm giác thư thái khi thưởng thức một cách no đủ tới hơn 40 làn điệu chèo hay, nổi tiếng trong nghệ thuật chèo qua những giọng ca đã đạt tới độ chín, nhuần nhuỵ như Quang Dũng trong vai Chử Đồng Tử, Lê Vân vai Tiên Dung, NSƯT Thanh Hiện vai Hoàng hậu, Mạnh Hùng vai Vua Hùng, Mạnh Hà vai Lạc tướng… Đặc biệt là một diễn viên rất trẻ trong đoàn nhưng Lê Vân với vai Tiên Dung đã tạo ấn tượng rất đẹp về hình tượng nhân vật bởi phong cách biểu diễn tươi mát và giọng ca rất ngọt. Điều đặc biệt là vở diễn không chỉ khoe được những ưu thế đặc trưng của nghệ thuật chèo mà còn mang ý nghĩa thời sự bởi những giá trị tư tưởng của vở. Đặc biệt là quan điểm vì dân của Chử Đồng Tử vẫn luôn mới khi soi lại: “Dân ấm dân no vương quốc mới thịnh hưng. Dân đói khổ bần hàn là vận nước sẽ suy vi”. Vượt qua câu chuyện tình đẹp của Chử Đồng Tử – Tiên Dung thì vở diễn cũng đưa ra một triết lý mọi triều đại không thể hưng thịnh nếu không có sự đoàn kết, hợp lực của toàn dân.

Có mặt tại đêm diễn ra mắt vở Thiên duyên huyền tích, con gái của cố tác giả Hoàng Luyện, thạc sĩ Xuân Hồng cho biết: “Tôi đã xem nhiều bản diễn cải lương, xiếc kết hợp với cải lương dựng Cây gậy thần của cha tôi. Mỗi bản diễn ở từng loại hình đều thể hiện và khai thác tác phẩm ở một góc nhìn rất riêng. Tôi xin cảm ơn ê kíp sáng tạo vở đã mang tới cho kịch bản của cha tôi một sinh khí mới mẻ. Mang tới cho khán giả một vở diễn chèo rất đẹp, rất trữ tình, giầu cảm xúc. Đặc biệt là đạo diễn đã khéo léo đưa hát trống quân vô cùng thích khi đạo diễn đưa hát trống Quân Hưng Yên vào chèo Thái Bình vô cùng đặc sắc, ấn tượng”.

Hai nghệ sĩ Quang Dũng và Lê Vân đã thể hiện rất tốt hai nhân vật chính Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Có thể thấy qua Thiên duyên huyền tích, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình đã vận dụng được những làn điệu hay, cổ của ba vùng chèo nổi tiếng đất Thái Bình đó là Hà Xá (Hưng Hà), Sáo Dền (Vũ Thư), đặc biệt là chèo Khuốc nổi tiếng của Đông Hưng. Chia sẻ với Văn Hoá, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình, NSND Xuân Cải cho biết hiện nay nhà hát đang được địa phương tạo rất nhiều điều kiện, đặc biệt là năm 2022, Thái Bình đã phê duyệt và cho triển khai Đề án bảo tồn nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh, Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2030”, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15.7.2021 phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2025 và Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02.12.2021 phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt nam giai đoạn 2021 – 2030 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh đó, hằng tháng, Nhà hát Chèo Thái Bình đều tham gia biểu diễn và truyền dạy các làn điệu chèo truyền thông trên truyền hình của tỉnh, tham gia các hoạt động đưa chèo vào giảng dạy trong các trường phổ thông…

Nguồn: THÚY HIỀN (Báo Điện tử Văn hóa)

Sân khấu Chèo làm mới từ nét xưa

VHO- Đêm diễn ra mắt vở Cánh diều lạc gió của Nhà hát Chèo Việt Nam đã khiến nhiều vị khán giả rưng rưng xúc động, bởi câu chuyện của những nhân vật thời phong kiến nhưng vẫn hiển hiện nóng hổi trong đời sống hôm nay. Ai cũng sẽ nhìn thấy đâu đó quanh mình những cô gái trẻ vì “tham vàng bỏ ngãi”, vì những toan tính vụ lợi mà bỏ rơi người đàn ông chân tình giống như nhân vật trung tâm của vở diễn.

Cánh diều lạc gió do PGS Tất Thắng viết kịch bản văn học, chuyển thể chèo: Hồng Mặc Cát; Đạo diễn: NSƯT Đoàn Vinh. Câu chuyện kể về nàng Kim Thảo, sinh ra trong một gia đình gia giáo, bố là thầy đồ dạy chữ. Nàng đã có lời ước hẹn kết duyên với chàng thư sinh ở quê nhà. Thế nhưng, trong một chuyến vi hành của nhà vua, Kim Thảo đã lọt vào mắt xanh của ngài và được phong làm Thứ phi. Không mấy tiếc nuối cho mối tình với chàng thư sinh nghèo, Kim Thảo nhanh chóng rời bỏ gia đình lên triều đình để tận hưởng vinh hoa, phú quý. Khi cha mất, Kim Thảo cũng chẳng buồn về quê chịu tang. Vì vậy, nàng bị mang tiếng bất hiếu, bị phế và phải đi tu. Diễn biến và các tình tiết trong vở chèo không hề mới, thậm chí khán giả có thể đoán ngay được cái kết của vở, nhưng ê kíp sáng tạo đã khéo kết hợp những ưu thế nổi trội của nghệ thuật chèo truyền thống như tạo trò, đưa những làn điệu cổ đặc sắc để tạo sức hấp dẫn với khán giả. Người nghệ sĩ đã thổi hồn vào mỗi nhân vật để tạo nên những hình mẫu điển hình trong xã hội. Nếu làm phép đối chiếu thì rõ ràng những nhân vật xưa ấy vẫn không hiếm gặp trong đời sống hôm nay.

Cánh Diều (1 of 1)-7“Tôi rất tâm đắc với vấn đề mà kịch bản Cánh diều lạc gió của PGS Tất Thắng đưa ra, khi một bộ phận những người trẻ đang có suy nghĩ lệch lạc trong việc định hướng tương lai cho mình. Ngay cả những thanh niên ở nhiều gia đình gia giáo, được nuôi dạy, ăn học bài bản nhưng cũng có những quan điểm sống rất thực dụng, toan tính ngay cả trong chuyện tình cảm, hôn nhân giống như nhân vật trong vở. Họ sẵn sàng vượt qua mọi chuẩn mực đạo đức, bỏ rơi những mối tình đang có để đánh đổi, thậm chí là đánh mất mình trong những cuộc hôn nhân vụ lợi…”, đạo diễn Đoàn Vinh chia sẻ về ý tưởng dàn dựng. Có thể thấy, Cánh diều lạc gió như một lời cảnh báo rằng, hôn nhân không tình yêu, xuất phát bởi sự toan tính sẽ dẫn đến cái kết bi thương giống như nhân vật Kim Thảo trong vở chèo.

NSƯT Đỗ Kỷ, Quyền trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận định: “Tôi thấy quy trình dàn dựng của Nhà hát Chèo Việt Nam rất chuyên nghiệp, từ khâu kịch bản văn học chuyển thể sang chèo cho tới cách dàn dựng và diễn xuất. Có thể khẳng định rằng, Nhà hát luôn xứng với danh hiệu là “cánh chim đầu đàn” trong làng chèo cả nước”.

Cánh Diều (1 of 1)-10Mặc dù tuổi đã cao nhưng khi được Bộ VHTTDL mời tới xem vở diễn với vai trò là thành viên của Hội đồng nghệ thuật, TS Trần Đình Ngôn phấn khởi cho biết: “Trước hết, tôi rất vui vì được xem một vở chèo 100% là chèo “xịn”, chứ không “gieo vừng ra ngô” như một số vở gần đây. Từ tích trò, cấu trúc, diễn biến cho tới phương pháp xây dựng tính cách nhân vật, xử lý hành động trên sân khấu đều tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống. Đặc biệt là các mâu thuẫn trong vở được tổ chức theo dòng tự sự, bám sát đường dây số phận của nhân vật. Hậu quả của nhân vật chính được quyết định bởi tính cách và mong muốn của cô ấy”. Tác giả Trần Đình Ngôn cũng tỏ ra vui mừng khi nhận xét về tác giả chuyển thể chèo Hồng Mặc Cát. Ông khẳng định, qua Cánh diều lạc gió, ngành chèo đã có thêm một cây viết rất “chắc tay”, đó là lý do mà khán giả được đắm mình trong những làn điệu chèo cổ tuyệt vời như: Tò vò, Luyện năm cung, Tòng nhất nhi chung… Điều thú vị là đạo diễn và tác giả chuyển thể đã mạnh dạn đưa những làn điệu vốn chỉ dành cho vai đào thương như Chức cẩm hồ văn cho vai nữ tính cách Kim Thảo; cách xử lý này đã tạo nên nhiều đất cho diễn viên thể hiện.

Điều đáng nói là dàn diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam đều rất chắc nghề, họ chính là những nhân tố quan trọng thổi lửa vào các nhân vật trong tác phẩm. Chỉ với vài gương mặt chính xuyên suốt toàn bộ vở diễn, thế nhưng khán giả vẫn bị hút vào tình tiết các câu chuyện và đặc biệt là được thả hồn lắng nghe những giai điệu ngọt ngào trong kho tàng âm nhạc truyền thống. Cánh diều lạc gió khai thác đề tài dân gian nhưng khi xem, khán giả hôm nay vẫn cảm nhận được những bài học đạo lý, nhân văn sâu sắc mà không hề cũ.

Cánh diều lạc gió là một vở chèo hay, đáng để xem và suy ngẫm. Tuy nhiên, tôi cho rằng những đạo diễn, họa sĩ thiết kế sân khấu nên nghiên cứu áp dụng kỹ thuật công nghệ mới để tạo phông cảnh cho bắt mắt. Sự đơn giản trong thiết kế mỹ thuật đã phần nào làm cho sân khấu chèo trở nên đơn điệu. Đừng cho rằng chèo vốn dĩ là ước lệ nên chiếu chèo cứ mãi đơn giản với vài ba bục bệ, điều đó làm giảm sự sinh động và sức hấp dẫn của vở diễn.

Các nghệ sĩ đã phải nghỉ suốt một thời gian dài bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban giám đốc Nhà hát cần sớm có kế hoạch để đưa “Cánh diều lạc gió” đến với khán giả. Và quan trọng nhất là sáng tạo, phát triển nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên những nét đẹp của nghệ thuật chèo truyền thống.

(PGS.TS TẠ QUANG ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ VHTTDL)

 Nguồn: THÚY HIỀN (Báo Điện tử Văn Hóa)

Vở Hồng Hà nữ sĩ: Đậm chất Chèo cổ, trữ tình và sâu lắng

VHO- Đêm diễn tổng duyệt vở Hồng Hà nữ sĩ vừa qua tuy chỉ có sự tham gia của các đại biểu và một số khán giả yêu Chèo Hà Nội, thế nhưng tất cả đều đã bị chinh phục bởi sự mẫu mực từ kịch bản, cách dàn dựng cho đến diễn xuất đỉnh cao của các nghệ sĩ đến từ “cánh chim đầu đàn” Nhà hát Chèo Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự và tặng hoa động viên ê kíp sáng tạo vở và các nghệ sĩ.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa động viên các nghệ sĩ sau đêm tổng duyệt

Hồng Hà nữ sĩ đánh dấu sự trở lại của tác giả Trần Đình Ngôn (Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT), cây đại thụ của làng Chèo đã thêm một lần khẳng định tài năng uyên bác qua sự chuẩn chỉ trong cấu trúc kịch bản, văn phong ngôn ngữ và đặc biệt là các làn điệu Chèo cổ được khai thác và tỏa sáng trên sân khấu. Vở diễn được NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nữ Tiến sĩ hiếm hoi của làng Chèo dàn dựng. Là thành viên của Hội đồng tổng duyệt chương trình, PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định: “Tôi rất vui vì lâu lắm mới được xem một vở đậm chất Chèo như Hồng Hà nữ sĩ. Ê kíp sáng tạo đã chắt chiu tư liệu lịch sử để sáng tạo ra một tác phẩm nói về nhân vật lịch sử Đoàn Thị Điểm. Ca ngợi một bậc tiền nhân với những áng thơ bất hủ càng tăng thêm chất trữ tình, trong sáng cho vở diễn”.

Tác giả Trần Đình Ngôn chia sẻ: “Tôi chọn xây dựng hình tượng Đoàn Thị Điểm vì bà khác với nhiều nữ sĩ khác trong lịch sử, ở bà nổi trội lên đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Về tài văn thơ cũng như tài đối đáp thông minh của bà đã có nhiều người viết, nhưng bà còn là một phụ nữ yêu nước và có tầm nhìn của một chính trị gia, đồng thời lại rất xinh đẹp, đức hạnh và hiếu nghĩa. Cha mất sớm, bà cùng anh trai phụng dưỡng mẹ già. Rồi anh trai cũng mất để lại chị dâu cùng con nhỏ. Bà về làng dạy học, bốc thuốc, thay anh nuôi mẹ cùng các cháu và chị dâu bệnh tật. Đến năm 37 tuổi, bà mới nhận lấy Tiến sĩ Nguyễn Kiều, một người nổi tiếng hay chữ và thanh liêm. Bà chưa muốn đến với cuộc hôn nhân muộn màng nhưng mẹ già và cả nhà giục giã, đồng thời cũng vì tình thương những đứa trẻ, con riêng của chồng mất mẹ. Nổi bật lên ở nữ sĩ đó là sự cảm thông với số phận của người phụ nữ mà hy sinh quên cả bản thân mình”.

Bản thân nhân vật Đoàn Thị Điểm không có quá nhiều những biến cố tạo kịch tính để đẩy lên thành cao trào cho sân khấu, nhưng tác giả và đạo diễn đã tìm ra một chìa khóa riêng, khai thác chất trữ tình, chất văn chương và xây dựng lên một hình mẫu phụ nữ lý tưởng, tỏa sáng nét đẹp từ những ứng xử nhân văn, đầy tình người của nữ sĩ. Cốt truyện có phần đơn giản nhưng điều làm người xem thích thú là được khoan khoái, thư giãn để trở về những làn điệu Chèo cổ mượt mà, trữ tình, sâu lắng. Bên cạnh đó, những mảng miếng hài cũng được đan cài khéo léo để tăng sức hấp dẫn cho vở qua những màn đối thơ, màn ăn hỏi hụt…

Một cảnh trong vở diễn

Tham gia biểu diễn có nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam, từ những “cây đa cây đề” như NSƯT Kim Liên (vai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), NSƯT Phú Kiên (Chánh sứ Nguyễn Kiều) cho tới những diễn viên trẻ mới làm nghề… Sự tinh tế, chuẩn chỉ của các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, kết hợp với sự tươi mới, nắm vững cơ bản của lớp diễn viên trẻ cho thấy công tác bồi dưỡng lớp diễn viên trẻ kế cận đã được Nhà hát Chèo Việt Nam quan tâm, phát triển đúng hướng.

Có thể nói, thời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm liệu có mấy ai đủ dũng cảm để từ chối làm cung phi của Chúa, vậy mà bà đã vượt lên những ràng buộc của thể chế quân vương bảo thủ để có tầm suy nghĩ như một chính trị gia, thậm chí còn đưa ra 10 điều luận bàn về việc xây dựng đất nước, mơ về một quốc gia thịnh trị với vua sáng tôi hiền… Câu chuyện cách nay 300 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự khi tái hiện trên sân khấu Chèo những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thấm đẫm tình người và đức hy sinh quên mình cho gia đình nói riêng và cộng đồng nói chung. Điều đó thật có ý nghĩa trong giai đoạn cả nước đang cùng chung tay vượt qua những khó khăn, cam go bởi dịch bệnh.

 Chèo đang đứng trước thách thức đổi mới để tồn tại

Để nâng cao chất lượng tác phẩm, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã mời một số chuyên gia ở từng thể loại sân khấu góp ý để các tác phẩm hoàn thiện tốt hơn trong mỗi đợt tổng duyệt chương trình.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các chương trình văn hóa, giải trí ngập tràn trên Internet, trên sóng truyền hình khiến cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng bị lấn át và có nguy cơ mai một nếu không có định hướng phát triển phù hợp. Để Chèo đến gần hơn với công chúng, được khán thính giả yêu thích, việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật Chèo là cả một vấn đề nan giải. Với những cố gắng, nỗ lực, làng Chèo Việt Nam mong muốn và hy vọng sẽ làm cho công chúng ngày càng biết đến và yêu Chèo nhiều hơn. Những vở diễn mẫu mực như “Hồng Hà nữ sĩ” thể hiện khuynh hướng nghệ thuật đúng đắn, đó là: Làm Chèo không thể cứ mãi vay mượn mà phải thật sự chuẩn chỉ đậm chất Chèo.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG)

Nguồn: LƯƠNG NHI – Báo Điện tử Văn hóa

Giữ lửa đam mê nghệ thuật Chèo

Trong bối cảnh giãn cách xã hội, nghệ sĩ và công chúng cùng ở nhà chung tay phòng, chống dịch bệnh, sân khấu cũng đóng cửa, tắt đèn. Tuy vậy, trên nền tảng trực tuyến, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn “cháy hết mình” qua các chương trình biểu diễn, giao lưu với khán giả, đưa chèo đến gần người yêu nghệ thuật truyền thống.

Giữ liên hệ với khán giả

“Một năm trở lại đây mới được nghe nghệ sĩ hát trực tiếp”; “lâu lắm rồi mới được nghe bài Hề chèo, nghệ sĩ hát hay quá!”; rồi “rất mong một ngày gần nhất được tới Nhà hát Chèo Việt Nam, được thưởng thức trực tiếp các nghệ sĩ diễn hát chèo”… là những lời bình luận, tán thưởng của khán giả gửi tới chương trình trực tuyến “Giữ lửa đam mê”, vừa được ra mắt trên fanpage Nhà hát Chèo Việt Nam.

Không chỉ biểu diễn các làn điệu chèo như “Đào Liễu”, “Tò Vò”; “Hề Cu Cậu”, hát văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, “Lời ru tình mẹ”, “Luyện năm cung”… theo nguyện vọng của khán giả, nghệ sĩ còn trò chuyện, trả lời câu hỏi của người yêu nghệ thuật. Cách xa về không gian vật lý, người biểu diễn và người xem đều ở trước màn hình, nhưng hình thức biểu diễn, giao lưu như vậy lại giúp nghệ sĩ và khán giả gần gũi hơn bao giờ hết. Ngay sau khi ra mắt, buổi diễn đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem, bình luận, like, share, bày tỏ sự đón nhận của khán giả khi được trực tiếp nghe hát chèo khi ở nhà chống dịch; lại được nghe nghệ sĩ chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề…

Được chọn mở màn chương trình “Giữ lửa đam mê”, nghệ sĩ Trần Thái Sơn, Đoàn Nghệ thuật Truyền thống, Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: “Fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam có rất đông khán giả “ruột”, trước đây họ từng đến nhà hát xem nghệ sĩ biểu diễn, dõi theo các sự kiện hay video được chia sẻ trên đó. Minishow được tổ chức, vừa hát vừa tương tác với khán giả “ruột” và cả khán giả mới, nên trước buổi livestream tôi có chút hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, cảm giác ấy tan biến khi được hát, được trò chuyện với mọi người. Tôi thấy rất vui và thú vị”.

239251534_4553927971305019_5041852588620043631_nTheo nghệ sĩ Trần Thái Sơn, trên sân khấu, nghệ sĩ được hỗ trợ với kịch bản, đạo diễn, bạn diễn, nhạc công, âm thanh, ánh sáng… trong khi livestream không có các yếu tố đó, nghệ sĩ phải tự biên tự diễn. “Tuy vậy, dù biểu diễn livestream hay trên sân khấu, nghệ sĩ đều phải nghiêm túc và chỉn chu. Thay vì nghe tiếng vỗ tay ở sân khấu, nghệ sĩ được mọi người khen ngợi, động viên bằng những dòng bình luận rất tích cực và ấm áp. Sau livestream và thấy khán giả thích thú đón nhận, mong chờ buổi diễn tiếp theo, tôi nhận thấy rằng, ngoài sân khấu, nghệ sĩ có thể tiếp cận khán giả bằng nhiều phương tiện, hình thức, nhưng phải chắt lọc các tiết mục hay và chất lượng để phục vụ khán giả. Vì đó là sứ mệnh của nghệ sĩ!”.

“Trước đây, nghệ sĩ được biểu diễn phục vụ đông đảo công chúng, thậm chí ở những nơi xa xôi nhất như miền núi, hải đảo, rồi dựng các vở diễn mới. Đại dịch xảy ra, gần đây các hoạt động của sân khấu tạm ngưng. Tuy nhiên, chúng tôi rất vui vì có công nghệ 4.0 đưa nghệ thuật tới gần khán giả hơn”.

Nghệ sĩ Trần Thái Sơn

Tạo thương hiệu trên nền tảng trực tuyến

Dự kiến diễn ra vào 20 giờ Chủ nhật hàng tuần, “Giữ lửa đam mê” mỗi minishow sẽ là sự xuất hiện của một nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam. NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Trong tình hình dịch bệnh, nghệ sĩ cũng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ. Vì thế, chúng tôi đồng ý để Đoàn Thanh niên của Nhà hát thực hiện chương trình hàng tuần, giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ. Qua đó, nghệ sĩ có sân chơi, giao lưu với khán giả để giữ lửa đam mê, khi hết đại dịch lại bước vào các chương trình biểu diễn lớn; đồng thời động viên tinh thần người yêu nghệ thuật truyền thống trong mùa dịch”.

Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Chèo Việt Nam Vũ Hương Lan cho biết, ý tưởng tổ chức chương trình đến rất bất ngờ. “Mùa dịch vừa rồi, Nhà hát ít hoạt động. Năm nay lại đánh dấu sự kiện lớn của Nhà hát – 70 năm ngày thành lập, nên bộ phận truyền thông đưa ra nhiều phương án để tăng tương tác với khán giả thông qua fanpage. Ví dụ như đăng tải link một số vở diễn đã quay truyền hình, một số bài hát lẻ do nghệ sĩ Nhà hát biểu diễn hoặc một số bài viết chuyên sâu về những tác phẩm chèo đã trở thành mẫu mực. Trước đó, chúng tôi cũng có hoạt động giới thiệu gương mặt nghệ sĩ thông qua hình ảnh hoặc video clip do chính nghệ sĩ biểu diễn. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn thay đổi để đạt hiệu quả tốt hơn. Chính nhờ cuộc nói chuyện với nghệ sĩ Trần Thái Sơn về ý tưởng biểu diễn livestream trên fanpage Nhà hát, tôi cùng ekip thực hiện chương trình đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Từ khi hình thành ý tưởng tới ngày đầu tiên ra mắt chương trình, chúng tôi có đúng 3 ngày chuẩn bị”.

Chương trình mới ra mắt đã nhận được sự đón nhận của khán giả, khiến những người thực hiện cũng bất ngờ. Chị Hương Lan bày tỏ: “Chúng tôi không nghĩ chương trình được khán giả quan tâm, hưởng ứng như vậy. Trước đây, Nhà hát phát trực tiếp nhiều chương trình biểu diễn, cũng nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ khán giả. Nhưng lần livestream này, tôi thực sự bất ngờ bởi sự tương tác quá lớn. Bên cạnh yếu tố chuyên môn, cá nhân tôi cho rằng đây cũng là dịp để nghệ sĩ mạnh dạn xuất hiện trước công chúng. Qua chuỗi minishow này, hy vọng khán giả sẽ biết đến nhiều gương mặt nghệ sĩ và tài năng của họ”.

Không chỉ giới thiệu đội ngũ nghệ sĩ trẻ, dự kiến, chương trình sắp tới còn giới thiệu các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam với những chia sẻ kinh nghiệm về nghề cho các thế hệ sau và có thể chương trình sẽ có sự xuất hiện của những người đã góp sức để chèo được giữ gìn, phát triển. “Dù có nhiều khó khăn để tổ chức làm sao cho hấp dẫn khán giả, chúng tôi vẫn nỗ lực với mong muốn sẽ duy trì chương trình trong thời gian dài, đưa “Giữ lửa đam mê” trở thành thương hiệu trên nền tảng trực tuyến của Nhà hát Chèo Việt Nam” – chị Vũ Hương Lan nói.

Thảo Nguyên – Báo Đại biểu Nhân dân

“GIỮ LỬA ĐAM MÊ” – chương trình nghệ thuật trực tuyến giữa mùa dịch của Nhà hát Chèo Việt Nam

Nếu bạn là người yêu nghệ thuật Chèo thì không thể bỏ qua chuỗi chương trình trực tuyến “GIỮ LỬA ĐAM MÊ” đến từ Nhà hát Chèo Việt Nam!

“GIỮ LỬA ĐAM MÊ” là chương trình nghệ thuật giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ đã và đang công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Mỗi chương trình sẽ là sự xuất hiện của một nghệ sĩ. Đơn giản có thể hiểu, đây là một #mini_show của mỗi nghệ sĩ.

Tại mỗi chương trình, người nghệ sĩ vừa đóng vai trò là một MC, vừa đóng vai trò là một khách mời, tương tác trực tiếp với khán giả qua những câu hỏi, chia sẻ những câu chuyện đời, chuyện nghề. Và, tất nhiên, sẽ không thể thiếu những làn điệu Chèo da diết cùng giọng hát mượt mà của nhân vật chính.

Số đầu tiên của mini show “GIỮ LỬA ĐAM MÊ” sẽ chính thức được lên sóng vào lúc ???????????????????? ngày ????????/????/???????????????? trên fanpage Nhà hát Chèo Việt Nam.

Kính mời quý vị khán giả cùng đón xem!

Đoàn chèo Hải Phòng ra mắt vở diễn mới

Đoàn chèo HP vừa ra mắt khán giả vở diễn mới “Những đứa con oan nghiệt” của tác giả NSND Doãn Hoàng Giang; đạo diễn NSND Xuân Huyền; âm nhạc Hạnh Nhân; chỉ đạo nghệ thuật Hoàng Mai.
Vở diễn “Những đứa con oan nghiệt” được bắt đầu với câu chuyện tướng cướp Tư Chớp bí mật đánh tráo đứa con ruột của mình lấy con người thầy đồ với mong muốn mình sẽ có một đứa con ham học, sáng đường công danh sự nghiệp. Nhưng Đức – đứa con được Tư Chớp nâng niu, hy vọng lớn lên vẫn trở thành một kẻ độc ác, bất nhân, mang bản chất của một kẻ cướp liều lĩnh. Nhân – con ruột của Tư Chớp – sống trong sự nuôi dạy nghiêm cấm của thầy đồ trở thành một chàng trai thông minh, giàu lòng nhân áiiiiCả Nhân – Đức và Long – con trưởng của Tư Chớp đều đem lòng yêu mến Hạnh – cô thôn nữ xinh đẹp, dịu dàng. Nhân đỗ Trạng nguyên, muốn xin cưới Hạnh làm vợ; ghen ghét và hũng hãn, Long giết chết Nhân – người em ruột của mình mà không hay biết.
“Những đứa con oan nghiệt” là một tác phẩm sân khấu có tính giáo dục sâu sắc, với triết lý “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” môi trường sống và giáo dục quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách của con người.Sự nuôi dạy bằng tình yêu và lòng nhân hậu là phương pháp tốt nhất để mỗi con người trưởng thành có phẩm chất và tâm hồn cao đẹp./.
Administrator Account