Các chương trình biểu diễn văn hóa “triệu đô”

Được đầu tư hoành tráng với kinh phí lên đến hàng triệu đô nhằm tôn vinh văn hóa – lịch sử của một địa phương, một đất nước…, dưới đây là những chương trình biểu diễn hấp dẫn du khách bậc nhất hiện nay

Rio Carnival – Brazil

Được báo giới ngợi ca là “Chương trình biểu diễn tuyệt vời nhất Trái Đất”, năm 2018, Rio Carnival dự kiến thu hút 1.5 triệu lượt du khách đổ về thành phố Rio de Janeiro với thời gian lưu trú trung bình là 7 ngày/lượt khách, đóng góp đến 11.14 tỉ đô Brazil (tương đương 3.52 tỷ USD) cho nền kinh tế của đất nước những vũ công Samba.

Rio Carnival được người dân khắp nơi trên thế giới đón chờ và đăng ký thưởng thức vào hàng năm
Rio Carnival được người dân khắp nơi trên thế giới đón chờ và đăng ký thưởng thức vào hàng năm

Có tuổi đời đã 3 thế kỷ, Rio Carnival vẫn “đốt cháy” thành phố này bằng gần 600 lễ hội đường phố bốc lửa trong những tuần đầu tiên của tháng 2 hằng năm. Tâm điểm của mùa Carnival là đêm diễu hành tại Đấu trường Samba. Trong phục trang lộng lẫy, hàng chục ngàn vũ công phô diễn những bước nhảy Samba mê hoặc bên những xe diễu hành trang trí linh vật khổng lồ và đèn hoa choáng ngợp. Chương trình diễu hành diễn ra từ đêm Chủ nhật đến tận bình minh sáng thứ Hai đưa du khách lạc vào thế giới tự nhiên màu mỡ và những câu chuyện tín ngưỡng, tâm linh đặc sắc của quốc gia Nam Mỹ.

Giấc mơ người Xiêm – Thái Lan

Câu chuyện tái hiện lịch sử mở cõi và văn hóa Thái Lan mang tên “Giấc mơ người Xiêm” là một trong những chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng nhất thế giới. Trong 3 năm liên tiếp (2011-2014), chương trình đã nhận chứng chỉ dịch vụ xuất sắc từ chuyên trang du lịch TripAdvisor.

Hình ảnh tái hiện một phân cảnh trên sân khấu biểu diễn “Giấc mơ người Xiêm”. Nguồn ảnh: Bangkok.com
Hình ảnh tái hiện một phân cảnh trên sân khấu biểu diễn “Giấc mơ người Xiêm”
Riêng sân khấu biểu diễn “Giấc mơ người Xiêm” đã được Tổ chức Guinness thế giới xác lập kỷ lục là một trong những sân khấu trình diễn nghệ thuật lớn nhất với chiều cao 12m, sức chứa hơn 2.000 chỗ ngồi, tôn tạo không gian tuyệt vời để 150 vũ công Thái tái hiện nền văn minh lúa nước Xiêm La trải qua 7 thế kỷ với các câu chuyện luật nhân quả – luân hồi, dẫn dắt khán giả vào khu rừng huyền bí Himapaan, cho du khách trải nghiệm lễ hội đèn trời và lễ hội té nước ngay trên sân khấu nhà hát…

Được sự hỗ trợ của hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, khói lửa đặc sắc cùng hàng ngàn phục trang, đạo cụ lộng lẫy, “Giấc mơ người Xiêm” đã đưa hàng triệu khán giả quốc tế về quá khứ, trở thành “nhân chứng” cho những cuộc chiến hùng tráng trong lịch sử khai quốc, hòa mình vào không gian văn hóa nông thôn độc đáo và lạc bước trong thế giới tâm linh bí ẩn của xứ sở chùa Vàng.

Ký ức Hội An – Việt Nam

Sắp tới đây, Việt Nam sẽ đóng góp một đại diện vào danh sách những chương trình biểu diễn hấp dẫn bậc nhất dành cho du khách khi đặt chân đến châu Á, mang tên “Ký ức Hội An”.

Lần đầu tiên, phố cổ Hội An sẽ có chương trình nghệ thuật quy tụ hơn 500 diễn viên biểu diễn trên sân khấu rộng đến 25.000 m2 “vắt” qua cả hai phường Cẩm Nam, Cẩm Châu, có sức chứa đến 3.300 khán giả. Chương trình được ví như chiếc thuyền đưa du khách “xuyên không” cập bến cảng thị Hội An cách đây 4 thế kỷ với chuỗi điển tích về công chúa Ngọc Hoa, bà chúa Tằm Tang, chuỗi câu chuyện tái hiện thương cảng Hội An sầm uất trong vai trò một đầu mối giao thương quan trọng trên Con đường tơ lụa, Con đường gia vị, Con đường gốm sứ huyền thoại.

Sân khấu hoành tráng của chương trình biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”
Sân khấu hoành tráng của chương trình biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”

Đặc biệt, chương trình còn nhận được sự đồng hành của công ty sản xuất những chương trình biểu diễn thực cảnh nổi tiếng nhất thế giới; những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật gạo cội của Việt Nam như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thơ – nhà báo Lê Cảnh Nhạc, đạo diễn Việt Thanh trong vai trò cố vấn kịch bản; nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ cố vấn trang phục; nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – phó chủ tịch thường trực hội Nhạc sĩ Việt Nam phụ trách phần âm nhạc; giảng viên Thanh Hằng, trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội phụ trách biên đạo múa.

Khi chính thức khai màn vào tháng 3/2018, “Ký ức Hội An” được kỳ vọng sẽ trở thành chiếc cầu nối du khách với mạch nguồn văn hóa truyền thống phố Hội, là trải nghiệm không thể bỏ qua của du khách khi đặt chân đến vùng đất di sản của thế giới tại Việt Nam trong những năm tới.

Ở góc độ phát triển du lịch, sự bổ sung của “Ký ức Hội An” vào “thực đơn du lịch” tỉnh Quảng Nam hứa hẹn sẽ giúp gia tăng mức chi tiêu của du khách, đồng thời tăng thời gian lưu trú của mỗi lượt khách lên 1-2 ngày khi đến Hội An.

(Nguồn: Báo Điện tử Dân trí)

Hát bả trạo – lời cầu an trên biển ngày xuân

Dân trí – Gắn liền với lễ hội cầu ngư của cư dân vùng duyên hải miền Trung trong những ngày đầu xuân, hát bả trạo từ một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đã trở thành một nghi thức tâm linh trong lễ hội. Đây cũng là một trong những di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch công nhận.

3-151913410737293615315Hát bả trạo còn gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hát bạn chèo đưa linh. Các vị cao niên ở các làng biển miền Trung giải thích bả nghĩa là nắm chắc, trạo nghĩa là mái chèo. Nắm chắc mái chèo giữa biển khơi là tâm nguyện của cư dân miền biển.

Nghệ thuật diễn xướng dân gian này gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông của người dân ở các làng chài vùng duyên hải Trung bộ. Trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây, cá Ông quan trọng như một vị thần phù hộ, đem lại may mắn cho ngư dân đi biển được mưa thuận gió hoà, được mùa chài lưới. Trong những ngày đầu xuân, ngư dân tề tựu về lăng cá Ông tổ chức lễ hội cầu ngư trước chuyến biển đầu năm, cầu mong “Ông đem mồi dẫn cá sớm trưa, giúp người chài lưới dư thừa ấm no” (lời bài hát trạo của người dân biển ở Quảng Nam).

Một đội hát bả trạo có từ 12 – 18 con trạo chia làm hai bên, ở giữa đội hình là 3 người quan trọng: tổng mũi (tổng tiền) là người hát chính với cặp sanh (sinh) trên tay, mặc trang phục gần giống với diễn viên hát tuồng; tổng khoang (hay tổng thương, tổng khậu) là người lo việc hậu cần trên thuyền khi ra biển, có trang phục sặc sỡ, tay cầm cần câu và gàu tát nước, thường hát những câu hài hước, dí dỏm khi con trạo nghỉ ngơi; tổng lái đứng hàng giữa cuối cùng, tay cầm dầm chèo như các con trạo. Đội hát bả trạo vừa hát hò, vừa làm các động tác như chèo thuyền, tát nước nên gọi là diễn xướng.

1-1519134107366537777341

Tuỳ từng địa phương có những lời bài hát bả trạo khác nhau, và được truyền miệng từ đời này sang đời khác từ cách đây ít nhất 200 năm nên không tránh khỏi “tam sao thất bản”. Lời bài hát thường do những người giỏi chữ xưa kia soạn thảo nên có những bản nhiều từ Hán Nôm; chẳng hạn như lời tán dương công đức cá Ông: “Lúc sinh tiền Ngài trú ngụ đại dương/ Khi tử hận ký thân nơi lục địa/ Người ngư nghiệp đền ơn đáp nghĩa/ Lúc hành thuyền, Ngài cải tử hoàn sinh

Nội dung hát bả trạo như đã nói trên, gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông, nên hướng đến ca ngợi công đức cá Ông; nguyện cầu một năm mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng, thuyền bè đầy ắp cá, tôm. Đồng thời, đội hát bả trạo diễn xướng mô phỏng đời sống sinh hoạt lao động của ngư dân những khi thong thả tay chèo cũng như khi sóng to gió lớn, sự tương trợ lẫn nhau của những người bạn thuyền. Lời bài hát bả trạo, nhất là lời của tổng khoang lúc con trạo nghỉ tay chèo thể hiện tinh thần lạc quan của ngư dân miền biển dù cuộc mưu sinh trên nhiều khó khăn, vất vả. Hình thức diễn xướng có cả hát nam, hát khách, tán, nói lối tương tự các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống ở miền Trung như hát tuồng, hát bội. Giọng điệu hát bả trạo thể hiện được cái chất “ ăn sóng nói gió” to rõ, chất phác của những người quanh năm ở biển cả.

Trải bao vật đổi sao dời, hát bả trạo – truyền thống dân gian miền biển – cũng từng có lúc tưởng chừng đã mai một. Song những năm gần đây, nhất là từ sau khi Bộ Văn háo – Thể thao và Du lịch chính thức công nhận loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này là di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia, hát bả trạo được bồi đắp thêm một mạch ngầm phục hồi mạnh mẽ hơn trong đời sống sinh hoạt, văn hoá của người dân miền biển từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Hát bả trạo qua đó góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, gắn kết cộng đồng trong việc cùng nhau lưu giữ, dưỡng nuôi nét đẹp văn hoá truyền thống bản địa.

(Nguồn: Tâm An – Báo Điện tử Dân trí)

Điện ảnh Việt: Đợi chờ…cơn sốt mới

VH- 38 bộ phim được sản xuất trong năm, điện ảnh Việt Nam 2017 dù còn nhiều trăn trở song cũng đã khép lại với những hiện tượng chưa từng có. Bên cạnh một LHP lần đầu tiên với sự độc chiếm của phim truyện tư nhân là những hiện tượng phòng vé, với các cơn sốt kỷ lục từ Bông sen vàng Em chưa 18 hay các bộ phim Cha cõng conĐảo của dân ngụ cưCô gái đến từ hôm qua, Cô Ba Sài Gòn…

Mức tổng doanh thu màn ảnh Việt tăng cao chưa từng có cũng là tín hiệu cho niềm lạc quan chờ đợi những cơn sốt mới sẽ được tạo nên từ các tác phẩm điện ảnh chinh phục khán giả bằng chất lượng chứ không phải từ… vận may.

“Đảo của dân ngụ cư” là tác phẩm điện ảnh có nhiều thành công trong năm 2017

Khi phim tư nhân làm mưa gió

Sự độc chiếm thị trường của phim tư nhân trước nỗi khắc khoải héo mòn của dòng phim truyện Nhà nước ở giai đoạn này không chỉ thể hiện ở kỳ LHP Việt Nam thứ XX hoàn toàn vắng bóng phim truyện Nhà nước đặt hàng. Những năm gần đây, phim tư nhân đã liên tiếp khuynh đảo thị trường điện ảnh và tạo nên những cơn sốt hiếm có, những hiện tượng phòng vé chưa từng xảy ra ở dòng phim chính thống.

Năm 2017, cả nước có số lượng phòng chiếu phim đạt gần 740 phòng, số lượng hơn 111.000 ghế. Ước tính tổng doanh thu phòng vé là 3.250 tỉ, cao nhất lịch sử màn ảnh Việt, tăng 17% so với năm 2016 (2.800 tỉ), trong đó phim Việt chiếm 25% doanh thu. Con số này cũng tương đương với số lượng hơn 45 triệu lượt khán giả tới rạp.

Hiện tượng của năm không thể bỏ qua là Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn, Charlie Nguyễn và hãng phim Chánh Phương sản xuất) khi phim này không những vượt qua “bom tấn” về doanh thu phòng vé của năm 2017, vốn đã được dự báo từ trước là Kong: Skull Island mà thậm chí còn đứng đầu doanh thu màn ảnh Việt từ trước đến nay. Nếu trước đây các phim Để Mai tính 2 hay Em là bà nội của anh vượt mốc 100 tỉ đã được xem là kỳ tích thì Em chưa 18 với tổng doanh thu 169 tỉ đồng đã được ghi nhận thực sự là một hiện tượng đáng kinh ngạc.

Mặc dù được đánh giá chưa phải là phim xuất sắc nhưng Bông sen vàng của LHP Việt Nam XX đã phá nhiều kỷ lục với sự chỉn chu, kịch bản và kết cấu chặt chẽ so với mặt bằng chung. Nhịp phim tươi tắn đã thổi làn gió mới vào điện ảnh Việt, đồng thời mang đến cơn sốt lạ trong hệ thống rạp chiếu của Việt Nam. Sự ăn khách của phim cũng thôi thúc các nhà chuyên môn nhận ra tiềm năng to lớn của điện ảnh Việt đương đại khi khai thác những đề tài trẻ trung, đáp ứng thị hiếu của đối tượng khán giả chính là giới trẻ.

Minh chứng là những cơn “mưa gió” phòng vé trong năm qua đã góp phần xóa mờ nỗi buồn của điện ảnh Việt khi phim Nhà nước hoàn toàn vắng bóng hay những lình xình của câu chuyện cổ phần hóa. Ngoài Em chưa 18 là những cái tên phim không mấy xa lạ như Cô gái đến từ hôm qua, doanh thu 68 tỉ; Cô Ba Sài Gòn, doanh thu gần 60 tỉ…

“Người bất tử”, phim của đạo diễn Victor Vũ sẽ ra mắt năm 2018

Chờ những “cơn sốt” không từ… vận may

Dẫu doanh thu chưa phải là tất cả nhưng những hiện tượng không bất thình lình này đang nhen lên kỳ vọng về những cơn khuynh đảo thị trường phim Việt sẽ tiếp tục xuất hiện, với nhiều bộ phim được đầu tư bài bản, chất lượng và thành công không phải vì may mắn.

Giữa những trăn trở “điện ảnh Nhà nước đang ở nơi đâu?” hay mơ màng “ăn mày dĩ vãng”, nhiều nhà chuyên môn cũng tỏ rõ sự hào hứng trước sắc màu tươi mới ở các bộ phim do tư nhân sản xuất. Sức sống căng tràn và góc nhìn phá cách, vượt qua khuôn mẫu công thức đang bộc lộ ngày càng rõ nét ở một thế hệ làm phim trẻ. Không ít đạo diễn lần đầu trình làng tác phẩm đầu tay đã lập tức thu hút được sự chú ý của giới nghề.

Từ những căn cứ này để giải mã thành công của Em chưa 18, Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư hay nhiều bộ phim Việt có doanh thu cao khác, nhiều chuyên gia cho rằng, nỗ lực đầu tư và theo đuổi định hướng làm phim nghiêm túc, nhân văn chính là yếu tố để những bộ phim này gặt hái thành công, hơn là lý giải thuộc về may mắn.

Cảnh trong phim “Em chưa 18” lập kỷ lục doanh thu, Bông sen vàng tại LHP XX

Chủ tịch Hội đồng giám khảo hạng mục phim truyện ở LHP Việt Nam XX, NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, sự chiếm lĩnh thị trường của phim tư nhân chính là thể hiện một bước chuyển mới của điện ảnh Việt Nam. Ông cũng nhìn nhận, khán giả trẻ hiện nay chủ yếu thích xem phim giải trí, phim hài, hành động, chán xem phim đề tài chiến tranh lịch sử… Đó cũng là lý do vì sao các nhà sản xuất tư nhân chủ yếu khai thác mảng đề tài này.

Tuy nhiên, nếu cứ nhìn phim giải trí là chỉ câu khách, nặng về thương mại thì rất thiếu công bằng. Cũng vẫn trường hợp Em chưa 18, không đơn giản để một bộ phim ngoài kỷ lục doanh thu cao nhất còn cán mốc nhiều kỷ lục khác như phim Việt có doanh số ba ngày cuối tuần công chiếu cao nhất, phim Việt có doanh số một ngày cao nhất. Thành công của bộ phim cũng không nằm trong công thức chung lâu nay, gồm: ngôi sao, đạo diễn tên tuổi, chiêu trò PR hay kịch bản mua của nước ngoài… Yếu tố dẫn đến sự đón nhận tích cực từ khán giả ở phim được ghi nhận là kịch bản trẻ trung, logic, diễn viên nhập vai, tiết tấu mới lạ, dí dỏm, phù hợp tâm lý giới trẻ… Cũng nhờ vậy, Em chưa 18 đã trở thành phim Việt đầu tiên được một số đối tác của Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ mua bản quyền để làm lại.

Dự án điện ảnh ra mắt đầu năm 2018 “Ở đây có nắng”

Ngoài thực tế phim ra rạp ngày một nhiều hơn, những cơn sốt phòng vé cũng như phản hồi tích cực từ khán giả – những “giám khảo” công tâm chính là thước đo khẳng định thành công của mỗi bộ phim. Tình trạng cháy vé hay hình ảnh rạp chiếu phim luôn đầy ắp khán giả giờ đây không chỉ là độc quyền của những bộ phim bom tấn nhập khẩu mà hoàn toàn có thể thuộc về phim Việt. Thực tế này cũng đang khẳng định sự lạc quan, tin tưởng vào những thành công của điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.

Màn ảnh Việt bước sang năm 2018 với khấp khởi, trông chờ những cơn sốt kỷ lục mới sẽ tiếp tục xuất hiện. Những dự án tiềm năng chuẩn bị ra mắt trong năm như Ở đây có nắng (đạo diễn Đỗ Nam), Yêu em bất chấp (Văn Công Viễn), (Nguyễn Hữu Hoàng), Tháng năm rực rỡ (Nguyễn Quang Dũng), Chàng vợ của em (Charlie Nguyễn), Người bất tử (Victor Vũ)… đang mở ra cánh cửa đợi chờ, hi vọng vào sự năng động của một thế hệ làm phim mới khi khám phá, khai thác tiềm năng cũng như thế mạnh của ngôn ngữ nghệ thuật giàu quyền lực để đánh trúng thị hiếu khán giả, tạo nên làn sóng yêu thích của công chúng yêu điện ảnh nước nhà.

 Khác với một vài năm trước, các hãng phim tư nhân hiện nay đã tích cực đầu tư vốn để sản xuất phim, góp phần tạo ra nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài và hạn chế tối đa những tác phẩm yếu kém, chọc cười, hài nhảm… 16 phim truyện dự thi LHP Việt Nam XX và “Dạ cổ hoài lang” tham dự Giải thưởng Phim ASEAN đã góp phần thay đổi quan điểm rằng cứ phim tư nhân là hướng đến lợi nhuận, câu khách rẻ tiền. Nhiều phim cho thấy sự đầu tư chỉn chu, bài bản, với phong cách và ngôn ngữ nghệ thuật tươi mới; không ít phim có giá trị nhân văn như Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Dạ cổ hoài lang…

TS NGÔ PHƯƠNG LAN – Cục trưởng Cục Điện ảnh

(Nguồn: Ngân An – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Ngẫm nghĩ… tiếng cười

VH- Hài kịch là nghệ thuật của trí tuệ trong niềm vui sống vàcái hài được dùng như một phương pháp nghệ thuật sáng giá nhất đểcon người vui vẻ giã từ quá khứ. Bởi vậy, cái hài nhảm nhí, sống sượng, dù diễn ra ở sân khấu miền Nam hay Bắc cũng chỉ phục vụ được một bộ phận công chúng. Đi tìm công chúng đông đảo, lôi kéo họ trở về với sân khấu hài  tử tế, với tinh thần khỏe mạnh của cái cười giã từ quá khứ, mang tính giải trí rất cao, vẫn đang là trăn trở khôn nguôi của nghệ sĩ sân khấu hiện nay.

Khi sân khấu Hài gây cười bằng nhược điểm hình thể

Không ngẫu nhiên, những danh hài lớn trên sân khấu và màn ảnh ảnh thế giới đều kiêng gây cười trên nhược điểm, thiếu sót về hình thể của con người. Tiếng cười, mang sâu sắc một triết lý sống khỏe mạnh, bao giờ cũng là một phương cách vui vẻ hân hoan, để nhân loại giã từ quá khứ. Có lẽ không dân tộc nào trên thế giới lại chối từ tiếng cười để giã biệt những điều không mấy vui hoặc buồn thảm của quá khứ. Với dân tộc Việt Nam, vốn có căn cốt là văn hóa nông nghiệp, và văn minh lúa nước, hiển thị trong ba hằng số, trên cơ sở 3 chữ “Nông”, theo định danh của GS. Trần Quốc Vượng, là Nông dân-Nông nghiệp-Nông thôn, với chủ thể của nền văn hóa này làngười nông dân Việt, quanh năm chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối, miệt mài trồng lúa trên cánh đồng Việt, luôn phải hứng chịu thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, thì nhu cầu về tiếng cười lại càng trở nên cần thiết, như cơm ăn và nước uống. Không tình cờ, một kiểu nhân vật quan trọng và thịnh hành nhất của sân khấu Chèo, Tuồng là Hề Chèo, Hề Tuồng, và sau này là Hề Cải lương đã hiện diện tươi vui, rộn ràng, và là một sắc thái sân khấu cơ bản, không thể vắng mặt trong nghệ thuật diễn xướng các loại hình sân khấu dân gian truyền thống Việt Nam. Và nhân vật Hề hiện đại kiểu Tây của sân khấu phương Tây trong Hài kịch, Chính kịch và cả… Bi kịch nữa, khi đãdu nhập vào sân khấu Việt, được khán giả chào đón và yêu thích ngay từđầu thế kỉ 20, ở Sài Gòn và Hà Nội, Hải Phòng, nơi màngười Pháp đã xây dựng ba nhà hát Lớn của cả ba thành phố Việt, theo kiến trúc của nhà hát phương Tây…

Thêm nữa, về lịch sử sân khấu Việt, trước khi thể loại kịch phương Tây du nhập Việt Nam, nước ta đã hiện diện một nền sân khấu truyền thống, với diễn xướng dân gian trong lễ hội, trong sinh hoạt cộng đồng làng xóm, với loại hình rối nước, chèo cổ, tuồng cổ, cùng các nhân vật hài truyền thống như: nhân vật chú Tễu trong Rối nước, các nhân vật hề chèo, hề tuồng, hề cải lương. Bởi vậy, ngay từ trong cấu trúc mỹ học của sân khấu truyền thống Việt, nhân vật hài đã là một trong mấy mô hình nhân vật cơ bản của nghệ thuật gây cười, chẳng hạn như trong chèo cổ, kiểu nhân vật hài đứng ở vị trí thứ năm và không thể thiếu, đó là Đào-Kép-Lão-Mụ- Hề. Thời hoàng kim của sân khấu Việt hiện đại, những năm 80, 90 của thế kỷ 20, khi điện ảnh-truyền hình chưa phát triển bùng nổ như đầu thế kỉ 21, khán giả thậm chí đã phải xếp hàng dài để có được tấm vé xem hài kịch. Đến muộn, lại muốn xem, chỉ có cách mua vé chợ đen giá cắt cổ. Thời kì hoàng kim ấy không dung nạp và không để xảy ra trường hợp mà như nhà văn Phan Thị Vàng Anh từng nhận xét trong một tiểu phẩm hài đăng trên báo là khán giả phải “ra về lúc giải lao”, vì không có gì mới để xem tiếp, sân khấu toàn những điều không kịch tính, chẳng bất ngờ, không khiến khán giả cười để giải trí, để suy ngẫm, để đối thoại. Ra về nửa chừng, vì thấy vở diễn mới chỉ đụng đến túi tiền khán giả, chứ chưa đụng đến… trái tim.

Sau một thời gian lẽo đẽo chạy theo sau khán giả, việc khán giả quan tâm đến hài kịch, dù là hài trên sân khấu tươi sống, hay hài “đóng hộp” trên truyền hình, cũng đều là tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên, mừng nhiều mà thất vọng cũng không ít vì tiếng cười trào phúng đang ít đi, còn những hành vi rẻ tiền, câu khách lại trở nên phổ biến.

Công chúng hài kịch không mấy ai chịu nổi việc các nghệ sĩ nam thi nhau giả gái trên truyền hình. Rồi không ngần ngại đem chuyện đời tư, chuyện phòng ngủ ra đùa bỡn, phô phang, kiểu lạy ông tôi ở bụi này.Và không ngại “tố khổ” , bêu riếu người bạn đời của mình, khi tình yêu hoặc tình vợ chồng đổ vỡ, ly tán. Và sau đấy, không ngần ngại cãi vã, kiện tụng. Người biễu diễn chẳng những không xấu hổ mà còn cảm thấy thích thú. Một nghệ sĩ hài đã bình luận rất xác đáng về việc này “gây cười bằng đời tư là giỡn mặt người xem”. Giỡn là một từ chuẩn, theo đúng cách dùng phương ngữ Nam Bộ.

Truyền hình thực tế với format đặc hiệu nước ngoài đã biến nhiều nghệ sĩ thành “tự nhiên chủ nghĩa”. Họ diễn hài theo lối diễn cương buông tuồng, phóng túng, không cần kịch bản, không cần nội dung, thích gì nói ấy, thích gì làm nấy, dửng dưng với hàng triệu khán giả đang xem truyền hình, đã nghiễm nhiên thành trường hợp phổ biến. Đó là biểu hiện thật đáng buồn của của sự thiếu vắng tài năng.

Hài kịch hai miền có sự tiếp biến về văn hóa

Hài Bắc – hài Nam, trước đây rất khác biệt về phong cách và dường như không có ý định cùng nhìn về một hướng. Nhưng trong bối cảnh bùng nổ các chương trình truyền hình, game show hài, bắt buộc phải có sự đổi mới cách tiếp cận công chúng. Nói cách khác, hài kịch hai miền đang có sự tiếp biến về văn hóa diễn hài kịch. Có điều, hài miền Nam có vẻ tốt hơn trong khi hài miền Bắc được đánh giá là “không còn hay như trước”.

Hài miền Nam vốn bị gắn mác hài nhảm, thậm chí có khi đã đi đến cùng sự nhảm nhí và nhạt nhẽo. Nhưng thời gian gần đây, yếu tố trí tuệ, sự biến hoá thông minh, linh hoạt đã được đưa vào tác phẩm. Thành Lộc, Hữu Châu, Hoài Linh là những nghệ sĩ điển hình cho sự thực thi điều này một cách chuyên nghiệp trên sân khấu sàn gỗ lẫn trên sân khấu truyền hình. Tôi thấy nhiều tiểu phẩm hài với diễn xuất của Hoài Linh kết thúc rất nhân văn, vui tươi và có hậu, điều mà công chúng sân khấu TP.HCM và rộng ra là cả vùng văn hóa Nam Bộ rất yêu thích, khi thưởng thức hài kịch.

Ngược lại, hài Bắc lại xuất hiện nhiều tác phẩm nhảm nhí, bắt chước miền Nam những năm về trước. Một thời, hài Nam chuyên trị lấy hình hài xấu xí của con người như răng vẩu, gương mặt biến dạng, dáng đi xiêu lệch vẹo vọ lệch để gây cười. Bây giờ, miền Nam hạn chế cách gây cười kiểu này thì miền Bắc lại bắt đầu lạm dụng.

Thể loại hài chính luận cũng có sự thay đổi. Trước đây, sân khấu hài miền Bắc lên hương với thương hiệu hài chính luận nhưng gần đây, một số tác phẩm chính luận lại nặng nề vì đạo diễn và tác giả kịch bản không chuyển hóa nội dung thành tiếng cười vui tươi, sảng khoái.

Sự cũ kỹ trong kịch bản và cách diễn xuất, cùng việc biến báo đầy sống sượng các vấn đề thời sự – xã hội thành tiếng cười thiếu đậm đà hương vị hài hước, đã khiến hài Bắc, vốn thơm nức tiếng bỗng trở nên lép vế. Không gì đáng tiếc hơn khi chính khán giả miền Bắc lại nhận xét hài Bắc nhảm và nhạt – điều mà trước đây không hề có.

Hai miền Nam – Bắc là hai không gian văn hóa vùng miền khác nhau. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc một số nghệ sĩ Bắc như Xuân Bắc, Tự Long tham gia các chương trình do đơn vị phía Nam tổ chức là một chiều hướng tốt. Cách đón nhận của khán giả hai miền với hài kịch không tương đồng, thói quen thưởng thức cũng khác biệt. Những ý kiến trái chiều và so sánh là không thể không có. Do vậy, muốn làm tốt, nghệ sĩ vừa phải giỏi ứng biến vừa phải giữ được bản sắc của mình…

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Hội thi hát quan họ đầu xuân & chuyện bây giờ mới kể

VH- Quan họ, thứ đặc sản văn hóa âm nhạc đặc biệt thể hiện cốt cách, tâm hồn người Kinh Bắc tưởng chừng như có sức lan tỏa không bao giờ ngừng trong đời sống tinh thần của người dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, vậy nhưng cũng đã có những giai đoạn ở nơi đây không mấy ai còn hứng thú. Câu chuyện của những năm cuối thập niên 1980 và đầu 1990 không mấy ai còn nhớ nhưng nó đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc “chấn hưng” lại dòng nghệ thuật này ở quê hương Kinh Bắc.

“Cứu” quan họ!

Giai đoạn đổi mới, cuối thập niên 1980, chính sách “mở cửa” như một làn gió mới làm thay đổi đời sống xã hội cả nước. Trong khi kinh tế đang chuyển mình đi lên, thì văn hóa đang đà bị lãng quên ở vùng quê giàu truyền thống văn hóa Kinh Bắc. Khi ấy, các buổi biểu diễn của Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh rất ít người xem, thấy quan họ đang có chiều hướng đi xuống, lại có sự đồng lòng của hai ông Nguyễn Đăng Khoa (giám đốc), ông Dương Đình Bưu (phó giám đốc), Sở Văn hóa Hà Bắc cũ đã đưa ra chủ trương khôi phục lại hát quan họ, lấy trọng tâm là đào tạo, vì vậy tập trung vào việc khôi phục hội thi hát quan họ. Sở giao triển khai nhiệm vụ quan trọng này cho Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Bắc, với ba cán bộ là ông Ngô Văn Trụ giám đốc, ông Vũ Hồng Bàng, cán bộ chuyên môn và ông Nguyễn Hữu Si, trưởng phòng văn nghệ. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp của bộ phận nghiên cứu lúc ấy có nhà nghiên cứu văn hóa Kinh Bắc Trần Linh Quý, và nhà nghiên cứu quan họ Hồng Thao đã về hưu nhưng rất nhiệt tình tham gia. Đó là năm 1990.

Ông Hữu Si cho biết: “Đầu tiên chúng tôi đi xuống các làng quan họ để tìm các nghệ nhân. Từ làng Chọi, làng Diềm Xá của Yên Phong đến Sim Bịu, Lim của Tiên Sơn, rồi một số làng để gặp các cụ nghệ nhân, trong đó có cụ Son, cụ Sôi, cụ Thành… Người viết bài còn nhớ, hồi tháng 12.2016 khi cùng ông Ngô Văn Trụ làm khách mời cho chương trình Tết của Đài PT-TH tỉnh Bắc Giang, trò chuyện với cùng chủ đề này, ông cho biết: “Cái khó khăn nhất lúc ấy là những nghệ nhân có uy tín thì đã ngoài 90, sức khỏe đã yếu, khi biết chủ trương của Nhà nước các cụ rất thích, vì các cụ cũng mong khôi phục quan họ nhưng mà lực bất tòng tâm, không hát được nữa”. Các ông đã tìm đến nhà từng nghệ nhân để gặp, thu thập những tư liệu và thu lại những bài cổ để về nghiên cứu. Đồng thời, họ cũng không quên nhờ các nghệ nhân dạy lại các con em trong làng.

Không chỉ các cụ nghệ nhân phấn khởi, ngay cả nhân dân ở các làng ngày xưa có hát cũng rất hào hứng, bởi vì như thế, người ta có cơ hội được đi hát. “Tôi còn nhớ hình ảnh cụ Thành ở làng Diềm, cụ yêu quan họ tới mức nếu nói đến hát thì cụ có thể nói suốt ngày suốt đêm. Mà ai thích học thì cụ say sưa lắm, cụ vừa nắn vừa dậy không cần nghỉ ngơi”, ông Hữu Si nhớ lại. Theo ông Si, hầu như các cụ nghệ nhân quan họ đều như thế, rất muốn truyền lại cho thế hệ sau nhưng có một tiêu chí quan trọng để các cụ truyền dạy là phải có những người say mê, kiên trì. Có lẽ bởi, bên cạnh những quy định nghiêm ngặt về văn hóa ứng xử, giao tiếp… thì quan họ còn là nghệ thuật ca hát có những yêu cầu khá khắt khe buộc người chơi phải tuân theo. Chẳng hạn trong cách hát, bên cạnh giọng hát phải vang rền nền nảy theo cách của người quan họ thì còn phải đề cao cái tôi trong tính tập thể. Quan họ không hát đơn mà hát đôi, ở đó có người hát dẫn, có người hát luồn. Khi hát đối thì có đối chỉnh, trong đó có chỉnh nhạc và chỉnh lời. Chính yếu tố này đã khuyến khích sự sáng tạo của những người chơi quan họ, góp phần cho các làn điệu, bài quan họ ngày một dầy lên. “Lúc đó có rất nhiều nghệ nhân vẫn còn tham gia sáng tạo. Cụ Sôi là một trong những người sáng tạo ra rất nhiều bài quan họ mới”, ông Hữu Si cho biết. Bên cạnh đó, nếu ai muốn chơi được quan họ thì phải biết được ít nhất 4 giọng lề lối. Các nghệ nhân quan niệm hát được lề lối thì mới là người biết chơi quan họ. “Thế nên các cụ có những bài lề lối rất khó, khi mà hát được các giọng lề lối thì vào các giọng vặt nó dễ hơn”, ông Hữu Si chia sẻ thêm.

Trên cơ sở những gì có được từ các chuyến điền dã kéo dài suốt cả năm 1990, khi trở về nhóm các cán bộ văn hóa tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu các cái bài hát cổ, những bài hát đối chỉnh (cả nhạc và lời), những quy định của các hội thi hát quan họ truyền thống… Để rồi đề xuất cách thức tổ chức một hội thi hát quan họ phù hợp nhất. Và hội thi hát đầu tiên được tổ chức năm 1991 tại Trung tâm Văn hóa Quan họ (cũ) tại thị xã Bắc Ninh.

Thêm một hội hát vùng Kinh Bắc

“Năm đầu tiên chúng tôi chỉ làm thử, không chấm giải mà để hội thi có tính chất giao lưu. Ai phát hiện ra cụ nghệ nhân nào ngày xưa đi chơi quan họ, có giọng hát hay là chúng tôi đều mời ra. Ví dụ như có cụ Son, cụ Sôi, cụ Thành và cả ông Chung (làng Diềm)… một số các cụ cũng lâu rồi tôi quên tên”, ông Hữu Si chia sẻ. Để vừa phát huy được giá trị truyền thống, vừa thu hút được nhiều người tham gia, cuộc thi tổ chức thành hai sân. Sân thi hát đối đáp dành cho quan họ cổ theo đúng lề lối được tổ chức tại gốc cây đa to ở sân trung tâm và sân thi giọng hát hay dành cho những làn điệu phổ thông tổ chức trong hội trường của trung tâm. Trong năm đầu tiên này, bên cạnh việc mời các nghệ nhân đến, còn có sự xuất hiện của một số diễn viên Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh như Thúy Cải, Lệ Ngải, Lan Hương… “Chỉ là ra hát hầu các cụ một đôi câu chứ lúc đấy ngay cả đoàn quan họ cũng chưa biết nhiều bài lề lối, các bài cổ, nên anh chị em diễn viên xuất hiện để các cụ thấy yên tâm vì có thế hệ trẻ quan tâm”, ông Hữu Si cho biết. Năm đầu dù chưa chấm giải nhưng có đầy đủ ban tổ chức, ban giám khảo cũng như những quy định, nội dung yêu cầu của hội thi. Cả ba cán bộ văn hóa nằm trong ban tổ chức. Trong khi, giám khảo có nhà nghiên cứu Hồng Thao, Trần Linh Quý và hai nghệ nhân, trong đó có cụ Son. Về đề thi là khoảng 20 bài, trước hội thi, ban tổ chức đã giao về cho các làng.

Từ năm 1992 chính thức tổ chức hội thi hát quan họ đầu xuân. Mừng vì lượng nghệ nhân và thí sinh đăng ký tham dự nhưng lại có những phát sinh, ông Hữu Si bộc bạch: “Trong quá trình thi thì nó lại đẻ ra chuyện bất cập là không biết chấm thế nào là đúng, thế nào là không đúng. Chúng tôi phải dựa vào nghệ nhân để thẩm định. Cái nào chưa được thì các cụ đánh giá thêm vào”. Trở về sau hội thi tiếp tục nghiên cứu và bổ sung bằng cách phát xuống cho các làng 20 bài chỉ định. Các làng phải học 20 bài này đồng thời phải tự tìm học 20 bài đối sao cho phù hợp. Những năm tiếp theo, bên cạnh việc liên tục nhân lên số lượng bài các nhà tổ chức còn nâng dần mức độ khó lên bằng cách không giao bài chỉ định nữa, mà áp dụng hình thức bốc thăm, tức là bốc bất kỳ bài nào cũng phải hát được. Sau đó, thêm yêu cầu bên ra đối một bài bất kỳ thì bên kia cũng phải thuộc bài đối tương ứng. Từ đó trở đi người chơi quan họ bắt đầu thuộc rất nhiều bài. Hội thi hát mỗi ngày một phát triển.

Xuất hiện một thế hệ nghệ nhân mới

Bên cạnh các cụ nghệ nhân lớn tuổi, ngày càng nhiều người chơi quan họ tham gia, điều này khiến cho các cụ nghệ nhân cảm thấy toại nguyện, nhà tổ chức cảm thấy yên lòng. Ngay năm tổ chức trao giải đầu tiên, 1991, hội thi đã thu hút nhiều người chơi quan họ thuộc các lứa sau. Trong đó vào chung kết là hai cặp đôi bà Hình, bà Khánh làng Võ Cường và ông Dứa, ông Lụt ở Yên Phong. Những năm sau có lớp trẻ hơn như anh Nam, anh Hiệp ở làng Thổ Hà (Việt Yên), chị Ly, chị Sổ ở làng Diềm, anh Bàng, chị Nội ở làng Y Na, rồi chị Quýnh (Yên Phong)… Đặc biệt là đôi liền chị – chị Sang, chị Thềm là con gái cụ Thành cũng đã bắt đầu xuất hiện.

Những giọng hát xuất sắc được phát hiện từ hội thi hằng năm ngày càng gắn bó với quan họ. Họ không ngừng tìm tòi, học hỏi trau dồi vốn liếng và truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối. Trong đó, có thể kể tới các liền chị như chị Hình, chị Quýnh đã sưu tầm rất nhiều bài quan họ, mở các câu lạc bộ tại địa phương, dạy hát quan họ trong nhà trường… Các anh Nam, anh Hiệp, chị Sang, chị Thềm… không ngừng trau dồi và ngày càng đam mê với những câu hát, truyền dạy cho những hạt nhân trẻ yêu nghề chơi quan họ. Hầu hết các liền anh, liền chị đã trở thành nghệ nhân có uy tín của vùng Kinh Bắc, được nhân dân ghi nhận, được phong tặng các danh hiệu dành cho nghệ nhân.

Như vậy, không chỉ đơn thuần là sáng tạo một không gian sinh hoạt văn hóa mới cho quan họ dựa trên những yếu tố truyền thống, việc xuất hiện hội thi hát quan họ cấp tỉnh còn góp phần hữu hiệu bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt của Kinh Bắc cho đất nước. Và trong thành công đó, không thể không nhắc tới những người đặt nền móng cho hội thi, đó là ban giám đốc Sở Văn hóa Hà Bắc cũ với các ông Khoa, ông Bưu, các nhà nghiên cứu Hồng Thao, Trần Linh Quý, các nghệ nhân lớn tuổi, đặc biệt là 3 cán bộ văn hóa của Sở là các ông Trụ, ông Bàng và ông Hữu Si.

Nhà lí luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

Các nhà hát đều “sáng đèn” dịp Tết

VH- Nhiều chương trình đặc sắc được tuyển chọn biểu diễn, nhiều giọng ca, nghệ sĩ tên tuổi sẵn sàng không ăn Tết… là những ghi nhận trước mùa diễn Tết của 12 nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL. Trước và trong dịp Tết từ đầu tháng 2 đến hết tháng 3, hàng chục chương trình đã được các nhà hát chuẩn bị để lên đường diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại Công văn số 26/BVHTTDL-VP ngày 3.1.2018 về việc chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị nghệ thuật Trung ương tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất – 2018, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chỉ đạo các đơn vị liên hệ với địa phương, xây dựng kế hoạch biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu vùng xa, các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo.

Thi Hen (22)Theo lịch dự kiến của Cục Nghệ thuật biểu diễn, các chương trình sẽ diễn liên tục từ đầu tháng 2 đến hết tháng 3.2018. Nhà hát Chèo VN sẽ biểu diễn 10 đêm từ ngày 20.2 đến 31.3 tại các huyện Hoành Bồ, Bình Liêu, thị xã Đông Triều, thị xã Ba Chẽ, thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh và đặc biệt một số huyện đã phải chịu thiệt hại bởi thiên tai nặng nề trong năm 2017 vừa qua thuộc tỉnh Phú Thọ. Nhà hát Cải lương VN sẽ diễn 10 buổi tại các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang và tỉnh Hà Giang từ ngày 5.2 đến 10.3. Nhà hát Kịch VN sẽ diễn phục vụ tại Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và tỉnh Yên Bái; các tỉnh miền Trung Tây Nguyên gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum và tỉnh Đắk Lắk. Nhà hát Múa rối VN sẽ biểu diễn phục vụ đồng bào xa Tổ quốc 3 buổi từ ngày 9.2 đến 12.2 tại Hàn Quốc và 10 buổi từ 21.2 đến 25.2 tại các huyện thuộc Tuyên Quang. Liên đoàn Xiếc VN sẽ diễn 10 buổi từ 29.2 đến 15.3 tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa và cả các khu công nghiệp ở Hưng Yên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nhà hát Tuổi trẻ diễn 10 buổi tại các huyện thuộc tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa và tỉnh Bình Định từ ngày 6 đến 20.3. Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc diễn 12 buổi tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và tỉnh Cao Bằng. Nhà hát Nghệ thuật Đương đại VN diễn tại Nghệ An và Hà Tĩnh, kèm theo ở mỗi điểm diễn 15 phần quà tặng cho 15 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà hát Tuồng VN sẽ biểu diễn tại một số huyện vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Lào Cai vào trung tuần tháng 3.

Nhiều nhà hát còn chuẩn bị diễn nhiều chương trình trong mỗi đợt lưu diễn Tết như Nhà hát Kịch VN có 4 vở: Bão tố Trường Sơn, Ảo ảnh hạnh phúc, Khát vọng, Chia tay hoàng hôn, Nhà hát Cải lương VN có 5 chương trình: Chương trình ca nhạc sân khấu tổng hợp, Công đường và quyền lực, Tiền và Nghĩa, Dấu ấn giao thời, Ni sư Hương Tràng. Điều đặc biệt là sẽ có nhiều gương mặt nghệ sĩ tên tuổi của các nhà hát tham gia lưu diễn đợt này như: NSƯT Xuân Bắc, Phú Đôn, Việt Thắng, Khuất Quỳnh Hoa (Nhà hát Kịch VN); Chí Huy, Tuấn Anh, Bá Anh, Nguyệt Hằng, Thu Quỳnh, các ca sĩ Ánh Tuyết, Kiên Trung, Thiên Hà (Nhà hát Tuổi Trẻ)…

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN chia sẻ: “Nghệ sĩ Nhà hát Cải lương VN rất hào hứng và chờ đợi vào những dịp diễn Tết phục vụ khán giả ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ở những địa điểm như thế này, khán giả cũng rất hào hứng, chờ đón, họ luôn xem rất say sưa. Chính vì vậy mà Ban giám đốc Nhà hát đã quyết định sẽ đưa nhiều chương trình biểu diễn phong phú đa dạng để phục vụ cho khán giả”. Nhiều tên tuổi nghệ sĩ như NSND Vương Hà, NSƯT Mạnh Hùng và cả những tài năng trẻ như Quang Khải, Minh Hải, Như Quỳnh, Hoa Mai cũng không ngại khó, ngại khổ sẵn sàng lên đường tham gia diễn Tết.

Diễn vào dịp Tết cổ truyền, người nghệ sĩ sẽ không có nhiều thời gian để nghỉ Tết bên gia đình, lưu diễn ở các địa bàn vùng sâu vùng xa lại vô cùng khó khăn từ việc đi lại cho tới điều kiện sinh hoạt ăn ở. Với trách nhiệm và cả niềm đam mê yêu nghề, người nghệ sĩ đã không nề hà mà sẵn sàng lên đường, chia sẻ và ăn Tết với chính khán giả của mình. Việc tổ chức cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp diễn vào dịp Tết đáp ứng nhu cầu của người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo đã trở thành một thông lệ, một truyền thống đẹp của ngành VHTTDL trong dịp Tết Nguyên đán đã được sự hưởng ứng và ghi nhận bằng sự chờ đón, háo hức của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân ở các địa bàn cả nước.

(Nguồn: Thúy Hiền – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Táo quân 2018: Lộ hết rồi,​ thưa “Ngọc Hoàng”!

VH- Sau gần một tháng nỗ lực tập luyện, “món quà” vui ngày Tết Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2018 đã bước vào buổi ghi hình đầu tiên tối 2.2 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội. Chuyện vé “chợ đen” 10 triệu một đôi vào ngắm diễn viên và xem ghi hình là có thật. Và thưa “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh: Chương trình Tết sẽ phát trên ti vi lộ hết đề tài và liệu có còn sự bất ngờ, hấp dẫn?

Nhiều vấn đề nổi cộm nhưng thiếu điểm nhấn

Năm nay, nhân kỷ niệm 15 năm Gặp nhau cuối năm – Táo Quân ra đời nên chương trình đã không ghi hình ở trường quay S16 – Đài Truyền hình Việt Nam như mọi năm mà ghi hình ở Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội và kéo dài làm 3 ngày: 2 – 4.2. Trước thời điểm ghi hình, vé của chương trình đã được săn lùng ráo riết trên mạng xã hội. Vé “chợ đen” được đẩy giá lên 10 triệu đồng/cặp vé mà vẫn vô cùng khan hiếm. Ngay sát giờ của buổi ghi hình đầu tiên vẫn có một lượng đông khán giả đứng chực chờ trước sảnh địa điểm biểu diễn để mong có thể mua được tấm vé “chợ đen” vào xem chương trình. Điều này càng chứng tỏ Táo Quân đã tạo nên một sức nóng mang tính lan toả hơn bất cứ chương trình nào trong năm.

Táo Quân 2018 quy tụ một lượng diễn viên đông đảo chưa từng có từ trước đến nay. Ngoài những gương mặt nghệ sĩ gắn bó suốt nhiều năm qua như: NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Công Lý, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Chí Trung, NSND Tự Long, nghệ sĩ Vân Dung thì còn có tới 12 người (gồm diễn viên, diễn viên nhí, ca sĩ, nhà thiết kế) cũng tham gia tuyến vai phụ. Đặc biệt, sự trở lại của NSƯT Minh Hằng – NSƯT Minh Vượng đã góp phần làm cho tiếng cười thêm ấn tượng và thông điệp đa sắc màu hơn.

Năm nay, NSND Tự Long đảm vai Táo Xã hội, NSƯT Chí Trung – Táo Quy hoạch, NSƯT Quang Thắng – Táo Kinh tế, NSƯT Minh Hằng – Táo Môi trường, NSƯT Minh Vượng – Táo Hưu trí, nghệ sĩ Vân Dung – Táo Y tế. Việc Thiên Đình có thêm nhiều Táo cũng đồng nghĩa với việc Táo Quân trải rộng các vấn đề phản ánh sang nhiều lĩnh vực. Ngay ở phần đầu, một loạt các vấn đề nổi cộm trong năm đã được đề cập một cách trực diện dưới cách biểu đạt đầy hài hước như chuyện các Táo lên chầu Ngọc Hoàng phải nộp phí BOT khi đi qua cổng Thiên Đình, chuyện “Cô Đẩu” bạo hành các nhân viên trẻ bằng “hung khí”, chuyện “Cô Đẩu” phẫu thuật thẩm mỹ vẫn đăng quang hoa hậu và được trao một dải băng bằng tiếng Việt cải cách khiến ai đọc cũng bị “trẹo mồm”…

Nhiều khán giả đã hết sức bất ngờ khi năm nay anh “Ngọc Văn Hoàng” tức Ngọc Hoàng – Quốc Khánh đã cho bỏ hình thức báo cáo quen thuộc, thay vào đó là các Táo sẽ tham gia phần trình diễn catwalk. Thông qua phần trình diễn này mà đưa ra các vấn đề mang tính cốt lõi của ngành. Đó là những vấn đề đã làm được lẫn chưa làm được và cả những điều mà người dân mong muốn thay đổi.

Các vấn đề liên quan đến chuyện tăng giá xăng dầu, mua bằng cấp, thuốc chữa ung thư rởm, thực phẩm bẩn, khăn lụa dán nhãn mác lừa khách hàng, thói “ném đá” tập thể trên mạng xã hội, trào lưu câu like – câu view của cư dân mạng… đã được lồng ghép khéo léo và phân tích sâu sắc thông qua các màn trình diễn cùng những câu chất vất nửa đùa nửa thực của Ngọc Hoàng – Bắc Đẩu – Nam Tào.

Đặc biệt, trò chơi “Giành ghế” ở cuối chương trình của các Táo gây được ấn tượng mạnh khi nói được lên thực trạng khá nhức nhối trong lĩnh vực quy hoạch cán bộ được đề cập nhiều trong thời gian qua.

Một điểm thú vị không thể nhắc tới đó là năm nay “Cô Đẩu” tiết chế hơn thì Ngọc Hoàng – Quốc Khánh lại có nhiều đất diễn hơn. Ngọc Hoàng không ngồi ghế chờ các Táo báo cáo như mọi năm mà đứng suốt từ đầu đến cuối chương trình. Thỉnh thoảng anh hoà nhịp với các Táo để lúc làm cho mọi việc rối bời, lúc lại làm cho mọi thứ “giãn nở”.

Lối diễn tỉnh bơ nhưng “ném” ra câu nào chết câu đó của Quốc Khánh đã góp phần làm cho hình tượng Ngọc Hoàng gần gũi và đời sống hơn.

Đăng ký bản quyền tại Mỹ, tránh bị “ăn cắp”

Tuy vẫn giữ vững được “thương hiệu” Táo Quân trong việc đưa các vấn đề nổi cộm của năm nhưng xét trên bình diện chung năm nay kịch bản hơi dàn trải, thiếu điểm nhấn. Đặc biệt, cấu tứ của đoạn mở đầu chương trình hơi lộn xộn, không có chi tiết đắt giá và dễ gây khó hiểu cho người xem.

Ở phần chính của chương trình, nhiều chi tiết được chọn lọc vẫn chưa xoáy vào trọng tâm. Những vấn đề đáng được nhấn nhá như: vụ thuốc ung thư rởm, khăn lụa Trung Quốc dán mác Khải silk, vụ quy hoạch đô thị “chằng đụp”, vấn nạn mua bằng cấp… thì lại bị điểm lược khiến người xem có cảm giác người viết kịch bản hơi tham lam khi đưa quá nhiều vấn đề mà vấn đề nào cũng “nhờ nhờ” như nhau. Ngay cả ở trò chơi “Giành ghế” được xem là điểm nhấn của chương trình thì tiếng cười được tạo ra cũng thiếu sự sâu sắc và cô đọng.

Bù lại, Táo Quân 2018 rất ghi điểm ở phần dàn dựng sân khấu. Sân khấu được bố trí thoáng rộng và bắt mắt. Hệ thống màn hình LED để giúp cộng hưởng trong việc truyền tải được nhiều thông điệp.

Một điều không thể không nhắc tới chính là trang phục của Bắc Đẩu lẫn các Táo năm nay được thiết kế hết sức ấn tượng. Cô Đẩu diện một lúc 3 bộ trang phục với những chi tiết thêu thùa tỉ mỉ và các phụ kiện đính kèm “siêu độc”. Cả ba bộ trang phục đã góp phần làm cho nhân vật này trở nên mới mẻ và sinh động hơn hẳn.

Trong khi đó, các Táo, mỗi người cũng có 2 – 3 bộ trang phục phù hợp với từng bối cảnh diễn. Mỗi bộ trang phục đều góp phần giúp nhấn mạnh thông điệp của các Táo trong từng lĩnh vực được đề cập đến. Phần lớn các trang phục đều do NSƯT Đức Hùng thiết kế và mất cả tháng ròng để chuẩn bị.

Theo thông tin từ đại diện truyền thông của chương trình, năm nay Táo Quân sẽ đăng ký bản quyền tại Mỹ và đang triển khai các bước nhằm bảo vệ bản quyền chương trình này tại Việt Nam. Việc đăng ký bản quyền chương trình Táo Quân tại Mỹ được xem là hành động đầu tiên trong nỗ lực bảo vệ bản quyền các chương trình truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam trên toàn thế giới. Sở dĩ VTV phải tiến hành biện pháp này là vì trong nhiều năm qua, lợi dụng tâm lý khát xem chương trình trước Tết nên nhiều cá nhân ghi lại chương trình và đăng tải lên Internet, nhiều nhất là trên trang YouTube mà chưa có bất cứ thỏa thuận nào với đơn vị sản xuất.

Điển hình, năm 2014, ngay tại thời điểm VTV phát sóng Táo Quân trên hệ thống truyền hình, trên YouTube đã có người sử dụng công nghệ live streaming để phát sóng chương trình này lên Internet trong cùng thời điểm. Tiếp đó, đầu tháng 2.2014, trên thị trường băng đĩa xuất hiện tràn lan đĩa Táo Quân 2014. Thậm chí, khán giả còn có thể xem “chùa”, download toàn bộ chương trình Táo Quân trên kênh YouTube.

Phát hiện vi phạm bản quyền này, CNC – đơn vị ký hợp đồng với VTV độc quyền phát hành clip Táo Quân trên Internet đã vào cuộc, buộc các tài khoản vi phạm trên YouTube phải gỡ các video về chương trình. Đồng thời, với những người dùng cố tình vi phạm YouTube đã tiến hành khóa tài khoản người dùng. Bởi lí do đó mà VTV đã quyết tâm phải thắt chặt hơn vấn đề bản quyền bằng sự hỗ trợ của công nghệ của các đơn vị đối tác uy tín.

Tuy nhiên, cũng nhiều người mua vé vào xem cho rằng, dù đăng ký bản quyền tại Mỹ cho chương trình, nhưng lại bán vé thu tiền và tãi ra ba ngày ghi hình thật chẳng khác nào “thứ” được gọi là bản quyền kia chỉ là chiêu trò Pr. đánh bóng – trách sao được lộ bài, lộ nội dung và không loại trừ nhiều trường đoạn đã bị phát tán!

(Nguồn: Khánh Đăng – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Nhà hát Chèo Việt Nam: Đưa nghệ thuật chèo đến gần khán giả

(Cinet) – Liên tục giành những giải thưởng cao tại các cuộc thi tài năng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đồng thời gặt hái những thành công lớn tại nhiều liên hoan nghệ thuật quốc tế, với những đêm diễn luôn sáng đèn hàng tuần, Nhà hát Chèo Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế nhà hát nghệ thuật quốc gia, một đơn vị năng động, nhiệt huyết trong việc đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với công chúng.

Nhà hát Chèo Việt Nam được khởi đầu từ sự ra đời của Tổ Chèo trong Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, được thành lập năm 1951 tại Chiến khu Việt Bắc, trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Tổ Chèo đã được nâng cấp trở thành Đoàn Chèo Trung ương. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Đoàn đã phát triển thành Nhà hát Chèo Trung ương rồi đổi tên là Nhà hát Chèo Việt Nam.

Tiếp nối thành tích 65 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam hiện nay là nhân tố quan trọng góp phần bảo tồn vốn Chèo cổ, chỉnh lý nâng cao các tác phẩm tiêu biểu của Chèo cổ, song hành với việc đào tạo các thế hệ nghệ sĩ tiếp nối cho ngành Chèo.

Đông đảo các nghệ sĩ gạo cội, các nhà quản lý, và công chúng tới thưởng thức vở diễn "Thị Hến" của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: Lan Phạm
Đông đảo các nghệ sĩ gạo cội, các nhà quản lý, và công chúng tới thưởng thức vở diễn “Thị Hến” của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: Lan Phạm

Trong bối cảnh nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có nghệ thuật chèo gặp nhiều khó khăn, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn giữ vững  định hướng bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống.

Khán giả yêu mến chèo vẫn đều đặn được thưởng thức những giai điệu chèo mượt  mà, sâu lắng vào 20h tối thứ 6 hàng tuần tại sân khấu Rạp Kim Mã với những vở diễn, trích đoạn được đầu tư công phu, tập luyện kỹ càng, những vở diễn tạo nên tên tuổi của nhà hát Chèo Việt Nam như: Bắc Lệ đền thiêng, Hề đố đá, Mầu – Nô – Phú ông (trong vở Quan Âm Thị Kính), Thị Mầu lên chùa, Lưu Bình –  Dương Lễ, Thị Nở – Chí Phèo, Hát Đò đưa, Xã trưởng mẹ Đốp, Giá đồng… Bên cạnh những vở chèo với tích cổ và đề tài dân gian, đề tài hiện đại, đề tài người lính cũng được khai thác để làm giàu thêm vốn đề tài, đồng thời tiếp cận gần hơn với khán giả như vở “Giai điệu Tổ Quốc” sắp được công diễn vào tối 30/12 tới đây.

Thành công lớn của Nhà hát Chèo trong năm 2017 có lẽ là việc phục dựng thành công vở “Nàng Thiệt Thê” và dựng mới 02 vở “Thị Hến” và “Bà Chúa Kho”, đặc biệt là việc vở “Quan âm Thị Kính”  vinh dự được lựa chọn biểu diễn tại Hòa nhạc Hòa giải Thế giới năm 2017 và tham dự Festival Nhà hát Chuncheon tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng tham gia biểu diễn phục du công chúng (150.000 lượt khán giả) tại nhiều chương trình như: Biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và bà con nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; Biểu diễn chương trình tại Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc VN; Ghi hình vở chèo “Huyền tích một loài hoa”, “Giếng Thơi trong lòng phố” trên Đài Truyền hình VN; Biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Lào Cai; Biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội hai vở Súy Vân và Dây tràng hạt diệu kỳ; Kết hợp với Trường ĐH SK-ĐA Hà Nội hỗ trợ thi tốt nghiệp cho Lớp diễn viên, nhạc công Chèo khóa K34 thuộc Dự án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của Nhà hát Chèo VN giai đoạn 2014 – 2020 và tầm nhìn 2025…

Đội ngũ nghệ sĩ trẻ của Nhà hát luôn được quan tâm, dành những ưu ái và được thử sức trong nhiều vai diễn. Điều đó cũng phần nào lý giải vì sao Nhà hát Chèo Việt Nam luôn gianh được thứ hạng cao trong các cuộc thi tài năng do Bộ VHTTDL tổ chức như Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 với 2 HCV, 2 HCB, 1 giải diễn viên có đóng góp tích cực và 2 HCV và 1 HCB cá nhân tại Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017.

Như chia sẻ của NSƯT Thúy Ngần trong cuốn “Tâm tư với nghiệp chèo”, nếu trước đây, lớp nghệ sĩ như chị và các bạn đồng lứa được các nghệ nhân như thầy Trần Bảng, nghệ nhân Dịu Hương, nghệ nhân Minh Lý dạy nghề, “dạy cả cách ăn cách nói”, thì nay, NSUT Thúy Ngần đã trở thành giảng viên tiếp tục truyền lửa chèo cho các thế hệ tiếp nối.

Cái khó nhất có lẽ là làm sao để giữ được chất “chèo”, giữ được hồn cốt của chèo truyền thống, mà vẫn hấp dẫn được thị hiếu khán giả hiện nay. Đó không chỉ là trăn trở của Nhà hát Chèo Việt Nam mà còn của rất nhiều nghệ sĩ gạo cội, những người thầy vẫn “cần mẫn” với công việc, với nghiệp chèo.

Hy vọng rằng với sự đồng lòng của các nghệ sĩ Nhà hát, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững và viết tiếp những trang sử vẻ vang của nhà hát, vẫn luôn kiên định với việc bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống, đồng thời năng động hơn nữa trong việc tiếp cận nhiều đối tượng khán giả, để nghệ thuật chèo sống mãi…

(Theo Gia Linh – Báo Điện tử Cinet)

Cần những tác phẩm tạo nên thương hiệu Nhà hát Chèo Việt Nam

Sáng 01/02, Nhà hát Chèo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã tới dự.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 do Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam Nguyễn Ngọc Kình trình bày tại hội nghị nêu rõ: Năm 2017 mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng bằng tinh thần đoàn kết, quyết tâm cùng sự nỗ lực cố gắng không biết mệt mỏi của tập thể cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên, công nhân viên và người lao động, Nhà hát Chèo Việt Nam đã năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, trở ngại hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cũng như nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cụ thể, trong năm 2017, Nhà hát Chèo Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ Chính trị và bà con nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; Duy trì biểu diễn thường xuyên chương trình các trích đoạn Chèo Truyền thống và ca hát dân gian tại sân khấu Nhỏ Kim Mã vào các tối thứ 6 trong tuần; Tham gia biểu diễn chương trình “Bản làng vui Tết đón Xuân”,“Sắc màu các dân tộc Việt Nam” và “Đại đoàn kết Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2017 tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam. Nhà hát cũng đã tổ chức ghi hình vở Chèo “Huyền tích một loài Hoa ”, “Giếng Thơi trong lòng phố”, “Nam Mô Thích Ca Mâu ni Phật”; Ghi âm vở Chèo “Đường trường Duyên phận”, “Giai điệu Tổ quốc ’’phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phục vụ nhân dân; xây dựng chương trình nghệ thuật chất lượng cao biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội; tham dự Festival Nhà hát Chuncheon tại Chuncheon Hàn Quốc; biểu diễn giới thiệu, quảng bá nghệ thuật truyền thống của Việt Nam tại Hội chợ quốc tế và nghệ thuật ăn uống Dijon tại thành phố Dijon – Cộng hòa Pháp trong chương trình Xúc tiến Du lịch Quốc gia 2017;…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2017, Nhà hát Chèo Việt Nam còn gặp một số hạn chế như: Công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ chưa đạt yêu cầu đề ra, vẫn còn tình trạng thiếu hụt cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ cao, nhất là đội ngũ cán bộ kế cận…

THU TRUONG TANG BANG KHEN
Thứ trưởng Vương Duy Biên tặng Cờ Thi đua của Bộ VHTTDL cho tập thể cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế trong năm 2017, bước sang năm mới 2018, tập thể cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm công tác biểu diễn phục vụ nhân dân hoàn thành kế hoạch Bộ VHTTDL giao với 160 đêm diễn; các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị đột xuất do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) giao; biểu diễn định kỳ tại sân khấu Nhỏ Rạp Kim Mã (08 tháng/buổi); biểu diễn định kỳ tại sân khấu Lớn Rạp Kim Mã (04 buổi/tháng); Dàn dựng 02 vở mới, phục dựng 01 vở diễn, dựng 01 vở thể nghiệm; Xây dựng chương trình để giới thiệu nghệ thuật Chèo tại Hoa Kỳ; Triển khai dự án Xúc tiến Du lịch 2018 tại Nhà hát.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã ghi nhận những kết quả mà tập thế cán bộ nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam đã đạt trong năm 2017.

Thứ trưởng đặc biệt đề nghị, tập thể cán bộ lãnh đạo nhà hát Chèo Việt Nam cần tiên liệu đến những khó khăn trong khoảng thời gian 5 – 10 năm tới để từ đó có chiến lược thay đổi về các mặt như: Công tác truyền thông, các vở diễn cần tạo sự hấp dẫn công chúng hơn nữa; cần có những gương mặt tài năng, những ngôi sao sáng để truyền thông và công chúng biết tới để từ đó hấp dẫn và thu hút lớp trể đến với nghệ thuật Chèo.

Thứ trưởng tin tưởng rằng, trong năm mới 2018, với tinh thần đoàn kết, nhất trí, tập thể lãnh đạo, cán bộ, nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tạo nên những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời tạo được những thành quả mới trong sáng tạo nghệ thuật với những tác phẩm hay, hấp dẫn, lôi cuốn người yêu nghệ thuật truyền thống, góp phần tạo nên uy tín cũng như thương hiệu Nhà hát Chèo Việt Nam.

THU TRUONG TANG BANG KHEN 1

NHAP_THU TRUONG TANG 2
Thứ trưởng Vương Duy Biên tặng Cờ Thi đua của Bộ VHTTDL cho tập thể cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã thay mặt lãnh đạo Bộ trao tặng Cờ thi đua năm 2017 cho Nhà hát Chèo Việt Nam đồng thời tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và biểu diễn nghệ thuật năm 2017./.

(Tin, ảnh: Anh Vũ – Báo Điện tử Bộ VHTTDL)