VH- Lần đầu tiên, “Liên hoan Làng nghề truyền thống xứ Quảng 2017” vừa diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của 15 làng nghề truyền thống đến từ tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.
“Dù có những lợi thế nhất định, nhưng hiện nay các làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Nếu nghề truyền thống không linh hoạt và thay đổi thì không thể cạnh tranh. Mục đích của Liên hoan các làng nghề lần này là mong muốn có sự kết nối chặt chẽ giữa các làng nghề truyền thống. Nếu không cùng nhau ngồi lại, chung tay và tìm ra hướng phát triển thì dần dần các làng nghề truyền thống sẽ chỉ còn là quá khứ”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, đơn vị tổ chức chương trình cho biết.
Cô Dương Thị Thông (56 tuổi), chủ cơ sở Chiếu Cẩm Nê (Hòa Vang – Đà Nẵng) cho biết, hiện nay ở Cẩm Nê chỉ một mình cô còn giữ nghề. “Người rành rẽ mới biết nằm chiếu này, đặc điểm của chiếu Cẩm Nê là sợi dệt già, bền có độ êm ái, dùng đến 3, 4 năm vẫn chắc chắn. Thời điểm hưng thịnh của chiếu Cẩm Nê là từ năm 1994 đến năm 1996, từ năm 2000 trở lại đây do các hộ gia đình bỏ nghề nên chiếu Cẩm Nê đã dần vắng bóng”, chị Thông chia sẻ.
Chị Nguyễn Cúc Hoa (thôn Zara, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) kể, nếu như không có hỗ trợ của một số tổ chức nước ngoài thì có lẽ đến bây giờ thương hiệu “Làng dệt thổ cẩm Zara” đã không còn tồn tại. “Là nghề truyền thống nhưng trước đó mình và nhiều phụ nữ khác trong làng không biết làm đâu. Sau chính quyền tổ chức dạy thì mới biết làm. Bây giờ nhiều chị em làng Zara có thể làm nhiều sản phẩm thổ cẩm khác nhau để bán cho du khách”. Chị Cúc Hoa cũng cho biết, dù đã phục hồi làng nghề thổ cẩm, nhưng sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Vì vậy mỗi tuần các chị chỉ làm một hoặc hai hôm, thời gian còn lại dành cho việc đi nương đi rẫy.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho các làng nghề có nguy cơ “biến mất” khỏi thị trường, như khâu quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng, sản phẩm làm ra mất công sức nhưng lại không được người tiêu dùng ủng hộ, thu nhập không xứng với công lao động khiến cho người sản xuất không còn mặn mà với nghề truyền thống. Để các làng nghề, sản phẩm truyền thống giữ được chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng tìm đến, thì người nghệ nhân cũng cần thay đổi, hướng sản phẩm đến trình độ tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường đặt ra.
(Nguồn: Ngọc Hà – Báo Điện tử Văn hóa)