Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam

VHO – Tối 3.9 tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập (1957 – 2022) và ngày Sân khấu Việt Nam năm 2022 (12.8 âm lịch). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và chúc mừng cho các nghệ sĩ có cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, từ khi thành lập chỉ có 379 hội viên, đến nay, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã có 2.600 hội viên đang hoạt động ở khắp mọi miền trên cả nước trong các loại hình nghệ thuật: chèo, tuồng, cải lương, múa rối, dân ca kịch, kịch nói, xiếc, sân khấu dù kê… 65 năm qua, nhiều tác phẩm sân khấu, với những hình tượng nghệ thuật đặc sắc do tập thể các nghệ sĩ sáng tạo đã khắc họa sinh động chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình, ý chí quật cường của một dân tộc anh hùng. Ngoài đề tài về chiến tranh cách mạng, nhiều tác phẩm sân khấu mang tính dự báo cao, góp phần đẩy lùi những thói hư tật xấu của con người, những tư tưởng nhận thức cũ kỹ, lạc hậu níu kéo, kìm hãm sự thay đổi và phát triển của xã hội… Trong đó, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng những tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng, nội dung và nghệ thuật đạt chất lượng cao, tác động tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội; góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tặng hoa chúc mừng  các nghệ sĩ 

“Giữa sự tác động bề bộn, ngổn ngang của cơ chế thị trường, những người làm nghệ thuật sân khấu nói chung, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nói riêng vẫn luôn gạn đục khơi trong, vượt qua mọi khó khăn để nhắc nhở thế hệ hôm nay không bao giờ quên lịch sử hào hùng của dân tộc, không bao giờ quên quá khứ bi tráng và sự hy sinh của nhiều thế hệ cha anh thông qua những câu chuyện kịch, những hình tượng nghệ thuật trên sân khấu”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh: “Đảng ta luôn khẳng định: Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại… Trước yêu cầu đó, văn học nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu cần tiếp tục tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ nghệ thuật sân khấu của mình trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế để góp phần hoàn thiện các chuẩn mực con người Việt Nam, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người Việt Nam hiện đại”.

 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động, để Hội thực sự là nơi quy tụ các nghệ sĩ sân khấu của cả nước, hỗ trợ, khích lệ sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Hội cần phát huy tốt hơn vai trò tư vấn và phản biện xã hội, tích cực tư vấn cho Đảng, Nhà nước những giải pháp thiết thực, từng bước xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam vừa đa dạng vừa thống nhất, vừa truyền thống vừa hiện đại, đáp ứng yêu cầu của xã hội và thời đại.

Lễ kỷ niệm quy tụ đông đảo các nghệ sĩ 

 Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định, kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là ngày hội của các đồng nghiệp trong mái nhà Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. 65 năm qua, các văn nghệ sĩ tự hào nền văn hóa Việt Nam, nền văn  học nghệ thuật mới của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ đã có những bước đi ngoạn mục, đã trưởng thành vượt bậc. Các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam đã không ngừng sáng tạo, không ngại cống hiến, hy sinh tuổi trẻ, thậm chí cả thân mình để lại những tác phẩm, dấu ấn lịch sử viết bằng tâm huyết, làm nên những trang sử bằng hình ảnh, âm thanh, hình tượng để ca ngợi đất nước, ca ngợi 2 cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như công cuộc đổi mới, luôn hướng tới nhân dân, tới Đảng với niềm tin son sắt và văn nghệ luôn luôn đồng hành cùng dân tộc.

 Lễ hội đường phố “Tinh hoa nghệ thuật Việt” thu hút đông đảo khán giả

Tại lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức vinh danh đại diện các nghệ sĩ có cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, tổ chức chương trình biểu diễn Lễ hội đường phố có chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật Việt” với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa cờ, múa trống, giới thiệu với công chúng các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, kịch, ca kịch Huế, múa rối, xiếc, sân khấu hiện đại.

THUÝ HIỀN; ảnh: THANH TÙNG (Baovanhoa.vn)

Sân khấu đang lảng tránh đề tài hiện đại

VHO- Những vấn đề thời sự, những câu chuyện “nóng bỏng” ở ngoài đời hay cuộc sống hiện thực muôn màu chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng khi được đưa lên sân khấu. Thế nhưng trên thực tế, sân khấu Thủ đô đang khủng hoảng thiếu những vở diễn như thế…

Và câu hỏi đang cần được giải đáp là: Vì sao một Thủ đô văn minh, hiện đại với vô vàn vấn đề “nhức nhối” lại bị những người làm sân khấu lảng tránh khai thác, đề cập? Lý giải cho câu hỏi này, tại Hội thảo Sân khấu Thủ đô với đề tài hiện đại, tác giả Giang Phong trăn trở: “Có một điều rõ ràng rằng, các nhà biên kịch sân khấu làm ra gạo tám xoan đem đi bán, nhưng người mua lại chỉ thích gạo si, thành ra gạo tám ế không ai mua. Trở lại người mua, ở đây là nhà hát, họ cũng phải nuôi quân, và để có tiền trả lương, họ sẽ dựng những vở về ông hoàng, bà chúa để thu hút được người xem, bán được vé, có tiền mời gương mặt nổi tiếng cộng tác… ta không thể trách được họ. Giải quyết vấn đề này phải là những cơ quan có thẩm quyền, chứ trông chờ vào đạo diễn, diễn viên, tác giả thì… nói như cụ Vũ Trọng Phụng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu bày tỏ: “Chúng tôi luôn mong muốn đi thẳng vàtrực diện vào những vấn đề nóng nhất của xãhội hiện đại; những đềtài khai thác tâm lý, trăn trởvàkhát khao, ước mơvà hoài bão cũng nhưnhững toan tính, khổđau của con người trong guồng quay hối hảcủa cuộc sống. Tuy vậy, việc tiếp cận vàthểhiện những chủđềấy phải chân thực mà không trần trụi, hiện thực cần được chắp thêm đôi cánh của sựlãng mạn, của niềm lạc quan vàkhát vọng”. Theo ông Hiếu, đểtìm được một kịch bản chất lượng và đáp ứng được các yêu cầu trên là điều rất khó!

TS Trần Trí Trắc lý giải căn nguyên của thực trạng này: “Theo tôi, nhiều nghệ sĩ chúng ta còn chưa hiểu thấu đáo về sự chuyển hóa lớn của đất nước khi đi từ chiến tranh sang hòa bình, từ cách mạng dân tộc dân chủ sang định hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế… Có nghĩa là, văn nghệ sĩ chưa có vốn sống thực tế về đề tài hiện đại, chưa nhận thức được đầy đủ về những giá trị cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam hôm nay trên trường quốc tế…

“Những tên tuổi gắn liền với Kịch Hà Nội như tác giả Lưu Quang Vũ, cố nhà văn Xuân Trình, Anh Biên, Xuân Đức, Triệu Huấn… ra đi và để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy với tất cả giới sân khấu. Trong khi đó, văn đàn thiếu vắng thế hệ kế cận xuất sắc và nổi bật, phần lớn do định hướng và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hiện nay không ưu tiên nghiệp viết. Hơn thế, sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin khiến một bộ phận không nhỏ người Việt trẻ mất đi văn hoá đọc, điều đó tác động rất lớn đến chất lượng và chiều sâu của các kịch bản”, những chia sẻ của NSND Trung Hiếu cho thấy sân khấu Thủ đô đang thiếu “người tài” và đó là vấn đề cốt lõi.

Là một tác giả sân khấu đang có những kịch bản được dư luận chú ý bởi khai thác tốt về đề tài hiện đại, tác giả Minh Nguyệt cho rằng, quan trọng nhất là tìm ra được giải pháp để khuyến khích các tác giả có động lực xông pha vào những “vùng cấm”, dũng cảm phê phán và đấu tranh xóa bỏ cái xấu; xây dựng được những điều tốt đẹp, giúp nhân dân nhận diện được vấn đề chính diện – phản diện, từ đó, bày tỏ thái độ đúng đắn trước các vấn đề xã hội. Điều này rất cần sự quan tâm nhiệt tình, trách nhiệm hơn nữa của các nhà quản lý văn hóa.

TS Trần Thị Minh Thu, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu nghệ thuật, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN nhận định: “Trong công tác quản lý thiếu định hướng mang tính chiến lược lâu dài cho các đơn vị lựa chọn đề tài hiện đại để dàn dựng theo dạng “đặt hàng”. Theo TS Trần Thị Minh Thu, để khắc phục thực trạng “thiên lệch đề tài quá khứ, lảng tránh đề tài hiện đại” trong sân khấu, đặc biệt là với kịch hát, các cấp quản lý cần đầu tư đào tạo, bồi dưỡng và mở trại sáng tác cho các tác giả viết chuyên đề tài hiện đại; tăng cường đầu tư công tác thử nghiệm, sáng tạo mới; tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo ở các đoàn, nhà hát về cách thức mở rộng thị trường công nghiệp nghệ thuật biểu diễn, nhằm tăng thêm nguồn thu bằng nhiều nguồn để góp phần đưa sân khấu phát triển đúng hướng…

Ai cũng biết, muốn có một tác phẩm sân khấu hay, trước tiên phải có kịch bản tốt, vì vậy, vai trò của tác giả kịch bản là vô cùng quan trọng trong mắt xích sáng tạo. Rõ ràng, nhiều tác giả đã không lăn lộn vào đời sống, không lý giải được mâu thuẫn của cuộc sống hiện đại, không đọc được nỗi đau và nói lên ý chí của con người hôm nay. Đội ngũ tác giả viết sân khấu không hề nhỏ, số kịch bản ở các trại sáng tác và các cuộc thi cũng không ít, vậy tại sao các đơn vị nghệ thuật sân khấu vẫn kêu thiếu? Thiết nghĩ, bản thân giới nghề, đặc biệt là tác giả cần phải nghiêm túc đánh giá và chủ động thay đổi tư duy từ cách tiếp cận khán giả cho tới việc định hướng xây dựng tác phẩm nghệ thuật.

THUÝ HIỀN (Baovanhoa.vn)

Cải lương tính chuyện lâu dài

VHO- Sân khấu Cải lương không còn ở giai đoạn hoàng kim; hoạt động tổ chức biểu diễn gặp nhiều trở ngại về cơ sở vật chất, chi phí đầu tư và tìm kiếm khán giả hiện đang là bài toán vô cùng nan giải. Tuy nhiên, giới nghề bằng những nỗ lực để vở diễn được dàn dựng hiện đại, ứng dụng nhiều thủ pháp mới, mở ra các sân chơi mới… đã giúp Sân khấu Cải lương trên địa bàn TP.HCM cũng như cả nước dần “nóng” trở lại.

Hiện TP.HCM ngoài 3 đoàn công lập trực thuộc, thì Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng vừa ra mắt thêm hai sân khấu mới dành cho các tài năng trẻ. Còn với các đơn vị xã hội hóa như sân khấu Cải lương mới Đại Việt, Chí Linh – Vân Hà, Tuồng cổ Huỳnh Long, Minh Tơ, Hậu duệ Thanh Sơn, Vũ Luân, Kim Ngân, Kim Tử Long… giờ đây nhiều hoạt động được bổ sung đã giúp cho tần suất tiếp cận với khán giả của họ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Có thể thấy, giá vé xem cải lương ở nhiều đoàn hát xã hội hóa không hề rẻ, từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 2 triệu đồng/vé, nhưng vẫn rất đông người mộ điệu đến thưởng thức những vở diễn có sự tham gia của các ngôi sao mà họ yêu mến như Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thanh Tuấn, Hồng Nga, Thanh Điền, Thoại Mỹ, Chí Linh, Vân Hà, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân… Trong đó, đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã trở thành điểm sáng của Sân khấu Cải lương TP.HCM với những vở diễn “cháy vé” như Mạnh Lệ Quân, Xử án Phi Giao, Hoàn Châu cách cách… Đoàn thường xuyên được mời lưu diễn ở nhiều tỉnh thành lân cận, mới đây nhất là miền Trung với 12 suất miễn phí kết hợp tặng quà cho bà con nghèo. Chương trình đã và đang biểu diễn các trích đoạn kinh điển như Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, Song nữ loạn Viên môn, Máu nhuộm sân chùa, Kiếp nào có yêu nhau… được đông đảo khán giả miền Trung đón nhận.

Nếu như năm 2021, Sân khấu Cải lương đóng cửa hoàn toàn, thì từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động nhằm “hâm nóng” sàn diễn đã có chuyển biến tích cực. Vừa qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ra mắt Sân khấu tài năng thiếu nhi dành cho các em nhỏ từ 6-13 tuổi. Đây là một nỗ lực rất đáng trân trọng và thể hiện ý chí xây dựng mang tính lâu dài của Nhà hát.

Cùng với đó, sự trở lại của nhiều cuộc thi cải lương tầm cỡ quốc gia sau thời gian dài gián đoạn cũng là những dấu mốc đáng khích lệ. Đối với nghệ sĩ, cuộc thi là thước đo tài năng, tạo động lực để họ nâng cao và trau chuốt kỹ năng làm nghề. Đối với công chúng, đây là một kênh tiếp cận tốt, vì các buổi thi mở cửa tự do để khuyến khích khán giả đến xem. Từ nay đến cuối năm, TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ có 3 cuộc thi là Tài năng diễn viên Sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022; Chuông vàng vọng cổ 2022 và Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc 2022, được xem cơ hội tuyệt vời để các diễn viên trẻ phát huy sáng tạo.

Hiện trong giai đoạn này, NSƯT Thoại Mỹ và các nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, Phương Cẩm Ngọc… đang tất bật trên sàn tập vở Đêm trước ngày hoàng đạo (kịch bản Võ Tử Uyên, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) – tác phẩm mới của Sân khấu Đại Việt sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Hà Nội (dự kiến diễn ra trong tháng 9). Trước khi lên đường dự Liên hoan, Đêm trước ngày hoàng đạo sẽ ra mắt khán giả TP.HCM tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào đêm 27.8.

Cùng với đó, các game show về nghệ thuật cải lương cũng đang được đẩy mạnh sản xuất. Có thể kể đến Trăm năm ánh Việt do Đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện, hiện đang thu hút hàng chục triệu lượt khán giả theo dõi. Đây là chương trình thực tế dành cho bộ môn cải lương, với quy mô đầu tư chuyên nghiệp cùng dàn thí sinh chất lượng. Qua đó, mong muốn nối dài sức sống cho bộ môn nghệ thuật truyền thống đầy tính nhân văn, sáng tạo và độc đáo của dân tộc. Dàn giám khảo của Trăm năm ánh Việt là đạo diễn – NSƯT Vũ Thành Vinh, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Hữu Quốc cùng sự dẫn dắt duyên dáng của MC Bình Tinh cũng khiến chương trình ấn tượng và hấp dẫn người xem hơn.

Có thể thấy, những người làm cải lương vẫn đang nỗ lực vận động, đổi mới và sáng tạo để theo kịp thời đại. Đã có những tín hiệu tích cực nhưng trước sức ép của đa dạng loại hình giải trí thì có lẽ vẫn chưa đủ. Tuy khó khăn là thế, nhưng thời gian gần đây, các sân khấu công lập lẫn xã hội hóa đều đông khán giả qua mỗi suất diễn, đây là điều rất đáng mừng cho người làm nghề và cũng là động lực để họ có thể tiếp tục cố gắng, duy trì, phát triển loại hình nghệ thuật cải lương trên bước đường dài phía trước.

 THẢO MY (Baovanhoa.vn)

“Hoa cúc xanh”- đêm nghệ thuật tôn vinh Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh

VHO-Kết hợp các loại hình thơ, nhạc, kịch, chương trình nghệ thuật “Hoa cúc xanh” lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên Hoa cúc xanh của thi sĩ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng Hoa cúc xanh trên đầm lầy của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sẽ diễn ra vào tối 5 và 6.10 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu, giàu tính thẩm mỹ nhằm tôn vinh giá trị thơ ca của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh nhân sinh nhật lần thứ 80 của bà, cũng như giá trị nổi bật những tác phẩm nổi tiếng của kịch gia Lưu Quang Vũ.

Trong cuộc họp báo diễn ra sáng 17.8 tại Hà Nội, nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, đại diện gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ kiêm Trưởng ban tổ chức cho biết, mặc dù đây là chương trình nghệ thuật được tổ chức để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của thi sĩ Xuân Quỳnh, nhưng sẽ không nặng tính chất kỷ niệm mà sẽ vươn tới tầm của một chương trình nghệ thuật tôn vinh thơ ca, âm nhạc, sân khấu… nơi công chúng được thưởng thức những tác phẩm được dàn dựng có chất lượng cao. “Chúng tôi luôn mong muốn chương trình sẽ được tổ chức thường niên, trở thành sự kiện nghệ thuật đặc sắc mỗi mùa thu đến nhằm khẳng định giá trị và lan tỏa vẻ đẹp của thơ ca tới đông đảo công chúng”, nhà báo Lưu Quang Định chia sẻ.

Ban tổ chức đã mời ê kíp sáng tạo tham gia dàn dựng chương trình gồm những tên tuổi của nghệ thuật nước nhà, như: Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Tổng đạo diễn; nhạc sĩ Quốc Trung, Giám đốc âm nhạc; NSƯT Trần Lực, đạo diễn sân khấu; họa sĩ Hà Nguyên Long, Thiết kế sân khấu. Đặc biệt, chương trình quy tụ đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng tham gia biểu diễn như: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Minh Trang, NSƯT Thanh Lam, ca sĩ Bùi Lan Hương.

Chương trình được bố cục 4 phần: “Bầu trời trong quả trứng”, “Tự hát”, “Sóng” và “Hoa cúc xanh”. “Bầu trời trong quả trứng” là khởi điểm bắt đầu, khán giả thưởng thức những vần thơ mang đậm tính hình tượng trong trẻo trong thơ Xuân Quỳnh; “Tự hát” tái hiện chân dung đa diện của Xuân Quỳnh thông qua những sắc màu âm nhạc mới mẻ và những đoạn phim tài liệu ngắn phát giọng nói thật của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh; “Sóng” sẽ đem đến chân dung một nữ sĩ “dữ dội và dịu êm” trong tình yêu, ở đó thông qua các tiết mục trình diễn thơ của các nghệ sĩ Lê Khanh, Chiều Xuân, Minh Trang, Lan Hương, Đỗ Kỷ… đem đến cái nhìn rõ nét hơn về những đối thoại vừa gần vừa xa, vừa dịu dàng vừa mãnh liệt của hai tâm hồn thi sĩ để thấy được tình yêu của họ lãng mạn tới mức nào.

Riêng phần Hoa cúc xanh là một vở kịch ngắn do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp viết kịch bản và do sân khấu Lucteam của NSƯT Trần Lực dàn dựng. Vở kịch như một sự kết nối ý tưởng từ bài thơ Hoa cúc xanh của thi sĩ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng Hoa cúc xanh trên đầm lầy của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, để hai tác phẩm tưởng chừng như không liên quan quyện hòa với nhau. Sự quyện hòa này cũng chính là mạch cảm xúc đầy thi vị và lãng mạn của tình yêu Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh.

Theo tiết lộ của Tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, âm nhạc trong đêm thơ, nhạc, kịch sẽ được làm mới bằng những bản phối tinh tế và có nhiều ca khúc được đặt sáng tác riêng cho chương trình. Phần hình ảnh sân khấu cũng sẽ là những mảng màu cũ mới đan xen, trong đó, chất thơ và hiện thực của đời sống biểu hiện trên bối cảnh sân khấu sẽ đưa người xem đến gần hơn với những năm tháng đương thời của thi sĩ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: “Nghệ thuật không có thời gian, không có già trẻ. Những vở kịch của anh Vũ từ rất lâu, có khi cách đây 30 năm, bây giờ khi xem và nghe nó vẫn như câu chuyện của ngày hôm nay. Miễn là tác phẩm có giá trị và chất lượng, chúng ta không nên quan trọng câu chuyện thời đại. Đây là chương trình họp báo khởi công, chúng tôi đều còn bàn nhiều khi làm. Các tiết mục nhạc – thơ – kịch sẽ được đạo diễn và ekip sắp xếp, bố cục, tạo nên một đêm diễn có cảm xúc, có câu chuyện. Khi chị Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, tôi nhận lời vì thấy nó hấp dẫn. Còn khi truyền tải tới khán giả, nó còn hấp dẫn không thì phụ thuộc vào sự sáng tạo của cả  ê kip”. Đạo diễn, NSƯT Trần Lực bộc bạch: “Tôi cùng sân khấu Lực team hạnh phúc khi tham gia dự án lần này, tôi và gia đình Lưu Quang Vũ thân thiết như người nhà, bất cứ chương trình nào chỉ cần gia đình nói tôi sẵn sàng tham gia. Một kịch bản của Nguyễn Hoàng Điệp có tên “Ai đã lấp cái đầm lầy mãi mãi”. Tôi không muốn nói quá sâu vào nội dung, mọi người nên đi xem, nên mua vé để xem. Vở kịch này đúng theo ý tưởng của chương trình là liên kết giữa Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Từ bé tôi đã xem kịch anh Vũ rất nhiều, tôi cảm nhận rằng mỗi vở kịch của anh Vũ đều có hơi thở của chị Quỳnh. Hiện tại chúng tôi đã đọc, phân tích kịch bản và nhân vật, sau đó sẽ lên sàn tập. Đây sẽ là một đêm thơ – nhạc – kịch. Một chương trình tràn ngập tinh thần thơ nên kịch cũng sẽ mang đậm chất thơ”.

Nhân dịp này, gia đình của thi sĩ Xuân Quỳnh cũng phối hợp với Công ty Sách Nhã Nam và NXB Kim Đồng giới thiệu đến khán giả 3 cuốn sách: Xuân Quỳnh – nhật ký chiến trường và những bức thư chưa từng công bố, Hoa cúc xanh thương nhớ và tập thơ tuyển Không bao giờ là cuối (tái bản).

ĐÀO ANH; ảnh: HÀ THANH (Baovanhoa.vn)

Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc ‘Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường’

VHO- Chương trình nghệ thuật ‘Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường’ trong không gian giàu màu sắc bản địa, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, kết hợp trình diễn nghệ thuật hiện đại và ấn tượng, góp phần gắn kết bản sắc văn hóa với phát triển du lịch. 

Được tài trợ bởi Tập đoàn Sun Group, chương trình nghệ thuật ‘Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường’ là sự kiện đặc biệt đón mừng những thành tựu của tỉnh Hòa Bình, đồng thời đánh dấu sự khởi động trở lại mạnh mẽ trong các mặt từ kinh tế đến xã hội của miền đất giàu tiềm năng sau những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra.

Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc trong đêm nghệ thuật “Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường”

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra hai phần chính bao gồm Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Di sản văn hóa Tri thức dân gian lịch tre (Lịch Đoi/Roi) và Di sản văn hóa Lễ hội truyền thống Khai Hạ của dân tộc Mường; và chương trình nghệ thuật ‘Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường’ được dàn dựng bởi tổng đạo diễn Dương Thảo, nhà sản xuất kiêm giám đốc nội dung MC Vũ Anh Tuấn cùng ekip tài năng gồm nhạc sỹ Hồ Trọng Tuấn, biên đạo múa NSND Nguyễn Hồng Phong.

Hoành tráng, công phu và giàu cảm xúc là những ấn tượng của đêm sự kiện. Đây là lần đầu tiên Hòa Bình mang đến cho 4 vạn du khách và khán giả một chương trình văn hóa với những lớp lang nghệ thuật đặc sắc đến vậy, đặc biệt kể từ khi cuộc sống “bình thường mới” chính thức trở lại.

Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc trong đêm nghệ thuật “Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường”

Trên sân khấu được lấy ý tưởng từ những nét văn hóa đặc trưng xứ Mường, hành trình nghệ thuật với ba chương: ‘Miền đất cổ’, ‘Bản hòa ca Xứ Mường’, “Vang xa thanh âm Xứ Mường” đã đưa khán giả đến với những cung bậc cảm xúc đa sắc màu. Bình yên với vẻ đẹp thiên nhiên trác tuyệt nơi mảnh đất Hòa Bình, rộn rã mê say với lễ hội Khai Hạ của người Mường cùng những tiết mục nghệ thuật dân tộc được tái hiện bởi những nghệ nhân xứ Mường và kết lại hành trình khám phá xứ Mường là sự thăng hoa về một tương lai rộn rã, tưng bừng của Hòa Bình trong màn bắn pháo hoa lung linh sắc màu.

Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc trong đêm nghệ thuật “Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường”

Mở đầu, không khí đêm nghệ thuật đã được hâm nóng ngay từ những giây phút đầu tiên với màn trình diễn ‘Hồn Đá’ của ca sỹ Lê Anh Dũng cùng hàng trăm diễn viên múa và quần chúng mang dấu ấn của nền văn hóa Hòa Bình cổ đại. Tùng Dương nối tiếp chương 1 ‘Miền đất cổ’ với ca khúc ‘Đẻ đất đẻ nước’ được trình diễn cùng ngôn ngữ múa đương đại đặc sắc. Nhóm Oplus kết thúc chương nhạc đầu tiên của chương trình bằng cuộc diễu hành của các biểu tượng giai đoạn lịch sử Văn Lang –  u Lạc trong tiết mục ‘Hiển vinh Lạc Hồng’.

Chương nghệ thuật thứ hai đưa khán giả du ngoạn trong ‘Bản hòa ca Xứ Mường’ với họa mi của núi rừng Tây Bắc – Sèn Hoàng Mỹ Lam, trong bản mashup ‘Hòa Bình gửi lời thương nhớ – Mời anh về Tây Bắc’ cùng nhóm các diễn viên múa thể hiện vũ điệu các dân tộc anh em Hòa Bình. Một trong những tiết mục hoành tráng nhất của chương 2 là sự xuất hiện của 200 nghệ nhân diễn hoạt cảnh Lễ Khai Hạ bốn Mường tại Hoà Bình.

Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc trong đêm nghệ thuật “Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường”

Chương 3 mở ra với sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ trẻ tài năng đang được yêu thích với nhiều bản nhạc tạo xu hướng. Hà Myo & Rapper Phong Windy đem đến bản remix “Đập nàng khọt” với sự kết hợp trình diễn giao thoa giữa dân gian và hiện đại, thể hiện sức sáng tạo nghệ thuật không ngừng nhằm đem lại hình ảnh mới mẻ và đầy hấp dẫn cho Hòa Bình. Càng về cuối, sân khấu càng được đẩy độ nóng khi có sự xuất hiện của ca sỹ Hoàng Thùy Linh trong trang phục H’mông cách điệu thể hiện bản hit ‘Để mị nói cho mà nghe’. Kết thúc là màn trình diễn “đinh” đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào với sự kết hợp của âm thanh, ánh sáng và công nghệ hiện đại. Để phục vụ cho tiết mục, hơn 200 nghệ nhân chiêng và 50 diễn viên quần chúng đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ địa phương để tích cực tập luyện dưới sự hướng dẫn, dàn dựng của Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh, nhằm mang đến màn trình tấu chiêng Mường với các đạo cụ dân tộc được thiết kế phát sáng vô cùng đặc sắc và ấn tượng.

Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc trong đêm nghệ thuật “Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường”

Trong sự vỡ òa cảm xúc nghệ thuật đó, màn pháo hoa tầm trung cùng âm thanh sôi động từ DJ đã khiến toàn bộ Quảng trường TP.Hòa Bình như bùng nổ. Từ đây, chương mới của du lịch Hòa Bình hứa hẹn mở ra tưng bừng và rộn rã.

Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc trong đêm nghệ thuật “Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường”

Trước đó, lễ hội Carnival đường phố Hoà Bình đã bắt đầu diễn ra từ 19h00 đến 20h30 ngày 30.7 và tiếp tục sôi động với ngày diễu hành thứ hai vào 31.7, từ 17h đến 18h30 trên dọc tuyến đường 1km kéo dài từ Cù Chính Lan, qua Chi Lăng đến Quảng trường TP. Hoà Bình. Không khí Hòa Bình chưa từng náo nhiệt và bừng sức sống đến vậy, khi hàng ngàn khán giả đổ ra các tuyến đường trung tâm thành phố, thích thú chụp ảnh cùng các vũ công và tận hưởng không khí mê say, sôi động của những vũ điệu carnival rực rỡ sắc màu.

Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc trong đêm nghệ thuật “Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường”

Bà Bùi Thị Thanh, một người dân Hòa Bình cho biết: ‘Thực sự đã lâu lắm, người dân chúng tôi mới được chứng kiến những sự kiện lớn và hay như thế. Mong là Hòa Bình sẽ còn tổ chức nhiều hơn nữa những chương trình như thế này, để người dân có thêm trải nghiệm và du khách cũng vì thế mà sẽ đến với Hòa Bình nhiều hơn, bà con có thêm nguồn thu nhập’.

Chuỗi sự kiện nghệ thuật và lễ hội tại Hòa Bình được tổ chức và đồng hành bởi tập đoàn Sun Group. Trong tương lai, Sun Group sẽ tiếp tục mang sức sống và sự sôi động của các sự kiện văn hóa nghệ thuật đến Hòa Bình, một điểm đến giàu tiềm năng đang chờ đợi được đánh thức.

Độc đáo triển lãm “Ghim” của họa sĩ Nguyễn Sơn

VHO- Chiều 1.8.2022, Triển lãm cá nhân với tên gọi “Ghim” của họa sĩ Nguyễn Sơn (Nguyễn Ngọc Sơn) chính thức mở cửa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Với 28 tác phẩm bằng chất liệu chủ đạo là ghim và màu acrylic, mỗi tác phẩm trong Ghim đều chứa đựng những tìm tòi, sáng tạo độc đáo, mới lạ, chuyển tải đến cho người xem một câu chuyện khác nhau được tác giả đúc kết từ cuộc sống hiện thực, từ những “va chạm” của tư duy sáng tạo nghệ thuật với những sự việc, hiện tượng diễn ra trong thế giới muôn màu.

Họa sĩ Nguyễn Sơn chia sẻ: “Với tôi chất liệu là một yếu tố quan trọng. Vì vậy, tôi luôn tìm tòi, khám phá và thấu hiểu bản chất để tương tác với nó hiệu quả nhất. Đôi khi việc phối hợp các chất liệu với nhau tạo ra những cảm giác thú vị. Ví dụ khi lấy “Ghim” làm chất liệu chủ đạo, tôi dùng acrylic tạo màu sắc. Tùy vào mỗi chất liệu tôi có thể xây dựng ý tưởng từ đầu hoặc vừa làm vừa xây dựng từ các kỹ năng vận dụng thủ pháp trong hội họa. Thông qua bố cục, hòa sắc và làm chất cho bề mặt để tạo nên xúc cảm và ngôn ngữ hội họa của riêng mình”.

Họa sĩ Nguyễn Sơn cũng cho biết, anh hoàn thiện tư duy sáng tạo nghệ thuật của mình trong quá trình sáng tác các tác phẩm mỹ thuật. Giá trị thẩm mỹ và sự mới lạ độc đáo là hai nhân tố cơ bản mà anh muốn tạo ra từ những chất liệu quen thuộc trong cuộc sống thường nhật. Ngoài các chất liệu quen thuộc như sơn dầu, màu nước, phấn màu và acrylic, Nguyễn Sơn còn dùng đến các chất liệu tạo nên kết cấu bề mặt khác nhau như: bảng mạch, len, bìa, ghim, nhựa, bột nặn… Hành trình hội họa là một trải nghiệm khám phá nội tâm, khám phá việc thể hiện cảm xúc của mình qua các chất liệu.

Ý tưởng sáng tác đến với họa sĩ Nguyễn Sơn từ mọi khía cạnh của cuộc sống, từ những tin tức thời sự hay tiếp xúc với những văn hóa, công nghệ. Mỗi tương tác trong xã hội đều đem lại cho anh những ý tưởng sáng tạo. Cho dù đó là cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, sự tác động môi trường do biến đổi khí hậu và ô nhiễm, do thiên tai, dịch bệnh hay những câu chuyện về văn hóa, lịch sử, triết học, về quan niệm sống của mỗi người trong các cuộc tranh luận của anh với bạn bè. “Thậm chí ý tưởng có thể nảy sinh từ việc quan sát và chăm sóc con cái của tôi. Chúng giúp tôi thay đổi cách làm việc, tôi có thể bắt đầu sáng tác từ vô thức, không áp đặt cho mình bất cứ chủ đề nào ngay lúc bắt tay vào sáng tác một tác phẩm cụ thể…”, theo họa sĩ Nguyễn Sơn.

Với sự phóng khoáng, không áp đặt chủ đề, từ ý tưởng cho đến chất liệu, từ khuynh hướng vừa như trừu tượng vừa như hiện thực, gần gũi với cuộc sống, Ghim mong muốn mang đến cho người xem những cảm nhận khác nhau và nhận về những tác động khác nhau ở “định vị” của mỗi người trong thế giới nhân sinh.

Họa sĩ Nguyễn Sơn từng tham gia các cuộc thi mỹ thuật trong nước và quốc tế. Anh có nhiều tác phẩm được chọn trưng bày tại các triển lãm tranh hoặc trên website của chương trình giải thưởng nghệ thuật trong nước và quốc tế.

TS. Bùi Quang Thắng nói về họa sĩ Nguyễn Sơn: “Nguyễn Sơn là họa sĩ mà tôi nể trọng bởi tài năng và khát vọng khám phá trong thực hành nghệ thuật. Hội họa của anh có biên độ khá rộng và sự phong phú về chất liệu: từ tả thực với sơn dầu, qua biểu hiện, trừu tượng với acrrylic, với bìa, với các mảng bo mạch từ các linh kiện phế thải và lần này là thử nghiệm một chất liệu mới trong hội họa, đó là một vật dụng rất quen thuộc với những họa sỹ: Ghim!”

Những bức tranh bằng ghim họa sĩ phải tốn vài tuần (với tranh nhỏ) hoặc vài tháng (với tranh to) mới có thể hoàn thành và chúng được làm tỉ mi, kiên nhẫn, tốn thời gian và rất dày công, rất công phu. Theo TS.Bùi Quang Thắng, sự khác biệt của tranh Ghim của Nguyễn Sơn với sản phẩm mỹ nghệ khiến chúng trở thành những tác phẩm hội họa có dấu ấn độc đáo.

Triển lãm mở cửa từ ngày 1.8 đến hết ngày 5.8.2022 tại Không gian triển lãm chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

HÀ PHƯƠNG (Báo Điện tử Văn Hóa)

Trình diễn những bộ sưu tập độc đáo của các nhà thiết kế sinh viên

VHO – Tối 30.7, chương trình Fashion Creation 2022 của sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Trường ĐH Hoa Sen (HSU) đã mang đến những màn trình diễn mãn nhãn đến từ 21 nhà thiết kế trẻ với hơn 60 bộ trang phục.

Fashion Creation là một trong những sự kiện lớn nhất năm của sinh viên Hoa Sen, được đầu tư hoành tráng, dành riêng cho sinh viên ngành Thiết kế thời trang, thuộc khoa Thiết kế – Nghệ thuật. Qua từng mùa Fashion Creation, các bạn sinh viên đều để lại những bộ sưu tập (BST) đầy sáng tạo, được đánh giá cao bởi giới chuyên môn. Đây còn được xem là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của các nhà thiết kế trẻ, bước đầu tạo dựng thương hiệu bản thân và khẳng định thực lực trong ngành công nghiệp thời trang tại Việt Nam.

Ban giám khảo là những chuyên gia đầu ngành thời trang như: Ông Lâm Gia Khang – Nhà sáng lập, Nhà thiết kế Gia Studio; bà Nguyễn Quỳnh Như (Quynh Paris) – Người sáng lập, Nhà thiết kế thương hiệu QUYNH PARIS; bà Nguyễn Thị Kim Trúc – Trưởng bộ phận Thiết kế thương hiệu THE31; bà Trần Nguyễn Thiên Hương – Tổng biên tập Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam; ông Cheng Chou Phukan – Giám đốc Design & Visual Merchandising Công ty Sơn Kim Mode; bà Nguyễn Thị Thùy Trang – Biên tập viên Thời trang – Tạp chí Elle; bà Võ Ngọc Thùy Anh (Anna Võ) – Giám đốc sáng tạo PNJ/Nhà sáng lập – Thiết kế thương hiệu ANNA VO;…

Hội đồng chuyên môn chấm thi các mẫu thiết kế

Tại Fashion Creation, các sinh viên đã trình bày báo cáo tốt nghiệp trước hội đồng chuyên môn. Bên cạnh các mẫu trang phục, các bạn phải chuẩn bị hồ sơ đồ án tốt nghiệp bao gồm 3 loại. Hồ sơ thiết kế với thể hiện rõ ràng ý tưởng; bản cảm hứng sáng tạo với các định hướng rõ ràng về xu hướng, câu chuyện cũng như khối hình, màu sắc của BST; các mẫu vải, kỹ thuật sáng tạo bề mặt chất liệu; mẫu phác thảo. Hồ sơ kỹ thuật gồm bản vẽ kỹ thuật của từng mẫu trang phục trong toàn BST; bản phát triển mẫu, bản mô tả kỹ thuật của từng mẫu trang phục, mẫu nháp thực hiện trên vải thật. Hồ sơ xây dựng thương hiệu gồm kế hoạch và chiến lược phát triển thương hiệu cá nhân dựa trên BST mà các bạn đang thiết kế. Bên cạnh đó, các sinh viên cũng giới thiệu các hình ảnh shooting hoặc video shooting của các thiết kế được sử dụng trong kế hoạch marketing – truyền thông đến với công chúng.

Thiết kế lấy cảm hứng từ chất liệu dân tộc của các bạn trẻ đã tạo nhiều thiện cảm nơi người xem

Tại buổi báo cáo Đề án tốt nghiệp, các sinh viên Thiết kế Thời trang có cơ hội thể hiện kiến thức kỹ năng toàn diện của một nhà thiết kế thời trang. Các bạn không chỉ thiết kế ra trang phục mà còn xây dựng được Bộ sưu tập hoàn chỉnh chuyên nghiệp từ khâu lên ý tưởng, đến quy trình sản xuất bài bản và cuối cùng là xây dựng được chiến lược truyền thông- marketing cho thương hiệu thời trang của mình.

Sau phần báo cáo và nhận xét từ các chuyên gia, các bộ sưu tập được trình diễn như một show thời trang chuyên nghiệp tại Khách sạn Majestic – một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng bậc nhất tại TP.HCM, nhằm lan tỏa thêm giá trị của các mẫu thiết kế. Năm nay, có 21 BST với hơn 60 bộ trang phục đến từ 21 nhà thiết kế trẻ được trình diễn. Với những ý tưởng độc đáo từ nhiều chủ đề khác nhau như: Hiện thực cuộc sống bình dị, các nhân vật, bộ phim kinh điển, thiên nhiên, đại dương, khoa học viễn tưởng… những thiết kế đã gây ấn tượng cho giới chuyên môn và khán giả tại đêm diễn. Đặc biệt, vẻ đẹp của người phụ nữ qua các thời kỳ, nữ quyền vẫn là đề tài quen thuộc được thể hiện qua các BST của các nhà thiết kế trẻ. Song, với góc nhìn mới mẻ, sáng tạo, những thiết kế này vẫn mang đến màu sắc tươi mới, đan xen giữa nét hiện đại và nét truyền thống của người phụ nữ Việt. Đặc biệt, 6 bộ trang phục của các bạn sinh viên HSU tham dự Cuộc thi “Tuyển chọn Thiết kế Trang phục dân tộc” Miss Universe 2022 cũng được trình diễn tại đêm Fashion show.

Một trong các thiết kế của sinh viên HSU tham dự Cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc” Miss Universe 2022

Tại đêm diễn, ban giám khảo cũng đã chọn ra những BST xuất sắc nhất để trao giải: Giải Nhất thuộc về bạn Vũ Nhật Đăng Khoa với BST FUNDAMENTAL; giải Nhì trao cho Nguyễn Thị Minh Thư với BST Dear Hụm; BST SAIGON 2049 của Đặng Lê Duy và BST Lost in the Wild của Vũ Đỗ Quỳnh Hương đồng giải Ba. Chia sẻ về BST của mình, Nguyễn Thị Minh Thư cho biết, BST của cô lấy cảm hứng từ những câu chuyện kể của bà. “Dear Hụm khai thác hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, những cô gái giao liên, những người mẹ, người bà vô cùng mạnh mẽ và bản lĩnh”, Minh Thư bày tỏ.

Thiết kế của Nguyễn Thị Minh Thư lấy cảm hứng từ những câu chuyện kể của bà

Fashion Creation với hành trình xây dựng thương hiệu hơn 10 năm tại Việt Nam đã luôn giới thiệu đến công chúng những nhà thiết kế thời trang tương lai đến từ HSU. Với tư duy sáng tạo hoà cùng bản sắc cá nhân một cách độc đáo, show diễn là nơi mang thiết kế của sinh viên đến gần hơn với công chúng, nơi mở ra nhiều cơ hội, những bước ngoặt trong hành trình nghề nghiệp của các nhà thiết kế thời trang trẻ.

THÙY TRANG (Báo Điện tử Văn Hóa)

Thuận “củi lũ” làm triển lãm Con giống

VHO- Triển lãm điêu khắc Con giống diễn ra tại TP Hội An (Quảng Nam) vào trung tuần tháng 7 vừa qua không chỉ đơn thuần là một sân chơi nghệ thuật của những nghệ sĩ đương đại, mà còn là lời tri ân mà Thuận “củi lũ” dành cho vùng đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, với tâm nguyện góp thêm một sản phẩm cho du lịch Hội An, truyền cảm hứng sáng tạo để phục dựng lại làng nghề.

Con giống là thương hiệu của một chuỗi triển lãm nổi tiếng, trưng bày, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật được khai sinh từ ý tưởng phác họa nét đẹp các loài vật thân thuộc với nhà nông của bốn nghệ sĩ: Lê Thiết Cương, Lê Ngọc Thuận, Lê Minh Trí và Vũ Hữu Nhung.

Việc đưa triển lãm này về Hội An là một câu chuyện thú vị về hành trình hội họa, điêu khắc mỹ thuật và ra mắt công chúng của một người con Hội An: Nghệ sĩ, đầu bếp, doanh nhân, kiến trúc sư không chuyên Lê Ngọc Thuận. Anh từng là đầu bếp, một doanh nhân khá thành công và còn là một kiến trúc sư không chuyên. Năm 2012, khi bắt tay vào làm homestay ở làng chài An Bàng (Hội An), Thuận có ý tưởng làm đồ nghệ thuật từ rác tái chế, bắt đầu từ việc tái sử dụng những ngôi nhà ba gian cũ mang hồn quê của làng chài và vật liệu địa phương.

Năm 2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh du lịch – dịch vụ gần như đứng im. Khoảng thời gian đó, Thuận không để mình bị chững lại mà dành thời gian ấy để tìm hiểu về làng nghề mộc Kim Bồng nổi tiếng. “Thật tình cờ, tôi có dịp chứng kiến những bè, thân gỗ trôi từ thượng nguồn về vùng cửa sông Thu Bồn sau những đợt mưa lũ, tôi đã vớt những khúc gỗ ấy đem về đẽo gọt, trau chuốt thành các hình hài con vật khác nhau, lấy ý tưởng từ những tác phẩm điêu khắc của đồng bào Cơ Tu ở vùng núi Tây Giang, Quảng Nam. Những tác phẩm này bất ngờ được khách du lịch đón nhận, mua với giá cao”, anh Thuận kể. Cái tên “Thuận củi lũ” cũng ra đời từ đó!

Câu chuyện của Thuận được nghệ sĩ Lê Thiết Cương biết tới và ông đã hỗ trợ để Thuận đến với triển lãm Con giống tổ chức đầu tiên tại Hà Nội. Tại đây, những tác phẩm của Lê Ngọc Thuận đã thu hút công chúng, được khách sưu tầm đặt mua với số lượng lớn. Với sự hỗ trợ của nghệ sĩ Lê Thiết Cương và các nghệ sĩ khác, Thuận đã đưa triển lãm về Hội An với tâm nguyện góp thêm một sản phẩm để tri ân vùng đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình. Sau triển lãm ở Hội An, Thuận tiếp tục tổ chức trưng bày, triển lãm tại TP Đà Nẵng. Ở mỗi triển lãm, công chúng đều thích thú khi chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc tinh tế và càng bất ngờ hơn khi nghe câu chuyện “tái sinh” của những chất liệu gỗ, củi làm nên các tác phẩm ấy.

Lê Ngọc Thuận cho biết, dự án bước đầu đã cho ra nhiều sản phẩm như mong muốn, đồng thời truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, tái sử dụng gỗ lũ, gỗ trồng để bà con Quảng Nam thay đổi dần suy nghĩ, tạo ra công ăn việc làm, lưu giữ được văn hoá làng nghề, giáo dục cộng đồng về sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, khoa học. Song song đó, mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho các bạn trẻ ở miền núi, sau đó đưa các bạn trở lại quê hương để tận dụng nguồn nguyên liệu và gia công cho dự án.

Trong tương lai, Lê Ngọc Thuận dự tính sẽ mở khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tái chế kể câu chuyện về văn hoá Cơ Tu, văn hóa Hội An qua từng thời kì lịch sử; để khách du lịch tham quan và trải nghiệm làng nghề mộc tái sinh cùng với thợ điêu khắc.

 KHÁNH CHI (Báo Điện tử Văn Hóa)

Thị trường phim chiếu rạp: Thấp thỏm trước những “ẩn số”

VHO- Trong bối cảnh thị trường điện ảnh Việt 6 tháng đầu năm khá ảm đạm, doanh số phòng vé mà Em và Trịnh đạt được thực sự là một điểm sáng đầy hy vọng, dù cũng có không ít nhiều sự tranh cãi. Đây là động lực để các nhà làm phim mạnh dạn hơn trong việc mang những “đứa con tinh thần” của mình ra rạp trong thời gian tới.

Thị trường liệu đã ổn?

Hai năm gần đây, điện ảnh Việt chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh, nhưng theo thống kê, đã có đến 5 bộ phim đạt doanh thu trăm tỉ. Nhìn vào danh sách phim có doanh thu khủng thì thấy đề tài phản ánh khá đa dạng, từ tâm lý – tình cảm, hài hước đến võ thuật…, điều đó cho thấy, các đạo diễn đã không ngừng nỗ lực sáng tạo để mang đến cho khán giả những bộ phim hấp dẫn, chất lượng. Tuy nhiên, so với nửa đầu năm 2022 sôi động với hơn 20 phim ra mắt, thị trường điện ảnh Việt nửa cuối năm có phần chững lại. Hiện chỉ có số ít phim lên lịch phát hành, còn lại đều đang tính toán để có điểm rơi hợp lý nhất.

Không tính 3 phim Việt ra mắt trong tháng 7 gồm: Kẻ đào mồ (khởi chiếu từ 1.7), Là mây trên bầu trời của ai đó (22.7) và Dân chơi không sợ con rơi (29.7), thì tính đến thời điểm này, các phim lên lịch ra rạp từ nay đến hết năm số lượng còn rất ít. Hiện chỉ có Vô diện sát nhân (26.8), Mười: Lời nguyền trở lại (30.9), Cô gái từ quá khứ (18.11)… Một số dự án phim trước đó từng công bố sẽ phát hành trong năm 2022 như Thanh sói – Cúc dại trong đêmTử mẫu thiên linh cái: Đảo độc đắc, Quỳnh Hoa nhất dạ… hiện vẫn im hơi lặng tiếng.

Thực tế cho thấy, việc chọn ngày phát hành phim ở thời điểm hiện tại đang là bài toán khó đối với các đơn vị sản xuất phim Việt. Bởi lẽ, suốt hai quý đầu năm, dù phim ra rạp rất nhiều nhưng chỉ có duy nhất Em và Trịnh đạt được doanh thu trên 100 tỉ. Một số tác phẩm được đánh giá tạm ổn nhưng doanh thu chỉ đạt mức lưng chừng và nhiều phim bị đánh giá là kém chất lượng, PR quá lố. Điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt nửa đầu năm 2022 phải kể đến Đêm tối rực rỡ, Maika cô bé đến từ hành tinh khác…, tuy nhiên lại không thể “hút” được khán giả bỏ tiền mua vé. Qua đó, rất nhiều nhà làm phim thừa nhận rằng, thành công của một bộ phim ngoài câu chuyện chất lượng, thì việc chọn đúng thời điểm phát hành có tác động không nhỏ. Chính vì thế, hiện nhà rạp lẫn nhà sản xuất đều đang trong tâm lý hồi hộp, thấp thỏm vì sợ những “đứa con tinh thần” của mình có nguy cơ “chết yểu” như những bộ phim đi trước.

Với đề tài gia đình, “Dân chơi không sợ con rơi” đang được công chúng mong chờ

Vẫn là những “ẩn số”…

Doanh thu cao của phim Việt đến từ nhiều yếu tố khác nhau, tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia thì muốn chinh phục khán giả thì trước tiên phim phải đậm chất Việt. Đề tài không cần quá cao siêu hay đao to búa lớn mà hãy gần gũi như tình cảm gia đình, cha con, anh em, bạn bè… Phim phải “đời” nhất có thể, từ tính cách nhân vật, lời thoại không rườm rà mà ngắn gọn, giản dị hợp tình hợp lý. Chính vì thế, những bộ phim chuẩn bị ra rạp vẫn còn là những “ẩn số”, khi mỗi bộ phim mang đến một màu sắc khác nhau, cũng như thể loại, câu chuyện khác nhau.

Sau thành công liên tiếp của những tác phẩm điện ảnh từ đầu năm 2022 đến nay như Chìa khóa trăm tỉ (68 tỉ), Nghề siêu dễ (70 tỉ), cặp đôi “mát tay” Thu Trang – Tiến Luật tiếp tục gia nhập “đường đua” với tác phẩm hài – tình cảm gia đình Dân chơi không sợ con rơi vào cuối tháng 7 này. Sau video first-look, teaser đầu tiên của bộ phim vừa được “trình làng”, gợi mở thêm cho khán giả về hành trình nhận con đầy éo le của anh chàng “sát gái” Quân (Tiến Luật). Không những gây ấn tượng bởi nhiều tình huống hài hước cười ra nước mắt, Dân chơi không sợ con rơi còn khiến người xem bất ngờ khi khắc họa câu chuyện gia đình trên nền bối cảnh miền Tây sông nước độc đáo.

Phòng vé Việt tháng 8 sẽ đầy hứa hẹn khi chào đón một tác phẩm kinh dị táo bạo, khiến những khán giả hâm mộ thể loại này “đứng ngồi không yên”. Phim điện ảnh Vô diện sát nhân do Đinh Công Hiếu đạo diễn, thuộc thể loại kinh dị – giật gân theo hướng “slasher” – phong cách kinh dị mang đậm dấu ấn Hollywood. Ghê rợn với những pha hành động, tấn công táo bạo là đặc trưng của dòng phim này. Đồng thời, tác phẩm của Đinh Công Hiếu cũng kỳ vọng mang đến cho khán giả trải nghiệm về những cơn ác mộng kinh hoàng nhất khi bộ phim chính thức được ra mắt. Phim ấn định ra rạp vào ngày 26.8, trở thành phim Việt duy nhất đã “chốt đơn” khởi chiếu vào dịp này. Còn những dự án cuối năm, hiện vẫn chưa được tung trailer và vẫn còn là những “ẩn số” đầy thấp thỏm.

Bên cạnh đó, những dự án còn đang “án binh bất động” cũng được công chúng rất mong chờ. Như Quỳnh Hoa nhất dạ – dự án dã sử, cổ trang có sự đầu tư lớn của điện ảnh Việt, xoay quanh cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga do Lý Minh Thắng đạo diễn, siêu mẫu Thanh Hằng vừa là nhà sản xuất vừa đóng chính; hay Thanh Sói, ngay từ khi xuất hiện những thông tin và hình ảnh chính thức đã tạo cơn sốt với giới mộ điệu khi quy tụ dàn diễn viên trẻ trung, tươi mới được chính Ngô Thanh Vân tuyển chọn, nhào nặn kỹ lưỡng để tìm ra thế hệ đả nữ kế cận.

 THẢO MY (Báo Điện tử Văn Hóa)

Vùng trời bình yên: Nghệ thuật xiếc kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ

VHO-Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2022), Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã dàn dựng chương trình mang tên Vùng trời bình yên. Đây là một chương trình được đầu tư dàn dựng công phu, hấp dẫn, đạt chất lượng cao. Đặc biệt, với chủ đề hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc sẽ giúp cho thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc tinh thần hi sinh, chấp nhận gian khổ của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và các chiến sĩ binh chủng phòng không, không quân nói riêng trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Vùng trời bình yên là sự tiếp nối của một loạt các chương trình đã được tổ chức vào dịp 27.7 với tên gọi chung Đi cùng năm tháng, đã trở thành thương hiệu thường hằng năm của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Mỗi năm Đi cùng năm tháng lại mang tới một chủ đề khác nhau như: Sống mãi với Điện BiênKý ức Trường SơnBiển đảo là quê hương… Mỗi chương trình để lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa sâu sắc cho đông đảo khán giả. Đi cùng năm tháng cũng là dịp để các nhà hảo tâm, các nhà doanh nghiệp ủng hộ, đóng góp và trực tiếp trao tặng các phần quà tới tận tay các cựu chiến binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các thương bệnh binh, các nạn nhân chất độc màu da cam…Đây cũng là dịp để tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay, các nghệ sĩ xiếc trẻ về truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của cha anh. Cũng giống như ”Uống nước phải biết nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”, đó chính là đạo lý cao đẹp mà biết bao thế hệ đã vun đắp.

Phát huy ý nghĩa cao đẹp đó, Ban lãnh đạo Liên đoàn xiếc Việt Nam đã đưa ra kế hoạch xây dựng kịch bản tổ chức chương trình nghệ thuật tổng hợp Đi cùng năm tháng lần thứ 4 nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương, binh liệt sĩ với tên gọi: Vùng trời bình yên. Chương trình do NSND Tống Toàn Thắng viết kịch bản và dàn dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ thuộc cả 3 đoàn biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật. Chương trình có nội dung và được dàn dựng cụ thể cho từng tiết mục mang màu sắc riêng. Các hoạt cảnh xiếc được lồng ghép có nội dung theo giai điệu bài hát, với những tiết mục xiếc khắc họa người chiến sĩ phòng công, phi công anh hùng bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Trong chương trình có sự phối hợp cùng ca sĩ với các bài hát ca ngợi tình yêu đất nước…

Khán giả vừa được xem những tiết mục xiếc độc đáo như đu dây, cầu bật, dây lụa, đế vòng, nhào sào, nhào lộn… vô cùng hấp dẫn, vừa được gặp lại những tiết mục xiếc thú như xiếc lợn, xiếc dê… được lồng ghép vào các hoạt cảnh và các tiết mục màn múa hát… vô cùng hấp dẫn. Các chương trình trong Đi cùng năm tháng vào dịp Ngày Thương binh, liệt sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn thu hút được sự tham gia hào hứng của nhiều lứa tuổi khán giả từ các cựu chiến binh cho tới các cháu học trò nhỏ. Góp tiếng nói cho một cách làm mới những chương trình nghệ thuật mang đề tài cách mạng. Chương trình xiếc đặc biệt Vùng trời bình yên sẽ diễn ra vào các suất diễn trong các ngày: 23.7 (20h00), 24.7 (09h30), 27.7 (20h00).

ĐÀO ANH; ảnh: HOÀNG ANH (Báo Điện tử Văn Hóa)