NTĐ) – Sau một thời gian mong chờ quá lâu, cuối cùng thì công trình vĩ đại Nhà hát Kim Mã cũng đã hoàn thành. Ngôi nhà mới của Nhà hát Chèo Việt Nam đã được cắt băng khánh thành hơn 1 tuần, đúng vào dịp mừng sinh nhật Bác và chào mừng ngày bầu cử Quốc hội.
Tối qua, vở diễn Những vần thơ thép (tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn NSND Bùi Đắc Sừ) đã được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Người xem đến trực tiếp hoặc thông qua truyền hình đã được chiêm ngưỡng một nhà hát “hoành tráng” cho một bộ môn nghệ thuật kịch hát truyền thống đang có nguy cơ mai một. Toàn bộ khán phòng có 506 chỗ ngồi, ghế rộng, bọc nhung lịch sự hơn Nhà hát Lớn. Khán phòng chính có 2 tầng, có lô VIP. Sân khấu đa năng với độ sâu dài 3m, chiều ngang không tính cánh gà dài 14m, vừa là sân khấu hộp, vừa là sân khấu 3 mặt, thích hợp cho nhiều loại hình biểu diễn khác nhau, bên cạnh sân khấu có hố nhạc. Trong tương lai, sân khấu sẽ di động, kéo dài qua hố nhạc, đến gần hơn với khán giả giống như chiếu chèo sân đình xưa, có vị trí để khán giả có thể tiếp cận sân khấu hộp và sân khấu 3 mặt. Đó là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để với sân khấu này, không chỉ chèo mà còn nhiều thể loại khác như kịch, cải lương, thậm chí cả nhạc nhẹ cũng có thể biểu diễn được.
Nhà hát Kim Mã hôm nay được sửa sang trên nền của Nhà hát Chèo Việt Nam cách nay đã hơn 10 năm. Được hoàn thiện từ năm 1990, là tâm sức phấn đấu trong 15 năm của nhiều đời giám đốc, nhưng đến năm 1995 xảy ra hiện tượng lún nứt, nhà hát đành phải “đắp chiếu” nằm đấy. Nhà hát rút về đại bản doanh Văn công Mai Dịch và diễn thì đi thuê rạp. Thời gian dần trôi, qua nhiều kỳ Quốc hội, kỳ họp nào cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin về nhà hát. Cuối cùng thì Nhà nước cũng quyết định đầu tư 24,6 tỷ đồng để có được công trình này. Theo Giám đốc Nhà hát Bùi Đắc Sừ thì trong con mắt của những người làm nghề thì “Nhà hát không dám nói đã đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng nó thực sự trở thành ngôi nhà của nghệ thuật Chèo”. Bởi nhà hát không chỉ là nơi biểu diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam mà còn là của 18 đoàn chèo trong cả nước. Dẫu rằng còn thiếu thiết bị âm thanh, ánh sáng, cơ khí sân khấu nhưng nhìn vào nhà hát này, những người làm chèo và công chúng nhận thấy nhà hát đã hoàn thành nhiệm vụ tu sửa nhà hát, không phải theo cái cũ mà đã phát triển lên theo một hướng đi mới nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc truyền thống dân tộc.
Có nhà mới, bước sang một chặng đường phát triển mới, Nhà hát Chèo Việt Nam đang đứng trước những khó khăn để có thể duy trì hoạt động của nhà hát trong tương lai. Nhà hát hiện có 136 cán bộ, diễn viên, lại vừa được bổ sung thêm đội ngũ 20 học sinh do nhà hát đào tạo tại trường Sân khấu Điện ảnh được chia thành 2 đoàn hát. Bây giờ trở về với sân khấu chính thống, Nhà hát Chèo không những có hai đoàn nghệ thuật đó mà Bộ VH-TT và cục Nghệ thuật đã đồng ý cho nhà hát thành lập thêm một đoàn nghệ thuật. Đó là đoàn nghệ thuật truyền thống, giới thiệu với khán giả trong nước cũng như nước ngoài đây là nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam, một nghệ thuật chân chính, nghệ thuật đích thực Chèo, đặc biệt là 9 vở chèo cổ. 2 đoàn hát bên cạnh diễn những vở chèo truyền thống còn cải biên cho phù hợp với xu thế hiện đại trên cơ sở tôn trọng nghệ thuật chèo. Ví dụ như vở Những vần thơ thép trên 100 diễn viên, phát triển nghệ thuật chèo trên cơ sở tập thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ, có những vở ngắn gọn với vài ba diễn viên, nhưng phải khẳng định một điều đó là nghệ thuật tại Nhà hát Kim Mã là đích thực Chèo, hiện đại hay cách tân, lai căng hay phá cách Chèo thì anh cả của ngành không được phép. Chính vì vậy, cả phòng nghệ thuật, cả nghệ sỹ và diễn viên, có rất nhiều show diễn từ biểu diễn hợp đồng, phối hợp với múa rối đến nước ngoài, khi có nhà hát đều đã khẳng định sẽ quay lại nhà hát đồng tâm nhất trí vì một mục tiêu biểu diễn phục vụ những mục đích cao cả nhất. Tại nhà hát mới, nói một cách nghiêm túc chèo không phải tối nào cũng đỏ đèn nhưng những người làm chèo sẽ cố gắng tuần nào cũng phải có chèo, cho dù đó là sân khấu nhỏ hay sân khấu lớn và phải có chất lượng. Nhà hát hiện có khoảng 10 đạo diễn và tác gia, dàn dựng những vở diễn lớn và những tiết mục nhỏ, có thể diễn trong giai đoạn thời sự nhất định.
Bên cạnh sân khấu lớn thì nhà hát cũng xây dựng thêm một sân khấu nhỏ là một căn phòng trống, sức chứa 100 chỗ ngồi. Khi trải chiếu hoa căn phòng này sẽ biến thành chiếu chèo sân đình, còn nếu kê sân khấu, nó sẽ trở thành sân khấu hộp dành cho nhiều loại hình khác.
Một nhà hát tương xứng với vị trí anh cả trong làng chèo, nằm tại một địa điểm thuận lợi trong thành phố đã có những tín hiệu vui. Hầu hết những buổi biểu diễn dù chưa bán được vé nhưng luôn chật kín chỗ đã là thành công của một môn nghệ thuật truyền thống có từ nghìn xưa. Hy vọng rằng cư đã an thì nghiệp sẽ lạc.