Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV – 2020: Thiếu vắng đề tài về Hà Nội

VHO- Liên hoan sân khấu Thủ đô theo thông lệ 2 năm một lần đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa nổi bật của Hà Nội. Tuy nhiên, nhìn vào 13 vở diễn đăng ký tham dự lần này, đề tài về cuộc sống và con người Thủ đô lại thiếu vắng khiến giới nghề và khán giả phần nào hẫng hụt, bởi truyền thống của Liên hoan nhiều năm nay là khắc họa những nét thanh lịch, hào hoa của con người Tràng An.

Cảnh trong vở “Những người ở lại” của ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, vở diễn hiếm hoi về đề tài Hà Nội tại Liên hoan

Nhiều băn khoăn về tiêu chí trao giải

Tại cuộc họp báo trước Liên hoan, trả lời câu hỏi của giới truyền thông, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng quản lý nghệ thuật Sở VHTT Hà Nội khẳng định: “Đã là Liên hoan sân khấu Thủ đô thì đương nhiên Ban tổ chức, Ban giám khảo sẽ ưu tiên hơn khi chấm các vở diễn về đề tài Hà Nội”. Chắc hẳn, không ít đại diện các đơn vị và nghệ sĩ sẽ “chạnh lòng” về việc “ưu tiên” này. Bởi lẽ, hơn một nửa tác phẩm tham dự Liên hoan đã không đề cập trực diện tới cuộc sống, con người đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Phải chăng, nếu chất lượng nghệ thuật ngang nhau hoặc thậm chí có phần nhỉnh hơn thì những vở diễn này sẽ khó có thể được lựa chọn chấm giải cao so với những vở đề tài về Thủ đô?!

Sát tới ngày khai mạc Liên hoan, Sân khấu Lệ Ngọc đã rút không tham dự. Chia sẻ về việc này, NSND Lê Ngọc cho biết: ‘Đơn vị chúng tôi chưa kịp chuẩn bị và hoàn thiện tác phẩm một cách chu đáo nên đành rút, cho dù các nghệ sĩ đều rất tiếc. Tuy nhiên, thay mặt những người làm sân khấu xã hội hóa của Thủ đô, Sân khấu Lệ Ngọc mong muốn Sở VH-TT Hà Nội và Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN cần tổ chức các cuộc thi riêng hoặc đưa ra những dự án sân khấu dàn dựng riêng về đề tài Hà Nội cho các đơn vị nghệ thuật cùng tham gia, có như vậy mới tạo ra một sân chơi nghệ thuật đặc thù”.

Mới đây, Bộ Công an đã tổ chức Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân và thu hút tới 27 đơn vị nghệ thuật với 35 vở diễn được đầu tư dàn dựng công phu. Điều gì đã khiến một cuộc liên hoan ngành lại có thể thu hút đông đảo lực lượng tham gia hùng hậu đến vậy? Phải ghi nhận việc ngành công an đã làm “bà đỡ” cho các tác phẩm tham dự ngay từ khâu phát động rồi khâu tổ chức trại sáng tác cho các tác giả sân khấu đi thực tế thâm nhập về ngành. Vậy tại sao Hà Nội không thể tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi riêng về đề tài Hà Nội? Trả lời câu hỏi này, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết: “Hội thường xuyên tổ chức các trại sáng tác với sự tham gia của nhiều tác giả tên tuổi, chúng tôi chỉ có thể đề nghị các tác giả quan tâm tới đề tài Hà Nội chứ không thể yêu cầu họ viết riêng về đề tài Hà Nội được”.

Vở chèo cổ nhưng “Trinh Nguyên” của Nhà hát Chèo VN được phục dựng rất hấp dẫn

Quan trọng vẫn là chất lượng của tác phẩm

Để giải quyết vấn đề Hà Nội thiếu vắng những vở diễn về chính mình, việc cần làm là phải tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi kịch bản riêng, có như vậy mới tạo được động lực và khuyến khích những người làm nghệ thuật dàn dựng các tác phẩm sân khấu về đề tài này. Cũng có những đơn vị như Nhà hát Chèo Hà Nội đã ý thức rất rõ việc xây dựng các tác phẩm về Hà Nội. NSƯT Thu Huyền, Phó Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Là một đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi luôn xác định một trong những nhiệm vụ của đơn vị là làm sao chuyển tải và tôn vinh được đặc trưng văn hoá Thủ đô. Nhà hát tham dự liên hoan với vở chèo Tình sử Thăng Long của tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn NSƯT Lê Tuấn. Đây là vở diễn trong kịch mục dàn dựng hàng năm của chúng tôi, mới ra mắt vào cuối năm 2019, chưa kịp diễn phục vụ khán giả thì bị dịch Covid-19 làm đình lại. Hơn 100 suất diễn của Nhà hát đã phải dừng hết. Tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô là cú hích khởi động lại của đơn vị nên các nghệ sĩ đều thấy rất hào hứng”.

Quả thực, sau đợt dịch Covid-19, khi các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang gặp rất nhiều khó khăn thì việc tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020 là cơ hội hấp dẫn. Đó là lý do mà tuy không có đề tài về Thủ đô nhưng một số đơn vị vẫn đăng ký tham gia. NSND Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, Trưởng Ban Chỉ đạo chia sẻ: “Liên hoan sẽ là cuộc so tài đầy kịch tính. Một số vở diễn mới dàn dựng gần đây đã tạo được hiệu ứng tốt trong giới nghề và khán giả, bên cạnh đó, có những đơn vị nghệ thuật dựng lại các vở đã từng công diễn nhưng với góc nhìn mới mang hơi thở đương đại. Liên hoan lần này không chỉ là nơi giao lưu về nghề nghiệp, trao đổi, học hỏi cách làm sân khấu thời kỳ mới mà còn là nơi thi thố tài năng nhằm phát hiện và tiếp lửa đam mê cho những nghệ sĩ trẻ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sân khấu Việt Nam”. Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan chia sẻ thêm, Ban giám khảo sẽ hoàn toàn công tâm, không có bất kỳ sự thiên vị nào cả. Chất lượng là trên hết, các tác phẩm, vai diễn được trao vàng phải thực sự xứng đáng là “vàng mười” để tạo nên sự kích thích, động viên cho những người làm nghệ thuật.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô mới ở chặng đầu, nhưng những tác phẩm được trình làng như Trinh Nguyên (Nhà hát Chèo VN), Người đi tìm minh chủ (Nhà hát Cải lương VN), Người tốt nhà số 5 (Nhà hát Kịch VN), Những người ở lại của ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Đợi đến mùa xuân (Nhà hát Tuổi trẻ), Tình sử Thăng Long (Nhà hát Chèo Hà Nội)… được khán giả và người trong nghề đánh giá cao, hứa hẹn sẽ mang tới những cuộc so tài đầy hấp dẫn. Và chắc chắn, Ban giám khảo với đội ngũ các nhà lý luận, phê bình, tác giả, hoạ sĩ hùng hậu sẽ phải vô cùng vất vả để có thể “chọn mặt gửi vàng”.

 Nguồn: THUÝ HIỀN – Báo Điện tử Văn hóa

Khám phá Việt Nam qua những bức ảnh và clip đẹp

VHO- Ngày 24.9, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Lễ trao giải và khai mạc triển lãm Cuộc thi Ảnh nghệ thuật du lịch lần thứ 9 Explore Vietnam – Khám phá Việt Nam và Lễ trao giải Cuộc thi clip giới thiệu du lịch Việt Nam chủ đề Vietnam NOW.

Lễ trao giải và khai mạc triển lãm Cuộc thi Ảnh nghệ thuật du lịch lần thứ 9 Explore Vietnam – Khám phá Việt Nam

Hai cuộc thi đã đóng góp hiệu quả cho công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước con người Việt Nam; tăng cường kho tư liệu ảnh và video phục vụ các hoạt động xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam. Các cuộc thi cũng khuyến khích công chúng tham gia sáng tác, công bố các hình ảnh, clip về du lịch; qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của du lịch, thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam và thúc đẩy các hoạt động du lịch nội địa.

Trong đó, tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật Du lịch toàn quốc lần thứ 9, Ban Tổ chức đã nhận 15.610 ảnh dự thi của 1.118 tác giả từ 63 tỉnh, thành, trong đó có 14 tác giả là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Các tác phẩm dự thi đã mô tả bức tranh Du lịch Việt Nam tươi đẹp, đa dạng với nhiều góc cạnh và mảng màu sống động xoay quanh các chủ đề như ẩm thực, biển đảo, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, đời thường, du lịch khám phá, làng nghề truyền thống, lễ hội… Hội đồng Giám khảo đánh giá, các tác phẩm dự thi lần này hầu hết có chất lượng tốt, bám sát chủ đề về du lịch với nhiều đề tài phong phú, đa dạng, nhiều góc nhìn mới lạ, giàu tính sáng tạo và tính nghệ thuật; là cơ sở hình thành hệ thống dữ liệu ảnh phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến cho ngành Du lịch Việt Nam.

Tác phẩm “Thuyền hoa”, giải Nhất Cuộc thi Ảnh nghệ thuật du lịch lần thứ 9

Kết quả, giải Nhất thuộc về tác phẩm Thuyền hoa của tác giả Trần Minh Lương; 2 giải Nhì dành cho tác phẩm Trong sương (Nguyễn Quang) và Sương sớm (Lê Nguyên Huy); 3 giải Ba dành cho tác phẩm Đón nắng (Đỗ Thu Quyên); Vũ công trên biển (Nguyễn Tiến Trình) và Thân thiện (Tôn Thất Tuấn Ninh). Cuộc thi còn có 5 giải khuyến khích, 2 giải phụ thông qua bình chọn trên facebook của Tạp chí Du lịch:

Cuộc thi Clip giới thiệu Du lịch Việt Nam chủ đề Vietnam NOW, trong 1 tháng tiếp nhận tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức đã nhận được 59 tác phẩm của 28 tác giả trong và ngoài nước. Các tác phẩm dự thi thể hiện phong cảnh đẹp, kể về câu chuyện truyền cảm hứng, sáng tạo, vui vẻ và những trải nghiệm thú vị trên hành trình khám phá vẻ đẹp của đất nước, con người, văn hóa và các điểm đến du lịch Việt Nam.

Ban Giám khảo đã lựa chọn được 11 tác phẩm để trao giải, cụ thể: Giải Đặc biệt được trao cho video Quảng Bình- Hè này phải đi của tác giả Lê Tuyết; Giải Nhất: video The beauty of Nature, Culture and Humans (Vũ Hương Giang); 2 Giải Nhì dành cho Đà Lạt nhìn từ trên cao (Nguyễn Đặng Việt Cường) và Hoi An – the ancient city of Vietnam (Masashi Matsubuchi)…

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Cuộc thi ảnh và clip không chỉ góp phần tuyên truyền quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế, mà còn giúp tăng cường kho tư liệu ảnh, clip phục vụ các hoạt động xúc tiến, quảng bá Du lịch Việt Nam. Mỗi tác phẩm tham dự là những góc nhìn mới lạ, hấp dẫn, chứa đựng tính nghệ thuật truyền cảm hứng cao, dẫn dắt người xem trải nghiệm qua dòng chảy không gian, thời gian từ vùng non cao với ruộng bậc thang Mù Cang Chải; qua quần thể hang động trong di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, đến thành phố Hồ Chí Minh với nhịp sống sôi động; hay những trầm mặc, lắng đọng của cố đô Huế và phố cổ Hội An,… tất cả đều được các tác giả thể hiện xuất sắc dưới con mắt của những người trải nghiệm du lịch”.

Lễ công bố kết quả, trao giải hai cuộc thi được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Du lịch Thế giới 27.9. Triển lãm 181 tác phẩm xuất sắc của Cuộc thi ảnh diễn ra từ 24 – 30.9 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Ba Đình, Hà Nội).

Nguồn: BẢO AN – Báo Điện tử Văn hóa

Bộ VHTTDL triển lãm tranh cổ động tuyên truyền Đại hội XIII của Đảng

VHO- Ngày 18.9 tại TP. Hòa Bình, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Lễ trao giải thưởng và khai mạc triển lãm tranh cổ động  tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;  kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám  và Quốc khánh 2.9. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương dự khai mạc và trao giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm xuất xuất sắc

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn trao 2 giải nhất 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài nhấn mạnh, năm 2020, đất nước ta có nhiều ngày lễ, kỷ niệm lớn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, của dân tộc, của đất nước ta, định hướng tương lai, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về hai chủ đề nói trên đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các Sở VHTTDL,  Sở VHTT; Trung tâm Văn hóa; Trung tâm Thông tin Triển lãm; Hội VHNT; các Trường Đại học có khoa chuyên ngành mỹ thuật và các tác giả chuyên nghiệp, không chuyên trong toàn quốc tham gia dự thi.

Cắt băng khai mạc triển lãm

Ở Chủ đề xây dựng Đảng và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam được phát động từ ngày 01.6- 16.7.2020, BTC đã nhận được 405 tranh của 160 tác giả thuộc 46 tỉnh,thành phố;

Chủ đề kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9 được phát động từ ngày 16.4 đến ngày 22.6.2020, BTC nhận được 388 tranh của 276 tác giả thuộc 50 tỉnh,thành phố tham gia dự thi.

Giải nhất cuộc thi sáng tác Chủ đề xây dựng Đảng và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tác phẩm “Chắp cánh ước mơ”, tác giả Bùi Đại Hào

BGK đã chọn 140 tác phẩm đạt chất lượng phục vụ trưng bày triển lãm và gửi các địa phương trên cả nước làm tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền. Trong đó, đã chọn được 75 tranh tuyên truyền kỷ niệm  75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9; 65 tranh tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2020 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Giải nhì cuộc thi sáng tác Chủ đề xây dựng Đảng và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tác phẩm “Đảng là cuộc sống của tôi”, tác giả Hà Huy Chương

Các tác phẩm dự thi đã thể hiện rõ chủ đề cuộc thi, đa dạng về hình thức thể hiện, phong phú về chất liệu, phản ánh rõ sự tìm tòi sáng tạo trong sáng tác tranh cổ động. Góp phần tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; qua đó phát huy vai trò của các cấp, các ngành, của cán bộ đảng viên và nhân dân để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Giải ba cuộc thi sáng tác Chủ đề xây dựng Đảng và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tác phẩm  “Tây Nguyên đời đời ơn Đảng” , tác giả Lưu Yên Thế

Ở hai chủ đề thi, có nhiều tác phẩm tiêu biểu có chất lượng về nội dung tuyên truyền và nghệ thuật như: Tác phẩm “Chúng em vui múa hát mừng 75 năm đất nước độc lập” của tác giả Đỗ Trung Kiên (Hà Nội); Tác phẩm “75 năm 1945-2020” của tác giả Hà Huy Chương (Hải Dương); Tác phẩm “Chắp cánh ước mơ” của tác giả Bùi Đại Hào (Hà Nội), Tác phẩm “Niềm tin có Đảng” của tác giả Đỗ Như Điềm (Thái Bình), Tác phẩm “Tây Nguyên đời đời ơn Đảng” của tác giả Lưu Yên Thế (Hà Nội)…

Giải nhất cuộc thi  sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, tác phẩm “Chúng em vui múa hát mừng 75 năm đất nước độc lập”, tác giả Đỗ Trung Kiên

Kết thúc 2 cuộc thi, BGK đã chọn được 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba, 20 giải Khuyến khích và 2 giải phong trào.

Để kịp thời đáp ứng công tác tuyên truyền, Cục Văn hoá cơ sở đã ấn hành 1.000 đĩa tranh, 20.000 tranh cổ động phát hành về cơ sở; Phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh Tuyên Quang, Ninh Thuận tổ chức triển lãm tranh cổ động tấm lớn kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9.

Nguồn: HÀ PHƯƠNG, ảnh: TÙNG THANH – Báo Điện tử Văn hóa

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV : Tìm kiếm những tác phẩm đích thực “vàng mười”

VHO- Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV – năm 2020 do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra từ 26.9 đến 3.10 tại Hà Nội. Đây là hoạt động thường kỳ của Hội hướng đến kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô và hướng về ngày Giỗ Tổ ngành sân khấu.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi trao đổi tại cuộc họp báo về Liên hoan

Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV năm 2020 có 14 vở diễn thuộc các đơn vị nghệ thuật Thủ đô và một số tỉnh thành tham gia Liên hoan. Ngoài các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Thủ đô như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ… thì còn có những đơn vị ở các địa phương khác như Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, Nhà hát Chèo Bắc Giang. Đây sẽ là những đơn vị góp phần giúp cho Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IVt hêm nhiều màu sắc và sự hấp dẫn.

Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng quản lý nghệ thuật Sở VHTT Hà Nội cho biết:“Năm nay, dù dịch Covid hoành hành nhưng Hội NSSKVN và Sở VHTT Hà Nội vẫn quyết định tổ chức Liên hoan. Chúng tôi vẫn triển khai kế hoạch từ đầu năm và gửi giấy mời các đơn vị nghệ thuật tham gia để họ lên kế hoạch tập luyện. Vừa làm công tác chuẩn bị vừa theo dõi diễn biến của tình hình dịch bệnh, anh chị em nghệ sĩcũng có chút lo lắng nhưng cuối cùng thì chúng ta cũng đã kiểm soát được dịch bệnh để thiết lập trạng thái bình thường mới như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, vì thế, chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc tổ chức Liên hoan đúng dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Hà Nội và hướng về Giỗ Tổ nghề Sân khấu”.

Vở chèo Trinh Nguyên của Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tham dự Liên hoan 
Vở cải lương Người đi tìm minh chủ của Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ tham dự Liên hoan

Liên hoan Sân khấu Thủ đô từ lâu đã được coi là một trong những sân chơi nghề chất lượng dành cho những nghệ sĩ sân khấu Thủ đô. Mặc dù tính chất “liên hoan” nhưng thực tế, các đơn vị nghệ thuật đều đầu tư rất công phu từ khâu kịch bản đến dàn dựng. Liên hoan năm nay tiếp tục mang đến cho khán giả những vở diễn gắn với Hà Nội, cho thấy mảnh đất địa linh nhân kiệt vẫn là niềm cảm hứng lớn, thôi thúc người làm nghệ thuật không ngừng sáng tạo. NSND Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan chia sẻ: “Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV sẽ là cuộc so tài đầy kịch tính và hấp dẫn. Một số vở diễn được dàn dựng mới đây đã tạo được hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả, bên cạnh đó, có những đơn vị nghệ thuật dựng lại các vở đã từng công diễn nhưng với góc nhìn mới và mang đậm hơi thở của thời đại. Liên hoan lần này không chỉ là nơi giao lưu về nghề nghiệp giữa các nghệ sĩ; sự trao đổi, học hỏi cách làm sân khấu thời kỳ mới giữa các đơn vị nghệ thuật mà còn là nơi thi thố tài năng nhằm phát hiện và tiếp lửa đam mê cho những nghệ sĩtrẻ để họ tiếp tục cống hiến tài năng và nhiệt huyết của mình cho khán giả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sân khấu Việt Nam” . Tại cuộc họp báo, BTC Liên hoan cho biết nếu không tìm được những vở diễn, vai diễn xuất sắc thì cũng không cố ép phải trao HCV. Chất lượng là trên hết, các tác phẩm, vai diễn được trao giải vàng phải thực sự xứng đáng là “vàng mười”..

Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV được diễn ra từ ngày 26.9 đến ngày 3.10 tại các nhà hát trên địa bàn Hà Nội gồm có: Nhà hát Kịch Việt Nam, Rạp Nhà hát Tuổi Trẻ, Rạp Công nhân, Rạp Kim Mã, Nhà hát của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Rạp Đại Nam, Trường ĐH VHNT Quân đội…Liên hoan sẽ mở cửa tự do để khán giả Thủ đô  có cơ hội  thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật chất lượng .

 Nguồn: THUÝ HIỀN, ảnh : NGUYÊN NGỌC – Báo Điện tử Văn hóa

Khai mạc Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc

VHO- Chiều ngày 18.9 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã khai mạc Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020. 

Cuộc thi độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020 là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cuộc thi là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân; giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam, từ đó rút ra những bài học về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng và tìm ra những phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới.

Cuộc thi thu hút số lượng thí sinh đăng kí tham gia khá lớn, 650 thí sinh và 35 đoàn nghệ thuật trong cả nước. Các nghệ sĩ sẽ cùng nhau tranh tài biểu diễn các loại hình âm nhạc truyền thống như tuồng, chèo, ca trù, cải lương, hát ru; bộ hơi: sáo trúc, sáo tre, kèn sona, kèn lá, K’lông pút…;  bộ dây: nhị, cò…;  bộ gảy: Nguyệt, tranh, tỳ bà, Tam thập lục… Hội đồng giám khảo sẽ chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất để trao giải thưởng vào tối 4.10.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh,  Phó Trưởng Ban tổ chức và  Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà, Phó Trưởng Ban tổ chức tặng hoa cho Hội đồng Giám khảo

Dự kiến ban đầu diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nhưng do tình hình Covid-19, để đảm bảo an toàn các biện pháp phòng chống dịch, Bộ VHTTDO đã ứng biến kịp thời, quyết định hình thức tổ chức mới, đó là Cuộc thi sẽ tổ chức tại 5 địa điểm bao gồm: Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố Thanh Hóa; Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được chọn làm nơi diễn ra Lễ khai mạc.
Ngay trong Lễ khai mạc, khán giả thành phố Tây Nguyên đã được thưởng thức những tiết mục biểu diễn đặc sắc của Đoàn Ca Múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế. Chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca Múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk gồm 3 tiết mục: Hồn đất mẹ (M’ngăt Lăn Amí); Vía trời Cha (Eengit Adiê Ama); Tiếng lòng gọi bạn (Asăp lêo M’thưr). Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế mang tới cuộc thi chương trình gồm 3 chủ đề: Chủ đề 1 Vang mãi dòng Hương : Hòa tấu dàn nhạc: Về với Huế thơ dựa theo các làn điệu lý Huế vui tươi nhộn nhịp; chủ đề 2 Tiếng Hương Bình: Tứ tấu “Nam Ai” và song tấu Cổ bản dựng sang cổ bản thường (làn điệu cổ); chủ đề kết Sóng Hương Giang: Song ca kèn Sona Đại Hồng Thủy 99.

Khán giả được đo thân nhiệt và sát khuẩn trước khi vào rạp
Tiết mục dự thi của Đoàn Ca Múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk 
Tiết mục dự thi của Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế

Khác với nhiều cuộc thi, liên hoan… từng được tổ chức luôn khuyến khích khán giả tới rạp, Cuộc thi lần này chỉ có một số lượng khán giả hạn chế để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Cuộc thi được phát trực tiếp trên kênh Youtube của Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, trong hoạt động liên hoan và cuộc thi chuyên nghiệp được phát trực tiếp trên Youtube.

Nguồn: DƯƠNG THUỶ – Báo Điện tử Văn hóa

Triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020: Dấu ấn 10 năm

VHO- Từ ngày 18.9 đến 18.10.2020, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ giới thiệu đến công chúng Triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020. Đây là triển lãm nghệ thuật điêu khắc quy mô nhất trong một thập kỷ qua của nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn, quy tụ hơn 60 tác phẩm đương đại đặc sắc của 32 tác giả tiêu biểu đến từ hai đầu đất nước.

Đây là triển lãm lần thứ 6, đánh dấu cột mốc chặng đường 10 năm hoạt động của Nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn. Triển lãm năm nay quy tụ số lượng tác giả – tác phẩm đông đảo nhất kể từ trước đến nay với sự góp mặt của 32 nhà điêu khắc nổi tiếng cùng 63 tác phẩm trưng bày. Phần lớn các tác phẩm được sáng tác hoàn toàn mới trong năm 2020, mang dáng dấp và hơi thở của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đương đại. Đáng chú ý, với sự tham gia hùng hậu của lớp nghệ sĩ trẻ sinh những năm 1980 – 1990, triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020 hứa hẹn đem đến làn gió mới, những góc nhìn mới dành cho người yêu nghệ thuật.

Tác phẩm Bố mẹ tôi, cái cuốc và cây cải bắp (2020) của nghệ sĩ Kù Kao Khải

Điểm nhấn của triển lãm năm nay không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở sự phong phú trong khuynh hướng sáng tạo và chất liệu sử dụng như kim loại, gỗ, đá, gốm, composite, sợi thủy tinh…. Các tác phẩm chứa đựng những suy tư và chiêm nghiệm của nghệ sĩ về đời sống: từ những vấn đề phổ quát như tự do, thời gian, chuyển động, thiên nhiên… cho tới những câu chuyện cụ thể của người đương thời, ký ức tuổi thơ, sự cô đơn, những khao khát…, qua đó phản ánh phần nào những diễn biến đa dạng, nhiều chiều của điêu khắc Việt Nam đương đại.

Tác phẩm Đỏ và đen (2020) của nghệ sĩ Hoàng Tường Minh

Nhà nghiên cứu – phê bình nghệ thuật Vũ Huy Thông nhận định: “Sự phát triển trong hoạt động của Nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam với vai trò là một tổ chức nghệ sĩ điêu khắc độc lập tiên phong, những người kích thích nỗ lực sáng tạo, mở rộng tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc. Nhưng trên hết, điểm nhấn sau một thập kỷ hoạt động chính là sự ghi nhận các cá nhân – những người vượt ra tên tuổi của nhóm, định vị được tiếng nói riêng trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam”. Lựa chọn VCCA cho triển lãm ghi dấu ấn 10 năm hoạt động bởi đây là một điểm hẹn nghệ thuật uy tín, nơi nhiều sự kiện tầm cỡ quốc tế đã được tổ chức thành công. Trong không gian lớn được thiết kế đầy tinh tế, bay bổng cùng hệ thống ánh sáng chuyên nghiệp, triển lãm sẽ “giúp các nhà điêu khắc được thoả mãn hơn trong sáng tạo, từ đó đưa ra một ngôn ngữ và kích thước phù hợp nhất cho các tác phẩm được trưng bày” – nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền, đại diện Nhóm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn đánh giá.

Triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020 mở cửa tự do từ ngày 18.9.2020 đến hết ngày 18.10.2020 tại VCCA, B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City, Hà Nội. Trong khuôn khổ triển lãm, VCCA dự kiến tổ chức sự kiện trò chuyện với các nghệ sĩ tham gia triển lãm. Chương trình chi tiết sẽ được cập nhật trên website và trang fanpage chính thức của VCCA.

Triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020 có sự tham gia của 32 tác giả gồm: Trần Văn An, Phạm Thái Bình, Nguyễn Trung Chính, Đỗ Hà Hoài, Lê Hoàng Phi Hùng, Phạm Nguyễn Quốc Huy, Trần Việt Hưng, Kù Kao Khải, Nguyễn Ngọc Lâm, Lê Lạng Lương, Nguyễn Duy Mạnh, Hoàng Tường Minh, Thái Nhật Minh, Vũ Bình Minh, Phan Phương, Vũ Quang, Vũ Quang Sáng, Phạm Bảo Sơn, Trần Đức Sỹ, Đặng Đức Thành , Hoàng Mai Thiệp, Nguyễn Kiến Thức, Phạm Đình Tiến, Nguyễn Huy Tính, Đinh Duy Tôn, Trần Trọng Tri, Lương Văn Trịnh, Phạm Đình Tuấn, Nguyễn Văn Tuệ, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Anh Vũ, Nguyễn Hoài Huyền Vũ.

Lần đầu tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh: Khắc phục tình trạng thiếu và yếu

VHO- Nhằm khắc phục tình trạng thiếu kịch bản phim truyện có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành vừa ký ban hành thông báo số 776 về tổ chức “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”. Đây là lần đầu tiên một cuộc thi tìm kiếm những kịch bản phim truyện điện ảnh chất lượng được tổ chức, nhằm triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước vềphát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới…

Hơn thế, còn nhằm khuyến khích không khí sáng tác kịch bản điện ảnh của các nhà văn, đạo diễn, người viết kịch bản chuyên và không chuyên, đặc biệt đối với đội ngũ tác giả trẻ.

Tạo nguồn kịch bản chất lượng

“Cuộc thi sẽ tạo nguồn kịch bản hay cho kế hoạch sản xuất phim truyện phục vụ nhiệm vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong giai đoạn 2021-2025…”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói và cho biết thêm, Cục cũng đã có kế hoạch đầu tư chiều sâu nhằm tạo nguồn kịch bản phim truyện chất lượng trong thời gian tới. Trên thực tế, mảnh đất này đang là một khoảng trống lớn, khiến cho điện ảnh Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu kịch bản chất lượng, ít gây được hiệu ứng và tiếng vang.

Nhận thức rõ thực tế kịch bản phim truyện điện ảnh thiếu và yếu kéo dài nhiều năm nay, giới nghề đã cố gắng tạo nên chuyển biến với những cuộc tìm kiếm như chương trình thường niên “Gặp gỡ mùa thu” hay “Nhà biên kịch trẻ tài năng” để các tác giả giới thiệu “đứa con tinh thần” tới các nhà sản xuất… Tuy nhiên, những nỗ lực đó dường như vẫn chưa thể lấp đầy khoảng trống về kịch bản chất lượng trong điện ảnh. Bởi vậy, cuộc thi lần này đã mang hy vọng đến cho những người làm phim, đặc biệt khi mở rộng “đất” cho nhiều đối tượng sáng tác, bởi có kịch bản tốt mới mong có tác phẩm điện ảnh hay.

“Hai Phượng”, một trong những bộ phim tạo được hiệu ứng tích cực với khán giả

Đối tượng tham dự cuộc thi lần này là các tác giả người Việt Nam, chuyên nghiệp và không chuyên, đang sinh sống, học tập và làm việc trong nước, không giới hạn về độ tuổi, nghề nghiệp. Kịch bản có nội dung tư tưởng hướng đến các giá trị nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt; khái quát những vấn đề của xã hội đương đại; phát hiện độc đáo về cuộc sống và con người; nội dung hấp dẫn, cách thể hiện đặc sắc, sáng tạo. Kịch bản dự thi có độ dài phim từ 90-120 phút; mỗi tác giả tham dự tối đa 2 tác phẩm là những sáng tác mới, chưa trình thẩm định tại Cục, chưa tham dự bất kỳ cuộc thi nào và chưa được sản xuất phim. Tác giả chịu trách nhiệm về quyền tác giả, tác phẩm. Đối với kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học hoặc sân khấu, tác giả phải gửi kèm xác nhận chứng minh hợp pháp bản quyền sử dụng. Đặc biệt, khuyến khích những kịch bản kèm theo phương án xã hội hóa nguồn vốn sản xuất và phát hành.

Kịch bản đoạt giải thưởng, quyền sản xuất thuộc về Cục Điện ảnh. Tác giả giữ quyền nhân thân tác phẩm và được hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành khi kịch bản được đưa vào sản xuất. Trường hợp tác giả kịch bản muốn tự đầu tư hoặc hợp tác để sản xuất phim, tác giả phải trao đổi, thỏa thuận với Cục Điện ảnh.

Trách nhiệm của nghệ sĩ với điện ảnh nước nhà

Theo Cục Điện ảnh, số lượng phim truyện do các doanh nghiệp sản xuất phim của Việt Nam trong năm 2019 là 41 phim. Các doanh nghiệp sản xuất phim tư nhân đã năng động đầu tư vốn và tạo nên nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài; mặt bằng chất lượng phim được nâng cao dần, thậm chí, một số bộ phim đạt doanh thu cao trên dưới 200 tỉ đồng; phần nào đáp ứng được nhu cầu giải trí ngày càng cao của công chúng. “Tuy nhiên, các phim đề tài lịch sử, thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số chưa thu hút được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Do vậy, cần có sự quan tâm của Nhà nước cho những dòng phim này”, Cục Điện ảnh cho biết.

Thiếu kịch bản chất lượng, không ít tác phẩm điện ảnh “mì ăn liền” ra đời rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng, thậm chí bị xếp vào hàng thảm họa. Điện ảnh nước nhà gần đây đã có những tác phẩm đạt doanh thu cao khi chiếu rạp như Hai Phượng, Cua lại vợ bầuChàng vợ của em…, những bộ phim này đồng thời cũng góp thêm những làn gió mát cho phim Việt dù hầu hết là phim remake, làm lại từ phim của nước ngoài hoặc kịch bản được chuyển thể dựa trên tác phẩm văn học.

Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam nhiều thập kỷ qua cho thấy yếu tố giúp cho mỗi bộ phim lấy được thiện cảm của công chúng, trở thành tác phẩm sống mãi với thời gian chính là giá trị nhân văn được xây dựng xuyên suốt, bắt đầu từ kịch bản. Cho đến nay, công chúng vẫn xem và dành sự yêu mến cho những bộ phim kinh điển như: Chị Tư Hậu, Nổi gió, Em bé Hà Nội, Chim vành khuyên, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng mười…

“Ta có quá nhiều kịch bản đúng, kịch bản tốt nhưng lại có quá ít kịch bản hay”, NSND Đào Bá Sơn từng chia sẻ như vậy. Đó cũng là một trong những nhận định có tính chân thực cao của người làm nghề về thực trạng phát triển của điện ảnh Việt Nam. Khán giả luôn mong muốn thưởng thức những tác phẩm chất lượng, từ kịch bản được xây dựng với câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ, xử lý tình huống…, điều đó đòi hỏi người viết kịch bản phải có tài, đồng thời cần phải có một câu chuyện phim hấp dẫn, kết cấu chặt chẽ, chi tiết đắt giá… Về góc nhìn này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng từng nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ viết kịch bản phải là những người thực sự tâm huyết, có tài năng, luôn tạo ra sự mới mẻ trong sáng tạo và bắt kịp với xu thế thời đại.

Khát khao nguồn kịch bản phim chất lượng, góp phần làm nên sự bứt phá cho điện ảnh Việt chính là mong muốn được gửi gắm thông qua Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” do Cục Điện ảnh tổ chức. Rõ ràng, đây không chỉ là dịp để tìm kiếm, tuyển chọn các kịch bản phim truyện mang giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao mà còn nhằm khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, cũng như trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong công cuộc hội nhập quốc tế.

Kết quả cuộc thi sẽ được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang tin điện tử Cục Điện ảnh http://www. cucdienanh.vn. Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến tổ chức vào tháng 12.2020; sẽ có 1 giải nhất trị giá 70 triệu đồng, 2 giải nhì, 3 giải ba và 3 giải khuyến khích. BTC nhận các kịch bản dự thi từ sau khi phát động đến hết ngày 1.11 theo địa chỉ: Cục Điện ảnh, 147 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội.

  Nguồn: HOÀNG NGÂN – Báo Điện tử Văn hóa

Văn chương và hội họa cùng thăng hoa

VHO- Gần đây, thị trường xuất bản đón nhận những ấn bản văn học kinh điển được làm mới bằng việc vẽ tranh minh họa, phả hơi thở đương đại vào những tác phẩm vang bóng một thời. Đây là xu hướng mới và nhận được sự quan tâm, khen ngợi từ độc giả.

Những ấn bản đẹp với phần minh họa, thiết kế bìa đặc sắc, do các họa sĩ có tên tuổi thực hiện, giống như “đôi cánh” nâng giá trị của tác phẩm, khiến độc giả, đặc biệt là người trẻ, hào hứng đón nhận.

Xu hướng vẽ tranh minh họa mới cho tác phẩm kinh điển

Mới đây, tiểu thuyết Số đỏ của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng đã được Đông A tái bản với một diện mạo mới cả về hình thức lẫn nội dung. Ấn bản mới nhất của Số đỏ bắt mắt như một cuốn tiểu thuyết đồ họa với 45 bức tranh minh họa của họa sĩ Thành Phong. Sách được lấy theo bản in của Lê Cường Editeur MCMXXXVIII năm 1938, gọi là “hoạt kê tiểu thuyết” (tiểu thuyết khôi hài). Đây là bản Số đỏ duy nhất được in khi nhà văn Vũ Trọng Phụng còn sống, dù tiểu thuyết được đăng báo dài kỳ từ năm 1936.

Khi suy ngẫm về tác phẩm để vẽ minh họa, họa sĩ Thành Phong nhận định “miêu tả chân dung xã hội” chính là giá trị lớn nhất của Số đỏ. Bức chân dung đó vẫn rất chính xác khi đối chiếu với xã hội đương đại: Kẻ thượng lưu nông cạn, giàu xổi thích chơi trội; kẻ hạ lưu biết lợi dụng cơ hội; sự kệch cỡm, dị hợm của những “me tây”, sư hổ mang và các phong trào “bình dân”… Suốt 84 năm qua, Số đỏ chưa bao giờ mất giá trị thời sự khi đả kích thói đạo đức giả, tha hóa và những kẻ bất chấp tất cả để leo lên nấc thang danh vọng. Vì thế, tranh minh họa trong Số đỏ của họa sĩ Thành Phong với nét độc đáo, trẻ trung, hiện đại đã lột tả thành công sự trào phúng, châm biếm đặc trưng trong tác phẩm.

Một lần nữa, xuất hiện trên văn đàn sau 13 năm ra mắt, cuốn sách Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp do chính tác giả trực tiếp lựa chọn với 42 tác phẩm tiêu biểu vừa được NXB Văn học và Đông A giới thiệu đến bạn đọc. Cuốn sách được sắp xếp theo thời gian sáng tác, từ Những ngọn gió Hua Tát cho đến Quan Âm chỉ lộ. Ngoài những truyện ngắn tiêu biểu trong cuộc đời cầm bút của Nguyễn Huy Thiệp, ấn bản này giá trị ở những bức tranh minh họa của 18 họa sĩ đương đại thành danh như: Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn… với phong cách, suy tư và cảm nhận khác biệt, thú vị.

Cũng xu hướng vẽ tranh minh họa mới cho tác phẩm kinh điển, năm 2017, NXB Văn học và Đông A kết hợp ra mắt hai tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du) với phần minh họa của 15 họa sĩ tên tuổi như Thành Chương, Đặng Tiến, Đinh Quân, Hồng Việt Dũng… và Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) với phần minh họa của họa sĩ Nguyễn Công Hoan.

Trong cuộc tọa đàm gần đây nhất với chủ đề “Vẽ minh họa làm mới tác phẩm kinh điển Việt Nam”, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn nhấn mạnh, minh họa cho văn chương rất quan trọng, bởi ở đó, những tác phẩm minh họa là kết quả của quá trình sáng tạo thực sự, góp phần làm sáng rõ tác phẩm.

Từng đoạt giải Sách Quốc gia năm 2019 với tác phẩm Xóm Bờ Giậu, họa sĩ Kim Duẩn cũng cho rằng, hội họa nói chung và tranh minh họa nói riêng đã góp phần rất lớn trong việc kích thích trí tưởng tượng của độc giả về các bối cảnh văn hóa, lịch sử xuất hiện trong tác phẩm. Vì thế, tùy từng tác phẩm văn chương, họa sĩ có thể chọn cách vẽ lại đúng như mô tả của nhà văn hay thêm những sáng tạo của bản thân vào bức tranh. Dù minh họa các tác phẩm dành cho người lớn hay truyện thiếu nhi, họa sĩ cũng phải đọc kỹ tác phẩm và phân bổ số lượng tranh minh họa sao cho hợp lý. Đặc biệt, họa sĩ còn phải lựa chọn các đoạn hoặc tình tiết đặc trưng, đắt giá trong tác phẩm để minh họa.

Tạo nên những giá trị cao hơn cho sách

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng cho rằng: “Việc làm mới tác phẩm kinh điển Việt Nam bằng cách kèm nhiều tranh minh họa đặc sắc của các họa sĩ đương đại đã trở thành hiện tượng trong làng sách. Độc giả ngày nay có xu hướng thưởng thức tác phẩm văn học khác trước kia, họ thích sự gần gũi và dễ tiếp cận. Vì vậy, tranh minh họa của các họa sĩ đương thời vẽ theo phong cách hiện đại là cầu nối để kéo không gian trong các tác phẩm ra đời nhiều năm trước đến người đọc hôm nay, nhất là các bạn trẻ”. Cũng theo ông, tranh minh họa như “gia vị” cho tác phẩm, làm gia tăng xúc cảm thẩm mỹ của người đọc, từ đó, tác phẩm sẽ sống trong lòng độc giả lâu hơn.

Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học Nguyễn Anh Vũ cho biết, qua tương tác của độc giả và số lượng tiêu thụ, có thể thấy hình thức xuất bản sách có tranh minh họa không chỉ thu hút những người trẻ đến với những tác phẩm văn học kinh điển, giá trị, mà còn đáp ứng và thỏa mãn thú “chơi” sách bản đẹp, bản đặc biệt của một bộ phận người yêu sách. Qua đó mở ra hướng triển vọng cho ngành xuất bản sách in. “Đây là cuộc gặp gỡ giữa văn chương và hội họa để cùng thăng hoa. Sự kết hợp giữa văn học và hội họa, cộng với những chăm chút về trình bày, in ấn đã và đang tạo nên những giá trị cao hơn cho sách, không chỉ để đọc, mà còn để ngắm nhìn, sưu tầm, trưng bày…”, ông Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh.

Việc minh họa đẹp sẽ thu hút độc giả chú ý đến tác phẩm văn học, khi giá trị thẩm mỹ được chú trọng, người đọc sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về việc tiếp cận tác phẩm.

 Nguồn: TRUNG HIẾU – Báo Điện tử Văn hóa

5 kỷ lục thế giới về ẩm thực của Việt Nam

VHO- Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) vừa chính thức công nhận 5 kỷ lục thế giới ẩm thực Việt Nam dựa trên 5 hồ sơ đăng ký kỷ lục thế giới do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đề cử từ đầu năm 2020.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Hội đồng thẩm định của WorldKings cuối cùng đã thông qua 5 hồ sơ đăng ký kỷ lục thế giới về ẩm thực Việt Nam, cụ thể như sau:

1. Việt Nam – Quốc gia sở hữu nhiều món ăn “sợi và nước dùng” nhất thế giới với 164 món và được cập nhật liên tục

2. Việt Nam – Quốc gia sở hữu nhiều loại Mắm nhất và các món ăn chế biến từ Mắm được ưa chuộng trên thế giới với 100 món

3. Việt Nam – Quốc gia sở hữu nhiều món ăn chế biến từ hoa nhất thế giới với  272 món làm từ 43 loài hoa khác nhau

4. Việt Nam – Đất nước sở hữu nhiều loại bánh cuốn nhất thế giới với 103 món

5. Việt Nam – Quốc gia sở hữu nhiều món ăn làm từ bột gạo nhất thế giới, 143 loại bánh

Những thông tin về 5 kỷ lục của Việt Nam được Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) toàn cầu nhằm giúp Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) quảng bá các giá trị ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

WorldKings là Liên minh Kỷ lục đầu tiên trên thế giới do các Tổ chức Kỷ lục quốc gia cùng hợp lực lại để tạo thành. WorldKings thành lập từ năm 2013 có trụ sở chính tại New Delhi (Ấn Độ) và San Diego (Mỹ), với văn phòng liên lạc đặt tại 5 châu lục trên thế giới, trong đó Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings là một thành viên chính thức. Hiện tại WorldKings có 22 tổ chức thành viên.

Nguồn: BẢO AN – Báo Điện tử Văn hóa

Bộ phim về gánh hát rong lên VTV đặc biệt

VHO- “Đoạn trường vinh hoa” là bộ phim tài liệu nằm trong khuôn khổ Dự án VTV đặc biệt và được tài trợ sản xuất bởi Hội đồng Anh.

Xây dựng theo tinh thần hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp, với hơn 100 giờ quay và 18 tháng đồng hành với nhân vật, phim là hành trình theo chân một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Vào mỗi dịp lễ Kỳ yên, các thành viên trong gánh hát Phương Ánh, mỗi người đang mưu sinh ở một nơi lại gói ghém đồ đạc, phục trang biểu diễn tụ họp về các Đình thần, vừa là để biểu diễn phục vụ người dân, vừa là để trả lễ Tổ nghề cũng như cầu mong sự bình an, đủ đầy và hạnh phúc. Những “ông hoàng, bà chúa” trên sân khấu nhưng cũng là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn sân khấu hạ xuống. Cũng từ hành trình này, những con người miền Tây Nam bộ hiện lên với nhiều khó khăn, vất vả nhưng không vì thế mà mất đi bản chất tốt đẹp, chất phóng khoáng vốn có.

Nhóm làm phim đã cùng ăn cùng ở với gánh hát Phương Ánh, chứng kiến những gì diễn ra xung quanh niềm đam mê của họ một cách gần gũi, bộc lộ tính cách nhân vật một cách chân thực là niềm hạnh phúc đặc biệt mà những người làm phim có được. Bộ phim hướng tới nhiều nhóm đối tượng đa dạng khác nhau. Với người trong cuộc, những nghệ sĩ, đây là cơ hội để họ chia sẻ tiếng nói, tâm tư của mình sau ánh đèn sân khấu. Với những khán giả trẻ, nhóm thực hiện mong muốn đưa Cải lương tuồng cổ, loại hình nghệ thuật truyền thống quay trở lại dưới một góc nhìn mới gần gũi, sâu sắc, giàu tính nhân văn, kích thích người xem tìm hiểu về môn nghệ thuật này sau khi bộ phim được công chiếu. Chính họ sẽ là những người tiếp tục truyền tải thông điệp và ý nghĩa của bộ phim qua các phương tiện thông tin đại chúng, chia sẻ trên mạng xã hội. Với những khán giả lớn tuổi, chắc chắn đây sẽ là cơ hội để họ nhìn lại những hồi ức đẹp về văn hóa truyền thống. Đây cũng là cơ hội để bạn bè thế giới tìm hiểu về văn hoá nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Bộ phim được công chiếu phim tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ mỗi địa phương một buổi trong tháng 10 và 11.2020. Vé được phát miễn phí trong toàn bộ thời gian của sự kiện; Phát sóng trên khung giờ vàng của VTV1 trong khuôn khổ chương trình VTV Đặc biệt tháng 11.2020 đồng thời cũng được gửi đi một số liên hoan phim tài liệu trong nước, trong khu vực và trên thế giới.

Nguồn: Internet