Trao giải Văn học xuất sắc nhất năm 2018 cho 3 tác giả

VH- 3 tác giả Bùi Thanh Hà, Phạm Hoàng Tuyên và Nguyễn Như Khôi đã xuất sắc vượt qua hàng trăm cây bút để giành giải Văn học năm 2018 của Sunflower.

Ông Lưu Hồng Quang (Vụ trưởng Vụ Thi đua và Khen thưởng – Văn phòng Chủ tịch nước) trao giải cho cậu bé thần đồng 12 tuổi Nguyễn Như Khôi

Công ty Cổ phần Sách và Truyền thông Sunflower vừa tổ chức Lễ trao giải thưởng Văn học năm 2018 tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội). Tham dự lễ trao giải có ông Lưu Hồng Quang (Vụ trưởng Vụ Thi đua và Khen thưởng – Văn phòng Chủ tịch nước), ông Vương Duy Biên (Thứ trưởng Bộ VHTTDL), Hoa hậu doanh nhân Quốc tế Hoàng Thủy, NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức, NSND Lệ Ngọc, Quán quân Giọng hát Việt nhí Dương Ngọc Ánh…

Hàng năm, Công ty Cổ phần Sách và Truyền thông Sunflower lại tổ chức cuộc bình chọn giải thưởng Văn học dành cho những ấn phẩm đã ra mắt trong năm 2018. Các tác giả ở khắp mọi miền tổ quốc đã gửi sách về tham gia cuộc bình chọn. Ban giám khảo chấm dựa trên chất lượng tác phẩm, hiệu ứng truyền thông và lượt bình chọn của độc giả. Hàng trăm tác giả đã có một cuộc đua ngoạn mục để giành được giải thưởng Văn học năm 2018.

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Sunflower trao giải cho tác giả Bùi Thanh Hà 

Giành giải Quán quân hạng mục Sáng tác cho thiếu nhi là cậu bé 12 tuổi Nguyễn Như Khôi với tập thơ song ngữ Những ngôi sao kể chuyện. Tập thơ gồm hơn 30 bài thơ ngộ nghĩnh dễ thương với nhiều chủ đề, ẩn chứa nhiều bài học sâu sắc mang tính giáo dục cao. Các bài thơ cũng được chính Như Khôi dịch sang tiếng Anh với mong muốn giúp các bạn nhỏ rèn luyện thêm kỹ năng ngoại ngữ. Nguyễn Như Khôi được gọi là thần đồng của Việt Nam bởi nhiều tài năng xuất chúng khi còn nhỏ tuổi. Cậu bé đã giành được nhiều thành tích cấp quốc gia và quốc tế ở môn Toán, tiếng Anh và là Quán quân cuộc thi Chủ nhân đất nước lần thứ 8. Như Khôi nhiều lần vinh dự là đại diện cho thanh thiếu nhi Việt Nam chào đón nguyên thủ các quốc gia ghé thăm. Hiện cậu bé là Phó Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP Hà Nội.

Tác giả Bùi Thanh Hà đến từ Hà Nội đã giành giải Tác giả được yêu thích nhất năm 2018 của Sunflower theo lượt bình chọn của độc giả. Với 2 tập thơ Trái tim biết hát và Người đàn bà gánh mùa thu trên vai, Bùi Thanh Hà đã chinh phục được bạn đọc bởi những cảm xúc thăng hoa trong từng câu chữ.

Hoa hậu Doanh nhân quốc tế Hoàng Thủy trao giải cho tác giả Phạm Hoàng Tuyên 

Tác giả Phạm Hoàng Tuyên đến từ Bến Tre đã giành giải Tác giả xuất sắc nhất năm 2018 với 3 tập thơ: Những cánh hoa tim (Truyện thơ), Khói tình (Thơ tình), Gót phiêu linh (Thơ Đường luật). Với sự đa dạng về thể loại, tính nhân văn lấp lánh sau mỗi ngôn từ, thơ của Hoàng Tuyên đã chinh phục được bạn đọc khắp mọi miền và nhận được rất nhiều lượt bình chọn của độc giả.

Ngoài ra tại lễ trao giải còn vinh danh các tác giả: Phạm Thị Phương Thảo (giải Nhì), Lưu Thị Phụng (giải Ba), Lan Thanh (giải Tư) và các giải triển vọng khác.

Lễ trao giải thưởng Văn học của Sunflower nhằm tôn vinh thơ ca. Sunflower đã tạo nên một sân chơi công tâm và đầy ắp tính nhân văn dành cho những người đam mê văn chương khắp mọi miền tổ quốc. Chỉ mới 3 năm tuổi nhưng Sunflower đã liên tục có những chương trình sự kiện lớn mang tầm quốc gia, tổ chức những cuộc thi văn chương thu hút hàng ngàn người tham dự. Đến với Sunflower, các tác giả được thỏa sức sáng tạo, kết nối thêm tình bạn tình thơ, được tôn vinh tại những sân khấu lớn. Sunflower đã đưa thơ vào nhà hát, tạo nên tiếng vang và để lại dấu ấn trong lòng người yêu thơ.

(Nguồn: Bảo Hân – Báo Điện tử Văn hóa)

Vở chèo Rồng phượng: Thấm đẫm lòng nhân ái

VH-  Nhà hát Chèo Việt Nam vừa ra mắt vở diễn Rồng phượng của tác giả Lê Duy Hạnh do nhà viết chèo Trần Đình Văn chuyển thể kịch bản. 

Đây là kịch mục thứ 2 của Nhà hát được dàn dựng trong năm 2018 theo đặt hàng của Bộ VHTTDL. Vở diễn có sự tham gia dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Thị Bích Ngoan, trợ lý đạo diễn Vũ Quang Dũng, sáng tác và chỉ huy dàn nhạc, nhạc sĩ Đào Tuấn Hải, cùng các diễn viên và nhạc công Đoàn Nghệ thuật 1 Nhà hát Chèo Việt Nam.

 Ước mơ hạnh phúc hoá giải của cặp trai tài, gái sắc

Vở chèo “Rồng phượng” mang đến câu chuyện sâu sắc về tình yêu, lòng vị tha

Rồng phượng là câu chuyện kể về mối thù truyền kiếp của ba thế hệ của hai làng nghề thêu truyền thống. Chỉ vì hai chiếc áo thêu rồng, thêu phượng đã tạo nên mối thù truyền kiếp của làng nghề phía Đông và phía Tây. Số phận nghiệt ngã khiến Nam và Phượng ở làng Đông và làng Tây yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Bi kịch tiếp tục xảy đến khi đến đời con cái họ lại gặp gỡ và yêu thương. Mối thù truyền kiếp giữa hai làng nghề liệu có được hóa giải?  Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh và chuyển thể kịch bản Trần Đình Văn cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đã đưa đến cho công chúng câu chuyện sâu sắc về tình yêu, lòng vị tha hóa giải mọi hận thù. Chất văn học thắm đượm trong từng làn điệu câu hát chèo nhuần nhuỵ. Thiết kế sân khấu chỉ bằng những khung vải vẽ hình tranh thêu rất đơn giản mà linh hoạt tạo được sự thay đổi cho không gian, thời gian. 

(Đào Anh – Báo Điện tử Văn hóa)

Nghệ sĩ các nước châu Á giao lưu trên đất cố đô

VH- Trong khuôn khổ hoạt động triển lãm, giao lưu nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ các nước Châu Á do Cục MTNATL (Bộ VHTTDL)  tổ chức từ 21- 24.8, 5 nghệ sĩ Việt Nam và 17 nghệ sĩ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippine, Myanmar, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc đã có chuyến tham quan di tích lịch sử Đền Vua Đinh, Vua Lê tại Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Đoàn nghệ sĩ đã có nhiều tham quan, trải nghiệm tại các thắng cảnh  như Khu du lịch sinh thái Vườn chim Thung Nham,  Tam Cốc – Bích Động.

TS ngành Giáo dục Suppakorn Disatapundhu (Đại học Bang Oregon, Hoa Kỳ), họa sĩ người Thái Lan thốt lên: “Những địa danh tuyệt đẹp, điểm du lịch vô cùng hấp dẫn”.

Đến với khu du lịch sinh thái Thung Nham, họa sĩ Virgilio Aviado (Philippines) chia sẻ: “Tôi sống chủ yếu ở thành phố với nhũng toà nhà cao tầng và khói bụi. Vẻ đẹp danh thắng này  sẽ là nguồn cảm hứng để tôi sáng tác những tác phẩm mới của mình. Các bạn sẽ cảm nhận được nguồn cảm hứng đó trong tác phẩm của tôi trong triển lãm tại Hà Nội tới đây”.

Ngay sau khi chuyến tham quan, các họa sĩ đã bắt tay vào sáng tác. Mỗi nghệ sĩ sẽ hoàn thành 1-2 tác phẩm trong thời gian giao lưu tại Ninh Bình. Các tác phẩm này sẽ được trưng này cùng với những sáng tác trước đó của họ tại Trung tâm Giám định và Triển lãm Tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hà Nội), khai mạc chiều 25.8.2018.

Hoạt động giao lưu nghệ thuật giữa các nghệ sĩ châu Á là sự kiện ý nghĩa nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sáng tác giữa các nghệ sĩ đến từ những nền nghệ thuật khác nhau. Đồng thời, góp phần  giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của Việt Nam với nghệ sĩ các nước Châu Á.

(Hoàng Vy – Báo Điện tử Văn hóa)

Chương trình “ Âm vang chiến công”: Truyền lửa tự hào, vọng mãi những chiến công

VH- Trong không khí hào hùng cả nước thi đua sôi nổi kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2.9, 73 năm Ngày truyền thống của lực lượng CAND (19.8.1945 – 19.8.2018), 13 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, Báo Công an Nhân dân  phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “ Âm vang chiến công” tại Trung tâm nghệ thuật  Âu Cơ, Hà Nội. 

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV2 và Truyền hình CAND – ANTV tiếp sóng và có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP và các đơn vị khác…

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đến dự, chúc mừng, động viên Ban tổ chức chương trình và các nghệ sĩ; đồng thời trao các phần quà ý nghĩa cho đại diện gia đình các liệt sĩ Công an; các CBCS Công an có thành tích xuất sắc trong công tác.

Phát biểu khai mạc chương trình, Thiếu tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND thay mặt Cục Truyền thông CAND (đơn vị trực tiếp quản lý Báo CAND và Truyền hình CAND) nhiệt liệt chào mừng và bày tỏ lòng biết ơn tới các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, nguyên lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ, các đại biểu khách mời, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Hà Nội cùng khán giả đã đến dự hoặc theo dõi chương trình nghệ thuật “ Âm vang chiến công” qua truyền hình.

Thiếu tướng Mai Văn Hà khẳng định: “Chương trình “ Âm vang chiến công” nhằm ca ngợi chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc trong cuộc Cách mạng Tháng Tám gắn liền với công lao to lớn của Đảng, của Bác Hồ, trong đó có đóng góp to lớn và hết sức quan trọng của lực lượng CAND. Đồng thời, thông qua các ca khúc cách mạng, chương trình ôn lại truyền thống 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND, tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ Công an dũng cảm, mưu trí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…”. 

Chương trình nghệ thuật “ Âm vang chiến công”

Với thời lượng 90 phút, đêm nhạc mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khi chuyển tải trọn vẹn 14 tiết mục do các nghệ sĩ dày công đầu tư, dàn dựng. Các ca khúc ngợi ca tổ quốc, quê hương và truyền thống của lực lượng công an đã được các ca sỹ nổi tiếng như Quốc Hưng, Trọng Tấn, Lan Anh, Tân Nhàn, Tạ Quang Thắng, Thủy Thủy, các nghệ sĩ đến từ đoàn ca múa Công an nhân dân … thể hiện giàu cảm xúc, qua đó truyền tới người nghe lòng tự hào và vọng mãi các chiến công.
        

Lương nghệ sĩ theo văn bằng, chứng chỉ: Người tài vẫn… đói

VH-  Hiện nay, diễn viên làm việc trong các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập đều được xếp vào ngạch viên chức sự nghiệp và được trả lương theo trình độ đào tạo. Tuy nhiên, việc chi trả lương này nảy sinh không ít bất cập và chưa phù hợp với thực tế.

Ở nước ta, hệ thống đào tạo diễn viên sân khấu được chia làm ba loại: trung cấp, cao đẳng và đại học. Căn cứ vào 3 cấp đào tạo này, các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập chi trả lương cho các nghệ sĩ. Trước đây, theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14.12.2004 của Chính phủ, diễn viên được xếp vào nhóm ngạch viên chức bao gồm 3 loại: loại A3, nhóm 1 (A3.1) dành cho diễn viên hạng I với hệ số lương từ 6,20 đến 8,00; loại A2, nhóm 2 (A2.2) dành cho diễn viên hạng II với hệ số lương từ 4,0 đến 6,38; và loại B dành cho diễn viên hạng III với hệ số lương từ 1,86 đến 4,06. Trong đó, diễn viên hạng I, II yêu cầu phải có bằng đại học; còn diễn viên loại B yêu cầu phải có bằng trung cấp. Vì căn cứ theo bằng cấp như vậy, nên đa số diễn viên dù đã đạt danh hiệu NSND, NSƯT, nhưng vẫn chỉ là diễn viên loại B với mức lương thấp.

Từ thực tiễn nói trên, ngày 11 tháng 12 năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh số: 10/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV, trong đó chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng I (mã số V.10.04.12) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1); chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng II (mã số V.10.04.13) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2); chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng III (mã số V.10.04.14) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1; chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV (mã số V.10.04.15) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B. Thông tư này phân loại viên chức diễn viên theo thứ hạng vẫn dựa theo bằng cấp cùng với tiêu chí mới là danh hiệu NSND, NSƯT, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, có ít nhất 1- 2 giải thưởng diễn viên xuất sắc được Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành cấp Bộ hoặc tương đương công nhận, đồng thời bắt buộc diễn viên muốn thăng hạng, phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh diễn viên hạng I, II, III. Với những tiêu chí này, những bất cập của NĐ 204/2004/NĐ-CP trên thực tế, vẫn chưa được giải quyết.

Bởi lẽ, Thông tư có quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với diễn viên hạng I, II, III phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Trong khi đó, đa phần các NSND, NSƯT, các tài năng trẻ, nhất là ở các địa phương, chủ yếu được đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp hoặc truyền nghề (và thực tế, theo lãnh đạo các đơn vị, trình độ trung cấp chuyên nghiệp là phù hợp để đào tạo diễn viên sân khấu). Cả nước hiện nay chỉ có duy nhất Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được cấp bằng đại học cho diễn viên, còn lại ở các tỉnh, thành thuộc tất cả địa phương khác đều chỉ có trường trung cấp hoặc một số ít trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật. Do đó, các diễn viên, muốn thăng hạng, phải đi học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học. Nhưng không phải diễn viên nào cũng có điều kiện để đi học, nhất là khi họ ở địa phương và thường xuyên phải đi biểu diễn. Hơn nữa, hình thức đào tạo diễn viên tại các trường còn không ít bất cập: chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp; chất lượng đào tạo chuyên môn không phù hợp với yêu cầu thực tế của đơn vị biểu diễn; lực lượng giảng viên có tài năng còn mỏng; số tiết học các môn văn hóa nhiều hơn so với học chuyên môn; học sinh không có điều kiện được những giảng viên là các nghệ sĩ tài năng, có uy tín trong ngành thường xuyên uốn nắn “cầm tay chỉ ngón” một cách chi tiết, bài bản nên dẫn đến hiện tượng không nắm vững được những kiến thức cơ bản về chuyên môn ở tất cả các mặt ca, nhạc, diễn, vũ đạo, phân tích kịch bản…; ngoài ra, các em còn không có cơ hội trau dồi chuyên môn, cọ xát thực tế từ những dịp thực hành biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật của đoàn, nhà hát. Điều này dẫn đến hiện tượng, các đoàn, nhà hát sau khi tiếp nhận các em về làm việc, phải mất thêm 2-3 năm để đào tạo lại. Trong khi đó, những diễn viên được đào tạo chuẩn chỉ, bài bản tại đoàn, nhà hát giỏi chuyên môn, nhưng mức lương thấp hơn những diễn viên có bằng đại học, nhưng trình độ chuyên môn không bằng. Kết quả là nhiều NSND, NSƯT, tài năng sân khấu tại các đoàn, nhà hát làm việc cống hiến cả đời, nhưng có mức lương không bằng các diễn viên trẻ có bằng đại học.

Bên cạnh đó, yêu cầu diễn viên muốn thăng hạng phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh diễn viên hạng I, II, III cũng chưa phù hợp và bị “đánh đồng” với cán bộ hành chính đi học để lấy chứng chỉ chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Vì nhiều diễn viên dù là NSND, NSƯT, vì chỉ có bằng trung cấp, cao đẳng, nên vẫn bị xếp vào loại diễn viên hạng IV (tương đương với nhóm viên chức loại B trước đây) và các NSND, NSƯT ấy, để có đủ điều kiện thăng hạng, vẫn phải đi học lấy chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh diễn viên hạng III, dù họ thừa trình độ chuyên môn của một diễn viên thông thường. Trong khi đó, lớp bồi dưỡng để lấy chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh diễn viên hiện chưa có cơ sở đào tạo nào mở và cũng chưa có giáo trình nào được nghiên cứu, biên soạn.

Tóm lại, việc trả lương nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật công lập không nên theo những tiêu chuẩn hành chính rập khuôn máy móc, mà cần xét theo tài năng và hiệu quả lao động sáng tạo nghệ thuật sao cho vừa phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, vừa phù hợp với cơ chế hoạt động tự chủ hiện nay. Và chỉ có như vậy, các nghệ sĩ, diễn viên tài năng thực sự mới bớt… đói!n

 TRẦN THỊ MINH THU

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Huế: Quan tâm hơn nữa “báu vật nhân văn sống”

VH- Thừa Thiên Huế hiện đang có 3 di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn (được UNESCO vinh danh) cùng 2 di sản tầm quốc gia, trong đó có Ca Huế. Tuy nhiên, việc khai thác và phát huy giá trị của các di sản này đang còn nhiều hạn chế, đặc biệt chưa trở thành điểm mạnh để phục vụ du lịch.

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường – khu di sản Hoàng cung Huế

Sau 15 năm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn đã từng bước được bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phục hồi được gần 100 bài cả lễ nhạc lẫn vũ khúc cung đình của Nhã nhạc. Và loại hình nghệ thuật này cũng được ưu tiên chọn làm “quà” đãi khách trong nước và ngoại giao quốc tế của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chưa xứng tầm

Nhiều năm qua, nhà hát Duyệt Thị Đường (Hoàng cung Huế) là địa điểm “đỏ đèn” để trình diễn Nhã nhạc cung đình và các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình triều Nguyễn để phục vụ khách du lịch. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ bán vé biểu diễn ở đây đạt gần 1 tỉ đồng, cũng đã là một nỗ lực lớn. Tuy nhiên, loại hình di sản này chỉ “quanh quẩn” được biểu diễn khai thác ở khu di sản Hoàng cung Huế. Ngoài Nhã nhạc được chú trọng khai thác, còn các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình như tuồng cung đình, múa cung đình… vẫn đang gặp khó trong khai thác và phát huy giá trị.

Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cách đây 3 năm, Ca Huế cũng là loại hình nghệ thuật văn hóa được ưu tiên phát huy giá trị và khai thác du lịch. Thế nhưng, sản phẩm ca Huế trên sông Hương vẫn còn tồn tại không ít “sạn”, Ca Huế bài bản thì ít mà dân ca nhạc Huế thì nhiều. Chỉ có một số ít câu lạc bộ Ca Huế hoạt động đúng chuẩn với các làn điệu, bài bản, như câu lạc bộ Ca Huế thính phòng. Nhưng cũng vì nguồn lực có hạn, nên các câu lạc bộ này chỉ biểu diễn ở quy mô nhỏ, và không thường xuyên; và nhiều nghệ sĩ đến đây cũng chỉ vì đam mê, yêu nghề.

Nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh, hiện là Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca Huế thính phòng cho biết: Những nghệ sĩ biểu diễn ở đây không có cát-xê như ở các show diễn khác. Nguồn thu từ ủng hộ của khán giả không nhiều, chúng tôi dành một phần để hỗ trợ tiền xăng xe đi lại, và thăm hỏi và động viên các nghệ sĩ mỗi khi đau ốm hoặc giúp đỡ những em theo học ca Huế có hoàn cảnh khó khăn…

TS Lê Thị Minh Lý, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, suốt 15 năm qua, Festival Huế là môi trường, là cơ hội làm sống lại và tỏa sáng di sản văn hóa Huế, đặc biệt là di sản phi vật thể.

Biểu diễn ca Huế miễn phí tại di tích lăng Tự Đức phục vụ khách du lịch

Chưa có chính sách đãi ngộ xứng đáng

Sau khi được công nhận là kiệt tác phi vật thể của nhân loại, năm 2005, một khóa đào tạo về Nhã nhạc với 20 học viên đã được tuyển chọn và truyền dạy. Lớp học này khá đặc biệt bởi nó được giảng dạy bằng hình thức truyền khẩu từ các nghệ nhân và được dạy ký xướng âm theo kiểu truyền thống. Những chuyên gia và nghệ nhân “truyền lửa” cho khóa học này, phải kể đến cố GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Tô Ngọc Thanh, PGS.TS Hà Sâm cùng các nghệ nhân dân gian Trần Kích, Trần Thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa…

Nhiều nghệ nhân là “nhân chứng sống” về Nhã nhạc, cũng như các loại hình diễn xướng cung đình triều Nguyễn đã đóng góp to lớn trong công cuộc truyền dạy và phục hồi các bài bản cổ xưa. Chính nhờ các nghệ nhân truyền dạy mà nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế nâng cao kỹ năng trình diễn. Thế nhưng, nguồn tài chính để dành cho nghệ nhân dân gian lại rất ít ỏi.

NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cho rằng: Chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân là “nhân chứng sống” và các nghệ sĩ có trình độ chuyên môn vẫn chưa được thường xuyên. Chỉ khi nào Nhà hát xây dựng các hồ sơ khoa học, phục dựng các bài bản hay các vũ khúc cung đình… thì các nghệ nhân, nghệ sĩ nói trên mới được mời tham gia. Và khi công việc kết thúc thì họ phải quay trở lại với cuộc đời thường, phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Dù Nhà hát đã cố gắng dành một khoản kinh phí nhất định cho các nghệ nhân khi tham gia các công trình nghiên cứu khoa học, nhưng chưa xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra.

Nhà thơ Võ Quê trăn trở: Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể, ngành văn hóa địa phương không chỉ thu thập tư liệu và hình ảnh biểu diễn từ các nghệ nhân lớn tuổi, mà cũng cần có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho những nghệ nhân tham gia truyền dạy, có chính sách đối với những nghệ nhân đang gặp khó khăn…\

 Giá trị văn hóa di sản phi vật thể ở Huế chưa được phát huy xứng với tiềm năng và giá trị của nó. Và chính các cấp, ngành của Thừa Thiên Huế vẫn chưa có sự phối hợp và hỗ trợ nhau để tạo nên những sản phẩm văn hóa, góp phần cho phát triển du lịch. Tỉnh cần sớm có một báo cáo kiểm kê tổng thể về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang có. Đây là cơ sở để có thể xác định thứ tự ưu tiên việc cần làm trước mắt và cả những chiến lược lâu dài nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của từng loại di sản cụ thể.

(TS LÊ THỊ MINH LÝ, Hội Di sản văn hóa Việt Nam)

(Nguồn: Sơn Thùy – Báo ĐT Văn hóa)

Đạo diễn phim kinh dị “Chôn sống” trở lại kinh dị hơn với “Hành lang bí ẩn”

VH- Năm 2010, đạo diễn Rodrigo Cortés từng khiến khán giả rợn gáy với tựa phim kinh dị Buried – Chôn sống với Ryan Reynolds thủ vai chính. Không chỉ sở hữu một câu chuyện đầy kịch tính, Buried còn khiến giới mộ điệu thán phục trước việc phim chỉ có độc nhất một nhân vật, xoay quanh không gian chật hẹp là cỗ quan tài dưới lòng đất.

Sau 6 năm vắng bóng trên thị trường phim Hollywood, nhà làm phim người Tây Ban Nha kết hợp với nhà sản xuất của loạt phim Twilight – Chạng Vạng đã trở lại với tác phẩm kinh dị mới mang tên Down A Dark Hall (Tựa Việt: Hành lang bí ân). Còn có tên gọi khác là Blackwood, tựa phim hứa hẹn là một trải nghiệm điện ảnh đầy mới mẻ và kinh hoàng mà Cortés muốn dành tặng những tín đồ của dòng phim kinh dị tâm linh.

Mới đây, trailer đầu tiên của Hành lang bí ẩn đã được hãng Lionsgate trình làng, gửi gắm đến người xem những thước phim “lạnh sống lưng”. Theo đó, phim xoay quanh Kit (AnnaSophia Robb), một thiếu nữ ngổ ngáo bị chuyển đến học tại Trường Nội trú Blackwood, sau khi người mẹ đã không thể dung thứ cho những hành vi quá quắt của cô nàng. Khi Kit đặt chân đến ngôi trường bí hiểm này, cô gặp gỡ vị hiệu trưởng kỳ quái Madame Duret (Uma Thurman) cùng bốn nữ sinh có hoàn cảnh tương tự khác.

Là những cô gái trẻ hiếu động, Kit và các bạn mới đã quyết định làm một cuộc khám phá các hành lang chằng chịt như mê cung của ngôi trường. Vô tình, họ đã phát hiện ra một bí mật hàng thế kỷ mà nơi đây đang cố che giấu.
Tại Blackwood, các nữ sinh phải đối mặt rất nhiều sự kiện kỳ quái. Họ không chỉ bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, mà còn cảm thấy bất an trước vẻ thờ ơ và lạnh nhạt của các giáo viên nơi đây. Luôn có một cánh cửa đóng kín mà họ không được phép mở ra, vì theo như lời của cô hiệu trưởng thì “không thể cản được những gì bước ra từ phía sau cánh cửa”. Hình ảnh các thây ma và linh hồn, cũng như những tiếng gào thét về đêm thực sự khiến cả họ lẫn khán giả phải run sợ.

Dựa trên tiểu thuyết phong cách gothic dành cho tuổi mới lớn cũng tên của tác giả Lois Duncan, Hành lang bí ẩn là một phim kinh dị do Rodrigo Cortés cầm trịch, với kịch bản được viết bởi  Mike Goldbach và Chris Sparling. Ngoài AnnaSophia Robb (Soul Surfer, The Carrie Diaries) trong vai chính, phim còn có sự góp mặt của những tên tuổi như Isabelle Fuhrman (Orphan), Victoria Moroles (Teen Wolf), Noah Silver (The Tribes of Palos Verdes), Taylor Russell (TV series Falling Skies), Rosie Day (Outlander), cùng ngôi sao điện ảnh huyền thoại Uma Thurman (Pulp Fiction, Kill Bill: Vols. I & II).

(Nguồn: Thiên An – Báo ĐT Văn hóa)

Cuộc sống ngoại thành Hà Nội qua ống kính

VH- Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức cuộc thi chuyên đề về đời sống ngoại thành của Thủ đô. Sau 2 tháng phát động, cuộc thi với tên gọi “Cuộc sống ngoại thành” đã nhận được 1.750 tác phẩm của 290 tác giả khắp nơi trên cả nước gửi dự thi.

 Tác phẩm “Đi giữa mùa vàng” của tác giả Trương Thế Cầu

Với các tác phẩm trưng bày, người xem sẽ nhận thấy sự thay đổi cuộc sống của người dân vùng ngoại thành Hà Nội. Diện mạo nông thôn Thủ đô đã từng bước đi lên, khoảng cách giữa khu vực ngoại thành và nội đô đang dần thu hẹp lại. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, đồng thời phản ánh bức tranh đa dạng về đời sống ở ngoại thành Hà Nội (bao gồm cả quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây), nêu bật những thành tựu thành phố đã đạt được trong 10 năm qua trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội Đào Quang Minh cho biết, các tác phẩm dự thi lần này đều phản ánh đúng chủ đề, thể hiện được công sức, tìm tòi, khám phá của mỗi tác giả trước khi bấm máy, gửi gắm được nhiều ý tưởng, thông điệp. Hội đồng giám khảo đã chọn 139 tác phẩm xuất sắc từ cuộc thi tham gia triển lãm. Các tác phẩm này cho người xem thấy được mọi mặt hoạt động ở khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội với những làng nghề truyền thống, lễ hội, phong tục, tập quán, kiến trúc, cảnh quan, lao động sản xuất, sinh hoạt cộng đồng… 

Giải nhì “Làng nghề mây tre đan” – tác giả Nguyễn Ngọc Bình

Một số tác phẩm được sáng tác tại 4 huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh là những huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thể hiện rõ nét sự chuyển mình, đổi mới trong đời sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật HN cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những thành công, triển lãm lần này còn tồn tại những hạn chế của các nghệ sĩ và những người cầm máy. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh chưa khai thác và phản ánh cuộc sống sôi động của nông thôn ngoại thành đang chuyển mình trong nhịp sống công nghiệp, chưa có những tác phẩm thực sự ấn tượng, sâu sắc về cuộc sống ngoại thành, với những góc máy, bố cục, ánh sáng… mang tính sáng tạo của nghệ thuật nhiếp ảnh.

Tại lễ khai mạc, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, triển lãm ảnh “Cuộc sống ngoại thành Hà Nội” hôm nay là một hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các nghệ sĩ, sinh hoạt văn hóa của người dân, đồng thời đã góp phần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô 10 năm qua, cổ vũ, động viên công cuộc xây dựng, phát triển cuộc sống quê hương, đất nước.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng mong rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy tính sáng tạo, sự tâm huyết để cống hiến cho nền văn học nghệ thuật Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng về nghệ thuật. Qua đó nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị cao quý, truyền thống tốt đẹp của văn hóa Thăng Long, Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để Hà Nội thực sự là động lực, nền tảng tinh thần, nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước.

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã công bố và trao 15 giải, gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 9 giải Khuyến khích, cho các tác phẩm tham dự. Trong đó, giải Nhất thuộc về tác phẩm “Đi giữa mùa vàng” của tác giả Trương Thế Cầu, ghi lại hình ảnh hài hòa của các em nhỏ tung tăng đạp xe trên đường làng, giữa một bên là đồng lúa vàng trĩu bông và một bên là những tòa nhà cao tầng hiện đại.

 Bài, ảnh: THANH NGỌC – Báo ĐT Văn hóa

Điểm danh 5 bộ phim điệp viên hài hành động, đình đám

VH- Trong tháng 8, các rạp chiếu trên toàn quốc sôi động với sự “bùng nổ” của  dòng phim điệp viên hạng “bom tấn”. Nếu điệp viên Ethan Hunt (Nhiệm vụ bất khả thi) vừa khiến khán giả hồi hộp “nghẹt thở” và “say sóng” thì những nữ điệp viên tay mơ bá đạo trong Bạn trai cũ của tôi là điệp viên (tựa gốc: The Spy who Dumped me) sẽ chiêu đãi khán giả  đã mắt và cười  mỏi quai hàm với những màn trình diễn hài hước, ấn tượng.

Đã từ lâu thể loại điệp viên là dòng phim sinh ra những huyền thoại trên màn ảnh rộng và “Đế chế” điệp viên luôn có một sức hút khó cưỡng với khán giả mọi thế hệ. Những bộ phim điệp viên hài hành động là những tác phẩm giải trí tuyệt vời khi ở đó không chỉ có đặc sản là pha hành động gay cấn, thót tim mà còn là những tràng cười thoải mái.

Cùng điểm mặt và “bỏ túi” 5 bộ phim điệp viên hài hành động khiến khán giả cười “té ghế”

1.    Cuộc chiến nảy lửa (The Heat) – 2013

Đạo diễn: Paul Feig

Diễn viên: Sandra Bullock, Melissa McCarthy

Là bom tấn hài hành động đạt doanh thu phòng vé cao kỷ lục đến thời điểm hiện tại là 159 triệu USD, bộ phim có sự tham gia của minh tinh Sandra Bullock và Melissa McCarthy. Cuộc chiến nảy lửa đưa người xem đến với câu chuyện hài hước của nữ đặc vụ FBI Sarah Ashburn và nữ cảnh sát Shannon Mullins khi họ phối hợp cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ khó khăn mà không ai khác có thể giải quyết. Dù chi phí đầu tư sản xuất khiêm tốn với 43 triệu USD, Cuộc chiến nảy lửa đã gây bất ngờ lớn. Tác phẩm này không chỉ ăn khách mà còn nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Yếu tố tâm lý cũng được đan xen để tạo những khoảng lặng cho người xem, khiến cho tiếng cười của bộ phim có thêm sự châm biếm, thâm thúy hơn chứ không đơn thuần chỉ là cảm xúc nhất thời trôi tuột khỏi trí nhớ của người xem ngay khi ra khỏi rạp

2.    Quý bà điệp viên (Spy) – 2015

Đạo diễn: Paul Feig

Diễn viên: Melissa McCarthy, Jason Staham, Jude Law

Quý bà điệp viên (Spy)  là bộ phim đến từ Paul Feig, đạo diễn của Bridesmaids và The Heat. Bộ phim được cài cắm nhiều chi tiết thú vị châm biếm sâu cay, khiến khán giả có thể liên hệ với những hình tượng điệp viên kinh điển trong quá khứ theo phong cách James Bond với Goldfinger (1964). “Spy” được giới phê bình đánh giá cao và đạt được thành công ngay trong tuần đầu ra mắt với doanh thu toàn cầu là 86,5 triệu USD.

Chất hài duyên dáng của Spy – Quý bà điệp viên được ghi dấu với sự tham gia của “sắc đẹp ngàn cân” Melissa McCarthy đã thổi luồng gió mới cho thể loại phim điệp viên vốn bị thống trị bởi những mỹ nam lịch lãm và quyến rũ. Sau khi điệp viên CIA Bradley Fine (Jude Law) bị sát hại trong lúc làm nhiệm vụ ngăn chặn một cuộc mua bán bom hạt nhân, nhân viên chỉ điểm của Fine là Susan Cooper (Melissa McCarthy) nài nỉ sếp tổng được ra thực địa để truy lùng kẻ hãm hại người đồng nghiệp. Susan biến hóa từ một cô nàng tự ti về ngoại hình, chỉ biết yêu thầm anh chàng đồng nghiệp Bradley đến trở thành một cô nàng tự tin, quyết liệt đấu tranh để bảo vệ người mình yêu thương. Spy đầy ắp tiếng cười với nhiều kịch tính và những cảnh cận chiến hành động chân thật bởi các đòn đánh đều có “sức nặng” theo đúng nghĩa đen.

3.    Điệp viên không hoàn hảo (Central Intelligence) – 2016

Đạo diễn: Rawson Marshall Thurber

Diễn viên: Dwayne Johnson, Kevin Hart, Danielle Nicolet

Một trong những màn kết hợp kỳ lạ nhất trên màn ảnh rộng giữa siêu sao cơ bắp The Rock và cây hài da màu Kevin Hart. Khi khán giả đã quá quen với hình tượng Dwayne Johnson vai u thịt bắp một mình cân cả thế giới trong những bộ phim hành động bom tấn, sự thực là trong sự nghiệp sáng giá của mình, anh đã tham gia nhiều bộ phim hài hành động với tuyệt chiêu mặt “tỉnh như ruồi” trong những tình huống khiến khản giả “lăn lộn” cười muốn bể bụng. Central Intelligence khiến người xem phát “hoảng” với phiên bản “The Rock” vai tròn bụng phệ trong thời trung học. Anh chàng Robbie Weirdicht (Dwayne Johnson) thậm chí còn bị bạn bè bắt nạt phải nhờ đến sự giúp đỡ của Calvin Joyner (Kevin Hart), một siêu sao trường trung học, luôn đạt giải cao trong mọi lĩnh vực, từ thể thao cho tới văn nghệ. Thế nhưng, vận đổi sao dời, sau này khi gặp lại nhau trong buổi họp lớp, hai người đã có cuộc đời số phận trái ngược nhau hoàn toàn. Robbie trở thành điệp viên CIA được các cô gái tán tỉnh còn Calvin an phận với công việc văn phòng. Phim xoay quanh cuộc phiêu lưu liều mạng của hai anh chàng sống lại tuổi nổi loạn một lần nữa bằng cách phối hợp ăn ý để tìm ra thủ phạm gây ra vụ bê bối mà Robbie đang bị cáo buộc. Cặp bài trùng hài hước không chỉ mang lại doanh thu phòng vé ấn tượng ( hơn 127 triệu USD) mà còn dành được điểm A từ khán giả trên trang bình chọn CinemaScore.

4.    Vệ sĩ sát thủ (The Hitman’s Bodyguard) – 2017

Đạo diễn: Patrick Hughes

Diễn viên: Ryan Reynolds, Samuel L. Jackson, Gary Oldman

Trong Vệ sĩ sát thủ, Ryan Reynolds vào vai Michael Bryce, một vệ sĩ chuyên nghiệp hạng AAA luôn hoàn thành xuất sắc công việc bảo vệ thân chủ. Nhưng trong một lần làm việc anh phải chứng kiến khách hàng chết ngay trước mắt, thất bại này đã khiến sự nghiệp của anh trượt dốc không phanh. Cơ duyên đặc biệt khiến Michael trở thành vệ sĩ cho Darius Kincaid (Samuel Jackson), tay sát thủ nổi tiếng đã quyết định ra tòa làm nhân chứng chống lại nhà độc tài người Nga, Vladislav Dukhovich, người đang bị xét xử với tội danh tội phạm chiến tranh. Nhiệm vụ của Michael là đảm bảo sự an toàn của Kincaid và đưa ông tới phiên tòa. Và từ đó, 2 người vốn là kẻ thù như “chó” với “mèo” lại bị ép phải “bảo vệ” nhau trong suốt 24 giờ.

The Hitman’s Bodyguard đã giành chiến thắng doanh thu phòng vé bất chấp ra mắt trong tuần lễ thất thu nhất trong vòng 17 năm của thị trường Bắc Mỹ và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.

5.    Bạn trai cũ tôi là điệp viên (The Spy Who Dumped Me) – 2018

Đạo diễn: Susanna Fogel

Diễn viên: Mila Kunis, Kate McKinnon, Justin Theroux, Sam Heughan

Hollywood đã có nhiều điệp viên siêu ngầu nhưng Bạn trai cũ tôi là điệp viên sẽ mang đến những cô nàng điệp viên tay mơ mà lại “không phải dạng vừa”. Sự góp mặt của bộ đôi hài đình đám nước Mỹ Mila Kunis và Kate McKinnon bảo đảm sẽ mang lại cho bạn những giây phút thót tim trong những tình huống cân não vô cùng éo le nhưng không kém phần “bung lụa” với sự lắm chiêu tài tình của các cô gái trong chuyến phiêu lưu thực hiện một nhiệm vụ bất đắc dĩ. Bộ phim kể về một cô nàng tuổi băm bị bạn trai đá qua tin nhắn, sau bữa tiệc sinh nhật với cô bạn thân lông bông thì phát hiện ra bạn trai cũ của mình là điệp viên hai mang. Anh chàng yêu nghiệt này đang bị theo dấu bởi những kẻ xấu lại quay lại cảnh báo Audrey (Mila Kunis) và Morgan (Kate McKinnon) sẽ sớm bị sát thủ truy đuổi. Hai cô nàng rơi vào một âm mưu quốc tế và bắt đầu hành trình vòng quanh châu Âu và rơi vào hàng loạt biến cố cười ra nước mắt để giải cứu thế giới.Theo Liongates, Bạn trai cũ tôi là điệp viên nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình trong buổi chiếu thử. Bộ phim hứa hẹn sẽ quẩy tưng bừng doanh thu phóng vé toàn cầu sắp tới. Đây là lựa chọn dễ dàng nếu như bạn đang tìm kiếm một bộ phim giải trí thuần túy, sau khi xem biết đâu bạn sẽ nhận ra khả năng điệp viên tiềm tàng trong mình như hai cô bạn thân này.

(Nguồn: Thiên An – Báo ĐT Văn hóa)