Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL: Gắn kết giữa “ba nhà” trong đào tạo

VH – Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2017- 2018, khối các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL vừa diễn ra tại Hải Phòng. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chủ trì Hội nghị.

Trong năm học 2016 – 2017, Bộ VHTTDL đã chủ động tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế hoạt động, các văn bản áp dụng trong công tác tuyển sinh, xác định chỉ tiêu, mở mã ngành, đội ngũ nhà giáo… khi triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Đề xuất, chuẩn bị nội dung cuộc họp để Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với các Bộ, ngành liên quan về công tác đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT), du lịch. Nhiều nội dung đặc thù đã được Phó Thủ tướng kết luận để triển khai như về thời gian đào tạo và cơ sở đào tạo đại học VHNT tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ sở đào tạo VHNT là các nghệ sĩ có uy tín, có danh hiệu NSND, NSƯT thuộc các ngành NTBD không đào tạo trình độ tiến sĩ; cho phép công nhận, vận dụng quy đổi một số tiêu chuẩn tương đương, đặc thù đối với các ngành nghệ thuật trong việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, quy định mở mã ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh; về một số chế độ chính sách đối với giảng viên giáo viên như kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên trên 70 tuổi có học hàm học vị, chế độ làm việc của giảng viên ngành nghệ thuật; cơ chế về vấn đề tự chủ của các trường đại học… Đặc biệt, 11 ngành văn hóa nghệ thuật hiếm, khó tuyển sinh, dân tộc, truyền thống và đặc thù được Phó Thủ tướng cho phép theo cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo giao kinh phí; xây dựng Đề án hỗ trợ các ngành đào tạo VHNT truyền thống.

Nhờ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nên công tác tuyển sinh năm học 2017-2018 khối các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã tăng cao so với năm học 2016-2017, một số trường đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh và triệu tập thí sinh nhập học, vượt 100% chỉ tiêu như: ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, ĐH Sân khấu  -Điện ảnh TP.HCM, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Học viện Âm nhạc quốc gia VN, Nhạc viện TP.HCM, Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, Cao đẳng Du lịch Nha Trang, Cao đẳng Nghề du lịch Cần Thơ… Nhiều trường khó tuyển những năm trước năm nay cũng đạt kết quả tốt như Cao đẳng VHNT Tây Bắc, Việt Bắc… Một số trường đã triển khai chuyển đổi chương trình và đào tạo theo tín chỉ, áp dụng rất hiệu quả như ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Văn hóa TP.HCM. Các trường tiếp tục triển khai mạnh mẽ mô hình liên kết „ba nhà” (Nhà nước, nhà trường, nhà hát/doanh nghiệp) trong quản lý, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Các cơ sở đào tạo du lịch thực hiện tốt mô hình liên kết đào tạo gắn với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu của nhà trường. Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công kịch hát dân tộc được triển khai trên cơ sở liên kết đào tạo giữa nhà trường và nhà hát đã đạt được kết quả tốt. Năm học 2016 – 2017 đã có 26 học sinh lớp diễn viên, nhạc công chèo, 10 học sinh lớp diễn viên cải lương ra trường và trở về nhà hát làm việc. Đây là những mô hình đào tạo phù hợp, hiệu quả rất tốt, đáp ứng được yêu cầu công việc sau tốt nghiệp, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người học và nhà trường, đơn vị sử dụng lao động…

Trong phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc “Kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL giai đoạn 2016 – 2020”; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực VHNT giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn 2030 và Đề án Đào tạo nhân lực VHNT ở nước ngoài đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các cơ sở đào tạo đã được lựa chọn, giao nhiệm vụ đào tạo tài năng sẽ hoàn thiện Đề án, chương trình, kế hoạch của trường, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt. Đây là nhiệm vụ đột phá năm học 2017-2018; đồng thời sẽ đẩy mạnh hình thức liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ, đào tạo gắn với sử dụng nhân lực; triển khai mô hình liên kết „ba nhà”; tăng cường công tác kiểm định chất lượng nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ; đẩy mạnh tự chủ giáo dục…

Học viện Âm nhạc Quốc gia VN phải có những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực âm nhạc
Phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN diễn ra sáng 18.9, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị Học viện cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý để đội ngũ này trở thành lực lượng tinh nhuệ, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc; tăng cường công tác dự báo, định hướng nghề nghiệp cho người học; gắn kết hoạt động đào tạo với hoạt động biểu diễn, nghiên cứu khoa học… và thực tế đời sống văn hóa – xã hội trong nước, quốc tế để tạo cơ hội, điều kiện việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; công khai năng lực đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng của Học viện để người học, phụ huynh, các đơn vị tuyển dụng biết và giám sát; thực hiện những cam kết của Học viện với xã hội về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra; tập trung đào tạo tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành văn hóa nghệ thuật theo tinh thần hai Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2030” và “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động tốt nhất các nguồn lực xã hội, đưa trường phát triển mạnh mẽ, bền vững…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, năm học 2017-2018 là năm bản lề, đánh dấu sự “dịch chuyển” mô hình đào tạo của nhà trường. Học viện sẽ từng bước chuyển sang cơ chế tự chủ nhằm thực hiện mục tiêu xã hội hóa đào tạo. Đứng trước nhiều thách thức, năm học này cũng là thời điểm rà soát, chỉnh sửa, đổi mới chương trình đào tạo các cấp nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, tiệm cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới, hướng đến đào tạo cho đất nước nhiều tài năng âm nhạc. Đào Anh

(Nguồn: Hà Việt – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Nhà trường cần phải năng động, truyền tinh thần sáng tạo nghệ thuật đến từng thầy cô giáo, các em sinh viên

(Tổ Quốc) – Ngày 12/9, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2017 – 2018.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã đến dự và chia vui với tập thể nhà trường, các em sinh viên nhân dịp năm học mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần nỗ lực phát huy sự sáng tạo, năng động, truyền tinh thần sáng tạo nghệ thuật đến từng thầy cô giáo, các em sinh viên
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần nỗ lực phát huy sự sáng tạo, năng động, truyền tinh thần sáng tạo nghệ thuật đến từng thầy cô giáo, các em sinh viên

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ niềm tự hào với các thầy cô giáo, sinh viênTrường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội về thành tích đào tạo của trường trong 57 năm qua. Từ mái trường này, nền sân khấu, điện ảnh, thiết kế mỹ thuật…đã được chắp cánh, trưởng thành; hàng chục ngàn diễn viên, đạo diễn, nhà quản lý sân khấu, điện ảnh đã có mặt trên khắp nẻo đường của Tổ quốc, từ trong kháng chiến cứu nước cho đến công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Họ đã góp phần mang lại cho nhân dân cơ hội thưởng thức nghệ thuật, cao hơn nữa là định hướng phong cách thưởng thức nghệ thuật của người Việt, bồi đắp nền văn hóa hàng ngàng năm của dân tộc…Với bề dày thành tích, truyền thống quý báu đó, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng trong tương Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn hóa, nghệ thuật của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dự Lễ Khai giảng năm học mới tại Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dự Lễ Khai giảng năm học mới tại Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, để có thể sánh vai với các nước trên thế giới không thể chỉ bằng kinh tế mà quan trọng nhất là văn hóa dân tộc. Người Việt Nam cần giữ gìn, bồi đắp, trao truyền cho thế hệ mai sau những giá trị đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc, cùng với đó là hội nhập, mở cửa, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc các quốc gia khác trên thế giới. Văn hóa còn thì dân tộc còn, nhiều nền văn hóa cùng tồn tại, phát triển thì nền văn minh nhân loại mới tiếp tục tỏa sáng.

Phó Thủ tướng cho rằng: Nếu vẫn duy trì cách làm truyền thống thì văn hóa nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước khó đạt được như kỳ vọng. Trong giáo dục đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW về  đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Do đó, thầy và trò Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cũng phải có sự đổi mới mạnh mẽ để không chỉ tạo ra nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân mà còn là định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần có những tác phẩm đỉnh cao, đóng góp vào kho tàng di sản của dân tộc và thế giới.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đánh trống khai giảng năm học mới
Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đánh trống khai giảng năm học mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh nhà trường đã chú trọng chất lượng đào tạo, đi đầu trong kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc gia; có bước đi đúng trong hội nhập quốc tế; đã thành lập các trung tâm vừa nghiên cứu vừa đào tạo, từng bước làm dịch vụ. Đây là điểm mạnh nhà trường cần tiếp tục phát huy; nhà trường cần tiếp tục đổi mới về cơ chế quản lý, quản trị, trên tinh thần tự chủ, để không còn quy định hành chính theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ các cơ quan hành chính. Nhà nước sẽ hỗ trợ, cấp kinh phí để đào tạo ở một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, khó tuyển sinh, thiếu nhân lực, nhất là với ngành văn hóa, văn nghệ truyền thống. Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cần nỗ lực phát huy sự sáng tạo, năng động, truyền tinh thần sáng tạo nghệ thuật đến từng thầy cô giáo, các em sinh viên, chỉ bằng cách đó nhà trường nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có sân khấu, điện ảnh mới phát triển vững mạnh.

Phó Thủ tướng mong muốn nhà trường, các em sinh viên cần nỗ lực nghiên cứu, đưa ra lộ trình cụ thể để góp phần đóng góp để phát triển văn hóa thành ngành công nghiệp có giá trị cao. Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cùng ngành văn hóa cần tập trung tinh thần, có những bước đi ban đầu vững chắc để hình thành nền công nghiệp văn hóa, giúp văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho biết: Trường có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, thiết kế mỹ thuật và truyền hình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam và thực hiện thành công các mục tiêu về hội nhập quốc tế. Là một trường đặc thù chuyên đào tạo năng khiếu nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, truyền hình nên chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao, hướng tới mục tiêu cụ thể, cấu trúc hợp lý giữa lý thuyết và thực hành.

Các chương trình đào tạo được xây dựng vừa theo hướng đào tạo cơ bản, chuyên sâu, vừa theo hướng đào tạo nhân lực cho hoạt động nghệ thuật sân khấu, điện ảnh trong cả nước, vừa có thể liên thông được các cơ sở đào tạo sân khấu- điện ảnh trong cả nước và quốc tế. Hiện nay có trên 40 ngành/chuyên ngành đào tạo với các bậc đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp đến tiến sĩ; ngoài ra còn được tổ chức tại nhiều cơ sở khác nhau do có sự liên kết đào tạo theo yêu cầu của một số địa phương.

Trong những năm gần đây, trường nỗ lực nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu xã hội; rà soát điều chỉnh hệ thống khung chương trình, giáo trình đào tạo một số chuyên ngành theo đúng qui chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo các ngành sân khấu, điện ảnh – truyền hình…/.

(Nguồn: Dạ Minh; ảnh: Đình Đạt – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Một số nghệ sĩ Nhà hát tốt nghiệp các khoá đào tạo chuyên môn

Tháng 6 năm 2012, một số nghệ sĩ của Nhà hát đã tốt nghiệp các khoá đào tạo chuyên môn.
Tốt nghiệp chuyên ngành Biên đạo múa (Trường ĐHSK & ĐA HN) : NSƯT An Chinh.
Tốt nghiệp chuyên ngành Sáng tác âm nhạc – chỉ huy dàn nhạc (Trường ĐHSK & ĐA HN): NSƯT Phạm Văn Doanh, Đinh Huy Hưng, Nguyễn Duy Hòa.

Một số nghệ sĩ dự tuyển các khoá đào tạo chuyên môn

Mùa tuyển sinh năm 2011 của Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh, một số nghệ sĩ nhà hát Chèo VN đã trúng tuyển vào các chuyên ngành đào tạo, trong đó 02 nghệ sĩ trúng tuyển chuyên ngành Đạo diễn, một số nghệ sĩ trúng tuyển chuyên ngành diễn viên (bậc đại học).

Tập huấn vở diễn truyền thống “Xuý Vân”

Tháng 3 năm 2012, Nhà hát Chèo Việt Nam đã tổ chức tập huấn vở diễn Chèo truyền thống “Xuý Vân” cho cả hai đối tượng : diễn viên và nhạc công.
Chỉ đạo chung : Quyền giám đốc – Đạo diễn Hà Quốc Minh
Chịu trách nhiệm chương trình tập huấn : Đạo diễn Vũ Ngọc Minh
Các giảng viên : NSND Chu Văn Thức, NSƯT Diễm Lộc, NSƯT Hải Điệp, NSƯT Phúc Lợi, NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Khắc Tư…

Nhà hát Chèo VN cử cán bộ tham gia bồi dưỡng chính trị

Tháng 6 năm 2012, Nhà hát Chèo Việt Nam đã cử
một số cán bộ đương chức và một số cán bộ nguồn theo học khoá bồi dưỡng chính trị ( trình
độ trung cấp) do Bộ VH, TT & DL tổ chức tại Trường Cán bộ Quản lý Văn hoá.
Danh sách cụ thể :
Phòng TCBD : Văn Khắc Bình
Phòng HCTH : Lê Huy Cương.
Phòng NT : Trần Đình Văn.
Đoàn NT 1 : Lê Mạnh Huấn, Nguyễn Quang Minh.
Đoàn NT 2 : Trần Tuấn Tài, Vũ Bá Dũng.