Cách mạng công nghiệp 4.0 và sân khấu Việt: “Bảo thủ” hay đối mặt?

9942anh-2-

VH- Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa xã hội phát triển ở một tầm cao mới và đặt ra cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam nhiều thách thức gay gắt hơn nếu bản thân những người làm sân khấu không tự đổi mới mình cho phù hợp.

Nhà hát Hòa Bình được thiết kế dưới gầm hệ thống sân khấu nâng và sân khấu quay

Người đứng đầu đơn vị nghệ thuật nói chung, cá nhân nghệ sĩ nói riêng chưa phải đã có thể vượt lên để làm chủ công nghệ…

Hai mặt của vấn đề

Nhìn những tác động từ Cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 và 2.0 đã làm đổi thay diện mạo của sân khấu rất lớn: Từ chỗ sân khấu chỉ có ánh đèn dầu, đuốc sang ánh điện; từ chỗ có âm thanh thực từ dàn nhạc và đài từ của diễn viên đến chỗ có micro hỗ trợ; từ chỗ đi biểu diễn từ làng này sang làng khác bằng xe ngựa, xe bò, đi bộ sang đi biểu diễn từ tỉnh thành này đến tỉnh thành khác, nước này sang nước khác bằng các phương tiện tàu thủy, tàu điện, ô tô, máy bay; từ chỗ chỉ lưu giữ, phổ biến kịch bản bằng truyền miệng, viết tay sang in ấn phát hành thành sách, báo và đĩa hát…

Cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, đặc biệt của internet đã tác động mạnh đến nghệ thuật sân khấu Việt. Nhiều tác phẩm sân khấu được truyền đến đông đảo khán giả từ nông thôn đến thành thị, từ trong nước đến nước ngoài… thông qua các băng đĩa, internet một cách tinh gọn, nhanh chóng với chi phí thấp, tiện lợi khi chỉ cần ngồi nhà là có thể xem được nhiều vở diễn, chương trình khác nhau. Tuy nhiên, cũng chính sự phát triển của công nghệ thu phát âm thanh, hình ảnh, cùng với sự phát triển như vũ bão của internet đã khiến nghệ thuật sân khấu ngoài rạp ở Việt Nam không đủ sức cạnh tranh, bị lâm vào tình trạng khủng hoảng thiếu khán giả.

Trước hết, về cơ sở vật chất, hệ thống các rạp hát, nhà hát ở nước ta hiện nay hầu hết đều không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nhân loại tiến bộ. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 là cách mạng khoa học và công nghệ mới, hội tụ ở đỉnh cao của các lĩnh vực công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy, tích hợp con người – máy móc… đòi hỏi các rạp hát, nhà hát sân khấu phải được thiết kế, xây dựng, nâng cấp sao cho phù hợp, nhằm vừa đáp ứng yêu cầu của công việc sáng tạo nghệ thuật, vừa thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ mới của khán giả. Do đó, để tồn tại, phát triển, sân khấu Việt Nam phải được hiện đại hóa, nếu không không thể thu hút được khán giả với hệ thống cơ sở vật chất các rạp hát, nhà hát cũ kỹ, lạc hậu.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều sản phẩm giải trí và dịch vụ mới được thực hiện từ xa với chi phí không đáng kể phục vụ người tiêu dùng; internet, điện thoại thông minh, công nghệ kỹ thuật số digital và hàng ngàn ứng dụng giúp cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn, năng suất hơn… làm sân khấu chịu nhiều áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn. Do đó, để hòa nhập với kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, sân khấu Việt Nam phải thay đổi về bộ máy tổ chức nhân sự, về phương thức hoạt động để tiếp cận khán giả, nếu không sẽ bị đào thải theo quy luật cạnh tranh trên thị trường.

Sân khấu đã chuẩn bị gì?

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển ứng dụng người máy kết nối, hội tụ của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và internet… sẽ thay thế những nhân viên hậu đài làm các công việc nặng nhọc như vận chuyển, lắp ráp sân khấu ngoài trời, trang trí bối cảnh, thực hiện các kĩ xảo, thủ pháp nghệ thuật… đòi hỏi kỹ thuật phức tạp… Tuy nhiên, mọi máy móc không thể thay thế được người nghệ sĩ. Vì nghệ thuật sân khấu thuộc lĩnh vực sáng tạo, gắn liền với mọi cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố của con người – điều mà máy móc không thể làm được. Nói như vậy không có nghĩa là các nghệ sĩ – nguồn nhân lực của sân khấu Việt Nam tách mình khỏi cuộc cách mạng công nghệ mới. Trên thực tế, các nghệ sĩ Việt Nam có tài năng nghệ thuật, nhưng phần lớn còn hạn chế về khoa học và công nghệ. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự bùng nổ hàng loạt công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, công nghệ điện toán đám mây, thực tế ảo…) với tốc độ thay đổi công nghệ chóng mặt. Để sân khấu có sức cạnh tranh, các nghệ sĩ Việt Nam trong quá trình sáng tạo, phải biết tiếp nhận, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo nên sự đổi mới, đột phá về mặt hình thức nghệ thuật. Để bắt kịp với sự phát triển của thời đại cách mạng công nghệ 4.0, các nghệ sĩ phải nắm bắt, phản ánh nhanh nhạy những vấn đề xã hội mới, mang tư tưởng của thời đại, sao cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của khán giả mới.

Cách mạng công nghệ 4.0 với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, internet kết nối vạn vật… còn thúc đẩy sự liên kết liên văn hóa giữa các quốc gia, giúp các nghệ sĩ gia tăng hiểu biết, tương tác với các nền nghệ thuật sân khấu khác trên thế giới. Tuy nhiên, chúng lại làm gia tăng mạnh hơn nữa nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, đặt các nghệ sĩ đứng trước thách thức bảo tồn di sản nghệ thuật sân khấu truyền thống. Làm thế nào giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa cái nội sinh với cái ngoại sinh là điều không đơn giản đối với các nghệ sĩ sân khấu truyền thống. Bởi lẽ, nếu tiếp nhận cái ngoại sinh không cẩn trọng, sẽ làm di sản sân khấu truyền thống của dân tộc bị mai một, biến tướng; ngược lại, nếu chỉ lo bảo tồn di sản, không phát huy giá trị của di sản cho phù hợp với xã hội đương đại, thì di sản khó tồn tại bền vững.

Hiện tại, sân khấu Việt Nam còn chậm đổi mới, chưa chuyển đổi, thích ứng kịp với những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ ba thì sẽ còn loay hoay, lúng túng nhiều hơn nữa trước những cơ hội và thách thức mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

 TRẦN THỊ MINH THU – Báo Điện tử Văn hóa