(Tổ Quốc) – Nhiều giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng đã được các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, nghệ sĩ… đưa ra trong Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng cổ Quảng Nam” vừa được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam.
Theo thống kê của ngành văn hóa, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 19 đơn vị tuồng đang hoạt động khá thường xuyên gồm: Đoàn tuồng bán chuyên nghiệp Sông Thu, huyện Duy Xuyên và 18 câu lạc bộ (CLB) tuồng không chuyên, trong đó có 7 CLB ở huyện Duy Xuyên, 6 CLB ở huyện Quế Sơn, 5 CLB ở huyện Nông Sơn, 1 CLB ở TP Hội An.
Tuồng xứ Quảng vừa thừa hưởng của nghệ thuật tuồng cung đình Huế, vừa có sự giao thoa với tuồng Bình Định. Cái khác biệt lớn nhất giữa tuồng Bình Định và Quảng Nam là hát khách: tuồng Bình Định hát nhịp ngoại, tuồng Quảng Nam hát nhịp nội. Ngoài ra, tuồng cổ Quảng Nam còn sở hữu dòng tuồng thiên về hát và biểu diễn nội tâm; có một phong cách khá riêng, rất đặc trưng. Đặc biệt, Quảng Nam sở hữu dòng tuồng văn, tức là thiên về hát và biểu diễn nội tâm.
Trong chiều dài lịch sử phát triển, tuồng Quảng Nam hội tụ rất nhiều nhân tài. Nhiều vai diễn độc đáo của các nghệ sĩ bậc thầy đất Quảng trở thành hình mẫu cho bao nghệ sĩ cả nước học tập, làm theo. Các kịch bản tuồng của Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ trở thành những kịch bản kinh điển, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tuồng thầy, tuồng đồ, tuồng cách mạng, được ngành tuồng cả nước coi là mẫu mực để dàn dựng, biểu diễn và vẫn sống bền bỉ trên sân khấu hôm nay. Trường hát Vĩnh Điện mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của Nguyễn Hiển Dĩnh tiếng tăm khắp tỉnh và ảnh hưởng không nhỏ đến những nơi khác…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng cổ một cách có hiệu quả hơn; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền nhằm khuyến khích, tạo “đất sống” cho tuồng…
Tuồng là môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, cũng giống như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, tuồng xứ Quảng đang đứng trước nguy cơ mai một. Ở đó việc bảo tồn để duy trì và phát triển nghệ thuật tuồng đang là “bài toán” không dễ gì tìm được câu trả lời thấu đáo.
Để tuồng của đất Quảng tồn tại và phát triển, thiết nghĩ ngoài nguồn lực sẵn có ở địa phương, cơ sở, cần có sự quan tâm hơn nữa từ các cấp ngành, nhất là cần có chính sách hỗ trợ về vật chất, đầu tư quản lý của ngành chức năng, ví như đầu tư vào các cuộc hội thảo, in ấn xuất bản sách về tuồng, tổ chức đưa sân khấu tuồng vào học đường… Việc chú trọng đầu tư vào các hoạt động này sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng.
(Tổ Quốc) – Sau 3 tháng phát động, cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng 2018” đã khép lại với việc tìm ra những kịch bản, những gương mặt xuất sắc nhận được sự quan tâm của các nhà sản xuất.
Cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” do CGV và Center for Media Literacy and Education (CML – Hàn Quốc) phối hợp thực hiện nhằm mang đến cơ hội phát triển cho những bạn trẻ yêu thích biên kịch nói riêng và điện ảnh nói chung.
Cụ thể, vượt qua những vòng tuyển chọn gắt gao, giải Vàng của cuộc thi đã thuộc về thí sinh Phạm Duy Thuận (Jun Phạm 365) với kịch bản “Gia vị nhân gian”; giải Bạc thuộc về Vũ Nguyễn Nam Khuê – kịch bản “Học viện chồng ngoan”; Giải Đồng thuộc về Dương Quỳnh Anh – kịch bản “15 phút hào quang”; Giải Triển vọng thuộc về Đặng Thị Quỳnh Trang – kịch bản “Tôi đến từ biển khơi” và Phùng Thục Uyển – kịch bản “Cô hồn”; Giải Khuyến khích thuộc về Huỳnh Bá Long – kịch bản “Thầy giáo cá biệt”, Cao Phan Nhật Trường – kịch bản “Kết nối”, Nguyễn Đăng Vĩnh Trung – kịch bản “Xác chết vô hình”, Tòng Thị Hòa – kịch bản “Ở giữa hai thế giới”, Trương Xuân Huyền – kịch bản “Đổi hồn hoán vị”.
Ngoài ra, 5 kịch bản xuất sắc nhất cuộc thi đã nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà sản xuất và đang trong quá trình thảo luận để đi tới quá trình làm phim của các thí sinh. Cụ thể, kịch bản của các thí sinh Phạm Duy Thuận, Vũ Nguyễn Nam Khuê, Phùng Thục Uyển, Dương Quỳnh Anh, Huỳnh Bá Long, đã được các nhà sản xuất Thiên Phúc Production, A Type Machine, Yeah1 CMG, Live On quan tâm và ký biên bản thỏa thuận hợp tác.
Được biết, ban tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thí sinh và các nhà sản xuất nhằm chọn ra thêm nhiều tác phẩm đưa vào sản xuất thành phim./.
(VHO)- Nhóm họa sĩ Nghệ thuật Tân Hà Nội vừa hoàn thành bức tranh tường với chủ đề “Hà Nội bốn mùa hoa” theo lời mời của UBND phường Trúc Bạch. Bức tranh hiệu hữu trên bức tường đê dài hơn 40m, cao 2,2m nằm trên đường Phó Đức Chính (Hà Nội), đối diện với trường THCS Mạc Đĩnh Chi vừa được xây mới.
Nhóm họa sĩ gồm 6 thành viên: Thu Thủy, Trần Định, Nguyễn Phú, Đinh Huy, Nguyễn Sỹ, Vũ Tứ.
Với bút pháp tả thực mang tính trang trí, nhóm họa sĩ đã vẽ các loài hoa đặc trưng của Hà Nội như sen hồng, kèn trắng, lay ơn hồng cam, violet tím biếc, thược dược đỏ , trắng, vàng, cúc đại đóa vàng, cùng một số loài hoa khác được đưa về Hà Nội từ Đà Lạt như hoa zoom, thiên điểu, hoa atiso, hoa đá… Phong cách đặc trưng của nhóm họa sĩ Nghệ thuật Tân Hà Nội là lối vẽ tả sâu, khiến các cành lá và mỗi bông hoa trở nên sống động, lôi cuốn.
Bức tranh chạy dài tạo cảm giác như một khu vườn rực rỡ với những sắc độ xanh đậm nhạt của lá cây, những sắc vàng hay tím biếc của một số loài lá như thài lài tía, khoai môn, thủy trúc, vạn tuế, chuối pháo… Khai thác tối đa vẻ đẹp đa dạng về hình và màu của các loài hoa cũng như lá cây, nhóm họa sĩ tạo nên một bức tranh lớn với tiết tấu mềm mại, nhịp nhàng của một khu vườn thiên nhiên tươi đẹp đến với không gian đường phố và trường học.
Bốn mùa hoa Hà Nội vào tranh
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội) chia sẻ: “Thật hạnh phúc khi vào giờ tan trường, học sinh trường Mạc Đĩnh Chi ùa tới ngắm nhìn bức tranh tường đầy thích thú. Vai trò của nghệ thuật công cộng là vậy, mang đến niềm vui, sự hứng khởi cho công chúng và đặc biệt đối với trẻ em, mang giá trị giáo dục thẩm mỹ một cách gián tiếp. Rất cần những công trình kiến trúc đẹp và những bức tranh tường có giá trị thẩm mỹ cao để công chúng và các em học sinh thấy yêu hơn thành phố của mình”.
Trước đó, tháng 3.2017, nhóm họa sĩ Nghệ thuật Tân Hà Nội đã hoàn thành bức tranh tường Vườn nhiệt đới Việt Nam tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng, bức tranh đã đoạt Huy chương Đồng tại cuộc thi thiết kế quốc tế lần thứ 10 tại Los Angeles (Hoa Kỳ).
Tháng 1. 2018, nhóm họa sĩ cũng đã vẽ 3D diễn tả thế giới đầy màu sắc dưới lòng đại dương trong công trình gắn gốm nghệ thuật Nhà Gương tại công viên Thống Nhất. Công trình đã đoạt cúp Bạc tại cuộc thi thiết kế quốc tế tại Italia vào tháng 4. 2018.
VHO- Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN lần thứ 8 và các hội nghị liên quan với các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có chủ đề Củng cố Văn hóa phòng ngừa– làm giàu bản sắc ASEAN đã diễn ra tại thành phố Yogyakarta, Indonesia từ ngày 22- 26.10.2018. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ dẫn đầu tham dự sự kiện này.
Văn hóa gắn kết cộng đồng và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác văn hoá ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối thoại.
Trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng, Indonesia đã tổ chức Hội nghị Quan chức cấp cao phụ trách văn hóa nghệ thuật ASEAN và các hội nghị liên quan với các nước đối thoại nhằm điểm lại tình hình hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối thoại; trao đổi chủ đề, nội dung và chuẩn bị các văn kiện trình lên Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN lần thứ 8 và các hội nghị liên quan với các nước đối thoại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị lần này do ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế dẫn đầu đã có những chia sẻ, đóng góp tích cực tại Hội nghị.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và các Trưởng đoàn tại Hội nghị
Hội nghị Bộ trưởng đã rà soát tiến trình hợp tác văn hóa trong khuôn khổ hợp tác của ASEAN; thảo luận về vai trò của văn hóa và nghệ thuật hỗ trợ nỗ lực chung để xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải lồng ghép và tích hợp văn hóa vào chính sách phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như tăng cường các công cụ triển khai bằng cách kết hợp vai trò của văn hóa với các chỉ số và cơ chế báo cáo của Mục tiêu phát triển bền vững ở mọi cấp độ.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển trong quá trình thực hiện các dự án về văn hóa, nghệ thuật trong của kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng văn hóa- xã hội ASEAN. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận thành công của các dự án thành phố văn hóa ASEAN, liên hoan biểu diễn nghệ thuật ASEAN, chương trình tình nguyện viên trẻ ASEAN, mạng lưới thành phố cổ ASEAN, các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN… Đây là những dự án nhằm tăng cường nhận thức về ASEAN, phát triển bản sắc và giới thiệu ASEAN trong phạm vi khu vực và thế giới. Các Bộ trưởng phụ trách văn hoá các nước đánh giá cao các hoạt động văn hoá đã được tổ chức với quy mô rộng lớn trong năm 2017 nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.
Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng đồng ý tăng cường hợp tác về văn hóa và nghệ thuật nhằm đảm bảo sự liên hệ của quá trình hợp tác này đến những nỗ lực chung để khuyến khích sự phát triển bền vững nhằm phát triển Cộng đồng ASEAN. Hội nghị đã thảo luận, đưa ra những định hướng cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về văn hóa nghệ thuật, nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động và hài hòa, trong đó luôn coi văn hóa là một trong những yếu tố cơ bản phát huy bản sắc ASEAN cũng như có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững của khu vực, gắn kết cộng đồng và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Việt Nam sẽ tổ chức Năm Văn hóa ASEAN tại Việt Nam vào năm 2020
Tại phiên họp toàn thể, các Bộ trưởng ghi nhận những sáng kiến mới do ASEAN đề xuất nhằm khuyến khích hợp tác văn hóa, nghệ thuật hướng tới đông đảo người dân đặc biệt là các nhà hoạt động văn hóa, hoạt động kinh doanh văn hóa. Bằng việc ra Tuyên bố chung, Hội nghị nhất trí thông qua sáng kiến của nước chủ nhà Indonesia về việc lồng ghép “Văn hóa phòng ngừa” hướng tới một xã hội hòa bình, hòa nhập, tự cường, khỏe mạnh và hài hòa trên tinh thần làm giàu bản sắc ASEAN về mọi mặt vào lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật ASEAN. Tại phiên họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã có bải phát biểu tham luận, đóng góp những ý tưởng của Việt Nam trong tiến trình phát triển quan hệ giao lưu văn hóa ASEAN thời gian tới, đồng thời đưa ra những sáng kiến, đề xuất về việc phát huy bản sắc văn hóa ASEAN trong việc phát triển bền vững của khu vực, gắn kết cộng đồng và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Theo kế hoạch đã được trao đổi, từ năm 2019 các quốc gia thành viên ASEAN đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN sẽ chủ trì tổ chức Năm Văn hoá ASEAN. Trên cơ sở thực hiện kế hoạch này, Thái Lan- nước Chủ tịch ASEAN 2019 sẽ tổ chức sự kiện này và dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức Năm Văn hóa ASEAN vào năm 2020 khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), các Bộ trưởng thảo luận kế hoạch hợp tác giai đoạn 2019- 2021, trong đó đặc biệt khuyến khích và tạo điều kiện tăng cường hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các thành phố văn hóa của ASEAN với các thành phố văn hóa của khu vực Đông Á.
Hội nghị ghi nhận những đóng góp của Trung Quốc trong việc tổ chức thành công hàng loạt các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật cũng như tăng cường mạng lưới kết nối giữa các nghệ sỹ trẻ và thúc đẩy sự sáng tạo. Diễn đàn Văn hoá ASEAN- Trung Quốc được tổ chức thường niên tại Trung Quốc là một trong những hoạt động hiệu quả trong hợp tác văn hóa ASEAN- Trung Quốc. Nhằm mục tiêu phát triển hơn nữa quan hệ văn hóa ASEAN- Trung Quốc, Kế hoạch hợp tác văn hóa giai đoạn 2019-2021 đã được các Bộ trưởng nhất trí thông qua.
Hàn Quốc nhất trí tiếp tục hợp tác với ASEAN trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, nâng cao năng lực và tiến hành các chương trình đào tạo, tăng cường giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo các sản phẩm về văn hóa, nghệ thuật. Các chương trình giao lưu văn hoá ASEAN- Hàn Quốc được tổ chức thường niên đã tạo ra sự hiểu biết lần nhau, đặc biệt giới thiệu đến người dân các nước hiểu về các giá trị văn hoá ASEAN cũng như của Hàn Quốc. Các Bộ trưởng thông qua kế hoạch hợp tác văn hóa nghệ thuật ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2019- 2021 và khẳng định tích cực xem xét đề nghị của Hàn Quốc về việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEAN- Hàn Quốc vào năm 2019 tại Hàn Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN- Hàn Quốc tại Hàn Quốc năm 2019 nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN- Hàn Quốc.
Nhật Bản đã chia sẻ những thông tin về kết quả đạt được thông qua sự giao lưu văn hóa giữa hai bên, đồng thời trình bày về chính sách giao lưu văn hóa mới tại châu Á của mình, thông qua dự án Hướng tới một châu Á tương tác trong chỉnh thể hòa hợp. Nhật Bản khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN về lĩnh vực bảo tồn di sản văn hoá.
Trong giai đoạn 2019- 2021, Việt Nam đảm nhận vai trò điều phối hợp tác ASEAN- Nhật Bản, trong đó có lĩnh vực văn hoá. Kế hoạch hợp tác văn hoá ASEAN- Nhật Bản 2019-2021 đã chỉ ra các hướng hợp tác giai đoạn này gồm các chương trình trao đổi giao lưu văn hoá; phát triển ngành công nghiệp văn hoá; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá và phát triển nguồn nhân lực văn hoá thông qua các chương trình đào tạo do Nhật Bản tài trợ.
Với vai trò điều phối hợp tác ASEAN- Nhật Bản giai đoạn 2019- 2021, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổng thể chung, trong đó có hợp tác văn hoá để Việt Nam cũng như các nước ASEAN có thể tận dụng được các thế mạnh của Nhật Bản vào việc phát triển ASEAN trên các lĩnh vực.
Trong khuôn khổ hội nghị, thành phố Yogyakarta đã được trao danh hiệu Thành phố văn hoá ASEAN giai đoạn 2018- 2020. Từ năm 2008, ASEAN khởi động sáng kiến thành phố văn hóa ASEAN nhằm tôn vinh văn hóa và nghệ thuật phương Đông. Thành phố Huế của Việt Nam được chọn làm Thành phố văn hóa của ASEAN giai đoạn 2014- 2016. Với việc công nhận Thành phố văn hóa ASEAN, không chỉ tăng cường sự liên kết và bản sắc ASEAN mà còn tạo cơ sở thắt chặt tình hữu nghị lâu bền giữa nhân dân ASEAN và nhân dân các nước đối thoại.
Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hoá và Nghệ thuật ASEAN và các hội nghị liên quan với các nước đối thoại được tổ chức luân phiên 2 năm /1 lần tại các quốc gia thành viên ASEAN.
Hội nghị AMCA lần thứ 9 và các hội nghị liên quan với các nước đối thoại sẽ được tổ chức tại thành phố Siem Reap, Campuchia vào Quý IV năm 2020.
VOH- Trở về từ Hội sách quốc tế Frankfurt với giải thưởng LiBeraturpreis 2018, và phát hành tập truyện ngắn Cố định một đám mây, do Phanbook và NXB Đà Nẵng ấn hành, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã ký tặng sách cho đọc giả hâm mộ chị.
Sáng 24-10, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1 đã diễn ra buổi ra mắt tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – Cố định một đám mây. Ngay trong buổi ra mắt sách nhà văn Nguyễn Ngọc Tư còn ký tặng sách cho đọc giả nhân sự kiện chị vinh dự nhận giải thưởng LiBeraturpreis 2018 cho tác phẩm Cánh đồng bất tận tại Hội sách quốc tế Frankfurkt vừa diễn ra tại Đức.
Tập truyện ngắn Cố định một đám mây, là tập truyện ngắn với 10 truyện mới. Qua tác phẩm của mình, nhà văn đã đưa đọc giả bước vào một không gian mới trong chuyến viễn hành văn chương âm thầm nhưng đầy dấu ấn cá nhân. Ở đó, đọc giả sẽ nhận ra Nguyễn Ngọc Tư không còn ở lại trong vùng quan sát thực tế quen thuộc đã làm nên sự ổn định của một phong cách văn chương và đồng thời “đóng đinh” một cái tên trong lòng người đọc, mà đặt mình vào một cuộc ra đi thú vị và không kém thử thách. Qua tập truyện ngắn, người đọc sẽ bắt gặp những nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư có thể là một người đàn bà chơi vơi trên bãi biển, đợi tin của người chồng đột ngột “lặn” mất. Hay cư dân ngày một bìa Nước Mặn nào đó đang níu kéo trong vô vọng chốn sinh tồn, có thể là những người đang lần tìm sợi dây tình cảm mất dấu. Cũng có thể là chuyện một gánh hát không ngủ với những cuộc đời bé mọn tựa vào nhau, rồi nhận ra sự tan rã, tan biến trong thế giới được ràng buộc bởi những ân tình mong manh…Với văn phong sắc sảo, đủ dửng dưng và lạnh lùng để tạo ra sự thử thách và quyến rũ, gây choáng ngợp cho người đọc. Dự báo đây có thể là cuốn sách văn học Việt Nam được đọc giả đón đợi nhiều nhất trong mùa độc cuối năm 2018. Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn đương đại Việt Nam có tác phẩm được đọc giả đón độc nhiều nhất.. .Các tác phẩm tiêu biểu đã xuất bản; Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Sông, Đảo, Không ai qua sông… Một trong số đó đã được dịch, phát hành ở nước ngoài
Đông đảo bạn đọc xếp hàng chờ được kí tặng sách
Được biết, Nguyễn Ngọc Tư là nữ nhà văn Việt Nam đầu tiên nhân giải thưởng Literaturpreis 2018. Giải thưởng này do Litprom – Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin (Đức) tổ chức. Đây là giải thưởng văn học Đức duy nhất được trao tặng độc quyền cho các nhà văn nữ đến từ miền Nam toàn cầu. Giải thưởng thực hiện dựa trên sự xem xét những bản dịch tác phẩm hiện tại của các nữ nhà văn chú ý trong khu vực. Tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được Gunter Giesenfeld và Marianne dịch sang tiếng Đức.
(VHO)- Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục điện ảnh, Giám đốc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V (HANIFF 2018) Ngô Phương Lan tại buổi họp báo chiều 26.10 tại Hà Nội, ngay trước thềm LHP.
Buổi họp báo do Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và sự có mặt của nhều quan khách, các nhà làm phim, các nghệ sĩ điện ảnh trong nước và quốc tế.
LHP Quốc tế Hà Nội 2018 diễn ra từ ngày 27-31.10, với chủ đề “Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững”. Bà Ngô Phương Lan cho biết, Liên hoan năm nay hướng tới việc vinh danh những tác phẩm điện ảnh mang tính sáng tạo, có giá trị nghệ thuật cao và tôn vinh những tài năng điện ảnh mới triển vọng. HANIFF 2018 có sự tham dự của hơn 500 tác phẩm điện ảnh trên toàn thế giới, trong đó điện ảnh Việt Nam sẽ góp mặt với 35 bộ phim.
“LHP quốc tế Hà Nội lần V nhằm vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo. Đây là dịp để các nhà làm phim tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển điện ảnh; đồng thời giới thiệu những tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới…”, Giám đốc LHP HANIFF 2018 cho biết thêm.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ chủ trì họp báo
Trong khuôn khổ liên hoan có 2 chương trình phim: Chương trình phim dự thi và Chương trình phim không dự thi. Các phim thuộc Chương trình phim dự thi được tuyển chọn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
So với các kỳ LHP quốc tế Hà Nội trước đây, LHP năm nay có nhiều nét mới, đánh dấu sự phát triển về chất lượng cũng như danh tiếng. Theo đó, đây là kỳ Liên hoan tập trung nhiều nhất các tác phẩm điện ảnh lớn, đỉnh cao về nghệ thuật. Điều kiện tuyển chọn phim vào hạng mục dự thi khắt khe hơn. Để đảm bảo tính mới mẻ, hấp dẫn, các tác phẩm phim được tuyển chọn dự thi phải là phim chưa từng dự thi các LHP quốc tế tại châu Á.
“Như vậy, phim sẽ mới hơn và chưa được “khám phá” tại các cuộc thi ở Châu Á…”, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phát biểu tại họp báo
Nét mới của LHP còn là chương trình phim Việt Nam đương đại. Ngoài chương trình phim truyện giới thiệu những bộ phim mới ra rạp, sẽ có chương trình chiếu phim tài liệu, khoa học gồm hai chùm phim dài và phim ngắn; chương trình chiếu hai chùm phim hoạt hình.
Chương trình tiêu điểm điện ảnh quốc gia giới thiệu nền Điện ảnh Ba Lan và Chương trình phim Iran giới thiệu chùm phim của một số đạo diễn danh tiếng, từng giành các giải thưởng lớn như Cành cọ vàng, Oscar…, cùng các bộ phim mới được tuyển chọn của nền điện ảnh này.
LHP cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc khác như: Trại sáng tác HANIFF và Chợ Dự án làm phim; Hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan”, Hội thảo “Kinh nghiệm thành công quốc tế của Điện ảnh Iran”; Triển lãm “Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam”; Chương trình chiếu phim ngoài trời, giao lưu, biểu diễn thời trang”, Chương trình tham quan một số địa danh nổi tiếng…
Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Phó trưởng BCĐ LHP khẳng định: “LHP Quốc tế Hà Nội là một thương hiệu uy tín, có quy mô lớn nhất ở Việt Nam. Đây không chỉ là sự kiện văn hóa nhằm giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới mà còn mở ra cơ hội hợp tác, phát triển giữa các nhà làm phim nước ngoài với các nghệ sĩ và những nhà làm phim Việt Nam, góp phần phát triển nền điện ảnh bền vững. Đây còn là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế”.
Thứ trưởng tin tưởng rằng, với kinh nghiệm tổ chức từ bốn kỳ trước, LHP lần này sẽ đáp ứng được sự quan tâm, kỳ vọng của đông đảo công chúng và bạn bè quốc tế. LHP sẽ xứng đáng là sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2018, tạo động lực và sức sống mới để điện ảnh Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Cục trưởng Cục điện ảnh, Giám đốc HANIFF 2018 Ngô Phương Lan cũng chia sẻ, sau 4 lần tổ chức, BTC LHP Haniff luôn kỳ vọng sẽ đưa được nhiều bộ phim được giải thưởng lớn ở các LHP uy tín trên thế giới về trình chiếu tại Việt Nam. LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V đã làm được điều này. Đây là dịp trình chiếu những bộ phim đỉnh cao của các nền điện ảnh trên thế giới. “Hơn 200 suất chiếu các bộ phim sẽ diễn ra liên tục tại 4 cụm rạp nổi tiếng của Thủ đô, hi vọng sẽ thu hút đông đảo công chúng. Những kỳ vọng đó cho phép chúng ta cùng hướng đến mục tiêu đưa LHP Quốc tế Hà Nội thực sự trở thành ngày hội của những người làm điện ảnh và những người yêu điện ảnh”, bà Lan chia sẻ.
Giám đốc HANIFF 2018 bật mí, sẽ có nhiều “ngôi sao” quốc tế nổi tiếng góp mặt trong sự kiện điện ảnh này.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cũng góp phần mang đến nhiều hứa hẹn cho kỳ LHP khi tiết lộ, hai chương trình khai mạc, bế mạc và thảm đỏ sẽ ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, với mục đích tôn vinh những tác phẩm điện ảnh và các nhà làm phim tài năng của những nền điện ảnh lớn trên thế giới có mặt tại đây.
Lễ khai mạc, bế mạc của LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV vào 20 giờ ngày 27.10 và 31.10.
Dân trí – Cuối cùng thì cuộc phỏng vấn được chờ đợi thời gian qua của cựu danh thủ David Beckham cũng đã lên sóng truyền hình Úc. Đây được hứa hẹn là cuộc phỏng vấn thẳng thắn và không “kiêng dè” của David khi nói về cuộc hôn nhân 19 năm với vợ – Victoria.
Trong cuộc phỏng vấn thực hiện cho chương trình truyền hình “The Sunday Project” (Úc), David (43 tuổi) đã có những tâm sự rất chân thành và thẳng thắn về cuộc hôn nhân 19 năm với vợ – Victoria (44 tuổi), vốn là cựu thành viên của nhóm nhạc nữ Spice Girls và nay “chuyển ngạch” trở thành nhà thiết kế thời trang.
Cuộc hôn nhân bền vững của David và Victoria với “trái ngọt” là ba người con trai và một người con gái được xem là một sự kết đôi mang tính “biểu tượng” trong nền công nghiệp giải trí thế giới. Vì vậy, David đã được hỏi về bí quyết đằng sau cuộc hôn nhân thành công này.
David thừa nhận rằng hôn nhân là “một công việc vất vả” và vợ chồng anh không phải lúc nào cũng “thuận vợ thuận chồng”, cũng có lúc, họ gặp phải “những tình huống khó khăn”.
“Tôi nghĩ hôn nhân luôn là một công việc vất vả. Các bạn đều biết việc nuôi con thế nào, các con cần bạn dành thời gian và chắc chắn điều đó là đúng đắn và xứng đáng, chúng ta cũng phải làm việc thật chăm chỉ, đó là cách tốt nhất để có thể nuôi lớn bọn trẻ.
“Đó còn là cách để chứng minh và làm gương cho bọn trẻ thấy rằng thực sự phải làm việc rất chăm chỉ mới có thể thành công được”, David chia sẻ trong chương trình.
Cặp đôi nhà Beck bắt đầu hẹn hò hồi đầu năm 1997, hiện tại, họ đã có bốn người con ở độ tuổi từ 7-19.
“Gắn bó với nhau bằng hôn nhân suốt một thời gian dài chắc chắn đòi hỏi nhiều nỗ lực lớn và mọi người đều hiểu điều đó. Bạn phải làm sao để cuộc hôn nhân được tiếp diễn suôn sẻ, bạn sẽ có những tình huống khó khăn, như việc phải xa nhà, xa các thành viên, nhưng vẫn phải bảo đảm đó là một gia đình thực sự”, David tâm sự.
Ngoài việc nói về hôn nhân, David cũng nói về việc làm cha: “Tôi biết tôi nghiêm khắc với các con trai hơn là với con gái Harper. Các cậu con trai luôn cằn nhằn với tôi về điều đó. Vợ tôi Victoria cũng luôn phàn nàn về điều đó với tôi”.
Khi được hỏi về “điều hối tiếc lớn nhất trong đời”, David đã bật cười và tiết lộ rằng anh cảm thấy rất “đau khổ” mỗi khi nhìn lại kiểu tóc của mình trong lần được gặp cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hồi năm 2003, đó là kiểu tóc tết luống ngô khiến Beckham trông không được lịch lãm cho lắm.
Mặc dù đã rời xa sự nghiệp thi đấu bóng đá, nhưng David vẫn là một gương mặt quảng cáo ăn khách với vẻ đẹp diện mạo chưa bao giờ xuống dốc, chia sẻ về bí quyết giữ phong độ, David cho hay: “Ba đến bốn lần mỗi tuần, tôi cùng con gái đi bộ tới trường thay vì ngồi xe hơi, hoặc hai cha con có thể cùng đạp xe, chính những điều bé nhỏ sẽ làm nên sự khác biệt về lâu dài”.
Trước khi cuộc phỏng vấn này lên sóng, đã có nhiều đồn đoán xoay quanh phản ứng của Victoria, nhiều trang tin giải trí đưa tin từ “nguồn thân cận” rằng Victoria đã khóc khi được biết David trả lời trong cuộc phỏng vấn rằng hôn nhân là “một công việc vất vả”.
Cùng với đó, việc Victoria lưu lại tại một khu nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe thể chất – tinh thần ở Đức ngay trong tuần qua cũng khiến truyền thông và công chúng đặt câu hỏi liệu những đồn đoán kia là có thật hay không.
Dân trí – Bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” của hoạ sĩ Nam Sơn vừa được bán với mức giá kỷ lục 440.000 Euro (gần 12 tỷ đồng), chưa tính phí gần 30% mà người mua phải chi trả thêm.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (cháu ngoại của cố họa sĩ Nam Sơn) cho biết, bức tranh lụa “Thiếu nữ cầm quạt” (tên tiếng Pháp “Tonkinoise à l’éventail”) được vẽ vào khoảng năm 1935 – 1936, có kích thước 43×61,5cm, được bán với giá 440.000 Euro (gần 12 tỷ đồng) trong phiên đấu giá “Họa sĩ Á Châu – Họa sĩ đương đại Trung Quốc – Tranh thế kỷ 19 – Ấn tượng và hiện đại – Nghệ thuật đương đại” của nhà đấu giá Aguttes diễn ra từ lúc 14h30 (giờ Paris), khoảng 19h30 (giờ Việt Nam) ngày 22/10.
Đây được xem là bức tranh của cố họa sĩ Nam Sơn được bán với mức giá cao nhất từ trước tới nay trên thị trường giao dịch công khai.
Cận cảnh bức tranh lụa “Thiếu nữ cầm quạt” của cố họa sĩ Nam Sơn vừa được bán với giá gần 12 tỷ đồng tại Pháp. Ảnh: Ngô Kim Khôi.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định, đây là mức giá vượt xa mong đợi của những người tham dự buổi đấu giá và cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đang được đánh giá cao trên thị trường quốc tế.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi thì bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” thể hiện chân dung một cô gái mặc áo dài xanh, quần mầu trắng, cổ đeo kiềng đang ngồi trên phản. Tay phải cầm một chiếc quạt bằng giấy mỏng màu trắng, có vẽ cành lan. Chân trái xếp bằng, chân phải co lên. Gương mặt cô dịu dàng, mang vẻ đẹp kín đáo, thanh lịch, tao nhã, phong cách tỏa ra dáng dấp của một cô gái thành thị.
Điều đáng lưu ý là nền tranh vẽ nét vân thủy làm hậu cảnh như một tấm màn gấm, mang lại cho “Thiếu nữ cầm quạt” nét quý phái, xưa cổ. Phong cách vẽ trang trí này đã được nhìn thấy trong một bức tranh lụa khác của Nam Sơn, chứng tỏ khả năng bậc thầy của ông khi dạy môn “trang trí” (art décoratif) tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi tại phòng trưng bày của phiên đấu giá Aguttes. Ảnh: Ngô Kim Khôi.
Bức tranh được trình bày trong chiếc khung nguyên thủy. Sau tranh là mộc của nhà sản xuất khung: “Tam Thọ Bồi Tranh – Bùi Ngọc Lưu – 58, phố Bắc Ninh (rue Maréchal Pétain), Hà Nội“.
Nhà Tam Thọ nổi tiếng với việc đóng khung tranh và đặc biệt là phương pháp bồi tranh lụa theo kỹ thuật làm hồ dán cổ truyền. Nam Sơn có thói quen đặt khung ở đây và thậm chí còn gửi con gái lớn của mình là Nguyễn Thị Kim Thoa đến học kỹ thuật bồi tranh danh tiếng ấy.
“Thiếu nữ cầm quạt” thuộc bộ sưu tập của Tiểu đoàn trưởng Fernand Mallet, đóng quân tại Hà Nội từ 1936 đến 1938. Bức tranh lụa này được mang về Pháp từ năm 1938 và gia đình lưu giữ cho đến ngày hôm nay.
Trước đó, vào 14h30 ngày 26/3/2018 (giờ Paris), bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” (mực nho với màu nước trên lụa, 65cm x 52,5cm, 1935) của họa sĩ Nam Sơn cũng đã được Aguttes bán với giá 205.000 euro (hơn 5,7 tỷ đồng). Ở thời điểm đó, đây là bức tranh cao giá nhất của Nam Sơn.
Ngoài tranh của cố họa sĩ Nam Sơn thì bức tranh “Đi chợ về” (kích thước 47,5 x 35,5cm) của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng tạo cú sốc lớn khi bán với giá 230.000 euro (gần 6,1 tỉ đồng) tại phiên đấu giá này. Đây là bức tranh có giá bán cao nhất từ trước đến nay của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Dân trí – Hôm nay, 23/10/2018, Bảng xếp hạng đại học châu Á của tổ chức QS sẽ công bố kết quả xếp hạng năm 2019. ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất trong các trường Việt Nam với vị trí 124 (tăng 15 bậc so với vị trí 139 năm 2018).
Theo bảng xếp hạng đại học châu Á của tổ chức QS công bố kết quả xếp hạng năm 2019, Việt Nam góp mặt 7 trường đại học là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa HN, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế. Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất (trong các trường ĐH Việt Nam) với vị trí 124 (tăng 15 bậc so với vị trí 139 năm 2018).
Bảng xếp hạng năm nay đã mở rộng tới 505 trường với 92 trường lần đầu tiên được xuất hiện, trong số này có Trường ĐH Tôn Đức Thắng của Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân trí, GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia HN cho biết, ngoài 10 chỉ số đánh giá như mọi năm (đánh giá của các nhà tuyển dụng; đánh giá của các nhà khoa học; tỷ lệ giảng viên trên sinh viên; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ; số lượng bài báo và trích dẫn theo CSDL của Scopus; giảng viên và sinh viên quốc tế; trao đổi sinh viên Việt nam và quốc tế), lần đầu tiên QS đưa thêm chỉ số về mạng lưới nghiên cứu quốc tế (International Research Network) với trọng số 10%.
Chỉ số này đánh giá mức độ hợp tác quốc tế của các trường thông qua số lượng, tỷ lệ những công bố khoa học có đồng tác giả là học giả quốc tế.
Xếp hạng QS theo từng tiêu chí của ĐHQGHN
Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có một số chỉ số có thứ hạng tốt như các chỉ số về đánh giá của các nhà tuyển dụng, đánh giá của các nhà khoa học, số lượng sinh viên quốc tế đến trao đổi, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.
Đặc biệt là chỉ số trích dẫn của các bài báo khoa học. Đối với chỉ số trích dẫn trung bình của mỗi bài báo thì ĐHQGHN đã vượt qua được ngưỡng trung bình (Châu Á: 4,5 lần/bài báo – ĐHQGHN: 5,1 lần).
Được biết, tháng 6/2018 vừa qua, tổ chức xếp hạng QS cũng đã công bố kết quả xếp hạng thế giới 2019. Theo đó, lần đầu tiên hai Đại học Quốc gia của Việt Nam có tên trong top 1000 các đại học hàng đầu thế giới. Mặc dù kết quả còn khá kiêm tốn, nhưng đây là một bước tiến dài trong quá trình hội nhập của đại học Việt Nam.
Năm 2013, Việt Nam mới chỉ có hai Đại học quốc gia có tên trong nhóm 201+ của bảng xếp hạng. Sau 5 năm, ĐHQGHN đã vượt lên hơn 76 bậc và Việt Nam đã có thêm 5 trường đại học được xếp hạng.
VHO- Sáng 22.10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc. Phát biểu trong phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng.
Đánh giá chung về tình hình kinh tế, xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Đến thời điểm này, kinh tế – xã hội nước ta phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã đạt được những kết quả khả quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp
Cụ thể, tiếp nối đà phát triển, tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu… tăng khá cao. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục được quan tâm tích cực…
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trước hết bên cạnh việc xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nướcnăm 2018, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội sẽ xem xét đánh giá toàn diện việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 trong nửa nhiệm kỳ, đánh giá 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại phiên khai mạc
Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 Nghị quyết, đồng thời, cho ý kiến 6 dự án luật khác. Trên cơ sở xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời, thảo luận quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Với nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội căn cứ vào tình hình thực tế đất nước và địa phương nơi mình đại diện; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước phiên khai mạc
Sau lời phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Trước khi kết thúc phiên họp buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019…
Trước phiên khai mạc, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.