Phim điện ảnh đặt hàng Hồng Hà nữ sĩ – Đoàn Thị Điểm: Lấy xưa để nói chuyện nay

VHO- Hồng Hà nữ sĩ – Đoàn Thị Điểm là một trong ba phim truyện điện ảnh được Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đặt hàng sản xuất trong 2 năm 2022-2023, đến nay đã đi gần xong chặng đường ghi hình. Đề tài kén khách lại phải co kéo tính toán trong vô số khó khăn, nhưng ê kíp thực hiện bộ phim khẳng định, đây sẽ là tác phẩm chạm đến chiều sâu cảm xúc của những người yêu điện ảnh.

Phim chuyển tải thông điệp nhân văn về những giá trị đạo đức chuẩn mực của người Việt, thông qua tái hiện cuộc đời thăng trầm của Danh nhân văn hóa, thi sĩ Đoàn Thị Điểm trong bối cảnh xã hội Việt Nam từ 300 năm trước.

“Mối tình lãng mạn – Tri âm tri kỷ trong văn chương…”

Có mặt tại bối cảnh quay phim (xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành ghi nhận nỗ lực của đoàn phim để thực hiện những cảnh quay đúng tiến độ, đảm bảo nội dung và chất lượng nghệ thuật. “Kịch bản mang nội dung tư tưởng tốt, giàu tính nhân văn và có giá trị lịch sử, văn học. Cuộc đời thăng trầm của danh nhân văn hóa, thi sĩ Đoàn Thị Điểm trong bối cảnh xã hội Việt Nam ở cuối thế kỷ XVIII được thể hiện sinh động, khẳng định những đóng góp của bà cho nền văn học Việt Nam. Với một ê kíp chuyên nghiệp, tâm huyết, hy vọng Hồng Hà nữ sĩ – Đoàn Thị Điểm sẽ là một tác phẩm điện ảnh chạm đến cảm xúc của người xem…”, Cục trưởng Vi Kiến Thành chia sẻ.

Khai thác về những sự kiện có thật trong cuộc đời cũng như hoạt động văn thơ của thi sĩ Đoàn Thị Điểm, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát với vai trò tác giả kịch bản, Giám đốc sản xuất cho biết, Hồng Hà nữ sĩ – Đoàn Thị Điểm sẽ chuyển tải những thông điệp sống mãi với thời gian. “Lấy chuyện xưa để nói chuyện nay, điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh đạo đức xã hội đang có nhiều báo động, vai trò chấn hưng văn hoá ngày càng cấp thiết. Giữa trào lưu chỉ sống cho mình, đưa cái tôi lên cao… thì lòng hiếu thảo, đức hy sinh, gạt bỏ niềm riêng vì người khác được khắc họa qua hình ảnh nữ sĩ Đoàn Thị Điểm sẽ mang đến cho thế hệ hôm nay không ít suy tư. Phim còn khắc họa những khoảnh khắc lao động sáng tạo của bà, không chỉ khi ngồi dịch Chinh phụ ngâm từ bản chữ Hán của Đặng Trần Côn ra bản chữ Nôm rất tuyệt vời…”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nói.

Chuyện phim bắt đầu từ khi Đoàn Thị Điểm làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, gặp Đặng Trần Côn cho đến khi gia đình gặp biến cố lớn, bà phải trở về quê dạy học, bốc thuốc, viết văn nuôi dạy các cháu, rồi lấy Tiến sĩ Nguyễn Kiều, thay chồng nuôi dạy con riêng của chồng, chờ đợi ông đi sứ trở về; sau đó bà mất ở tuổi 43 khi trên đường theo chồng vào làm Tổng trấn Nghệ An.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tặng hoa chúc mừng các Nsnd Lê Khanh, Trung Anh hoàn thành vai diễn

“Đoàn Thị Điểm là người con gái Hưng Yên. Tôi cũng là người Hưng Yên nên từ lâu, tôi đã ấp ủ ý tưởng về kịch bản phim này. Thật may mắn khi kịch bản đã được Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn đưa vào sản xuất. Tham gia dự án là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, có trình độ đến từ Hãng phim truyện Việt Nam. Chúng tôi tâm niệm phải thực hiện được một bộ phim điện ảnh giá trị, khẳng định sự đúng đắn khi Hồng Hà nữ sĩ được Nhà nước đặt hàng…”, nhà biên kịch Hồng Ngát bộc bạch.

Điều cuốn hút ở Hồng Hà nữ sĩ là phẩm chất văn chương tiềm ẩn trong con người Đoàn Thị Điểm. “Mối tình” thơ văn lãng mạn giữa bà và Đặng Trần Côn được chú trọng khai thác, thể hiện sự đồng cảm giữa người viết thơ và người dịch thơ Chinh phụ ngâm. Những câu thơ thể hiện thân phận người phụ nữ gắn với những dấu mốc, bước ngoặt cuộc đời Đoàn Thị Điểm được lồng ghép, tạo nên điểm lắng xúc cảm. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt chia sẻ, dự án phim khiến anh háo hức khi nhận kịch bản, nhưng sau đó lại là nhiều lo lắng. “Khao khát của tôi và cả ê kíp là qua từng cảnh quay sẽ góp phần tôn vinh giá trị của bản dịch Chinh phụ ngâm cũng như giá trị chữ Nôm trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Cuộc đời Đoàn Thị Điểm và những tác phẩm thơ văn của bà cho thấy dòng chảy văn hóa Việt luôn liền mạch và không bị đứt gẫy…”, NSƯT Nguyễn Đức Việt tâm sự.

Cục Điện ảnh thăm và kiểm tra tiến độ làm phim

Nữ diễn viên Anh Đào đảm nhận vai Đoàn Thị Điểm bộc bạch: “Vai diễn đến với tôi như một cái duyên, tôi thấy mình vừa may mắn, vừa… liều quá. Từng tham gia nhiều vai trên sân khấu, phim truyền hình, nhưng Hồng Hà nữ sĩ là vai diễn điện ảnh đầu tiên của tôi. Tôi đã khóc khi lần đầu tiên đọc kịch bản. Một cuộc đời quá nhiều thăng trầm mà nếu vai diễn lột tả thành công, về tài năng, sáng tạo, những tâm tư và đặc biệt là tư tưởng của danh nhân Đoàn Thị Điểm, chắc chắn sẽ khiến người xem rất yêu thích. Tôi đã tâm niệm điều đó và cố gắng hết sức trong từng cảnh quay…”, Anh Đào chia sẻ.

Kịch bản mang nội dung tư tưởng tốt, giàu tính nhân văn và có giá trị lịch sử, văn học. Cuộc đời thăng trầm của danh nhân văn hóa, thi sĩ Đoàn Thị Điểm trong bối cảnh xã hội Việt Nam ở cuối thế kỷ XVIII được thể hiện sinh động, khẳng định những đóng góp của bà cho nền văn học Việt Nam. Với một ê kíp chuyên nghiệp, tâm huyết, hy vọng Hồng Hà nữ sĩ – Đoàn Thị Điểm sẽ là một tác phẩm điện ảnh chạm đến cảm xúc của người xem…

(Cục trưởng Cục Điện ảnh VI KIẾN THÀNH)

Chạm vào chiều sâu cảm xúc

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và đạo diễn, NSUT Nguyễn Đức Việt

Bối cảnh phim dựng tại nhiều nơi như Bắc Ninh, Hưng Yên và xã Tự Tân (Thái Bình), là kết quả của quá trình tìm kiếm, khảo sát trên cả nước. Nhà biên kịch Hồng Ngát cho biết thêm, việc tìm kiếm không gian phù hợp để tạo dựng bối cảnh xưa rất khó. Trước đó, đoàn phim đã dựng các bối cảnh nhà quan Thượng thư Lê Anh Tuấn tại Bắc Ninh, bối cảnh nhà Đặng Trần Côn tại Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Sau khi kết thúc những cảnh quay tại Vũ Thư, Thái Bình, ê kíp sẽ thực hiện đại cảnh kinh thành Thăng Long xưa tại bối cảnh được dựng ở Thiên Đường Bảo Sơn. “Tất cả những yếu tố đều được chăm chút tỉ mỉ để đảm bảo tính chân thực, chuẩn xác về một giai đoạn lịch sử cách chúng ta đã 3 thế kỷ…”, bà Ngát chia sẻ.

Với sự công phu và tâm huyết đó, ê kíp phim Hồng Hà nữ sĩ tự tin rằng đây sẽ là tác phẩm chạm đến chiều sâu cảm xúc của người xem. “Tầm vóc của Đoàn Thị Điểm không chỉ là một nhà thơ, văn nổi tiếng mà bà còn là người đặc biệt quan tâm đến thế sự. 10 điều răn được bà viết từ thế kỷ XVIII đến nay vẫn nguyên giá trị, răn dạy những người làm vua, làm quan phải giữ gìn liêm khiết. Ngôn ngữ cổ nhưng nội dung mới, lấy chuyện xưa để nói chuyện nay, điều này đặc biệt ý nghĩa trước thực trạng đạo đức ngày càng xuống cấp…”, bà Ngát nhấn mạnh.

 Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (ngồi giữa) và diễn viên Anh Đào (vai Đoàn Thị Điểm), Quốc Toàn (vai Đặng Trần Côn) cùng ê kíp làm phim

Quá trình casting nhân vật cũng mất gần 2 năm, đặc biệt với vai nữ chính. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt cho biết, vai diễn Đoàn Thị Điểm khá nặng so với tuổi đời, tuổi nghề của diễn viên trẻ như Anh Đào. Thế nhưng, Anh Đào đã thể hiện tròn vai và ngày càng tốt hơn, nhiều cảm xúc hơn trong từng cảnh quay của mình. “Tôi hài lòng khi những diễn viên trẻ đã rất nỗ lực để sống cùng nhân vật, cho dù bối cảnh thế kỷ XVIII đã lùi rất xa thời đại hôm nay. Với vai diễn Đoàn Thị Điểm, nữ chính không chỉ cần thể hiện tốt nội tâm nhân vật mà còn phải học, luyện viết chữ Nôm mỗi ngày…”, đạo diễn Nguyễn Đức Việt nói.

Đã lâu mới “bắt tay” thực hiện một bộ phim Nhà nước đặt hàng, NSƯT, đạo diễn Nguyễn Đức Việt chia sẻ, ngoài những khó khăn về nguồn sử liệu hiếm hoi, về thời tiết mưa gió, bản thân anh và ê kíp cũng phải đối diện với những áp lực về tư tưởng làm “phim Nhà nước”. “Đây không phải là đề tài ăn khách, rất khó làm, nhưng chúng tôi vẫn nói với nhau rằng phải cố gắng hết sức tạo nên một sản phẩm mang tính nhân văn, giáo dục và giá trị nghệ thuật cao, để khán giả cảm thấy xứng đáng khi xem…”, đạo diễn Nguyễn Đức Việt tâm sự.

Nữ diễn viên Anh Đào cũng chia sẻ: “Để thực hiện tốt nhất vai diễn của mình, mỗi ngày tôi đều dành thời gian để học viết chữ Nôm và luyện tập sao cho lời ăn tiếng nói, ánh mắt nụ cười, cử chỉ đi đứng… đều phải lột tả được thần thái, hồn cốt của người xưa. Sâu xa nhất trong vai diễn bà Đoàn Thị Điểm một tư tưởng mang tầm vóc cao cả; để có thể tròn vai, tôi đã ăn ngủ, sống cùng nhân vật…”.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhấn mạnh, mong rằng Hồng Hà nữ sĩ sẽ là một tác phẩm chất lượng của dòng phim Nhà nước góp mặt tại LHP Việt Nam lần thứ 23 sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

 Tầm vóc của Đoàn Thị Điểm không chỉ là một nhà thơ, văn nổi tiếng mà bà còn là người đặc biệt quan tâm đến thế sự. 10 điều răn được bà viết từ thế kỷ XVIII đến nay vẫn nguyên giá trị, răn dạy những người làm vua, làm quan phải giữ gìn liêm khiết. Ngôn ngữ cổ nhưng nội dung mới, lấy chuyện xưa để nói ngày nay, điều này đặc biệt ý nghĩa trước thực trạng đạo đức ngày càng xuống cấp…

(Nhà biên kịch NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT)

PHƯƠNG ANH; ảnh: ĐOÀN PHIM CUNG CẤP

Phim hành động 578 tiếp tục lọt vào LHP quốc tế lâu đời thứ hai thế giới

VHO-  Con đường chinh phục thị trường quốc tế của phim hành động Việt Nam 578 (578 Magnum) đang ngày càng được mở rộng. Đáng chú ý khi phim là trường hợp hy hữu của điện ảnh Việt Nam nhận nhiều tranh cãi trái chiều trong nước nhưng lại có được sự đánh giá cao ở quốc tế.

Cảnh trong phim 578

578 – Phát đạn của kẻ điên (578 Magnum) là phim hành động của Việt Nam phát hành rộng khắp châu Âu, châu Á, tiến tới là châu Mỹ và là bộ phim hành động đầu tiên của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại đã vượt qua hàng trăm bộ phim từ khắp nơi trên thế giới tham gia cạnh tranh chính thức cho giải Grand Prix cao nhất tại LHP Tallinn Black Nights. Đây là LHP trong top 14 LHP hạng A đã được xếp hạng bởi Hiệp hội các nhà sản xuất phim quốc tế (Fédération Internationale des Associations de Producteurs de Films -FIAPF).

Đạo diễn Lương Đình Dũng, cha đẻ của phim 578 – Phát đạn của kẻ điên

Mới đây nhất, hành trình “ra biển lớn” của 578 tiếp tục được nối dài hơn với lời mời tham dự chính thức tại LHP quốc tế Mátxcơva lần thứ 45 (Moscow International Film Festival) – một LHP lâu đời thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau LHP Venice, được tổ chức từ năm 1935 và diễn ra thường niên từ năm 1959. Đây là nơi “tụ họp” và từng trao giải cho những gương mặt đạo diễn, diễn viên nổi tiếng như đạo diễn Hollywood Stanley Kramer, đạo diễn Ý từng 4 lần đoạt Oscars Federico Fellini, nam diễn viên Jack Nicholson (The Shining, Bay trên tổ chim Cúc Cu), nữ diễn viên Meryl Streep (Don’t Look Up, The Devil Wears Prada,…). LHP quốc tế Moskva lần thứ 45 diễn ra từ 20-27.4.2023.

Ông Ivan Kudryavtsev, Giám đốc nghệ thuật của LHP quốc tế Mátxcơva đã gửi thư mời chính thức đến đạo diễn và NSX bộ phim 578 tham dự hạng mục Wild Nights với suất chiếu đặc biệt. Bên cạnh đó, các thành viên chuyên môn của LHP, Egor và Valeriya, cũng không ngần ngại thể hiện sự yêu thích: “Tôi đã xem 578 trong gần 100 bộ phim khác trong Liên hoan phim năm nay và tôi ngay lập tức cảm thấy thích bộ phim. Thực sự, bộ phim mang đến sự yêu thích cho những người đam mê điện ảnh, không chỉ thế nó còn hàm chứa một thông điệp sâu sắc, nghiêm túc cùng với một cú twist thông minh. Tôi rất hào hứng để chia sẻ bộ phim tới khán giả tại liên hoan phim năm nay”.

Một nhà sản xuất tại Đức và đối tác tại Ý cũng đã đề nghị mua luôn bộ phim phần 2 ngay từ khâu kịch bản để phát hành quốc tế. Chia sẻ về quyết định của mình, bà Justavash K, đại diện công ty phát hành Đức nói: 578 là một phim Việt Nam nổi bật, nó hấp dẫn và thu hút người xem không kém các phim hành động từ các nền điện ảnh tiên tiến, chính vì điều này bộ phim nắm giữ lợi thế và phù hợp với thị trường quốc tế”.

Tháng 6.2023, “578” tiếp tục nhận được lời mời tham dự từ giám đốc LHP quốc tế Kimolos (Hy Lạp) tại hạng mục cạnh tranh “Golden Tree” cho Bộ phim xuất sắc nhấtĐạo diễn xuất sắc nhất và 2 LHP quốc tế khác.

Một dàn cảnh lớn trong phim 578

578 không phải là bộ phim đầu tiên của đạo diễn Lương Đình Dũng được thế giới đón nhận. Trước 578, bộ phim Cha cõng con của anh cũng được mời chiếu và tham gia cạnh tranh tại những LHP lớn trên thế giới và giành giải Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Fajr Iran.

BẢO ANH, ảnh: TRẦN NGỌC SƠN

Hội An hướng tới thành phố sáng tạo: Nơi hội tụ sáng tạo và gặp gỡ bình yên

VHO- Được tổ chức định kỳ 2 năm/lần tại TP Hội An, Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam đã trở thành một sự kiện âm nhạc quốc tế quy mô lớn, thu hút hàng ngàn nghệ sĩ đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Hội An đang trở thành nơi “Hội tụ” với không gian mở để các nghệ sĩ sáng tạo, trình diễn về với Hội An.

 Hội thi Hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ VII năm 2023 vừa diễn ra tại TP Hội An đã thu hút hơn 18 đoàn hợp xướng, 600 nghệ sĩ đến từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự gặp gỡ, giao lưu giữa các nền văn hóa và âm nhạc, lời ca, tiếng hát góp phần kết nối nhân loại trong tình yêu, lòng nhân ái, tình hữu nghị, một lần nữa tạo nên sự hội ngộ đầy ấn tượng tại Hội thi diễn ra tại Hội An, nơi mà Hiệp hội Interkultur (CHLB Đức) và các đoàn hợp xướng yêu mến và đặt tên là “nơi gặp gỡ bình yên”. Bên cạnh những chương trình biểu diễn tranh tài tổ chức theo cách thức truyền thống của Interkultur, tại sự kiện lần thứ VII này, rất nhiều hoạt động khác do TP Hội An tổ chức đã mang lại cho cả khán giả lẫn nghệ sĩ trong và ngoài nước những cảm xúc, ấn tượng sâu sắc.

Chương trình nghệ thuật khai mạc với những dấu ấn đặc sắc, đậm màu sắc văn hóa của Hội An, Việt Nam và các đoàn hợp xướng quốc tế. Đặc biệt, một Hội An thật đẹp qua tiết mục múa “Lung linh Hội An” do Đội nghệ thuật của TP biểu diễn trong đêm khai mạc, trình diễn “Sắc màu của lụa” là sự kết hợp đầy sáng tạo nhằm giới thiệu thủ công và nghệ thuật dân gian, hai lĩnh vực mà Hội An đang theo đuổi để tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Bên cạnh đó, các đêm trình diễn hợp xướng quốc tế trên đường phố với chủ đề “Giai điệu quốc tế” để phục vụ nhân dân và du khách tại phố cổ Hội An luôn thu hút đông đảo người đến xem, thưởng thức các phần biểu diễn ấn tượng, giao lưu với các đoàn hợp xướng quốc tế để hiểu, cảm nhận thêm về loại hình âm nhạc này.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP Hội An chia sẻ, “chúng tôi tin tưởng rằng, bằng sự sáng tạo, nhiệt tình và những đam mê cháy bỏng dành cho loại hình nghệ thuật hợp xướng, các nghệ sĩ sẽ mang đến cho du khách và công chúng Hội An những chương trình âm nhạc chất lượng, hấp dẫn, khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ của cộng đồng, góp phần phát triển nghệ thuật hợp xướng, ca nhạc thính phòng của thành phố”.

TP Hội An đang xây dựng hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Bên cạnh việc nỗ lực làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua, Hội An luôn chú trọng định hướng, đầu tư để các nguồn lực văn hóa đều phát huy được bản chất đặc sắc và tinh túy của mình, cùng phát triển hài hòa, bổ sung cho nhau một cách có chọn lọc, cùng tạo nên những giá trị văn hóa mới.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình Hội An chia sẻ, với vai trò là chủ nhà của hội thi, TP Hội An đã có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại theo đúng tiêu chuẩn nhằm mang lại cho các nghệ sĩ biểu diễn và công chúng những trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời nhất. Việc tổ chức hội thi là dịp để lan tỏa, trao đổi kinh nghiệm của loại hình nghệ thuật độc đáo giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, đồng thời, gắn kết tình hữu nghị và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.

Những năm qua, bên cạnh duy trì các loại hình văn hóa nghệ thuật mang bản sắc truyền thống, Hội An luôn có những hoạt động sáng tạo để đưa giá trị di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế và đang trở thành nơi “Hội tụ” cho nghệ sĩ sáng tạo về với Hội An. Qua đó, tạo nguồn lực cho văn hóa Hội An phát triển, đồng thời giúp định vị là thành phố có tầm vóc sáng tạo trong nước và quốc tế. Trong đó chú trọng nỗ lực tạo uy tín, tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa truyền thống và hiện đại giúp Hội An thường xuyên được các đối tác lựa chọn hợp tác để tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế trong nhiều năm qua. Hội thi Hợp xướng quốc tế Việt Nam được tổ chức định kỳ tại TP Hội An là một minh chứng cụ thể về nỗ lực của thành phố di sản này trong việc tổ chức, duy trì các lễ hội văn hóa, nghệ thuật diễn ra quanh năm trên khắp đường phố Hội An.

Từ năm 2011 đến nay, Hội thi đã được duy trì tổ chức định kỳ 2 năm/ lần, mỗi lần tổ chức thu hút khoảng 25-30 đoàn hợp xướng, với hơn 1.500 nghệ sĩ đến từ các quốc gia trên thế giới. Các sự kiện này góp phần thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến biểu diễn, sáng tạo văn hóa nghệ thuật, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách và người dân, đưa người dân kết nối, giao lưu với quốc tế qua nghệ thuật, âm nhạc và cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Hội An cũng trở thành địa chỉ mà các đoàn hợp xướng quốc tế tìm đến để lưu diễn, các đoàn thường chọn biểu diễn ngoài trời, hoàn toàn miễn phí, ngay trong không gian phố cổ về đêm để phục vụ cộng đồng và du khách. Với không gian mở như thế, những đêm trình diễn đã mang dư âm rất lạ và tạo sự cộng hưởng cảm xúc rất lớn giữa khán giả và các nghệ sĩ.

KHÁNH CHI (Báo Điện tử Văn hóa)

Lễ trao giải Mai vàng lần thứ 28

VHO- Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 28-2022 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra tại Nhà hát Thành phố (T. HCM) vào lúc 20 giờ tối nay 10.1, được truyền hình trực tiếp trên VTV9 – Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Người Lao Động online và các nền tảng trực tuyến.

Vòng đề cử của giải lần này diễn ra từ ngày 15.9 đến hết ngày 30.11.2022; vòng bầu chọn diễn ra từ ngày 7.12 đến hết ngày 31.12-.2022 gồm 15 hạng mục sẽ được công bố trong tối nay tại Nhà hát Thành phố (TP.HCM), gồm:  Nam ca sĩ được yêu thích nhất;  Nữ ca sĩ được yêu thích nhất;  Ca khúc được yêu thích nhất; MV (video ca nhạc) được yêu thích nhất; Nhóm hát được yêu thích nhất; Nam diễn viên sân khấu được yêu thích nhất; Nữ diễn viên sân khấu được yêu thích nhất; Diễn viên hài được yêu thích nhất; Vở diễn sân khấu được yêu thích nhất; Nam diễn viên điện ảnh – truyền hình được yêu thích nhất; Nữ diễn viên điện ảnh – truyền hình được yêu thích nhất; Phim truyền hình được yêu thích nhất; Phim điện ảnh được yêu thích nhất; Người dẫn chương trình (MC) được yêu thích nhất; Chương trình trên nền tảng số và truyền hình được yêu thích nhất.

Năm 2022, khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cùng với sự hồi phục, phát triển mạnh mẽ về các mặt kinh tế – xã hội, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng ghi nhận một năm trở lại ấn tượng. Trong bối cảnh đó, Báo Người Lao Động và Ban Tổ chức Giải Mai Vàng lần thứ 28-2022 đã nỗ lực hết sức để tổ chức lễ trao giải năm nay với đầy đủ ý nghĩa ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của văn nghệ sĩ.

Lễ trao Giải Mai Vàng với chương trình biểu diễn nghệ thuật một lần nữa trở thành sinh hoạt văn hóa hằng năm đối với công chúng TP.HCM và cả nước. Một diện mạo đổi mới, bất ngờ chính là điều Mai Vàng 28-2022 chú trọng thực hiện khi công bố chủ nhân 15 hạng mục bình chọn của giải năm nay. Tổng đạo diễn chương trình: Nhà báo – đạo diễn Thanh Hiệp, các nhạc sĩ hoà âm phối khí: Đạt Kìm, Nhật Trung, Võ Thanh Liêm. Đặc biệt, có các nghệ sĩ khách mời trao giải: NSND Thu Hà, NSND Kim Xuân, NSND Minh Vương, NSƯT Trần Lực, NSƯT TrỊnh Kim Chi,  NSƯT Bảo Quốc… Các nghệ sĩ  tham gia biểu diễn: NSND  Tạ Minh Tâm, NSND Lệ Thủy, NSƯT Kim Tiểu Long, Thanh Hằng, Phương Cẩm Ngọc, Bình Tinh, diễn viện điện ảnh Huỳnh Quý, Ca sĩ O Sen Ngọc Mai, Tấn Beo, NSƯT Thanh Thanh Hiền, nhóm tỳ bà Tỳ Việt (Nhạc viện TPHCM), Nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh, CLB Sân khấu Lạc Long Quân….

Một trong những nét mới khác tại lễ trao Giải Mai Vàng năm nay là góc “Phố ông Đồ” và khu triển lãm hình ảnh hoạt động tiêu biểu của Báo Người Lao Động tại tiền sảnh Nhà hát Thành phố. Không gian văn hóa này sẽ là điểm hẹn thú vị để nghệ sĩ và khán giả – bạn đọc cùng hòa mình vào lễ hội Mai Vàng.

Bên cạnh những nội dung thường thấy trong lễ trao Giải Mai Vàng hằng năm, chương trình năm nay còn có thêm nhiều nội dung phong phú, ý nghĩa. Trong đó, 4 tiết mục được đầu tư kỹ càng sẽ được trình diễn trong đêm trao giải, gồm: ca khúc Cung đàn mùa xuân, ca khúc Du xuân ba miền với Mai Vàng, tiết mục hài Mèo đón Tết và đặc biệt là ca cảnh Tự hào cờ Tổ quốc.

Đặc biệt, tại lễ trao Giải Mai Vàng 28-2022, giải thưởng “Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng” sẽ được công bố, tiếp tục vinh danh nghệ sĩ đã có quá trình cống hiến lâu dài cho cộng đồng, được cả giới văn nghệ sĩ và công chúng yêu mến, trân trọng.

Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 28 là nơi để giới văn nghệ sĩ cùng nhìn lại chặng đường đầy nỗ lực của năm 2022, đồng thời hướng đến sự tiếp tục hồi phục, phát triển mạnh mẽ đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM và cả nước trong năm mới 2023.

ĐÀO ANH

“Sau cánh cổng làng”: Dựng chèo đề tài hiện đại để đến gần hơn với khán giả

VHO – Đoàn Nghệ thuật Thể nghiệm Nhà hát Chèo Việt Nam vừa ra mắt vở Sau cánh cổng làng đã tạo nhiều bất ngờ đối với khán giả và cả những người làm chèo.  Nhà hát đã mạnh dạn khi dựng một kịch bản được khai thác phỏng tác theo tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma ra đời năm 1990 của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Đây được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc viết về chủ đề nông thôn, đề cập tới việc đấu tranh với những hủ tục lạc hậu, đặc biệt là nạn bạo lực gia đình ở nông thôn hiện nay.

Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, đạo diễn, NSƯT Lê Tuấn Cường chia sẻ: Bên cạnh việc gìn giữ mực thước của chèo truyền thống, sân khấu chèo hiện đang thiếu những vở diễn hay về đề tài nông thôn, hiện thực thời đại, hiện thực cuộc sống được phản ánh. Chính vì vậy mà Bộ VHTTDL đã đặt hàng tác phẩm này với Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng,  bởi những mẫu hình, tính cách nhân vật trong tác phẩm đề cập vẫn không hề cũ, vẫn đang rất nóng tính thời sự.

Sau cánh cổng làng mang tính thời sự của nông thôn Việt Nam

Nhà hát đã mạnh dạn giao nhiệm vụ cho đạo diễn trẻ, NSƯT Vũ Bá Dũng và ê kíp sáng tạo giải mã Mảnh đất lắm người nhiều ma từ góc nhìn của những người làm sân khấu chèo truyền thống, đó là giảm bớt những tình tiết quá rối rắm và cả những tầng ý nghĩa của tác phẩm văn học, tập trung xoáy sâu vào mâu thuẫn của hai gia đình, cách nghĩ, cách tư duy cổ hủ, đố kị, của những cá nhân trong hai dòng họ ở một vùng quê nông thôn. Vở chèo đã bám sát được chủ đề tư tưởng của tác phẩm nguyên gốc.  Đó là phản ánh chân thực bức tranh xã hội ở một làng quê với nạn kéo bè kết cánh, bè phái trong bộ máy chính quyền xã, sự xuống cấp của một số đảng viên giữ vai trò quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo xã, sự tranh giành quyền lực giữa các dòng họ cho đến những rắc rối về từng gia đình, từng thân phận con người “quanh luỹ tre làng”. Tuy vậy, bên cạnh những thế lực đen tối vẫn có những người đảng viên tốt  như ông Chỉnh, hay những người trẻ như Tùng, Đào. Họ là những người dám tranh đấu thẳng thắn vượt lên định kiến của dòng tộc, muốn xóa bỏ những bóng đen hắc ám trong chi bộ Đảng, muốn làm trong sạch đội ngũ để xây dựng quê hương vững mạnh – những con người của thế hệ mới, cách tư duy mới như một tia hy vọng, một lối thoát cho bế tắc này. Tình yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước của đôi bạn trẻ đã tạo nên sức mạnh để hoá giải mọi thù hằn, mâu thuẫn truyền kiếp giữa hai dòng họ.

Những cảnh diễn rất trữ tình, ngọt ngào bởi các làn điệu chèo

Đề cập tới những con người của thời đại mới cần phải có tư duy đổi mới. Muốn xã hội phát triển đi lên, mỗi con người cần phải tự nhìn lại bản thân. Đạo diễn đã khéo léo khi xử lý để câu chuyện không đi vào bế tắc. Đó là nhân vật bà Son (vợ ông Hàm) chết giả. Và vì cái việc tưởng rằng bà Son chết ấy mà các nhân vật trong vở ngộ ra, mọi thù hằn, mâu thuẫn, cách nghĩ cũ truyền kiếp giữa hai dòng họ được hoá giải, mối tình giữa Tùng (họ Vũ Đình) và Đào (con gái ông Hàm – họ Trịnh Bá) được thừa nhận. Câu chuyện được khai thông, vấn đề bế tắc được những con người mang tư tưởng mới đấu tranh, giải quyết thỏa đáng, hợp lý.

Từng là cô đào nổi tiếng của Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Thanh Hoài chia sẻ: “Tôi rất mừng vì Nhà hát đã mạnh dạn giao cho một đạo diễn trẻ dàn dựng tác phẩm. Đạo diễn, ê kíp sáng tạo và đặc biệt là dàn nghệ sĩ của đoàn thử nghiệm  đã mang tới một vở chèo về đề tài hiện đại hay, hấp dẫn và đặc biệt là một vở chèo hiện đại nhưng không hề dễ dãi theo kiểu “gieo vừng ra ngô” mà mang tới một vở chèo đậm chất chèo nhuần nhụy. Có rất nhiều những làn điệu chèo hay của nghệ thuật chèo truyền thống được đưa vào rất phù hợp với từng tình tiết cũng như diễn tả tâm trạng của các nhân vật trên sân khấu như các đoạn tự sự của cặp nam nữ Tùng và Đào với các làn điệu giao duyên, đường trường chim thước, con nhện giăng mùng, đào liễu, vãn canh…”. NSND Thanh Hoài đặc biệt khen ngợi các diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam đã diễn tả rất tốt các nhân vật của xã hội hiện đại bằng cách diễn rất chèo. Bên cạnh đó đạo diễn đã cài vào những lớp dân làng như dàn đế trong chèo, làm cho xen giữa những xung đột cao trào là sự mềm mại hài hước.  Đây là một điều rất khó đối với đề tài hiện đại, nhưng ở vở diễn Sau cánh cổng làng đã đưa nét đặc trưng của sân khấu chèo vào đây.

Vấn nạn bạo lực gia đình được đề cập trong vở chèo khá rõ nét

 Thủ pháp dàn dựng của đạo diễn đã kế thừa và biến đổi từ nghệ thuật chèo truyền thống được gợi mở thỏa sức cho diễn viên thăng hoa, sáng tạo, bộc lộ tài năng và không bị gò ép theo lối diễn của sân khấu kịch, các lớp trò như: “Gọi hồn, đào mộ” các lớp diễn vợ chồng ông Hàm đã được khai thác triệt để cách diễn sáng tạo, lối sử dụng làn điệu trong nghệ thuật chèo truyền thống. Qua điệu (hát xuôi, hát ngược) nghệ sĩ TNSKT Thục Hiền trong vai bà Son đã khoe được tài năng của mình với sự thăng hoa trong lối diễn của nghệ thuật chèo truyền thống. Trang trí sân khấu gợi mở, tả ý, dành không gian cho diễn viên thỏa sức sáng tạo.  Điều thú vị là soi vào những nhân vật trên sân khấu, chắc hẳn người xem sẽ thấy ở đâu đó có bóng dáng của họ vẫn hiển hiện ở trong cuộc sống nông thôn hiện đại và cả trong từng gia đình. Đó là hình ảnh của ông Hàm (nghệ sĩ Duy Toàn thể hiện), một mẫu đàn ông gia trưởng, phong kiến, trong gia đình ông, chỉ có đàn ông được ngồi trên nhà ăn cơm, còn con gái phải ngồi dưới bếp. Luôn miệng chửi bới, đánh đập vợ vô cớ. Và đối nghịch với ông Hàm là hình ảnh bà Son (nghệ sĩ Thục Hiền thể hiện), người đàn bà đẹp nhưng đầy cam chịu, cứ luẩn quẩn với cái việc mình có lỗi với chồng nên phải làm việc và bị đối xử như con ở trong nhà bao nhiêu năm chung sống vợ chồng. Đối lập với cặp vợ chồng ông Hàm, bà Son là tình yêu của Tùng (nghệ sĩ Hà Văn Cường thể hiện) và Đào (Nghệ sĩ Trần Ngát thể hiện) mang tới một làn gió mới, đại diện cho lớp người trẻ đã làm thay đổi nếp nghĩ xưa cũ để xây dựng nông thôn mới phát triển.

Các nhân vật dân làng ở vai trò dàn đế trong chèo tạo được hiệu quả tốt cho vở

Cái được khi dựng lại một tiểu thuyết cách đây hơn 30 năm nhưng giá trị tư tưởng và những mẫu hình nhân vật được xây dựng trong vở chèo Sau cánh cổng làng đã không hề cũ đối với thời điểm hiện tại. Nhìn vào sự dốt nát, nạn kết bè phái đàn áp người tốt hay những quan niệm trong hôn nhân sai lệch đã mang lại nhiều cảm xúc và suy tư đối với người xem về cuộc đời và tình người. Làm thế nào để gạt bỏ thù hận, sống nhân ái hơn, làm thế nào để tẩy rửa những thói xấu, tập tục ở đất quê lề thói, làm thế nào để xã hội thanh lọc được những kẻ xấu nhường chỗ cho những tu duy tốt, cho những người tốt biết vị tha, tô đẹp thêm những nét đẹp của làng quê Việt Nam theo dòng chảy văn hóa lâu đời. Những câu hỏi nhức nhối ấy là điều đọng lại trong lòng mỗi khán giả khi rời khỏi nhà hát trở về.

Với Sau cánh cổng làng, Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm Nhà hát Chèo Việt Nam đã làm tốt chức năng của mình khi xây dựng một vở chèo đề tài hiện đại nhưng luôn kế thừa và biến đối  vẫn giữ được những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống, đặc biệt là lực lượng nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong đó có những nghệ sĩ mới ra trường nhưng cũng đã nắm chắc nghề, khắc hoạ thành công các nhân vật của đời sống hiện đại mà vẫn thể hiện các làn điệu, câu hát truyền thống rất ngọt, đi vào lòng bạn nghề, lòng khán giả.

THÚY HIỀN; ảnh: LÊ LAN (Báo Điện tử Văn hóa)

Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 5: Những “phép thử” thành công

VHO- So với các kỳ liên hoan nghệ thuật thông thường, “cuộc chơi” sân khấu thử nghiệm luôn mang tới sự hào hứng đặc biệt cho giới nghề cũng như khán giả. 82 giải thưởng được trao tặng tại Liên hoan lần này tuy là con số lớn, nhưng BTC và Hội đồng giám khảo đều khẳng định, nếu có giải thưởng hơn nữa vẫn hoàn toàn xứng đáng, bởi đây không chỉ là cuộc dạo chơi để thỏa mãn cái tôi cá nhân, mà những sáng tạo, “phép thử” đều hướng tới mục tiêu tăng sức hấp dẫn cho sân khấu và thu hút khán giả.

Tuy mức độ thành công khác nhau nhưng có thể thấy 19 vở diễn của 15 đơn vị trong nước và 4 đơn vị quốc tế tại Liên hoan đều thể hiện rất rõ yếu tố thử nghiệm tươi mới, táo bạo. Điều đáng nói, so với các vở diễn từ sân khấu nước ngoài thì các vở của Việt Nam đậm nét hơn và thành công hơn về mặt thử nghiệm.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi trao HCV cho các vở diễn xuất sắc nhất Liên hoan

Thử… nhưng làm thật

Hội đồng Giám khảo, trong đó có 2 vị người nước ngoài, đều đồng nhất quan điểm trong việc chấm và trao tặng giải thưởng cho các vở diễn, cá nhân xuất sắc. Cụ thể: 4 HCV thuộc về các vở Bản tình ca trên núi (Nhà hát Múa rối Việt Nam); Người trong cõi nhớ (Nhà hát Kịch Việt Nam); Thượng Thiên Thánh Mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam); Đến bờ bên kia (Đoàn Kịch nói Hải Phòng). 5 giải thưởng cá nhân cũng được trao cho các nghệ sĩ Việt Nam: “Họa sĩ xuất sắc” cho NSƯT Doãn Bằng (Người trong cõi nhớ – Nhà hát Kịch Việt Nam); “Nhạc sĩ xuất sắc” cho NSƯT Phùng Tiến Minh (Trái tim người Hà Nội – Nhà hát Kịch Hà Nội); “Đạo diễn xuất sắc” cho NSND Nguyễn Tiến Dũng (Bản tình ca trên núi – Nhà hát Múa rối Việt Nam); “Ánh sáng xuất sắc” cho nghệ sĩ Như Sơn (Bản tình ca trên núi – Nhà hát Múa rối Việt Nam); “Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc” cho NSƯT Lệ Thu (Đến bờ bên kia – Đoàn Kịch nói Hải Phòng).

Nữ giám khảo người Anh, nghệ sĩ Lydia Rochelle Newman khẳng định: “Tôi và Hội đồng giám khảo đều thấy tiếc vì không có nhiều giải thưởng hơn để trao thêm cho các vở diễn và nghệ sĩ. Tôi đánh giá cao những thử nghiệm đầy sáng tạo của sân khấu Việt Nam, đặc biệt là bốn vở được trao HCV”. Có thể điểm qua những phép thử thành công như: Sự kết hợp giữa cải lương và xiếc trong Thượng Thiên Thánh Mẫu; diễn viên biểu diễn cùng con rối trong hai vở Bản tình ca trên núi (Nhà hát Múa rối Việt Nam) và Lời thề (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng); thử nghiệm trang trí rắn (chất liệu kim khí) để thể hiện các khoang chật hẹp, bức bối của con thuyền khi qua sông trong vở Bến bờ bên kia (Đoàn Kịch nói Hải Phòng); diễn tả cõi trần, cõi âm, cõi (nên) nhớ, cõi (nên) quên trên cùng một sân khấu trong vở Người trong cõi nhớ (Nhà hát Kịch Việt Nam).

“Người trong cõi nhớ” của Nhà hát Kịch Việt Nam được trao HCV

Đôi điều cần suy ngẫm

Tại Liên hoan lần này, nhiều tác phẩm kịch kinh điển nước ngoài đã được dàn dựng thành công theo xu thế thử nghiệm Việt Nam hóa, có thể kể đến Antigone của Sân khấu Lucteam, Hedda Gabler của Nhà hát Tuổi Trẻ, Ê đip làm vua của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội… Tuy nhiên, cũng có một vài vở diễn chuyển thể từ văn học Việt Nam lại đánh mất hoặc làm giảm giá trị tư tưởng và thông điệp của tác phẩm nguyên gốc. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Tôi thấy hụt hẫng khi xem Trái tim người Hà Nội của Nhà hát Kịch Hà Nội, bởi vở diễn đã đánh mất đi thông điệp quan trọng của tác phẩm. Tôi cho rằng, công việc chuyển thể văn học sang sân khấu là cực kỳ khó khăn. Tác phẩm văn học thể hiện bằng chữ, còn vở diễn phải được gửi gắm qua các hình tượng sân khấu và qua phong cách dàn dựng của đạo diễn. Xem Trái tim người Hà Nội, tôi khẳng định đây là một chuyển thể tác phẩm văn học giữa đường đứt gánh”.

Diễn ra sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, vì vậy Liên hoan chỉ có 4 đơn vị nước ngoài tham gia, đó là lý do mà “cơn khát” chứng kiến những thử nghiệm mang tính toàn cầu chưa được thoả mãn. PGS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho rằng, một số vở diễn đã bị rơi vào tình trạng “hài hước nhiều quá trở nên vô duyên, ít quá đâm ra nhạt nhẽo; buồn quá trở thành bi lụy, mà thiếu quá đâm ra vô cảm”. Đơn cử như vở The Lehman Brothers của sân khấu Italia, sa đà với cách diễn tả chân nên đôi khi trở nên thô thiển, nếu không nói là tự nhiên chủ nghĩa.

Bản tình ca trên núi của Nhà hát Múa rối Việt Nam được trao HCV
Thượng thiên Thánh mẫu của Nhà hát Cải lương VN và Liên đoàn Xiếc VN được trao HCV

“Một số nghệ sĩ nước ngoài chia sẻ là đã học được nhiều điều thú vị từ nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Tôi hy vọng các nghệ sĩ của ta cũng học được nhiều ở cách sáng tạo của bạn bè quốc tế. Thông qua các tác phẩm tham dự Liên hoan, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về con người và đất nước Việt Nam, một đất nước có bề dày lịch sử văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, con người trung dũng, kiên cường, thân thiện và mến khách, luôn hướng tới cái đẹp và các giá trị nhân văn”, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.

Sân khấu thử nghiệm thật sự đã chạm tới trái tim của những vị khán giả được coi là “khó tính” nhất, bởi họ là các nhà lý luận, nhà phê bình nghệ thuật dày dặn kinh nghiệm, kiến thức uyên thâm. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái tâm sự, bà đã lặng lẽ khóc khi xem Người trong cõi nhớ của Nhà hát Kịch Việt Nam, và khi nhìn sang xung quanh, bà cũng thấy rất nhiều những giọt nước mắt của bạn bè và khán giả đang rơi…

Có thể nói, thử nghiệm để tìm ra những ý tưởng sáng tạo mới cho sân khấu qua các đợt Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sân khấu phát triển và tiếp cận khán giả. Sân khấu Việt Nam đang chìm đắm trong cơn “ngủ đông” đã bị chính những tác phẩm thử nghiệm đánh thức bởi những tìm tòi sáng tạo thú vị, táo bạo nhưng cũng không kém phần hấp dẫn bởi tính nhân văn đầy ý nghĩa.

Nguồn: THUÝ HIỀN (Báo Điện tử Văn hóa)

Biểu diễn vở cải lương “Thành phố buổi bình minh” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

VHO – Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 – 23.11.2022), vào 19h30 tối nay 22.11, tại Nhà hát Thành phố, Sở VHTT TP.HCM tổ chức biểu diễn vở cải lương Thành phố buổi bình minh. Đây là suất diễn phục vụ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cơ quan đơn vị và khán giả.

Thành phố buổi bình minh là vở diễn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, kịch bản của tác giả Xuân Đức, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương và đạo diễn Phan Quốc Kiệt dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu. Vở diễn từng được dàn dựng để tham dự Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc tại Long An vào năm 2018. Vở đã được trao giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II, giai đoạn 2015 – 2020. Đây cũng là tác phẩm sân khấu đầu tiên được triển khai trong chương trình đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Với bối cảnh TP.HCM những năm đầu sau giải phóng, vở diễn Thành phố buổi bình minh khắc họa hình tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ đảm nhận vai trò là Chủ tịch UBND rồi Bí thư Thành ủy TP.HCM. Cùng với lãnh đạo cấp cao của thành phố, ông đã tìm mọi cách để đưa thành phố vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách. Vở diễn nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, cống hiến to lớn, quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một buổi biểu diễn Thành phố buổi bình minh tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Đạo diễn Phan Quốc Kiệt – Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chia sẻ: “Vở diễn khắc họa hình tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong những năm đầu sau giải phóng khi ông là Bí thư Thành ủy TP.HCM. Với thời lượng vở là hai tiếng mười lăm phút, chúng tôi cũng không thể hiện được tất cả những gì mà ông đã cống hiến cho thành phố. Nhưng đây là vở diễn đặc biệt, chúng tôi chắt lọc từng chi tiết, từng câu thoại và các nghệ sĩ cũng đã mất ăn mất ngủ, tập luyện trên sàn tập để thực sự thấm nhuần các vai diễn. Chúng tôi cảm động và ấm lòng khi vở diễn được lan tỏa và được sự đón nhận của khán giả. Buổi biểu diễn nằm trong chương trình quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM chỉ đạo. Đồng thời đây cũng là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt”.

NSƯT Lê Tứ (vai chú Sáu) cho biết: “Phải nói rằng áp lực rất lớn, tôi thậm chí còn không biết mình có đảm nhận nổi không. Vở diễn này nếu tập liên tục một tháng thì có thể hoàn thành, nhưng tôi yêu cầu thêm thời gian tập, nhất là ở lớp vĩ thanh khi nhân vật chú Sáu độc thoại, về tâm trạng của chú trước khi rời miền Nam ra Hà Nội nhận nhiệm vụ ở Trung ương. Tôi cũng đã đọc nhiều tài liệu về chú Sáu Dân cũng như hỏi thăm những người từng sống qua buổi giao thời để có thêm sự hiểu biết và cảm nhận. Thử thách của vai diễn còn là việc phải thuộc lời thoại, từng câu từng chữ chứ không thể diễn cương. Thoại của nhân vật rất hay, rất đắt và đó cũng thể hiện phong cách, phẩm cách của chú Sáu Dân”.

NSƯT Lam Tuyền (vai chị Ba, là hình tượng của bà Ba Thi – nguyên giám đốc công ty Kinh doanh lương thực TP.HCM): “Vai diễn này không giống như nhiều vai khác tôi từng đóng, không chỉ là thoại, ca mà phải thể hiện bằng thần thái nhân vật, phải hiểu bối cảnh và con người ngày ấy. Tôi tin rằng khán giả, đặc biệt là những người trẻ sẽ cảm nhận được nhiều thông điệp giá trị từ câu chuyện cũng như từ các nhân vật, về phẩm cách, lý tưởng sống và lòng yêu nước…”.

Thành phố buổi bình minh có sự tham gia của các nghệ sĩ: Minh Trường (vai Hai Đảm, đại diện cho thế hệ trẻ tham gia lực lượng TNXP ngày ấy), Thy Phương (vai chị Bảy, người mẹ nghèo ở vùng ven Sài Gòn), Thanh Toàn và Tiến Dũng (vai tiến sĩ Duy Mão và tiến sĩ Huy Hoàng, trí thức chế độ cũ), Hà Như (vai Vân Anh, kỹ sư từ miền Bắc vào Nam) cùng nhiều nghệ sĩ khác.

Thời gian qua, vở diễn Thành phố buổi bình minh đã đến được với nhiều khán giả, nhất là lực lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại TP.HCM. Sau buổi diễn tối nay tại Nhà hát Thành phố, TP.HCM; ngày 23.11, vở sẽ được diễn tại Vũng Liêm (Vĩnh Long) – quê hương Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Ngày 24.11, vở sẽ tái diễn tại Nhà hát Thành phố; ngày 25.11 biểu diễn tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM.

THÙY TRANG (Báo Điện tử Văn hóa)

Bế mạc Liên hoan Chèo toàn quốc 2022: Tôn vinh những giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống

VHO – Sau 16 ngày diễn ra sôi nổi, ấn tượng tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL Hà Nam và các đơn vị liên quan tổ chức đã kết thúc bằng lễ bế mạc và trao giải diễn ra tối nay 28.10 tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam. Dự lễ bế mạc có Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ bế mạc Liên hoan

Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 khẳng định, trong suốt thời gian diễn ra liên hoan, gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên của 16 đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp đã phô diễn tài năng của mình qua 27 vở diễn phong phú ở nhiều đề tài lịch sử, dã sử, chiến tranh cách mạng, hiện đại, những buổi diễn thu hút khán giả đến chật kín khán phòng của Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Qua đó khẳng định, Chèo luôn là loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát mang đậm tính dân tộc với sự kết hợp nhuần nhuyễn của các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch, có sức hấp dẫn và đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao Huy chương Vàng cho các đơn vị có vở diễn xuất sắc tại Liên hoan

Cũng theo Thứ trưởng, tại Liên hoan lần này, có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ. Sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật Chèo. Thứ trưởng ghi nhận, biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao đã có sự quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn cho các vở diễn của mình; biểu dương các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên đã khắc phục mọi khó khăn sau đại dịch Covid-19 để đem đến Liên hoan những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Lại Xuân Môn và  Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thuỷ trao giải cho các thành phần sáng tạo xuất sắc của Liên hoan

Liên hoan là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các Hội nghề nghiệp chuyên ngành hoạch định những chiến lược phát triển sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật sân khấu Chèo nói riêng. “Thông qua Liên hoan lần này, tôi đề nghị lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần chú trọng hơn nữa, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để xây dựng nên những vở diễn đạt chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật đáp ứng sự trông đợi của bạn nghề và khán giả”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam, Phó Ban chỉ đạo Liên hoan Nguyễn Anh Chức trao Huy chương Bạc cho các đơn vị có vở diễn xuất sắc 

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, liên hoan lần này đã có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ, đạt chất lượng cao; đặc biệt đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ trong các thành phần sáng tạo. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 1 giải xuất sắc, 6 Huy chương  Vàng, 6 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng cho các vở diễn xuất sắc. Trong đó, vở diễn xuất sắc được trao cho vở Đất liền và biển cả Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa. 6 Huy chương Vàng được trao cho các vở Linh từ Quốc mẫu của Nhà hát Chèo Hà Nội; Vang bóng một thời (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân) của Đoàn Chèo Hải Phòng; Khóc giữa trời xanh của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; Nguyễn Đình Nghị của  Nhà hát Chèo Hưng Yên; Mật chỉ giữa hoàng cung  của Nhà hát Chèo Quân đội; Thiên duyên huyền tích của Nhà hát Chèo Thái Bình.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly và Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam Mai Thành Chung trao Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ 
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Nam Lê Thị Thanh Hà và Phó Chủ tịch các Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, NSND Quốc Chiêm trao Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ 

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho thành phần sáng tạo gồm tác giả nhà viết kịch, TS. Nguyễn Đăng Chương với vở Đất liền và biển cả của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa; đạo diễn, NSƯT Hoài Thu vở Linh từ Quốc mẫu của Nhà hát Chèo Hà Nội; nhạc sĩ Vũ Thiềng vở Đất liền và biển cả của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa; biên đạo múa Hoài Anh trong vở Vang bóng một thời của Đoàn Chèo Hải Phòng.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu với các nghệ sĩ

Trao đổi với Văn Hoá, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly, thành viên Ban chỉ đạo Liên hoan chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, với một bộ phận không nhỏ công chúng chưa mặn mà với nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có sân khấu Chèo, thì những cuộc thi như thế này luôn là một cầu nối hiệu quả, gắn kết giữa những người làm nghệ thuật với khán giả yêu thích sân khấu Chèo. Dù cuộc sống và nghệ thuật truyền thống có khó khăn, nhọc nhằn nhưng khi lên sân khấu, các nghệ sĩ, diễn viên đã tạm quên đi những vất vả để say sưa với vai diễn, cống hiến hết mình cho khán giả.

Tiết mục biểu diễn chào mừng tại lễ bế mạc Liên hoan của các nghệ sĩ đến từ các đơn vị và Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Hà Nam

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: “Ban tổ chức đánh giá cao vai trò của Hội đồng nghệ thuật tại Liên hoan lần này. Với bề dày kinh nghiệm cũng như uy tín và tâm huyết với nghề, tin chắc rằng Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn được những vở diễn xứng đáng, những nghệ sĩ tài năng xuất nhất tại Liên hoan để trao giải. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, chúng tôi luôn chú trọng đề cao giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc như loại hình nghệ thuật chèo”. Quyền Cục trưởng cho rằng, Liên hoan là dịp để cơ quan quản lý nhà nước có được một bức tranh toàn cảnh của nghệ thuật chèo truyền thống, đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của đội ngũ những người làm nghệ thuật Chèo, đồng thời cũng tìm những giải pháp và chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật gìn giữ và phát triển tốt

THUÝ HIỀN; ảnh: MINH HIẾU (Báo Điện tử Văn hóa)

Việt Nam giành giải Vàng Liên hoan Xiếc quốc tế

VHO- Từ Liên bang Nga, NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thông tin, tiết mục Đu son do hai nghệ sĩ xiếc Phạm Thị Hướng và Trương Hồng Thúy đại diện cho nghệ thuật xiếc Việt Nam đã giành giải Vàng.

Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022 diễn ra tại Liên bang Nga từ ngày 22 đến 26.10, có chủ đề “Công chúa xiếc”, thu hút 9 quốc gia tham dự với nhiều tiết mục phong phú, hấp dẫn. Chương trình năm nay dành riêng cho các nữ nghệ sĩ xiếc tham dự. Các nghệ sĩ trình diễn trong 2 buổi: Đêm chính thức và đêm công diễn.

Tiết mục Đu son nhận được sự đánh giá cao từ Hội đồng giám khảo bởi kỹ thuật điêu luyện

Tiết mục Đu son do NSND Tống Toàn Thắng đạo diễn, 2 nghệ sĩ xiếc Phạm Thị Hướng và Trương Hồng Thúy thể hiện đã xuất sắc giành giải Vàng liên hoan. Theo NSND Tống Toàn Thắng, tiết mục nhận được sự đánh giá cao từ Hội đồng giám khảo, nhất là sự hài hòa thống nhất về âm nhạc, trang phục, đạo cụ cũng như kỹ thuật biểu diễn điêu luyện.

Đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng cùng các nghệ sĩ trong giờ phút nhận giải Vàng

“Đây là lần thứ hai Ban tổ chức mời Việt Nam tham dự, tuy nhiên năm trước do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Việt Nam đã không tham dự. Năm nay, Ban tổ chức liên hoan tiếp tục mời, các nghệ sĩ Việt Nam đã nỗ lực hết mình để đưa tiết mục đặc sắc tới trình diễn với bạn bè quốc tế. Giải Vàng của hai nữ nghệ sĩ đã tiếp tục khẳng định tài năng cũng như vị thế của nghệ thuật xiếc Việt Nam trên trường quốc tế. Đây sẽ là động lực để các nghệ sĩ xiếc tiếp tục dấn thân, đam mê, cống hiến cho sự phát triển nghệ thuật xiếc nước nhà”, NSND Tống Toàn Thắng cho hay.

Nguồn: ĐÀO ANH (Báo Điện tử Văn hóa)

Chung kết Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022

VHO- Tối ngày 17.10, vòng chung kết Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022 đã chính thức khai mạc tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Vòng chung kết cuộc thi năm nay có sự tham gia tranh tài của 27 thí sinh, trong đó có 8 trường hợp được đặc cách.

Phát biểu tại đêm chung kết đầu tiên, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: “Trong thời điểm lĩnh vực văn hóa cùng các lĩnh vực kinh tế – xã hội đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thì cuộc thi của chúng ta đã góp phần tạo nên sự sôi động cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật thành phố.Đi đến vòng chung kết, cuộc thi đã dần hé lộ những tài năng mới cho nghệ thuật sân khấu cải lương phía Nam, khẳng định là một trong những sân chơi nghệ thuật chất lượng, chuyên nghiệp, góp phần tạo điều kiện cho các tài năng nghệ thuật được tỏa sáng”.

Theo đó, vòng chung kết sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 17.10 đến hết ngày 20.10 với lịch thi đã được bốc thăm trước đó. Tại chặng cuối này, các thí sinh thi diễn một trích đoạn cải lương tự chọn không quá 25 phút và trả lời câu hỏi từ phía Hội đồng báo chí trong vòng 3 phút. Từ phần thi chuyên môn và trả lời câu hỏi, Ban tổ chức sẽ chấm điểm và trao huy chương ở các thể loại vai: kép mùi – đào mùi, kép độc – đào độc, kép lão – đào mụ, kép hài – đào lẳng. Thông qua hội đồng nghệ thuật chung khảo gồm 7 thành viên, là: NSND Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch Hội đồng), NSND Giang Mạnh Hà, NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Thanh Điền và NSƯT Quế Trân. Góp phần hỗ trợ cuộc thi còn có: Hội đồng tư vấn nghệ thuật với sự tham gia của Nhà giáo ưu tú Diệu Đức, NSƯT Kim Phương và NSƯT Phượng Loan.

Phần thi của thí sinh Phan Thành Đông với vai “kép hài” được khán giả yêu thích 

Trong đêm đầu tiên, 5 thí sinh đã lần lượt thể hiện các phần thi diễn của mình. Đó là thí sinh Võ Thị Mảnh (nghệ danh Hồng Mảnh) đến từ Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau, dự thi vai “đào mùi” Hiếu trong trích đoạn Một phút một thời; thí sinh Trần Thị Thu Vân (NSƯT Thu Vân) đến từ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, dự thi vai “đào mùi” Huệ trong trích đoạn Duyên kiếp; thí sinh Huỳnh Tiểu Nhi đến từ Đoàn Cải lương Hương Tràm – Cà Mau, dự thi vai “đào mùi” Loan trong trích đoạn Ảo vọng; thí sinh Phan Thành Đông (nghệ danh Thanh Đông) là nghệ sĩ hoạt động tự do, dự thi vai “kép hài” Tèo trong trích đoạn Giũ áo bụi đời; thí sinh Nguyễn Văn Khởi đến từ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) dự thi vai “kép mùi” Sang trong trích đoạn Mẹ của chúng con.

Vòng chung kết cuộc thi diễn ra từ ngày 17 đến 21.10 tại nhà hát Trần Hữu Trang. Và đêm trao thưởng sẽ diễn ra vào ngày 31.10 tại nhà hát TP.HCM.

Nguồn: HỒNG HẠNH (Báo Điện tử Văn hóa)