Hoạt động biểu diễn nghệ thuật sẽ thông thoáng hơn

muatrang

VH- Bớt thủ tục, đơn giản, nhanh và hiệu quả… là nội dung hướng tới trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

Đó cũng là nội dung Hội thảo “Tạo điều kiện, khuyến khích sáng tạo trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, góp phần xây dựng, phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong thời kỳ mới” vừa diễn ra tại TP.HCM do Cục NTBD, Bộ VHTTDL tổ chức. Thứ trưởng Vương Duy Biên chủ trì hội thảo.

 Theo báo cáo của Cục NTBD, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của đất nước, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Theo tinh thần cởi mở và nhanh gọn, trong thời gian qua, Cục NTBD đã áp dụng thành công, hiệu quả trong việc tiếp nhận hồ sơ, cấp phép trên cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL, đơn giản hóa nhiều thủ tục theo chủ trương của Chính phủ.

Nếu trước đây đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi có giấy phép tổ chức biểu diễn khi đến các địa phương khác nhau thực hiện lưu diễn sẽ phải thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp “Giấy tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang” thì sau khi NĐ 79/2012/NĐ-CP được ban hành, thủ tục này đã bị bãi bỏ và thay vào bằng hình thức “Thông báo bằng văn bản”.

Về thời hạn có hiệu lực của giấy phép quy định tại Khoản 2 Điều 10 NĐ 79/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 NĐ 15/2016/NĐ-CP: Thời gian qua một số đoàn, nghệ sĩ có ý kiến phản ánh thủ tục cấp phép hằng năm cho các vở diễn sân khấu là “phức tạp, vất vả”. Trong thực tế phát sinh những vấn đề bất cập: Có những tổ chức đã giải thể, ngừng hoạt động nhưng do giấy phép vẫn còn hiệu lực nên vẫn giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng đi tổ chức biểu diễn dẫn đến sai phạm… gây bức xúc dư luận. Trước đề nghị của một số địa phương, Ban soạn thảo NĐ 15/2016/NĐ-CP đã tiếp thu và sửa đổi quy định thời hạn giấy phép cấp chương trình, vở diễn sân khấu có thời hạn 12 tháng.

Các đại biểu tại Hội thảo thảo luận sôi nổi

Việc quản lý đối với các chương trình truyền hình thực tế về biểu diễn nghệ thuật trên truyền hình hiện nay sẽ có sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL tiếp tục giao các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi sai phạm…

Đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết: Hiện vẫn còn khá phổ biến tình trạng ứng xử phản cảm của các nghệ sĩ trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Một số đơn vị biểu diễn không có giấy phép, tự thay đổi nội dung biểu diễn, ứng xử phản cảm của các nghệ sĩ, các đơn vị mạo danh, sử dụng không đúng tên, nghệ danh của nghệ sĩ… nhằm lừa gạt khán thính giả, tình trạng “nhạc chế” sử dụng ca từ dung tục gây bức xúc trong dư luận. Sự phát triển của mạng internet đã tác động gây ra sự thay đổi về nhận thức và phương pháp vận hành của “xã hội nghệ thuật”.

Đồng tình quan điểm này, NSƯT Hữu Luân, Giám đốc Trung tâm biểu diễn TP.HCM nêu thực tế: “Truyền hình đang vô tình hoặc cố ý giết chết nghệ thuật biểu diễn. Tôi gặp và nói chuyện với một ca sĩ trẻ tâm sự rằng: Dù đi hát nhiều vẫn khó nổi tiếng, nhưng chỉ cần “cởi đồ” đưa lên mạng xã hội là nổi tiếng rất nhanh”.

Nhạc sĩ Quang Huy, Công ty We pro cho rằng hoạt động biểu diễn ngày càng thuận lợi và tốt dần lên, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều bất cập trong hoạt động biểu diễn. “Một bộ phận nghệ sĩ trẻ hiện nay không có bản lĩnh, trong khi đó có một số nghệ sĩ trà trộn vào các chương trình cố tình tạo xì căng đan, tạo chú ý trong dư luận, gây định kiến không hay đối với các nghệ sĩ trẻ chân chính”.

Chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong đời sống biểu diễn nghệ thuật tại địa bàn TP.HCM, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VHTT cho biết: Khoảng một năm gần đây, các vi phạm quy định về NTBD ngày càng ít đi. TP.HCM được đánh giá là địa bàn “nóng” nhưng năm qua đã bớt “nóng”. Điều này chứng tỏ các đơn vị nghệ thuật, xã hội hóa đã tuân thủ pháp luật. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong hoạt động biểu diễn trực tiếp trước công chúng đã được đề cao. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hành lang pháp lý và kịp thời cập nhật, sửa đổi, tạo hành lang pháp lý thông thoáng từ trung ương đến địa phương. Thời gian dài vừa qua Sở luôn tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên đánh giá cao những ý kiến đóng góp và cho rằng NTBD là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, có nhiều cái mới nảy sinh và rõ ràng người làm luật, quản lý nhà nước phải tiên liệu được điều này. Tiên liệu trước sự phát triển đó để đưa vào văn bản quản lý có tuổi thọ cao hơn. Trên tinh thần phải cải cách, giảm bớt thủ tục. Khi có điều kiện thông thoáng rồi thì trách nhiệm cơ quan nhà nuớc phải khuyến khích sáng tạo nhiều tác phẩm mới phục vụ công chúng những tác phẩm nghệ thuật.

Được biết, tiếp theo Hội thảo tại TP.HCM Hội thảo tại Đà Nẵng, Hà Nội sẽ tiếp tục được tổ chức.

H.Trần