Hé lộ chương trình huấn luyện mạo hiểm Tom Cruise tự thiết kế trong “Phi công siêu đẳng Maverick”

VHO- Phi công siêu đẳng Maverick (tựa gốc: Top Gun Maverick) là bộ phim đưa khán giả đến với thế giới của những chiếc phi cơ chiến đấu dưới bàn tay chỉ huy của ngôi sao toàn cầu Tom Cruise. Không chỉ tự thực hiện các cảnh hành động của mình, tài tử còn hướng dẫn bạn diễn vận hành máy bay để đem đến tính chân thực mà không hiệu ứng kỹ xảo nào có thể thay thế.

Ngôi sao táo bạo luôn thích dấn thân vào mạo hiểm

Nổi tiếng thế giới với niềm yêu thích tự thực hiện các cảnh hành động, Tom Cruise luôn cống hiến 100% sức mình cho mọi vai diễn. Cruise đã leo qua tòa nhà cao nhất thế giới, treo lơ lửng trên một chiếc máy bay và bị gãy mắt cá chân trong một lần nhảy trên sân thượng. Anh thậm chí có kế hoạch bay vào không gian để quay phim trong tình trạng không trọng lực.

Tinh thần mạnh mẽ này thống nhất với tôn chỉ diễn xuất của nam diễn viên: “Tôi cảm thấy khi diễn xuất, bạn phải tập trung hết mình, cả về thể chất lẫn tinh thần cho một nhân vật trong câu chuyện. Tôi đã tập luyện các cảnh hành động trong 30 năm và điều đó cho phép tôi thực hiện những điều tưởng như không thể”.

Cruise tin rằng khả năng tự thực hiện các pha nguy hiểm khiến bộ phim trở nên hấp dẫn và xứng đáng với sự chờ đợi của khán giả. Không gì thất vọng hơn khi xem một phim hành động và chợt nhận ra những cảnh nghẹt thở nhất lại được quay một cách lấp liếm, che đi sự thật rằng người thực hiện là diễn viên đóng thế thay vì diễn viên chính. Cruise nhận thức được cạm bẫy này, anh vận dụng các kỹ năng và cả tinh thần thép để thực hiện những cảnh hành động nghẹt thở, đưa khán giả vào thế giới hành động chân thực.

Điều đó đã được Tom Cruise thể hiện trong loạt Mission Impossible cũng như thương hiệu Top Gun. sự trở lại lần này của anh đi kèm với các hoạt động đào tạo chuyên sâu cho dàn diễn viên.

Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của thương hiệu Top Gun

Thành công của phần phim đầu tiên Top Gun cũng như hành trình của Tom Cruise đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của hậu truyện Phi công siêu đẳng Maverick dưới bàn tay đạo diễn của Joseph Kosinski. Bộ phim năm 1986 đã đưa Tom Crruise từ một gương mặt trẻ triển vọng trở thành ngôi sao màn ảnh, là câu chuyện tuyệt vời về tình bạn, lòng dũng cảm, sự tự hào. Top Gun được người hâm mộ, các nhà làm phim yêu thích và thường được coi là một trong những tác phẩm hay nhất của Cruise. Top Gun đã thu về hơn 356 triệu đô la tại phòng vé với kinh phí 15 triệu đô la. Phim còn giành được giải Oscar cho bài hát gốc hay nhất Take My Breath Away ở Berlin. Bộ phim đã trở thành cái tên tiêu biểu cho chủ đề điện ảnh tôn kính văn hóa trong nhiều năm kể từ khi phát hành.

Ba thập kỷ sau, Maverick/Tom Cruise trở lại nơi anh ấy bắt đầu. Lần này với một nhiệm vụ mới. Sự tham gia của Tom Cruise đồng nghĩa với một phần phim đào sâu về trải nghiệm phi công chiến đấu thực tế. Do đó, các cảnh quay trên không sẽ sử dụng máy bay thật thay vì CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Top Gun đã cách mạng hóa các cảnh quay trên không trong phim ảnh. Phần hậu truyện hứa hẹn sẽ đem đến những pha quần thảo trên bầu trời còn hoành tráng hơn nữa.

Hải quân và trường TOPGUN đã được mời đến để giúp bộ phim chân thực hết mức có thể. Ngay từ trước khi bấm máy, một kế hoạch tỉ mỉ đã được vạch ra. Các diễn viên không chỉ phải phối hợp, tương tác theo kịch bản mà còn phải đối phó với những điều kiện khắc nghiệt trên máy bay bao gồm áp lực có thể khiến bất tỉnh. Các camera chất lượng IMAX được đặt trong buồng lái, bắt được từng khoảnh khắc, áp suất, tốc độ, sự căng thẳng và cả “view triệu đô” từ trên cao nhìn xuống. Tất cả được dẫn dắt bởi “nhạc trưởng” Tom Cruise.

Câu chuyện hậu trường về giai đoạn huấn luyện của Tom cùng dàn diễn viên

Theo nhà sản xuất Jerry Bruckheimer, dàn diễn viên đã trải qua 3 tháng đào tạo “đến kiệt sức” do Hải quân Hoa Kỳ thực hiện và một chương trình bay do chính Cruise phát triển. Các diễn viên thậm chí còn lên máy bay thật để trải nghiệm cảm giác ngồi trên máy bay chiến đấu. Đầu tiên Tom Cruise sẽ hướng dẫn đồng nghiệp cách vận hành và bay máy bay hạng nhẹ “để tích lũy nhận thức về không gian trong máy bay”. Sau đó, họ sẽ được bay L-39 để có cảm giác về loại máy bay phản lực trước khi được phóng đi từ tàu sân bay trên các cỗ máy chiến đấu F-18 khét tiếng.

Cruise muốn các pha nguy hiểm của bộ phim chân thực nhất có thể: “Đã làm thì nhất định phải bay trong những chiếc F-18”. Cuối cùng khi ở trong buồng lái của chiếc F/A-18 Super Hornet, các diễn viên phải học cách sử dụng các camera đặc biệt. Cruise giải thích: “Tôi đã hướng dẫn họ kỹ thuật quay phim và ánh sáng, để họ hiểu những gì sẽ trông đẹp khi lên máy quay”.

Với tất cả nỗ lực mà dàn diễn viên đã bỏ ra để học cách làm quen với môi trường, vận hành máy quay trên máy bay phản lực, có thể thấy ekip muốn đem đến những gì tuyệt vời nhất cho bộ phim. Phi công siêu đẳng Maverick với sự tham gia của các diễn viên Tom Cruise, Miles Teller, Jennifer Connelly, Jon Hamm, Glen Powell, Lewis Pullman, Charles Parnell, Bashir Salahuddin, Monica Barbaro, Jay Ellis, Danny Ramirez, Ed Harris và Val Kilmer hứa hẹn sẽ mang lại cho khán giả những phút giây mãn nhãn.

Nguồn: QUỲNH CHI (Báo Điện tử Văn Hóa)

Sân khấu Chèo làm mới từ nét xưa

VHO- Đêm diễn ra mắt vở Cánh diều lạc gió của Nhà hát Chèo Việt Nam đã khiến nhiều vị khán giả rưng rưng xúc động, bởi câu chuyện của những nhân vật thời phong kiến nhưng vẫn hiển hiện nóng hổi trong đời sống hôm nay. Ai cũng sẽ nhìn thấy đâu đó quanh mình những cô gái trẻ vì “tham vàng bỏ ngãi”, vì những toan tính vụ lợi mà bỏ rơi người đàn ông chân tình giống như nhân vật trung tâm của vở diễn.

Cánh diều lạc gió do PGS Tất Thắng viết kịch bản văn học, chuyển thể chèo: Hồng Mặc Cát; Đạo diễn: NSƯT Đoàn Vinh. Câu chuyện kể về nàng Kim Thảo, sinh ra trong một gia đình gia giáo, bố là thầy đồ dạy chữ. Nàng đã có lời ước hẹn kết duyên với chàng thư sinh ở quê nhà. Thế nhưng, trong một chuyến vi hành của nhà vua, Kim Thảo đã lọt vào mắt xanh của ngài và được phong làm Thứ phi. Không mấy tiếc nuối cho mối tình với chàng thư sinh nghèo, Kim Thảo nhanh chóng rời bỏ gia đình lên triều đình để tận hưởng vinh hoa, phú quý. Khi cha mất, Kim Thảo cũng chẳng buồn về quê chịu tang. Vì vậy, nàng bị mang tiếng bất hiếu, bị phế và phải đi tu. Diễn biến và các tình tiết trong vở chèo không hề mới, thậm chí khán giả có thể đoán ngay được cái kết của vở, nhưng ê kíp sáng tạo đã khéo kết hợp những ưu thế nổi trội của nghệ thuật chèo truyền thống như tạo trò, đưa những làn điệu cổ đặc sắc để tạo sức hấp dẫn với khán giả. Người nghệ sĩ đã thổi hồn vào mỗi nhân vật để tạo nên những hình mẫu điển hình trong xã hội. Nếu làm phép đối chiếu thì rõ ràng những nhân vật xưa ấy vẫn không hiếm gặp trong đời sống hôm nay.

Cánh Diều (1 of 1)-7“Tôi rất tâm đắc với vấn đề mà kịch bản Cánh diều lạc gió của PGS Tất Thắng đưa ra, khi một bộ phận những người trẻ đang có suy nghĩ lệch lạc trong việc định hướng tương lai cho mình. Ngay cả những thanh niên ở nhiều gia đình gia giáo, được nuôi dạy, ăn học bài bản nhưng cũng có những quan điểm sống rất thực dụng, toan tính ngay cả trong chuyện tình cảm, hôn nhân giống như nhân vật trong vở. Họ sẵn sàng vượt qua mọi chuẩn mực đạo đức, bỏ rơi những mối tình đang có để đánh đổi, thậm chí là đánh mất mình trong những cuộc hôn nhân vụ lợi…”, đạo diễn Đoàn Vinh chia sẻ về ý tưởng dàn dựng. Có thể thấy, Cánh diều lạc gió như một lời cảnh báo rằng, hôn nhân không tình yêu, xuất phát bởi sự toan tính sẽ dẫn đến cái kết bi thương giống như nhân vật Kim Thảo trong vở chèo.

NSƯT Đỗ Kỷ, Quyền trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận định: “Tôi thấy quy trình dàn dựng của Nhà hát Chèo Việt Nam rất chuyên nghiệp, từ khâu kịch bản văn học chuyển thể sang chèo cho tới cách dàn dựng và diễn xuất. Có thể khẳng định rằng, Nhà hát luôn xứng với danh hiệu là “cánh chim đầu đàn” trong làng chèo cả nước”.

Cánh Diều (1 of 1)-10Mặc dù tuổi đã cao nhưng khi được Bộ VHTTDL mời tới xem vở diễn với vai trò là thành viên của Hội đồng nghệ thuật, TS Trần Đình Ngôn phấn khởi cho biết: “Trước hết, tôi rất vui vì được xem một vở chèo 100% là chèo “xịn”, chứ không “gieo vừng ra ngô” như một số vở gần đây. Từ tích trò, cấu trúc, diễn biến cho tới phương pháp xây dựng tính cách nhân vật, xử lý hành động trên sân khấu đều tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống. Đặc biệt là các mâu thuẫn trong vở được tổ chức theo dòng tự sự, bám sát đường dây số phận của nhân vật. Hậu quả của nhân vật chính được quyết định bởi tính cách và mong muốn của cô ấy”. Tác giả Trần Đình Ngôn cũng tỏ ra vui mừng khi nhận xét về tác giả chuyển thể chèo Hồng Mặc Cát. Ông khẳng định, qua Cánh diều lạc gió, ngành chèo đã có thêm một cây viết rất “chắc tay”, đó là lý do mà khán giả được đắm mình trong những làn điệu chèo cổ tuyệt vời như: Tò vò, Luyện năm cung, Tòng nhất nhi chung… Điều thú vị là đạo diễn và tác giả chuyển thể đã mạnh dạn đưa những làn điệu vốn chỉ dành cho vai đào thương như Chức cẩm hồ văn cho vai nữ tính cách Kim Thảo; cách xử lý này đã tạo nên nhiều đất cho diễn viên thể hiện.

Điều đáng nói là dàn diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam đều rất chắc nghề, họ chính là những nhân tố quan trọng thổi lửa vào các nhân vật trong tác phẩm. Chỉ với vài gương mặt chính xuyên suốt toàn bộ vở diễn, thế nhưng khán giả vẫn bị hút vào tình tiết các câu chuyện và đặc biệt là được thả hồn lắng nghe những giai điệu ngọt ngào trong kho tàng âm nhạc truyền thống. Cánh diều lạc gió khai thác đề tài dân gian nhưng khi xem, khán giả hôm nay vẫn cảm nhận được những bài học đạo lý, nhân văn sâu sắc mà không hề cũ.

Cánh diều lạc gió là một vở chèo hay, đáng để xem và suy ngẫm. Tuy nhiên, tôi cho rằng những đạo diễn, họa sĩ thiết kế sân khấu nên nghiên cứu áp dụng kỹ thuật công nghệ mới để tạo phông cảnh cho bắt mắt. Sự đơn giản trong thiết kế mỹ thuật đã phần nào làm cho sân khấu chèo trở nên đơn điệu. Đừng cho rằng chèo vốn dĩ là ước lệ nên chiếu chèo cứ mãi đơn giản với vài ba bục bệ, điều đó làm giảm sự sinh động và sức hấp dẫn của vở diễn.

Các nghệ sĩ đã phải nghỉ suốt một thời gian dài bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban giám đốc Nhà hát cần sớm có kế hoạch để đưa “Cánh diều lạc gió” đến với khán giả. Và quan trọng nhất là sáng tạo, phát triển nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên những nét đẹp của nghệ thuật chèo truyền thống.

(PGS.TS TẠ QUANG ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ VHTTDL)

 Nguồn: THÚY HIỀN (Báo Điện tử Văn Hóa)

Vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ”

VHO- Chiều 22.4, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Toạ đàm việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hoá, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm đồng chủ trì Tọa đàm. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tham dự Tọa đàm.

Toạ đàm tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, Hà Nội và trực tuyến đến 5 địa phương trên cả nước là Hà Giang, Lào Cao, Lai Châu, Thanh Hoá, Nghệ An.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Toạ đàm

Công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả

Phát biểu tại Toạ đàm, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, về công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và Ngành văn hoá ở cơ sở thường xuyên, chủ động tham mưu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, đề án, dự án nhằm ưu tiên, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp theo từng giai đoạn phát triển bền vững của đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, xây dựng môi trường và nếp sống văn hoá tiến bộ trong cộng đồng. Bộ cũng đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng chất lượng, tránh bệnh hình thức, bệnh thành tích…

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phát biểu tại Toạ đàm

“Qua công tác tuyên truyền và triển khai có hiệu quả về chính sách dân tộc nói chung, chính sách về văn hoá dân tộc nói riêng đã có những tác động tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn hoá, môi trường văn hoá lành mạnh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Đại bộ phận đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước nâng lên. Trên một số lĩnh vực, khoảng cách giữa các dân tộc từng bước được thu hẹp… môi trường văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, văn hoá truyền thống, tích cực của đồng bào đã được vun đắp, bảo tồn kịp thời, các hủ tục lạc hậu dần bị loại bỏ”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, trên thực tế vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại, bị biến tướng, hiểu sai hoặc trái với phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó có thể kể đến hiện tượng, sự việc phản cảm như “cướp vợ”, “bắt vợ” xảy ra tại một số địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gây bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cũng cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý lĩnh vực văn hoá, Bộ VHTTDL đã có văn bản chỉ đạo Ngành văn hoá tại các địa phương (Công văn số 861/BVHTTDL-VHDT ngày 17.3.2022) triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, những hiện tượng phản cảm, phong tục tập quán không còn phù hợp với văn hoá truyền thống tốt đẹp trong đời sống hiện nay của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Toạ đàm được tổ chức vào chiều 22.4, trực tiếp tại Nhà Quốc hội và trực tuyến đến 5 địa phương

Về kiến nghị, giải pháp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Bộ VHTTDL đề xuất các giải pháp cụ thể trong đó có việc hỗ trợ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ. Tổ chức các lớp tập huấn về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương. Giải pháp về việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, bản để người dân có điều kiện nhiều hơn đến tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao nhằm nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, tiến bộ…

Cần đánh giá đúng “bắt vợ” có phải là hủ tục hay không?

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Đặng Xuân Phương, tại phiên họp thứ 8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15.2 vừa qua đã có ý kiến về những vấn đề mà báo chí phản ánh liên quan đến vụ việc “bắt vợ” tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang hay trường hợp “bắt vợ” khác diễn ra ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, gây bức xúc trong dư luận.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Đặng Xuân Phương cho rằng cần phải đánh giá đúng bản chất của tục “bắt vợ”

“Có thể thấy rằng, những hiện tượng này không mới, nhưng đến nay cần đánh giá đúng bản chất có phải là hủ tục hay không; nếu “bắt vợ” là hủ tục sao lại để kéo dài và đâu là những hình thức biến tướng, lợi dụng phong tục, tập quán của đồng bào để vi phạm pháp luật, cơ sở pháp lý để xử lý nếu có vi phạm đã đầy đủ hay chưa”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nói và cho biết, Thường trực Uỷ ban đã chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hoá, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Qua khảo sát cho thấy tại nhiều nơi, đặc biệt là tỉnh Lai Châu, tục “bắt vợ” từ lâu không còn nữa trong cộng đồng đồng bào người Mông, người Dao. Tuy nhiên, tại tỉnh Lào Cai thì vẫn còn xảy ra tại một số địa phương.

Ông Đặng Xuân Phương cũng đánh giá, trong những năm qua, về cơ bản, các tỉnh đều đã triển khai mạnh mẽ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn. Tuy nhiên tình trạng tảo hôn vẫn còn và việc biến tướng, lợi dụng phong tục, tập quán của đồng bào để vi phạm pháp luật vẫn còn ở một số nơi; viễ xử lý các hành vi vi phạm cũng có nưoi còn có tình trạng “cả nể, thiếu kiên quyết…

Phát biểu tham luận tại Toạ đàm, đại diện cho UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tục “kéo dâu” hay “kéo vợ” là một phong tục tốt đẹp và nhân văn của người Mông nhằm đề cao giá trị của người phụ nữ đối với gia đình nhà chồng khi họ về làm dâu. Tuy nhiên hiện nay do không hiểu về nét văn hóa truyền thống đẹp xưa, cùng với lối sống đua đòi của một số ít thanh niên nam nữ mà tục lệ này đã bị biến tướng, lạm dụng, gây mất trật tự xã hội.

Tọa đàm đề cập đến vấn đề gây xôn xao dư luận trong thời gian qua

Theo báo cáo của 9 huyện, thị xã, thành phố, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 1 vụ “bắt vợ – kéo vợ” vi phạm pháp luật bị khởi tố hình sự; 1 vụ kéo vợ nhưng chưa gây hậu qủa. Về những khó khăn trong việc ngăn ngừa tình trạng này, theo đại diện UBND tỉnh Lào Cai là do công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền đại phương có lúc còn chưa chặt chẽ; việc nắm bắt thông tin để ngăn chặn các vụ tảo hôn chưa kịp thời, một số gia đình, dòng họ còn cả nể, thiếu kiên quyết thậm chí còn đồng tình với quan điểm lấy vợ sớm để có người giữ tài sản, có người làm…

Về giải pháp, các ý kiến phát biểu tại Toạ đàm cho rằng cần tuyên truyền sâu, rộng, hiệu quả về Luật Hôn nhân và gia đình cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vận động không kết hôn khi chưa đủ tuổi, kết hôn cận huyết thống. Triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về bài trừ hủ tục lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào hiểu đúng và đầy đủ về các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tập tục “kéo vợ”; cũng như các mặt trái không phù hợp thuần phong, mỹ tục, các hành vi biến tướng tục “kéo vợ”…

Nguồn: THU SÂM (Báo Điện tử Văn Hóa); ảnh: QUỐC HỘI

Hàng vạn người tham dự Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc

VHO- Diễn ra từ ngày 15- 17.4 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, quanh khu vực Hồ Gươm, Hà Nội, Tuần văn hóa- du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022 dự kiến sẽ thu hút đông đảo người dân đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức thường niên với sự tham gia của 6 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Không gian trưng bày của Hà Giang

Sự kiện này bao gồm nhiều chương trình rất sôi động, lại diễn ra đúng dịp cuối tuần khi người dân Thủ đô đang rất “khát” nơi vui chơi, muốn đi du lịch trở lại sau dịch. Vì thế, ngay từ ngày mở đầu, chương trình biểu diễn nghệ thuật tối 15.4 với nội dung giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của người Dao 6 tỉnh Việt Bắc qua các trích đoạn lễ hội truyền thống; trình diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; giao lưu đan xen với các tác phẩm nghệ thuật do các nghệ sĩ tại Hà Nội thể hiện đã lôi cuốn hàng nghìn người xem.

Không gian trưng bày của Bắc Kạn

Rõ ràng, các hoạt động của Tuần văn hóa- du lịch 6 tỉnh Tây Bắc cùng với các hoạt động du lịch khác trên địa bàn thành phố đang giúp du lịch Hà Nội phục hồi.

Không gian trưng bày của Tuyên Quang

Không gian trưng bày văn hóa du lịch và sản phẩm đặc trưng vùng Việt Bắc từ ngày 15 đến hết ngày 17.4. Mỗi gian hàng của các địa phương đều mô phỏng văn hóa kiến trúc đặc trưng. Tại đây, du khách sẽ được thông tin về du lịch, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của từng địa phương, thưởng thức những đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương và trải nghiệm một số sản phẩm du lịch tiêu biểu.

Không gian trưng bày của Thái Nguyên

Cũng trong tối 15.4, trong khuôn khổ Tuần văn hóa- du lịch còn diễn ra triển lãm ảnh đẹp với 120 bức ảnh phong cảnh đặc sắc của 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội.

Không gian trưng bày của Lạng Sơn

Trải qua 13 năm, chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” do các tỉnh Việt Bắc khởi xướng, luân phiên tổ chức giữa các tỉnh trong nhóm đã trở thành sự kiện thường niên, là sản phẩm du lịch ngày càng khẳng định thương hiệu.

Không gian trưng bày của Cao Bằng

Qua mỗi lần tổ chức sự kiện này đã thể hiện sự chuyển biến tích cực về hình thức tổ chức, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch liên vùng, thúc đẩy khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về du lịch các địa phương, thu hút được sự quan tâm của các đơn vị doanh nghiệp du lịch và du khách.

Triển lãm ảnh đẹp với 120 bức ảnh phong cảnh đặc sắc của 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội

Tối nay 16.4, Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội sẽ chính thức khai mạc lúc 20 giờ tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Chương trình bao gồm phần lễ và chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu Việt Bắc”

Nguồn: THÚY HÀ (Báo Điện tử Văn Hóa)

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại: Đừng để “gieo vừng ra ngô”

VHO- Tuần qua, những nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật, giới nghiên cứu và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của ngành chèo cả nước đã tập hợp về dự Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại do Nhà hát Chèo Việt Nam chủ trì.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh sân khấu chèo đang trong tình trạng “tụt hậu chạm đáy”. Đã có những tham luận và ý kiến trao đổi thẳng thắn, thậm chí là đối thoại nảy lửa về quan điểm làm chèo, cho thấy những lo toan, trăn trở đầy tâm huyết của giới nghề hiện nay…

Tranh cãi nảy lửa

Tại Hội thảo, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, NSND Quốc Trượng cho rằng, việc sân khấu chèo thiếu những vở đề tài hiện đại thành công là bởi những người làm chèo còn bị ràng buộc và luẩn quẩn trong nguyên tắc truyền thống. Ông cho rằng, ngành chèo cần biết chắt lọc tinh hoa chứ không nên quá cứng nhắc, cần thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn để đi vào thể hiện đề tài đương đại. “Cả một khối kim cương đồ sộ nhưng chúng ta chỉ sử dụng một lượng làm thành mũi khoan sắc bén, mở ra con đường “tấn công” vào đề tài hiện đại tươi mới, chứ đừng cứ mãi cố thủ. Nguyên tắc tự sự trong chèo rõ ràng không đủ sức theo kịp và đủ độ để phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng, gay gắt của xã hội”, NSND Quốc Trượng nhận định và cho biết, đơn vị của ông sáng tạo được nhiều vở diễn hay, xuất sắc, đoạt HCV tại các kỳ liên hoan, hội diễn là nhờ vào khuynh hướng phát triển này.

Tuy nhiên, ý kiến của NSND Quốc Trượng không nhận được sự đồng tình của nhiều “cây đa cây đề” trong làng chèo như TS Trần Đình Ngôn; Đạo diễn, NSƯT Đoàn Vinh… TS Trần Đình Ngôn, tác giả có số lượng kịch bản chèo được dàn dựng nhiều nhất của ngành chèo, tỏ ra bức xúc: “Tôi đã kìm nén rất lâu không muốn nói, nhưng nếu không nói thì cái cảnh “gieo vừng ra ngô” sẽ tiếp tục tái diễn trên sân khấu chèo. Khi xem một số vở gần đây của Nhà hát Chèo Quân đội, kể cả những vở đoạt giải cao, tôi đánh giá đó chỉ là những vở diễn xây dựng theo khuynh hướng kịch hát mới, kịch pha ca. Nhà hát Chèo Quân đội có đối tượng khán giả riêng và họ không cần phải bán vé, họ có quyền dàn dựng theo tiêu chí của họ, nhưng đừng nên lấy danh nghĩa người làm chèo để khẳng định những vở diễn này là “chèo hiện đại”. Là người gắn bó cả đời với chèo, tôi khẳng định, nhiều vở diễn đang đi ngược lại những đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống. Khán giả có thể vẫn xem, nhưng họ khen vở diễn tới đâu và những người làm chèo đích thực có tâm phục hay không lại là chuyện khác”.

Đạo diễn, NSƯT Đoàn Vinh chia sẻ, ông xót xa khi tới một nhà hát chèo ở địa phương kia, nhưng họ lại diễn một vở cải lương. Chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật vào một trung tâm văn hóa nghệ thuật theo hướng tinh gọn, nhưng cách làm và quan điểm của mỗi địa phương mỗi khác, đã dẫn tới tình trạng nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là chèo đã bị mất đi thế mạnh và bản sắc của mình. Nhìn vào việc áp dụng công nghệ lên sân khấu chèo, đạo diễn Đoàn Vinh cho rằng, nhiều vở diễn của sân khấu chèo gần đây, việc xử lý khói cũng rất tuỳ tiện, đơn vị nào có kinh tế thì dùng hiệu ứng khói lạnh, đơn vị nào không có thì phun khói mù mịt khắp sân khấu, lấn át hết cả diễn xuất của diễn viên. Sự lạm dụng những yếu tố kỹ thuật hiện đại đã làm mất đi những nét đẹp, tinh khôi, mộc mạc của nghệ thuật chèo.

NSND Thúy Ngần cũng vô cùng tâm trạng khi về tập cho diễn viên ở một trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh, bà chứng kiến cảnh trò của mình đau khổ khi bị thầy mắng vì quên đi những động tác múa chèo; và cũng chính diễn viên này khi sang làm chương trình ca múa nhạc thì lại bị mắng là động tác múa “quá chèo”…

NSND Thanh Ngoan thì chia sẻ: “Tôi hát chèo mà có khán giả nói: Chị Ngoan ơi, chị hát hay nhỉ. Em nghe chị hát chèo như chầu văn, như hát xẩm. Khán giả khen tôi hát hay mà không biết họ đang nghe loại hình nghệ thuật nào… Rõ ràng, việc nhầm lẫn này cho thấy cần phải có phương án để phổ cập về nghệ thuật chèo cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc cho khán giả hôm nay”.

Toàn cảnh hội thảo 

Cần người chèo chống

“Tôi không hiểu tại sao một số đạo diễn, đơn vị nghệ thuật lại cho rằng những nguyên tắc như tự sự trong chèo lại xa rời với đời sống hiện đại. Chúng ta đã có những mảng miếng rất hay khi khai thác thành công các nguyên tắc này ở đề tài hiện đại. Sự lúng túng trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo có lẽ bắt nguồn chính từ quan niệm làm nghề của những người làm quản lý và chỉ đạo nghệ thuật ở từng đơn vị. Tôi không đồng tình với việc có những đơn vị nghệ thuật chèo mời đạo diễn chuyên về cải lương sang dàn dựng. Sự hiểu biết về các làn điệu chèo của một đạo diễn cải lương chắc chắn là có hạn, không thể tường tận đầy đủ hàng trăm làn điệu đặc sắc trong chèo, không thể đưa ra những xử lý hay nhất cho một vở chèo khi họ là người ngoại đạo”, đạo diễn, NSƯT Đoàn Vinh chia sẻ.

Có thể thấy, chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật ở địa phương đã nảy sinh nhiều bất cập, theo kiểu “lãnh đạo nào phong trào ấy” dẫn tới nhiều loại hình nghệ thuật đang phải đối diện với bài toán tồn tại hay không tồn tại, hoặc đánh mất đi tính chuyên nghiệp. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách cụ thể để hướng dẫn cho các địa phương thực hiện việc bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Đồng ý với quan điểm đó, NSND Thúy Ngần, PGS.TS Hà Hoa và đặc biệt là TS Trần Đình Ngôn cũng thống nhất muốn nối mạch chèo với cuộc sống đương đại thì phải phổ cập về nghệ thuật chèo đối với khán giả và nâng cao kiến thức nghệ thuật chèo thường xuyên cho lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay.

Với góc độ cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, hiện Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó có Đề án “Nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật trong các trường phổ thông” hướng tới mục tiêu chính là đào tạo khán giả. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đang xây dựng Đề án sắp xếp lại, nâng cao các đơn vị nghệ thuật trung ương, trong đó có nội dung phát triển lực lượng sáng tạo bao gồm nghệ sĩ, đạo diễn, biên kịch… Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bày tỏ, cơ quan quản lý nhà nước đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để làm sao các đề án, giải pháp cho nghệ thuật biểu diễn nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng có thể sát với thực tế và đạt hiệu quả cao nhất.

Có thể coi Hội thảo bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại là một “Hội nghị Diên Hồng” nhằm giải cứu, tháo gỡ những khó khăn, những báo động đỏ về sự khủng hoảng của sân khấu chèo. Hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, trong đó có việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc. Muốn nghệ thuật truyền thống tiếp tục được thăng hoa, hoặc chí ít là tồn tại và phát triển một cách bền vững, đòi hỏi các nhà làm chính sách phải thực sự tận tâm, tận lực để tham mưu những cơ chế khả thi, hữu ích nhất cho Nhà nước, quan trọng không kém là nỗ lực, nhiệt huyết của giới nghề và sự chung tay của toàn xã hội.

 Nguồn: HIỀN LƯƠNG (Báo Điện tử Văn Hóa)