Sống lại hồn quê Bắc Bộ trên sân khấu thực cảnh đầu tiên của Việt Nam

Dân trí – Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh mang tên “Tinh hoa Bắc Bộ” vừa diễn ra vào tối qua (28/10) ngay dưới chân núi chùa Thầy. Tất cả những nét tinh tuý của văn hoá đồng bằng Bắc Bộ đã được sống lại với sự tham gia biểu diễn của những người dân Sài Sơn.

Như tên gọi của chương trình, những nét tinh hoa nhất của đời sống và nghệ thuật trình diễn truyền thống của cư dân Bắc Bộ, một trong những cái nôi cổ xưa nhất, phong phú nhất của nền Văn hiến Việt Nam được lựa chọn và trình diễn giữa không gian ngoài trời gắn với một mặt nước rộng tới 4300m2.

Sân khấu chính là hồ nước rộng 4300m2 trong quần thể di tích chùa Thầy.

Sân khấu dựa lưng vào ngọn núi Thầy, chính vì thế khán giả có cơ hội được chiêm ngưỡng màn biểu diễn trên khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên. Với vị trí độc đáo, du khách có thể ghé thăm chùa Thầy trong chuyến đi để tìm hiểu thêm về danh thắng lịch sử này và thưởng thức trọn vẹn sân khấu “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Trình diễn tranh tố nữ trên mặt nước.
.

60 phút của vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” với từng chương Thi – Ca – Nhạc – Họa là một trải nghiệm giúp du khách tiếp cận với những gì tinh túy trong di sản văn hóa và nghệ thuật của cộng đồng cư dân đồng bằng Bắc Bộ mà trung tâm là chốn “kinh sư muôn đời” Thăng Long – Hà Nội.

Cảnh sắc làng quê Bắc Bộ được tái hiện một cách đầy sống động.

Cơ hội được khám phá lịch sử và văn hóa của Bắc Bộ bằng hình thức thể hiện rất đương đại với 180 diễn viên tham gia trên một sân khấu tương tác kết hợp với công nghệ hiện đại.

Ca trù, dân ca Bắc Bộ, quan họ Bắc Ninh, hầu đồng, tranh tố nữ, tranh Đông Hồ, múa rối nước, đời sống sinh động trên bến dưới thuyền, tập trận, sĩ tử đèn sách, cảnh dân chài nhộn nhịp trên sông nước, cảnh đồng áng của dân quê, cảnh đô hội chốn thị thành, cảnh trường thi của sĩ tử, cảnh rước kiệu trong hội làng… xen lẫn với sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu của các giá hầu đồng, các trò chơi dân gian của trẻ thơ hay tích truyện người đẹp trong tranh gắn với các nàng tố nữ trong tranh Đông Hồ.

Cảnh chài lưới, đánh bắt trên sông...

Bao nhiêu tinh hoa văn hóa Bắc Bộ phô diễn trên sân khấu hiện đại, giữa thiên nhiên nước non hùng vĩ, được hỗ trợ bởi hàng chục tấn âm thanh, ánh sáng công nghệ hiện đại nhất. Điểm đặc biệt nữa của vở diễn, hầu hết các diễn viên là bà con nông dân của chính vùng đất Sài Sơn, Quốc Oai.

“Không ai diễn tả chân thực và sinh động nhất đời sống, văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của một vùng Bắc Bộ bằng chính những người con nơi đó. Diễn viên – bà con nông dân nơi đây chính là nguồn cảm hứng và động lực để cá nhân tôi và toàn bộ 300 anh em trong ê-kíp vượt qua mọi khó khăn và áp lực để vở diễn nghệ thuật đậm chất văn hóa này ra đời. Tôi vô cùng biết ơn họ”, Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ.

Rộn ràng những âm thanh và nhịp điệu ngày mùa...

Dự án sân khấu thực cảnh phô diễn những nét tinh hoa văn hóa của người Việt không chỉ dành cho khán giả trong nước mà sẽ còn thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam sau đêm tổng duyệt đã cảm nhận rằng: “Tinh hoa Bắc Bộ đã chạm được vào trái tim người xem”.

(Nguồn: Hà Tùng Long – Báo Điện tử Dân trí)

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật sẽ thông thoáng hơn

VH- Bớt thủ tục, đơn giản, nhanh và hiệu quả… là nội dung hướng tới trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

Đó cũng là nội dung Hội thảo “Tạo điều kiện, khuyến khích sáng tạo trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, góp phần xây dựng, phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong thời kỳ mới” vừa diễn ra tại TP.HCM do Cục NTBD, Bộ VHTTDL tổ chức. Thứ trưởng Vương Duy Biên chủ trì hội thảo.

 Theo báo cáo của Cục NTBD, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của đất nước, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Theo tinh thần cởi mở và nhanh gọn, trong thời gian qua, Cục NTBD đã áp dụng thành công, hiệu quả trong việc tiếp nhận hồ sơ, cấp phép trên cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL, đơn giản hóa nhiều thủ tục theo chủ trương của Chính phủ.

Nếu trước đây đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi có giấy phép tổ chức biểu diễn khi đến các địa phương khác nhau thực hiện lưu diễn sẽ phải thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp “Giấy tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang” thì sau khi NĐ 79/2012/NĐ-CP được ban hành, thủ tục này đã bị bãi bỏ và thay vào bằng hình thức “Thông báo bằng văn bản”.

Về thời hạn có hiệu lực của giấy phép quy định tại Khoản 2 Điều 10 NĐ 79/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 NĐ 15/2016/NĐ-CP: Thời gian qua một số đoàn, nghệ sĩ có ý kiến phản ánh thủ tục cấp phép hằng năm cho các vở diễn sân khấu là “phức tạp, vất vả”. Trong thực tế phát sinh những vấn đề bất cập: Có những tổ chức đã giải thể, ngừng hoạt động nhưng do giấy phép vẫn còn hiệu lực nên vẫn giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng đi tổ chức biểu diễn dẫn đến sai phạm… gây bức xúc dư luận. Trước đề nghị của một số địa phương, Ban soạn thảo NĐ 15/2016/NĐ-CP đã tiếp thu và sửa đổi quy định thời hạn giấy phép cấp chương trình, vở diễn sân khấu có thời hạn 12 tháng.

Các đại biểu tại Hội thảo thảo luận sôi nổi

Việc quản lý đối với các chương trình truyền hình thực tế về biểu diễn nghệ thuật trên truyền hình hiện nay sẽ có sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL tiếp tục giao các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi sai phạm…

Đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết: Hiện vẫn còn khá phổ biến tình trạng ứng xử phản cảm của các nghệ sĩ trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Một số đơn vị biểu diễn không có giấy phép, tự thay đổi nội dung biểu diễn, ứng xử phản cảm của các nghệ sĩ, các đơn vị mạo danh, sử dụng không đúng tên, nghệ danh của nghệ sĩ… nhằm lừa gạt khán thính giả, tình trạng “nhạc chế” sử dụng ca từ dung tục gây bức xúc trong dư luận. Sự phát triển của mạng internet đã tác động gây ra sự thay đổi về nhận thức và phương pháp vận hành của “xã hội nghệ thuật”.

Đồng tình quan điểm này, NSƯT Hữu Luân, Giám đốc Trung tâm biểu diễn TP.HCM nêu thực tế: “Truyền hình đang vô tình hoặc cố ý giết chết nghệ thuật biểu diễn. Tôi gặp và nói chuyện với một ca sĩ trẻ tâm sự rằng: Dù đi hát nhiều vẫn khó nổi tiếng, nhưng chỉ cần “cởi đồ” đưa lên mạng xã hội là nổi tiếng rất nhanh”.

Nhạc sĩ Quang Huy, Công ty We pro cho rằng hoạt động biểu diễn ngày càng thuận lợi và tốt dần lên, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều bất cập trong hoạt động biểu diễn. “Một bộ phận nghệ sĩ trẻ hiện nay không có bản lĩnh, trong khi đó có một số nghệ sĩ trà trộn vào các chương trình cố tình tạo xì căng đan, tạo chú ý trong dư luận, gây định kiến không hay đối với các nghệ sĩ trẻ chân chính”.

Chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong đời sống biểu diễn nghệ thuật tại địa bàn TP.HCM, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VHTT cho biết: Khoảng một năm gần đây, các vi phạm quy định về NTBD ngày càng ít đi. TP.HCM được đánh giá là địa bàn “nóng” nhưng năm qua đã bớt “nóng”. Điều này chứng tỏ các đơn vị nghệ thuật, xã hội hóa đã tuân thủ pháp luật. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong hoạt động biểu diễn trực tiếp trước công chúng đã được đề cao. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hành lang pháp lý và kịp thời cập nhật, sửa đổi, tạo hành lang pháp lý thông thoáng từ trung ương đến địa phương. Thời gian dài vừa qua Sở luôn tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên đánh giá cao những ý kiến đóng góp và cho rằng NTBD là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, có nhiều cái mới nảy sinh và rõ ràng người làm luật, quản lý nhà nước phải tiên liệu được điều này. Tiên liệu trước sự phát triển đó để đưa vào văn bản quản lý có tuổi thọ cao hơn. Trên tinh thần phải cải cách, giảm bớt thủ tục. Khi có điều kiện thông thoáng rồi thì trách nhiệm cơ quan nhà nuớc phải khuyến khích sáng tạo nhiều tác phẩm mới phục vụ công chúng những tác phẩm nghệ thuật.

Được biết, tiếp theo Hội thảo tại TP.HCM Hội thảo tại Đà Nẵng, Hà Nội sẽ tiếp tục được tổ chức.

H.Trần

Di sản âm nhạc cổ truyền Việt Nam: Nguy cơ bị mai một, biến mất

VH- Trước những đổi thay mọi mặt của đời sống, nhiều di sản âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, biến mất. Việc tìm ra những phương thức bảo tồn và khôi phục môi sinh cho những di sản đang bị đe dọa này thực sự là một bài toán nan giải.

Trăm mối tơ vò

Trong kho tàng âm nhạc VN, âm nhạc cổ truyền của các dân tộc đóng vai trò hết sức quan trọng. Không chỉ là những yếu tố cấu thành cơ bản tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc mà âm nhạc của 54 dân tộc anh em với những sắc thái khác nhau còn tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa và âm nhạc. Công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị của âm nhạc dân tộc cổ truyền của các dân tộc VN vì thế từ lâu đã được sự quan tâm, dành nhiều công phu của lớp lớp các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ như: Hoàng Tuấn, Hồng Thao, Tô Ngọc Thanh, Tô Vũ, Trần Văn Khê, Nguyễn Thụy Loan, Đặng Hoành Loan, Bùi Trọng Hiền… Nhiều kho tư liệu được sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ ở Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN và Đài Tiếng nói VN (VOV)… thực sự là tài sản vô giá của văn hóa dân tộc…

“Âm nhạc các dân tộc thiểu số không phải là âm nhạc hàn lâm, không nên lấy lý thuyết âm nhạc hàn lâm làm khuôn mẫu để mô tả, soi chiếu và đánh giá; tức là không nên nhìn nhận âm nhạc các dân tộc thiểu số tương tự như nhìn nhận âm nhạc hàn lâm. Vì thế, công tác tuyên truyền, định hướng cách tiếp cận và bảo tồn mang tính chỉnh thể đối với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa các cấp… chính là một trong những giải pháp tiên quyết trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc các dân tộc thiểu số.”
(PGS.TS Kiều Trung Sơn– Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXHVN)

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhìn nhận: “Thay đổi quy cách sản xuất, tổ chức sản xuất, phương tiện sống, ý thức, nhận thức, thưởng thức nghệ thuật… là những cơn bão mạnh không chỉ làm nghiêng ngả, thậm chí xô đổ nhiều di sản văn hóa nghệ thuật phi vật thể quý giá mà còn làm nghiêng ngả, xô đổ cả thói quen thưởng thức, trình diễn nghệ thuật cổ truyền trong dân chúng, đặc biệt là lớp trẻ”. Nhiều thể loại âm nhạc cổ truyền dân tộc vì thế đang dần rơi vào dĩ vãng, đã và đang đặt ra nhiều bài toán khó trong công tác bảo tồn, khôi phục.

Đơn cử như Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh từ lâu rất nổi tiếng với làn điệu Ví đò đưa, nhưng ngày nay người dân nơi đây gần như không còn ai làm nghề chèo đò, những làn điệu Ví đò đưa cũng gần như mất đi không gian diễn xướng đích thực của nó. Hay dân ca Hò kéo gỗ rất đặc sắc của người dân huyện Lệ Thủy, Quảng Bình gần đây dường như cũng không còn tồn tại vì nghề khai thác lâm nghiệp ở nơi đây không còn hoạt động.

Đó là chưa kể nhiều thể loại âm nhạc gắn với sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng cũng mất đi ở nhiều nơi, ở nhiều dân tộc bởi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và tri thức con người, tâm lý sùng bái, cầu viện các thế lực thiên nhiên, thần thánh ít nhiều đã vơi giảm trong tư duy của người dân. Bên cạnh đó, nhiều loại hình dân ca, dân nhạc dần mất đi như một điều tất yếu bởi không còn môi trường và không gian diễn xướng. Có thể kể đến như loại hình Hát ống, sử dụng hai chiếc ống nối với nhau làm công cụ chuyển tải âm thanh của dân tộc HMông ở Sơn La ngày nay dễ dàng bị thay thế bởi điện thoại di động…

 Âm nhạc cổ truyền dân tộc là bản sắc văn hóa cần bảo tồn, phát huy

Đi tìm giải pháp

“Thay đổi quy cách sản xuất, tổ chức sản xuất, phương tiện sống, ý thức, nhận thức, thưởng thức nghệ thuật… là những cơn bão mạnh không chỉ làm nghiêng ngả, thậm chí xô đổ nhiều di sản văn hóa nghệ thuật phi vật thể quý giá mà còn làm nghiêng ngả, xô đổ cả thói quen thưởng thức, trình diễn nghệ thuật cổ truyền trong dân chúng, đặc biệt là lớp trẻ”. (Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan)

Đã nhiều lần và trong suốt nhiều năm qua, tiếng chuông cảnh báo về tình trạng bị mai một, thậm chí là nguy cơ bị biến mất của các loại hình âm nhạc nghệ thuật dân gian truyền thống của VN đã được gióng lên. Cũng đã có không ít những chương trình, dự án, các buổi tọa đàm, hội thảo… được tổ chức, triển khai để tìm ra những giải pháp, thực hiện những công việc để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản âm nhạc truyền thống cổ truyền của dân tộc.

Dù vậy, việc tìm ra một giải pháp mang tính khoa học, bài bản để có chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị di sản này vẫn là vấn đề cấp bách. Trước thực trạng đó, Ủy ban Dân tộc đã giao cho Viện Âm nhạc làm chủ nhiệm đề tài khoa học Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số VN.

PGS.TS Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tư duy áp đặt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc các dân tộc thiểu số VN là do các nhà nghiên cứu hay quản lý, tổ chức sự kiện văn hóa chưa nhìn nhận đúng về đối tượng cần tiếp cận.

Bên cạnh đó, để tránh sự dàn trải, lãng phí, việc lựa chọn, phân loại cũng như sắp xếp thứ tự ưu tiên bảo tồn cấp bách, bảo tồn dài hạn… các thể loại âm nhạc dân tộc cổ truyền cũng cần sớm xác định một cách bài bản, khoa học và mang tính chỉnh thể, dài hạn. Chính sách tôn vinh nghệ nhân, hỗ trợ các nghệ nhân cao tuổi truyền trao, truyền dạy các bài bản cổ cho các thế hệ đi sau là một việc làm tất yếu. Nhưng để bảo tồn và phát huy một cách bền vững những giá trị của âm nhạc dân tộc các dân tộc thiểu số, cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, đào tạo rộng rãi và lâu dài đối với các thế hệ trẻ. PGS.TS Nguyễn Thụy Loan khẳng định: “Thế hệ trẻ là một trong những nhân tố quan trọng quyết định vận mệnh của các di sản âm nhạc trong tương lai”.

(Nguồn: Phúc Nghệ – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Độc đáo không gian nghệ thuật Flamingo

Với tâm nguyện mang nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng, năm nay Flamingo Đại Lải Resort tiếp tục mời các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế đến tham dự chương trình ‘Không gian nghệ thuật Flamingo Art In The Forest 2017’.

Không gian nghệ thuật Flamingo Art In The Forest 2017 năm nay thật vinh dự khi đón chào các nghệ sĩ quốc tế đến tham dự như: NĐK. Mukai Katsumi (Nhật Bản), NĐK Carlos Albert Andrés (Tây Ban Nha), Lee Jae Hyo (Hàn Quốc), Yeo Chee Kiong (Singapore).

Tác phẩm “Sỏi đá cũng là vàng” của NĐK Lee Jae Hyo (Hàn Quốc)
Tác phẩm “Sỏi đá cũng là vàng” của NĐK Lee Jae Hyo (Hàn Quốc)

Art In The Forest 2017 hứa hẹn chứng kiến sự thăng hoa những tác phẩm điêu khắc qua bàn tay nghệ sĩ trên chất liệu gỗ và kim loại để diễn tả tinh tế những góc nhìn của người nghệ sĩ về cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Song hành cùng điêu khắc là điểm sáng đặc biệt năm nay, lần đầu tiên AIF tổ chức chương trình lưu trú Hội hoạ với sự tham gia của 10 hoạ sĩ trong nước. Những nghệ sĩ, tên tuổi cùng tác phẩm của họ đã có một vị trí nhất định trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam và khu vực Châu Á. Tất cả tạo nên nhiều màu sắc thú vị, đa dạng cho hoạt động mang đậm tính nghệ thuật.

Bày tỏ ý kiến về không gian nghệ thuật tại Flamingo Đại Lải Resort, họa sỹ – nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân nói rằng: “Trại sáng tác năm nay đặt ở trong rừng thông, lại nhìn ra hồ Đại Lải nên tạo ra không gian sáng tác nghệ thuật phóng khoáng. Về mặt tâm lý, ít nhất tôi đã thoát khỏi được Internet, khói bụi, tiếng ồn; ở đây không khí thay đổi, có mưa có nắng nên gợi cảm hứng làm việc. Ngoài ra, cái hay của trại sáng tác chính là sự giao lưu của các nghệ sỹ: cùng ăn, ngủ, làm việc, chiêm ngưỡng tác phẩm của nhau. Hơn nữa, ở Flamingo không giới hạn chủ đề sáng tác nên nghệ sỹ được tự do thể hiện. Mỗi người đều có điểm mạnh riêng, hi vọng sẽ có nhiều tác phẩm thú vị sau khi chương trình bế mạc.”

Quần thể Studio Art In The Forest
Quần thể Studio Art In The Forest

Bên cạnh đó, tuần lễ nghệ thuật sẽ diễn ra từ ngày 28/10 – 6/11 tại Flamingo Đại Lải Resort với tour tham quan các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc dành cho đông đảo du khách và người yêu nghệ thuật đến thưởng lãm. Ngoài ra, sự kiện Không gian văn hóa và nghệ thuật Đông – Tây All for Art như trang trí thủ công, trình diễn nghệ thuật ẩm thực, biểu diễn âm nhạc đường phố, cũng sẽ đem đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách khi đến với Flamingo.

Tổ chức lần đầu năm 2015, Art In The Forest ngay lập tức đã gây tiếng vang lớn và trở thành một sự kiện văn hóa – mỹ thuật tầm cỡ quốc gia khi được Bộ Văn Hóa – Thể Thao và Du lịch bình chọn là Top 5 sự kiện mỹ thuật tiêu biểu toàn quốc 2016. Hơn thế nữa, 25 cụm tác phẩm điêu khắc độc đáo của hai mùa trước đã giúp khu nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam xác lập thành công kỷ lục “Khu resort có không gian nghệ thuật bên hồ lớn nhất Việt Nam” do Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận vào tháng 6/2017.

Mỗi tác phẩm ẩn chứa những suy tư của các nghệ sĩ đương đại về ranh giới giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý tưởng và hiện thực, giữa cá nhân và xã hội, đồng thời truyền tải những câu chuyện về sự thay đổi cũng như những hiện tượng đang diễn ra trong bối cảnh phát triển toàn cầu đương thời.

(Nguồn: Doãn Phong – Báo Điện tử Vietnamnet)

Triển lãm tranh màu nước quốc tế lần thứ II

Ngày 23/10/2017 tại Bảo tàng Hà Nội sẽ diễn ra lễ khai mạc Triển lãm tranh màu nước Quốc tế lần thứ 2.

Triển lãm sẽ trưng bày 217 tác phẩm của 216 họa sĩ màu nước đến từ 45 quốc gia trên thế giới do Hiệp hội màu nước Quốc Tế chi nhánh tại Việt nam IWS Việt Nam) – phối hợp cùng Bảo tàng Hà Nội tổ chức.
Hiệp hội màu nước Quốc tế – IWS là tổ chức màu nước phi lợi nhuận có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động quy mô rộng khắp thế giới, đã có mặt tại 100 quốc gia. IWS Việt Nam chính thức là chi nhánh vào tháng 5/2014.


Tranh của Direk Kingnok

Năm nay, ngoài trưng bày tranh của các họa sĩ hàng đầu thế giới và các quốc gia quen thuộc như Mỹ, Tây Ban nha, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Hong Kong, Nga,… IWS Việt Nam mở rộng phạm vi giới thiệu đến người yêu nghệ thuật các họa sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực màu nước đến từ các quốc gia như Albania, Kosovo, Hy Lạp, Iran, Iraq, Pakistan, Bangladesh, Uruguay, Kazashtan, Belarus, Phần Lan, Latvia… để người xem có cái nhìn phong phú về văn hóa cũng như phong cách hội họa đa dạng của các vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, tại triển lãm lần này, sự góp mặt của họa sĩ màu nước hàng đầu thế giới Alvaro Castagnet – người mang 2 quốc tịch Uruguay và Australia sẽ là điểm nhấn của sự kiện và ông là họa sĩ được ghi nhận vào sự đóng góp phát triển hội họa màu nước tại Việt Nam.

Độc giả cũng sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh bản gốc của các họa sĩ nổi tiếng thế giới Chien Chung Wei, David Poxon, Liu Yi, Atanur Dogan, Thomas Schaller…


Tranh của Alvaro Castagnet

Bên cạnh đó, ngày 23 và 27/10 sẽ diễn ra buổi trình diễn vẽ của chủ tịch Hiệp Hội màu nước quốc tế Atanur Dogan – quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và Canada cùng các họa sĩ khách mời trong và ngoài nước như Alvaro Castagnet, Liu Yi, Amit Kapoor, Mai Nguyen, Bùi Duy Khánh, Yuko Nagayama, Helidon Haliti, Myint Naing, Lafe, Zeze Lai, Besnik Xhemali, Bình Chu, Chow Chin Chuan, Thu Huong Nguyen, Jansen Chow, Agus Budyanto, Subin Muang Chan, Liu Xi De, Hồ Hưng, Đoàn Văn Tới, Thụy Dương, Hoàng Võ, Nguyễn Thùy Anh, Trương Văn Ngọc, Toán Nguyễn, Megha Kapoor, Maneerat Skirampa, Win Xin Lin, Chiayee Lam…

Các hoạt động của sự kiện dự kiến sẽ kéo dài đến hết 30/10/2017 và tranh tiếp tục được trưng bày đến hết 15/11/2017. Trong chuỗi hoạt động của sự kiện, nổi bật là ngày 25 tại Đảo Cát Bà, gần 100 họa sĩ tham gia tour vẽ sẽ thực hiện vẽ bức tranh dài 40m. Đây là bức tranh được xem là dài nhất Việt Nam.

Qua triển lãm, công chúng yêu nghệ thuật sẽ có được cái nhìn tổng quan hơn về thể loại tranh màu nước của thế giới cũng như Việt Nam, từ đó đưa thể loại tranh này tới gần hơn với công chúng Việt Nam.

Sau khi triển lãm kết thúc, Bảo tàng Hà Nội và IWS Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tổ chức các hoạt động workshop định kỳ và trưng bày tranh của các họa sĩ quốc tế lâu dài để người yêu nghệ thuật tranh màu nước và du khách có thể thưởng lãm thường xuyên.

Một số tác phẩm tranh màu nước tại Triển lãm tranh màu nước Quốc tế lần thứ nhất


Tranh của Chien Chung Wei

Nick Wyoming (Ngài Nick Wyoming) – tranh của Stan Miller

Tranh của Igo Sava

Tranh của Atanur Dogan

(Theo MaskOnline)

Phát hiện nhiều hiện vật gốm Champa cổ niên đại 700 năm

Dân trí Nhiều đồ gốm Champa cổ quý giá cùng 6.000 mảnh vỡ có niên đại 700 năm vừa được các nhà khảo cổ phát hiện tại di chỉ gò Cây Me (thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, Bình Định).

Ngày 24/10, PGS. TS Lại Văn Tới – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau 20 ngày khai quật, hiện đã tìm thấy nhiều đồ gốm Champa cổ quý giá như: bát, đĩa, bình… cùng 6.000 mảnh vỡ có niên đại 700 năm tại di chỉ gò Cây Me.

Theo ông Tới, gò Cây Me là 1 trong 5 trung tâm sản xuất gốm lớn ở Bình Định (gò Sành, gò Cây Me, gò Ké, gò Hời và Trường Cửu) nằm dọc đôi bờ sông Kôn, vùng đất gắn liền với lịch sử của các kinh đô cổ của người Chăm (thế kỷ XI-XV).

Sau khi được Bộ VH-TT&DL cấp phép, ngày 1/10 Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã phối hợp với Bảo tàng Bình Định đã tiến hành khai quật tại gò Cây Me, 4hố trên diện tích 400m2.

1-2-15087494928561-3-1508749492858Qua khai quật, đã phát hiện 3 hố có lò nung từ thế kỷ XV, trong đó có 2 lò nguyên vẹn phần hầm lò, ống khói, tường cao khoảng 8m.

Tại các hố khai quật, Trung tâm đã thu được nhiều hiện vật gốm cổ quý giá như: bát, đĩa, bình, ấn chạm khắc hình rồng phượng… được chia thành 3 loại: gốm hoa nâu, men ngọc xanh, men trắng từ thế kỷ XIV, niên đại 700 năm.

Đặc biệt, phát hiện này mang ý nghĩa rất quan trọng để so sánh, đánh giá trong Hội thảo “Gốm cổ Bình Định – Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long – Đại Việt thế kỷ XI-XV. Dự kiến hội thảo này, sẽ diễn ra trong 2 ngày (27 và 28/10) tại TP Quy Nhơn, Bình Định với sự tham gia các học giả, nhà nghiên cứu trong nước và 30 nước trên thế giới.

(Nguồn: Doãn Công – Báo Điện tử Dân trí)

Sơn Tùng, Đông Nhi được đề cử giải Nghệ sĩ châu Á xuất sắc

BTC MAMA 2017 công bố danh sách đề cử hạng mục Nghệ sĩ Châu Á xuất sắc Đông Nhi, Sơn Tùng, Soobin Hoàng Sơn, Tóc Tiên và Chi Dân.

Một trong 4 lễ trao giải âm nhạc lớn nhất năm của Hàn Quốc MAMA (Mnet Asian Music Awards) 2017 đã chính thức mở cửa bình chọn giải thưởng. Năm nay, sự quan tâm của các khán giả càng được đẩy lên cao khi Mnet chính thức thông báo kế hoạch tổ chức lễ trao giải MAMA tại ba quốc gia khác nhau đó là Việt Nam, Nhật Bản và Hồng Kông.

Tại Việt Nam, MAMA sẽ được tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình với sức chứa 2.500 người. Các nghệ sĩ xác nhận biểu diễn tại Việt Nam hiện tại có hai nhóm nhạc Wanna One và Seventeen. Đây là hai nhóm nhạc nam đang sở hữu lượng fan rất “khủng” tại Hàn Quốc cũng như nước ngoài.

Wanna One và Seventeen là hai nhóm nhạc đã được Mnet xác nhận tham gia lễ trao giải MAMA 2017 tại Việt Nam.
Wanna One và Seventeen là hai nhóm nhạc đã được Mnet xác nhận tham gia lễ trao giải MAMA 2017 tại Việt Nam.

Đối với lễ trao giải MAMA, đây được coi là trận chiến giữa các fandom bởi điểm bình chọn online sẽ chiếm 30% trong tổng số điểm quyết định giải thưởng cuối cùng. Sau 2 ngày mở cửa bình chọn, các hạng mục giải thưởng đang cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt giữa fan Hàn Quốc và fan quốc tế.

Ở bên mảng thần tượng nam, EXO và BTS đang là hai nhóm nhạc dẫn đầu về lượng phiếu bình chọn. EXO đang tạm dẫn trước ở các hạng mục giải thưởng có tên nhóm như: Nhóm nhạc nam xuất sắc nhất, Nghệ sĩ của năm, Ca khúc của năm, Trình diễn nam xuất sắc nhất…

Nhóm nhạc EXO và BTS.
Nhóm nhạc EXO và BTS.

EXO và BTS đang cạnh tranh nhau quyết liệt ở các hạng mục giải thưởng nhóm nhạc nam. Trong khi EXO có lượng fan trong nước đông đảo thì BTS lại rất nổi tiếng với  fan quốc tế.

Trong khi đó, BTS bám sát nút ngay phía sau với số phiếu bầu cách biệt không nhiều. Xét về fandom, EXO có lượng fan Hàn Quốc và Trung Quốc đông hơn BTS nhưng lượng fan quốc tế nói chung của BTS lại nhiều hơn, trải ở nhiều quốc gia hơn. Vì vậy, các mục bình chọn có mặt hai nhóm nhạc này được dự đoán sẽ có nhiều cạnh tranh và thay đổi nhất.

Ở bên mảng thần tượng nữ, không có một cái tên nào đang chiếm vị thế tối ưu. Bộ bốn Black Pink đang tạm dẫn đầu ở hạng mục Nhóm nhạc nữ xuất sắc nhất, Red Velvet dẫn đầu ở hạng mục giải Trình diễn nhóm nữ.

cuc-dien-tam-thoi-tai-le-trao-giai-am-nhac-mama-2017-to-chuc-tai-viet-nam-2Mặc dù vậy, khán giả nhận định rằng kết quả ít nhất sẽ có một trong hai giải thưởng này không trùng với kết quả bình chọn hiện tại. Bởi vì thành tích nhạc số và album của nhóm nữ TWICE quá cách biệt so với các đối thủ (chiếm tổng số 40% điểm) và cũng được công chúng lẫn các chuyên môn đánh giá cao (chiếm 30% điểm). Vậy nên, TWICE được dự đoán sẽ làm nên chuyện trong MAMA năm nay dù điểm bình chọn của TWICE chỉ xếp tầm vị trí thứ 3.

Ngược lại với bên nam, TWICE đang là nhóm nhạc nữ có lượng fan Hàn Quốc đông nhất, còn Black Pink và Red Velvet lại được lòng khán giả quốc tế hơn. Khán giả dự đoán TWICE sẽ làm nên chuyện trong MAMA 2017 bởi doanh số album, nhạc số và độ nhận biết công chúng đều cách biệt với các nhóm nữ khác, mặc dù điểm bình chọn hiện tại của TWICE đang xếp sau Black Pink và Red Velvet.

Nhàn nhã nhất cho Mnet năm nay có lẽ là hạng mục tân binh khi mà các đề cử mạnh đều xuất phát từ show tuyển chọn sống còn Produce 101 từ Mnet. Wanna One có lẽ đã cầm chắc chiếc cúp tân binh nam. Còn bên nữ là cuộc chiến từ các mẩu IOI cũ: Chung Ha, Weki Meki, Pristin. Vậy nên Mnet trao giải cho ai thì cũng đều là “con nhà mình” cả.

cuc-dien-tam-thoi-tai-le-trao-giai-am-nhac-mama-2017-to-chuc-tai-viet-nam-3Wanna One gần như cầm chắc chiếc cúp tân binh nam, còn bên nữ là sự cạnh tranh của các thành viên cũ IOI: Chung Ha, Weki Meki, Pristin. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu. Kết quả bình chọn online của MAMA thường có sự thay đổi vào những ngày cuối cùng.

Lễ trao giải MAMA 2017 sẽ được diễn ra vào 25/11 tới đây. Hiện tại, vé vào Nhà hát Hòa Bình đã được mở bán. Đặc biệt, khán giả sẽ có cơ hội được vào khu vực thảm đỏ, vị trí ghế được chọn ngẫu nhiên không phụ thuộc vào giá vé.

Ngoài ra, BTC của lễ trao giải MAMA 2017 còn lần đầu cho bình chọn hạng mục giải thưởng riêng của Việt Nam. Và mới đây, BTC cũng chính thức công bố danh sách đề cử hạng mục “Best Asian Artist In Vietnam” (Nghệ sĩ Châu Á xuất sắc nhất tại Việt Nam) với 5 ca sĩ có hoạt động nổi bật trong năm 2017 vừa qua gồm: Đông Nhi, Sơn Tùng, Soobin Hoàng Sơn, Tóc Tiên và Chi Dân.

cuc-dien-tam-thoi-tai-le-trao-giai-am-nhac-mama-2017-to-chuc-tai-viet-nam

(Nguồn: Linh Linh – Báo Điện tử Vietnamnet)

DJ số 1 thế giới quay trở lại Việt Nam biểu diễn

Top 1 Producer/DJ nhạc Trance – Armin van Buuren sẽ quay lại Việt Nam biểu diễn vào tháng 12 tới đây.

Cuối 2015, nhà sản xuất nhạc kiêm DJ người Hà Lan Armin van Buuren đã có màn biểu diễn rất thành công tại Hà Nội. Sự kiện này được coi là cột mốc đáng nhớ của các lễ hội âm nhạc điện tử Việt Nam, cũng như mở ra giai đoạn phát triển mạnh của các lễ hội âm nhạc điện tử ngoài trời.

Theo kế hoạch, Armin van Buuren sẽ lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong tour diễn tháng 12 vòng quanh châu Á. Như vậy, DJ người Hà Lan giữ lời hứa quay trở lại Việt Nam và biểu diễn trước 15.000 tín đồ âm nhạc điện tử của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Sau khi trình diễn ở Việt Nam, Armin van Buuren sẽ tiếp tục hành trình tại Ấn Độ và một số quốc gia khác trước khi quay về Mỹ.

Armin van Buuren sinh năm 1976 tại Hà Lan. Anh đam mê với công việc mix nhạc từ khi mới hơn 10 tuổi. Trong những năm cắp sách lên giảng đường Đại học để lấy tấm bằng Thạc sĩ Luật, Armin đã chơi nhạc tại các hộp đêm và nổi như cồn với các sản phẩm của chính mình. Cũng vì quá đam mê với âm nhạc, anh phải hoãn việc học của mình và sau đó tốt nghiệp vào năm 2003. Sau nhiều năm cống hiến cho nền âm nhạc thế giới nói chung và nền EDM Hà Lan nói riêng, Armin đã được nhận tước hiệu hoàng gia Hà Lan vào năm 2011.

Trong năm 2017, radio mang tên ‘A State of Trance’ của Armin đã đạt cột mốc thứ 800 với hàng chục triệu lượt nghe. Anh cũng là DJ mở màn cho đêm diễn đầu tiên của lễ hội Tomorrowland (Bỉ) trước 220.000 khán giả. Đặc biệt hơn, Armin làm nên kì tích khi giúp cho 40.000 người tham dự lễ hội UNTOLD (Romania) thoả mãn trong những giai điệu dạt dào suốt 5 tiếng đồng hồ. Chính vì những lý do này, Armin van Buuren luôn là DJ được yêu thích nhất của dòng nhạc Trance và liên tục giữ vị trí số 1 của bảng xếp hạng các DJ uy tín của thedjlist.com.

(Nguồn: T.Lê – Báo Điện tử Vietnamnet)

 

“Ngã tư” và cái nhìn mới mẻ về cuộc sống

(Vietnamnet) – “Ngã tư”, triển lãm chung của 4 họa sĩ: Phạm Sinh, Ngọc Điệp, Thanh Trúc và Cường Tuse mang lại cái nhìn mới mẻ về cuộc sống.

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức khai mạc triển lãm mang tên “Ngã tư” của 4 họa sĩ: Phạm Sinh, Ngọc Điệp, Thanh Trúc và Cường Tuse. Triển lãm trưng bày 56 bức tranh là 56 sắc thái, mang lại cái nhìn mới mẻ về cuộc sống. Có thể là những sắc hoa lúc giao mùa, hay nhịp sống của con người nơi phố thị.

Hoạ sĩ Phạm Sinh chia sẻ: “Ở triển lãm Ngã tư, tôi có hai dòng tranh, một dòng tranh vẽ bằng bột màu, khổ nhỏ, được vẽ từ những năm 90, theo lối hiện thực, thiên về khung cảnh quê hương thanh bình như: Buổi sáng đồng quê, Bến chiều sông La núi Hồng, Lá ráy… có màu sắc trong sáng, ấn tượng. Và dòng tranh trừu tượng được vẽ từ năm 2016 đến nay bằng Acrylic trên toan bồi giấy, dòng tranh này có sự đột phá về tư duy, tư cách xử lý chất liệu đến phong cách nghệ thuật”.

20171018103410-a520171018103410-a620171018103410-a720171018103410-a1020171018103410-a11“Ngã tư”  là điểm gặp gỡ bốn con người vô tình không hẹn mà gặp nhau. Họa sĩ Ngọc Điệp nhìn cuộc đời thật nhẹ nhàng, giản dị, miêu tả cuộc sống vốn dĩ là thế với những cánh hoa nở, tàn và cảnh làng quê bình yên, trong sáng. Họa sĩ Thanh Trúc bảng lảng hơn, thơ mộng với những gam màu ngọt dịu làm cho cuộc sống và thiên nhiên bao la bồng bềnh hơn. Cường Tuse luôn trung thành với nhà, với những mảng sáng tối và nắng… Các bức tranh của các họa sĩ có ý tưởng đột phá, bút pháp độc đáo, kỹ thuật điêu luyện, màu sắc tinh tế, kết hợp cả văn hóa Đông và Tây.

Nói về những bức tranh trừu tượng, họa sĩ Phạm Sinh cho biết: “Tranh trừu tượng thực sự có giá trị, khi nó bộc lộ bản lĩnh tác giả, xem tranh, xem cách xử lý về đường nét, màu sắc, người ta có thể hiểu được tính cách của người họa sĩ như thế nào. Tranh của tôi có sự ngẫu hứng của phương Đông và sự kiểm soát lý trí của phương Tây trên vật liệu mới nên người yêu tranh có thể tìm được sự đồng cảm của mình trong đó. Tôi vẽ tranh là để thỏa mãn mình, muốn được đưa cái nhìn của mình để vào tác phẩm, để đối thoại với đời, với người”.

20171018103410-a220171018103410-a320171018103410-a420171018103410-a12Triển lãm bắt đầu từ 18/10 – 30/10/2017.

(Nguồn: T.Lê – Báo Điện tử Vietnamnet)

Singapore tôn vinh tác phẩm của Maika Elan và các nữ nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới

(Tổ Quốc) – Nữ nhiếp ảnh gia Việt Nam Maika Elan và 7 đồng nghiệp trên khắp thế giới, cùng cất lên tiếng nói của phụ nữ trong một triển lãm tại Singapore.

Triển lãm “Phụ nữ trong nhiếp ảnh” đang diễn ra tại Trung tâm Nhiếp ảnh và Phim Objectifs (Singapore) đem đến những góc nhìn độc đáo về cuộc sống, nữ quyền và mối quan hệ gia đình… của 8 nữ nhiếp ảnh gia đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Trong serie ảnh mang tên “A Life in Death” (Một cuộc sống trong cái chết), nhiếp ảnh gia người Mỹ Nancy Borowick đã ghi lại những ngày cuối cùng của bố mẹ mình, ông Howie và bà Laurel. Cả hai ông bà đều là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Đối với Borowick, câu chuyện cô muốn truyền tải không phải là sự đau đớn bệnh tật mà là tình yêu và sự mạnh mẽ của bố mẹ cô.

“Họ bắt đầu cố chịu những tác động phụ của quá trình trị liệu giống hệt nhau. Da bị hủy hoại, và cùng không có tóc, nhưng tôi vẫn luôn nhớ rõ sự gắn bó và tình yêu trong khoảnh khắc đó,” nữ nhiếp ảnh gia 32 tuổi kể lại.

Bộ ảnh đen trắng của Borowick đã giành được giải nhì trong hạng mục Dự án dài hạn thuộc Giải thưởng Ảnh báo chí thế giới năm ngoái.

Một trong những bức ảnh ám ảnh của Nancy Borowick
Một trong những bức ảnh ám ảnh của Nancy Borowick

Buổi triển lãm nằm trong chương trình Phụ nữ trong Phim và Nhiếp ảnh do Trung tâm Nhiếp ảnh và Phim Objectifs tổ chức, nhằm giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nhất của các nhiếp ảnh gia và nhà làm phim nữ giới đến với khán giả Singapore.

Đúng như tên gọi, chương trình này gồm hai phần: triển lãm ảnh và chiếu phim. 8 tác giả tham gia triển lãm “Phụ nữ trong nhiếp ảnh” là Nancy Borowick (Mỹ), Gohar Dashti (Iran), Bieke Depoorter (Bỉ), Maika Elan (Việt Nam), Sandra Mehl (Pháp), Jannatul Mawa (Bangladesh), Emilie Regnier (Canada) và Bernice Wong (Singapore). Thông qua những tác phẩm của mình, các tay máy nữ chia sẻ với người xem những thông điệp mạnh mẽ về xã hội thường ngày họ đang sinh sống và làm việc.

Ví dụ, dưới góc máy của Regnier, những người dân tại Bờ biển Nga coi kiểu tóc là một cách dễ dàng nhất để thể hiện cái tôi cá nhân. Mawa ghi lại những sự giúp đỡ diễn ra thường ngày tại Bangladesh….

Sinh năm 1986, Maika Elan có lẽ là một trong những nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất của Việt Nam. Bộ ảnh “The Pink Choice” (Chọn lựa màu hồng) của cô đã đoạt giải nhất trong hạng mục Các vấn đề đương đại của Giải thưởng Ảnh báo chí Thế giới năm 2013. Các bức ảnh trong “The Pink Choice” cũng được giới thiệu trong triển lãm lần này tại Singapore.

Một tác phẩm trong bộ ảnh "The Pink Choice" của Maika Elan
Một tác phẩm trong bộ ảnh “The Pink Choice” của Maika Elan

Phần thứ hai của chương trình tập trung vào điện ảnh. Objectifs sẽ trình chiếu 6 phim dài và 5 phim ngắn của các nhà làm phim nữ, bao gồm cả bộ phim ngắn của đạo diễn Singapore Kirsten Tan – người từng đoạt Giải thưởng đặc biệt của Giám khảo cho kịch bản tại Liên hoan phim Sundance năm nay.

“Nhiều vấn đề trong triển lãm này có ảnh hưởng toàn cầu và chúng tôi hy vọng rằng người xem triển lãm sẽ có thể liên hệ chúng với các tác phẩm ảnh theo nhiều cấp độ khác nhau,” giám đốc Objectifs, Emmeline Yong, nói về triển lãm ảnh “Phụ nữ trong nhiếp ảnh”, nói.

Nói về vai trò của phụ nữ trong nhiếp ảnh và hoạt động của Objectifs trong tương lai, bà Yong khẳng định: “Chúng tôi tin rằng, việc tiếp tục hỗ trợ tiếng nói của phụ nữ trong một lĩnh vực mà nam giới vẫn đang chiếm ưu thế – là vô cùng quan trọng.”

(Theo ST)