Có một sự gặp gỡ như một lẽ tự nhiên giữa đề tài thương binh liệt sĩ, mà nhân vật trung tâm là hình tượng người chiến sĩ quên mình vì Tổ quốc – với nghệ thuật chèo. Bởi từ xa xưa, sân khấu chèo trước hết vẫn là sân khấu khuyến giáo đạo đức. Nếu như chữ “trung quân” đã tạo nên sức sống mãnh liệt của hình tượng các nhân vật trong tuồng cổ thì, những di sản mà nghệ thuật chèo để lại thường gắn liền với những quan điểm về đạo đức và nhân cách của người Việt Nam. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, để thể hiện đề tài hiện đại, sân khấu chèo hôm nay không thể không đề cập đến một vấn đề: Lịch sử thời đại làm nên nhân cách đạo đức con người, ngược lại, chính đạo đức nhân cách con người cũng góp phần làm nên thời đại. Và sự gặp gỡ ở đây mà chúng tôi muốn nói tới chính là điều nên có, phải có khi viết về đề tài thương binh liệt sĩ với cái vốn có của sân khấu chèo xưa – là việc thể hiện sự chuyển biến của lịch sử thời đại và con người cùng với mối quan hệ biện chứng giữa hai yếu tố này, cũng như quan hệ giữa hai nội dung mới và hình thức chèo truyền thống để tạo nên nét độc đáo trong sân khấu chèo hiện đại với tính nhân bản và chủ nghĩa nhân dạo trong từng vở diễn, theo cách nhìn, cách nghĩ và cách lý giải đầy mầu sắc dân gian Việt Nam mà vẫn thời đại, phù hợp với không khí hiện đại. Đi vào khảo sát các vở chèo viết về người chiến sĩ quên mình vì Tổ quốc, chúng ta có thể thấy trước hết những người làm chèo mới quan niệm sự biến đổi hình thức, là sự sáng tạo không ngừng về chất, xuất phát từ sự thay đổi nội dung cuộc sống cùng với yêu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả. Nội dung phản ánh và chủ đề của các vở chèo chia làm hai khuynh hướng:
– Khuynh hướng thứ nhất: Lấy từ nguyên mẫu về những người anh hùng liệt sĩ như: Mạc Thị Bưởi (trong vở chèo Sóng Kinh Thầy của Nguyễn Đức Thuyết, đoàn chèo Hải Hưng trình diễn năm 1962); anh hùng Nguyễn Thị Út Tịch (vở chèo “Cô giải phóng” của tác giả Trần Bảng, Hàn Thế Du, Lưu Quang Thuận, Hà Văn Cầu, đoàn chèo Trung ương 1968); anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân (vở chèo cùng tên của Nguyễn Đức Thuyết và Tào Mạt – đoàn chèo Tổng cục Hậu cần 1972); nữ anh hùng liệt sĩ Bùi Thị Cúc (vở “Hương Cúc” của Ngọc Phúng, đoàn chèo Hải Hưng 1989) … Trên sân khấu, những anh hùng liệt sĩ này đều là những nhân vật trung tâm của vở diễn. Ở họ hội tụ đầy đủ các phẩm chất tiêu biều của người chiến sĩ cách mạng. Lòng yêu nước bất khuất, ý chí kiên cường lạc quan kết hợp với nét đẹp của truyền thống, hiếu thảo, nghĩa tình.
– Khuynh hương thứ hai: được xây dựng khái quát từ cơ sở hiện thực đời sống, thể hiện khá rõ trong những vở chèo gần đây như : “Người trong bóng tối” (của Doãn Hoàng Giang, đoàn chèo Thái Bình); “Người tử tù mất tích” (của Ngọc Tranh – GS Hà Văn Cầu chuyển thể, đoàn chèo Thái Bình. Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần); “Con đò của mẹ” (tác giả Bùi Vũ Minh, đoàn chèo Thanh Hóa); “Điều đọng lại sau chiến tranh” (tác giả Phạm Đình Hưng – Doãn Hoàng Giang, đoàn chèo Tổng cục Hậu cần) … Hình tượng người chiến sĩ quên mình vì Tổ quốc đã được đặt ra trong một nội dung phong phú, đa dạng nhiều chiều hơn, nhất là đi sâu vào những phương diện đời thường của nhân vật mà một thời trên sân khấu chèo còn vắng bóng. Anh thương binh Hải trong chiến đấu với bọn Phunrô, giúp nước bạn Cam-pu-chia bị mù cả hai mắt, khi về hậu phương lại phải chịu đựng bao vất vả đắng cay nhưng đã vượt qua và lại là tấm gương cho bao người học tập (vở “Người trong bóng tối”). Nhân vật Mãi tỏ ra ích kỷ trong tình cảm riêng tư, đã đẩy bạn mình ra trận chỉ vì tình yêu không được đáp lại, nhưng trong những khoảnh khắc quyết định của chiến tranh lại rất dũng cảm trong chiến đấu và cuối cùng đã ngã xuống như một liệt sĩ. Anh thương binh Đạt sẵn sàng vượt lên những lỗi lầm xưa của bạn, suốt 20 năm nuôi nấng chăm sóc con bạn như con đẻ của mình mong phần nào bù đắp những hy sinh của bạn (vở “Điều đọng lại sau chiến tranh”). Và nếu như “Điều đọng lại sau chiến tranh” là câu truyện của những người lính vừa mới từ lửa đạn bước ra thì “Con đò của mẹ” lại là cuộc đời chìm nổi của mẹ Thắm, người mẹ của những liệt sĩ mãi mãi không trở về. Mẹ bất chấp sự hy sinh của bản thân để góp phần cho Tổ quốc được độc lập, tự do. Còn ở “Người tử tù mất tích” lại nêu lên một vấn đề : Nỗi trầm luân của những người anh hùng bị hiểu lầm oan ức sau chiến tranh cần được giải quyết và chính họ là những người phải được xã hội quan tâm, đền bù xứng đáng. Như vậy, tuy mỗi vở diễn đều cố gắng đặt ra một chủ đề riêng, nhưng với khuynh hướng này, những ý đồ tư tưởng của các vở diễn đã có sự gần gũi nằm trong mối quan tâm chung của khán giả và đã ít nhiều gợi ra được những suy nghĩ sâu xa hơn về cuộc chiến tranh hôm qua, những vấn đề đặt ra hôm nay từ trong cuộc chiến tranh ấy. Như thế, khuynh hướng từ trong hiện thực đời sống đi sâu khai thác nội dung nhân bản và chú nghĩa nhân đạo trong các vở chèo đề tài thương binh liệt sĩ gần đây cũng đã gây nên được những sự chú ý đáng kể của khán giả. Mọi sự cách tân đều có ý nghĩa thay đổi nhiều hoặc ít cái cũ. Sự mở rộng chủ đề đã kéo theo những thử nghiệm chèo hiện đại từ trong cấu trúc kịch bản, trong xây dựng nhân vật, trong kết cấu âm nhạc …Có thể thấy rằng chất chèo không chỉ dừng lại ở những đặc trưng khái quát mà chúng ta thường nhắc lại nhiều lần như tính tự sự, tính ước lệ, cách điệu … Nó là biểu hiện cụ thể của một cấu trúc đặc thù mà ở đó nghệ thuật chèo được bảo tồn và gìn giữ. Khi thể hiện đề tài thương binh liệt sĩ, có những vở diễn không được công nhận là những vở chèo vì từ kịch bản cấu trúc theo dạng của sân khấu kịch nói. Có lẽ, các tác giả vở diễn loại này đã đi tìm một chất lượng kịch hát mới. Đây là dạng hình thức tiếp nối đặt trên cơ sở của sự phát triển của bình diện này chuyển sang bình diện khác. Chẳng hạn như vở “Lời trăng trối của tình yêu” của đoàn chèo Hà Tây. Hoặc vở “Cô giải phóng” của Nhà hát chèo, khi các tác giả vở diễn đã thử nghiệm bằng cách sáng tác nhạc nền cho vở diễn theo quy cách một dàn nhạc kiểu giao hưởng có phân chia từng bộ phận, có phối âm phối khí, có chỉ huy và sáng tác những ca khúc độc lập theo thể 1 đoạn, 2 đoạn, 3 đoạn và cả những khúc Aria cho nhân vật như trong một vở nhạc kịch, thì vở chèo “thông tấn” này rõ ràng đã không đạt được hiệu quả mong muốn về mặt nghệ thuật. Cũng có những thử nghiệm chèo mới ở đề tài này được cả giới chèo hoan nghênh, coi là thành công của những thử nghiệm chèo hiện đại. Đó là trường hợp các vở “Nguyễn Viết Xuân” của chèo Tổng cục Hậu cần, “Câu chuyện làng Nhân” của chèo Hải Hưng, “Những tiếng đàn bầu” của chèo Hải phòng và gần đây nhất là vở “Người tử tù mất tích” của đoàn chèo Thái Bình. Bằng một tiết tấu hiện đại, bằng cách vận dụng những tinh hoa của nghệ thuật chèo trong kết cấu kịch bản, trong xử lý không gian, trong xây dựng nhân vật, xử lý âm nhạc … Tuy thành công ở từng vở có khác nhau nhưng các vở diễn này đều mang âm hưởng và hương vị chèo đáng kể. Tình cảm nồng hậu của khán giả và tấm huy chương vàng HDSK 95 ở Huế là phần thưởng xứng đáng cho những tìm tòi, sáng tạo của tập thể sáng tạo vở “Người tử tù mất tích”. Có thể thấy tích truyện và những trò diễn của vở đều nảy sinh do hệ thống nhân vật. Các sự kiện tác động tới nhân vật chính với cường độ tăng dần: Mai Tấn Hồng bị bắt, bị thương, bị lĩnh án tử hình, trở về quê thì mất vợ, mất con, mất luôn cả lòng tin của những người thân. Nhân vật được đẩy vào tình thế khắc nghiệt tưởng chừng như không thể đứng vững nổi. Nếu như từ trong sâu xa của tâm hồn, Mai Tấn Hồng không còn giữ được chút niềm tin bất diệt của người cộng sản thì con người này nếu còn tồn tại trên cõi đời chắc sẽ phải nổi loạn. Trong xây dựng hình tượng nhân vật, các tác giả đã từ những chi tiết để tạo nên tính cách và từ những tính cách đó tạo nên hình tượng. Những nhân vật phụ đều là những nhân vật lý thú mang đậm nét của những nhân vật trong chèo cổ (ông Lưu một người nông dân ít nói, làm nhiều, tốt bụng và giầu tình thương, anh Khều mang dáng vẻ của một anh hề theo thầy trong sân khấu chèo cổ. Bà Mùi là kết quả sáng tạo về một nhân vật hề tinh quái, rất thực tế nhưng cũng rất chân thành hồn nhiên. Cùng với việc xử lý âm nhạc, nhiều điệu hát chèo được đưa vào và phát triển phù hợp với các tình huống của nhân vật nên đã đạt hiệu quả cao. Dồn dập xen vào các sự biến căng thẳng là cái hài. Các tác giả đã sử dụng khá ngọt ngào chất hài của chèo (cổ) để tạo nên cho vở diễn đầy ắp tiếng cười. Tôi không nói rằng vở chèo “Người tử tù mất tích” không còn những chỗ cần trao đổi, bàn bạc cả về nội dung lẫn hình thức. Nhưng điều đáng ghi nhận là vở diễn đã chứng minh được khả năng thể hiện một cách có hiệu quả đề tài về người chiến sĩ quên mình vì Tổ quốc trên chiếu chèo hiện đại. Một khối lượng đồ sộ các vở diễn về đề tài dân gian cổ tích huyền thoại dã sử của cả 16 đoàn chèo những năm gần đây đã khiến người xem băn khoăn rất nhiều về khả năng phản ánh hiện thực trên sân khấu chèo. Khán giả yêu chèo luôn khao khát được tìm thấy trên sân khấu chèo đó được hình tượng nhân vật trung tâm, là những người anh hùng liệt sĩ, thương binh mà quá trình phát triển từ trong đáy lòng của họ sự cao thượng, vẻ đẹp của tâm hồn, khiến người xem yêu thương trân trọng. Như thế, sân khấu chèo quả là có nhiều điều kiện thuận lợi khi phản ánh ngợi ca những người anh hùng liệt sĩ, hoặc những chiến sĩ đã để lại một phần xương máu của mình trong chiến tranh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật chèo độc đáo, mà không một loại hình nghệ thuật nào có được. Những thử nghiệm chèo hiện đại về đề tài thương binh liệt sĩ dẫu chưa nhiều thành công, những cũng thật đáng khuyến khích, bởi vì một trong những cách bảo vệ tinh hoa của nghệ thuật chèo truyền thống là ngoài việc giữ gìn đặc trưng cơ bản của chèo, còn phải tìm cho chèo sự phát triển, sáng tạo mới, trên cơ sở kế thừa những tinh hoa vốn có của truyền thống, đồng thời góp một tiếng nói ngọt ngào thể hiện truyền thống đền ơn đáp nghĩa của đạo lý truyền thống dân tộc và cũng là vấn đề nhức nhối của thời đại.
Th/s TRẦN MINH PHƯỢNG