VHO- Năm 2020 được đánh giá là năm ảm đạm của làng điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà mùa Giáng sinh 2020 sẽ thiếu vắng những bộ phim đặc sắc.
Happiest Season (Mùa Hạnh Phúc Nhất)
Đây là một phim hài lãng mạn chiếu nhân dịp giáng sinh năm nay. Phim kể về câu chuyện ra mắt gia đình bạn gái Harper (Mackenzie) của Abby (Kristen).
Phim có sự tham gia của hai diễn viên trẻ Kristen Stewart và Mackenzie Davie. Ảnh: NSX
Abby dự định sẽ cầu hôn Harper trong bữa tối gia đình, nhưng rồi cô phát hiện ra bạn gái mình vẫn chưa công khai với gia đình rằng mình là người đồng tính. Từ đó, nhiều tình huống dở khóc dở cười xảy ra, cặp đôi này phải chật vật vượt qua những xích mích, rào cản để ở bên nhau.
Bộ phim có sự góp mặt của Kristen Stewart và Mackenzie Davie (từng gây dấu ấn qua vai Grace trong bom tấn Terminator Dark Fate).
Ngoài ra, DuVall cũng tham gia chỉ đạo thực hiện bộ phim, đánh dấu lần đầu tiên cô thử sức với vai trò đạo diễn.
The Christmas Chronicles 2 (Biên Niên Sử Giáng Sinh 2)
Sau thành công từ mùa 1, “The Christmas Chronicles 2” xác nhận sẽ quay trở lại. Chuyện phim xoay quanh một cuộc phiêu lưu đầy ly kỳ của hai bạn nhỏ Kate Pearce và Jack. Vì không chấp nhận hai thành viên mới trong gia đình, Kate đã quyết định bỏ trốn và được đưa đến Bắc Cực.
Tạo hình thú vị của ông bà Santa Claus trong The Christmas Chronicles 2. Ảnh: NSX
Tại đây, họ tình cờ gặp được hai ông bà Santa Claus, cả hai bắt đầu cùng thực hiện nhiệm vụ cứu lấy ngôi sao để trả lại sự bình yên cho ngôi làng, cũng như trả lại ý nghĩa thiêng liêng vốn có của Giáng sinh.
Jingle Jangle: A Christmas Journey (Hành trình Giáng sinh)
Bộ phim là một vở nhạc kịch hào nhoáng, kiêu hãnh, mang tính giải trí cao cho mùa Giáng sinh 2020. Ảnh: NSX
Câu chuyện xoay quanh việc Jeronicus vật lộn sau cái chết của vợ và bị các học trò phản bội. Với sự giúp đỡ của cháu gái Journeys đã tìm lại được nguồn cảm hứng ban đầu mà anh đã đánh mất.
Bộ phim là một vở nhạc kịch hào nhoáng, kiêu hãnh, mang tính giải trí cao. Phong cách hình ảnh của phim mang hơi thở thời đại Steampunk (lấy cảm hứng từ những bộ phim như Chitty Chitty Bang Bang, Willy Wonka và Nhà máy sô cô la).
Âm nhạc tràn đầy năng lượng và đậm chất R&B kết hợp cùng giọng ca John Legend, Philip Lawrence chính là điểm nhấn trong phim.
Holidate (Hẹn hò ngày lễ)
Ra mắt vào đúng dịp mùa lễ hội đang cận kề, phim kể về nhân vật Sloane (Emma Roberts) vì tránh khỏi sự hối thúc tìm người yêu của gia đình mà lên kế hoạch hẹn hò không ràng buộc vào những dịp lễ với Jackson (Luke Bracey).
Tạo hình của Emma Roberts và Luke Bracey trong Holidate. Ảnh: CMH
Qua nhiều lần hẹn hò, cả hai người dần có tình cảm với nhau. Nhưng cả hai đều sợ nếu một người nói ra, người còn lại sẽ bị áp lực mà bỏ đi. Loạt tình huống dở khóc dở cười xảy ra từ đây.
Dàn nhân vật là điểm sáng của Holidate. Diễn viên Emma Roberts Không chỉ xinh đẹp, cô còn diễn xuất tốt, những cung bậc cảm xúc đa dạng của Sloane được Roberts thể hiện tinh tế. Bạn diễn Luke Bracey phối hợp khá ăn ý với Roberts khiến những phân đoạn đối đáp giữa hai nhân vật mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả.
Bộ phim được đánh giá là không gây ấn tượng mạnh với người xem bởi một cốt truyện “lỗi thời” và hời hợt. Tuy nhiên, Holidate đã làm tốt khi thể hiện được tinh thần của dòng phim mùa lễ: Lãng mạn, hài hước và tràn ngập màu sắc của Giáng sinh.
VHO- Thông tin trên trang web của Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards- WTA) vừa công bố: Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2020”. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giành chiến thắng ở hạng mục này, tiếp tục khẳng định sức hút của Du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Hội An, điểm đến di sản nổi tiếng của Việt Nam
Năm nay, World Travel Awards đã công bố các Giải thưởng hàng đầu thế giới năm 2020 tại Moscow (Nga). Để đạt được giải thưởng danh giá “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2020”, Việt Nam đã vượt qua hàng loạt các ứng viên sáng giá như: Brazil, Ai Cập, Hy Lạp, thủ đô Mát-xcơ-va của Liên bang Nga, Porto và Bắc Bồ Đào Nha và Ả rập Xê út.
Được coi là giải “Oscar” của ngành Du lịch toàn cầu, kết quả bình chọn giải thưởng World Travel Awards có được sau một năm đánh giá và bình xét bởi các chuyên gia trong ngành Du lịch và công chúng quốc tế.
Nhân dịp này, ông Graham Cooke, Nhà sáng lập giải thưởng World Travel Awards gửi lời chúc mừng và khẳng định các ứng viên đạt giải thưởng hàng đầu thế giới xứng đáng là những điển hình xuất sắc nhất với kết quả nổi bật trong ngành Du lịch và Lữ hành toàn cầu. “Tất cả họ đã thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ trong một năm với những thách thức chưa có tiền lệ”, ông Graham Cooke nhấn mạnh.
Việc hai năm liên tiếp Việt Nam được vinh danh ở hạng mục “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” đã khẳng định sức cuốn hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên văn hoá của nước ta đối với cộng đồng quốc tế. Đồng thời, cũng là minh chứng cho những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đất nước. Đây là cơ hội vàng tiếp tục khẳng định thương hiệu điểm đến quốc gia, nâng cao vị thế du lịch Việt Nam, quảng bá rộng rãi những tiềm năng, thế mạnh đặc sắc của du lịch Việt Nam ra thế giới.
Trước đó, đầu tháng 11.2020, tại Lễ công bố kết quả bình chọn giải thưởng World Travel Awards khu vực châu Á năm 2020, Việt Nam đã vinh dự được gọi tên chiến thắng tại các hạng mục: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch của Việt Nam cũng đã nhận các giải thưởng khu vực châu Á.
VHO- Sự mất cân đối cơ cấu lao động theo độ tuổi đã đẩy nguồn nhân lực của nhiều đơn vị kịch hát dân tộc rơi vào tình trạng “già hóa”, nhưng… lại không thể tinh giản biên chế. Tình trạng này khiến nhiều đơn vị “lực bất tòng tâm”, ngậm ngùi không tuyển dụng diễn viên trẻ để thanh xuân hóa đội ngũ, bởi họ không có khả năng tự chi trả lương cho nghệ sĩ.
Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng vì sao nó vẫn cứ tiếp diễn mà chưa thấy hồi kết?
Thiếu những thủ lĩnh tài năng
Như đã đề cập ở phần đầu loạt bài Báo động nguồn lực diễn viên nghệ thuật truyền thống, một số đơn vị đành phải “quay lưng” với người trẻ vì hết chỉ tiêu biên chế. Vậy tại sao lại có những đơn vị như Nhà hát NTTT Vĩnh Phúc, Nhà hát NTTT Ninh Bình vẫn tiếp nhận được số học viên đã gửi đi đào tạo theo Đề án của Bộ VHTTDL? Hơn thế, như chia sẻ của Trịnh Tuyết Anh (Giải Diễn viên Chèo trẻ nhất Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chèo toàn quốc 2020), thì có một số học viên không được nhận ở Thanh Hoá (nơi đã gửi họ đi học) nhưng lại được các đơn vị nghệ thuật ở Quảng Ninh và Hưng Yên đón chào?!
Tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc 2020, Nhà hát Chèo Ninh Bình có tới 18 thí sinh dự thi. Được biết, số diễn viên trẻ dưới 30 tuổi đang trong biên chế của Chèo Ninh Bình lên tới gần 40 người. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát cho biết, từ năm 2005 đến nay, Ninh Bình đã liên tục mở được 5 khóa đào tạo diễn viên, nhạc công cho loại hình nghệ thuật Chèo, mỗi khóa khoảng 10 người. Phần lớn trong số họ sau khi tốt nghiệp đều được Nhà hát tuyển dụng vào biên chế. Sở dĩ Ninh Bình luôn có chỗ cho người trẻ là vì nhiều nghệ sĩ tới một độ tuổi nhất định, tự thấy không còn biểu diễn được nữa thì sẽ được địa phương tạo điều kiện thuyên chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp với khả năng. Có nguồn nhân lực dồi dào lại được tỉnh quan tâm nên năm nào Chèo Ninh Bình cũng được cấp kinh phí để dựng từ 1 đến 2 chương trình mới.
Qua chia sẻ, một số đơn vị như Trung tâm VHNT Hà Nam, Nhà hát nghệ thuật Vĩnh Phúc cũng có rất nhiều cơ chế mở về tuyển dụng cũng như đào tạo nguồn. Hiện nay, số diễn viên trẻ của Hà Nam chiếm đến gần 70%, đặc biệt, địa phương này đang mở một lớp dạy hát chèo cho các em học sinh cấp 3 đến sinh hoạt, học tập vào các cuối tuần và dịp nghỉ hè. Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Vĩnh Phúc Vũ Duy Dũng cũng cho biết, lực lượng chủ chốt của Nhà hát đều đang ở độ tuổi sung sức nhất cho sáng tạo nghệ thuật, hiện có khoảng 30 hợp đồng lao động ký với các nghệ sĩ trẻ. Nhà hát còn bố trí các phòng ở tập thể cho những diễn viên chưa có nhà; ngoài ra, mỗi tháng tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ thêm mức tiền tương đương 2,00 hệ số lương cho các diễn viên trong Nhà hát…
Để giải quyết được bài toán nguồn lực diễn viên kịch hát dân tộc phải nhìn ở nhiều góc độ, nhưng có lẽ vấn đề cốt yếu nhất đang nằm ở chỗ: Thiếu vắng những thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của địa phương cũng như sự quyết đoán của những vị “cầm quân” sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đơn vị. Đáng buồn là hiện nay một số địa phương đã không thật sự quan tâm tới việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống nên không có những chính sách hay cơ chế đặc thù để đãi ngộ, thu hút lực lượng diễn viên trẻ. Rất nhiều đơn vị chỉ trông ngóng vào những cuộc thi hay liên hoan nghệ thuật để “xin” kinh phí, không đi thi đồng nghĩa sẽ không có kinh phí để dàn dựng chương trình mới. Không được dựng vở mới, không thường xuyên đỏ đèn, tất cả chỉ trông chờ vào đồng lương eo hẹp, nhiều vị lãnh đạo cứ ngồi đó và thụ động chấp nhận lực lượng nghệ sĩ của mình ngày một teo tóp, già nua… vì họ không có đủ bản lĩnh để lo được kinh phí nhận người trẻ về làm theo hình thức xã hội hóa.
Tiết mục tham dự Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc 2020
Bài toán cần có lời giải
Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp giai đoạn 2016-2020 của Bộ VHTTDL cũng đã nêu rất rõ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của học sinh: “Sau khi được nhà nước đào tạo, các em sẽ trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp, được phân bổ về các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Thí sinh được tuyển chọn ở địa phương nào phải trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật thuộc địa phương đó”.
Mặt khác cũng yêu cầu Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương cần “đề nghị với UBND và các cơ quan chức năng có cơ chế đặc thù để tuyển dụng, tiếp nhận các em trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật do Sở quản lý sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo và tốt nghiệp”. Nắm rõ nội dung thực hiện Đề án, các địa phương và các đơn vị nghệ thuật đã phối hợp triển khai cử người trẻ đi đào tạo, nhưng vì sao khi trở về họ lại không được tiếp nhận? Điều này cho thấy việc quan tâm phát triển nghệ thuật truyền thống giữa các tỉnh, thành phố và Trung ương đang chưa có sự thống nhất dẫn đến chuyện mạnh ai nấy làm. Lãnh đạo của nhiều đơn vị cho rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn với vai trò cơ quan quản lý nhà nước cần có một cuộc khảo sát về vấn đề nhân lực hiện nay để tìm hiểu những khó khăn, khúc mắc từ địa phương, sau đó tham mưu các cấp có thẩm quyền để đưa ra những giải pháp giúp tháo gỡ cho thực trạng mà các đơn vị nghệ thuật kịch hát dân tộc đã và đang phải đối diện nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là việc người trẻ cứ mỏi mòn chờ chỉ tiêu biên chế.
Liệu sân khấu có giữ chân được các tài năng trẻ trụ lại bám nghề hay không là bài toán thực sự nan giải. Sau vinh quang trở về, họ lại “vật vã” lao vào cuộc mưu sinh để kiếm sống với đủ thứ nghề, khiến tài năng ngày càng mai một, trong khi ai cũng biết với nghệ thuật sân khấu thì đây là yếu tố quyết định, sống còn. Trong khi chờ những đổi mới về chính sách và cơ chế đãi ngộ, thu hút người trẻ thì bản thân lãnh đạo các đơn vị cũng phải năng động hơn, tìm cách làm sân khấu xã hội hoá, tạo đất diễn cho nghệ sĩ, đặc biệt là giúp cho diễn viên trẻ có cơ hội được làm nghề, yêu nghề, được gắn bó và cống hiến tài năng cho nghệ thuật dân tộc.
Phải xác định kịch hát dân tộc là lĩnh vực cần được hỗ trợ, phát triển
“Bảo tồn và phát huy các di sản là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa, trong đó có các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc. Vì vậy, các tỉnh, thành phố cần có chế độ chính sách đặc thù phù hợp để nuôi dưỡng, phát triển văn hóa phi vật thể, chính là người nghệ sĩ. Việc các đơn vị nghệ thuật công lập không được ký hợp đồng lao động chuyên môn là do bị hạn chế bởi chỉ tiêu biên chế và một số quy định trong Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Trước mắt, phải có cơ chế cho phép ký hợp đồng với các diễn viên trẻ có tài để tạo nguồn lực chính cho sự phát triển của các đơn vị nghệ thuật. Hiện nay, có một số địa phương đã chủ động làm rất tốt khi đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, đây chính là những mô hình để những địa phương khác nhìn vào và áp dụng cho phù hợp với thực tế. Đơn cử như TP.HCM đã xây dựng Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030, có xác định mục tiêu nâng cao chất lượng các trường đào tạo VHNT, có kế hoạch đưa các năng khiếu, tài năng VHNT ra đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Việc sáp nhập các loại hình nghệ thuật cần phải có quy hoạch và phù hợp với từng địa phương để tránh mất đi tính chuyên nghiệp và bảo tồn được loại hình nghệ thuật dân tộc tiêu biểu mỗi vùng miền”.
VHO- Tối ngày 25.11 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cà Mau, thành phố Cà Mau đã diễn ra Lễ Khai mạc “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc – 2020”. Cuộc thi do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN và Sở VHTTDL Cà Mau tổ chức.
Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau tặng cờ lưu niệm cho các thí sinh
Cuộc thi lần này quy tụ hàng trăm nghệ sĩ, nhạc công với sự góp mặt của 53 diễn viên trẻ và trích đoạn thuộc các đơn vị nhà hát, trung tâm văn hóa, doàn nghệ thuật trong và ngoài công lập, nhằm phát hiện những tài năng diễn viên sân khấu cải lương, khuyến khích, động viên các nghệ sĩ trẻ có những đóng góp cho sự nghiệp sân khấu cải lương Việt Nam trong tương lai. Để cuộc thi thực sự có kết quả, tôi đề nghị các nghệ sĩ tham gia hãy thể hiện hết khả năng của mình qua từng vai diễn và tiết mục dự thi để đem đến cho khán giả sự hấp dẫn nhất của nghệ thuật cải lương, tài năng của các nghệ sĩ chính là sự gìn giữ dòng chảy của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ngay sau lễ khai mạc là các tiết mục dự thi của các thí sinh tỉnh Cà Mau
Cải lương là loại hình nghệ thuật có sự tổng hợp của hát bội, đờn ca tài tử và chịu ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây. Theo năm tháng, loại hình nghệ thuật này đã có những biến cải về nội dung tuồng tích, điệu ca, lời hát cho đến cách thức bài trí sân khấu… Song, có thể khẳng định, dù có thay đổi, cải tiến đến đâu thì những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương như tính trữ tình, nét bi, sự khôi hài… vẫn tồn tại trong nhiều vở diễn kinh điển của loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Ở Nam Bộ, cải lương thật sự đã trở thành một loại hình nghệ thuật hấp dẫn với nội dung cốt truyện và lối diễn xuất của nghệ sĩ phù hợp tâm tư, nguyện vọng, lối sống phóng khoáng của người dân phương Nam. Tuy khởi nguồn từ vùng đất phương Nam, mang hồn cách đặc sắc riêng của miền đất phù sa hiền hòa, từ giọng ca đầy sức truyền cảm cho đến âm điệu luyến láy ngọt ngào, song sân khấu cải lương không chỉ được công chúng phía Nam hâm mộ mà đã có sức lan tỏa khắp cả nước. Bên cạnh đó, cuộc thi còn mang ý nghĩa ghi nhận lòng yêu nghề, thúc đẩy sức sáng tạo và sự thăng hoa của các nghệ sĩ đang theo đuổi nghệ thuật truyền thống, đồng thời cũng góp phần phát huy mạnh mẽ nghệ thuật sân khấu cải lương gắn kết phục vụ nhiệm vụ chính trị của các đơn vị nghệ thuật.
Nguồn: ĐÀO ANH; ảnh : LÊ THỦY – Báo Điện tử Văn hóa
VHO- Hiện có một tồn tại nghịch lý đầy tréo ngoe: Trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật kịch hát dân tộc đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực thì không ít diễn viên, nhạc công trẻ được đào tạo bài bản, chính quy lại bơ vơ không biết đi đâu về đâu… chỉ vì không có chỉ tiêu biên chế và cũng không thể ký hợp đồng lao động.
Lãnh đạo nhiều nhà hát thực sự “đau đầu” để tính toán và tìm đủ mọi cách, thậm chí là “lách luật” để giữ chân người trẻ trụ lại với nghề.
Đổi mới để “giải cứu” kịch hát dân tộc
Để giải bài toán thiếu hụt lực lượng kế thừa, trong khi “đầu vào” không có người dự tuyển, Bộ VHTTDL đã đổi mới hình thức đào tạo theo kiểu “đặt hàng”, phối hợp giữa các đơn vị nghệ thuật và cơ sở giáo dục. Năm 2014, Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công Tuồng, Chèo, Cải lương được Bộ VHTTDL triển khai thí điểm ở ba nhà hát gồm Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Cải lương VN và mới qua 1 năm đã nhìn thấy hiệu quả.
Bộ VHTTDL đang tiếp tục mở rộng triển khai cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Theo đó, các nhà hát sẽ chủ trì, đề xuất số lượng thí sinh tuyển sinh dựa trên yêu cầu thực tế của từng đơn vị và chủ động sơ tuyển tại địa phương rồi gửi danh sách đến Trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội để phối hợp đào tạo; các nhà hát sẽ mời các nghệ sĩ giỏi của ngành tham gia công tác giảng dạy chuyên môn; học viên được hỗ trợ tiền ở và miễn 100% học phí cả 4 năm học. Hiện đã có hai khóa học sinh tốt nghiệp theo Đề án này.
Trao đổi với Văn Hóa, những người trực tiếp triển khai thực hiện Đề án là PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội; Giám đốc Nhà hát Chèo VN NSND Thanh Ngoan; Giám đốc Nhà hát Tuồng VN Phạm Ngọc Tuấn; Giám đốc Nhà hát Cải lương VN NSND Triệu Trung Kiên đều đánh giá cao hiệu quả tích cực của hình thức đào tạo theo nhu cầu qua việc các đơn vị nghệ thuật chủ động tuyển sinh, tham gia đào tạo và trực tiếp nhận “đầu ra”, không chỉ học sinh an tâm vì sau khi tốt nghiệp sẽ có đơn vị tuyển dụng ngay và quan trọng hơn là các đơn vị thoát cảnh lo lắng khi thiếu người trẻ hóa đội ngũ.
Tiết mục “Thị Màu lên chùa” của thí sinh Trịnh Tuyết Anh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, đoạt giải Diễn viên Chèo trẻ nhất Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc 2020 (ảnh lớn). Trở về sau cuộc thi, Tuyết Anh vẫn phải đi hát đám cưới, đám hỏi, hội nghị… để mưu sinh và mòn mỏi chờ ngày được tuyển dụng (ảnh nhỏ) Ảnh: P.V
“Chảy máu”… tài năng trẻ nghệ thuật
Tuy nhiên, qua chia sẻ của chính những người triển khai Đề án thì có rất nhiều đơn vị nghệ thuật không biết làm sao để có thể tiếp nhận được lớp diễn viên, nhạc công trẻ ngay tại chính đơn vị mà họ được tuyển và cử đi đào tạo. Hiệu trưởng Trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Đình Thi cho biết, một số học sinh tốt nghiệp ra trường nhưng khi về đến “nhà” lại không có biên chế, không được ký hợp đồng lao động, trong đó có cả những em đạt thành tích cao như HCV, HCB tại các cuộc thi tài năng trẻ. Hiện tượng này đang xảy ra ở nhiều đơn vị như Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa…
NSND Phương Thảo, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định chia sẻ: “Muốn lớp trẻ theo nghệ thuật truyền thống thì phải cho họ nhìn thấy tương lai của mình chứ khi ra trường thì biên chế đã “kẹt cứng”, các đơn vị không nhận về được, lương không có, chỉ hỗ trợ 1 triệu/tháng thì làm sao các em yên tâm làm nghề?… Chúng tôi mỗi lần lặn lội đi tuyển ở cơ sở cũng cảm thấy xấu hổ bởi người ta xì xào đó là “phỉnh” các em vào học chứ đầu ra không có, tương lai bấp bênh… Công tác đào tạo rất tốn kém, cả chi phí và tâm huyết, nhưng không tạo dựng được tương lai cho các em thì đào tạo để làm gì? Nói giữ gìn nghệ thuật truyền thống mà không có diễn viên trẻ thì hóa ra nói suông. Vậy nên, rất cần có thêm những chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế”.
Không nói đâu xa, ngay như Nhà hát Chèo VN cũng đang vấp phải những khó khăn tương tự. NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát cho biết: “Chúng tôi rất mừng khi có được những diễn viên, nhạc công theo Đề án đào tạo đặc thù của Bộ, các nhà hát được quyền tuyển diễn viên vào đào tạo từ độ tuổi 14, 15 nên khi nhận về làm việc các em còn rất trẻ. Tuổi trẻ thì thời gian cống hiến cho nghề nghiệp sẽ dài hơn, chỉ tiếc là khi ra trường lại hưởng mức lương trung cấp 1,86 quá thấp (khoảng 3 triệu đồng), đây cũng là thiệt thòi chung của diễn viên kịch hát dân tộc”. Nhà hát Chèo VN mới tiến hành thi tuyển viên chức và chỉ nhận được khoảng 50% số diễn viên trẻ được đào tạo theo Đề án bởi chỉ tiêu biên chế có hạn, hiện Nhà hát cũng đang tìm đủ mọi cách “xoay xở” để trả lương và giữ chân các em không bỏ nghề.
NSND Hàn Hải, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa bộc bạch: “Thanh Hóa cử 15 em đào tạo theo Đề án của Bộ. Hiện chỉ có 3 em trụ lại đơn vị, số còn lại thì bỏ nghề hoặc đầu quân sang địa phương khác vì đơn vị không có chỉ tiêu biên chế và không được ký hợp đồng lao động”. Đến với Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc 2020, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa chỉ có duy nhất diễn viên Trịnh Tuyết Anh thuộc lứa học sinh được đào tạo theo Đề án của Bộ tham gia và đã được trao giải Diễn viên Chèo trẻ nhất. Tuy nhiên, có ai thấu hiểu khi gần một năm nay Tuyết Anh “vật vờ” đi hát đám cưới, hội nghị để có tiền mưu sinh. Khi không có show thì “chầu chực” đợi Nhà hát gọi khi có vai nào đó dành cho mình. Chẳng biết “lửa nghề” giữ cô gái trẻ xinh đẹp trụ được bao lâu khi mà cô đang phải mòn mỏi để chờ được tuyển chính thức.
Cho đến thời điểm này thì rõ ràng việc đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật truyền thống theo Đề án phối kết hợp giữa nhà hát và cơ sở đào tạo đã đạt được những hiệu quả bước đầu đầy khả quan. Nhưng để nguồn nhân lực này không bị lãng phí lại phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của cả ngành cũng như ở từng địa phương. “Chảy máu” chất xám và tài năng trẻ trong nghệ thuật kịch hát dân tộc đã và đang là bài toán làm đau đầu những người trong cuộc, khi họ chưa có được “lời giải” thỏa đáng.
(Còn nữa)
Muốn lớp trẻ theo nghệ thuật truyền thống thì phải cho họ nhìn thấy tương lai của mình, chứ khi ra trường thì biên chế đã “kẹt cứng”, các đơn vị không nhận về được, lương không có, chỉ hỗ trợ 1 triệu/tháng thì làm sao các em yên tâm làm nghề (?) Chúng tôi mỗi lần lặn lội đi tuyển ở cơ sở cũng cảm thấy rất xấu hổ bởi người ta xì xào đó là “phỉnh” các em vào học chứ thực tế đầu ra không có, tương lai bấp bênh… Công tác đào tạo rất tốn kém, cả chi phí và tâm huyết, nhưng không tạo dựng được tương lai cho các em thì đào tạo để làm gì? Nói giữ gìn nghệ thuật truyền thống mà không có diễn viên trẻ thì hóa ra nói suông…
(NSND PHƯƠNG THẢO, Nhà hát NTTT tỉnh Bình Định)
Tìm kiếm Tài năng trẻ Cải lương toàn quốc
Từ ngày 25.11 đến ngày 4.12, tại Cà Mau, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, Sở VHTTDL Cà Mau sẽ tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm Tài năng trẻ Cải lương toàn quốc – 2020”. Cuộc thi là cơ hội để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ sân khấu cải lương hiện nay, từ đó có giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ trẻ. Cuộc thi năm nay có 52 thí sinh đăng ký tham gia đến từ 18 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Mỗi thí sinh dự thi sẽ biểu diễn một trích đoạn cải lương tự chọn không quá 25 phút và phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật cải lương. Theo kế hoạch, BTC sẽ trao HCV, HCB cho cá nhân diễn viên đạt các tiêu chí trong quy chế chấm thi và khen thưởng. Ngoài ra, còn các giải thưởng khác trao cho một diễn viên trẻ nhất, một nam diễn viên triển vọng, một nữ diễn viên triển vọng. BÁ TRƯỜNG
VHO- Tình trạng khan hiếm tài năng trẻ trong lĩnh vực sân khấu truyền thống đang ngày càng trở nên trầm trọng, khi đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn lành nghề hầu hết đã lớn tuổi. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông về nguy cơ sẽ bị mai một nghiêm trọng một số bộ môn nghệ thuật kịch hát dân tộc nếu không có những quyết sách hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận.
2020 là một năm đặc biệt đối với những đơn vị nghệ thuật truyền thống nói chung và các diễn viên trẻ nói riêng khi liên tiếp có nhiều cuộc thi tài năng cho loại hình kịch hát dân tộc được tổ chức như: Tuồng, Dân ca kịch, Chèo, Cải lương… và đã xuất hiện không ít những gương mặt trẻ triển vọng, hứa hẹn là lực lượng kế thừa chất lượng cao, chủ chốt cho các đơn vị nghệ thuật.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hoạt động cầm chừng của sân khấu truyền thống thì nỗi lo “giữ chân” nghệ sĩ đang thường trực đối với từng đơn vị cũng như chính những diễn viên được tôn vinh ở các cuộc thi này.
“Ép chín” để đi thi tài năng
Những người đứng ra tổ chức và đặc biệt là ban giám khảo sau các cuộc thi đều có những trăn trở về chất lượng của lớp diễn viên kế cận hôm nay. So sánh với cùng một tiết mục truyền thống như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Đào Tam Xuân đề cờ, Kim Lân qua đèo (Tuồng), Thị Màu lên chùa, Tuần Ty – Đào Huế, Súy Vân giả dại (Chèo) thì thấy phần dự thi của lớp nghệ sĩ tài năng trẻ trước đây như Võ Xuân Hùng, Nguyễn Thị Lộc Huyền (Tuồng), Lê Thu Hằng, Nguyễn Duy Thuận, Nguyễn Thị Thu Hương (Chèo), Trần Hoàng Nhất, Trần Thị Thu Trang (Cải lương), Thu Quế, Xuân Bắc (Kịch nói), Hoàng Thị Hiền Lương (Ca kịch)… chất lượng vượt trội hơn hẳn. Hiện tại, đa phần họ đều đang là những nghệ sĩ có danh hiệu, là lực lượng nòng cốt ở các đơn vị kịch hát dân tộc.
Nâng niu, trân trọng những đóng góp và nỗ lực của các diễn viên trẻ nhưng các vị giám khảo cũng đã có những chia sẻ rất thật lòng khi chứng kiến dấu hiệu đi xuống ở một số phần biểu diễn cũng như cách dàn dựng tiết mục. NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã phải nhắn nhủ: “Xin các bạn trẻ nhớ cho rằng, say mê rất dễ dẫn tới sa đà, mà sa đà chính là một biểu hiện của tính phi chuyên nghiệp”. Sự “sa đà” ấy đã tạo ra vô số “hạt sạn” trong các cuộc thi, chẳng hạn việc miêu tả chi tiết tính nhục dục của bà Ba Bá Kiến đã khiến cảnh diễn kéo dài và gây phản cảm cho người xem; hay ông Chài là một nhân vật chân chất, mộc mạc, già nua mà hai tay của diễn viên cứ khoa lên trời một cách… dũng mãnh như phát lệnh xung phong trong trận mạc…
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020 cũng chỉ ra những hạn chế: “Một số tình tiết xây dựng còn khá sơ sài; diễn viên thể hiện cái đau không chân thật do không có sự chuẩn bị về yếu tố tâm lý; cách xử lý không gian, thời gian trên sân khấu cũng chưa hợp lý khi câu chuyện diễn ra ban đêm nhưng hành động như giữa ban ngày”. Ở Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020, một loạt những hạn chế đã được chỉ ra như: Ca chênh đàn, rớt nhịp, non giọng, đuối hơi, động tác vũ đạo khô cứng, vụng về, đạo cụ luộm thuộm, có người còn mang cả đồng hồ, dây chuyền, giầy cao gót khi đóng những vở lịch sử…
NSND Trần Minh Ngọc nhận định: “Nhiều tài năng “chín ép” đến các cuộc thi chỉ cốt sao giành được HCV, HCB để đủ chuẩn”. Rõ ràng, lực hấp dẫn của danh hiệu đã kéo một số diễn viên tới tham gia thi tài năng bằng các vai diễn chưa được đầu tư tương xứng, thiếu dấu ấn sáng tạo. Cũng khó trách các em khi thực tế đồng lương nghệ sĩ không đủ trang trải cuộc sống, cơ hội làm nghề và tỏa sáng ngày càng khó bởi hoạt động biểu diễn quá “èo uột”, nếu không có chút danh thì quả là thử thách khi muốn các em trụ lại với nghề.
Khoảng trống kế thừa…
Nhìn vào danh sách các đơn vị đăng ký dự thi tài năng trẻ sẽ thấy hiện tượng chênh lệch lớn giữa số lượng thí sinh mà các đơn vị đăng ký tham dự. Một số đơn vị nhiều kỳ không cử được diễn viên tham gia, có đơn vị chỉ cử được một, hai thí sinh đi thi nhưng chưa đủ độ chín để có thể đảm đương các vai diễn mẫu. Đây là một thực tế rất đáng báo động trong công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển cho loại hình nghệ thuật truyền thống. Một trong những lý do đó là thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã thực hiện sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, ví dụ 3 đoàn Chèo, Kịch nói và Cải lương thành một, kinh phí cấp hằng năm chỉ đủ cho một loại hình dựng vở, nếu Chèo dựng thì Cải lương và Kịch thôi và ngược lại; mức lương theo hạng, bậc của các nghệ sĩ đã thấp nhưng các khoản bồi dưỡng cũng ngày càng ít đi do không có nguồn thu… Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến đời sống cũng như tư tưởng, tình cảm của các nghệ sĩ trẻ dành cho nghệ thuật.
Một lý do khác cũng làm đau đầu với các nhà quản lý, đó là những khó khăn từ cơ chế đãi ngộ nghệ sĩ nói chung và nghệ sĩ trẻ nói riêng. Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM trăn trở đầy lo lắng: “Hiện nay ở khu vực phía Nam không có trường nào đào tạo loại hình Hát bội, bởi tuyển sinh không có người đến đăng ký. Muốn có lực lượng kế thừa, Nhà hát phải tự đào tạo theo hình thức truyền nghề. Tuy nhiên, theo quy định mới, Nhà hát không được ký hợp đồng lao động chuyên môn, người tham gia hoạt động tại Nhà hát phải có bằng cấp và thi viên chức. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Nhà hát không thể tổ chức đào tạo vì vướng Thông tư 36, trong đó quy định: Chỉ viên chức mới được sử dụng ngân sách nhà nước để đào tạo. Điều này đã khiến nhiều diễn viên trẻ phải bỏ ngang đi làm nghề khác. Nếu cứ như thế này tương lai Nhà hát sẽ không còn diễn viên nữa”.
Nhận diện từ các cuộc thi tài năng trẻ của sân khấu truyền thống thì đây không đơn thuần là “sân chơi” để các đơn vị và nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng mà còn là dịp đánh giá đúng thực trạng đời sống sân khấu nước nhà. Rõ ràng là đang phải đối đầu với vô vàn khó khăn để tồn tại trong cơ chế thị trường nhưng kịch hát dân tộc vẫn còn những người trẻ đã, đang yêu và gắn bó. Câu hỏi đặt ra là liệu lớp “măng non” từ các cuộc thi trở về có được tiếp tục bồi dưỡng, ươm trồng, vun xới để trở thành những tài năng thật sự hay không? Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan để giải truyết triệt để từ khâu tuyển sinh, đào tạo cho tới những chế độ, chính sách đặc thù để diễn viên có thể sống được bằng nghề, yên tâm dồn toàn lực cống hiến và tiếp tục nối dài những di sản nghệ thuật mà cha ông để lại.
Bài 2: Đào tạo tài năng trẻ cho kịch hát dân tộc: Đã hiếm lại còn… phí?
VHO- Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng về Người. Ngày 25.11.1970, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 206-NQ/TW về việc thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, đến nay vừa tròn 50 năm.
Nửa thế kỷ thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, gìn giữ và phát huy di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, các thế hệ cán bộ Bảo tàng HCM và hệ thống bảo tàng, di tích chi nhánh trong cả nước luôn tự hào về nhiệm vụ và truyền thống của cơ quan mình.
Đánh dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của Bảo tàng
Ngay từ buổi đầu thành lập, với tình cảm gắn bó sâu nặng, cán bộ cơ quan CQ41 đã tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ giữ gìn và phát huy di sản của Bác Hồ, một số cán bộ khác được tiếp tục điều động và tuyển chọn. Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiệm vụ của BCH Trung ương Đảng giao gồm: Xây dựng ngay kế hoạch toàn diện về Viện Bảo tàng HCM để Bộ Chính trị và Chính phủ xét duyệt; bảo quản tốt khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Sau năm 1975, tổ chức cơ quan được kiện toàn nhằm tích cực thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cho công tác nghiên cứu xây dựng Bảo tàng. Ngày 12.9.1977, Tổng Bí thư Lê Duẩn Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ký Nghị quyết 04-NQ/TW về việc thành lập Viện Bảo tàng HCM. Năm 1978, Hội đồng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, thiết kế và ngày 15.10.1979 đã ban hành Nghị định số 375/CP quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Viện Bảo tàng HCM.
Sau 15 năm chuẩn bị, ngày 31.8.1985, Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng HCM đã chính thức được thực hiện. Trong những năm 1986-1987, dù tình hình kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn quyết tâm khánh thành Bảo tàng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Bảo tàng HCM coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, đã động viên toàn thể cán bộ nhân viên hướng mọi hoạt động về ngày khánh thành Bảo tàng. Lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 19.5.1990 đánh dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của Bảo tàng, đồng thời ghi nhận sự đóng góp và phấn đấu, trưởng thành của tập thể cán bộ Bảo tàng. Từ đây, hoạt động của Bảo tàng HCM đã bước sang một giai đoạn mới.
30 năm qua kể từ khi chính thức mở cửa đón khách tham quan, thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước quy định nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng đã không ngừng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày, giáo dục, truyền thông cũng như các công tác hậu cần kỹ thuật giúp cơ quan hoạt động an toàn, chất lượng và hiệu quả. Với tình yêu và trách nhiệm, cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực trong học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, giữ gìn và phát huy hiệu quả các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Đồng chí Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị nghe họa sĩ Hồ Thọ, thư ký Hội đồng Mỹ thuật Bảo tàng HCM giới thiệu thiết kế trưng bày Bảo tàng HCM, 1.10.1989
Hình ảnh và thương hiệu Bảo tàng ngày càng được biết đến rộng rãi
50 năm qua, Bảo tàng HCM đã đón tiếp hơn 30 triệu lượt khách tham quan, trong đó có gần 7 triệu lượt khách quốc tế; nhiều đoàn nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của các quốc gia và các tổ chức quốc tế; nhiều trưng bày, triển lãm của Bảo tàng được đánh giá cao, đổi mới theo hướng hiện đại, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã thường xuyên đến dự và tham quan triển lãm tại Bảo tàng. Bảo tàng đã tổ chức gần 60 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công tác nghiệp vụ Bảo tàng, di tích; thực hiện 18 đề tài khoa học cấp Bộ và hơn 30 đề tài khoa học cấp cơ sở; nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao của Bảo tàng không ngừng được bổ sung, đến nay Bảo tàng đã có 5 tiến sĩ, 32 thạc sĩ và 42 cử nhân, kỹ sư.
Hoạt động nghiên cứu của Bảo tàng cũng thể hiện nổi trội qua hơn 60 ấn phẩm đã được xuất bản và tái bản nhiều lần, đó là những nguồn tài liệu chính thống, tin cậy, được biên soạn công phu, chất lượng, được bạn đọc hoan nghênh, đánh giá cao. Từ khi chính thức đón khách tham quan năm 1990, công tác sưu tầm các tài liệu, hiện vật về Bác Hồ vẫn không ngừng được quan tâm, đẩy mạnh với gần 10.000 đơn vị tài liệu, hình ảnh, tư liệu và các tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại khác nhau, trong đó có nhiều tài liệu, hiện vật gốc, độc bản, đặc biệt quý hiếm được sưu tầm và trao tặng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và cắt băng khai mạc triển lãm “Tổng Bí thư Trường Chinh – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng HCM, tháng 1.2017
Bảo tàng HCM là bảo tàng đầu hệ, trong đó các đơn vị chi nhánh trải dài trên khắp cả nước. Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Bảo tàng HCM và các đơn vị chi nhánh không ngừng được củng cố và phát triển, đã phát huy tốt các giá trị di sản Hồ Chí Minh đến với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Bảo tàng HCM đã giữ vững và làm tròn vai trò hướng dẫn về nghiệp vụ cho các đơn vị trong hệ thống. Bảo tàng cũng có những mối quan hệ đối ngoại truyền thống tốt đẹp với các cơ quan, cá nhân và các nhà khoa học ở một số nước như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Lào…, một số đối tác mới thiết lập và ngày càng đi vào chiều sâu như Israel, Italia, Bungari… Điều đó giúp Bảo tàng tăng cường hoạt động trao đổi, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát triển các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới.
Hình ảnh và thương hiệu Bảo tàng HCM ngày càng được biết đến rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, hệ thống nhận diện thương hiệu của Bảo tàng được đổi mới theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ phù hợp với kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, không gian cảnh quan bên trong và bên ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng được chỉnh trang, hoàn thiện, ngày càng phong quang, tươi đẹp. 50 năm từ khi ra đời trong đó có 30 năm mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng HCM cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành điểm hẹn thân thiết, nơi hành hương của đồng bào, đồng chí cả nước, địa điểm tham quan yêu thích của bạn bè khắp năm châu mỗi khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Bước sang tuổi 50, Bảo tàng HCM đang đứng trước nhiều thách thức và nhiều vận hội mới, Bảo tàng đã đặt ra những mục tiêu quan trọng cần phải thực hiện trong những năm tiếp theo… Dù còn không ít khó khăn, đặc biệt trước những ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh và suy thoái kinh tế trên thế giới hiện nay, song với tình yêu và niềm tin dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, toàn thể cán bộ Bảo tàng HCM khẳng định không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của Bác Hồ mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt, khẳng định vai trò, vị trí của Bảo tàng đối với xã hội như đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi người chúng ta, càng nhớ Bác Hồ, càng cố gắng làm theo lời Bác Hồ dặn, càng cố gắng làm theo cách Bác Hồ làm”.
VHO- Tối 20.11 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội), lễ khai mạc Liên hoan phim châu Âu tại Việt Nam 2020 đã diễn ra. Đến dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao EU – Việt Nam.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại lễ khai mạc
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định: “Văn hóa nói chung và điện ảnh của các nước châu Âu nói riêng đã được biết đến và yêu mến tại Việt Nam từ nhiều năm qua. Cùng với đó, văn hóa, điện ảnh Việt Nam đã được giới thiệu và chiếm được cảm tình của nhiều khán giả châu Âu thông qua các tuần phim, liên hoan phim châu Âu tại Việt Nam và tuần phim Việt Nam tại một số nước như Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha. Liên hoan phim lần này mang chủ đề “Tỏa sáng vì một thế giới yêu thương” sẽ giới thiệu những bộ phim hay nhất của điện ảnh, đạo diễn tên tuổi châu Âu được sản xuất trong những năm gần đây. Các bộ phim có giá trị cao về nghệ thuật, đem đến cho khán giả những nhận thức sâu sắc về văn hóa, con người châu Âu. Đồng thời, sự kiện còn góp phần củng cố tình hữu nghị bền chặt giữa hai hai bên”.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các khách mời, Đại sứ các nước EU tại Việt Nam
Sự kiện do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức dưới sự hỗ trợ của Dự án Tiếp cận Công chúng của EU (EUPOP, sự tham gia của Đại sứ quán các nước thành viên EU và các Trung tâm Văn hóa châu Âu tại Việt Nam. Đây là năm thứ 20 Liên hoan Phim châu Âu tổ chức tại Việt Nam.
Ngoài ra, Liên hoan năm nay diễn ra trong một bối cảnh khó đoán định, cả thế giới đảo lộn vì dịch Covid-19 bùng phát. Vì vậy, Liên hoan phim lần này muốn gửi tới khán giả thông điệp qua các bộ phim: “Dù có những thất bại, những cô đơn, mất mát, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng, bởi chúng ta có sự yêu thương và khát vọng hướng tới một tương lai tươi sáng hơn”.
Liên hoan sẽ đem tới cho khán giả 13 bộ phim đặc sắc chọn lọc từ 14 quốc gia châu Âu. Trong đó, nhiều phim đã giành được các giải thưởng trong nước và quốc tế quan trọng. Các bộ phim cho thấy những hành trình của tuổi trẻ và sự trưởng thành, lịch sử và hiện tại, các giá trị gia đình và cái tôi phức tạp trong thế giới đông đúc, những mâu thuẫn và niềm hy vọng… Các bộ phim được giới thiệu bao gồm Những chàng ruồi mùa Đông, Louise bên bờ biển, Người lạ hoàn hảo, Kề bên nhau, Hội ngộ, Cuộc đời kỳ diệu của V, Dịp này hằng năm… Đặc biệt, Liên hoan phim sẽ giới thiệu đến khán giả bộ phim Người lạ hoàn hảo (điện ảnh Ý) là bản gốc của phim Tiệc trăng máu đang gây “sốt” tại các rạp phim Việt Nam. Đây cũng là bộ phim được trình chiếu ngay sau khi lễ khai mạc diễn ra và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.
Lịch chiếu phim Liên hoan phim châu Âu 2020 tại Việt Nam
Liên hoan phim sẽ tiếp tục diễn ra từ ngày 20.11 đến hết ngày 7.12 tại Hà Nội (Trung tâm chiếu Phim Quốc gia – 87 Láng Hạ, Ba Đình), Huế (Rạp Cinestar – 25 Hai Bà Trưng, Vĩnh Ninh), thành phố Hồ Chí Minh (Rạp Cinestar Quốc Thanh – 271 Nguyễn Trãi, Quận 1) và lần đầu tiên tại Cần Thơ (Rạp Lotte Ninh Kiều – 84 Mậu Thân, An Hòa, Ninh Kiều). Việc tổ chức các hoạt động chiếu phim chỉ được thực hiện tại các địa phương khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát an toàn và phải tuân thủ theo các quy định về phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế ban hành.
Nguồn: ĐÌNH TOÁN; ảnh: ĐỨC ANH – Báo Điện tử Văn hóa
VHO- Ngày 17. 11 tại Hà Nội, Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học KHXH & NV, Công ty Cổ phần Nghệ thuật Sáng tạo Ong Vàng tổ chức Hội thảo khoa học Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam, Trưởng BTC nhấn mạnh, nghệ thuật công cộng là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm thời gian gần đây. Một phần bởi, nghệ thuật ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội đáng sống, hình thành nên những công dân biết yêu cái đẹp, hướng đến tính thiện và chia sẻ yêu thương. Phần khác là bởi các không gian công cộng chính là điểm nhấn của một đô thị, tôn vinh giá trị chính trị, văn hóa và đặc biệt là tạo ra lợi ích thiết thực về kinh tế.
Nhận thấy sức hấp dẫn xoay quanh lĩnh vực nghệ thuật công cộng và những lợi ích song hành, Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch.
Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, hội thảo là diễn đàn kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với mục đích giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa văn hóa nghệ thuật và kinh tế nói chung, nghệ thuật công cộng và tính hấp dẫn của điểm đến nói riêng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để sinh viên tiếp cận với những vấn đề thực tiễn từ cuộc sống, cùng với các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trải nghiệm cách thức bàn luận giải quyết vấn đề thực tế, cũng như tạo cơ hội việc làm từ sự giao lưu giữa doanh nghiệp với sinh viên ngành văn hóa nghệ thuật.
Tại sự kiện, Ban tổ chức hội thảo công bố cuốn kỷ yếu gồm 33 bài tham luận chất lượng, là sản phẩm nghiên cứu từ nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Các bài viết tập trung khai thác Nghệ thuật Công cộng xoay quanh các chủ đề chính: Cơ sở lý luận và thực tiễn về nghệ thuật công cộng và điểm đến du lịch; Kinh nghiệm quốc tế về sự kết hợp giữa nghệ thuật công cộng với việc kiến tạo điểm đến du lịch; Thực trạng về nghệ thuật công cộng tại các điểm đến du lịch ở Việt Nam hiện nay; Đề xuất giải pháp về sự kết hợp giữa nghệ thuật công cộng với việc kiến tạo điểm đến du lịch, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong tham quan du lịch, theo kịp sự phát triển của thế giới; Định hướng sự kết hợp giữa nghệ thuật công cộng với việc kiến tạo điểm đến du lịch ở Việt Nam hiện nay.
Nhiều ý kiến đã nêu lên các vấn đề liên quan đến thực trạng về nghệ thuật công cộng, chủ trương chính sách, định hướng phát triển. Trong đó, các chủ đề về thành công, hạn chế của nghệ thuật công cộng tại Việt Nam hiện nay; các giải pháp để nghệ thuật công cộng gắn kết điểm đến du lịch, cũng như những bài học kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam đặc biệt được chú trọng.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, người tham dự có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu tại Việt Nam như Bông hoa Dã quỳ & Nụ hoa Atiso, Quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt; Cổng trời Phú Quốc; Tháp Trầm Hương, Nha Trang… và trên thế giới tại khu triển lãm, hứa hẹn mang đến những dư âm mới mẻ, truyền cảm hứng sáng tạo sâu sắc.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ thêm: “Những năm gần đây ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật công cộng tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án của nhà nước – hướng về nghệ thuật dân gian, đề cao bản sắc văn hóa. Cá nhân tôi cũng như cộng đồng mỹ thuật, sáng tạo đánh giá rất cao hiệu quả từ mỗi công trình đến lĩnh vực du lịch. Tôi hi vọng rằng, với những đóng góp từ Hội thảo, cũng như định hướng đúng đắn từ chính phủ, nghệ thuật công cộng sẽ còn phát triển hơn nữa, trở thành biểu tượng mang tính bản sắc của mỗi địa danh”.
Hội thảo khoa học Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch lần đầu tiên được tổ chức, đóng góp những giải pháp giúp sự kết nối giữa văn hoá – nghệ thuật – du lịch phát huy hiệu quả tốt nhất. Hội thảo được kỳ vọng sẽ là điểm khởi đầu tốt đẹp, để những hội thảo về nghệ thuật công cộng sẽ được tổ chức thường niên, góp phần chia sẻ kiến thức, tuyên truyền cho cộng đồng hiểu rõ hơn về các tác phẩm sáng tạo và vai trò thiết thực của nghệ thuật công cộng trong đời sống.
Nguồn: HOÀNG VY; ảnh: MINH THANH – Báo Điện tử Văn hóa
VHO- Không chỉ là điểm đến thấm đẫm nền văn hoá bản địa đặc sắc, Fansipan-Sa Pa còn sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú “biến hình” vi diệu suốt bốn mùa, khiến du khách luôn ngỡ ngàng mỗi khi trở lại.
Thiên nhiên vi diệu
Những biển mây bồng bềnh như tiên cảnh, những cánh đồng hoa rực rỡ giữa đồi núi mênh mông, mùa lúa chín vàng rực đẹp mê hồn hay một trời băng giá lấp lánh trên đỉnh Đông Dương, hiếm có nơi nào như Fansipan, Sa Pa, mỗi mùa đều “chiêu đãi” du khách bằng những thứ đặc sản thiên nhiên hết sức đặc biệt như thế.
Vào tầm tháng 10, 11, khi tiết trời bắt đầu se lạnh với nắng hanh vàng ruộm, các diễn đàn du lịch lại rộ lên từ khoá “mùa đẹp nhất của Sa Pa”. Đó là bởi lúc này, những tâm hồn xê dịch mới được chiêm ngưỡng biển mây bồng bềnh ảo diệu như tiên cảnh từ đỉnh Fansipan huyền thoại.
Mùa mây kéo dài trong khoảng 2 tháng nhưng không ngày nào giống ngày nào. Có những buổi sáng mây như kết lại thành một tấm nệm bồng bềnh, êm ái trải dài đến tận chân trời. Nhưng đôi khi mây lại bông xốp, cuồn cuộn cuốn lên cao như những khối kẹo bông khổng lồ, nhìn chỉ muốn “cắn” thử. Các tín đồ du lịch vì thế đua nhau khoe thành quả “săn mây”. Có những người năm nào cũng “săn” mà vẫn chưa hề thấy thoả mãn.
Hết mùa mây là lại liền luôn đến mùa băng giá. Có những ngày mùa đông trời xanh ngắt, nắng trong veo, đỉnh Fansipan băng phủ trắng xoá, đông cứng cỏ cây tạo nên một bức tranh băng lấp lánh tuyệt đẹp. Du khách nào may mắn lên đỉnh dịp này chắc chắn sẽ vô cùng thích thú với những khối băng trong suốt như pha lê bám dày đặc trên các nhành cây, gờ tường… khung cảnh tưởng như chỉ được nhìn thấy qua các bộ phim Giáng sinh.
Khi tiết trời chuyển xuân, Fansipan lại bước vào mùa hoa rực rỡ. Đại ngàn Hoàng Liên sau một mùa đông say ngủ bắt đầu bừng tỉnh với sắc hồng của hoa đào cùng những vạt đỗ quyên từ hồng phớt đến đỏ sậm rồi vàng mơ, trắng tinh khôi đua nhau bật mầm bung nở. Khung cảnh biển mây hay băng tuyết ngày nào giờ được thay bằng những thảm hoa muôn màu lúc ẩn lúc hiện dưới màn sương lạnh, mà nếu chưa được chiêm ngưỡng thì đừng nói là bạn đã biết hết Fansipan.
Dưới chân núi, khi ánh nắng hè đầu tiên rọi xuống cũng là lúc những khóm hoa hồng leo Sa Pa bắt đầu hé nụ. Hoa hồng Sa Pa khi đã nở thì sẽ nở rộ thành từng chùm lớn, tạo nên những suối hoa, thác hoa chảy tràn trên những vách đá, bờ tường, một cảnh sắc mê hồn mà bất cứ người yêu hoa nào đều sẽ ao ước được chiêm ngưỡng.
Và cũng nhất định đừng bỏ lỡ một chuyến dạo chơi trên triền đồi hoa tím đẹp như trong cổ tích, nơi hàng triệu triệu đóa mã tiền thảo kết thành những áng mây tím bồng bềnh ôm ấp lấy non xanh, hòa quyện với nền trời xanh biếc cùng những áng mây trắng vẽ nên một thước phim hoa làm say lòng lữ khách.
Rồi mùa lúa xanh chuyển màu, mùa lúa chín vàng ươm, mùa mai anh đào lãng mạn… mỗi thời điểm, Fansipan, Sa Pa vừa đẹp vi diệu lại vừa khác biệt. Vì thế để ngắm trọn được vẻ đẹp của nơi này, chắc chắn không thể chỉ ghé chốn này một lần.
Trải nghiệm văn hoá đa dạng, hấp dẫn
Cộng hưởng với vẻ đẹp thiên nhiên là sắc màu văn hoá độc đáo và đặc trưng của xứ sở trong mây. Đến đây, du khách sẽ được hoà mình vào cuộc sống truyền thống của người dân bản địa như mua sắm tại những phiên chợ dân tộc nơi bà con người Mông, Dao, Giáy… tụ họp bày bán các loại đặc sản núi rừng, hay lắng nghe thanh âm của tiếng sáo, tiếng khèn môi cùng những điệu múa xòe duyên dáng từ những nàng thơ Tây Bắc.
Thoang thoảng trong hơi sương lạnh là mùi vị hấp dẫn khó cầm lòng của thịt lợn bản nướng mắc khén trên than hồng ăn cùng cơm lam thơm nức, của thắng cố, của gà cuốn lá chanh hay cá suối nướng giòn rụm… mà một khi đã nếm thử sẽ lại tự vấn mình sao lại có những món ngon ăn cả đời không chán như thế.
Sau một ngày dạo bộ chùn chân mỏi gối, còn gì thú hơn được ngâm mình trong bồn tắm với bài thuốc tắm lá bí truyền của người Dao đỏ, thư giãn từng tế bào cơ thể để quên đi mọi phiền lo.
Còn tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend, trải dài trong năm là các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hoá hấp dẫn dành cho du khách, từ Hội Xuân Mở Cổng Trời đến Lễ hội Hoa Đỗ Quyên, Lễ hội Mùa Lúa Chín hay giải đua ngựa Vó Ngựa Trên Mây sôi động… Khu du lịch này cũng là một điểm đến tâm linh được các Phật tử tìm về bởi trên đỉnh thiêng Fansipan, nơi mạch nguồn linh khí của dân tộc, ngự tọa những công trình kiến trúc tâm linh kỳ vĩ được kiến tạo kỳ công, tựa như những sơn tự đã tồn tại ở nơi núi thiêng khắc nghiệt này cả trăm năm về trước. Nói như nhiều du khách thì chỉ cần đến khu du lịch này, cũng đã thấy một Sa Pa không bao giờ lặp lại.
Một điểm đến, một vùng đất để bất cứ ai đã đến sẽ không ngừng rạo rực, nhớ nhung, sẽ luôn khiến họ háo hức, bất ngờ trong mỗi lần quay trở lại, không đâu khác, chỉ có thể là Fansipan, Sa Pa.