Vai trò, vị trí của Nguyễn Đình Nghị trong lịch sử sân khấu Chèo

VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA NGUYỄN ĐÌNH NGHỊ

TRONG LỊCH SỬ SÂN KHẤU CHÈO.

 

1. VAI TRÒ.

1.1 Nguyễn Đình Nghị là một nhà cách tân Chèo có vai trò quan trọng trong việc phát triển từ Chèo văn minh sang Chèo Cải lương, trở thành chủ soái của Chèo Cải lương.

Những tư liệu lịch sử sân khấu đã cho biết, phong trào Chèo văn minh sau khi phát triển đến độ cực thịnh đã nhanh chóng rơi vào thế bế tắc trước những biến động của thời cuộc. Đến cuối năm 1922, “trung tâm” của phong trào Chèo cải lương là ban hát Sán Nhiên Đài đã lâm vào tình trạng thiếu những tích diễn mới, hình thức biểu diễn không thay đổi theo kịp tốc độ thay đổi thị hiếu của người xem.  Mặc dù các nghệ nhân đã hết sức cố gắng cải tiến hình thức nghệ thuật nhưng không mấy hiệu quả. Khách xem dần thưa vắng, đến mức có thời điểm Sán Nhiên Đài đã phải nghỉ diễn gần 5 tháng trời. Thực trạng này đã đặt ra câu hỏi lớn cho vận mệnh của ban hát Sán Nhiên nói riêng, cho sự tồn vong của Chèo ở chốn thị thành nói chung, và trực tiếp đe doạ đến “miếng cơm manh áo” của từng đào kép.

Kể từ năm 1923, khi được giao quyền tổ chức, điều hành ban hát Sán Nhiên, Nguyễn Đình Nghị đã trực tiếp đảm trách vai trò sưu tầm tích diễn, biên soạn, sáng tác tích mới, dàn cảnh. Với vai trò như vậy, ông đã mạnh dạn thực thi một số cách tân nhằm mục đích khắc phục những khó khăn mà Chèo văn minh đang phải đối mặt. Nhờ có sự Chèo lái của Nguyễn Đình Nghị, ban hát Sán Nhiên đã tìm ra hướng đi mới, mạnh dạn cách tân về nhiều mặt, từ tích trò, dàn cảnh, lối diễn…cho đến cách tổ chức, cách tiếp cận khán giả…Chèo văn minh vẫn còn tồn tại với những ban hát khác, nhưng Sán Nhiên Đài cùng với “thủ lĩnh” Nguyễn Đình Nghị đã thực sự tạo nên dấu ấn quan trọng để Chèo văn minh dần dần nhường bước cho Chèo cải lương trong tiến trình lịch sử sân khấu Chèo.

 

1.2 Nguyễn Đình Nghị là người đề ra chủ trương và trực tiếp chỉ đạo thực hiện, đồng thời trực tiếp sáng tạo nghệ thuật theo chủ trương cách tân của Chèo Cải lương.

                Với trọng trách được giao phó trong ban hát Sán Nhiên, Nguyễn Đình Nghị đã nhanh chóng khẳng định vai trò của một ông trùm đích thực. Ông đã khởi xướng, chỉ đạo và trực tiếp tham gia thực thi chủ trương cách tân của ban hát trong mọi khía cạnh, từ kịch bản, dàn dựng đến biểu diễn. Từ bước khởi đầu với ban hát Sán Nhiên, Cải Lương Hý Viện, trong suốt sự nghiệp của mình, Nguyễn Đình Nghị đã sáng tác gần 40 kịch bản, hầu hết các kịch bản này đều do ông dàn dựng và đôi khi ông cũng trực tiếp đóng một vài nhân vật. Khối lượng tác phẩm và cường độ hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Đình Nghị trong hai  thập kỷ gắn bó với Chèo cải lương còn vượt xa toàn bộ sự nghiệp của nhiều bậc anh tài của sân khấu Việt Nam. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các tác phẩm có giá trị của ông đều là thành quả của Chèo cải lương. Nói một cách khác, Nguyễn Đình Nghị đã phát huy tất cả khả năng vốn có để “biến chủ trương thành hành động cụ thể”, đảm nhiệm vai trò “đầu tàu” dẫn lối cho cả ban hát,  gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới các bạn nghề trong mọi khâu sáng tạo.

Những “tuyên ngôn nghệ thuật” của Chèo cải lương đều do Nguyễn Đình nghị phát biểu, và tác phẩm của ông (từ kịch bản cho tới vở diễn) chính là minh chứng cụ thể cho những tuyên ngôn đó. Ngay cả những chủ trương cách tân không được Nguyễn Đình Nghị trực tiếp “tuyên ngôn” thì ông cũng gián tiếp khẳng định chúng thông qua những nét mới mẻ của các tác phẩm. Tất nhiên, không phải bất kỳ nét cách tân nào của Nguyễn Đình Nghị cũng xuất phát từ một chủ trương mang tính lý luận mà nhiều khi chỉ là những sự điều chỉnh mang tính thích ứng tức thời với xu thế vận động của ngoại cảnh, nhưng xét về ý nghĩa khách quan thì chúng vẫn góp phần quan trọng vào việc xây dựng và định hình đường lối nghệ thuật, phong cách sáng tạo của Chèo cải lương. Không phải ai khác, chính Nguyễn Đình Nghị đã định danh cho phong cách này là “Chèo cải lương” và nêu rõ định nghĩa “Chèo cải lương là gì”.

Thành công của những vở diễn do Nguyễn Đình Nghị sáng tác và dàn dựng, tiêu biểu là loạt vở “Những trận cười”, đã thu hút và khích lệ nhiều bạn nghề hưởng ứng xu hướng cách tân của ông, ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều ban hát, tạo nên một phong trào Chèo cải lương tồn tại qua hai thập kỷ. Nhắc đến vai trò chủ soái của Nguyễn Đình Nghị đối với phong trào Chèo cải lương, trước hết phải khẳng định vai trò chủ soái về đường lối nghệ thuật. Vai trò của ông lớn đến mức, sau này nhiều người vẫn quen gọi phong trào này là “Chèo cải lương của Nguyễn Đình Nghị”.

 

1.3 Nguyễn Đình Nghị là người chèo lái phong trào Chèo Cải lương qua hai thập kỷ đầy biến động để tạo nên một khối lượng vở diễn đồ sộ của nhiều ban hát thu hút thêm cả các tác giả khác và đào tạo nên một đội ngũ nghệ sĩ mà sau này gọi là các nghệ nhân Chèo.

                Mặc dù thời gian tồn tại của phong trào Chèo cải lương lâu dài hơn Chèo văn minh chút ít, nhưng số phận của của nó cũng không kém thăng trầm. Bối cảnh xã hội đầy biến động liên tục và phức tạp đã đẩy các ban hát Chèo từ khó khăn này đến khó khăn khác. Sau chưa đầy một thập kỷ hưng thịnh, từ năm 1930 phong trào Chèo cải lương đã rơi vào suy thoái do ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Đông Dương. Khán giả nhanh chóng trở nên thưa vắng, đẩy các ban hát vào tình thế “ế ẩm”. Sán Nhiên Đài và Cải Lương Hý Viện do Nguyễn Đình Nghị tổ chức cũng không phải là ngoại lệ. Từ đây trở đi, Nguyễn Đình Nghị và các bạn nghề của ông đã phải xoay sở đủ cách để tồn tại. Ban hát phải phiêu bạt tìm nơi biểu diễn ở khắp miền, thậm chí sang tận đất Lào du diễn. Đội ngũ thì lúc hợp lúc tan, tên gọi của ban hát cũng thay đổi nhiều lần, có lúc phải giải tán rồi lại lập ban hát mới. Từ Nghị Lập Ban, Tự Lập Ban, Đức Thịnh Ban cho tới Việt Hoa Ban, Như Ý Ban, Đan Thanh Ban…, ngần ấy lần “khai tử” rồi lại “khai sinh” một ban hát cũng đủ cho thấy Nguyễn Đình Nghị đã cố gắng một cách chật vật đến thế nào để chung thuỷ với nghề. Và đương nhiên khi “thủ lĩnh” Nguyễn Đình Nghị và ban hát của ông còn trụ lại thì phong trào Chèo cải lương vẫn còn điểm tựa để tồn tại.

                Chèo cải lương đã phải qua nhiều thăng trầm như vậy, nhưng nếu tổng kết lại thì không ít người sẽ phải kính nể trước những thành tựu mà phong trào này đã để lại cho tiến trình phát triển của nghệ thuật Chèo. Số lượng ban hát lên tới trên một chục, số lượng tác phẩm lên tới cả trăm vở, trong đó Nguyễn Đình Nghị đã chủ xướng thành lập gần chục ban hát và sáng tác, dàn dựng ngót 40 tác phẩm. Nếu xét một cách tổng thể diện mạo của sân khấu Chèo thời kỳ đầu thế kỷ XX, riêng những số liệu nói trên đã cho thấy sức ảnh hưởng của phong trào Chèo cải lương và vai trò chủ soái của Nguyễn Đình Nghị trong phong trào này là không phải bàn cãi.

Vị chủ soái này đã thu hút, tập hợp và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều bạn nghề. Có thể nói, hầu hết các nghệ nhân tài danh của làng Chèo khi đó đều đã hưởng ứng phong trào Chèo cải lương do Nguyễn Đình Nghị khởi xướng. Những ban hát do ông tổ chức đã trở thành trung tâm của phong trào, với những gương mặt sáng giá bậc nhất như : Nguyễn Thúc Khiêm, Phạm Sỹ Thạch, Nguyễn Đình Hy, Nguyễn Đang…(soạn giả); kép Thịnh, kép Phẩm, đào Tửu, đào Tiêm, đào Tam,  hề Tư Liên, hề Vượn…(nghệ nhân). Các học trò của ông sau này cũng có nhiều người trở thành những nghệ nhân nổi tiếng như Nguyễn Thị Minh Lý, Trần Kinh, Xuân Mai, Lệ Hiền… Trong số các bạn nghề và học trò của Nguyễn Đình Nghị, nhiều người đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý như Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Các vị nghệ nhân này đều đã góp công lao lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ cho sân khấu Chèo và những vốn liếng nghề nghiệp, những trải nghiệm trong giai đoạn gắn bó với Chèo cải lương đã trở thành những bài học quý báu mà họ truyền dạy cho các thế hệ học trò. Họ đã gắn bó với Chèo xuyên suốt con đường phát triển từ Chèo sân đình, Chèo văn minh, Chèo cải lương đến Chèo thời kỳ cách mạng, có nhiều cống hiến quan trọng cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo. Có thể nói, nhiều gương mặt trụ cột của phong trào Chèo cải lương đã tiếp tục là trụ cột của sân khấu Chèo trong các chặng đường lịch sử kế tiếp.

2. VỊ TRÍ.

2.1 Nguyễn Đình Nghị là chiếc cầu nối giữa Chèo dân gian và Chèo bác học (chuyển đổi phương thức sáng tác tập thể ngẫu hứng truyền  miệng, sang phương thức cá thể và văn bản hoá).

                Ở thời kỳ Chèo văn minh, tuy có nhiều đổi mới nhưng phương thức sáng tác vẫn rất gần với Chèo sân đình, chủ yếu là sáng tác tập thể, ngẫu hứng và truyền miệng. Vai trò bác thơ tuy quan trọng nhưng thực ra chỉ nổi bật ở khía cạnh hướng dẫn nghề nghiệp, uốn nắn phong cách, chưa tạo lập được nhiều dấu ấn cá nhân trong khâu biên soạn tích diễn. Ngay cả khi có những tích diễn do soạn giả sáng tạo thì các nghệ nhân vẫn áp dụng lối diễn cương, không nệ vào tích trò soạn sẵn. Đến thời kỳ Chèo cải lương, mức độ chuyên nghiệp hoá của các phường gánh đã nâng lên một bước, kéo theo mức độ chuyên môn hoá cao hơn trong các thành phần tham gia sáng tạo. Thêm vào đó, các ban hát đã coi tích diễn là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút khán giả. Các vở diễn do cá nhân soạn giả sáng tác, có văn bản hẳn hoi, có người nhắc vở. Các nghệ nhân khi biểu diễn tuân thủ kịch bản, không diễn cương nhiều. Đồng thời, với vai trò khởi xướng và dẫn dắt phong trào Chèo cải lương, đương nhiên Nguyễn Đình Nghị phải tích cực đi tiên phong trong việc sáng tác các tích diễn mới. Những nguyên nhân khách quan và chủ quan nêu trên đã giúp Nguyễn Đình Nghị trở thành soạn giả tiêu biểu nhất của phong trào Chèo cải lương, cũng có nghĩa là gương mặt tiêu biểu cho sự ra đời của vai trò soạn giả chuyên nghiệp. Các kịch bản của Nguyễn Đình Nghị và các soạn giả cùng thời đều được văn bản hoá, đôi khi còn được xuất bản như một tác phẩm văn học. Nhờ có bước phát triển quan trọng này mà di sản sáng tạo của họ còn được bảo tồn khá nguyên vẹn về mặt văn bản cho tới ngày nay. Một trong những minh chứng tiêu biểu cho mức độ chuyên nghiệp hoá, cá thể hoá trong khâu sáng tác kịch bản là sự xuất hiện vấn đề bản quyền tác giả. Khi nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh (Trùm Thịnh) tách ra thành lập gánh Chèo Thịnh Lạc, ông đã phải mua lại quyền sử dụng các kịch bản của Nguyễn Đình Nghị.

                Tuy nhiên, ở thời kỳ này phương thức sáng tác bác học mới chỉ thay thế phương thức sáng tác dân gian chủ yếu ở khâu kịch bản. Trong khâu dàn dựng và biểu diễn, tuy các ông trùm như Nguyễn Đình Nghị đóng vai trò trọng yếu nhưng các ban hát vẫn chưa chia tay hẳn với phương thức sáng tạo tập thể, mang đậm tính ngẫu hứng. Vì vậy, khi nói rằng “Nguyễn Đình Nghị là cầu nối gữa Chèo dân gian và Chèo bác học” nghĩa là nhìn nhận chủ yếu ở khía cạnh sáng tác kịch bản và một phần ở khía cạnh dàn dựng.

 

2.2 Nguyễn Đình Nghị là người tạo ra bước chuyển biến và phát triển Chèo trên phương diện đề tài, mở rộng sân khấu Chèo tới đề tài lịch sử và đề tài đương đại.

                Trải qua một quá trình trăn trở suy ngẫm để tìm ra hướng đi cho sân khấu Chèo đang lâm vào thế bế tắc, đặc biệt là để khắc phục tình trạng thưa vắng khán giả, Nguyễn Đình Nghị đã phát hiện ra một trong những điểm yếu kém của Chèo sân đình và Chèo văn minh là nghèo nàn về mặt đề tài. Những tích trò cũ đã không còn hấp dẫn bộ phận khán  giả quen thuộc, nhất là khi khán giả thị dân có nhiều biến chuyển về thị hiếu. Nguyễn Đình Nghị đã nhận thấy khán giả của thời đaị mới đã gia tăng nhu cầu về mặt nhận thức, đòi hỏi các vở diễn phải phong phú hơn về nội dung phản ánh. Tóm lại, Nguyễn Đình Nghị đã tìm ra điểm đầu tiên cần đổi mới là tích truyện của vở diễn, nói cách khác là cần phong phú hoá về mặt đề tài. Nhận thức sâu sắc của ông chính là ở chỗ xác định được cần phong phú hoá theo hướng nào. Bối cảnh xã hội đầy rẫy những nhiễu nhương, phong hoá suy đồi dưới chế độ thực dân phong kiến đã khiến mọi tầng lớp dân chúng đều nảy sinh những bức xúc. Là một nhà trí thức – nghệ sĩ, Nguyễn Đình Nghị đã tự xác định cho mình trách nhiệm “chú trọng vào việc răn đời, lấy lời ca giọng hát và tiếng cười tao nhã mà duy trì phong hoá và cảnh tỉnh thế đạo nhân tâm…” Ý thức ấy của Nguyễn Đình Nghị đã được ông hiện thực hoá bằng việc định hướng cho các tác phẩm của mình tập trung phản ánh các vấn đề nổi cộm của hiện thực xã hội, từ chuyện quan tham lại nhũng, chuyện hạnh phúc gia đình đến chuyện tệ nạn xã hội, chuyện thói hư tật xấu…Ngoài loạt vở “Những trận cười” là tiêu biểu, ông còn sáng tác hàng chục vở thuộc nhóm đề tài này : “Tam đại dở hơi”,  “Tiền mất tật mang”, “Độc chiếm hoa khôi”, “Cười khóc dở dang”, “Già kén kẹn hom”…Trong các vở Chèo của Nguyễn Đình Nghị xuất hiện hàng trăm nhân vật dựa theo nhiều mẫu người, chủ yếu là thuộc tầng lớp tiểu tư sản thành thị đương thời như : ông tham, bà phán, ông thừa, ông đề, thầy lang, thầy đồ, thương gia, khách trú, con sen, thằng bếp…Sự hiện diện của các nhân vật này và những tích truyện xoay quanh họ đã đem đến cho Chèo cải lương của Nguyễn Đình Nghị một phạm vi phản ánh hiện thực rộng lớn hơn, đậm tính đương đại so với các tích diễn của Chèo sân đình và Chèo văn minh.

                Bên cạnh đó, Nguyễn Đình Nghị cũng sáng tác không ít tác phẩm đề tài lịch sử. Tâm lý hoài vọng quá khứ huy hoàng của một nước Việt ngàn năm văn hiến đã khiến cho một bộ phận không nhỏ khán giả yêu thích các tích diễn lịch sử, như thể họ coi đây là liều thuốc “giảm đau” giúp cho họ chịu đựng thân phận nô lệ của người dân mất nước. Bản thân Nguyễn Đình Nghị tuy phải hết sức khéo léo né tránh ách kiểm duyệt của chính quyền thực dân nhưng ông cũng không ngần ngại đưa đề tài lịch sử trở thành một trong những hướng lưu tâm sáng tác của mình, và đôi lúc ông cũng không giấu giếm dụng ý khích lệ lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh của công chúng. Nguyễn Đình Nghị và các bạn nghề, các học trò của ông đã từng phải chịu không ít hệ luỵ vì sự dũng cảm này, nhẹ thì bị xua đuổi, bị cấm diễn, nặng thì bị bắt bớ, giam cầm. Đó là nói về giá trị nội dung, còn về mặt nghệ thuật thì các sáng tác của Nguyễn Đình Nghị ở mảng đề tài lịch sử cũng đã giúp ông xác lập vị trí tiên phong trong bước tiến mở rộng đề tài phản ánh cho sân khấu Chèo. Các tác phẩm như “Cưỡi đầu voi dữ”, “Gia Long khai sáng”… tuy chiếm một số lượng không nhiều trong tổng số trước tác của Nguyễn Đình Nghị nhưng cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy xu hướng mở rộng đề tài của Chèo cải lương. Việc mở rộng đề tài, đặc biệt là đề tài đương đại, là một bước tiến quan trọng để sân khấu Chèo tìm ra phương hướng tự đổi mới, khẳng định sức sống lâu bền, sức thích nghi với thời đại. Trong bước tiến này, Nguyễn Đình Nghị lại một lần nữa góp công lớn.

 

2.3 Nguyễn Đình Nghị là người quan trọng tạo ra bước phát triển sân khấu Chèo từ chỗ là sân khấu giáo huấn chuyển mạnh, chuyển dứt khoát sang sân khấu phản ánh hiện thực xã hội mang tính luận đề kết hợp với tính chất giáo huấn của Chèo cổ.

                Nói đến Chèo sân đình là nói đến tính chất giáo huấn. Với những luân thường đạo lý quen thuộc của Nho giáo, nhân sinh quan hướng thiện của Phật giáo và truyền thống đạo đức dân tộc, dường như Chèo sân đình qua mấy trăm năm vẫn chỉ quẩn quanh trong một cái “sân đình” về mặt nội dung tư tưởng. Chèo văn minh đã cố gắng thoát ra khỏi lối mòn của Chèo sân đình  về mặt này mặt khác, nhưng riêng về nội dung tư tưởng thì cũng vẫn chưa bước ra ngoài cái sân chật hẹp ấy. Nguyễn Đình Nghị và các cộng sự của ông đã có bước đột phá khi mạnh dạn dỡ bỏ cái hàng rào bó buộc ấy để đưa sân khấu Chèo đáp ứng nhu cầu nhận thức của khán giả thời đại mới.

                Các tác phẩm của Nguyễn Đình Nghị đều có chủ đề tư tưởng rõ ràng, dễ nhận biết và gần gũi với những vấn đề mang tính thời sự. Với mục đích “duy trì phong hoá và cảnh tỉnh thế đạo nhân tâm”, ông đã chuyển hoá lên sân khấu nhiều mảng hiện thực phong phú của đời sống xã hội khu vực thành thị, thẳng thắn phê phán những mặt tối, khích lệ những điểm sáng trong nhân tình thế thái. Đối tượng phản ánh trong các tác phẩm của ông phong phú hơn hẳn so với Chèo sân đình và Chèo văn minh. Các vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm cũng mở rộng tới nhiều ngóc ngách của đời sống vốn đã mang một diện mạo phức tạp hơn nhiều so với thời phong kiến. Những bài học đạo đức mà ông đề cập không chỉ quanh quẩn ở những khuôn mẫu cổ điển như tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, quy luật nhân quả…mà đều được rút ra từ thực tế cuộc sống đương đại, từ quan hệ giữa người với người nay đã trở nên muôn hình muôn vẻ. Ngay từ cách Nguyễn Đình Nghị đặt tên cho tác phẩm của mình, cho dù vẫn phảng phất tính giáo huấn nhưng đã toát lên một cách rõ nét tính chất luận đề : “Mảnh gương nhân sự”, “Say mà tỉnh”, “Khôn trẻ bẽ già”, “Tiền mất tật mang”… Mới chỉ nghe tên vở diễn, dù chưa biết tích truyện thế nào, người xem cũng đã mường tượng được vấn đề tư tưởng mà tác giả muốn đề cập.

                Không thể phủ nhận sự tác động của thị hiếu khán giả, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất khiến Nguyễn Đình Nghị xác định sự chuyển hướng vẫn là chủ kiến cá nhân của ông. Để tạo nên cả một xu hướng bao giờ cũng phải có sự góp sức của cả một đội ngũ, nhưng Nguyễn Đình Nghị là người quan trọng nhất, để lại dấu ấn đậm nét nhất trong bước phát triển này.

               

2.4 Nguyễn Đình Nghị là người tiếp nhận ảnh hưởng của kịch nói phương Tây tiếp nhận chủ nghĩa hiện thực trong ngôn ngữ diễn tả (nghệ thuật biểu diễn). Sau khi gạt bỏ phần quá đà, Chèo Cải lương cũng gợi mở cho Chèo hiện đại nửa sau thế kỷ 20 trong việc tiếp nhận có chọn lọc ảnh hưởng của thể hệ Stanixlapxki.

                Đây chính là một trong những đóng góp nổi bật nhất, quan trọng nhất của Nguyễn Đình Nghị cho tiến trình phát triển của sân khấu Chèo. Dù có cả thành công lẫn thất bại (và hậu thế cũng có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về những thành bại này), nhưng Nguyễn Đình Nghị đã cho thấy sự mạnh bạo cần phải có của một nhà cải cách trong nghệ thuật. Ông đã tiếp nhận ảnh hưởng của kịch nói phương Tây, của chủ nghĩa hiện thực trên nhiều phương diện, nhưng nổi bật nhất là trên phương diện ngôn ngữ diễn tả . Động tác diễn xuất, mức dộ biểu hiện tâm lý, văn phong đối thoại, hoá trang, phục trang, trang trí sân khấu…trong Chèo cải lương đều giảm mức độ ước lệ, cách điệu, ngả sang xu hướng tả chân, gần hơn với đời thực. Mặc dù ở khía cạnh quan trọng là cấu trúc kịch bản thì Nguyễn Đình Nghị không chịu nhiều ảnh hưởng của kịch Thái Tây, nhưng những gì ông đã tiếp nhận ở khía cạnh nghệ thuật biểu diễn cũng đã đủ để một số nhà nghiên cứu sau này kết tội ông là “làm cho Chèo bị tha hoá”. ở đây, chúng tôi không đi sâu bàn luận về những thành công hay sai lầm của Nguyễn Đình Nghị khi tiếp nhận những ảnh hưởng ấy, chỉ xin khẳng định một điều rằng, nhờ có những bài học rút ra từ “cách làm Chèo” của Nguyễn Đình Nghị, những người làm Chèo ở thế hệ sau đã có được cách nhìn tỉnh táo hơn trong việc chọn lọc và tiếp nhận những ảnh hưởng của kịch nói phương Tây, đặc biệt là thể hệ Xtanixlapxki.

                Với tư cách người mở đường, ít nhất Nguyễn Đình Nghị đã thành công ở mức độ khẳng định được rằng việc tiếp thu các yếu tố ngoại lai một cách chọn lọc chính là một trong những hướng đi quan trọng để phát triển nghệ thuật Chèo. Ông đã gián tiếp đóng góp một phần quan trọng làm nên thành tựu rực rỡ của sân khấu Chèo giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay.

 

2.5 Nguyễn Đình Nghị là người hoàn thành việc đưa Chèo sân đình vào sân khấu hộp do các yếu nhân của Chèo văn minh khởi xướng, từ đây mở ra một cung cách nghệ thuật hiện đại cho sân khấu Chèo trên đường bác học hoá kết hợp với truyền thống của sân khấu dân gian.

                Tiến trình đưa Chèo đến với khán giả thành thị, từ sân đình vào sân khấu hộp đã được khởi xướng từ phong trào Chèo văn minh. Nguyễn Đình Nghị và các cộng sự của ông đã hoàn tất tiến trình này khi đưa sân khấu Chèo tiến thêm những bước quyết định đạt tới mức độ chuyên nghiệp hoá. Từ cách tổ chức ban hát, cách thiết kế kiến trúc rạp hát, cách tiếp cận khán giả… đến phương pháp sáng tác và biểu diễn, Sán Nhiên Đài và các ban hát khác do Nguyễn Đình Nghị thành lập đã đạt tới trình độ cao hơn hẳn thời kỳ Chèo văn minh.  Chèo đã khẳng định sự tồn tại của mình ở khu vực thành thị và trong mô hình sân khấu hộp ở các khía cạnh quan trọng : vở diễn và lối diễn phù hợp với sân khấu hộp, khán giả làm quen và chấp nhận cách thưởng thức mới, ban hát được tổ chức theo kiểu công ty và sống được nhờ doanh thu. Với địa điểm trình diễn và cung cách hoạt động đều được hiện đại hoá, Chèo cải lương chính là mô hình thử nghiệm thành công, tạo tiền đề cho phương thức tồn tại của các đoàn Chèo chuyên nghiệp sau này.

                Đây cũng là thử nghiệm thành công cho xu hướng bác học hoá của Chèo trên cơ sở bảo tồn các giá trị đặc sắc của sân khấu dân gian. Truyền thống kết hợp với hiện đại, bác học kết hợp với dân gian, đó chính là định hướng phát triển đúng đắn của sân khấu Chèo đã được đông đảo những người làm Chèo đồng thuận. Nguyễn Đình Nghị chính là một trong những người đặt nền móng cho con đường này và ông là người quan trọng nhất, có cống hiến nổi bật nhất. Sự suy thoái của phong trào Chèo cải lương nói chung và những thất bại trong công cuộc cách tân của Nguyễn Đình Nghị là một kết cục tất yếu do những hạn chế lịch sử. Nó không làm lu mờ giá trị của những bước đi mở đường, những thử nghiệm mang tính đột phá và những bài học quý báu mà Nguyễn Đình Nghị để lại cho các thế hệ kế tiếp.

 

 

                Nhìn lại cả sự nghiệp hoạt động sân khấu của Nguyễn Đình Nghị, chúng ta có thể thấy ông có những đóng góp mang tính toàn diện cho tiến trình phát triển của sân khấu Chèo. Từng kinh qua hầu như tất cả các cương vị, từ người quản lý, người sáng tác, người dàn dựng đến người biểu diễn, Nguyễn Đình Nghị luôn thể hiện phẩm chất sáng tạo, ý chí kiên định của một nhà cải cách. Tuy nhận thức về lý luận nghề nghiệp của Nguyễn Đình Nghị còn nhiều mặt hạn chế và chưa thực sự định hình rõ nét, nhưng những thành tựu nghệ thuật của ông là minh chứng tiêu biểu cho nỗ lực đổi mới nghệ thuật Chèo, với thành tâm đưa Chèo vượt qua những khó khăn, thích nghi với thời đại.

                Dù ngẫu nhiên hay có chủ đích, những người làm Chèo thế hệ sau này đã thừa hưởng những thành quả cách tân của Nguyễn Đình Nghị để tạo nên một thời kỳ chấn hưng và phát triển Chèo kể từ sau Cách mạng Tháng Tám. Mỗi thành công hay thất bại của ông đều có giá trị như một bài học quý . Ông đã cống hiến cả sự nghiệp của mình và trả nhiều cái giá khá đắt để dành lại cho hậu thế những bài học ấy. Sự dũng cảm chọn đường và dấn thân mở đường của Nguyễn Đình Nghị xứng đáng để hậu thế tôn vinh ông là một nhà cách tân nghệ thuật có tầm cỡ,  một danh nhân sân khấu tiêu biểu của thế kỷ XX.