Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL: Gắn kết giữa “ba nhà” trong đào tạo

VH – Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2017- 2018, khối các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL vừa diễn ra tại Hải Phòng. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chủ trì Hội nghị.

Trong năm học 2016 – 2017, Bộ VHTTDL đã chủ động tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế hoạt động, các văn bản áp dụng trong công tác tuyển sinh, xác định chỉ tiêu, mở mã ngành, đội ngũ nhà giáo… khi triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Đề xuất, chuẩn bị nội dung cuộc họp để Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với các Bộ, ngành liên quan về công tác đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT), du lịch. Nhiều nội dung đặc thù đã được Phó Thủ tướng kết luận để triển khai như về thời gian đào tạo và cơ sở đào tạo đại học VHNT tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ sở đào tạo VHNT là các nghệ sĩ có uy tín, có danh hiệu NSND, NSƯT thuộc các ngành NTBD không đào tạo trình độ tiến sĩ; cho phép công nhận, vận dụng quy đổi một số tiêu chuẩn tương đương, đặc thù đối với các ngành nghệ thuật trong việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, quy định mở mã ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh; về một số chế độ chính sách đối với giảng viên giáo viên như kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên trên 70 tuổi có học hàm học vị, chế độ làm việc của giảng viên ngành nghệ thuật; cơ chế về vấn đề tự chủ của các trường đại học… Đặc biệt, 11 ngành văn hóa nghệ thuật hiếm, khó tuyển sinh, dân tộc, truyền thống và đặc thù được Phó Thủ tướng cho phép theo cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo giao kinh phí; xây dựng Đề án hỗ trợ các ngành đào tạo VHNT truyền thống.

Nhờ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nên công tác tuyển sinh năm học 2017-2018 khối các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã tăng cao so với năm học 2016-2017, một số trường đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh và triệu tập thí sinh nhập học, vượt 100% chỉ tiêu như: ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, ĐH Sân khấu  -Điện ảnh TP.HCM, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Học viện Âm nhạc quốc gia VN, Nhạc viện TP.HCM, Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, Cao đẳng Du lịch Nha Trang, Cao đẳng Nghề du lịch Cần Thơ… Nhiều trường khó tuyển những năm trước năm nay cũng đạt kết quả tốt như Cao đẳng VHNT Tây Bắc, Việt Bắc… Một số trường đã triển khai chuyển đổi chương trình và đào tạo theo tín chỉ, áp dụng rất hiệu quả như ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Văn hóa TP.HCM. Các trường tiếp tục triển khai mạnh mẽ mô hình liên kết „ba nhà” (Nhà nước, nhà trường, nhà hát/doanh nghiệp) trong quản lý, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Các cơ sở đào tạo du lịch thực hiện tốt mô hình liên kết đào tạo gắn với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu của nhà trường. Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công kịch hát dân tộc được triển khai trên cơ sở liên kết đào tạo giữa nhà trường và nhà hát đã đạt được kết quả tốt. Năm học 2016 – 2017 đã có 26 học sinh lớp diễn viên, nhạc công chèo, 10 học sinh lớp diễn viên cải lương ra trường và trở về nhà hát làm việc. Đây là những mô hình đào tạo phù hợp, hiệu quả rất tốt, đáp ứng được yêu cầu công việc sau tốt nghiệp, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người học và nhà trường, đơn vị sử dụng lao động…

Trong phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc “Kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL giai đoạn 2016 – 2020”; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực VHNT giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn 2030 và Đề án Đào tạo nhân lực VHNT ở nước ngoài đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các cơ sở đào tạo đã được lựa chọn, giao nhiệm vụ đào tạo tài năng sẽ hoàn thiện Đề án, chương trình, kế hoạch của trường, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt. Đây là nhiệm vụ đột phá năm học 2017-2018; đồng thời sẽ đẩy mạnh hình thức liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ, đào tạo gắn với sử dụng nhân lực; triển khai mô hình liên kết „ba nhà”; tăng cường công tác kiểm định chất lượng nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ; đẩy mạnh tự chủ giáo dục…

Học viện Âm nhạc Quốc gia VN phải có những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực âm nhạc
Phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN diễn ra sáng 18.9, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị Học viện cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý để đội ngũ này trở thành lực lượng tinh nhuệ, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc; tăng cường công tác dự báo, định hướng nghề nghiệp cho người học; gắn kết hoạt động đào tạo với hoạt động biểu diễn, nghiên cứu khoa học… và thực tế đời sống văn hóa – xã hội trong nước, quốc tế để tạo cơ hội, điều kiện việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; công khai năng lực đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng của Học viện để người học, phụ huynh, các đơn vị tuyển dụng biết và giám sát; thực hiện những cam kết của Học viện với xã hội về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra; tập trung đào tạo tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành văn hóa nghệ thuật theo tinh thần hai Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2030” và “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động tốt nhất các nguồn lực xã hội, đưa trường phát triển mạnh mẽ, bền vững…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, năm học 2017-2018 là năm bản lề, đánh dấu sự “dịch chuyển” mô hình đào tạo của nhà trường. Học viện sẽ từng bước chuyển sang cơ chế tự chủ nhằm thực hiện mục tiêu xã hội hóa đào tạo. Đứng trước nhiều thách thức, năm học này cũng là thời điểm rà soát, chỉnh sửa, đổi mới chương trình đào tạo các cấp nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, tiệm cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới, hướng đến đào tạo cho đất nước nhiều tài năng âm nhạc. Đào Anh

(Nguồn: Hà Việt – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Khai mạc liên hoan Múa quốc tế 2017

Tối 16/9, tại tỉnh Ninh Bình, liên hoan Múa quốc tế 2017 đã chính thức khai mạc. Tham dự liên hoan có 24 đoàn nghệ thuật của 15 quốc gia với gần 500 nghệ sĩ trong nước và quốc tế biểu diễn.

Liên hoa Múa quốc tế 2017 tại Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, UBND tỉnh Ninh Bình và Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp tổ chức.

Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL phát biểu khai mạc liên hoa Múa quốc tế năm 2017.
Ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL phát biểu khai mạc liên hoa Múa quốc tế năm 2017.

Tham dự lễ khai mạc có ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL); lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL), Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; đông đảo các nghệ sĩ và khán giả đến tham dự.

Liên hoan nghệ thuật Múa chuyên nghiệp lần thứ 2 tổ chức tại Việt Nam năm nay thu hút 24 đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế (15 quốc gia), với khoảng 300 nghệ sĩ quốc tế và 200 nghệ sĩ của Việt Nam biểu diễn.

Các đoàn nghệ thuật tham dự liên hoan Múa quốc tế 2017 tổ chức tại tỉnh Ninh Bình.
Các đoàn nghệ thuật tham dự liên hoan Múa quốc tế 2017 tổ chức tại tỉnh Ninh Bình.

Việt Nam có 9 đoàn nghệ thuật tham dự liên hoan. Các nước có đoàn nghệ thuật tham gia gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên Bang Nga, Singapor, Ai Cập, Mianma…

Liên hoan Múa quốc tế 2017 là sự kiện văn hóa nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đồng thời là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Đông đảo các nghệ sĩ, khán giả đến tham dự buổi khai mạc liên hoan Múa quốc tế 2017.
Đông đảo các nghệ sĩ, khán giả đến tham dự buổi khai mạc liên hoan Múa quốc tế 2017.

Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 22/9, Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan sẽ đánh giá các tác phẩm có chất lượng cao, sau đó Bộ VH,TT&DL sẽ trao tặng Huy chương vàng, Huy chương bạc cho các tiết mục.

Dưới đây là những tiết mục Múa đặc sắc trong đêm khai mạc PV Dân trí ghi lại.

(Nguồn: Thái Bá – Báo Điện tử Dân trí)

Nhà trường cần phải năng động, truyền tinh thần sáng tạo nghệ thuật đến từng thầy cô giáo, các em sinh viên

(Tổ Quốc) – Ngày 12/9, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2017 – 2018.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã đến dự và chia vui với tập thể nhà trường, các em sinh viên nhân dịp năm học mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần nỗ lực phát huy sự sáng tạo, năng động, truyền tinh thần sáng tạo nghệ thuật đến từng thầy cô giáo, các em sinh viên
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần nỗ lực phát huy sự sáng tạo, năng động, truyền tinh thần sáng tạo nghệ thuật đến từng thầy cô giáo, các em sinh viên

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ niềm tự hào với các thầy cô giáo, sinh viênTrường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội về thành tích đào tạo của trường trong 57 năm qua. Từ mái trường này, nền sân khấu, điện ảnh, thiết kế mỹ thuật…đã được chắp cánh, trưởng thành; hàng chục ngàn diễn viên, đạo diễn, nhà quản lý sân khấu, điện ảnh đã có mặt trên khắp nẻo đường của Tổ quốc, từ trong kháng chiến cứu nước cho đến công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Họ đã góp phần mang lại cho nhân dân cơ hội thưởng thức nghệ thuật, cao hơn nữa là định hướng phong cách thưởng thức nghệ thuật của người Việt, bồi đắp nền văn hóa hàng ngàng năm của dân tộc…Với bề dày thành tích, truyền thống quý báu đó, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng trong tương Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn hóa, nghệ thuật của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dự Lễ Khai giảng năm học mới tại Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dự Lễ Khai giảng năm học mới tại Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, để có thể sánh vai với các nước trên thế giới không thể chỉ bằng kinh tế mà quan trọng nhất là văn hóa dân tộc. Người Việt Nam cần giữ gìn, bồi đắp, trao truyền cho thế hệ mai sau những giá trị đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc, cùng với đó là hội nhập, mở cửa, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc các quốc gia khác trên thế giới. Văn hóa còn thì dân tộc còn, nhiều nền văn hóa cùng tồn tại, phát triển thì nền văn minh nhân loại mới tiếp tục tỏa sáng.

Phó Thủ tướng cho rằng: Nếu vẫn duy trì cách làm truyền thống thì văn hóa nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước khó đạt được như kỳ vọng. Trong giáo dục đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW về  đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Do đó, thầy và trò Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cũng phải có sự đổi mới mạnh mẽ để không chỉ tạo ra nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân mà còn là định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần có những tác phẩm đỉnh cao, đóng góp vào kho tàng di sản của dân tộc và thế giới.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đánh trống khai giảng năm học mới
Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đánh trống khai giảng năm học mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh nhà trường đã chú trọng chất lượng đào tạo, đi đầu trong kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc gia; có bước đi đúng trong hội nhập quốc tế; đã thành lập các trung tâm vừa nghiên cứu vừa đào tạo, từng bước làm dịch vụ. Đây là điểm mạnh nhà trường cần tiếp tục phát huy; nhà trường cần tiếp tục đổi mới về cơ chế quản lý, quản trị, trên tinh thần tự chủ, để không còn quy định hành chính theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ các cơ quan hành chính. Nhà nước sẽ hỗ trợ, cấp kinh phí để đào tạo ở một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, khó tuyển sinh, thiếu nhân lực, nhất là với ngành văn hóa, văn nghệ truyền thống. Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cần nỗ lực phát huy sự sáng tạo, năng động, truyền tinh thần sáng tạo nghệ thuật đến từng thầy cô giáo, các em sinh viên, chỉ bằng cách đó nhà trường nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có sân khấu, điện ảnh mới phát triển vững mạnh.

Phó Thủ tướng mong muốn nhà trường, các em sinh viên cần nỗ lực nghiên cứu, đưa ra lộ trình cụ thể để góp phần đóng góp để phát triển văn hóa thành ngành công nghiệp có giá trị cao. Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cùng ngành văn hóa cần tập trung tinh thần, có những bước đi ban đầu vững chắc để hình thành nền công nghiệp văn hóa, giúp văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho biết: Trường có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, thiết kế mỹ thuật và truyền hình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam và thực hiện thành công các mục tiêu về hội nhập quốc tế. Là một trường đặc thù chuyên đào tạo năng khiếu nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, truyền hình nên chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao, hướng tới mục tiêu cụ thể, cấu trúc hợp lý giữa lý thuyết và thực hành.

Các chương trình đào tạo được xây dựng vừa theo hướng đào tạo cơ bản, chuyên sâu, vừa theo hướng đào tạo nhân lực cho hoạt động nghệ thuật sân khấu, điện ảnh trong cả nước, vừa có thể liên thông được các cơ sở đào tạo sân khấu- điện ảnh trong cả nước và quốc tế. Hiện nay có trên 40 ngành/chuyên ngành đào tạo với các bậc đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp đến tiến sĩ; ngoài ra còn được tổ chức tại nhiều cơ sở khác nhau do có sự liên kết đào tạo theo yêu cầu của một số địa phương.

Trong những năm gần đây, trường nỗ lực nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu xã hội; rà soát điều chỉnh hệ thống khung chương trình, giáo trình đào tạo một số chuyên ngành theo đúng qui chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo các ngành sân khấu, điện ảnh – truyền hình…/.

(Nguồn: Dạ Minh; ảnh: Đình Đạt – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Âm vang về nguồn

          Có lẽ, nên bắt đầu bài viết này từ câu nói: “Nếu tôi có chết, tôi cũng trở thành “ma Chèo”!”– một câu nói thực sự ám ảnh – trích lời Giáo sư Trần Bảng trong cuộc trò chuyện sáng ngày 20 tháng Chạp năm 2016 tại buổi gặp gỡ cuối năm dành cho nghệ sĩ, cán bộ đã nghỉ hưu được tổ chức thường niên vào dịp áp Tết của Nhà hát Chèo Việt Nam.

IMG_6558

(Giáo sư Trần Bảng)

         Phát biểu của Giáo sư Trần Bảng thật ngắn nhưng đã nói hộ cả tâm tư nhiều người. Nhạc sĩ – NSƯT Bùi Đức Hạnh thì trăn trở đối với vấn đề “trả nghệ thuật Chèo về không gian làng quê”. Đành rằng quá rõ, Chèo sinh ra ở làng quê nhưng không vì thế, cứ về quê Chèo mới có đất sống. Vả lại trình độ cảm thụ nghệ thuật luôn luôn bao giờ cũng tương ứng với trình độ nhận thức. Con người thời hiện đại dù là ai nếu còn thẩm mĩ chân chính thì dẫu ở thị thành cũng vẫn vào rạp để thưởng thức nghệ thuật, thụ hưởng điều kiện vật chất hiện đại nhưng tái giữ được không gian nơi nó tồn tại và ra đời. Khác NSƯT Bùi Đức Hạnh, Nguyên Giám đốc Vũ Đình Quân lại quan tâm tới vấn đề tổ chức. Cá nhân ông bày tỏ tin tưởng vào Ban lãnh đạo đương nhiệm. Còn nghệ sĩ tiền bối Duy Đính thì thương yêu dặn dò các em học sinh không lãng phí sức khỏe, chú ý chăm chút nhan sắc, giọng hát. Các em cần nhớ rằng, giọng hát – nhan sắc là phương tiện của biểu hiện nghệ thuật. NSND Diễm Lộc tuy không nói trước tập thể nhưng bà ngồi dưới hết sức nhiệt thành tâm tình với diễn viên trẻ kinh nghiệm diễn xuất của mình. Muốn diễn giỏi trên sân khấu nhất định phải rèn rũa làm sao tới mức đủ “độ”, không thiếu hụt lại càng không nên vượt quá “ngưỡng” tính cách mình nhập vai…Cứ như vậy, nhiều câu chuyện, nhiều tâm tư cả một năm đọng lại mà cảm thấy khoảng thời gian nửa ngày quá ngắn ngủi để nói! Nhưng đã chạm tới nghề thì nói biết đến bao giờ cho đủ?! Bữa tiệc cuối năm, “đủ” ở đây có chăng là  đủ đầy tình cảm giữa thầy và trò; giữa anh em đồng nghiệp gắn bó cùng nhau. Nhịp sống xô bồ hối hả hiện nay, cứ ngày 20 tháng Chạp, ở Nhà hát Chèo Việt Nam bây giờ, lúc này và ngày mai, vẫn mãi giữ truyền thống chân quý ấy!

          Trở lại câu nói của GS Trần Bảng. Thực ra, với một nhà lý luận gạo cội như ông thì chuyện “ma” thuộc về duy tâm, không thể tồn tại trong ý thức khoa học duy vật. Câu nói đó trước hết đơn giản hiểu như cách diễn đạt gần gũi, thân thuộc để gửi gắm toàn bộ niềm tin và tình yêu đối với nghệ thuật Chèo. Sống vì Chèo, chết đi cũng vẫn ở trong Chèo. Chèo đã hóa thành linh hồn, nguyên khí. Thực thể con người không ai cưỡng lại được quy luật hữu hạn nhưng nguyên khí thì vẫn mãi còn, không bao giờ mất. Và “ma Chèo” ở đây, không gì khác ngoài nguyên khí vô hình mà giáo sư đã vận dụng thành quả từ vật lý – y học; chứng minh ở đó, luôn chứa đựng khả năng tái sinh sức mạnh, có thể tiếp sức, khơi dậy năng lượng sáng tạo nơi đời sống tinh thần những ai tâm thành, chung thủy với con đường khẳng định chân lý sinh tồn của tinh hoa nghệ thuật truyền thống!

          “Ma Chèo” sau nữa nếu hiểu từ góc độ  văn hóa – đạo đức, với uy tín,  nhân cách của người thầy, thầy Trần Bảng đã ân cần, độ lượng nhắc nhở lớp lớp thế hệ học trò bài học “tiên học lễ, hậu học văn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… “Làm nghề” quan trọng, nhưng “làm người” phải đặt lên trước hết. Nhớ ơn tiên tổ rồi mới đến việc, làm thế nào để xứng đáng với tổ tiên, âu cũng là mong mỏi mà nếu chẳng may một ngày thầy về với các cụ thì thầy vẫn mãi dõi theo, Chèo ở đâu, thầy ở đó!

          Nói lại về nguồn cội nghi lễ ngày Tết, xin lược trích sau đây vài điều sơ giản. Ai cũng biết rằng trên thế giới, nhiều quốc gia ăn Tết “tây” – tết Dương lịch, một số nước khác trong đó có Việt Nam ăn Tết “ta” – tết Âm lịch hay còn gọi là tết Nguyên đán. Từ xưa người Việt Nam coi tết Nguyên đán là một trong những dịp lễ truyền thống quan trọng nhất của năm. Nguyên nghĩa của từ “tết” là “tiết”. Sở dĩ  vì đất nước ta thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước, xuất phát từ nhu cầu sản xuất, cha ông đã phân chia thời gian trong một năm thành những “tiết” và ứng với mỗi “tiết” có khắc “giao thời”. Trong những “tiết” ấy thì tiết Nguyên đán (bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 Âm lịch) khởi đầu một chu kì canh tác, gieo trồng, được chọn làm dịp lễ-  sau này dân gian thường gọi chệch bằng tên: tết Nguyên đán.

          Dân tộc Việt bắt đầu ăn Tết từ khi nào tới nay chưa có tài liệu xác định chính xác. Tuy nhiên, tìm hiểu truyền thuyết và lịch sử, vào khoảng cuối thiên niên kỉ thứ ba trước Công nguyên, thủy tổ dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lên ngôi vua kết hôn cùng Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở thành trăm người con. Người con trưởng trở thành Vua Hùng. Hùng Vương có tất cả 18 đời. Đến đời thứ 6, người con trai thứ 18 của Vua Hùng mang tên Lang Liêu đã làm bánh chưng bánh giầy để dâng lên cúng thờ tiên tổ, bày tỏ tấm lòng thành kính. Và Tết Việt Nam cho rằng, có gốc rễ từ đó.

          Theo lịch sử, Tết nước ta sớm hình thành như một nét văn hoá mang bản sắc riêng của người Việt. Ý niệm Tết là dịp hướng về cội nguồn từ thuở sơ khai đã ăn sâu vào tiềm thức hết thế hệ này sang thế hệ khác. Một trong những phong tục đẹp đẽ nhất ngày Tết còn gìn giữ được đến nay là tri ân tổ tiên. Dân gian truyền tụng câu “mồng Một tết cha, mồng Hai tết chú, mồng Ba tết thầy”, ẩn ý ghi nhớ công đức sinh thành dưỡng dục của bậc tiền nhân bằng cả tấm lòng biết ơn sâu sắc.

          Trở về với Nhà hát Chèo Việt Nam, đã từ lâu thành lệ, cứ vào cuối năm, dù bận rộn thế nào Ban Giám đốc cũng sắp xếp tổ chức một buổi gặp gỡ như thế. Buổi tụ họp các bậc lão thành làm nghề là Tết nghề, tết dành cho những ai từng công tác tại nhà hát đầu ngành. Phong tục ngày Tết nghề,trên ban thờ tổ tại rạp có mâm lễ cùng tuần hương khẩn cầu linh hồn các cụ; trên sân khấu có chương trình nghệ thuật chọn lọc kính trình thế hệ đi trước thành quả một năm lao động phấn đấu.  Mỗi năm mỗi khác, các thầy vui mừng vì sự tiến bộ của con cháu, còn cháu con lại thấy an lòng vì mình lại như về nhà, được nương tựa, sẻ chia mọi khó khăn vất vả. Có thể nói, nếu như Chèo – một trong những biểu trưng cho cái đẹp của nghệ thuật truyền thống thì Tết Chèo ở Nhà hát Chèo Việt Nam là “văn hóa trong văn hóa”, thấm đượm yêu thương, ân tình!

          Như thế, khi cái tên Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn xướng lên thì cũng có nghĩa nghệ thuật Chèo không thể mất đi. Khi nghệ thuật Chèo không mất đi, Tết Chèo chắc chắn vẫn còn. Buổi gặp mặt hôm nay đã mãi vắng nghệ sĩ nào đó, sang năm có thể lại vắng thêm nhưng rồi sẽ lại được bổ sung một cây đa tỏa bóng. Nguyên khí nghề nghiệp mà GS Trần Bảng đã nói – tích tụ theo bề dày lịch sử bởi những bóng “ma Chèo” – dần trở thành khối năng lượng lớn. Nó tựu chung lại ở ý thức nghề nghiệp, tình yêu. Tình yêu, ý thức nghề nghiệp lớn đến đâu sẽ quyết định đạo đức, tinh thần xả thân vì nghề đến đó! Đấy là dư âm vang vọng khó quên trên chuyến hành hương về nguồn dịp Tết 2017 tại Nhà hát Chèo Việt Nam.

          Nghĩa từ vựng, “nguyên” chỉ sự khởi đầu, “đán” là buổi sớm mai. Ghép lại, tết Nguyên đán mang nét nghĩa: thời điểm khởi đầu niềm tin niềm hi vọng. Với truyền thống “văn hóa trong văn hóa”, “uống nước nhớ nguồn”; với sự tiếp sức mạnh mẽ của thế hệ cha ông, tin rằng một mùa xuân mới tràn đầy sức sống hơn, đẹp hơn, sẽ ở lại với Nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng và, nghệ thuật Chèo nói chung!

         Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt các thế hệ diễn viên Nhà hát nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017:

IMG_6488

IMG_6566IMG_6574IMG_6577

IMG_6542IMG_6482IMG_6504IMG_6538Th.S Ninh Thanh Hà

(Phòng Nghệ thuật)

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2017

Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp được xây dựng từ những tiết mục tiêu biểu của hầu hết các đơn vị nghệ thuật, cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL với nhiều bộ môn nghệ thuật thuộc hai loại hình nghệ thuật Sân khấu và Ca múa nhạc do Bộ VHTTDL tổ chức. Chương trình sẽ diễn ra vào 20h00 các ngày 21, 22, 23.12.2016 tại Nhà hát Lớn, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Chương trình do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Văn phòng Bộ VHTTDL và Nhà hát Lớn Hà Nội chủ trì thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các trợ lý: NSND Ngô Hoàng Quân; NSND Nguyễn Minh Thông; NSND Quang Vinh.

Chương trình sẽ huy động lực lượng nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công, diễn viên của: Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, Học viện Âm nhạc TP.HCM, Học viện Âm nhạc Huế, Nhà hát Ca múa nhạc VN, Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN, Dàn nhạc Giao hưởng VN, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Múa rối VN.

Thiết kế sân khấu của chương trình sẽ được làm mới và có hệ thống màn hình LED thay thế cho phông phía sau và hai bên cánh gà. Các nhà thiết kế sẽ sử dụng phông mềm, máy chiếu để thay đổi không gian, chuyển cảnh, đạo cụ, sắp xếp đội hình nhạc công, nghệ sĩ cho các tiết mục sử dụng nhiều nhạc cụ, diễn viên.

Chương trình có tổng thời lượng khoảng 120 phút với các phần: Khai từ và 2 phần nội dung chính. Màn khai từ là trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng VN với bản giao hưởng “Người về đem tới ngày vui” (âm nhạc: Văn Cao – Trọng Bằng, chỉ huy: Nhạc trưởng Honna Tetsuji). Nội dung Phần một là các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Phần hai là các tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc phát triển từ chất liệu dân gian, truyền thống cùng một số tác phẩm cổ điển châu Âu.

Sẽ có những tiết mục dàn dựng đặc biệt như nhạc cảnh Cung chúc tân xuân với sự phối hợp biểu diễn giữa các làn điệu (Chèo) Sử xuân và Tứ quý cùng Hề mồi, Hề gậy, Múa cờ và Ông già cõng vợ đi xem hội (Tuồng) do nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp biểu diễn. Có rất nhiều ca khúc đơn ca ở nhiều thể loại được các nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi của các đơn vị nghệ thuật trình diễn như: Bài vọng cổ tôi yêu (NSND Vương Hà), Gọi Anh (NSƯT Mã Minh Huệ và tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc”, hát chầu văn Huế trọn nghĩa tình (ca sĩ Mai Chung và tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc VN), Mẹ yêu con (ca sĩ Anh Thơ và Dàn nhạc Giao hưởng dân tộc Học viện Âm nhạc Quốc gia VN thực hiện), Tổ quốc gọi mình (NSƯT Tạ Minh Tâm và tốp múa Nhà hát Nhạc vũ kịch VN), Hòa tấu Ngư phủ Triều khúc (ca sĩ Đức Liên và Dàn nhạc Nhà hát Ca múa nhạc VN), Thời hoa đỏ (NSND Thái Bảo trên nền tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc VN)…

Các tiết mục song ca và biểu diễn tập thể: Múa rối Vũ điệu tâm linh (Nhà hát Múa rối VN), Múa những bông đỏ của rừng (tốp múa nữ Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc), Tình ca mùa xuân (Song ca nam nữ và tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc VN), Lời ru của rừng (tốp múa Nhà hát Nhạc vũ kịch VN), Acapella Dòng sông thương nhớ (song ca cùng dàn ca sĩ Nhà hát Ca múa nhạc VN), Song tấu sáo trúc Cánh chim tự do (Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN), Những ánh trăng đỏ (tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc VN), Ballet Những đóa hồng (tốp múa Nhà hát Nhạc vũ kịch VN).

Quy tụ lực lượng tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn đều là những đại diện tiêu biểu, nòng cốt của hai loại hình nghệ thuật sân khấu và ca múa nhạc, chương trình nghệ thuật chào năm mới 2017 sẽ mang tới cho khán giả thủ đô một chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, thiết kế quy mô và một không gian thưởng thức nghệ thuật tinh tế, sang trọng.

Đào Anh; ảnh: Trần Huấn

(Trích đăng lại tin từ Báo văn hóa điện tử)

 

Nhà hát lớn Hà Nội rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Nhà hát Chèo Việt Nam với vở “Bắc Lệ đền thiêng”

VH – Đêm thứ hai trong đợt diễn thứ tư trong khuôn khổ dự án Đưa các chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn một lần nữa khán giả Thủ đô được thưởng thức một không gian sân khấu chèo ấn tượng với vở Bắc Lệ đền thiêng. Có thể nói đây là vở diễn phá cách táo bạo của Nhà hát Chèo Việt Nam trên con đường tự làm mới mình.

imgm3388

Cảnh trong vở “Bắc Lệ đền thiêng”

“Bắc Lệ đền thiêng” xoay quanh câu chuyện gìn giữ di sản văn hóa của ông cha – tập tục thờ Mẫu và hát văn ở ngôi đền Bắc Lệ trên mảnh đất vùng biên ải Lạng Sơn trong những năm thực dân Pháp đô hộ. Kẻ xâm lược bắt người dân phá đền, cải đạo hòng phá hoại văn hóa truyền thống ngàn đời nơi đây. Nhưng làm sao phá nổi khi lời ca, tiếng hát và niềm thành kính vốn đã ăn sâu trong tâm trí người dân Việt? Người dân miền biên ải đã liên kết với nghĩa quân của thủ lĩnh Cai Kinh chờ ngày nhất tề giết giặc. Kế hoạch bại lộ, giặc đàn áp dã man nghĩa quân, bắt bà con dân làng lựa chọn hoặc phá đền, hoặc phải chết. Và dân làng đã chọn sự hy sinh.

Rất ngạc nhiên khi NSƯT Triệu Trung Kiên lại được đích thân Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đặt hàng viết kịch bản. Đây là một sản phẩm được viết từ Chợ kịch trên mạng do anh và một nhóm tác giả lập nên. Chủ đề tư tưởng xuyên suốt mà tác giả muốn gửi gắm là đất nước có thể bị xâm lăng, bị chiếm đóng nhưng bản sắc văn hóa Việt, tâm hồn Việt không bao giờ bị khuất phục. Việc tôn vinh bảo vệ nghi lễ hầu đồng, nghệ thuật hát văn chỉ là cái cớ mà trong sâu thẳm là việc bảo vệ bản sắc văn hóa, và cao hơn cả là bảo vệ Tổ quốc ngàn năm văn hiến.

imgm3491

Dùng phương tiện hát chèo để tôn vinh tiếng hát chầu văn mà không làm mất đi những đặc trưng của nghệ thuật chèo là một thử nghiệm thành công đáng ghi nhận của vở chèo Bắc Lệ đền thiêng. Qua vở diễn, ê kíp sáng tạo muốn gửi gắm những quan điểm làm chèo với tư duy rất mới. Một sân khấu được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng với những cảnh diễn múa hát đông người. Một vở diễn đề tài cận đại nhưng rõ ràng vẫn phảng phất những mô típ nhân vật từ truyền thống như chánh tổng, lý trưởng, bên cạnh đó sự xuất hiện của những nhân vật mới trong chèo như nhân vật “ông Tây” cũng được xử lý hát múa rất khéo. Những tràng vỗ tay của khán giả khi được chứng kiến cảnh chàng trung úy Pháp hát chầu văn rất… ngọt. Diễn tả tình ái trên sân khấu chèo là điều vô cùng khó với sân khấu chèo nhưng chỉ cần một điệu múa và một giai điệu chèo cổ người xem đã “thấy” được phần nào mà không hề bị thô giữa Thị Ngọ và viên quan công sứ Pháp.

Cảnh kết là một trong những cảnh diễn thành công nhất của vở khi giặc Pháp ra lệnh đàn áp việc hát múa hầu đồng hay phá bỏ ngôi đền, dân làng nhất tề theo bà đền chọn việc giữ đền. Cảnh múa nhịp nhàng uyển chuyển xen trong tiếng hát văn thỉnh thoảng bị ngắt quãng khi các nhân vật bị giặc bắn chết dần. Hình ảnh về cái chết tập thể đã gây những xúc cảm rất mạnh đối với người xem bởi cách xử lý đậm chất bi hùng. Và đặc biệt giữa sự mất mát, đau thương và khốc liệt là sự sống sót duy nhất của một cháu bé. Lời ca được cất lên non nớt nhưng cũng thể hiện ý chí, sức sống mãnh liệt của người dân Việt. Từng lớp người ngã xuống nhưng những lớp thế hệ tiếp nối lại sẵn sàng đứng lên nối tiếp sứ mệnh của cha ông để văn hóa Việt nói riêng và dân tộc Việt mãi mãi trường tồn.

Thúy Hiền

Ảnh: Trần Huấn

(Trích đăng lại tin từ Báo văn hóa điện tử)

 

Phim kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam (1951 – 2016), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới khán giả cuốn phim ghi lại các buổi phỏng vấn các thế hệ nghệ sỹ để các bạn có cái nhìn tổng quan nhất về quá trình sưu tập, chỉnh lý, cải biên các tích Chèo cổ của cha ông cũng như sáng tạo các vở diễn mới.

Tâm tư với nghiệp Chèo

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam (1951 – 2016), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách  “Tâm tư với nghiệp Chèo”.

Mỗi một trang trong cuốn sách là những hồi ức, những dấu ấn sâu sắc về một chặng đường lịch sử để thấy được sự thay đổi, sự bứt phá, kể cả sự chèo chống với những gian nan của thời cuộc và sự tin tưởng hướng tới tương lai mà chúng tôi đã ghi lại được từ các cuộc phỏng vấn các thế hệ lãnh đạo, diễn viên, cán bộ đã, đang công tác tại nhà hát Chèo Việt Nam trong 65 năm qua.

Trong quá trình biên tập, với tiêu chí để bạn đọc cảm thấy gần gũi như chính mình đang trực tiếp được tham gia vào cuộc nói chuyện do chúng tôi thực hiện nên khi biên tập, chúng tôi chỉ cắt các ý trùng lặp, không can thiệp vào “giọng văn”, cố gắng giữ lại văn phong nói của người được phỏng vấn.

Khó có cuốn sách nào có thể ghi lại đầy đủ tất cả những gương mặt đã đóng góp cho sự phát triển của Nhà hát Chèo Việt Nam trong 65 năm. Khuôn khổ cuốn sách có hạn, thời gian gấp rút nên chúng tôi không thể tránh khỏi những sơ suất. Ban biên tập mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành từ các độc giả để chúng tôi có thể chỉnh sửa và hoàn thiện hơn ở các ấn bản phẩm tiếp theo.

Ban biên tập

Một số nghệ sĩ Nhà hát tốt nghiệp các khoá đào tạo chuyên môn

Tháng 6 năm 2012, một số nghệ sĩ của Nhà hát đã tốt nghiệp các khoá đào tạo chuyên môn.
Tốt nghiệp chuyên ngành Biên đạo múa (Trường ĐHSK & ĐA HN) : NSƯT An Chinh.
Tốt nghiệp chuyên ngành Sáng tác âm nhạc – chỉ huy dàn nhạc (Trường ĐHSK & ĐA HN): NSƯT Phạm Văn Doanh, Đinh Huy Hưng, Nguyễn Duy Hòa.

Một số nghệ sĩ dự tuyển các khoá đào tạo chuyên môn

Mùa tuyển sinh năm 2011 của Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh, một số nghệ sĩ nhà hát Chèo VN đã trúng tuyển vào các chuyên ngành đào tạo, trong đó 02 nghệ sĩ trúng tuyển chuyên ngành Đạo diễn, một số nghệ sĩ trúng tuyển chuyên ngành diễn viên (bậc đại học).