Thư chúc Tết Xuân Tân Sửu 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

VHO-Nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có Thư chúc Tết tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Văn Hoá điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Thư chúc Tết của Bộ trưởng.

Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2021

Nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi thân ái gửi tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng gia đình lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chịu nhiều ảnh hưởng, song được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính Phủ, sự phối hợp của các Ban, Bộ, ngành, địa phương, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước đã phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép”: vừa tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, vừa tích cực triển khai các nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xây dựng Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.

Việc tái khởi động các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên phạm vi cả nước diễn ra hiệu quả; các cơ sở, thiết chế văn hóa nghệ thuật, các nhà hát, rạp chiếu phim đã mở cửa trở lại; các hoạt động văn hóa nghệ thuật thu hút đông khán giả đã được duy trì; tổ chức thành công nhiều sự kiện phục vụ chính trị, phục vụ năm Chủ tịch ASEAN 2020; các sự kiện thể thao, các hoạt động du lịch nội địa… được tái khởi động mạnh mẽ phục vụ người dân. Năm 2020, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất: so với cùng kỳ năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, khách du lịch nội địa giảm 34,1%. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn ngành, du lịch Việt Nam đã được ghi nhận và giành nhiều giải thưởng ở nhiều hạng mục của Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards).

Nhân dịp này, thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ, tôi trân trọng và tri ân những công lao, nỗ lực cống hiến của từng cá nhân đã và đang chung sức đóng góp cho Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng và cho công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước nói chung.

Năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2020 – 2025, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi mới của đất nước, vẫn còn nhiều thách thức, tôi tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, toàn Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần khẳng định hơn nữa nội lực và sức mạnh giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Chúc các đồng chí cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Thân ái!

NGUYỄN NGỌC THIỆN

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trưng bày Đảng Cộng sản Việt Nam – Từ Đại hội đến Đại hội: Tiếng nói từ những hình ảnh, hiện vật đặc biệt

VHO-  Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2021) và hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức trưng bày chuyên đề Đảng Cộng sản Việt Nam – Từ Đại hội đến Đại hội.

Với hơn 200 hiện vật, tài liệu, hình ảnh đặc biệt giá trị, giới thiệu khái quát sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và 12 kỳ Đại hội Đảng, Trưng bày sẽ khai mạc vào sáng 19.1 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Những mốc son lịch sử

Đến tham quan Trưng bày, công chúng sẽ có cái nhìn khái quát, hệ thống về sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam; 12 kỳ Đại hội Đảng với những đường lối, chủ trương, chính sách lớn, cùng quá trình xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, trong sáng về tư tưởng để đảm đương vai trò lãnh đạo đất nước; về những thành quả mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đạt được trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước; về sự gắn bó máu thịt của nhân dân đối với Đảng, góp phần giúp công chúng tăng thêm lòng tin và sự tự hào về Đảng.

Trưng bày gồm 3 phần: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam – Từ Đại hội đến Đại hội; Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ở nội dung đầu tiên, Trưng bày nhấn mạnh vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam; sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3.2.1930 thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, công chúng có cơ hội được tiếp cận với nhiều tài liệu, hiện vật giá trị như: Bản án chế độ thực dân Pháp; Báo Thanh NiênChánh cương, Sách lược vắn tắt của Đảng; Điều lệ của Đảng…

Phần trưng bày Đảng Cộng sản Việt Nam – Từ Đại hội đến Đại hội tập trung giới thiệu 2 chủ đề chính: Các kỳ Đại hội Đảng và Xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh. Những hình ảnh, hiện vật, tài liệu ở phần trưng bày đặc biệt này thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng qua 12 kỳ Đại hội; những dấu mốc quan trọng và thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930 đến nay; công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, chỉnh đốn, xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Một số tài liệu, hiện vật trưng bày đáng chú ý gồm: Sưu tập nghị quyết, văn kiện của Đảng; Sưu tập bản thảo bài viết, bài nói chuyện của các đồng chí Tổng Bí thư; Sưu tập tranh cổ động qua các kỳ Đại hội; Sưu tập tặng phẩm của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tặng Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội; Những tác phẩm, hình ảnh, bài nói, bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đào tạo đội ngũ cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Tổng Bí thư…

Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ngày 15.12.1986

Phần nội dung Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng giới thiệu về công tác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII: Đại hội Đảng các cấp, hội nghị lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng… Tài liệu, hiện vật trưng bày ở phần này gồm các hình ảnh, áp phích tiêu biểu; các dự thảo báo cáo văn kiện, ý kiến đóng góp của nhân dân: Truyền hình, báo điện tử, báo giấy…; Phim tư liệu của Đài THVN, Chuyên mục Đảng trong cuộc sống hôm nay, Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Những hình ảnh, hiện vật “lên tiếng”

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, để khắc họa nổi bật những nội dung trưng bày, các hình ảnh, tài liệu, hiện vật được lựa chọn kỹ càng, mang tính tiêu biểu và đặc biệt có giá trị lịch sử. Xuyên suốt nội dung triển lãm, công chúng có cơ hội được tiếp cận nhiều hình ảnh, hiện vật mang tiếng nói của lịch sử dân tộc như: Bức ảnh Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp tại Tour (Pháp), tháng 12.1920; ảnh Nguyễn Ái Quốc – Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3.2.1930; Báo cáo (trang cuối) về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, gửi Quốc tế Cộng sản, ngày 18.2.1930; Sách Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, xuất bản tại Paris (Pháp), năm 1925; Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc), ra ngày 3.10.1926; Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt – cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, tháng 2.1930; Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác phẩm “Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam” của họa sĩ Phi Hoanh

Ở nội dung trung tâm của trưng bày: Đảng Cộng sản Việt Nam – Từ Đại hội đến Đại hội, công chúng tiếp tục được tiếp cận những số liệu, hình ảnh về các kỳ Đại hội Đảng; ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh trao đổi về những văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, Hà Nội, ngày 5.9.1960; hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp bản Kết đoàn trong buổi dạ hội chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III tổ chức tại vườn Bách thảo Hà Nội, ngày 19.9.1960.

Bên cạnh đó là những hình ảnh các kỳ đại hội đánh dấu những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hòa nhập quốc tế và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Nhiều sưu tập đặc biệt cũng sẽ được bài trí ấn tượng tại triển lãm như sưu tập sách, văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội; sưu tập tặng phẩm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tặng Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội; sưu tập tranh cổ động các kỳ Đại hội Đảng; Tổng Bí thư của Đảng qua các thời kỳ…

Hướng tới Đại hội XIII của Đảng, trưng bày giới thiệu nhiều hình ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội), ngày 15.10.2019; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc -Trưởng Tiểu ban Kinh tế xã hội, Đại hội lần thứ XIII tổ chức Hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hà Nội, ngày 26.8.2019; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các cử tri phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ngày 28.4.2017; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 12.10.2020…

 BẢO ANH

LiveSpace Vietnam: Tạo “bệ đỡ” tài năng âm nhạc trẻ

VHO-  Âm nhạc Việt Nam đang có một “đời sống” hết sức sôi động, những gương mặt mới, dòng nhạc mới liên tục xuất hiện và trở nên thịnh hành trong lòng công chúng. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển của nền công nghiệp giải trí, âm nhạc vẫn còn khá ít nghệ sĩ chuyên nghiệp. Từ thực tế đó, dự án LiveSpace Vietnam đã ra đời, nhằm tạo “bệ đỡ” cho các nghệ sĩ trẻ phát triển và khẳng định tài năng.

Nghệ sĩ trẻ khó khăn tìm chỗ đứng

Dự án LiveSpace Vietnam do Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace khởi xướng, phối hợp với Monsoon Music Festival, Believe… tổ chức. Theo Giám đốc Viện Pháp, ông Thierry Vergon, ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của Internet và các phương tiện truyền thông dễ dàng cho phép nghệ sĩ trẻ giới thiệu và xây dựng nhiều nội dung trực tuyến trên một số nền tảng. Tuy nhiên, việc xây dựng một lộ trình thực sự cho phép các nghệ sĩ trẻ trở thành chuyên nghiệp vẫn nằm ngoài khả năng của đa số họ. Trong bối cảnh thị trường âm nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với số lượng các nghệ sĩ và tác phẩm ngày càng tăng, đồng nghĩa với sự cạnh tranh ngày một lớn, rất nhiều nghệ sĩ trẻ đang phải đương đầu với những thử thách khó khăn để tìm được chỗ đứng cho riêng mình trên con đường nghệ thuật và trong lòng khán giả.

“Nền âm nhạc Việt Nam cũng vẫn chưa hội đủ tất cả các điều kiện và nhân tố cần thiết nhằm tạo môi trường thuận lợi, cho phép những tài năng mới trong lĩnh vực âm nhạc có tiềm năng tiến vào thị trường quốc tế. Các phòng hòa nhạc chuyên nghiệp và đẳng cấp thực sự rất hiếm hoi, các hãng âm nhạc chuyên hỗ trợ cho các nghệ sĩ mới nổi cũng gần như vắng bóng”, ông Thierry Vergon nói. Thêm vào đó, đa phần các nghệ sĩ trẻ vẫn chưa nắm vững những kiến thức cần thiết liên quan đến sáng tạo tác phẩm, quy trình phân phối và phát hành sản phẩm âm nhạc… Tất cả các yếu tố trên đều là những trở ngại cần phải vượt qua. Bởi vậy, việc ra đời dự án LiveSpace Vietnam là một cách để giúp những nghệ sĩ trẻ có cơ hội vượt qua những khó khăn này để phát triển.

Theo đó, LiveSpace Vietnam sẽ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ được trình diễn tại sân khấu chuyên nghiệp của Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace. Mỗi nghệ sĩ, nhóm nhạc được tuyển chọn tham gia sẽ được hỗ trợ thu âm chất lượng studio một tác phẩm để dự thi. Tác phẩm sẽ được truyền thông trên các trang mạng xã hội và nền tảng của các đối tác. Nghệ sĩ chiến thắng nhận được hợp đồng phân phối Fast Track độc quyền cùng những hỗ trợ tư vấn từ hãng Believe; cơ hội được biểu diễn tại Monsoon Music Festival 2021 và lưu diễn tại nhiều thành phố…

Đồng thời, để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nhóm nhạc có thể phát huy cá tính và màu sắc âm nhạc riêng cũng như tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể theo đuổi sự nghiệp trong tương lai, LiveSpace sẽ có những buổi workshop tư vấn về chuyên môn biểu diễn, sáng tác, những tiêu chuẩn kỹ thuật thu âm cho nghệ sĩ, nhóm nhạc và kỹ thuật biểu diễn live trên sân khấu lớn/ nhỏ được dẫn dắt bởi các chuyên gia trong và ngoài nước trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Tìm nghệ sĩ, nhóm nhạc tiềm năng

Vòng tuyển chọn của LiveSpace Vietnam sẽ diễn ra đến hết tháng 2.2021, khoảng 10 đến 15 nghệ sĩ/nhóm nhạc sẽ được các đối tác chính của chương trình tuyển chọn. Tuy nhiên, ngoài chờ đợi các nghệ sĩ, nhóm nhạc đăng ký, BTC cũng chủ động “đi tìm” nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ. Nhạc sĩ Quốc Trung, đại diện cho Monsoon Music Festival chia sẻ: “Kinh nghiệm từ tổ chức Monsoon Music Festival, chúng tôi cũng phải tự đi tìm nghệ sĩ, đề xuất hỗ trợ giúp đỡ, giới thiệu họ nhiều hơn, vì bản thân các nghệ sĩ trẻ, ban nhạc độc lập chưa tự tin tới gặp các nhà tổ chức…”.

Ba ban nhạc đầu tiên được lựa chọn tham gia dự án là Limebócx, Những Đứa Trẻ và Chú Cá Lơ. Họ đã biểu diễn trong đêm nhạc mở màn cho chuỗi hoạt động của LiveSpace Vietnam tại sân khấu của Viện Pháp tại Hà Nội và đây sẽ là một trong những căn cứ để Hội đồng thẩm định đánh giá trong cuộc bầu chọn sẽ diễn ra vào tháng 10.2021. Dù được thành lập vài năm, nhưng các ban nhạc này đang gặp những vướng mắc nhất định về chuyên môn, về định hướng phát triển, cách giới thiệu, quảng bá tới khán giả… Có thể nói, họ vẫn đang tự mày mò trong quá trình sáng tạo. Lê Trang, thành viên nhóm Limebócx chia sẻ: “Trong quá trình làm về âm nhạc, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về nghệ thuật hay sáng tác và giới thiệu sản phẩm. Do đó, nhóm rất chờ đợi những workshop của LiveSpace Vietnam, để được các chuyên gia góp ý chuyên môn về biểu diễn, kỹ thuật âm thanh…”.

Lắng nghe những khó khăn của nghệ sĩ trẻ, ông Thierry Vergon cho rằng: “Chỉ trong một năm, dự án không thể giải quyết triệt để những vướng mắc của nghệ sĩ trẻ, nên chúng tôi mong muốn thực hiện dự án trong thời gian dài và hy vọng chương trình LiveSpace Vietnam được tổ chức thành công sẽ tạo cơ hội để nhân rộng dự án này trong khu vực Đông Nam Á, từ đó tạo ra sân chơi cho các nghệ sĩ đoạt giải của từng quốc gia giao lưu và chia sẻ niềm đam mê âm nhạc”.

“Gần đây, những nhóm nhạc trẻ xuất hiện và bắt đầu có chỗ đứng trong đời sống âm nhạc, dần được công chúng biết tới. Moonsoon cùng Viện Pháp tạo thêm cảm hứng, kiến thức và tự tin cho nghệ sĩ để họ tìm được nhiều cơ hội hơn. Những chương trình như vậy sẽ đóng góp để công nghiệp âm nhạc Việt phát triển, giao lưu được với thế giới”, nhạc sĩ Quốc Trung kỳ vọng.

 Nguồn: ANH MAI – Báo Điện tử Văn hóa

Những vai diễn hay nhất của tài tử “Điệp viên 007” Daniel Craig

VHO- Nói đến sự nghiệp của Daniel Craig chắc chắn không thể không nhắc tới vai diễn điệp viên James Bond. Với vẻ thâm trầm và gai góc, Craig đã thể hiện sắc sảo chân dung điệp viên tối mật của Anh.

Diễn xuất của anh đã giúp loạt phim đang gặp khó khăn trở nên ăn khách và đưa Craig lên hàng sao hạng A của màn bạc thế giới.

Trước Bond, Daniel đã có một bộ sưu tập các vai diễn lớn nhỏ, đa dạng về thể loại trong nhiều bộ phim, từ “Tomb Raider” đóng chung với Angelina Jolie đến vai nhà văn Ted Hughes trong “Sylvia”.

Dưới đây là những vai diễn đáng kể của Daniel Craig:

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 1

“The Invasion” (2007): Các nhà khoa học Carol Bennell (Nicole Kidman) và tiến sĩ Ben Driscoll (Daniel Craig) là hai người duy nhất biết về một đại dịch sắp xảy ra. Bộ phim tâm lý kinh dị nói về hành trình của hai nhà khoa học này khi họ cố gắng cứu thế giới trước khi mọi sự trở nên quá muộn.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 2

“Lara Croft: Tomb Raider” (2001): Craig đã đóng một vai phụ ấn tượng xuất hiện bên cạnh người đẹp Angelina Jolie – nữ chính của phim.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 3

Sylvia (2003): Trong bộ phim này, Craig vào vai người bạn đời quyến rũ của nữ nhà thơ thiên tài nhưng cũng đầy rắc rối trong tâm lý và đời sống – Sylvia Plath.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 4

“The Jacket” (2005): Người đàn ông bị mất trí nhớ Jack Starks (Adrien Brody) không thể hiểu lý do tại sao anh ta được tìm thấy tại hiện trường một vụ giết người, anh ta bị đưa đến một bệnh viện tâm thần, nơi đây, Jack phải chịu đựng sự đối xử tàn bạo. Trong bộ phim này, Craig diễn xuất bên những diễn viên tài năng của Hollywood.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 5

“Cowboys & Aliens” (2011): Bộ phim lấy bối cảnh năm 1873, một tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh đổ bộ xuống bang Arizona với tham vọng xâm chiếm Trái Đất. Những tay cao bồi miền Tây hoang dã đã chiến đấu vì mảnh đất của mình.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 6

“Spectre” (2015): Trong số các bộ phim làm về Điệp viên 007 thì “Spectre” là bộ phim ít được các nhà phê bình ưu ái. Đây là bộ phim về điệp viên James Bond cuối cùng mà đạo diễn người Anh Sam Mendes tham gia thực hiện.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 7

“Quantum of Solace” (2008): Phong thái điệp viên mà Daniel Craig đưa vào vai diễn đã trở nên rất hấp dẫn, thuyết phục đối với người xem. Đây là lần thứ 2 Craig vào vai điệp viên 007.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 8

“Love Is the Devil: Study for a Portrait of Francis Bacon” (1998): Đây là một bộ phim truyền hình của Anh kể về cuộc đời của họa sĩ Francis Bacon với sự tham gia của Daniel Craig, Tilda Swinton và Derek Jacobi.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 9

“Infamous” (2006): Bộ phim tiểu sử nói về nhà văn Truman Capote và quãng thời gian ông tiếp cận một vụ án để sáng tác nên cuốn tiểu thuyết “Cold Blood”. Trong quá trình ấy, Truman Capote đã nảy sinh những xúc cảm rất lạ lùng với… tên sát nhân.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 10

“Layer Cake” (2004): Daniel Craig vào vai một tay buôn ma túy. Anh ta đã quyết định từ bỏ cuộc đời tội lỗi của mình khi bị kéo vào nhiệm vụ cuối cùng: bắt cóc con gái của một tay nằm trong băng nhóm đối thủ.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 11

“The Girl With The Dragon Tattoo” (2011): Trong bộ phim tâm lý của đạo diễn David Fincher, Daniel Craig vào vai một nhà báo đến từ Thụy Điển. Anh hợp tác với một tin tặc để khám phá những bí mật xung quanh một người phụ nữ đột nhiên mất tích.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 12

“Skyfall” (2012): Bộ phim này được giới phê bình đánh giá là một trong những phần phim hay nhất trong lịch sử của sê-ri về Điệp viên 007. “Skyfall” cũng là một trong những phần phim thành công nhất về mặt doanh thu trong sê-ri, thu về hơn 1 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 13

“Casino Royale” (2006): Những lần Daniel Craig nhập vai điệp viên 007 đều “đốn tim” người xem.

Những vai diễn hay nhất của tài tử Điệp viên 007 Daniel Craig - 14

“Knives Out” (2019): Những tình tiết xung quanh cái chết của tiểu thuyết gia nổi tiếng Harlan Thrombey có rất nhiều điều mập mờ, khi thám tử Benoit Blanc (Daniel Craig) bắt tay vào giải quyết những nghi vấn, anh nhận thấy mỗi thành viên trong gia đình Thrombey đều có điều gì đó mờ ám.

Nguồn: DANTRI.VN

Triển lãm của những đứa trẻ đặc biệt

VHO- Vào ngày 15.1 tại Megan Gallery (Hà Nội), triển lãm tranh nghệ thuật của trẻ tự kỷ với tên gọi “Sắc màu- Những mảnh ghép” sẽ khai mạc và giới thiệu tới người xem hơn 40 bức tranh của 6 em nhỏ mắc chứng tự kỷ.

Hương Giang, Văn Duy, Tuấn Duy, Trung Hiếu, Quang Huy và Danh Lâm là những cây cọ nhí đáng yêu sẽ xuất hiện tại triển lãm. Không chỉ là những tác phẩm hội họa, mỗi bức tranh còn là một câu chuyện, phản ánh chân thật nhất cảm nhận của các em về thế giới xung quanh cũng như niềm đam mê, hăng say sáng tạo, sự tưởng tượng phong phú, tâm hồn bay bổng thông qua những bức hoạ về thiên nhiên, phong cảnh, các nhân vật hoạt hình hay những kỷ niệm gần gũi cùng gia đình. Điều đặc biệt là mỗi em nhỏ đều lựa chọn cho mình một cách rất riêng để thể hiện suy nghĩ, tình cảm với gia đình, bạn bè và thế giới xung quanh.

Các bức tranh  tại triển lãm đại diện phần nào cho thế giới của rất nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ khác đang cần được cả xã hội, quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ cũng như chấp nhận sự khác biệt; đồng thời trao cho các em cơ hội để có thể bộc lộ tài năng, thể hiện bản thân mình và đóng góp cho xã hội.

Họa sĩ “nhí” Vũ Đỗ Tuấn Duy ngay từ bé đã một đứa trẻ “đặc biệt”, đồ chơi của Duy cũng rất đặc biệt. Không phải là ô tô điều khiển từ xa hay những thứ mà bất cứ đứa trẻ con nào cũng thích, Duy chỉ có một niềm say mê với màu sắc những hộp màu sáp, màu chì hay những tập bản đồ Việt Nam và Thế giới chính là những “người bạn” của Duy. Những bức tường trong nhà chính là nơi mà Duy thể hiện niềm yêu thích với màu sắc. Cứ vừa tầm bắc ghế trèo lên là vẽ. Duy vẽ kín cả tường nhà. Gia đình, bố mẹ Duy nhận thấy niềm yêu thích đặc biệt của Duy với màu sắc cũng đã tìm đến với nhiều lớp học họa, xin cho Duy theo học. Tuy nhiên, cũng chỉ được vài buổi là phải thôi vì Duy thích vẽ theo cách của mình, và các lớp học vẽ cũng không quen với việc trong lớp có một đứa trẻ “đặc biệt”.

Qua một vài đồng nghiệp giới thiệu, gia đình đưa Duy đến với lớp học thiện nguyện của cô giáo, họa sĩ Lương Giang. Để được nhận vào lớp, Duy cũng phải trải qua một bài “sát hạch”, bức tranh Duy vẽ đã được cô Giang nhận xét là tốt và từ đó cho tới nay, cũng đã hơn một năm, Duy gắn bó với lớp, với Trung tâm Megan Art. Ở lớp thiện nguyện này, những đứa trẻ như Duy đã được các thầy cô chia sẻ yêu thương, chấp nhận khác biệt và dạy dỗ đồng hành, đồng thời tiếp thêm ngọn lửa là tình yêu với hội họa, để khơi dậy năng khiếu cũng là mở ra một đường hướng phát triển trong tương lai cho chính những đứa trẻ vừa khác biệt lại vừa đặc biệt như Duy…

Hay như cô bé Tô Đỗ Hương Giang, ở nhà được gọi là Nhím, câu chuyện gắn kết với hội họa cũng rất đặc biệt. Giữa năm 2010 bố mẹ Nhím phát hiện ra con mắc hội chứng tự kỷ. Nhím không phát triển ngôn ngữ, giao tiếp kém và tăng động, kém tập trung. Sau một thời gian, được sự can thiệp tích cực của các thầy cô và bố mẹ, Nhím đã có thể hiểu được những gì mọi người nói với mình và thể hiện được những nhu cầu tối thiểu của bản thân. Lúc này, Nhím cũng bộc lộ được sự yêu thích của mình với môn vẽ. Với những nét vẽ nguệch ngoạc Nhím có thể vẽ lên bất cứ thứ  gì mà con thấy.

Tình cờ mẹ Nhím biết đến lớp vẽ thiện nguyện ở Trung tâm Megan Art của cô Giang. Buổi đầu tiên khi đưa con đến học, mẹ rất lo không biết con có thể theo học được không. Nhưng thật bất ngờ, sau gần một năm theo học, từ những nét vẽ nguệch ngoạc, không biết cách tô màu, cô bé  đã có thể vẽ được những bức tranh hoàn chỉnh rất đẹp.

Có thể nói, triển lãm không chỉ nhằm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật mà hơn hết là nhằm định hướng giáo dục và việc làm tương lai cho nhóm trẻ có năng khiếu nghệ thuật; truyền cảm hứng cho các gia đình có con tự kỷ, khuyến khích chú ý, tạo cơ hội và phát huy năng lực của trẻ tự kỷ; thay đổi nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ theo hướng tích cực. 6 em nhỏ đều là học sinh trong lớp vẽ thiện nguyện của họa sĩ Lương Giang.

Triển lãm “Sắc màu – Những mảnh ghép” được họa sĩ Lương Giang đứng ra tổ chức sẽ kéo dài đến hết 28.2.2021. Đây như một món quà động viên cho các em nhỏ trên con đường trở thành những họa sĩ chuyên nghiệp trong tương lai.

Nguồn: NGỌC MINH – Báo Điện tử Văn hóa

Phim chuyển thể từ văn học kinh điển: Làm sao cho khéo?

VHO- Những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển là một hướng đi gặt hái được nhiều thành công của điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây. Đặc biệt, “cú hích” Mắt biếc của Victor Vũ đạt hơn 172 tỉ đồng doanh thu đã tạo niềm tin cho các nhà sản xuất thêm vững tâm bước vào địa hạt màu mỡ này.

Trong năm 2020 vừa qua, theo kế hoạch, có đến 4 tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ văn học: Kiều, Trạng Tí, Cậu Vàng và Số Đỏ… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mãi đến đầu năm 2021 mới chỉ có Cậu Vàng ra rạp.

Con dao hai lưỡi

Phim Việt chuyển thể từ tác phẩm văn học vốn đã được khai thác từ vài chục năm trước, nhiều tác phẩm gặt hái được thành công vang dội, chính vì thế, các nhà làm phim đương đại có hướng tiếp cận dễ dàng. Bên cạnh đó, phim chuyển thể rất dễ thu hút sự chú ý bởi các tác phẩm văn học kinh điển như Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng hay Truyện Kiều của Nguyễn Du… vốn đã quá nổi tiếng. Như vậy, bước đầu nhà sản xuất đã tạo được thương hiệu trong khi nhiều bộ phim khác phải dùng mọi cách để tiếp cận khán giả.

Song song với thuận lợi, việc chuyển thể từ các tác phẩm văn học vẫn luôn đặt ra cho nhà làm phim rất nhiều thách thức, nhất là khi khán giả ra rạp ngày càng khó tính. Số Đỏ tái hiện xã hội Việt Nam thời kỳ 1930-1945, Lão Hạc kể về cuộc sống người nông dân trước Cách mạng… nếu ê kíp sai sót bối cảnh xã hội, lịch sử lúc bấy giờ thì rất dễ bị phản ứng, trong khi việc phục dựng bối cảnh xưa của các đoàn làm phim luôn “vấp” phải nhiều khó khăn. Cùng với đó, khâu tạo hình nhân vật cũng là áp lực, khi mà những hình tượng như Thúy Kiều hay Xuân Tóc Đỏ… đã quá kinh điển, nên việc diễn viên hóa thân vào nhân vật sao cho đúng nhất, hay nhất vẫn là điều mà nhiều đoàn phim trăn trở. Đặc biệt, dòng phim chuyển thể phải có kịch bản tốt thì mới có thể khiến khán giả tin và thuyết phục được họ ra rạp. Nếu làm chưa “tới” sẽ gây “méo mó” các tác phẩm văn học vốn đã “nằm lòng” công chúng lâu nay. Chính vì thế, để cho ra đời một bộ phim thành công thì các nhà làm phim phải có sự chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng và mang tính dài hơi.

Với dự án phim điện ảnh Số Đỏ đang được nhiều khán giả mong đợi, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, bởi người xem đã biết trước diễn biến câu chuyện nên khi chuyển thể luôn cần có sáng tạo mới, không thể bê nguyên xi nguyên tác lên màn ảnh rộng, nhưng cũng không thể lồng ghép vào đó những chi tiết quá xa lạ, lạc lõng so với tổng thể chung bộ phim. Anh cũng nhấn mạnh, khi quyết định đến với dòng phim này, các nhà làm phim phải thật sự tỉnh táo, nhất là khi ngày một nhiều người mang cho mình suy nghĩ táo bạo “được ăn cả ngã về không”.

Hy vọng để rồi…

Sau bao khó khăn, đầu năm 2021 này, Cậu Vàng của cố NSND Bùi Cường đã chính thức ra mắt khán giả. Tưởng chừng sẽ làm nên “chuyện”, ngờ đâu ngay khi công chiếu bộ phim đã liên tiếp bị khán giả nhặt “sạn”. Nếu như những ngày đầu dự án phim dựa trên tác phẩm gắn liền với bao thế hệ học trò là Lão Hạc (Nam Cao) nhận được nhiều phản hồi tích cực, thì ngay sau đó đã “vấp” phải những dư luận trái chiều. Từ lâu, hình tượng con chó vàng của Lão Hạc nghèo khổ, đói khát đã ăn sâu trong tâm trí người Việt, nhưng việc đoàn làm phim chọn chú chó Shiba có ngoại hình mập mạp và không thuần Việt đã khơi nguồn cho nhiều tranh cãi…

Nhìn một cách tổng quan, Cậu Vàng chỉ lấy cảm hứng từ truyện ngắn của Nam Cao chứ không hoàn toàn trung thành với nguyên tác. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ nhà làm phim có quyền cải biên chất liệu văn học sao cho phù hợp với phim điện ảnh, cũng như thêm thắt, biến tấu để thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, với Cậu Vàng, mọi thứ dường như dư thừa, rời rạc và có phần lủng củng. Điểm sáng tạo mới của phim là nối dài câu chuyện về Vợ ba của Bá Kiến, cùng với đó là quá trình hoàn lương của Binh Tư. Thế nhưng, phim có quá nhiều tuyến nhân vật mà không có một nhân vật trung tâm dẫn dắt khiến cho mạch phim rời rạc hơn nữa. Những bi kịch nhỏ lẻ của Lão Hạc, Binh Tư hay người Vợ ba trở nên phân mảnh, không có mấu chốt, hay vai trò của những nhân vật như Bá Kiến, Ông giáo… càng về cuối phim lại càng mờ nhạt, và một cái kết mà khán giả không cần xem phim vẫn có thể đoán ra…

Cách xây dựng hình tượng nhân vật Cậu Vàng cũng có phần phi lý. Ví dụ trong cảnh đám người của Lý trưởng cầm gậy gộc đến nhà Lão Hạc để đòi nợ, chẳng hiểu sao chỉ cần một chú chó xông ra sủa vài tiếng là tất cả đều lùi lại và sợ hãi. Suốt bộ phim, chú chó hiện lên với “quyền lực” chẳng khác nào một vị anh hùng, một vị cứu tinh khi vừa bảo vệ chủ, cứu người, vừa thoát khỏi tay kẻ xấu và cầm đầu lũ chó hoang. Không dừng lại ở đó, xuyên suốt bộ phim là những tình tiết phóng đại quá sức đến mức phi lý về sự thông minh, gan dạ của Cậu Vàng.

Không chỉ yếu về nội dung, phần kỹ thuật cũng khiến người xem “ngao ngán”. Màu sắc lúc nóng lúc lạnh lộn xộn, hình ảnh nhiều phân cảnh bị vỡ, nhòe; đoạn kể về những khoảnh khắc tăm tối như giai đoạn người nông dân mất mùa, hay đoạn bị lũ cường hào ác bá bóc lột sưu thuế thì màu sắc và hình ảnh trong phim lại tươi sáng và thơ mộng như một hoài niệm về tình yêu…

Văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trước tình hình thiếu vắng ý tưởng kịch bản như hiện nay, thay vì remake lại những bộ phim của nước ngoài, thì xu hướng chuyển thể đưa các tác phẩm văn học nước nhà lên phim là điều cần thiết. Thế nhưng, để làm tốt dòng phim này, các nhà làm phim phải khai thác thật sự hợp lý nguồn “tài nguyên” để không gây lãng phí. Cốt lõi quan trọng nhất vẫn là kịch bản hay, chặt chẽ, logic và tìm được tiếng nói chung với khán giả, đặc biệt là lớp trẻ.

 Nguồn: HỒNG HẠNH – Báo Điện tử Văn hóa

Nghệ thuật biểu diễn: Làm sao để khán giả bỏ tiền mua vé?

VHO- Năm 2020 đã qua nhưng “di chứng” để lại vẫn tác động lớn đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị từ trung ương đến địa phương, nghệ thuật đã có những bứt phá và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận…

Tuy nhiên, từ những ý kiến chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2020 vừa qua, chúng ta hiểu rằng, dù bứt phá nhưng trên thực tế ngành nghệ thuật biểu diễn đã và đang tồn tại nhiều cái khó cần được tháo gỡ kịp thời.

Chính sách chưa theo kịp với thực tiễn

Điều khó khăn nhất đối với lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật hiện nay, theo Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN NSƯT Trần Ly Ly, chính là việc không được phép ký hợp đồng chuyên môn với các nghệ sĩ trẻ. “Ai cũng biết câu Thầy già con hát trẻ, vậy không được ký hợp đồng chuyên môn với các nghệ sĩ trẻ thì chúng tôi sẽ làm việc với ai đây?”. Bên cạnh đó, NSƯT Trần Ly Ly còn cho biết, số tiền đầu tư xây dựng cho một tác phẩm nghệ thuật được Bộ VHTTDL đặt hàng là tầm 2 tỉ đồng, một con số quá ít ỏi so với các show diễn ca nhạc thị trường.

Với các nhà hát nghệ thuật truyền thống thì bài toán thực hiện xã hội hóa cũng vô cùng gian nan. Một vở tuồng, chèo hay cải lương dẫu có được giải thưởng cao, được giới chuyên môn đánh giá tốt, nhưng để khán giả bỏ tiền ra mua vé lại là điều “bất khả thi”. NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương VN cho biết, trong năm 2020, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, các nhà hát trực thuộc Bộ đã được tham gia chương trình tái khởi động nghệ thuật sau dịch bệnh, rất nhiều tác phẩm chất lượng cao đã được biểu diễn tại các sân khấu lớn của Thủ đô. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời này, chắc chắn cán bộ, nghệ sĩ của các nhà hát sẽ còn lao đao khi mà hàng loạt các hợp đồng bị hủy bỏ, mọi hoạt động tổ chức biểu diễn bị tê liệt và khán giả thì chưa thực sự sẵn sàng có tư tưởng trở lại rạp hát.

Còn với các Sở VHTTDL địa phương, điều lo lắng nhất hiện nay là việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật vào mô hình trung tâm nghệ thuật hoặc trung tâm VHTTDL. Các trung tâm văn hóa chủ yếu phục vụ tuyên truyền mang tính quần chúng nên việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật vào sẽ dẫn tới hiện tượng nghiệp dư hóa. Đại diện Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết, có những nơi sau khi sáp nhập, người làm nghệ thuật chuyên nghiệp được trả lương “cào bằng” với người làm phong trào quần chúng; chế độ bồi dưỡng, tập luyện và thù lao cho nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống cũng không còn được ưu tiên nữa…

NSND Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ trăn trở, Quyết định 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã quá lạc hậu so với cuộc sống hiện tại. Nếu cứ áp dụng theo ba-rem này thì nghệ sĩ khó có thể sống được bằng nghề.

Vở “Cây gậy thần”, tác phẩm thử nghiệm kết hợp thành công giữa cải lương và xiếc của hai đơn vị Nhà hát Cải lương VN và Liên đoàn Xiếc VN

Muốn “giải vây” cần có những giải pháp căn cơ

Theo NSND Triệu Trung Kiên, khối nghệ thuật truyền thống đang rất cần những giải pháp chiến lược mang tính căn cơ. Ví dụ như “phương thuốc” hữu hiệu nhất hiện nay đối với tuồng, chèo, cải lương… là những dự án, đề án thật cụ thể đối với từng loại hình. Ngay như Dự án sân khấu học đường, nếu chỉ giới thiệu ở sân trường thì sẽ khó có thể giúp cho lớp trẻ hiểu một cách tường tận những giá trị đích thực của nghệ thuật dân tộc. Cần phải đưa các em tới nhà hát, nơi “thánh đường của nghệ thuật” để các em được thưởng thức một cách trọn vẹn, đầy đủ với mọi điều kiện về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và sân khấu. Nếu không làm một cách bài bản để giới trẻ có thể thấy được cái hay, cái đẹp thực sự của nghệ thuật truyền thống thì họ sẽ không bao giờ lưu tâm, nói gì mua vé đến nhà hát xem biểu diễn. Mặt khác, việc kết hợp giữa du lịch với ngành nghệ thuật biểu diễn đã được đưa ra, nhưng những cái “bắt tay” vẫn vô cùng lỏng lẻo. Đã tới lúc tất cả phải chung tay để sản xuất ra những tác phẩm mang tính đỉnh cao, quy tụ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc để giới thiệu vào các tour du lịch, thay vì việc giới thiệu đơn lẻ từng loại hình như hiện nay.

Một số ý kiến khác thì thấy cần có những hội đồng nghệ thuật chuyên ngành của từng loại hình, quy tụ những gương mặt sáng giá, am hiểu sâu rộng để có được đánh giá thật sự chính xác, công tâm cho từng tác phẩm hoặc các tiết mục biểu diễn trong các cuộc thi, liên hoan để xác định đâu là “khuôn vàng, thước ngọc” thực sự.

Ở góc độ hội chuyên ngành, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN cho rằng, Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn nên đề xuất nâng giá trị giải thưởng tại các cuộc thi và liên hoan để tạo động lực và kích thích sự sáng tạo cho các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ. Chia sẻ riêng với Văn Hóa, Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng Hoàng Thị Mai cho biết, để động viên các đơn vị nghệ thuật cũng như nghệ sĩ khi tham gia Cuộc thi sáng tác VHNT “Hải Phòng – Khát vọng vươn lên”, lãnh đạo TP Hải Phòng đã mạnh dạn chi thưởng hàng trăm triệu đồng cho cá nhân hoặc một tác phẩm sân khấu. Không những thế, địa phương này còn có những chế độ, chính sách ưu tiên cho nghệ thuật biểu diễn như Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”, tổ chức Hội nghị gặp gỡ tiếp xúc đặt hàng sáng tác với các tác giả sân khấu…

Chủ trì Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2020, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Pháp chế… và các đơn vị liên quan đều thấu hiểu những khó khăn của nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, để tháo gỡ không thể chỉ ngày một, ngày hai. Trước mắt, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Cục sẽ kiến nghị tăng cường hơn nữa công tác đầu tư cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Có cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm khuyến khích thế hệ trẻ theo học để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời thu hút các tài năng trẻ tâm huyết để xây dựng và phát triển lực lượng kế thừa trong sáng tác, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; Kiến nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục xem xét có phương án, chính sách hỗ trợ để các đơn vị nghệ thuật trung ương có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ; Đồng thời có văn bản gửi cơ quan quản lý địa phương có kế hoạch, biện pháp hỗ trợ kinh phí nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật công lập trên toàn quốc phục hồi, phát triển hoạt động biểu diễn trong năm 2021, đảm bảo kế hoạch biểu diễn phục vụ nhân dân.

Nguồn: THUÝ HIỀN – Báo Điện tử Văn hóa

Chuyện về những vở diễn một thời

VHO- Sau gần nửa thế kỷ, tác phẩm sân khấu Tania sẽ tái ngộ khán giả truyền hình qua kênh HTVC Thuần Việt trong những ngày đầu tiên của năm mới 2021. Vở diễn nước ngoài trên sân khấu kịch Kim Cương sẽ mang màu sắc mới mẻ, khác hẳn với những nhân vật mà nghệ sĩ “gạo cội” Kim Cương đã từng thể hiện…

NSND Kim Cương đã tâm sự về vở diễn trong chương trình “Chuyện về những vở diễn một thời” – một talkshow do HTVC sản xuất (biên tập Cẩm Linh, đạo diễn Hoàng Duẩn), có format mới lạ sẽ lên sóng vào thứ Bảy hằng tuần. Tại đây, các nghệ sĩ có dịp kể lại những vai diễn đã gắn bó với họ trong suốt quãng đời làm nghệ thuật, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả mộ điệu.

Tania lấy bối cảnh Liên Xô năm 1935 khi nhân vật chính chỉ còn 1 năm tốt nghiệp trường Y nhưng cô không quan tâm đến sự nghiệp học hành mà chỉ muốn anh người yêu Gecman là của riêng mình, với cô, tình yêu là tất cả. Dù Gecman đã nhắc cô: “Em không thể sống cuộc đời của anh được. Ngoài tình yêu thì em còn nhiều thứ phải làm, em cần có bạn bè, em cần có công việc, có cuộc sống riêng, nếu không, em sẽ không có hạnh phúc trọn vẹn”… Vì khuyên mãi người yêu không nghe lời nên Gecman đã đến với Maria, một người biết đồng cảm và sống vì người khác. Tình cờ Tania nghe được câu chuyện của chồng mình với Maria, cô đã lẳng lặng bỏ đi không nói lời từ biệt và Gecman mãi mãi không biết được Tania đang mang thai đứa con của anh. Cuộc sống của Tania thay đổi bắt đầu từ đây…

NSƯT Hữu Châu trong vai trò MC dẫn chuyện giao lưu với NSND Kim Cương

Khi Michelka, đứa con trai bé nhỏ của cô bị bạch hầu, cô muốn tự mình chữa trị cho con, nhưng cậu bé đã không chờ được mẹ cứu mình vì khi đi học cô chỉ lo để tâm vào chuyện yêu đương. Cảnh Tania lật từng trang vở để tìm cách chữa bệnh cho con thực sự xúc động và cũng là cao trào của vở diễn. Biến cố này đã thay đổi hoàn toàn con người Tania. Con trai mất, Tania dồn hết tâm trí vào công việc và trở thành bác sĩ lưu động ở Siberi. “Ở đâu tôi thấy mình là người có ích thì tôi sẽ đến đó”, Tania nói và cô đã đi một mình trong đêm bão tuyết để cứu một đứa trẻ bị bệnh bạch hầu. Nhưng cô đâu biết rằng thằng bé đó cũng có tên là Michelka và cha của đứa trẻ chính là chồng cũ của cô. Khi biết sẽ gặp lại Gecman, cô định bỏ đi nhưng “chưa gặp anh ấy mà đã đi thì cô là con người nhút nhát”. Và khi gặp anh, câu đầu tiên anh hỏi cô là “Tại sao ngày đó em bỏ đi?”…

Buổi trò chuyện giữa NSND Kim Cương và NSƯT Hữu Châu trong chương trình “Chuyện về những vở diễn một thời” có lúc bị gián đoạn do sức khỏe của nữ nghệ sĩ nhưng chị vui vẻ cho biết, sự thành công của vở diễn này là công sức của cả tập thể anh em diễn viên Đoàn kịch nói Kim Cương, và quan trọng nhất là NSND, đạo diễn Đoàn Bá, người có nhiều năm du học ở Liên Xô đã tạo nên cái hồn của vở diễn. “Anh mở đường cho chúng tôi đi vào kịch nước ngoài. Tôi rất mừng khi biết biên tập kênh Thuần Việt đã tìm và phát sóng lại vở diễn cách đây đã hơn 40 năm. Một kịch bản mà tôi rất tâm đắc, vở diễn không có một nhân vật phản diện nào, họ là người biết sai và chấp nhận sửa sai.

Tham gia chương trình “Chuyện về những vở diễn một thời”, các nghệ sĩ khách mời sẽ kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm trong quá trình tập luyện, biểu diễn, những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được khi làm nghề… Bên cạnh đó còn là những kỷ niệm vui buồn của đời nghệ sĩ. Mỗi số phát sóng sẽ có sự góp mặt của một nghệ sĩ “gạo cội” như NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết, NSND Kim Xuân, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Thanh Kim Huệ, NS Kim Hương,… và NSƯT Hữu Châu trong vai trò MC dẫn chuyện. Với hiểu biết sâu rộng về sân khấu và với giọng nói truyền cảm, NSƯT Hữu Châu đã dẫn dắt câu chuyện một cách mượt mà, để khán giả dễ dàng cảm nhận hơn khi thưởng thức lại những vở diễn mà mình hằng yêu thích. Đặc biệt, sau phần talk show, khán giả sẽ được xem lại toàn bộ những vở diễn này với phiên bản gốc đã được thu hình từ rất lâu.

Nguồn: THÙY TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Gameshow trẻ em:Tìm kiếm tài năng hay ăn theo?

VHO- Thời gian qua, Rap Kids Vietnam vấp phải nhiều tranh cãi khi dư luận cho rằng cuộc thi không phù hợp với con trẻ. Điều này không phải là vô cớ, khi những gameshow dành cho trẻ em trước đây vốn đã bộc lộ quá nhiều lỗ hổng. Tuy nhiên, bất chấp mọi ý kiến trái chiều, vừa qua, chương trình đã ra mắt tập đầu tiên.

Ngay sau khi phát sóng, công chúng tiếp tục chỉ trích, thậm chí kêu gọi tẩy chay cuộc thi, bởi lẽ từ giám khảo, sự đầu tư sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến chất lượng các tiết mục đều không nhận được sự đồng tình của đông đảo người xem, điều đó thể hiện ở con số 13.000 dislike (không thích), cao áp đảo so với số like (thích) là 1.500.

Liệu rap có dành cho trẻ?

Hầu hết khán giả cho rằng các thí sinh trong tập 1 kỹ năng rap kém, không tiết tấu, không nhịp, thậm chí còn như đang đọc thuộc lòng. Tuy nhiên, 2 giám khảo của chương trình là Cee Jay và Gemma lại hết lời khen ngợi mà không đưa ra những ý kiến đóng góp về chuyên môn rap cho thí sinh, khiến khán giả càng thất vọng hơn nữa. Thí sinh đầu tiên, Đỗ Diễm Sương đã biểu diễn tiết mục Kiều kết hợp chơi đàn tranh, mặc dù có ý tưởng sáng tạo nhưng cô bé nhiều lần mắc lỗi, off beat, biểu cảm lo lắng, thiếu tự tin. Thế nhưng giám khảo Cee Jay liên tục khen ngợi đây là phần thi “rất tuyệt vời”, “rất nhớ lời”, “con tỏa sáng hơn cả thầy”… Ngay sau đó, Gemma cũng đưa ra nhận xét tương tự.

Đặc biệt, sau tập đầu tiên, phần thi Nói dối như Cuội của thí sinh Tuấn Phong gây tranh cãi trên mạng xã hội. Công chúng nhận xét ca từ của phần thi không phù hợp với một thí sinh 5 tuổi. Cụ thể, trong bài có câu: “Không cha, không mẹ, không làm, ham chơi. Lừa ông quan huyện ra trước cửa, thế là có tiền để vui thôi”, “Về đến nhà lừa chú thím, đi ra đường lừa anh em”, “Nhưng mà gian dối thì có chừa được đâu, thế là Cuội nghĩ thêm trò để troll”… BTC cũng gây khó hiểu khi MC của chương trình là người nước ngoài, nói tiếng Việt bập bẹ, luôn phải đọc theo kịch bản và thường xuyên chen lẫn những câu tiếng Anh. Chưa kể, hiệu ứng ánh sáng và âm thanh trong chương trình cũng bị đánh giá rất tệ. Đến đây, nhiều người cho rằng cuộc thi thực sự không phải là “tìm kiếm tài năng rap” trong thế hệ thiếu nhi Việt Nam, mà là “ăn theo” sự nổi tiếng của các chương trình rap dành cho người lớn để thu lợi nhuận.

Thực tế, các chương trình rap đang nổi đình nổi đám hiện nay có không ít khán giả là thiếu nhi, thiếu niên. Cũng không thể phủ nhận tài năng của nhiều rapper khi có sự nhạy bén trong tư duy âm nhạc, sự phong phú về ngôn ngữ và khả năng ứng biến, tính sáng tạo cao. Nhưng bên cạnh đó, rapper Việt vẫn còn tồn tại những mảng tối, đó là những xu hướng tục, bậy trong ngôn ngữ rap, là sự “phóng túng” trong lối sống… Chính vì thế, nhiều bậc phụ huynh cũng lo ngại việc trẻ em phải sớm tiếp xúc với những mặt trái của rap, tuy nhiên, cũng có một số rapper thì cho rằng nên để các em thử sức để phát hiện tài năng, khuyến khích tư duy âm nhạc….

Cố ép chín để gặt non

Một hiện tượng khá phổ biến là khi một chương trình dành cho người lớn tạo dấu ấn, phía nhà sản xuất sẽ bắt tay thực hiện những format tương tự dành cho trẻ em. Nếu trước đây, các chương trình Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí… thay nhau chiếm sóng giờ vàng thì gần đây, các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi dần mở rộng phạm vi khai thác: Từ tập trung vào các chương trình thi ca hát, thời trang, người mẫu, trí tuệ đến talkshow chia sẻ, gameshow trải nghiệm thực tế… Bên cạnh việc phát hiện ra nhiều tài năng, nhân tố mới thì những bất cập vẫn luôn hiện hữu khi nhiều nhà sản xuất bất chấp tất cả để đặt lợi ích lên hàng đầu.

Chính vì thế, ngay khi nhạc rap “lên ngôi” nhờ sự xuất hiện của 2 chương trình đình đám là Rap Việt và King of Rap thì phiên bản nhí ngay lập tức ra đời. Thế nhưng, vốn dĩ rap xuất thân từ đường phố, nói lên những vấn đề nhức nhối của xã hội; lời rap thường là đúc kết từ kinh nghiệm sống của chính tác giả, điều mà trẻ em còn thiếu; người chơi rap phải tự sáng tác bài nhạc của mình, ít nhất là lời và flow (nhịp), nên điều này có lẽ đã quá tầm so với trẻ em.

Ở Nhanh như chớp nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Vua đầu bếp nhí, Thách thức danh hài… các em được người lớn dẫn dắt để thể hiện tài năng của mình về ca nhạc, đấu trí,… điều này đã giúp khai phá được tài năng của các em ngay từ sớm. Thế nhưng nhiều chương trình đã đặt nặng chuyện thắng, thua, phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý non nớt của trẻ, vô hình trung tạo áp lực cho các em; hay nhiều khán giả tỏ ra không bằng lòng khi thấy các em ca những tình khúc bolero mùi mẫn chuyện yêu đương, thất tình hay thể hiện những bước nhảy điêu luyện với trang phục quá hở hang, gợi cảm, thậm chí là cách nói chuyện có phần “trả treo” với người lớn… làm mất đi sự hồn nhiên vốn có của con trẻ. Đó là chưa kể hầu hết chỉ dừng ở khuôn khổ cuộc thi, điều này dẫn đến hiện tượng nhiều em có tiềm năng, triển vọng nhưng không đủ điều kiện phát triển đã phải dừng lại hoặc đi sai con đường của mình. Mặt khác, hiện tượng “ép lúa chín non” như hiện nay sẽ khiến các tài năng nhí rơi vào tình trạng “sớm nở tối tàn”, sao nhãng việc học tập để chạy theo “show diễn” và nhiều hơn nữa những hệ lụy đáng buồn khác.

Sân chơi cho trẻ em là cần thiết, để các em được thỏa sức khám phá và phơi bày những khả năng tiềm tàng của bản thân. Thế nhưng, làm sao cho đúng, sao cho phù hợp thì vẫn là điều mà nhiều nhà sản xuất bỏ ngỏ, khi mà họ chỉ mải mê “chạy” theo số “view”, “like” để thu lợi nhuận trước mắt.

 Nguồn: HỒNG HẠNH – Báo Điện tử Văn hóa

Vì sao “ngọc quý” chưa thể tỏa sáng?

VHO- Từ nhiều năm nay, câu chuyện tồn tại và phát triển của nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại luôn là bài toán khó không chỉ đối với giới nghệ sĩ mà cả với những nhà quản lý văn hóa. Dù thực tế nghệ thuật dân tộc đã nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện nhưng dường như những “viên ngọc quý” vẫn chưa thể tỏa sáng!

Trong dòng chảy như vũ bão của cơ chế thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp, sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch hát dân tộc… đang thật sự bấp bênh và “èo uột”.

Chỉ có thể diễn miễn phí

Điểm qua một số nhà hát “anh cả” cũng có thể thấy những thời khắc “đỏ đèn” vô cùng thưa thớt và hầu như đều diễn miễn phí hoặc bán vé với giá… tượng trưng. Ấy thế mà người xem cũng rất khiêm tốn! Khán giả không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống nên các nghệ sĩ không thể sống được bằng nghề. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến một vài loại hình có nguy cơ “chết yểu” do không có lực lượng kế cận.

Một trong những yếu tố khó khăn nhất để bảo tồn và phát triển những bộ môn văn hóa đặc sắc của dân tộc là nguồn lực kế cận, từ lâu vẫn là bài toán khó chưa có lời giải thỏa đáng. Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội là đơn vị đào tạo nghệ thuật truyền thống hàng đầu của nước ta cũng rất khó khăn trong công tác tuyển sinh cho ngành Kịch hát dân tộc. Từ 10-15 năm trở lại đây, bộ môn Chèo và Cải lương mặc dù có đông thí sinh đăng ký, nhưng cũng chỉ dừng lại ở con số 15. Để bảo đảm đầu vào, nhà trường đã kết hợp với các nhà hát xuống tận địa phương để tìm nguồn, nhưng nhiều gia đình dứt khoát không đồng ý cho con em theo học, bởi họ sợ theo nghề này thì thu nhập bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống. Thực tế, các em khi ra trường chỉ có khoảng 50-60% làm nghề và theo nghề, còn sống được bằng nghề lại là câu chuyện khác.

Nhà nước cũng đã có nhiều cơ chế ưu đãi đối với nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống như: Miễn giảm học phí, tạo đầu ra, mở rộng điều kiện học tập, trau dồi nâng cao trình độ và các chính sách ưu tiên khác… Bên cạnh đó, những năm gần đây, các Sở, ban, ngành đã cùng chung tay xây dựng mô hình liên kết du lịch với nghệ thuật và đã áp dụng rất hiệu quả ở nhiều nơi. Những vở diễn sân khấu được thường xuyên tổ chức biểu diễn, giới thiệu đến khán giả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều rằng, chúng ta vẫn chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu khán giả. Do đó, việc “trải thảm đỏ” để hút các thí sinh vẫn không mấy hiệu quả.

Một thực trạng nữa là việc tạo thương hiệu cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống còn hạn chế bởi không có rạp biểu diễn, công tác quảng cáo chưa thực sự được quan tâm. Một số đơn vị có rạp như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… bước đầu đã tạo dựng được thương hiệu với những chương trình định kỳ, ví dụ như Chiếu Chèo (tối thứ 6 hằng tuần) của Nhà hát Chèo Việt Nam đã được duy trì từ năm 2013 đến nay, Năm Cung Chèo (tối thứ 4 hằng tuần) đã được duy trì từ cuối năm 2018. Mặc dù vẫn phải bù lỗ nhưng đã tạo thói quen cho khán giả biết về lịch biểu diễn thường kỳ. Đó là ưu thế của những Nhà hát có rạp biểu diễn riêng. Còn đối với những đơn vị không có rạp, việc hình thành các chương trình như vậy quả là rất khó khăn bởi còn vướng mắc về nguồn kinh phí thuê địa điểm, liệu có thu đủ để bù chi?

Bên cạnh đó, vấn đề quảng bá hình ảnh của các Nhà hát chưa thực sự được quan tâm. Trong thời đại của công nghệ, chúng ta cần biết tận dụng những thế mạnh của Internet để kết nối với khán giả. Việc lập ra website, fanpage, kênh youtube riêng là điều cần thiết. Nhưng cần thiết hơn là phải có đội ngũ làm marketing chất lượng, có tư duy và biết cách thu hút khán giả. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ đối với các Nhà hát, bởi để có được nguồn nhân lực làm công việc này hoàn toàn không phải dễ.

Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp nhưng nghệ thuật truyền thống vẫn chưa thể phát triển như mong muốn. Trong ảnh: Một cảnh của vở diễn Trung thần (Nhà hát Tuồng Việt Nam)

Không phải chuyện một sớm một chiều…

Theo quan điểm của cá nhân người viết, để bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị của nghệ thuật truyền thống là việc làm không thể nóng vội, một sớm một chiều mà thành công. Với kinh nghiệm của hơn 40 năm trong nghề, xuất phát từ vị trí của một diễn viên cho đến vị trí của người làm quản lý, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước và của nghề từ khi hoàng kim đến lúc thoái trào, tôi xin đề xuất một số chính sách mà Nhà nước cần dành cho nghệ thuật truyền thống:

Một là, cần phải đặt văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống, nghệ thuật truyền thống về đúng vị thế “soi đường cho quốc dân đi”, thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hai là, ngành Văn hóa và ngành Giáo dục cùng phối hợp để đưa văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào nhà trường như một môn học chính thức để tạo gắn kết và cũng là tiền đề để tìm ra những tài năng nghệ thuật cho tương lai. Ba là, cần có thiết chế “cứng” để kết hợp chặt chẽ văn hóa truyền thống với du lịch, giúp các đơn vị nghệ thuật có “đất sống”, chỉ việc tập trung nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ khán giả. Bốn là, đầu tư kinh phí hằng năm cho nghệ thuật truyền thống trong công tác truyền thông, quảng bá để các hoạt động của đơn vị được đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế, đặc biệt là với giới trẻ. Năm là, tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho nghệ sĩ làm nghệ thuật truyền thống để họ yên tâm làm nghề. Sáu là, bảo trợ cho nghệ thuật truyền thống, cụ thể như hỗ trợ phục dựng các vở diễn, trích đoạn cổ, như là sản phẩm do Nhà nước đặt hàng để bảo tồn, gìn giữ, đồng thời có thể quảng bá những chương trình mang yếu tố “văn hóa thuần Việt” tới du khách trong nước và quốc tế; hỗ trợ điểm diễn thường xuyên cho các loại hình nghệ thuật truyền thống để tạo thói quen thưởng thức cũng như điểm đến quen thuộc cho khán giả.

Trong thời đại ngày nay, hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, trong đó có việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Muốn nghệ thuật truyền thống được trở về với thời hoàng kim của nó, hoặc chí ít là tồn tại và phát triển một cách bền vững, đòi hỏi các nhà làm chính sách phải thực sự tận tâm, tận lực để tham mưu những cơ chế khả thi, hữu ích nhất cho Nhà nước; và quan trọng không kém là sự nỗ lực, nhiệt huyết của các nghệ sĩ và sự chung tay của toàn xã hội.

 Để bảo đảm đầu vào, nhà trường đã kết hợp với các nhà hát xuống tận địa phương để tìm nguồn, nhưng nhiều gia đình dứt khoát không đồng ý cho con em theo học, bởi họ sợ theo nghề này thì thu nhập bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống. Thực tế, các em khi ra trường chỉ có khoảng 50-60% làm nghề và theo nghề, còn sống được bằng nghề lại là câu chuyện khác.

NSND NGUYỄN THỊ BÍCH NGOAN