Chương trình “Giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2020”

VHO- Được sự đồng ý của Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật “Giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2020” trong hai ngày 05 và 06.01.2021 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 

Tham dự Chương trình có 61 nghệ sĩ tài năng trẻ và 8 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã đoạt Huy chương Vàng, giải Nhất, giải Xuất sắc tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong năm 2020 vừa qua. Đây là lần thứ hai, Cục Nghệ thuật biểu diễn và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình giới thiệu gương mặt nghệ sĩ nhằm quảng bá, giới thiệu đến đông đảo công chúng những đóng góp của những nghệ sĩ xuất sắc trong năm 2020 – một năm đầy khó khăn và biến động do thiên tai lũ lụt và dịch bệnh Covid-19. Chương trình nhằm tôn vinh các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ sân khấu, nghệ thuật truyền thống đã có những đóng góp cho sự bảo tồn, phát huy sân khấu, nghệ thuật truyền thống.

Chương trình quy tụ của các nghệ sĩ trẻ đoạt Huy chương Vàng tại các cuộc thi tài năng trẻ ở nhiều loại hình sân khấu

Cũng trong dịp này, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung Ương, Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các Hội nghề nghiệp sẽ gặp gỡ, trao đổi với các nghệ sĩ. Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho 46 nghệ sĩ trẻ tiêu biểu. 19h30 tối 6.1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2020”. Chương trình dự kiến sẽ giới thiệu đến khán giả những tiết mục đặc sắc đã đoạt giải ở những loại hình nghệ thuật khác nhau như: Tiết mục Mashup Lắng đọng tinh hoa với sự tham gia của các nghệ sĩ Tuồng, Cải Lương, Chèo, Kịch, Múa đã đoạt Huy chương Vàng cùng trình diễn theo nhân vật trong đại cảnh tổng thể; Độc tấu đàn bầu (Nhật Minh, giải Nhất – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam); Mashup Liên khúc các điệu Lý Cải Lương; Tiết mục tổng hợp tương tác DJ điện tử – Nhị – Thập Lục – Ballet- Hiphop – Danspor; Piano: Dòng thời gian, Đừng ngại ngùng

Chương trình “Giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2020” hứa hẹn đem đến cho công chúng một chương trình nghệ thuật hấp dẫn và đầy ý nghĩa, đồng thời cũng là dịp để cổ vũ, động viên các nghệ sĩ trẻ tiếp tục có những sáng tạo, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Chương trình được phát trực tiếp trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và fanpage Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Nguồn: HIỀN LƯƠNG; ảnh: LÊ THỦY (Báo Điện tử Văn hóa)

“Sởn gai ốc” trước những tác phẩm “body-painting” vẽ trong cái lạnh 0 độ

Dân trí – Trong hơn 2 tuần, nhóm nghệ sĩ đã thực hiện những tác phẩm “body-painting” với bối cảnh ở quần đảo Lofoten, chấp nhận thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ quanh mức 0-4 độ C.
30-1604927411488 Tháng 9/2020, nữ nghệ sĩ “body-painting” Vilija Vitkute và các cộng sự đến thăm quần đảo Lofoten (Na Uy), nơi có khí hậu lạnh giá của vùng Bắc Cực. Cùng với các cộng sự của mình, nữ nghệ sĩ Vitkute muốn thực hiện dự án “Ký ức của nước” để nói về bản chất cốt lõi của con người và mối liên hệ của con người với nước.

Cùng với nữ vũ công Małgorzata Suś và nhà làm phim tài liệu Linnea Grimstedt, họ đã thực hiện dự án của mình tại quần đảo Lofoten, bởi nơi đây có sự yên bình, tĩnh lặng rất hoàn hảo để họ có thể tiến hành dự án nghệ thuật.

Trong hơn 2 tuần, họ đã thực hiện những tác phẩm “body-painting” với bối cảnh quần đảo Lofoten, chấp nhận thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ chỉ ở quanh mức 0-4 độ C. Họ làm việc mỗi ngày hơn 12 tiếng đồng hồ để tìm được bối cảnh, chờ đợi thời điểm ánh sáng phù hợp, và còn phải cầu mong sự hợp tác của… thời tiết, họ phải tranh thủ vẽ “body-painting”, ghi hình, chụp hình…

Nữ nghệ sĩ Vilija Vitkute phải vẽ thật nhanh, thật tập trung, để người mẫu Małgorzata Suś không bị lạnh quá lâu, và ánh sáng, màu sắc của cảnh vật cũng không bị thay đổi quá nhiều.

Những tác phẩm “body-painting” hòa nhập vào bối cảnh như thế này chỉ có thể tạo được hiệu ứng hoàn hảo từ một góc nhìn duy nhất, cần phải được chụp hình và quay phim từ góc nhìn chính xác đó mới có thể thấy được những điều kỳ diệu, ấn tượng của nghệ thuật “body-painting”.

Trong những năm tháng tới đây, dự án “Ký ức của nước” sẽ tiếp tục đưa nhóm nghệ sĩ đi tới nhiều quốc gia và vùng đất trên thế giới.

“Sởn gai ốc” trước những tác phẩm “body-painting” vẽ trong cái lạnh 0 độ:

38-160492741140937-160492741139935-160492741144933-160492741144732-1604927411442

Bích Ngọc
Theo Bored Panda

Không khí Giáng sinh tại nhiều nước trên thế giới giữa đại dịch Covid-19

VOV.VN – Dù đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới vẫn chuẩn bị chào đón Lễ Giáng sinh theo nhiều cách riêng.
 

Gameshow Siêu trí tuệ Việt Nam và Ký ức vui vẻ: Không chỉ là giải trí

VHO- Lên sóng trong cùng một thời điểm, hai chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam và Ký ức vui vẻ là sự khác biệt hoàn toàn so với các gameshow hài hiện nay. Trong khi Siêu trí tuệ Việt Nam tôn vinh trí tuệ của những người có khả năng phi thường thì Ký ức vui vẻ là sự tái hiện lại một thời vàng son rực rỡ của các nghệ sĩ gạo cội…

“Ký ức vui vẻ” đưa người xem trở về với những dấu ấn của một thời đã xa

Dù đã trải qua mấy mùa phát sóng, nhưng cả hai vẫn “hút” khán giả đến lạ kỳ và thực sự tạo nên “hiện tượng” trên sóng truyền hình.

Giải trí bằng trí tuệ

Đã khá lâu ở mảng gameshow và truyền hình thực tế Việt mới có một chương trình chinh phục khán giả bởi những màn thi đấu hấp dẫn đỉnh cao, khiến người xem “mắt chữ A, mồm chữ O”, đi từ ngạc nhiên đến nể phục trước những tài năng trí tuệ siêu phàm. Lần đầu tiên xuất hiện một khái niệm “Giải trí bằng trí tuệ”, nơi những người bình thường có khả năng làm nên điều phi thường thông qua những thử thách không tưởng, Siêu trí tuệ Việt Nam là một màu sắc đặc biệt trong thị trường gameshow đang bão hòa hiện tại. Đặc biệt, không đơn thuần chỉ để nói về tài năng mà nhiều gương mặt tham gia còn truyền cảm hứng cho khán giả.

Khi mùa đầu tiên của chương trình khép lại, nhiều người lo ngại mùa thứ hai sẽ kém hấp dẫn bởi có thể đã… cạn nhân tài và nhà sản xuất buộc phải “câu khách” bằng những chiêu trò như lối mòn của các gameshow khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chương trình không chỉ giữ lại cái hay vốn có mà càng trở nên thu hút hơn bởi ngày một nhiều ẩn số, tài năng được khai phá.

Nguyễn Thục Nữ, nữ thí sinh duy nhất tham gia đấu trí trong tập 2 của Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2, đã gây ấn tượng khi xuất sắc vượt qua từng thử thách “khó nhằn”. Với niềm đam mê đọc sách, Thục Nữ là “thư viện sống” đáng ngưỡng mộ khi mới 24 tuổi đã đọc hết 1.000 tác phẩm của hơn 200 tác giả trên khắp thế giới bằng 16 thứ ngôn ngữ khác nhau. Nếu so với tốc độ đọc của người Việt Nam thì phải mất 833 năm một người bình thường mới có thể đọc hết toàn bộ số sách này.

Còn Thái Tân (họa sĩ vẽ 3D cho game, phim, sống và làm việc tại TP.HCM) nhận thử thách từ chương trình tìm ra 3 ô vuông có tọa độ từ 28 triệu điểm màu khác nhau, thuộc 28 ô vuông. Từ hoang mang đến thán phục, Thái Tân đã khiến người xem vỡ òa cảm xúc, điều mà tưởng chừng như không thể làm được thì chàng trai trẻ này lại vượt qua nó một cách dễ dàng. Thế nhưng, đặc biệt nhất có lẽ là Thành Đạt với thử thách mà chưa ai từng chinh phục tại Siêu trí tuệ Việt Nam mang tên “Chòm sao tri thức” đã mang lại cho người xem những phút giây lặng người, thót tim. Sau phần thi đầy thuyết phục, cậu đã thiết lập kỷ lục khi sở hữu số điểm tuyệt đối 150 đầu tiên tại Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2.

Và còn rất nhiều những trí tuệ Việt phi thường khác, tất cả họ mang đến cho người xem sự trải nghiệm tuyệt vời của tri thức, khám phá ra những điều “không tưởng” của bộ não con người. Minh chứng cho sức hút của chương trình là lượt xem “khủng”, trung bình mỗi số đều đạt từ 10 triệu views trở lên và liên tục lọt vào “Danh sách thịnh hành” của Youtube Việt Nam. Kết hợp khá hài hòa giữa yếu tố giải trí và giáo dục, khán giả tìm đến Siêu trí tuệ Việt Nam không chỉ đơn thuần xem cho vui, mà ở đó còn là cơ hội để học hỏi, cơ hội để khai phá, đánh thức những tài năng còn đang “ngủ quên”.

Dàn khách mời thực sự kinh ngạc trước trí tuệ “siêu phàm” của các thí sinh

Khơi dậy những ký ức tươi đẹp của một thời đã qua

Chương trình Ký ức vui vẻ mùa 3 cũng vừa quay trở lại với một cách thể hiện mới. Thay vì chỉ tái hiện, giới thiệu lại các ký ức, kỷ niệm, nhân vật, đồ vật, bối cảnh… trên sân khấu như trước, Ký ức vui vẻ mùa này đã mở rộng thêm việc ghi hình ngoại cảnh với Chuyến xe ký ức, đưa nghệ sĩ đi thực tế đến tận nơi để trải nghiệm và giới thiệu cuộc sống, văn hóa nhiều vùng miền trên khắp Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của NSND Hồng Vân, NSND Tự Long, NSƯT Tiến Luật, diễn viên trẻ Thanh Duy. Các khách mời cũng là những nghệ sĩ “gạo cội” như: Nhóm Líu Lo (NSƯT Thành Lộc, Thanh Thủy, Bạch Long, Đình Toàn, Hoàng Trinh), NSND Lệ Thủy, ca sĩ Minh Tuyết, nghệ sĩ Mạc Can… Với nội dung mang tính hoài niệm, gợi nhớ lại những miền ký ức, những dấu ấn thanh xuân tươi đẹp qua nhiều thập niên, chỉ với 90 phút phát sóng, Ký ức vui vẻ không chỉ kết nối các thế hệ khán giả mà còn đưa họ quay lại các dấu mốc đặc biệt từng trải qua trong cuộc đời. Không phải nhắc lại để ôn nghèo, kể khổ về một thời khó khăn xa xưa, mà thông qua đó, Ký ức vui vẻ giúp mọi người nhìn lại quá khứ để sống tốt hơn với hiện tại và tương lai, để nhắc nhớ những điều tốt đẹp, những thanh xuân đầy nhiệt huyết tuổi trẻ vẫn còn “sống” mãi trong mỗi người chúng ta.

Trước đó, gameshow này cũng nhận giải Chương trình Văn hóa – Khoa học xã hội – Giáo dục ấn tượng tại lễ trao giải VTV Awards 2019. Mùa đầu tiên, Ký ức vui vẻ đã mời những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn – thể – mỹ Việt Nam ở nhiều thời kỳ đến hội ngộ cùng khán giả truyền hình, như vận động viên thể hình Lý Đức, NSND Thu Hiền, nhạc sĩ Thế Hiển… Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng như khán giả còn có được trải nghiệm thú vị khi tận mắt nhìn ngắm và chạm vào những tài sản có giá trị lớn một thời, gần như chỉ “đại gia” mới được sở hữu, như chiếc bàn ủi con gà “chạy” bằng than, đôi dép nhựa Tiền Phong “chưng diện” cùng mũ cối, áo “na-tô”, xe đạp Thống Nhất – niềm khao khát của bao thanh niên thuở bấy giờ… Có thể nói, Ký ức vui vẻ là chương trình truyền hình hiếm hoi cân bằng giữa yếu tố giải trí và giá trị nhân văn, giúp người xem, nhất là giới trẻ, hiểu biết thêm về đời sống, văn hóa của các thập niên trước, từ đó trân trọng hơn cuộc sống hiện tại.

Nếu như trước đây, gameshow chỉ mang tính giải trí, thì hiện nay nó đã bước lên một tầm cao mới, đó là văn hóa, là giáo dục, là trí tuệ, là nhân văn… “Đánh trúng” điểm này nên Siêu trí tuệ Việt Nam và Ký ức vui vẻ đã chinh phục khán giả, “thổi” một làn gió mát lành vào đời sống văn hóa khi các chương trình giải trí, gameshow đang ở giai đoạn “vàng thau lẫn lộn”.

 Nguồn: HỒNG HẠNH – Báo Điện tử Văn hóa

“Trạng Tí phiêu lưu ký”: Hé lộ những thước phim với kỹ xảo đỉnh cao

VHO – Sáng 18.12, Ngô Thanh Vân và Studio68 bất ngờ tung trailer chính thức cho phim điện ảnh Trạng Tí phiêu lưu ký, mở ra chuyến phiêu lưu đến thế giới thần tiên kỳ ảo của bộ tứ Tí – Sửu – Dần – Mẹo với đồ họa thú vị, làm mãn nhãn người xem.

Kể từ khi công bố chuyển thể bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt lên màn ảnh rộng vào 4 năm trước, phim điện ảnh Trạng Tí phiêu lưu ký của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã khiến khán giả hào hứng mong chờ. Hôm nay 18.12, Studio68 tiếp tục gây trầm trồ cho khán giả khi ra mắt poster và trailer chính thức của Trạng Tí phiêu lưu ký, hé lộ chuyến phiêu lưu vượt ngoài trí tưởng tượng của bộ tứ Tí – Sửu Dần – Mẹo nhằm giải đáp bí ẩn về ba Tí.

Poster chính thức của Trạng Tí phiêu lưu ký

Trong hình ảnh mới được công bố, bộ tứ cùng hai nhân vật mới là Mùi và Tiểu Tị đã chính thức được giới thiệu. Hình ảnh nhân vật trong poster cũng thể hiện tính cách đặc trưng của từng bạn nhỏ. Ánh mắt tràn ngập hy vọng của Tí, vẻ mặt ngô nghê của Dần Béo cùng những nét e dè, hơi sợ sệt của Sửu và Mẹo, tất cả báo hiệu những thử thách khó khăn đang chờ đón nhóm trong chặng đường tìm kiếm sự thật. Sau teaser tập trung giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam, trailer Trạng Tí phiêu lưu ký mang khán giả đến một thế giới kỳ ảo được nhà sản xuất xây dựng bằng kỹ xảo CGI với chất lượng đỉnh cao. Đoạn trailer bắt đầu với những lời trêu chọc của bọn trẻ trong làng dành cho Tí vì sự tích lạ thường về sự ra đời của cậu. Với quyết tâm minh cho mọi người thấy mẹ con Tí đã nói sự thật, bộ tứ cùng nhau khăn gói lên đường tìm thầy Thích Thông Tuệ – người được dân làng tin rằng am hiểu hết tất cả mọi thứ trên đời.

Những hình ảnh đầu tiên của Trạng Tí phiêu lưu ký vừa được công bố sáng 18.12

Trên đường đi, nhóm bất ngờ bị bọn sơn tặc bắt giữ và ép buộc tham gia một thử thách mà có thể đánh đổi bằng cả tính mạng tại hang Thần Hổ. Bằng kỹ năng võ thuật phi thường, Tiểu Tị đã xuất hiện và đối mặt với bọn cướp để giải cứu nhóm.
Trailer kết thúc bằng câu hỏi oám oăm của hai ông Thần giữ cổng mà bộ tứ phải đối mặt để vượt qua: “Một kẻ dối lừa, một người chân thật, ngươi hỏi một câu, chọn chìa khoá sống.”. Liệu với trí thông minh của mình, Tí có trả lời được câu hỏi và tiến gần hơn với sự thật mà mình đang tìm kiếm?

Thế giới thần tiên kỳ ảo của bộ tứ Tí – Sửu – Dần – Mẹo trong Trạng Tí phiêu lưu ký

Trạng Tí phiêu lưu ký hứa hẹn sẽ mang đến một trải nghiệm điện ảnh khó quên cho khán giả với những cảnh hành động máu lửa và vô cùng ấn tượng, cùng với khung cảnh đẹp hút hồn tại một thế giới kỳ ảo được nhà sản xuất đầu tư công phu qua hình tượng Thần Hổ và hai ông Thần giữ cổng…
Dù chỉ kéo dài trong 2 phút 45 giây nhưng trailer đã mang khán giả đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đặc biệt, trailer cũng giới thiệu sự xuất hiện của những diễn viên gạo gội sẽ tham gia trong Trạng Tí phiêu lưu ký như nghệ sĩ Trung Dân, Phi Phụng, NSƯT Trung Anh, NSƯT Quang Thắng, Lê Huỳnh, Hiếu Hiền, Oanh Kiều, Xuân Nghị và Hoàng Phi.
Trạng Tí phiêu lưu ký đánh dấu sự kết hợp lần đầu tiên của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Bộ phim mang thể loại Phiêu lưu – Tình cảm – Kỳ ảo, dành cho mọi lứa tuổi, và tác phẩm phù hợp cho các gia đình vào dịp Tết năm nay.
Trạng Tí phiêu lưu ký do bốn diễn viên nhí Huỳnh Hữu Khang, Phan Bảo Tiên, Vương Hoàng Long và Trần Đức Anh thủ vai chính, dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc vào Mùng 1 Tết 2021 (nhằm ngày 12.2.2021).

Nguồn: T.TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Về thăm ngôi làng duy nhất thêu long bào ở Hà Nội

VHO- Làng thêu Đông Cứu (huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với sản phẩm thêu tay độc đáo, đòi hỏi “ngón nghề” điêu luyện của những người thợ tài hoa, đó là trang phục của các vua quan.

Từ trung tâm Hà Nội, xuôi về phía nam khoảng 15km theo quốc lộ 1A, không khó để hỏi thăm làng Đông Cứu thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội, nơi nổi tiếng với nghề thêu long bào từ khoảng thế kỷ 17.

Đặc trưng ở làng thêu Đông Cứu đó là thêu kim tuyến trên long bào, hay còn được gọi là lối thêu cổ.
Đặc trưng ở làng thêu Đông Cứu đó là thêu kim tuyến trên long bào, hay còn được gọi là lối thêu cổ

Ở Đông Cứu, người nghệ nhân sử dụng sợi kim tuyến để thêu các đường bao và đường viền của họa tiết như vẩy rồng, vân mây, họa tiết trang trí… tạo cảm giác bắt mắt hơn rất nhiều so với chỉ màu thường.

Một người thợ muốn thành thạo được lối thêu cổ thì phải học nghề ít nhất 5 năm.
Một người thợ muốn thành thạo được lối thêu cổ thì phải học nghề ít nhất 5 năm

Gia đình anh Vũ Văn Giỏi đã trải qua 5 đời làm nghề thêu và theo anh Giỏi, thêu trang phục cung đình phải tuân thủ theo rất nhiều quy tắc. Chẳng hạn, long bào của Vua dù có thêu bao nhiêu mũi thì các mũi phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài. Chỉ thêu long bào phải là chỉ se hai chiều. Trong khi áo Hoàng hậu lại là chỉ se một chiều. Riêng long bào của Vua, mỗi gam mầu lại có năm sắc độ khác nhau, cho nên phải dùng khoảng 200 mầu chỉ thêu. Đấy là chưa kể một loạt kỹ thuật đặc biệt được ứng dụng trong thêu những họa tiết khó, phức tạp.

Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi bật mí: Thêu nghệ thuật thì người nghệ nhân có thể tự do sáng tác, nhưng thêu Cung đình lại đòi hỏi bắt buộc theo lề lối khác biệt hẳn với thêu thông thường. Chỉ hoàn toàn bằng tơ tằm mà mỗi một trang phục lại phải dùng một loại chỉ khác nhau, không loại nào giống loại nào.

Chỉ nguyên liệu đã vậy, lối thêu cũng hoàn toàn khác biệt. Mỗi hoa văn, họa tiết có cách thêu khác nhau và đòi hỏi tỉ mỉ từng chi tiết, màu sắc cũng phải uyển chuyển, hài hòa theo ngũ sắc thời xưa, thiên nhiên có màu sắc gì thì trong đó phải có màu sắc đó. Bản thân nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã nghiên cứu, phục dựng cách thêu Cung Đình từ năm 1993 đến năm 1998, mất 5 năm mới thành công được 1 cái áo.

Kỹ thuật thêu Đông Cứu có nhiều điểm đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có như: nhồi vòng quanh kim tuyến, thêu quắn… các kỹ thuật này tạo ra chênh lề, ghệch độn hết sức độc đáo mà nghệ nhân thêu gọi đó là ngôn ngữ thêu.

Sự tỉ mỉ không chỉ ở lúc thêu mà trước đó các công đoạn như chọn chỉ tơ, chọn sợi kim tuyến, vẽ màu, sáng tạo hình ảnh, in kiểu lên vải cũng vô cùng cầu kỳ, tỉ mẩn. Tuy là một màu chỉ, một mũi kim nhưng với bàn tay của các nghệ nhân, các đường viền trở nên mềm mại, uốn lượn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Để có thể hoàn thiện được những bộ long bào phục chế, nhiều xưởng thêu trong làng Đông Cứu phải cất công đi đặt từng mét vải ở những làng nghề có uy tín như Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam)… Đối với những đơn đặt hàng lớn, người thợ Đông Cứu đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu nguyên liệu, màu sắc, lối thêu… Chủ yếu phục vụ cho mục đích trưng bày tại các bảo tàng, phục vụ lễ hội, tín ngưỡng dân gian, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc…

Không chỉ tạo ra các sản phẩm thêu độc đáo, có một không hai phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, làng Đông Cứu còn là một điểm du lịch lý thú thu hút nhiều khách du lịch.

Khâu chọn vải phải lựa chọn những làng nghề có uy tín.
Khâu chọn vải phải lựa chọn những làng nghề có uy tín

Làng nghề thủ công truyền thống thêu Đông Cứu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tạo tiền đề để bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm tại địa phương.

Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ để bày bán mà đối với những hộ dân yêu nghề đó còn là tác phẩm nghệ thuật, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống để thế hệ sau có cơ hội chiêm ngưỡng và tự hào.

VOV.VN

Trao 24 Huy chương cho các tài năng trẻ tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc 2020

VHO-Sau gần 10 ngày tranh tài hào hứng và sôi nổi, tối 18.12 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTT Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức đã bế mạc và tổng kết. Tới dự Lễ tổng kết và trao giải có PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Chỉ đạo; NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng lãnh đạo các ban ngành Trung ương và địa phương.

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc – 2020 đã quy tụ 63 thí sinh đến từ 15 đơn vị: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Nhà hát Kịch Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Trường Đại học VHNT Quân đội, Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, Công ty TNHH Con Chim xanh, Sân khấu Lucteam, Công ty Cổ phần Dịch vụ Truyền thông Quảng cáo Sài Gòn Phẳng, Công ty TNHH Giải trí Hero Film; Công ty TNHH Đào tạo Truyền thông và Giải trí HN Media, Công ty TNHH Vĩnh Lộc Công ty TH Entertaiment (Sân khấu Kịch Quốc Thảo), Công ty CP Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn (Sân khấu Hồng Vân).

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu bế mạc và tặng hoa Hội đồng giám khảo

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc – 2020” kết thúc, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả thủ đô. Qua Cuộc thi, chúng ta thấy được thí sinh đã chú ý tới ba chiều hướng cụ thể hiện nay của sự tìm tòi sáng tạo đó là việc khai thác tính kỳ lạ, tính hài và tính trữ tình trong kịch tạo nên sự hấp dẫn mới mẻ về phương diện sắc thái thẩm mỹ của kịch đáp ứng được đòi hỏi ngày một cao của công chúng, các trích đoạn về cơ bản được dàn dựng kỹ càng, công phu, có sự đầu tư về nghệ thuật và kỹ năng biểu diễn, điều này khẳng định ý nghĩa quan trọng của cuộc thi, nơi được coi như một ngày hội để các nghệ sĩ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, học hỏi bạn bè đồng nghiệp. Cuộc thi cũng cho thấy lòng say mê nghề nghiệp của các nghệ sỹ trẻ thật đáng trân trọng, giúp chúng ta có thêm niềm tin vào lớp nghệ sĩ kế cận cũng như những giá trị của nghệ thuật sân khấu kịch nói trong đời sống xã hội hôm nay.
Với sự đông đảo của số lượng các thí sinh tham dự, các diễn viên trẻ như bước vào một sân khấu lớn được thể hiện hết mình, được cọ xát, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng biểu diễn, tiếp tục mang tinh hoa của nhân loại, tinh hoa của nghệ thuật kịch nói lan tỏa trong đời sống văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Đây cũng là dịp các nghệ sĩ trẻ được vinh danh, được khuyến khích, động viên để tiếp tục tỏa sáng tài năng, tình yêu nghệ thuật trên sân khấu Kịch cả nước. Thông qua cuộc thi, các đơn vị quản lý nghệ thuật sẽ có những định hướng phát triển những tài năng trẻ, nâng cao chất lượng nghệ thuật sân khấu Kịch nói hiện nay. Một trong những thành công của cuộc thi lần này là khán giả được tiếp cận với nhiều nhân vật sân khấu nổi tiếng qua mọi thời đại, những nhân vật lịch sử thế giới và Việt Nam, những nhân vật kinh điển, đương đại và hiện đại của lịch sử sân khấu. Khán giả đã thấy rất rõ niềm đam mê được sống với nhân vật trên sàn diễn, thấy được tình yêu mãnh liệt mà các bạn trẻ dành cho nghệ thuật biểu diễn, thấy được những cảm xúc với nhiều cung bậc được nghệ sĩ sân khấu thể hiện hết mình. Trải qua liên tục với gần 10 buổi diễn thi, các diễn viên đã dồn hết tài năng, tâm huyết, trí tuệ cho sự thành công của vai diễn. Chỉ trong thời gian 25 phút, phần lớn các diễn viên đã thâu tóm được hồn cốt xuyên suốt vở kịch bằng việc chọn những đoạn trích cao trào đỉnh điểm của những mâu thuẫn kịch, những điểm thắt nút, mở nút của hành động, thể hiện được những bi kịch giằng xé nội tâm phức tạp, đa chiều, vừa bi, hài, vừa yêu thương, giận hờn, vừa ám ảnh dữ dội, vừa soi rọi ánh sáng lạc quan ấm áp tình người. Tiêu biểu như các vai diễn Tartuffe, Othello, Macbeth, Hạ Âu, Đát Kỷ, Vũ Như Tô, Trần Thủ Độ, kThuận Khanh, Lý Chiêu Hoàng, Kiều…Với sức trẻ, tài năng, các diễn viên đã sẵn sàng vượt qua thử thách với những vai diễn khó để bung tỏa, trải nghiệm, đó là cách lựa chọn để đi đến thành công, đem đến nhiều tâm trạng, cảm xúc vui, buồn, nụ cười, nước mắt, cùng những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao Huy chương Vàng cho các diễn viên
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi và NSND Lan Hương, thành viên Hội đồng Giám khảo trao Huy chương Bạc cho các thí sinh

Thay mặt Hội đồng giám khảo của Cuộc thi, Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho rằng, cái được lớn nhất của Cuộc thi chính là những tìm tòi, sáng tạo những xu thế đối với “cái mới” trong xây dựng hình tượng các nhân vật. Đã xuất hiện những hình thức “lạ”, những “bất ngờ” trong xử lý tình huống. “Cái mới” luôn đi cùng với “cái đẹp” trên sân khấu cuộc thi. Điều này chứng tỏ chúng ta đang cố gắng nâng tầm trình độ chuyên nghiệp của nghề diễn. Cũng là những người đồng hành với các nghệ sĩ trẻ, các tài năng đang độ  “chín” dần, Hội đồng vui mừng với các thành công đã đạt và mong hiệu ứng này trở thành bội số, được nhân lên nhiều lần, trở thành lực cuốn hút khán giả đến với sân khấu.

Phần dự thi của một số diễn viên được trao Huy Chương Vàng

Kết quả, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng gồm: 9 Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ : Phạm Tố Uyên vai diễn Lý Chiêu Hoàng trích từ vở Rừng trúc, Trương Minh Hoàngvai Othello trong Othello (Nhà hát Kịch Hà Nội), Ngô Minh Hoàng vai Mê Đê trong Mê Đê, Lê Thị Tuyết Trinh vai diễn vợ Macbeth trong Macbeth, Vũ Thị Việt Hoa vai Phồn Y trong Lôi Vũ (Nhà hát Kịch Việt Nam), Nguyễn Lan Anh vai Bedelia trong Tên cớm và bản thánh ca (Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc), Huỳnh Thị Kim Hoài vai Sen trong Làm đĩ (Sân khấu Kịch Hồng Vân), Nguyễn Anh Tú vai Tartuffe trong Tartuffe, Trương Mạnh Đạt vai Ông già 95 tuổi trong Những cái ghế (Nhà hát Tuổi trẻ); 15 Huy chương Bạc. Ngoài ra    Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng có trao những giải thưởng khác cho các diễn viên tham gia Cuộc thi.

Nguồn: THUÝ HIỀN; ảnh : LÊ THUỶ – Báo Điện tử Văn hóa

Phở – Gói văn hóa Việt vươn tầm thế giới

VHO- Việc đưa bát phở Việt vươn tầm, không đơn thuần là giới thiệu món ăn tiêu biểu của Việt Nam mà còn gửi gắm tới bạn bè 5 châu về tinh hoa văn hóa và con người của dải đất chữ S.

Từ 1 đất nước nhỏ bé, Phở – một món ăn đậm quốc hồn quốc túy của Việt Nam đã có mặt ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, Phở – đã tự tạo cho mình 1 danh từ riêng trong từ điển Oxford của Anh. Làm được điều này, phở không đơn giản là món ăn ngon với câu chuyện ẩm thực – mà còn là câu chuyện về việc lưu giữ tinh hoa, cốt cách của người Việt để vươn ra thế giới.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama khởi đầu một ngày mới bằng tô phở bò đặc biệt. Tô phở nóng làm tan cái lạnh trong ngày đông Hà Nội và giúp ông có thêm năng lượng cho một ngày làm việc. Ngay từ lúc ăn tô phở đầu tiên khi đặt chân đến Hà Nội, ông Saadi Salama đã đem lòng yêu phở Việt và thừa nhận mình là người nghiện phở:

“Lần đầu tiên tôi nhìn người ta ăn phở và thấy thái độ của người ăn đối với món ăn thì tôi quyết định thử xem thế nào. Tôi bắt đầu thử ăn phở, tôi thấy nó quá ngon, quá thú vị. Và từ ngày đó tôi đã đồng hành với phở. Giờ tôi đã trở thành một người nghiện phở. Đối với tôi phở là 1 thức ăn không thể thiếu trong gia đình. Thậm chí, tuần nào không ăn phở là tôi thấy thiếu gì đó”.

40 năm gắn bó với Việt Nam, gần 20 năm sinh sống ở  Hà Nội, ông Salama luôn tin rằng phở chính là 1 cơ duyên níu giữ ông lại dải đất xa về địa lý, nhưng gần về tình cảm đối với quê hương của ông. Phở không còn đơn thuần là một món ăn, Phở trở thành một dấu ấn, một kỷ niệm về Việt Nam đối với những người nước ngoài như ông: “Ở Việt Nam, phở đã trở thành một món ăn đặc trưng và rất nhiều người trên thế giới đều biết đến. Khi người ta đến Việt Nam thì họ cũng sẽ tìm đến chỗ bán phở. Tôi tin chắc rằng, những người được ăn những bát phở ngon thì họ sẽ mang theo họ một kỷ niệm tuyệt vời để kể lại đất nước Việt Nam, một nền ẩm thực của Việt Nam”.

Phở ra đời cách đây cả trăm năm, là món ăn không thể thiếu trong ẩm thực Việt. Phở có mặt ở mọi ngóc ngách của Việt Nam, từ bếp trong nhà ra ngoài phố, từ những quán phở gánh vỉa hè xưa cũ đến những quán phở lớn sang trọng ngày nay. Theo dòng chảy thời gian, phở theo chân người Việt đi khắp năm châu 4 bể như 1 hành trang tinh thần đậm hồn cốt dân tộc.

Như nhà sử học Dương Trung Quốc ví von, phở là đại sứ Việt Nam thân thiện, gần gũi nhất ở nước ngoài: “Phở đã quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta ra thế giới, gặp nhiều hàng phở, có thể chủ nhân là người Việt, cũng có thể là chủ nhân người nước ngoài. Nhưng đặc biệt cái tên không thể nào thay đổi. Vì thế tôi nghĩ rằng, đó là một trong những đại sứ Việt Nam ở nước ngoài gần gũi nhất thân thiện nhất với mọi người”.

Chính cái tên của phở cũng khiến người ta nhớ mãi. Không có ngôn ngữ nào thay thế cho từ phở và thậm chí nó có mặt trong mọi loại từ điển. Ở Việt Nam, đã có một ngày riêng dành cho phở, dành cho những người yêu thích phở, dành cho người làm ra phở, ngày 12/12. Nhưng làm sao để phở vươn xa hơn nữa, để phở thực sự trở thành “hộ chiếu của ẩm thực Việt” – đó cũng là nỗi trăn trở của những người làm ra phở.

Ông Nguyễn Kim Hoàng – chủ cửa hàng phở Hà Nội đã mang theo gánh phở của mẹ từ Bắc vào Nam hơn 40 năm qua, cho rằng, với thời cuộc hiện nay, việc đưa văn hóa ra thế giới cũng là 1 phần để khẳng định vị thế của ẩm thực Việt. Ông đã truyền lại cho học trò công thức gia truyền của món Phở xứ Bắc để mang đến nước Australia xa xôi.

Chị Vũ Kiều Trang, con gái của nghệ nhân làm phở Phạm Thị Ánh Tuyết, chia sẻ: “Tôi cũng như mọi người Việt, cũng có mong muốn quốc hồn quốc túy của Việt Nam sẽ được mở rộng tới nhiều nước khác và phải được giữ nguyên bản. Tôi sẽ không thay đổi chỉ để chạy theo số đông”.

Nhà thơ Tú Mỡ từng có câu: “Phở – quà đáng quý trên đời – Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi – Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ”. Chính từ những cái giản dị nhưng đậm chất của phở Việt, món ăn này hiện đã ghi danh mình trong thực đơn nhiều nước trên thế giới. Việc đưa bát phở Việt vươn tầm, không đơn thuần là giới thiệu món ăn tiêu biểu của Việt Nam mà còn gửi gắm tới bạn bè 5 châu về tinh hoa văn hóa và con người của dải đất chữ S.

VOV.VN

Hoạt hình Việt Nam hướng tới mục tiêu sản xuất phim chiếu rạp

VHO- Ngày 17.12 tại Hà Nội,  Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã tổ chức buổi trình chiếu  chùm 19 phim hoạt hình sản xuất năm 2020 trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết  nghệ thuật của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng phim Hoạt hình Việt Nam  cho biết, năm 2020, trong bối cảnh có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị  được giao, đẩy mạnh kinh doanh sản xuất, nâng cao đời sống cho cán bộ, nghệ sĩ.

Tính tới 30.11. 2020, Hãng đã hoàn thành kế hoạch sản xuất phim sớm hơn một tháng so với các năm trước. 19 phim do Hãng sản xuất đã được Hội đồng duyệt Quốc gia thông qua và cho phép phát hành, phổ biến. Các phim bao gồm:  Anh chàng gặm nhấm, Bí mật của khu vườn,Hiệp sĩ Nghé vàng (Tập 1 – Series phim Hiệp sỹ Nghé vàng), Một cuộc đấu trí (Tập 2- Series phim Hiệp sỹ Nghé vàng),  Sự tích hoa Thiên điểu, Nước mắt cá sấu, Chiến binh Mèo mũi đỏ, Mái tơ phúc hậu, Ngọn lửa vĩnh cửu, Quái vật hang sâu   , Huyền thoại mắt biển, Nhà của Chuồn chuồn,  Người hùng,    Khúc gỗ mục, Hành trình mới (Tập 5- Series phim Chú Ốc Sên bay), Vòng nguyệt quế (Tập 6 – Series phim Chú Ốc Sên bay), Vương quốc bánh kẹo (Tập 5 – Series phim Ngôi sao xanh kỳ lạ),  Xứ sở của những bóng ma (Tập 6 – Series phim Ngôi sao xanh kỳ lạ ),  Cuộc sống tuyệt đẹp.

 Các phim được đánh giá chất lượng tốt,  tiến bộ về nghệ thuật, nâng cao về kỹ thuật, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để phổ biến, phát hành phục vụ khán giả. Chùm phim 2020 có mặt đủ các thể loại: phim 3D, phim 2D, phim cắt giấy vi tính và cả phim kết hợp nhiều thể loại nhờ sự tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ. Phim 2020 còn ghi nhận sự đa dạng về đề tài, phong phú về mặt nội dung với các phim triết lý, phim đồng thoại, cổ tích, sự tích, phim series… Về mặt kỹ thuật, phim 2020 cũng có nhiều bước tiến mới, tạo nên hiệu quả tốt về mặt hình ảnh, âm thanh…

 Với nhiều nỗ lực của cán bộ, nghệ sĩ, năm 2020, Hãng đã giành được nhiều thành tích. Tại Lễ trao giải Cánh diều Hội Điện ảnh vào tháng 4.2020, Hãng đã giành các Giải thưởng: Giải Cánh diều vàng: Phim “Con chim gỗ” –  Đạo diễn Trần Khánh Duyên; Giải khuyến khích: Phim “Sự tích cốm làng Vòng” – Đạo diễn Hoàng Lộc; Phim “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” – Đạo diễn Phùng Văn Hà; Giải đạo diễn xuất sắc: Đạo diễn Trần Khánh Duyên –  Phim “Con chim gỗ”; Tại LHP Môi trường toàn quốc lần thứ VII, Hãng đã đạt được 2 giải thưởng cao nhất cho thể loại phim hoạt hình: Giải Nhất cho phim “Bí mật những đứa trẻ”, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Linh; Giải Nhì cho phim “Quái vật đại dương”, đạo diễn Phùng Văn Hà.

Ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện sản xuất phim Nhà Nước đặt hàng, Hãng cũng phát huy hết khả năng, cơ sở vật chất sẵn có để bằng nhiều cách mang lại nguồn thu tốt nhất. Phim hoạt hình đã có mặt trên sóng truyền hình, các kênh truyền hình trả tiền, mạng xã hội như: Truyền hình MyTV; Truyền hình NextTV của Viettel; Dịch vụ MyClip của Viettel; Truyền hình FPT; Truyền hình Vinaphone (LalaTV); VTVcab (kênh Bibi và VTVcap On); ZingTV; Youtube (kênh Phim HHVN)…

Tháng 11.2020,  tại Đại hội thi đua yêu nước của Bộ VHTTDL, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã vinh dự được Bộ trưởng trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ khen thưởng đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2019.

“Năm 2021, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam xác định tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành kế hoạch sản xuất phim, đáp ứng yêu cầu về thời gian và đặc biệt là chú trọng vào việc nâng cao chất lượng phim. Luôn coi việc nâng cao chất lượng phim là nhiệm vụ sống còn của Hoạt hình Việt Nam, Hãng đã có nhiều sự chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”, bà Hiền cho biết.

Năm 2021, Hãng chủ trương mở rộng đề tài, thể loại phim để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả. Theo đó, đó ngoài các phim ngắn, phim đồng thoại vốn là thế mạnh của Hãng, năm 2021 Hãng sẽ hoàn thành 3 bộ phim lịch sử với thời lượng 30 phút, trong đó có 2 phim 3D là “Nữ tướng Mê Linh” và “Đại hành hoàng đế” và 1 phim Cắt giấy vi tính là “Bạch Đằng nổi sóng”.

 Với thể loại phim series, Hãng tiếp tục triển khai 4 series dành cho nhiều lứa tuổi, với nhiều thể loại, bao gồm: “Chú ốc sên bay” phim 3D dành cho các cháu mầm non, mẫu giáo; series “Hiệp sĩ Nghé Vàng”, phim Cắt giấy vi tính, dành cho lứa tuổi mầm non, mẫu giáo; series “Ngôi sao xanh kỳ lạ”, phim 3D, dành cho lứa tuổi thiếu niên; series “Thám tử đầu Bạc”, phim 2D, thuộc thể loại phim điều tra, phá án, dành cho lứa tuổi thiếu nhi, bắt đầu sản xuất từ 2021…

“Đặc biệt, một nhiệm vụ quan trọng nữa mà Hãng phim Hoạt hình Việt Nam xác định phải bắt tay triển khai trong năm 2021 và thời gian sắp tới, đó chính là đầu tư sản xuất phim truyện hoạt hình chiếu rạp…”. theo bà Trần Thị Thu Hiền. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian gần đây Hãng đã có sự chuẩn bị bước đầu như: tiến hành tuyển chọn và xây dựng kịch bản phim truyện hoạt hình với sự kết hợp của các biên kịch hoạt hình kết hợp với biên kịch phim truyện; đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ, kỹ thuật để chuẩn bị cho việc sản xuất phim ra rạp; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ họa sĩ và các khâu khác trong dây chuyền đáp ứng yêu cầu chuyên môn phục vụ việc sản xuất phim chiếu rạp…

Nguồn: BẢO ANH – Báo Điện tử Văn hóa

Lễ kỷ niệm 40 năm Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội

VHO- Ngày 17.12, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường (17.12.1980 – 17.12.2020) và 61 năm sự  nghiệp đào tạo sân khấu – điện ảnh. Tới dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng các thầy cô nguyên là lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên đã và đang công tác, học tập tại trường.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho tập thể Nhà trường

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao vị trí của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật chất lượng cao cho đất nước, trong những năm qua, Trường đã không ngừng nỗ lực cải tiến hệ thống giáo trình, phương pháp giảng dạy, mở rộng và đa dạng hoá các loại hình đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ và tác động rất lớn đến lĩnh vực sân khấu điện ảnh nói chung và công tác đào tạo nguồn nhân lực nói riêng.

Trong 40 năm qua, nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp từ mái trường này đã trở thành các thế hệ nghệ sĩ sân khấu, diễn viên điện ảnh, truyền hình được khán giả cả nước biết đến và yêu mến; các nhiếp ảnh gia, các nhà thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh và nhiều thế hệ các đạo diễn nổi tiếng đã làm nên nền điện ảnh nước nhà. Nhiều giảng viên, giáo viên, sinh viên Nhà trường đã có những đóng góp, cống hiến xuất sắc, được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: Giải thưởng Nhà nước, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú; Giáo sư, Phó Giáo sư; nhiều người trong số họ là những nhà quản lý, những chuyên gia giỏi; nhiều giảng viên, học sinh, sinh viên đoạt được các giải thưởng danh giá trong và ngoài nước, qua đó đã tạo nên vị thế và uy tín về chất lượng đào tạo sân khấu điện ảnh trong cả nước. Những thành tích tự hào ấy đã viết trên dòng lịch sử xây dựng, phát triển 40 năm qua và làm nên tên tuổi của Trường Đại học Sân Khấu-Điện ảnh Hà Nội ngày hôm nay.

Tập thể Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội trong ca khúc Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội yêu thương do giảng viên của trường sáng tác

Đứng trước những yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thuận lợi khi có sự hỗ trợ đắc lực của khoa học và công nghệ nhưng cũng có không ít khó khăn thách thức đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực của nhà trường, để kế tục xứng đáng truyền thống và thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo của nhà trường, đáp ứng sự phát triển chung của Ngành và hiện thực hóa niềm tin, sự kỳ vọng của xã hội, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Nhà trường cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trường và phát triển ngành. Chủ động trong việc thu hút các giảng viên, nhà khoa học xuất sắc, các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú ở trong và ngoài nước đến giảng dạy, nghiên cứu tại Trường; đãi ngộ, tôn vinh các nhà giáo, các nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học tâm huyết, tài năng, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo của Trường. Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo. Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên phải dựa trên chuẩn năng lực đầu ra, xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng trên cơ sở kiến thức, năng lực thực hành, ý thức kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và tăng cường sự tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của tổ chức, cá nhân sử dụng lao động. Nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong đào tạo. Tăng cường sự gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phát huy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Chủ động hợp tác với nước ngoài, triển khai các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, thu hút người nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại trường. Cán bộ, giảng viên của nhà trường phải là nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đi tiên phong trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật chất lượng cao cho đất nước.

Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho tập thể Nhà trường.

Nguồn: THUÝ HIỀN; ảnh: MINH HIẾU – Báo Điện tử Văn hóa