6 thí sinh tranh tài Gương mặt thân quen 2019

VHO – Chương trình Gương mặt thân quen năm 2019 sẽ chính thức trở lại trên sóng VTV3 với một vài thay đổi thú vị. 6 gương mặt tranh tài cũng có những thay đổi về tiêu chí lựa chọn của Gương mặt thân quen 2019.

6 thí sinh tranh tài Gương mặt thân quen 2019 gồm: Phan Ngọc Luân, MiA, Nhật Thủy, Emma Nhất Khanh, Trần Tùng Anh và Võ Tấn Phát. Như vậy, mùa giải năm nay sẽ là cuộc đối đầu giữa 3 thí sinh trong các mùa cũ (Allstar) và 3 thí sinh mới (Newface) là những gương mặt trẻ triển vọng của showbiz Việt. Sự cạnh tranh giữa người cũ và mới sẽ tạo nên một thế cuộc khác biệt hoàn toàn cho Gương mặt thân quen 2019.

Team Allstar bao gồm: Phan Ngọc Luân (tham gia Gương mặt thân quen mùa 4 vào năm 2016 và đoạt giải 4); Nhật Thủy (tham gia Gương mặt thân quen mùa 3 năm 2015) và Mi A (tham gia Gương mặt thân quen mùa 2, năm 2014 và đạt giải 2). Team NewFace bao gồm: Ca sĩ Emma Nhất Khanh, ca sĩ Trần Tùng Anh và diễn viên Võ Tấn Phát. So với đàn anh, đàn chị ở team Allstar, 3 thí sinh thuộc team NewFace cũng không hề kém cạnh với sự mới lạ và là những gương mặt nghệ sĩ trẻ triển vọng.

Những đêm thi chủ đề mang tính đối kháng giữa 2 team Allstar và Newface, thể hiện sự cạnh tranh giữa 2 đội cũng như những màn kết hợp đầy màu sắc sẽ là điểm nhấn đặc biệt của chương trình năm nay. Khác với Gương mặt thân quen 2018, chương trình năm nay ngoài hai giám khảo chính là Hồ Ngọc Hà và Quang Linh sẽ có thêm dàn giám khảo khách mời gồm những nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Kim Xuân, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Đức Hải, vợ chồng Đức Thịnh – Thanh Thuỷ… Tập đầu tiên của Gương mặt thân quen 2019 chính thức lên sóng vào lúc 21h15 thứ Bảy, ngày 2.11.2019 trên kênh VTV3.

Nguồn: MINH KHANG – Báo Điện tử Văn hóa

NSƯT Bùi Công Duy chơi bản concerto đương đại hay nhất cuối thế kỷ XX

VHO – Ngày 2.11, tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, NSƯT Bùi Công Duy và nghệ sĩ violon Chương Vũ sẽ có buổi biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam.

Tại buổi biểu diễn này, hai nghệ sĩ violon tên tuổi sẽ chơi một trong những bản Concerto grosso đương đại hay nhất của cuối thế kỷ XX được viết bởi cố nhạc sĩ người Nga, gốc Đức Alfred Schnittke. Tác phẩm này được viết năm 1976 tặng cho huyền thoại violon thế giới người Nga – Latvia, gốc Đức Gidon Kremer và nghệ sĩ violon Tatiana Grindenko (người đoạt giải thưởng Tchaikovsky năm 1970).

Đồng hành với NSƯT Bùi Công Duy và nghệ sĩ violon Chương Vũ trong chương trình lần này là nhạc trưởng người Anh Christopher Zimmerman và Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam.

“Việc được chơi những tác phẩm đỉnh cao của thế giới và đặc biệt là công diễn lần đầu tại Việt Nam là điều tôi và nhiều nghệ sĩ luôn chờ đợi. Lần này, cả tôi và anh Chương Vũ rất bất ngờ vì tình cảm khán giả TP.HCM dành cho đêm nhạc đầu tiên được tổ chức ngày 26.10 vừa qua. Tối 2.11 tới chúng tôi mong rằng mình lại có được giây phút thăng hoa với âm và các khán giả Hà Nội”, NSƯT Bùi Công Duy chia sẻ.

HÀ MINH – Báo Điện tử Văn hóa

Việt Nam lọt top 5 về thức ăn đường phố ngon nhất thế giới

VHO- Chất lượng thức ăn đường phố của Singapore đang chiếm ngôi đầu bảng thế giới, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam giành vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng.

Viet Nam lot top 5 ve thuc an duong pho ngon nhat the gioi hinh anh 1

Một báo cáo khảo sát xã hội của tạp chí CEOWORLD (Mỹ) vừa công bố cho biết, chất lượng thức ăn đường phố của Singapore đang chiếm ngôi đầu bảng thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam giành vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng.

1464108443-1464084952-mon-anbanh-miam-thuc-duong-pho-2-doanhnhansaigon-1511408197banh-trang-nuong123net-hap-dan-cua-am-thuc-duong-1549039761-md9QW0Báo cáo khảo sát trên được CEOWORLD thực hiện trong suốt thời gian ba tháng, dựa trên các số liệu và ý kiến đánh giá của 92.000 công ty du lịch cùng 1.400 hãng lữ hành tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo đó, Singapore giành được ngôi quán quân trong bảng xếp hạng 50 địa phương có thức ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Các vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt thuộc về Bangkok (Thái Lan) và Hongkong (Trung Quốc). Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam xếp ở vị trí thứ tư và Mumbai của Ấn Độ giành được vị trí thứ 5.

Thủ đô Seoul của Hàn Quốc đứng vị trí thứ 13 và Tokyo của Nhật Bản ở vị trí 19.

TTXVN

Giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

VHO- Sáng 24.10, Giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Hà Nội 2019 do Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội tổ chức đã diễn ra tại đền Rừng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.

Chương trình Giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Hà Nội 2019 nhằm động viên các thanh đồng, và các hội viên tiếp tục tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, ghi nhận những đổi mới trong xã hội đương đại, song vẫn đảm bảo kế thừa truyền thống, đúng lễ nghi, trang nghiêm và giá trị văn hóa của tín ngưỡng.

Ba mươi vị đồng đền, thanh đồng đến từ Hà Nội và các tỉnh: Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Gia Lai, Yên Bái đã tham gia giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng.

Chương trình Giao lưu diễn ra đến hết ngày 27.10, tại đền Rừng. Buổi tổng kết, vinh danh, khen thưởng diễn ra sáng 1.11 tại Di tích đình, đền Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.

Thanh đồng Đặng Thị Nhiễu 84 tuổi – đồng đền của đền Rừng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Thanh đồng Trần Kim Huệ – Thủ nhang Phủ Chính – Tiên Hương – Phủ Dầy tỉnh Nam Định, Thanh đồng Vũ Thanh Bình – Hội trưởng chi hội Di sản văn hóa Hải Hậu – Nam Định thực hành nghi lễ hầu đồng

Nguồn: TRẦN HUẤN – Báo Điện tử Văn hóa

Khánh An “ngược dòng” giành vé vào chung kết “The Voice Kids”

Fanpage Giọng hát Việt nhí vừa công bố Khánh An chính là chủ nhân chiếc vé may mắn vào đêm chung kết The Voice Kids 2019 với số lượt vote cao nhất trên cổng bình chọn.

Trong đêm thi bán kết, Khánh An thể hiện ca khúc Nhiều người ôm giấc mơ với sự trợ giúp của bé Minh Châu (thành viên trong đội Lưu Thiên Hương). Với chất giọng ngọt ngào, ca khúc dường như rất phù hợp với “thần đồng bolero” Khánh An. Cô bé mang đến một không gian âm nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng cũng không kém phần hiện đại. HLV Dương Khắc Linh cho biết thích bé Khánh An hát dòng nhạc này vì theo anh hay hơn cả hát bolero. HLV Phạm Quỳnh Anh không rời mắt khỏi tiết mục của bé Khánh An vì hát và diễn rất thu hút. Các HLV còn khen nụ cười xinh xắn, rạng rỡ của Khánh An.
khanhan1_zkge
HLV Lưu Thiên Hương bày tỏ: “Ngay từ lúc đầu cô đã thấy con rất phù hợp với các thể loại nhạc nhẹ mang âm hưởng nhân gian và có pha nhạc điện tử trong đó. Tuy nhiên, bolero là gia đình của con, tất cả khán giả trước đây hướng con đi theo con đường đó, cô không phản đối và tôn trọng điều đó nhưng cô cho con thấy và khẳng định con hát được nhạc nhẹ rất hay, con hãy phát triển thêm”.
Trải qua hành trình dài tại cuộc thi, Khánh An đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Giọng ca 13 tuổi sớm bộc lộ cá tính âm nhạc riêng của mình khi đứng trên sân khấu, các ca khúc được Khánh An thể hiện qua mỗi vòng thi đều chiếm trọn tình cảm của khán giả.
Tuy nhiên, top 3 lộ diện tranh tài ở chung kết The Voice Kids 2019 không gọi tên “thần đồng bolero” khiến rất nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối và hụt hẫng. Không lâu sau đó, khi cổng bình chọn chiếc vé may mắn của The Voice Kids 2019 được công bố, người hâm mộ đã không ngần ngại tạo thêm cơ hội cho học trò team “Xinh lung linh” tỏa sáng tại sân khấu Giọng hát Việt nhí thêm một lần nữa.
Khánh An tâm sự: “Con cảm thấy rất hạnh phúc khi được khán giả trong nước và cả những cô chú ở nước ngoài đã nhiệt tình kêu gọi bình chọn cho con giành tấm vé may mắn tranh tài cùng 4 bạn thi khác, con thật sự bất ngờ và cảm động với tình cảm mà khán giả đã dành cho con…”.
Như vậy 5 giọng ca nhí sẽ tranh tài trong đêm chung kết The Voice Kids 2019 là Bảo Hân, Linh Đan, Chấn Quốc, Kiều Minh Tâm và Khánh An. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV3 vào ngày 26.10.

Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Mẹ”: Những bài ca đi cùng năm tháng

VHO- Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Mẹ” đã qua đi nhưng nhũng dư âm vẫn còn đó. Các ca khúc viết về mẹ qua giọng ca ngọt ngào của những nghệ sĩ trong chương trình đã đọng lại trong lòng khán giả biết bao suy tư.

Chín bậc tình yêu, ca khúc nhẹ nhàng, sâu lắng, mang âm hưởng miền núi  được NSND Quốc Hưng tin tưởng giao cho ca sĩ Bích Hồng thể hiện trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Huyền thoại Mẹ”. Khác với những ca khúc về mẹ, Chín bậc tình yêu ngoài viết về hình ảnh người phụ nữ tần tảo sớm hôm, dành hết yêu thương cho những đứa con của mình thì đó còn là những lời ngọt ngào của người con dâu hát cho mẹ chồng.

Dù đã thể hiện nhiều ca khúc về tình mẫu tử, song với ca sĩ Bích Hồng, đây là ca khúc đem lại trong cô nhiều xúc cảm nghẹn ngào. Trong những ngày qua, giọng ca được yêu thích nhất tại “Sao mai 2011” đã nỗ lực tập luyện để có phần trình diễn tốt nhất gửi gắm đến những người mẹ của mình cũng như khán giả. Bích Hồng bộc bạch: “Khi hát ca khúc, Hồng cảm thấy một phần cuộc sống của mình trong đó. Chín bậc tình yêu cũng chính là nỗi lòng của Hồng muốn nói với các mẹ trong suốt quãng thời gian qua. Câu hát “Những bước đi đầu tiên/Mẹ dìu lên từng bậc…” trong ca khúc khiến bản thân không khỏi rưng rưng khi nhớ về những ngày đầu về nhà chồng. Bỡ ngỡ, có phần lạ lẫm nhưng nhờ có mẹ chồng thương yêu, chỉ dạy mà Hồng tự tin hơn trong mỗi bước chân trên đường đời”.

Nữ ca sĩ cũng thổ lộ, trước đây không được bố ủng hộ đi theo con đường âm nhạc, mẹ đẻ chính là người đã âm thầm cho Bích Hồng đi học. “Giờ đây, được đứng trên những sân khấu lớn như “Huyền thoại Mẹ”, hát cho mẹ nghe, Hồng thật sự biết ơn mẹ bởi những gì tốt đẹp nhất mẹ dành cho con”, cô nói.

Mộc mạc nhưng không kém phần ý nghĩa, Điều không thể mất đã được ca sĩ Tân Nhàn biểu diễn thành công trong đêm nhạc “Huyền thoại Mẹ”. Với giai điệu nhẹ nhàng, ca khúc đã lột tả được tình yêu, sự biết ơn của người con đối với mẹ của mình. Sự ấm áp trong mỗi câu hát cũng giống như vòng tay của người mẹ khi đón những đứa con trở về.

Người con nào cũng vậy, luôn yêu thương và biết ơn mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng mình khôn lớn. Thế nhưng, để nói lên lời yêu thương, đôi khi vì một lý do nào đó lại khiến những người con khó cất lên thành lời. Bản thân Hoàng Tùng cũng chưa vượt qua được điều đó. Trong chương trình, khi nhận lời ca khúc Nơi ấy con tìm về của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh, bài hát trữ tình có hơi hướng hiện đại, Hoàng Tùng nghĩ rằng đây sẽ là một cơ hội để từ chính giọng hát Mẹ cho để cất lên những giai điệu chất chứa tình cảm yêu thương. Nơi ấy con tìm về vẫn là những chất chứa yêu thương nhưng có một điểm khác là được mang hơi thở mới hơn, hiện đại hơn so với những ca khúc về mẹ, thường mang hương vị, giai điệu dịu dàng, trầm buồn. Tựa đề bài hát cũng đã khẳng định, dù cho đường đời nhiều chông gai, mẹ sẽ luôn là điểm tựa vững chắc để những người con tìm về, được chở che bởi tình yêu thương.

Nữ ca sĩ trẻ Minh Chuyên với ca khúc Tìm lại lời ru (bài hát trong phim Lời ru mùa đông) cũng là một điểm nhấn khác ở “Huyền thoại Mẹ”. “Khi được hỏi thích hát bài gì về chủ đề người Mẹ, Minh Chuyên đã nói cô rất thích ca khúc này. Tìm lại lời ru là bài hát trong phim và chưa xuất hiện ở những chương trình nghệ thuật lớn. Chia sẻ tại buổi tổng duyệt chương trình, Minh Chuyên thổ lộ: “Tìm lại lời ru thật sự là ca khúc đặc biệt bởi chỉ với những câu hát đầu tiên, những hồi ức trong Chuyên về mẹ bỗng ùa về”. Đó là những lời du nâng bước chân con trên đường đời, bóng hình người mẹ mỗi đêm âm thầm bảo vệ giấc ngủ cho con. Tất cả đều được tái hiện lại qua giọng ca ấm áp nhưng không kém phần nội lực của ca sĩ Minh Chuyên.

Không chỉ là những lời du, đêm nhạc “Huyền thoại Mẹ” còn giúp khán giả được nhớ lại những ký ức về dòng sữa mẹ thơm mát qua ca từ bài hát Khúc hát ru người mẹ trẻ, được thể hiện bởi ca sĩ Lương Nguyệt Anh. Ngắn gọn, không phô trương, Khúc hát ru người mẹ trẻ vẫn chan chứa lời dạy của người mẹ khi con lớn khôn. Sinh ra, niềm hạnh phúc lớn nhất với mỗi người con là được lớn lên, ươm mầm bởi bầu sữa mẹ ngọt ngào. Với Lương Nguyệt Anh cũng vậy, sau này, cô cũng mong muốn được nuôi những người con của mình bằng chính dòng sữa mẹ. Không chỉ đơn thuần là những giọt sữa, đó còn là tình yêu bao la của người mẹ dành cho đứa con thơ của mình.

Nhớ về kỷ niệm với người mẹ của mình, quán quân “Sao Mai 2011” cho hay: “Suốt 3 tháng thi Sao Mai, mẹ luôn là người ở cạnh Lương Nguyệt Anh. Mẹ lo cho từng bộ trang phục, miếng ăn, giấc ngủ rồi để khi được đứng trên bục cao nhất, Nguyệt Anh vẫn nghĩ, nhờ có dòng sữa mẹ, mình mới được như hôm nay”.

“Này con yêu ơi con biết không? Mẹ yêu con yêu con nhất đời…” Tiếng lòng của người mẹ đã được ca sĩ Anh Thơ ngân vang trong phần kết “Huyền thoại Mẹ”. Nhật ký của mẹ, bài ca giống như cuốn hồi ký ghi lại kỉ niệm những ngày con còn bên mẹ tới lúc con bay cao, bay xa, những câu chuyện từ thuở con còn ấu thơ, mái tóc mẹ còn xanh tới ngày con lớn khôn, mẹ về già. Bằng những ca từ trong sáng, chan chứa tình yêu thương, lối tái hiện câu chuyện tình mẹ con độc đáo bài hát đã thực sự chinh phục được trái tim của rất nhiều người nghe.

Nếu như trước đây, khán giả đã quen thuộc với giọng hát của ca sĩ Hiền Thục thì tại sân khấu lần này, với bản phối mới, ca sĩ Anh Thơ đã mang đến một màu sắc khác trong cách thể hiện nhưng vẫn đọng lại những cảm xúc đong đầy cho khán giả. Nhiều khán giả sau khi nghe ca khúc chắc hẳn cũng sẽ nhận ra rằng, con cái mới chính là tài sản vô giá của cha mẹ.

Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Mẹ” do Báo Văn Hóa phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20.10.1930 – 20.10.2019). Với thời lượng 90 phút, “Huyền thoại Mẹ”  mang đến cho khán giả nhiều ca khúc đẹp về Mẹ, về những người phụ nữ Việt Nam đảm đang, giàu tình yêu thương: Đưa cơm cho mẹ đi cầy, Mẹ yêu ơi, Nhật ký của Mẹ, Đất nước lời ru, Những cô gái quan họ, Chín bậc tình yêu, Người mẹ của tôi, Về thăm mẹ, Huyền thoại Mẹ, Tìm lại lời ru, Mẹ yêu con, Khúc hát ru người mẹ trẻ, Ru con, Mẹ, Điều không thể mất, Nơi ấy con tìm về.

Góp mặt trong chương trình là những giọng ca nổi tiếng như NSND Quốc Hưng, ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn, Bích Hồng, Tân Nhàn, Hoàng Tùng, Hồng Duyên, Minh Chuyên, Lương Nguyệt Anh, Sèn Hoàng Mỹ Lam, nhóm Mây,  nhóm thiếu nhi Thiên Phúc.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP; Tổng Công ty CP Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội.

Nguồn: P.A – ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN – Báo Điện tử Văn hóa

Khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ II, năm 2019

VHO-Tối 18.10 tại Quảng trường 7/5 (TP. Điện Biên Phủ), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ II, năm 2019 với sự góp mặt của gần 600 nghệ nhân, diễn viên đến từ 5 tỉnh có đông đồng bào Thái sinh sống, gồm: Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên và Thanh Hóa.

Dự lễ khai mạc có các Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng; đoàn nghệ thuật năm tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa và Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Luông Nậm Thà (Lào) cùng lãnh đạo và đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Các đại biểu dự khai mạc

Đêm nghệ thuật đặc sắc với 3 chương, gồm: Mường Then – Nguồn cội ngàn năm huyền thoại; sắc màu văn hóa Thái; Mường Then – Mường Thanh – Điện Biên trong lòng đại gia đình các dân tộc Việt Nam, được chia thành hơn 10 phân cảnh và nhiều lớp diễn đã tạo không khí vui tươi, ấn tượng, khơi dậy tinh thần đoàn kết cộng đồng và phác họa bức tranh toàn cảnh đời sống sinh hoạt văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở Việt Nam…

Thông qua các nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng… hơn 600 nghệ nhân, diễn viên quần chúng của 5 tỉnh đã trình diễn, lồng ghép những sự tích, huyền thoại, văn hóa, nghệ thuật đa dạng đã và đang phổ biến trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào dân tộc Thái. Bên cạnh đó là các hình thức nghệ thuật diễn xướng mang tính cộng đồng, kết hợp với chủ đề tri ân người có công với dân, với nước để trở thành một chương trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn tình cảm đặc biệt; khẳng định vị thế, công lao của những con người đang bám trụ, sống kiên cường ở miền biên giới Tây Bắc hùng vĩ của Tổ quốc…

Thứ trưởng Lê Quang Tùng và lãnh đạo tỉnh Điện Biên tặng cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia Ngày hội. Ảnh: Lê Lan

Phát biểu khai mạc ngày hội, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ II diễn ra tại tỉnh Điện Biên – vùng đất trung tâm văn hóa của người Thái, là sự kiện văn hóa có ý nghĩa về cả chính trị, kinh tế và xã hội. Đây là dịp để nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh có đồng bào Thái sinh sống được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian; đối với quần chúng nhân dân và du khách sẽ có thêm cơ hội được chiêm ngưỡng, thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, đặc biệt là nghệ thuật xòe Thái. Đồng thời, ngày hội cũng sẽ quảng bá rất tốt về hình ảnh, tiềm năng du lịch văn hóa đặc sắc của tỉnh Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội mỗi địa phương và trong vùng.

Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc

Trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc Thái; trình diễn, giới thiệu nghi thức sinh hoạt văn hóa; trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; trình diễn nghệ thuật xòe Thái; trình diễn dệt thổ cẩm, thêu khăn piêu dân tộc Thái; trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Thái; các hoạt động thể thao dân tộc Thái, như: giao lưu, thi đấu tung còn, đẩy gậy, kéo co, đẩy xe đạp thồ, tải đạn, tó má lẹ, các trò chơi dân gian…

Đặc biệt, ngày hội sẽ trình diễn 6 điệu xòe Thái. Đây là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào Thái, nhất là ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái. Cho đến nay, loại hình nghệ thuật này đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguồn: THANH HOÀNG – Báo Điện tử Văn hóa

Liên hoan Xiếc quốc tế 2019: Trình diễn ấn tượng và những tiếc nuối

VHO- Sàn diễn rạp xiếc Trung ương đã trở nên sôi động bởi những pha trình diễn ngoạn mục, hấp dẫn của gần 200 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế tham dự Liên hoan Xiếc quốc tế 2019 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì tổ chức. 28 tiết mục của các đoàn nghệ thuật từ 9 quốc gia đã có những phần thi đầy sôi nổi.

 Tiết mục “Nhào sào” của Liên đoàn Xiếc VN

Đáng mừng là các nghệ sĩ của Việt Nam đã có một cuộc so tài ngang ngửa về chất lượng đối với các nghệ sĩ quốc tế.

Mãn nhãn…

Đó là những cảm xúc mà khán giả và bạn bè quốc tế đã dành tặng cho các suất diễn của Liên hoan Xiếc Quốc tế 2019 tại rạp Xiếc Trung ương từ 16 đến 20.10.

Rạp xiếc Trung ương với hơn 1.200 chỗ ngồi hầu như chật kín và sôi động với những tràng pháo tay dài không dứt. Khán giả đã thực sự mãn nhãn trước màn biểu diễn đến từ các tiết mục của cả quốc tế và Việt Nam. Đặc biệt, các tiết mục xiếc quốc tế giành được nhiều cảm tình của khán giả bởi ấn tượng ngay từ vóc dáng, hình thể và phong cách biểu diễn chuyên nghiệp. Đu dây da đơn của Liam Dummer (Australia) và Wai Eddy Goh (Singapore) đều đem đến những tạo hình ấn tượng cùng sức mạnh của đôi tay, chân với dây được treo trên cao. Tiết mục Cột xoay biểu diễn của đôi nam nữ đến từ đất nước Cuba quả thật đã khiến toàn bộ khán giả phấn khích, hò reo, cổ vũ bởi sự phối hợp ăn ý và kỹ thuật điêu luyện trong từng chuyển động với cây cột xoay trên không trung; Đứng tay của diễn viên Ai Cập đã ngày một nâng độ khó, làm “đứng tim” khán giả khi xếp dần từng nấc thang và cuối cùng đứng tay trên “tòa tháp” cách mặt đất khoảng 6-7m…

Đồng nghiệp xiếc quốc tế lại tỏ ra vô cùng thú vị và ấn tượng với các tiết mục dự thi của nghệ sĩ Việt Nam như: Nhào sào, Vòng xoay mạo hiểm, Đu sen, Đu son, Tạo hình trên đôi giày trượt (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Giấc mộng phù vân (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam)… Jams Brown, nghệ sĩ từ Australia chia sẻ: “Tôi thấy các nghệ sĩ xiếc Việt Nam đã đầu tư được nhiều tiết mục xiếc tập thể rất hoành tráng, công phu. Các bạn Việt Nam đã không chỉ chú ý tới kỹ thuật mà cả yếu tố nghệ thuật cũng được quan tâm. Đặc biệt là đưa chủ đề vào tiết mục đã khiến hiệu quả tiết mục của Việt Nam được nâng lên rõ rệt”.

Người trong nghề thì đánh giá cao những nỗ lực sáng tạo đầy bứt phá của nghệ sĩ xiếc ngay chỉ việc nâng cao độ khó của từng thể loại tiết mục. Lần đầu tiên ở Việt Nam diễn viên xiếc thực hiện những động tác kỹ thuật đẳng cấp cao và thành công như động tác ôm gối xoắn 2 vòng, nhào 2 vòng phải lật (tiết mục Nhào sào), thực hiện được những động tác khó như vậy lại là các diễn viên mới 20 tuổi. Khán giả cũng thót tim khi chứng kiến diễn viên xiếc nhào lộn, bịt mắt đi lại chơi vơi trên không trung không cần dây bảo hiểm ở trên hai vòng quay khổng lồ (tiết mục Vòng xoay mạo hiểm). Các tiết mục xiếc quốc tế chỉ thực hiện tiết mục đu dây trên cao với hai nghệ sĩ thì ở Đu sen, nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện đu dây với 4 nghệ sĩ nữ với những động tác kỹ thuật cao cắn răng, dùng tóc đánh đu trên cao.

Rằng hay thì thật là hay…

Đã theo Liên hoan Xiếc quốc tế ở các lần tổ chức ở Việt Nam, NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN chia sẻ: “Tôi rất mừng khi xem một số tiết mục tham dự Liên hoan lần này các tiết mục của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn giữ được phong độ nổi trội là đơn vị “đầu ngành” của xiếc khi đưa ra những tiết mục lớn được đầu tư dàn dựng công phu. Một số tiết mục của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tuy là địa phương nhưng cũng đã có nỗ lực tiến bộ đáng ghi nhận từ trình độ kỹ thuật cho tới hình thức thể hiện”.

Tuy nhiên, theo NSND Vũ Ngoạn Hợp vì điều kiện lưu diễn và thời gian chuẩn bị quá gấp nên Liên hoan chưa thu hút được số lượng lớn các đơn vị quốc tế tham dự, số tiết mục tham dự thường chỉ là những tiết mục đơn hoặc một nhóm 2 – 3 người biểu diễn và có nhiều tiết mục bị trùng lắp về thể loại. “Lịch diễn của các nghệ sĩ xiếc quốc tế thường có kế hoạch dài trước cả năm, vì vậy muốn thu hút được nhiều quốc gia có nền nghệ thuật xiếc phát triển, theo tôi Ban tổ chức nên có kế hoạch thông báo trước cả năm là tốt nhất. Có như vậy, nghệ sĩ và khán giả Việt Nam mới có cơ hội được xem nhiều tiết mục mới của xiếc quốc tế hơn”, NSND Vũ Ngoạn Hợp khẳng định.

Rất nhiều đạo diễn, nghệ sĩ xiếc tỏ ra tiếc nuối cho rằng, màn biểu diễn khai mạc Liên hoan Xiếc quốc tế 2019 có sự lắp ghép quá nhiều loại hình nghệ thuật vào đã khiến ngôn ngữ chủ đạo là xiếc lại bị mờ đi. Màn chào đầu của xiếc là một yếu tố vô cùng quan trọng không chỉ ở khai mạc liên hoan mà còn ở từng chương trình biểu diễn. Tạo không khí sôi động và ấn tượng ngay từ màn chào đầu là một ưu thế rất đặc biệt của xiếc đối với khán giả. Sự đổi mới đưa các tiết mục ca múa nhạc vào khai mạc với xiếc chưa thật sự hợp lý, dẫn tới lạc lõng. Mong rằng, các đạo diễn dàn dựng các chương trình liên hoan cần chú trọng hơn về điều này để lấy ngôn ngữ đặc trưng của từng loại hình biểu diễn để làm chủ đạo. Hơn thế, đối với một liên hoan mang tầm cỡ quốc tế thì việc giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa và con người Việt Nam là yếu tố rất cần được quan tâm.

 Nguồn: HIỀN LƯƠNG – Báo Điện tử Văn hóa

6 tài năng vào bán kết Giọng hát Việt nhí 2019

VHO-  Sau 13 tập phát sóng, chương trình Giọng hát Việt nhí 2019 đã tìm ra 6 gương mặt tài năng tranh tài vòng ábn kết. Mỗi giọng hát nhí là một màu sắc hứa hẹn đem đến vòng thi Bán kết những bất ngờ thú vị.

Sau tuần thi thứ 13, mỗi đội của các huấn luận viên chỉ còn 2 đại diện bước vào trận bán kết Giọng hát Việt nhí 2019. Thực tế, vòng thi đã có những màn thi gay cấn và đã để lại cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc đầy cảm xúc.  Không chỉ bởi tính chất của vòng Loại trực tiếp mà chính 9 thí sinh ngang tài ngang sức của ba đội huấn luận viên Lưu Thiên Hương – Ali Hoàng Dương, Hương Giang – Dương Cầm, Dương Khắc Linh – Phạm Quỳnh Anh đã mang đến những tiết mục hấp dẫn, có tính cạnh tranh căng thẳng.

Mở màn đêm thi là Minh Hằng của đội Phạm Quỳnh Anh – Dương Khắc Linh với ca khúc Giọt sương trên mí mắt. Ngay từ những vòng đầu tiên, cô bé 7 tuổi luôn được đánh giá cao về giọng hát cũng như phong cách trình diễn. Và không làm khán giả thất vọng Minh Hằng đã mang đến một phần trình diễn ấn tượng, những nốt lên cao khiến cả sân khấu như vỡ òa. Đào Huỳnh Minh Châu, học trò Lưu Thiên Hương – Ali Hoàng Dương, thể hiện ca khúc Huyền thoại mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sở hữu giọng hát truyền cảm, ngọt ngào, cô bé đã mang đến một không gian âm nhạc lắng đọng.

Ấn tượng nhất đêm thi là Chấn Quốc, học trò Hương Giang – Dương Cầm, thể hiện ca khúc Có chàng trai viết lên cây, sáng tác của Phan Mạnh Quỳnh, lời ca khúc cũng được viết lại cho phù hợp với chương trình. Chấn Quốc mang đến một hình ảnh mới mẻ, trưởng thành và lãng tử hơn trên sân khấu. Đặc biệt, giọng hát truyền cảm của Chấn Quốc đã thổi vào ca khúc quen thuộc một chiếc áo mới khiến các HLV. Bên cạnh đó, Ngọc Nhi, học trò khác của Hương Giang – Dương Cầm, thể hiện ca khúc Chuồn chuồn ớt, cũng mang đến một màn trình diễn vui nhộn và duyên dáng trên sân khấu. Ngoài ra, Khánh An, học trò Lưu Thiên Hương – Ali Hoàng Dương, cũng khiến các HLV thổn thức với phần thể hiện ca khúc Mừng tuổi mẹ. Từng câu hát, luyến láy ngọt ngào đã khiến HLV Lưu Thiên Hương thốt lên “hay quá”.

Ở cuối đêm thi, top 6 vào bán kết Giọng hát Việt nhí 2019 đã chính thức lộ diện, đó là Khánh An, Minh Tâm, Linh Đan, Minh Hằng, Chấn Quốc và Bảo Hân. 6 gương mặt cân sức cân tài này sẽ bước vào vòng Bán kết để tìm ra đại diện xuất sắc nhất tranh ngôi vị quán quân Giọng hát Việt nhí 2019.

Nguồn: TUẤN PHONG – Báo Điện tử Văn hóa

Truyện Kiều trong thực hành nghệ thuật

VHO- Trong những sắp xếp có tính toán nhuốm màu ẩn dụ, chất liệu và lời thơ giàu hình ảnh của tác phẩm Truyện Kiều hòa quyện cùng những liên tưởng và suy ngẫm của nghệ sĩ người Đức Franca Bartholomäi. Ở đó ta thấy về nỗi tủi hổ, tội lỗi, phẩm giá và hy vọng, sự tìm kiếm hơi ấm, an toàn và tình yêu.

Năm 2017, Viện Goethe Hà Nội đã liên lạc với nghệ sĩ người Đức Franca Bartholomäi để mời chị sáng tác về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nghệ sĩ Franca Bartholomäi đã tìm đọc cuốn sách đó, ngay lập tức không thể rời mắt khỏi thi phẩm mang tầm dân tộc của Việt Nam. Với chị, cuốn sách lôi cuốn, chứa đầy các tình tiết xoay chuyển bất ngờ. Đối với những ai vẫn quen thuộc ngôn ngữ súc tích của châu Âu đương đại thì thoạt tiên, ngôn ngữ Truyện Kiều hơi hoa lá. Nhưng Bartholomäi thấy ngôn ngữ ấy hợp với cảm tình của mình dành cho sáng tác mang nặng tính ẩn dụ này.

Lấy cảm hứng từ thiên tuyệt bút của nền văn học Việt Nam, nữ nghệ sĩ đã sáng tạo một chuỗi sắp đặt trên tường, gồm các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ trắng – đen để mời khán giả chiêm ngưỡng câu chuyện từ một góc nhìn khác. Chị gọi triển lãm của mình là “Nàng K…” (đang diễn ra tại Viện Goethe), chữ Kiều ở đây không được viết đầy đủ theo cách chủ đích của nghệ sĩ. Với chị, ngôn ngữ hình ảnh của tác phẩm rất đồng điệu với hình ảnh nặng tính ẩn dụ của mình. Đó cũng chính là cơ hội để chị tái hiện những cảm nhận về tác phẩm theo cách riêng của mình.

Các tác phẩm được thể hiện dưới hai gam màu đen – trắng, chất liệu khắc gỗ là trung tâm nghệ thuật, đây cũng là phong cách sáng tạo của Bartholomäi. Với phong cách ấy, tự bản thân chất liệu của những bức hình đã trở thành một chủ đề, mặc dù đúng ra nó phải là kỹ thuật. Và những ẩn dụ của Truyện Kiều được bộc lộ qua đó để tiếp cận công chúng, không chỉ những con người của vùng đất “quê hương” Truyện Kiều mà còn những công chúng đến từ quốc gia khác. “Như khi tôi tiếp thu một tác phẩm, tôi để toàn bộ nó ngấm vào và tôi không tập trung vào khía cạnh nào cụ thể. Tôi quan tâm đến tâm trạng, cảm xúc và trong Truyện Kiều, cảm xúc đó chủ yếu đến từ sự tồn tại của tuyệt vọng, dâng hiến, nghĩa vụ và tình yêu”, nghệ sĩ chia sẻ.

Theo Bartholomäi, đầu tiên, phải mất chút thời gian cho độc giả châu Âu ở thế kỷ 21 làm quen với phong cách Truyện Kiều. Đó là truyện thơ, không tự nhiên và ngôn ngữ đầy ẩn dụ. Nhưng nội dung của nó thì không. Và chính xác là hình tượng ngôn ngữ đáng chú ý đã kích hoạt nghệ sĩ đưa vào tác phẩm những vấn đề song song tồn tại, trong truyện và trong đời sống hiện tại. Như nhiều ý kiến nhận định, Truyện Kiều cho đến bây giờ vẫn còn có những giá trị để soi chiếu với vấn đề xã hội đương thời.

Nghệ sĩ tạo những hình thù như cô gái với khuôn mặt hoa hướng dương, trổ lên bức tranh những con tằm, những cô gái giấu mặt sau cái túi… từ nhiều đoạn thơ giàu hình ảnh trong Truyện Kiều. Nghệ sĩ Đức chia sẻ, mình không làm ra các bản minh họa Truyện Kiều mà là những suy ngẫm, liên tưởng được cuốn sách tạo nên. Chị tích hợp câu chuyện của tác phẩm vào thế giới với những cách thức sáng tạo riêng. Bởi lẽ, chị không đọc Kiều như một lời khuyến cáo cho cuộc đời, cũng không như một cáo trạng. Kiều trăn trở với số phận, vô cùng tuyệt vọng, đã hai lần nàng tính quyên sinh… Kiều bị chà đạp đến mức tồi tệ nhất nhưng không bao giờ đánh mất phẩm giá của mình. Tác phẩm vì vậy, cho thấy một cái gì đó mang tên phẩm giá.

 Triển lãm “Nàng K…” của nghệ sĩ Franca Bartholomäi là một phần của Dự án Nàng K… – Cách tiếp cận mới vào một di sản văn hoá, do Viện Goethe khởi xướng từ năm 2017. Từ một góc nhìn khác, đây là cách để cùng trả lời câu hỏi: Liệu hình ảnh người phụ nữ của Kiều có còn phù hợp với thời đại? Ngày nay con người diễn giải và đọc Truyện Kiều như thế nào?…

 Nguồn: NGỌC HÀ – Báo Điện tử Văn hóa