Dân trí – NSND Nguyễn Quang Vinh – nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam được bổ nhiệm vị trí quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn từ ngày 1/12/2017
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Nguyễn Quang Vinh cho biết, ông chính thức nhận thông tin được bổ nhiệm vị trí quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn từ ngày 27/11.
NSND Nguyễn Quang Vinh, tên khai sinh là Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1960, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Ông nguyên là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Là người hoạt động âm nhạc năng động trên lĩnh vực sáng tác, biểu diễn và quản lý nghệ thuật, ông đã có một quá trình trưởng thành từ các đơn vị biểu diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội chuyên ngành Đàn nguyệt, năm 1979 ông về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, rồi năm 1986 về Đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương tham gia biểu diễn các nhạc cụ gõ, gẩy, đàn phím điện tử, ngoài ra còn hòa âm, phối khí, dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn.
Sáng tác ấn tượng nhất của ông là bài hát “Vì một thế giới ngày mai”, ca khúc được chọn là bài hát chính thức của Seagames 22 được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2003.
Trước đó, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều hành Cục Nghệ thuật Biểu diễn từ 1/6, sau khi ông Nguyễn Đăng Chương được điều chuyển về văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Đăng Chương, Nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn được phân công về làm Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam từ ngày 1/12/2017.
Ông Nguyễn Đăng Chương được bổ nhiệm chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn từ ngày 25/12/2012 và quyết định bổ nhiệm có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, hồi tháng 5/2017, sau hàng loạt những vấn đề xung quanh việc cấp phép phổ biến các ca khúc gây bức xúc trong dư luận ông Nguyễn Đăng Chương đã rời vị trí Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn và chuyển về làm việc tại văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
VH- Lần đầu tiên, “Liên hoan Làng nghề truyền thống xứ Quảng 2017” vừa diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của 15 làng nghề truyền thống đến từ tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.
“Dù có những lợi thế nhất định, nhưng hiện nay các làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Nếu nghề truyền thống không linh hoạt và thay đổi thì không thể cạnh tranh. Mục đích của Liên hoan các làng nghề lần này là mong muốn có sự kết nối chặt chẽ giữa các làng nghề truyền thống. Nếu không cùng nhau ngồi lại, chung tay và tìm ra hướng phát triển thì dần dần các làng nghề truyền thống sẽ chỉ còn là quá khứ”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, đơn vị tổ chức chương trình cho biết.
Cô Dương Thị Thông (56 tuổi), chủ cơ sở Chiếu Cẩm Nê (Hòa Vang – Đà Nẵng) cho biết, hiện nay ở Cẩm Nê chỉ một mình cô còn giữ nghề. “Người rành rẽ mới biết nằm chiếu này, đặc điểm của chiếu Cẩm Nê là sợi dệt già, bền có độ êm ái, dùng đến 3, 4 năm vẫn chắc chắn. Thời điểm hưng thịnh của chiếu Cẩm Nê là từ năm 1994 đến năm 1996, từ năm 2000 trở lại đây do các hộ gia đình bỏ nghề nên chiếu Cẩm Nê đã dần vắng bóng”, chị Thông chia sẻ.
Chị Nguyễn Cúc Hoa (thôn Zara, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) kể, nếu như không có hỗ trợ của một số tổ chức nước ngoài thì có lẽ đến bây giờ thương hiệu “Làng dệt thổ cẩm Zara” đã không còn tồn tại. “Là nghề truyền thống nhưng trước đó mình và nhiều phụ nữ khác trong làng không biết làm đâu. Sau chính quyền tổ chức dạy thì mới biết làm. Bây giờ nhiều chị em làng Zara có thể làm nhiều sản phẩm thổ cẩm khác nhau để bán cho du khách”. Chị Cúc Hoa cũng cho biết, dù đã phục hồi làng nghề thổ cẩm, nhưng sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Vì vậy mỗi tuần các chị chỉ làm một hoặc hai hôm, thời gian còn lại dành cho việc đi nương đi rẫy.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho các làng nghề có nguy cơ “biến mất” khỏi thị trường, như khâu quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng, sản phẩm làm ra mất công sức nhưng lại không được người tiêu dùng ủng hộ, thu nhập không xứng với công lao động khiến cho người sản xuất không còn mặn mà với nghề truyền thống. Để các làng nghề, sản phẩm truyền thống giữ được chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng tìm đến, thì người nghệ nhân cũng cần thay đổi, hướng sản phẩm đến trình độ tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường đặt ra.
VH- Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XX sẽ chính thức khai mạc vào tối 24.11 tại Nhà hát Trưng Vương, TP Đà Nẵng.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan (ảnh), Trưởng BTC LHP lần thứ XX cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho các hoạt động tại LHP cơ bản đã sẵn sàng.
Ở “tuổi 20”, lời hẹn hò cho một cuộc hội tụ nhiều dấu ấn của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh cùng các tác phẩm điện ảnh Việt Nam chất lượng cao đang rất được nôn nóng chờ đợi.
BTC đã lựa chọn rất kỹ để giới thiệu Cục trưởng Ngô Phương Lan cho biết: LHP XX là một kỳ liên hoan rất đặc biệt. Nội dung chuyên môn đã được hoàn thành từ rất sớm, các phim được tuyển chọn vào các hạng mục từ cách đây hơn một tháng; sau đó lên lịch chiếu phim cụ thể ở từng hạng mục như phim dự thi, phim chiếu toàn cảnh, phim dự Giải thưởng ASEAN và đặc biệt là chùm 20 phim kinh điển, được giải thưởng cao qua các kỳ LHP. Bên cạnh đó, bộ logo nhận diện LHP, logo Giải thưởng Phim ASEAN cũng đã được hoàn thành và công bố.
Tôi nghĩ rằng sau LHP này dư luận sẽ không nghĩ rằng là cứ tư nhân làm phim là chạy theo đồng tiền, câu khách, giải trí, tầm phào, chụp giật. Ở đây có rất nhiều bộ phim tư nhân được chau chuốt về nghệ thuật và thực sự có giá trị nhân văn rất cao.
LHP lần thứ XX được kỳ vọng sẽ là dấu ấn nhìn lại chặng đường đã qua của 20 kỳ LHP, kể từ lần đầu tiên năm 1970. Do vậy, sẽ có nhiều nội dung liên quan đến dấu ấn này như: Triển lãm Dấu ấn điện ảnh Việt Nam qua 20 kỳ LHP; hội thảo “LHP Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc”… Đặc biệt, các nghệ sĩ đã từng được những giải thưởng quan trọng, những gương mặt gạo cội, dấu ấn ở 20 tác phẩm điện ảnh kinh điển kể trên sẽ trở thành những vị khách mời của kỳ liên hoan năm nay.
Tôn vinh truyền thống của điện ảnh Việt Nam qua 20 kỳ LHP sẽ là nét mới đáng chú ý ở LHP năm nay, thưa bà?
– Đúng vậy. Sẽ có một dòng chảy từ truyền thống đến hiện đại được khắc họa mà “nhân vật” chính là những bộ phim được trình chiếu, những thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam gạo cội. Triển lãm “Dấu ấn điện ảnh Việt Nam qua 20 kỳ LHPVN” khai mạc vào sáng 24.11 sẽ lần lượt đưa người xem trở về ký ức của từng kỳ LHP, với các dấu mốc thời gian, địa điểm, nhận diện lo go, hình ảnh hoạt động… Rất thú vị nếu khán giả Việt Nam được xem lại khẩu hiệu ở từng LHP đã qua. Triển lãm cũng giới thiệu những tác phẩm được các giải thưởng cao nhất của các kỳ LHP như các Bông sen vàng, Bông sen bạc; những giải thưởng cá nhân, thành phần sáng tác các bộ phim… Hình ảnh các NSND trong lĩnh vực điện ảnh cũng được giới thiệu tại triển lãm.
Đặc biệt là 20 bộ phim đoạt giải cao tại các kỳ LHP, chủ yếu là phim được Bông sen vàng, ngoài ra có một số phim Bông sen bạc. BTC đã lựa chọn rất kỹ để giới thiệu mỗi đạo diễn một phim tiêu biểu. Những bộ phim kinh điển, từ Chung một dòng sông đến Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Đến hẹn lại lên… hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt ở LHP năm nay. Chùm 20 bộ phim này được giới thiệu tại LHP lần thứ XX nhằm tạo sự cân bằng, hài hòa khi đây là kỳ LHP đầu tiên không có dấu ấn của điện ảnh nhà nước. 20 bộ phim xuất sắc này đều do Nhà nước đặt hàng, gần nhất là bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng là phim do Nhà nước đặt hàng, hãng phim tư nhân sản xuất.
Sẽ không có tấu hài, thảm họa…
Và điều mà công chúng quan tâm nhiều nhất chính là chất lượng của các tác phẩm điện ảnh dự thi. Xin bà cho biết các phim tham gia ở các hạng mục có đạt được những tiêu chí mà BTC đã khẳng định: Tuyển chọn những tác phẩm chất lượng, nói không với hài nhảm, phim thảm họa…?
– Đây là một cuộc tuyển chọn rất khắt khe. Có hai hội đồng tuyển chọn được thành lập, một để tuyển chọn các phim tài liệu, khoa học, hoạt hình; một để tuyển chọn phim truyện dự thi và phim truyện chiếu trong chương trình toàn cảnh. 16 phim truyện dự thi và một phim tham gia Giải thưởng phim ASEAN đều được bỏ phiếu qua nhiều lần. Tất nhiên không thể đòi hỏi tất cả các phim đều đạt đến mặt bằng chất lượng chung nhưng so với những kỳ trước, khi không có việc tuyển chọn khiến chất lượng phim rất chênh lệch thì đến lần này, các phim dự thi đều phải đáp ứng những tiêu chí và khẩu hiệu mà LHP đề ra. Chắc chắn sẽ không có tấu hài, hài nhảm, thảm họa… Trong hai năm vừa rồi số lượng phim sản xuất khá nhiều, các Hãng phim khi gửi đến cũng đã tuyển chọn, chỉ lấy 70% số lượng phim sản xuất để gửi tham gia. BTC lại lập Hội đồng tuyển chọn lần nữa thì rõ ràng chất lượng phim sẽ tốt hơn.
Tôi nghĩ rằng sau LHP này dư luận sẽ không nghĩ rằng là cứ tư nhân làm phim là chạy theo đồng tiền, câu khách, giải trí, tầm phào, chụp giật. Ở đây có rất nhiều bộ phim tư nhân được chau chuốt về nghệ thuật và thực sự có giá trị nhân văn rất cao. Điều nổi bật là những sắc màu tươi mới, hiện đại, hấp dẫn trong phong cách thể hiện của nhiều đạo diễn trẻ. Cũng có sự tham gia của những phim lập kỷ lục về doanh thu, đó cũng là những tác phẩm được thực hiện với tay nghề chuyên nghiệp, những khuôn hình, góc quay sáng tạo. Nhiều đạo diễn trẻ với các phim đầu tay cũng ngay lập tức để lại ấn tượng, thể hiện khao khát làm điện ảnh chuyên nghiệp chứ không phải làm phim chỉ để câu khách, kinh doanh.
Công chúng cũng rất quan tâm đến nét mới của LHP là sự tham gia của các phim remake (phim làm lại). Tuy nhiên ở cả hai tác phẩm Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân đều còn có nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng phim. Bà nhận định như thế nào về dòng phim này cũng như những được, mất của điện ảnh Việt Nam khi ngày càng có nhiều phim remake được sản xuất?
– Phim remake hiện đang là một xu hướng. Tuy nhiên phải thừa nhận là chúng ta chưa có được những bộ phim làm lại nào có chất lượng thực sự xuất sắc. Bạn gái tôi là sếp hay Sắc đẹp ngàn cân đều chưa hẳn là những phim xuất sắc, song cũng đã đạt tiêu chuẩn về nghề nghiệp và được sự quan tâm nhất định của khán giả. So với mặt bằng chung của các phim được tuyển chọn dự thi thì có thể nói là chấp nhận được.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều phim remake chứng tỏ một thực tế là chúng ta đang rất khan hiếm kịch bản hay. Trước đây mỗi năm chỉ có tầm 10 phim, bây giờ một năm có đến trên dưới 50 bộ phim ra đời, cho nên nhu cầu kịch bản rất nhiều. Do đó, việc các nhà làm phim tìm mua và làm lại những kịch bản của nước ngoài cũng phần nào phản ánh một khuynh hướng tất yếu của thời đại. Mặc dù vậy, cũng có thể việc làm phim remake chỉ là tạm thời, sẽ không còn là trào lưu nữa nếu như chúng ta có được nguồn kịch bản phim Việt thực sự chất lượng, với sự chiếm lĩnh của những bộ phim nguyên chất điện ảnh Việt Nam.
“Sắc đẹp ngàn cân”, một trong số các phim dự thi tại LHP lần thứ XX
Với Giải thưởng Phim ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, bức tranh của điện ảnh các nước ASEAN thông qua những tác phẩm tiêu biểu được thể hiện như thế nào, thưa bà?
– Trong 10 nước ASEAN có những nước có nền điện ảnh phát triển mạnh như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng có nền điện ảnh phát triển. Việt Nam tham gia Giải thưởng với bộ phim Dạ cổ hoài lang là một tác phẩm điện ảnh được đánh giá tốt về chất lượng. 9 bộ phim còn lại sẽ mang đến LHP năm nay một sắc màu tươi mới, phong phú về bức tranh của nền điện ảnh các quốc gia thành viên ASEAN. Với chủ đề “Điện ảnh kết nối cộng đồng ASEAN”, Giải thưởng này là sáng kiến và đề xuất của Việt Nam, hướng đến các tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất của các nhà làm phim, nghệ sĩ điện ảnh có sức sáng tạo nổi bật trong các nước ASEAN để vinh danh.
Để đảm bảo sự khách quan, BTC đã mời ba nhà hoạt động điện ảnh có uy tín của điện ảnh Hàn Quốc, Hồng Kông và Ba Lan tham gia BGK Giải thưởng. Từ ngày 23.11, BGK sẽ có mặt tại Đà Nẵng, tham gia họp báo và sau đó sẽ cùng xem phim với khán giả.
LHP lần thứ XX đánh dấu sự trở lại ấn tượng sau gần 30 năm, kể từ năm 1988 khi LHP Việt Nam lần thứ VIII được tổ chức tại Đà Nẵng. Xin bà cho biết thêm về các chuỗi hoạt động, sự kiện bên lề được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá về địa danh này với du khách trong nước và quốc tế?
– 5 ngày diễn ra LHP luôn dầy đặc các sự kiện. Ngoài các hoạt động chính thức là chiếu phim và chấm giải của BGK thì còn có nhiều hoạt động bên lề ấn tượng khác. Ví dụ như Giải thưởng được khán giả yêu thích dành cho khu vực Phim toàn cảnh, với 12 phim đã được tuyển chọn và khán giả sẽ bỏ phiếu để chọn phim được yêu thích. Trước mỗi buổi chiếu phim cũng đều có sự kiện ra mắt của các đoàn làm phim và các nghệ sĩ. Hai cuộc giao lưu của các nghệ sĩ điện ảnh với khán giả, học sinh, sinh viên và các chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng hứa hẹn sẽ là nội dung rất sôi nổi. Ngoài ra là các hoạt động phong phú khác như triển lãm, hội thảo…
Hai điểm nhấn của LHP là đêm khai mạc và bế mạc cho đến nay cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Điểm đặc biệt là chủ đề LHP kỳ này khớp với chủ đề khai mạc cùng logo nhận diện của LHP, với những hình ảnh tươi đẹp của TP Đà Nẵng, Cầu Rồng, biển cả và những cánh chim hải âu. Đây cũng là nguồn cảm hứng bay bổng để đạo diễn Hoàng Nhật Nam khai thác, thể hiện sức sống và khát vọng vươn lên của điện ảnh Việt. Ngoài hai đêm khai mạc, bế mạc còn có ba đêm chiếu phim ngoài trời kết hợp với trình diễn thời trang ở trước cửa Nhà hát Trưng Vương, với ba bộ phim thú vị, trẻ trung sẽ được chiếu phục vụ khán giả.
Cho đến thời điểm này, có thể nói các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt đang rất nóng lòng đến với Đà Nẵng để được sống lại bầu không khí nồng nhiệt, cởi mở của thành phố biển xinh đẹp này. LHP lần VIII năm 1988 tại Đà Nẵng đã để lại ấn tượng khó quên không chỉ với chất lượng chuyên môn mà còn chính là bầu không khí nồng nhiệt, ấm nồng thân thương đó.
VH- Mặc dù đã hơn một tháng trôi qua, nhưng dư âm về mùa trung thu truyền thống đúng nghĩa đầu tiên tại sân Văn Miếu vẫn còn trong tiềm thức của nhiều người. Những mâm cỗ đầy màu sắc được trình bày khéo léo theo quy luật âm dương ngũ hành cho đến chiếc đèn lồng hình con thỏ với đường cong mềm mại được phục dựng tỉ mẩn thêm một lần nữa làm vương vấn nhiều khách tham quan khi ghé xem triển lãm ảnh Thu Vọng Nguyệt vừa qua ở Trường đại học đầu tiên của Việt Nam.Góp phần vào “mâm cỗ” văn hoá truyền thống đó, ngoài tâm huyết và sự dụng công trong khâu tổ chức của chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon, sự nhạy cảm nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia cũng cần ghi nhận.
Thiết bị và kinh nghiệm là chưa đủ
Theo nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh, người có tác phẩm được trao giải nhất trong triển lãm, thì “công thức” để tạo nên thành công một bức ảnh chụp sự kiện đẹp gồm 4 yếu tố. Đó là sự nhạy cảm của người chụp ảnh, kinh nghiệm, thiết bị và khâu xử lý hậu kỳ. Trong đó kinh nghiệm và sự nhạy cảm được anh chú trọng hàng đầu. Lê Việt Khánh đã dự đoán được cách sắp xếp và điều kiện ánh sáng ở Khuê Văn Các là khoảnh khắc hiếm hỏi phải nắm bắt.”Nhiếp ảnh gia vừa phải là người chụp giỏi, vừa phải là chuyên gia xử lý kỹ thuật hậu kỳ giỏi thì mới có thể khép kín được quy trình nhiếp ảnh, từ đó đẩy bức ảnh mình chụp đạt được hiệu quả tốt nhất”, Lê Việt Khánh chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Bá bổ sung: “Nắm vững kỹ thuật chụp sẽ giúp chủ động xử lý trong nhiều tình huống nếu có sự cố bất ngờ xảy ra”. Nhưng anh cho rằng, điều kiện tiên quyết vẫn là “sự may mắn khi nắm bắt được khoảnh khắc”, và kế đến là “sự tập trung cao độ” vì có những sự vật, sự việc “chỉ diễn ra trong tích tắc”.
Bố cục và điểm nhấn
Với 13 năm kinh nghiệm, tác giả Nguyễn Hòa cho rằng việc nắm vững bố cục bức ảnh mới là yếu tố quyết định sự thành công của bức hình sự kiện. Anh cho rằng, một bức ảnh đẹp phải có bố cục cân đối, có đường dẫn theo tỉ lệ 2:3 và 3:4 và xác định chi tiết chính để đưa vào phần chính của bức hình.Nhiếp ảnh gia này cũng tiết lộ, Thu Vọng Nguyệt hiện lên lung linh trong buổi tối, nên người chụp lâu năm giàu kinh nghiệm sẽ không dùng đèn flash mà để chế độ phơi sáng cao để có bức hình nghệ thuật.Nhiếp ảnh gia Minh Ngọc lại cho rằng bản thân anh chỉ nhìn toàn cảnh, quan sát và chọn rađiểm nhấn rồi bấm máy. Chọn vị trí cổng nối giữa Khuê Văn Các với sân Thái Học vì cho rằng chỗ này có vị trí cao hơn những chỗ còn lại để dễ dàng quan sát, Minh Ngọc mô tả lại bầu không khí ngập tràn sắc màu văn hóa vui tươi của Thu Vọng Nguyệt khiến anh đong đầy cảm xúc.
“Tôi nhận ra điểm nhấn chính là vẻ hào hứng xen lẫn trầm trồ ngạc nhiên của những đứa trẻ thành phố lần đầu được tiếp xúc với những món đồ chơi và các trò chơi dân gian từ thuở xa xưa. Điều đó đã tạo nên cảm xúc mạnh để tôi thực hiện bức ảnh “Góc sân Tuổi thơ” như mọi người đã thấy”, tác giả Minh Ngọc hào hứng nói.
Người nghệ sĩ cần cảm xúc
Tuy có nhiều góc nhìn đa dạng, nhưng các nhiếp ảnh gia đều cho rằng cảm xúc của người nghệ sỹ là quan trọng. Điều đó được Ban tổ chức là chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon làm rất tốt khi “bày biện” sẵn cho các tác giả một không gian mộc mạc và dân dã với những đèn ông sao, những con tò he ngộ nghĩnh, hình ảnh ông đồ già mài mực bên giấy đỏ thiêng liêng mà gần gũi, ánh mắt ngạc nhiên nhưng rạng rỡ của những em bé háo hức lần đầu được rước đèn trông trăng cùng cha mẹ ở sân Văn Miếu.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hòa cho rằng sống trong “thế giới phẳng”, nơi mà những trào lưu hiện đại từ khắp nơi trên thế giới liên tục đổ về rồi lại ra đi thì một sự kiện gợi nhớ những ký ức đã khắc sâu trong tâm khảm như Thu Vọng Nguyệt khiến người ta cảm thấy bình yên. Và sự bình yên đó trở thành nguồn cảm hứng, là động lực thôi thúc mãnh liệt khiến anh phải bấm máy để lưu giữ lại những khoảnh khắc hiếm hoi quý giá.Đồng quan điểm, tác giả Chí Linh nói rằng Thu Vọng Nguyệt gợi cho anh rất nhiều kỷ niệm thân quen.”Những tấm bánh, bỏng ngô cho đến ông tiến sĩ giấy… giống như chiếc chìa khóa vô tình mở lại chiếc hộp ký ức trong tôi tưởng như đã bị lãng quên”.Ở một góc nhìn khác, nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh cho rằng cảm xúc Thu Vọng Nguyệt trong anh đến từ sự khéo léo khai thác nghệ thuật thị giác của Ban tổ chức. Những màu sắc, ánh sáng được khai thác từ chất liệu hết sức dân gian của đèn ông sao, đèn ông sư, đèn lồng, đèn kéo quân… đã khiến nhiếp ảnh gia này mê mẩn.
Quảng bá du lịch bằng văn hoá
“Mâm cỗ” văn hoá được Quán Ăn Ngon bày biện thêm một lần đánh thức giác quan người dân thủ đô với hơn 200 bức ảnh độc đáo được sắp đặt trong triển lãm Thu Vọng Nguyệt. Những tác phẩm nghệ thuật này không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà còn khiến nhiều khách nước ngoài xuýt xoa khi thưởng lãm.
Những bức ảnh trưng bày tại triển lãm đã không chỉ mang đến cho Văn Miếu một diện mạo mới, cổ kính nhưng mới lạ như một bản hòa tấu đa sắc màu hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, mà còn trở nên sống động hơn trong mắt các du khách trong và ngoài nước. Chia sẻ về chuỗi sự kiện Thu Vọng Nguyệt, bà Phạm Thị Bích Hạnh, chủ sở hữu thương hiệu Quán Ăn Ngon cho biết ý tưởng thực hiện và tổ chức xuất phát từ tình yêu với văn hóa Tràng An cùng với mục đích lưu giữ, bảo tồn giá trị truyền thống cho lớp trẻ sau này.
Câu chuyện “đóng gói” văn hóa Việt bằng cách khai thác chất liệu truyền thống như một sức mạnh mềm để tạo ra những trải nghiệm tươi mới trong việc thu hút khách du lịch nước ngoài được các nhiếp ảnh gia đồng tình ủng hộ.
Nhiếp ảnh gia Minh Ngọc cho rằng Việt Nam có thể học hỏi thêm về cách bảo tồn và lưu giữ văn hóa truyền thống từ chính các nước láng giềng xung quanh, nhưng vận dụng thế nào thì phải cần đến bàn tay của các chuyên gia và những đơn vị có tâm như êkip Thu Vọng Nguyệt. Còn tác giả Lê Việt Khánh lại đặt nặng vai trò giáo dục. Anh cho rằng muốn dùng văn hóa để quảng bá du lịch thì việc đầu tiên phải làm là cần nhân rộng những sự kiện như Thu Vọng Nguyệt để “kéo văn hoá truyền thống trở lại đời sống xã hội”.
Khi các em nhỏ được học mà chơi, chơi mà học thì các giá trị truyền thống sẽ được thẩm thấu tự nhiên. Chừng nào thế hệ trẻ thực sự hiểu và trân quý các giá trị văn hoá của cha ông thì việc họ chung tay gìn giữ và quảng bá là điều không cần bàn cãi.
(Nguồn: Lê Phương – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)
VH- Chiều qua 21.11 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Bộ VHTTDL đã tổ chức lễ khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh – Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên.
Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt là các di sản thiên nhiên Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh do Bộ VHTTDL, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp cùng Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch 15 tỉnh, thành phố tổ chức. Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, đây là hoạt động văn hóa, xã hội có ý nghĩa thiết thực. Thông qua hình thức tuyên truyền trực quan góp phần quảng bá hiệu quả về di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của Việt Nam, thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của dân tộc.
Diễn ra từ ngày 21 – 23.11, “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh – Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên tại Hà Nội” gồm nhiều hoạt động phong phú như: triển lãm “Ấn tượng Di sản thiên nhiên Việt Nam”; trưng bày “Di sản xanh theo hành trình con nước”, triển lãm 100 bức ảnh đẹp về di sản Việt Nam…
Khu vực trưng bày của 15 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Gia Lai, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang và TP Hồ Chí Minh cũng góp phần làm nổi bật giá trị di sản thiên nhiên của địa phương, đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch, các sản vật đặc trưng tiêu biểu được nuôi trồng trong khu dự trữ sinh quyển, các Di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận, vườn di sản ASEAN, vườn Quốc gia của địa phương, thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, sinh vật cảnh, đồng thời trình diễn nghệ thuật và thao tác tay nghề tại khu trưng bày…
Ông Võ Công Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin triển lãm TP. Hồ Chí Minh cho biết, do sức ép của quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế cùng với tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… nên việc gìn giữ phần diện tích Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là một thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, những hình ảnh của di sản này được trưng bày tại “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh” chính là minh chứng sinh động, qua đó nhằm tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên. Đồng thời, quảng bá tiềm năng, sức hấp dẫn của du lịch sinh thái tại các Di sản thiên nhiên thế giới, Khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia…
Sau lễ khai mạc “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh – Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên tại Hà Nội” vào chiều qua 21.11, chương trình truyền hình trực tiếp “Đêm tôn vinh Di sản thiên nhiên” đã diễn ra vào lúc 20h, phát sóng trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
VH- Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VII đã diễn ra từ ngày 17- 19.11 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, mang đến sự trải nghiệm và cảm nhận khó phai trong lòng du khách cũng như đông đảo công chúng qua những sắc màu văn hóa truyền thống hấp dẫn lòng người.
Đến với Ngày hội vào những ngày này, du khách trong và ngoài nước cùng đông đảo đồng bào các tỉnh vùng Nam Bộ có dịp hòa mình vào không khí sôi động với những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer qua sự thể hiện, biểu diễn tinh tế của gần 3.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 12 tỉnh, thành trong vùng Nam Bộ có đồng bào Khmer sinh sống.
Cảm nhận những giai điệu dân ca, dân vũ, những điệu múa dân gian Răm vông, saravan, trống Sadăm, nghệ thuật sân khấu Rô băm và Dù kê say đắm lòng người. Thưởng thức âm nhạc đặc trưng của dàn nhạc cụ ngũ âm, chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống rực rỡ qua sự trình diễn duyên dáng của các chàng trai, cô gái Khmer. Khám phá những lễ hội đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng qua sự thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong các nghi lễ truyền thống. Và cùng trải nghiệm những môn thể thao đậm chất của đồng bào Khmer vùng Nam Bộ như đua ghe ngo, đẩy gậy…
Dù Ngày hội không diễn ra trên địa phương mình, nhưng khi biết ở Bạc Liêu có Ngày hội văn hóa của đồng bào mình, ông Trần Phul ở huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cũng tranh thủ thu xếp công việc đồng áng để đưa gia đình đi cùng với bà con trong xã đến chung vui Ngày hội cùng đồng bào mình. Ông Trần Phul phấn khởi chia sẻ: Lâu lắm rồi bà con chúng tôi mới có dịp được hòa mình vào không khí sôi động của những lễ hội truyền thống do chính đồng bào mình thể hiện để tạm quên đi bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật. Đồng thời có dịp giao lưu, thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc… Vui mừng hơn, thế hệ trẻ con em đồng bào chúng tôi có dịp để hiểu hơn và tự hào về văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình.
Phát biểu trong lễ khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, đây là hoạt động nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, qua đó giới thiệu và quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự gắn bó của đồng bào Khmer với các dân tộc Chăm, Hoa,… trong vùng. Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, góp phần làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Các công đoạn đúc cốm dẹp để cúng trăng khi kết thúc vụ mùa của đồng bào Khmer
Đến dự và gửi lời thăm hỏi ân cần đến các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng cùng toàn thể đồng bào trong vùng Nam Bộ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tin tưởng rằng, thông qua các hoạt phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer tại Ngày hội sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đồng bào với văn hóa truyền thống. Qua đó, chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình trong những sinh hoạt của đời sống thường ngày.
Dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng lưu ý các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, chăm lo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên cả nước. Tập trung phát triển giáo dục nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào các dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, có chính sách quan tâm, chú trọng đến công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Trong đêm bế mạc tối qua 19.11, tỉnh Bạc Liêu đã trao cờ đăng cai Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII cho tỉnh Sóc Trăng.
VH- Ngày 18.11, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2017.
Dự Lễ khai mạc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại “Làng”.
Đây là sự kiện thường niên được tổ chức trong suốt 6 năm qua, nhằm tôn vinh tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc củng cố và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, nhiều tháng qua, hàng trăm lượt đồng bào của cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã triển khai các công việc thiết thực, ý nghĩa nhất và phấn khởi chào đón Ngày hội chung – Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chúc mừng những kết quả, thành tích nổi bật của cộng đồng 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó đặc biệt là các gia đình, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, trí thức, con em của hơn 100 đồng bào thuộc 12 cộng đồng dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, 87 năm qua, từ khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo, đồng bào các dân tộc luôn gắn bó và có nhiều đóng góp to lớn với Ðảng, Nhà nước, với cách mạng. Đường lối đổi mới đúng đắn của Ðảng là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp nhân dân trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Cùng với sự đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường và phát huy. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tái hiện không gian văn hóa chợ nổi Cái Răng
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, chính quyền địa phương, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và đồng bào các dân tộc phát huy kết quả, kinh nghiệm, bài học từ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” để tổ chức thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Có hành động, việc làm cụ thể, thiết thực động viên, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào các dân tộc rất ít người, đồng bào vùng biên giới, hải đảo, đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Tiếp sau lễ khai mạc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái; đại biểu và đồng bào các dân tộc đã tham dự không gian tái hiện văn hóa chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một trong hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ Tuần đại đoàn kết các dân tộc. Đây là lần thứ ba, các hoạt động chợ nổi Nam Bộ được tái hiện tại “Ngôi nhà chung”, không chỉ là mô phỏng hoạt động mua bán hàng hóa mà còn giới thiệu các nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của đồng bào miền Tây Nam Bộ.
Dự kiến, chương trình sẽ kéo dài đến hết ngày 23.11, có nhiều hoạt động cuốn hút, mang đậm tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc như Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; Tái hiện nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Raglai (Ninh Thuận); Lễ khánh thành giai đoạn I chùa Pháp Ấn.
VH- Ngày 18.11, Ban Quản lý (BQL) Nhà hát Lớn Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 106 năm Nhà hát Lớn Hà Nội, 20 năm thành lập BQL Nhà hát Lớn Hà Nội và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Đến dự buổi lễ có ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Thông tin Phạm Quang Nghị; nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Thông tin Lê Doãn Hợp; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung.
Được thành lập vào tháng 11.1997 ngay sau khi dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội được hoàn thành, Ban quản lý Nhà hát lớn Hà nội đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo, phù hợp với sự phát triển của xã hội, khai thác vai trò là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, các buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước và là một điểm đến hấp dẫn.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Giám đốc Nguyễn Thị Minh Nguyệt và Phó giám đốc Đỗ Mạnh Hà
Dấu mốc đánh dấu sự khởi sắc của BQL Nhà hát Lớn Hà Nội bắt đầu từ năm 2016 với việc thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống: giao hưởng, vũ kịch, tuồng, chèo, cải lương, kịch, múa rối…trong chuỗi các chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Chuỗi chương trình nghệ thuật chất lượng cao biểu diễn tại Nhà hát Lớn được đánh giá là một trong mười sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước năm 2016. Không chỉ là nơi tổ chức những chương trình nghệ thuật đậm chất giải trí hay là nơi tổ chức các sự kiện sang trọng, Nhà hát Lớn Hà Nội trở về đúng giá trị nguyên bản – thánh đường nghệ thuật – niềm mơ ước của mọi nghệ sĩ. Chủ trương biểu diễn các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tiếp tục được duy trì vào năm 2017 nhưng đã chuyển hướng theo từng chủ đề riêng biệt: “Nghệ thuật truyền thống” vào tháng 5 và “Những vở kịch còn mãi với thời gian” vào tháng 8 mang đến làn gió mới cho nghệ thuật nước nhà, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Tháng 7.2017, Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội và Viện Quốc tế Pháp ngữ cùng phối hợp ra mắt Công trình “Thăm quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội”, đây là một sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin và đa phương tiện cao cấp triển khai trên mạng internet. Tiếp nối thành công đó, thực hiện chủ trương của Bộ VHTTDL, tháng 9.2017, Nhà hát Lớn Hà Nội đã chính thức mở cửa đón khách thăm quan du lịch. Là một di tích văn hóa, kiến trúc độc đáo của thủ đô, Nhà hát Lớn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn để quảng bá và giới thiệu nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa thể thao và du lịch” của Bộ VHTTDL cho các cá nhân
Thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã đánh giá cao những thành tích mà BQL Nhà hát Lớn đã đạt được. Thứ trưởng đề nghị Ban giám đốc và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Ban quản lý Nhà hát Lớn sẽ tiếp tục thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh việc bảo tồn, khai thác và quảng bá Nhà hat lớn Hà Nội, tham gia các hoạt động bảo tồn phát huy nghệ thuật truyền thống, đưa các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao vào biểu diễn thường xuyên, mở cửa đón du khách tham quan tìm hiểu di tích kiến trúc, lịch sử và nghệ thuật truyền thống… đưa Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành một điểm đến hấp dẫn của thủ đô.
(Nguồn: Hiền Lương; ảnh: Trần Huấn – Báo Điện tử Văn hóa)
VH- Dự án bích hoạ trên phố Phùng Hưng được xây dựng trên cơ sở chương trình Đưa nghệ thuật vào không gian sống, hiện đang được các họa sĩ Hàn Quốc triển khai.
Đây cũng là một trong những dự án nghệ thuật công cộng hiếm hoi tại Hà Nội được giới chuyên môn ghi nhận là một ý tưởng đẹp.
Đánh thức ký ức
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, tư vấn chuyên môn của dự án phố bích họa cho rằng, việc lựa chọn Phùng Hưng để triển khai dự án khu phố nghệ thuật tại Hà Nội là một ý tưởng nên được tán thưởng. Đó không chỉ là ý tưởng để tạo dựng nên một không gian nghệ thuật “có chất” của Hà Nội mà thực tế, còn là sự trở lại của lịch sử.
Trần Hậu Yên Thế cũng đã dành nhiều nghiên cứu về những giai đoạn lịch sử, những biến thiên thăng trầm ở con phố rất đặc trưng này của Hà Nội. Thời Pháp thuộc, phố Phùng Hưng là đại lộ(Boulevard) Henri d’Orléans, tên con trai cả của Hoàng tử Robert, Công tước xứ Chartres. Việc người Pháp đặt tên thái tử Henri d’Orléans cho một đường phố Hà Nội cũng có lý do đặc biệt, là bởi những cống hiến và gắn bó của ông với Việt Nam trên nhiều phương diện. Sau 1945, đại lộ Henri d’Orléans được đổi tên thành phố Phùng Hưng, tuy nhiên, đây chính là một giai đoạn lịch sử danh giá của con phố mang những nét đặc trưng dáng dấp của Hà Nội cổ xưa.
Lịch sử và những giá trị kiến trúc, nghệ thuật của con phố đã trở thành những di sản vô giá của Hà Nội. Không ít tác phẩm nghệ thuật đã được các nghệ sĩ sáng tác, lấy cảm hứng từ những vòm cầu phía dưới chân đường sắt tàu hỏa chạy ngang qua con phố…”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết thêm.
Trong số nhiều phác thảo và ý tưởng nghệ thuật về phố Phùng Hưng mà Trần Hậu Yên Thế đã vẽ và nghiền ngẫm, “Nhà số 63 phố Phùng Hưng” là tác phẩm “ôm” trong đó nhiều lớp lang mà mỗi lớp là một cắt lớp lịch sử về con phố. Bây giờ đi tìm, người ta sẽ khó tìm ra căn nhà số 63 phố Phùng Hưng bởi những biến dạng mặt tiền, số nhà được đặt tít lên cao. Bức vẽ của họa sĩ Yên Thế như một cuộc đi tìm lại hồi ức xưa, thông qua đại diện là căn nhà vừa có nét kiến trúc phảng phất Á Đông, vừa mang kiến trúc phương Tây. Nửa Tây nửa ta cũng là style kiến trúc của con phố Phùng Hưng này.
Tác phẩm này của anh dự kiến sẽ là một trong những phác thảo được chọn trong số 19 bức bích họa thử nghiệm trên những vòm cầu ở phố Phùng Hưng.
Dự án phố bích họa cũng sẽ bao gồm nhiều tác phẩm khác với những đề tài phản ánh đời sống sinh hoạt đặc trưng của người dân cũng như lịch sử, văn hoá Hà Nội. Đó là những tác phẩm về biểu tượng hồ Gươm, gánh hàng hoa, khung cảnh thời kỳ bao cấp, cầu đường sắt Long Biên. Đáng chú ý, nhiều phác thảo của các nghệ sĩ Việt Nam đã đưa ra những ý tưởng độc đáo như biến vòm cầu thành bảo tàng nhỏ về lịch sử cầu Long Biên, mô hình máy nước công cộng thời bao cấp trên phố Phùng Hưng…
Nhiều nghệ sĩ đương đại tên tuổi cũng tham gia dự án nghệ thuật này như Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Trí Mạnh, Nguyễn Văn Quyết…
Điểm đến mới của du lịch Hà Nội
Điểm độc đáo của dự án này là có sự tương tác giữa những tác phẩm nghệ thuật với công chúng. Nếu như phố đi bộ Hồ Gươm đã là một không gian trải nghiệm lịch sử; phố đi bộ ở Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Gai là không gian thương mại, mua sắm thì sau này, con phố Phùng Hưng với dự án nghệ thuật bích họa trên những vòm cầu được các nhà chuyên môn kỳ vọng sẽ trở thành không gian nghệ thuật nhiều sức hút của Hà Nội .
Phố bích họa do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) thực hiện. Địa điểm triển khai dự án bích họa là mặt vòm phía Đông ngã ba phố Phùng Hưng – Lê Văn Linh đến đến phố Hàng Cót.
Tham gia dự án là các họa sĩ Hàn Quốc, cũng là những nghệ sĩ đã thực hiện thành công dự án làng bích họa Tam Thanh ở Quảng Nam. Theo Giám đốc Mỹ thuật của dự án Lee Kong Jun, với chủ đề xuyên suốt là ký ức về Hà Nội, các họa sĩ Hàn Quốc mong muốn có thể tái hiện lại một Hà Nội của cả quá khứ và hiện tại. Ông Lee Kong Jun chia sẻ, mong rằng sau khi được hoàn thành, dãy phố này sẽ trở thành một điểm tham quan nổi tiếng trong khu vực phố cổ Hoàn Kiếm.
Kim Hyu Chang, họa sĩ Hàn Quốc đã ở tuổi 70 nở nụ cười thân thiện chào chúng tôi trong khi đôi tay tinh tế của ông vẫn đang miệt mài ở từng nét vẽ tái hiện lại ký ức tàu điện của Hà Nội xưa. Với kinh nghiệm thực hiện 4 tác phẩm ở làng bích họa Tam Thanh, họa sĩ Kim Hyu Chang cho biết sẽ thể hiện chân thực và sống động nhất những tác phẩm mỹ thuật về cuộc sống, văn hóa và con người Hà Nội.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, dự án bích hoạ trên phố Phùng Hưng dự kiến sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán. “Các họa sĩ Hàn Quốc đang thực hiện các bức vẽ đầu tiên và đây sẽ là giai đoạn chúng tôi cho triển khai dự án chậm lại để thử nghiệm chất liệu sơn Hàn Quốc có phù hợp với sự khắc nghiệt của thời tiết, mưa nắng tại Việt Nam hay không…”, ông Phạm Tuấn Long cho biết.
Kỳ vọng con đường ký ức của Hà Nội xưa sẽ đưa con phố Phùng Hưng trở thành một điểm đến có nhiều sức hút với du khách, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, đây sẽ là một dự án hạt nhân để thử nghiệm, từ đó nghiên cứu mở rộng định hướng xây dựng các dự án mỹ thuật công cộng khác trên địa bàn.
VH- Sau hơn 1 tuần diễn ra, cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương, dân ca và kịch đã chính thức khép lại. 73 gương mặt diễn viên trẻ đến từ khắp mọi miền đất nước ở các loại hình sân khấu cải lương, dân ca, kịch đã có những cuộc so tài với nhau. Với số lượng thí sinh, trích đoạn dự thi vượt trội so với những lần tổ chức trước cho thấy một tín hiệu đáng mừng. Song vẫn còn những băn khoăn, lo lắng…
Cơ hội để thử… lửa
Trong lúc nghệ thuật truyền thống gặp không ít khó khăn nhưng có thể nhận thấy ở cuộc thi năm nay là sự khát khao và yêu nghề của lớp diễn viên trẻ.
73 nghệ sĩ, diễn viên trẻ đến từ các đoàn nghệ thuật, nhà hát trên toàn quốc đều ở lứa tuổi sung sức nhất (thế hệ 9X). Có mặt ở cuộc thi lần này ít nhiều cũng là cơ hội cho các em tự mình học hỏi và nhìn nhận điểm mạnh, yếu của bản thân. Diễn viên Nguyễn Lệ Trinh – Đoàn Văn công Đồng Tháp thuyết phục được ban giám khảo, người xem bởi lối diễn cảm xúc, giọng ca sâu lắng của mình trong trích đoạn “Võ Thị Sáu”.
Trinh chia sẻ: Hiện nay, rất nhiều các bạn trẻ chọn các loại hình ca nhạc hiện đại nhưng với tôi khi đã chọn cải lương làm niềm đam mê và sẽ quyết tâm học hỏi, rèn luyện để phát triển nghề. Huy chương vàng là danh hiệu cao đầu tiên mà tôi nhận được, sẽ là động lực rất lớn để cố gắng phát huy, học hỏi từ các anh chị đi trước…”.
NSƯT Đỗ Linh – thành viên giám khảo cuộc thi đã nhiều lần xúc động bởi ông “thương” sự nỗ lực ở các thí sinh: Tôi không nghĩ nó là cuộc thi mà nó như ngày hội truyền thống của ngành sân khấu. Tất cả các em, nghệ sĩ từ mọi miền đất nước đã tụ họp về. Những mầm tươi sáng đang nở rộ. Nhiều tiết mục các em bỏ công sức ra, bỏ tiền để đầu tư… Tôi thấy đó là khao khát, là một trong những cái yêu nghề đáng quý. Đối với nghệ thuật truyền thống, chúng ta càng nên trân trọng và tạo điều kiện để các em theo nghề.
Những điều trăn trở
Không khó để nhận thấy, nhiều tiết mục dự thi được trau truốt kĩ lưỡng từ những trang phục, cảnh trí, đến diễn xuất… Nhưng cũng có tiết mục khiến cho người xem cảm giác thí sinh cắt một đoạn trong vở diễn đem dự thi.
Không ít những thí sinh vẫn bộc lộ những nhược điểm, thiếu chuyên nghiệp. Sự chênh phô, ca rớt nhịp, ca vọng cổ bị đuối, diễn xuất chưa tới, vũ đạo sân khấu còn yếu, khô cứng… khiến người xem tiếc nuối. Nhiều diễn viên trẻ thiếu bản lĩnh sân khấu dẫn đến áp lực, lo lắng, căng thẳng… thể hiện trên gương mặt, trong diễn xuất. Sự thiếu hài hòa trong phần diễn và ca cũng là điểm yếu của một số thí sinh. Cũng có những trường hợp thí sinh quá tập trung vào chiêu trò lăn lộn, gào thét… trên sân khấu nhưng khi ca lại hụt hơi, phô chênh. Tất cả trở thành nhược điểm, yếu kém không đáng có. Cũng là sự thiếu chú trọng trong khâu chỉ đạo nghệ thuật ở một số đoàn hát.
NS Đỗ Linh cho rằng: “Một số đơn vị, lãnh đạo suy nghĩ về cuộc thi bình thường, nên mang những tiết mục cũ đi thi mà thiếu đầu tư. Trích đoạn ở đây không phải là chặt một đoạn rồi mang đi thi. Mà trích đoạn là phải dựng lại, bố cục, tôn tạo lại. Để đẩy cao trào gây cảm xúc nơi người xem… nhưng nhiều em không làm được điều đó…”.
NSND Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận xét: Có nhiều trích đoạn đạo diễn có tay nghề xử lý khéo léo, thông minh nhưng cũng có nhiều trích đoạn đạo diễn làm diễn viên bị lu mờ.
Việc tìm ra một “vàng ròng” trong một cuộc thi không hề dễ dàng. Nhất là tài năng còn trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề. Nhưng rõ ràng ở cuộc thi đã xuất hiện những “mầm” hi vọng. Để “vàng” phát huy được khả năng của mình trong tương lai mới là điều quan trọng. Bởi trong sáng tạo nghệ thuật, tài năng của nghệ sĩ phải là sự khổ luyện và học tập bền bỉ, chứ không phải chỉ trong một hội diễn hay cuộc thi nào.
Có thể nói, tại cuộc thi lần này, chưa thấy xuất hiện ngôi sao tài năng trẻ bừng sáng lấp lánh như một kỳ vọng. Hầu hết các em đều cân tài, cân sức, một chín một mười. Tuy nhiên, cũng cần tuyên dương các nghệ sĩ trẻ có giọng ca hay, ấn tượng, một vài nghệ sĩ diễn xuất xuất sắc vai thi, có tìm tòi, sáng tạo thể hiện tính vượt trội về biểu diễn… Đó là điều cần thiết để tạo cơ hội cho các gương mặt trẻ được thử mình.
Tối 11.11 đã diễn ra lễ bế mạc cuộc thi tại Trung tâm Hội nghị và Tổ chức sự kiện Đồng Nai. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã tham dự. BTC đã trao 15 HCV, 21 HCB cho các diễn viên dự thi năm nay.
Chờ đợi những nhân tố mới
Chuông Vàng Vọng cổ mùa thứ 12-2017 chuẩn bị bước vào giai đoạn Chung kết xếp hạng (CKXH). Bốn đêm thi của Vòng tuyển chọn dẫu đã có khá nhiều đổi mới trong cách tổ chức, chấm thi… nhưng nỗi lo thì vẫn còn đó.
So với mùa thi năm 2016, thí sinh năm nay có nhiều lợi thế hơn về mặt sắc vóc, đặc biệt là các thí sinh nữ. Tuy nhiên cho đến lúc này, những gương mặt được chọn vào vòng CKXH vẫn chưa tạo được dấu ấn nào đặc biệt cho khán giả cả về cá tính trong giọng ca lẫn bản lĩnh sân khấu. Nhược điểm lớn nhất của hầu hết thí sinh sau các đêm thi ở vòng Tuyển chọn là cách vô câu vọng cổ thiếu sự mượt mà, thậm chí có cả trường hợp còn bị “chênh”, “phô” – điều tối kỵ khi đã đi đến vòng Tuyển chọn.
Một nỗi buồn khác, khi có mặt NSƯT Thanh Tuấn ở vị trí giám khảo khách mời, không biết do vô tình hay cố ý mà một số thí sinh đã chọn cho mình cách thể hiện theo phong cách NSƯT Thanh Tuấn? Đây có lẽ cũng là điều những thí sinh đi tiếp vòng CKXH phải đặc biệt chú ý trong lựa chọn cách thể hiện bài vọng cổ.
Năm nay CVVC càng “bất lợi” hơn khi thiếu vắng hẳn những thí sinh của khu vực phía Bắc, miền Trung do vòng sơ tuyển diễn ra trùng thời điểm các đoàn cải lương phía Bắc bận tập trung cho Liên hoan Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương 2017. Con số chỉ hơn 250 thí sinh đăng ký dự thi khiến không ít người quan tâm lo ngại cho một cuộc thi đã là thương hiệu của Đài Truyền hình TP.HCM với hơn mười mùa giải.
Lần đầu tiên giữ vai trò tổng đạo diễn, đạo diễn Quách Hồ Ninh đang được những người quan tâm đặt nhiều kỳ vọng có thể thổi được luồng gió mới cho CVVC bởi những gì diễn ra trong suốt 11 năm qua đã trở nên cũ kỹ, nhất là ở thời điểm CVVC đang phải cạnh tranh với một số cuộc thi, gameshow… tương tự đang được phát sóng trên các kênh truyền hình. Khánh Vân