Hang Sơn Đoòng là 1 trong 10 tour du lịch ảo đáng tham quan nhất thế giới

VHO – Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động du lịch bị ngừng trệ, mới đây Báo The Guardian (Anh) đã giới thiệu hang Sơn Đoòng (Quảng Bình, Việt Nam) là một trong10 tour du lịch thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới.

Tour du lịch ảo này sẽ đưa người tham quan trên máy tính hay điện thoại thông minh; theo hành trình được tạo ra từ hình ảnh 360 độ, kết hợp cùng các hiệu ứng âm thanh phù hợp với từng cảnh quan. Lịch trình đi xuyên qua các hang động đầy ánh sáng và những khu rừng sâu khổng lồ với hình ảnh chân thực, độ nét cao. Người tham quan có thể tự do phóng to các chi tiết địa chất của hang động cũng như hệ động vật, thực vật.

Được biết, việc du lịch đến hang Sơn Đoòng qua công nghệ thực tế ảo được hiện thực hóa bởi công trình của National Geographic. Sơn Đoòng 360 nguyên bản là một dự án của National Geographic nhằm bảo tồn hang động dưới dạng kỹ thuật số. Sau đó, thành quả này được tiếp tục sử dụng cho mục đích quảng bá du lịch.

Nguồn: PHẠM PHÚ – Báo Điện tử Văn hóa

Đi dọc Việt Nam ngắm những điểm đón hoàng hôn đẹp nhất

VHO- Ánh nắng chiều vàng rực, mặt trời đỏ au từ từ khuất phía sau đường chân trời mênh mang… Sự tráng lệ đó càng thêm “quyến rũ” khi ánh sáng, làn mây hòa cùng vũ điệu của biển rộng, trời cao và núi non hùng vĩ của đất Việt.

“Đi dọc” mảnh đất hình chữ S, những khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp qua màn ảnh nhỏ có thể phần nào xóa tan “nỗi ám ảnh Covid” và cùng tự hào thốt lên: “Đẹp quá, Việt Nam ơi!”

Ngắm hoàng hôn nơi mảnh đất rồng hạ tại Đảo Rều Hạ Long 

Với lợi thế bốn mặt giáp biển, Đảo Rều – Hạ Long là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng được cảnh biển lãng mạn bao quát 360 độ trên vịnh Hạ Long. Khi hoàng hôn buông xuống, Đảo Rều như một bức tranh đầy mê hoặc. Những sắc vàng, cam đỏ lấp lóa dưới mặt nước phản chiếu khung cảnh chiều về say đắm lòng người.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam

Được mệnh danh là Dubai thu nhỏ, khu nghỉ dưỡng Vinpearl Resort & Spa Hạ Long nổi bật trên đảo với phong cách Neoclassical (tân cổ điển), lấy cảm hứng từ kiến trúc La Mã cổ đại. Ở Đảo Rều gần như mọi vị trí đều là nơi ngắm hoàng hôn tuyệt vời nhất mà du khách không thể bỏ qua

Còn gì tuyệt vời hơn khi sau tất cả những ngày tháng nặng nề, lo âu, chúng ta có thể thong dong ngồi trà chiều, đọc sách nơi ban công, vươn vai một cái hít căng lòng ngực bầu không khí mát lành, lặng ngắm cảnh vật chìm dần trong chút ánh sáng còn sót lại cuối ngày.

Ngắm hoàng hôn bên bờ sông Hàn

Hoàng hôn được xem là tặng phẩm không chỉ của riêng Đà Nẵng mà là của cả dải đất miền Trung. Những luồng ánh vàng, cam xen lẫn với nền trời xanh thẫm khi chiều về tạo nên một bức rèm độc đáo, đan cài giữa các công trình kiến trúc hiện đại tạo thêm điểm nhấn đầy sức hút.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam - ảnh 1

Những buổi hoàng hôn từ tầng cao của Vinpearl Condotel Riverfront Đà Nẵng đã chinh phục được khá nhiều “nam thanh, nữ tú”.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam - ảnh 2

Du khách có thể thu trọn ánh trời chiều đang bao trùm cả thành phố, thả người trong một góc ghế nhung êm ái, bên cạnh là những trang sách yêu thích hoặc “chill” cùng những ly cocktail tại pool bar lơ lửng giữa không trung…

Những sắc thái không thể trộn lẫn của hoàng hôn tại Nam Hội An

Những mái ngói nhuốm màu rêu phong, những con phố vàng nằm dọc con sông Thu Bồn đã vẽ nên một Hội An thơ mộng lừng danh xưa nay.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam - ảnh 3

Đi về phía nam của Hội An, sẽ còn có nhiều câu chuyện để khoe, để kể và để ngắm hơn thế. Trong đó, không thể không nhắc đến hoàng hôn với ráng chiều huyền ảo trên bãi biển Bình Minh hoang sơ. Giữa đất trời mênh mông, con người dường như trở nên bé nhỏ trước bản giao hòa lộng lẫy của thiên nhiên.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam - ảnh 4

Như một cô gái đỏm dáng và kiêu kỳ, hoàng hôn Nam Hội An mang đến cho du khách mỗi góc một trải nghiệm cảm xúc đầy thi vị. Đặc biệt, dưới bàn tay kiến tạo của con người, Nam Hội An ngày nay còn có cả hồ bơi vô cực, đôi bờ Đông – Tây hay Bến cảng Giao thoa đầy thơ mộng… để du khách chìm đắm trong sự lãng đãng giữa khoảnh khắc mặt trời khuất lấp.

Đến Nha Trang ngắm hoàng hôn trên biển 

Không chỉ là nơi đón bình minh siêu đẹp, Nha Trang còn được thiên nhiên ưu ái cho nhiều điểm điểm ngắm hoàng hôn lý tưởng.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam - ảnh 5

Du khách có thể chọn một buổi chiều nhẹ nhàng để đón ánh nắng dần tàn trên vòng quay Bánh xe bầu trời thoáng đãng bên cạnh người yêu thương. Ngoài ra, hoàng hôn từ Đài vọng cảnh Đồi Vạn Hoa hoặc từ Wave bar hay đơn giản là phòng khách sạn nhìn ra biển cũng đã là tuyệt sắc.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam - ảnh 6

Ngắm ánh chiều rơi trên Landmark 81

Sài Gòn vốn là thành phố không hề ngủ. Cho nên ánh hoàng hôn nơi đây chỉ thật sự trọn vẹn khi du khách thoát khỏi những khối nhà san sát để gói trọn bầu trời vào trong tầm mắt. Đứng trên tầm cao của Landmark 81, du khách sẽ bắt đúng khoảnh khắc mặt trời vừa buông mình đỏ thẫm khắp thành phố.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam - ảnh 7

Những căn phòng vô cực giữa tầng mây của Landmark 81 sẽ là không gian lý tưởng để du khách đón những buổi chiều rơi vô cùng lộng lẫy.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam - ảnh 8

Chiêm ngưỡng “thánh địa của hoàng hôn”: Đảo ngọc Phú Quốc

Với lợi thế của biển tây, nơi có thể chứng kiến mặt trời chạm vào đại dương khi chiều xuống, Phú Quốc nổi danh nhờ những bãi cát dài và những “kiệt tác xây dựng” hài hòa với thiên nhiên. Nơi đây là thiên đường lý tưởng dành cho những người yêu thích sự huyền ảo của ánh hoàng hôn.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam - ảnh 9

Mỗi khi chiều xuống, du khách có thể chọn bất cứ đâu trên vùng Bắc đảo: Đảo Đồi Mồi, Làng chài Rạch Vẹm, Mũi Gành Dầu… để thật sự ngất ngây trong ánh ráng chiều hoàn hảo trên bầu trời khoáng đạt của đảo Ngọc.

Đuổi bắt hoàng hôn tại những điểm hẹn huyền ảo nhất Việt Nam - ảnh 10

Trong những tháng ngày “cuồng chân” như hiện nay, những khoảnh khắc hoàng hôn này sẽ là một trong những trải nghiệm “đáng giá” để du khách có thể ấp ủ cho chuyến đi sắp đến, khi cuộc sống quay trở về với nhịp điệu thường ngày.

Thông điệp từ​​​​​​​ gam màu đỏ

VHO- Cuộc thi sáng tác truyền thông “Không đổ lỗi” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với các cơ quan liên quan đã mang tới một góc nhìn sắc cạnh hơn về bạo lực giới từ những tác phẩm đoạt giải.

Lẽ ra Cuộc thi sẽ được trao trực tiếp, tuy nhiên đúng vào dịch Covid-19, nên Ban tổ chức đã tổ chức Livestream và trao giải cuộc thi online.

Góc nhìn của người trẻ

Ý tưởng trao giải độc đáo này đã giúp cho tất cả các thành viên, các nhóm tác giả được trao giải có điều kiện để chia sẻ nhiều góc nhìn đa dạng hơn, trực diện hơn.

Trong 1 tháng phát động cuộc thi sáng tác truyền thông “Không đổ lỗi” nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông mang thông điệp “Chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân bạo lực giới dưới bất kỳ hình thức nào, bạo lực giới xảy ra không phải do lỗi của nạn nhân” đã thu hút 79 bài dự thi với nhiều thể loại video, ảnh, bài viết, với nhiều màu sắc khác nhau xoay quanh chủ đề “Không đổ lỗi”. 9 bài dự thi ấn tượng nhất đã được Ban giám khảo cuộc thi trao giải. Đặc biệt, Ban giám khảo đã trao 1 giải cho người có tác phẩm đạt được nhiều lượt view, like, share nhất. Phóng sự ảnh “Shade of fear” của Lê Nguyễn Bảo Ngọc đạt 15.293 lượt likes và 10.821 lượt share đã được nhận giải này.

Bộ phóng sự ảnh sử dụng toàn màu đỏ với hình ảnh thiếu nữ, bé gái là nạn nhân của các hành vi BLTD. Bị xâm hại, bị quấy rối nhưng họ không thể nói vì đã bị bịt miệng, vì đã bị đe dọa, chỉ còn lại những ánh mắt đau đớn, cam chịu, hoảng sợ… Nói về ý tưởng ban đầu để dẫn đến sự hình thành của bộ ảnh phóng sự, tác giả Bảo Ngọc cho biết: “Liệu có chiếc váy nào đủ dài để bảo vệ nạn nhân khỏi những nanh vuốt xấu xa? Tội lỗi thuộc về đối tượng phạm tội hay đứa trẻ trong chiếc quần ngắn?… Đây là những câu hỏi bật ra trong đầu tôi khi đọc qua bài báo về triển lãm “Bạn mặc gì khi bị xâm hại?” tại Brussels, Bỉ. Và chính những câu hỏi đó đã truyền cảm hứng cho tôi thực hiện bộ ảnh, xoay quanh tình thế bị động, sự cô độc của nạn nhân và câu chuyện ai là người bị kết tội”. Lý giải về màu của bộ ảnh là màu đỏ, theo tác giả, sở dĩ chọn màu đỏ làm chủ đạo vì trong đời sống, đỏ thẫm là màu của máu. Đỏ cũng là màu mang ý nghĩa nguy hiểm nhất trên nấc thang báo động.

Vở kịch Mẹ chồng của nhóm tác giả Đông Hà, Phương Anh được trao giải nhất đã đưa ra một thực tế rất dễ gặp trong cuộc sống hằng ngày đó là trong xã hội văn minh hiện đại thì người phụ nữ vẫn phải gồng gánh quá nhiều trách nhiệm vừa đi làm, vừa làm nội trợ và không nhận được sự giúp đỡ nào của chồng mình, cộng thêm người mẹ chồng cũng là phụ nữ nhưng luôn trì chiết, không thông cảm cho con dâu. Nhiều người vô cùng thú vị trước nhân vật mẹ chồng do Phương Anh, 1 tác giả của vở kịch thể hiện. Nữ đạo diễn phim truyền hình Nguyễn Hoàng Điệp đã nhận xét: “Vở kịch Mẹ chồng rất công phu dầu tư cẩn thận về cả kịch bản lẫn các sét quay về phần hậu kỳ. Kịch bản hơi cổ điển, tuy nhiên ý tưởng dàn dựng và cách thức thực hiện khá hiện đại. Nhất là phần cuối, khoảnh khắc kết bị đóng băng lại, người dẫn chuyện hiện ra”.

Lan toả thông điệp

Có thể thấy tư tưởng của những người trẻ trong các tác phẩm dự thi đã thể hiện rất rõ một cách nhìn thấu đáo, đúng đắn về những hậu quả và hệ luỵ cho việc “đổ lỗi” đối với các nạn nhân bị xâm hại tình dục và bạo lực gia đình, điều này thể hiện rất rõ trong hai video của nhóm Ngộ và nhóm NBSP đạt giải ba của cuộc thi. Huy Ngân, đại diện cho nhóm Ngộ chia sẻ: “Những lời bình luận trên mạng xã hội, trên facebook rất có thể là con dao giết người. Rất nhiều bạn trẻ đã không chịu đựng được sự lăng nhục từ mạng xã hội khi bị tung clip “nóng” cá nhân. Từ một người luôn được khen là con ngoan, trò giỏi nhưng vì sai lầm trong tình yêu, bị tung clip nhạy cảm hay bị bóc phốt lập tức sẽ bị chà đạp. Có những anh hùng bàn phím đã vô tình trở thành sát nhân mà bản thân họ không hề biết?”. Video của nhóm NBSP thì đưa tới câu chuyện của một bạn nữ bị bạn trai đánh đập rồi kèm theo bao nhiêu ý niệm về chuyện liên quan tới câu chuyện “bị đánh”: Xấu xấu, bẩn bẩn thì cũng bị đánh, xinh đẹp quá cũng làm ngứa mắt cũng bị đánh… Bạo lực có thể xảy ra với bất kỳ ai không kể tuổi tác, giới tính hay độ tuổi.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA nhận định: “Tôi và Trung tâm CSAGA đã nhiều năm làm công việc phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, chúng tôi thấy rất nhiều hành vi khi bạo lực, bị xâm hại, nạn nhân thường bị cho là cần xem lại cách ăn mặc cho tới thái độ lẳng lơ hay nó phải như thế nào thì mới bị xâm hại… Chính việc “đổ lỗi” cho nạn nhân đã khiến rất nhiều người có tâm lý sợ bị mang tiếng, sợ bị đàm tiếu nên khi bị xâm hại đã lặng lẽ chịu đựng, không dám nói”. Bà Vân Anh cho rằng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn và ứng phó với các hình thức bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái để nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân cũng như của các nhà hoạch định và thực thi chính sách. Tuy nhiên, các thực tế cho thấy việc thực thi các quy định trong các luật vẫn còn chưa chặt chẽ và các nỗ lực giám sát cần phải được cải thiện.

Nguồn: ĐÀO ANH – Báo Điện tử Văn hóa

Tuần Phim “Chào mừng Năm Chủ tịch ASEAN 2020”

VHO-Ngày 8.4, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Tổ chức Tuần Phim ASEAN 2020. Dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 6 hoặc tháng 7.2020.

Tuần Phim ASEAN 2020 là sự kiện chào mừng Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, sẽ giới thiệu tới khán giả các tác phẩm đặc sắc đến từ nền điện ảnh của các quốc gia thành viên ASEAN. Sự kiện này sẽ góp phần tiếp tục kết nối các nền văn hóa của các quốc gia ASEAN, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, là sự kiện chào mừng Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Với khẩu hiệu “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Tuần phim ASEAN 2020 sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chính trị, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm 2020; khẳng định Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ tiếp tục mục tiêu duy trì, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Khẳng định hình ảnh một Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, đổi mới và giàu tiềm năng; quảng bá đất nước, con người, danh lam thắng cảnh và truyền thống văn hóa tốt đẹp, giàu tính nhân văn của Việt Nam. Qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.

Tuần Phim ASEAN được tổ chức tại các thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM góp phần tuyên truyền, định hướng xã hội, thúc đẩy các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam “hiếu khách, nhã nhặn, thuận hòa, tình nghĩa”. Mỗi quốc gia ASEAN chọn 01 phim và gửi phim tham dự Tuần phim ASEAN 2020. Các phim sẽ được dịch ra tiếng Việt Nam và trình Hội đồng thẩm định, trường hợp phim không phù hợp để trình chiếu, Ban tổ chức sẽ đề nghị đổi phim khác.

Nguồn: Internet

Khi nghệ sĩ gắn kết sức mạnh cộng đồng

VHO- NSND Bạch Tuyết “tái xuất” với bản tân cổ Ông bà anh thời Covid-19 đã thu hút được hàng trăm nghìn lượt người xem và chia sẻ; Chương trình Việt Nam mạnh mẽ của nhóm nghệ sĩ Xuân Bắc – Tự Long mang thông điệp cảm ơn, cổ vũ tinh thần đến các y bác sĩ, cán bộ y tế, các chiến sĩ trong lực lượng và người tình nguyện đang ở tuyến đầu chống đại dịch Covid-19… là cách mà các nghệ sĩ gắn kết sức mạnh cộng đồng.

NSƯT Xuân Bắc Vào Vai người dẫn trong VIDEO cá nhân

Lời cảm ơn được gửi từ hàng nghìn video cá nhân
Chương trình Việt Nam mạnh mẽ vừa được nhóm  nghệ  sĩ  của NSƯT Xuân Bắc triển khai trên trang web: vietnamstrong. mvideo.com.vn với tâm điểm là vận động cộng đồng gửi lời cảm ơn bằng video cá nhân tới các y, bác sĩ, cán bộ y tế, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và lực lượng tình nguyện đang ngày đêm chiến đấu chống đại dịch Covid-19. Đây cũng là chương trình xã hội nâng cao ý thức cho người dân chung tay với lực lượng nơi tuyến đầu, kiên quyết chiến thắng virus corona (SARS- CoV-2).
Để tham gia chương trình này, mọi người có thể vào website cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh đại diện, chọn một phiên bản video mẫu  và  ghi một thông điệp cảm ơn theo ý muốn, hoặc chọn một thông điệp có sẵn, hệ thống sẽ tự động tạo ra một video cá nhân với các thông tin của người tham gia. Video này có thể được chia sẻ trên tất cả các nền tảng mạng xã hội phổ biến. Chương trình có 3 phiên bản video. Hai phiên bản do NSƯT Xuân Bắc và NSND Tự Long đóng vai dẫn dắt cho người tham gia gửi lời tri ân. Phiên bản còn lại là lời tự sự của nhân vật cộng đồng. Người tham gia có thể tuỳ chọn phiên bản  mình  ưa thích. Video sẽ đưa vào các thông tin cá nhân như tên, nơi sống, hình ảnh chân dung và lời cảm ơn với giọng đọc được hệ thống phân tích theo giới tính và vùng miền đăng kí.
Chia sẻ về dự án, NSƯT Xuân Bắc cho biết: “Khi chúng ta đang yên ấm ở trong nhà thì rất nhiều người vì sự bình yên và sức khoẻ của nhân dân mà phải chiến đấu với dịch bệnh ở tuyến đầu. Đây là món quà tri ân từ cộng đồng gửi đến tất cả những ai đang vì nhân dân quên mình chống dịch. Một lời cảm ơn chân thành lúc này chính là động lực để các anh chị tiếp thêm sức mạnh chiến đấu và chiến thắng”. Cùng với thông điệp gửi lời cảm ơn thì chương trình cũng đề nghị mọi người hãy cùng nhắn tin ủng hộ Quỹ Ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19 của UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bản tân cổ Ông bà anh thời Covid-19 thu hút nhiều người trẻ
“Ông bà anh yêu nhau thời virus cô-vy… Chạm tay nhau một giây thôi là rửa tay đã đời…”, lời ca trong bài tân cổ Ông bà anh thời Covid-19 do NSND Bạch Tuyết cải biên phần ca cải lương từ ca khúc cùng tên của nhạc    sĩ Lê Thiện Hiếu đã nhận được sự yêu thích và chia sẻ từ hàng trăm nghìn người xem, trong  đó có tới 70% là người trẻ tuổi. Không ít khán giả đã để lại nhận xét thú vị: “Vừa được nghe cải lương vừa nắm tình hình thời sự, vẫn giữ tinh thần lạc quan và truyền tải thông điệp đẹp. Đúng là cải lương luôn đi liền với hơi thở của thời đại”; “Độc, lạ, sáng tạo, hiện đại và thực tế quá cô ơi”; “Tuy là cải lương, vọng cổ nhưng mang hơi thở của  thời đại mới với nhạc trẻ, tình yêu trong đại dịch Covid-19! Tụi con nghe mê mẩn, như nghe một trích đoạn của tuồng cải lương nào đó: có bài bản, có bài lý, có vài câu vọng cổ…”.
Chia sẻ với Văn Hoá lý do  vì sao một bài tân cổ cải lương lại được giới trẻ hào hứng, NSND Bạch Tuyết nói: “Rất nhiều người cho rằng cải lương đang bị mai một, mất dần vị trí. Nhưng tôi tin rằng cải lương luôn có những cách làm mới mình để tìm đến khán giả. Bản thân cải lương vốn đã là một loại hình nghệ thuật luôn tiếp thu những cái mới và phản ánh đời sống xã hội. Đó chính là lý do tôi lập dự án Cải lương đồng hành cùng mùa Covid-19”.
Vào thời điểm này, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sự sáng tạo đồng hành của các nghệ sĩ đã có tác động rất tích cực tới cộng đồng, không những góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng,  chống  dịch  bệnh mà còn thể hiện sự sẻ chia với những người chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến sinh tử đầy cam go và nguy hiểm.

Nguồn: THÚY HIỀN – Báo Điện tử Văn hóa