Chính chuyên bươn bả với nghề

VH- Không hào nhoáng, không dính scandal, không dễ bị lung lạc trước những biến cố cuộc sống, luôn vững tin và đi theo con đường đã lựa chọn, những giọng ca opera luôn tạo được dấu ấn và phong cách riêng mà không bị hòa lẫn với thị trường âm nhạc vốn dĩ luôn thay đổi mỗi ngày. Tuy nhiên, người làm nghề không tránh khỏi những xót xa…Tìm đường đến với công chúng

Ở Việt Nam, để theo đuổi opera, nếu chỉ có khả năng ca hát thôi chưa đủ. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay chỉ dạy hát nhạc thính phòng, vì thế muốn trở thành nghệ sĩ opera thật sự, mỗi người cần tự mình học hỏi, trau dồi khả năng diễn xuất, trình diễn sân khấu và đặc biệt là ngôn ngữ. Có lẽ ít ai biết, trước khi trở thành sinh viên trung cấp thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia năm 2000, giọng tenor Trịnh Thanh Bình đã t ừng “chinh chiến” để trở thành sinh viên của một số trường đại học. Nhưng định mệnh đến với opera của Trịnh Thanh Bình là khi anh tham gia CLB ca hát tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, rồi quyết định thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác hiện nay, điều trăn trở của nghệ sĩ opera là làm sao để giữ được nghề, được thường xuyên sống trong môi trường nhạc cổ điển mình đã theo đuổi cả đời nhưng lại không thể tạo thu nhập từ nghề để “tái sản xuất sức lao động”. Đã có lúc, khi phải đối mặt với cơm, áo, gạo tiền, Bình từng nghĩ tới việc chuyển sang dòng nhạc khác dễ được biết đến và cũng dễ kiếm thu nhập để trang trải cuộc sống. May sao, thời khắc khó khăn đó cũng đã qua khi anh nhận được sự ủng hộ, cảm thông từ người bạn đời, một nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, của bố mẹ và những khán giả trung thành với opera.

Vậy nghệ sĩ opera sống được với nghề bằng cách nào? Chuyện những người làm nghệ thuật không sống nổi vì nghệ thuật, đa phần còn chết trong nghèo đói là điều đã có từ hàng thế kỉ trước trên thế giới, nên để tồn tại cùng nghệ thuật như Thanh Bình thì anh phải “chân trong, chân ngoài”, vừa làm nghệ thuật, vừa kinh doanh. Và dù, opera không có nhiều đất diễn như những loại hình nghệ thuật khác, thì cho đến giờ Thanh Bình cũng vẫn chỉ muốn gắn bó với nghiệp diễn lâu dài, muốn được đứng trên sân khấu, hóa thân vào nhiều vai diễn hơn vì anh đang dần thấy sự quan tâm của công chúng dành cho opera ngày một đông hơn.

Thuộc nhóm thế hệ trẻ của opera Việt Nam, Phan Trung Kiên – giọng ca opera sinh năm 1995 cũng có những trăn trở khá thú vị về nghề. Anh chàng sinh viên Nhạc viện – một “hiện tượng” mà chắc chắn người Việt yêu nhạc Opera nào cũng đều phải sững sờ. Chính chất giọng trầm ấm với những nốt ngân rung có sức “công phá” cảm xúc của người nghe đã giúp Trung Kiên rinh về chiếc Huy chương Vàng tại cuộc thi “Festival châu Á – Thái Bình Dương” năm 2017 tại Hồng Kông (Trung Quốc). Điều đáng nói ở chỗ, đây là lần đầu tiên Trung Kiên đem giọng đi thi và đối thủ của anh là khoảng 200 tài năng âm nhạc đến từ rất nhiều nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia…

Năm 2017, Trung Kiên đã ra mắt MV “Hà Nội mười hai mùa hoa” (nhạc sĩ Giáng Son). Nói về việc thực hiện MV “Hà Nội mười hai mùa hoa” – một ca khúc nhạc nhẹ không phải là sởtrường của Trung Kiên, chàng ca sĩ 9X cho biết, anh không chỉ muốn mang hơi thở mới vào bài hát theo cách của mình mà còn muốn đem phong cách nhạc opera đến gần với khán giả Việt Nam. Sản phẩm mới lạ này của Trung Kiên khiến nhiều người thắc mắc, liệu chàng nghệ sĩ trẻ đang muốn theo đuổi dòng nhạc nào? Trung Kiên khẳng định, opera là con đường dài mà anh theo đuổi, nhưng vì hiện nay ở Việt Nam chưa có đất cho các nghệ sĩ opera thể hiện và sống được với nghề nên Trung Kiên sẽ tìm thêm những ngã rẽ mới, thử sức ở những dòng nhạc bán cổ điển để có thể sống với tình yêu âm nhạc. Bởi suy cho cùng, nghệ thuật nào cũng cần hướng đến công chúng.

Không sợ “lạc mốt”

Lâu nay, nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc opera luôn gặp khó khăn, nhưng con đường họ đi không hoàn toàn dẫn đến ngõ cụt. Nếu nhìn ở góc độ tích cực, nghệ sĩ opera có thế mạnh riêng và luôn có thị phần của riêng mình. Không cần những chiêu trò lăng-xê như dòng nhạc chạy theo xu hướng khán giả trẻ, cũng không cần nhiều hình thức quảng bá, những sản phẩm của các giọng ca opera vẫn đang âm thầm len lỏi trong dòng chảy âm nhạc đại chúng và có một đời sống riêng khá “êm ấm”. Tuy không ào ạt như các ca sĩ hot trên thị trường nhưng CD của những giọng ca hàn lâm lại bán theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, cứ lai rai qua năm này đến năm khác, không lo bị “lạc mốt” trên thị trường.

Hơn nữa, với chi phí đầu tư không quá cao, không có ca sĩ ngôi sao “hét” giá, sản xuất CD giọng ca hàn lâm vì thế mà ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, để có thể đến tay người mua, nhà sản xuất và nghệ sĩ cũng phải đầu tư cho hòa âm – phối khí vì nếu chất lượng không tốt thì chắc chắn là không thể bán đường dài. Sự đổi mới cũng rất quan trọng, các nhà sản xuất và nghệ sĩ phải liên tục ra những chương trình mới. Hơn nữa, việc thăm dò thị trường cũng rất cần thiết, nói cách khác, CD của những nghệ sĩ opera muốn bán được thì phải đánh vào tâm lý của người tiêu dùng khó tính.

Dẫu vậy, bấy nhiêu nỗ lực dường như chưa xứng với mảng âm nhạc lâu nay được gắn mác hàn lâm. Người trong giới cần nhiều sáng tạo hơn nữa để opera tìm lại vị trí cũng như đẳng cấp của mình.

 Giọng hát opera là làm thật, ăn thật, không qua bất cứ hệ thống thu âm hay hỗ trợ âm thanh nào vì ngoài việc không thể dùng tiểu xảo âm thanh, người nghệ sĩ cũng cần học hỏi, luyện tập chăm chỉ như chính việc ăn uống, hít thở mỗi ngày. Còn về vấn đề cát-xê, con số hàng chục triệu đồng trả cho nghệ sĩ solo của dòng nhạc thị trường luôn là niềm mơ ước của các nghệ sĩ hát opera Việt Nam chứ đừng nói tới hàng trăm triệu đồng. Công sức bỏ ra của một nghệ sĩ opera cho một chương trình hòa nhạc thành công lớn hơn rất nhiều so với những gì họ nhận lại.

(Nghệ sĩ hát opera TRỊNH THANH BÌNH)

Khanh Phương

​Đào tạo nhân lực cho nghệ thuật truyền thống: Cuộc “giải cứu” nửa vời?

VH- Trong tháng 6, Nhà hát Tuồng VN tổ chức thi tốt nghiệp cho 32 học sinh ở năm cuối đào tạo hệ trung cấp, Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức lễ báo cáo cho 17 diễn viên và 9 nhạc công chèo sau quá trình tập sự tại Nhà hát. Vậy là cuộc “giải cứu” cho việc thiếu nguồn nhân lực nghệ thuật truyền thống qua Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước của Bộ VHTTDL đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu có sự kết hợp giữa đơn vị nghệ thuật và cơ sở đào tạo vẫn còn lỏng lẻo.

Giải cứu mối lo “Mai một, thất truyền”

26 diễn viên, nhạc công trẻ của Nhà hát Chèo VN và 32 học sinh vừa thi tốt nghiệp lớp Trung cấp Tuồng của Nhà hát Tuồng VN là kết quả của việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Thời gian đào tạo với diễn viên chèo là 3 năm, diễn viên tuồng là 4 năm. Các em được tuyển ở lứa tuổi 14 và 15 và giờ ra trường thì có độ tuổi từ 17, 18. Đây là độ tuổi vàng để các em về đơn vị có thêm thời gian tích luỹ kinh nghiệm thực tế, kéo dài tuổi nghề.

Buổi ra mắt báo cáo sau thời gian tập sự của 17 diễn viên và 9 nhạc công sau 1 năm được nhận về Nhà hát Chèo VN đã để lại những ấn tượng rất thú vị đối với các đại biểu, đặc biệt là những nhà nghiên cứu, những nghệ sĩ chèo lâu năm.

Theo đề án thì các nhà hát là chủ trì dự án sẽ đề xuất số lượng thí sinh tuyển sinh dựa trên yêu cầu thực tế của từng đơn vị và chủ động sơ tuyển tại địa phương. Trong thời gian đào tạo các nhà hát sẽ phối hợp mời các nghệ sĩ của Nhà hát và giỏi của ngành tham gia đào tạo chuyên môn. Theo dự án, các em được hỗ trợ không mất tiền ở còn được miễn 100% học phí cả 4 năm học. Học sinh theo học sẽ chỉ phải lo chi phí tiền ăn. Các em được sắp xếp bố trí chỗ ở ngay tại Nhà hát.Việc cùng sinh hoạt ngay trực tiếp tại nhà hát giúp cho học sinh có nhiều cơ hội rèn nghề từ việc tham gia xem các anh chị nghệ sĩ tập vở, tham gia đóng vở và có nhiều điều kiện để tập luyện trên sân khấu.

Qua chia sẻ với lãnh đạo Nhà hát Tuồng và Nhà hát Chèo đều thấy ngoài kinh phí mà nhà nước cấp để đào tạo theo dự án thì các nhà hát đã tự co kéo thêm từ tiền ngân sách, tiền quỹ phúc lợi của đơn vị để đầu tư cho các em chỗ tập luyện, sinh hoạt và hỗ trợ học chuyên môn. Lo lắng về sự mai một, thất truyền, không để “gieo vừng ra ngô” mà các NSND, NSƯT, các thày bà nổi tiếng của ngành Chèo và Tuồng đều không nề hà thù lao giảng dạy còn hạn hẹp, không quản ngại đi lại, thậm chí dạy vượt cả khung giờ, ngày dạy, luôn theo sát các trò trong lớp để giảng dạy, chỉ dẫn cho những người sẽ kế tục sự nghiệp của mình. Ngoài những lúc các chị trong nhà hát tập vở thì sân khấu luôn rộng mở cho các học sinh được vào tập luyện 24/24 giờ.

 Trong khi các đơn vị nghệ thuật truyền thống đều gặp khó khăn khi thiếu nhân lực trẻ bổ sung thì Nhà hát Chèo Việt Nam lại có được một lực lượng diễn viên, nhạc công trẻ để thanh xuân hoá đội ngũ nhờ việc triển khai Đề án. Chúng tôi thấy rằng việc thực hiện đào tạo với hình thức kết hợp giữa Nhà hát và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là một hướng đi đúng và đáp ứng nhu cầu thanh xuân hoá đội ngũ của Nhà hát Chèo VN. Chưa nói về việc có hay không tài năng nhưng rõ ràng các em đã thể hiện rất chuẩn chỉ vốn nghề truyền thống. Nhiều em đã diễn tròn được những vai mẫu khó trong chèo như Thị Màu, Thị Kính, Suý Vân. (NSƯT ĐOÀN VINH, Nhà hát Chèo Việt Nam)

Cần sự bắt tay chặt chẽ hơn giữa nhà hát và cở sở đào tạo

“Chúng tôi sẽ phải tiếp tục kiểm tra sát hạch để ký hợp đồng làm việc đối với 26 diễn viên, nhạc công đang thực tập tại Nhà hát Chèo VN. Hiện nay Nhà hát vẫn duy trì hỗ trợ 2 triệu đồng kể từ ngày các cháu nhập trường học cho đến khi tập sự. Sau khi ký hợp đồng vào tháng 7 các cháu sẽ ăn lương hợp đồng. Chưa thể nói được sẽ có những tài năng hay không, điều này phụ thuộc vào lòng yêu nghề và nỗ lực rèn nghề của các cháu. Nếu lao tâm khổ tứ với nghề chắc chắn sẽ có ngày ăn lộc tổ nghề. Chưa chính thức nhưng một số cháu đã được chúng tôi đưa vào đóng các vai trong các vở diễn của đơn vị”, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo VN chia sẻ. Được biết, Nhà hát Chèo VN đang lập dự án đào tạo liên thông cho diễn viên hợp đồng. Lứa diễn viên tập sự khi ký hợp đồng cũng sẽ có cơ hội tham gia, vừa được làm nghề, vừa được học nâng cấp lên bậc đại học.

 Báo cáo của diễn viên trẻ thực tập do Nhà hát Chèo VN đào tạo

Tới dự lớp báo cáo tốt nghiệp của 32 học sinh do Nhà hát Tuồng VN tuyển chọn và phối hợp với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đào tạo cũng có những ghi nhận tốt về chất lượng đào tạo qua các vai diễn mà các em thể hiện. Lớp tuồng được đào tạo 4 năm nên ra trường sau lớp chèo 1 năm. 22 diễn viên và 10 nhạc công đã thể hiện khá xuất sắc bài thi với 5 chương trình, trong đó có 2 vở tuồng cổ Sơn hậu, Nữ tướng Đào Tam Xuân, 1 vở tuồng cổ Nghêu Sò Ốc Hến và 3 trích đoạn Châu Sáng qua sông, Đào Tam Xuân đề cờ, Hồ Nguyệt Cô hoá cáo và các phần thi hoà tấu, độc tấu nhạc cụ. Khác với chèo thì việc tuyển diễn viên, nhạc công cho tuồng khó khăn hơn. Đó là lý do Nhà hát Tuồng VN đã kiến nghị xin thêm chỉ tiêu đào tạo và được Bộ VHTTDL chấp nhận. Hiện nay, Nhà hát Tuồng VN có chỉ tiêu 107 biên chế nhưng thực tế chưa có đến 90 biên chế. Lứa học sinh này sẽ được nhận tất cả về Nhà hát Tuồng VN và những ai giỏi, tài năng sẽ lần lượt được đưa vào biên chế. Tuy chưa tốt nghiệp nhưng qua phần thi của các em học sinh, các nghệ sĩ lớp đàn anh, đàn chị đều cảm thấy rất hài lòng về chất lượng đào tạo. Những vai diễn mẫu của Tuồng như Trịnh Ân, Kim Lân, Đào Tam Xuân được học sinh đóng khá tròn.

Mong được thực hiện tiếp Đề án

Báo cáo tốt nghiệp của học sinh lớp trung cấp của Nhà hát Tuồng VN đào tạo

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các nhà hát đều khẳng định rằng việc để các nhà hát được chủ động tuyển sinh, tham gia đào tạo và trực tiếp nhận “đầu ra” đã mang lại hiệu quả rất cao đó là chất lượng đào tạo. Mặt khác, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng VN nhận định: “Chúng tôi mong sẽ được thực hiện tiếp Đề án để 5 năm sau nhà hát có thêm lứa diễn viên mới để thanh xuân hoá đội ngũ. Tuy nhiên, công tác phối hợp đào tạo giữa nhà hát và trường cũng cần có sự điều chỉnh để tạo nên sự thống nhất, tránh tình trạng kết hợp… nửa vời. Nhà hát là chủ dự án cần được thông qua danh sách các nghệ sĩ, các thầy dạy chuyên môn cũng như danh sách hội đồng chấm thi tốt nghiệp cho học sinh của mình. Tôi rất bất ngờ khi trong danh sách hội đồng chấm thi tốt nghiệp mà nhà trường thông báo có cả những nghệ sĩ của đơn vị mình mà tôi với vai trò là giám đốc lại không hề được thông qua. Giám đốc Nhà hát là chủ dự án thì phải được chấm chọn để đảm bảo chất lượng sau này chúng tôi có trách nhiệm với chất lượng đào tạo khi là người tuyển dụng”. Ông Tuấn cho rằng việc kết hợp này đôi khi chưa được chặt chẽ, các học sinh lớp tuồng chỉ có 1 ngày để chuẩn bị sân khấu để dự thi là quá gấp gáp cho việc tập luyện, làm quen với sân khấu, bản thân các anh chị diễn viên của Nhà hát muốn diễn tốt cũng phải có vài ngày làm quen với sân khấu và tập luyện. Chính vì vậy mà Nhà hát Tuồng đã chuyển tất cả phần thi của lớp tuồng về sân khấu ở đơn vị. “Nhà nước đã bỏ kinh phí để đào tạo thì học sinh được đào tạo kết hợp giữa Trường và nhà trường cũng cần được thụ hưởng các ưu đãi, chính sách như học sinh, sinh viên khác”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cho đến thời điểm này thì rõ ràng việc đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật truyền thống theo đề án phối kết hợp giữa nhà hát và cơ sở đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực cao khắc phục sự thiếu hụt lực lượng cho các đơn vị đã đạt được những hiệu quả bước đầu đầy khả quan. Chắc chắn sau một khoá đào tạo thế này sẽ cần phải có một hội thảo mang tính chuyên ngành từ chính những người đang thực hiện đề án cũng như các thầy, cô giáo tham gia giảng dạy. Điều chỉnh ra một cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị, từng cá nhân là điều rất cần phải có sự thống nhất từ phía nhà hát cũng như cơ sở đào tạo. 

THUÝ HIỀN

Vẫn chờ tác phẩm lý luận, phê bình đặc biệt xuất sắc

VH- Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương vừa tổ chức kỳ họp thứ Tư và Lễ trao tặng thưởng cho 28 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2016-2017. Không có tác phẩm được trao tặng thưởng mức A, tặng thưởng của Hội đồng phản ánh đúng thực trạng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay.

Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu… Đây là tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng dành cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng và các đơn vị có nhiều tác phẩm có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Kỳ xét tặng thưởng lần này dành cho các công trình ra đời trong 2 năm 2016-2017. Thường trực Hội đồng đã thành lập Ban Chỉ đạo Hội đồng xét tặng thưởng và các tiểu ban sơ tuyển với sự tham gia của các chuyên gia khoa học đầu ngành, văn nghệ sĩ có uy tín… để thẩm định. Hội đồng xét chọn đã nhận được 96 tác phẩm từ các cơ quan, đơn vị gửi về, trong đó có 57 bài viết, 36 cuốn sách, 3 chương trình phát thanh truyền hình đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng.

Qua các vòng xét giải, Hội đồng đã quyết định tặng thưởng cho 28 tác phẩm, trong đó không có mức A; 10 tác phẩm được tặng thưởng mức B, 13 tác phẩm mức C, 5 tác phẩm mức Khuyến khích và 9 đơn vị có nhiều tác phẩm có đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình VHNT. PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: “Kết quả xét thưởng cũng phản ánh đúng thực trạng của lý luận, phê bình văn học hiện nay khi không có những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống. Đó là lý do sau khi có sự cân nhắc kỹ lưỡng, Hội đồng quyết định không trao tặng thưởng mức A đối với các tác phẩm dự xét giải lần này”.

Tại kỳ họp thứ Tư của Hội đồng lý luận, phê bình VHNT TƯ, nhiều điểm sáng trong hoạt động của Hội đồng đã cho thấy hoạt động của Hội đồng đã bám sát thực tiễn, nắm bắt tình hình VHNT nói chung và đời sống lý luận, phê bình nói cung. Cụ thể, Hội đồng đã tổ chức thành công tọa đàm khoa học “Góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn” với sự tham gia của gần 60 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo có uy tín tại các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, đại diện các cơ quan văn hóa, giáo dục ở TƯ và Hà Nội cùng Ban soạn thảo Chương trình. Hội đồng cũng đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật Cải lương ở VN (1919 – 2018) – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” tại TP HCM. Ngoài ra, trên cơ sở 61 đề cương của các tác giả trong cả nước gửi về bao gồm 48 đề cương sách, 13 đề cương bài viết, Hội đồng đã xét chọn, quyết định hỗ trợ triển khai 14 đề cương…

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN cho rằng: “Năm tiểu ban thuộc Hội đồng hoạt động từng lĩnh vực khác nhau nhưng trước một hiện tượng hay một vấn đề nổi cộm của đời sống VHNT nói chung hay vấn đề lý luận, phê bình VHNT nói riêng thì các tiểu ban cũng nên lên tiếng, cầm cân nảy mực một cách thiết thực và đúng mực”. Sắp tới trên cơ sở đề xuất của các tiểu ban, Hội đồng lý luận, phê bình VHNT TƯ sẽ phê duyệt cho mỗi tiểu ban tổ chức ít nhất 1 tọa đàm khoa học. Để đẩy mạnh đời sống lý luận, phê bình VHNT, dư kiến Hội đồng lý luận phê bình VHNT TƯ cũng sẽ tổ chức những lớp bồi dưỡng dành cho đội ngũ các cây bút trẻ viết lý luận, phê bình VHNT trong cả nước. Đó là cơ sở để xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT ngày càng lớn mạnh, đủ sức cầm chiếc đũa chỉ huy cho dàn nhạc VHNT VN sống động và có những tác phẩm đỉnh cao. 

 PHÚC NGHỆ

Mê mẩn với 40 phác thảo tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí

VH- Khai mạc sáng 26.6 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã thu hút đông đảo công chúng mến mộ tài năng danh họa tới để chiêm ngưỡng 40 tư liệu phác thảo tranh của ông, hiện đang thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã tới dự.

Triển lãm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 -2018), kỷ niệm 52 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (24.6.1966 – 24.6.2018) và đặc biệt, nhằm tôn vinh những đóng góp của danh họa đối với lịch sử phát triển mỹ thuật nước nhà. 40 tư liệu phác thảo tranh của danh họa có kích thước khác nhau và được thể hiện bằng nhiều chất liệu như bút bi, bút dạ, sơn dầu, màu nước, chì than, màu sáp… trên giấy; chia thành các tiểu đề về phong cảnh, nhân vật, chi tiết trang trí và đề tài lịch sử. Đây là một sưu tập quý mà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã sưu tầm qua hai giai đoạn: năm 1991 và năm 2010.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí là người đi đầu trong việc tìm tòi chất liệu tạo hình mới và được vinh danh bởi những đóng góp trí lực, những nỗ lực và cống hiến hết mình trong việc đưa “sơn ta” của mỹ nghệ truyền thống thành “sơn mài”, một chất liệu hội họa đặc trưng của dân tộc. Ông cũng là tác giả của hai Bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” và Bình phong “Thiếu nữ trong vườn” – “Phong cảnh”.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa chính thức công nhận là một trong mười họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại (năm 1989) và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 2012).

Triển lãm diễn ra từ 26.6 đến 10.7, đánh dấu bước phát triển trong mối quan hệ hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

AN TÂM

“Đói” phim hè cho thiếu nhi

VH-  Thiếu kịch bản hay, nên khi đã vào hè rồi các nhà làm phim truyền hình dành cho thiếu nhi mới giật mình: Phim cho các con thiếu trầm trọng!

Nếu những mùa hè trước, khán giả nhí có dịp tiếp cận với những bộ phim thiếu nhi ấn tượng, ngộ nghĩnh thì mùa hè năm nay các bộ phim mới rất ít, khi lên sóng lại chiếu theo kiểu nhỏ giọt. Thực trạng đáng buồn trên dẫn đến hiện nay các em tìm đến phim ngoại, những chương trình giải trí và phim ảnh không phù hợp với lứa tuổi.

Chia sẻ về nguyên nhân phim dành cho thiếu nhi thiếu trầm trọng, đại diện hãng phim TFS – một trong số những đơn vị hiếm hoi sản xuất các bộ phim cho các em nhỏ trong nhiều năm qua cho biết rất nhiều đạo diễn của hãng sẵn sàng làm phim “không công” cho thiếu nhi nhưng việc thiếu những kịch bản hay, hóm hỉnh, mang tính giáo dục cao, có chất lượng để dựng thành phim khiến các đạo diễn mỏi mòn chờ đời.

Thống kê cho thấy, số lượng kịch bản dạng này những năm qua gửi về các hãng phim chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh, tác giả của các phim thiếu nhi như Mùa hè sôi động, Xúc xắc mùa thu cho biết vì các em có nhiều hoàn cảnh và suy nghĩ rất khác với người lớn nên khó khăn lớn nhất khi viết kịch bản thiếu nhi là người viết phải “nhập vai” để hiểu tâm lí và tìm được tiếng nói chung với trẻ. Nếu không sống trong thế giới trẻ em thì dù có viết ra những kịch bản đọc thì rất hay nhưng không thể dựng phim được vì thực tế lăng kính của người lớn không phù hợp với tư duy trẻ nhỏ. Đạo diễn Nguyễn Minh Cao (từng làm nhiều phim thiếu nhi) thì cho rằng để có một kịch bản phim thiếu nhi, người viết phải đầu tư rất nhiều từ chất xám, đến trí tưởng tượng, tư duy sao cho hóm hỉnh để chinh phục các thiên thần nhỏ; đầu tư nhiều là thế nhưng hiện nhuận bút trả cho thể loại này chưa cao nên khó mà thu hút được những người có nghề tham gia viết lách. Hơn hết chuyện xin tài trợ, quảng cáo cho phim người lớn với các yếu tố “giật gân, câu khách” hiện nay đã vô cùng khó huống hồ phim chiếu cho các cháu coi, do đó làm phim thiếu nhi nếu không vì cái tâm, tình yêu thương con trẻ thì chẳng ai đảm nhận vì hầu như chuyện hòa vốn đã khó huống chi mơ đến có lời. Tương tự nữ đạo diễn Mỹ Khanh (từng thành công với phim truyền hình trẻ em Lục lạc huyền bí) cho biết làm phim thiếu nhi giống như một cuộc phiêu lưu, mà ở đó người lớn phải tìm được các “báu vật trong hành trình trở về tuổi thơ”. Ví dụ như “săn” được kịch bản hay, rồi đến diễn viên nhí diễn xuất tốt, cũng như đội ngũ ê kíp muốn làm một tác phẩm chỉn chu cho trẻ nhỏ… Qua đó chia sẻ thêm kinh nghiệm để phim của mình hấp dẫn, chị đã từng mang bản dựng chiếu cho con gái của mình và trẻ em hàng xóm xem để góp ý và chỉnh sửa bộ phim nhiều lần bởi không ai có thể đánh giá phim hay hoặc dở chính xác nhất bằng chính đối tượng công chúng mà tác phẩm hướng tới. Hiện một số đài truyền hình tỉnh có đầu tư về thể loại phim truyền hình về câu chuyện cổ tích, nội dung khuyên con người sống nên ăn hiền ở lành, mang tính giáo dục cũng như chân-thiện-mỹ, một số còn có phim thiếu nhi viễn tưởng (có phép thuật, mang nội dung phiêu lưu về quá khứ hay lạc vào truyện cổ tích…) nhưng số này vẫn chưa thỏa mãn được “cơn đói” phim thiếu nhi vốn dai dẳng và cần số lượng lẫn chất lượng nhiều hơn thế. Mặc khác nội dung cũng như lối diễn xuất của các diễn viên thường là không chuyên ở thể loại này vẫn chưa thật sự hấp dẫn, gần gũi trẻ em Việt. Từ đây đề xuất các nhà viết kịch bản hãy bắt đầu sáng tác kịch bản phim thiếu nhi từ những thứ đơn giản như nội dung xoay quanh các mối quan hệ giữa ông bà với con trẻ, tình bạn tình thân, tình thầy trò… chắc chắn sẽ dễ “thấm” và giúp các em học hỏi được nhiều hơn trong cách đối nhân xử thế, ứng xử xung quanh mình. Bên cạnh đó, các đạo diễn thành thật chia sẻ họ đang vô cùng nôn nóng và sẵn sàng làm phim thiếu nhi (nếu có kịch bản thật sự tốt) dù không cát xê cũng chấp nhận bởi nỗi sợ các em lớn lên sẽ quay lưng lại với phim Việt nếu cứ mãi để tình trạng “đói phim” như trên kéo dài thêm nữa.

 QUANG KHẢI

Nhà báo nữ viết sách “Siêu Nhân Mẹ không cô đơn”

VH- “Siêu Nhân Mẹ không cô đơn” là cuốn sách viết về chuyện yêu, cưới, bầu, sinh con, nuôi con của hai nhà báo nữ trẻ tuổi hiện làm việc tại TP.HCM: Nguyễn Thắm (Báo Thiếu Niên Tiền Phong), Cẩm Viên (Báo Mực Tím). Sách ra mắt đúng dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6 và Ngày Gia đình Việt Nam 28.6.

Sách gồm 4 chương: Chồng già – vợ trẻ chưa hẳn là tiên, Những nhà bầu bí học, Nô tì mã số 24/7/365, Siêu Nhân Mẹ rối hơn canh hẹ. Bằng giọng văn dí dỏm, sinh động, chan chứa yêu thương, hai tác giả đã kể những câu chuyện gia đình vừa rất riêng vừa rất có thể là của chung nhiều phụ nữ: “lăn lộn” chụp ảnh cưới, bỡ ngỡ khi mang bầu, nổ não đặt tên con, đau đớn vượt cạn, ăn uống bất chấp để có sữa mẹ nuôi con, “bế tắc” trong khoản hát ru, trắng đêm khi con khóc, buồn vui theo mỗi bữa ăn, giấc ngủ…

Như nhiều Siêu Nhân Mẹ khác, các tác giả sống tranh thủ từng phút giây để vừa “cày” việc cơ quan vừa “bừa” việc nhà. Nhịp điệu hối hả đặc trưng của nghề báo hiển hiện khá rõ trong sách qua những câu chuyện về những lần mẹ đi công tác ngang dọc đất nước, đến cả vùng biển đảo xa xôi, về những ngày tháng mẹ hối hả viết tin bài ở tòa soạn mà lòng như lửa đốt vì con ở nhà ré khóc, là những đêm khuya khoắt khi cả nhà đã ngủ say, mẹ vẫn lách cách bên laptop để hoàn thành bài báo sáng mai kịp nộp tòa soạn,…

Ngoài những câu chuyện gia đình sinh động, dí dỏm, ẩn chứa những thông điệp ý nghĩa, sách còn có phần tư vấn ngắn gọn, dễ nhớ của bác sĩ Phạm Ngọc Bảo Trân và bác sĩ Trương Hữu Khanh về những điều cần lưu ý khi mang thai, sinh nở và chăm sóc trẻ nhỏ…

Sách do Saigonbooks ấn hành trên toàn quốc.

Trẻ em đang cần người kể chuyện

VH-  Những tác phẩm viết cho thanh thiếu niên của các tác giả trong nước ngày càng thiếu và yếu, nặng tính giáo huấn. Nguyên nhân này, theo TS Nguyễn Ngọc Minh, viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên thực sự rất khó. Có tác giả thích viết cho thanh thiếu niên nhưng lại sợ khi viết và bỗng tỉnh ra là mình đã lớn, thực sự làm người viết bị mắc kẹt và bối rối.

Văn chương viết về sự trưởng thành mang đến những cảm xúc đẹp đẽ để mỗi con người nhìn thấy mình, soi chiếu mình trong chân giá trị của sự tử tế, nhân văn. Sự đồng cảm với nhân vật là cách người viết chạm đến cảm xúc của người đọc. Cảm xúc ấy vừa là trải nghiệm cá nhân tác giả, vừa là việc hiểu biết tâm lý ở giai đoạn quan trọng nhất của con người. Tâm lý đó được biểu hiện một cách rõ ràng nhưng không khuôn mẫu và cần đủ sự bao dung, điềm tĩnh để thấu hiểu. Bởi vậy, dòng văn học này dễ khai thác nhưng để viết hay, chạm đến cảm xúc cũng không đơn giản.

Có những tác giả Việt Nam chạm đến cảm xúc của độc giả với các tác phẩm như Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Quân khu Nam Đồng (Nguyễn Bình Ca), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)… Hay Nguyễn Nhật Ánh là người luôn gắn bó để chia sẻ niềm vui và cả nỗi đau cùng bạn đọc trong lứa tuổi trưởng thành. Nhưng tính ra thì số lượng này thực sự không nhiều. Chưa kể, những năm gần đây, tác phẩm viết cho thiếu nhi của các tác giả trong nước càng ngày càng yếu và nặng tính giáo huấn. Một phần lý do là viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên thực sự rất khó. Có tác giả khi viết luôn đứng trước nỗi lo sợ đánh mất đứa trẻ trong mình. Nhưng vào giai đoạn ấy, người ta không còn là trẻ con mà cũng chưa hẳn là người lớn.

Không chỉ vậy, sự phát triển của các loại hình giải trí nghe nhìn, thể loại văn học về sự trưởng thành cũng chịu nhiều tác động. Văn học cho thiếu nhi cần nhiều tưởng tượng, câu chuyện trong trẻo, hồn nhiên còn dòng văn học cho thanh thiếu niên đòi hỏi sự tiếp cận đời sống mới mẻ hơn nhưng cũng phải tinh tế hơn. “Đôi mắt” của người viết không chỉ quan sát mà còn cần tinh nhạy nhận ra những góc ẩn sâu trong quá trình một đứa trẻ trưởng thành giữa cuộc sống hiện đại ngổn ngang vấn đề và nhiều bất trắc.

20 năm trước, độc giả Việt Nam biết đến nhân vật “Thằng Nhóc” trong tiểu thuyết cùng tên của Alphonse Daudet. Câu chuyện về Thằng Nhóc đầy tình cảm, chạm tới người đọc với ngòi bút tinh tế và mang tính giáo dục cao. Ấy là câu chuyện về một chú bé tỉnh lẻ nghèo khổ và yếu đuối, trải qua hành trình trải đầy gian nan, cạm bẫy từ những năm tháng niên thiếu gian khó. Thằng Nhóc luôn đi tìm ý nghĩa cuộc sống, chịu nhiều tổn thương để hiểu ra được ý nghĩa cuộc sống của mình. Thằng Nhóc đang sống trong thế giới yên bình, nó sở hữu một thế giới trong trẻo. Khi nó biết gia đình gặp vấn đề tài chính, buộc phải chuyển tới nơi ở mới, không mang theo nhiều thứ gắn bó, bài học đầu tiên của nó là từ bỏ…

Nhưng đấy không chỉ là dạng tiểu thuyết tự truyện của Alphonse Daudet mà còn là tiểu thuyết về sự trưởng thành. Đây là thể loại quan trọng của văn học thế giới, nó miêu tả sự lớn dần của một con người. Khởi đầu là khi tuổi tác còn trẻ, quan niệm về cuộc sống còn nhiều bỡ ngỡ, nhân vật sẽ trải qua một hành trình với câu hỏi lớn: Khi nào chúng ta thật sự trưởng thành? Trưởng thành ở đây không hề là một quá trình dễ chịu. Nhân vật phải đối mặt với nhiều biến cố. Khá nhiều tác phẩm lớn trên thế giới thuộc thể loại này, ví dụ Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawer, Oliver Twist, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh… đã được dịch sang tiếng Việt.

Quá trình để trở thành người lớn đầy khó khăn nhưng cũng rất hạnh phúc. Bởi vậy, những cuốn sách viết về đề tài này chính là món ăn tinh thần quý giá cho những người đang chập chững trước ngưỡng cửa trở thành người lớn và cả những ai quay đầu nhìn lại hành trình cuộc đời khi đã ngấp nghé tuổi hoa niên. 

 THANH NGỌC

Cách mạng công nghiệp 4.0 và sân khấu Việt: “Bảo thủ” hay đối mặt?

VH- Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa xã hội phát triển ở một tầm cao mới và đặt ra cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam nhiều thách thức gay gắt hơn nếu bản thân những người làm sân khấu không tự đổi mới mình cho phù hợp.

Nhà hát Hòa Bình được thiết kế dưới gầm hệ thống sân khấu nâng và sân khấu quay

Người đứng đầu đơn vị nghệ thuật nói chung, cá nhân nghệ sĩ nói riêng chưa phải đã có thể vượt lên để làm chủ công nghệ…

Hai mặt của vấn đề

Nhìn những tác động từ Cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 và 2.0 đã làm đổi thay diện mạo của sân khấu rất lớn: Từ chỗ sân khấu chỉ có ánh đèn dầu, đuốc sang ánh điện; từ chỗ có âm thanh thực từ dàn nhạc và đài từ của diễn viên đến chỗ có micro hỗ trợ; từ chỗ đi biểu diễn từ làng này sang làng khác bằng xe ngựa, xe bò, đi bộ sang đi biểu diễn từ tỉnh thành này đến tỉnh thành khác, nước này sang nước khác bằng các phương tiện tàu thủy, tàu điện, ô tô, máy bay; từ chỗ chỉ lưu giữ, phổ biến kịch bản bằng truyền miệng, viết tay sang in ấn phát hành thành sách, báo và đĩa hát…

Cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, đặc biệt của internet đã tác động mạnh đến nghệ thuật sân khấu Việt. Nhiều tác phẩm sân khấu được truyền đến đông đảo khán giả từ nông thôn đến thành thị, từ trong nước đến nước ngoài… thông qua các băng đĩa, internet một cách tinh gọn, nhanh chóng với chi phí thấp, tiện lợi khi chỉ cần ngồi nhà là có thể xem được nhiều vở diễn, chương trình khác nhau. Tuy nhiên, cũng chính sự phát triển của công nghệ thu phát âm thanh, hình ảnh, cùng với sự phát triển như vũ bão của internet đã khiến nghệ thuật sân khấu ngoài rạp ở Việt Nam không đủ sức cạnh tranh, bị lâm vào tình trạng khủng hoảng thiếu khán giả.

Trước hết, về cơ sở vật chất, hệ thống các rạp hát, nhà hát ở nước ta hiện nay hầu hết đều không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nhân loại tiến bộ. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 là cách mạng khoa học và công nghệ mới, hội tụ ở đỉnh cao của các lĩnh vực công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy, tích hợp con người – máy móc… đòi hỏi các rạp hát, nhà hát sân khấu phải được thiết kế, xây dựng, nâng cấp sao cho phù hợp, nhằm vừa đáp ứng yêu cầu của công việc sáng tạo nghệ thuật, vừa thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ mới của khán giả. Do đó, để tồn tại, phát triển, sân khấu Việt Nam phải được hiện đại hóa, nếu không không thể thu hút được khán giả với hệ thống cơ sở vật chất các rạp hát, nhà hát cũ kỹ, lạc hậu.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều sản phẩm giải trí và dịch vụ mới được thực hiện từ xa với chi phí không đáng kể phục vụ người tiêu dùng; internet, điện thoại thông minh, công nghệ kỹ thuật số digital và hàng ngàn ứng dụng giúp cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn, năng suất hơn… làm sân khấu chịu nhiều áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn. Do đó, để hòa nhập với kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, sân khấu Việt Nam phải thay đổi về bộ máy tổ chức nhân sự, về phương thức hoạt động để tiếp cận khán giả, nếu không sẽ bị đào thải theo quy luật cạnh tranh trên thị trường.

Sân khấu đã chuẩn bị gì?

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển ứng dụng người máy kết nối, hội tụ của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và internet… sẽ thay thế những nhân viên hậu đài làm các công việc nặng nhọc như vận chuyển, lắp ráp sân khấu ngoài trời, trang trí bối cảnh, thực hiện các kĩ xảo, thủ pháp nghệ thuật… đòi hỏi kỹ thuật phức tạp… Tuy nhiên, mọi máy móc không thể thay thế được người nghệ sĩ. Vì nghệ thuật sân khấu thuộc lĩnh vực sáng tạo, gắn liền với mọi cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố của con người – điều mà máy móc không thể làm được. Nói như vậy không có nghĩa là các nghệ sĩ – nguồn nhân lực của sân khấu Việt Nam tách mình khỏi cuộc cách mạng công nghệ mới. Trên thực tế, các nghệ sĩ Việt Nam có tài năng nghệ thuật, nhưng phần lớn còn hạn chế về khoa học và công nghệ. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự bùng nổ hàng loạt công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, công nghệ điện toán đám mây, thực tế ảo…) với tốc độ thay đổi công nghệ chóng mặt. Để sân khấu có sức cạnh tranh, các nghệ sĩ Việt Nam trong quá trình sáng tạo, phải biết tiếp nhận, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo nên sự đổi mới, đột phá về mặt hình thức nghệ thuật. Để bắt kịp với sự phát triển của thời đại cách mạng công nghệ 4.0, các nghệ sĩ phải nắm bắt, phản ánh nhanh nhạy những vấn đề xã hội mới, mang tư tưởng của thời đại, sao cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của khán giả mới.

Cách mạng công nghệ 4.0 với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, internet kết nối vạn vật… còn thúc đẩy sự liên kết liên văn hóa giữa các quốc gia, giúp các nghệ sĩ gia tăng hiểu biết, tương tác với các nền nghệ thuật sân khấu khác trên thế giới. Tuy nhiên, chúng lại làm gia tăng mạnh hơn nữa nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, đặt các nghệ sĩ đứng trước thách thức bảo tồn di sản nghệ thuật sân khấu truyền thống. Làm thế nào giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa cái nội sinh với cái ngoại sinh là điều không đơn giản đối với các nghệ sĩ sân khấu truyền thống. Bởi lẽ, nếu tiếp nhận cái ngoại sinh không cẩn trọng, sẽ làm di sản sân khấu truyền thống của dân tộc bị mai một, biến tướng; ngược lại, nếu chỉ lo bảo tồn di sản, không phát huy giá trị của di sản cho phù hợp với xã hội đương đại, thì di sản khó tồn tại bền vững.

Hiện tại, sân khấu Việt Nam còn chậm đổi mới, chưa chuyển đổi, thích ứng kịp với những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ ba thì sẽ còn loay hoay, lúng túng nhiều hơn nữa trước những cơ hội và thách thức mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

 TRẦN THỊ MINH THU – Báo Điện tử Văn hóa

Nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam: Lớp trẻ thiếu tự tin?

VH- Sơn mài như một cô gái duyên dáng, mê hồn nhưng lại đỏng đảnh, khó chiều. Nghệ sĩ bước vào thế giới của sơn mài vì vậy cũng cần phải có dũng khí.

Nhận định nghệ thuật tranh sơn mài truyền thống Việt Nam đang dần dần mai một, nhiều thách thức đặt ra đối với loại hình nghệ thuật này là nội dung được các chuyên gia mỹ thuật Việt Nam và quốc tế nhấn mạnh tại cuộc tọa đàm Tranh sơn mài: chất liệu và nghệ thuật do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Goethe tổ chức ngày 13.6 tại Hà Nội.

Sơn mài Việt sẽ đi đâu?

Câu hỏi được đặt ra bởi chuyên gia Hà Lan – TS Dave Van Gompel, người tự nhận đã “nảy sinh tình yêu đối với đồ sơn mài châu Á”. Thời gian làm việc với tư cách người tu sửa đồ cổ tại Bảo tàng Rijksmuseum of Amsterdam, ông đã mê mẩn nhiều đồ sơn mài châu Á, trong đó có Việt Nam. “Nhưng sau này, trong quá trình nghiên cứu của mình, tôi nhận ra rằng, các quốc gia có truyền thống sơn mài dường như đang đứng giữa ngã ba đường và đối diện với câu hỏi: “Chúng ta sẽ đi đâu từ đây?”. Tôi chắc rằng sơn mài Việt Nam cũng như sơn mài Nhật Bản mà tôi đã từng nghiên cứu, đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức”, chuyên gia Hà Lan nhận định.

TS Dave Van Gompel đúc kết, thách thức đầu tiên là sự già hóa nhanh chóng của những người làm sơn mài. Những họa sĩ trẻ ngày nay không còn tự tin rằng họ có thể sống được với nghề sơn mài và chuyển ra những thành phố lớn để tìm kiếm công việc. Ngoài ra, còn có nhiều thách thức khác như: chi phí gia tăng và sự khan hiếm nguyên liệu và công cụ; thiếu việc truyền dạy khiến cho công chúng không hiểu biết nhiều về sơn mài tự nhiên và không thể phân biệt được đồ làm bằng tay và đồ sản xuất từ nhà máy; khoảng cách ngày càng lớn giữa sơn mài thủ công và nghệ thuật…

Tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam như một nét đẹp tự hào của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế, PGS. TS Đặng Mai Anh (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) cũng không quên lo lắng bởi những nét đẹp này trong thực tế đang cần thiết được lưu giữ và bảo tồn. Bà cho rằng, sơn mài truyền thống mang niềm kiêu hãnh Việt Nam cần được lưu giữ dài lâu để không bị hỏng, cong vênh do những tác động của thời tiết, khí hậu, mối mọt.

Ở góc độ nghiên cứu, theo ThS Vũ Tuấn Dũng (Trường CĐ Sư phạm TW), những người làm công tác nghiên cứu về sơn mài truyền thống Việt Nam hiện nay quá mỏng và thiếu. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có tác phẩm nào nghiên cứu sâu về sơn ta của các tác giả trong nước mà vẫn dùng các nguồn tư liệu nước ngoài là chủ yếu. Bên cạnh đó, lực lượng họa sĩ sơn mài Việt Nam hiện nay khá đông nhưng rất thiếu những tác giả có nền tảng căn bản. Nếu nhìn ở góc độ vĩ mô, một nền nghệ thuật không lưu tâm đến cội nguồn căn bản sẽ mất phương hướng và dễ đánh mất mình.

Cũng theo ông Vũ Tuấn Dũng, số lượng họa sĩ sơn mài Việt Nam tuy có đến vài trăm người trên cả nước nhưng đội ngũ chuyên nghiệp, coi sơn ta là chất liệu chính và sử dụng hoàn toàn nhựa sơn ta thì rất hiếm, chỉ khoảng 20- 30 người.

Để sơn mài là thương hiệu của hội họa Việt Nam

Mặc dù là loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam song trước thực tế hiện nay, các chuyên gia cũng rất trăn trở khi những người tâm huyết với nghề sơn ta truyền thống đang phải bất lực đứng nhìn hàng loạt di sản tranh sơn mài ngày một xuống cấp. Họa sĩ Phạm Chính Trung cho rằng, để những giá trị nghệ thuật quý báu này không bị biến tấu thêm, để cho những người yêu thích tranh Việt Nam và quốc tế phân biệt được dễ dàng giá trị của những bức tranh sơn mài truyền thống, đã đến lúc cần phải xây dựng những tiêu chuẩn và đăng ký thương hiệu cho sơn mài truyền thống Việt Nam, giữ cho chất liệu này là chất liệu riêng của hội họa Việt

Họa sĩ Phạm Chính Trung cũng kể câu chuyện một người nước ngoài đến Việt Nam học sơn mài truyền thống có nói lại rằng: “Nếu Việt Nam không giữ được sơn mài truyền thống thì mai kia ai muốn học sơn mài truyền thống hãy đến gặp tôi”. Ông Trung bày tỏ: “Nếu coi sơn mài truyền thống là tài sản quý giá của hội họa Việt Nam thì việc chúng ta dạy sơn mài truyền thống cho các họa sĩ nước ngoài có nên hay không? Công việc gìn giữ và phát triển sơn mài truyền thống Việt Nam không chỉ là công việc của một vài họa sĩ đam mê loại hình nghệ thuật này…”.

Những người vẽ sơn mài truyền thống ở Việt Nam hiện còn rất ít. Giới chuyên gia cũng cho rằng, để lưu giữ một ngành đã làm nên tiếng vang cho hội họa Việt Nam thì nên đầu tư và có chế độ khuyến khích để đào tạo thêm nhiều họa sĩ vẽ sơn mài.

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phạm Trung lưu ý, trước đòi hỏi từ thực tế, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần hoàn thiện và bổ sung, thành lập nhóm chuyên gia của bảo tàng chuyên về sơn mài có khả năng giám định, phục chế các sản phẩm, tranh liên quan đến chất liệu sơn ta và sơn mài. Những chuyên gia này cần có những máy móc hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, am hiểu kỹ thuật sâu về nghề.

Họa sĩ Lê Quốc Huy (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, trước thực tế nghệ thuật tạo hình thế kỷ XX đang chứng kiến những đổi thay to lớn trong việc nhìn nhận, đánh giá các tác phẩm nghệ thuật thì sơn mài cũng cần có những tìm tòi, giải pháp và cách tân, lạ hơn nữa. Qua đó mới có thể đáp ứng nhu cầu nội tại của nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung, sơn mài Việt Nam nói riêng. 

 MỘC MIÊN – Báo Điện tử Văn hóa

Trách nhiệm của các văn nghệ sĩ rất quan trọng

VH- Lòng yêu nước phải được thể hiện đúng cách, đúng nơi và đúng chỗ trên tinh thần xây dựng. Mọi người hãy tỉnh táo để thể hiện lòng yêu nước của mình một cách chân chính.

 Mỗi cá nhân cần phải bình tĩnh

Người dân có quyền nêu ý kiến và gửi chính kiến của mình đến các cơ quan chức năng về một vấn đề nào đó chưa rõ, chưa thực sự hiểu đúng bản chất của sự việc chứ không nên tụ tập đông người, đập phá trụ sở cơ quan như vừa qua. Những hành vi ấy là không thể chấp nhận. Qua theo dõi được biết, Quốc hội đã mở rộng nhiều kênh tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, chính vì vậy trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ để chỉnh lý dự án Luật Đặc khu. Đồng thời Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Theo tôi, trách nhiệm của các văn nghệ sĩ hiện nay rất quan trọng, họ có nhiều ảnh hưởng đối với công chúng và người hâm mộ, nên mỗi cá nhân cần phải bình tĩnh để không đưa ra những quan điểm đi ngược lại với lợi ích của đất nước, của nhân dân.

(NSND LÊ TIẾN THỌ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam)

Cần cân nhắc khi thể hiện quan điểm trên mạng xã hội

Facebook và fanpage của tôi không bao giờ đồng tình với những quan điểm đi ngược lại lợi ích của quốc gia, của dân tộc. Bản thân tôi cho rằng các nghệ sĩ đều phải ý thức được trách nhiệm là xây dựng những tác phẩm có chất lượng và có cách nhìn nhận cuộc sống tốt đẹp. Đấu tranh cho một việc gì đó phải có nhận thức thật đầy đủ mới làm chứ không thể làm theo kiểu tự phát, hồ đồ. Quan điểm của tôi là cần phải xử lý nghiêm những thành phần gây rối, vi phạm pháp luật.

(NSƯT XUÂN BẮC, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch VN)

Một số người đã hành xử rất sai

Cá nhân tôi cảm thấy kinh hoàng trước phản ứng quá khích vô cùng sai lầm của một bộ phận ở tại một số nơi. Tất nhiên, trong số những người quá khích thì chỉ có một số rất ít đối tượng xúi bẩy, kích động với mục đích “đục nước thả câu” thỏa mãn lợi ích cá nhân, còn lại đa số là những người dân chân chất hiền lành vì thiếu thông tin, hoặc hiểu chưa đúng vấn đề nên bị lôi kéo. Theo tôi mọi người hãy tỉnh táo để thể hiện lòng yêu nước của mình một cách chân chính thay vì hành xử cực đoan như những sự việc vừa xảy ra. Có sự yêu nước nào mà lại hè nhau xông vào đập phá trụ sở các cơ quan nhà nước, lăng mạ, đả thương người thi hành công vụ? Có ai yêu nước mà lại hô hào, cổ xúy cho cảnh bạo lực, khiến xã hội bất ổn, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng? Đó chỉ là những hành vi lợi dụng để phá hoại chứ hoàn toàn không phải lòng yêu nước thật sự.

(Ca sĩ TÂN NHÀN)

Phải sống và tuân theo pháp luật

Kích động, hô hào người dân xuống đường gây ách tắc giao thông có phải là lòng yêu nước? Phá hoại cơ sở vật chất tại các cơ quan nhà nước; đốt phá phương tiện của lực lượng thi hành công vụ có phải là sự thể hiện của lòng yêu nước? Gây mất trật tự – an ninh, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư – kinh doanh, ảnh hưởng tới lợi ích của đất nước, trong đó có mỗi người dân, có phải là việc làm yêu nước?… Những hành vi này không thể là sự thể hiện của lòng yêu nước mà là những hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng. Trong một nhà nước pháp quyền, mọi hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ ai đều phải được điều tra, xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Lòng yêu nước phải được thể hiện đúng cách, đúng nơi và đúng chỗ trên tinh thần xây dựng. Mọi người hãy tỉnh táo để thể hiện lòng yêu nước của mình một cách chân chính.

(Đạo diễn, NSƯT TRẦN MINH NGỌC)

Trong gia đình, người lớn tuổi phải bảo ban người ít tuổi hơn

Phản ứng tiêu cực như xuống đường tụ tập đông người, gây náo loạn, thậm chí lao vào đập phá trụ sở chính quyền, cơ quan chức năng của một bộ phận người dân tại một số địa phương trong những ngày qua là khó chấp nhận. Tôi cho rằng nhiều người không nắm rõ các thông tin của Dự thảo Luật Đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt đã phản ứng rất cực đoan. Tôi rất dị ứng khi một số người, kể cả văn nghệ sĩ chưa biết đúng hay sai cứ nhảy vào mạng xã hội phản ứng tiêu cực, phát ngôn thiếu kiểm soát, thiếu cân nhắc. Theo tôi, người dân phải rất bình tĩnh, khi Nhà nước đưa ra những quyết định gì sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng, cần phải nhìn vào mặt tích cực chứ không nên chỉ nhăm nhăm vào hướng tiêu cực. Trong gia đình, người lớn tuổi, hiểu biết cần bảo ban con cái, suy xét mọi việc thay vì để cho người thân cuốn theo những đám đông quấy rối. Các văn nghệ sĩ có tuổi, từng trải cũng nên động viên, kiềm chế đồng nghiệp và một số đàn em nông nổi chứ! Tất nhiên là Nhà nước muốn được nghe các ý kiến đóng góp của cả cộng đồng xã hội để ngày càng hoàn thiện hơn cả về thể chế và cơ chế, song đó phải là những ý kiến mang tính xây dựng, chứ không phải lợi dụng phản biện để kích động gây rối, làm mất ổn định xã hội, chia rẽ trong nhân dân.

(NSND HOÀNG DŨNG)

 Thúy Hiền – Báo Điện tử Văn hóa (thực hiện)