Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam

VHO – Tối 3.9 tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập (1957 – 2022) và ngày Sân khấu Việt Nam năm 2022 (12.8 âm lịch). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và chúc mừng cho các nghệ sĩ có cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, từ khi thành lập chỉ có 379 hội viên, đến nay, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã có 2.600 hội viên đang hoạt động ở khắp mọi miền trên cả nước trong các loại hình nghệ thuật: chèo, tuồng, cải lương, múa rối, dân ca kịch, kịch nói, xiếc, sân khấu dù kê… 65 năm qua, nhiều tác phẩm sân khấu, với những hình tượng nghệ thuật đặc sắc do tập thể các nghệ sĩ sáng tạo đã khắc họa sinh động chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình, ý chí quật cường của một dân tộc anh hùng. Ngoài đề tài về chiến tranh cách mạng, nhiều tác phẩm sân khấu mang tính dự báo cao, góp phần đẩy lùi những thói hư tật xấu của con người, những tư tưởng nhận thức cũ kỹ, lạc hậu níu kéo, kìm hãm sự thay đổi và phát triển của xã hội… Trong đó, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng những tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng, nội dung và nghệ thuật đạt chất lượng cao, tác động tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội; góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tặng hoa chúc mừng  các nghệ sĩ 

“Giữa sự tác động bề bộn, ngổn ngang của cơ chế thị trường, những người làm nghệ thuật sân khấu nói chung, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nói riêng vẫn luôn gạn đục khơi trong, vượt qua mọi khó khăn để nhắc nhở thế hệ hôm nay không bao giờ quên lịch sử hào hùng của dân tộc, không bao giờ quên quá khứ bi tráng và sự hy sinh của nhiều thế hệ cha anh thông qua những câu chuyện kịch, những hình tượng nghệ thuật trên sân khấu”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh: “Đảng ta luôn khẳng định: Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại… Trước yêu cầu đó, văn học nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu cần tiếp tục tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ nghệ thuật sân khấu của mình trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế để góp phần hoàn thiện các chuẩn mực con người Việt Nam, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người Việt Nam hiện đại”.

 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động, để Hội thực sự là nơi quy tụ các nghệ sĩ sân khấu của cả nước, hỗ trợ, khích lệ sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Hội cần phát huy tốt hơn vai trò tư vấn và phản biện xã hội, tích cực tư vấn cho Đảng, Nhà nước những giải pháp thiết thực, từng bước xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam vừa đa dạng vừa thống nhất, vừa truyền thống vừa hiện đại, đáp ứng yêu cầu của xã hội và thời đại.

Lễ kỷ niệm quy tụ đông đảo các nghệ sĩ 

 Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định, kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là ngày hội của các đồng nghiệp trong mái nhà Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. 65 năm qua, các văn nghệ sĩ tự hào nền văn hóa Việt Nam, nền văn  học nghệ thuật mới của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ đã có những bước đi ngoạn mục, đã trưởng thành vượt bậc. Các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam đã không ngừng sáng tạo, không ngại cống hiến, hy sinh tuổi trẻ, thậm chí cả thân mình để lại những tác phẩm, dấu ấn lịch sử viết bằng tâm huyết, làm nên những trang sử bằng hình ảnh, âm thanh, hình tượng để ca ngợi đất nước, ca ngợi 2 cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như công cuộc đổi mới, luôn hướng tới nhân dân, tới Đảng với niềm tin son sắt và văn nghệ luôn luôn đồng hành cùng dân tộc.

 Lễ hội đường phố “Tinh hoa nghệ thuật Việt” thu hút đông đảo khán giả

Tại lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức vinh danh đại diện các nghệ sĩ có cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, tổ chức chương trình biểu diễn Lễ hội đường phố có chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật Việt” với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa cờ, múa trống, giới thiệu với công chúng các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, kịch, ca kịch Huế, múa rối, xiếc, sân khấu hiện đại.

THUÝ HIỀN; ảnh: THANH TÙNG (Baovanhoa.vn)

Sân khấu đang lảng tránh đề tài hiện đại

VHO- Những vấn đề thời sự, những câu chuyện “nóng bỏng” ở ngoài đời hay cuộc sống hiện thực muôn màu chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng khi được đưa lên sân khấu. Thế nhưng trên thực tế, sân khấu Thủ đô đang khủng hoảng thiếu những vở diễn như thế…

Và câu hỏi đang cần được giải đáp là: Vì sao một Thủ đô văn minh, hiện đại với vô vàn vấn đề “nhức nhối” lại bị những người làm sân khấu lảng tránh khai thác, đề cập? Lý giải cho câu hỏi này, tại Hội thảo Sân khấu Thủ đô với đề tài hiện đại, tác giả Giang Phong trăn trở: “Có một điều rõ ràng rằng, các nhà biên kịch sân khấu làm ra gạo tám xoan đem đi bán, nhưng người mua lại chỉ thích gạo si, thành ra gạo tám ế không ai mua. Trở lại người mua, ở đây là nhà hát, họ cũng phải nuôi quân, và để có tiền trả lương, họ sẽ dựng những vở về ông hoàng, bà chúa để thu hút được người xem, bán được vé, có tiền mời gương mặt nổi tiếng cộng tác… ta không thể trách được họ. Giải quyết vấn đề này phải là những cơ quan có thẩm quyền, chứ trông chờ vào đạo diễn, diễn viên, tác giả thì… nói như cụ Vũ Trọng Phụng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu bày tỏ: “Chúng tôi luôn mong muốn đi thẳng vàtrực diện vào những vấn đề nóng nhất của xãhội hiện đại; những đềtài khai thác tâm lý, trăn trởvàkhát khao, ước mơvà hoài bão cũng nhưnhững toan tính, khổđau của con người trong guồng quay hối hảcủa cuộc sống. Tuy vậy, việc tiếp cận vàthểhiện những chủđềấy phải chân thực mà không trần trụi, hiện thực cần được chắp thêm đôi cánh của sựlãng mạn, của niềm lạc quan vàkhát vọng”. Theo ông Hiếu, đểtìm được một kịch bản chất lượng và đáp ứng được các yêu cầu trên là điều rất khó!

TS Trần Trí Trắc lý giải căn nguyên của thực trạng này: “Theo tôi, nhiều nghệ sĩ chúng ta còn chưa hiểu thấu đáo về sự chuyển hóa lớn của đất nước khi đi từ chiến tranh sang hòa bình, từ cách mạng dân tộc dân chủ sang định hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế… Có nghĩa là, văn nghệ sĩ chưa có vốn sống thực tế về đề tài hiện đại, chưa nhận thức được đầy đủ về những giá trị cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam hôm nay trên trường quốc tế…

“Những tên tuổi gắn liền với Kịch Hà Nội như tác giả Lưu Quang Vũ, cố nhà văn Xuân Trình, Anh Biên, Xuân Đức, Triệu Huấn… ra đi và để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy với tất cả giới sân khấu. Trong khi đó, văn đàn thiếu vắng thế hệ kế cận xuất sắc và nổi bật, phần lớn do định hướng và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hiện nay không ưu tiên nghiệp viết. Hơn thế, sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin khiến một bộ phận không nhỏ người Việt trẻ mất đi văn hoá đọc, điều đó tác động rất lớn đến chất lượng và chiều sâu của các kịch bản”, những chia sẻ của NSND Trung Hiếu cho thấy sân khấu Thủ đô đang thiếu “người tài” và đó là vấn đề cốt lõi.

Là một tác giả sân khấu đang có những kịch bản được dư luận chú ý bởi khai thác tốt về đề tài hiện đại, tác giả Minh Nguyệt cho rằng, quan trọng nhất là tìm ra được giải pháp để khuyến khích các tác giả có động lực xông pha vào những “vùng cấm”, dũng cảm phê phán và đấu tranh xóa bỏ cái xấu; xây dựng được những điều tốt đẹp, giúp nhân dân nhận diện được vấn đề chính diện – phản diện, từ đó, bày tỏ thái độ đúng đắn trước các vấn đề xã hội. Điều này rất cần sự quan tâm nhiệt tình, trách nhiệm hơn nữa của các nhà quản lý văn hóa.

TS Trần Thị Minh Thu, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu nghệ thuật, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN nhận định: “Trong công tác quản lý thiếu định hướng mang tính chiến lược lâu dài cho các đơn vị lựa chọn đề tài hiện đại để dàn dựng theo dạng “đặt hàng”. Theo TS Trần Thị Minh Thu, để khắc phục thực trạng “thiên lệch đề tài quá khứ, lảng tránh đề tài hiện đại” trong sân khấu, đặc biệt là với kịch hát, các cấp quản lý cần đầu tư đào tạo, bồi dưỡng và mở trại sáng tác cho các tác giả viết chuyên đề tài hiện đại; tăng cường đầu tư công tác thử nghiệm, sáng tạo mới; tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo ở các đoàn, nhà hát về cách thức mở rộng thị trường công nghiệp nghệ thuật biểu diễn, nhằm tăng thêm nguồn thu bằng nhiều nguồn để góp phần đưa sân khấu phát triển đúng hướng…

Ai cũng biết, muốn có một tác phẩm sân khấu hay, trước tiên phải có kịch bản tốt, vì vậy, vai trò của tác giả kịch bản là vô cùng quan trọng trong mắt xích sáng tạo. Rõ ràng, nhiều tác giả đã không lăn lộn vào đời sống, không lý giải được mâu thuẫn của cuộc sống hiện đại, không đọc được nỗi đau và nói lên ý chí của con người hôm nay. Đội ngũ tác giả viết sân khấu không hề nhỏ, số kịch bản ở các trại sáng tác và các cuộc thi cũng không ít, vậy tại sao các đơn vị nghệ thuật sân khấu vẫn kêu thiếu? Thiết nghĩ, bản thân giới nghề, đặc biệt là tác giả cần phải nghiêm túc đánh giá và chủ động thay đổi tư duy từ cách tiếp cận khán giả cho tới việc định hướng xây dựng tác phẩm nghệ thuật.

THUÝ HIỀN (Baovanhoa.vn)