Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất-2017: Bản nhạc đẹp giữa Thủ đô gió ngàn

VH – Nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc của văn hóa dân tộc Dao trong đời sống đương đại, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần đầu tiên sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang trong các ngày 29-30.9. Dấu ấn của ngày hội được hứa hẹn không chỉ về quy mô mà còn là một không gian đậm đặc các giá trị văn hóa tinh túy, lâu đời đã được đồng bào Dao gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ.

 Đại diện địa phương “chủ nhà”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hải Anh (Trưởng BTC, Phó BCĐ Ngày hội) nhấn mạnh, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần đầu tiên là một sự kiện văn hóa rất ý nghĩa, đặc biệt trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam nói chung và của dân tộc Dao nói riêng.

Là địa bàn có đông người Dao sinh sống, Tuyên Quang đã được Bộ VHTTDL lựa chọn là đơn vị đăng cai ngày hội này. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị chức năng chuẩn bị chu đáo, khẩn trương các công việc có liên quan đến công tác tổ chức và nội dung của ngày hội…

Kịch bản đêm khai mạc được thiết kế với ý tưởng khai thác những giá trị độc đáo, tiêu biểu nhất trong kho tàng văn hóa người Dao nhưng cách thể hiện phải mới lạ, không trùng lặp với các đêm khai mạc theo “form” sân khấu hóa, nhàm chán và lặp lại. Theo đó, sẽ có ba nội dung trích đoạn các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Dao gồm: lễ cấp sắc, trích đoạn đón dâu trong đám cưới của người Dao, trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Dao được chọn làm “sườn” nội dung chính trong đêm mở màn ngày hội.

Ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang, Phó trưởng ban thường trực BTC Ngày hội cho biết, cho đến thời điểm này, Sở VHTTDL Tuyên Quang đã hoàn thành các khâu cơ bản như xây dựng kịch bản lễ khai mạc cũng như triển khai lắp dựng sân khấu tại hai địa điểm ở thành phố Tuyên Quang là Quảng trường Nguyễn Tất Thành (phía trước Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang) và khu vực hồ Công viên.

Đêm khai mạc Ngày hội sẽ diễn ra tại sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành vào tối 29.9. Là tác giả kịch bản, ông Nguyễn Vũ Phan cho biết, kịch bản được thiết kế với ý tưởng khai thác những giá trị độc đáo, tiêu biểu nhất trong kho tàng văn hóa người Dao nhưng cách thể hiện phải mới lạ, không trùng lặp với các đêm khai mạc theo “form” sân khấu hóa, nhàm chán và lặp lại.

Theo đó, ông Phan lựa chọn ba nội dung trích đoạn các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Dao gồm: lễ cấp sắc, trích đoạn đón dâu trong đám cưới của người Dao, trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Dao làm “sườn” nội dung chính trong đêm mở màn ngày hội. “Với sự đan xen nhuần nhuyễn của âm nhạc, vũ điệu, trang phục và những thông điệp văn hóa thông qua từng lễ hội, đêm khai mạc sẽ cố gắng khắc họa nổi bật từng “lát cắt” văn hóa sinh động của dân tộc Dao, thông qua các mảng miếng khúc triết và rõ nét.

Hiện nay, các nghệ nhân, diễn viên người Dao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang gấp rút triển khai công tác tập luyện theo từng mảng nội dung, sau đó sẽ ghép lại trong chương trình tổng thể. Dự kiến có gần 230 nghệ nhân, diễn viên quần chúng người Dao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cùng với 120 diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Bắc và Đoàn Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang được huy động để tham gia đêm khai mạc ”, ông Nguyễn Vũ Phan cho biết.

Hiện nay, các nghệ nhân, diễn viên người Dao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang gấp rút tập luyện cho chương trình nghệ thuật khai mạc ngày hội. Dự kiến có gần 230 nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cùng với 120 diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Bắc và Đoàn Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang được huy động để tham gia đêm khai mạc.

Theo kế hoạch, Ngày hội Văn hóa Dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất sẽ có sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố. Ngoài tỉnh “chủ nhà” , các địa phương khác cùng quy tụ về vùng đất quê hương cách mạng, tham gia ngày hội tôn vinh văn hóa dân tộc Dao gồm có: Hà Giang, Sơn La, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Nguyên. Với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong thời kỳ đổi mới- hội nhập và phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội lựa chọn Tuyên Quang làm tỉnh đăng cai bởi cùng với Hà Giang, Tuyên Quang là địa phương có đông người Dao sinh sống nhất trong cả nước, với khoảng 100 ngàn người.

Theo ông Nguyễn Vũ Phan: “Văn hóa dân tộc Dao rất sống động và đa dạng, các nhánh Dao cũng tương đối phong phú, tiêu biểu có thể kể đến Dao đỏ, Dao Tiền, Dao Thanh Y, Dao Quần trắng, Dao Quần chẹt… Mỗi nhóm đều có những nét đặc trưng riêng biệt, tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên bức tranh đa sắc, nhiều giá trị độc đáo của dân tộc này”.

Ngoài đêm khai mạc, ngày hội cũng sẽ diễn ra với nhiều nội dung phong phú. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng sẽ diễn ra tại sân khấu hồ Công viên, trong đó mỗi tỉnh tham gia 4 tiết mục nghệ thuật đặc trưng, điểm nhấn là những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc Dao cổ. Ở phần trình diễn trang phục nữ truyền thống, mỗi địa phương cũng sẽ lựa chọn, giới thiệu những trang phục nguyên gốc, đại diện cho từng nhóm dân tộc Dao tiêu biểu.

Phần trình diễn, giới thiệu các trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Dao cũng là nội dung sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị. Bên cạnh đó, du khách cũng có cơ hội được thưởng thức các món ẩm thực hương vị đậm đà; xem thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Dao và các hình ảnh, sản phẩm văn hóa truyền thống, các nhạc cụ, trang phục dân tộc… được trưng bày tại triển lãm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao”.

“Phần trình diễn, giới thiệu các trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Dao cũng là nội dung sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.

Bên cạnh đó, du khách đến Tuyên Quang trong những ngày này cũng có cơ hội được thưởng thức các món ẩm thực hương vị đậm đà; xem thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Dao và các hình ảnh, sản phẩm văn hóa truyền thống, các nhạc cụ, trang phục dân tộc… được trưng bày tại triển lãm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao”, ông Nguyễn Vũ Phan thông tin.

Cho biết về nội dung hội thảo “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước”, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh, hội thảo là một trong những nội dung trọng tâm của ngày hội. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo 12 địa phương tham gia chuẩn bị chu đáo những tham luận, ý kiến tại hội thảo nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực cho công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc của dân tộc Dao trong đời sống đương đại.

Bên cạnh đó, các nội dung hoạt động du lịch trong khuôn khổ Ngày hội cũng sẽ được Tổng cục Du lịch và tỉnh Tuyên Quang lên kế hoạch. Song song với các chương trình nghệ thuật, ẩm thực, lễ hội, các đoàn tham gia cũng có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn của Thủ đô gió ngàn, quê hương cách mạng.

(Nguồn: Hoàng Ngân – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Tuần Du lịch Ba Bể – Bắc Kạn năm 2017 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn

(Tổ Quốc) – Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Kạn, Tuần du lịch Ba Bể – Bắc Kạn 2017 sẽ được tổ chức trong thời gian từ ngày 18 – 23/10/2017.

Nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch sinh thái và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đến với du khách trong nước và quốc tế, Tuần du lịch Ba Bể – Bắc Kạn 2017 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 18/10 tại Khu tổ chức Lễ hội Lồng tồng Ba Bể ở thôn Pó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Theo chương trình, Tuần du lịch Ba Bể – Bắc Kạn 2017 còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn như: Lễ hội Hoa đăng vào tối ngày 20/10 tại hồ Ba Bể; chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại Khu tổ chức Lễ hội Lồng tồng Ba Bể với các hoạt động thi đấu các môn thể thao (bóng chuyền hơi, kéo co, đẩy gậy, tung còn, bắn nỏ…) và tổ chức các trò chơi dân gian (đua thuyền độc mộc, bắt vịt, bịt mắt bắt dê, đập niêu đất)…

Đặc biệt, chương trình trưng bày, quảng bá, giới thiệu văn hóa du lịch Bắc Kạn sẽ được tổ chức liên tục từ ngày 18 – 23/10/2017, tại Khu tổ chức Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể. Các huyện, thành phố, doanh nghiệp sẽ tham gia trưng bày và bán các sản phẩm, sản vật đặc sắc của địa phương, chế tác các dụng cụ sản xuất, đàn tính, khèn, đan, dệt, thêu…, chế biến các món ăn đặc trưng truyền thống của từng địa phương phục vụ khách du lịch; giới thiệu tài nguyên du lịch của địa phương qua đó giúp du khách trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những nét văn hóa đặc trưng; về mảnh đất, con người và tiềm năng du lịch của Bắc Kạn.

Cùng với đó, trong khuôn khổ Tuần du lịch Ba Bể còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú như trưng bày và giới thiệu sách, báo, tranh, ảnh giới thiệu, quảng bá về du lịch Bắc Kạn; Tổ chức chiếu phim tuyên truyền, quảng bá du lịch…

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ IX và Tuần Du lịch Ba Bể – Bắc Kạn năm 2017 cho biết: Chương trình Tuần Du lịch Ba Bể – Bắc Kạn năm 2017 diễn ra từ ngày 18 – 23/10/2017 được xác định là một nội dung nổi bật trong tổng thể các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Bắc Kạn; đây không chỉ là điều kiện đưa du lịch Bắc Kạn đến gần với du khách thập phương mà còn cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư vào các loại hình du lịch dịch vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển./.

(Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam)

Cuộc đua miễn visa để thúc đẩy du lịch ở nhiều nước trên thế giới

VH – Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng chính sách miễn visa du lịch để thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp không khói này và cũng là cách để truyền bá văn hóa của mình. Điều đáng nói là nó luôn mang lại hiệu quả đáng mừng.

Jeju (Hàn Quốc), Qatar miễn visa du lịch cho hàng chục quốc gia

Giữa tháng 8 này, tờ Daily Sabah đưa tin, Chính phủ Qatar đã chính thức triển khai chương trình miễn thị thực nhập cảnh cho 80 quốc gia để kích thích vận tải hàng không và phát triển du lịch. Thay vì phải nộp đơn và trả phí để có được thị thực thì công dân của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có trong danh sách chỉ phải xuất trình hộ chiếu hợp lệ để nhập cảnh vào quốc gia vùng Vịnh này – nơi sẽ tổ chức World Cup năm 2022. Tùy vào quốc tịch của khách, tại cửa khẩu, nhân viên sẽ kiểm tra hộ chiếu và cung cấp thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần hoặc một lần trong vòng 30, 90, hay 180 ngày. Danh sách được lựa chọn dựa trên cơ sở an ninh, kinh tế và sức mua của người dân nước đó.

Ông Hassan al-Ibrahim, một quan chức của Bộ Du lịch nước này tuyên bố tại một cuộc họp báo ở Doha: “Qatar sẽ trở thành quốc gia cởi mở nhất trong khu vực với chương trình miễn thị thực có hiệu lực ngay lập tức này”. Truyền thông Qatar nhận định, chính sách này chủ yếu sẽ áp dụng cho công dân các nước phương Tây và một số các quốc gia khác như Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Nam Phi, Australia và New Zealand.

Trước đó, tháng 7 năm nay, Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch miễn visa 5 ngày cho du khách Việt Nam và các nước Đông Nam Á đi đảo Jeju, quá cảnh ở sân bay Incheon hoặc Gimhae. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn khuyến khích các hãng hàng không trong nước mở rộng thêm nhiều tuyến đường bay từ các nước Đông Nam Á và Nhật Bản. Giá vé cũng sẽ đa dạng hơn, nhiều sự lựa chọn để bạn có thể tiết kiệm chi phí cho chuyến hành trình.

Từ tháng 11.2011, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức quyết định miễn visa đến 30 ngày cho công dân các nước (trừ 11 nước trong danh sách). Việc kiểm soát đường từ đất liền Hàn Quốc được Chính phủ tiến hành khá chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa việc nhập cảnh bất hợp pháp.

Lợi hàng trăm nghìn USD/năm nhờ miễn visa

Qatar, Hàn Quốc không phải là những nước đầu tiên miễn visa để thúc đẩy du lịch, nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp dụng cách này và gặt hái được thành công. Chẳng hạn, từ 1.9.2016, Đài Loan (TQ) đã nới lỏng những quy định trong chính sách cấp visa cho nhiều quốc gia châu Á.

Lotte-World-Tower-by-Kohn-Pederson-Fox-Associates-4

Cụ thể, từ ngày 1.9.2016, công dân thuộc 8 nước trong đó có 7 nước Đông Nam Á (gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào) và Ấn Độ thuộc diện miễn visa nhập cảnh trong 30 ngày kèm một số điều kiện. Công dân các nước có visa còn thời hạn của các nước Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, các nước thuộc khối Schengen cũng được miễn visa du lịch khi vào Đài Loan.

Năm ngoái, Chính phủ Australia cũng đã đưa ra visa du lịch với cơ chế nhập cảnh nhiều lần trong 3 năm, đây là một trong những cách thúc đẩy du lịch của Australia.

Ước tính thay đổi này trong visa du lịch sẽ mang về số tiền 1,5 triệu đô la cho ngân sách chính phủ trong 4 năm, kể từ năm tài khóa 2016-2017.

Việc này cũng cho biết cùng với những cải tổ khác trong vấn đề visa sẽ tiết kiệm được cho ngân sách số tiền 180 triệu đô la trong 3 năm từ 2017-2018 bằng cách cải thiện quy trình xét duyệt visa tự động, cung cấp tùy chọn tự phục vụ và khả năng duyệt xét tinh tế hơn.

Qatar gây chú ý vì miễn visa du lịch cho công dân của 80 quốc gia
Qatar gây chú ý vì miễn visa du lịch cho công dân của 80 quốc gia

Hàng loạt các quốc gia đã và đang miễn visa du lịch

Còn rất nhiều quốc gia đã thực thi việc miễn visa du lịch và chỉ cần với tấm hộ chiếu làm rất đơn giản trong ngày, bạn đã có thể tham quan vẻ đẹp của đất nước họ, chẳng hạn Haiti, Cộng hòa Dominica, Cộng hòa Maldives, Nepal, Iran, Nhật Bản.

Với Cộng hòa Maldives, du khách không cần làm visa trước mà tới đó sẽ cấp visa tại chỗ cho du khách. Chỉ cần bạn đưa vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn, nhân viên nhập cảnh sẽ đóng dấu hộ chiếu (còn hạn hơn 6 tháng), visa miễn phí trong 30 ngày.

Với Nepal, du khách chỉ cần tiền USD đóng lệ phí visa (20 đô la cho visa 15 ngày), 2 ảnh thẻ cỡ hộ chiếu, một trang trống là xin được visa ngay sân bay Kathmandu, thời gian lưu trú 90 ngày.

Với Iran, du khách có hộ chiếu phổ thông có thể lấy visa tại cửa khẩu Iran có giá trị trong 17 ngày và 50 đô la. Thông tin xuất nhập cảnh tại thủ đô Tehran yêu cầu bạn mang theo ảnh thẻ để làm visa on arrival.

Với Nhật Bản, từ tháng 11.2016, khách du lịch các nước Việt Nam, Philippines và Indonesia tham gia tour trọn gói của các công ty du lịch được Nhật Bản chỉ định được đơn giản hóa thủ tục xin thị thực du lịch một lần, thời hạn có hiệu lực của thị thực Nhật Bản sẽ được kéo dài đến 5 năm (trước đây là 3 năm).

P.V

“Cha cõng con” là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt dự giải Oscar 2018

Dân trí – Một thành viên của Hội đồng bình chọn phim dự giải Oscar 2018 tiết lộ, phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng là phim đạt được số điểm cao nhất trong 3 phim, trở thành đại diện duy nhất của điện ảnh Việt dự giải Oscar 2018 diễn ra vào tháng 3/2018 tại Mỹ.

Vào chiều qua, Hội đồng bình chọn phim dự giải Oscar 2018 gồm 11 thành viên đã có buổi làm việc tại Hà Nội. Theo đó, có 3 phim được lựa chọn để chấm điểm gồm: “Sút” của đạo diễn Việt Max, “Đảo của dân ngụ cư” của đạo diễn Hồng ánh và “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng. Xét về các tiêu chí để chấm điểm, Hội đồng bình chọn đánh giá “Cha cõng con” là phim nhỉnh nhất trong số 3 phim do phim đạt điểm cao nhất.

“Cha cõng con” do biên kịch Bùi Kim Quy và Lương Đình Dũng chuyển thể dựa trên truyện ngắn cùng tên “Cha cõng con” của chính đạo diễn Lương Đình Dũng viết từ năm 1995. Dự án điện ảnh đầu tay này được đạo diễn Lương Đình Dũng thai nghén suốt 10 năm trời. Phim có thời gian ghi hình thực tế 62 ngày, bao gồm cả ngày quay bổ sung. Tổng thời gian quay gần 80 ngày trong khi hầu hết các phim điện ảnh đều quay trong thời gian một tháng.

Đạo diễn Lương Đình Dũng và các diễn viên nhí trong phim Cha cõng con.
Đạo diễn Lương Đình Dũng và các diễn viên nhí trong phim “Cha cõng con”.

Chuyện phim kể về một cậu bé luôn mơ ước được chạm tay vào những đám mây bay trên bầu trời, và một người cha cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông. Cậu bé ấy tên Cá, lớn lên hồn nhiên như những con tôm, con cá. Hàng ngày, cậu tưởng tượng về vùng đất màu nhiệm trong những câu chuyện kể lung linh của một ông lão mù.

Cậu mơ ước một ngày lớn lên sẽ được đến cái nơi huyền diệu ấy nhưng Cá đã không còn đủ thời gian, không thể đợi mình lớn lên, cũng không thể đợi bố bắt đủ hàng triệu con cá để chữa bệnh cho mình. Và người cha cõng con đi, đi mãi cho con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể…

Kịch bản phim từng khiến nhà biên kịch nổi tiếng của Hollywood là Pilar Alessandra rơi nước mắt và quyết định biên tập miễn phí cho Lương Đình Dũng. Vị đạo diễn ấp ủ việc chuyển thể tác phẩm lên màn bạc từ lâu nhưng mãi đến năm 2013, anh mới có thể chính thức khởi quay. Song, dự án phim buộc phải trì hoãn bởi bối cảnh Hà Giang bị ngập lụt. Mãi đến 2015, quá trình ghi hình mới tiếp tục và tác phẩm chính thức hoàn thành trong cuối năm 2016.

“Cha cõng con” có bối cảnh chính là Bắc Mê (Hà Giang) và một vài cảnh tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Các diễn viên tham gia trong phim chủ yếu là nghiệp dư, ngoại trừ NSƯT Trần Hạnh trong vai ông mù và Ngô Thế Quân (nam diễn viên chính của Thời xa vắng) trong vai người cha. Riêng nhân vật Cá do cậu bé mồ côi Đỗ Trọng Tấn đến từ làng trẻ em SOS Việt Trì, Phú Thọ đảm nhận. Phim dự kiến ra rạp trong tháng 4/2017.

Trước khi phim ra rạp tại Việt Nam vào ngày 5/4, phim đã đạt được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế. Tháng 11/2016, “Cha cõng con” đã được trao giải Phim dài xuất sắc tại Liên hoan Canadian Diversity Film Festival. Tại Liên hoan phim Barcelona Planet, tác phẩm này cũng “ẵm” giải Quay phim xuất sắc.

Một cảnh trong Cha cõng con.
Một cảnh trong “Cha cõng con”.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Arizona lần thứ 26 diễn ra ở Nhà hát Trung tâm thành phố Touson (Mỹ), phim “Cha cõng con” đoạt giải “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất” (Best Foreine Feature) và giải “Quay phim ấn tượng nhất” (Special July Award For Outstanding Cinematography) do Ban giám khảo bình chọn dành cho nhà quay phim Lý Thái Dũng.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15, “Cha cõng con” đã được vinh danh giải “Phim có cốt chuyện hay nhất” (Indie Spirit Best Story Line Award).

Tiếp đó, phim lại đoạt giải “Quay phim xuất sắc nhất” (Best Cinematography) của Liên hoan phim Quốc tế Milano lần thứ 17 của Italy.

Được biết, lễ trao giải Oscar lần thứ 90 sẽ diễn ra vào ngày 4/3/2018 tại Mỹ. Và Jimmy Kimmel, một trong những người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nhất “xứ cờ hoa” sẽ tiếp tục dẫn dắt lễ trao giải này.

Việt Nam đã từng cử “Chuyện của Pao” (2007), “Áo lụa Hà Đông” (2008), “Đừng đốt” (2010), “Khát vọng Thăng Long” (2012), “Mùi cỏ cháy” (2013), “Trúng số” (2015) và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2016) đi tham dự và tranh giải thưởng tại Oscar.

(Nguồn: Hà Tùng Long – Báo Điện tử Dân trí)

Chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương: Xúc động và sâu lắng

(Tổ Quốc) – 20h tối ngày 11/9/2017, Chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên Đài PT-TH Hà Nội.

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Biển đảo quê hương” do TANDTC và Báo Công lý, phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 72 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945 – 13/9/2017).

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương

Tới dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình – Bí thư TW Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC; Trương Minh Tuấn- Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Hồng Quang, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chánh án TANDTC; Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải- Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân.

Bên cạnh đó còn có sự tham dự các đồng chí Phó Chánh án, Thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các thẩm phán TANDTC, TAQS các cấp cùng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác trong hệ thống Tòa án.

Phát biểu khai mạc chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương, đồng chí Lê Hồng Quang, Phó Chánh án TANDTC cho biết: “Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, về định hướng phát triển ”Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; khai thác làm giàu từ biển, gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc… Từ nhiều năm qua, lãnh đạo TANDTC và TAND, TAQS các cấp trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển đảo, bằng việc tổ chức các chuyến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ chiến sỹ Hải quân; tặng Nhà tình nghĩa cho gia đình quân nhân; tặng học bổng cho các học sinh là con em của gia đình quân nhân có nhiều khó khăn…

Các hoạt động tình nghĩa đó đã thiết thực góp phần thắt chặt mỗi quan hệ gắn bó với quân và dân; hỗ trợ, động viên, chia sẻ tình cảm với các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm nắm chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với TAND, TAQS các cấp, Báo Công lý – Cơ quan của TANDTC bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong những năm qua, cũng đã có những hoạt động thiết thực hướng về biển đảo thương yêu”.

Đồng chí Lê Hồng Quang cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi kỳ vọng Chương trình giao lưu nghệ thuật hôm nay sẽ là chiếc cầu nối giữa đất liền với Biển đảo, giữa xã hội với cán bộ, chiến sĩ Hải quân hiện đang vững vàng bảo vệ biển đảo, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quôc. Đồng thời chương trình giao lưu nghệ thuật “Biển đảo quê hương” là thông điệp tình cảm chân thành của toàn thể cán bộ, Thẩm phán, công chức, viên chức, người lao động TAND, TAQS các cấp đối với lực lượng Hải quân và đơn vị chấp pháp trên các vùng biển, đảo của đất nước”.

Chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương là dịp chúng ta cùng nhau dành những lời tri ân tới lực lượng đang ngày đêm bám biển, góp thêm sức mạnh tinh thần để động viên lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và bà con ngư dân trong cả nước vững tin nơi đầu sóng ngọn gió.

Đây cũng là dịp để đền ơn đáp nghĩa đối với những anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã cống hiến máu xương của mình cho Tổ quốc quyết sinh. Được biết, trong những năm qua, TANDTC đã tổ chức nhiều chuyến thăm, tặng quà lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển; thăm và tặng quà nhân dân huyện đảo Trường Sa; trao học bổng, tặng xe đạp cho con em các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo…

Ngay tại chương trình, 40 sổ tiết kiệm đã được gửi tới 40 gia đình cán bộ, chiến sỹ Hải quân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do điều kiện đường xá xa xôi, chỉ có 20 đại diện gia đình chiến sỹ có mặt tại đêm giao lưu nghệ thuật và trực tiếp đón nhận từ tay đồng chí Chánh án và Phó Chánh án TANDTC những món quà là tấm lòng, tình cảm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tòa án các cấp. Ban tổ chức cho biết, 20 sổ tiết kiệm còn lại sẽ được chuyển cho 20 gia đình vắng mặt trong chương trình.

Chương trình giao lưu nghệ thuật với 9 tiết mục ca múa nhạc đặc sắc được dàn dựng công phu, do các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trình bày như NSƯT Lê Tứ và Hà Như, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, Tân Nhàn, Ngọc Anh, Đoàn văn công Quân chủng Hải quân thể hiện… Xen lẫn các tiết mục này là các phóng sự hoạt động thăm và tặng quà của Lãnh đạo TANDTC, Chương trình giao lưu nghệ thuật “Biển đảo quê hương” như một lời tri ân, ngợi ca vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam, mà đặc biệt là vẻ đẹp của những người lính biển đang ngày đêm canh gác cho biển trời của Tổ quốc được bình yên.

Ca khúc “Đất nước”, một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, lời thơ Tạ Hữu Yên với phần thể hiện của ca sĩ Trọng Tấn. Bằng chất giọng trầm và ấm, đầy hào sảng, ca sĩ Trọng Tấn khiến người nghe như được ôn lại lịch sử đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam trong suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập, tự do và giữ vững chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Qua những cung bậc cảm xúc, khát vọng hướng về biển đảo thân yêu, các nghệ sĩ đã đưa khán giả đến gần hơn với biển đảo quê hương. Từ nỗi nhớ da diết trong từng cánh thư của hậu phương gửi ra đảo xa trong “Gần lắm Trường Sa” đến lời đáp đầy hào sảng, tự hào của người lính trong “Tổ quốc gọi tên mình”, “Biển hát chiều nay”, “Xa khơi”, “Nơi đảo xa”, đến khúc tráng ca bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của cha ông ta từ bao đời nay trong “Hào khí Việt Nam” và kết lại là “Lời thề lính biển” trang nghiêm, sẵn sàng xả thân dựng sóng trùng dương, sẵn sàng vì biển đảo quê mà hương hiến dâng cả cuộc đời, hóa thành bức tường sóng vững chắc giúp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Bên cạnh những tiết mục đặc sắc, khán giả hẳn sẽ không thể nào quên phần giao lưu trực tiếp đầy xúc động với những người đang trực tiếp đứng nơi đầu sóng ngọn gió và hậu phương của họ.  Những người lính biển rắn rỏi trước sóng biển là thế, nhưng khi đứng trên sân khấu họ lại khiêm nhường biết bao. Các anh kể về cuộc đời lính biển, về những ngày “cưỡi sóng” ngoài đảo xa, về cuộc sống thường ngày thật dung dị, mộc mạc và đáng khâm phục…Có lúc thăng, lúc trầm, lo lắng, lúc lại vui vẻ, hạnh phúc.  Nhưng trên tất là trong tim mỗi người lính biển, lúc nào cũng có hai chữ Tổ quốc. Trong câu chuyện ấy, niềm tự hào luôn thường trực trong giọng nói, ánh mắt, cử chỉ dù là rất nhỏ của các anh.

Đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân giọng rắn rỏi, chia sẻ: “Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nghĩa vụ thiêng liêng của Quân đội nhân dân Việt Nam trước yêu cầu của cả dân tộc về sự toàn vẹn giang sơn mà ông cha ta đã dày công gây dựng, mở mang và gìn giữ. Đây là một quá trình chiến đấu bền bỉ, gian nan mà qua đó Quân đội nhân dân ngày một trưởng thành, ngày càng nhận được nhiều hơn sự tin yêu của toàn thể đồng bào”.

Đại úy Ngô Văn Hợi, sinh năm 1983, Thuyền trưởng tàu 267, Hải Đội 7, Lữ Đoàn 170, Bộ Tư lệnh Vùng 1 – Quân Chủng Hải Quân không giấu được sự xúc động trước tình cảm của mọi người, đặc biệt là sự quan tâm của TANDTC dành cho những người lính biển như anh: “Chúng tôi thật sự cảm động vì nhận được sự quan tâm lớn lao của các tổ chức và đoàn thể; đặc biệt ấn tượng với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức trong hệ thống TAND, mặc dù bận trăm công ngàn việc với hoạt động tố tụng, vẫn dành cho chúng tôi nhiều thời gian quý giá để thăm hỏi, tặng quà và động viên các chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi đánh giá rất cao những việc làm này và xin gửi lời cám ơn chân thành, sâu sắc vì những giá trị tinh thần đẹp đẽ mà các đồng chí đã trao tặng”.

Trong chiến công của những người lính biển như Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Đại úy Ngô Văn Hợi, không thể không nhắc đến người thân của các các anh. Chính họ là hậu phương vững chắc để các anh vững niềm tin nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Có mặt trong phần giao lưu tại hội trường, cô giáo Đào Hải Ninh (sinh năm 1982, Giáo viên Tiếng Anh – Trường THCS Hà An, xã Hà An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là vợ Thiếu tá Vũ Đình Chiền – Đảo phó Đảo Sinh Tồn Đông, Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân tâm sự: “Khi có chồng tham gia vào quân đội, tất nhiên gia đình chúng tôi cũng có một số thiệt thòi về tình cảm vì sự xa cách lâu ngày nhưng khi nghĩ về những điều lớn lao hơn mà chồng mình đóng góp cho đất nước, chúng tôi chỉ thấy hạnh phúc và tự hào. Trong môi trường kỷ luật của quân đội, người thân của chúng tôi sẽ mau chóng trưởng thành và hoàn thiện hơn nữa về nhân cách. Đó là điều khiến chúng tôi ít để tâm đến việc gia đình đang thiếu vắng một người”.

Câu chuyện “vừa làm mẹ vừa làm cha” khi chồng vắng nhà của cô giáo Đào Hải Ninh, vợ người lính biển làm nhiều người rơi nước mắt. Không có anh ở bên, chị cáng đáng mọi công việc trong nhà để anh yên tâm công tác ngoài đảo xa. Có lúc cũng thấy tủi thân, nhưng trên tất cả chị hiểu được nhiệm vụ thiêng liêng mà chồng mình đang làm và cảm thấy tự hào về anh khi kể cho các con, cho mọi người xung quanh. Cũng bởi vì thế, cả hai là chỗ dựa cho nhau, cùng nhau vượt qua tất cả.

“Chồng tôi công tác ở đảo Sinh Tồn Đông đã gần 5 năm, nhưng 18 tháng chúng tôi mới được gặp nhau một lần. Tuy không được kề vai sát cánh nhưng chúng tôi vẫn thương nhớ và lo lắng cho nhau nhiều lắm. Ngày nào, tôi cũng mong đêm đến sớm để có thể gác lại công việc mà gọi điện thoại tâm tình với chồng cho vơi bớt buồn nhớ. Trong những lần tâm sự với nhau, ngoài việc quan tâm, thăm hỏi, nhắc nhở, động viên tôi lo cho gia đình, con cái thì anh cũng thường kể cho tôi nghe về đơn vị của mình”- cô giáo Đào Hải Ninh kể.

Chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương khép lại bằng ca khúc Lời thề lính biển. Tất cả mọi người trong khán phòng, không ai bảo ai, cùng hướng trái tim mình về những người lính biển, về nơi đảo xa, nơi có những con người ngày đêm “vượt nắng, thắng mưa”, canh gác cho biển trời quê hương. Và trong trái tim mỗi người còn dành một chỗ trang trọng nhất cho những người vợ, người mẹ, người thân…của các anh. Họ chính là “mảnh ghép” không thể thiếu trong chiến công của các anh và trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Có mặt ngay từ sớm, trước khi cả khi chương trình diễn ra, có một người phụ nữ đến từ huyện đảo xa xôi của Tổ quốc đã không giấu được sự xúc động khi vượt qua hàng ngàn cây số để có mặt trong chương trình. Chị bảo mình là dân đảo chính cống, lại đang công tác trong Tòa án ở huyện đảo này, chị thấu hiểu hơn ai hết cuộc sống của người dân vùng đảo, cuộc sống của những người lính biển. Chị kể, cũng như những người lính biển, những người làm trong Tòa án ở huyện đảo này cũng đang hàng ngày khắc phục khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là những chuyến xử án lưu động, di chuyển từ xã đảo này sang xã đảo khác. Nhưng cũng như những người lính biển, cán bộ Tòa án ở huyện đảo này chẳng khác nào người lính trên mặt trận bảo vệ công lý, không ngừng rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, làm tốt công tác xét xử, thực hiện quyền tư pháp công bằng.

Biển đảo quê hương không chỉ rất đặc biệt về địa lý, mà còn rất thiêng liêng trong tâm hồn dân tộc, trong mỗi trái tim người dân đất Việt. Những ai đã từng đến đây sẽ càng yêu thương, cảm phục những người lính đảo và mong được một lần trở lại. Những ai chưa đến thăm các vùng đảo, sẽ ước mong một lần được đặt chân đến đây, được sống cùng các chiến sĩ nơi biển đảo mênh mông sóng vỗ.

Biển đảo quê hương luôn ở trong trái tim mỗi người Việt Nam. Dù sống ở nơi đâu, dù trong khoảnh khắc nào, thì ai ai trong chúng ta đều  hướng về đảo xa, về những pháo đài bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

(Nguồn: Báo Điện tử Tổ quốc – Bộ VHTTDL)

Người Việt nghe gì, xem gì trong 10 năm trước Đổi mới

Đa số nghe đài, đi xem hội diễn, gia đình có điều kiện xem tivi đen trắng Nép-tuyn, sang hơn thì đổi đồng hồ Peugeot lấy vé xem kịch hay phim chiếu rạp.

Sau năm 1975, cả nước bước vào thời bao cấp, thay vì chỉ miền Bắc như trước đó. Trong bối cảnh đời sống hậu chiến nhiều khó khăn, phương tiện giải trí còn nghèo nàn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhớ lúc đó truyền hình bắt đầu đến với người dân nhưng thời lượng ít, chủ yếu tin tức, nội dung chính trị. Văn nghệ trên tivi thường là vài bài hát huy động mọi người ra mặt trận, một số vở kịch, phim truyền hình của các nước Xã hội Chủ nghĩa, vẫn với mục tiêu chính là tuyên truyền.

NSND Lê Tiến Thọ – chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – nhớ sau năm 1975, ở miền Bắc chỉ một số cơ quan mới có tivi. Đến 1985, gia đình nào oách lắm mới có. “Hồi 1985, tôi đi Nga về có cái tivi đen trắng, mỗi lần đá bóng cả khu văn công Mai Dịch đổ sang xem, xì xụp suốt đêm. Có lần đoàn tuồng chúng tôi lên trụ sở của đài khi đó ở 58 Quán Sứ để diễn vở cho truyền hình, được một phiếu mua tivi Nép-tuyn (Neptune). Tối cả đơn vị ngồi xem phải vỗ vỗ mới lên được hình”, ông Thọ nhớ.

Ở miền Nam, từ năm 1976, Đài Vô tuyến Truyền hình Sài Gòn Giải phóng được đổi tên thành Đài Truyền hình TP HCM, chủ yếu phát các chương trình chính trị, xã hội, văn hóa.

Khi truyền hình chưa phát triển, để giải trí, người dân phần lớn nghe đài, dự các hội diễn văn nghệ quần chúng hay xem xiếc, xem kịch, đi nghe nhạc…

Sân khấu giữ một vị trí quan trọng với người dân cả nước giai đoạn này.

Ở Hà Nội, sân khấu kịch nói phát triển mạnh mẽ. “Lúc bấy giờ, ra vở nào khán giả cũng đón nhận hào hứng. Nhà hát Kịch, rạp Công An, Đại Nam, Công Nhân, Nhà hát Lớn… có khán giả xếp hàng dài. Thậm chí, có người đổi đồng hồ Peugeot để lấy một đôi vé đi xem kịch. Lúc bấy giờ họ ở chiến trường ra, được xem một vở diễn thì sướng lắm”, NSND Lê Tiến Thọ kể.

Đội ngũ đạo diễn mạnh gồm các tên tuổi như Phạm Đình Nghi, Phạm Thị Thành, Đoàn Anh Thắng… đều được đào tạo ở Nga. Về tác phẩm, Lưu Quang Vũ gây tiếng vang với Tôi và chúng ta, Lời thề thứ chín, Hồn Trương Ba, da hàng thịt…, Doãn Hoàng Giang với Hà My của tôi

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam – Lê Thế Vinh – nhớ sự phát triển của sân khấu khi đó còn thể hiện qua hoạt động rầm rộ của phe vé. Các đoàn thường đùa với nhau phe vé là hội đồng thẩm định nghệ thuật thứ hai. “Hội đồng phe vé rất nhanh nhạy, hễ vở nào họ ôm vé là y như rằng thành công”, ông Vinh đùa.

Ngoài diễn ở thành thị, các đoàn đi khắp nơi để diễn cho người dân. Khán giả nô nức kéo đến. Mỗi đêm đến 3.000, 4.000 người, xếp hàng mua vé, chen chúc, thậm chí đánh nhau. Chỉ tiêu của các đoàn là mỗi năm dựng hai, ba vở và khoảng hơn 200 buổi đi biểu diễn phục vụ cả nước.

Thời gian này, sân khấu truyền thống (tuồng, chèo…) đứng trước thách thức của thị hiếu mới. Theo NSND Lê Tiến Thọ, để có thể tồn tại, sân khấu truyền thống phải chấp nhận cải biên. Đặc biệt, sau 1975, nhiều nghệ sĩ cải lương từ trong Nam như Thanh Kim Huệ, Út Bạch Lan, Minh Vương, Lệ Thủy đổ bộ ra Bắc, trở thành “ông hoàng bà chúa” trong khoảng vài năm.

Ở TP HCM và cả miền Nam lúc đó, kịch nói và cải lương vẫn hoạt động mạnh. Sân khấu cải lương phía Nam có hai hình thức: tư nhân và Nhà nước. Dù vậy, hầu hết đoàn hát cải lương cũ bị giải tán, thay bằng những đoàn mới do các cơ quan, đoàn thể Nhà nước thành lập.

NSND Bạch Tuyết nhớ các đoàn cải lương Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Thanh Minh – Thanh Nga, Văn công Thành phố… hoạt động sôi nổi. Mỗi đoàn đều có nhà hát, trụ sở riêng để tập luyện. Các vở chủ đề xã hội, dân gian, lịch sử như Tiếng trống Mê Linh, Tâm sự Ngọc Hân, Đời cô Lựu, Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn hào hoa… được dàn dựng hoành tráng. Nghệ sĩ kể đầu năm 1979, bà được mời diễn vai Dương Vân Nga trong vở cùng tên tại Nhà hát Trần Hữu Trang.”Chúng tôi phải diễn một ngày hai hoặc ba suất mới có thể đáp ứng phần nào yêu cầu của khán giả. Có lúc, người xem các nơi phải đặt vé trước hàng tháng”.

Về kịch nói, một thời gian dài, các vở Dưới hai màu áo, Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ… chinh phục người xem. Nữ nghệ sĩ Kim Cương nhớ khi vở Lá sầu riêng được đưa lên truyền hình đã tạo cơn sốt không chỉ miền Nam mà cả khán giả phía Bắc.

Nam bộ khi đó còn chứng kiến thời kỳ hoàng kim của hát bội. Các đêm hát bội vẫn có vé chợ đen và được xem là loại hình được xếp ngang hàng với cải lương và kịch nói.

Âm nhạc cũng phát triển phong phú hơn trong đời sống người dân so với thời kỳ chiến tranh và có sự chuyển hướng ở cả hai miền.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, sau thống nhất, ngoài các ca khúc chính trị – cách mạng trên đài, tivi hay loa phát thanh, miền Bắc bắt đầu tiếp xúc với máy hát, băng đĩa và một số loại hình nghệ thuật từ miền Nam. Những ca khúc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn về tình yêu, triết lý đời sống, nhạc phản chiến được lưu truyền mạnh, dù không phát trên những phương tiện truyền thông Nhà nước. Đó là lúc văn hóa đô thị Sài Gòn bắt đầu ảnh hưởng ra miền Bắc.

Ở miền Nam, đời sống âm nhạc lại chuyển hướng theo cách khác. Tại TP HCM, nhạc trẻ, sinh hoạt bar, club rộn ràng trước đây đã hoàn toàn vắng bóng. Khoảng năm 1977 trở đi, phong trào hát ca khúc chính trị phát triển rầm rộ. Những nhạc phẩm như Xuân chiến khu, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Trị An âm vang mùa xuân, Viếng lăng Bác…. vang lên khắp nơi.

Ca sĩ Ánh Tuyết – một thời là giọng hát đình đám ở miền Trung – nhớ phong trào này rất mạnh ở Quảng Nam – Đà Nẵng, Huế, Nha Trang. “Thời đó ở Huế, một đêm tôi chạy show hai điểm như Rạp Hưng Đạo, cung An Định. Rồi chạy show hát ở các đại học, nhà máy hay chui xuống hào làm đá hát cho công nhân nghe”, Ánh Tuyết nhớ lại.

Tại TP HCM, từ sau năm 1982, các tụ điểm ca nhạc như 126 (nay là Cầu Vồng), tụ điểm Kỳ Hòa (quận 10), Phú Thọ (quận 11), Tao Đàn (quận 1)… phát triển mạnh, thu hút nhiều ca sĩ ngôi sao như Ngọc Anh, Nhã Phương, Bảo Yến, Hồng Hạnh, Họa Mi… Những đêm diễn có tụ điểm thu hút hàng nghìn khán giả. Không chỉ công nhân viên chức, người lao động cũng có thể đến xem với giá vé mềm. Có tụ điểm thường xuyên tổ chức các buổi văn nghệ miễn phí quy tụ nhiều ca sĩ được yêu thích.

Đến khoảng năm 1985 – 1986, phong trào ca khúc chính trị giảm nhiệt, nhiều bài hát mới được sáng tác có màu sắc đa dạng hơn của Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Thanh Tùng, Trần Tiến, Dương Thụ, Phú Quang…

Điện ảnh cả nước khi đó chưa phổ biến nhưng đi sâu về chất lượng cả ở nội dung lẫn cách thưởng thức.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể ở Hà Nội và TP HCM thời đó có một mạng lưới rạp chiếu phim nhựa từ thời cũ để lại. Khi đó chưa có âm thanh nổi, âm thanh vòm và các multiplex (rạp liên hợp) như bây giờ. Ngoài tác phẩm điện ảnh Việt, rạp còn chiếu phim nước ngoài (chủ yếu phim Nga) với hình thức đọc lời thoại kèm theo trong lúc chiếu. Âm thanh và lời thoại của phim thường bị dìm đi để nghe rõ tiếng đọc thuyết minh.

Theo đạo diễn, thời đó người lớn tuổi cũng hay đi xem phim chứ không như bây giờ khán giả đa số là thanh thiếu niên. Các phim giải trí, hành động rất ít. “Đi xem phim là để thu hoạch một điều gì bổ ích cho cuộc sống, cho tâm hồn. Thời đó không ai quan niệm điện ảnh là giải trí”. Theo đạo diễn, chính nhờ vậy mà thời bao cấp điện ảnh có những tác phẩm để đời như Mối tình đầu, Bao giờ cho đến tháng 10… Chỉ có các hãng phim của nhà nước và một nhà phát hành là Phát hành phim Trung ương vào giai đoạn này.

“Trung bình mỗi năm sản xuất từ 15 đến 20 phim truyện và vài chục phim tài liệu hoạt hình. Nội dung chủ yếu phục vụ những nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ tuy vậy cũng có những phim đề tài tâm lý xã hội, phê phán những mặt tiêu cực trong đời sống”, Đặng Nhật Minh nói.

Ở miền Nam, mảng phim ảnh không sôi nổi bằng các loại hình khác nhưng vẫn để lại dấu ấn sâu đậm. Vì chuyện cơm áo gạo tiền, người đến rạp xem phim vẫn còn hạn chế. Nhiều khán giả lâu lâu mới có dịp đi xem phim một lần. Chỉ đến khi phim như Ván bài lật ngửa (1982) công chiếu, khán giả ‘rồng rắn’ kéo nhau đến rạp, tạo không khí đình đám.

“Bộ phim thật sự tạo ‘cơn sốt’ với khán giả cả nước vì đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã làm phim đề tài cách mạng theo phong cách hoàn toàn khác hẳn các bộ phim trong nước giai đoạn này. Ván bài lật ngửa đậm chất giải trí, cuốn hút người xem chứ không cường điệu hay nặng về tuyên truyền”, NSƯT – đạo diễn Lê Cung Bắc chia sẻ.

Trong 10 năm, Xí nghiệp phim tổng hợp (sau này gọi là hãng phim Giải phóng) cùng hãng phim Nguyễn Đình Chiểu trực thuộc thành phố đã cho ra đời 50 bộ phim nhựa gồm 14 phim màu, 36 phim đen trắng, trong đó có nhiều phim gây sốt như Cánh đồng hoang (1979), Ván bài lật ngửa, Mùa gió chướng

Năm 1981, Sài Gòn có phim màu chiếu rạp đầu tiên – phim Về nơi gió cát (biên kịch và đạo diễn Huy Thành) – quy tụ các diễn viên Hương Xuân, Hồ Kiểng, Trần Vịnh… Bộ phim được khán giả ủng hộ nhiệt tình vì mới lạ so với dòng phim đen trắng. Báo chí thời đó dành nhiều trang viết về bước tiến mới của loại hình phim chiếu rạp.

(Nguồn: Hoàng Thanh Vân – Báo Điện tử Vnexpress)

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2017

Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp được xây dựng từ những tiết mục tiêu biểu của hầu hết các đơn vị nghệ thuật, cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL với nhiều bộ môn nghệ thuật thuộc hai loại hình nghệ thuật Sân khấu và Ca múa nhạc do Bộ VHTTDL tổ chức. Chương trình sẽ diễn ra vào 20h00 các ngày 21, 22, 23.12.2016 tại Nhà hát Lớn, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Chương trình do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Văn phòng Bộ VHTTDL và Nhà hát Lớn Hà Nội chủ trì thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các trợ lý: NSND Ngô Hoàng Quân; NSND Nguyễn Minh Thông; NSND Quang Vinh.

Chương trình sẽ huy động lực lượng nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công, diễn viên của: Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, Học viện Âm nhạc TP.HCM, Học viện Âm nhạc Huế, Nhà hát Ca múa nhạc VN, Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN, Dàn nhạc Giao hưởng VN, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Múa rối VN.

Thiết kế sân khấu của chương trình sẽ được làm mới và có hệ thống màn hình LED thay thế cho phông phía sau và hai bên cánh gà. Các nhà thiết kế sẽ sử dụng phông mềm, máy chiếu để thay đổi không gian, chuyển cảnh, đạo cụ, sắp xếp đội hình nhạc công, nghệ sĩ cho các tiết mục sử dụng nhiều nhạc cụ, diễn viên.

Chương trình có tổng thời lượng khoảng 120 phút với các phần: Khai từ và 2 phần nội dung chính. Màn khai từ là trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng VN với bản giao hưởng “Người về đem tới ngày vui” (âm nhạc: Văn Cao – Trọng Bằng, chỉ huy: Nhạc trưởng Honna Tetsuji). Nội dung Phần một là các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Phần hai là các tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc phát triển từ chất liệu dân gian, truyền thống cùng một số tác phẩm cổ điển châu Âu.

Sẽ có những tiết mục dàn dựng đặc biệt như nhạc cảnh Cung chúc tân xuân với sự phối hợp biểu diễn giữa các làn điệu (Chèo) Sử xuân và Tứ quý cùng Hề mồi, Hề gậy, Múa cờ và Ông già cõng vợ đi xem hội (Tuồng) do nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp biểu diễn. Có rất nhiều ca khúc đơn ca ở nhiều thể loại được các nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi của các đơn vị nghệ thuật trình diễn như: Bài vọng cổ tôi yêu (NSND Vương Hà), Gọi Anh (NSƯT Mã Minh Huệ và tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc”, hát chầu văn Huế trọn nghĩa tình (ca sĩ Mai Chung và tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc VN), Mẹ yêu con (ca sĩ Anh Thơ và Dàn nhạc Giao hưởng dân tộc Học viện Âm nhạc Quốc gia VN thực hiện), Tổ quốc gọi mình (NSƯT Tạ Minh Tâm và tốp múa Nhà hát Nhạc vũ kịch VN), Hòa tấu Ngư phủ Triều khúc (ca sĩ Đức Liên và Dàn nhạc Nhà hát Ca múa nhạc VN), Thời hoa đỏ (NSND Thái Bảo trên nền tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc VN)…

Các tiết mục song ca và biểu diễn tập thể: Múa rối Vũ điệu tâm linh (Nhà hát Múa rối VN), Múa những bông đỏ của rừng (tốp múa nữ Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc), Tình ca mùa xuân (Song ca nam nữ và tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc VN), Lời ru của rừng (tốp múa Nhà hát Nhạc vũ kịch VN), Acapella Dòng sông thương nhớ (song ca cùng dàn ca sĩ Nhà hát Ca múa nhạc VN), Song tấu sáo trúc Cánh chim tự do (Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN), Những ánh trăng đỏ (tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc VN), Ballet Những đóa hồng (tốp múa Nhà hát Nhạc vũ kịch VN).

Quy tụ lực lượng tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn đều là những đại diện tiêu biểu, nòng cốt của hai loại hình nghệ thuật sân khấu và ca múa nhạc, chương trình nghệ thuật chào năm mới 2017 sẽ mang tới cho khán giả thủ đô một chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, thiết kế quy mô và một không gian thưởng thức nghệ thuật tinh tế, sang trọng.

Đào Anh; ảnh: Trần Huấn

(Trích đăng lại tin từ Báo văn hóa điện tử)

 

Tổ chức Lễ hội Đền Hùng 2010 theo chủ đề 1.000 năm Thăng Long

(Dân trí) – Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2010 ở quy mô cấp quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều chương trình trong lễ hội năm nay có chủ đề hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Lễ hội Đền Hùng 2010 sẽ diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 14/4 đến 23/4, tức từ ngày 1 đến 10/3 năm Canh Dần. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2010 sẽ được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia. Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch và Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đang gấp rút chuẩn bị để ngày Giỗ Tổ diễn ra long trọng, hoành tráng và giàu ý nghĩa.

Lễ khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng năm nay sẽ gắn với Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 7 năm Canh Dần – 2010, với chủ đề “Linh thiêng đất cội nguồn”. Lễ dâng hương Giỗ Tổ và cúng Trời tại đền Thượng sẽ diễn ra vào 7h00 sáng 10/3 âm lịch (tức ngày 23/4).
Phần lễ sẽ có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ và các đơn vị góp giỗ. Phần hội bao gồm các hoạt động phong phú như: thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy; giao lưu dân ca các vùng miền; rước kiệu của các xã vùng ven di tích về Đền Hùng; bắn pháo hoa tầm cao; triển lãm ảnh tư liệu ngoài trời Các vùng kinh đô Việt Nam”; trưng bày hiện vật về nhà nước Văn Lang, thời đại Hùng Vương; trưng bày hiện vật thời Lý – Trần; triển lãm ảnh tư liệu “Giỗ Tổ Hùng Vương xưa và nay”; triển lãm sách tư liệu “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”…
Đặc biệt, Lễ hội Đền Hùng năm nay còn có chương trình nghệ thuật đặc sắc hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Hà Nội với chủ đề “Kinh đô Văn Lang – Thăng Long – Hà Nội ngàn năm toả sáng”. Song song với đó là chương trình trình diễn màn sử thi võ thuật dân tộc với chủ đề “Hào khí đất Việt”. Các chương trình sẽ được dàn dựng công phu, hoành tráng, sử dụng các kỹ xảo âm thanh, ánh sáng sinh động, toát lên vẻ đẹp và tiềm năng của đất nước, con người Việt Nam.
Dự kiến, Lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ thu hút khoảng gần 3 triệu lượt du khách.

Liên hoan “Âm thanh Hà Nội” – 2010: Không chỉ có âm nhạc

LĐ) – 80 nghệ sĩ của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham gia giao lưu, biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật “Âm thanh Hà Nội” – 2010 do Học viện Âm nhạc quốc gia VN và Cty sản xuất và phát triển văn hóa M.A.M tổ chức từ ngày 26 – 28.3 tại Trung tâm HCTL Việt Nam ở đường Giảng Võ, Hà Nội.

“Âm thanh Hà Nội” là liên hoan âm nhạc điện tử quốc tế duy nhất tại VN, do nhạc sĩ Trí Minh khởi xướng từ năm 2008. Đây là lần thứ ba liên hoan được tổ chức và đạt kỷ lục so với những năm trước về số người tham gia và các hoạt động trong chương trình (năm đầu chỉ có 15 nghệ sĩ và 800 người tham gia, năm 2009 là 45 nghệ sĩ và 4.000 người).

Điều đặc biệt của chương trình năm nay là các thể loại âm nhạc: Nhạc sống (pop), nhạc thể nghiệm và trình diễn DJ sẽ được trình diễn lần lượt ở các buổi khác nhau để khán giả có thể làm quen và định hình với loại âm nhạc hiện đại này.

Với chủ đề “Không gian xanh” và cũng là một hoạt động nghệ thuật hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, bên cạnh những hoạt động về âm nhạc, BTC còn phối hợp với các tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. BTC đã có sáng kiến phát hành vé là những chiếc vòng đeo tay bằng vải, có hình thêu tay, vừa thời trang, vừa như một vật kỷ niệm, đồng thời không xả rác ra môi trường.

Chủ sở hữu chiếc vòng này có thể vào cửa cả 3 ngày liên hoan. Và không chỉ vào “Ngày trái đất” (28.3) mà trong suốt cả 3 ngày liên hoan – vào lúc 20h30, các hoạt động liên quan đến âm thanh, nghệ thuật đều ngừng một thời gian để những thông điệp về môi trường lên tiếng.

“Âm thanh Hà Nội” sẽ diễn ra hằng ngày từ 9h – 23h với các hoạt động trình diễn thời trang, trò chơi, chiếu phim, hội thảo và các buổi diễn âm nhạc tại các sân khấu trong nhà và ngoài trời.

Kết thúc Liên hoan tiếng hát dân ca và những gì còn lại…

Hai đêm chung kết đã khép lại cuộc hành trình hơn ba tháng đầy mầu sắc và ôm chứa những giá trị văn hóa không dễ đo đếm được của Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc 2005, do Ðài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin và Hội Văn nghệ dân gian tổ chức từ tháng 5-2005.
Có lẽ chưa bao giờ dân ca Việt Nam lại có được một cuộc trình diễn quy mô và hoành tráng như thế. Với mô hình tổ chức gần giống như cuộc hành trình của Sao Mai – Ðiểm hẹn, Liên hoan đã có tám chương trình chung kết được tổ chức tại tám khu vực trong cả nước, và truyền hình trực tiếp vào các tối thứ bảy, từ cuối tháng 5-2005.

Tham gia biểu diễn trong Liên hoan, bên cạnh các nghệ nhân của các vùng miền có độ tuổi từ 20-60, có vốn âm nhạc dân gian rộng và độc đáo, còn có các nghệ sĩ trẻ của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các địa phương. Từ sân khấu của Liên hoan, Ban tổ chức hy vọng sẽ lựa chọn, sàng lọc được những giọng ca có triển vọng để bồi dưỡng, đào tạo thành những đại diện tiêu biểu cho dòng nhạc dân ca, góp phần đưa dân ca chiếm lĩnh vị trí xứng đáng trong đời sống xã hội.

Gần 700 nghệ nhân, nghệ sĩ đại diện cho 29 dân tộc anh em từ 56 tỉnh, thành trong cả nước đã làm nên một cuộc trình diễn đầy mầu sắc và ấn tượng, giới thiệu với công chúng cả nước những làn điệu dân ca thấm đẫm nhân tình, kết tinh từ những nét văn hóa đặc sắc nhất của đời sống tinh thần mỗi dân tộc. Từ những câu hò, điệu hát ru, điệu lý, các hình thức diễn xướng cộng đồng… các tiết mục biểu diễn trong Liên hoan còn giới thiệu với người xem những nét tiêu biểu trong sinh hoạt văn hóa của mỗi tộc người, thông qua các hình thức sinh hoạt lễ hội, trang phục và nhạc cụ. Liên hoan không chỉ tạo nên một sân chơi sang trọng và hoành tráng cho loại hình dân ca đang có nguy cơ mai một, làm nên một ngày hội biểu dương lực lượng đầy thuyết phục của các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc, mà còn tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ các vùng, miền giao lưu và tìm hiểu những giá trị độc đáo trong văn hóa của các dân tộc anh em. Trong một xã hội đang hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt, thì sự nhiệt tâm, gắng gỏi của những người làm công tác tổ chức là vô cùng đáng quý, đáng trân trọng và cần được tiếp nối, nhân rộng.

Khép lại trong dư âm lưu luyến, rất nhiều câu hỏi đang được “mở ra” đối với những người làm công tác văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống. Ðặt mục tiêu hướng vào giới trẻ, và được ưu tiên phát sóng trong “giờ vàng” của ngày nghỉ cuối tuần, các chương trình trong Liên hoan, ít nhiều đã thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Tuy nhiên, dường như các nhà tổ chức đã quá chú tâm vào vấn đề hình thức biểu diễn, mà chưa thật sự đào sâu những tầng văn hóa ẩn chứa bên trong mỗi làn điệu, lời ca, nên đã sân khấu hóa tất cả các loại hình, đưa tất cả các làn điệu vào chung một sàn diễn với phông màn, nhạc cụ, trong khi dân ca vốn được sản sinh và nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên, gắn bó chặt chẽ và bảo lưu sức sống trong cuộc sống đời thường.

Bổ khuyết vào sự thiếu hụt đó, các nhà tổ chức đã dụng công xây dựng nhiều phóng sự về đời sống thực của các làn điệu, chuyển tải phần nào thông điệp nhân văn từ mỗi loại hình. Người xem có thể vẫn rất trân trọng những nghệ nhân cao tuổi đến từ những miền đất xa xôi, và sẵn sàng đón nhận những thông điệp văn hóa mà họ chuyển tải, nhưng vì trên sân khấu rực rỡ đèn mầu, họ đã không thể hiện được hết sự hồn nhiên, trong sáng và phong thái tự tin vốn có. Sức hấp dẫn, vì thế, chưa hẳn đã tròn đầy.

Ðể làm nên cuộc hành trình hiếm có của mình, các nhà tổ chức Liên hoan đã tìm kiếm, và phát hiện không ít những làn điệu, và các nghệ nhân vốn vẫn còn ẩn khuất sau những thôn làng yên ả. Một cuộc tổng kiểm kê, dẫu chưa trọn vẹn, cũng là rất đáng quý và không phải nơi nào cũng có điều kiện thực hiện được. Nhưng nếu không nhanh tay và cẩn trọng, các địa phương sẽ nhanh chóng để mất những giá trị vừa được khơi dậy, bởi thời gian và sự thờ ơ của con người hiện đại có sức mài mòn, tàn phá ghê gớm các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể, vốn tồn tại và phát triển gắn chặt với những tên tuổi nghệ nhân.

Trên cơ sở những kết quả vừa thu được, một chiến lược đầu tư, đào tạo và bảo tồn các làn điệu dân ca, nếu được làm bài bản và chặt chẽ, có tính khoa học, sẽ giúp bảo lưu và phổ biến dân ca đến đông đảo quần chúng. Cũng như những giọng hát dân ca được đánh giá cao tại Liên hoan, nếu được quan tâm chu đáo, có thể trở thành những đại diện tiêu biểu, góp phần nhân rộng sức sống của loại hình âm nhạc lâu đời, giàu sức sống và tiềm ẩn nét đặc trưng dân tộc này.