Nguồn lực cho nghệ thuật sân khấu truyền thống: Khan hiếm ngay từ “đầu vào”

VHO- Hai cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng – Dân ca kịch toàn quốc 2023 và Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc năm 2023 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức vừa khép lại. Hơn 100 nghệ sĩ thuộc 21 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã có cơ hội để phô diễn tài năng và giải thưởng đã vinh danh những gương mặt xứng đáng.

 Thế nhưng, sau khoảnh khắc rực cháy với nghề, họ lại quay về để giải bài toán “cơm, áo, gạo, tiền” cho chính mình, khi nghệ thuật sân khấu truyền thống không còn là lựa chọn giải trí của khán giả, nhất là giới trẻ, rồi nỗi lo sáp nhập khiến tính chuyên nghiệp cứ mai một dần…

Tiết mục dự thi của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

Thiếu nguồn lực trẻ bổ sung

Còn nhớ cách đây 3 năm, loạt bài Báo động nguồn lực diễn viên nghệ thuật truyền thống trên Văn Hóa có dẫn câu chuyện của diễn viên Trịnh Tuyết Anh (Nhà hát NTTT tỉnh Thanh Hóa) mất cả năm “vật vờ” đi hát đám cưới, hội nghị để có tiền mưu sinh và chờ đợi Nhà hát giao vai chính. Lửa nghề cháy bỏng đã giữ chân cô gái trẻ xinh đẹp trụ lại để được tuyển chính thức vào biên chế. Và ngày hôm nay, cô đã tới được Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc 2023 cùng các đàn anh, đàn chị trong nghề.

Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh Thanh Hóa, NSND Hàn Hải chia sẻ: “Phải yêu nghề lắm mới có thể trụ lại với đơn vị. Hiện cái khó của Nhà hát cũng như các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống tình trạng thiếu trầm trọng diễn viên trẻ, chưa nói đến tài năng. Cơ hội làm việc ở các ngành nghề khác rất rộng mở, như Thanh Hóa có nhiều khu công nghiệp dệt may, lao động đơn thuần cũng có thể nhận mức lương 6 triệu, so sánh với thu nhập của một diễn viên chỉ hơn 3 triệu, cũng dễ hiểu vì sao nghệ thuật truyền thống không có sức hút với người trẻ!”. Hiện nay, lãnh đạo Nhà hát NTTT Thanh Hóa cũng đang rất đau đầu để “giải bài toán” thiếu nhân lực, khi biên chế giới hạn chỉ có 86 người (cả 3 đoàn Chèo, Tuồng, Cải lương gồm nghệ sĩ biểu diễn, nhạc công, nhân viên ánh sáng, âm thanh, hành chính, lái xe…). Tính trung bình mỗi đoàn chỉ còn 20 nghệ sĩ biểu diễn và nhạc công, số nhân lực ít ỏi như vậy khó có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang, NSƯT Tạ Quang Lẫm tâm tư: “Thay vì tổ chức Cuộc thi tài năng trẻ cho từng loại hình sân khấu truyền thống như trước, năm nay Cuộc thi tài năng sân khấu Chèo, Tuồng, Dân ca kịch đã bỏ đi từ “trẻ” và không khống chế độ tuổi dự thi. Nhà hát Chèo Bắc Giang có 2 NSƯT và 4 diễn viên trẻ tham gia. Chúng tôi đang ở tình trạng thừa 7 chỉ tiêu biên chế nhưng lại không có người để tuyển. Để người trẻ dấn thân vào con đường nghệ thuật là vô cùng khó khăn, bởi lẽ các khu công nghiệp phát triển mang lại cho họ nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn là đi làm nghệ thuật truyền thống. Đa phần những người trẻ có tài năng không về địa phương mà đầu quân cho các đoàn Trung ương và Hà Nội, dẫu chỉ làm thử việc hay hợp đồng họ cũng chấp nhận”.

Điều lo lắng và trăn trở nhất của Nhà hát NTTT Thanh Hóa, Nhà hát Chèo Bắc Giang, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, Nhà hát Tuồng Đào Tấn cũng như nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật sân khấu tới cuộc thi lần này chính là những trăn trở về bài toán thiếu hụt lực lượng kế thừa, bởi ngay từ “đầu vào” đã không có người dự tuyển. Đó là lý do mà các cuộc thi tài năng đã rơi vào tình trạng “già hóa”. Dấn thân vào con đường này, nghệ sĩ phải bỏ nhiều mồ hôi, công sức nhưng nhận lại đồng lương quá ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, nên nghệ thuật truyền thống bế tắc ngay khâu tuyển sinh đào tạo.

Đầu tư tốt, tài năng sẽ có bệ phóng

Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn nhận định: “Để giải quyết được bài toán nguồn lực diễn viên kịch hát dân tộc phải nhìn ở nhiều góc độ, nhưng có lẽ vấn đề cốt yếu nhất đang nằm ở chỗ: Thiếu vắng những thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của địa phương cũng như sự quyết đoán của những nhà cầm quân sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đơn vị”. Đáng buồn là hiện nay một số địa phương đã không thật sự quan tâm tới việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, nên không có chính sách hay cơ chế đặc thù để đãi ngộ, thu hút lực lượng diễn viên trẻ. Rất nhiều đơn vị chỉ trông ngóng vào những cuộc thi hay liên hoan để “xin” kinh phí, không đi thi đồng nghĩa sẽ không có tiền để dàn dựng chương trình mới. Không được dựng vở mới, không thường xuyên đỏ đèn, tất cả chỉ trông chờ vào ngân sách eo hẹp, thế mà nhiều vị lãnh đạo cứ ngồi im đó và thụ động chấp nhận lực lượng nghệ sĩ của mình ngày một teo tóp, già nua… Họ không có đủ bản lĩnh, dũng cảm để lo được kinh phí nhận người trẻ về làm theo hình thức xã hội hóa”.

Sự quan tâm của lãnh đạo và các nghệ sĩ trong đơn vị là động lực giúp nghệ sĩ sáng tạo

Nhiều đơn vị tới dự cuộc thi lần này chia sẻ, họ ao ước được như các đoàn nghệ thuật Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nội hay Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội… Nhờ có sự quan tâm sát sao, thấu hiểu cái khó của người làm nghệ thuật, những đơn vị trên đã được địa phương tạo cơ chế mở về tuyển dụng cũng như đào tạo, vì vậy mà nguồn nhân lực luôn rất dồi dào. Cá biệt có đơn vị còn bố trí nhà tập thể cho diễn viên chưa có nhà ở, mỗi tháng hỗ trợ mức tiền cao hơn cả mức lương cơ bản… Cũng phải công bằng nhìn nhận, muốn địa phương quan tâm thì bản thân lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cũng phải phát huy vai trò của mình. Sự yếu kém của một số đơn vị nghệ thuật truyền thống cũng đã bộc lộ vai trò mờ nhạt của giám đốc, trưởng đoàn. Quanh năm họ không hề mở lớp tập huấn hay rèn giũa cho diễn viên trẻ; khi có cuộc thi thì vội vã mời thầy dạy cấp tập đôi tuần. Chính vì thế, tiết mục dự thi của những đơn vị này rất sơ sài, bản thân nghệ sĩ phải tự nỗ lực cố gắng chứ không có nhiều sự hậu thuẫn từ đơn vị.

Điều lo lắng, trăn trở của đa số các đơn vị là làm thế nào để xã hội hóa khi nghệ thuật truyền thống không còn là nhu cầu thưởng thức của phần đông khán giả. Một số địa phương đã tìm giải pháp sáp nhập thành mô hình Nhà hát nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải đã dẫn tới tất cả cùng èo uột, không thể phát triển được, và nguy cơ nghiệp dư hóa đang hiển hiện trước mắt.

Liệu sân khấu có giữ chân được các tài năng trụ lại bám nghề hay không thực sự là bài toán nan giải. Sau vinh quang trở về, họ lại “vật vã” lao vào cuộc mưu sinh để kiếm sống với đủ thứ nghề, khiến tài năng ngày càng mai một. Làm thế nào để Tuồng, Chèo, Dân ca kịch giữ gìn được bản sắc và đặc trưng trong cơ chế thị trường hiện nay? Trong khi chờ những đổi mới về chính sách và cơ chế đãi ngộ, thu hút người trẻ thì bản thân lãnh đạo các đơn vị cũng phải năng động hơn, tìm cách làm sân khấu xã hội hóa, tạo đất diễn cho nghệ sĩ, đặc biệt là giúp cho diễn viên trẻ có cơ hội được làm nghề, được gắn bó và cống hiến tài năng cho nghệ thuật dân tộc.

Để giải quyết được bài toán nguồn lực diễn viên kịch hát dân tộc phải nhìn ở nhiều góc độ, nhưng có lẽ vấn đề cốt yếu nhất đang nằm ở chỗ: Thiếu vắng những thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của địa phương cũng như sự quyết đoán của những nhà cầm quân sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đơn vị.

Đáng buồn là hiện nay một số địa phương đã không thật sự quan tâm tới việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, nên không có chính sách hay cơ chế đặc thù để đãi ngộ, thu hút lực lượng diễn viên trẻ… Không dựng vở mới, không thường xuyên đỏ đèn, tất cả chỉ trông chờ vào ngân sách eo hẹp, thế mà nhiều vị lãnh đạo cứ ngồi đó và thụ động chấp nhận lực lượng nghệ sĩ của mình ngày một teo tóp, già nua…

(Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng NGUYỄN HIỂN DĨNH)

THÚY HIỀN (Báo Điện tử Văn Hóa)

Bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2023: Gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật sân khấu truyền thống

VHO- Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức đã bế mạc tối 17.5 tại Nhà hát Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Dự lễ bế mạc có Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi, PGS.TS Tạ Quang Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi Đầu Thanh Tùng; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL NSND Vương Duy Biên; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly cùng đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hoá…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi phát biểu bế mạc 

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi nhấn mạnh: Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2023 diễn ra từ ngày 6 -16. trên mảnh đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt đã khép lại với dư âm tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ, diễn viên tham dự và công chúng yêu nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sĩ, diễn viên dự thi đã thể hiện, phô diễn tài năng nghệ thuật, đem đến cho khán giả yêu nghệ thuật truyền thống nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm không chỉ về nghệ thuật sân khấu truyền thống, mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam. Đây là cuộc thi hết sức quan trọng, một mặt phát hiện những tài năng mới để kịp thời bồi dưỡng, đào tạo; mặt khác là dịp các nhà hát, đoàn nghệ thuật đánh giá lại lực lượng diễn viên, trên cơ sở đó xây dựng những vở diễn có chất lượng cao trong thời gian tới. Đồng thời, là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, nhìn nhận sức sống của sân khấu truyền thống trong Nhân dân, kịp thời có những giải pháp tích cực để bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, các Nhà hát Chèo, Tuồng và Dân ca kịch giao lưu, học hỏi và giới thiệu các giá trị nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và phong phú của đơn vị mình tới các đơn vị bạn nói riêng và khán giả Thanh Hóa cũng như cả nước nói chung.

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam và Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao giải cho Người hướng dẫn xuất sắc

Bên cạnh những thành công của các phần thi, trích đoạn được đầu tư công phu cả về kịch bản, dàn dựng, kỹ thuật nhuần nhuyễn điêu luyện của các nghệ sĩ, diễn viên trong ca, diễn… thì vẫn còn một số trích đoạn, phần thi chưa được đầu tư, quan tâm một cách nghiêm túc dù là lý do chủ quan hay khách quan. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đề nghị trong các cuộc thi tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sĩ, diễn viên dự thi lần này cần tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này. Tăng cường hơn nữa cho việc truyền dạy những kỹ thuật ca, các động tác vũ đạo đặc trưng cơ bản của từng vai diễn cho các diễn viên trẻ. Đảm bảo giữ được những tính cách, tinh hoa của nghệ thuật truyền thống. Muốn đạt được những kết quả như trên, cần mời các nghệ nhân, chuyên gia về dàn dựng cho các diễn viên, đồng thời khẩn trương mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho các diễn viên, nhằm bảo tồn các giá trị cổ của sân khấu ca kich truyền thống.

Đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL và Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hoá tặng hoa Hội đồng giám khảo

Thông qua Cuộc thi, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng đề nghị Cục nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới cần tích cực nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng trẻ của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà. Khẩn trương mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho các diễn viên nhằm bảo tồn các giá trị cổ của sân khấu kịch truyền thống; xây dựng đề án, đặt hàng các vở diễn cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật truyền thống trong cả nước; tiếp tục hoàn thiện các quy chế cuộc thi, phương thức tổ chức để các cuộc thi được tổ chức ngày một tốt hơn, tìm ra được những tài năng cho nghệ thuật truyền thống hơn nữa.

Tại lễ bế mạc, Hội đồng giám khảo đã trao giải cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc – 2023, diễn ra từ ngày 11-16.5, thu hút 14 đơn vị nghệ thuật Chèo công lập tham gia với 63 trích đoạn từ Chèo cổ truyền, đến Chèo hiện đại qua sự thể hiện của 73 diễn viên dự thi. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, tín hiệu mừng nhất trong Cuộc thi này là chất lượng nghệ thuật của 14 đơn vị khá đồng đều, mỗi diễn viên dự thi đều nỗ lực “thổ tận can tràng” để thể hiện tốt nhất phần thi của mình. Những vai mẫu trong các trích đoạn Chèo cổ truyền như Thị Mầu, Suý Vân, Châu Long, Lưu Bình, Trần Phương, Cả sứt, Thị Phương, Tuần Ty, Đào Huế, Thầy đồ Trương Viên. Mụ Quán, Lão say có nội dung khuyến giáo đạo đức là những bài học chở nặng triết lý nhân sinh, những tấm gương sáng về tình bạn về lòng chung thuỷ, đạo đức gia đình luôn đề cao chữ hiếu, khao khát tự do, lên án, đả kích để rồi phê phán thói hư tật xấu bằng tiếng cười trào lộng, thâm sâu trong ngôn ngữ nghệ thuật Chèo.

Trên sân khấu Nhà hát Lam Sơn, khán giả, bạn nghề đã có những thời khắc “mãn nhĩ” với nhiều giọng Chèo đằm thắm, trữ tình da diết như Đào liễu, Sa lệch chênh, Quân tử vu dịch, Tò vò, Tình thư hà vị, Kể bốn mùa, Ngâm sổng, Hát cách… của mô hình nhân vật nữ chín, thư sinh hay lẳng lơ tính cách, mê đắm như Cấm giá, Bình thảo của nữ lệch Thị Mầu, phẫn uất xót xa như Dậm chân, Thiếp bỏ cho chàng của Đào Huế, Lới lơ, gà rừng của Súy Vânkhôi hài, vui vẻ trong giai điệu Bà chúa con cua, hát sắp… mang đậm dấu ấn, sắc thái riêng của từng đơn vị nghệ thuật Chèo, vùng Chèo trong cả nước…, được “mãn nhãn” với những khuôn diễn, bộ múa khá thuần thục, khắc hoạ Tinh, Khí, Thần của nhân vật Chèo. Hay, những nhân vật trong các trích đoạn Chèo hiện đại như cụ Hường (trích đoạn Một tin buồn), Hiếu (trích đoạn Người mẹ một mắt, Vợ chồng thuyền chài), Nhị Độ Mai – Chèo Nguyễn Đình Nghị, Tùng (Tùng lò gạch), Cả Hân (Đường trường duyên phận, Người ngựa, ngựa người) cùng nhiều nhân vật Chèo khai thác đề tài lịch sử như Hình bộ thượng thư và đặc biệt, nhân vật Hề già – vở Chèo Lý Nhân Tông kế nghiệp – một “hiện tượng” xuất sắc của sự kế thừa truyền thống một cách sáng tạo, có học đã lần lượt xuất hiện tươi nguyên trên sân khấu, thể hiện kỹ năng cảm thụ cũng như trình độ, khả năng sáng tạo, chuyển hoá, kế thừa mô hình nhân vật.

Nhìn chung, theo Hội đồng giám khảo, phần lớn phần dự thi được dàn dựng công phu, diễn viên thăng hoa trên sân khấu với nghề để bộc lộ hết được tài năng của mình, tạo nên điểm nhấn nghệ thuật đầy ấn tượng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá Chèo. Điều đó làm cho loại hình nghệ thuật Chèo luôn xuôi chèo mát mái trong dòng chảy văn hoá dân tộc là điều rất cần trong các tác phẩm nghệ thuật sân khấu Chèo hiện nay. Bên cạnh những ghi nhận về chất lượng của nhiều chương trình và trích đoạn thì Hội đồng giám khảo cũng cho rằng vẫn có một số vai diễn dự thi của các đơn vị còn trùng lặp quá nhiều. Trích đoạn chưa thực sự chuyển tải được vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương thời, nội dung cũ mòn, vẫn có một số đơn vị chưa có sự chọn lựa cẩn trọng, nội dung trích đoạn dự thi chưa chú trọng việc xây dựng hình tượng nhân vật Chèo.

Các diễn viên nhận giải Nhất và giải Nhì tại cuộc thi

Kết quả cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc – 2023, BTC đã trao 1 giải Xuất sắc cho NS Thu Phong – người hướng dẫn ca diễn với trích đoạn Thị Mầu lên chùa (do diễn viên Trịnh Thị Thanh Huyền của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thể hiện); 1 giải Xuất sắc NSND Hàn Hải – người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao với trích đoạn Chí Phèo – Thị Nở (do 2 diễn viên Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Thị Lưu của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa thể hiện). Cùng với đó, 17 nghệ sĩ được trao giải Nhất là: Lại Xuân Chường (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nguyễn Thị Lưu (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa), Vũ Thị Sợi (Nhà hát Chèo Ninh Bình), Đỗ Thị Phương (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định), Trịnh Thị Thanh Huyền (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội), Nguyễn Thị Phương Anh (Nhà hát Chèo Hưng Yên), NSƯT Bùi Phương Mây (Nhà hát Chèo Hà Nội), Lê Trọng Khởi (Nhà hát Chèo Thái Bình), Nguyễn Đình Hạnh (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc), NSƯT Nguyễn Anh Tuấn (Nhà hát Chèo Bắc Giang), Trần Thị Thùy Trang (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nhữ Đình Lục (Nhà hát Chèo Quân đội), Nguyễn Thị Thu Hường (Nhà hát Chèo Thái Bình), Trần Thị Ngát (Nhà hát Chèo Việt Nam), Phùng Thế Quỳnh (Nhà hát Chèo Quân đội), Trịnh Tuyết Anh (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa), Tạ Văn Sếp (Nhà hát Chèo Hải Dương) và 14 nghệ sĩ được trao giải Nhì của Cuộc thi.

NGUYỄN LINH

Gần 2.000 nghệ sĩ tụ hội tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu

VHO – Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 20.5 đến hết ngày 1.6.2023 tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam, với sự tham dự của gần 2.000 nghệ sĩ thuộc 32 đơn vị nghệ thuật thuộc nhiều loại hình sân khấu trên cả nước. Đây là thông tin tại cuộc họp báo diễn ra sáng 15.5, tại Hà Nam. Liên hoan do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Hà Nam tổ chức.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan, NSND Trịnh Thuý Mùi thông tin về Liên hoan tại cuộc họp báo

Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu quốc năm 2023 là hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống trước những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường. Đây còn là hoạt động tôn vinh các nghệ sĩ sân khấu ở mọi lứa tuổi đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo và khát vọng cống hiến trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; là dịp để các nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình nghệ thuật giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm sáng tạo ra nhiều trích đoạn, vai diễn hay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân trong thời kỳ hội nhập.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan, NSND Trịnh Thuý Mùi cho biết: Liên hoan là dịp để tìm tòi những sáng tạo mới, mảng miếng hay nhất của vở diễn từ xây dựng, kết cấu kịch bản đến thủ pháp dàn dựng, kỹ năng biểu diễn, từ đó đúc rút những kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật sân khấu. Liên hoan cũng mang đến hình thức biểu diễn rất cơ động để trong một buổi diễn, khán giả có cơ hội được thưởng thức nhiều trích đoạn sân khấu hay thuộc nhiều loại hình nghệ thuật; đồng thời được gặp gỡ, chứng kiến nhiều nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu.

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 còn giúp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các cơ quan quản lý nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, từ đó có những giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan cũng cho biết: Việc tìm kiếm những trích đoạn sân khấu đặc sắc còn là hướng đi để tìm kiếm những sản phẩm văn hóa nghệ thuật phù hợp dành cho khách du lịch. Liên hoan đã từng được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2011. Sau Liên hoan lần này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ cố gắng xây dựng thành Đề án để Liên hoan có thể tổ chức 3 năm một lần.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nam, đồng Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Ngô Thanh Tuân cho biết: Đến thời điểm này, Hà Nam đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, công tác đón tiếp đại biểu, nghệ sĩ, công tác truyền thông, khán giả, công tác an ninh, an toàn để bảo đảm việc tổ chức Liên hoan thành công tốt đẹp. Liên hoan là nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hoá – Du lịch Hà Nam 2023. Theo đánh giá của Trưởng ban tổ chức, Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 chắc chắn sẽ thu hút đông đảo mọi tầng lớp khán giả nhân dân vì địa phương đã có kế hoạch truyền thông, tổ chức khán giả đến xem và cổ vũ các nghệ sĩ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam, đồng Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Ngô Thanh Tuân trao đổi về công tác tổ chức

Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 thu hút sự tham gia của gần 2.000 nghệ sĩ đến từ 32 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và xã hội hóa trên cả nước, mang đến hơn 100 trích đoạn sân khấu ở nhiều thể loại như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói, xiếc.

Theo Ban tổ chức, Liên hoan không hạn chế về đề tài, nhưng các trích đoạn tham dự phải có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng; đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác, sự thấp hèn. Trích đoạn được dàn dựng, biểu diễn phải khắc họa rõ nét tính cách, hình tượng nhân vật. Liên hoan khuyến khích các trích đoạn xây dựng hình tượng về những con người tiêu biểu trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước, đồng thời đề cao các yếu tố sáng tạo mới trong quá trình dàn dựng.

Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội NSND Tự Long nhận định: Liên hoan là sân chơi vô cùng thiết thực. Nếu tổ chức thành công, đây sẽ là cơ hội để những tác giả trẻ, đạo diễn trẻ thể hiện, đóng góp tài năng để tỏa sáng. Ban tổ chức có thể có những khu biệt về đề tài, chủ đề để các đơn vị có định hướng sáng tác tập trung. Lãnh đạo một số đơn vị nghệ thuật sẽ có tham gia liên hoan như Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết là phía đơn vị cũng như cá nhân nghệ sĩ có trích đoạn đi thi đều thấy hào hứng. Các đơn vị đều lựa chọn những trích đoạn hay nhất, tạo nên giá trị tư tưởng của mỗi tác phẩm nghệ thuật.

Lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật chia sẻ về chương trình tham dự Liên hoan 

Ví dụ như Nhà hát Kịch Việt Nam dự thi hai trích đoạn trong vở Đêm trắng, tác phẩm này đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam. Lần này từ đạo diễn dàn dựng (NSƯT Xuân Bắc) cũng như các nghệ sĩ tham gia vở diễn sẽ mang tới một bản diễn mới nhưng cũng mang lại những cảm xúc vô cùng đẹp, lắng đọng về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các trích đoạn được chọn sẽ phần nào giúp khán giả thấy được tấm gương sáng trong sự liêm khiết, công minh, công bằng. Những xử lý của Bác Hồ rất tình cảm nhưng cũng rất nghiêm khắc, thấu tình đạt lý. Liên đoàn Xiếc Việt Nam trích đoạn Cúc ơi  trong Chương trình nghệ thuật xiếc “Đi cùng năm tháng 2” với 10 nữ nghệ sĩ xiếc hoá thân vào các nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc do NSND Tống Toàn Thắng dàn dựng sẽ vô cùng xúc động. Các nghệ xiếc koong chỉ trổ được cái tài nghệ như nhào lộn, uốn dẻo, thăng bằng đi dây, đu dây, sức mạnh đội tay… mà khoảnh khắc tái hiện của lịch sử chiến tranh về hình tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc cũng được thể hiện vô cùng xúc động.

Về cơ cấu giải thưởng, bên cạnh hệ thống giải dành cho các trích đoạn xuất sắc, diễn viên biểu diễn xuất sắc, Liên hoan còn có giải thưởng dành cho các thành phần sáng tạo xuất sắc ở từng loại hình nghệ thuật.

Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 có nhiều điểm khác biệt so với các cuộc liên hoan, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp thông thường bởi số lượng đơn vị sân khấu tham gia rất đông đảo với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng cũng như đề tài mở rộng. Các trích đoạn trong các vở diễn có những trích đoạn có 2 đến 3 nghệ sĩ biểu diễn nhưng cũng có những trích đoạn huy động một lực lượng nghệ sĩ diễn viên lớn với thiết kế sân khấu được đầu tư, hoành tráng.

THUÝ HIỀN; ảnh: BÁ LỤC

Bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023: Khẳng định giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống

VHO- Sau 5 ngày diễn ra sôi nổi tại TP Thanh Hóa, Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức với sự tham gia của 38 diễn viên thuộc 11 đơn vị nghệ thuật đã chính thức khép lại. Lễ bế mạc và trao giải diễn ra chiều qua 11.5 tại Nhà hát Lam Sơn (TP Thanh Hóa).

Dự Lễ bế mạc có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông (Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi); Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên; Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi…

Không “hào phóng” như những cuộc thi trước

Đánh giá về nghệ thuật Tuồng với các trích đoạn tham gia gồm cả truyền thống và hiện đại, BTC cho biết, các đơn vị đã đầu tư khá kỹ về chất lượng nghệ thuật. Nhiều trích đoạn truyền thống như Kim Lân quan đèo, Nữ tướng Đào Tam Xuân, Chung Vô Diệm, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo; Mộc Quế Anh dâng cây…; Tuồng hiện đại có 2 trích đoạn là Bà Tư Lành và Đông Nhật (vở Người cáo). Các trích đoạn tham gia cuộc thi đều được khai thác dựa trên các yếu tố tự sự, kịch tính, tự tình để làm cơ sở cho nghệ sĩ biểu diễn phát huy những yếu tố cơ bản: Thanh – sắc – thục – tinh – khí – thần… trong các trích đoạn dự thi.

Cuộc thi không giới hạn độ tuổi, vì thế một số nghệ sĩ đã có nhiều năm trải nghiệm trong nghề lại có cơ hội học tập, rèn luyện kỹ năng, có thêm kinh nghiệm biểu diễn nên các phần trình diễn đạt chất lượng cao kể cả ở những trích đoạn về tuồng hiện đại vốn không phải là thế mạnh của tuồng. Cùng với đó, cuộc thi cũng xuất hiện nhiều nghệ sĩ tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao về chất lượng biểu diễn trong tiết mục tham gia dự thi.

Về Dân ca kịch, cuộc thi lần này có 2 loại hình tham gia là Bài Chòi và Dân ca kịch Huế. Với số lượng áp đảo, Bài Chòi chiếm 90% số lượng đăng ký, gồm các trích đoạn về đề tài lịch sử như: Bùi Thị Xuân hồi triều; Chế Mân trong Độc dược….; đề tài hiện đại có Trong góc khuất; Một mạng người; Nỗi đau tình mẹ; Chuyện bên dòng sông Thu… Dân ca kịch Huế có một trích đoạn là Viên đạn súng kíp dành cho 2 nghệ sĩ đăng ký. Nếu trong các trích đoạn Tuồng, những nhân vật truyền thống như Tướng, Đào, Lão, Kép, Mụ… theo một mô hình, khuôn mẫu từ hóa trang, y phục cho tới nghệ thuật biểu diễn thì ở Dân ca kịch, nhân vật trên sân khấu là ở cuộc sống đời thường (dù là đề tài lịch sử) vẫn được tự do sáng tạo, không bị một quy định nào gò bó…

Có thể thấy, bản thân các Nhà hát, các đơn vị nghệ thuật đã tự tiết chế, không hào phóng lựa chọn số lượng mà tuyển chọn những trích đoạn có chất lượng nhất đến Cuộc thi. Tuy nhiên, bên cạnh những ghi nhận về chất lượng của nhiều chương trình và trích đoạn thì Hội đồng giám khảo cũng cho rằng vẫn có một số đơn vị chưa thực sự đầu tư nâng cao chất lượng nghệ thuật, khi làm lại các trích đoạn đã sơ sài, không biết làm mới trích đoạn. Nhiều tiết mục lựa chọn trùng nhau như Đào Tam Xuân có tới 5 diễn viên cùng đăng ký. Có những trích đoạn không nhiều đất diễn cho nhân vật chính; thời gian không đủ để diễn viên phô diễn tài năng. Nhiều nghệ sĩ chỉ quan tâm tới kỹ thuật hát múa mà quên mất tình huống, hoàn cảnh nhân vật đang diễn ra, làm mất đi sự truyền cảm trong lớp diễn.

Trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” của Nhà hát Tuồng Việt Nam mang về giải xuất sắc cho người hướng dẫn ca diễn là NSƯT Nguyễn Thị Lộc Huyền và giải nhất cho nghệ sĩ thể hiện Nguyễn Thị Thanh Phương

Sân khấu phải có tài năng và diễn viên là trung tâm

Trên thực tế, cuộc thi nào cũng cam go, nhất là cuộc thi tài năng sân khấu. Ai đi thi cũng muốn có thành tích, nhưng muốn có thành tích phải có đầu tư cả thời gian và sự khổ luyện. Cuộc thi lần này có nhiều thí sinh trẻ, đó là điều đáng mừng, nhưng về chất lượng, một số em mới dừng lại ở mức thuộc bài, để vươn tới tài năng sân khấu đòi hỏi phải được đào tạo nhiều hơn nữa. Chúng ta đang đứng trước một hiện trạng là sự cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến khán giả xa dần sân khấu. Vì vậy, muốn có khán giả, sân khấu phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, có chất lượng nghệ thuật, có tài năng, có nhiều ngôi sao… Muốn vậy, các nhà chỉ đạo nghệ thuật phải chăm lo đến các tài năng sân khấu nhiều hơn nữa, không vì những tấm huy chương cho một vài cá nhân mà quên đi chất lượng, giá trị của nghệ thuật và để mất khán giả. Sân khấu phải có tài năng và diễn viên chính là trung tâm. Vì vậy, việc tổ chức thi tài năng sân khấu là việc làm có ý nghĩa của Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Trao đổi với Văn Hóa, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “Bảo tồn và phát huy di sản là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa, trong đó có các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc như Chèo, Tuồng, Dân ca kịch. Vì vậy, các tỉnh, thành phố cần có chế độ chính sách đặc thù phù hợp để nuôi dưỡng, phát triển văn hóa phi vật thể, chính là người nghệ sĩ. Trước mắt, phải có cơ chế cho phép ký hợp đồng với các diễn viên trẻ có tài để tạo nguồn lực cho sự phát triển. Hiện nay, có một số địa phương đã chủ động làm rất tốt khi đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, đây chính là mô hình hay để địa phương khác nhìn vào và áp dụng cho phù hợp với thực tế. Đơn cử như TP.HCM đã xây dựng Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa đến năm 2030, có xác định mục tiêu nâng cao chất lượng các trường đào tạo VHNT, có kế hoạch đưa các năng khiếu, tài năng VHNT ra đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Việc sáp nhập các loại hình nghệ thuật cần phải có quy hoạch và phù hợp với từng địa phương để tránh mất đi tính chuyên nghiệp và bảo tồn được loại hình nghệ thuật dân tộc tiêu biểu mỗi vùng miền”.

Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 là cơ hội để các diễn viên thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp mà nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước đã gây dựng nên. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý ghi nhận và vinh danh các diễn viên tài năng nghệ thuật truyền thống, phát hiện tài năng nghệ thuật để động viên, khích lệ các nghệ sĩ diễn viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật truyền thống trong những năm qua. Đồng thời, là cơ hội để khán giả xứ Thanh và du khách được sống trong không khí của nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch với các tài năng nghệ thuật tiêu biểu.

Kết quả chung cuộc, BTC đã trao 1 giải xuất sắc cho NSƯT Thanh Trang – người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao với trích đoạn Bà Tư Lành (do diễn viên Huỳnh Thị Anh Thi của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM thể hiện); 1 giải xuất sắc cho NSƯT Nguyễn Thị Lộc Huyền – người hướng dẫn ca diễn trong trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (do diễn viên Nguyễn Thị Thanh Phương của Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện). Cùng với đó, 8 nghệ sĩ được trao giải nhất là: Nguyễn Thái Phiên (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định), Nguyễn ThịThanh Phương (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Huỳnh Thị Anh Thi (Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM), Nguyễn Cộng Hòa (Nhàhát Nghệthuật truyền thống Thanh Hóa), Huỳnh ThịThúy Thỏa, Dương ThịMến (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa), Nguyễn ThịHồng Nhung (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế), Bùi Thị Thu Hương (Đoàn Ca kịch Quảng Nam) và 9 nghệ sĩ được trao giải nhì của cuộc thi.

Chúng ta đang đứng trước một hiện trạng là sự cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến khán giả xa dần sân khấu. Vì vậy, muốn có khán giả, sân khấu phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, có chất lượng nghệ thuật, có tài năng, có nhiều ngôi sao… Muốn vậy, các nhà chỉ đạo nghệ thuật phải chăm lo đến các tài năng sân khấu nhiều hơn nữa, không vì những tấm huy chương cho một vài cá nhân mà quên đi chất lượng, giá trị của nghệ thuật và để mất khán giả. Sân khấu phải có tài năng và diễn viên chính là trung tâm. Vì vậy, việc tổ chức thi tài năng sân khấu là việc làm có ý nghĩa của Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn.

 ĐÀO ANH – NGUYỄN LINH (Báo Điện tử Văn Hóa)

“Ballet Kiều”: Nghệ thuật ballet kinh điển với nghệ thuật truyền thống Việt

VHO – Chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, vở Ballet Kiều của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) sẽ biểu diễn trở lại vào 20h ngày 13 và 14.5 tại Nhà hát Thành phố.

Kịch bản của Ballet Kiều được chuyển thể và tổng đạo diễn bởi nghệ sĩ Tuyết Minh. Nghệ sĩ Tuyết Minh và nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng cùng dàn dựng và biên đạo múa cho toàn bộ tác phẩm. Chỉ đạo nghệ thuật NSND Chu Thúy Quỳnh và PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh. Đây là một trong những vở diễn thành công nhất của HBSO, sự kết hợp tuyệt vời giữa những thành tựu nghệ thuật ballet kinh điển của thế giới với những giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: “Khi chọn ballet để dàn dựng trước hết phải hình thành phong cách xuyên suốt của kết cấu ngôn ngữ múa, khi mà diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng, và diễn viên nam phải thể hiện được những kỹ thuật nền tảng của cổ điển châu Âu có nghĩa tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa Ballet, mặt khác để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình thì các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa Phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt nên mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, đều phải có thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn”.

Theo biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, “Với những người làm nghề như chúng tôi, đây là dịp để gửi gắm, trình làng những hoài bão, khám phá nghề nghiệp tới khán giả cũng như anh em đồng nghiệp trong cả nước, cùng khích lệ tinh thần học hỏi và sáng tạo nghệ thuật”.

Ballet Kiều không lựa chọn kể lại toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du mà dẫn dắt khán giả qua những hành trình đầy hạnh phúc ngọt ngào cùng những đắng cay, thách thức tột cùng của nàng Kiều. Bên cạnh đó còn thể hiện xuất sắc những nội tâm phức tạp của phụ nữ đương thời qua các nhân vật khác như Hoạn Thư, Đạm Tiên… Vở ballet sử dụng một số hiệu ứng sân khấu đặc biệt về ánh sáng, Hologame và trình diễn trên cao mở rộng không gian và gây ấn tượng mạnh về thị giác.

Âm nhạc của tác phẩm cũng là một điểm nhấn đặc biệt bởi sự kết hợp bởi hai phong cách rất khác nhau của nhạc sĩ nổi tiếng Vũ Việt Anh và nghệ sĩ Chinh Ba. Theo nghệ sĩ Tuyết Minh, “Với sự định hướng ngay từ đầu âm nhạc phải được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, âm nhạc truyền thống Tuồng và làn điệu Dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống…, phần nhạc viết cho những đại cảnh, trữ tình do nhạc sĩ Việt Anh viết theo khúc thức cho dàn nhạc giao hưởng, còn những phân đoạn thể hiện nét tính cách, sự biến được nhạc sĩ Chinh Ba phát triển trên những nét âm nhạc truyền thống rất phá cách, sự tương phản trong âm nhạc giúp cho chúng tôi có rất nhiều cảm xúc khi biên đạo và diễn viên có đất để thể hiện nghệ thuật biểu diễn, tạo phong cách, cá tính riêng cho mỗi vai diễn”.

Âm nhạc của nhạc sĩ Việt Anh mang âm hưởng châu Âu đa tầng, đa diện, có phong cách hòa thanh hiện đại, mới mẻ, sử dụng những âm hưởng dàn nhạc, hiệu quả trong những đại cảnh và diễn tả nội tâm. Việt Anh rất nổi tiếng với những sáng tác cho ca khúc, nhiều ca khúc được biết đến rộng rãi như: Dòng sông lơ đãng, Không còn mùa thu, Hoa có vàng nơi ấy

Nghệ sĩ Chinh Ba mang đến không gian âm nhạc hoàn toàn khác, ấn tượng mạnh bởi khai thác những âm thanh vocal hòa trộn cùng nhạc cụ truyền thống, không dựa trên điệu thức châu Âu. Những âm thanh đột ngột, gần như vô điệu tính hòa quyện những âm hưởng nhạc cụ truyền thống xuất hiện trong những phân khúc kịch tính, lột tả những tính cách dữ dội sẽ mang lại những cảm xúc đặc biệt tới người thưởng thức

Ballet Kiều được chuyển thể từ truyện thơ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, một kiệt tác trong văn học Việt Nam, một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Việt Nam được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.

allet Kiều gồm 15 cảnh: Du Xuân, Hai ả tố nga, Bóng ma Đạm Tiên, Kiều gặp Kim Trọng, Gia biến, Bạch My thần, Hồng nhan bạc mệnh, Sóng khuynh thành, Ghen Hoạn Thư, Quan Âm Các, Duyên cưỡi Rồng, Đoạn trường và Đường Tịnh Hóa. Đó là những sắc thái tâm lý khác nhau, sự tiếp nối và tương phản của các bức tranh khác nhau làm lên sự lôi cuốn, hấp dẫn và bất ngờ qua từng khoảnh khắc. Một hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc, khát khao sự tự do và công bằng cho con người, đặt trong bối cảnh ngang trái, éo le của xã hội đương thời đã làm nổi bật lên những giá trị nhân văn sâu sắc, qua hệ tư tưởng của triết lý phương Đông về nhân sinh và cội nguồn của bản thể con người.

Ballet Kiều ra mắt khán giả lần đầu vào tháng 6.2020 và đạt được thành công ngoài mong đợi. Với những thành tựu xuất sắc, tác phẩm đã trở thành một trong ba tác phẩm đoạt giải Xuất sắc, giải thưởng cao nhất trong Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022.

Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn: NSƯT Trần Hoàng Yến (Thúy Kiều), NSƯT Hồ Phi Điệp (Từ Hải), NSƯT Đàm Đức Nhuận (Kim Trọng), Đỗ Hoàng Khang Ninh (Thúy Vân), Phan Thái Bình (Sở Khanh), Nguyễn Thu Trang (Hoạn Thư), Hà Ôn  Kim Tuyền (Đạm Tiên), Nguyễn Minh Tâm (Đạm Tiên 2 và Sư Giác Duyên), Đặng Minh Hiền (Thúc Sinh), Sùng A Lùng (Tú Bà), Nguyễn Lương Hòa (Người dẫn chuyện và Cha Thúy Kiều), cùng tập thể nghệ sĩ Đoàn múa HBSO.

T.TRANG

Nghệ thuật Việt Nam toả sáng tại Tuần lễ Di sản văn hóa phi vật thể ASEAN-Trung Quốc

VHO-Nhằm tăng cường giao lưu hợp tác giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc trong việc bảo vệ, kế thừa, khai thác và phát triển di sản văn hóa phi vật thể, Tuần lễ Di sản văn hóa phi vật thể ASEAN-Trung Quốc lần thứ Nhất được tổ chức từ ngày 22-28.4, tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc.

Tham dự sự kiện năm nay có 30 đoàn nghệ thuật của Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN. Đoàn nghệ thuật Việt Nam có sự góp mặt của Sân khấu Lệ Ngọc và Nhà hát Chèo Việt Nam, trong đó Sân khấu Lệ Ngọc mang hai vở diễn chính là Dế mèn và Ngũ biến, Nhà hát Chèo Việt Nam thì mang tới vở chèo cổ Lưu Bình – Dương Lễ. Các chương trình của nghệ sĩ Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của các đồng nghiệp cũng như đông đảo người hâm mộ.

Sự kiện thu hút 30 đoàn nghệ thuật của Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN
Vở Dế mèn giành giải thưởng xuất sắc cho vở diễn
Vở chèo cổ Lưu Bình – Dương Lễ của Nhà hát Chèo Việt Nam

Tại sự kiện năm nay, ngoài các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các đoàn biểu diễn cũng có cơ hội tham dự Hội chợ Văn hóa phi vật thể ASEAN-Trung Quốc, nơi trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống được làm bằng tre, dệt thổ cẩm, các tác phẩm điêu khắc dân gian của nhiều quốc gia.Tuần lễ Di sản văn hóa phi vật thể ASEAN-Trung Quốc là hoạt động tăng cường, giao lưu hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc bảo vệ, kế thừa, khai thác và phát triển di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Các sự kiện của Việt Nam luôn thu hút đông đảo khách quốc tế

Đại diện Ban tổ chức Tuần lễ Di sản văn hoá phi vật thể ASEAN – Trung Quốc, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá Quảng Tây Fang Ninh nhận xét: Nhà hát Chèo Việt Nam và Sân khấu Lệ Ngọc đều mang tới những chương trình hay, hấp dẫn và đáp ứng đúng tiêu chí của Ban tổ chức. Chúng tôi đánh giá rất cao nghệ thuật trình diễn của Việt Nam thể hiện được nét đặc sắc đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, đều là di sản văn hoá độc đáo, cần được bảo tồn, phát triển. Có thể những phút đầu có sự khác biệt về ngôn ngữ nhưng âm nhạc và diễn xuất của các nghệ sĩ đã thực sự vô cùng cuốn hút khiến chúng tôi say sưa xem.

Ban tổ chức Tuần lễ Di sản văn hóa phi vật thể ASEAN-Trung Quốc đã trao 5 giải cá nhân xuất sắc cho các nghệ sĩ tham gia trong các chương trình nghệ thuật, trao giải vở diễn xuất sắc cho vở Dế mèn của Sân khấu Lệ Ngọc. Sau khi kết thúc biểu diễn, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng đã nhận lời mời sang tham dự Liên quan sân khấu quốc tế ASEAN tại Nam Ninh vào tháng 9.2023 tới với vở chèo cổ đặc sắc Quan Âm Thị Kính.

HIỀN LƯƠNG; ảnh: ANH CƯỜNG (Báo Điện tử Văn Hóa)

Kịch xiếc “Cha Rồng mẹ Tiên”: Thông điệp ý nghĩa và giàu tính nghệ thuật

VHO – Tối 28.4, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam công diễn chính thức vở kịch xiếc Cha Rồng mẹ Tiên. Tác phẩm được Nhà hát ấp ủ suốt nhiều năm nhưng vì nhiều lý do chưa thể ra mắt, đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm nay mới chính thức hội ngộ khán giả.

Cha Rồng mẹ Tiên (kịch bản và tổng đạo diễn: Phi Sơn, đạo diễn xiếc: Công Nguyễn; chỉ đạo nghệ thuật: Lê Diễn) với sự tham gia biểu diễn của khoảng 20 diễn viên, nghệ sĩ.

Nội dung vở kịch xiếc dựa trên câu truyện truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ với trăm trứng nở trăm con. Thông qua ngôn ngữ chính là xiếc, vở kịch sử dụng vũ đạo, tổ hợp múa, âm nhạc đã làm cho tác phẩm sinh động. Mạch kịch được xây dựng theo góc nhìn mới, từ thuở khi loài người phát hiện ra lửa, tìm cách chinh phục thiên nhiên, chiến đấu với các thế lực siêu nhiên để sinh tồn và phát triển. Với cách xây dựng tài tình, vở kịch đã mang đến những màn cao trào, đầy kịch tính, tạo hồi hộp và lôi cuốn khán giả.

Màn xiếc, múa lửa minh họa sinh động giai đoạn sơ khai của loài người khi tìm ra lửa và biết vận dụng lửa váo đời sống sinh hoạt

Vở diễn được đầu tư khá công phu về cảnh trí, phục trang để tái hiện thời kỳ sơ khai. Đó là những đồi núi, cánh rừng hoang sơ, hùng vĩ nhưng đầy màu sắc và sự âm u, huyền bí; đó là cảnh dưới biển có khi dịu êm nhưng cũng có lúc dữ tợn với sự xuất hiện của các loài thủy quái… Hình ảnh chiếc thuyền đánh cá được cách điệu và những ngư dân chiến đấu với ác thú gây nhiều thú vụ cho người xem.

Con người chống chọi với thủy quái

Cao trào nhất của vở là đoạn Lạc Long Quân chiến đấu với Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh chuyên gây hại cho dân lành, chính sự dũng mãnh, anh hùng của chàng Long Quân đã khiến nàng Âu Cơ yêu mến, dẫn đến mối lương duyên của cha Rồng và mẹ Tiên. Để rồi tình yêu thăng hoa và họ đã sinh ra trăm trứng là trăm người con, hậu duệ của họ là Vua Hùng đã dựng nên nhà nước cổ đại đầu tiên của Việt Nam.

Sự xuất hiện của nàng Âu Cơ trên sân khấu kịch xiếc vô cùng lung linh

Có lẽ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên không xa lạ với người dân Việt cũng như đã câu chuyện này đã được thể hiện qua nhiều loại hình nghệ thuật. Song qua ngôn ngữ của xiếc, câu chuyện mang màu sắc rất riêng, đầy hấp dẫn.

Ông Nguyễn Phi Sơn, Phó Giá đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam chia sẻ, “Chúng tôi quyết tâm xây dựng vở kịch xiếc này này, đầu tiên là biểu diễn phục vụ khán giả vào đúng dịp Lễ Giổ Tổ Hùng Vương và các ngày lễ lớn của đất nước, sau đó là muốn giới thiệu nét mới của xiếc với các tạo hình nhân vật Lạc Long Quân, Âu Cơ, Vua Hùng Vương để khán giả thấy được sự mới mẽ, hấp dẫn của nghệ thuật xiếc.

Vở diễn đã giới thiệu nét mới của xiếc với các tạo hình nhân vật Lạc Long Quân, Âu Cơ, Vua Hùng Vương

Cái khó đối với vở này là không chỉ xiếc đơn thuần, mà còn sử dụng vũ đạo, các tổ hợp múa, âm nhạc… để làm rõ hơn nội dung và thông điệp vở diễn, vì thế khá khó đối với nghệ sĩ xiếc. Trước đây các nghệ sĩ chỉ cần xiếc thôi, còn âm nhạc thì không cần để ý lắm nhưng bây giờ thì họ phải là từng động tác theo khuôn nhạc nhất định, do đó công tác tập luyện rất khó khăn và cực cho anh em”.

Cha Rồng mẹ Tiên diễn tại rạp xiếc công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP.HCM) vào các ngày 28, 29, 30.4 và 1, 2, 3.5. Lãnh đạo Nhà hát cho biết sau đợt công diễn này, các nghệ sĩ sẽ tiếp thu ý kiến của khán giả, hoàn thiện vở diễn hơn để tiếp tục biểu diễn phục vụ thiếu nhi vào ngày 1.6 và trong dịp hè.

THÙY TRANG (Báo Điện tử Văn Hóa)

Lần đầu có hội thi Nhạc kịch tiếng Anh về lịch sử

VHO- Khán phòng Nhà hát Bến Thành, TP.HCM mới đây chật kín khán giả là học sinh, phụ huynh và giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn TP. Các bạn nhỏ đến làm diễn viên, tham gia Hội thi Nhạc kịch tiếng Anh về lịch sử Việt Nam lần đầu được tổ chức. Cuộc thi đã mang đến sân chơi giáo dục – nghệ thuật vô cùng bổ ích, các tiểu phẩm lịch sử bằng tiếng Anh được cô trò thể hiện với tất cả nỗ lực và sáng tạo.

 Hội thi do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức, với sự tham gia của 44 đơn vị trường tiểu học trong toàn TP. Trước khi tham gia, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã tổ chức thi cấp cơ sở với sự tham gia tích cực, sôi nổi của 100% các trường tiểu học trên địa bàn. Sau đó, mỗi đơn vị đã chọn ra 2 tiết mục xuất sắc nhất để tham gia Hội thi cấp thành phố.

Tô đậm thêm lịch sử hào hùng của dân tộc

44 tiết mục của 44 trường tiểu học với sự tham gia, hóa thân thi diễn của hàng trăm học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Các em ca diễn, thoại bằng ngoại ngữ nhưng không quên diễn xuất, thể hiện được tâm lý nhân vật, toát lên sự hồn nhiên, đáng yêu và tô đậm thêm lịch sử dân tộc. Trong đó, học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) đã mang đến không khí hào hùng của những ngày tháng chống giặc cứu nước của lứa tuổi thiếu niên. Với tiểu phẩm dài 20 phút, Cánh chim bay về hướng mặt trời đã tái hiện không gian núi rừng của đồng bào dân tộc Nùng tại tỉnh Cao Bằng và cuộc đời của anh hùng nhỏ tuổi Kim Đồng. Không chỉ biểu diễn xuất sắc, trang phục của các nhân vật cũng được đầu tư chỉn chu, phù hợp, gây ấn tượng mạnh với người xem.

Theo bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà, thời gian đầu tập luyện, học sinh còn chưa quen nhưng quá trình tập dượt đã giúp các em tự tin hơn, hiểu được vai diễn của mình. Để có thể hoàn thành tiết mục, 87 học sinh các khối lớp 3, 4, và 5 đã tập luyện trong khoảng một tháng.

Tương tự, cô Phan Dư Hoài Ly, giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp cho hay, các cô trò vô cùng phấn khởi khi hoàn thành tiết mục về tiểu sử thời niên thiếu của Trạng Lường mà ngôi trường vinh dự được mang tên. Cô Hoài Ly cho hay: “Tiểu phẩm là sự phối hợp của các giáo viên tiếng Anh, lịch sử, âm nhạc và mỹ thuật của trường. Các cô giáo tiếng Anh thì vững chuyên môn nên không lo về thoại, các cô cũng yêu nhạc nên sáng tác rất nhanh, vì thế mà việc đưa lời mới bằng tiếng Anh vào nhạc nước ngoài hay nhạc dân gian cũng không quá khó với các cô. Còn về lịch sử, cô trò đều đã rất hiểu về Trạng Lường Lương Thế Vinh nên không gặp khó khăn khi thể hiện nhân vật, quan trọng nhất là đưa ra ý tưởng dân gian, phù hợp lứa tuổi học sinh để các em không thấy nặng nề”.

Nâng cao kỹ năng biểu diễn và giao tiếp với người nước ngoài

Theo cô Bùi Thị Hải Yến, sân chơi không chỉ giúp học sinh có thêm cơ hội trải nghiệm môn tiếng Anh mà còn nâng cao các kỹ năng diễn kịch, hát múa và giao tiếp với người nước ngoài.

Em Châu Nguyễn An Minh, học sinh lớp 5/1 Trường Tiểu học Tạ Uyên, huyện Nhà Bè cho hay, qua cuộc thi, em được biết thêm nhiều về lịch sử các vị anh hùng dân tộc, em cũng làm quen với nhiều bạn mới và học hỏi về khả năng nghe – nói tiếng Anh của các trường bạn. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ niềm vui vì thấy con em mình được tham gia sân chơi ý nghĩa, được hòa mình vào sân chơi nghệ thuật sau những giờ học căng thẳng.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc bày tỏ, Hội thi Nhạc kịch tiếng Anh về lịch sử Việt Nam đã tạo cơ hội cho học sinh sử dụng hiệu quả tiếng Anh để kể về lịch sử Việt Nam bằng hình thức sân khấu; từ đó, góp phần củng cố kiến thức lịch sử cũng như nâng cao năng lực tiếng Anh của các em, một hoạt động vô cùng ý nghĩa, góp phần thúc đẩy việc thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT tại TP.HCM. Hội thi cũng là cơ hội để các cán bộ quản lý và giáo viên đánh giá được hoạt động giảng dạy tiếng Anh của đơn vị mình.

“Sở GD&ĐT mong muốn Hội thi Nhạc kịch Lịch sử Việt Nam sẽ là một sân chơi lành mạnh dành cho học sinh tiểu học tại các trường trên địa bàn TP.HCM, tạo cơ hội cho các em sử dụng tiếng Anh một cách sáng tạo để tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc, giúp đề cao các nét đẹp văn hoá, lịch sử, các giá trị đạo đức, lòng yêu nước cho học sinh tiểu học. Từ đó, hướng tới vun bồi cho các em tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào với dân tộc. Đặc biệt, Hội thi cũng giúp các em có khả năng giới thiệu về lịch sử Việt Nam và lịch sử TP.HCM khi giao lưu và giao tiếp với khách quốc tế…”, ông Quốc nhấn mạnh.

Qua Hội thi, những tấm gương, câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc đã được các em học sinh truyền tải đến người nghe bằng lời nói, câu ca, điệu múa… với các tiểu phẩm bằng tiếng Anh vô cùng sáng tạo, đúng với lứa tuổi học trò. Nhạc kịch tiếng Anh về lịch sử Việt Nam đã góp phần đề cao các giá trị văn hóa, thấm nhuần giá trị đạo đức, tạo cơ hội cho các cán bộ quản lý, giáo viên đánh giá về cách hoạt động, giảng dạy tiếng Anh của đơn vị mình, bên cạnh đó cũng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường với nhau.

THÙY TRANG (Báo Điện tử Văn Hóa)

Bi kịch Mê Đê trên sân khấu cải lương: Chạm tới trái tim khán giả

VHO- Hai đêm diễn ra mắt vở bi kịch  Đê của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thực sự chạm tới trái tim khán giả, khiến họ trải qua các cung bậc tình cảm vui, buồn, si, hận cùng nàng Mê Đê. Vượt qua khoảng thời gian cách đây 2600 năm, kiệt tác bi kịch  Đê đã được tái hiện với phiên bản cải lương mang đậm giá trị nhân văn và thẩm mỹ đẹp từ nội dung cho tới hình thức thể hiện. 

Mê Đê đã làm sang cho sân khấu cải lương bởi thiết kế đơn giản nhưng xử lý không gian sân khấu đầy ấn tượng

Mê Đê  có sự hợp tác của những tên tuổi sáng giá: Dịch giả Hoàng Hữu Đản theo nguyên tác của tác giả Ơ-ri-pít, kịch bản kịch thơ: Lê Chức, kịch bản chuyển thể cải lương: Triệu Trung Kiên, đạo diễn: NSƯT Lê Chức, âm nhạc: NSND Trọng Đài, thiết kế sân khấu: NSƯT Doãn Bằng, biên đạo múa Thành Trung, phục trang NSƯT Minh Hùng.  Đã có ý kiến băn khoăn khi nghe tin Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng bi kịch cổ điển Mê  Đê, bởi lẽ bản thân kịch cổ điển chuyển sang kịch nói đã khó, đằng này kịch bản nguyên gốc được chuyển sang kịch thơ, rồi chuyển tiếp sang kịch bản cải lương… Qua nhiều lần chuyển ngữ sẽ khó khăn để có thể làm dung hòa cho hay, cho đẹp. Vậy mà khi Mê Đê trình diễn, ê kíp sáng tạo  đã thực sự tạo bất ngờ khi mang tới một phiên bản cải lương không những đảm bảo trọn vẹn giá trị của tác phẩm bi kịch gốc mà còn khiến cho Mê Đê trở nên mới mẻ, sang trọng và thấm đẫm giá trị nhân văn. Với Mê Đê, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thêm một lần minh chứng những nỗ lực đổi mới từ truyền thống bằng những cách tân và đổi mới đưa cải lương gần hơn tới đời sống xã hội và khán giả đương đại.

Hai nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam Minh Hải và Như Quỳnh đã thể hiện xuất sắc vai Ja Dông và Mê Đê

Sau 20 năm ẩn mình với vai trò đạo diễn, NSƯT Lê Chức đã trở lại với vị trí này và lại về chính nơi mà ông đã làm Giám đốc. Khi dàn dựng, vở kịch đã được tôn trọng tối đa tính nguyên bản của kịch kinh điển từ cốt truyện cho tới diễn tiến của kịch. Mê Đê kể từ khi ra đời đã là một vở bi kịch kinh điển về sự phản bội, lòng tham, ghen tuông và cuộc trả thù trong sân – hận bi thảm. Vì tình yêu, Mê Đê bất chấp tất cả, nàng đã lấy được tấm da cừu vàng thần thánh đem về cho chồng là Jadong giúp trả thù vua Pélias. Mê Đê phải cùng chồng và hai con chạy đến vương quốc Côranh ẩn thân. Tại đây, Jadong vì muốn khôi phục địa vị đã phản bội, ruồng bỏ mẹ con nàng ở nơi đất khách quê người để lấy công chúa, con vua Creong trị vì Coranh. Biết Mê Đê là người đàn bà thông minh nhưng tâm địa độc ác, để bảo vệ bản thân và con gái, vua Creong quyết định đuổi mẹ con Mê Đê ra khỏi xứ sở của mình. Và chỉ 1 ngày, Mê Đê đã làm nên một tấn bi kịch mà ngàn đời sau nhân loại còn kinh sợ. Người phụ nữ vốn xinh đẹp kiêu sa như hóa dại, cuồng vọng với âm mưu trả thù những người đã làm cho nàng đau khổ. Kết quả, đức vua và công chúa trúng độc mà chết. Cô cũng tự tay đâm chết hai con, kết thúc những khổ đau.

Vở diễn huy động hai kíp diễn với những diễn viên tài năng của Nhà hát: Ninh Thị Như Quỳnh, Nguyễn Thị Hà (Vai Mê Đê), Nguyễn Minh Hải, Trần Ngọc Tuấn (vai Ja Dông – Chồng Mê Đê), Quách Xuân Thông, Lê Xuân Hùng (vai Creong, Vua xứ Coranh), Cù Đức Hảo, Nguyễn Văn Đáng (vai Ê Giê, vua xứ Aten)… Để diễn tả thành công một vai diễn trong bi kịch kinh điển đã là một thử thách đối với một người diễn viên, đằng này khi vở kịch chuyển thể sang cải lương đòi hỏi người diễn viên vừa phải diễn và ca, cái khó sẽ lại càng khó hơn nhưng có thể thấy sự tự tin, chắc nghề của dàn nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, sự đóng góp của các nghệ sĩ vào vở diễn không hề nhỏ. Đáng kể tới vai Mê Đê, nhân vật trung tâm của vở do nghệ sĩ Như Quỳnh thể hiện ở những suất diễn đầu tiên đã thật sự khiến khán giả và bạn nghề khâm phục. Nàng Mê Đê của Như Quỳnh trông mảnh mai, thậm chí rất mong manh nhưng lại vô cùng cứng rắn, mãnh liệt. Như Quỳnh đã thực sự bùng cháy và thổi sinh khí để có một Mê Đê thành công trên sân khấu cải lương. Khán giả dõi theo từng trạng thái biến đổi tâm lý của Mê Đê từ yêu thương cho tới thù hận, hiểu được sâu thẳm nội tâm của Mê Đê qua từng ánh mắt, cử chỉ. Hiểu được nỗi đau của người phụ nữ bị chồng phụ bạc, để rồi giằng xé nội tâm để quyết định đi đến tội ác khủng khiếp nhất của người mẹ đó là giết con. Mê Đê không chấp nhận chỉ là trò chơi để người chồng cợt nhả, ruồng rẫy…

Điều thành công nhân của vở Mê Đê đó là tác phẩm đã thành công khi khắc họa bi kịch thẳm sâu trong tâm lý của người phụ nữ, người vợ và người mẹ. Dù nói về xã hội Hy Lạp cổ đại nhưng vở diễn mang hơi thở thời đại – Mê Đê đã đấu tranh cho bình đẳng giới, đấu tranh cho quyền sống chính đáng của con người. Tham vọng quyền lực, tham vàng phụ ngãi dẫn tới phản bội tình yêu và gia đình, bi kịch của nàng Mê Đê phải gánh chịu có vẻ như không mấy xa lạ gì với xã hội hiện đại hôm nay. Điều đáng nói hơn đó là khi tấn bi kịch ấy được đưa lên ngôn ngữ sân khấu cải lương đã biểu đạt khốc liệt hơn rất nhiều. Đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo đã xoáy sâu vào lý giải những hành động của nhân vật Mê Đê để hiểu vì sao nàng lại có thể có sự trả thù đầy khủng khiếp đến vậy từ việt giết vua, giết nhân tình của chồng và cuối cùng là giết luôn cả hai con ruột của chính mình. Nỗi đau và sự trả thù của Mê Đê được hiểu như một sự trả giá quá đắt cho sự mất lòng tin ở con người. Người xem thấy được tấn bi kịch của người phụ nữ nói chung và của những người phụ nữ trong xã hội Hy Lạp cổ đại nói riêng.

Trong cách dàn dựng, đạo diễn NSƯT Lê Chức không phô trương, không hình thức chủ nghĩa mà khai thác sâu về nội tâm của các nhân vật theo đúng hình tượng nhân vật của vở, ông và ê kíp sáng tạo đã khai thác tận cùng ý nghĩa của vở diễn. Một vở kịch mang màu sắc của văn hoá Hy Lạp, trang trí sân khấu được tối giản chủ đạo là các dải lụa nhiều màu sắc nhưng lại biến hoá khôn lường. Các diễn viên mặc phục trang trắng giản đơn, có thêm khăn choàng làm điểm nhấn giúp hóa thân vào các nhân vật của thế giới Hy Lạp cổ đại. Dàn đồng ca trong vở được đạo diễn xử lý giống như một dàn đế trong sân khấu chèo truyền thống, 10 cô gái trong dàn đồng ca như 10 phiên bản của Mê Đê, trực tiếp tham gia vào các tình huống trong vở.

Bước ra khỏi khán phòng Nhà hát Lớn dường như nhiều khán giả đã thật sự khóc cùng với nàng Mê Đê… Sân khấu Việt Nam dựng Mê Đê ở thời điểm này không thừa bởi lẽ đằng sau bi kịch của Mê Đê, mỗi người đều có thể rút ra cho mình một bài học lớn đó là hạnh phúc của con người khi đã xây lên thì đừng đánh mất, đừng phá bỏ…

 Hướng cải lương tới khán giả trẻ

Sân khấu cải lương cũng như các loại hình sân khấu khác đang rất thiếu những kịch bản hay nên lựa chọn dựng Mê Đê là cách làm phong phú cho kịch mục của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Cải lương dựng kịch kinh điển không có gì là khó khăn bởi vốn dĩ đặc trưng của loại hình này đó là luôn đổi mới và tiếp nhận những yếu tố mới, kể cả là kịch phương Tây. Việc thể hiện các nhân vật trong kịch kinh điển giúp cho các nghệ sĩ của Nhà hát trưởng thành hơn, vững vàng hơn rất nhiều. Nhà hát đã có một suất diễn ủng hộ đoàn thể thao khuyết tật tham gia Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 tại Campuchia vào tối 12.4. Hiện nay, Nhà hát cũng đang có kế hoạch kết hợp với một số doanh nghiệp đưa Mê Đê diễn phục vụ miễn phí cho sinh viên, đưa cải lương tiếp cận gần hơn với người trẻ

(Giám đốc, NSND Triệu Trung Kiên)

THUÝ HIỀN, Ảnh: TẤN QUANG (Báo Điện tử Văn hóa)

Nhà hát Tuổi Trẻ kỷ niệm 45 năm thành lập: Xứng danh thương hiệu “Tuổi Trẻ” trong lòng khán giả

VHO-Sáng 10.4 tại Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập (1978-2023). Tới dự buổi lễ có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; Bí thư Đảng ủy Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng đông đảo các thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, tập thể lãnh đạo, các cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động của Nhà hát Tuổi Trẻ ở các thời kỳ đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng và phát triển Nhà hát. Từ môi trường làm việc chuyên nghiệp của Nhà hát đã đào tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ thành danh, được công chúng mến mộ, trở thành những hạt nhân cho nền nghệ thuật nước nhà, có thể kể đến như: Phạm Thị Thành, Trần Tiến Thuật, Lê Hùng, Trương Nhuận, Chí Trung, Nguyễn Sĩ Tiến, Anh Tú, Lan Hương, Lê Khanh, Minh Hằng, Ngọc Huyền…

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm

Với hơn 500 vở diễn, chương trình nghệ thuật, khai thác ở nhiều nhóm tác phẩm gồm các tác phẩm dành cho thiếu nhi, nhóm tác phẩm chính luận – tâm lý xã hội, nhóm tác phẩm kinh điểm-lịch sử-hợp tác quốc tế, nhóm tác phẩm hài kịch-ca nhạc, với nhiều thể loại: kịch nói, ca múa nhạc, nhạc kịch, kịch hình thể… đã giành nhiều giải thưởng cao tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và các kỳ liên hoan sân khấu quốc tế cho thấy được tài năng, tâm huyết của các nghệ sĩ, sự nỗ lực của tập thể Nhà hát trong suốt chặng đường phát triển.

Giám đốc, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Trong bối cảnh giao lưu văn hoá và hội nhập quốc tế, Nhà hát đã làm tốt công tác sưu tầm, nâng cao và phát triển nghệ thuật biểu diễn dành cho tuổi trẻ nước nhà đi đôi với việc tiếp thu, học hỏi những cái hay, cái đẹp của các nước có nền nghệ thuật biểu diễn tiên tiến trên thế giới góp phần làm phong phú thêm các loại hình nghệ thuật hấp dẫn và lôi cuốn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nhà hát đã hoàn thành được trách nhiệm là kiến tạo, lan tỏa những giá trị đẹp nhất của văn học nghệ thuật đến công chúng và bạn bè quốc tế. Với những cống hiến không ngừng nghỉ của các thế hệ, tập thể Nhà hát Tuổi Trẻ và nhiều cá nhân đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động Hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Nhiều cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như NSND, NSƯT…

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá cao sự nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo quản lý, viên chức, người lao động Nhà hát Tuổi Trẻ, sự đồng hành, phối hợp của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ chấn hưng văn hóa. Thứ trưởng nhận định, 45 năm qua Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam đã làm tốt sứ mệnh khi được thành lập với mục tiêu xây dựng các chương trình nghệ thuật như kịch nói, ca múa nhạc và kịch câm… phù hợp với thị hiếu, tâm lý của thanh, thiếu nhi nhằm góp phần giáo dục thẩm mỹ, tư tưởng, đạo đức, phong cách sống cho thế hệ trẻ.

Để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh lan tỏa những điều tốt đẹp thông qua nghệ thuật đến với công chúng nói chung và thế hệ trẻ nói riêng trong giai đoạn mới, đáp ứng sự phát triển chung của ngành và hiện thực hóa niềm tin, sự kỳ vọng của xã hội, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Nhà hát tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nhà hát cần phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên… đưa Nhà hát phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.  Tiếp tục cố gắng phấn đấu nhằm tạo cho được một phong cách riêng, độc đáo và hấp dẫn khán giả trẻ. Xây dựng tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng cao phù hợp với thị hiếu, tâm lý của tuổi trẻ, góp phần giao dục thẩm mỹ, tư tưởng, đạo đức, phong cách sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống của cán bộ, nghệ sĩ và người lao động. Thứ trưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng lãnh đạo nhà hát cùng tập thể cán bộ, nghệ sĩ, người lao động Nhà hát Tuổi Trẻ với kinh nghiệm và nhiệt huyết sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu của Nhà hát Tuổi Trẻ đạt những thành tựu mới.

Đại diện các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ cảm xúc tại Lễ kỷ niệm 

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Tạ Quang Đông, thay mặt toàn thể cán bộ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, Giám đốc, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến tiếp thu ý kiến chỉ đạo và xin hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị, đoàn kết đổi mới, xây dựng Nhà hát Tuổi trẻ vững mạnh, phát triển toàn diện xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, nhà nước với sự tin yêu của công chúng trong và ngoài nước. Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục các mục tiêu chiến lược như: Xây dựng được một đội ngũ nghệ sĩ mang bản sắc của “Tuổi Trẻ”, có diện mạo, phong cách riêng. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện để mỗi nghệ sĩ phát triển bản thân, khẳng định thương hiệu cá nhân và từng bước trưởng thành cùng với thương hiệu Nhà hát. Là thành viên tổ chức ASSITEJ, Hiệp hội sân khấu thế giới dành cho trẻ em, nhà hát luôn chú trọng các thử nghiệm mới, mời các đạo diễn trong và ngoài nước hợp tác, sáng tạo với cách tiếp cận nội dung đa dạng, không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, hiện đại đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày một khắt khe của khán giả trẻ. Mặt khác, chúng tôi cũng mong muốn góp phần giới thiệu xu thế sân khấu thế giới đương đại, giúp nâng cao thị hiếu khán giả, qua đó nuôi dưỡng, xây dựng những hoài bão và ước mơ, là nơi rèn luyện tư duy và phẩm chất cho những người trẻ tuổi thông qua nghệ thuật, đồng thời tạo cú hích tìm tòi, đổi mới chính mình”, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến nói.

45 năm ấy biết bao nhiêu tình cảm gắn bó của các thế hệ nghệ sĩ, cán bộ

Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ với sự hiện diện của nhiều thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ đã làm nên tên tuổi, thương hiệu của Nhà hát. Những chia sẻ của đại diện các thế hệ nghệ sĩ tài năng như: NSND Lê Khanh, NSND Ngọc Huyền, Nguyệt Hằng, Bá Anh, Thu Nga, Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Chí Huy…  đã thể hiện tình yêu, sự nhiết huyết đam mê với nghệ thuật và gắn bó cả cuộc đời với thương hiệu Nhà hát Tuổi Trẻ. Tại Lễ kỷ niệm 6 tập thể của Nhà hát Tuổi Trẻ đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL trao tặng.

Cũng vào dịp tròn 45 năm tuổi, khán giả Thủ đô đã  có cơ hội thưởng thức các tác phẩm đặc sắc trong chuỗi các chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng ngày kỷ niệm do các nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn, đặc biệt sự tái xuất của những nghệ sĩ ‘lão làng”làm nên thương hiệu của Nhà hát Tuổi Trẻ tham gia trong chương trình Đời cười tuyển chọn đã mang lại sự trải nghiệm độc đáo đầy áp tiếng cười và cảm xúc.

“Nhìn lại chặng đường 45 năm hình thành và phát triển của Nhà hát ví như “một chương trình đặc biệt” được xây dựng từ sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao của tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên và người lao động của Nhà hát Tuổi Trẻ qua các thời kỳ. Bằng sức sáng tạo nghệ thuật, khát khao cống hiến, Nhà hát đã dàn dựng nhiều vở diễn đáp ứng yêu cầu chất lượng, sống mãi trong lòng công chúng, thiết lập mối quan hệ trao đổi về nghệ thuật với nhiều đơn vị nghệ thuật tại nhiều quốc gia, góp phần quảng bá vẻ đẹp đất nước, văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ môi trường làm việc chuyên nghiệp của Nhà hát đã góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh, được công chúng mến mộ, trở thành những hạt nhân cho nền nghệ thuật nước nhà. Những đóng góp của Nhà hát đã được Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, xứng danh là Nhà hát của Tuổi Trẻ. Tiếp nối truyền thống 45 năm vẻ vang của Nhà hát, trong thời gian tới, tôi mong muốn và tin tưởng rằng các cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên và người lao động Nhà hát sẽ phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp trong 45 năm qua và xứng đáng với lời Bác Hồ kính yêu mong muốn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

(Trích thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ VHTTDL NGUYỄN VĂN HÙNG)

THÚY HIỀN; ảnh: QUANG VINH (Báo Điện tử Văn hóa)