VHO – Sẽ có những câu chuyện thú vị được kể bởi các nhân vật như: Các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê, nữ sinh Nguyễn Phương Thảo 2 năm liền đoạt huy chương tại Olympic sinh học quốc tế… nhằm góp phần truyền cảm hứng về niềm tự hào, niềm lạc quan đến với đông đảo công chúng trong chuỗi chương trình trào đón năm mới diễn ra tại Hà Nội từ ngày 30.12.2018 đến 1.1.2019.
Chương trình “Vũ khúc ánh sáng” năm 2018 – Ảnh: Internet
Theo thông tin từ Sở VHTT Hà Nội, vào tối 31.12, sẽ có nhiều chương trình (đếm ngược) chào năm mới 2019 diễn ra tại các địa điểm trên địa bàn thành phố. Riêng khu vực hồ Hoàn Kiếm có 3 chương trình nghệ thuật lớn.
Cụ thể, khu vực hồ Hoàn Kiếm – Tượng đài vua Lý Thái Tổ là chương trình “Countdown 2019 – Vũ khúc ánh sáng” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện vào lúc 22 giờ ngày 31.12.2018 đến 0 giờ 15 phút ngày 1.1.2019. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 cùng với 2 đầu cầu khác là Đài Truyền hình Việt Nam và thành phố Hội An.
Trong chương trình sẽ có rất nhiều câu chuyện được kể bởi các nhân vật sẽ góp phần truyền cảm hứng về niềm tự hào, niềm lạc quan như: Các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê, nữ sinh Nguyễn Phương Thảo 2 năm liền đoạt huy chương tại Olympic sinh học quốc tế… Đan xen giữa những câu chuyện là các tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng, những thành viên của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Không chỉ có vậy, trước khi chương trình lên sóng trực tiếp, một đại nhạc hội rock sẽ diễn ra tại khu vực xung quanh Tượng đài vua Lý Thái Tổ với sự tham gia của các ban nhạc rock đình đám Việt Nam.
Còn tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, từ 18 giờ ngày 31.12.2018 đến 0h30 phút ngày 1.1.2019 sẽ diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chào xuân mới” với phần trình diễn của các ban nhạc: Ngũ Cung, The Girls, Ngọt, Cá hồi hoang cùng nhiều ca sĩ trẻ thể hiện.
Cùng thời gian này, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng sẽ diễn ra chương trình “Chào xuân mới” với một chương trình nghệ thuật đặc sắc qua phần thể hiện của những nghệ sĩ như: Minh Hằng, Yến Trang, Yến Nhi, Minh Vương, Quốc Thiên, Ưng Hoàng Phúc, Thu Minh… với ca khúc pop quen thuộc: “Giấc mơ triệu trái tim”, “Ngày rực rỡ”, “Sắc môi em hồng”, “Beautiful girl”, “Vệt nắng cuối trời”, “Bóng mây qua thềm”…
Tại Sân vận động Hàng Đẫy là chương trình nghệ thuật “Chào đón năm mới 2019”, diễn ra lúc 20 giờ ngày 31.12 được dàn dựng hoành tráng với sự tham gia của các ca sĩ: Tuấn Hưng, Noo Phước Thịnh, Min…
Ngoài các chương trình nghệ thuật diễn ra tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, tối 31.12 trên địa bàn thành phố HN cũng diễn ra 7 chương trình nghệ thuật lớn khác.
Bên cạnh đó, vào ngày 30.12, tại 70 Nguyễn Du sẽ diễn ra chuỗi sự kiện “Ký ức Hà Nội” với 3 hoạt động chính.
Triển lãm tranh “Ký họa Hà Nội”
Với mong muốn tái hiện, lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của một thời kỳ lịch sử, các tác giả của nhóm Urban Sketchers Hanoi mang đến triển lãm “Ký họa Hà Nội” 250 bức tranh. Đây là những tác phẩm đặc sắc nhất trong số hàng ngàn tác phẩm có chủ đề tập thể Hà Nội xưa được chọn lọc và thẩm định bởi các chuyên gia mỹ thuật, hội họa và kiến trúc.
Trải nghiệm ẩm thực Hà Nội thời bao cấp có các hoạt động trải nghiệm ẩm thực với những món ăn truyền thống của Hà Nội. Những đầu bếp của Hà Nội đã dày công sưu tầm, nghiên cứu để mang tới hoạt động trải nghiệm ẩm thực thời bao cấp với nguyên tắc sử dụng chất liệu “cũ” nhưng chế biến theo phong cách hiện đại, mới lạ và tinh tế.
Ngoài hoạt động trải nghiệm, Ban tổ chức cũng ra mắt cuốn sách “Tập thể Hà Nội – Ký họa & hồi ức” với nhiều câu chuyện, hình ảnh về một Hà Nội đang chuyển mình từ hình ảnh tập thể xưa với sự phát triển của đô thị hôm nay.
VHO- Phú Quốc vốn là điểm đến mới lạ, hấp dẫn, cơ sở vật chất tốt, cảnh quan đẹp nhưng hiện nay khách đến Phú Quốc chưa nhiều so với những trung tâm du lịch lớn khác và vẫn còn dư địa lớn để phát triển.
Tour đi bộ dưới đáy biển là sản phẩm du lịch mới của Phú Quốc
Để thu hút khách và giữ khách lưu trú lâu hơn tại hòn đảo xinh đẹp này, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tại Phú Quốc và ở các tỉnh thành trên cả nước đã bắt tay nhau, kết nối sản phẩm, tour tuyến, xây dựng những sản phẩm mới cực kỳ độc đáo.
Gần đây nhất, tour đi cano thăm hòn Mây Rút, hòn Móng Tay, đi bộ dưới đáy biển (seawalker) được đưa vào khai thác, với giá khá đắt, từ 950.000 đồng- 1 triệu, tour trong ngày nhưng luôn đông khách, có nhiều đoàn đã bị từ chối phục vụ vì quá đông, nhà cung cấp dịch vụ không đủ khả năng đón tiếp. Trong khi đó, hiện nay tour trọn gói 3 ngày 2 đêm từ Hà Nội tới Phú Quốc bao gồm vé máy bay, khách sạn 3 sao có công ty lữ hành bán giá sốc chỉ 3,4- 3,5 triệu đồng.
Seawalker là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn khám phá cuộc sống dưới biển nhưng không giỏi bơi lội hoặc không muốn lặn. Đây là một hệ thống lặn mềm. Trước khi khám phá đáy biển, khách du lịch sẽ được trang bị công nghệ thăm dò mới nhất, mũ bảo hiểm với tấm chắn trong suốt, không cần thùng chứa khí. Du khách có thể thoải mái khám phá cuộc sống dưới đáy biển mà vẫn có thể thở giống như trên mặt đất.
Tour đi bộ dưới đáy biển đều có hướng dẫn viên đi cùng, kéo dài từ 15- 20/ phút, tối đa 30 phút. Để được tham gia tour này, khách du lịch cũng được kiểm tra sức khoẻ và trả lời một số câu hỏi liên quan đến y tế và cũng có người bị loại trừ khỏi hoạt động vì không đủ điều kiện. Tour đi bộ dưới đáy biển được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới như Malaysia, Indonesia, Thái Lan nhưng tại Việt Nam mới chỉ có 3 điểm đến du lịch khai thác loại hình du lịch này là Nha Trang (Khánh Hoà), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Phú Quốc.
Chiếc mũ dùng cho Seawalker là cả hệ thống máy móc hiện đại, được cấu tạo vỏ bên ngoài bằng chất liệu polycarbon, lõi bên trong bằng sắt, mũ có 1 đầu nối với ống dẫn khí oxy, phía dưới phần cổ mũ là những lỗ thoát không khí do người dùng thở ra. Chiếc mũ để đội đi dưới đáy biển này có thiết kế đặc biệt, nặng 40kg nhưng khi đội và đi dưới nước chỉ còn nặng chừng 4kg.
Chỉ riêng hành trình đi cano từ cảng An Thới ra hòn Mây Rút đã cực kỳ thú vị. Khu vực mũi Kỳ Lân, công viên san hô Namaste dành cho khách đi bộ dưới đáy biển nổi lên những hòn đá tuyệt mỹ, đặc biệt khi ngắm nhìn dưới ánh chiều tà.
Ông Đường Văn Khôn, Giám đốc Công ty Du lịch Phú Quốc ngày nay (Phuquoc Today Travel), người đã có đến gần chục năm làm du lịch ở Phú Quốc cho biết: “Chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh phát triển mảng landtour (dịch vụ trọn gói tại điểm đến của hành trình) Phú Quốc và kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành lớn trên cả nước để đưa khách đến Phú Quốc. Khi làm landtour, chúng tôi không chỉ bảo vệ thương hiệu của mình mà còn bảo vệ thương hiệu của đối tác nên dù giá có cạnh tranh, chất lượng dịch vụ vẫn phải đảm bảo tốt nhất. Cách làm này sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển kết nối với nhau, chi phí tiết kiệm, chia sẻ lợi ích, tiến tới chuyên nghiệp hoá dịch vụ và phục vụ khách tốt hơn”.
Giữa tháng 12, Phuquoc Today Travel đã tổ chức chương trình khảo sát cho 130 doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc đến khảo sát landtour tại Phú Quốc và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Hiện nay, các vì cung khách sạn lớn hơn cầu, các dịch vụ khác của Phú Quốc cũng khá đầy đủ nên doanh nghiệp du lịch trên đảo cạnh tranh nhau quyết liệt và không ngừng tìm kiếm những điểm đến và xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc biệt là những sản phẩm mang lại sự trải nghiệm cho du khách.
Khách bây giờ đến Phú Quốc cũng không đơn giản chỉ đi tắm biển ở Bãi Sao, thăm làng chài Hàm Ninh, ngắm hoàng hôn ở Dinh Cậu, thưởng thức đặc sản ở chợ đêm, thăm vựa tiêu xanh, tham quan nhà thùng làm nước mắm truyền thống hay cơ sở nuôi cấy ngọc trai mà thích tới Vinpearl Safari, Vinpear Land Phú Quốc đi cáp treo thăm đảo Hòn Thơm, treckking xuyên rừng nguyên sinh, lặn biển ngắm san hô, câu mực đêm ở Nam Đảo cùng ngư dân hoặc đi bộ dưới đáy biển. Nói chung là những trải nghiệm rất mới, rất đặc trưng ở Phú Quốc dành cho du khách.
Ngoài việc phải có những dịch vụ chuyên biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ, các doanh nghiệp du lịch ở Phú Quốc còn cạnh tranh lành mạnh bằng việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên địa phương chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc tuyến điểm, nhiệt tình, nồng hậu mang đậm chất miền Tây… Họ luôn mang trong mình tình yêu về vùng biển đảo thiêng liêng của đất nước và mong muốn đem lại cho du khách nụ cười đầy cảm xúc khi đặt chân đến hòn đảo tươi đẹp này.
Phú Quốc, điểm đến phía Nam Tổ quốc, nơi tiếp giáp trên biển với Campuchia, đến giờ vẫn là điểm du lịch biển đảo được nhiều du lịch khát khao được đến, được trải nghiệm.
“Với điều kiện giao thông và công nghệ như hiện nay, đến Phú Quốc không khó, thậm chí rất dễ nhưng muốn có một chuyến đi đẹp, nhiều ý nghĩa và tận hưởng những giây phút quý giá thì cần phải có một bạn đồng hành tin cậy. Chúng tôi đang cố gắng để làm người bạn ấy của du khách đến Phú Quốc”, ông Đường Văn Khôn nói.
VHO- Ngày 22.12, hình ảnh Cầu Vàng (Sun World Ba Na Hills, Đà Nẵng) và dãy Hoàng Liên Sơn (Sa Pa) bất ngờ xuất hiện trên màn hình lớn tại quảng trường Thời Đại – Time Square (Mỹ), khiến nhiều người trên giao lộ chính ở Manhattan ngỡ ngàng thán phục.
Đây là lần đầu tiên, hai địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam được quảng bá trên Giao lộ giải trí số 1 thế giới. Nhiều người đã dừng lại, xem trọn vẹn 60 giây trình chiếu và tỏ ra vô cùng thích thú với những hình ảnh thơ mộng và độc đáo của hai địa danh này.
Chris (New Jersey) chia sẻ : “Ồ, một cây cầu lạ kì. Tôi đã được nghe nói về cây cầu này vài tháng trước. Tôi cũng đã thấy nó trên CNN, BBC… Đây quả là công trình ấn tượng và thậm chí thật tuyệt vời khi nó được xây dựng tại Việt Nam”.
Đối với người dân Mỹ, cầu Vàng ít nhiều không còn xa lạ, bởi hình ảnh cây cầu độc đáo nhất Việt Nam này đã từng được các hãng thông tấn lớn trên thế giới không ngừng đưa tin, kể từ khi nó chính thức khai trương tháng 6 năm nay. Độ phủ sóng mạnh mẽ của Cầu Vàng tại các trang báo uy tín như CNN, BBC hay Reuters, tạp chí Time… đã kéo một luồng du khách quốc tế lớn đến với khu du lịch Sun World Ba Na Hills- nơi cây cầu tọa lạc.
Cầu Vàng cũng liên tiếp có tên trong các cuộc bình chọn hàng năm của các hãng thông tấn danh tiếng trên thế giới như: Top bức ảnh ấn tượng năm 2018 của CNN, Top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới của tạp chí TIME, top 106 bức ảnh của năm 2018 (AFP) hay “Top 50 bức ảnh kì lạ nhất năm 2018” của Reuters…
Người dân Mỹ cũng không còn lạ với tạo hình độc đáo của Cầu Vàng, bởi nó từng được The New York Times – tờ báo có trụ sở tại Quảng trường Thời Đại miêu tả “Từ trên các vách đá xuất hiện một đôi bàn tay khổng lồ nâng đỡ một sợi chỉ vàng, như thể chính ngọn núi đã mọc ra đôi bàn tay vậy”.
“Tôi đã nghe mọi người nói về Cầu Vàng trên Facebook và Instagram cũng như nhiều hãng thông tấn Mỹ khác. Tôi nghĩ đây là một trong những điểm các bạn muốn đến ít nhất một lần trong đời, đặc biệt là Cầu Vàng” – George (Pennsylvania) cho biết.
Bên cạnh Cầu Vàng, dãy Hoàng Liên Sơn (Sa Pa) cũng nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người dân New York với những hình ảnh đẹp tựa thiên đường: biển mây bồng bềnh trên đỉnh Fansipan hay những thửa ruộng bậc thang vàng óng nổi bật giữa trùng điệp xanh của rừng già. Vẻ đẹp hoang sơ, dân dã xong cũng không kém phần lãng mạn, hút hồn của vùng núi Tây Bắc này cũng vừa được National Geographic- tạp chí uy tín của Mỹ bình chọn là một trong 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019, đồng thời là điểm đến thú vị nhất Đông Nam Á.
Một trong những trải nghiệm nhất định phải thử để khám phá Hoàng Liên Sơn, đó là đi cáp treo Fansipan băng qua thung lũng Mường Hoa, qua những trập trùng đồi núi xanh thẳm lên tới đỉnh Fansipan, để chạm tay vào Nóc nhà đông Dương và chiêm ngưỡng quần thể văn hóa tâm linh đẹp kỳ vĩ trên đỉnh thiêng.
Trong phần giới thiệu về Hoàng Liên Sơn, National Geographic đã mô tả: “Nhờ có tuyến cáp treo mới, ngày càng nhiều du khách có cơ hội chạm tới đỉnh cao Fansipan 3143m. Nhưng khu vực vùng núi Tây Bắc này (cách xa thị trấn Sa Pa nhộn nhịp) vẫn còn nguyên đó sự hoang sơ, thôn dã, một thế giới tách biệt hẳn so với Hà Nội ồn ào, mặc dù chỉ cách thủ đô khoảng 313 km về hướng Đông Bắc”.
Và thật thú vị, những người được xem đoạn clip về Hoàng Liên Sơn không khỏi ấn tượng, coi đây là điểm đến cần phải ghé một lần trong đời. Joyce (Maine) nói: “Với những người yêu bộ môn leo núi hay thích khám phá núi rừng thì Hoàng Liên Sơn chắc chắn là một địa chỉ nhất định phải ghé qua. Tôi không leo núi được nhưng tôi thích được chiêm ngưỡng nó từ cáp treo. Tôi nghĩ đó sẽ là một chuyến đi rất tuyệt!”
Với những điểm đến đầy ấn tượng với du khách nước ngoài, cơ hội đón nhiều hơn 18 triệu khách quốc tế trong năm tới của du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ sớm thành hiện thực.
VHO- “Văn hóa là nền tảng tinh thần, nhưng có nhiều nơi, nhiều lúc bị sức ép kinh tế lấn át. Xã hội hóa văn hóa ngắn hạn không làm ra tiền nhưng về lâu dài mới tạo ra được nền tảng văn hóa, tránh suy thoái đạo đức”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương vừa tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự hội nghị. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, Hội thảo hướng đến ba mục tiêu chủ yếu là: Đánh giá tác động của chủ trương xã hội hóa đến thực tiễn văn học, nghệ thuật trên tất cả các phương diện từ khi ban hành chủ trương đến nay; phân tích thực tiễn, chỉ ra những thành công và hạn chế của chủ trương trên từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật cụ thể; đề xuất các kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chủ trương, cơ chế chính sách xã hội hóa, góp phần xây dựng định hướng và dự báo xu hướng vận động. Tham luận của các đại biểu khẳng định chủ trương xã hội hóa tác động đến các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật… một cách khác nhau, với những cách thức và mức độ khác nhau. Trong khi ở lĩnh vực văn học, chủ trương xã hội hóa chỉ tác động thông qua cơ chế thị trường và chủ yếu ở khâu xuất bản, phát hành và quảng bá tác phẩm thì ở các lĩnh vực khác lại tác động trực tiếp lên toàn bộ các khâu của quá trình tổ chức, sáng tạo. Vì vậy, sự quan tâm của từng lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật đến chủ trương xã hội hóa không giống nhau. Dưới tác động của chủ trương xã hội hóa, hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã có những thay đổi khá toàn diện từ phương thức tổ chức hoạt động đến đầu tư, sáng tạo, thẩm định, đánh giá, phát hành và quảng bá sản phẩm. Tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm giải quyết ở các khâu, các lĩnh vực nhưng không thể phủ nhận được quá trình xã hội hóa đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu như kích thích tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo, huy động được các nguồn lực của toàn xã hội vào việc tạo ra các giá trị văn hóa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ của nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước… Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến tại hội thảo là việc xã hội hóa đang tạo ra những giá trị ảo, chạy theo tính giải trí, vì đồng tiền mà bỏ qua giá trị tác phẩm. Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ cho biết: “Trong nền kinh tế thị trường, việc xã hội hóa đã biến tác phẩm văn hóa thành một loại hàng hóa – một loại hàng hóa đặc biệt. Đồng thời, vì áp lực của lợi nhuận mà xuất hiện rất nhiều “hàng chợ” chỉ mang tính giải trí”. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, xã hội hóa làm ra cả nghìn câu lạc bộ thơ nhưng theo ông không có bài thơ hay, sức sống lâu dài. Nhà thơ hoan nghênh xã hội hóa nhưng không thể vì vài đồng tiền mà quên đi giá trị tác phẩm. Tác phẩm phải đi vào lòng người, đó mới là xã hội hóa cao nhất. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngay những năm chín mươi của thế kỷ XX, chủ trương xã hội hóa đã được chỉ ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90 được xem là dấu mốc quan trọng của tiến trình xã hội hóa. Phó Thủ tướng khẳng định, xã hội hóa không phải Nhà nước buông lơi về lãnh đạo và đầu tư mà là nhằm huy động nguồn vốn của xã hội, tăng mức hưởng thụ của người dân. “Văn hóa là nền tảng tinh thần, nhưng có nhiều nơi, nhiều lúc bị sức ép kinh tế lấn át. Xã hội hóa văn hóa ngắn hạn không làm ra tiền nhưng về lâu dài mới tạo ra được nền tảng văn hóa, tránh suy thoái đạo đức”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định, khi thực hiện xã hội hóa vẫn còn có nhiều bất cập như các chính sách về ưu đãi đầu tư không được như mong muốn, sử dụng ngân sách nhà nước khó khăn… “Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trong quá trình cổ phần hóa mà Hãng Phim truyện Việt Nam là một ví dụ cho việc chúng ta không chú ý đúng mức đến tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa. Cho đến bây giờ, khi đã có chuyện mà đến một năm rồi vẫn còn chưa giải quyết được”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Trong thời đại bùng nổ của Công nghệ thông tin, các chương trình văn hóa, giải trí đang ngập tràn trên Internet, trên sóng phát thanh truyền hình khiến cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng đang bị lấn át và có nguy cơ mai một nếu không có định hướng phát triển phù hợp. Tuy vậy, để chèo đến với công chúng, được khán thính giả yêu thích, việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo là cả một vấn đề nan giải.
Một cảnh trong vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính
Chèo xuất hiện từ đời nhà Lý (khoảng thế kỷ XI), phát triển rực rỡ ở đời nhà Trần (thế kỷ XIII), nghệ thuật sân khấu chèo là một trong những di sản văn hóa lớn trong kho tàng văn hóa truyền thống Việt Nam. Là loại hình nghệ thuật thuần Việt, nghệ thuật hát chèo ra đời từ cuộc sống của những người dân lao động và quay lại phục vụ chính họ, gắn bó với người dân nông thôn ở đồng bằng Bắc bộ. Với hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều yếu tố như: hát, múa, nhạc, kịch… chèo không chỉ xuất hiện trong những dịp lễ, tết hay hội hè, đình đám mà trong cả những sinh hoạt dân dã của nhân dân, vì nó nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc, bởi cái chất trữ tình đằm thắm sâu sắc.
Nghệ thuật chèo được coi là phát triển rực vào rỡ những năm 60, 70 của thế kỷ XX nhằm phục vụ cách mạng. Đặc biệt là khi Trường Sân khấu dân tộc (nay là trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh) ra đời năm 1959. Không chỉ ở các sân khấu dân gian, sân đình, sân chùa mà ngay ở các sân khấu lớn lúc nào cũng chật kín chỗ ngồi mỗi khi có diễn chèo. Đến những năm cuối của thế kỷ 20 nghệ thuật này lắng dần đi do sự phát triển chung của xã hội với sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại.
Thời nay, các ngành chức năng, các nhà quản lý cùng các văn nghệ sĩ đang tìm cách để nghệ thuật chèo đến gần với công chúng hơn, chẳng hạn như đưa đề tài đương đại vào chèo. Nhưng làm sao để đưa đề tài hiện đại gần gũi hơn với cuộc sống hiện tại mà vẫn giữ được cái cốt cách và những nét đẹp truyền thống độc đáo của chèo là cả vấn đề không hề dễ dàng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã có những vở chèo phản ánh hiện thực cuộc sống mới, con người mới như “Chị Trầm” (1953), “Con trâu hai nhà” (1956), “Đường đi đôi ngã” (1959) của Tác giả, Đạo diển Trần Bảng; “Mối tình Điện Biên” (1959) của Lưu Quang Thuận; “Đường về trận địa” của Tào Mạt, “Sợi tơ vàng” của Việt Dung, “Những cô thợ dệt” của Trần Huyền Trân…. Đến năm 1975, xuất hiện trên sân khấu chèo hàng loạt vở có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao như “Chị Tâm làng cốc” của Tào Mạt, “Trần Quốc Toản ra quân” của Hoài Giao… Những vở chèo về đề tài này đã góp phần làm cho nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và chèo nói riêng phát triển mạnh mẽ thời kỳ này.
Những năm gần đây, nhờ sự tìm tòi sáng tạo của các tác giả, đạo diễn, văn nghệ sĩ đã phản ánh được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, khiến công chúng phải có những suy nghĩ băn khoăn. Như nỗi lo “Chẳng còn đất mà chôn” của bà mẹ nông dân trước hiện thực đất làng bị chiếm dụng trong “Đất làng” (Nhà hát chèo Thái Bình), đến câu chuyện trái ngang dang dỡ của mối tình “tay tư” trong “Thương nhớ trầu cau” (Nhà hát chèo Quân đội), hay nghị lực phi thường của người phụ nữ thời kỳ đổi mới ở “Trăng khuyết” (Nhà hát chèo Nam Định). Một số vở chèo mới, hiện đại như “Mối tình Điện Biên,” “Ánh sao đầu núi,” Đường về trận địa,” “Đường đi đôi ngả,” “Con trâu hai nhà,” “Sợi tơ vàng,” “Người con gái sông Cấm,” “Cô gái làng chèo,” vẫn luôn tỏa sáng trên sàn diễn.
Trước xu thế khán giả quay lưng lại với sân khấu truyền thống, việc hướng chèo khai thác những đề tài hiện đại là bước đi đúng đắn của những người hoạt động trong lĩnh vực chèo. Thế nhưng đề tài này có lấy được lòng công chúng không, và đề tài này đi đến đâu, mặt được và hạn chế gì trong cuộc sống đương đại thì cả vấn đề lớn chưa thể giải quyết. Giống như Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho rằng: “Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhu cầu thẩm mỹ của công chúng khác xa trước đây, và công chúng khó tính khi lựa chọn tác phẩm để tiếp nhận…” . Chính vì vậy, để chèo “hiện đại” hấp dẫn công chúng là một việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi người nghệ sỹ phải tìm tòi, sáng tạo để tìm ra sự phá cách mang tính đột phá trong nghệ thuật, qua đó tạo dựng những tác phẩm chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng. NSƯT Quốc Trượng (Phó giám đốc nhà hát chèo Quân đội) chia sẻ: “Để hấp dẫn khán giả, không những cần đề tài mới, mà người nghệ sĩ phải “phả” hơi thở cuộc sống vào hát chèo. Tuy nhiên chỉ nên đặt lời mới, phát triển lời mới trên lòng bản cổ như “Luyện năm cung”, “Hệ thống đường trường”, “Thức cẩm hồi vân”, “Con nhện giăng mùng”… chứ không nên sáng tác làn điệu mới vì như vậy sẽ mất chất dân tộc, không còn là hát chèo truyền thống mà thành kịch nói…”.
Đề tài hiện đại trong chèo không chỉ là quan tâm của những người làm chèo và yêu thích chèo mà là của cả giới sân khấu và cơ quan quản lý Nhà nước. Để đưa chèo thực sự gần gũi và được công chúng yêu thích phải có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội, từ sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước, đến sự nỗ lực của người quản lý, của mỗi nghệ sĩ. Thế nhưng khi cải biên, cải tiến như thế nào khi đưa đề tài hiện đại vào chèo nhưng vẫn giữ được cốt cách và nét đẹp truyền thống độc đáo của nghệ thuật chèo là cả vấn đề không hề đơn giản, đòi hỏi sự cố gắng của các nghệ sĩ sân khấu trong việc tìm tòi khám phá và sáng tạo nhiều mặt.
Một việc làm hết sức quan trọng ý nghĩa là đưa nghệ thuật chèo vào trường học. Chủ trương này thủ đô Hà Nội là đơn vị làm rất tốt và có được những thành công nhất định. Như NSUT Thúy Mùi, giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội cho biết được sự đồng ý của sở GDĐT và các phòng GDĐT các quận, huyện của thành phố, nhà hát đã cử 3 đoàn với hàng trăm văn nghệ sĩ, nhạc công đến với các em học sinh cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Các em học sinh trường tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội đang xem diễn chèo (Ảnh tư liệu nhà trường)
Ở bậc tiểu học các em được thưởng thức những vở mang tính vui nhộn ý nghĩa và đặc biệt có sự tham gia của NSƯT Minh Vượng như: “Cây tre trăm đốt hay Cây khế”. Còn ở bậc trung học cơ sở các em được xem các trích đoạn hài trong các vở chèo truyền thống, đặc biệt là trích đoạn chèo được đưa vào chương trình ngữ văn lớp 7 như vở: “Xã trưởng mẹ đốp” (Quan Âm Thị Kính) được các em rất hào hứng. Với đối tượng học sinh trung học phổ thông diễn các trích đoạn chèo như: “Thúy Vân giả dại”, “Thị Mầu lên chùa”… Những trích đoạn này mang nhiều thông điệp về các mối quan hệ, đặc biệt là vấn đề tình yêu nam nữ trong chèo ngày xưa để gần với tâm tư suy nghĩ của các em học sinh ở lứa tuổi mới lớn. Ngoài việc được thưởng thức các trích đoạn chèo cổ, các em học sinh trung học phổ thông còn được nghe những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nói chuyện về nghệ thuật chèo, các em được giao lưu và tham gia trò chơi liên quan đến chèo để tạo sự gần gũi giữa khản giả với nghệ sĩ.
Như NSND Quốc Chiêm – Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho hay: “Việc đưa nghệ thuật truyền thống vào các trường học là việc làm rất có ý nghĩa cần được phát huy, từ đó góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật chèo trong cuộc sống hiện đại. Vì vậy, khi được mời tham gia biểu diễn trong chuỗi chương trình này, tôi hào hứng nhận lời ngay”. Ông chia sẻ thêm: “Chương trình có tính sáng tạo, với những kịch bản có chất lượng. Ngoài việc tham gia để truyền dạy cho lớp trẻ, tôi còn mang tới niềm vui cho bản thân. Ngoài giờ làm, tôi còn tranh thủ đến ghép vở tập luyện, biểu diễn cùng các diễn viên”. Vị này cũng nói những vở diễn, diễn viên có chất lượng, và truyền thông tốt dần dần sẽ thu hút được khán giả. Đặc biệt nhiều vở diễn luôn có những “ngôi sao” để thu hút khán giả.
Một hướng đi mới để đưa nghệ thuật chèo đến gần với khán thính giả yêu nghệ thuật này là hình thức bán vé gắn với các tour du lịch được Nhà hát chèo Việt Nam xây dựng tổ chức và thực hiện tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội, không chỉ hướng tới là khán giả trong nước mà còn đem đến cho du khách du lịch nước ngoài. Vì thế, ban tổ chức có xây dựng các tour dành riêng cho du khách nước ngoài, trong đó các tiết mục chèo sẽ có thuyết minh bằng tiếng Anh. Nội dung của chiếu chèo bao gồm 5 chương trình được biểu diễn theo lối chèo truyền thống như: cụ trùm trò dẫn truyện; một đôi hề chèo dẫn trò; một nam, một nữ dẫn trò; một hề áo ngắn, hề áo dài; cuối cùng là dành cho khách nước ngoài với những mảnh trò, tích trò thật ngắn gọn nhưng cũng mang tính chất học thuật của chèo. Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc chèo nói riêng, nghệ thuật chèo nói chung. Đây cũng là một kênh để công chúng yêu nghệ thuật chèo được tiếp cận gần hơn với sân khấu chèo.
Như NSƯT Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam bày tỏ: “Tại sao một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như chèo lại không thể phát triển, nhân rộng và đưa vào làm du lịch? Từ trăn trở đó, chúng tôi mong muốn đưa Nhà hát Kim Mã trở thành điểm đến của du lịch, giống như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà hát Múa rối Việt Nam”. Cũng nói về chương trình nghệ thuật này, tiến sĩ Trần Đình Ngôn, người được mệnh danh là “vua chèo đất Bắc” cho biết: “Đây không chỉ là một chương trình có tính chất biểu diễn thông thường, mà nó còn mở ra triển vọng mới với cách nghĩ, cách làm rất mạnh dạn, sáng tạo mà nhiều loại hình nghệ thuật khác phải tiếp thu. Cần phải có những cách làm như vậy mới mong đưa nghệ thuật truyền thống ra khỏi nguy cơ bị lãng quên. Hơn nữa, chương trình này có thể mang lại giá trị du lịch lớn”.
Hiện tại, Nhà hát Chèo Việt Nam đã phát triển hình thức bán vé qua mạng internet, hoặc đăng kí tour theo yêu cầu của khán giả. Đối với các tour đặt trọn gói, du khách được lựa chọn chương trình, tiết mục biểu diễn riêng. Với cách làm mới loại hình nghệ thuật chèo, hi vọng trong tương lai không xa, nghệ thuật chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung sẽ không còn phấp phỏng trước nguy cơ bị lãng quên trước dòng chảy hội nhập, hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.
Với những nỗ lực, lòng yêu mến của nhà quản lý, những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm nên nghệ thuật chèo mong muốn và hy vọng sẽ đem lòng yêu mến chèo đến gần với công chúng. Trải qua biết bao thế hệ, đến hôm nay những đang sinh sống trên đất nước Việt Nam hay những kiều bào ở xa Tổ quốc, luôn coi nghệ thuật chèo là một “viên ngọc long lanh sắc màu” trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân tộc./.
VHO- Đây là một trong những vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Sự xuất hiện của những kịch bản phim, tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn… được sáng tác bởi trí tuệ nhân tạo thực sự đã tạo nên những lúng túng, đặc biệt trước nhiều câu hỏi được đặt ra như: Tác phẩm trí tuệ nhân tạo có bản quyền thuộc về ai?
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, tác phẩm có được bảo hộ quyền tác giả hay không?… Một trong những nội dung đáng lưu ý là câu chuyện bản quyền liên quan đến các sản phẩm trí tuệ nhân tạo đã được các chuyên gia Hàn Quốc đề cập tại Diễn đàn bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc 2018 do Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc phối hợp tổ chức gần đây. Bảo vệ bản quyền trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi như thế nào khi mà sẽ có nhiều các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh được sáng tạo bởi trí tuệ nhân tạo trong tương lai không xa nữa? Điều này đặt ra khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền không thể ngay lập tức có câu trả lời. Thực tế cho thấy, ngày nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những kịch bản phim, tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật trình diễn… được ra đời bởi trí tuệ nhân tạo. Vậy những tác phẩm do trí tuệ nhân tạo làm ra có bản quyền thuộc về ai? Có được bảo hộ quyền tác giả hay không? Đây là những vấn đề bản quyền sẽ xuất hiện trong thời đại cách mạng 4.0. Thông tin được ông Kim Chan Dong, Đội trưởng Đội Thương hiệu bản quyền (Ủy ban bản quyền tác giả Hàn Quốc) đưa ra khiến không ít người nghe bất ngờ. Ông cho biết, cách mạng 4.0 sẽ phát triển không ngừng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot… “Ví dụ như kịch bản phim của trí tuệ nhân tạo mang tên “Benjamin”, đạo diễn Oscar Sharp về mối quan hệ tay ba tại không gian văn phòng rộng như vũ trụ bao la; hoặc sự xuất hiện của tác phẩm âm nhạc được trình diễn bởi robot Teotronico có số lượt theo dõi lên đến hàng triệu trên YouTube… là những minh chứng sống động cho thấy rằng trong tương lai, trí tuệ nhân tạo có thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, chất lượng không kém gì những kịch bản, tác phẩm trực tiếp do con người sáng tạo”, chuyên gia Kim Chan Dong nói. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng đề cập đến vấn đề robot trình diễn âm nhạc, kịch bản phim từ trí tuệ nhân tạo sẽ được bảo hộ bản quyền ra sao? Nếu nói trí tuệ nhân tạo đã xâm phạm bản quyền thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?…”. Đây là những vấn đề về bản quyền sẽ xuất hiện với mật độ dày đặc trong thời đại cách mạng 4.0.
Khi trí tuệ nhân tạo tham gia sáng tác các tác phẩm nghệ thuật
Cần có những giải pháp ứng phó
Theo giới chuyên gia, trí tuệ nhân tạo đang thực sự là một thử thách cho bảo hộ bản quyền. Tháng 4.2017, kỹ sư Alex Reben đã đăng lên YouTube video “Deeply Artificial Trees (Cây nhân tạo)”, một tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bằng học máy, sử dụng các video của chương trình truyền hình dạy vẽ Joy of Painting trong những năm 1980 và 1990. Video này có những âm thanh vô nghĩa mô phỏng cách nói và giọng điệu của Bob Ross, người dẫn chương trình. Sau đó, người kế thừa quyền sở hữu trí tuệ của Bob Ross không hài lòng, đã yêu cầu DMCA (tổ chức bảo vệ bản quyền tác giả) gỡ video này xuống, và phải cho đến gần đây video mới được đăng lại. “Nếu một người có thể học hỏi từ một cuốn sách có bản quyền, liệu máy móc có thể học được từ cuốn sách đó hay không?”, một câu hỏi được đặt ra từ những tình huống liên quan đến bản quyền và trí tuệ nhân tạo, thực sự cũng tạo ra nhiều bối rối cho chính đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia về bản quyền. Theo ông Kim Chang Dong, để ứng phó với những thử thách đặt ra từ cách mạng 4.0, Hàn Quốc đã nghiên cứu xây dựng phương án chính sách về bản quyền trong tương lại từ năm 2015 tới nay và nhóm nghiên cứu thực tế để cải thiện Luật Bản quyền. Chuyên gia Hàn Quốc Kim Chan Dong cũng đề nghị Việt Nam và Hàn Quốc sớm có phương án hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực bản quyền như: Tăng cường đào tạo và quảng bá về chủ đề bản quyền, xây dựng hệ thống hợp tác chặt chẽ giữa hai Chính phủ. Tạo dựng môi trường khai thác tác phẩm qua công tác hợp tác tự do với Tổ chức quản lý tập trung bản quyền (CMO). Hợp tác nghiên cứu xây dựng hệ thống bảo vệ bản quyền. Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề khác đang đặt ra đối với công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số. Cũng theo ông Kim Chan Dong cùng với xu hướng tìm kiếm nội dung trên môi trường số ngày càng gia tăng, thì tỉ lệ thu lại cho nghệ thuật và cho các nhà đầu tư sản xuất nội dung số đang có một sự bất bình đẳng. Cụ thể, theo số liệu của IFPI, dịch vụ dựa trên lượt người đăng ký đạt 212 triệu người sử dụng, doanh thu quảng cáo đạt 3,9 tỉ USD. Trong khi dịch vụ dựa trên quảng cáo có trên 900 triệu người sử dụng nhưng doanh thu chỉ đạt 553 triệu USD. Sự chênh lệch này đã tạo ra sự tranh cãi gay gắt về khoảng cách chênh lệch giá trị (Value Gap). Việc giải quyết bản quyền thế nào với Big Data cũng đang được các nhà làm chính sách suy nghĩ. Big Data cần thu thập một lượng dữ liệu rất lớn, lượng dữ liệu này cũng có giá trị kinh tế ngày càng gia tăng. Cho nên, một số quốc gia đã bắt tay sửa đổi Luật bản quyền để đưa ra các giải pháp ứng phó về bản quyền thời Cách mạng 4.0. Chẳng hạn, Nhật Bản đã thảo luận nhằm cải thiện chế độ IP phục vụ thích ứng môi trường số, bảo vệ tác phẩm trí tuệ nhân tạo. Anh quốc cũng đã sửa đổi Luật bản quyền nhằm đổi mới và thúc đẩy kinh tế quốc gia. Mỹ nhấn mạnh tính cần thiết của Luật bản quyền và Triển khai kế hoạch chiến lược liên quan trong tương lai. Liên minh châu Âu triển khai mô hình “Digital Single Market” phục vụ công tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số một cách tối đa. Tại Việt Nam, theo đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), việc thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số được áp dụng theo Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy trình rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông (ISP). Theo đó các ISP có quyền thiết lập hệ thống giám sát, kiểm tra, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ và truyền đi trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Mặt khác, đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ trái với các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo nhiều chuyên gia, dù hệ thống hành lang pháp lý đã tương đối hoàn thiện nhưng rõ ràng với tốc độ phát triển như vũ bão, với nhiều thử thách mới liên tục được đặt ra, đơn cử như sự gia tăng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo thì công tác bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn phải đối phó và cần nghiên cứu để có thêm những giải pháp hữu hiệu.
“Nếu một người có thể học hỏi từ một cuốn sách có bản quyền, liệu máy móc có thể học được từ cuốn sách đó hay không?”, một câu hỏi được đặt ra từ những tình huống liên quan đến bản quyền và trí tuệ nhân tạo, thực sự cũng tạo ra nhiều bối rối cho chính đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia về bản quyền.
VHO-Tối 16.12, tại huyện Cẩm Giàng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã tổ chức trọng thể lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, đền Xưa – chùa Giám – đền Bia; công nhận huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia Vương Đình Huệ; lãnh đạo Bộ VHTTDL; NN&PTNT; các Bộ, ban, ngành TƯ và tỉnh Hải Dương.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh, Hải Dương – xứ Đông xưa là mảnh đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, là quê hương của biết bao anh hùng hào kiệt, danh nhân lỗi lạc. Hải Dương tự hào khi có 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 2 di tích nổi tiếng của quê hương Cẩm Giàng là Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa – chùa Giám – đền Bia. Việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là sự khẳng định vị thế và giá trị văn hóa, y dược học cổ truyền của 2 di tích. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Niềm vinh dự cũng là trách nhiệm lớn lao trong việc giữ gìn các di tích và công tác giáo dục truyền thống, văn hóa, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, niềm tự tôn dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Cẩm Giàng là một trong những địa phương đã phát huy tiềm năng, thế mạnh. Trong những năm gần đây, Cẩm Giàng đã phát triển cả công nghiệp – nông nghiệp và dịch vụ; tạo dựng được nhiều mô hình, sản phẩm riêng. Bên cạnh đó, huyện đã phát huy truyền thống lịch sử, khoa bảng, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia gìn giữ các giá trị văn hóa; tích cực xây dựng cuộc sống mới với nhiều thành tựu tiến bộ, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Với những thành tích đã đạt được, Cẩm Giàng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, đền Xưa – chùa Giám – đền Bia cho tỉnh Hải Dương; trao Huân chương Lao động hạng nhất, bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cẩm Giàng.
Tại lễ đón nhận đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Vinh quang truyền thống Cẩm Giàng” gồm 3 chương: Nam dược thánh nhân, Văn miếu Mao Điền và Cẩm Giàng ngày mới, thể hiện truyền thống khoa bảng lâu đời, giá trị của Nam dược, tinh thần Phật giáo và đoàn kết một lòng không ngại hy sinh gian khổ của nhân dân Cẩm Giàng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh.
Dân trí – Trong số các nhan sắc Việt tham gia đấu trường Hoa hậu Hoàn vũ, H’hen Niê là cái tên giành thành tích tốt nhất và để lại nhiều ấn tượng với khán giả Việt Nam lẫn thế giới khi lọt vào top 5 ứng xử của cuộc thi năm nay.
Từ thời điểm H’hen Niê đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và trở thành nguồn cảm hứng cho khán giả bởi đây là lần đầu tiên cô gái dân tộc Ê-đê đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi nhan sắc lớn của Việt Nam. Cô từng theo học Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại chuyên ngành tài chính doanh nghiệp và là một người mẫu trước khi đi thi hoa hậu.
Sự khác biệt mà H’hen sở hữu là nét đẹp tự nhiên, thân thiện và đáng yêu. Cô được kỳ vọng không chỉ vì nhan sắc mà còn bởi hành trình phấn đấu không ngừng của một cô gái thôn quê vượt qua khỏi hủ tục của làng quê để trưởng thành và thành công.
H’hen Niê sở hữu vóc dáng chuẩn nhờ sự tập luyện nghiêm túc trong suốt 1 năm cho cuộc thi quan trọng. Với mái tóc ngắn, làn da nâu khỏe khoắn và thân hình săn chắc số đo 3 vòng 83-60-97, chiều cao 172 cm, Niê đã gây ấn tượng mạnh với khán giả quốc tế khi bước vào Miss Universe.
Từ ngày đầu đến với Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, H’hen Niê đã gây ấn tượng với khán giả và truyền thông, các trang tin tại đây liên tục cập nhật thông tin về đại diện Việt Nam.
Trước khi đến với đấu trường nhan sắc quốc tế Hoa hậu Hoàn vũ, H’hen đã có một hành trình chuẩn bị chu đáo, nhưng quan trọng hơn hết là sự hồn nhiên, đáng yêu của cô khi xuất hiện trước công chúng cùng với sự chuyên nghiệp khi sải bước trên sân khấu.
Ở vòng đấu đầu tiên, trình diễn trang phục dân tộc với hình ảnh bánh mì đã lọt top 10 trang phục dân tộc ấn tượng nhất. Mặc dù thời điểm công bố trang phục đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng sự kiên định đã giúp cô gái Việt Nam gây ấn tượng.
H’hen Niê tự tin xuất hiện trong đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ 2018
Trong đêm bán kết, H’hen Niê tiếp tục gây ấn tượng trong phần trình diễn bikini với vóc dáng chuẩn và thần thái tự tin. Nụ cười rạng rỡ, thân thiện tiếp tục là điểm thu hút của đại diện Việt Nam.
Trong phần thi áo tắm, đại diện Việt Nam lựa chọn 1 bộ bikini 2 mảnh màu vàng ấn tượng, nổi bật làn da bánh mật của cô. H’hen Niê đã có những bước đi tự tin, nhẹ nhàng phù hợp với nhạc dạo của chương trình.
Cô thể hiện bản thân cảm nhạc khá tốt trong phần trình diễn của mình với những bước catwalk uyển chuyển, chuyên nghiệp và đầy cuốn hút.
Trong phần trình diễn dạ hội, H’hen Niê khiến khán giả Việt Nam phát cuồng bởi cú xoay người thần thái, cực kỳ ấn tượng trên sàn diễn. H’Hen Niê lựa chọn bộ trang phục màu vàng với 2 vạt xéo và xẻ tà phần thân cùng phần cut-out eo khéo léo giúp H’Hen Niê khoe dáng. Với màu vàng nổi bật trên sàn diễn bán kết Miss Universe 2018, H’Hen Niê chính là một vàng sáng nổi bật nhất.
Đại diện của Việt Nam cũng đã có màn trình diễn xuất sắc trong đêm bán kết và được nhiều chuyên gia sắc đẹp khen ngợi, dự đoán vào Top 5 sau đêm bán kết. H’hen được truyền thông thế giới quan tâm bởi một sự việc bên lề cuộc thi bởi Hoa hậu Mỹ livestream đã có ý chế giễu ngoại ngữ của Hoa hậu Việt Nam và Campuchia khiến nhiều người phẫn nộ. Sau đó hoa hậu Mỹ đã lên tiếng xin lỗi đại diện Việt Nam.
Sáng ngày 17/12, chung kết hoa hậu Hoàn vũ tại Thái Lan tiếp tục nhận được sự quan tâm của khán giả, đặc biệt dành cho đại diện Việt Nam khi cô đã có những bước đầu thành công. Trong phần giới thiệu về bản thân ở tiết mục mở màn, H’Hen Niê tự tin chia sẻ bằng tiếng Anh niềm hạnh phúc và những kỷ niệm vui trong quá trình dự thi Miss Universe tại Thái Lan như thử những món ăn Thái và tới những phiên chợ nhộn nhịp.
H’hen Niê chính thức lọt vào top 20, sau đó là top 10 khiến nhiều người vỡ òa, đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ.
Top 10 trình diễn bikini, H’hen Niê vẫn rất nổi bật với vóc dáng quyến rũ và trang phục màu vàng nổi bật.
Trong phần dạ hội, H’hen Niê gây ấn tượng bởi sự dịu dàng, lả lướt trên sàn diễn với trang phục ôm dáng thướt tha.
Trang phục dạ hội được H’hen Niê chọn trình diễn trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2018
Sau phần trình diễn, các thí sinh tiếp tục bước vào top 5 và Hoa hậu hoàn vũ đã gọi tên H’hen Niê, một thành tích cao nhất của đại diện Việt Nam.
Bước vào phần thi ứng xử, H’hen nhận được câu hỏi về phong trào Metoo. “Bạn có cho rằng phong trào Me Too trên thế giới đã đi quá xa”. Đại diện của Việt Nam trả lời bằng tiếng Việt: “Tôi không cho rằng, phong trào Me Too là quá trên thế giới bởi bảo vệ con người, bảo vệ phụ nữ là quyền rất lớn. Phụ nữ cần được tự do, cần được bảo vệ là điều chính đáng”.
H’hen Niê dừng chân ở top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2018, nhưng đây đã là thành tích đáng nể nhất trong các nhan sắc Việt từng tham gia đấu trường nhan sắc hàng đầu thế giới.
VHO- Hàng chục ngàn “ngọn nến” lung linh đã được thắp sáng trên sân Mỹ Đình vào tối nay để đón các cầu thủ đội tuyển Việt Nam cho trận quyết đấu tranh cúp vàng AFF Cup. Cùng với đó là muôn triệu trái tim hòa chung nhịp hoan ca về niềm tin chiến thắng trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải đã dự khán trận đấu.
So với trận đấu trước, ở trận đấu tối hôm nay, HLV Park Hang seo đưa Hùng Dũng và Anh Đức vào sân ngay từ đầu thay cho Đức Huy và Hà Đức Chinh. Đáp lại sự cổ vũ cuồng nhiệt của hơn 4 vạn khán giả trên sân Mỹ Đình, chỉ ngay phút thứ 6, nhận đường chuyền thuận lợi của Quang Hải, Anh Đức đã volley ghi bàn mở tỉ số cho tuyển Việt Nam.
Sân Mỹ Đình như nổ tung bởi muôn ngàn tiếng reo hò không ngớt! Đây cũng là bàn thắng thứ 4 của Anh Đức tại AFF Cup năm nay. Anh Đức thuộc thế hệ cầu thủ già dặn kinh nghiệm, từng thi đấu tại nhiều đấu trường lớn, được xem là sự bổ sung kinh nghiệm cho thế hệ cầu thủ trẻ tại đội tuyển.
Sau bàn thắng, tuyển Việt Nam vẫn duy trì lối chơi chủ động tấn công cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các tuyến nên đã tạo được nhiều cơ hội uy hiếp lên khung thành của đối phương. Tuy nhiên do trọng tài liên tục thổi phạt các pha phạm lỗi dù là nhỏ nhất của tuyển Việt Nam, trao các tình huống đá phạt cho đội bạn khiến người hâm mộ nhiều phen thót tim.
Như thử thách lòng người, dù gặp được yếu tố thuận lợi là thời tiết và khán giả nhà, sớm mở được bàn thắng nhưng các cầu thủ tuyển Việt Nam lại rơi vào tình huống như chơi trên sân khách khi liên tục bị trọng tài bắt lỗi, dù là nhỏ nhất. Chỉ chưa đầy 30 phút đã có 4 cầu thủ Việt Nam phải nhận thẻ vàng là thủ môn Đặng Văn Lâm; Trọng Hoàng, Đình Trọng và Huy Hùng.
Tổ trọng tài điều khiển trận đấu này là ông Alireza Faghani cùng hai trợ lý Reza Sokhandan và Mohammadreza Mansouri. Nghiệt ngã với tuyển Việt Nam nhưng các pha phạm lỗi của Malaysia lại được trọng tài bỏ qua khiến các CĐV Việt Nam bức xúc.
Đáng chú ý là tình huống, cầu thủ mang áo số 11 của Malaysia – Muhammad Safawi Rasid đánh cùi chỏ vào gáy của Quang Hải và cẩu thủ mang áo số 4 – Muhammad Syahmi Sarari của Malaysia kê chân vào Văn Hậu đều được trọng tài bỏ qua.
Dưới sân các cầu thủ phải thi đấu trong trạng thái ức chế vì trọng tài. Còn trong cabin huấn luyện, thầy Park và các cộng sự không ngồi yên dù chỉ một phút, liên tục ra sát đường biên chỉ đạo cầu thủ. Trên khán đài, CĐV Việt Nam cố gắng cổ vũ nhiều hơn cho các cầu thủ đang phải chịu áp lực dưới sân.
Kết thúc hiệp 1, HLV Park Hang seo đón các cầu thủ rời sân, ôm và nói với họ về những điểm yếu cần khắc phục ở hiệp 2. Đây cũng là hiệp đấu mà trọng tài chính đã rút tới 7 thẻ vàng trong đó có 4 thẻ cho tuyển Việt Nam.
Bước vào hiệp 2, CĐV Việt Nam thót tim khi thủ môn Đặng Văn Lâm phải bay người cản phá liên tiếp trong 2 tình huống tấn công và đá phạt của Malaysia, phút 50 và 54 và giúp đội tuyển Việt Nam duy trì được lợi thế dẫn trước 1-0 trước Malaysia.
Tính đến phút 70, khung thành của tuyển Việt Nam liên tục chịu sức ép trước các đợt tấn công của Malaysia và người hâm mộ chờ đợi xem ông Park sẽ thay đổi chiến thuật như thế nào để duy trì lợi thế. Và phút 71, Hồng Duy được vào sân thay Phan Văn Đức. Phút 82, ông Park cho Hà Đức Chinh vào thay Anh Đức để tận dụng sức trẻ, độ càn lướt và không ngại va chạm của Đức Chinh.
Trong khi đó Malaysia cũng thay Mohamad Aidil Zafuan Abd Radzak bằng Muhammad Syafiq Ahmad. Màn đấu trí giữa 2 HLV Park Hang seo và Tan Cheng Hoe ngày càng gay cấn ở những phút cuối trận. 4 phút bù giờ của hiệp 2 là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng, hầu hết khán giả trên sân Mỹ Đình đều đứng bật dậy cổ vũ cho đội tuyển trong giây phút quyết định để giành chiến thắng.
Và điều tuyệt vời đã đến, tuyển Việt Nam đã giữ trọn chiến thắng 1-0 và giành chiến thắng chung cuộc 3-2 để lên ngôi vô địch AFF Cup 2018 một cách đầy thuyết phục. Ngoài ngôi vô địch, cầu thủ Nguyễn Quang Hải còn được trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.
Xin được cảm ơn ông Park Hang seo và các cầu thủ đã cho người hâm mộ cả nước giây phút chiến thắng đầy cảm xúc tuyệt vời. Thi đấu quả cảm, đấu pháp khôn ngoan, thắng thuyết phục, tuyển Việt Nam đã lên ngôi vô địch một cách đầy xứng đáng mang lại niềm vui khôn tả cho người hâm mộ.
Đêm nay cả sân Mỹ Đình đã vang lên lời hát “Tự hào quá Việt Nam ơi!” và một lần nữa xin được cảm ơn ông Park đã cho chúng tôi được sống trong những thời khắc lịch sử tuyệt vời của Bóng đá Việt Nam!
VHO- Tạp chí thời trang danh tiếng Glamour mới đây đã tổng kết những xu hướng thời trang chủ đạo trong năm 2019 dựa vào tìm kiếm trên mạng.
1: Túi tre – Glamour cho biết, lượng người tìm kiếm các mẫu túi bằng tre (bamboo bag) đã tăng hơn 22 lần trên trang mạng xã hội Pinterest chuyên về các mẫu ảnh, thiết kế, ý tưởng sáng tạo. Ngoài vẻ đẹp Á Đông có phần khác lạ, túi xách bằng tre còn thân thiện với môi trường theo đúng xu hướng hiện nay.
2: Giày thể thao cá tính – Từ khóa giày thể thao cá tính (Statement sneakers) được tìm kiếm trên Pinterest cũng tăng khoảng 22 lần. Kết quả mà các tín đồ thời trang tìm thấy sẽ là những đôi giày thể thao có những nét chấm phá khá màu mè hoặc hình khối độc đáo, thể hiện cá tính của chủ nhân.
3: Quần đùi bó đạp xe – Nếu để ý các sàn diễn thời trang cho mùa xuân 2019 thì giới mộ điệu có thể thấy những chiếc quần bó ngắn trên đầu gối như của các vận động viên đạp xe đã “làm mưa làm gió”. Lượng tìm kiếm “bike shorts” trên Pinterest vì thế tăng tới 15 lần.
4: Áo buộc chéo và áo choàng – Mùa hè 2019 được dự báo sẽ ngập tràn những mẫu váy hay áo buộc chéo lả lơi, duyên dáng, còn mùa xuân và thu đông vẫn bị ngự trị bởi những mẫu áo khoác hờ hững, không cài khuy, giúp các nàng trông thêm phần e ấp.
5: Trang sức đồi mồi – Họa tiết đồi mồi “không bao giờ hết mốt” sẽ đặc biệt được các tín đồ thời trang lựa chọn cho phụ kiện hoa tai to bản trong năm 2019.
6: Họa tiết da rắn cũng được cho là “không bao giờ hết mốt” nhưng sẽ được ứng dụng nhiều hơn trên các mẫu thiết kế giày, túi và váy voan trong năm 2019.
7: Kính mắt hình bầu dục – Sống lại theo xu hướng Vintage vài năm trước nhưng 2019 được cho sẽ là một năm nở rộ thực sự của các mẫu kính hình bầu dục, đặc biệt là khi chúng được kết hợp với những chiếc gọng màu thời thượng hay họa tiết đồi mồi, da rắn đang là mốt.
8: Họa tiết lấy cảm hứng từ các nền văn hóa đa dạng của châu Phi cũng được cho là mỏ vàng của các nhà thiết kế thời trang trong năm 2019.
9: Rút chun chân váy hoặc áo sẽ có thể trở lại và lợi hại hơn xưa khi lượng tìm kiếm những thiết kế như thế này đang tăng gấp 3 lần.
10: Thời trang bền vững – Khó có thể nói cụ thể về xu hướng này song người tiêu dùng vẫn tìm kiếm những mẫu quần áo không lỗi mốt theo thời gian với chất liệu giữ được độ bền và mới lâu, tính ứng dụng cao, đơn giản, tinh tế./.