Có thể phải mất hàng chục năm mới khôi phục lại du lịch

VHO- “Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều kế hoạch, sự kiện xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch của các địa phương đã tạm hoãn, chuyển thời gian tổ chức. Hoạt động du lịch nội địa tại nhiều tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm vẫn cầm chừng, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh”.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết khi nói về hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm nay tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, vừa diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thị trường quốc tế gần như bằng 0

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm, “dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực, gây tổn thất nặng nề cho ngành Du lịch. Hoạt động của doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa, thu hồi giấy phép kinh doanh, nguồn lực về tài chính đối với doanh nghiệp du lịch hiện nay là thách thức lớn”.

Trong tháng 3, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa, giới thiệu điểm đến, nhưng đợt bùng phát dịch thứ 4 đã khiến lượng khách du lịch nội địa và doanh thu giảm trầm trọng. Theo báo cáo từ các doanh nghiệp và địa phương, khoảng 20% cơ sở lưu trú trên cả nước phải đóng cửa, gần 35% cơ sở lưu trú đang hoạt động cầm chừng. Doanh thu của các điểm tham quan, vui chơi giải trí giảm khoảng 60%. Một lực lượng không nhỏ lao động chất lượng cao dịch chuyển sang ngành nghề khác, ước tính phải mất hàng chục năm nữa mới có thể khôi phục lại như năm 2019. Hơn 1 năm nay, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách quốc tế, lượng khách quốc tế gần như bằng 0, toàn ngành trông chờ vào thị trường nội địa. Sáu tháng đầu năm nay, khách nội địa đạt 30,5 triệu lượt khách, trong đó có 15,8 triệu khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm đạt 134.000 tỉ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động trong ngành, Tổng cục Du lịch đã nhiều lần tham mưu, đề xuất tới cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch khắc phục khó khăn như: giảm phí thẩm định cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy khai thác, phục vụ thị trường du lịch trong nước, ngay từ trong năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, đồng thời thường xuyên điều chỉnh, cập nhật theo tình hình thực tế.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 07 hồi tháng 6.2021, trong đó có nội dung đồng ý cho nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắcxin đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ VHTTDL xây dựng phương án, kế hoạch, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7.2021.

Tăng cường kết nối với địa phương để khôi phục và phát triển du lịch

Sáu tháng đầu năm nay, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng các văn bản, đề án như: Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng dự thảo Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; xây dựng đề án Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025…

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp và khách du lịch; xây dựng, đề xuất tổ chức chương trình đánh giá, xếp hạng điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn; hướng dẫn địa phương triển khai Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến. Một nội dung nữa là Tổng cục Du lịch phối hợp triển khai hoạt động liên quan đến phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc triển khai công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực, hợp tác quốc tế, truyền thông và chuyển đổi số trong du lịch tiếp tục được tập trung đẩy mạnh. Hình ảnh Du lịch Việt Nam thời gian này được truyền thông mạnh mẽ trên các nền tảng số. Xây dựng bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, thực hiện liên thông, kết nối dữ liệu y tế về bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn và tìm kiếm tọa độ cho hệ thống cơ sở dữ liệu trên bản đồ…

Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Du lịch đã đề ra 15 nhiệm vụ và nhóm nhiệm vụ cụ thể cùng các giải pháp nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Trong đó tập trung vào nhóm xây dựng văn bản, đề án quản lý nhà nước; nhóm các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; sẵn sàng các phương án mở lại thị trường quốc tế; hỗ trợ địa phương phục hồi và phát triển du lịch; phát triển du lịch thông minh và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; công tác quy hoạch du lịch; cơ cấu lại thị trường du lịch… Tổng cục Du lịch cũng đề nghị Bộ VHTTDL bố trí kinh phí để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành Du lịch để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Đánh giá cao những kết quả vượt bậc ngành Du lịch đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2016 – 2019 với mức tăng trưởng ngoạn mục, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng những thành tựu này của ngành Du lịch là cú hích cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế ở các địa phương, nâng cao thương hiệu du lịch quốc gia. Đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của toàn ngành, nhất là với các doanh nghiệp, người lao động trong ngành đang chịu những tổn thất nặng nề do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thứ trưởng mong ngành Du lịch nỗ lực vượt qua thách thức, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, sớm phục hồi và đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Du lịch tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, trong đó hoàn thiện Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025; tiếp tục làm việc với các bên liên quan, chuẩn bị chu đáo, tính toán kỹ những được- mất trong việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế, đảm bảo an toàn, hiệu quả; triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; xây dựng quy chế phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh và chuyển đổi số du lịch…

 Tổng cục Du lịch cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp, liên kết với các địa phương để triển khai hoạt động phục hồi và phát triển du lịch thời gian tới, hướng dẫn địa phương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đó cũng là cách để tăng cường vai trò, vị thế của ngành.

Đồng thời, đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực du lịch, đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao tay nghề. Hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ liên quan đến chính sách hỗ trợ đối với HDV du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

(Thứ trưởng Đoàn Văn Việt)

Nguồn: THÚY HÀ – Báo Điện tử Văn hóa

Phim truyền hình Việt: Dường như ngày càng bi lụy?

VHO- Dịch Covid-19 là thời điểm “vàng” để phim truyền hình Việt khẳng định và bứt phá, tuy nhiên, thay vì sự đa dạng “món ăn” thì khán giả đang cảm thấy “bội thực” với hàng loạt đề tài tâm lý gia đình với những tấn bi kịch đầy nước mắt.

Những giá trị căn bản của cuộc sống hôn nhân được tái hiện trên sóng truyền hình dường như đang quá bi lụy và xa hơn thực tế đã vô hình trung làm người xem ngờ vực vào cuộc sống, phần nào làm thay đổi suy nghĩ của lớp trẻ về gia đình hiện đại.

Chạy đâu cho thoát… phim gia đình

Kể từ đầu năm, ngoại trừ Hồ sơ cá sấu, các phim truyền hình lên sóng vào khung giờ vàng đều thuộc đề tài mâu thuẫn gia đình như Trở về giữa yêu thươngHướng dương ngược nắng… Khi những tác phẩm này khép lại, khán giả yêu phim hy vọng sẽ được “đổi món” bằng các thể loại khác như hình sự, chính luận… nhưng không, họ tiếp tục chìm đắm trong các “drama” của tình yêu và hôn nhân. Với những Hãy nói lời yêu, Thương con cá rô đồng, Hương vị tình thânCây táo nở hoa…, bức tranh gia đình Việt được vẽ liên tục trên sóng truyền hình, đôi khi có nhiều chi tiết quá xa với thực tiễn khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán.

Bộ phim tạo được tiếng vang nhất là Hướng dương ngược nắng xoay quanh những mâu thuẫn con chung – con riêng, chính thất – tiểu tam, cuộc chiến tranh giành quyền lực, tài sản… Việc phim cứ kéo dài lê thê đã gây nhiều ức chế cho người xem. Nhiều khán giả đã phản đối và đòi “tẩy chay” vì phim lạm dụng các tình tiết phi thực tế, thậm chí “bi kịch hóa” cuộc đời người phụ nữ.

Hay gần đây nhất, với hơn 200 ngàn lượt xem cùng lúc trên YouTube cho tập 33 và đạt hơn 100 triệu views sau 33 tập phát sóng, Cây táo nở hoa xác lập kỷ lục mới trong lịch sử phim truyền hình. Ở những tập đầu tiên, phim tạo nên sức hút bởi câu chuyện hấp dẫn, xem thấy vui, thấy hay, thấy giống như cuộc đời thật… Thế nhưng, đi cùng với hành trình gia đình Ngọc, khán giả bắt đầu thấy ngán ngẩm bởi quá nhiều bi kịch xảy ra, mà bi kịch sau giống bi kịch trước, cứ lặp đi lặp lại đến vô lý và không thể chấp nhận. Các tập phim ngập tràn cảnh oái oăm và nước mắt khiến nhiều người phải thốt lên: “Cuộc sống đã ngộp thở, xem phim xong… tắt thở luôn”.

Đừng quá bi kịch hóa phim truyền hình

Ban đầu, dàn diễn viên chất và những chi tiết hài hước, dí dỏm, duyên dáng đã tạo nên sức hút cho Cây táo nở hoa, nhưng tiếng cười ngày càng ít đi, nước mắt được thay vào khiến bộ phim trở nên bi lụy. Vì thương em quá mức, Ngọc trở nên nhu nhược, thậm chí mù quáng. Ngọc chấp nhận ly hôn, bán nhà để “chuộc” em khỏi cảnh tù tội. Trong khi đó, Báu, Ngà gây ức chế bởi tuýp nhân vật “mãi không chịu lớn”, gây chuyện hết lần này đến lần khác khiến gia đình xáo trộn. Khán giả đã nổi giận với nhân vật bà Ích, một người mẹ sẵn sàng ruồng bỏ con cái nhưng khi quay lại, bà ăn cắp tiền mừng cưới của con, dàn dựng đặt tiếng xấu nhằm chia rẽ anh em Ngọc… Đa phần người xem cho rằng, những nhân vật và tình tiết câu chuyện đang được đội ngũ biên kịch “tô vẽ” theo lối bi kịch hóa nhằm tạo cao trào, nhân lên sự kịch tính và đúng là hay thì có hay, nhưng nhiều quá lại thành “bội thực”, đôi lúc trở nên tiêu cực, nặng nề.

Trong khi đó, Mùa hoa tìm lại phát sóng trên VTV đang ngày càng “nóng” khi quá khứ buồn của Lệ, nhân vật chính, dần được phơi bày. Lệ vì hoàn cảnh gia đình đã phải chấp nhận việc mang thai hộ. Quá khứ của cô quá buồn, nhưng thực tại lại khó gạt bỏ để bước qua. Bộ phim có nội dung khó đoán, đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về một làng quê trong thời đại mới. Giữa một xã hội biến chuyển không ngừng, làng quê ấy không còn yên bình mà đầy sóng gió với những mưu mô, toan tính xuất phát từ lòng tham của con người. Chính vì thế, sự vất vả của người phụ nữ lại càng được khắc họa rõ hơn, rõ đến mức khán giả không tìm thấy lối thoát nào cho nhân vật Lệ, khi biến cố cứ liên tiếp ập đến.

Hay nhân vật dì Tư Diệu của NSƯT Hạnh Thúy trong Thương con cá rô đồng cũng khiến khán giả phẫn nộ vì quá độc ác với các cháu. Ông bà có câu “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì” nhưng dì Tư của năm đứa trẻ mồ côi lại quá nhẫn tâm. Một người dì chẳng biết phải trái, hết ăn cắp tiền đến rắp tâm bày mưu cho ông chủ hãm hại cháu mình… thậm chí, một người cháu vì bị đánh đập quá nhiều còn sinh ra ngu ngơ. Vậy mà người cháu ấy dù đã trưởng thành vẫn nhẫn nhịn, vẫn bỏ qua, vẫn như không có gì. Xem phim, nhiều khán giả than bị ức chế vì cảm thấy quá vô lý.

Không thể phủ nhận rằng, phim gia đình luôn là “mảnh đất màu mỡ” của các nhà làm phim, với những mâu thuẫn chưa bao giờ là cũ và luôn được khán giả quan tâm. Tuy nhiên, việc lạm dụng các tình tiết để tăng sự kịch tính đôi khi lại phản tác dụng, chính vì thế nhà làm phim cần phải cân nhắc, cân đối và đưa ra thông điệp, cách giải quyết câu chuyện rõ ràng, hợp lý cho những mâu thuẫn đó. Làm sao để những kịch tính trở nên hấp dẫn, mới lạ, khiến người xem phải chờ đợi, trông ngóng từng tập, thì đó mới gọi là thành công.

 Nguồn: HỒNG HẠNH – Báo Điện tử Văn hóa

Cần thay đổi hành vi cầu may ở Văn Miếu Hà Nội

VHO- Trải qua những thăng trầm của lịch sử và thời gian, không gian văn hóa và tổng thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội luôn lưu giữ tinh thần nhân văn, tinh thần học thuật và truyền thống hiếu học; là niềm tự hào về một biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt Nam. Những giá trị này vẫn đang hiện hữu và đóng góp tích cực vào cuộc sống xã hội đương đại. Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một địa chỉ văn hóa tiêu biểu ở Hà Nội, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, học tập.

Du khách đến đây để viếng thăm nơi thờ các bậc “Tiên thánh, Tiên hiền”, thăm Quốc Tử Giám – trung tâm giáo dục cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ. Đồng thời, du khách đến với di tích là đến với một biểu tượng ngàn năm văn hiến, để tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục có ý nghĩa được tổ chức trong không gian lịch sử, văn hóa đặc biệt giữa lòng Thủ đô. Theo thông lệ hằng năm, trước mỗi kỳ thi đại học, nay là thi tốt nghiệp THPT quốc gia, phụ huynh và học sinh thường tụ về Văn Miếu – Quốc Tử Giám dâng hương các bậc Tiên thánh, Tiên hiền và các danh nhân có công sáng lập và phát triển Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Năm nay do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đóng cửa, tạm dừng đón khách tham quan từ ngày 3.5. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, có nhiều phụ huynh và thí sinh vẫn đến trước cổng Văn Miếu để vái lạy phía bên ngoài cổng, thắp hương, bày lễ tại hai bia “Hạ mã” hai bên vỉa hè cổng Văn Miếu gây nên hình ảnh phản cảm như nhiều báo chí đã đưa tin.

Là những người làm công tác quản lý tại Di tích, chúng tôi hiểu và chia sẻ nhu cầu của các bậc phụ huynh và học sinh muốn đến dâng hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, việc dâng hương tại đây là một hành vi văn hóa nhằm tri ân, noi gương các bậc hiền tài, các danh nhân văn hóa của đất nước và nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa trong hành trang của thế hệ trẻ, giúp các em trở thành những người tự chủ, sáng tạo, có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Ngày xưa, khi vào học trường Giám, giám sinh phải tự học, tự ôn luyện. Định kỳ hằng tháng trường sẽ tổ chức kiểm tra để đánh giá sự tiến bộ của mỗi học trò. Kỷ luật học tập của trường Giám cũng rất nghiêm. Giám sinh nào không chuyên tâm học hành, rong chơi bê trễ việc học sẽ bị phạt. Vừa trau dồi tri thức vừa rèn luyện đạo đức nên học trò trường Giám có nhiều người thành danh đã để lại dấu ấn trong lịch sử.

Với truyền thống của Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vị trí của Di tích hiện nay trong đời sống xã hội, những hành vi mang tính chất cầu xin, cầu may trước các kỳ thi là sự ứng xử không phù hợp, cần phải thay đổi. Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ, đồng hành của các bậc phụ huynh, các em học sinh và cộng đồng xã hội để gìn giữ, trân quý những di sản tốt đẹp của một địa danh, nơi hun đúc những giá trị tốt đẹp của đạo học Việt Nam.

TS LÊ XUÂN KIÊU Giám đốc Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội

Xin đừng lạm dụng!

VHO- Ngày còn nhỏ, do bố tôi làm ở rạp chiếu bóng nên tôi thường xuyên được đi xem phim, ca nhạc, kịch, chèo… ở Nhà hát Bình Minh, ngay cạnh Rạp Tháng Tám (Nam Định). Và trong tôi khi đó, các diễn viên trên màn ảnh hay trên sân khấu đều vô cùng cao xa, dường như ở họ tỏa ra thứ ánh sáng “lấp lánh” diệu kỳ lắm… Và đã có lúc, tôi mơ được làm nghệ sĩ!

Khi lớn lên, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người trong giới, tôi dần nhận thấy những “lấp lánh” kia cũng thật gần gũi, bình dị. Thì ra, nghệ sĩ họ rất đời với những cảm xúc “hỉ nộ ái ố”, cũng phải bươn chải với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng họ mang một áp lực vô hình, bởi được coi là nghệ sĩ thì luôn phải đẹp, luôn phải “lấp lánh”

 Thứ “lấp lánh” không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn ở tài năng, đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi và chừng mực trong ứng xử.

Một vài văn nghệ sĩ khi được tung hô thì dễ trở nên khó kiềm chế bản thân. Minh hoạ: Mai Minh Hồng

Rồi càng gần gũi, kết thân với nhiều anh chị em nghệ sĩ, càng hiểu họ, tôi càng trân quý và nể phục họ hơn. Khi lên sân khấu hay nhập vai diễn, trong quá trình sáng tác nghệ thuật, họ phải gạt bỏ tất thảy những cảm xúc cá nhân, tạm quên đi những trăn trở riêng để làm tròn vai diễn. Và phía sau ánh đèn sân khấu là biết bao lo toan, không ít gánh nặng nhọc nhằn, thường trực, cả những tâm tư, cô đơn, buồn tủi khó có thể sẻ chia… Những thứ ấy, họ sẽ cất giữ cho riêng mình. Đó thực sự là những người nghệ sĩ đích thực!

Thời gian gần đây, hai tiếng “nghệ sĩ” đã phổ biến hơn, tới mức nhiều lúc bị ngộ nhận, bị lạm dụng: Lên sân khấu hát được một vài bài thế là thành ca sĩ; tham gia vai diễn rất nhỏ cũng trở thành diễn viên; chơi gameshow truyền hình xong cũng được gọi là nghệ sĩ; cùng một nhóm ghi hình clip minh họa những câu hát với ngôn từ trần trụi, phản cảm, thậm chí thô tục có thể coi như thảm hoạ âm nhạc và phát tán trên mạng xã hội, cũng “mon men” với danh xưng “nghệ sĩ”…

Đến bây giờ, dù chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ “nghệ sĩ” là ai, nhưng cứ theo cách hiểu rộng và phổ biến nhất, những người lao động, sáng tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật đều có thể được gọi là nghệ sĩ. Nhưng chắc chắn trong lòng công chúng, số đông đều nhận biết rất rõ đâu là nghệ sĩ đích thực với những nỗ lực, cống hiến cho nghệ thuật, đâu là những điều na ná… mà nhiều người ảo tưởng.

Để có vị trí trong lòng khán giả, được công chúng ghi nhận là thử thách vô cùng gian nan mà chỉ những ai luôn cố gắng, nỗ lực lao động nghệ thuật thực sự mới đủ trải nghiệm, thấm thía và biết trân trọng. Cá nhân tôi chỉ mong rằng, thứ ánh sáng “lấp lánh” của người nghệ sĩ trong tiềm thức của tôi năm nào, sẽ mãi mãi được lan toả và không bao giờ bị mờ nhoè hay bôi xấu.

Xin hãy đừng lạm dụng danh xưng “nghệ sĩ”!

Nguồn: TRANG LÊ – Báo Điện tử Văn hóa

Nghĩa “đồng bào” trong văn hóa Việt Nam

VHO- Năm 2020 là dấu ấn thời gian vô cùng đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Những khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 và đợt lũ lụt lịch sử ở miền Trung thực sự là một thử thách rất lớn đối với sự phát triển đất nước.

Vượt qua khó khăn này không chỉ chứng minh một sức mạnh Việt Nam từ quyết tâm chính trị, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, khoa học đất nước mà còn thể hiện sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc, những yếu tố tinh tuý nhất của con người Việt Nam, đã dẫn dắt đất nước vượt qua ngàn gian khó, chiến thắng mọi kẻ thù để có một đất nước ta “chưa đẹp thế bao giờ”.

Lễ hội đền Hùng
Lễ hội đền Hùng

1. Sức mạnh Việt Nam đến từ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chia sẻ ngọt bùi trong cả khó khăn, hoạn nạn hay những lúc thanh bình. Cội nguồn sức mạnh ấy đến từ hai từ hết mực thiêng liêng, hết sức gần gũi: ĐỒNG BÀO. Có lẽ, hiếm có một quốc gia, dân tộc nào có truyền thuyết sinh thành dân tộc mình đậm chất lãng mạn và truyền thông điệp yêu thương về tình mẫu tử, phụ tử như người Việt. Truyền thuyết Lạc Long Quân, cha Rồng (người đến từ miền biển) lấy Âu Cơ, mẹ Tiên (người đến từ vùng rừng núi) sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con không chỉ là câu chuyện về sự hình thành dân tộc từ việc kết hợp các yếu tố thiêng liêng của biển cả và núi rừng, từ sự vuông tròn của trời đất qua ẩn ý của con số phiếm chỉ một trăm (rất nhiều) mà còn ngầm ý về một tổ tiên chung được sinh ra từ BỌC TRĂM TRỨNG.

Từ “đồng bào” được sinh ra từ đó. Đồng bào vừa là Nhân dân, vừa là Tổ quốc, song khi ta nói từ “đồng bào”, nó dường như chỉ dành cho người Việt Nam, của riêng người Việt Nam, và thực sự chạm đến trái tim của mỗi người Việt Nam. Hai tiếng “đồng bào” ấy đồng hành cùng lịch sử thăng trầm của dân tộc để trở thành thiêng liêng và gần gũi. Từ ý nghĩa của từ “đồng bào”, chúng ta có thể thấy được rất nhiều sự sẻ chia của người dân để cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ca dao, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói hay về sự chia sẻ này như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Lá lành đùm lá rách”; “Máu chảy ruột mềm”… Từ nghĩa đồng bào, đúc kết qua thời gian, tất cả trở thành những đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.

May-Phat-Gao-Mien-Ph-042. Một trong những giây phút thiêng liêng của từ “đồng bào” là lúc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, ngừng lại giây lát, Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Một nốt lặng trong giờ phút đặc biệt của lịch sử được nhấn vào hai chữ “Đồng Bào” để thấy hai chữ đó thiêng liêng và gần gũi đến nhường nào! Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã ba lần nhắc đến từ “đồng bào”. Không những thế, trong các lá thư và trong các lần nói chuyện, Bác Hồ đều dùng “đồng bào”, như: Đồng bào Công giáo, đồng bào Mán, đồng bào hậu phương, đồng bào tản cư, đồng bào Nam Bộ… như thể hiện sự thân tình, gắn bó một nhà. Khi chúng ta nói đến từ “đồng bào”, chúng ta hiểu rằng mình cùng nhau chia sẻ một tổ tiên chung, một niềm vinh dự chung và một trách nhiệm chung với vận mệnh đất nước. Chính từ một ý thức như vậy về tình đoàn kết, dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn để có được cơ đồ như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng viết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những biểu hiện cụ thể, khác nhau và sinh động của tình đoàn kết, yêu nước cũng được thể hiện qua từ “đồng bào”. Phong trào Tôi hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát, bắt đầu từ đêm Giáng sinh năm 1969 tại Sài Gòn rồi lan rộng ra cả miền Nam, chính là tiếng nói phản đối chiến tranh của các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ nghĩa “đồng bào”. Rất nhiều bài hát, bài thơ lấy cảm hứng từ chữ “đồng bào” như một cách thể hiện tình yêu nước. Dậy mà đi, một trong những bài hát truyền cảm hứng nhất trong giai đoạn này, cũng lấy điểm nhấn bằng câu hát: Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!

covid-193. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, bối cảnh xã hội, nghĩa “đồng bào” được biểu hiện bằng những hành động hết sức cụ thể. Cuộc chiến chống Covid-19 và nỗ lực vượt qua thiên tai lũ lụt vừa qua một lần nữa lại chứng minh ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “đồng bào”. Trong bài phát biểu tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” vào tối ngày 17 tháng 10 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tinh thần ấy như sau: “Ở đâu có người nghèo là ở đó có sự hỗ trợ, sẻ chia, có những tấm lòng yêu thương, đùm bọc”, và “Chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta”. Chúng ta thấy biểu hiện của nghĩa “đồng bào” ấy qua nghĩa cử của cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi) ở Thanh Hóa trả lại sổ hộ nghèo để nhường cho những người khác còn nghèo hơn mình; qua hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên lặn lội cứu trợ bà con vùng lũ; qua tấm gương em Nguyễn Ngọc Trinh, học sinh lớp 4 ở Hà Nội tặng toàn bộ tiền lì xì để mua khẩu trang và nước rửa tay cho mọi người; qua sáng kiến về cây ATM gạo hỗ trợ đồng bào khi đối phó với dịch bệnh Covid-19,… và vô vàn những ví dụ không thể kể hết khác đã minh chứng cho nghĩa “đồng bào” có ý nghĩa thiêng liêng thế nào trong cuộc sống của mỗi người và cả dân tộc!

Bác Hồ đã từng dạy: “Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên”1 và “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tôi vẫn luôn tin rằng, một dân tộc trường tồn chính là nhờ sức mạnh của văn hóa. Chính từ nghĩa “đồng bào” thiêng liêng tạo nên sự chia sẻ, đoàn kết, thương yêu đã hun đúc nên một sự tự hào, tinh thần và sức mạnh văn hóa Việt Nam, tạo ra một hành trang giá trị đạo đức cho người Việt Nam vững bước tiến ra thế giới!

 Bác Hồ đã từng dạy: “Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên” và “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Đừng ngộ nhận về âm nhạc cổ truyền của dân tộc

VH- Ngày 26.9, Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN đã tổ chức Hội thảo khoa học Quan niệm và cách tiếp cận âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở VN và trên thế giới – thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số VN hiện nay. Nhiều tiếng chuông đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học cảnh báo về những ngộ nhận đối với âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Biết rồi khổ lắm nói mãi… và sẽ phải nói nhiều hơn nữa

Hội thảo khoa học này là một hoạt động quan trọng thuộc đề tài khoa học cấp nhà nước Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở VN được Ủy ban Dân tộc giao cho Viện Âm nhạc thực hiện. PGS TS Nguyễn Bình Định, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, Chủ nhiệm đề tài khẳng định: “Mặc dù cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn có nhiều khó khăn, hạn chế về điều kiện kinh tế, dân trí, giao thông, cơ sở hạ tầng… nhưng âm nhạc truyền thống của họ vẫn luôn toát lên sự phong phú, đặc sắc. Trong tình hình hiện nay, việc tìm ra các giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số nước ta, trước mắt là cho đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được xác định là một nhiệm vụ rất cần thiết”.

Cũng như dân tộc Kinh, 53 dân tộc thiểu số đều có phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng và đặc biệt là họ sở hữu nền âm nhạc mang sắc thái riêng của từng tộc người… tạo nên nền âm nhạc cổ truyền phong phú được cấu thành từ 54 dân tộc. Bảo tồn âm nhạc cổ truyền của dân tộc là một việc làm quan trọng để bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. Từ nhiều năm qua, các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học… đã dày công sưu tầm, điền dã, nghiên cứu cũng như tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về bảo tồn kho tàng đồ sộ, quý báu này của dân tộc. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết: “Hội thảo, báo cáo nhiều đến nỗi có người khi nghe đến cụm từ “bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian” thì lập tức thốt lên “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”. Dẫu là vậy, nhưng suy cho cùng thì vấn đề bảo tồn vẫn phải nói, còn phải nói và sẽ phải nói nhiều hơn nữa”.

Kho tàng đồ sộ và phong phú của âm nhạc cổ truyền

Âm nhạc dường như có mặt trong mọi sinh hoạt hằng ngày của mọi tộc người thiểu số ở VN. GS.TS Tô Ngọc Thanh ví von rằng, ngay từ trong bụng mẹ, chúng ta đã tiếp cận với âm nhạc văn hóa dân gian qua những câu hát ru của mẹ. Âm nhạc cứ thế lần theo từng năm tháng của đời người, thậm chí đến cả khi trở về với thế giới bên kia thì âm nhạc cũng tiễn đưa với nhạc hiếu, lễ bỏ mả… Trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, âm nhạc của dân tộc những năm qua, nhiều giá trị của văn hóa dân tộc mà cụ thể là thể loại âm nhạc cổ truyền của dân tộc đã được tôn vinh. Có thể kể đến nhiều di sản văn hóa phi vật thể của VN đã được UNESCO vinh danh như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của người Êđê, Gia rai… Hay nghi lễ Then Tày – Nùng – Thái và Xòe Thái đang được xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO…

Viện Âm nhạc suốt 67 năm qua cũng đã miệt mài tiến hành công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc cổ truyền trên cả nước bao gồm cả nhạc hát và nhạc đàn, dân ca, dân nhạc của toàn bộ 54 dân tộc trên cả nước. Nhiều tư liệu, hình ảnh, văn bản… cũng đã được tư liệu, số hóa thành kho dữ liệu đồ sộ của âm nhạc dân tộc ở Viện Âm nhạc để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn. Bên cạnh đó, nhiều băng ghi âm cũng đã được Phòng Công nghệ lưu trữ âm thanh của Đài Tiếng nói VN (VOV) bảo tồn, lưu giữ suốt nhiều thập kỷ qua về âm nhạc cổ truyền dân tộc. ThS Nguyễn Quang Vinh, Đài Tiếng nói VN cho biết: “Tính tới tháng 1.2014, chúng tôi đã thống kê có 451 bài hát dân ca các dân tộc thiểu số VN cho người lớn, trong đó có 194 bài dân ca thiểu số lời cổ và 257 bài dân ca thiểu số lời mới. Dân ca thiếu nhi có 70 bài, trong đó có 21 bài dân ca thiểu số lời mới và 49 bài dân ca thiểu số lời cổ”…

Xin đừng ngộ nhận

Đứng trước những biến đổi về môi trường diễn xướng, âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số VN đang đứng trước nhiều thách thức, mai một. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vương Hoàng, Viện Âm nhạc đã từng tham gia điền dã, sưu tầm nghiên cứu ở vùng núi phía Bắc nhiều năm qua thảng thốt lo ngại về sự thay đổi hoặc biến mất của không gian diễn xướng dân gian. Cụ thể như loại hình Hát ống (hát giao duyên) của người dân tộc H’Mông tại Chiền Tương, Yên Châu, Sơn La đối mặt với nguy cơ mất đi trong cuộc sống hiện đại hay như dân ca Hò kéo gỗ của những người khai thác lâm nghiệp ở Lệ Thủy, Quảng Bình và Hò sông Mã ở Thanh Hóa hiện cũng không còn mấy ai hát được… Đáng ngại hơn, xu hướng Âu – Tây hóa không chỉ ảnh hưởng tới bộ phận nhạc mới mà nó còn nhiều tác động đến âm nhạc cổ truyền của một số tộc ít người. PGS.TS Nguyễn Thụy Loan chỉ rõ, trong VCD mang tên Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân gian VN 2 do một số nghệ nhân của một tộc ít người trình diễn bài dân ca của tộc mình trên một nhạc cụ dân gian nhưng có chen cadenza và kết bài theo mô hình D – T rất quen thuộc trong âm nhạc cổ điển phương Tây. Đó là minh chứng rõ nét về sự ảnh hưởng, tác động làm mất đi tính nguyên vẹn của âm nhạc cổ truyền VN dễ làm người nghe và xem ngộ nhận về bản sắc âm nhạc dân tộc cổ truyền…

Lẽ dĩ nhiên, trong bối cảnh mới của đời sống văn hóa nghệ thuật cần có những chính sách, giải pháp mới để bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc cổ truyền. ThS Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL đề xuất: “Đổi mới phương thức bảo tồn, truyền dạy âm nhạc truyền thống trở thành vấn đề cấp bách”. Gần đây, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã thử nghiệm đưa lên Youtube một số video trích đoạn lễ then của các thầy then Bế Sơn Chung ở Cao Bằng, Hoàng Đức Dục ở Bắc Kạn và Chu Thị Hồng Vân ở Bắc Giang… đã có kết quả bất ngờ với 5.165 lượt người xem. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan kiến giải: “Không cần có kế hoạch và giải pháp bảo tồn các hình thức nghệ thuật tín ngưỡng, bởi cộng đồng các dân tộc còn và tôn sùng những tín ngưỡng của họ nên họ tự giữ, tự bảo tồn, tự thực hành”.

(Nguồn: Phúc Nghệ – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Ứng xử với văn hóa nghệ thuật phải chú ý đến tính đặc thù

(Tổ Quốc) – Nhiều ý kiến thiết thực được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh – 30 năm Đổi mới” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay, 28/9/2017.

Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Phó Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, cảnh báo một nguy cơ lớn: “Ta đang bị xâm lăng về văn hóa”. Theo bà, “khi đi vào kinh tế thị trường, với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, truyền thông đa phương tiện, văn hóa nghệ thuật có điều kiện phát triển hơn, nhưng thách thức lớn hơn trước sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài”. Do đó, “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo yêu cầu đã được chỉ rõ trong nghị quyết 33 – Ban chấp hành Trung ương khóa XI và cũng là nội dung cần được đặc biệt quan tâm.

Đồng quan điểm này, nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh nêu rõ thực trạng về “sự hụt hẫng về đề tài là vấn đề khó khăn, thách thức hết sức cấp bách, là điều mà không chỉ các nghệ sĩ sáng tác, các cấp lãnh đạo thành phố cần quan tâm để chống lại sự lai căng về văn hóa nghệ thuật”.

Ngay trong trình bày đề dẫn, PGS.TS Trần Luân Kim – Trưởng Ban Lý luận phê bình – Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh mục đích cần thiết của Hội thảo “nhằm tổng kết 30 năm Đổi mới hoạt động văn học nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh, là cơ hội quan trọng điểm lại những đổi thay, những thành tựu to lớn đã đạt được; nhưng cũng là dịp soi rọi những thiếu sót, yếu kém, từ đó rút ra những quy luật vận hành, những bài học kinh nghiệm”. Theo ông, “văn học nghệ thuật chính là tinh túy của văn hóa”. Trên thực tế, việc vận hành theo cơ chế thị trường là quy luật và thực tế khách quan, nhưng “khi đưa mọi thứ vào thị trường” thì các cấp quản lý cần quan tâm đầy đủ hơn nữa đến chiến lược phát triển, vì ứng xử “với văn hóa nghệ thuật phải chú ý đến tính đặc thù”.

Bà Thân Thị Thư – Ủy viên Ban thường vụ thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta vẫn chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao, những tác phẩm giá trị về tư tưởng, nghệ thuật? Tại sao còn thiếu những khuôn mặt trẻ? Là dịp để mổ xẻ đời sống văn học nghệ thuật, chỉ ra những bất cập cản trở sự phát triển Văn học nghệ thuật của thành phố, đề ra những giải pháp căn cơ, trước mắt và lâu dài nhằm đề xuất cho lãnh đạo thành phố cải tiến, thay đổi về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển”. Theo bà, các cấp quản lý cần tới lắng nghe.

Đạo diễn, NSUT, nhà giáo Trần Minh Ngọc đánh giá về “những cái được” hoạt động Sân khấu và khán giả Tp. Hồ Chí Minh với 30 năm tương tác và đổi mới với quá trình 20 năm tồn tại (1986-2006) đã rút ra những kinh nghiệm có ích cho người làm sân khấu để thực hiện “xã hội hóa” với những cố gắng, thành công nhất định nhưng đã và đang bộc lộ những lo ngại khi “sân khấu rơi vào suy thoái – khi khán giả là người tiêu thụ thì sân khấu cũng trở nên tầm thường bởi sự dễ dãi của cả người làm sân khấu lân người xem. Chất lượng nghệ thuật giảm, chất lượng giải trí tăng và sân khấu xuống cấp dần”.

Với băn khoăn chất chứa nhiều ưu tư, tham luận “Xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật tại Tp. Hồ Chí Minh – từ sức bật thành rào cản” của nhà thơ Lê Tú Lệ – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tác dụng tích cực của những “hoạt động văn học nghệ thuật theo phương thức xã hội hóa” đứng trước muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, từ quan điểm phát triển và mục tiêu phát triển, bà cũng thẳng thắn góp ý vào Đề cương quy hoạch phát triển ngành văn hóa Thành phố đến năm 2030 do Sở Văn hóa và Thể thao soạn thảo, khi trong đó tuy “6 quan điểm phát triển đều đúng”, nhưng vẫn mang tính chất “dàn mặt trận”, “không có mũi nhọn, không có đột phá” và đó thực ra “chỉ là thụ động phát triển”.

Hội thảo thực sự nóng lên khi chủ tọa đoàn, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đề nghị các đại biểu không đọc tham luận đã viết sẵn mà nên tóm lược ý chính và phát biểu tranh luận mở.

Họa sĩ, NGND Uyên Huy – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh bức xúc nêu những bất cập hiện có từ lâu giữa chủ thể sáng tác (nghệ sĩ), và chủ thể quản lý (cấp lãnh đạo TP). Thực tế đó là sự nghi ngại (theo ông là vừa “nghi”, lại vừa “ngại”). Có rất nhiều rào cản cần tháo gỡ mà cụ thể ở đây là trách nhiệm của Sở Văn hóa. Rất nhiều vấn đề cần được xem lại cách ứng xử của mình với văn học nghệ thuật. Rất nhiều việc đều tồn đọng: Nhiều tác phẩm tượng đẹp từ các trại sáng tác sao không được đem trưng bày tại thành phố? Tại sao lại thất hứa với các tác giả nước ngoài khi không trưng bày tác phẩm của họ, thậm chí không in cataloge như đã hứa ban đẩu? Tại sao không cho khôi phục nguyên trạng Lăng Bà Chiểu? Vai trò của các Hội Văn học nghệ thuật đã thể hiện nhiều mặt tích cực nhưng thực tế chưa được các cấp quản lý coi trọng đúng mức.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Giám đốc Chi nhánh phía Nam nêu tác dụng công tác thực thi bảo vệ quyền tác giả đã và đang thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước, tạo hành lang pháp lý an toàn trong thực thi bảo hộ bản quyền tác giả; thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, thực hiện cam kết quốc tế về bản quyền; thúc đẩy sự phát triển thị trường theo hướng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng… và có điều kiện nâng cao, chăm sóc đời sống nghệ sĩ sáng tác.

Nhà văn Vũ Hạnh nêu vấn đề “văn hóa, văn nghệ trước đòi hỏi lớn của quá khứ và hiện tại trước sự bát nháo kéo dài” nhưng “không thấy những sự phản pháo quyết liệt ở trong văn học nghệ thuật”.

Nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang nêu rõ đặc điểm “sáng tác chuyển mình”, khi “phương thức mới xuất hiện”, góp phần “hình thành và phát triển nhận thức mới về lý luận” …

PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn và NSND, diễn viên Trà Giang lưu ý Hội thảo về sự kiện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Đau đớn nói về thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam khi cổ phần hóa, các ý kiến đều đặt vấn đề với cung cách ứng xử và sự quan tâm của nhà nước về vấn đề văn hóa nghệ thuật. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng phó Giám đốc Hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh trình bày về “xu thế và những thách thức” của “phim truyện truyền hình thành phố Hồ Chí Minh”.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm đặt vấn đề “Phê bình âm nhạc TP. Hồ Chí Minh tồn tại hay không tồn tại?”.Theo bà, nhiều bài viết phê bình toàn những lời có cánh, khen không thật lòng. Những lời phê thường bị phản pháo. Và trên thực tế ở ta vẫn chưa có một nền phê bình thực sự. Đại biểu Nguyễn Thị Cẩm Lệ đề cập “vai trò của ca khúc mang âm hưởng truyền thống trong đời sống âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh thời hội nhập”. Ông Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh thành phố và Đại tá Đào Văn Sử nhìn lại hoạt động những năm qua và ca ngợi “nhiếp ảnh nghệ thuật của những người lính” – là “ điểm sáng của những năm đổi mới”…

Hội thảo thu hút trên 200 đại biểu tham dự và với gần 40 bài tham luận cùng với nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp sôi nổi, đã tổng kết trình bày đánh giá khoa học nhiều mặt về những thành tựu đã đạt được Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã nêu rõ, đây là Hội thảo đầu tiên với nội dung hết sức cần thiết và đánh giá kết quả của Hội thảo là những đóng góp mang tính khoa học cho đường hướng phát triển văn học nghệ thuật thành phố, góp phần vào thành tựu chung cho vùng và cả nước./.

(Nguồn: Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Nên cải tiến các giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu

(Tổ Quốc) – Chiều 20/9, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Họp Ban thường vụ. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên tham dự cuộc họp.

Buổi làm việc đã thông qua các nội dung bao gồm: Hội đồng nghệ thuật báo cáo kết quả giải thưởng năm 2016; báo cáo kế hoạch tổ chức ngày Sân khấu Việt Nam và Lễ kỷ niệm thành lập Hội NSSK Việt Nam; Xin ý kiến Ban thường vụ về việc Thành lập Văn phòng đại diện phía Nam tại TP Hồ Chí Minh; Xin ý kiến Ban thường vụ về Thành lập “Trung tâm tìm kiếm giới thiệu và hỗ trợ tài năng nghệ thuật”; Báo cáo về việc thành lập Quỹ Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam; xin ý kiến về việc Trao kỷ niệm chương và kết nạp Hội viên…

NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội NSSK cho biết, từ cuối năm 2016, Hội đã kiện toàn công tác Hội đồng Nghệ thuật. Về vở diễn, năm 2016, có 30 vở với 11 đề tài đăng ký giải thưởng. Trong đó, đề tài xã hội có 12 vở, đề tài lịch sử có 8 vở, đề tài nông thôn có 2 vở, đề tài hậu chiến 2 vở, đề tài chiên tranh có 1 vở, đề tài nước ngoài có 1 vở, đề tài dã sử có 2 vở, đề tài chuyển thể có 2 vở, đề tài dân gian có 2 vở, đề tài công an có 1 vở. Hội đồng cũng thống nhất mỗi loại hình sẽ có một huy chương vàng và một huy chương bạc nếu đạt đủ chất lượng.

Thứ trưởng Vương Duy Biên chia sẻ, các tiêu chí của Hội đồng Nghệ thuật cần động viên các nghệ sĩ tham gia sáng tác, biểu diễn. Nếu tiêu chí giống với các cuộc thi của Bộ thì dễ dẫn đến việc trùng giải thưởng. Sân chơi của Hội rất rộng với sự tham gia của rất nhiều đơn vị tại khắp các vùng miền, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa. Do đó, nên cải tiến các giải thưởng của Hội như chọn ra gương mặt diễn viên xuất sắc, vở diễn xuất sắc… để khuyến khích, động viên các nghệ sĩ.

Kế hoạch tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam và Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội NSSK VN dự kiến diễn ra vào 12/8 âm lịch. Phần nghi lễ sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, phấn tế Tổ và thụ lộc sẽ diễn ra tại Rạp Đại Nam với sự tham gia của các nghệ sĩ.

Cũng tại buổi họp, Ban Thường vụ đã thông qua chủ trương thành lập “Trung tâm tìm kiếm giới thiệu và hỗ trợ tài năng nghệ thuật”, việc trao Kỷ niệm chương và kết nạp Hội viên mới. Trong đó, có 16 nghệ sĩ được xét tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp sân khấu năm 2017 và 63 nghệ sĩ được xét kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2017./.

 

 (Nguồn: Gia Linh – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Hành trình xây dựng những vở chèo cổ mẫu mực của Nhà hát Chèo Việt Nam

Với phương châm phục hồi, phát triển nghệ thuật truyền thống phải nhằm phục vụ cho cuộc sống đương thời, năm 1956, trong hàng chục viên ngọc của kho tàng truyền thống, Đoàn và Ban Nghiên cứu chèo đã tiến hành lựa chọn để phục hồi lần đầu tiên 3 vở chèo cổ: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ  Súy Vân theo các tiêu chuẩn cơ bản: là những trò diễn nổi tiếng được nhân dân xưa nay ưa chuộng; thuộc dạng thực nghiệm trên ba lĩnh vực: chỉnh lý, cải biên, viết lại. Và đặc biệt phải có trò diễn phong phú, mô hình nhân vật đa dạng.

Ngay từ khi mới thành lập, Tổ Chèo (trong Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương), rồi Đoàn Chèo nhân dân Trung ương, tiền thân của Nhà hát Chèo Việt Nam, đã hội tụ được hầu hết các nghệ nhân tài ba của ngành chèo cả nước như các cụ: Năm Ngũ, Dịu Hương, Trần Thị Hảo, Trùm Thịnh, Trịnh Thị Lan (Cả Tam), Lý Mầm, Hồng Lô, Minh Lý, Thanh Hảo, Khúc Văn Đẩu, Minh Phương. Phạm Thị Lừng (Phẩm), Lệ Hiền, Nguyễn Quang Mai, Lê Văn Ly, Nguyễn Thị Định, Vũ Khắc Bảy, Hoàng Văn Tắc, Nguyễn Phú Quang, Mai Văn Đá… và một lực lượng khá phong phú những cán bộ nghệ thuật những nghệ sĩ chèo trẻ tuổi: các nhà thơ Thế Lữ, Lưu Quang Thuận, Tú Mỡ, Trần Huyền Trân, nhà văn Trần Vượng, các đạo diễn Đặng Đình Hưng, NSND Trần Bảng, Chu Ngọc, Phạm Văn Khoa, Trần Hoạt, các nhạc sĩ Hoàng Kiều, Bùi Đức Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát, các NSND Chu Văn Thức, Mạnh Tuấn, Bạch Tuyết, Bùi Trọng Đang, Diễm Lộc, các NSƯT Thúy Lan, Ngô Bích, Thanh Chức…

Chính đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú này đã trực tiếp làm nên những điều kỳ diệu là những vở chèo nổi tiếng từ trong chiến khu Việt Bắc như Tát nước cấy chiêm, chị Trầm, chị Tấm anh Điền… và khi hòa bình lập lại (tháng 1 – 1955) Tổ chèo được chuyển thành Đoàn Chèo Nhân dân Trung ương. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Trần Bảng (Trưởng đoàn đồng thời kiêm Trưởng ban Nghiên cứu chèo), cùng với nhiệm vụ xây dựng các tiết mục chèo đề tài mới là nhiệm vụ sưu tầm nghiên cứu và khai thác truyền thống.

ban-nghien-cuu-cheo

Ban nghiên cứu Chèo

Với phương châm phục hồi, phát triển nghệ thuật truyền thống phải nhằm phục vụ cho cuộc sống đương thời, năm 1956, trong hàng chục viên ngọc của kho tàng truyền thống, Đoàn và Ban Nghiên cứu chèo đã tiến hành lựa chọn để phục hồi lần đầu tiên 3 vở chèo cổ: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ  Súy Vân theo các tiêu chuẩn cơ bản: Là những trò diễn nổi tiếng được nhân dân xưa nay ưa chuộng; thuộc dạng thực nghiệm trên ba lĩnh vực: chỉnh lý, cải biên, viết lại. Và đặc biệt phải có trò diễn phong phú, mô hình nhân vật đa dạng.

1. Chỉnh lý

Quan Âm Thị Kính là vở diễn đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ… Tác giả Trần Huyền Trân được giao nhiệm vụ chỉnh lý kịch bản, cùng cộng tác còn có nhạc sĩ Ngọc Chung, các họa sĩ Nguyễn Đình Hàm, Sĩ Ngọc, Quang Phòng… Tất cả các nghệ nhân (Trùm Thịnh, Cả Tam, Minh Lý, Nguyễn Thị Lừng, Trần Văn Linh, Lệ Hiền…) đều vừa nhớ lại vừa sắm vai và truyền nghề cho các diễn viên trẻ. Ê kíp sáng tạo không chỉ làm một việc là ổn định các lớp lang trước hoặc sau cho lôgic; đối chiếu chỉnh đốn các từ các câu trại bẹ hoặc làm sáng tỏ các đoạn lời trò về mặt tình ý cho phù hợp với người xem hôm nay. Mà thực sự là một cuộc đi tìm, khám phá ra những bí ẩn của nghệ thuật bởi những trái tim nghệ nhân nhân hậu và những nghệ sĩ tài năng trẻ đầy tâm huyết với nghề. Sự phân chia màn, lớp một cách logic, sân khấu bừng sáng với cảnh trí ước lệ và phục trang vừa tinh tế vừa rực rỡ và nghệ thuật biểu diễn xuất thần của các diễn viên đã tạo nên một vở diễn chèo (cổ) thành công đến bất ngờ. Vở diễn không phải là kết quả của việc phục hồi, tái tạo đơn giản mà còn là sự sáng tạo của tất cả các thành phần tham dự…

picture-170

Một cảnh trong vở “Quan Âm Thị Kính”

Sau lần dựng thứ 3 năm (1980) vở diễn Quan Âm Thị Kính đã được nâng cao chất lượng nghệ thuật từ xây dựng chủ đề, chủ đề tư tưởng đến việc đi tìm hình tượng trò diễn, hình tượng các nhân vật… Những mảng diễn hay và độc đáo đã được bảo tồn, phục hồi một cách nguyên vẹn nhất. Thành công của Đạo diễn và ê kíp sáng tạo là biết nhấn mạnh vào số phận, vào lòng nhân ái, từ bi hỉ xả của Thị Kính, không còn là một Thị Kính sướt mướt buồn thảm trong suốt vở diễn. Cũng từ nỗi đau tột cùng khi mất hết hạnh phúc gia đình đã khiến Thị Kính vào chùa giác ngộ nhanh chóng đạo lý nhà Phật. Thị Kính bình thản trở lại và đối xử với người đời bằng tấm lòng từ bi hỷ xả. Đến lần thứ ba dựng lại thì hình tượng nhân vật Thị Kính mới trở nên hoàn chỉnh: Thị Kính không những không thù hận mà còn tự nguyện nuôi dưỡng hạt máu rơi của Thị Màu thành con người. Thị Kính chịu trận đòn oan của làng và rời chùa ra ở mái tam quan không một lời cầu xin than khóc.

Còn về mặt nghệ thuật: vở diễn trở lại lối diễn sân đình của chèo cổ, đưa dàn đế và dàn nhạc cùng biểu diễn trên sân khấu, sử dụng lối ra trò sinh động của truyền thống, lối giao lưu đầy ngẫu hứng với dàn đế, dàn nhạc tạo nên không khí vui chơi hội hè đã đem lại cho vở diễn một hình tượng nghệ thuật bất diệt: Thị Kính từ đám bùn đen vươn lên một bông hoa ngát hương, bùn đen biểu tượng cho một xã hội phong kiến suy đồi đầy rấy những tàn bạo công.

Tấm lòng từ bi hỷ xả của Thị Kính ngời sáng lên giữa một xã hội phong kiến suy tàn, đầy bất công và oan trái. Những nhân vật điển hình cho từng lớp người trong xã hội phong kiến xưa đều được miêu tả rất sống động, rất thực bằng phương tiện diễn tả hát múa của chèo, bằng những hình tượng, những mảnh trò ước lệ cao mang tính biểu trưng và ẩn dụ. Mỗi lớp trò là một khuôn mẫu trong nghệ thuật chèo cổ.

Có thể nói vở Quan Âm Thị Kính qua bàn tay của đạo diễn Trần Bảng và ê kíp sáng tạo đã trở thành một trò diễn mẫu mực nhất. Vở diễn có giá trị không những như một cổ vật còn nguyên vẹn mà nó còn là một trò diễn hay mang tính kinh điển về nghệ thuật chèo. Trở thành một vở diễn truyền thống của nhiều Nhà hát và các đoàn chèo trong cả nước, vở Quan Âm Thị Kính đã được đi biểu diễn trọn vẹn cả vở ở nhiều nước trên thế giới.

2. Cải biên chèo cổ

Là những vở diễn lấy từ tích chèo cổ nhưng được cải biên, thay đổi hẳn lại chủ đề. Tiêu biêu nhất cho khuynh hướng này là vở Vân (năm 1962).

Được cải biên từ vở chèo cổ Kim Nham, vở  Súy Vân ngợi ca sức sống mãnh liệt của người phụ nữ dám đứng lên chống lại sức mạnh của dư luận, của tập quán phong kiến về chế độ đa thê, coi thường người phụ nữ.

Lấy Kim Nham chưa được bao lâu thì Kim Nham lên Kinh thành thi cử, Súy Vân vừa tần tảo lo mọi công việc nhà chồng,vừa mong ngóng chờ đợi chồng trở về. Khi Kim Nham thi đỗ trở về, niềm vui hạnh phúc vừa bừng nở thì Kim Nham hé lộ ra muốn cưới vợ lẽ. Súy Vân vì luôn khao khát hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn, nên kiên quyết không chịu, nàng hết lòng khuyên can chồng, nhưng Kim Nham và mẹ chồng một mực không nghe. Thất vọng, nàng lên chùa cầu cứu Phật Bà thì gặp Trần Phương – một gã phong  tình trăng gió – đã âm mưu cùng bà mối lừa Súy Vân. Súy Vân giả dại về đòi li dị với Kim Nham. Khi được tự do, nàng ra bến sông- nơi Trần Phương đã hẹn, nhưng chờ mãi, cuối cùng chú Hề mang thư của Trần Phương đến, Trần Phương đã phụ tình nàng. Uất hận, nàng trẫm mình xuống dòng sông.

Để bảo tồn được những độc đáo của vở Kim Nham cổ, đạo diễn Trần Bảng và đồng nghiệp trước hết tập trung vào vào trích đoạn Vân Dại nổi tiếng, nghiên cứu từng động tác, từng loài hát để tìm ra tính cách và động tác chủ đạo của Súy Vân làm cơ sở cho sự xây dựng các mảng diễn khác. Súy Vân là một tâm hồn mãnh liệt, yêu cuộc sống sôi nổi dám đứng lên chống lại với sức mạnh của dư luận, của tập quán phong kiến. Súy Vân là người con gái mà xã hội phong kiến xếp vào hàng nghịch nữ nhưng trước con mắt của đương thời thì là một tính cách hiếm có, nó như một ngọn đuốc bùng lên trong đêm tối mịt mù của xã hội cũ. Vở diễn đã gìn giữ và phát huy được nhiều mảng trò và làn điệu chèo hay cũng như nhiều loại vai diễn mẫu mực của vở chèo cổ.

Sau hơn nửa thế kỷ, vở Súy Vân (chèo cổ cải biên) vẫn tồn tại và trở thành một trong những tiết mục truyền thống trên sàn diễn Nhà hát Chèo Việt Nam và nhiều Nhà hát, nhiều đoàn Chèo địa phương trong cả nước.

3. Viết lại chèo cổ

Từ tích cổ Lưu Bình Dương Lễ, nhà văn Hàn Thế Du đã viết vở Châu long dệt gấm (sau đổi là Lưu Bình Dương Lễ) đạo diễn Chu Ngọc đã tạo nên một vở diễn trữ tình lãng mạn, giàu chất thơ về một tình bạn cao cả, nhấn mạnh đến vai trò của nàng Châu Long.

img_4122

Vở “Lưu Bình Dương Lễ’

Viết lại từ tích chèo cổ Trương Viên, nhấn mạnh đến vai trò của viên ngọc gia bảo, tác giả Vinh Mậu năm 1989 cũng viết lại vở cổ với tên Đôi ngọc truyền kỳ, khai thác thêm sự thủy chung của nhân vật Trương Viên bằng cách để cho Trương Viên sau khi thắng trận trở về được Nhà vua tin dùng và được công chúa yêu tha thiết. Lúc Trương Viên dao động, tình cảm hơi ngả về công chúa… viên ngọc chàng mang theo bỗng nhiên mờ đi. Cứ lòng xấu là viên ngọc tối dần. Chính nhờ viên ngọc ấy mà Trương Viên thức tỉnh, nhớ lại tất cả, quyết từ bỏ mọi vinh hoa để trở về tìm mẹ và vợ. Giáo sư,đạo diễn NSND Trần Bảng đã dàn dựng kịch bản này rất thành công trên sân khấu Nhà hát Chèo Việt Nam với một dàn diễn viên cựu phách: NSƯT Thúy Ngần vai Thị Phương; NSƯT Đức Nghiêu vai Trương Viên, NSƯT Thanh Bình vai mẹ Trương Viên… Và mùa thu tháng 9 – 2012, Nhà hát Chèo lại ra mắt vở diễn Trương Viên do đạo diễn Vũ Ngọc Minh dàn dựng với một dàn diễn viên tài năng hát hay, múa đẹp: NSƯT Thùy Dung vai Thị Phương, NSƯT Thanh Mạn vai mẹ Trương Viên, NSTài năng Tuấn Tài vai Trương Viên, NS Ngọc Hưng vai Thừa tướng, NS Trần Hải vai Thổ địa, NS Thúy Hạnh vai Quỷ cái; NS Hương Dịu vai Tiên Mẫu… cũng là các vở diễn lấy nguyên kịch bản chèo cổ chỉ qua chỉnh lý. Đạo diễn đã thành công khi giữ được cho vở diễn một cấu trúc kể chuyện mạch lạc.

Canh vở "Trương Viên" 2012, ảnh Phi Hùng
Cảnh trong vở “Trương Viên” 2012, ảnh Phi Hùng

Mỗi một êkip sáng tạo ở những thời điểm khác nhau đều có những chủ ý riêng của mình. Tuy nhiên, trong tích hát (kịch bản) câu chuyện về “nàng dâu nuôi mẹ thế gian mấy người” đã là một câu chuyện lạ, cảm động và chan chứa tình yêu thương. Cái sự “lạ” của vở diễn không phải chỉ vì xuất hiện những nhân vật Hổ dữ, Quỷ, Thần linh đầy mầu sắc huyền thoại mà chính là ở những hành động “quên mình” của nhân vật chính. Nó chứng minh điều ngược lại không mấy hay về mối quan hệ “mẹ chồng – nàng dâu” vốn tồn tại dai dẳng từ ngàn xưa. Lòng hiếu thảo lạ lùng của Thị Phương không chỉ là một phẩm chất đạo đức mà còn một nét đẹp Việt nam – sự bình dị, nét đẹp ấy toát lên từ ở tâm hồn, ở tấm lòng của nhân vật. Nó không chỉ làm cảm động được khán giả – những người “trần” bình thường mà còn chinh phục, cảm hóa được cả thần linh

Các nhân vật khác trong vở cũng rất lạ: một quan Thừa tướng vừa oai nghiêm, vừa nhân hậu và có tư tưởng rất tiến bộ về hôn nhân. Ông trao cho con gái và con rể viên ngọc gia bảo như trao biểu tượng của truyền thống yêu thương, thủy chung. Mẹ Trương Viên, một nhân vật lạ không kém. Đó là bà lão nông dân hài hước, rất dân gian, dí dỏm và chan chứa lòng yêu thương mộc mạc chân thành, giống nhưng cũng khác hẳn với trăm nghìn bà mẹ nông dân khác. Nhân vật Quỷ cũng lạ, quỷ hát bài hát của tiên. Nhân vật Hổ hung dữ cũng bỗng hiền từ nhân hậu khi thấy hai mẹ con tranh nhau cái chết về mình. Ông tiên cũng là ông tiên với bầu rượu túi thơ chơi mây chơi gió… sự hài hước giữa các tính cách nhân vật vốn đã tinh túy trong các tích cổ làm cơ sở tạo nên được những lớp diễn lạ, độc đáo.

Sự “lạ” ấy còn được thể hiện trong văn chương, trong ngôn ngữ đối thoại thuần túy dân tộc với đặc tính nôm na, mộc mạc giàu âm điệu hàm chứa ý nghĩa thâm thúy. Dù là chỉnh lý hay viết lại thì hình tượng nhân vật Thị Phương đều đã được khắc họa một cách rõ nét thông qua các trò diễn Gặp Hổ, gặp Quỷ, Sơn thần khoét mắt… Và đặc biệt chú ý đến vai trò của viên ngọc gia bảo, viên ngọc tác động vào sự phát triển của vở diễn.

Một vở nữa khá thành công là vở Nàng Thiệt Thê viết lại từ tích chèo cổ Chu Mãi Thần. Tác giả Lương Tử Đức đã dụng công xây dựng nhân vật Chu Mãi Thần như là hiện thân của một nhân vật nho sinh đẹp nhất trong chèo cổ, quyết vượt lên mọi khó khăn để đạt được mục đích của mình về sự học, Chu Mãi Thần còn xử sự “đúng như một người quân tử” theo cách nói của giáo sư Vũ Khiêu. Bát thuốc ân tình mà chàng sắc cho Thiệt Thê sau lần gặp lại đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Nhân vật Thiệt Thê trong vở diễn được khắc họa một cách hồn nhiên, có nét gì đó giống hình tượng một con bướm, nhởn nhơ khoe sắc không biết nghĩ xa xôi gì về tương lai…

Và đó cũng chính là thông điệp mà các tác giả muốn gửi đến khá giả, bài học về một lối sống không có lý tưởng, chỉ vì những ham muốn vật chất tầm thường trước mắt, một cái giá phải trả cho những sai lầm nông nổi lúc tuổi trẻ. Hình tượng Thiệt Thê bỗng đẹp hẳn lên, hằn sâu trong tâm trí người xem – một số phận Thiệt Thê rất Chèo nhưng đầy âm hưởng hiện đại.

Từ thực tế khai thác vở diễn theo khuynh hướng chỉnh lý, cải biên hoặc viết lại các vở chèo cổ, từ góc nhìn văn hóa, những người làm chèo bỗng nhận ra một vấn đề lý luận, đó là vấn đề tiến tới cổ điển hóa nghệ thuật chèo cổ. Đây chính là quá trình đưa nghệ thuật chèo (cổ) bấy lâu vẫn được xác định là sân khấu dân gian lên sân khấu bác học, từ không chuyên lên chuyên nghiệp, từ bình diện dân tộc lên bình diện quốc gia, quốc tế. Con đường này các bậc tiền bối của Nhà hát Chèo Việt Nam đã bước đầu sáng tạo trong từng vở diễn cụ thể, để đạt tới sự hài hòa giữa các yếu tố nghệ thuật, sự mẫu mực về thẩm mỹ,trên cơ sở phát huy được những tinh hoa vốn có của nghệ thuật chèo cổ.

Như thế, trong chặng đường sáng tạo của Nhà hát Chèo Việt Nam 65 năm qua có một điểm nổi bật đó chính là hành trình đi đến cổ điển hóa nghệ thuật chèo (cổ). Những vở diễn mẫu mực được khai thác từ chèo cổ trên không chỉ là niềm tự hào của Nhà hát mà đã giúp cho các thế hệ của Nhà hát có một vốn nghề phong phú, để làm điểm tựa cho những sáng tạo mới luôn đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Nghệ sĩ Nhà hát Chèo hôm nay hãy biết gìn giữ và phát huy kho báu này để xứng đáng là một đơn vị nghệ thuật đứng đầu ngành chèo cả nước.

Trần Minh Phượng 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Nếu không quan tâm đúng mức, chèo chưa thể trình UNESCO

Ngoài 80 tuổi, nhưng khi nói đến chèo, lĩnh vực nghiên cứu gần 50 năm nay, nhà nghiên cứu chèo Trần Việt Ngữ vẫn tỏ ra uyên bác và đầy nhiệt tâm đối với thể loại sân khấu ca kịch thuần Việt này.

Lời đầu tiên, chúc mừng công trình “Nghiên cứu nghệ thuật Chèo” của ông được nằm trong danh sách đề cử của Hội Văn nghệ dân gian đưa lên cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Giải thưởng Nhà nước năm 2011.

Khi rời quân ngũ trở về sau hòa bình 1954, có lẽ “thấm” những giai điệu dân ca ở các vùng quê Bắc Bộ trong thời làm Vệ quốc đoàn như dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, ví dặm Hà Nam, rồi mê các loại dân ca khác như hát xẩm, hát trống quân, chầu văn, ca trù, say các tuồng tích trong hình thức diễn xướng dân gian được phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ từ hát Thập Ân đến các bài Giáo như Giáo trống, Giáo pháo, Giáo đò, Giáo ngựa… để rồi từ lúc nào không biết, ông đã đến với nghệ thuật chèo như một tình yêu đam mê bền chặt suốt gần nửa thế kỷ qua.

Thưa ông, ông có đề cập đến tính “bi – hài dân tộc” trong chèo?

Những người nghiên cứu chèo trước đó căn cứ vào tính chất của chèo là nghệ thuật gây cười, đa số cho rằng chữ chèo bắt đầu từ chữ trào (trào lộng) mà ra. Tôi không tán thành mà cho rằng cái hài trong chèo tuy hướng nhiều về thể hiện hiện thực ngoài đời nhưng phát triển lẻ tẻ và phải bám vào tích mới đứng được, mà các tích của chèo hầu hết mang tính bi. Cho nên chèo là một thể loại sân khấu bi hài không giống sân khấu bi hài phương Tây, tôi đặt tên là “Bi-Hài dân tộc”.

Ông cũng có nhiều nghiên cứu về chèo rất mới?

Hầu hết nghệ nhân khi diễn chèo đều dùng không chỉ lời trò mà còn dùng hát múa xen vào. Rồi căn cứ vào bản trò (kịch bản) thường viết theo văn vần, chen vào các điệu hát kết hợp diễn xuất đẹp như múa, cho nên tôi nhấn vào ngôn ngữ nghệ thuật: Khi 1 kịch chủng đã dùng hát múa để thể hiện bản trò thì nhất định diễn xuất phải ước lệ và cách điệu mới có thể tạo nên sự thuần nhất trong phong cách nghệ thuật 1 vở diễn.

Mặc dù trong chèo cũng có những nhân vật không dùng hát múa mà chỉ thể hiện những loại nói lối cách điệu để thể hiện nhân vật… Trong khi những nhân vật nghiêng về pha trò như hề gậy, hề mồi, hát rất ít mà chỉ thể hiện những hành động biểu trưng để thể hiện lại có những nhân vật pha trò chỉ bằng nói lối và diễn xuất kết hợp như vợ Mõ (mẹ Đốp)…

Từ đó, tôi rút ra vài vấn đề mang tính cách “sáng tạo” trong 1 vở chèo cổ bên cạnh những làn điệu như nói sử, hát sắp… thì có những nghệ nhân khi gặp những tình huống mới đã bẻ làn nắn điệu những điệu hát cổ cho phù hợp như hát sắp chợt của nhân vật Tú Bà (vở Kiều)… Đồng thời khi ở bản trò có nhân vật với hành động mà các vở trước đấy không có thì nghệ nhân lập tức sáng tạo làn điệu mới như hát múa bình thảo của Thị Màu, hát múa xuôi ngược của Xúy Vân…

Tất nhiên, chèo không phải là loại sân khấu vạn năng. Nếu đưa chèo vào thể hiện đề tài vua quan sẽ rất khó khi đứng bên cạnh những vở tuồng hay cải lương hiện nay.

Theo ông, tại sao chèo lại có sức sống mạnh mẽ để có thể “lấn át”, chen lẫn vào các loại hình nghệ thuật dân gian khác (như múa rối, chầu văn…)?

Chèo bắt nguồn từ kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian với sự đóng góp quan trọng của giới trí thức bình dân và quý tộc, từng tồn tại lâu đời ở vùng trung du và đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Văn chèo là thể loại tự sự (kể chuyện) mang đậm tính trữ tình của ca dao, tục ngữ…, tràn đầy tính lạc quan trong những cái cười dân dã, thông minh, hóm hỉnh, trí tuệ. Tính nhân văn của chèo rất rõ nét, thể hiện khát khao vươn tới hạnh phúc và xã hội hòa thuận, cái thiện luôn thắng cái ác. Nhân vật trong chèo mang tính ước lệ, chuẩn hóa với tính cách và tâm lý không thay đổi trong suốt vở. Chèo ở chừng mực nào đó mang hơi thở của hiện thực cuộc sống, nhất là vùng thôn quê… Chính vì những lẽ đó mà chèo đã có ảnh hưởng sâu sắc tới các loại hình nghệ thuật khác cũng như có vai trò chủ đạo trong nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Thưa ông, chèo tại sao không phát triển được ở phương Nam trong khi cải lương của phương Nam lại có thể “đứng chân” ở đất Bắc?

Theo tôi, vấn đề này thuộc về lịch sử. Khi các chúa Nguyễn vào mở cõi ở phương Nam từ 4 thế kỷ trước đã lấy nghệ thuật tuồng làm phương tiện “văn hóa”. Đến khi người Pháp sang, cùng với các loại hình nghệ thuật tân kỳ của phương Tây như kịch nói, opera, tân nhạc, cinema…đã “hớp hồn” dân đàng Trong, những loại hình nghệ thuật truyền thống trước đó đã được cách tân, lai tạp… và rất thu hút công chúng. Suốt những năm 1976-1977 và một số năm sau này, khi vào khảo sát sân khấu miền Nam ở TP.HCM, đến những hội làng suốt từ Quảng Ngãi, Bình Định, Thuận Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu và đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy người dân ở các vùng miền này phần lớn dùng hát tuồng hay cải lương là chính. Những thói quen hay còn gọi là truyền thống của vùng miền phương Nam đã không để cho chèo có thể “thiên di” và sáp nhập.

Chèo là loại hình nghệ thuật truyền thống thuần Việt , là một “di sản văn hóa”, nhưng tại sao không được chú ý làm hồ sơ lên UNESCO xem xét?

Từ sau năm 1975, sân khấu chèo rơi vào khủng hoảng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Các đoàn chèo chạy theo thị hiếu của không ít khán giả nên dựng những vở ngày càng xa rời sân khấu truyền thống. Cho tới hiện tại thì chèo càng rơi vào khủng hoảng vì ít nhà hát hay đoàn chèo nào chịu dựng lại các vở kinh điển mà chỉ dựng vở theo trào lưu cách tân, hiện đại, đổi mới sân khấu chèo để hút khách. Chèo trong hoạt động văn hóa quần chúng hay sự kiện văn hóa quốc gia cũng chỉ là điểm xuyết cho thêm sắc màu.

Thế nên, việc quan tâm đến vốn “di sản” chèo truyền thống để bảo tồn, gìn giữ, phát huy… chưa được đúng tầm đúng mức thì làm sao có thể đặt vấn đề lên UNESCO.

Có một thời sân khấu chèo được các nhà biên kịch, đạo diễn cải biên theo kiểu “tân cổ giao duyên” cho chèo hiện đại, phù hợp với cuộc sống đương đại. Ý kiến riêng của ông?

Đã gọi là “tân cổ giao duyên” thì nó không còn là chèo đúng nghĩa. Cho nên ở các hội diễn gần đây, nhiều vở diễn gọi là chèo nhưng lại là kịch chèo hoặc lớp này là kịch lớp kia là chèo. Chưa kể phần trang trí mỹ thuật lại không phù hợp với vở diễn, không tuân thủ các phép tắc ước lệ sân khấu chèo truyền thống. Ngay cả việc trao tặng huy chương vàng, bạc, bằng khen chỉ mang tính chất động viên nhà nghề hơn là thực chất chất lượng nghệ thuật.

Ông có thể nói thêm chút “bí quyết” để viết được một vở chèo hay?

Tôi có một số tác phẩm viết về cách thức viết một vở chèo đúng theo truyền thống như: Cách viết một vở chèo, Bước đầu tìm hiểu sân khấu chèo, Bước đầu tìm hiểu tiếng cười trong chèo cổ, Vấn đề nhạc chèo, Nghệ thuật diễn chèo, Nghệ sĩ chèo Hoa Tâm… Năm 1970, tôi lại biên tập một loạt kịch bản chèo trước cách mạng, nên có thể nắm giữ một số cách thức cơ bản để viết một vở chèo.

Nhưng, chẳng có “bí quyết” gì nếu không thật sự có tâm với chèo, có kiến thức về chèo, về vốn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống và có chút năng khiếu viết lách… thì khó mà làm nên một vở chèo đúng nghĩa.

Ông là một nhà nghiên cứu tâm đắc với nghệ thuật chèo. Theo ông, chèo phải làm gì để trở thành di sản văn hóa phi vật thể tồn tại, sống trong công chúng hiện tại và tương lai?

Chèo, ở một khía cạnh, chính là cái gốc để gìn giữ phát huy những giá trị chuẩn mực giáo dục đạo đức, nhân văn truyền thống của người Việt Nam trong cuộc sống. Rất cần tâm và tầm của những người đang có trách nhiệm với vốn di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung, chèo nói riêng. Cần có những người nhiệt tâm đối với nghệ thuật chèo không chỉ ở khía cạnh văn bản nghiên cứu bảo tồn, bảo tàng mà còn phải có những người “làm” chèo biên kịch, đạo diễn, diễn viên…, thổi vào chèo sức sống để tồn tại, phát triển.

Xin cảm ơn ông!