Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX- 2019: Hạnh phúc cho cả một đời cống hiến

VHO- Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 29.8 đã trở thành ngày hội quy tụ hàng trăm gương mặt nghệ sĩ tên tuổi của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà trong Lễ trao danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX- 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự, trao tặng danh hiệu và chúc mừng các nghệ sĩ trong ngày vui trọng đại.

Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ… cùng đại diện các Bộ, ban, ngành. Đặc biệt, không khí Nhà hát Lớn trở nên rộn rã, đầy ắp niềm vui và những gương mặt rạng ngời hạnh phúc với sự có mặt của 391 NSND, NSƯT được trao tặng danh hiệu cùng thân nhân của họ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu NSND 

Quà tặng vô giá

Báo cáo về công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, trách nhiệm cao của các cấp Hội đồng, đặc biệt là Hội đồng cấp Nhà nước, công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 đã hoàn thành tốt. 84 NSND, 307 NSƯT được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước lần thứ 9 thuộc 9 dân tộc: Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, H’Mông, Ê Đê, Jơ Rai, Khmer. NSND Đường Tuấn Ba, nhà quay phim Hãng phim Giải phóng, nay là Công ty Cổ phần phim Giải phóng thuộc Bộ VHTTDL là nghệ sĩ nam cao tuổi nhất (92 tuổi).  NSND Phó Thị Đức (Kim Đức), nguyên diễn viên hát Đài TNVN là nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất (88 tuổi).

Chúc mừng các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận những nỗ lực cống hiến và tài năng nghệ thuật xuất sắc của các nghệ sĩ, góp phần trực tiếp xây dựng nghệ thuật của dân tộc, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu…”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ

Chia sẻ niềm vui cùng các văn nghệ sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, danh hiệu NSND, NSƯT là phần thưởng cao quý nhất mà Nhà nước dành tặng cho đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước. Đây là những nghệ sĩ đã luôn nỗ lực rèn luyện, trưởng thành và không ngừng sáng tạo trong sự nghiệp nghệ thuật, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. “Các đồng chí là lực lượng tin cậy, trung thành của Đảng và nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tinh thần cống hiến, và tâm huyết với nghề nghiệp. Các nghệ sĩ thực sự là những ngôi sao chiếu sáng bầu trời nghệ thuật của Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, nghệ thuật, văn hóa là giá trị tâm hồn của một dân tộc. Trong nhiều năm qua, anh chị em văn nghệ sĩ đã bỏ ra nhiều trí tuệ, mồ hôi và cả máu xương để xây dựng các giá trị tinh thần của Việt Nam, từ đó góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân trân trọng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền nghệ thuật nước nhà thời gian qua.

Thủ tướng trao tặng danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ

2019_08_29_18_53_IMG_0735

Qua báo cáo công tác xét tặng danh hiệu NSND,NSƯT lần thứ 9, Thủ tướng đánh giá cao sự chuyên nghiệp, nghiêm túc, minh bạch trong việc lựa chọn, xét duyệt danh hiệu. Trong đó, đáng ghi nhận độ tuổi nghệ sĩ đa dạng, từ 32 – 92 tuổi, là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ tài năng nghệ thuật, sự đóng góp, cống hiến của các nghệ sĩ ở lứa tuổi khác nhau có tính kế thừa qua các thế hệ. Các nghệ sĩ được trao danh hiệu là đại diện tiêu biểu của nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, từ âm nhạc, điện ảnh, phát thanh truyền hình, sân khấu, múa… Đây là những lĩnh vực nghệ thuật chủ đạo, vừa hiện đại, vừa truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Thủ tướng trao danh hiệu NSND cho đại diện gia đình các cố nghệ sĩ
Thủ tướng chúc mừng NSND Trần Hạnh

“Các nghệ sĩ được trao danh hiệu đến từ khắp vùng miền của cả nước, từ nhiều dân tộc anh em như Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, Mông, Ê Đê, đến Jơ Rai, Khmer. Cùng với các nghệ sĩ khác, các nghệ sĩ được trao danh hiệu ngày hôm nay sẽ là những cánh chim đầu đàn gìn giữ, phát triển và lan tỏa giá trị văn hóa, nghệ thuật đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước, và đến với bạn bè quốc tế. Đây là điều hết sức đáng trân trọng…”, Thủ tướng chia sẻ.

Trao danh hiệu, niềm tự hào tới thân nhân, gia đình các cố nghệ sĩ, Thủ tướng nhấn mạnh thêm, đây là sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công lao, tài năng của các nghệ sĩ.

Miệt mài cho vẻ đẹp, tâm hồn dân tộc

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao danh hiệu NSƯT

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  nhấn mạnh, 391 nghệ sĩ được vinh danh hôm nay đã vượt qua một quy trình lựa chọn chặt chẽ, sáng tạo, xét trên những cống hiến thực tế của các nghệ sĩ. Họ thực sự là những viên ngọc quý của đất nước.

Bên cạnh niềm vui, Thủ tướng lưu ý, đây cũng là dịp chúng ta cùng suy nghĩ về việc thông qua nghệ thuật để xây dựng một tâm hồn có chiều sâu, có vẻ đẹp cho dân tộc. Sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng của đất nước trong thời gian qua đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng cũng còn có không ít khó khăn, thách thức, những hạn chế cần thẳng thắn nhìn nhận và sớm có các giải pháp kịp thời.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao danh hiệu NSƯT
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao danh hiệu NSƯT

Theo Thủ tướng, bối cảnh ngày nay đang đặt ra cho các văn nghệ sĩ Việt Nam một câu hỏi lớn: Qua nghệ thuật của mình, chúng ta có thể làm gì để cho tâm hồn văn hóa dân tộc ngày càng đẹp, càng sáng hơn?. “Nghệ sĩ có ảnh hưởng lên giá trị của xã hội thông qua các tác phẩm của mình. Vì xã hội tin yêu các nghệ sĩ. Nhưng khả năng ảnh hưởng ấy cũng đi đôi với trách nhiệm xã hội lớn lao. Các tác phẩm của chúng ta có thể nâng cao giá trị, chuẩn mực xã hội lên, phê phán cái xấu, tôn vinh cái đẹp, góp phần xây dựng một Việt Nam ngày càng nhân văn hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải xác định rõ các tiêu chuẩn về văn hóa và các giá trị đạo đức xã hội, lối sống cho người Việt Nam thông qua các tác phẩm VHNT đặc sắc, thể hiện giá trị chân thiện mỹ, lịch sử hào hùng, tự hào dân tộc. Những giá trị đó  phải được thẩm thấu và lan tỏa mỗi ngày để văn hóa được ngấm vào tâm hồn và tạo ra khí phách Việt Nam. Bối cảnh và tình hình đất nước thời gian tới đây đặt ra nhiệm vụ rất quan trọng cho nghệ thuật Việt Nam, và đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng chính là lực lượng tiên phong.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao danh hiệu NSƯT cho đại diện gia đình các cố nghệ sĩ

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, để xây dựng và phát triển tốt văn hóa và con người Việt Nam, cần nhất là hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ VHTTDL có vai trò đặc biệt quan trọng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW  về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL tiếp tục rà soát các quy định pháp luật có liên quan về xét tặng đối với 2 danh hiệu nêu trên; sớm nghiên cứu, đề xuất, trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng phù hợp với thực tiễn; điều kiện, quy trình xét duyệt bảo đảm minh bạch, công bằng, nhanh chóng và thuận lợi cho các nghệ sĩ; chế độ chính sách và ưu đãi cho các nghệ sĩ được tốt hơn. Thủ tướng cũng đề nghị các nghệ sĩ tiếp tục tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, kế thừa và phát huy truyền thống; luôn sáng tạo và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Niềm vui tụ hội

Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 29.8, từ sớm đã trở nên rộn rã trong sự hội tụ ngập tràn hạnh phúc của những gương mặt nghệ sĩ các miền Bắc, Trung, Nam. Các thế hệ nghệ sĩ từ đầu bạc đến đầu xanh, từ những tấm lưng đã còng gập, tóc hoa râm, những đôi chân run run không còn đứng vững, cho đến những gương mặt thanh xuân tươi trẻ, đầy sức sống…, tất cả tay bắt mặt mừng cùng những lời chúc tụng, những niềm hạnh phúc không gì có thể đong đếm.

NSND Trần Hạnh đón danh hiệu ở tuổi 90, dù cái tuổi thất thập cổ lai hy đã in hằn trên dáng người của ông, nhưng gương mặt thì luôn hiện hữu ánh cười hạnh phúc. Ông bước lên sân khấu không còn nhanh nhẹn và phải có người dìu, nhưng khi trả lời phóng viên ngoài sảnh thì vẫn… hoành và sung lắm. Ông cười bảo, Thủ tướng trao danh hiệu cho ông, và ôm ông trên sân khấu nữa. Thấy hạnh phúc và ấm áp!

Mang theo dư âm của bộ phim “Về nhà đi con” đến lễ trao tặng, ông bố quốc dân Bùi Trung Anh cũng là nhân vật được báo giới săn đón khá nhiệt tình.  Dù vậy, NSND Trung Anh vẫn luôn khiêm tốn nói rằng, danh hiệu cao quý nhất vẫn là hình ảnh của nghệ sĩ trong lòng khán giả. Vì điều đó, ông sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để cống hiến cho khán giả những vai diễn “để đời” sau này.

Khá đặc biệt là hình ảnh NSƯT Nguyễn Danh Dũng, đạo diễn bộ phim “Về nhà đi con” hôm nay được mẹ ruột đã ở tuổi 87 cùng đến Nhà hát Lớn. Đi cùng người nhà đến buổi lễ để chứng kiến khoảnh khắc con trai lên sân khấu đón nhận danh hiệu cao quý Nhà nước trao tặng, bà nói: “Dũng là con thứ 5 của tôi. Nó tài năng lắm. Từ khi phim “Về nhà đi con” được phát sóng, rồi biết tin nó được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NSƯT, tôi tự hào ghê lắm, và vui đến trẻ cả người ra…”.

“Đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận những nỗ lực cống hiến và tài năng nghệ thuật xuất sắc của các nghệ sĩ, góp phần trực tiếp xây dựng nghệ thuật của dân tộc, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu…”.

 (Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện)

“Nghệ sĩ có ảnh hưởng lên giá trị của xã hội thông qua các tác phẩm của mình. Vì xã hội tin yêu các nghệ sĩ. Nhưng khả năng ảnh hưởng ấy cũng đi đôi với trách nhiệm xã hội lớn lao. Các tác phẩm của chúng ta có thể nâng cao giá trị, chuẩn mực xã hội lên, phê phán cái xấu, tôn vinh cái đẹp, góp phần xây dựng một Việt Nam ngày càng nhân văn hơn…”.

(Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc)

NGÂN ANH; ảnh: TRẦN HUẤN – Báo Điện tử Văn hóa

“Bí mật” từ hậu trường bộ phim ăn khách “Địa đạo cá sấu tử thần”

VHO- Bộ phim “Địa đạo cá sấu tử thần” đang “gây bão” tại các rạp chiếu với kỳ tích đạt doanh thu hơn 70 triệu USD toàn cầu trong khi mức đầu tư chỉ 13,5 triệu USD. Tại VN, bộ phm cán mức doanh thu 36 tỉ đồng sau 6 ngày khởi chiếu. 

Tác phẩm của đạo diễn Alexandre Aja đã làm sống dậy dòng phim kinh dị đề tài quái vật săn mồi tưởng như đã bị Hollywood bỏ quên bấy lâu. Hiệu ứng sôi nổi lan truyền từ giới phê bình đến khán giả khiến phim bỗng trở thành một trong những tựa phim được bàn luận nhiều nhất trong mùa phim hè năm nay. Bộ phim được hâm mộ tới nỗi trong quá trình quảng bá bộ phim, đạo diễn Aja đã úp mở về khả năng sản xuất phần tiếp theo trong tương lai.

Địa đạo cá sấu tử thần dẫn đầu phòng vé Việt trong cuối tuần đầu ra mắt

Đằng sau siêu phẩm kịch tính đang chinh phục khắp các rạp chiếu là nhiều bất ngờ mà khán giả khó lòng tưởng tượng. Các “nhân vật” gây “hoảng hốt” nhất trong Địa đạo cá sấu tử thần là những con cá sấu có kích cỡ khổng lồ và hàm răng sắc nhọn, chỉ chờ cơ hội xơi tái con người. Khi theo dõi bộ phim trên màn ảnh, người xem có lẽ không thể tin rằng thực tế chẳng có con cá sấu nào cả. Trong suốt 2 tháng sản xuất, nữ diễn viên chính Kaya Scodelario chưa từng tiếp xúc với bất cứ một loài bò sát ăn thịt dữ tợn nào. Trên trường quay, Kaya phải diễn cùng hai robot kỹ xảo và thậm chí là cả những diễn viên đóng thế trong bộ đồ xanh bó sát người. Kaya buộc phải dùng trí tưởng tượng để thể hiện vẻ kinh hoàng trước những con cá sấu “giả” và đội ngũ kỹ xảo sẽ hoàn thành nốt phần việc còn lại.

Những con cá sấu dữ tợn trên màn ảnh đều là “đồ giả”

Phim lấy bối cảnh vùng biển Florida đầy nắng gió và bão tố của nước Mỹ. Tuy nhiên, bộ phim lại được thực hiện ở Serbia. Ba bối cảnh chính của phim thực tế là ba trường quay được xây dựng riêng biệt với kết cấu tương tự nhưng bể nước lớn. Nhờ vậy, ê kíp sản xuất có thể dễ dàng biến trường quay thành biển nước với mức dâng điều chỉnh tùy thích.

Tuy bối cảnh là nhân tạo nhưng trải nghiệm bầm dập trên màn ảnh của các diễn viên lại vô cùng chân thật. “Trải nghiệm quay Địa đạo cá sấu tử thần thật kinh khủng nhưng lại vô cùng tuyệt vời. Tôi dự đoán rằng quá trình quay sẽ rất vất vả và tôi muốn như vậy. Có những ngày tôi về nhà và giữ nguyên lớp máu giả và bùn giả trên cơ thể chỉ vì muốn kéo dài chút thời gian nghỉ ngơi. Chúng tôi quay hơn mười tiếng mỗi ngày và phải mất rất nhiều thời gian để gột rửa hết lớp hóa trang. Vì vậy tôi thà giữ nguyên để tiết kiệm thời gian hóa trang vào hôm sau. Khi tôi về đến nhà, con trai tôi đã rất hoảng hốt và hỏi mẹ sao thế”, Kaya Scodelario tâm sự.

Nhân vật Haley mà Kaya thủ vai là một vận động viên bơi đầy tiềm năng. Haley có thể bơi nhanh đến mức vượt mặt cả lũ cá sấu trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Trước khi bắt đầu quay phim, bơi lội không phải thế mạnh của Scodelario. Nữ diễn viên trẻ mô tả mình là kiểu người “ra biển để tắm nắng và chỉ nhúng người xuống nước cho đỡ nóng” mà thôi. Nhưng để chuẩn bị cho vai diễn, người đẹp đã trải qua một kỳ huấn luyện nghiêm túc và khắc nghiệt. “Tôi có một huấn luyện viên là cựu vận động viên Olympic. Tôi bắt đầu từ việc tập nổi trong bể bơi cho trẻ em và lũ trẻ 6 tuổi cũng đánh bại được tôi. Tôi tập nổi trong 7 tuần và kiên trì nâng cao trình độ từ từ”, Kaya kể. Sau cùng, quá trình khổ luyện nhiều tháng đó đã giúp Scodelario thể hiện những đường bơi hoàn hảo, đặc biệt là trong cảnh cô thoát khỏi con cá sấu trong gang tấc.

Thật khó tin rằng trước khi đóng Địa đạo cá sấu tử thần, Kaya Scodelario không hề biết bơi.

Sau biết bao tình huống căng thẳng nghẹt thở, Địa đạo cá sấu tử thần kết thúc với cảnh phim cha con Haley được trực thăng cứu hộ giải cứu. Nhưng đạo diễn Alexandre Aja tiết lộ, ông từng không có ý định để bộ phim kết thúc nhẹ nhàng như vậy. Một phiên bản cũ của kịch bản kết bằng cảnh một con cá sấu leo lên dây thang trực thăng. “Chúng tôi từng viết một phiên bản con cá sấu cuối cùng đớp cha con Haley trong chiếc giỏ của trực thăng cứu hộ. Chúng tôi đã quyết định không quay kịch bản đó nhưng trong quá khứ chúng tôi đã từng thử nhiều hướng phát triển khác nhau”, Aja chia sẻ. Nếu đạo diễn lựa chọn phiên bản này thì khán giả đã không có cơ hội thở phào nhẹ nhõm cho số phận may mắn của hai nhân vật chính như hiện giờ.

Cả khu phố trên phim là một bể nước khổng lồ

Nội dung phim: Địa đạo cá sấu tử thần (tựa gốc: Crawl) lấy bối cảnh từ cuộc đổ bộ của cơn bão số 5 vào bờ biển Florida, Mỹ. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào  với chiều cao mỗi đợt sóng gần 30m và sức gió lên tới 250 km/h. Nữ vận động viên bơi lội Haley đã bất chấp mọi lời khuyên can để lao vào giữa cơn bão cứu người cha bất tỉnh trong căn nhà đang bị làn nước nhấn chìm. Kẻ thù mà Haley phải đối mặt không chỉ có trận bão kinh hoàng mà còn là một bầy cá sấu hung tợn và khát máu.

THIÊN AN – Báo Điện tử Dân trí

Nghệ thuật rút hầu bao khách du lịch của Trung Quốc

VHO- Với 1,42 tỉ dân, nhu cầu đi du lịch trong và ngoài nước của người Trung Quốc đứng đầu thế giới không có gì lạ. Chi tiêu du lịch ở nước ngoài của người Trung Quốc theo công bố của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng nhất thế giới, đạt 277,3 tỉ đô la Mỹ. Nhưng đáng nể là ngay ở trong nước, người Trung Quốc cũng làm du lịch rất chuyên nghiệp, thu tiền không biết bao nhiêu mà kể và quản lý điểm đến rất tốt.

Với 149,7 triệu lượt người đi du lịch ra nước ngoài năm 2018, người Trung Quốc chi tiêu 277,3 tỷ đô la Mỹ, cao gần gấp đôi chi tiêu 144,2 tỷ đô la Mỹ năm 2018 của khách Mỹ ở nước ngoài, dù số lượt khách du lịch năm 2017 của khách Mỹ đã đạt 153,7 triệu lượt.

Năm 2018, Việt Nam đón khoảng 5 triệu lượt khách Trung Quốc, bằng khoảng 1/30 số lượt khách Trung Quốc đi ra nước ngoài, kể như là chẳng thấm vào đâu. Trong khi đó, với hơn 97,5 triệu dân, năm 2018, cũng có khoảng 4 triệu người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc, chi tiêu của người Việt ở Trung Quốc chắc cũng không nhỏ.

Phù Dung trấn (Vương Thôn), thị trấn cổ nằm trên đỉnh thác nước tuyệt đẹp

Những năm trước, tour du lịch Trung Quốc cơ bản nhất vẫn là Bắc Kinh- Thượng Hải- Tô Châu- Hàng Châu; Quảng Châu- Thẩm Quyến; Đại Lý- Lệ Giang; Thành Đô- Cửu Trại Câu- Nga My Sơn… Mấy năm gần đây, Trung Quốc quảng bá liên tục điểm đến mới ở thị trường Việt Nam, người Việt lại lũ lượt rủ nhau đi tour Phượng Hoàng Cổ trấn- Trương Gia Giới (tỉnh Hồ Nam).

Rất nhiều công ty du lịch Việt Nam đưa khách đi tour Phượng Hoàng cổ trấn

Chuyến bay charter của Vietjet Air, máy bay A321 kín 230 chỗ, khởi hành từ Hà Nội, đáp xuống sân bay quốc tế Hà Hoa (còn gọi là Đại Dung) thành phố cấp 5 Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam lúc 21h30 giờ địa phương. Chỉ khoảng 30 phút, đã xong thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý. Với chuyến bay thẳng này, khách du lịch tiết kiệm được 6 tiếng đồng hồ so với việc bay tới thành phố Trường Sa (thủ phủ của tỉnh Hồ Nam) sau đó đi xe ô tô tới Trương Gia Giới. Còn với đường bộ, từ Hà Nội lên Lạng Sơn bằng ô tô mất 4 tiếng, từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) sang Nam Ninh (Trung Quốc) mất 4-6 tiếng tàu hỏa, đi tiếp ô tô thêm 4 tiếng nữa tới thành phố Trương Gia Giới, so với bay thẳng Trương Gia Giới thì khách tiết kiệm 11 tiếng đồng hồ.

Đường bay thẳng từ Hà Nội đi Trương Gia Giới mới được khai thác mấy tháng gần đây, bay vào thứ 2,4,6 hàng tuần đã làm lượng khách Việt Nam đi tour này tăng mạnh. Hầu như chuyến nào cũng kín chỗ. Các công ty Việt Nam phối hợp với đối tác Trung Quốc khai thác mạnh nhất tour này là: Vietravel, Saigontourist, Group tour…

Trong tour Phượng Hoàng Cổ trấn- Trương Gia Giới, khách được tham quan Phù Dung trấn hay còn gọi là Vương Thôn, thị trấn cổ nghìn năm nằm trên đỉnh thác nước, khám phá văn hóa đặc sắc của dân tộc Thổ Gia.

Trấn cổ Phượng Hoàng có lẽ là nơi đẹp nhất Trung Quốc, có tuổi đời 1.300 năm, giống như bảo tàng sống về văn hóa của các dân tộc. Ban ngày Phượng Hoàng cổ trấn trầm tư, cổ kính. Đêm xuống Phượng Hoàng lung linh, hoa lệ như một thiên đường ngập tràn ánh sáng.

Đến Trương Gia Giới, khách có thể tự túc mua vé xem show nghệ thuật Trương Gia Giới Thiên cổ tình của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, với giá 380 nhân dân tệ (khoảng 1,3 triệu đồng), vé cầu kính dài 430m ở Đại Hiệp Cốc giá 350 nhân dân tệ (1,2 triệu đồng) khách cũng tự mua. Khách phải đăng ký trước 1 ngày mới mua được vé xem show nghệ thuật và cầu kính.

Khu du lịch Thiên Môn Sơn nằm trong vườn quốc gia Núi Thiên Môn nổi tiếng với con đường 99 khúc cua tay áo, 12 thang cuốn xuyên lòng núi, 999 bậc thang thẳng đứng lên “cổng trời” Thiên Môn Quan và đường cáp treo dài nhất thế giới 7.400m. Vé trọn gói vào Thiên Môn Sơn khoảng 600 nhân dân tệ (2 triệu đồng) đã có trong tour.

Ở những điểm tham quan này, nơi nào cũng tràn ngập du khách. Nhiều nhất vẫn là khách Trung Quốc, sau đến Việt Nam, Hàn Quốc… Hàng vạn người xếp hàng vào các điểm tham quan nhưng không hề có chuyện chen lấn, xô đẩy, đều phải đi theo hàng zích zắc, chờ đợi 2-3 tiếng là chuyện bình thường. Và tuyệt nhiên không có rác vứt bừa bãi. Nếu du khách nào bị bắt gặp vứt rác không đúng nơi quy định bị phạt 200 nhân dân tệ (680 nghìn đồng), trước khi vào điểm tham quan, khách đã được hướng dẫn viên nhắc nhở về các quy định và phong tục tập quán địa phương.

Trương Gia Giới giống như vùng Lào Cai của Việt Nam, đa số là người dân tộc Thổ Gia, dân tộc Miêu nhưng họ làm du lịch rất chuyên nghiệp. Khi nhập cảnh qua sân bay Hà Hoa (Trương Gia Giới), khách quốc tế không được mang theo các loại thực phẩm (thịt cá, trứng, hoa quả tươi…) nhưng xuất cảnh từ sân bay này thì hoa quả tươi, thịt cá khô mang bao nhiêu cũng được. Chính sách này của Trung Quốc nhằm kích cầu tiêu thụ nông sản trong nước và ngăn chặn thực phẩm bẩn hoặc dịch bệnh từ nước ngoài vào, tăng thu ngoại tệ cho địa phương.

Khách du lịch được khuyến khích tiêu đến đồng cuối cùng trước khi xuất cảnh khỏi Trung Quốc

Những khu du lịch, điểm tham quan, cửa hàng mua sắm ở đây như cỗ máy in tiền. Người Trung Quốc quá giỏi để khuyến khích du khách tiêu đến đồng tiền cuối cùng. Thậm chí, nếu bạn hết tiền mặt, bạn có thể quẹt thẻ visa, nếu thẻ hết, họ sẵn sàng cho bạn mượn, về Việt Nam chuyển khoản trả sau. Ở các cửa hàng đá quý, trà, lụa… đều có người giới thiệu bằng tiếng Việt, cực kỳ lưu loát, cực kỳ dễ chịu. Khách có thể mua, có thể không mua nhưng người bán sẽ nói để khách mua thì thôi và quà tặng rất nhiều. Cũng không có chuyện mỗi nơi một giá mà thường các cửa hàng bắt tay nhau giữ giá cao.

Không cần học đâu xa, cứ mở mắt mà xem người Trung Quốc làm du lịch là rõ. Trong khi tiềm năng du lịch của Việt Nam không hề thua kém Trung Quốc; ẩm thực của Việt Nam cực kỳ phong phú nhưng cách làm thì rõ ràng chúng ta không bằng.

Nghệ thuật làm du lịch của người Trung Quốc đã đạt đến mức, khách không tiếc tiền, thậm chí chi tiêu ngoài tour của khách còn cao hơn giá tour nhưng họ vẫn rất vui vẻ, vì họ thấy xứng đáng.

THÚY HÀ; ảnh BÙI TƯỞNG – Báo Điện tử Văn hóa

Sàn diễn thời trang trẻ em Thái Lan “săn đón” mẫu nhí Việt

VHO- Sau thành công tại nhiều sàn diễn thời trang quốc tế như Malaysia Fashion Week 2018, London Fashion Week – House Of Ikons 2019, Saint – Petersburg Kids Fashion Day Nga, Vie Fashion Week 2019…, các người mẫu nhí Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia trình diễn tại Bangkok International Kids Fashion Week 2019.

Bangkok International Kids Fashion Week 2019 sẽ là điểm đến tiếp theo của thương hiệu thời trang trẻ em Đắc Ngọc Designer House  trên hành trình phủ sóng các sàn diễn quốc tế. Đến với tuần lễ thời trang hoành tráng hàng đầu Thái Lan, NTK Lê Trần Đắc Ngọc sẽ “trình làng” BST mới nhất có tên “Helios – Thần mặt trời”.

“Helios – Thần mặt trời” của Đắc Ngọc Designer House được khai thác từ chất liệu kim tuyến cao cấp, dáng váy tùng xòe rộng sang trọng. Đặc biệt, BST này sẽ có sự mới mẻ hoàn toàn so với những BST trước đó khi có sự kết hợp độc đáo giữa dạ hội cao cấp và vest cao cấp cùng nhau. Thêm vào đó sẽ là sự phá cách của dòng măng tô cao cấp, kết hợp cùng suit và boot đùi cá tính.

Bên cạnh những thiết kế độc đáo, Đắc Ngọc Designer House đã chuẩn bị sẵn sàng để công phá sàn diễn Bangkok International Kids Fashion Week 2019 với  20 mẫu nhí chuyên nghiệp. Góp mặt tại sàn diễn Thái Lan là những gương mặt quen thuộc như Cao Hữu Nhật, Trần Phạm Minh Anh, Đặng Minh Anh, Nguyện Nhật Hạ Vi, Lê Hồng Sơn, Trần Phương Anh, Lee Sumi… Với kinh nghiệm trình diễn trên nhiều sàn diễn trong nước và quốc tế, dàn mẫu nhí Việt Nam hứa hẹn sẽ mang đến những màn trình diễn đẳng cấp.

Bangkok International Kids Fashion Week là sự kiện thời hàng đầu tại đất nước chùa Vàng do tạp chí Alicio tổ chức. Năm 2019, Bangkok International Kids Fashion Week quay lại với sự đầu tư hoành tráng từ sân khấu, ánh sáng, âm thanh, cùng sự xuất hiện của hoàng loạt các nhà thiết kế với những bộ sưu tập độc đáo, tất cả nhằm tạo nên một sàn diễn thời trang bùng nổ.

Xuất hiện tại sàn diễn “siêu khủng” này, Đắc Ngọc Designer House và 20 mẫu nhí chắc chắn sẽ mang tới những bất ngờ, tiếp tục tạo được tiếng vang lớn cho thời trang trẻ em Việt Nam.

MINH MINH – Báo Điện tử Văn hóa

“Những quý bà nổi loạn” theo phong cách Mỹ

VHO- Những quý bà nổi loạn là bộ phim truyền hình Hàn Quốc được xây dựng với mô-tuýp rất mới theo kiểu phong cách phim “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” từng gây sóng gió suốt một thời gian dài. Bộ phim kể về ước mơ, cuộc sống gia đình và cách đối phó với những cuộc khủng hoảng của ba bà nội trợ ở cái tuổi ngoại tứ tuần. Phim dài 100 tập, phát sóng trên kênh VTV3 vào 11h20 các ngày thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, từ 20/8/2019. 

Cha Jin-ok, Oh Dal-sook và Nam Mi-ra là bạn thân với nhau từ thời trung học. Họ đều sở hữu một ngoại hình khá bắt mắt và cá tính khác biệt. Sự đặc biệt ấy đã sớm tạo nên danh tiếng cho họ khi cả ba còn là thành viên của ban nhạc “Lady Chadalle” từ hồi học trung học. Hơn 20 năm sau, những cô gái đầy nhiệt huyết và tươi trẻ ấy đã trở thành những “hot mom” vô cùng quyến rũ, đằm thắm và dịu dàng.

Nhìn bề ngoài, có vẻ như họ đều đang rất vui vẻ, hạnh phúc với tổ ấm của mình, nhưng thực tế, ẩn sâu bên trong nụ cười là những cuộc vật lộn, đấu trí không hề dễ dàng trước các cuộc khủng khoảng về hôn nhân và gia đình. Tuy vậy, với sự lạc quan, nhạy bén và luôn tràn đầy sức sống của mình, Những quý bà nổi loạn ấy đều đã khéo léo vượt qua các cuộc khủng hoảng, để một lần nữa giành lại hạnh phúc cho mình.

Bộ phim nghe thì có vẻ giống mô-tuýp của các bộ phim gia đình thông thường, nhưng thực tế không phải vậy, bởi ngoài yếu tố kịch tính vốn có của thể loại phim gia đình, Những quý bà nổi loạn còn là sự pha trộn của yếu tố hài hước dí dỏm, đáng yêu được tạo ra từ những sắc thái cá tính đa sắc màu của Những quý bà nổi loạn. Qua những tình huống và những khủng hoảng mà họ phải đối mặt, khán giả không chỉ cười đến bể bụng mà chắc chắn sẽ còn khóc đến sưng mắt. 1 Bộ phim của đạo diễn Koh Young-tak, biên kịch Choi Soon-sik, với sự tham gia của các diễn viên thực lực của Hàn Quốc: Ha Hee-raAhn Sun-youngGo Eun-miKim Eung-sooKim Ha-rimAhn Jae-jung, Jung Wook,…

Thiên An – Báo Điện tử Văn hóa

Ba lý do phải xem “Địa đạo cá sấu tử thần”

VHO-Kinh dị và giật gân luôn là công thức hoàn hảo cho một trải nghiệm giải trí cực độ cho khán giả, đặc biệt là những ai mê cảm giác mạnh. Địa đạo cá sấu tử thần là một bộ phim như vậy khi kéo người xem vào cuộc chiến sống còn thót tim của Haley Keller – vận động viên bơi đẳng cấp quốc tế với đàn cá sấu háu đói. Hãy cùng điểm qua ba lý do khiến bộ phim xứng đáng là tác phẩm không thể bỏ qua trong mùa phim hè năm nay.

1. Đề tài thảm họa kết hợp với quái vật săn mồi tăng gấp đôi kịch tính

Địa đạo cá sấu tử thần bắt đầu với cảnh tượng cơn siêu bão ập vào vùng Florida. Nhưng thảm họa thiên nhiên không phải kẻ thù duy nhất mà các nhân vật của bộ phim phải đối đầu. Ẩn náu trong làn nước là những con cá sấu hung tợn chỉ chực chờ xé xác mọi sinh vật sống.

Cảnh tượng kinh hoàng của cơn bão

Đặt một tác phẩm đề tài quái vật săn mồi trong bối cảnh thảm họa thiên nhiên là ý tưởng độc đáo mà đơn giản tới nỗi chính đạo diễn của Địa đạo cá sấu tử thần cũng không ngờ rằng chưa ai từng thực hiện nó trước đây. Bằng việc khéo léo kết hợp hai thể loại phổ biến trong dòng phim kinh dị, Địa đạo cá sấu tử thần sẽ chạm tới nỗi sợ hãi sâu thẳm trong bản năng con người.

Phim tấn công vào nỗi khiếp đảm bản năng của con người.

Cá sấu là loài động vật cổ xưa với hàm răng sắc nhọn, có khả năng nghiền nát con mồi, còn cơn cuồng phong bão táp cũng dễ dàng nuốt chửng con người. Cuộc chiến giành giật sự sống với hai thế lực khủng khiếp của thiên nhiên trở nên căng thẳng và kịch tính gấp bội.

2. Phân cảnh kinh dị  nghẹt thở

Trong suốt thời lượng phim, bộ đôi biên kịch Michael và Shawn Rasmussen khiến khán giả không kịp thở với liên tiếp những tình huống bị săn đuổi thót tim. Hai cha con Hailey liên tục đổ máu và bầm dập trong từng lượt chạm trán với lũ săn mồi khát máu. Mỗi lần Hailey tìm đường thoát thân khỏi tầng hầm địa ngục là một lần người xem thấp thỏm nhưng không thể rời mắt khỏi màn ảnh.

Đạo diễn Alexander Aja cực kỳ lão luyện trong việc sử dụng âm thanh như một món vũ khí lợi hại, chạm tới cung bậc nhạy cảm nhất trong các giác quan con người. Phần lớn các cảnh phim được ghi hình trong bóng tối nhưng Aja không cần dùng tới kỹ thuật hù dọa jump-scare để khiến khán giả thót tim. Những con cá sấu được tạo nên bằng công nghệ CGI khi thì bất ngờ lao thẳng vào màn hình lúc lại chầm chậm trườn tới trong làn nước duy trì không khí căng thẳng tột cùng từ đầu đến cuối phim.

Chỉ cần một chuyển động nhẹ trong dòng nước cũng đủ làm người xem khiếp hãi đến rụng rời.

3. Tình phụ tử là sợi dây tình cảm xuyên suốt bộ phim

Địa đạo cá sấu tử thần không chỉ là tác phẩm giải trí bằng các tình huống hù dọa đơn thuần. Giữa tình cảnh sinh tồn éo le, thông điệp đầy nhân văn về tình cảm gia đình cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Ngay khi vừa biết tin cha gặp nạn, Haley đã bất chấp hiểm nguy lao vào cơn siêu bão cứu cha. Tới khi tìm được người cha bị thương, hai người lại bị mắc kẹt trong căn hầm với bầy cá sấu. Tình huống nguy cấp ấy đã phát lộ ra những mâu thuẫn bị kìm nén nhiều năm trong mối quan hệ cha con. Cha Haley luôn dành quá nhiều tâm sức thúc ép cô luyện tập. Còn Haley thầm tự đổ lỗi cho mình là nguyên nhân dẫn đến cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ. Cuộc chiến đấu với bầy cá sấu cũng chính là cơ hội hàn gắn khoảng cách vô hình giữa hai cha con. Hiểm nguy càng dâng cao, hai cha con càng gắn kết và chính những lời động viên của cha đã đánh thức tiềm năng vượt qua chính mình của Haley.

Giữa cơn thảm họa, tình phụ tử gây xúc động là điểm sáng của bộ phim.

Địa đạo cá sấu tử thần được nhào nặn bởi bàn tay của cặp đôi huyền thoại trong làng phim kinh dị- nhà sản xuất Sam Raimi và đạo diễn Alexander Aja. Điểm số 83% tươi trên chuyên trang đánh giá Rotten Tomatoes cùng vô số lời ca ngợi của giới phê bình đã bảo chứng chất lượng cho siêu phẩm kinh dị giật gân này.

Thiên  An – Báo Điện tử Văn hóa

Đặc sắc chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc

VHO-Tối 18.8 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Sơn La đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV do Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã tới dự và phát biểu chào mừng. Dự Lễ khai mạc có  các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 7 tỉnh khu vực Tây Bắc và đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: Nam Nguyễn

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, là dịp để giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa.

Ban Tổ chức tặng lưu niệm cho các đơn vị tham gia ngày hội

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban chỉ đạo Ngày hội nhấn mạnh, Tây Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ và hùng vĩ, là địa bàn sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em. Người dân Tây Bắc hiền hậu, chất phác mà anh dũng, kiên cường và thủy chung, son sắt. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện qua trang phục, qua lễ hội, qua các làn điệu dân ca dân vũ, văn hóa ẩm thực… góp phần tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc. Ảnh: Quốc Hùng

Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội lần này, thông qua các điệu múa, tái hiện các lễ hội dân gian, sự hòa tấu từ những âm thanh huyền diệu của tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn tính và những lời Then say đắm lòng người, thông qua không gian trình diễn trang phục truyền thống, nghi thức trong lễ hội, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, tung còn, kéo co, đẩy gậy… được chính các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên – là chủ thể văn hóa thể hiện, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về một Tây Bắc chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, với cộng đồng các dân tộc có truyền thống hào hùng, yêu nước và mến khách.

Qua 13 lần tổ chức theo hình thức luân phiên định kỳ, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc đã thực sự trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để đồng bào các dân tộc Tây Bắc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, Ngày hội cũng là dịp giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần tạo sức hút để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Thủy mong muốn, những giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc Tây Bắc không chỉ được tái hiện trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội, mà những làn điệu dân ca dân vũ, các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian vô cùng đặc sắc này sẽ luôn được ngân vang ở khắp bản làng, trong các sinh hoạt cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tạo thành sức mạnh, gắn chặt tình đoàn kết của đồng bào Tây Bắc với đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong bài phát biểu chào mừng, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức đăng cai Ngày hội, tỉnh Sơn La có nhiều cơ hội để quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa đặc sắc tiêu biểu của nhân dân các dân tộc Sơn La với các tỉnh bạn với du khách trong và ngoài nước. Các vị khách tham gia Ngày hội và du khách sẽ có cơ hội tham quan các danh thắng thắng cảnh, di tích lịch sử của tỉnh Sơn La như Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Nhà máy Thủy điện Sơn La, trải nghiệm các cảm giác thú vị trên Cao nguyên Mộc Châu xinh đẹp, thưởng thức những món ăn dân tộc tinh tế, gặp gỡ những người dân giàu lòng mến khách chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng khó quên trong lòng khi đến với Sơn La.

Xuyên suốt Lễ Khai mạc là Chương trình nghệ thuật hoành tráng với chủ đề “Tây Bắc – Sơn La hội tụ và lan tỏa” được dàn dựng công phu, sáng tạo, được tập thể nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh biểu diễn hết sức sinh động, thể hiện sâu sắc nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng cao Tây Bắc, mang đến cho khán giả trong nước và quốc tế hình ảnh về một Tây Bắc – Sơn La với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, quyến rũ, một Tây Bắc – Sơn La  hùng vĩ, giàu tiềm năng đang bừng sáng vươn lên cùng cả nước, một Tây Bắc – Sơn La đang trên đà hội nhập và phát triển. Trước đó, trong chiều 18.8, tại Quảng trường Tây Bắc, Thứ trưởng Phạm Thị Thủy cùng Đoàn đại biểu của 7 tỉnh tham gia Ngày hội đã dâng hoa báo công tại Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Đánh giá về Ngày hội, PGS,TS Nguyễn Thị Song Hà, Học viện KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, thành viên Hội đồng thẩm định cho biết, việc chuẩn bị của các tỉnh rất chu đáo, đúng trọng tâm, mục đích của ngày hội, đã mang tới ngày hội những sản vật, trang phục, món ăn, tiết mục trình diễn đặc sắc nhất, mang đậm nét văn hóa đặc trưng, phong phú của dân tộc, địa phương mình. Thông qua Ngày hội, đồng bào các dân tộc có cơ hội được giao lưu, hiểu biết hơn về văn hóa dân tộc bạn, địa phương bạn, từ đó có niềm tự hào, động lực, ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy, giữ gìn nét văn hóa trong bối cảnh và xu hướng hội nhập hiện nay.

“Không chỉ nét văn hóa truyền thống được tái hiện, giới thiệu thông qua đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, trang phục truyền thống, nhạc cụ, các món ăn, nghi lễ…, mà còn có những sản phẩm, giá trị văn hóa được đồng bào tiếp cận và hội nhập ở góc độ phát triển KTXH ở địa phương như sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ…được đồng bào dân tộc giới thiệu ở Ngày hội, mang lại sự đa dạng và hấp dẫn”, bà Hà nói.

QUỐC HÙNG – Báo Điện tử Văn hóa

Dựng mới vở cải lương Lan và Điệp

VHO- Tại cuộc họp báo công bố về vở cải lương Lan và Điệp phiên bản 2019, nghệ sĩ Gia Bảo (đạo diễn chương trình) cho biết, sẽ có hơn 50 nghệ sĩ, trong đó có nhiều nghệ sĩ tài danh như NSND Lệ Thủy, NSƯT Thanh Kim Huệ, Chí Tâm, Vũ Luân, Trọng Phúc, Tú Sương, Thanh Điền, NS Hồng Nga… sẽ hội tụ trong vở diễn. 

Vở cải lương hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những cảm xúc mới dựa trên những ký ức xưa cũ về vở cải lương kinh điển Lan và Điệp. Chia sẻ về chương trình, đạo diễn Gia Bảo cho biết: Bản cải lương Lan và Điệp do cố soạn giả Loan Thảo phát hành năm 1974 rất quen thuộc với khán giả mộ điệu cải lương nhưng chưa từng được biểu diễn trên sân khấu, đó là nguyên nhân anh quyết định mang phiên bản thu thanh đầu tiên này giới thiệu đến khán giả. 

Đạo diễn – nghệ sĩ Gia Bảo chia sẻ về vở tuồng cải lương Lan và Điệp sắp được công diễn tại TP Đà Nẵng

Nhưng người hâm mộ vốn đã quá quen với các phiên bản Lan và Điệp “truyền thống”. Thách thức của việc tái dựng một vở diễn kinh điển đã ăn sâu vào lòng người hâm mộ là làm sao vừa giữ được cốt lõi của bộ môn nghệ thuật cải lương, vừa truyền tải tinh hoa của vở diễn, vừa có sự biến tấu nhưng không gây phản cảm, nhàm chán… Chia sẻ về điều này, đạo diễn chương trình cho biết: Trong vở cải lương  Lan và Điệpphiên bản 2019, bên cạnh sự tham gia của những nghệ sĩ cải lương gạo cội còn xuất hiện những “yếu tố trẻ” như Hamlet Trương, Mai Tiến Dũng, Hoài Lâm. Đây là những nhân tố bất ngờ ở vở diễn để giúp “chuyện tình của Lan và Điệp” có những màu sắc vừa quen thuộc, vừa hấp dẫn. Lan và Điệp  2019 sẽ mang đến một hình thức cải lương mới lạ, chân thật dưới sự bài trí về không gian, âm thanh ánh sáng… “Tôi mong muốn cải lương được tiếp truyền và gần gũi hơn với khán giả trẻ, do vậy vở cải lương sẽ kể về Lan và Điệp theo góc nhìn của hiện đại, để chứng minh rằng cải lương chưa bao giờ là xưa, là cũ, là lỗi thời”, đạo diễn Gia Bảo nói.

Chương trình được công diễn vào ngày 23.8.2019 tại Nhà hát Trưng Vương, TP Đà Nẵng.

NGỌC HÀ – Báo Điện tử Văn hóa

Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II năm 2019 sẽ diễn ra vào tháng 10

VHO- Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II năm 2019 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước” sẽ được Bộ VHTTDL và tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức từ ngày 18 đến 20.10.2019 tại Quảng trường 7.5, T.P. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ngày hội có sự tham gia của 5 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa và Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Luông Nậm Thà, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tham gia giao lưu Ngày hội.

Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ II năm 2019, là một sự kiện văn hóa quy mô lớn, được tổ chức tại vùng đất trung tâm văn hóa người Thái – Điện Biên, kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điên Biên Phủ (7.5.1954-7.5.2019), thể hiện sự tôn vinh văn hóa một tộc người giàu truyền thống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em. 

Đây cũng là dịp để các tỉnh tham gia có điều kiện để học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; đồng thời thiết thực nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc ý thức trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Thái; Trình diễn, giới thiệu nghi thức sinh hoạt văn hóa; Trại trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; Trình diễn nghệ thuật xòe Thái; Trình diễn dệt Thổ cẩm, thêu khăn Piêu dân tộc Thái; Trưng bày, Triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Thái; Hoạt động thể thao dân tộc Thái; Tổ chức đoàn Famtrip (các hãng lữ hành trong nước) khảo sát giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch…

Các nội dung hoạt động của Ngày hội do chính các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng, nhạc công… là người dân tộc Thái thực hiện được chọn lọc mang đậm đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, giao lưu văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại; góp phần tạo dựng một sân chơi văn hóa, thể thao và du lịch thật sự bổ ích của cộng đồng dân tộc Thái.

Được biết, Ban tổ chức và các tỉnh tham gia Ngày hội đang tích cực chuẩn bị chu đáo, luyện tập dàn dựng công phu, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, có nhiều cái mới, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh tham gia.

Dự kiến, Ngày hội sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Điện Biên.

Q.VY – Báo Điện tử Văn hóa

Màn nhảy sạp xác lập kỷ lục Việt Nam tại Sun World Fansipan Legend

VHO- Ngày 10.8, trong khuôn khổ buổi khai mạc Lễ hội ẩm thực Tây Bắc 2019 tại Sun World Fansipan Legend, màn nhảy sạp có số lượng người tham gia lớn nhất từ trước tới nay đã được thực hiện, với 600 người đập sạp và hơn 10.000 người tham gia nhảy sạp, xác lập kỷ lục “Số lượng người tham gia nhảy sạp trong 1 ngày đông nhất Việt Nam”.

60 bộ sạp, mỗi bộ 10 gậy được các nghệ sĩ và người dân từ nhiều bản làng xung quanh nhịp đều tay đập đã tạo thành hình tượng chữ S mềm mại của dải đất Việt Nam trải dài suốt từ Bảo An Thiền tự tới Tháp đồng hồ của khu du lịch Sun World Fansipan Legend, tạo nên một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt và độc đáo. Trong khi đó, hơn 10.000 người dân và du khách đã tham gia nhảy sạp, không chỉ làm nên một khung cảnh tươi vui, rộn ràng trên đỉnh Fansipan, mà còn là trải nghiệm có một không hai tại “thành phố trên mây”.

Chia sẻ tại buổi trao tặng kỷ lục cho “Số lượng người tham gia nhảy sạp trong 1 ngày đông nhất Việt Nam”, ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Chủ tịch Hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam cho biết: “Ở đâu được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao xác lập kỷ lục, là đã hội tụ cả 3 chữ T quan trọng nhất của thời đại: Thông tin, Trí tuệ và Thương hiệu. Điều đó giúp quảng bá văn hóa, du lịch của chúng ta đến du khách trong nước và thế giới, không chỉ tạo nên điểm đến thu hút cho doanh nghiệp mà còn cho đất nước. Những hoạt động như vậy nên được nhân lên, rất quý cho việc quảng bá tuyên truyền văn hóa của Việt Nam trên mọi miền của tổ quốc, đặc biệt là vùng Tây Bắc”.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Giám đốc Khu du lịch Sun World Fansipan Legend cũng chia sẻ: “Văn hóa Tây Bắc luôn thôi thúc chúng tôi, những người làm du lịch và gắn bó với đồng bào vùng cao phải làm gì đó để những nét đặc sắc của vùng đất này được lưu giữ, được lan tỏa sâu rộng hơn nữa, và trở thành lý do đặc biệt để ngày càng nhiều du khách đến với Sa Pa nói riêng và Tây Bắc nói chung. Đó là lý do chúng tôi duy trì thường niên Lễ hội ẩm thực Tây Bắc. 

Mỗi năm, Lễ hội lại được làm mới, với nhiều hoạt động, trải nghiệm đặc biệt. Kỷ lục cho “Chương trình nhảy sạp có số lượng người tham gia đông nhất Việt Nam” là một trong nhiều điều đặc biệt mà Lễ hội năm nay mang tới cho du khách, người dân, với mong muốn không chỉ tăng sức hấp dẫn cho lễ hội mà còn góp phần đưa văn hóa vùng cao Tây Bắc đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước”.  

Đây là lần đầu tiên Sa Pa, Lào Cai ghi danh vào kỷ lục Guinness Việt Nam với một sự kiện mang đậm đặc văn hóa vùng cao như vậy. Màn nhảy sạp lớn nhất Việt Nam không chỉ làm nên một hoạt động giải trí, du lịch hấp dẫn, mà còn góp phần tôn vinh nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Bắc, lan tỏa tinh thần và nét đẹp bản địa, quảng bá hình ảnh Sa Pa, Lào Cai ngày một hấp dẫn trong mắt du khách trong nước, quốc tế.

Nguồn: Internet