Dân trí – Bức ảnh chụp miền sông nước Đồng Tháp trong mùa nước nổi là góc ảnh đẹp nhất về Việt Nam tại giải ảnh quốc tế.
Giải ảnh quốc tế Sony World Photography Awards 2018 đã công bố những người thắng giải. Đây là một trong những giải ảnh lớn nhất thế giới, thu hút các tay máy đến từ khắp các quốc gia. Giải có ba hạng mục chính gồm giải mở, giải quốc gia, giải trẻ.
Ở hạng mục giải quốc gia, ba bức ảnh đẹp nhất trong loạt ảnh được các tay máy đến từ cùng một quốc gia gửi về tham dự sẽ được lựa chọn. Những tay máy đến từ Việt Nam đã tham gia gửi ảnh về dự thi.
Dưới đây là ba bức ảnh của ba tay máy người Việt, chiến thắng ở hạng mục giải quốc gia:
Bức ảnh của tay máy Phạm Huy Trung đoạt giải khuyến khích ở giải mở – hạng mục ảnh du lịch; ở hạng mục quốc gia, bức ảnh này đoạt giải nhất trong số các bức ảnh do những tay máy người Việt gửi về. Tác giả ảnh chia sẻ: “Tôi chụp ảnh này năm 2017 tại Đồng Tháp trong mùa nước nổi, tôi đã dùng ‘drone’ để thu lại được hình ảnh này”.
Bức ảnh của tay máy Thu Huynh đoạt giải khuyến khích ở giải mở – hạng mục ảnh nâng cao, đồng thời đoạt giải nhì hạng mục ảnh quốc gia.
Bức ảnh của tay máy Vinh Dao đoạt giải ba hạng mục ảnh quốc gia.
Dưới đây là một số bức ảnh khác giành chiến thắng ở các hạng mục ảnh tại giải mở và giải quốc gia:
Giải mở – hạng mục ảnh Văn hóa – tác giả Panos Skordas (Hy Lạp) giành giải nhất.
Giải mở – hạng mục ảnh Nâng cao – tác giả Klaus Lenzen (Đức)
Giải mở – hạng mục ảnh Phong cảnh & Thiên nhiên – tác giả Veselin Atanasov (Bulgaria)
Giải mở – hạng mục ảnh Hành động – tác giả Fajar Kristianto (Indonesia)
Giải mở – hạng mục ảnh Chân dung – tác giả Nick Dolding (Anh)
Giải mở – hạng mục ảnh Tĩnh vật – tác giả Richard Frishman (Mỹ)
Giải mở – hạng mục ảnh Đường phố – tác giả Manuel Armenis (Đức)
Giải mở – hạng mục ảnh Du lịch – tác giả Mikkel Beiter (Đan Mạch)
Giải mở – hạng mục ảnh Động vật hoang dã – tác giả Justyna Zdunczyk (Ba Lan)
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh nước Mỹ – tác giả Richard Frishman
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh nước Úc – tác giả Chris Round
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh Ai Cập – tác giả Bassam Allam
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh nước Áo – tác giả Isabelle Bacher
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh Bangladesh – tác giả Md Enamul Kabir
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh Myanmar – tác giả Sai Aung Main
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh Trung Quốc – tác giả Zhaoting Wu
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh Cộng hòa Séc – tác giả Martin Stranka
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh Ecuador – tác giả Santiago Borja
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh nước Nhật – tác giả Yusuke Suzuki
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh Malaysia – tác giả Yen Sin Wong
Giải quốc gia – giải nhất nhóm ảnh Na Uy – tác giả Tina S. Hult
Dân trí – Có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng, nhiều tên tuổi lớn trong giới showbiz như: Dwayne Johnson, Shakira, Eminem… lại đang nắm giữ cho mình không ít kỷ lục Guinness thế giới. Hãy cùng khám phá!
Có lẽ các fan của nữ ca sĩ xinh đẹp Shakira sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, ngôi sao này hiện đang nắm giữ rất nhiều kỷ lục thế giới. Có thể kể đến một vài kỷ lục điển hình như: “Album tiếng Tây Ban Nha bán chạy nhất”, “Đĩa đơn tiếng Tây Ban Nha bán chạy nhất” hay đặc biệt là “Người đầu tiên trên thế giới đạt 100 triệu like trên Facebook”.
Diễn viên Dwayne Johnson cũng không hề kém cạnh Shakira về số lượng kỷ lục Guinness mà bản thân nắm giữ. Đặc biệt, “The Rock” hiện đang là người duy nhất trên thế giới có thể chụp được 105 tấm ảnh selfie, chỉ trong vòng 3 phút (điều kiện là mỗi bức ảnh đều phải lấy nét được mặt và cổ của chủ thể).
Ban nhạc Metallica hiện đang nắm giữ kỷ lục “Nhóm nhạc đầu tiên thực hiện chuyến lưu diễn xuyên suốt 7 châu lục” (theo cách chia của người Mỹ, trái đất gồm 7 châu lục là châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Đại Dương, châu Nam Mỹ, châu Bắc Mỹ và châu Nam Cực). Đặc biệt, show diễn hoàn tất kỷ lục này được Metallica thực hiện tại trạm Carlini Argentine ở châu Nam Cực, với 7 khán giả.
Regis Philbin là một người dẫn chương trình kỳ cựu của Mỹ. Vào năm 2004, ông đã lập kỷ lục Guiness, khi trở thành “người có nhiều thời gian đứng trước máy quay truyền hình nhất” với tổng cộng 15.188 giờ. Tức là trung bình mỗi ngày, Regis Philbin dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để ghi hình.
Năm 2013, ca sĩ Eminem đã trở thành “Người có tốc độ đọc rap nhanh nhất thế giới”, khi chỉ trong vòng 6 phút 4 giây, ngôi sao này đã đọc xong một đoạn rap gồm 1560 từ. Điều này có nghĩa là cứ mỗi giây, Eminem lại đọc được 4,28 từ.
Kỷ lục mà “người sắt” Robert Downey Jr. lập nên không hề liên quan gì đến việc giải cứu thế giới, mà lại gắn liền với…ngày sinh nhật của minh tinh này. Theo đó, trong chuyến du lịch sang Trung Quốc, Downey đã được tặng một tấm thiệp sinh nhật từ các fan hâm mộ nơi đây, với 5.339 chữ ký. Điều này đã giúp Downey trở thành“Người sở hữu tấm thiệp có nhiều chữ ký nhất thế giới”.
Dân trí – Có một nghệ sĩ dành ra hàng tiếng đồng hồ để sắp đặt những hòn sỏi, đá cuội thành những vòng tròn nghệ thuật cân bằng hoàn hảo. Những tác phẩm sắp đặt âm thầm xuất hiện trong không gian tĩnh lặng của tự nhiên, chờ người tìm thấy, chiêm ngưỡng…
Đó là nghệ sĩ sắp đặt người Anh James Brunt. Đối với Brunt, thiên nhiên là bức tranh tuyệt đẹp và anh luôn muốn sắp đặt những tác phẩm nghệ thuật của mình trên cái nền tuyệt đẹp ấy. Nghệ sĩ James Brunt được biết đến tại Anh với phong cách biểu đạt nghệ thuật rất đặc biệt, anh luôn thực hiện các tác phẩm sắp đặt từ những nguyên liệu thiên nhiên tìm thấy quanh nhà mình.
James Brunt sống tại hạt Yorkshire, Anh. Sở thích của nghệ sĩ này là tạo nên các vòng tròn tạo tác từ các hòn sỏi, đá cuội, để biểu đạt cho sự tĩnh tại, cân bằng. Những sắp đặt nghệ thuật này rất cầu kỳ và tinh tế, làm thỏa mãn cả thị giác và tâm hồn của người chiêm ngưỡng.
Ngoài những hòn đá, sỏi, cuội, Brunt còn tạo nên các tác phẩm sắp đặt từ cành cây, lá cây, trái cây… Cách để Brunt lưu giữ lại những tác phẩm “thực hiện từ tự nhiên, đặt trong không gian trưng bày của tự nhiên, để rồi biến mất trong tự nhiên”, chính là chụp lại những bức ảnh rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Những người yêu thích các tác phẩm của James Brunt có thể được mời đồng hành cùng anh trong quá trình anh thực hiện tác phẩm. Khi đã là fan trung thành, khán giả còn có thể cùng tham gia hỗ trợ giúp Brunt thực hiện tác phẩm.
Tĩnh lại để chiêm ngưỡng những vòng tròn đá cuội tĩnh lặng:
Dân trí – Trong khi các dịch vụ du lịch cao cấp vốn đã xuất hiện đầy rẫy, thì những hoạt động du lịch độc đáo, lạ lẫm kiểu này lại đánh trúng tâm lý tò mò, hiếu kỳ của du khách. Trải nghiệm sống như “Triệu phú ổ chuột” hứa hẹn sẽ khiến du khách thêm trân trọng giá trị cuộc sống.
Cảnh trong “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột – 2008)
Du khách đến thăm thành phố Mumbai (Ấn Độ) sẽ có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống như nhân vật chính trong phim “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột – 2008). Họ sẽ được ở trong một khu nhà ổ chuột, tại đây, du khách sẽ có thể cùng tham gia sinh hoạt với những gia đình bản địa, có gia đình lên tới 16 thành viên.
Tất cả cùng sống trong những căn nhà chật chội và nghèo nàn của khu ổ chuột dành cho người thu nhập thấp trong thành phố Mumbai. Với mức chi phí tương đương hơn 700.000 đồng/đêm, du khách sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt với việc ở phòng khách sạn, sẽ có thể trải nghiệm cuộc sống đích thực trong khu ổ chuột của Mumbai.
Khi thuê phòng ở đây, du khách sẽ có được chỗ ngủ riêng, thường là trong một góc gác xép khiêm tốn với những món đồ thiết yếu nhất như chăn nệm, TV, điều hòa.
Dù vậy, du khách sẽ phải dùng chung phòng tắm, phòng vệ sinh với những người sống cùng khu. Các gia đình chủ nhà đa phần không biết nhiều về ngoại ngữ nhưng chắc chắn sẽ đón tiếp các vị khách rất nhiệt tình.
Tờ tin tức Times of India đã vừa đề cập tới hình thức du lịch mới lạ này trong khu nhà ổ chuột của thành phố Mumbai.
Một nhóm trẻ vui chơi bên trong khu nhà ổ chuột ở thành phố Mumbai. Du khách đến thành phố này giờ đây sẽ có thêm lựa chọn về thuê phòng, họ có thể thuê trọ trong khu dân cư vốn là bối cảnh của bộ phim điện ảnh nổi tiếng “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột – 2008).
Cuộc sống của những người dân trong khu ổ chuột rất khó khăn, họ là những người thu nhập thấp và thường có công việc rất bấp bênh. Những tổ chức xã hội đã tư vấn cho người dân nơi đây cách thức để tiến hành việc hoạt động nhà trọ, chào đón khách du lịch.
Sau bộ phim “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột – 2008), rất nhiều du khách khi tìm tới Mumbai đã ghé qua khu ổ chuột trong thành phố. Họ muốn được tận mắt chứng kiến bối cảnh thực tế của bộ phim điện ảnh nhận được 9 đề cử Oscar và giành về 7 giải (trong đó có Phim/Đạo diễn/Kịch bản chuyển thể/Quay phim/Nhạc phim/Ca khúc xuất sắc nhất).
Dù vậy, các du khách – vì sự lạ lẫm và e dè – thường chỉ ghé qua, chụp vài bức ảnh rồi nhanh chóng rời đi mà không thực sự có cơ hội tìm hiểu về thực tế cuộc sống nơi đây. Mặc dù khu ổ chuột này đã trở thành điểm hấp dẫn du lịch của Mumbai nhưng các hoạt động du lịch đi kèm với nó thì chưa phát triển.
Cảnh trong “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột – 2008)
Trong khi các dịch vụ du lịch cao cấp vốn đã xuất hiện đầy rẫy, thì những hoạt động du lịch độc đáo, lạ lẫm kiểu này lại đánh trúng tâm lý tò mò, hiếu kỳ của du khách.
Hoạt động du lịch tiến hành trong khu ổ chuột của Mumbai hứa hẹn đưa lại cho du khách cơ hội trải nghiệm những điều chưa từng có trong đời, để hiểu về cuộc sống của người dân bản địa và thêm trân trọng cuộc sống của chính mình.
Trong khi các dịch vụ du lịch cao cấp vốn đã xuất hiện đầy rẫy, thì những hoạt động du lịch độc đáo, lạ lẫm kiểu này lại đánh trúng tâm lý tò mò, hiếu kỳ của du khách.
Sau bộ phim “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột – 2008), rất nhiều du khách khi tìm tới Mumbai đã ghé qua khu ổ chuột trong thành phố
Hồi năm 2016, Mumbai đã có viện bảo tàng về đời sống trong khu ổ chuột đầu tiên trên thế giới. Viện bảo tàng này mở cửa trong vòng hai tháng, cho thấy diện mạo chân thực về đời sống trong khu dân cư thu nhập thấp của Mumbai.
VH- Nhiều nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu đã ví von Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới” như một “Hội nghị Diên Hồng” nhằm giải cứu ngành sân khấu.
Đã lâu lắm rồi, giới sân khấu mới có một cuộc gặp của nhiều tên tuổi sáng giá đến vậy và điều quan trọng là họ đã cùng đưa ra những báo động đỏ về sự khủng hoảng của sân khấu hiện nay và kêu cầu sự trợ giúp.
Vở “Nghêu Sò Ốc Hến” của Nhà hát Tuồng VN
Sân khấu đang ở… khoa hồi sức cấp cứu!
“Nhìn vào diện mạo sân khấu hiện nay, có cảm giác sân khấu đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu và những người làm nghệ thuật, công chúng đang chứng kiến sự sống yếu ớt của nó giống như người bệnh mắc những căn bệnh trầm kha ở giai đoạn cuối khó cứu vớt”, sự ví von của NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phần nào diễn tả một thực tế đó là sân khấu đang cực kỳ bế tắc… Câu chuyện kể khó, kể khổ của sân khấu đã thành chuyện thường ngày ở huyện, tuy nhiên lần này chính những vị lãnh đạo hội nghề nghiệp và cả những nghệ sĩ sáng tạo ra các tác phẩm đều đã thẳng thắn mổ xẻ từng vấn đề cụ thể, thậm chí nêu tên đích danh trách nhiệm của từng cá nhân.
NSƯT Trần Minh Ngọc, Trưởng ban lý luận phê bình, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đánh giá chung về diện mạo sân khấu hiện nay quá lạc hậu, chậm phát triển so với hiện thực đang thay đổi nhanh theo đà phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội. Đã thực sự có nhiều đổi mới trong văn hóa, nghệ thuật … Nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh, thậm chí cả xung đột giữa các thế giới mới – cũ, trong khi đó, sân khấu chúng ta chỉ quanh quẩn với các đề tài về quá khứ lịch sử, về đời sống hằng ngày với những mâu thuẫn cá nhân, vụn vặt, đời thường… “Mò mẫm làm sân khấu theo thị trường mà không nắm được quy luật sẽ dẫn đến bế tắc. Chẳng hạn, các sân khấu xã hội hóa ở phía Nam chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả đã biến sân khấu thành một thứ “nghệ thuật tiêu dùng”, biến khán giả thành người thụ động, người chứng kiến những “trò” kinh dị, đồng tính, ma mị”, NSƯT Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Hội thảo quy tụ rất nhiều thành phần (do Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang tổ chức). Điều đáng tiếc nhất là thiếu vắng rất nhiều các vị trưởng đoàn, giám đốc các đơn vị nghệ thuật sân khấu. Bàn về nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới thì chính những vị lãnh đạo, chỉ đạo nghệ thuật là những nhân tố quan trọng, những người chèo lái quyết định số phận cho từng đơn vị và tạo nên tác phẩm lại vắng mặt, lẽ ra họ là đối tượng cần phải nghe nhất. Trong khi đó, đích thân vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, NSND Lê Tiến Thọ đánh giá điểm thiếu lớn nhất hiện nay ở bình diện chung các đơn vị công lập và ngoài công lập chính là đang đánh mất vị trí tiên phong của nghệ thuật sân khấu, né tránh những xung đột, không có tính dự báo, định hướng xã hội, nhiều tác phẩm nghệ thuật đang ở tình trạng minh hoạ, là cái bóng đang đuổi theo sự phát triển của xã hội. Vậy vai trò của lãnh đạo đơn vị nghệ thuật và chỉ đạo nghệ thuật ở các đơn vị hiện nay đang ở đâu?
Có rất nhiều ý kiến cho rằng những người làm công tác phê bình lý luận hoàn toàn bế tắc trước hiện trạng của sân khấu. Sân khấu xuống cấp, tác phẩm kém chất lượng nhưng không hề thấy những bài phê bình đánh giá thực chất để những người làm nghệ thuật có thể soi vào và sửa mình. Tác giả Nguyễn Hiếu nhận định: “Ở nước ta hiện nay không có một tên tuổi nào xứng đáng được gọi là nhà phê bình sân khấu, kể cả Nguyễn Văn Thành hay TS Nguyễn Thị Minh Thái…, những người được giới sân khấu coi là am hiểu và gắn bó lâu năm với kịch trường. Tại sao lại có tình trạng lĩnh vực phê bình ngày càng yếu kém như vậy? Đó là do thói quen thích nghe lời hay, thích tán tụng, ngại bị phê phán là một căn bệnh khó chữa”. Một trong những nguyên nhân khiến các cây bút phê bình trở nên thiếu tính chiến đấu xây dựng bởi sợ bị ghét bỏ, bị cô lập khi dám “phê bình” thẳng thắn…
Chấp nhận “đồ ăn nhanh” nhưng không bị ngộ độc…
PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng trong cơ chế thị trường hôm nay, nghệ thuật sân khấu VN có hai dòng sáng tạo chính là “tinh hoa” và “đại chúng”. Dòng “tinh hoa” muốn đổi mới trước hết phải có Mạnh Thường Quân biết kinh doanh để chăm lo. Trước đây Nhà nước là Mạnh Thường Quân đối với sân khấu bởi cơ chế bao cấp, nhưng sự bao cấp cào bằng và hào phóng quá đã làm cho nghệ sĩ “vô dụng” tạo ra “nhiều tác phẩm yếu, thiếu tác phẩm hay”. Theo PGS, TS Trần Trí Trắc, chính bản thân Nhà nước cũng cần có đổi mới trong đầu tư để tạo hiệu quả cao hơn với những tác phẩm tư tưởng cao, có nghệ thuật hấp dẫn. Mặt khác, dòng “đại chúng” cũng cần hướng tới thị hiếu khán giả, hoà vào cảm xúc thẩm mỹ, hoà vào thời công nghiệp hoá, hiện đại hoá giống như “đồ ăn nhanh” nhưng không bị ngộ độc… Cũng nhìn ở góc độ đầu tư cho tác phẩm, NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng, đã tới lúc các nhà quản lý cần thay đổi cách làm kiểu xin – cho, đối xử công bằng, hợp lý giữa trong và ngoài công lập. Việc đầu tư cho sáng tác nên theo việc xét duyệt các dự án thông qua thẩm định chất lượng.
Thật kỳ lạ năm nào giới sân khấu cũng có hàng loạt giải thưởng từ chính Hội nghề nghiệp là Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cho đến những giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan cho từng loại hình nghệ thuật, lực lượng nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu ngày càng nhiều. Câu hỏi đặt ra chính với những người làm sân khấu là vì sao một đội ngũ những người làm nghệ thuật sân khấu hùng hậu là vậy mà vẫn để cho sân khấu bị tụt dốc? Bên cạnh sự chờ đợi những chính sách mới ưu đãi cho những thành phần sáng tạo sân khấu từ Nhà nước thì tại sao những người sáng tạo ra tác phẩm sân khấu không tự thay đổi mình, thay đổi tư duy làm nghệ thuật để tiếp cận thực sự với khán giả.
Qua những ý kiến đóng góp từ hội thảo cũng như yêu cầu từ thực tiễn, Ban sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN sẽ rà soát lại đội ngũ, đặc biệt là tác giả trẻ để tập huấn, đào tạo nuôi dưỡng tác giả trẻ; Mở rộng đầu tư sáng tác cho sân khấu thử nghiệm để tạo nên hình thức sân khấu mới; Tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu để lựa chọn tác phẩm có chất lượng, sau đó đầu tư cho dàn dựng biểu diễn; Hội sẽ tổ chức mời các nhà lý luận đi xem tác phẩm sau đó có trao đổi bàn tròn và có những tác động qua lại với đối tượng sáng tạo; Sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để đánh giá các cuộc thi, liên hoan của Bộ VHTTDL và của Hội tổ chức; Hội sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng xây dựng hay sửa đổi Luật Di sản văn hóa để xã hội quan tâm bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu; Xây dựng Quy chế tự do sáng tác; Xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật sân khấu VN…
(NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN)
Dân trí – Nhiều nhà nghiên cứu và lí luận – phê bình sân khấu đã đưa ra các giải pháp nhằm “cứu” nghệ thuật sân khấu khỏi tình trạng bị “chết dần chết mòn” trong thời đại công nghệ 4.0.
Sân khấu rơi vào khủng hoảng nhưng chưa sao thoát ra được
Mới đây, Hội Nghệ sỹ Sân khấu (NSSK) Việt Nam đã tổ chức hội thảo về “Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới” tại Tuyên Quang. 21 bản tham luận của các nhà lí luận – phê bình sân khấu tại hội thảo đều hướng tới việc đổi mới tư duy sáng tác, thực hiện tính tiên phong của sân khấu trước xã hội đang bước vào thời công nghệ 4.0.
Nhìn nhận về tình hình thực tế của các sân khấu hiện nay, nhất là câu chuyện liên quan đến việc nhiều sân khấu phải đóng cửa vì thua lỗ được đề cập đến trong nhiều ngày qua, NSƯT Trần Minh Ngọc – Trưởng ban lí luận, BCH Hội NSSK Việt Nam cho rằng, nhìn lại sân khấu (công lập và tư nhân) những năm qua có thể thấy còn lạc hậu, chậm phát triển so với đà phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều sân khấu chỉ quanh quẩn với các đề tài về quá khứ lịch sử, về đời sống hàng ngày với những mâu thuẫn cá nhân, vụn vặt, đời thường…
“Từ khi đất nước thống nhất đến nay, sân khấu chập chững bước vào thị trường cạnh tranh nhưng nhiều yếu kém, ít hiểu biết về thị trường nên đã để sân khấu ngày càng lép vế trước các phương tiện nghe nhìn công nghệ cao. Mò mẫm làm sân khấu theo thị trường mà không nắm được quy luật sẽ dẫn đến bế tắc.
Chẳng hạn, các sân khấu xã hội hóa ở phía Nam càng chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả “tầm thấp” đã biến sân khấu thành một thứ “nghệ thuật tiêu dùng”, biến khán giả thành người thụ động, người chứng kiến những “trò” kinh dị, đồng tính, ma mị… Nếu nhìn sâu hơn vào thực trạng của các vở diễn thì sân khấu chúng ta còn đơn điệu trong hình thức thể hiện. Sân khấu chưa đẹp, chưa hấp dẫn về hình thức. Ngoài một vài thử nghiệm thành công về ngôn ngữ thể hiện, sân khấu vẫn bình chân trong tả thực, ít thấy những đột phá trong cách thể hiện”, NSƯT Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Duy Khuê cũng cho rằng, mấy chục năm qua nghệ thuật sân khấu đã không theo kịp sự phát triển của hiện thực đời sống, bất cập đối với các chức năng nghệ thuật, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và chiêm nghiệm nghệ thuật của công chúng. Nói cách khác, sân khấu rơi vào khủng hoảng nhưng chưa sao thoát ra được.
PGS.TS Đinh Quang Trung cũng nhìn nhận, quá trình giao lưu – hội nhập quốc tế cùng sự phát triển của khoa học công nghệ đầu thế kỷ 21 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn nói chung, đơn vị nghệ thuật sân khấu nói riêng. Cạnh tranh ngày càng gay gắt đã góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng nghệ thuật nhưng cũng khiến nhiều đơn vị nghệ thuật đứng trước nguy cơ tan rã do không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Giái pháp “cứu” nghệ thuật sân khấu khỏi cái “chết”
Bàn về giải pháp giúp các nhà hát công lập lẫn tư nhân có thể “sáng đèn” trong thời đại công nghệ 4.0, PGS.TS Phạm Duy Khuê cho rằng, hiện thực đời sống thế kỷ 21 thay đổi toàn diện và liên tục phát triển nên muốn có những tác phẩm tương xứng với cuộc sống đương đại buộc các đơn vị sân khấu phải thay đổi cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn nhận, cách phản biện và cách phản ánh hiện thực…
“Phải sáng tạo ra những ngôn ngữ hình thể mới, giầu sức biểu cảm trong sự phối kết hợp tương thích với sáng tạo của các thành phần nghệ thuật và các yếu tố kỹ thuật hiện đại cùng tham gia xây dựng vở diễn để thể hiện tốt nhất đời sống của nhân vật.
Hãy xem tất cả những con người cá nhân trong xã hội đều là những gợi ý cho tưởng tượng cất cánh bay của người làm nghệ thuật. Không nhất thiết phải nghĩ đến hoặc tuân theo những nguyên tắc của khái quát hóa và điển hình hóa.
Sân khấu muốn sống phải tìm cách đổi mới và đổi mới toàn diện. Ảnh minh hoạ.
Tác phẩm sân khấu ngày nay không nhất thiết phải có cốt truyện song nhất thiết phải tái hiện, tái tạo, xây dựng được những tình huống thích hợp giầu kịch tính, được đặt trong những hoàn cảnh phát triển lịch sử cụ thể của nhân vật. Trong những tình huống “éo le” ấy, con người – nhân vật phải tích cực hành động ứng xử để thích nghi, chinh phục, vượt qua tình huống.
Trong quá trình ráng sức hành động ấy, con người – nhân vật có điều kiện bộc lộ hết mình đến tận mọi góc khuất, khúc quanh nơi đời sống tâm hồn, trí tuệ, hữu thức và vô thức. Đương nhiên, trong quá trình đó, cũng đồng thời nảy sinh những suy nghĩ, tình cảm, nhận thức, tính cách mới, được hiện thân bằng những hành động – ngôn ngữ hình thể của diễn viên đóng vai và ngôn ngữ sáng tạo mới giầu sức miêu tả và biểu cảm của các loại hình nghệ thuật và các biện pháp kỹ thuật cùng tham gia xây dựng vở diễn.
Nội dung một kịch bản sân khấu được hiện ra trước hết và nhiều nhất từ lời đối thoại giữa các nhân vật và lời độc thoại của nhân vật phân thân (đối thoại với chính mình). Tuy nhiên, đối thoại chứ không phải “đấu khẩu” hay “chém gió” mà kịch bản cứ viết quá nhiều lời như hiện nay…”, PGS.TS Phạm Duy Khuê nhấn mạnh.
PGS.TS Đinh Quang Trung bày tỏ rằng, để sân khấu có thể tồn tại và phát triển được trong quá trình hội nhập với thế giới mở, một trong những yêu cầu quan trọng chính là chất lượng nghệ thuật. Thực tế cho thấy, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không đồng nghĩa với mức độ hoành tráng về dàn dựng cũng như mức đầu tư kinh phí.
Nó cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với thẩm mỹ của số đông khán giả và lượng kinh phí thu được. Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, trước tiên là tác phẩm đẹp về nội dung, hình thức, đảm bảo yêu cầu thể loại và đáp ứng nhu cầu giải trí. Đặc biệt, tác phẩm đó phải mang hơi thở của thời đại và bản sắc dân tộc.
Theo PGS.TS Đinh Quang Trung trong hoạt động biểu diễn sân khấu, bên cạnh việc rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi đơn vị nghệ thuật, cũng như các nghệ sĩ cần khai thác, phát huy những giá trị của di sản, bản sắc văn hóa ở mỗi địa phương, dân tộc, vùng miền để tạo nên sự độc đáo và đa dạng văn hóa.
Bên cạnh đó, người nghệ sĩ cần xác định rõ việc giao lưu văn hóa có thể đem lại nhiều lợi ích cho mỗi dân tộc nhưng cũng có nguy cơ làm tha hóa, thậm chí biến mất các nền văn hóa. Bởi vậy, việc tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn cần chú trọng tới yếu tố nội sinh, bản địa, vùng miền.
“Nhiều năm qua, hoạt động biểu diễn giao lưu quốc tế đã diễn ra khá phổ biến và thường xuyên đối với một số đơn vị nghệ thuật ở Trung ương như: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca nhạc nhẹ, Nhà hát Múa rối Trung ương, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn xiếc Việt Nam… Tuy nhiên, với những đơn vị nghệ thuật ở địa phương, hoạt động này còn rất hạn chế.
Nếu biết vận dụng và khai thác yếu tố bản sắc văn hóa vùng miền để tạo nên những nét riêng biệt thì không phải không có cơ hội để giao lưu – hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biểu diễn sân khấu.
Việc gắn kết hoạt động du lịch với các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mang bản sắc vùng miền cũng chính là một cầu nối để gia tăng mối quan hệ và cơ hội để đơn vị nghệ thuật ở địa phương tham gia vào hoạt động biểu diễn, giao lưu quốc tế. Giao lưu văn hóa, nghệ thuật không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trước mắt mà còn là sự gia tăng hiểu biết giữa các dân tộc.
Thông qua giao lưu văn hóa, các đơn vị nghệ thuật cũng có thể tiếp nhận thêm kiến thức nghệ thuật, cũng như kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, mở rộng các mối quan hệ liên doanh, liên kết, đặc biệt là quảng bá văn hóa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới.
Một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển của bất cứ đơn vị, tổ chức nào chính là người đứng đầu đơn vị. Người lãnh đạo đơn vị nghệ thuật không chỉ giỏi về chuyên môn, quản lý, ngoại giao… mà cần phải được xem như linh hồn của đơn vị. Trong môi trường cạnh tranh nghệ thuật ngày càng khốc liệt thì vai trò của người lãnh đạo đơn vị, hơn lúc nào hết càng phải được chú trọng hàng đầu”, PGS.TS Đinh Quang Trung chia sẻ thêm.
(Tổ Quốc) – Chiều 23/3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã tiếp xã giao bà Nienke Trooster – Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam.
Bà Nienke Trooster – Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết, nhằm thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Hà Lan – Việt Nam (1973 – 2018), cả hai nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân sự kiện đặc biệt này.
Chính vì vậy, phía Hà Lan đã làm việc với Bộ Ngoai giao, Hội Nhà báo Việt Nam để tổ chức một triển lãm ảnh báo chí thế giới ngay tại Việt Nam. Hiện nay, công tác chuẩn bị cho triển lãm đang được triển khai.Bà Đại sứ nhấn mạnh: “Thời gian qua, Việt Nam và Hà Lan đã có quan hệ hợp tác và ký kết chiến lược trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và nông nghiệp. Tuy nhiên, phía chúng tôi mong muốn các hoạt động kỷ niệm mối quan hệ đặc biệt này sẽ hướng về lĩnh vực văn hóa.”
Vì đây là một hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nên bà Nienke Trooster mong muốn phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo điều kiện và phối hợp giúp đỡ để triển lãm được diễn ra thành công tốt đẹp.
Ngoài triển lãm ảnh báo chí thế giới này, phía Đại sứ quán cũng sẽ tổ chức một số sự kiện đặc bệt là ngày Hà Lan tại Việt Nam ở một số tỉnh thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng, Đà Lạt, Cần Thơ…
Về triển lãm ảnh báo chí, Bộ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL hoàn toàn ủng hộ cũng như sẵn sàng phối hợp với phía Đại sứ quán Hà Lan để tổ chức sự kiện này.Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ cảm ơn bà Nienke Trooster Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã chia sẻ những thông tin liên quan đến các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Bộ trưởng bày tỏ hy vọng, các hoạt động giao lưu văn hóa trong năm nay sẽ là dịp để tăng cường hơn nữa mối quan hệ ngoại giao hai nước, đồng thời là cầu nối để người dân Hà Lan – Việt Nam có cơ hội để xích lại gần nhau hơn.
Bộ trưởng đánh giá cao những đóng góp của bà Nienke Trooster trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Việt Nam – Hà Lan trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn, trên cương vị công tác nào, bà Nienke Trooster cũng luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho đất nước, con người Việt Nam.
VH- Tọa đàm trao đổi, góp ý hoàn thiện dự thảo chuyên đề số 19 về “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” do Viện VHNT Quốc gia Việt Nam chủ trì đã diễn ra chiều qua 22.3 tại Hà Nội. Các Tổng cục, Cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ đã cùng bàn thảo, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo.
Đây cũng là chuyên đề mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ báo cáo Hội đồng Lý luận Trung ương trước khi trình Bộ Chính trị.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam- nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 33 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đề tài “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” nằm trong khuôn khổ các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước của Hội đồng Lý luận Trung ương mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ là người báo cáo.
PGS.TS Từ Thị Loan, Thư ký chuyên đề số 19 nhấn mạnh những điểm mấu chốt của chuyên đề, bao gồm: Nguyên tắc xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam; căn cứ xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; nội hàm hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam; giải pháp xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
“Ban soạn thảo mong muốn lắng nghe các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo, đặc biệt về các khái niệm và nhóm giải pháp sao cho đáp ứng được các tiêu chí khoa học, ngắn gọn và khả thi. Các ý kiến sẽ được tổng hợp, tiếp thu báo cáo Bộ trưởng cũng như chỉnh sửa dự thảo…”, ông Bùi Hoài Sơn cho biết.
Phát huy vai trò của gia đình là giải pháp cốt lõi để xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người
Theo dự thảo, nguyên tắc xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam được xác định trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống, trong đó một số giá trị lỗi thời thì cần sàng lọc, loại bỏ. Bên cạnh đó, tiếp thu, bổ sung những giá trị tinh hoa của nhân loại, những giá trị mới, tiến bộ của thời đại.
Dự thảo cũng dành một dung lượng lớn để chuyển tải nội dung về những biến động của hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người ở Việt Nam hiện nay. Đó là sự suy giảm, thay đổi một số giá trị truyền thống, trong đó có sự mai một, phai nhạt và suy thoái một số giá trị vốn được coi trọng như chung thủy, tiết kiệm, cần cù, giản dị, khiêm tốn. Bên cạnh đó, nhấn mạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp được bảo lưu và sự xuất hiện một số giá trị mới. “Những tác động của xã hội hiện đại đã mang đến nhiều thay đổi về hệ giá trị con người, từ đó tác động đến hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Do đó, Ban soạn thảo đã tập trung nghiên cứu, khái quát, chắt lọc để đúc rút các khái niệm, hệ giá trị một cách cụ thể, có tính khả thi…”, bà Từ Thị Loan cho hay.
Theo đó, hệ giá trị văn hóa bao gồm các giá trị: Dân tộc, Dân chủ, Nhân văn, Pháp quyền, Hòa hợp. Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế bao gồm các giá trị: Yêu nước, Trung thực, Sáng tạo, Trách nhiệm, Kỷ luật.
Xây dựng hệ giá trị con người cần bắt nguồn từ nền tảng là gia đình
Đi kèm là các nhóm giải pháp: Hoàn thiện thể chế, cơ chế ở tầm vĩ mô; nêu cao vai trò gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội; tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò của gia đình; phát huy vai trò của nhà trường; phát huy vai trò của môi trường xã hội; nâng cao vai trò của ngành văn hóa.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm nhấn mạnh, dự thảo chuyên đề có tầm bao quát và sức tác động, ảnh hưởng lớn, do vậy phải đảm bảo tính khái quát, khoa học, logic và ngắn gọn. Trong đó, chú ý phần giải trình các khái niệm về các giá trị chuẩn mực, bám sát tinh thần Nghị quyết số 33.
Một số ý kiến lưu ý nội dung dẫn nối từ yếu tố truyền thống đến hiện đại cần được tách bạch, rõ ràng. Đơn cử như giá trị “hòa hợp” trong phần hệ giá trị văn hóa, cần khẳng định sự cần thiết của giá trị này đối với nền văn hóa Việt Nam với đặc thù của một quốc gia đa dân tộc. Tuy nhiên, “hòa hợp” không phải là “không cạnh tranh”, dự thảo cần thể hiện rõ yếu tố “cạnh tranh để phát triển” trong hệ giá trị này.
Các yếu tố liên quan đến hệ thống giải pháp cũng được đặc biệt quan tâm. Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung dày dặn hơn các giải pháp cụ thể thuộc từng nhóm. Ví dụ, trong nhóm giải pháp phát huy vai trò của gia đình thì các giải pháp cụ thể để khẳng định giá trị cốt lõi của gia đình, nơi đầu tiên xây dựng nhân cách của mỗi con người cần được thể hiện rõ ràng hơn.
Nhấn mạnh giá trị lý luận và khoa học của chuyên đề và mục đích hướng đến là phải tạo sự đồng thuận, tính khả thi, ý kiến tại tọa đàm cũng lưu ý cần đúc kết, thể hiện nổi bật tư tưởng Hồ Chí Minh về hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người. “Hệ giá trị con người phải được gắn kết với hệ giá trị văn hóa, bởi từ giá trị của từng con người cụ thể mới tạo nên hệ giá trị của một nền văn hóa. Bên cạnh tính duy lý, gắn với những giá trị pháp quyền, dự thảo cần bổ sung thêm các yếu tố gắn với những giá trị nhân văn, tình yêu thương con người. Bên cạnh giải pháp về tính nêu gương của các tầng lớp lãnh đạo, quản lý thì cũng rất cần thiết nêu gương, nhân rộng những tấm gương người tốt việc tốt trong cuộc sống, bởi những yếu tố bình dị đó lại tác động thiết thực đến việc xây dựng những hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…”, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Nguyễn Phương Hòa góp ý.
(Tổ Quốc) – Ca sĩ Mỹ Tâm, nhạc sĩ Dương Cầm, ban nhạc Ngọt cùng nhận “cú đúp” giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 13.
Lễ trao giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 13-2018 đã diễn ra tối 22/3 tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô. Ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN, ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã tham dự buổi lễ.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đến tham dự Lễ trao giải Cống hiến 2018
Nhạc sĩ Dương Cầm được gọi tên ở cả hai hạng mục quan trọng là Nhạc sĩ của năm và Nhà sản xuất của năm. Năm nay, hai hạng mục này có sự “thay máu” rõ rệt khi xuất hiện nhiều nhạc sĩ trẻ với những cái tên đang rất nổi, đó là Đỗ Hiếu, Slim V, Khắc Hưng… Dương Cầm với một năm hoạt động sôi nổi cả trong lĩnh vực sáng tác, phối khí, sản xuất nhiều chương trình lớn đã giành chiến thắng ngoạn mục ở cả hai hạng mục này.Ca sĩ Mỹ Tâm sau nhiều năm từ chối không xuất hiện trong Lễ trao giải thưởng âm nhạc Cống hiến, sự trở lại lần này của cô khá vang dội khi chiến thắng thuyết phục ở hai hạng mục với số phiếu áp đảo là Album của năm và Ca sĩ của năm. Với sản phẩm “Tâm 9”, cô đã có những hoạt động nghệ thuật nổi bật, được truyền thông nhắc đến nhiều trong năm qua.
Lễ trao giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2018 diễn ra khá sôi động qua sự dẫn dắt của nhà báo Lại Văn Sâm và người đẹp Lan Khuê. Mặc dù có đôi lúc nói nhầm như gọi NSƯT Tấn Minh là Trọng Tấn, hay quen miệng gọi hạng mục “Chương trình của năm” thành “Chương trình truyền hình”, song với sự kỳ cựu và duyên dáng của một MC giàu kinh nghiệm, nhà báo Lại Văn Sâm đã khiến cho những vấp váp ấy trở nên dễ chịu, tạo tiếng cười cho khán giả.Ba hạng mục còn lại của giải thưởng âm nhạc Cống hiến được trao cho: Hương Tràm ở hạng mục “Music video của năm” với “Em gái mưa”; NSƯT Đăng Dương với chương trình “Mặt trời của tôi” ở hạng mục Chương trình của năm; ekip thực hiện “Sao đại chiến” nhận giải Chuỗi chương trình của năm.
Bên cạnh đó, sự hài hước, dí dỏm của nhiều khách mời tham gia trao giải như NSƯT Xuân Bắc, đạo diễn Việt Tú cùng dàn người đẹp đã làm “tròn vai” như Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, Á hậu Thanh Tú, Thuỵ Vân, Huyền My…/.
Dân trí – Tối ngày 18/3, mặc dù trời mưa nhưng hàng vạn người dân TP. Cẩm Phả vẫn đội mưa đổ về Khu di tích Đền Cửa Ông dự Lễ khai hội đền Cửa Ông 2018 và đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ngôi Đền này cùng với đền Cặp Tiên (Vân Đồn).
Đền Cửa Ông là ngôi đền thờ hai vị tướng đã có công lao lớn trong sự nghiệp đánh giặc và bảo vệ đất nước của dân tộc, đó là Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng và Hoàng Cần (người địa phương có nhiều công đánh phá giặc, cướp).
Đền Cửa Ông là một trong những ngôi đền hiếm hoi còn lại đến nay thờ khá đông đủ gia thất Trần Quốc Tuấn và những cận thần của ngài. Nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông còn có đền Cặp Tiên (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn), đền thờ cô bé Cửa Suốt, quan Chánh…
Tại Lễ khai hội, Phó thủ tướng Trương Hòa đã trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông, TP. Cẩm Phả và huyện Vân Đồn cho tỉnh Quảng Ninh.
Cũng tại Lễ khai hội, người dân còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca cửa biển” với sự tham gia của 500 diễn viên và màn pháo hoa rực rỡ.
Trước đó vào chiều cùng ngày 18/3, nghi lễ rước Đức Ông vi hành theo truyền thống với 28 đoàn tham gia cũng đã diễn ra.
Một số hình ảnh phóng viên Dân trí ghi nhận tại Lễ hội: