VH- Từ năm 1991 đến nay, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có một quá trình 25 năm đào tạo tiến sĩ. 25 năm không phải là một quá trình quá dài nhưng đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bộ VHTTDL.
Văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực hết sức quan trọng và nhạy cảm đối với sự phát triển đất nước. Để tạo nền tảng cho sự phát triển này, Việt Nam cần có một đội ngũ trí thức dẫn dắt sự sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Trong nhiều năm qua, hoạt động đào tạo trí thức bậc cao này gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những lý do quan trọng nhất là hoạt động đào tạo tiến sĩ – những người thầy, máy cái của một nền học vấn gặp nhiều khó khăn. Sự khó khăn này càng trở nên cấp bách khi các qui định đào tạo của Bộ GD&ĐT ngày càng khắt khe hơn để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, khiến cho đội ngũ cán bộ cơ hữu của các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước lâm vào khó khăn nghiêm trọng do thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Nhiều trường đối mặt với tình trạng không đủ điều kiện để đạt chuẩn trường đại học; một số trường không đủ tiêu chuẩn để nâng cấp từ cao đẳng lên đại học văn hóa nghệ thuật, nhiều ngành học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật quan trọng của đất nước, trong đó có những ngành giúp khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc như kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương), mỹ thuật truyền thống… có khả năng dừng tuyển sinh, không được phép đào tạo do thiếu một tiêu chuẩn chung: Không đủ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Áp lực và trách nhiệm này đè nặng lên hoạt động đào tạo tiến sĩ của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khi Viện là cơ sở đào tạo tiến sĩ duy nhất của ngành cho tới thời điểm năm 2013, khi một số trường ĐH thuộc Bộ VHTTDL mở mã ngành đào tạo tiến sĩ.
Là cơ sở đào tạo tiến sĩ đầu tiên của ngành văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tự tìm cách học tập kinh nghiệm, xây dựng nên các chương trình đào tạo tiến sĩ văn hóa nghệ thuật cho cả nước. Trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực bổ sung từ các nước xã hội chủ nghĩa (vốn là nơi đào tạo tiến sĩ chính), ngay từ năm 1991, được sự đồng ý của Chính phủ, Viện được phép đào tạo nghiên cứu sinh với hai chuyên ngành: Lịch sử Văn hóa và Nghệ thuật và chuyên ngành Nghệ thuật Âm nhạc (Năm 2000, chuyên ngành Nghệ thuật Âm nhạc được chuyển về Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đào tạo). Năm 2003, Bộ GD&ĐT ban hành danh mục các chuyên ngành đào tạo tiến sĩ mới. Viện đã được Bộ GD&ĐT cho phép mở sáu chuyên ngành đào tạo: Văn hóa học, Văn hóa dân gian, Quản lý văn hóa thuộc khoa Văn hóa học; Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Lý luận và Lịch sử nghệ thuật sân khấu, Lý luận và Lịch sử nghệ thuật điện ảnh, truyền hình thuộc khoa học Nghệ thuật. Những chuyên ngành này đều là những chuyên ngành đầu tiên được phép đào tạo tại Việt Nam tại thời điểm đó. Viện đã tiến hành xây dựng hệ thống chương trình, đào tạo đội ngũ, tạo nền tảng cho việc đào tạo nguồn nhân lực có học vị cao nhất về văn hóa nghệ thuật cho nước nhà.
Là người mở đường, hoạt động đào tạo của Viện gặp rất nhiều khó khăn, từ giảng viên (vừa tự tạo nguồn cho chính Viện, vừa mời các giảng viên trong và ngoài nước, đặc biệt là các giảng viên ngoài nước từ Anh, Mỹ, Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc…), chương trình đào tạo (cho hai mã ngành Lịch sử Văn hóa và Nghệ thuật, Nghệ thuật Âm nhạc), và sau này là sáu mã ngành (Văn hóa học, Văn hóa dân gian, Quản lý văn hóa, Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Lý luận và Lịch sử nghệ thuật sân khấu, Lý luận và Lịch sử nghệ thuật điện ảnh, truyền hình), tới việc lựa chọn đối tượng đào tạo, vượt qua những khó khăn do kinh phí luôn luôn thấp hơn so với thực tế đào tạo, và đòi hỏi về chất lượng đào tạo tiến sĩ ngày càng cao của xã hội.
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là cơ sở đào tạo tiến sĩ có bề dày kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ, trong đó có kinh nghiệm đào tạo nghiên cứu sinh đến từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Viện cũng tiếp nhận một số nghiên cứu sinh, thực tập sinh từ các nước Pháp, Ý, Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Lào sang học tập và nghiên cứu tại Viện. Tính đến tháng 7.2017, Viện đã và đang đào tạo 20 khóa nghiên cứu sinh các chuyên ngành thuộc khoa Văn hoá học và khoa Nghệ thuật học gồm 326 nghiên cứu sinh, trong đó đã có 153 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Cho đến nay, rất nhiều hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học văn hóa nghệ thuật trên cả nước đã và đang là nghiên cứu sinh của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Những cán bộ được đào tạo tại Viện đã và đang phát huy tốt vai trò của một tiến sĩ chuyên ngành trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học về văn hóa nghệ thuật của ngành, tiêu biểu như: GS.TS Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia VN; PGS.TS Nguyễn Phúc Linh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; PGS.TS Trần Văn Ánh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Văn hóa TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM; PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM; PGS.TS Đỗ Lai Thúy, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS Phạm Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; TS Vũ Phương Hậu, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III; PGS.TS Văn Thị Minh Hương, nguyên Giám đốc Nhạc viện TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM; PGS.TS Phan Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM; TS Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh; PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai; TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi; TS Phan Quốc Anh, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận; PGS.TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Đại học Nghệ thuật Huế; PGS.TS Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam; TS Trương Phi Đức, Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP.HCM; TS Nguyễn Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP.HCM; PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM; TS Nguyễn Khắc Khanh, Thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; PGS.TS Nguyễn Văn Cần, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung học Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; TS Phạm Bá Toàn, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội; TS Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; PGS.TS Triệu Thế Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội…
Công tác đào tạo của Viện đã xây dựng được quy trình cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ. Chất lượng đào tạo luôn được cơ sở đào tạo đặt lên hàng đầu. Đội ngũ giảng viên của Viện từ chỉ năm tiến sĩ giai đoạn đầu thì đến năm 2017 đã có ba giáo sư, chín phó giáo sư, 19 tiến sĩ, về cơ bản có đủ số lượng, cơ cấu hợp lý và đều là những cán bộ khoa học đầu ngành của Bộ VHTTDL. Viện có đội ngũ giảng viên có học hàm học vị được đào tạo từ các nước: Nga, Mỹ, Anh, Úc, có trình độ chuyên môn tốt, có ngoại ngữ, đáp ứng một phần những nhu cầu của thực tế. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Viện đã mời một số các nhà khoa học nước ngoài từ Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Nhật Bản, Philippines, Đức, Thái Lan, Lào, Trung Quốc… tới Viện tham gia nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn luận án, phản biện độc lập cho nghiên cứu sinh.
Công việc xây dựng chương trình, nội dung các chuyên đề đào tạo tiến sĩ được đặc biệt chú trọng. Viện đã tranh thủ sự tài trợ của quỹ Ford để xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ cho chuyên ngành Văn hóa học. Một số các công trình kinh điển của khoa học văn hóa như các công trình của B. Mali¬nowski (1884-1942), A.L.Kroeber (1876-1942), Leslie A.White (1900-1975), v.v… đã được dịch ra tiếng Việt làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu viên và nghiên cứu sinh của Viện.
Bên cạnh hoạt động đào tạo, Viện cũng chú trọng đến hoạt động của hội đồng xét chức danh giáo sư, phó giáo sư cấp cơ sở. Viện đã tổ chức hội đồng xét chức danh GS cấp cơ sở từ năm 2009 và xét liên tục hằng năm từ năm 2011 đến nay. Nhiều nghiên cứu sinh của Viện sau khi tốt nghiệp nhận được học vị tiến sĩ, khi đủ điều kiện đã trở lại cơ sở đào tạo làm nhiệm vụ giảng dạy và hướng dẫn khoa học cho các nghiên cứu sinh khóa sau và đăng ký xét học hàm giáo sư, phó giáo sư. Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở Viện luôn luôn là hội đồng có số ứng viên xét học hàm cao nhất trong tất cả các hội đồng cơ sở thuộc liên ngành Văn hóa, Nghệ thuật, Thể dục – Thể thao.
Nhìn lại chặng đường 25 năm đào tạo tiến sĩ của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, có thể nói, các thế hệ nhà khoa học và giảng viên của Viện đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa. Ghi nhận những đóng góp này, năm 2017, Viện đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là sự ghi nhận những đóng góp đối với sự nghiệp đào tạo của Viện, là nguồn cổ vũ to lớn đối với đội ngũ giảng viên và các nhà nghiên cứu tại Viện, cũng như các giảng viên thỉnh giảng trong và ngoài nước của Viện. Để đáp ứng với vinh dự đó, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam luôn cố gắng hết sức mình để trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu tư vấn chính sách có uy tín của Bộ VHTTDL, ngang tầm với các viện nghiên cứu trong khu vực.
(Nguồn: PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)