Trò Nhời là tên gọi nôm na mà người xưa đã đặt cho nghệ thuật sân khấu Chèo. Trò Nhời, hiểu một cách đơn giản là diễn trò bằng Nhời. Trò diễn không thể hiện qua hành vi, cử chỉ, động tác của nhân vật là chính mà lại thể thiện chủ yếu qua lời thoại, lời ca.
Tào Mạt viết Chèo đã có một phong cách riêng. Tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về cách viết Chèo của anh là một điều lý thú và bổ ích. Đó là nội dung của một công trình nghiên cứu. Trong bài viết nhỏ này, thì chỉ xin nói về một đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách viết Chèo của Tào Mạt, đó là tính chất Trò Nhời.
Trò Nhời là tên gọi nôm na mà người xưa đã đặt cho nghệ thuật sân khấu Chèo. Trò Nhời, hiểu một cách đơn giản là diễn trò bằng Nhời. Trò diễn không thể hiện qua hành vi, cử chỉ, động tác của nhân vật là chính mà lại thể thiện chủ yếu qua lời thoại, lời ca. Nhìn lại kho tàng những miếng trò hay trong Chèo cổ, số trò diễn độc đáo kỳ thú không nhiều bằng số miếng trò nhời. Đặc biệt trong nghệ thuật Hề Chèo thì sức hấp dẫn chủ yếu lại ở phần lời của anh hề chứ không phải ở chỗ “đốt nhọ bôi hề” hay là “lung cung quăng múa”. Chính vì vậy dù nhìn khái quát Chèo là sân khấu kể chuyện bằng trò, người ta vẫn thấy lời thoại, câu ca trong Chèo chiếm vị trí quan trọng, đòi hỏi phải có giá trị văn chương.
Thừa kế và phát huy truyền thống, Tào Mạt đã đặc biệt quan tâm và dồn tâm huyết cho phần Nhời trong toàn bộ tích diễn. Sau sự thành công về việc xây dựng cốt truyện và tính cách nhân vật, sự thành công xuất sắc trong lời thoại và lời ca đã quyết định cho chất lượng, tầm cỡ các vở Chèo của Tào Mạt. Nghệ thuật viết kịch giống như bóng đá ở chỗ: Tất cả sự cố gắng của tác giả về kết cấu, xây dựng tính cách, dắt dẫn xung đột, dồn nén nhân vật vào trong một tình huống căng thẳng nhất thì đó chính là lúc nhân vật phải “bật ra” những lời thoại lời ca hay nhất: Giống như toàn bộ sự giành giật của quả bóng, vượt qua hàng phòng vệ của đối phương, dắt bóng tới trước khung thành “đội bạn” thì cú sút làm bàn mới quyết định cho chiến thắng. Cú sút ấy hỏng là hoài phí cả một quá trình gian khổ. Tất cả sự khôn ngoan, mau lẹ trong quá trình dẫn dắt bóng đều chẳng có ý nghĩa gì khi cú sút “bỏ lỡ cơ hội”. Nhiều tác giả chỉ tổ chức các đường ban giỏi mà không bao giờ sút được vào lưới. Tác phẩm của họ dù là vở diễn thành công nhất cũng chỉ như một trận đấu sôi nổi, nhiệt tình mà không có tỷ số. Tào Mạt “kiến thiết đường ban” chưa vào cỡ tài tình nhưng nhiều “cú sút” của anh thật là ngoạn mục. Nhời Chèo của Tào Mạt trong các tình huống xung đột căng thẳng nhất giữa các nhân vật bao giờ cũng tạo nên ấn tượng mạnh không thể phai mờ trong tâm trí người xem. Đó là những lời nhân vật thốt ra nhưng tác giả đã vắt từ tim óc mà thành. Nó là sự kết hợp giữa sức khái quát tổng hợp tri thức, kinh nghiệm sống, nỗi niềm trăn trở suy tư với cảm xúc mạnh mẽ của người sáng tác. Nó vừa là trí vừa là tâm, vừa là sự hoà quyện giữa tâm, trí và tài. Cả ba yếu tố ấy đồng thời kết hợp trong giờ phút thăng hoa của cảm hứng sáng tạo đã làm nên những câu nói, lời ca đạt tới đỉnh cao của giá trị văn chương sân khấu. Thật khó mà dẫn chứng ra đây những lời ca, câu nói trong một vở Chèo nào đó của Tào Mạt để bạn đọc có thể chấp nhận “lời bình” của người viết bài này, bời vì câu nói, lời ca một khi đã bị tách ra khỏi tình huống kịch, tách ra khỏi tính cách tâm lý nhân vật nó sẽ không còn đầy đủ thậm chí mất đi mất đi những giá trị đích thực của nó (Xin mời những ai yêu quý Tào Mạt, muốn hiểu về anh hãy tìm đọc kịch bản và xem vở diễn của anh để thẩm định những điều đã được lạm bình).
Tào Mạt soạn Trò Nhời với cái trí, cái tâm của một nghệ sĩ với nhân cách đáng kính đáng trọng đã đành; song anh còn soạn Trò Nhời với một ngọn bút tài hoa, với những “ngón nghề” sắc sảo. Đó là những “miếng võ” vừa công khai vừa bí mật, công khai bở nó hiện ra trong tác phẩm đã in ấn và công diễn, bí mật bởi chưa dễ gì nhận ra tác giả đã đi đến thành công từ điểm xuất phát nào, bằng cách thức nào. Muốn biết ra sao… cứ tìm hiểu kỹ thời sẽ rõ (Tôi được biết đã có người tìm ra, nhưng không dễ gì tiết lộ khi toàn bộ công trình nghiên cứu của anh chưa được công bố). Bởi đã nhiều người nói về Tào Mạt chỉ thiên về quý trọng cái trí, cái tâm mà chưa đánh giá hết cái tài, cho nên trộm nghĩ cần phải nhấn mạnh thêm. Để kết luận cho bài viết ngắn này, tôi xin được nói về Tào Mạt bằng hai câu thơ nửa nhại Kiều, nửa “bút tre” nhưng đúng là tâm đắc:
Anh hoa phát tiết ra… Nhời
Dám đem bản mệnh mà chơi với Chèo!
TRẦN ĐÌNH NGÔN – Tạp chí sân khấu, số 4-1991