Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ngọc Chung: Cách tân chèo là một tất yếu

IMG_2942

KTĐT – Bảo tồn hay cách tân chèo? Đó là câu hỏi đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới nghiên cứu cũng như làm bộ môn nghệ thật truyền thống này. Đi ngược lại với những ý kiến cho rằng cần phải giữ nguyên gốc chèo cổ, NSƯT Trần Ngọc Chung – người gần trọn đời cống hiến cho chèo, từng làm nhạc trưởng của cả Nhà hát chèo Việt Nam lẫn Nhà hát chèo Hà Nội – lại khẳng định: “Cách tân chèo là một tất yếu”.

Những người làm nghệ thuật chèo đang đứng trước sự giằng co giữa một bên là cách tân để đáp ứng được thị hiếu khán giả, một bên là giữ nguyên bản của loại hình nghệ thuật này. Theo ông, con đường nào sẽ đưa nghệ thuật chèo đi cùng thời đại?

– Phải khẳng định rằng chèo cổ rất hay, rất độc đáo, nhưng đến nay, kho tàng chèo cổ nước ta chỉ còn 6-7 vở. Như thế là quá ít, quá đơn điệu, không đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng phong phú, đa dạng của công chúng. Hơn nữa, bất kì loại hình nghệ thuật nào, nếu bị lặp lại quá nhiều, sẽ tạo ra sự nhàm chán. Do đó, muốn đưa sân khấu chèo hòa nhập được với cuộc sống đương đại, không có con đường nào khác là phải cách tân. Tuy nhiên, sự cách tân ấy phải dựa vào cốt lõi của mô hình chèo cổ. Nghệ thuật luôn vận động chứ không đứng yên, nên tạo ra cái mới không phải là phủ định giá trị của chèo cổ, mà làm cho nó phù hợp thời đại. Tôi lấy ví dụ, ngày xưa chèo cổ đâu có nhạc nền, chỉ khi nào diễn viên hát, nhạc công mới kéo đàn, ngừng hát là thôi. Do đó đôi khi nhạc không khớp với giọng hát của diễn viên. Đến năm 1956, tôi là người viết thêm nhạc nền cho vở “Quan âm Thị Kính”, làm cho phần nhạc trong chèo được ổn định hơn, thể hiện bối cảnh vở chèo sâu sắc hơn, nên khán giả đồng tình. Từ đó đến nay, sân khấu chèo không thể thiếu nhạc nền. Trong quá trình thể nghiệm cách tân chèo cổ, không thể tránh khỏi những thất bại, sai lầm. Nhưng chúng ta phải chấp nhận những điều đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tìm ra hướng đi đúng nhất cho chèo hiện đại.

Loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống múa rối nước đã kết hợp với du lịch để phát triển ra thế giới. Liệu chèo Việt Nam có thể làm được điều này?

– Sở dĩ rối nước có thể kết hợp với du lịch để phát triển bởi vì nó có nhiều thế mạnh mà không loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống nào có được. Trên thế giới không có rối nước, mà chỉ có rối cạn, rối người, rối que, rối bóng, chỉ Việt Nam mới có rối nước. Chính vì sự độc đáo đó nên người ta tò mò, muốn khám phá. Hơn thế, múa rối nước không phải chịu rào cản về ngôn ngữ, nên nó là sự lựa chọn số một của du khách nước ngoài khi muốn tìm hiểu về văn hóa Việt. Còn chèo có vươn ra thế giới được không, thực tế chúng ta đã làm được rồi. Năm 1960 chúng ta đưa chèo sang Trung Quốc, Mông Cổ và được sự khen ngợi rất lớn từ phía khán giả nước bạn. Tuy nhiên, để gắn được sân khấu chèo với du lịch trong thời đại mới thì thật nan giải. Vì cái chúng ta quảng bá ra thế giới là những vở chèo cổ, mà chèo cổ thì đếm trên đầu ngón tay. Vấn đề đặt ra là phải diễn vở gì? Các vở cổ diễn đi diễn lại, khán giả đã thuộc lòng nên không còn hào hứng xem chèo. Còn chất lượng những vở diễn mới lại không cao. Mặt khác, sự bất đồng về ngôn ngữ, ngữ pháp, ngữ âm giữa các quốc gia cũng là một rào cản lớn khiến cho chèo Việt không thể lột tả hết được sự độc đáo của mình trước du khách nước ngoài.

Chuyển thể từ kịch bản văn học sang một vở diễn chèo là quãng đường gian nan. Theo ông, đội ngũ đạo diễn chèo ở nước ta có đáp ứng được yêu cầu đó?

Nghệ thuật chèo muốn phát triển phải được cách tân.
– Muốn có một vở diễn chèo trên sân khấu, trước hết phải có kịch bản, nhưng kịch bản chèo chỉ là tài liệu để đọc. Nó mới chỉ có tích (cốt truyện), tức là những cái “im lặng”. Muốn nó “động đậy”, phải có một quá chuyển thể từ “chữ” sang vở diễn. Mà muốn có vở diễn, phải có trò diễn. Muốn có trò diễn hay, phải có đạo diễn đủ năng lực “dịch” từ tích (của kịch bản) sang trò (trên sân khấu). Người ta nói đạo diễn là chủ sân khấu, là tổng chỉ huy chính vì lẽ đó. Làng chèo nước ta có gần 20 đoàn, đoàn nào cũng có đạo diễn. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là những người chưa được va vấp nhiều với thực tế nên kinh nghiệm còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chèo trong thời kỳ hiện đại. Nhiều đạo diễn chỉ chú ý đến phần diễn, còn âm nhạc thế nào, có khi chưa đủ khả năng phân tích, đánh giá. Một số đạo diễn giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm, lại làm quá nhiều việc một lúc. Tôi đã chứng kiến một đạo diễn nhận làm 4 vở chèo cùng một thời điểm. Trong thời gian ngắn như thế, anh ấy làm chèo bằng cách nào, có làm cho chèo hay hơn không, trò diễn, âm nhạc có gì mới? Hay chỉ là một cách… “ăn mày dĩ vãng”? Tôi nghĩ, những vở diễn đó chắc chắn sẽ có sạn.

Nhiều trăn trở với chèo là vậy, trong thời gian tới ông có dự định cống hiến gì thêm cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này?

– Hiện tại, tôi cùng với các đạo diễn NSND Trần Bảng, Bùi Đắc Sừ… đang nỗ lực chuẩn bị cho Đêm trình diễn “Những giai điệu chèo mới”. Trong đó, tôi là người phụ trách phần âm nhạc cho các vở diễn với nhiều bài hát, nhạc nền được cách tân như liên khúc “Người chị Tây Nguyên” gồm 3 bài: “Đêm đen đi cùng cách mạng”, “Vào rừng tìm thuốc”, “Tự chặt tay mình”; tổ khúc âm hưởng Ấn Độ gồm 4 bài: “Chiếc ong vàng”, “Thiếp hỏi chiếc ong vàng có nhớ chăng”, “Thiên đình đón đức vua ĐuSơnTa”, “Cung tiên hay chốn dương trần”… Đêm diễn chính là một sự thể nghiệm mới đối với chèo nhằm đem đến cho công chúng một cảm giác tươi mới về loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian này. Đây cũng là cách để đội ngũ những người thực hiện chương trình mò mẫm tìm đường đi cho chèo hiện đại.

Xin cảm ơn ông!