VHO- Tối 28.10, Sở VHTTDL Bắc Giang đã tổ chức Liên hoan các CLB Chèo tỉnh Bắc Giang lần thứ II, năm 2023, nhằm bảo tồn, gìn giữ, thúc đẩy nghệ thuật Chèo phát triển trên quê hương Bắc Giang.
Liên hoan có sự tham gia của hơn 500 nghệ nhân, diễn viên và nhạc công của 11 CLB Chèo thuộc 7 huyện, thành phố gồm Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam và TP.Bắc Giang. Đây là các CLB Chèo tại các huyện, thành phố được Nhà hát Chèo Bắc Giang đầu tư, giúp phục hồi và xây dựng từ năm 2005 đến nay, hiện đang duy trì hoạt động thường xuyên hiệu quả.
Đến với Liên hoan, các CLB tham gia chương trình với thời lượng từ 25 đến 50 phút, nội dung gồm 02 phần. Phần thi hát Chèo gồm các làn điệu Chèo cổ, các bài hát chèo sáng tác đặt lời mới trên giai điệu của các điệu Chèo cổ có nội dung đặc sắc ngợi ca quê hương, đất nước, khẳng định niềm tin với Đảng và Bác Hồ kính yêu; khơi dậy tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, tôn vinh những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của Bắc Giang.
Và phần thi biểu diễn các trích đoạn, hoạt cảnh Chèo biểu diễn các trích đoạn trong các vở Chèo cổ, Chèo truyền thống mẫu mực hoặc các hoạt cảnh Chèo có đề tài dân gian hoặc hiện đại được sáng tác mới.
Các đơn vị tham gia liên hoan biểu diễn các tiết mục ở các thể loại hát đơn, hát đôi, hát tốp có múa phụ họa hoặc diễn các hoạt cảnh, trích đoạn. Trang phục biểu diễn phải phù hợp với nội dung, hình thức tiết mục của loại hình nghệ thuật Chèo; kết cấu, bố cục chương trình phải đảm bảo tính liền mạch, liên tục và hợp lý trong từng tiết mục.
Kết thúc, Ban tổ chức sẽ trao giải toàn đoàn, giải hoạt cảnh, trích đoạn cho các đơn vị xuất sắc nhất; giấy chứng nhận và tiền thưởng cho các diễn viên xuất sắc tham gia các trích đoạn, hoạt cảnh; giải phụ khác do Ban giám khảo đề xuất.
Liên hoan diễn ra đến hết ngày 29.10 tại Nhà hát Chèo Bắc Giang.
VHO – Nhân dịp Halloween 2023, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam công diễn vở xiếc Lời nguyền (tại Rạp xiếc Công viên Gia Định) và vở rối nước Ngọn lửa trừ tà (tại Sân khấu múa Rối nước – Bảo tàng lịch sử TP.HCM).
Lời nguyền (Đạo diễn: Công Nguyễn, Biên đạo: Mạnh Quyền) là vở xiếc đầy ma mị và bí ẩn đúng với tinh thần Halloween. Vở xiếc với nhiều tiết mục đặc sắc, biểu diễn kỹ thuật đỉnh cao. Các nghệ sĩ tài năng sẽ biểu diễn những tiết mục đặc biệt như múa lửa, nhào lộn trên cao, đu dây mạo hiểm… Đặc biệt, các bé sẽ được gặp gỡ những nhân vật rất thú vị như Ma tốc độ, Thiên thần và Ác quỷ, Quái vật xương, Medusa và chú hề IT,… Lời nguyền trình diễn vào các ngày 28.10 (suất 19h30), ngày 29.10 (suất 17h) và ngày 30.10 (suất 19h30), tại Rạp xiếc Công viên Gia Định.
Sân khấu múa Rối nước tại Bảo tàng lịch sử TP.HCM – số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 giới thiệu vở rối nước Ngọn lửa trừ tà hứa hẹn đầy kịch tính. Trong Ngọn lửa trừ tà, các bé sẽ được gặp gỡ những nhân vật thú vị như phù thủy mũi to, phù thủy mũi nhọn, Ác quỷ, Ma nữ, Quái vật xương, Cá sấu, rắn…, gặp chú Tễu, rồng, lân, kết hợp các trò múa rối cổ truyền. Ngọn lửa trừ tà diễn vào các ngày 28-29.10 và 4-5.11, mỗi ngày ba suất vào 9h30-10h30 và 14h30.
Halloween là sự pha trộn giữa những nghi lễ tôn giáo và tập tục cổ xưa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong những ngày diễn ra lễ hội, mọi người đua nhau trang trí những hình nộm: phù thủy, mèo đen, bí ngô lập lòe ma quái; hóa trang, mặt nạ, tạo hình nộm… Tại Việt Nam, lễ hội Halloween là một hoạt động văn hóa mới được du nhập trong thời đại mở cửa. Khác với lễ hội nguyên gốc, Halloween ở Việt Nam chủ yếu là dịp để vui chơi chứ không mang màu sắc tôn giáo và nghi lễ đậm nét.
VHO – Có một thực tế không thể phủ nhận lâu nay là nhiều người ngại xem kịch về đề tài chiến tranh. Thế nhưng, kịch Bến nước thời gian (tác giả Tạ Xuyên chuyển thể từ Mười ba bến nước của nhà văn Sương Nguyệt Minh, đạo diễn: NSƯT Sĩ Tiến) vừa được Nhà hát Tuổi Trẻ ra mắt đã khiến người xem phải suy nghĩ khác.
Câu chuyện về những mất mát hy sinh bởi chiến tranh tàn khốc
Vở kịch Bến nước thời gian là câu chuyện về những mất mát hy sinh bởi chiến tranh tàn khốc với những người phụ nữ ở hậu phương. Bên cạnh nỗi nguy hiểm đang rình rập của bom đạn, bên cạnh sự mòn mỏi của đợi chờ, còn là những đi hoạ khôn lường mà chất độc hoá học gây ra cho thế hệ hậu sinh của cuộc chiến, điều đó đẩy những người làm vợ, làm mẹ đến sự bất hạnh không thể bù đắp.
Chia sẻ với Văn Hoá, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến, đạo diễn vở kịch Bến nước thời gian cho biết: “Bến nước thời gian là vở kịch hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Chúng tôi muốn tri ân không chỉ những người lính ngoài mặt trận mà tri ân cả những thiệt thòi của những người phụ nữ ở hậu phương, đề cao tấm lòng nhân hậu, vị tha của những người phụ nữ. Chúng tôi muốn lớp khán giả trẻ hôm nay hiểu hơn, đồng cảm hơn trước sự hi sinh âm thầm của những người phụ nữ trong chiến tranh”.
Đề tài không mới nhưng vở kịch vẫn rất cuốn hút bởi đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến và ê kíp sáng tạo vở đã mang tới cho vở diễn một hình thức dàn dựng dàn dựng khá ấn tượng, đặc biệt tạo nên những hiệu ứng sân khấu khá đẹp từ trang trí, từ thủ pháp ước lệ. Với một thiết kế lạ, trang trí sân khấu đã tái hiện dòng nước, dòng thời gian, dòng đời có tính ước lệ hấp dẫn thị giác khiến khán giả như cùng bồng bềnh trên sông nước. Đạo diễn và hoạ sĩ thiết kế đã mạnh dạn đưa cả một bể nước 500 lít lên sân khấu để tạo sóng, dòng chảy để diễn tả cảnh bến nước. Hình ảnh Sao (diễn viên Lương Thu Trang), cô gái có chồng ra trận, ngồi đơn độc bên bến sông khuya giặt quần áo, giặt đi giặt lại chiếc áo của người chồng để lại… Sân khấu quay vòng mở rộng ra nhiều không gian khi là bến nước, dòng sống, khi lại trở thành những chiếc cầu… Vở diễn được trang trí và thể hiện rất hiện đại, sinh động.
Cùng với hình thức sân khấu ấn tượng thì phải kể tới sự nỗ lực của dàn diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ, họ đã diễn tả thành công tâm lý và mâu thuẫn của từng nhân vật. Nghệ sĩ Lương Thu Trang, Thanh Sơn và Anh Tú được gửi gắm đảm nhiệm những nhân vật chính của vở kịch có nhiều khúc ngoặt gồm Sao, Tào (người yêu cũ của Sao) và người chồng của Sao bị nhiễm chất động da cam. Với Sao là bi kịch của sự chờ đợi người chồng đi bộ đội trở về rồi bị vứt bỏ vì hai lần sinh nở đều thất bại khi đứa con không có hình hài. Với Tào là đau khổ của việc vừa ra trận đã bị thương và bị vu oan đã cố tình bắn súng vào chân để được trở về, tới khi về nhà lại đúng ngày người yêu đi lấy chồng. Với Lãng là cảm giác có lỗi với những người vợ bởi trách nhiệm phải có nỗi dõi tông đường. Họ cũng bị giằng xé trong quan hệ với dòng họ khi không tròn bổn phận.
Bên cạnh đó, những nghệ sĩ như: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Hoa Thúy, Bá Anh, Anh Thơ, Thanh Bình, Thanh Dương, Chí Huy, Thanh Tú, Thùy Dung, Du Ka… đã cùng làm nên một bản hòa tấu giữa nước mắt và nụ cười với nhiều cung bậc xúc cảm khác nhau đã tạo nên một không gian xưa cũ với những vòng xoay trở thành những vòng xoáy số phận mà chúng ta luôn tìm cách để vượt qua.
Sân khấu quay ngược, quay xuôi tạo nên nhiều không gian
Hoà trong hàng trăm khán giả đến xem buổi đầu tiên ra mắt vở kịch Bến nước thời gian có không ít những bạn sinh viên, thanh niên. Bạn trẻ Mỹ Linh chia sẻ: “Vở kịch thấm đượm chất nhân văn sâu sắc. Chiến tranh đã cướp đi của nhiều người phụ nữ quyền hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ khi người chồng của họ trở về từ chiến trường mang trong mình căn bệnh quái ác do chất độc da cam gây ra. Đất nước được hòa bình, độc lập và phát triển như ngày hôm nay, biết bao người đã phải hy sinh. Cần phải trân trọng hơn cho sự yên bình của cuộc sống hôm nay”.
Không có tuyến nhân vật xấu chỉ có những nhân vật là người tốt… và nhiều khán giả nước mắt cứ tuôn trào theo những tình huống và cảm xúc của các nhân vật trong kịch. Kịch đề cập đến nỗi đau sau chiến tranh hiện hữu sau mỗi số phận con người. Thông qua hình tượng nhân vật, vở diễn muốn chuyển tải một thông điệp nghệ thuật rất nhân văn: Dù có trải qua muôn vàn trắc trở, cay đắng, chông gai, nhưng tình người sẽ còn mãi, tình yêu sẽ xoa dịu mọi vết thương, mọi nỗi đau…
VHO- Tối 16.10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đêm công diễn vở ballet kinh điển Người thợ cạo thành Seville nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Italia (1973 – 2023) đã diễn ra trong không khí thân tình hữu nghị. Chương trình do Bộ VHTTDL phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và phát biểu tại chương trình. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Đại sứ Italia tại Việt Nam Marco Della Seta và các Đại sứ, đại diện các phái đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng đông đảo khán giả.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng các đại biểu dự chương trình
Phát biểu tại chương trình, Đại sứ Italia tại Việt Nam Marco Della Seta cho biết với sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Bộ VHTTDL, việc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Italia đang được nước này nỗ lực tổ chức thông qua các sự kiện ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân. Việc công diễn vở ballet Người thợ cạo thành Seville tại sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm đó.
“Trong đêm diễn, điểm đặc biệt là một số sinh viên đến từ Học viện Múa Việt Nam sẽ cùng vũ đoàn nổi tiếng Artemis Danza trình diễn vở ballet Người thợ cạo thành Seville. Đây là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hợp tác về văn hóa, nghệ thuật khăng khít giữa hai quốc gia”, Đại sứ nêu rõ.
Đại sứ Italia tại Việt Nam Marco Della Seta phát biểu tại chương trình
Đại sứ nhấn mạnh, Italia là một trong những nước có thế mạnh về nghệ thuật cổ điển. Kết hợp với yếu tố đương đại, qua vở diễn lần này, Đại sứ mong muốn khán giả, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sẽ hiểu, yêu hơn về văn hóa Italia.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh văn hóa đã, đang và luôn hiện diện đậm nét, giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Italia.
Theo Thứ trưởng, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam – Italia khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Trải qua nửa thế kỷ, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Italia đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định quan hệ hợp tác văn hóa, nghệ thuật Việt Nam – Italia đang diễn ra rất tốt đẹp
“Trên tinh thần Hiệp định hợp tác văn hoá hai bên đã ký kết năm 1990, hai Chính phủ đã tiếp tục ký kết các chương trình hợp tác văn hóa theo từng giai đoạn khác nhau, mà mới đây nhất là Chương trình hợp tác văn hóa giữa Việt Nam – Italia giai đoạn 2023 – 2026. Chương trình nhằm tiếp tục tăng cường, tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa giữa hai nước”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Đánh giá cao những nỗ lực của Italia, Thứ trưởng cho rằng thông qua nhiều sự kiện và hoạt động giao lưu văn hóa đa dạng, chất lượng, phía bạn đã giới thiệu đến khán giả Việt Nam những tinh hoa của nghệ thuật cổ điển phương Tây; cũng như những nét độc đáo, mới mẻ của văn hóa, nghệ thuật đương đại thế giới.
Đáng quý hơn, không chỉ ở Hà Nội và TP.HCM, các sự kiện của Italia còn hiện diện tại nhiều địa phương, đem đến cơ hội được thưởng thức văn hóa, nghệ thuật cho nhiều người dân Việt Nam.
Thứ trưởng cũng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Italia đối với các hoạt động quảng bá văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam tại nước bạn. Từ Nhà Triển lãm Việt Nam với kiến trúc tre độc đáo tại EXPO 2015 Milano, múa rối nước Việt Nam tại Lễ hội phương Đông vùng Tuscany, cho đến các dự án trao đổi giữa nghệ sĩ hai nước và mới đây nhất là chương trình hòa nhạc tại Phủ Tổng thống Italia… thời trang, âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa Việt Nam đã và luôn được người dân Italia nhiệt tình đón nhận, hoan nghênh.
Nhắc lại lời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi nói về mối quan hệ Việt Nam – Italia: “Mối quan hệ giữa hai nước là biểu hiện của tình đoàn kết, tình cảm chân thành; là di sản của cả hai dân tộc”, Thứ trưởng tin tưởng trên nền tảng vững chắc đó, quan hệ Việt Nam – Italia nói chung và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nói riêng sẽ không ngừng được mở rộng; ngày càng đi vào chiều sâu, tích cực, hiệu quả; hướng tới những giá trị tốt đẹp chung của người dân hai nước, của cộng đồng quốc tế.
Tại chương trình, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của biên đạo múa người Italia Monica Casadei, vũ đoàn nổi tiếng Artemis Danza đã “chiêu đãi” khán giả vở ballet Người thợ cạo thành Seville. Đây là tác phẩm đứng đầu danh sách các bản ca kịch yêu thích của giới mộ điệu suốt hơn 200 năm kể từ ngày ra mắt. Ở lần trở lại này, vở ballet được thể hiện theo phong cách hậu hiện đại, đầy mới lạ và sáng tạo.
Được công chiếu lần đầu năm 1815, Người thợ cạo thành Seville (hay Il barbiere di Siviglia trong tiếng Italia) được cho là nỗi đau của thiên tài opera Gioachino Rossini vì chỉ nhận phải toàn chế giễu và phản ứng tiêu cực từ khán giả. Nhưng mọi chuyện thay đổi hoàn toàn ngay trong lần công diễn thứ hai.
Vở ballet Người thợ cạo thành Seville trên sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội
Tác phẩm nhanh chóng chuyển mình và trở thành một trong những vở diễn kinh điển hiếm hoi chỉ mang thuần mục đích giải trí. Không bệnh tật hay chết chóc, không đau đớn hay lừa dối, vở diễn mang đến bầu không khí nhẹ nhàng và thư giãn tuyệt đối, để khán giả có thể hoà mình và phiêu cùng vở diễn, vui cười và hát vang.
Chia sẻ thêm về vở diễn, biên đạo Monica Casadei cho hay: “Trên nền nhạc nhanh, dồn dập và vui nhộn, cuộc phiêu lưu của người thợ cắt tóc Figaro tinh nghịch dần được hé lộ. Đó là hành trình Figaro tinh ranh vận dụng toàn bộ trí óc và mưu kế của mình để hỗ trợ Bá tước Almaviva đưa nàng Rosina xinh đẹp thoát khỏi người giám hộ xấu xa, để cô đến với tình yêu đích thực của đời mình”.
Đặc biệt, thay vì mang đến lối diễn ballet truyền thống, biên đạo Monica và vũ đoàn Artemis Danza đã lựa chọn kể lại câu chuyện xưa theo phong cách hoàn toàn khác biệt, một phong cách được biên đạo Monica định nghĩa là “vở ballet hành động” mang hơi thở tương lai.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cùng các đại biểu tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ biểu diễn
Với sự kết hợp toàn diện từ âm thanh, ánh sáng, trang phục đến chuyển động và biểu cảm của các vũ công, vở diễn đã đưa khán giả chìm vào sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, nơi có bầu không khí sôi động nồng nhiệt, có câu chuyện xưa vui nhộn nhưng đầy trớ trêu.
Sự trở lại của vở diễn Người thợ cạo thành Seville đã một lần nữa giới thiệu hình ảnh và văn hoá Italia đến với khán giả Việt Nam; góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ thân thiết giữa hai nước; để cùng nhau hướng đến tương lai hòa bình, ổn định; phát triển mối quan hệ giữa hai nước năng động, hữu nghị.
VHO – Tối 13.10 tại Rạp Xiếc Trung ương, Hà Nội, các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam và ban nhạc Ngũ Cung cùng phối hợp đã biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt “Thiên thần lên núi” do NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đạo diễn. Các nghệ sĩ xiếc và rock đã cháy hết mình tạo dấu ấn đẹp trong lần phối hợp đặc biệt này làm nên thành công cho chương trình “Thiên thần lên núi”, khán giả đã cổ vũ nồng nhiệt, reo hò liên tiếp suốt cả chương trình.
Đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng và ê kíp sáng tạo dàn dựng đã mang tới một chương trình nghệ thuật vô cùng ngoạn mục kết hợp từ những tiết mục đặc sắc nhất hiện có trong dàn tiết mục của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cùng với các nhạc phẩm được coi là “độc chiêu” của Ban nhạc Ngũ Cung để dàn dựng lên các tiết mục: Hành khúc ngày và đêm – Lá đỏ – Nhào lộn trên không, Yêu, Cướp vợ, East, Xiếc, rock, hát văn – Cô Đôi Thượng Ngàn, Nỗi đau, Đu son…
Điều thú vị là có những tiết mục xiếc mang đậm bản sắc văn hoá hay mang xu thế hiện đại thì nhạc rock vẫn tìm được cách để phối ngẫu đầy thú vị làm tăng tính hấp dẫn cho tiết mục. Có thể nói Ngũ Cung là ban nhạc rock đầu tiên của Việt Nam dựa trên văn hoá tín ngưỡng tâm linh đã thể hiện bằng âm nhạc rock. Sự đồng điệu giữa tác phẩm âm nhạc Cô Đôi thượng ngàn và tiết mục Ảo thuật Bà chúa thượng ngàn càng làm tăng sự huyền bí và hấp dẫn đặc biệt. Hai công chúa xiếc đã được trao vương miện vàng tại Liên hoan Xiếc Quốc tế tại Liên Bang Nga năm 2022: Hồng Thuý và Phạm Hướng đã cháy cùng âm nhạc rock qua ca khúc Tuyết trắng với giọng ca của Quán quân Rock Việt 2022 ca sĩ Thỏ Trauma…
Bên cạnh sân khấu tròn, chương trình đã sử dụng 3 sân khấu phụ trên cao để mở rộng không gian biểu diễn, nhất là sự xuất hiện của ba tay trống Trần Đức, Huy Hùng và Dũng Joon cùng với ba nghệ sĩ tung hứng đã diễn vô cùng ngẫu hứng.
Xiếc trăn và Ban nhạc Ngũ cung tạo nên một sự phối hợp đặc biệt
Đặc biệt là tiết mục Ngọn lửa cao nguyên, xiếc trăn do NSND Tống Toàn Thắng biểu diễn đã cuốn hút khán giả, hò reo cổ vũ khi lâu lắm anh mới trở lại sàn diễn với xiếc trăn kết hợp với nhạc rock. Trên nền giai điệu của Ngũ Cung band, màu sắc Tây Nguyên đại ngàn. NSND Tống Toàn Thắng với trang phục Tây Nguyên với nhân vật trưởng làng tiến tới lần lượt đưa con trăn lớn ra biểu diễn. Dùng sức mạnh của mình kết hợp với sức mạnh hoang dã của thú thiên nhiên, thực hiện các màn trình diễn điêu luyện, sở trường, cùng tương tác với khán giả.
Trình diễn và tương tác theo giai điệu và nhịp nhạc phụ họa của Ngũ cung band. Với chất diễn cực sôi động, NSND Tống Toàn Thắng đã thực sự kéo khán giả cùng cháy hết mình trong màn trình diễn ấn tượng.
Nhiều người khi xem tiết mục xiếc trăn của NSND Tống Toàn Thắng đã vô cùng lo lắng. Bởi họ không những nhìn thấy vết máu trên tay của “hoàng tử trăn” mà còn e ngại diễn với âm thanh bốc lửa như vậy “không biết con trăn có hợp tác như mọi khi”. Chia sẻ với Văn Hoá, trước giờ diễn, do sơ suất khi đưa tay vào bắt trăn từ chuồng ra nên anh bị “bạn diễn” cắn. Máu chảy nhiều chưa kịp cầm hẳn nhưng đã tới tiết mục của mình nên nghệ sĩ cứ để vậy ra diễn luôn.
Xiếc và rock đã mang tới sự hào hứng cho nghệ sĩ và khán giả
“Tôi bắt đầu diễn xiếc từ năm 1983, đến giờ đã 40 năm, và diễn xiếc trăn từ năm 1991, tức là đã 32 năm. Khán giả vẫn chưa chán, có nghĩa là sự nỗ lực của tôi còn được ghi nhận. Nhiều người bảo tôi diễn làm gì nữa, họ thương tôi khổ. Có người sẽ muốn từ bỏ, vì mệt, vì nản, vì việc lao động bằng sức lực không còn phù hợp với người đã có tuổi. Nhưng với tôi lại khác, khi ra sân khấu, tôi như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới. Và chỉ trên sân khấu, tôi mới nhận được nguồn năng lượng ấy”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.
Trên thế giới từng diễn ra nhiều chương trình xiếc kết hợp cùng giao hưởng, pop, rock…, nhưng ở Việt Nam điều này còn hạn chế. Vì thế, Thiên thần lên núi là sự mở màn tuyệt vời khi nghệ thuật xiếc và nhạc rock cùng sánh vai, góp phần khẳng định xiếc Việt không hề thua kém về tư duy cũng như cách làm nghề. “Chúng tôi có mong muốn đưa nghệ thuật xiếc với bản sắc riêng của mình hòa nhập với xu thế âm nhạc đương đại, khẳng định sự sáng tạo, dựa trên bản sắc văn hóa của dân tộc kết hợp với âm nhạc rock rất được giới trẻ yêu thích” – NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ.
Các tiết mục được đưa vào đều đạt đẳng cấp kỹ thuật cao
Rạp xiếc Trung ương nóng bởi những tràng pháo tay vang dội cùng những lời thán phục từ nhiều tầng lớp khán giả, trong đó phần đông là lớp khán giả trẻ. Khán giả người Pháp, Antoine Flotte chia sẻ: Tôi chưa bao giờ được xem xiếc và rock của Việt Nam nên rất bất ngờ khi được xem Thiên thần lên núi. Chương trình vô cùng hấp dẫn, tôi và bạn bè đều cảm thấy vô cùng thú vị. Đã lâu rồi tôi không xem xiếc vì nghĩ rằng xiếc chỉ dành cho khán giả nhỏ tuổi nhưng Thiên thần lên núi hấp dẫn mọi đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Các tiết mục được xây dựng từ những sự tích, câu chuyện rất Việt Nam cùng với trang phục và cách dàn dựng mang nhiều yếu tố văn hoá của Việt Nam đã tạo nên bản sắc riêng cho xiếc Việt Nam. Đặc biệt có những thể loại xiếc mà tôi chưa từng được xem như Vòng xoay mạo hiểm, các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện rất giỏi”.
Khán giả tới xem chương trình ở nhiều lứa tuổi và có cả nhiều khán giả nước ngoài mua vé xem
Dung nạp nhiều loại hình vào chương trình Thiên thần lên núi đã tìm được sự đồng cảm của khán giả yêu xiếc và rock Việt. Mong muốn đưa nền nghệ thuật xiếc Việt Nam với bản sắc riêng của mình hoà nhập với xu thế của thế giới, khẳng định sự sáng tạo, dựa trên văn hoá của mình, kết hợp với âm nhạc Rock rất được ưa chuộng với giới trẻ Việt Nam, có thể thấy chương trình nghệ thuật xiếc và rock Thiên thần lên núi đã mở ra cho các nghệ sĩ xiếc, các rocker và khán giả có thêm nhiều trải nghiệm mới và các sản phẩm tiếp theo.
VHO – Thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để giữ gìn, quảng bá nghệ thuật Tuồng và Bài Chòi trên địa bàn thành phố, tìm kiếm yếu tố then chốt còn thiếu hụt để dần lấp đầy khoảng trống, nhằm nuôi dưỡng và phát huy hiệu quả hai loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Báo động thiếu “chất xám” chuyên ngành
Cứ vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần, sân khấu sông Hàn lại tưng bừng bởi chương trình Tuồng xuống phố do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trình diễn. Trung bình mỗi đêm diễn có khoảng 40 nghệ sĩ, diễn viên tham gia với khoảng 10 tiết mục đặc sắc, gồm các trích đoạn tiêu biểu như: Bến nước tình yêu, Những cô gái Việt Nam, Ông già cõng vợ đi xem hội, Ngọn tiểu kỳ…, độc tấu các loại nhạc cụ dân tộc, múa dân gian, múa Chăm.
Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh thành phố cũng tổ chức biểu diễn hô hát Bài Chòi, nhạc cụ truyền thống cho người dân, du khách tại khu vực phía Nam bờ đông Cầu Rồng vào các dịp cuối tuần. Theo quan sát, chương trình có sự tham dự của đông đảo người dân địa phương đủ lứa tuổi, thu hút du khách dừng chân thưởng thức. Dù công diễn ngoài trời và hoàn toàn miễn phí, nhưng không thể phủ nhận sự công phu, tâm huyết và bài bản của các đơn vị nghệ thuật trong mỗi đêm diễn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.
Tuy nhiên về lâu dài, để nghệ thuật Tuồng và Bài Chòi luôn có chỗ đứng trong đời sống văn hóa và chiếm được vị thế nhất định trong dòng chảy xã hội thì đòi hỏi phải có đội ngũ những người hoạt động chuyên nghiệp trên lĩnh vực sân khấu, nghệ thuật. Lâu nay tại Đà Nẵng, một số vị trí quan trọng như người viết/chuyển thể kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ sân khấu, họa sĩ thiết kế… còn khá mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu. Sân khấu ca kịch ở Đà Nẵng vẫn thiếu những tác phẩm lớn mang dấu ấn riêng, chưa được đông đảo công chúng biết đến. Mỗi khi Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng một vở tuồng bề thế hay chương trình nghệ thuật quy mô vẫn phải tìm đến các ê kíp, tác giả ở địa phương khác để đặt hàng, mời hợp tác.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An đã thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay nghệ thuật Tuồng nói riêng và sân khấu nói chung thiếu trầm trọng tác giả trẻ tài năng viết kịch bản cũng như đội ngũ kế cận nghiên cứu lý luận sân khấu. Trong thời đại công nghệ và hiện đại hóa, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng là vô cùng khó khăn, vì vừa phải giữ được tinh hoa của bộ môn sân khấu truyền thống, vừa phải phù hợp với yêu cầu của thời đại”.
Tại buổi làm việc với các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật về gìn giữ, phát triển nghệ thuật Tuồng (diễn ra tại TP Đà Nẵng), đạo diễn Đặng Bá Tài cũng trăn trở: “Sự thiếu hụt đáng tiếc của đội ngũ sáng tạo, nhất là hai chuyên ngành tác giả, đạo diễn là điều đáng báo động trong ngành Tuồng hiện nay”.
Tìm giải pháp lấp đầy khoảng trống
Để giải quyết vấn đề quan trọng là kịch bản sân khấu, năm 2022, Hội Nghệ sĩ sân khấu TP Đà Nẵng đã phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP ấn hành 2 tập sách: Kịch bản dân ca Khu 5; Nhạc dân ca Bài Chòi và Tuồng. Đây là hai công trình được sưu tầm, chọn lọc và biên tập công phu, trong đó, cuốn Nhạc dân ca Bài Chòi và Tuồng giới thiệu chi tiết về các loại nhạc cụ, bản nhạc, là tư liệu quý giúp cho nhạc công biểu diễn tốt hơn; còn cuốn Kịch bản dân ca Khu 5 tuyển chọn những kịch bản hay của các nghệ sĩ nổi tiếng, gần gũi với người dân để phục vụ phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Được biết, hiện hai công trình đã được chuyển đến các cơ sở văn hóa, thể thao quận, huyện và các trường học trên địa bàn. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Nguyễn Thanh Tùng đề xuất: “Đà Nẵng cần tiếp tục sưu tầm các kịch bản hay để in thành sách, đồng thời 2 năm một lần tổ chức hội thi dân ca Bài Chòi và Tuồng ở khu vực miền Trung để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật sân khấu truyền thống của địa phương”.
Hiện Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng có hơn 50 diễn viên, nhạc công; trong đó có hơn 10 người là NSND, NSƯT dày dạn kinh nghiệm, còn lại là các diễn viên, nhạc công trẻ, được đào tạo bài bản. Để tăng cường đội ngũ diễn viên, Nhà hát đã được TP Đà Nẵng quyết định bổ sung kịp thời 12 biên chế, là những diễn viên trẻ tốt nghiệp tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Đầu quân vào Nhà hát, các em đã được đơn vị tạo điều kiện tham gia nhiều chương trình, hội thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp để nâng cao chuyên môn, kỹ năng biểu diễn. Với ưu thế này, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn khẳng định, trong vòng 15 năm tới, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của đơn vị không cần phải thay đổi, tăng cường.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, trong các cách thức phát huy giá trị di sản nghệ thuật dân tộc thì gắn với phát triển du lịch là khả thi và đạt được nhiều kết quả. Do vậy, TP Đà Nẵng nói chung và những người làm văn hóa, du lịch nói riêng cần “vắt óc sáng tạo” để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp mà không đánh mất bản sắc văn hóa; tuyên truyền, phổ biến để nâng cao năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cho người dân. Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng nhất để bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian là đưa Tuồng và Bài Chòi vào trường học, trở thành bộ môn đào tạo trong Trường Cao đẳng nghệ thuật Đà Nẵng, đi đôi với việc truyền nghề trực tiếp từ những nghệ sĩ, nghệ nhân…
Nhà nghiên cứu Võ Hà, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nêu ý kiến: “Cần có chương trình để phát triển Tuồng thực sự trở thành bộ môn văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng, để làm sao nó là một sản phẩm du lịch cần phải xem của du khách khi đến Việt Nam. Đồng thời, nó cũng cần được biểu diễn tại các sự kiện quan trọng của đất nước như đã từng có trong lịch sử. Thứ đến, đề xuất các cơ quan Trung ương nghiên cứu đưa Tuồng vào chương trình truyền hình quốc gia thay thế cho một trong số chương trình năm nào cũng có nhưng đã không còn phù hợp”.
VHO- Ngày 7.10.2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra “Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia” lần thứ I (National Tourism Industry Summit). Chương trình do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phát biểu tại Đại hội
Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, ngành du lịch nước ta đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước.
Du lịch góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Nhiều năm liền số lượng khách trong nước và quốc tế tăng mạnh, có năm du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu người, tương đương nhiều quốc gia có du lịch phát triển ở Đông Nam Á, chiếm 80% lượng khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam.
TS.Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Trưởng ban tổ chức Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia
Ngành Du lịch đã đóng góp ước tính 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong lịch sử hơn 60 năm ngành Du lịch Việt Nam.
Có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước nhưng du lịch chưa được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế. Thiếu chính sách phù hợp để du lịch phát triển, vận hành theo quy luật thị trường; mở rộng huy động và phát huy nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển thành ngành công nghiệp du lịch quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam đang tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chính là du lịch biển; du lịch văn hóa, di sản; du lịch sinh thái và du lịch thành phố. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có các sản phẩm bổ trợ như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch mạo hiểm, du lịch golf…
Năm Du lịch quốc gia- Bình Thuận 2023 với chủ đề “Hội tụ xanh” cũng định hướng xu hướng phát triển du lịch xanh bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Các đại biểu dự sự kiện
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đánh giá: “Du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, đưa ra những giải pháp tháo gỡ hạn chế, yếu kém, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế trọng tâm, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục tạo nên dấu ấn về phát triển kinh tế, bằng cách sáng tạo và phát triển du lịch; có chính sách cởi mở, thông thoáng để thu hút du khách du lịch.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ phát triển công nghiệp du lịch quốc gia giữa Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia và các đơn vị liên quan
TS.Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Trưởng ban tổ chức cho biết: “Diễn đàn bên lề Đại hội sẽ tập trung chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển du lịch, ý tưởng, kế hoạch thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch địa phương thông qua những báo cáo, thảo luận chuyên gia”.
Các diễn đàn chuyên sâu được chia sẻ như: Xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp của tương lai, Marketing và mở rộng thị trường cho Du lịch trong thời đại số; Du lịch- xuất nhập khẩu và kết nối thương mại; Mạng xã hội và truyền thông số phát triển thương hiệu du lịch quốc gia.
Ngoài ra, Đại hội còn triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch; thắng cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, sông dài biển rộng, di sản và di tích; du lịch làm đẹp và chữa bệnh, du lịch nông nghiệp; khởi nghiệp kinh doanh du lịch, chuyển giao khoa học công nghệ ngành du lịch giúp doanh nghiệp du lịch phát triển nhanh, bền vững…
Không gian trưng bày, quảng bá điểm đến bên lề Đại hội
Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia cũng có góc nhìn mới về du lịch không chỉ là ngành dịch vụ, mà là một ngành công nghiệp và là ngành kinh tế tổng hợp có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Qua chương trình, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; đề ra giải pháp hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, thúc đẩy xúc tiến đầu tư và thương mại liên ngành.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho rằng: “Tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam là không giới hạn. Việt Nam có sự thu hút tuyệt vời mang đẳng cấp thế giới. Tôi ấn tượng sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam và những nơi tôi đã ghé thăm. Nếu so sánh, Việt Nam không hề thua kém các nước. Tôi nghĩ du lịch Việt Nam nên có tham vọng hơn trong việc làm thế nào để hướng tới thu hút nhóm du khách cao cấp”.
Ông Andrew Goledzinowski cho biết sẽ lan tỏa để không chỉ thêm nhiều người Australia đến đây, mà còn có thể chia sẻ kinh nghiệm cho những ai muốn đến Việt Nam. Ông mong muốn những chia sẻ của mình tại sự kiện lớn này sẽ tăng thêm mối quan hệ tốt đẹp, tăng cường hợp tác hữu nghị, phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế giữa hai nước nói chung”.
VHO – Tối 3.10, Nhà hát Kịch Việt Nam đã ra mắt vở Quan thanh tra – một vở kịch trào phúng của nhà văn Nikolay Vasilyevich Gogol do NGƯT.TS Lê Mạnh Hùng làm đạo diễn.
Vở hài kịch quy tụ những tên tuổi nghệ sĩ “hạng nhất” của Nhà hát Kịch Việt Nam tham gia biểu diễn: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Hoàng Lâm Tùng, nghệ sĩ Hồ Liên, Hồng Quang… Có thể gọi Quan thanh tra là cuộc chơi sang của những người làm nghệ thuật sân khấu kịch nói khi quy tụ những nghệ sĩ tên tuổi và đề cập một vấn đề mang thời sự, đó là vấn nạn tham nhũng.
Sân khấu được thiết kế ước lệ mang tới sự mới mẻ, hiện đại cho kịch kinh điển
Nikolay Vasilyevich Gogol là nhà văn, nhà viết kịch hiện thực hàng đầu trong lịch sử văn học Nga và là một trong những người đặt nền móng phát triển cho sân khấu kịch ở nước Nga và châu Âu hiện đại đầu thế kỷ XIX.Quan thanh tra được xuất bản lần đầu năm 1836, thể hiện lối viết trào lộng, châm biến sâu cay của Gogol.
Câu chuyện kể về một anh công chức nhỏ lang thang đến một thị trấn miền Nam rồi bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg đi thị sát. Bám sát kịch bản văn học, Quan thanh tra là chuỗi câu chuyện nực cười về sự “bé cái nhầm” anh công chức quèn Khlextakop ở Petersburg thành ra quan thanh tra của đám quan lại ở một tỉnh lẻ. Từ nguyên cớ ấy, bộ mặt thật của những quan tham lần lượt lộ diện… Vốn là những kẻ tham nhũng, đủ mặt các quan chức địa phương lo sợ, tìm cách mua chuộc, hối lộ cho quan thanh tra “dởm”. Nhân dịp đó chúng tố cáo lẫn nhau, nói xấu nhau để tâng công. Tệ hơn nữa, viên thị trưởng còn định lợi dụng cả vợ và con gái hòng leo cao hơn lên bậc thang danh vọng, chiếm một địa vị to hơn, vững hơn để áp bức, bóc lột dân chúng được nhiều hơn.
Điều thú vị là ngoài những đặc điểm chung của đám quan tham như dùng mọi thủ đoạn để tiến thân, nịnh trên dọa dưới, háo danh, bất tài nhưng vẫn tỏ vẻ “bác học”… đã được đại văn hào Gogol khắc họa rất điển hình trong kịch bản thì những nhân vật ấy trong phiên bản sân khấu Việt còn được đạo diễn và dàn nghệ sĩ tài năng thêm thắt những vụ việc rất “thân quen” từ một số câu từ lời thoại và hành động kịch vô cùng hài hước và châm biếm.
Đạo diễn, NGƯT.TS Lê Mạnh Hùng là giảng viên của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Lần này ê kíp diễn viên tham gia vở đều là “trò” của ông, trong đó có cả tới 4 đạo diễn đang sung sức tạo nên thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam đó là: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Hoàng Lâm Tùng. “Tôi phải cảm ơn các học trò của mình, họ là những nghệ sĩ “hạng nhất” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Họ đã rất xuất sắc khi thể hiện những ý tưởng mà đạo diễn đặt ra. Các hình tượng nhân vật được thể hiện vô cùng sắc sảo, rất đời và cũng rất trào phúng”.
Nghệ sĩ Hồ Liên và nghệ sĩ Hà Vy trong vai vợ và con gái Thị trưởng
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc vừa làm công tác chỉ đạo nghệ thuật, vừa trực tiếp vào nhân vật chính Khlextakop, Quan thanh tra rởm đời và bịp bợp. Nhân vật Khlextakop mang nhiều bóng dáng của nhân vật Xuân tóc đỏ trong tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nhân vật này chỉ là một tên thua cờ bạc, nợ đầm đìa, đang vạ vật trong tầng hầm ẩm thấp của một khách sạn, bị bỏ đói vì không có tiền trả cho khách sạn… thì bỗng dưng được quan chức của thành phố đó đến dâng tiền của và những bữa ăn bừa phứa. Từ Thị trưởng đến các quan nắm giữ tòa án, tế bần, giáo dục, bưu vụ… đều tôn hắn là Quan thanh tra. Khlextakop láu cá đã nhanh nắm bắt được vấn đề, lợi dụng tình huống “trong rủi có may” để trục lợi.
Tham nhũng, vơ vét của cải, “ăn trên, ngồi chốc”, bóc lột nhân dân, nhưng khi có khả năng bị lộ tẩy, hệ thống quan chức câu kết ấy sẵn sàng giở chiêu trò và thể hiện đầy đủ nhất bản chất đớn hèn, ti tiện. Cái kết cuối vở kịch khi sự thật được phơi bày và lá thư mà gã công chức “quan thanh tra rởm” gửi cho bạn như cái tát giáng xuống, phơi bày tất cả những thối nát của chế độ Nga hoàng trong tiếng cười chua cay.
Nhân vật Quan thanh tra rởm khiến người ta nhớ tới nhân vật Xuân Tóc đỏ trong Số đỏ
“Câu chuyện trong vở kịch là câu chuyện rất khó diễn ra trong đời thực nhưng cũng rất có khả năng trở thành sự thật trong đời sống. Có một chi tiết rất hay trong vở đó là nhân vật Khlextakop chưa bao giờ nói mình là ai nhưng các quan ở tỉnh nghĩ hắn là người quan trọng nên hắn tỏ ra quan trọng. Trong vở kịch này, khi xem khán giả sẽ thấy bóng dáng của nhiều vị quan chức địa phương trong đó. Đây là một vở thật sự khó đối với các diễn viên, kể cả những diễn viên kỳ cựu. Cách dàn dựng của vở rất mới, góc nhìn đạo diễn cũng rất mới… cho nên diễn viên cũng buộc phải thoát khỏi cách làm việc cũ để tiếp cận với cái mới”, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.
Không chỉ nhân vật Quan thanh tra rởm mà mỗi nhân vật trong vở hài kịch đều mang dấu ấn rất riêng của từng nghệ sĩ tham gia, họ tung tẩy, nhấn nhá và vô cùng hài hước, diễn như chơi và đón nhận hàng tràng pháo tay và tiếng cười không dứt từ khán giả. Bên cạnh các đàn anh, đàn chị là những “vơ – đét” của Nhà hát, xuất hiện nghệ sĩ trẻ Hà Vy vai con gái của viên thị trưởng, mới ra trường vào Nhà hát được 4 tháng nhưng sự tươi mát, trẻ trung và phong cách diễn hài nhí nhảnh đã thực sự chiếm được cảm tình của khán giả.
Quan Thanh tra mang lại tiếng cười sâu cay
Dựng kịch kinh điển nhưng đạo diễn và ê kíp sáng tạo vở đã tìm ra chìa khóa tạo nên sự thành công cho vở hài kịch. Quan thanh tra được trình bày với một hình thức sân khấu ước lệ, giản dị và chủ đạo tập trung vào những điểm nhấn trong trang trí và diễn xuát của diễn viên. Cảnh trí của vở cũng gợi cho khán giả mường tượng tới cảnh bức tranh dân gian đám cưới chuột, và những nhân vật quan tham tự tới đút lót cho quan thanh tra “rởm” càng gợi nhắc tới cảnh trong đám cưới chuột, con mèo ngồi yên không làm gì nhưng đám chuột thì lần lượt dâng lễ vật cho mèo.
Vận dụng sáng tạo hình thức của sân khấu truyền thống là ước lệ để dựng kịch kinh điển đã mang tới làm sang và hiện đại cho hài kịch kinh điển Quan thanh tra. Vở kịch mở ra nhiều góc nhìn đa chiều để mọi người soi thấu. Sẽ có cả những điều rất lạ lẫm nhưng có cả những điều rất quen thuộc. Hình ảnh các nhân vật quan chức ôm cái ghế từ đầu đến cuối vở kịch là một hình ảnh đa nghĩa về câu “giữ ghế” của quan chức mà thời nào cũng có.
Từ tháng 10 này, Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức công diễn vở kịch Quan thanh tra, đây là món quà đặc biệt nhân dịp Ngày phụ nữ Việt Nam 20.10 năm nay và chắc chắn sẽ là một vở diễn ăn khách của Nhà hát Kịch Việt Nam trong năm mới khi mà khán giả vừa muốn xem một vở hài kịch để giải trí, vui cười nhưng cũng đầy triết lý để suy ngẫm.
Nguồn: THÚY HIỀN, ảnh: TÙNG LINH (Báo Điện tử Văn hóa)
VHO – Trải qua nhiều thập niên, thời bao cấp là thời có nhiều dư vị và có nhiều điều cần suy nghĩ. Cuộc sống hiện đại trôi nhanh cuốn con người ta theo những điều vội vã. Vì vậy Nhà hát Tuổi trẻ mong muốn thông qua câu chuyện âm nhạc trong show Chuyện phố thời bao cấp để kể lại những câu chuyện dù đã cũ, nhưng vẫn vô cùng ấm áp, mang theo hoài niệm đến với khán giả.
Chuyện phố thời bao cấp sẽ ra mắt khán giả Thủ đô vào ngày 14.10, tại Rạp Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chương trình do nhạc sĩ Trần Lệ Chiến viết kịch bản, Nghệ sĩ ưu tú Lê Ánh Tuyết đạo diễn, nhạc sĩ Tuấn Nghĩa và Trần Cường phụ trách âm nhạc, nghệ sĩ Vũ Khánh biên đạo múa, Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng thiết kế sân khấu.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 2.10, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Chỉ đạo nghệ thuật musical show Chuyện phố thời bao cấp cho biết, là một đơn vị nghệ thuật liên tục chuyển động, thay đổi nhằm mang đến những chương trình mới cho khán giả trẻ tuổi nói riêng và khán giả Thủ đô nói chung, Nhà hát Tuổi trẻ muốn kể câu chuyện về Hà Nội những năm 1980 của thế kỷ XX bằng âm nhạc.Từ âm nhạc dân tộc, cổ truyền, đến âm nhạc cách mạng, âm nhạc phương Nam, âm nhạc phương Tây và nhiều vùng miền khác cùng hòa trộn… Tất cả sẽ được làm sống dậy trong chương trình Chuyện phố thời bao cấp, nhưng với cách kể đầy mới mẻ, trẻ trung.
Nhà hát Tuổi trẻ muốn kể câu chuyện về Hà Nội những năm 1980 của thế kỷ XX bằng âm nhạc
Đạo diễn chương trình, NSƯT Lê Ánh Tuyết cho biết, Chuyện phố thời bao cấp là một câu chuyện kể về một gia đình tứ đại đồng đường sống ở phố cổ Hà Nội. Những vui buồn, mâu thuẫn và cả những hạnh phúc riêng tư phản ánh một phần đời sống của người Hà Nội những năm 1980. Mỗi con người một cá tính, một công việc và những sở thích khác nhau. Mỗi thế hệ có những góc nhìn riêng về đời sống xã hội và cuộc sống gia đình, chính vì thế những mâu thuẫn xảy ra là điều không tránh khỏi. Song vượt lên trên tất cả những khó khăn vật chất là tình yêu thương, chia sẻ của các thành viên trong gia đình.
Chuyện phố thời bao cấp có sự góp mặt của các giọng ca nổi tiếng như Nghệ sĩ ưu tú Đức Long, Nghệ sĩ ưu tú Ánh Tuyết; ca sĩ Tôn Sơn, Tuấn Nghĩa, Quốc Chí, Nam Anh, Quang Thiện, Quang Trọng, Thanh Nhàn, Hà Uyển Linh, Mai Hằng, Hồng Giang… Khán giả sẽ được thưởng thức nhiều ca khúc quen thuộc thời đó như: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Hoa sữa (Hồng Đăng); Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn); Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp); Thành phố buồn (Lam Phương); Bảy ngày đợi mong, Chuyện hẹn hò (Trần Thiện Thanh); Như khúc tình ca, Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện); Câu chuyện nhỏ của tôi (Thanh Tùng); Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én (Trần Tiến); Em như tia nắng mặt trời (Nguyễn Đức Trung); Hà Nội những công trình (Quốc Trường); River Babylon (Boney M)…
Ca sĩ Tôn Sơn sẽ tham gia chương trình
Không chỉ thưởng thức âm nhạc, đến với Chuyện phố thời bao cấp, khán giả còn được đắm chìm trong không gian của một thời hoài niệm với những quầy hàng mậu dịch bán đủ các mặt hàng bằng tem phiếu như thời bao cấp và khán giả được hòa mình vào một đám cưới của người Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước với nhiều cung bậc cảm xúc…