Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc từ ngày 15-22/4/2017 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đã thành công tốt đẹp. Chương trình Năm cung Chèo 2 của Nhà hát Chèo Việt Nam được trao Huy chương Vàng, cùng với đó là 2 Huy chương Vàng cho tác phẩm độc tấu Tâm sự Mị Nương và tam tấu Ngẫu hứng trống Chèo, 1 Huy chương Bạc cho hòa tấu dàn nhạc Cầu an.
4 huy chương danh giá cho Năm cung Chèo 2 không hề là một kết quả bất ngờ đối với ban lãnh đạo cũng như tập thể anh chị em nghệ sĩ. Từ khâu ý tưởng đến quá trình tổ chức triển khai luyện tập, cho tới phút chót trước giờ biểu diễn có thể nói, chưa bao giờ tinh thần lao động nghệ thuật của nghệ sĩ lại tha thiết gọi mời tiềm năng sáng tạo đến thế. Bởi vậy nên không khó nhận ra khi đêm trình diễn của các nhạc công, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam bắt đầu, không gian khán phòng Nhà hát Lam Sơn Thanh Hóa trở nên “nóng”. Khi trái tim nghệ sĩ đã thắp lửa, ngón đàn sẽ thăng hoa, mọi giác quan được đánh thức và người nghe đã dễ dàng bị thôi miên, đắm mình trong thế giới đa thanh âm lung linh diệu kì.
Sau cuộc liên hoan, huy chương rõ ràng như một sự ghi nhận quý giá đối với người nghệ sĩ. Tuy nhiên vấn đề không chỉ dừng lại ở phần thưởng. Ban lãnh đão nhà hát đã quan tâm tới tài năng nhạc công mà thông thường, nhạc công Chèo chỉ được nhìn nhận như một trong nhưng thành phần hỗ trợ sáng tạo một vở Chèo hoàn chỉnh. Phải khẳng định thêm lần nữa, Năm cung Chèo 2 cùng với thành công của Năm cung Chèo 1, đang nối dài hi vọng về sự phát triển biệt lập của âm nhạc Chèo trong dòng chảy chung của âm nhạc truyền thống.
Năm cung Chèo 2 được đặt tên “Khúc diệu tâm” một cách nâng niu. 7 tác phẩm bao gồm cả solo, song tấu, tam tấu và hòa tấu. Vui có, buồn có, lãng mạn bay bổng hòa với thăng trầm trong những tiết tấu êm ái rộn ràng rồi lại có phút ngưng lặng. Người nghe dễ dàng nhận ra tiếng lòng ưu tư khắc khoải mà tha thiết yêu thương của Mị Nương; cuộc đời đầy bi kịch cùng nỗi niềm đắng cay ai oán của Súy Vân; chút hồn nhiên tươi tắn cất lên từ thanh âm mộc mạc của tiếng trống đế; chút huyền bí với biến tấu làn điệu hát Văn… Song bao trùm là âm hưởng “thiền”. Âm hưởng trầm đầy quyền năng, vang vọng từ không trung bao la tới mặt đất, dẫn con người vào thế giới tịnh tâm….
Năm cung Chèo 2 như nghe được cảm xúc về số phận của nghệ thuật Chèo. Dành đến với công chúng, cảm nhận thế nào tất nhiên tùy thuộc vào từng khán giả. Bởi vì âm nhạc là ngôn ngữ của âm thanh. Mà thanh âm là không biên giới…!
VH- Tối qua 23.4, Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017 đã khép lại tại Nhà hát Lam Sơn (Thanh Hóa) sau một tuần tranh tài sôi nổi. Dù còn không ít nỗi lo, nhưng Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017 đã mang đến cái nhìn lạc quan về thế hệ nghệ sĩ biểu diễn trẻ trung, đầy khao khát sáng tạo để làm phong phú thêm cho kho tàng âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Khoảng cách và nỗ lực
Có phần khiêm tốn hơn so với số lượng các đoàn nghệ thuật của Trung ương và hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017 thu hút sự góp mặt của 19 đoàn nghệ thuật địa phương. Sự khiêm tốn của các địa phương không chỉ nằm ở số lượng các đoàn, mà còn nằm ở thời lượng và độ hoành tráng của các chương trình biểu diễn. Nhưng nếu như hiểu thêm về những câu chuyện đằng sau sân khấu, thì sự khiêm tốn ấy cũng đã là kết quả của những nỗ lực vượt bậc.
“Ở một tỉnh lị như Đắk Lắk, duy trì được đoàn nghệ thuật là một khó khăn vô cùng lớn. Thu nhập quá thấp khiến anh em lần lượt bỏ đi làm nghề khác hết. Những người ở lại với đoàn thì phải làm nhiều nghề để sống. Thậm chí có nhiều em về làng làm rẫy, khi đoàn có công việc, lịch tập, lịch diễn thì gọi về. Đến mình có chút tên tuổi rồi mà nhiều lúc vẫn muốn bỏ nghề, bỏ đoàn, thì sao trách được anh em” – nhạc sĩ Y Phôn K’sor, đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk chia sẻ. Theo nhạc sĩ của Đôi chân trần, khó khăn của Đắk Lắk là khó khăn “toàn diện”.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo VN mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả
Bên cạnh lực lượng biểu diễn mỏng và còn non nớt trong nghề nghiệp, đoàn thiếu cả đội ngũ sáng tác, dàn dựng tác phẩm. “Không có người làm nên dù khí nhạc không phải là sở trường của mình, vẫn cứ phải cố gắng làm, cố gắng sáng tác, dù bản thân không hài lòng. Viết xong, mất hàng tuần vỡ bài cho anh em, rồi lại phải chỉnh sửa nhiều lần nữa vì có nhiều đoạn anh em không chơi được” – những khó khăn được Y Phôn K’sor chia sẻ có lẽ không chỉ của riêng đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk, mà là khó khăn chung của các đoàn nghệ thuật địa phương tham dự Liên hoan.
“Nếu như mang so sánh với các loại hình nghệ thuật khác, thì nghệ thuật truyền thống, âm nhạc dân tộc ở đâu cũng khó khăn. Nhưng khó khăn của các đoàn nghệ thuật truyền thống ở các địa phương thì phải nói là khó khăn chồng chất khó khăn” – NSND Xuân Hoạch, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan chia sẻ với các đồng nghiệp.
Tuy nhiên, trong suốt một tuần lễ của Liên hoan, các đoàn địa phương lại mới chính là những người mang đến cho ông những niềm vui mong đợi. “Vui, bởi vì chính là các đoàn nghệ thuật địa phương mới là những người cho tôi nghe được những tiếng đàn mộc mạc nhất, gần gũi với truyền thống nhất. Làm việc với các đoàn địa phương, thấy thương lắm, vì họ vất vả quá! Nhưng ở hội diễn này, khi nghe tiếng đàn tranh, tiếng kéo nhị của các em ở chèo Thanh Hóa, chèo Nam Định, Thái Bình, hay tiếng kèn bóp của một em ở tuồng Thanh Hóa, rồi tiết mục solo trống của tuồng Bình Định, mới hiểu rằng, dù khó khăn đến đâu thì với những người nghệ sĩ yêu nghề như thế, âm nhạc dân gian, dân tộc VN vẫn không thể nào mất đi được”.
Rồi ông chia sẻ một câu chuyện bên lề sân khấu: “Lúc tôi khen một em kéo nhị hay quá, như cắt vào tim vào gan người ta, thì chúng bạn đứng xung quanh trêu: Lên sân khấu hội diễn thì thế thôi, chứ thường ngày toàn “đi đám” đấy ông ạ! Đi đám tức là đi kéo đàn ở các đám hiếu ấy. Đi đám quanh năm để có tiền mưu sinh, để có được ít phút làm nghề thật sự trên sân khấu. Sự nhọc nhằn không ngăn cản được tình yêu nghề. Chính là nhờ những người “đi đám” đó, mà tôi thấy yêu nghề hơn”.
Các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, Đoàn nghệ thuật Khmer Bạc Liêu vượt qua nhiều khó khăn để đến với Liên hoan
Làm mới – vui và lo
Một lớp nghệ sĩ trẻ khao khát sáng tạo, nỗ lực không ngừng để đưa hơi thở hiện đại vào trong các tác phẩm và tìm kiếm những kỹ thuật trình tấu mới mẻ cho nhạc cụ dân tộc là điều dễ dàng nhận thấy qua hơn 80 tiết mục tham dự Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017. Rất nhiều lần trong khán phòng nhà hát Lam Sơn, khán giả ồ lên thích thú, những tràng pháo tay tán thưởng rộ lên nhiều lần khi những phần trình diễn còn chưa kết thúc. Sự phấn khích không dễ có của khán giả trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống đã diễn ra với không ít tiết mục của Liên hoan.
Theo dõi phần lớn các buổi biểu diễn, khán giả An Ngọc Khanh (62 tuổi) cho biết: “Gia đình tôi sống cạnh nhà một nghệ sĩ của Đoàn chèo Thanh Hóa gần 30 năm nên cũng lây một chút máu văn nghệ, mê nghệ thuật truyền thống. Không dám nhận mình là người hiểu về âm nhạc dân tộc, nhưng dám khẳng định mình là một khán giả trung thành của nghệ thuật này. Liên hoan này là một cơ hội thưởng thức quý giá với những khán giả như tôi. Nếu nói thích thì thích rất nhiều tiết mục, nhưng ấn tượng nhất với tôi có lẽ là hai tiết mục trống: Tam tấu trống đế của Nhà hát Chèo VN và tiết mục trống của đoàn Tuồng Bình Định. Rất hay, rất mới mẻ và chứa đựng được đặc trưng riêng không thể trộn lẫn của âm nhạc chèo và tuồng”.
Tiết mục “Tam tấu trống đế ” của Nhà hát Chèo VN chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả và giới chuyên môn
NSND Xuân Hoạch thì xuýt xoa trước tiết mục Giã bạn của Nhà hát Cải lương Hà Nội: “Một tiết mục rất mới, rất hiện đại mà lại rất Việt Nam, rất ra chất cải lương. Hay vô cùng!”. Các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Hà Nội đưa cả trống jazz vào trong tiết mục, và điều này làm không ít người ngại ngần khi đây là liên hoan biểu diễn nhạc cụ dân tộc. “Nhưng ngay cả khi đưa trống jazz vào, thì họ vẫn chơi rất ra chất Việt. Làm mới mà không mất đi cái hồn cốt VN mới là điều mà các nghệ sĩ nhạc dân tộc nên hướng tới dù không hề dễ dàng” – NSND Xuân Hoạch khẳng định.
Làm mới nhưng phải giữ được cái hồn Việt, giữ được ngôn ngữ âm nhạc riêng của nhạc cụ là một vấn đề đang được đặt ra cho các nghệ sĩ nhạc dân tộc. Đây đó ở trong các tiết mục được trình diễn tại Liên hoan, người xem có thể nhận thấy sự lạm dụng kỹ thuật, sự phát triển có phần xa rời ngôn ngữ âm nhạc đặc trưng của nhạc cụ. Không khó để lý giải hiện tượng này, khi tâm lý thi cử đã khiến các nghệ sĩ đặt nặng vấn đề phô diễn kỹ thuật biểu diễn, có phần làm mất đi cái nhấn nhá, mộc mạc đặc trưng của nhạc cụ dân tộc. Chưa kể, sự vắng bóng của tiếng tơ, tiếng trúc, của tiếng đàn bầu, đàn tranh mộc tại Liên hoan cũng là điều đáng để trăn trở.
Tại lễ bế mạc tối qua 23.4, BTC đã trao 6 HCV, 6 HCB cho 12 chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật. 37 tiết mục hoà tấu và độc tấu xuất sắc được nhận HCV; 38 tiết mục được trao HCB.
Tối 2/4, Lễ đón Bằng công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO cho Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã diễn ra tại Quần thể di tích Phủ Dầy, Nam Định.
Tham dự buổi lễ có Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Đặng Thị Bích Liên, Vương Duy Biên; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Thượng tướng Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an; Đại diện khách quốc tế có bà Susan Vize – Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội; Đại sứ quán các nước tại Việt Nam; Đại biểu các tỉnh, thành; Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cùng đông đảo nhân dân địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ đón bằng công nhận của UNESCO
Phát biểu tại buổi lễ, bà Susan Vize nói: “Nam Định là một trong những trung tâm của “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt”, tôi hạnh phúc khi đang đứng ở đây. Từ chỗ bị hạn chế do hiểu nhầm, cấm đoán, những giá trị của di sản này đã được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Có được điều này là nhờ sự cố gắng của Chính phủ Việt Nam và đặc biệt là niềm tin và quyết tâm của những người tham gia Thực hành di sản này.
“Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt” không đơn giản chỉ là nghi lễ lên đồng mà còn là những giây phút giao tiếp thiêng liêng giữa con người với thần thánh. Ở phương diện xã hội, di sản đã khích lệ và bồi đắp lòng khoan dung giữa các tộc người, đề cao sự đa dạng trong sự sáng tạo văn hoá của các dân tộc. Đến nay, những Thực hành di sản này đã trở thành sợi dây quan trọng giữa các cộng đồng có liên quan, chính vì giá trị đó, mà UNESCO đã ghi danh “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Bà Susan Vize cũng khẳng định, việc UNESCO ghi danh một di sản không phải là điểm kết thúc mà là khởi đầu cho một hành trình mới. Bởi để có được sự bền vững trong công tác bảo vệ và phát huy di sản chưa bao giờ là công việc dễ dàng, vì vừa phải bảo vệ giữ gìn các giá trị truyền thống vừa phải tiếp thu các giá trị hiện đại. Hơn nữa, điều tối quan trọng là phải thu hút được sự tham gia của các bên liên quan, đó là cộng đồng nắm giữ và thực hành di sản, con cháu của họ phải là trung tâm của việc gìn giữ và bảo vệ này”.
Bà Susan Vize cũng khẳng định, việc UNESCO ghi danh một di sản không phải là điểm kết thúc mà là khởi đầu cho một hành trình mới
Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội bày tỏ mong mỏi Chính phủ Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các thành viên “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt” và có những chính sách bảo vệ di sản hữu hiệu, đồng thời cần không ngừng nâng cao nhận thức cho công chúng và thế hệ tương lai về các giá trị của di sản, đặc biệt là lòng bác ái và sự khoan dung.
Đồng hành với các địa phương bảo tồn, phát huy Di sản
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy bền vững di sản “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt”.
Theo đó, Bộ VHTTDL sẽ đồng hành cùng các địa phương trong việc tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với Di sản. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, một đạo lý, một tâm thức suy tôn phụng thờ người mẹ của người Việt Nam và vai trò của Di sản trong đời sống, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng.
Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương và cộng đồng. Khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bản hát cổ cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục về giá trị và ý nghĩa của Di sản trong trường học; Tôn vinh cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa của Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng Di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch Di sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng thương mại hóa, hoặc các hiện tượng khác làm biến dạng Di sản. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tới công chúng trong nước và ngoài nước, góp phần phát huy di sản bền vững…
“Bộ sẽ chỉ đạo, đồng hành với các địa phương thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy Di sản này”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.
“Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo, đồng hành với các địa phương thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy Di sản này”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định
Sớm xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúc mừng sự kiện Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, được cộng đồng sáng tạo trao truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện quan điểm về ứng xử giữa con người với con người, con người và thiên nhiên, trong đó đề cao vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong cuộc sống gia đình và xã hội. Các Thực hành trong Tín ngưỡng còn phản ánh sự tích hợp nhiều loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc, dung hòa sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc tạo nên một bức tranh đa màu sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Chúc mừng và biểu dương cộng đồng các địa phương là chủ thể của di sản đã sáng tạo, gìn giữ, phát huy giá trị của di sản góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất, Phó Thủ tướng khẳng định: “Đón nhận sự kiện văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vui chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tôi ghi nhận sự quan tâm của các cấp chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân tham gia thực hành, truyền dạy những giá trị của di sản. Tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các Nhà khoa học đã phối hợp với tỉnh Nam Định và Tổ chức quốc tế đã đồng thuận ủng hộ, vinh danh di sản này của Việt Nam”.
“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định những giá trị mang tính toàn cầu của di sản, đó là đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại, phản ánh sự chủ động, hội nhập tích cực của đất nước ta với quốc tế. Đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta, sự chung tay của cộng đồng trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị của di sản, thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đón Bằng công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO cho Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt
Phó Thủ tướng đề nghị, sau sự kiện này, Bộ VHTTDL, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tỉnh Nam Định và các địa phương có di sản này sớm xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản để “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cùng các di sản văn hóa phi vật thể khác của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế vinh danh luôn được tỏa sáng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh quan trọng, đóng góp vào sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Phạm Đình Nghị- Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã thay mặt các tỉnh, thành phố có di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phát biểu: Tỉnh Nam Định và các tỉnh sở hữu di sản và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục nghiên cứu làm phong phú thêm giá trị của di sản; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng để họ tự hào và tích cực tham gia bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời loại bỏ các hủ tục có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng xã hội và làm sai lệch giá trị di sản, để “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” luôn xứng đáng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại.
Ông Phạm Đình Nghị khẳng định, Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được vinh danh ở tầm quốc tế, sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản văn hóa đối với đời sống xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và nhân loại. Đón nhận Bằng UNESCO không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao; Chúng tôi hiểu rằng cần phải đoàn kết đồng lòng kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng giàu đẹp văn minh.
Bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL, Tổ chức Khoa học, Giáo dục, Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO), các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; các địa phương, các Tổ chức cá nhân cùng đông đảo cộng đồng đã quan tâm giúp đỡ và ủng hộ để di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Nam Định cũng mong muốn tiếp tục được đón nhận tình cảm, sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các Di sản văn hóa góp phần phát triển kinh tế xã hội của quê hương, đất nước.
Kết thúc buổi lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc “Tỏa sáng miền Hát Văn” tôn vinh Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”./.