“Treo cao giá ngọc” cho sân khấu Chèo

VHO-Tin giáo sư, đạo diễn, NSND Trần Bảng ra đi đã để lại bao tiếc thương đối với giới sân khấu nước nhà. Nhắc đến lịch sử phát triển của nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là Chèo truyền thống, không thể không nhắc đến công lao của ông – người có đóng góp rất lớn cho nghệ thuật Chèo Việt Nam, được giới nghề phong danh hiệu “ông trùm Chèo”.

Tiên phong đi tìm “đất sống” cho Chèo

GS.NSND Trần Bảng sinh năm 1926 trong một gia đình khoa bảng, có nhiều người thành danh ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Ông nội của ông là Tuần phủ Trần Mỹ; cha là nhà văn Trần Tiêu; bác ruột là nhà văn Khái Hưng. Ngay từ nhỏ ông đã say mê văn chương, kịch nghệ. Ông đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và biết tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Từ 1951, ông vào Đoàn Văn công Trung ương, cùng tổ kịch với Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài… và bắt đầu đến với nghệ thuật Chèo. Năm 1957, ông và Bùi Đức Hạnh, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Hồ Ngọc Cẩn cùng các nghệ nhân Trùm Thịnh, Cả Tam, Lý Mầm, Năm Ngũ thành lập Ban nghiên cứu Chèo, khai thác, bảo tồn các vở Chèo cổ, lưu giữ các lớp trò của tiền nhân.

Hơn 7 thập kỷ lao động, sáng tạo, cống hiến cho chiếu Chèo, NSND Trần Bảng đã có những thành tựu ở cả 3 vai trò: Soạn giả, đạo diễn và nhà lý luận. Những tác phẩm do ông cải biên, phục dựng hoặc tự tay viết kịch bản, dàn dựng mới đều trở thành những vở diễn mẫu mực cho sân khấu Chèo, như: Quan Âm Thị Kính, Suý Vân, Tình rừng, Cờ giải phóng, Đường đi đôi ngả, Máu chúng ta đã chảy, Cô gái và anh đô vật, Chuyện tình 80 năm… Vị giáo sư của ngành Chèo đã đưa ra những lý luận có tính hệ thống và khoa học về nghệ thuật Chèo, nhờ đó mà Chèo phát triển có đường hướng, xuyên suốt, đặc sắc, thể hiện qua hàng loạt cuốn sách: Khái luận về Chèo, Kỹ thuật biểu diễn Chèo, Chèo – Một hiện tượng Sân khấu dân tộc…

Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương (nay là Nhà hát Chèo Việt Nam), Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu, Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL), Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khoá I (1957). Ông kết hôn với NSƯT Trần Thị Xuân, cũng là một diễn viên Chèo; hai người con của ông là NSƯT Trần Lực và họa sĩ, kiến trúc sư Trần Thị Mây. NSND Trần Bảng được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt II (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt V (2017).

Nhà văn Ngô Thảo không giấu nổi niềm thương tiếc khi nghe tin GS.NSND Trần Bảng đi xa: “Chèo là môn nghệ thuật đậm tính dân gian nhưng nhờ có GS.NSND Trần Bảng với những nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo mang tính khoa học, Chèo đã được “nâng cấp” và trở thành bộ môn nghệ thuật văn hóa truyền thống đầy trí tuệ, sâu sắc. Công lớn nhất của ông là những tìm tòi để Chèo có được đất sống trong đời sống hiện đại”.

Đồng quan điểm với nhà văn Ngô Thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ“NSND Trần Bảng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sân khấu Chèo. Chỉ ông mới có thể “treo cao giá ngọc” cho Chèo khi xuất sắc làm được 3 việc: Bảo tồn, phát huy đặc sản Chèo bằng các công trình nghiên cứu, sưu tầm; quản lý Nhà hát Chèo Việt Nam đạt những thành tựu xuất sắc về nghệ thuật biểu diễn trong nước và ngoài nước, đặc biệt là chinh phục các nước châu Âu bằng vở Quan Âm Thị Kính với tư cách một đạo diễn sáng giá. Ông xứng đáng là một nhà văn hóa của nghệ thuật Chèo Việt Nam”.

Thắp sáng ngọn lửa đam mê

Thầy tôi đã ra đi! là câu cảm thán được nhiều văn nghệ sĩ chia sẻ trên trang cá nhân để bày tỏ niềm tiếc thương vị GS tài năng và đức độ. Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát là một trong những học trò được NSND Trần Bảng yêu thương khi bà còn công tác ở Nhà hát Chèo Việt Nam. Bà chia sẻ: “Con đường làm nghệ thuật của tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ NSND Trần Bảng. Tôi học khoá 2 lớp diễn viên Chèo do thầy dạy. Ông và vợ là NSƯT Trần Thị Xuân đã hướng dẫn chúng tôi từng điệu múa, lời ca trong các vai diễn Chèo kinh điển. Tất cả chúng tôi đều yêu quý ông, không chỉ tài năng mà còn ở nhân cách mẫu mực. Có được người thầy như GS, NSND Trần Bảng, những học trò chúng tôi đã học được cách sống tốt hơn, nhân ái hơn”.

NSND Thanh Ngoan, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cũng là một học trò yêu của GS Trần Bảng. Bà xúc động kể: “Trước hết, ông là người cha, người thầy lớn của lớp diễn viên Chèo được đào tạo trực tiếp tại Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1979. Lớp chúng tôi thời đó có 37 thành viên. Tôi là học trò nhỏ tuổi nhất lớp, 13 tuổi đã xa gia đình nên thầy quan tâm đặc biệt hơn các anh chị khác. Tôi học được ở thầy rất nhiều kiến thức, đặc biệt là sự tâm huyết và yêu Chèo đến mê đắm. Trong mắt chúng tôi, thầy Trần Bảng đúng nghĩa là sinh ra để sống chết với Chèo và dành trọn cuộc đời cho Chèo. Chúng tôi được thầy quan tâm rất mực nên sau này ai cũng vững nghề, làm nghề rất nghiêm túc và ai cũng lấy tình yêu đối với Chèo làm lẽ sống”.

Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, NSƯT Lê Tuấn Cường bày tỏ: “Chúng tôi tự hào khi được là học trò do thầy dìu dắt, dạy dỗ, nâng đỡ. Thầy đã truyền cho chúng tôi tình yêu và ngọn lửa đam mê đối với Chèo. Ngọn lửa này lại được chúng tôi trao truyền cho thế hệ trẻ và đã thấy ngọn lửa ấy đang cháy trong các em. NSND Trần Bảng đã nhiều lần tâm sự với chúng tôi, Nhà hát Chèo Việt Nam là nơi thầy gắn bó, dành nhiều tình cảm nhất trong cuộc đời và sự nghiệp làm nghệ thuật. Cho đến bây giờ Nhà hát vẫn đang diễn các tác phẩm do thầy làm tác giả, đạo diễn, và vẫn được khán giả đón nhận, yêu quý”. Quả thực, thương hiệu Nhà hát Chèo Việt Nam có được như hôm nay phải kể tới công lao đóng góp không nhỏ từ NSND Trần Bảng. Chỉ riêng vở Quan Âm Thị Kính, ông đã dựng đi dựng lại đến 3 lần vào các năm 1956, 1968, 1985; vở Súy Vân cũng mang màu sắc rất riêng của NSND Trần Bảng và thời đó chỉ có Nhà hát Chèo Việt Nam mới dàn dựng được.

“Cánh chim đầu đàn” của nghệ thuật Chèo đã bay xa, nhưng những tác phẩm cũng như nhân cách tỏa sáng, sự đức độ và nhiệt huyết của ông sẽ còn mãi trong lòng đồng nghiệp, những thế hệ học trò và cả khán giả yêu nghệ thuật sân khấu.

Nguồn: THÚY HIỀN (Báo Điện tử Văn hóa)

Khởi động chuỗi hoạt động “Tuần lễ múa Việt Nam 2023”

VHO –  Tuần lễ múa Việt Nam 2023 (Vietnam Dance Week 2023) – sự kiện trọng điểm của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trong năm đã chính thức khởi động Vòng sơ khảo – Thử thách video 24 giây (hình thức trực tuyến) vào ngày 15.7.

NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho biết, với mong muốn để nghệ thuật múa lan tỏa trong cộng đồng theo cách hiện đại, giúp mọi người không chỉ ở vị thế thưởng thức mà trở thành người cùng tham gia, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam quyết định tổ chức Tuần lễ múa Việt Nam thường niên, với nhiều hoạt động trải dài, quy mô toàn quốc. Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 là một hoạt động lớn, có sức lan tỏa không chỉ trong khối nghệ sĩ múa VN mà còn cho cả cộng đồng những người yêu múa, yêu những chuyển động mang tính nghệ thuật.

Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam – người tạo dựng ý tưởng cho sự kiện này cho biết, Tuần lễ múa Việt Nam 2023 có chủ đề Hội tụ và Tỏa sắc tương lai (Meet & Shine – Brightening the future) được trông đợi là cuộc hội tụ của hàng chục nghìn nghệ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên, với hình thức tập thể và cá nhân dành cho mọi đối tượng sinh sống tại Việt Nam, kể cả người nước ngoài ở bốn hạng tuổi: thiếu nhi (6-9 tuổi), thiếu niên (10-18 tuổi), người lớn (trên 18), người cao tuổi (hơn 50). Ngoài ra, Tuần lễ múa sẽ mở rộng dành cho cả đối tượng là các cá nhân/tổ chức quốc tế thông qua giới thiệu, tuyển lựa của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, các Viện Văn hoá các nước có mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Sự kiện bao gồm bốn phần chính: Liên hoan bao gồm các cuộc tranh tài ở chín hạng mục nhảy múa và chuyển động như: Ballet & Neo Classic, Đương đại, Hiphop, Jazz, Pop dance, Dân gian Dân tộc, Quốc tế…; Liên hoan Múa Việt Nam – quốc tế dự kiến với sự tham gia của 13 nước; Cuộc thi tác phẩm múa dân gian dân tộc Việt Nam dành cho các nhà biên đạo múa chuyên nghiệp trên toàn quốc; Ra mắt và phổ biến “Vũ điệu tay trong tay” biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, vũ điệu đại chúng xuất phát từ tình yêu thương, sự sẻ chia, truyền năng lượng tích cực cho và nhận giữa con người với con người.

Sự kiện năm nay diễn ra từ ngày 15.7 đến 29.10, gồm hai nội dung: Cuộc thi Tác phẩm múa dân gian dân tộc toàn quốc  và Liên hoan múa Việt Nam – quốc tế. Các nội dung được tổ chức ba vòng: Vòng sơ khảo – Thử thách video 24 giây (hình thức trực tuyến), từ ngày 15 đến 17.9. Vòng bán kết (hình thức trực tuyến) vào ngày 22.9. Vòng chung kết được tổ chức tại 2 khu vực: Phía Bắc từ ngày 26 đến 29.10; phía Nam từ ngày 19 đến 22.10.

Theo biên đạo múa Tuyết Minh, Tuần lễ múa Việt Nam quy tụ đông đảo nghệ sĩ, người yêu múa chuyên nghiệp và không chuyên, ở nhiều lứa tuổi, nhiều địa phương, trong nước và quốc tế cùng nhau thể hiện tài năng. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ múa, những người sáng tạo, thực hành, sáng tác về múa, các môn nghệ thuật khác liên quan đến múa và chuyển động gặp gỡ nhau, so tài, giao lưu, cùng gắn kết tìm ra những hướng phát triển và các mô hình hoạt động hiệu quả cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật múa. Đồng thời, đây cũng là dịp giới thiệu các tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ, những tìm tòi, sáng tạo, những tài năng mới của năm tổ chức sự kiện; giao lưu giữa các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, đem đến công chúng toàn cảnh nghệ thuật múa Việt Nam.

MINH HÀ

Âm nhạc kết hợp giữa ”cổ” và ”tân”: Độc, lạ tạo nên sức hút

VHO- Thời gian gần đây, trước sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, việc thu hút người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống là một “bài toán” không dễ. Như với cải lương và rap, tưởng chừng khó có thể hòa quyện cùng nhau, thì mới đây NSND Bạch Tuyết và rapper Wowy đã khiến khán giả bất ngờ về sự pha trộn của hai loại hình nghệ thuật đối lập giữa “tân” và “cổ” này.

Đặc biệt hơn, không dừng lại ở việc phục vụ người nghe trong nước, sự kết hợp đó được kỳ vọng có thể mang nhạc Việt đi xa hơn.

“Khoác áo mới” cho âm nhạc truyền thống

Sau thời gian một năm ấp ủ và thực hiện, sản phẩm âm nhạc mang tên Tia sáng cuối cùng (The Last Light) với sự kết hợp của NSND Bạch Tuyết và rapper Wowy đã chính thức trình làng. Điều khiến khán giả bất ngờ chính là sự kết hợp độc đáo khi hòa trộn giữa pop, rap, world music và âm nhạc dân gian đã mang đến nhiều điều mới mẻ, thú vị cho người nghe. Chất nhạc đặc biệt hòa quyện cùng phong cách, hình ảnh bay bổng, đậm chất hư ảo đã tạo nên một tổng thể MV độc, lạ đầy sức hút khiến nhiều khán giả đồng loạt để lại bình luận “nổi da gà”.

Phần cải lương, nghệ sĩ Bạch Tuyết chọn tên gọi nốt nhạc cơ bản và từ ngữ trong Tứ đại oán để viết ra những dòng lyrics (lời bài hát) mang nhiều ý nghĩa. Chia sẻ về lần hợp tác này, NSND Bạch Tuyết cho biết: “Chúng tôi gặp nhau ở một điểm chung là muốn mang âm nhạc Việt Nam vươn xa. Đó là cách mà chúng tôi biết ơn quê hương, đất nước. Chúng tôi tìm thấy nhau ở sự tương đồng về quan điểm sống, về những tư duy, sự tử tế trong đời”. Còn với Wowy, anh bày tỏ: “Hai cô cháu có chung cảm nhận về cuộc sống và rất tâm huyết sẻ chia những trải nghiệm đó đến khán giả một cách nghệ thuật nhất”.

Trước đó, nhiều nghệ sĩ cũng đã thành công khi “khoác áo mới” cho các loại hình âm nhạc truyền thống. Có thể kể đến tiết mục Cô gái bán sầu riêng kết hợp giữa một số câu vọng cổ cùng nhạc trữ tình quê hương và rap qua phần thể hiện của NSƯT Quế Trân và rapper Chị Cả trên sân khấu King of Rap. Trong See tình ra mắt hồi đầu năm, nhóm DTAP cũng đưa âm nhạc ngũ cung, vọng cổ vào một phần trong ca khúc để tạo điểm nhấn. Ca khúc Quan trọng là mình có nhau của VP Bá Vương tại chương trình “Thần tượng đối đầu thần tượng” sử dụng một đoạn cải lương trong vở Thái hậu Dương Vân Nga, biến tấu đôi chút về giai điệu, trước khi bước vào phần rap chính. Hay Về nghe mẹ ru của ca sĩ trẻ Hoàng Dũng và NSND Bạch Tuyết cũng đã nhanh chóng trở thành bản hit trên các nền tảng nhạc số khi kết hợp cải lương với âm nhạc hiện đại. Sau thành công của Về nghe mẹ ru hợp tác với ca sĩ trẻ Hoàng Dũng, NSND Bạch Tuyết tiếp tục bắt tay với nhiều nghệ sĩ trẻ khác, thực hiện các sản phẩm kết hợp giữa cải lương với nghệ thuật hiện đại. Đây là cách để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng, vì vậy dự án với rapper Wowy được dự báo cũng là điểm nhấn thú vị trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh sự khen ngợi cũng có những bình luận ngờ vực cho rằng sự “phối ngẫu” giữa cải lương với rap có phần gượng gạo và khó cảm nhận. Rõ ràng, mới lạ và ấn tượng là những điều mà khán giả cần, tuy nhiên về lâu về dài thì sự kết hợp này cần được đi đúng hướng chứ không phải mang tính nhất thời, chưa tạo dấu ấn đã “đuối sức”. Bởi lẽ, ở mọi sự kết hợp mới lạ, nếu làm hay khán giả sẽ hưởng ứng nhiệt tình, nhưng nếu không phù hợp thì chắc chắn sẽ nhận về những chỉ trích, nhất là việc “giao duyên” với những ca khúc bất hủ, những thể loại mang giá trị truyền thống, chỉ cần “sai một li” là có thể “đi một dặm”.

Cơ hội để nhạc Việt “xuất ngoại”?

Thời gian qua, rap đang trở thành âm nhạc “trending” của phần đông thế hệ trẻ quốc tế và Việt Nam. Hiện tại, cải lương cũng là chủ đề bàn tán sôi nổi của nhiều nghệ sĩ trong nước. Một số người cho rằng, cải lương đã qua thời hoàng kim. Nhưng sự thật thì cải lương luôn không ngừng đổi mới, cách tân và vẫn là âm nhạc xu hướng của thời đại. Như mục tiêu của dự án Tia sáng cuối cùng là tạo ra sự giao thoa thể nghiệm, nhằm sử dụng rap để giới thiệu cải lương đến bạn bè quốc tế và khán giả đương thời Việt Nam.

Rõ ràng, sự kết hợp giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống trong âm nhạc không những khiến tác phẩm trở nên mới mẻ, ấn tượng mà hơn hết còn mở ra xu thế của tương lai, hướng tới một diện mạo nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt, đây cũng là cách để âm nhạc Việt Nam định vị thương hiệu trước bạn bè quốc tế. Nhiệm vụ này thuộc về cả những nghệ sĩ truyền thống và hiện đại, song vẫn là con đường không dễ đi và chỉ dành cho những người thật sự đam mê và dám dấn thân vào nghệ thuật. Bởi trên thực tế, không phải bất cứ sự kết hợp nào cũng tạo nên những “chiếc áo” vừa vặn và được khán giả đón nhận, nếu khai thác vốn cổ không hợp lý thì dễ thành phá vỡ, bóp méo truyền thống và bước qua lằn ranh phản cảm. Vì vậy, để thực hiện được điều này, đòi hỏi người sáng tạo phải am hiểu sâu sắc từng loại hình nghệ thuật, để khi kết hợp không làm bão hòa đi mà phải tôn nhau lên, cùng nhau tỏa sáng. Bên cạnh đó là sự kết hợp với các chuyên gia ở các lĩnh vực chuyên ngành, họ sẽ là những người vừa bổ trợ, vừa điều chỉnh lẫn nhau, từ đó mang đến những tác phẩm sáng tạo phù hợp với thị hiếu công chúng, mang đậm giá trị nghệ thuật và có sức sống lâu dài.

Có thể thấy, vì “món mới” gây tò mò, nên nhiều khán giả vẫn ủng hộ mạnh mẽ những phần kết hợp độc lạ, nhưng đa phần đó là giới trẻ, họ dễ dàng chấp nhận những cái mới thú vị và không bàn nhiều đến giá trị nghệ thuật. Thế nhưng, để sự kết hợp này trở thành một xu hướng lâu dài thì các nghệ sĩ cần nhiều hơn thế nữa, phải làm sao để tiếp cận, mang đến nhiều giá trị và được sự chấp nhận của đa số khán giả, thì đó mới là thành công.

Nguồn: HỒNG HẠNH (Báo Điện tử Văn Hóa)

Việt Nam đứng thứ 6 trong dữ liệu tìm kiếm du lịch trên Google

VHO- Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google cho thấy, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong nhóm đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này.

Việt Nam có mức tăng trưởng ở nhóm 10% đến 25%, xếp thứ 6 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á (-10% đến 10%). Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Các nước còn lại xếp ở vị trí thấp hơn khá nhiều: Indonesia (vị trí 18), Thái Lan (19), Malaysia (21), Philippines (23), Singapore (30).

Các thị trường quan tâm nhiều nhất đến du lịch Việt Nam cũng là các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam gồm có: Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp…

Dữ liệu này cũng cho thấy nhu cầu về du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nắm bắt được xu hướng thị trường, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

Vừa qua, Quốc hội thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Những chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15.8.2023. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Trước đó, ngày 18.5.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

5 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,6 triệu lượt (đạt 57,5% kế hoạch năm). Lượng khách nội địa đạt 50,5 triệu lượt (đạt 50% kế hoạch năm). Với đà tăng trưởng tốt và những chính sách thuận lợi trong thời gian tới, ngành Du lịch có khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu đón khách đề ra trong năm nay.

Thời gian qua, toàn ngành Du lịch đã tập trung triển khai các giải pháp để phục hồi và phát triển thông qua hàng loạt hoạt động xúc tiến quảng bá ở trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số… để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Nguồn: ĐÌNH KIÊN (Báo Điện tử Văn Hóa)