Nói tới đặc trưng của nghệ thuật Chèo người ta thường nghĩ ngay tới tính chất cách điệu của nó. Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác nữa, nhưng tính chất cách điệu theo lối Chèo được xem như yếu tố bao trùm và nổi bật để nhận diện và phân biệt Chèo với các môn nghệ thuật khác. Chính từ ý nghĩa đó danh xưng Chèo có lúc biến thành tính từ để chỉ tính chất một cử chỉ, một giọng nói, một cách ứng xử có phần khác thường với đời sống thường nhật, mang một vẻ rất riêng như: “Cô ấy đi đứng nói năng rất chèo!”.
Chèo – suy cho cùng là một dạng ca kịch đặc thù Việt Nam láy âm nhạc làm phương tiện chủ yếu. Tuy vậy vẫn còn quan niệm đơn giản cho rằng phần âm nhạc của nó chỉ biểu hiện qua các làn điệu hát (bao gồm cả các làn điệu hát – nói như lối nói sử, nói chênh, nói lệch, nói lối, nói đếm, kể hạnh…) mà không chú tâm tới tính âm nhạc của lối nói thường chiếm lĩnh một thời lượng lớn trong tiến trình Chèo.
Trong thực tế chúng ta từng đã chứng kiến nhiều vở Chèo – Kịch (kịch nói pha ca) rất xa lạ với phong vị Chèo mặc dù các tác giả đã dụng công đưa vào rất nhiều làn điệu Chèo truyền thống. Ngược lại có những trường đoạn Chèo (truyền thống và hiện đại) gần như không có một làn điệu hát nào mà phong vị Chèo vẫn đầy ắp, ngọt ngào như cảnh “Việc làng” trong vởQuan Âm Thị Kính hay cảnh đối thoại giữa cung nữ và vua trong Lý Nhân Tông kế nghiệp…
Qua hiện tượng trên đủ thấy cái “hơi Chèo”, tức môi trường Chèo có ý nghĩa quan trọng dường nào. Chỉ cần duy trì được cái “hơi” đó thôi thì dù ít hát hoặc không hát vẫn đậm đà chất Chèo và ngược lại – khi vi phạm quy tắc tạo hơi Chèo thì dù có rất nhiều làn điệu hát vẫn bị hụt hẫng, rời rạc thiếu sức cuốn hút. Cái hơi Chèo đó, csi phong vị đó trước hết được tạo nên từ yếu tố âm nhạc trong lối nói của Chèo.
Âm nhạc trong Chèo biểu thị qua ba hình thức: hát, hát – nói và nói. Ngoài ra còn ở những trạng thái không lời khác.
Về Hát, được biểu hiện qua các điệu như Sa lệch, Đường trường, Vãn, Sắp… với những giai điệu và tiết tấu được định hình thành những bài bản cố định nhằm mô tả một trạng thái tâm lý, một tình huống nào đó mang những sắc thái riêng biệt.
Về loại Hát – nói, biểu hiện qua các làn như vỉa, ngâm, nói sử, nói chênh, nói lệch, nói lối… là những phương tiện tạo nên hơi Chèo. Loại này thường không định hình nghiêm ngặt như các điệu hát, mà tiến hành giai điệu một cách tự do về tiết tấu dựa trên sự dẫn dắt của lời thơ, thường dùng trong những trường hợp: đối cảnh sinh tình, suy tư, gợi cảm hoặc bắc cầu nối vào những điệu hát mang tính chất riêng biệt.
Hình thức biểu hiện thứ ba của âm nhạc Chèo là Nói.
Nói trong Chèo là một phương tiện biểu hiện rất phong phú và đa dạng, bao gồm cách nói của người trung, kẻ nịnh, của vai chín, vai hề, của lão say, tiên ông, của mục đồng, tiểu tốt… Lại có cả cái trang trọng của vua, cái thâm trầm hiền sĩ, cái yểu điệu thục nữ, cái dân dã thôn làng, cái oai phong tướng sĩ… Tất cả được phủ lên một sắc thái âm nhạc rất tinh tế, hình thành nên lối nói Chèo – một trong những nét đặc trưng quan trọng nhất của ngôn ngữ, thi pháp thể loại. Với một cách nhìn thấu đáo thì nghệ thuật nói trong Chèo hàm chứa đủ cả những thành tố của ngôn ngữ âm nhạc như độ cao thấp (cao độ), độ dài ngắn (trường độ), độ mạnh nhẹ (cường độ) và độ tối sáng, thuận nghịch mang tính kịch rõ nét.
Thanh điệu tiếng Việt được tạo thành bởi các cung bậc: thanh huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng mang tính âm nhạc cao. Văn trong Chèo lại là văn biền ngẫu có cấu trúc vần điệu cân đối cùng với văn vần, lục bát và các biến thể thơ khác đã tạo nên một sự cách điệu mang tính âm nhạc trong sự diễn đạt lời nói thông thường trong quá trình kể chuyện của Chèo. Đó là điểm khác biệt lớn giữa Chèo với thể loại kịch nói. Cách nói của kịch gần với lối nói thông thường trong đời sống. Còn cách nói Chèo lại như được phủ lên một tấm màn nhung mượt mà thấm đậm chất nhạc, chất thơ. Yếu tố cao độ của âm nhạc được chỉ định bởi dấu giọng của lời thơ, lại được phát ra trong một giọng (ton) nhạc ở độ cao nhất định đã tạo nên cái “hơi nhạc” của tiến trình Chèo. Nếu người diễn không “bám” được vào cái hơi giọng đó thì rất khó bắt vào các làn hát và sẽ có hiện tượng lạc giọng, ngang cung.
Xin tiện dẫn ra đây một thí dụ (bất kỳ) trích từ vở Chèo Côn sơn hiền sĩ của tác giả Trần Đình Ngôn nhằm minh hoạ cho cách nói, cách đối thoại trong Chèo để chuyển tiếp sang hát:
Phạm Thị: – Đã hơn một tháng rồi bặt tăm tin tức. Người ở kinh kỳ hoạ phúc ra sao?
Thị Lộ: – Lo cho người đức lớn tài cao, phải làm việc với những người bất nhân vô đạo.
Phạm Thị: – Thời chung ý chung lòng sao được. Trước sau gì hoạ cũng xảy ra thôi!
Thoắt trông bóng câu, đời người như cơn gió thoảng, lá thu rơi ngoài thềm. Xót thương ai vì lo nước lo dân mà tóc bạc, gánh gian truân cùng trằn trọc nỗi ưu phiền…
(Hát Đường trường bắn thước)
Cao độ âm nhạc trong đoạn nói ở trên lại tuỳ thuộc vào giọng (ton) của bài hát Đường trường sau đó. Nếu hát theo hơi nam (tương ứng với giọng Rê) thì phải nói ở âm khu cao. Nếu hát theo hơi nữ (tương ứng với giọng La) thì phải nói ở âm khu thấp. Như vậy mới bắt được vào bài hát mà không cần phải dọn giọng.
Mặt khác, việc xử lý tiết tấu của đoạn nói ấy cũng phải đạt tới sự hài hoà trong chuyển tiếp. Bài hát Đường trường “Thoắt trông bóng câu…” biểu hiện tình cảm nhớ nhung da diết pha chút buồn thương. Tiết tấu dàn trải của điệu hát quyết định tiết tấu của đoạn nói trước đó, tạo nên cảm giác suy tư để bắt vào điệu hát. Nói nhanh nói gấp, không gợi cảm thì việc bắt vào điệu hát sau đó sẽ trở nên hụt hẫng, khô khan thiếu sức truyền cảm.
Từ đó suy ra: Nếu ở những tình huống căng thẳng dẫn đến những điệu hát gấp gáp như Binh lửa (Vãn xô) thì tiết tấu nói lại phài nhanh, mạnh, căng thẳng mang tính kịch. Hoặc những cảnh vui nói tới hát sắp thì cách nói phải linh hoạt theo tiết tấu vui… Vận dụng đúng tiết tấu của nói là một nghệ thuật tinh tế, uyển chuyển của nghệ sĩ Chèo. Cùng với việc xử lý đúng cao độ trong lời thoại, việc tạo tiết tấu hợp lý sẽ mang lại cho lối nói Chèo một phong vị âm nhạc hài hoà, cuốn hút, tạo môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện các làn điệu Chèo một cách tự nhiên, không ngượng ép.
Lối nói Chèo có nguồn gốc từ Văn. Nếu người viết dùng văn xuôi để diễn đạt thì yếu tố cách điệu của âm nhạc sẽ mất đi và lối nói của kịch nói được thay thế, triệt tiêu phong vị Chèo. Cho nên đổi mới, phát triển Chèo không có nghĩa là làm mất đi cái đặc trưng cố hữu của nó, biến nó thành một thể loại khác – thể loại kịch chèo lai tạp, chắp vá, xơ cứng.
Lời thoại bằng văn vần mới chỉ là điều kiện tiên quyết thuận lợi cho lối nói Chèo. Muốn nói “cho ra Chèo”, người diễn viên phải có công phu rèn luyện kỹ càng. Trong sự diễn kể và đối thoại nếu không chú ý, họ rất dễ trở thành “người đọc thơ” hoặc như đang diễn kịch – thơ, chỉ thấy thơ mà không thấy người, cho nên người diễn Chèo phải nhập tâm để diễn đạt tình cảm chân thành của mình như khi giao tiếp trong đời sống, chỉ khác là họ mượn những câu văn vần để thổ lộ mà thôi. Trong sự diễn cảm mang tính chất cách điệu của lời thoại văn vần phải thể hiện được sự hồn hậu, chân thật của cảm xúc mới tạo được sự rung cảm nơi người xem. Đó là sức hút nghệ thuật tinh tế làm say lòng khán giả yêu Chèo.
Mặt khác, nếu người nói lại quá chú trọng tới việc “trang âm” tiếng nói, cố làm đẹp, làm mềm, thậm chí “bi thương hoá” nó, đẩy nó tiến gần tới hát quá giới hạn cần thiết, thì vô tình họ đã chuyển dần sang lối nói mang dáng dấp của nghệ thuật Cải lương với những tiêu chí thẩm mỹ khác.
Chỉ riêng lĩnh vực Nói trong Chèo mà đã có bao nhiêu điều cần suy ngẫm, đủ thấy sự tinh xảo của nghệ thuật Chèo ở mức nào. Người ta đã dụng công dạy hát các làn điệu cho ngọt ngào, cho có sức quyến rũ, truyền nối cái hương vị đằm thắm của Chèo. Nhưng cũng đã mấy ai quan tâm thích đáng tới cách nói trong Chèo, để coi nó là một phương tiện hữu hiệu, đắc địa trong môn nghệ thuật độc đáo này? Chưa có một lớp nào dạy Nói cho diễn viên Chèo, thiết nghĩ là một điều sơ suất!
Chèo là nghệ thuật ca kịch. Âm nhạc trở thành một mạch ngầm lúc thấm vào lời thoại để tạo nên lối nói Chèo; lúc ẩn hiện trong câu vỉa, câu ngâm, khi thâm trầm, khi bay bổng; lúc lại ánh lên rực rỡ, cuốn hút trong từng điệu hát. Cái hồn vía của Chèo chính từ nơi đây mà hiển hiện, phát tiết. Muốn Chèo ngọt ngào không thể chỉ chú trọng tới các điệu hát mà còn phải chăm lo tới lối nói Chèo – cũng là một dạng tinh hoa.
(Nguồn: Đôn Truyền. Hồn quê trong di sản – NXB Văn học, 2007)